Lòng nhân từ thì tự nhiên tướng mạo tươi đẹp. Vẻ mặt luôn thiện lương thì tự nhiên sẽ bình an thuận buồm xuôi gió. (Ảnh: Epochtimes.com)
Người ác có tướng ác, người thiện có tướng thiện, tiểu nhân có tổn tướng, quý nhân có phúc tướng. Cuộc sống thế nào thì có tướng mạo như thế.
1. Tướng mạo khởi nguồn từ tâm thái
Trần Đoàn – ông tổ của thuật “tử vi” và là Chân nhân đắc Đạo đời Tống đã viết trong sách Tâm Tướng Thiên rằng:
“Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, nghĩa là: “Có tâm mà không có tướng thì tướng sẽ theo tâm mà sinh ra; có tướng mà không có tâm thì tướng sẽ theo tâm mà mất đi”.
Điều đó có nghĩa là tướng mạo của con người có thể thay đổi tùy theo tâm thiện hay ác, tâm bất chính thì hình tướng ắt sẽ hiện vẻ gian tà.
Có câu chuyện như sau:
Có một người tướng mạo hung ác xấu xí, anh ta cảm thấy rất khổ tâm và buồn phiền. Thấy vị thiền sư trong vùng, dung mạo vô cùng hòa ái, anh ta bèn tìm đến bày tỏ nỗi mặc cảm trong lòng, xin thiền sư chỉ giúp làm sao để cải biến dung mạo bất thiện của mình.
Thiền sư nói: “Được, nhưng trước tiên anh hãy điêu khắc cho ta 100 pho tượng Phật, sau khi làm xong thì sẽ có cách giải quyết nỗi khổ tâm của anh”.
Thế là người này trở về chuẩn bị công việc điêu khắc. Trước tiên anh ta đi thăm tất cả các ngôi chùa trong vùng, xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng thần thái biểu cảm của từng bức tượng, sau đó về nhà chuyên tâm dùi mài vào công việc điêu khắc. Hơn năm sau, anh đã hoàn thành điêu khắc xong 100 pho tượng Phật mà thiền sư yêu cầu, pho tượng nào cũng trang nghiêm và toát lên vẻ từ bi, thiện lương, bao dung. Anh hăm hở đem lên chùa giao cho thiền sư và nóng lòng chờ thiền sư chỉ cách thay đổi tướng mạo như đã hứa.Hơn năm sau, anh đã hoàn thành điêu khắc xong 100 pho tượng Phật mà thiền sư yêu cầu.
(Ảnh: Pixabay)
Thiền sư nhận 100 pho tượng, rất hài lòng rồi bảo anh ta: “Anh hãy ra dòng suối chỗ vách núi kia rửa mặt đi đã”.
Tới vũng nước suối trong vắt nhìn thấu đáy, anh ta vừa cúi đầu xuống thì bất giác thấy khuôn mặt một người đàn ông trang nghiêm chính trực và thuần thiện đang nhìn mình. Anh hốt hoảng ngó nghiêng nhìn quanh, bốn bề vắng lặng, chỉ có tiếng gió lao xao và tiếng nước suối róc rách. Anh bỗng giật mình nhận ra, gương mặt người đàn ông trong bóng nước kia chính là anh.
Hóa ra, trong hơn một năm miệt mài điêu khắc tượng, anh đã dồn hết tâm sức cảm nhận và biểu hiện cho bằng được thần thái trang nghiêm, từ bi, thánh thiện của những tượng Phật và thiện tâm ở trong lòng anh khi toàn tâm toàn ý làm các bức tượng đó đã khiến thần thái chính anh thay đổi theo. Anh bỗng tỉnh ngộ ra, đó chính là cách mà thiền sư muốn anh làm để thay đổi diện mạo, chứ không phải đợi đến khi làm xong tượng chỉ cho anh cách nào cả.
Thiện ác do mình, tướng do tâm sinh
Tướng mạo chính là hình dáng của tâm thái trong những tháng ngày dài lâu trầm lắng xuống.
Phúc tướng, thực ra chính là từ tâm hướng thiện lâu ngày tạo ra, vì thiện hữu thiện báo, tâm thiện, hành thiện có phúc tướng, đắc phúc báo.
Người từ tâm thì tướng mạo tươi đẹp. Người thiện tâm thì tướng mạo thiện lành. Tâm thái khác nhau thì tướng mạo cũng thay đổi khác nhau.Người từ tâm thì tướng mạo tươi đẹp. Người thiện tâm thì tướng mạo thiện lành.
