ĐÀ NẴNG – Giếng trời dạng phễu kết hợp với cầu thang không đồng trục giúp căn nhà ống năm tầng đủ sáng, thoáng.
Thích cây xanh, nấu nướng và hướng tới sự mộc mạc… là nét tính cách của gia đình sống trong ngôi nhà trên khu đất 5 x 18 m ở Đà Nẵng.
Nhà sáu người ở, nhu cầu sử dụng cao nên phải làm năm tầng. Để công trình đủ ánh sáng, thông thoáng và không gây thêm áp lực cho đô thị, nhóm thiết kế tạo ra các khoảng lệch trục từ trong ra ngoài.
Ở giữa nhà, nhóm thiết kế bố trí giếng trời dạng phễu với cầu thang lệch nhau từ dưới lên trên thay vì đồng trục theo phương thẳng đứng như phần lớn nhà phố.
Cách thiết kế thang giúp công trình lấy sáng từ trên mái xuống tốt hơn.
Người ở cũng dễ chịu hơn khi di chuyển, đỡ cảm thấy nhà quá cao.
Cầu thang còn trở thành điểm nhấn trong căn nhà và “làm mềm” công trình.
Như ý muốn của chủ nhà, nội thất công trình theo phong cách thô mộc. Màu sắc chủ đạo là xám bê tông, nâu gỗ và đỏ gạch.
Bên cạnh giếng trời dạng phễu và cầu thang không đồng trục, giải pháp lệch tầng cũng giúp nhà thông thoáng hơn. Nhóm thiết kế cũng bố trí hệ cửa kính để lấy thêm ánh sáng cho không gian tầng trệt.
Tương tự trong nhà, ngoài mặt tiền, các khối nhà càng lên cao càng lùi vào dần. Điều này vừa mở thêm khoảng trống cho đô thị bên ngoài vừa giúp công trình bớt cao khi nhìn từ trên xuống
Gạch thô đỏ đem tới sự gần gũi và làm nổi bật màu xanh của cây cỏ còn những ô cửa kính thúc đẩy tương tác của người bên trong với bên ngoài.
“Lòng tốt cho đi sẽ được nhận lại”. Đó là thông điệp ý nghĩa từ hành động chân thành của người chủ cửa hàng nội thất dành cho mẹ “Vua thép” Andrew Carnegie.
Vào một ngày mưa nặng hạt, trên một con đường có rất nhiều cửa hàng nội thất, một bà lão đang ngó nhìn xung quanh. Không có ai để ý đến bà ngoài người chủ trẻ tuổi ở một cửa hàng nội thất. Anh vừa cười vừa tiến đến gần bà và nói:
“Bà ơi, hãy vào đây đi ạ. Mưa lớn quá nên bà hãy vào trong cửa hàng đi”.
“Không sao, tôi không đến để mua đồ nội thất, tôi chỉ đang chờ xe”.
Bà lịch sự từ chối thiện ý của người chủ cửa hàng nhưng anh vẫn vừa cười vừa nói:
“Bà không mua cũng không sao đâu ạ. Cứ vào ngồi thoải mái ngắm rồi đi thôi cũng được”.
“Anh không cần phải làm thế đâu…”
Bà lão cảm ơn sự tử tế của anh, rồi đi vào trong ngồi lên chiếc ghế sofa và chờ xe.
“À, bà bảo bà đang chờ xe ạ? Số xe số mấy vậy ạ? Để cháu đi ra kiểm tra giúp bà nhé”.
Trả lời câu hỏi của người chủ cửa hàng, bà đã nói mấy lần rằng không cần phải làm thế. Tuy nhiên, người chủ sau khi biết số xe đã đi ra ngoài và cứ liên tục kiểm tra xem chiếc xe đó đã đến chưa.
“Vua thép” Andrew Carnegie đã cảm ơn lòng tốt cho đi của người chủ trẻ tuổi đối với mẹ mình. Ảnh: Britannica.
Những người xung quanh quan sát hành động của anh và bắt đầu rì rầm. “Anh bạn kia chắc không có việc gì để làm, nếu không có gì làm thì vào mà chợp mắt thoải mái xíu đi chứ!”.
“Đúng vậy, anh ta không lo bán hàng mà chỉ lo chăm sóc bà lão mới gặp lần đầu”.
Nhưng người chủ trẻ tuổi vẫn thể hiện lòng tốt cho đến khi xe đến và đón bà lão đi.
“Chào tạm biệt bà”.
“Cảm ơn cậu thanh niên trẻ”.
Vài ngày sau, người chủ cửa hàng nhận được một bức thư từ một người nào đó.
