Đấu giá bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” của Mai Trung Thứ

Bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” gợi nhắc lại bức “Chân dung Madam Phương” – tác phẩm đang giữ kỷ lục về giá trả cho một tác phẩm của mỹ thuật Việt tại một cuộc đấu giá.

Vào ngày 14/12 tới đây, cuộc đấu giá “Mapping Modernities” (Phác họa những nét hiện đại) sẽ được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tiến hành.

Trong cuộc đấu giá sẽ có 4 bức họa của danh họa Mai Trung Thứ (1906 – 1980) được đem ra rao bán. Sau kỷ lục về giá mà bức “Chân dung Madam Phương” của danh họa Mai Trung Thứ từng xác lập trong năm nay, nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng khi giới thiệu loạt 4 tác phẩm của vị danh họa này.

Đấu giá bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông của Mai Trung Thứ - 1
Bức “Chân dung Madam Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 năm nay, tác phẩm đạt mức giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỷ đồng). Bức tranh sơn dầu có kích thước 135,5 x 80cm được thực hiện vào năm 1930 (Ảnh: Sotheby).

Các tác phẩm này được thực hiện trong nhiều thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn khởi đầu trong sự nghiệp của ông hồi đầu thập niên 1930, cho tới những năm tháng cuối cùng của ông trong sự nghiệp hội họa hồi thập niên 1970.

Những bức tranh này vốn nằm trong một bộ sưu tập tranh tư nhân ở Châu Âu, người chủ của bộ sưu tập vốn có mối quan hệ thân tình với gia đình của danh họa Mai Trung Thứ. Cả 4 bức tranh đều được nhà sưu tầm mua hồi thập niên 1990 một cách trực tiếp từ gia đình của danh họa Mai Trung Thứ.

Hãy cùng chiêm ngưỡng 4 tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ sắp xuất hiện trên thị trường đấu giá:

Đấu giá bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông của Mai Trung Thứ - 2
Bức tranh sơn dầu “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” được thực hiện hồi năm 1937 (Ảnh: Sotheby).

Bức tranh sơn dầu “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” được thực hiện hồi năm 1937. Tác phẩm có kích thước 98 x 71 cm. Mức giá ước đoán mà nhà đấu giá đưa ra cho tác phẩm dao động trong khoảng từ 5 triệu – 7 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 14,6 tỷ đồng – 20,5 tỷ đồng).

Những bức tranh sơn dầu được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện trong giai đoạn đầu của sự nghiệp rất hiếm có, cho tới nay ước tính chỉ có khoảng 7 bức từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá. Bức họa này còn gợi nhắc về bức “Chân dung Madam Phương” – tác phẩm đang giữ kỷ lục về giá trả cho một tác phẩm mỹ thuật được thực hiện bởi một họa sĩ người Việt tại cuộc đấu giá.

Nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông đánh giá bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” có nhiều nét tương đồng với bức “Chân dung Madam Phương” từ chất liệu thực hiện, cho tới phần hình ảnh. Trong cả hai bức tranh, hai người phụ nữ đều mặc áo dài màu xanh.

Danh họa rất yêu thích hình ảnh chiếc áo dài màu xanh, có ít nhất 5 tác phẩm của ông trong giai đoạn này có khắc họa hình ảnh chiếc áo dài xanh.

Dù vậy, danh tính của người phụ nữ xuất hiện trong bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” không được biết đến. Người ta chỉ biết rằng họa sĩ khắc họa một người đẹp mà ông đã gặp trong quãng thời gian ông lưu lại Huế.

Đấu giá bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông của Mai Trung Thứ - 3
Bức tranh lụa “Giai điệu” được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1966. Tác phẩm có kích thước 36,5 x 79,5 cm. Tác phẩm có mức giá ước đoán từ 1,2 triệu – 1,8 triệu đô la Hồng Kông (Ảnh: Sotheby).
Đấu giá bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông của Mai Trung Thứ - 4
Bức tranh lụa “Cô gái đang nằm” được Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1964, tranh có kích thước 23 x 36 cm. Nhà đấu giá ước đoán mức giá trả cho tác phẩm dao động trong khoảng từ 800.000 – 1,5 triệu đô la Hồng Kông (Ảnh: Sotheby).
Đấu giá bức Người phụ nữ đội nón đứng bên sông của Mai Trung Thứ - 5
Bức tranh lụa “Tĩnh vật” được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1970. Tác phẩm có kích thước 22 x 36,5 cm. Tác phẩm được nhà đấu giá ước tính có giá dao động trong khoảng từ 420.000 tới 650.000 đô la Hồng Kông (Ảnh: Sotheby).

Bích Ngọc / heo Sotheby

Cách nhanh nhất để phá hủy một con người: Cổ vũ họ phải luôn chăm chỉ

Cách nhanh nhất để phá hủy một con người: Cổ vũ họ phải luôn chăm chỉ
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta rất bận rộn nhưng lại không có bất kỳ mục đích nào, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Trạng thái này được gọi là “chăm chỉ mù quáng”. Một đời người vỏn vẹn mấy mươi năm, đừng để sự “chăm chỉ mù quáng” cản lối bạn đến với thành công.

Không biết mọi người từng có cảm nhận thế này không: Luôn nỗ lực học tập, tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng dường như chẳng thu hoạch được gì; Luôn kiên trì tập gym, ép mình luyện tập đến điên cuồng nhưng không mấy hiệu quả, vẫn không có được một cơ thể lý tưởng; Được mọi người khen ngợi là tự giác, cần cù, chăm chỉ nhưng kết quả thường chẳng như mình mong muốn.

Dù là rơi vào trường hợp nào, bạn cũng có thể đã mắc phải tình trạng “chăm chỉ mù quáng”. Bạch Nham Tùng từng nói: “Vừa ngu xuẩn vừa nỗ lực mới là đáng sợ nhất”. Đọc đến đây, có người không khỏi hoài nghi: “Chăm chỉ không tốt hay sao? Sao lại có khái niệm “chăm chỉ mù quáng” nữa?”