2. Tướng mạo quyết định vận mệnh
Nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer nói: “Vẻ ngoài của con người là bức tranh thể hiện nội tâm của chính họ. Tướng mạo tiết lộ đặc trưng vận mệnh của cuộc đời họ”.
Vận mệnh như thế nào thì hãy xem tướng mạo là có thể biết.
Trong chế độ khoa cử thời cổ đại, người thi đỗ phải thông qua Bộ Lại sát hạch rồi mới được bổ nhiệm làm quan, mà quy định sát hạch này bao gồm: “Thứ nhất thân hình, thứ hai lời nói, thứ ba chữ viết, thứ tư phán đoán”.
Sát hạch thứ nhất chính là yêu cầu phải có tướng mạo đoan chính, đầy đặn. Sau đó mới là những yêu cầu về năng lực như khả năng biểu đạt, khả năng viết lách và khả năng phán đoán.
Với tiêu chuẩn sát hạch như thế này, đã có nhiều người có tài của trạng nguyên nhưng tướng mạo không đạt tiêu chuẩn thì chỉ được bổ nhiệm làm quan vùng xa xôi hẻo lánh.
Như vậy tướng mạo có thể ảnh hưởng đến đường công danh, quan lộ. Có thể thấy tướng mạo có vị trí quan trọng trong đời sống.
Tướng mạo chính là quá trình trưởng thành của con người. Tâm thái làm người làm việc, đối nhân xử thế, tất cả đểu triển hiện trên khuôn mặt, mà vận mệnh cũng vì thế mà thay đổi.Tâm thái làm người làm việc, đối nhân xử thế, tất cả đểu triển hiện trên khuôn mặt. (Ảnh: epochtimes.com)
Nhà chính trị và giáo dục thời Trung Hoa Dân Quốc là Trương Bá Lin đã từng nói: “Con người có thể có vận xui xẻo, nhưng không thể có tướng xui xẻo”.
Cho dù gặp vận xui xẻo thì cũng phải ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ, để người ta trông thấy cũng có cảm giác sạch sẽ dễ chịu, như thế cuộc sống cũng sẽ tươi sáng mới mẻ, vận đen cũng sẽ tự nhiên chuyển biến, rất nhanh chóng tốt đẹp lên.
Tích thiện tích đức có thể cải biến vận mệnh, tất cả phúc báo đều là “Quả” từ cái “Nhân” trước đó, đời này hay đời trước. Tâm tốt thì tướng mạo tốt, phú quý đến già.
Gương mặt tươi tắn, khi cười thì như hoa xuân, nhất định sẽ cảm động lòng người, bất kể họ là ai. Một người diện mạo đẹp lòng nhân từ thì có vận tốt có thể chuyển họa thành phúc.
Con người sống trên đời, tướng mạo chính là bản lý lịch của cả cuộc đời. Vận mệnh như thế nào thực ra chính là nằm trong tay bản thân mình.
Ngoảnh đầu nhìn lại những chuyện xưa, năm tháng chưa bao giờ phụ bạc ta cả. Cho dù đến tuổi trung niên thì cũng phải sống đẹp. Lòng nhân từ thì tự nhiên tướng mạo tươi đẹp. Vẻ mặt luôn thiện lương thì tự nhiên sẽ bình an thuận buồm xuôi gió.
Bức chân dung nàng Mona Lisa không chỉ là tác phẩm tiêu biểu cho cuộc đời danh họa Leonardo da Vinci mà còn là một tuyệt tác huyền thoại của lịch sử hội họa. Sau hàng trăm năm, nụ cười đầy mơ hồ trên môi nàng Mona Lisa vẫn được hậu thế bàn luận, phân tích. Thế nhưng, không phải ai cũng biết về cuộc đời thực tế bên ngoài bức họa của quý bà người Ý này.
Cuộc hôn nhân u buồn
Người mẫu của bức tranh nàng Mona Lisa là Lisa Gherardini, sau đổi thành Lisa del Giocondo theo họ chồng. Bà sinh vào ngày 15/6/1479 ở Florence, Ý, là con cả trong một gia đình gốc quý tộc nhưng đã mất dần quyền lực lẫn sự giàu có.