“Tôi thật sự cảm ơn lòng tốt của anh với mẹ tôi vào một ngày mưa. Từ bây giờ, tôi sẽ ủy thác cho anh toàn bộ đồ nội thất cần thiết của công ty tôi, và thêm nữa, hiện tại tôi đang xây một căn nhà lớn ở Scotland – quê hương tôi, tôi cũng sẽ nhờ anh làm tất cả đồ nội thất ở nơi này”.
Thật đáng ngạc nhiên, đây chính là bức thư đến từ Andrew Carnegie – thời đó người ta gọi ông là “Vua thép”.
Chủ cửa hàng đồ nội thất, người tốt bụng với mẹ của Carnegie, sau đó đã trở thành ông chủ của cửa hàng đồ nội thất thành công nhất ở Pittsburgh.
Giống như người chủ cửa hàng đồ nội thất trong câu chuyện, lòng tốt có thể dẫn đến cơ hội thành công và thậm chí thay đổi cuộc sống của bạn. Món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể tặng cho một người mà mình không biết mặt hay tên không gì khác đó chính là “Lòng tốt”.
Cả hai tác giả đã đến Đàng Ngoài nước ta vào thời Lê trung hưng là Jean-Baptise Tavernier và Samuel Baron đều có chung đánh giá: Người Đàng Ngoài có chí lớn học hành, bởi đây là bước duy nhất có thể đưa họ đến với danh vọng và các đặc quyền.
Samuel Baron, con trai của một thương nhân Hà Lan với một phụ nữ người Việt Nam, sau hàng chục năm sinh sống và kinh doanh ở Đông Kinh (Hà Nội ngày nay) vào thế kỷ 17, trong cuốn “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” (A Description of the Kingdom of Tonqueen), xuất bản lần đầu năm 1732, đã phân tích khá kỹ lưỡng về chủ đề giáo dục nước ta thời đó.
Tác giả này cho rằng, việc đỗ đạt hay thất bại của các sĩ tử phụ thuộc năng lực của chính họ, như sự sáng dạ, tính kiên trì và đặc biệt là có được trời phú cho trí nhớ tốt hay không. Ông cũng nhận định, người Việt Nam theo triết học của Khổng Tử, nên khá xa lạ với triết học của người châu Âu và đúc kết: “Nền đạo đức của họ rối rắm và không theo phương pháp nào, và tư duy logic của họ cũng vậy”.
Sau khi mô tả kỹ càng các bước của ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ở nước ta, Baron cho biết về những thành tựu mà thí sinh vượt qua kỳ thi cuối cùng sẽ được tận hưởng. “Những người thi đỗ được bạn bè chúc tụng, được mọi người tung hô và đồng liêu tôn vinh với những lời khen. Vua sẽ ban tặng cho họ một nén bạc trị giá mười bốn đô la và một mảnh lụa, ngoài ra họ còn được hưởng quyền quản lý và thu thuế một số làng nhất định, ít nhiều tùy thuộc vào độ màu mỡ hay hoang hóa ở đó, và người làng sẽ phải mở tiệc chúc mừng vì điều đó. Trong số các tiến sĩ đỗ đạt, sẽ có một ít được lựa chọn đi sứ Trung Hoa và được phép mang giàu dép, trang phục, mũ mão kiểu Tàu”, ông viết trong sách.
Cũng theo Baron, những người rớt kỳ thi này vẫn có thể tìm kiếm vận may ở lần thi sau, bằng không họ cũng có thể nhận chức phán quan hoặc tri huyện nhỏ ở vùng quê nào đó. Các sinh đồ (người thi đỗ kỳ thi Hương) cũng có quyền lợi tương tự, những ai không muốn học tiếp có thể tìm một công việc ở cạnh quan trấn thủ, nếu họ có tiền, hoặc làm ký lục, cai bạ, thư lại cho các quan lớn, những vị trí cần người viết giỏi hơn là nói hay.
Quá trình thi cử ở Đàng Ngoài được tác giả này đánh giá khá cao: “Việc lựa chọn người đỗ đạt được tiến hành trên tinh thần công bằng và chính sách đáng khen ngợi, bởi trong khi mọi việc khác ở đây đều bị chi phối bởi tệ hối lộ, thiên vị hay vì những dục vọng riêng thì người ta lại biểu lộ lòng tôn trọng giá trị thực sự của con người qua việc phong cấp học vị cho người xứng đáng, bởi lẽ không ai có thể đạt được bất kỳ vị trí nào trừ khi qua cuộc thi nghiêm chỉnh và xứng đáng nhất để thể hiện giá trị bản thân”.