Nhưng quả thực là có đấy. Nếu như sự chăm chỉ chỉ dừng ở lớp bề mặt mà không chạm tới bản chất, tất cả nỗ lực đều sẽ là vô ích.

Thế nào là “chăm chỉ mù quáng”?

Chăm chỉ mù quáng nói chính xác là bận rộn không mục tiêu. Giáo sư, chuyên gia tâm lý học Jordan Peterson từng nghiên cứu về 4 biểu hiện của “chăm chỉ mù quáng”:

1.Tiêu tốn phần lớn thời gian làm những phần việc dễ dàng nhất, còn đi khoe khoang khắp nơi rằng mình không góp công cũng góp sức

Có rất nhiều người như vậy. Ví dụ, khi còn đi học, bạn ngồi ở thư viện cả một ngày nhưng chẳng mở được mấy trang sách, phần lớn thời gian đều dùng để chơi game, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc. Hết một ngày, có vẻ bạn vất vả thật đấy, dù gì bạn cũng đã khắc phục được ham muốn đi chơi, chống lại được sự lôi kéo của chiếc giường êm ấm, thế nhưng làm vậy cũng chẳng có ích gì. Bởi bạn không hiểu rõ bản thân mình đến thư viện để làm gì, chỉ là bạn đang chấp hành hành động này, nghĩ rằng mình ở đó có thể tự động hấp thu kiến thức, bỏ công sức ra thì sẽ có thu hoạch.

Trong công việc, bạn dùng một cách ngu ngốc để thống kê số liệu, không chỉ lãng phí thời gian mà còn dễ dàng xảy ra sai sót. Bạn sẽ mãi không làm xong được công việc, hoặc trong số liệu có rất nhiều lỗi, rất dễ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của người khác. Khi bị người khác chất vấn, bạn kích động mà nói ra câu bao biện rằng bản thân mình không có công cũng có sức, câu nói này chẳng thể giải quyết được vấn đề gì, thậm chí bạn còn có thể bị coi thường.

Có câu nói: “Người có năng suất làm việc thấp là người hay nhấn mạnh bản thân mình đã bỏ ra nhiều thế nào!” Nếu như “chăm chỉ mù quáng” cũng phân cao thấp, chắc chắn kiểu “không góp công cũng góp sức” sẽ thuộc tầng đáy. Bởi bạn đã không thực sự cố gắng, sự cố gắng của bạn chỉ là lớp ngụy trang giả dối mà thôi.

2. Lấy cớ “đang chuẩn bị” để trì hoãn, nhìn có vẻ rất bận rộn nhưng công việc không hề có chút tiến triển nào

Khi chúng ta làm một việc gì đó rất quan trọng, chúng ta luôn nhấn mạnh rằng bản thân chưa chuẩn bị xong, vẫn luôn dừng ở giai đoạn điều tra nghiên cứu, thu thập tài liệu mà không thực sự xúc tiến công việc này.

Trước đây khi tôi thi bằng lái xe, tôi vốn chỉ định đi luyện tập vào cuối tuần, nhưng cứ hễ bị các công việc khác gián đoạn hoặc khi bản thân lười biếng thì sẽ rất dễ trì hoãn, lúc nào cũng muốn đợi qua thời gian này sẽ tập trung sức lực luyện tập. Kết quả là lúc nào cũng trong trạng thái “đang chuẩn bị” mà không hành động, cuối cùng trì hoãn hơn nửa năm cũng không học xong. Sau đó, tôi thấy như vậy không ổn, liền ép bản thân hễ rảnh là phải đi tập. Sau khi được huấn luyện viên hướng dẫn, tôi cùng ba học viên khác, sau khi kiên trì luyện tập hơn hai tuần đã thuận lợi vượt qua kỳ thi.

Vốn nghĩ mọi chuyện rất khó, phải xây dựng kế hoạch lâu dài mới có thể thực hiện được, nhưng khi bạn đầu tư thời gian, hạ quyết tâm hoàn thành nó thì sẽ phát hiện nó không hề khó chút nào. Nếu muốn hoàn thành bất cứ một việc gì, bạn phải lập tức hành động chứ không phải cứ lập kế hoạch mãi.

3. Trước giờ chưa từng kiểm tra hiệu quả công việc, chỉ biết cắm đầu kéo xe

Rất nhiều người chỉ biết hoàn thành công việc của bản thân, nộp bài lên cho cấp trên cho xong mà rất ít khi chủ động hỏi về phản hồi công việc. Việc gì cũng chỉ đặt mục tiêu là hoàn thành cho công việc, không cần biết chất lượng công việc tốt hay xấu, cũng không đối chiếu đáp án với lãnh đạo, không sửa sai, không nghĩ xem có nên đổi phương pháp và tư duy mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc hay không.

Vì không trao đổi, không suy nghĩ, cũng không biết công việc mình làm tốt hay không, cứ cúi đầu làm mãi, không ngẩng đầu nhìn đường nên rất dễ dàng rơi vào tình trạng bận rộn và chăm chỉ hiệu quả thấp. Loại “chăm chỉ mù quáng” này khiến bạn cứ mãi lẩn quẩn trong trạng thái hiệu suất thấp, không thấy được đường dài, không nghe được phản hồi từ người khác, thậm chí khiến bạn rơi vào lối tư duy “có lẽ mình không làm sai đâu, nếu không thì sao lại không có ai tìm mình”.

Vì vậy nhất định phải lắng nghe phản hồi, lập tức lắng nghe phản hồi! Mọi nỗ lực không lấy việc kiểm nghiệm và bỏ công sức làm mục tiêu đều không được gọi là nỗ lực. Chỉ có chủ động tìm kiếm phản hồi, gánh vác trách nhiệm lớn lao hơn, tham dự vào những công việc quan trọng hơn mới là phương pháp hiệu quả duy nhất để nâng cao bản thân.