Khi ấy, các thiếu nữ thường được gả đi sớm cho các người đàn ông lớn tuổi. Năm 1495, khi 16 tuổi, Lisa được gả cho Francesco del Giocondo – một thương gia giàu có 30 tuổi. Cô gái tuổi trăng tròn Lisa Gherardini nhờ cuộc hôn nhân này mà được nâng cao địa vị, bắt đầu cuộc sống của một phụ nữ tầng lớp thượng lưu nhưng gặp không ít sự kiện đau buồn.
Bức họa Mona Lisa. (Ảnh: I.T)
Sau khi kết hôn, cô nhanh chóng mang thai và sinh được 6 người con trong vòng 10 năm. Trong số đó chỉ có 4 người con sống đến tuổi trưởng thành. Con gái thứ hai tên Piera của Lisa qua đời năm lên 2 tuổi còn một người con khác chết khi vừa lọt lòng.
Thông tin bê bối nhất trong gia đình của Lisa là về “sở thích” buôn bán, nuôi nô lệ của chồng cô. Suốt nhiều đời liền, gia đình Francesco có truyền thống làm công việc tội lỗi này. Trong cuốn Mona Lisa: The People and The Painting (tạm dịch: Nàng Mona Lisa: Những con người và Bức họa), 2 tác giả Martin Kemp và Giuseppe Pallanti miêu tả: “Kể từ khi còn nhỏ, Francesco đã sống cạnh với những nữ nô lệ do cha ông mua về, và sau khi người cha qua đời, trách nhiệm của ông là mua nô lệ mới. Thi thoảng ông lại mua về nhiều nô lệ hơn cần thiết”.
Các nhà lịch sử học cũng đưa ra thông tin rằng cuộc hôn nhân của Lisa và chồng không quá hạnh phúc. Tiêu biểu là sự kiện Lisa từng bị 2 người đàn ông quý tộc bạn của chồng mình gạ gẫm, tán tỉnh. Lisa đã ra sức từ chối họ. Còn về phía Francesco, thay vì nổi giận với 2 gã đàn ông có ý định chiếm đoạt vợ mình, ông lại lo sợ sự từ chối của Lisa ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với họ. Vì 2 người này rất có thế lực, sau lùm xùm, Francesco đã tìm đến nhà họ để khẳng định sự ủng hộ của mình và cam đoan rằng mối quan hệ giữa đôi bên vẫn thân thiện. Sự yếu đuối và hèn hạ của Francesco đã bị đối phương mỉa mai lại.
Tác giả Martin Kemp cũng miêu tả Lisa là một người phụ nữ bị chồng kiểm soát, như nhiều phụ nữ thời bấy giờ. Sự giàu có của chồng đã giữ chặt Lisa trong “một tủ quần áo và hàng đống quần áo ấn tượng“, mặc dù người xem không thể thấy điều này trong bức tranh về cô.
Mô hình 3D của nàng Lisa được bảo tàng Louvre tái dựng.
Người ta không rõ bằng cách nào họa sĩ Leonardo da Vinci liên hệ được với Lisa, nhưng giữa họ có một mối liên hệ là cha của ông Leonardo là luật sư và chồng của Lisa là một khách hàng của ông. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy gia đình Lisa chính là hàng xóm sống cùng khu với cha của họa sĩ. Năm 1503, danh họa bắt đầu vẽ bức chân dung của người phụ nữ 24 tuổi sau này sẽ trở thành kiệt tác nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình.
Danh họa Leonardo da Vinci.
Nhiều khả năng Francesco là người đã thuê Leonardo da Vinci – người lúc ấy vẫn là một họa sĩ không tiếng tăm vẽ chân dung cho vợ mình. Cũng như nhiều gia đình giàu có ở Florence, mỗi khi gia đình có sự kiện trọng đại, vợ chồng Lisa lại mời các họa sĩ tới vẽ chân dung kỷ niệm. Năm 1503 là khi Lisa đang mang thai đứa con thứ 3 của mình và mới chuyển đến nhà mới, gia đình đã mời Leonardo da Vinci tới để vẽ chân dung kỷ niệm.
Bức tranh Mona Lisa sau đó được vẽ trong suốt 16 năm, kể từ khi Lisa còn là một phu nhân trẻ cho đến khi bước vào tuổi trung niên. Và tác phẩm hội họa đỉnh cao này thực chất chưa bao giờ được hoàn thành, vì nó đã bị bỏ dở dang vào năm 1519, khi Da Vinci qua đời. Ông cũng không bao giờ trao bức tranh này cho khách hàng mà đã mang nó đến Pháp năm 1517.