Các sĩ tử Đàng Ngoài lều chõng đi thi Hội dưới thời nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu
Sau khi đem đến cho độc giả châu Âu thông tin tổng quát về nền khoa cử Nho học Đàng Ngoài nước ta, Samuel Baron đánh giá: Người Đàng Ngoài hoàn toàn không biết gì về triết học tự nhiên, và cũng không giỏi toán hay thiên văn… Những nhận xét này của ông hoàn toàn trái ngược với nhận định của Jean-Baptise Tavernier, một thương nhân người Pháp cũng từng đến Đàng Ngoài và để lại rất nhiều ghi chép cho hậu thế.
Trong cuốn “Du ký xứ Đàng Ngoài”, xuất bản từ năm 1680, Tavernier đánh giá: “Tư chất toán học và đặc biệt thiên văn học vốn luôn có sẵn ở người phương Đông, cũng như là những nhà quan trắc tuyệt vời đối với sự vận hành của các chòm sao”. Sau đó, ông bổ sung: “Những người học toán sẽ phải tạo ra công cụ cho riêng mình và dành năm năm nghiên cứu lĩnh vực này”.
Trong khi đó, Samuel Baron vẫn liên tục phản bác lại Tavernier, ông viết: “Đối với thiên văn học, hình học và các ngành toán học khác, người xứ này chỉ có chút ít kỹ năng. Tuy nhiên, họ hiểu được số học”.
Trong khi đó, là một nhà truyền giáo từng có nhiều năm hoạt động ở Đàng Trong dưới sự kiểm soát của các chúa Nguyễn, Christoforo Borri, trong cuốn “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”, đã mô tả:
“Ở xứ Đàng Trong có nhiều trường học với các giáo quan, học trò cùng các cấp độ khoa cử như mô hình Trung Quốc, chẳng hạn cũng dạy các môn học giống nhau, sử dụng cùng sách vở và nghiên cứu cùng những tác giả như Khổng Phu tử. Họ gây nên những học thuyết thâm thúy, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc như Aristotle ở xứ chúng ta, song cổ xưa hơn nhiều”.
Việc học của các học trò ở nước ta cũng được tác giả người Italia này mô tả rất thú vị: “Họ ê a đọc đi đọc lại những gì được truyền giảng với tông giọng như đang hát. Việc làm này nhằm giúp bản thân tập cho quen với việc nhấn trọng âm ở mỗi từ vốn rất đa dạng và biểu đạt nhiều nghĩa khác nhau”. Sau đó, ông bổ sung: “Kẻ có học ở xứ này dành nhiều năm trời để ngẫm ngợi nghĩa chân xác của từng câu chữ, từng ký tự tượng hình viết trong kinh sách. Lĩnh vực họ coi trọng nhất có lẽ là triết học luân lý, đạo đức học, kinh tế và chính trị”.
Về sách vở phục vụ việc học tập, ông cho biết: “Ngoài các sách luân lý, họ còn có nhiều sách bàn về những điều mà họ coi là thiêng liêng như khởi nguyên của vũ trụ, sự tương thông của quỷ thần, thần linh và các loại hình tôn giáo khác nhau”.
Cũng qua mô tả của Borri, chúng ta có được hình dung về dáng vẻ của thầy đồ và học trò, những người thường… nghèo: “Học trò và thầy đồ là những người nghiêm trang, không ăn mặc sặc sỡ hào nhoáng là bao mà thường chỉ vận một chiếc áo dài đen, bên ngoài là những lớp áo khác. Họ cũng quàng thêm một chiếc khăn quàng cổ và cầm một chiếc khăn tay màu xanh trên tay, đầu họ đội một kiểu mũ giống như mũ lễ của các giám mục”.
Vượt qua nhiều cái tên tiếng tăm hàng đầu thế giới, tỷ phú giàu nhất hành tinh, người nổi tiếng ngông cuồng, Elon Musk vừa được TIME bình chọn là nhân vật của năm.
Tổng biên tập Tạp chí TIME Edward Felsenthal cho biết nhân vật của năm là người tạo ra ảnh hưởng, và rất ít người có sức ảnh hưởng với sự sống trên Trái Đất, thậm chí cả ngoài Trái Đất như Elon Musk.
Vị này đánh giá trong năm 2021, Musk không chỉ trở thành người giàu nhất thế giới, mà còn là ví dụ cho thấy rõ nét sự chuyển dịch trong xã hội.
Rất nhiều người biết đến Elon Musk với lượng tiền khổng lồ, nhưng không phải cũng biết rằng người đàn ông này lại không hề sở hữu căn nhà nào. Gần đây, vị tỷ phú thậm chí còn quyết định bán bớt tài sản của mình.