4. Đọc rất nhiều sách, nhưng chưa từng tổng kết quy luật

Rất nhiều người thích đọc sách, tham gia các khóa học bồi dưỡng… nhưng lại rất ít khi ghi chép, tổng kết suy nghĩ, đồng thời vận dụng những tri thức và kỹ năng mà mình học được vào trong công việc. Có lẽ họ chăm chỉ hơn ai hết, nhưng hiệu quả học tập lại chẳng đâu vào đâu.

Đa số mọi người đều từng tải rất nhiều tài liệu học tập về máy, tích trữ rất nhiều sách, tồn rất nhiều công việc nhưng lại không tiêu hóa và hấp thụ chúng. Nhìn có vẻ rất chăm chỉ, rất nỗ lực, nhưng thực tế chỉ là thỏa mãn ảo tưởng học tập do bản thân tạo ra mà thôi.

Hồi cấp 2 tôi học toán không tốt, cứ nghĩ rằng làm nhiều đề sẽ giỏi lên, cho đến một ngày đàn anh hướng dẫn tôi nói, tất cả các dạng bài đều có phương pháp làm, đừng chỉ thấy ra được kết quả là xong, bản thân phải biết suy nghĩ vì sao phải làm như thế. Nhờ tư duy và luyện tập, tôi dần phát hiện rất nhiều mô hình đề có cấu trúc cố định, cùng một phương pháp có thể giải được vô số bài toán. Từ đó thành tích môn toán của tôi bắt đầu tiến bộ vượt bậc. Chỉ máy móc làm đề và ghi nhớ tất cả các bài toán sẽ không bao giờ có hiệu quả.

Nếu việc bạn đang làm vẫn luôn không có kết quả, hãy đối chiếu với 4 loại biểu hiện trên mà suy nghĩ, nếu không bạn sẽ chỉ mãi xoay vòng trong tác hại của “chăm chỉ mù quáng”. Có mười năm kinh nghiệm và một kinh nghiệm dùng mười năm khác biệt nhau hoàn toàn, vế trước giúp bạn nâng cao trình độ bản thân, vế sau sẽ chỉ khiến bạn giậm chân tại chỗ.

Cách nhanh nhất để phá hủy một con người: Cổ vũ họ phải luôn chăm chỉ - Ảnh 1.

Làm thế nào để khắc phục “chăm chỉ mù quáng”

“Chăm chỉ mù quáng” không phải không thể sửa, dưới đây là một số phương pháp giúp chúng ta cải thiện vấn đề này.

1. Đừng lặp lại công việc hiệu suất thấp

Bất cứ nhiệm vụ nào cũng có thể được phân thành 2 bộ phận: dễ và khó. Bạn nên phân chia thời gian hợp lý như thế này: Nhanh chóng giải quyết phần việc dễ, dùng thời gian tiết kiệm được để xử lý phần việc khó. Nhất định không được dành phần lớn thời gian vào những việc đơn giản nhất, dành 20% thời gian để giải quyết việc dễ, còn lại dùng 80% thời gian để suy nghĩ, nghiên cứu những vấn đề hóc búa. Thà chậm mà hiệu quả cao còn hơn là cứ lặp đi lặp lại công việc với hiệu suất thấp.

2. Nâng cao hiệu suất, quản lý thời gian hiệu quả

Nhận thức rõ về bản thân, phân loại công việc hiệu quả, đâu là những việc bạn có thể làm tốt, đâu là những việc bạn cần dành nhiều thời gian và sức lực hoàn thành, sau đó sắp xếp thời gian, viết ra những nhiệm vụ ngày hôm đó. Nhất định phải viết nhiệm vụ ra, chứ không phải chỉ nghĩ trong đầu. Để những nhiệm vụ trở nên hữu hình, thúc đẩy chúng ta hành động, hoàn thành chúng một cách xuất sắc trong thời gian có hạn.

3. Nhìn lại phản hồi công việc, lấy kết quả làm kim chỉ nam

Những trường đại học tốt sẽ không vì bạn học tập vất vả mà thu nhận bạn dù thành tích bạn không tốt, sếp bạn cũng sẽ không vì bạn tăng ca không ngơi nghỉ mà trả lương cao cho bạn dù không đạt KPI. Nhất định phải quan sát phản hồi kết quả của bạn, nếu kết quả không như mong muốn chứng tỏ bạn chưa đủ nỗ lực, hoặc do cách bạn nỗ lực không đúng, đã có vấn đề xuất hiện. Kẻ thắng làm vua, kết quả mới là điều quan trọng nhất.

4. Tổng kết quy luật, phát hiện những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả

Vạn vật vạn sự trên thế gian đều có quy luật phát triển phía sau nó. Chúng tuyệt đối sẽ không vì ý thức chủ quan của con người mà biến đổi, giống như gieo hoa màu vào mùa xuân cho thu hoạch vào mùa thu, mặt trời mọc ở phía Đông lặn ở phía Tây vậy. Việc chúng ta cần làm là phát hiện những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả, sau đó cố gắng cải thiện những nhân tố này, đạt được kết quả mình hằng mong muốn. Đừng để sự chăm chỉ trong chiến thuật che đậy sự lười biếng trong chiến lược của chính mình.

Theo Lạc Kỳ / Doanh nghiệp và tiếp thi

Muốn thành công thì phải chăm chỉ: ‘Trò lừa’ trắng trợn của những cuốn sách dạy làm giàu

Lý thuyết kinh tế học sẽ cho ta thấy lời nói dối trắng trợn nhất lịch sử.

“Muốn thành công thì phải chăm chỉ”, đó là câu nói của hầu hết những người nổi tiếng hay thành đạt hiện nay. Đây cũng là lời khuyên thường thấy của các cuốn sách tự làm chủ bản thân, dạy làm giàu hay dạng “Self Help” bày bán nhan nhản tại các cửa hiệu.