Đây chỉ một trong nhiều điều thú vị khác về “gã điên” của ngành công nghệ đang được cả thế giới dõi theo. Bất kỳ hành động nào của ông cũng có thể khiến thị trường “dậy sóng”.
Hãy cùng khám phá một số mẩu chuyện thú vị về vị tỷ phú này.
Đi học Stanford chỉ 2 ngày
Năm 1995, Musk đăng ký học cao học về vật lý ứng dụng tại Stanford, nhưng tiềm năng thay đổi cuộc chơi của Internet vào thời điểm đó đã hấp dẫn ông hơn.
Kết quả là Musk quyết định nộp đơn xin tạm nghỉ học, hứa sẽ quay trở lại sau sáu tháng nếu những nỗ lực của ông không thành công. Người phụ trách lúc đó từng nói rằng chàng trai trẻ có lẽ sẽ không quay trở lại, và lời dự báo này đã trở thành hiện thực.
Elon Musk sau đó đã thành lập Zip2 – nơi cung cấp các bản đồ, địa chỉ doanh nghiệp, cũng như các trang báo địện tử.
4 năm sau, ông bán công ty này cho Compaq với giá 307 triệu USD – mức kỷ lục về giá trị thương hiệu cho một công ty Internet vào thời kỳ đó.
Hình mẫu đời thực cho nhân vật Iron Man của Tony Stark
Vai diễn Iron Man trong các bộ phim của Marvel là hình tượng được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, nhưng không phải ai cũng biết bằng nhân vật này được truyền cảm hứng và xây dựng dựa trên Elon Musk.
Khi đạo diễn tìm cách nhân cách hóa nhân vật Tony Stark – giàu có, thông minh, lôi cuốn, nam diễn viên Robert Downey đã đề nghị anh liên hệ với Musk.
Kết quả của đề xuất này là các phần của Iron Man 2 đã được quay tại nhà máy của SpaceX, trong khi Musk tìm cách hiện thực hóa ý tưởng thiết kế các bộ phận tên lửa thông qua vẫy tay cảm biến như cách nhân vật trên phim đã làm.
Kiếm tiền từ việc phát triển và bán trò chơi khi chỉ mới 12 tuổi
Elon Musk “bén duyên” với ngành công nghệ khi mới 10 tuổi sau khi nhìn thấy một chiếc máy tính ở cửa hàng. Ông đã tìm cách học lập trình và phát triển trò chơi bắn phi thuyền có tên Blastar, và sau đó bán lại cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD.
Đương nhiên, cậu bé với những hoài bão lớn không dừng lại ở đó. Musk đã cùng với em trai Kimbal lên kế hoạch mở một cửa hàng trò chơi điện tử gần trường học, nhưng hai người đã thất bại không thể có được giấy phép do bố mẹ từ chối làm người hợp pháp.
Người truyền cảm hứng cho công ty điện mặt trời
Năm 2004, Musk lái xe cùng người anh em họ hàng là Lyndon Rive tới lễ hội cuối năm tại Nevada. Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực phần mềm, Rive chia sẻ rằng anh mong muốn xây dựng một doanh nghiệp có ý nghĩa hơn.
Musk sau khi nghe đã đề nghị Rive xem xét tiềm năng của năng lượng mặt trời, và ý tưởng đã nảy nở theo từng vòng lăn của bánh xe trên sa mạc kia.
Rive sau đó cùng anh trai của mình tạo ra SolarCity, đưa doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ.
Lễ hội kia thậm chí còn khơi ngợi cho Elon Musk ý tưởng “điên rồ” hơn khi ông hình dung về một chiếc máy bay điện cất cánh và hạ cánh ngay tại Nevada.
Đó không phải là lần duy nhất “gã chơi ngông” này khiến mọi người xung quanh ngỡ ngàng vì những suy nghĩ “có một không hai”, những kế hoạch táo bạo vượt xa khỏi tưởng tượng của con người.
Gã ngông cuồng từng bước hiện thực hóa giấc mộng thay đổi thế giới
Mới đây nhất, trên mạng xã hội Twitter, nhà sáng lập SpaceX cho biết doanh nghiệp này đang bắt đầu một dự án tách khí CO2 khỏi không khí và sẽ biến chúng thành nhiên liệu tên lửa. “Chương trình này rất quan trọng với sao Hỏa”, ông viết.
Công ty của vị tỷ phú này đang chế tạo các tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, phục vụ việc khám phá sao Hỏa. Năm ngoái, Elon Musk từng tuyên bố SpaceX sẽ cố gắng đưa tàu vũ trụ không người lái đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2022, và tàu có người lái lên hành tinh Đỏ này vào năm 2026.
Giữa tháng 9 vừa qua, SpaceX đã khiến giới chuyên môn trong ngành hàng không phải “ngả mũ” khi lần đầu tiên phóng thành công một tàu vũ trụ vào không gian mà không hề có một phi hành gia chuyên nghiệp nào. Công ty khởi nghiệp của Musk này đã đi trước Boeing cùng nhiều “gã khổng lồ” khác trong hành trình tương lai du hành vũ trụ của nước Mỹ.
Nhưng tham vọng của Musk không dừng lại, khi những kế hoạch của ông tiếp tục làm thay đổi cả một ngành công nghiệp quen thuộc – ô tô. Tesla – công ty xe điện đã ghi nhận sự phát triển đáng kể trong năm 2021, vượt ngưỡng vốn hoá 1.000 tỷ USD, trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.
Không chỉ có thể sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ô tô mỗi năm, Tesla còn có khả năng giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng tốt hơn so với các đối thủ cùng ngành.
Đồng thời, sự xuất hiện của Tesla đang làm thay đổi cái nhìn vốn định kiến của người tiêu dùng về xe điện, kích hoạt làn sóng sản xuất xe điện giữa các nhà sản xuất ô tô.
Chỉ vài năm trước, Elon Musk từng bị xem là một kẻ lừa đảo điên rồ trên bờ vực phá sản. Giờ đây, cậu bé gốc Nam Phi này đang khiến chính phủ và các ngành công nghiệp phải đi theo tham vọng của mình, tạp chí TIME viết.
Truyền thông nhà nước và quốc tế đồng loạt đưa tin cho hay: Ngày 14.12.2021, tức hôm nay, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (PĐT) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và theo báo Công An Nhân Dân ngày 13.12 thì “Đây là đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết, trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc, chống phá, phỉ báng đường lối, chính sách của Nhà nước ta” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Được biết, nhà báo nữ tự do PĐT bị bắt vào ngày 7.10.2020, năm nay 43 tuổi, từng tốt nghiệp Trường Hà Nội- Amsterdam và Đại học Ngoại thương Hà Nội; làm phóng viên báo điện tử Vnexpress, nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên báo Vietnamnet và phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, PĐT xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên đã bị kỷ luật buộc thôi việc.
Theo cáo buộc chính thức của ngành tư pháp nhà nước thì PĐT phạm rất nhiều tội, tóm tắt theo bản tin của báo Công An Nhân Dân cùng ngày nêu trên, như sau: Trong lần xuất cảnh trái phép nêu trên, PĐT đã bị một số đối tượng phản động móc nối, lôi kéo vào con đường tội lỗi, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đã trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, như: Nhóm “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương” và lợi dụng danh nghĩa biểu diễn ca nhạc, bảo vệ môi trường để tụ tập, truyền bá các ca khúc thời Việt Nam cộng hòa, tập hợp một số đối tượng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ để chống đối…; lập và điều hành các trang mạng, như: “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, để viết, tán phát các nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động chống đối, kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ; đã biên soạn nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; móc nối và nhận tài trợ từ các đối tượng phản động của VOICE (một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân), thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do”, viết, tán phát nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… và phát tán trên không gian mạng. Với nhận thức và hoạt động chống phá mù quáng, PĐT đã được các thế lực thù địch tài trợ, hậu thuẫn và cổ xúy trao tặng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini, đề cử giải thưởng tự do báo chí. Hoạt động chống phá của Phạm Đoan Trang làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh trật tự, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và nhân dân…
Sau khi liệt kê hàng loạt tội phạm như trên, báo Công An Nhân Dân đã đưa ra một kết luận chắc nịch: PĐT sẽ bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật!
Với kết luận của báo ngành công an như thế trên, thì mặc dù tòa chưa xử, ai cũng có thể suy đoán PĐT sẽ phải đối đầu với một bản án không nhẹ đã được tính sẵn rất kỹ (quen gọi án “bỏ túi”) vì vụ án này đang được cả thế giới bao gồm các tổ chức bảo vệ nhân quyền quan tâm theo dõi rất sát, và hầu như chắc chắn sẽ không có trường hợp tha bổng.