Không chỉ trong sách, trên truyền hình hay phim ảnh cũng tràn ngập các câu chuyện về tấm gương vượt khó. Nhiều doanh nhân thành đạt cũng muốn lên báo chí, truyền thông diễn giải về thời gian khổ của mình và hệ quả là ai cũng thích, ai cũng công nhận cứ chăm chỉ thì sẽ thành công.

Vậy phải chăng nếu bạn nghèo hay thất bại là do lười biếng hay bất tài?

Hãy cùng lý thuyết kinh tế học về chi phí cơ hội để giải đáp cho lời nói dối trắng trợn này nhé.

Muốn thành công thì phải chăm chỉ: Trò lừa trắng trợn của những cuốn sách dạy làm giàu - Ảnh 1.

 Chi phí cơ hội

Giả sử có 2 gia đình giàu và nghèo. Một gia đình có đủ tài chính đầu tư cho con học hành, thi cử tiếng Anh để đi du học. Họ cũng có đủ mối quan hệ xã hội để giúp người con xin việc dễ dàng khi về nước, có sẵn doanh nghiệp cho con điều hành hay tiền bạc để con mình đầu tư khởi nghiệp hết startup này đến startup khác.

Gia đình còn lại là một gia đình nghèo, bố mẹ chỉ bán hàng nước và người con phải tự lực mọi thứ.

Nếu người con của gia đình nghèo cố gắng vươn lên đạt học bổng, đi du học và mở công ty thành công thì họ rõ ràng là một người thành đạt. Thế nhưng nếu không thì sao? Liệu những người nghèo không có cơ hội vươn lên có phải kẻ bất tài hay lười biếng? Liệu những người giàu có thực sự thành công khi cha mẹ của họ đã giàu?

Giới truyền thông thường rất thích những câu chuyện vượt khó làm giàu bởi chúng khắc họa rõ triết lý kẻ thua cuộc là những người không có ý chí. Những nhân viên quèn hay lao động phổ thông thất bại là do họ không chăm chỉ học tập, không nỗ lực làm việc mà tốn quá nhiều thời gian cho việc khác.

Trong kinh tế học, chi phí cơ hội (Opportunity Cost) được hiểu là chi phí đại diện cho những lợi ích mà một cá nhân, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì lựa chọn phương án khác.

Thế nhưng lý thuyết kinh tế học về chi phí cơ hội cho thấy một câu chuyện khác, rằng nhiều người nghèo không phải do lười nhác mà là do có quá ít cơ hội. Những người giàu có rất nhiều điều kiện và cơ hội để mạo hiểm và thành công. Cho dù họ có thất bại thì cũng không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên dồi dào từ phía gia đình.

Trái ngược lại, những người nghèo có quá ít lựa chọn và họ chẳng dám mạo hiểm nắm bắt cơ hội thành công vì có quá nhiều gánh nặng trên vai.javascript

Ở ví dụ trên, liệu con của gia đình bán hàng nước có chấp nhận hy sinh mọi thứ để theo đuổi giấc mơ du học? Sẽ ra sao nếu không đủ tiền ăn ở giữa chừng hay không xin được việc sau khi ra trường? Liệu họ có dám mạo hiểm khởi nghiệp hay chấp nhận một công việc ổn định để chăm lo bố mẹ?

Đọc đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến những bài học đầu tư, chấp nhận giảm chi tiêu hay tự dằn vặt cuộc sống bản thân để lập nghiệp. Tuy nhiên chi phí cơ hội lại một lần nữa “vả mặt” những nhà hùng biện khi cái nghèo, cái đói hay những hộp sữa cho con biến lý thuyết vượt khó làm giàu thành đống giấy lộn.

Nếu Jack Ma là shipper

Xã hội hiện nay tập trung quá nhiều vào những hiện tượng nổi bật, những ví dụ điển hình về vượt khó làm giàu mà quên đi phần lớn những người còn lại. Chẳng ai làm chương trình về những nhân viên văn phòng đi làm hàng ngày hay những shipper có bằng đại học tử tế cả bởi làm gì có ai quan tâm.

Nếu Jack Ma chỉ là anh giao hàng quèn cho Alibaba, liệu mọi người có nghe ông nói? Nếu Elon Musk chỉ là nhân viên bán xe điện cho Tesla, liệu dân chơi tiền số có xao động vì những dòng Tweet của ông?

Muốn thành công thì phải chăm chỉ: Trò lừa trắng trợn của những cuốn sách dạy làm giàu - Ảnh 3.

Rất nhiều lao động chăm chỉ hiện nay mệt mỏi vì khái niệm thành công

Trong các bộ phim, chúng ta thường thấy hình ảnh người thành công làm việc, học hành chăm chỉ còn những người thua cuộc, bất tài, thường ăn chơi, đàn đúm, nghiện ngập. Thế nhưng đã bao giờ mọi người tự hỏi có những học sinh học hành như trâu, lao động làm việc như nô lệ nhưng mãi chẳng thành công không?

Rõ ràng, chăm chỉ là là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho thành công. Đến tận đây, chắc chắn nhiều người lại lôi những cuốn sách dạy làm giàu để nói về đầu tư, hoàn thiện bản thân… Thế nhưng giữa việc lựa chọn dùng lương để trả tiền nhà, điện nước và mua đồ ăn chống đói so với đầu tư giáo dục mà chẳng biết có thành công hay không, bạn nghĩ những người lao động bình thường sẽ chọn phương án nào? Đó là chưa kể đến những người có gánh nặng bố mẹ, vợ/chồng con khi anh/cô ấy chẳng may mắn được sinh ra trong gia đình giàu có.

Lại một lần nữa, câu chuyện chi phí cơ hội hiện lên khi người nghèo có quá ít lựa chọn và đôi khi họ phải hy sinh cơ hội thành công để chăm lo cho những gì mình yêu thương nhất. Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ nhưng một bộ phận rất lớn người lao động chăm chỉ hiện nay đang mắc phải đánh giá quá khắt khe về thành công.