Kết quả xét xử chưa biết cụ thể thế nào, nhưng nếu kết luận trước “sẽ bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc” thì đây là điều vi phạm rất nặng đối với một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật là nguyên tắc suy đoán vô tội, mà theo khoản 1, Điều 31 Hiến pháp VN năm 2013 thì “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đây là cái bệnh chung của ngành công an và tư pháp Việt Nam, cần phải được khắc phục nếu muốn chấn chỉnh lành mạnh hóa tư pháp. Có trường hợp người ta còn cho xuất bản những số báo đặc biệt để kết tội bị can trước khi đưa ra tòa án xét xử, như trường hợp vụ án Cimexcol Minh Hải hồi năm 1987…
Trước vụ án PĐT, dư luận xã hội có lẽ sẽ biểu hiện bằng những thái độ khác nhau: đa số người dân không quan tâm, một số khác tuy có quan tâm nhưng coi là sự việc đã được chính quyền ấn định sẵn trước, chỉ tội cho một người phụ nữ chân yếu tay mềm sắp phải rơi vào vòng lao lý; một số người khác nữa tin nhà nước làm gì cũng đúng, như các thông tin đã được loan tải, và theo cái cách đưa tin của truyền thông nhà nước thì việc đưa PĐT ra tòa lãnh án giống như một tin mừng; trong khi đó giới trí thức phản biện thì lại cho PĐT là một phụ nữ tài năng, tâm huyết, vì tin ở hiến pháp mà kiên cường đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước.
Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên đã vừa cảm khái cho ra mấy vần thơ giản dị:
Hôm nay có một người họ Phạm ra tòa
Cô là Phạm Đoan Trang, không phải phạm nhân
Cô không làm chính trị lãnh đạo, cô chỉ làm chính trị bình dân
Cho dân hiểu mình có quyền dân chủ
Cô muốn đối thoại theo tinh thần xã hội dân sự
Nhưng lại bị biến thành đối thủ phải bắt giam
Hôm nay Phạm Đoan Trang
Ra tòa
Mang trong mình cả luật khoa.
Rồi còn nhà văn Nguyễn Viện nữa, cũng lên tiếng bằng thơ:
Một người tên Đoan Trang nhưng dũng cảm, kiên cường
một người con gái nhưng mạnh mẽ, sắc sảo hơn búa liềm
một công dân bình thường nhưng đủ phi thường cho cường quyền e ngại
và người ấy bị xét xử vì biết nghĩ đến người khác.
Tôi không quen biết chút gì với PĐT nhưng vì tình người cũng cảm thấy xót xa khi xem bức ảnh lúc chị bị công an bắt dẫn đi và lúc bị điệu ra tòa. Đặc biệt, PĐT là một phụ nữ có học vấn đàng hoàng, được chế độ XHCN đào tạo chính quy (chứ không xài bằng giả) nhưng không đi theo vết mòn danh lợi của đa số sinh viên VN tốt nghiệp ra trường, lại viết được cuốn sách có giá trị như cuốn Chính trị bình dân, xứng đáng được coi là một học giả trẻ. PĐT tuy có bất đồng chính kiến với các nhà đương cuộc nhưng trong tay cũng không một tấc sắc, luôn chủ trương đấu tranh giành dân chủ cho người dân bằng con đường hòa bình bất bạo động, hoàn toàn căn cứ theo những điều đã được Hiến pháp Việt Nam 2013 cho phép.
Một số người cho rằng, những cuốn sách, ấn phẩm của PĐT giúp nâng cao tri thức cho nhiều người quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội trong nước, truyền được nguồn cảm hứng, kích thích tư duy sáng tạo cho cả giới trẻ lẫn người lớn trong một nền dân khí vốn đã quá bệ rạc vì chính sách ngu dân thành công của những người CS.
Nhưng mặt khác, trong bối cảnh lịch sử hiện tại, với một chế độ độc tài toàn trị, việc PĐT ra tòa cũng là điều tất yếu, dễ hiểu, cho thấy thân phận chung của phần tử trí thức yêu nước thương dân.
Bởi vì, bản chất cũng như trách nhiệm của trí thức là đối lập, phản biện, phê phán những việc làm sai trái của chính quyền, để giúp chính quyển sửa đổi bằng những chính sách tốt hơn. Đối lập không có nghĩa là chửi rủa vô tội vạ hoặc đả kích cá nhân. Đọc sách của PĐT, người đọc hầu như không bao giờ bắt gặp những câu chửi rủa thiếu trách nhiệm hoặc tỏ ra có sự căm thù nào ngoài sự căm thù áp bức bất công mà đại đa số dân nghèo thường phải chịu đựng năm này qua năm khác.
Những điều PĐT tố cáo chính quyền về những sai lầm khuyết điểm, suy cho cùng cũng chính là những điều mà chính quyền CSVN và Quốc hội đã từng thừa nhận trong rất nhiều bản báo cáo, hội thảo, nghị quyết, và luôn hứa sẽ sửa chữa. Hai bên chỉ khác nhau về câu chữ, phong cách diễn đạt: của PĐT thì nói thẳng thắn, sinh động hấp dẫn, giống tiếng nói người dân; của chính quyền thì nói vòng vèo, giáo điều, sử dụng nhiều uyển ngữ theo lối tuyên truyền đã thành cố tật.
Như vậy, nếu nhà cầm quyền thật sự của dân do dân vì dân thì phải biết tôn trọng lắng nghe những “tiếng nói khác”, thay vì đàn áp, để bổ sung cho nhận thức của mình về các hiện tình chính trị, chứ sao lại đi bắt bớ cầm tù người ta? Chính nhà cầm quyền CSVN hiện nay cũng đã rất nhiều lần khích lệ phải “phát huy tự do tư tưởng, tạo mọi điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động nghiên cứu và các mặt công tác trên lĩnh vực lý luận” (trích nghị quyết của Bộ Chính trị, 28.3.1992). “Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta”, nếu hiểu theo nghĩa này, thì cuốn Chính trị bình dân của PĐT tuy có khéo léo phê phán chế độ độc tài toàn trị nhưng vẫn đáng được coi là một tác phẩm chính trị thuộc loại xuất sắc có tính khai sáng, giúp tham khảo, bổ sung cho môn Công dân giáo dục đang được giảng dạy tại các nhà trường phổ thông trung học.
Tính ra, PĐT còn quá hiền lành, từ tốn, chứ không đanh thép dữ dội như các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh… khi xưa tuyên truyền vận động chống chế độ thực dân Pháp. Còn như kết án PĐT xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép, hoặc thậm chí “móc nối và nhận tài trợ từ các đối tượng phản động”, thì có khác gì việc làm của các cụ thời trước: hai cụ Phan xuất dương bôn ba hải ngoại, gặp đủ mọi thành phần trí thức, chính khách Nhật, Tây, Tàu để cầu viện tìm phương giải phóng dân tộc; sách báo các cụ viết ra nếu đem gộp in lại còn nhiều gấp cả chục lần PĐT, mà cuốn nào, bài nào cũng cực lực đả kích nhà cầm quyền Pháp đương thời. Rồi các cụ cũng có lúc phải bị ngồi tù, thường dưới hình thức giam lỏng (gọi là cho “an trí”), cả vua Hàm Nghi chống Pháp cũng vậy, được đối xử rất tử tế (có trợ cấp, người hầu), vì văn hóa văn minh phương Tây với nền báo chí tự do của họ không quan niệm tù chính trị là một loại tội xấu ác có tính tuyệt đối (như tội hình sự trộm cắp giết người), trong sự dự liệu trước rằng còn có những lúc đổi đời, sự tồn tại của một chế độ là không vĩnh viễn: nay là người tù, nhưng mai sau lại là người có công với đất nước; phạm tội với chính quyền không đồng nghĩa đắc tội với nhân dân, mà có khi còn có ơn với nhân dân. Tại đây, có một ranh giới không rõ ràng giữa công và tội, tương tự như trường hợp một số người bị ở tù vì tội “vi phạm nguyên tắc nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, sau xét lại thì thấy họ là người có công, dám can đảm xé rào để làm được điều tốt cho dân trong điều kiện các quy định, luật pháp của nhà nước đã tỏ ra lạc hậu không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội…
Trong chiều hướng chắc chắn sẽ tiến lên của đất nước trong tương lai, luật pháp rồi đây cũng sẽ có rất nhiều thay đổi. Nhiều trường hợp luật pháp không xử công bằng được trong hiện tại, thì phải đợi sự phán xét mai sau của lịch sử.
Nhà báo tự do PĐT đã không được may mắn bằng các cụ hoạt động cách mạng tiền bối thời Pháp thuộc. Chị đã bị giam giữ tròn một năm (từ tháng 10.2020) trong tình trạng hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, không được thăm nuôi, khám chữa bệnh và cũng không được gặp luật sư. Các luật sư bào chữa chỉ được gặp vào hôm 19.10.2021, mới biết sức khoẻ của chị đã bị sa sút nhiều trong thời gian giam giữ.