Nói một cách đơn giản, cho dù có cùng học một trường, làm cùng 1 công ty hay sống chung một đất nước thì thành công của người luôn có sẵn vài triệu tiêu vặt mỗi ngày không thể trở thành tiêu chuẩn cho những nhân viên hết tháng hết tiền. Cơ hội làm giàu không phải lúc nào cũng có, nhất là với những người có quá nhiều thứ để mất.

Tất nhiên, giải thích trên về thành công-nỗ lực dựa trên lý thuyết chi phí cơ hội không bao biện cho sự lười nhác hay chứng minh rằng người nghèo vô vọng làm giàu. Tuy nhiên cái nhìn của công chúng về sự cố gắng của phần lớn lao động, học sinh ngày nay đang bỏ qua những yếu tố về kinh tế, xã hội.

Vậy còn bạn, bạn có nghĩ rằng những lao động bình thường hiện nay chưa thành công là do quá lười hay bất tài không?

Theo Băng Băng / Doanh nghiệp và tiếp thi

VIỆT NAM ĐỔI MỚI

Dạo quanh Hà Nội, không khó để cảm nhận được nguồn năng lượng vô tận từ khắp nơi, mọi ngóc ngách phố xá. Người ta chạy xe tay ga, mua bán đủ thứ từ điện thoại đến đồ ăn trong vô số các cửa hàng lớn nhỏ. Người lớn đi làm. Trẻ con đi học. Việt Nam đang trẻ, đang phát triển và mọi thứ đều có thể.
Đó là cảm nhận của ông Peter Vanham, một cây viết chuyên về kinh tế cho nhiều báo và tạp chí nổi tiếng như Financial Times, Business Insider, Forbes, về Việt Nam trong bài viết với tựa đề “Câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam” khi ông đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Asean hồi năm 2018.
Ông Peter Vanham kinh ngạc đặt câu hỏi điều gì khiến một nước nghèo bậc nhất thế giới cách đây 30 năm như Việt Nam có thể vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình? Và không chỉ vậy, giờ đây, Việt Nam đang là một trong những ngôi sao sáng trong các nền kinh tế mới nổi, với tốc độ tăng trưởng 6-7% năm, ngang ngửa với Trung Quốc.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Kinh tế Việt Nam trước Đổi mới 1986 là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trung bình mỗi năm là 4,65%. Nhìn chung, tăng trưởng thời kỳ này thấp và kém hiệu quả. Nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 38,92%.
Tuy nhiên, kể từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới nền kinh tế, tăng trưởng GDP đã cải thiện và tăng trưởng với mức 6,51% trong giai đoạn 1986-2000 và 7,26% trong giai đoạn 2001-2010.
Trong giai đoạn 2011-2019, GDP tăng 6,3%/năm, trong đó năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Quy mô nền kinh tế cũng ngày càng mở rộng.
Từ năm 1989 khi Việt Nam bị Mỹ cấm vận, quy mô của nền kinh tế chỉ ở mức 6,3 tỷ USD. Từ năm 1995, sau khi Mỹ bỏ cấm vận và Việt Nam gia nhập Asean, quy mô của nền kinh tế tăng dần. Đặc biệt từ năm 2002-2007, quy mô của nền kinh tế tăng mạnh khi Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ có hiệu lực.
Và với sự gia nhập WTO vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, quy mô của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến năm 2019, GDP của Việt Nam đã gấp 12,5 lần so với năm 2001.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 3
Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh: Vũ Tuấn Anh).
“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như vậy, đất nước này đã từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình khá”, ông Peter Vanham viết. Và GDP bình quân đầu người từ chỉ 230 USD vào năm 1985, đến năm 2017, con số này đã gấp hơn 10 lần lên 2.343 USD, nếu được hiệu chỉnh theo sức mua, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức hơn 6.000 USD.
Trong một bài viết về câu chuyện thành công của nền kinh tế Việt Nam trên Forbes năm 2016, tác giả Brett Davis đã cho rằng, thường thì người ta vẫn hay đánh giá một nền kinh tế bằng các chỉ số kinh tế ngắn hạn nhưng đôi khi cần phải lùi lại quá khứ để có cái nhìn bao quát hơn.
Theo tác giả, cách đây hơn 30 năm, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng giờ đây nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam đã phải ngỡ ngàng trước các cao ốc văn phòng, cửa hàng bán đồ cao cấp và những con phố tấp nập.
Internet cũng rất phát triển và phổ biến ở Việt Nam: Mọi quán cà phê, nhà hàng, hay quán bar đều cung cấp wifi miễn phí cho khách và rất tiện ích cho việc truy cập internet bằng điện thoại di động.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 5
Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh: Getty Images).
Theo đánh giá của IHS Market, trước đại dịch, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt 7% trong năm 2018 và 2019 nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất.
Điều đó có thể được nhìn thấy từ thực tế cuộc sống. Bất cứ thứ gì, từ quần áo thể thao của Nike đến điện thoại thông minh của Samsung, cũng đều được sản xuất tại quốc gia Asean này.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù tăng trưởng chậm lại, song Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong số rất ít những nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được sự tăng trưởng trong năm 2020 khi phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái. Cụ thể, bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng âm.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 7
Nhấn để phóng to ảnh
Trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh với GDP tăng 6,6% trong quý II. Tuy nhiên, “làn sóng Delta” trong quý III đã tác động mạnh đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khiến GDP giảm 6,17% khi chi tiêu tiêu dùng, hoạt động xây dựng và sản xuất chế tạo bị ngưng trệ. Do đó, IHS Market dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ ở mức vừa phải 2,3%.
Theo IHS Market, đà phục hồi mạnh sẽ diễn ra trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng dự báo là 6,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ việc tăng cường triển khai vaccine giúp nới lỏng dần các biện pháp hạn chế và cho phép mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
Thực tế, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu trong quý IV này. Chỉ số PMI sản xuất của IHS Markit Việt Nam trong tháng 10 cho thấy có sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế vẫn gặp phải những trở ngại do sự gia tăng mới của các ca nhiễm Covid -19 cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 9
Nhấn để phóng to ảnh
Và trong ngắn hạn, những rủi ro từ biến thể mới Omicron vẫn hiện hữu trừ phi Việt Nam tăng tốc hoàn thành tỷ lệ tiêm vaccine trong những tháng tới. Mặc dù vậy, về triển vọng kinh tế trung hạn, IHS Market cho rằng nhiều động lực tăng trưởng vẫn tích cực và sẽ tạo nền tảng vững chắc không chỉ cho tăng trưởng GDP mà còn giúp GDP đầu người tăng lên.
Theo dự đoán của IHS Market, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ mức 270 tỷ USD trong năm 2020 lên mức 433 tỷ USD trong năm 2025 và 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều đó có nghĩa GDP đầu người sẽ tăng rất nhanh, từ mức 2.785 USD trong năm 2020 lên 4.280 USD vào năm 2025 và 6.600 USD vào năm 2030.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 11
Nhấn để phóng to ảnh
Dự đoán về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, nhiều nhà kinh tế đều có những nhận định lạc quan rằng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm tới.
Theo nhận định của Economist Intelligence, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi trong năm 2022 sau khi dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid-19 từ cuối năm 2021. Sản xuất theo định hướng xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2022 – 2026.