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn viết kể lại (đây chỉ tóm tắt vài ý chính), trong 10 lần lấy cung, PĐT đều bị ép cung nhưng chị từ chối trả lời và yêu cầu phải có luật sư mới khai báo nhưng không được chấp nhận trong suốt quá trình làm việc; PĐT không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội; đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác, cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, không thể tưởng tượng được tại sao mình lại có thể sống được ngần ấy thời gian đã qua trong trại tạm giam với một cơ thể đầy bệnh tật…
Sau khi kể lại vài chi tiết như trên, LS Tuấn nêu cảm tưởng: “Tôi không có câu kết nào cho bài viết này. Tôi nghĩ rằng gạch đầu dòng nào trong những câu chữ trên cũng đủ là câu kết cho một câu chuyện dài và những điều bà Trang nói có thể động tới tâm can của những người có lương tri. Với tính cách, tư tưởng và hành động của mình, nếu muốn chọn lựa một cuộc sống bình yên cho bản thân, cho gia đình, chắn chắn bà Phạm Đoan Trang đã không chọn cách quay về Việt Nam sau khi đã có cơ hội sống ở nước ngoài, điều này khiến nhiều đấng mày râu cũng phải cúi đầu. Với tôi, bà Trang là một cây bút thông thái, cần mẫn, chính trực nhưng cũng giống như một số người khác và phần nào đó là chính cả bản thân tôi, có lẽ chúng tôi đã sinh ra nhầm thời”. Rồi LS còn phụ chú thêm: “Tôi vẫn luôn mơ về một ngày, sẽ không còn cảnh bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến mà thay vào đó sẽ là đối thoại để tìm ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn xã hội trong hoà bình – ngày đó tới sớm hay muộn nó sẽ quyết định việc đất nước có tiến bộ hơn hay vẫn ngưng đọng, trì trệ…”.
Quả là một phụ nữ anh hùng, dũng cảm, kiên cường và trí tuệ, đáng xưng liệt nữ, không thẹn với những tấm gương Bà Trưng, Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân… khi xưa!
Theo sự tìm hiểu lịch sử của tôi, cộng với nhận thức bằng trực giác và kinh nghiệm cá nhân, phụ nữ Việt Nam thường gan dạ dám nghĩ dám đấu tranh cho công lý quyết liệt hơn cánh đàn ông. Trong công cuộc chiến đấu cho công bằng xã hội chống lại mọi hình thức độc tài trong tương lai, người phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng. Thời gian gần đây đã thấy có những Huỳnh Thục Vy, Mẹ Nấm, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Thùy Dương… đều bị tù tội, trong số những người này có thể họ có một vài điểm sai sai hay quá khích gì đó, nhưng căn bản vẫn là những phụ nữ kiên cường đáng kinh nể vì dám đấu tranh không lùi bước cho những điều họ đã xác tín… Trong lãnh vực hoạt động báo chí cũng vậy, một số tổng biên tập tài năng đấu tranh kiên cường nhất cho tự do báo chí tại VN phần lớn cũng thuộc nữ phái, và họ tuy chưa ngồi tù nhưng cũng đều đã bị cách chức hết rồi!
Theo tôi, trong vụ xử án PĐT sáng nay, khi vẫn còn có sự lưng chừng giữa công và tội như đã phân tích ở trên, nếu tội mà còn nghi thì nên tha để mở rộng việc hình. Luật hình sự VN vẫn còn một số điều khoản mập mờ đang trong quá trình hoàn thiện, thì đây cũng là thêm một lý do để áp dụng một nguyên tắc kinh điển khác của luật pháp: “Phải giải thích các điều khoản trong hình luật một cách khoan hồng” (In peonalibus causis benignius interpretandum est).
Trong trường hợp PĐT, cũng như đối với vài vụ khác sắp xử trong tháng 12 này, nếu các nhà chức trách đã lỡ quyết định “bỏ túi” vụ án rồi mà không tha bổng được thì cho hưởng án treo, hoặc cứ tuyên như mức đã định sẵn, nhưng nên thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách giam lỏng (cho an trí một nơi nào đó để kiểm soát), như thực dân Pháp đã làm đối với các cụ nhà nho tù chính trị thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1908), tội hệt như PĐT, thay vì nhốt tù trong những điều kiện khắc nghiệt phi nhân bản.
Vụ án này có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, nếu quý vị thẩm quyền trên ngôi cao chín bệ chịu xử lý vấn đề như trên đề nghị, tôi tin chắc quý vị sẽ nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dư luận không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới: Việt Nam không chỉ sẽ nhận được thừa thãi nguồn vaccin và thuốc men chữa bệnh Covid-19 cho dân mà còn sẽ nhận được biết bao nguồn tài trợ quốc tế khác nữa để giúp đất nước phát triển. Giữa cái lợi to lớn này với việc cầm tù chỉ mỗi một công dân như PĐT, xin hỏi quý vị sẽ quyết định chọn theo hướng nào.