Nói với CNBC hồi đầu năm, ông Kelvin Tay từ UBS Global Wealth Management cho biết, triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực và “có tiềm năng lớn”.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 13
Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh: TTXVN).
“Việt Nam là một thị trường mà chúng tôi thích”, ông Tay nói trong chương trình “Squawk Box Asia” và cho biết: “Đó là một nền kinh tế mà chúng tôi đánh giá rất tiềm năng” và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang “vượt xa” so với các nền kinh tế có chung đường biên giới.
“Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng tái định cư hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua. Chúng tôi nhận thấy xuất khẩu của Việt Nam có nhiều khả năng tăng trưởng trong những năm tới”, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái.
Lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cũng được dự báo sẽ sớm phục hồi. Các nhà kinh tế cho biết mức độ phục hồi của ngành dịch vụ – đặc biệt là du lịch – sẽ quyết định mức độ nhanh chóng phục hồi trở lại của nền kinh tế Việt Nam như trước đại dịch.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 14
Nhấn để phóng to ảnh
Tại buổi đối thoại với các chuyên gia, đối tác quốc tế tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch với chủ đề “Việt Nam – ngôi sao đang lên” vào năm ngoái, ông CK Tong – Tổng giám đốc BW Industrial Development JSC – cũng khẳng định: “Dù có Covid-19 hay không, Việt Nam vẫn giữ vị trí thuận lợi để đón làn sóng Trung Quốc+1”. Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Indonesia, Philippines trong những năm tới.
TS Chayodom Sabhasri, Khoa Kinh tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cũng nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Gần đây, rõ ràng, đầu tư nước ngoài trực tiếp của phương Tây đã chuyển từ một số thành viên ASEAN sang Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản ở Thái Lan năm 2020 cũng đã chuyển hướng sang Việt Nam. Chắc chắn, Việt Nam sẽ sớm theo kịp các thành viên hàng đầu ASEAN”.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 16
Nhấn để phóng to ảnh
(Ảnh: Hải Long).
Tờ Bangkok Post cũng nhận định cả hai nước Việt Nam và Thái Lan đều được xếp hạng là thu nhập trung bình và mặc dù Thái Lan đang được xếp hạng cao hơn nhưng trong vòng 20 năm tới Thái Lan sẽ không có nhiều tiến bộ hơn, trong khi đó Việt Nam có thể đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Nền kinh tế Thái Lan trong những năm từ 1960-1990 luôn tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5%. Nhưng trong suốt giai đoạn 2008-2018, tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm mạnh, thậm chí xuống âm 0,7% vào năm 2009. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam ổn định hơn với tổng độ tăng trưởng từ 5,2% trong năm 2012 đến 7,1% trong năm 2018. Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng ổn định 7% và được đánh giá là một trong những câu chuyện kinh tế thành công của thế kỷ 21.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 cao gấp 1,7 lần so với Thái Lan. Các chỉ số khác như thu hút FDI, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng cũng đã vượt Thái Lan.
Số liệu phân tích xuất khẩu mặt hàng công nghệ cao năm 2016 cho thấy, Việt Nam đạt tổng kim ngạch là 55,2 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 8,8 tỷ USD. Con số này phản ánh rằng, dù đi sau hàng thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh và vượt qua Thái Lan, tờ Bangkok Post viết.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 17
Nhấn để phóng to ảnh
Trong bài viết với tựa đề “Điều gì khiến Việt Nam hấp dẫn hơn Thái Lan trong thu hút vốn đầu tư vào sản xuất” mới đây, BW Industrial cũng cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài sang năm thứ 4, thúc đẩy làn sóng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam được coi là hai điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong khu vực nhờ nhiều lợi thế.
Thứ nhất về dân số. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang có sự chuyển đổi nhanh chóng về dân số và cơ cấu xã hội. Dân số Việt Nam năm 2020 là hơn 97 triệu người và dự kiến sẽ đạt 120 triệu người vào năm 2050. Trong đó, 70% dân số dưới độ tuổi 35 và tuổi thọ trung bình là 76 tuổi, cao nhất trong số các nước có mức thu nhập tương tự ở Asean. Chỉ số nhân lực của Việt Nam đứng thứ 48 trong tổng số 157 quốc gia và đứng thứ 2 ở Asean sau Singapore.
Trong khi đó, quy mô dân số của Thái Lan là 70 triệu người. Trong đó, hơn 1/4 dân số sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030, trong khi tỷ lệ sinh liên tục giảm mạnh trong nhiều năm qua, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán lực lượng lao động sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong 2 thập kỷ tới.
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 19
Nhấn để phóng to ảnh
Thứ hai về số các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đang từng bước mở rộng lợi thế cạnh tranh bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn. Hiện số lượng các FTA mà Việt Nam tham gia nhiều hơn Thái Lan và các quốc gia trong khu vực, trong đó có những hiệp định lớn như CPTPP, RCEP…
Theo Bộ Công Thương, một năm sau khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các nước thành viên.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký hiệp định thương mại song phương với thị trường EU. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã thúc đẩy đáng kể lợi thế kinh tế của Việt Nam so với Thái Lan.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định.
Thứ 3 là tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Khi các điều kiện kinh tế được cải thiện nhanh chóng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng đã tăng gấp 3 từ 600 USD trong năm 2005 lên khoảng 2.800 USD vào năm 2019. Thu nhập tăng khiến sức mua cũng tăng lên. Theo báo cáo của WB, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% dân số cả nước và được dự đoán sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu (nhóm có mức sống 15 USD/ngày, theo WB).
Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia? - 21
Nhấn để phóng to ảnh
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia (NCIF), sự bùng nổ chi tiêu của tầng lớp trung lưu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng chi tiêu dùng quốc gia và do đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Thứ 4 là chính trị ổn định. Đây là một trong những yếu tố chính khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Câu chuyện thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài phần lớn là nhờ vào hệ thống quản lý tài chính như thuế, kế toán và kiểm soát ngoại hối hiệu quả. Quy trình đăng ký đầu tư và quản lý thuế ở Việt Nam cũng được phân cấp và từng bước cải thiện khi cấp tỉnh và thành phố có quyền quyết định đáng kể về cách thức thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Một điểm nữa khiến Việt Nam có lợi thế hơn so với Thái Lan đó là vị trí địa lý. Việt Nam tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông, một cầu nối giao thương trọng yếu trên bản đồ hàng hải toàn cầu. Trong 10 tuyến hàng hải lớn nhất thế giới có một tuyến chạy qua và 5 tuyến liên kết với Việt Nam.
Ngoài ra, với vị trí tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu ở Đông Nam Á cho các nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược Trung Quốc+1 nhằm tiết giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều nhà sản xuất đã mở rộng dây chuyền sang các quốc gia bên cạnh khi chi phí hoạt động tại Trung Quốc liên tục tăng cao.
Nội dung: Nhật Linh
Ảnh: Hải Long – Vũ Tuấn Anh – Getty
Thiết kế: Thủy Tiên 

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022
Thế giới chuẩn bị bước vào năm 2022 nhưng những mối đe dọa với nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Hầu hết các nhà dự báo đều coi sự phục hồi mạnh mẽ là cơ sở cho tương lai, với mức giá hạ nhiệt và sự chuyển hướng khỏi các thiết lập chính sách tiền tệ khẩn cấp. Rất nhiều điều có thể xảy ra.

Danh sách rủi ro của nền kinh tế trong năm 2022 rất dài, bao gồm siêu biến thể vi rút mới Omicron, lạm phát kinh tế, Fed tăng lãi suất, tập đoàn Evergrande phá sản, căng thẳng địa chính trị…. Bên cạnh đó còn có tác động từ Brexit, cuộc khủng hoảng đồng Euro mới và giá thực phẩm tăng ở Trung Đông.

Tất nhiên, một số tình hình cũng có thể sẽ chuyển biến tốt hơn mong đợi. Các chính phủ có thể quyết định giữ nguyên hỗ trợ tài khóa. Kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc có thể thúc đẩy nguồn đầu tư mạnh mẽ hơn và tiết kiệm trong đại dịch cũng có thể dự trữ cho chi tiêu toàn cầu.

Siêu biến thể Omicron và nhiều lệnh phong tỏa hơn nữa

Còn sớm để có thể đưa ra phán quyết chắc chắn về siêu biến thể Omicron. Biến thể này dễ lây lan hơn so với những biến thể tiền nhiệm nhưng có vẻ không gây ra tình trạng bệnh nguy kịch nhiều. Điều đó sẽ giúp thế giới trở lại nhanh hơn với thời điểm chưa từng xảy ra đại dịch. Tái cân bằng chi tiêu có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 5,1% so với mức dự báo cơ sở được Bloomberg Economics đưa ra trước đó là 4,7%.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 1.

Các kịch bản cho chi tiêu dịch vụ khi biến thể Omicron lây lan

Nhưng có thể sự may mắn đó đã không ở lại. Một biến thể dễ lây lan và gây chết người nhiều hơn sẽ kéo theo các nền kinh tế đi xuống. Thế giới đã khá quen với việc bị phong tỏa nên những tác động của nó, dù không thể phủ nhận, nhưng cũng không phải quá khủng khiếp.

Trong trường hợp thế giới bị phong tỏa trở lại, nhu cầu sẽ dần ít hơn và các vấn đề về nguồn cung của thế giới vẫn tiếp tục là bài toán khó. Sẽ có những người bị loại khỏi thị trường lao động.

Mối đe dọa từ lạm phát

Vào đầu năm 2021, Mỹ được dự báo sẽ kết thúc năm với tỷ lệ lạm phát 2%. Thay vào đó, con số thực tế lên đến gần 7%.

Omicron có thể chỉ là một nguyên nhân phía sau. Còn nhiều những nguyên nhân khác như: mức lương gia tăng với tốc độ chóng mặt ở Mỹ, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá khí đốt tăng cao, biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết gây bất ổn và giá lương thực có thể sẽ tiếp tục tăng cao.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 2.

Dự báo của Bloomberg Economics cho thấy lạm phát của Mỹ có thể giảm vào năm 2022

Không phải tất cả các rủi ro đều đi theo cùng một hướng. Ví dụ, làn sóng Covid-19 mới sẽ có thể tấn công ngành du lịch và kéo giá dầu xuống. Mặc dù vậy, tác động tổng hợp vẫn có thể là một cú sốc lạm phát khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác không có câu trả lời dễ dàng.

FED tăng lãi suất

Theo dòng lịch sử, từ sự kiện ‘taper tantrum’ năm 2013 đến đợt bán tháo cổ phiếu năm 2018 đã cho thấy Fed có thể tác động mạnh mẽ tới thị trường như thế nào.

Thêm vào những rủi ro trong thời gian này chính là giá tài sản tăng cao. Chỉ số S&P 500 đang gần chạm bong bóng và giá nhà tăng xa khỏi giá thuê đã cho thấy rủi ro thị trường nhà ở lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng thời kỳ đầu vào năm 2007.

Bloomberg Economics đã mô hình hóa điều gì sẽ xảy ra nếu Fed thực hiện ba đợt tăng trong năm 2022 và báo hiệu sẽ tiếp tục cho đến khi lãi suất đạt 2,5%, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên và chênh lệch tín dụng nhiều hơn. Kết quả sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái vào đầu năm 2023.

Bất động sản Trung Quốc bấp bênh

Trong quý 3 năm 2021, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại. Sức nặng tích lũy từ sự sụt giảm bất động sản Evergrande, các lệnh đóng cửa do đại dịch Covid-19 lặp đi lặp lại và tình trạng thiếu năng lượng đã kéo mức tăng trưởng kinh tế hàng năm xuống 0,8% – thấp hơn nhiều so với tốc độ 6% mà thế giới vẫn biết.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 3.

Doanh số bán nhà, xây dựng và giá nhà ở của Trung Quốc đang có xu hướng giảm

Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ giảm bớt vào năm 2022, hai vấn đề còn lại có thể sẽ vẫn giữ nguyên. Chiến lược “Zero Covid-19” của Bắc Kinh có thể kéo theo các lệnh đóng cửa mới do siêu biến thể Omicron. Bên cạnh đó, với nhu cầu ít ỏi và hạn chế về tài chính, hoạt động xây dựng bất động sản – chiếm khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm.

Theo dự báo của Bloomberg Economics, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2022. Sự sụt giảm xuống 3% sẽ tạo ra những đợt sóng trên toàn thế giới, khiến các nhà xuất khẩu hàng hóa thiếu người mua và có khả năng làm lệch kế hoạch của Fed, giống như sự cố chứng khoán Trung Quốc đã từng xảy ra vào năm 2015.

Bất ổn chính trị ở Châu Âu

Sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và sự tích cực của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc kiểm soát chi phí đi vay của chính phủ đã giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Các nước châu Âu đều đang đối mặt với những vấn đề. Cuộc chiến chính trị ở Italy, cuộc thăm dò tín nhiện ở Pháp đều tiềm ẩn rủi ro. Nếu những người hoài nghi về đồng euro giành được quyền lực trong các nền kinh tế chủ chốt của khối, điều đó có thể phá vỡ sự bình ổn trên thị trường trái phiếu châu Âu và tước đi sự hỗ trợ chính trị cần thiết của ECB.

Khủng hoảng nợ công châu Âu có thể cắt giảm hơn 4% sản lượng kinh tế vào cuối năm 2022, đẩy khu vực đồng euro vào suy thoái và làm dấy lên những lo ngại về khả năng tồn tại của nó.

Tương lai của chính sách tài khóa

Các chính phủ đều chi mạnh tay hơn để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong đại dịch. Theo ước tính của UBS, mức giảm chi tiêu công vào năm 2022 sẽ lên tới khoảng 2,5% GDP toàn cầu, lớn hơn gấp 5 lần so với các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã làm chậm đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 4.

Dự báo thay đổi mức độ thâm hụt của năm 2022 so với năm 2021

Nhưng vẫn có những ngoại lệ. Chính phủ mới của Nhật Bản đã công bố một biện pháp kích thích kinh tế mới và các nhà chức trách Trung Quốc đã báo hiệu chuyển sang hỗ trợ nền kinh tế sau một thời gian dài thắt chặt hầu bao.

Theo Viện Brookings, tại Mỹ, chính sách tài khóa đã thay đổi từ việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sang thúc đẩy nền kinh tế phát triển chậm lại trong quý 2 năm 2021. Chính sách mới sẽ tiếp tục diễn ra trong năm sau, mặc dù các kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch và chăm sóc trẻ em của Tổng thống Joe Biden sẽ hạn chế điều này nếu chúng được Quốc hội thông qua.

Giá thực phẩm và tình trạng bất ổn xã hội

Nạn đói chính là một nguyên nhân lịch sử gây ra bất ổn xã hội. Sự kết hợp giữa hiệu ứng từ đại dịch Covid-19 và những hiện tượng thời tiết cực đoan do cuộc khủng hoảng khí hậu đã đẩy giá lương thực thế giới lên gần mức cao kỷ lục và có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 5.

So với Ả Rập, căng thẳng về lương thực ở một số quốc gia còn tồi tệ hơn

Cú sốc giá lương thực cuối cùng xảy ra vào năm 2011 đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Các quốc gia như Sudan, Yemen và Lebanon – vốn đã rất khó khăn giữa cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, đều có vẻ dễ bị tổn thương như thời điểm năm 2011, và một số còn hơn thế. Ai Cập chỉ khá khẩm hơn một chút. Nguy cơ bất ổn khu vực ngày càng lớn hơn.

Địa chính trị

Bất kỳ căng thẳng leo thang nào giữa Trung Quốc và Đài Loan đều sẽ có tác động toàn cầu. Một cuộc chiến siêu cường là trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhưng bên cạnh đó, có thể là các biện pháp trừng phạt kheiens mối quan hệ Mỹ – Trung đóng băng cũng như tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những mối đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng vào tháng 11

Trong khi đó, mối quan hệ Nga – Ukarine nó riêng và Nga – phương Tây nói chung cũng đang rất nóng. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã không có kết quả nào khả quan.

Linh Chi / Theo Nhịp sống kinh tế