Vào những năm tuổi già, Lisa đã sống trong tu viện. Bà qua đời ngày 14/7/1542, thọ 63 tuổi. Khi cả người vẽ lẫn người mẫu đều đã qua đời, bức chân dung Mona Lisa còn dang dở lúc ấy không có danh tiếng gì và không được ai biết đến. Mãi vài thế kỷ sau, nàng Lisa – một người phụ nữ quý tộc bình thường trong hàng triệu phụ nữ của thế kỷ 16 mới đột nhiên trở nên nổi tiếng.
Năm 1550, bằng cách nào đó mà bức chân dung của nàng Mona Lisa lại lọt vào trong bộ sưu tập tranh của Vua Francis I ở nước Pháp. Nó từng vài lần được trưng bày trong bảo tàng Louvre. Năm 1800, Napoleon tỏ vẻ rất thích bức họa này nên đã đem về treo trong phòng ngủ. Ông trả lại nó cho bảo tàng 4 năm sau đó.
Thời gian trôi qua, tiếng đồn về vẻ đẹp của bức tranh lan rộng và bí ẩn về nụ cười nàng Mona Lisa khiến người ta mãi thắc mắc, trầm tư. Nụ cười của nàng Mona Lisa đã khiến hàng triệu người trên thế giới bị mê hoặc nhưng vĩnh viễn sẽ không ai hiểu được bí mật đằng sau nụ cười đó là gì.
Bức tranh Mona Lisa hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp, được trưng bày tại bảo tàng Louvre
Ngày nay, nằm trong lớp kính chống đạn ở một vị trí trang trọng trên tường bảo tàng Louvre, Mona Lisa chính là bức tranh giá trị lớn nhất thế giới. Nụ cười bí hiểm của nàng đã thu hút hàng triệu du khách tới tham quan bảo tàng mỗi năm. Theo thống kê, có tới 80% du khách ghé thăm viện bảo tàng này hằng năm chỉ để được ngắm nụ cười của Mona Lisa.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc – nhà kinh tế học và chính khách VNCH, người góp phần quan trọng trong việc đào tạo môn kinh tế học tại trường Đại học Luật khoa và Trường Hành chính Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa – vừa qua đời tại Paris ngày 22 Tháng Mười Một 2021, hưởng thọ 102 tuổi.
Sinh ngày 5 Tháng Tám 1920 tại Nam Định, ông Vũ Quốc Thúc theo học Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieure de Droit) tại Hà Nội, tốt nghiệp năm 1942. Ông có thời gian giữ chức Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1955-1956). Trước đó, ông là cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm; Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Quốc Vụ Khanh Đặc trách tái thiết hậu chiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Là một trong những nhân vật một thời lừng lẫy của chính trường miền Nam, ông là đồng tác giả bản “Kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc” – Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm sau chiến tranh.
Cần nhắc lại, năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đặt chân vào chiến trường Việt Nam, họ đã tin rằng họ sẽ thắng. VNCH cũng vậy. Do đó, Mỹ và VNCH bắt tay hoạch định kế hoạch xây dựng kinh tế thời hậu chiến. Giáo sư Vũ Quốc Thúc là trưởng phái đoàn Việt Nam trong cuộc soạn thảo bản kế hoạch này, cùng làm việc với chuyên gia kinh tế Mỹ là David E. Lilienthal. Công trình này ra đời khoảng năm 1969. Theo giáo sư Vũ Quốc Thúc, Kế hoạch kinh tế hậu chiến gồm đẩy mạnh khai hoang, làm thủy lợi, điện khí hóa đồng bằng sông Cửu Long… Mục đích cuối cùng của kế hoạch không thuần túy kinh tế mà còn là chính trị. Lilienthal tin rằng, việc thực hiện kế hoạch tại đồng bằng sông Cửu Long là một cách tốt để loại trừ sự hiện diện của Mặt Trận Giải Phóng, công cụ của Cộng sản Bắc Việt, vốn trà trộn và nằm vùng tại khu vực này. Tuy nhiên, kế hoạch chưa thực hiện được thì xảy ra sự kiện Mậu Thân 1968.
Về thái độ chính trị của giáo sư Vũ Quốc Thúc đối với chính trường miền Nam, có thể xem lại bài phỏng vấn của nhà báo Mặc Lâm đăng trên RFA ngày 28 Tháng Tư 2015, trong đó có đoạn liên quan Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giáo sư Thúc nói:
“Đã nhiều lần ông Diệm tâm sự với tôi và phải nói rằng ông Diệm là một người yêu nước. Còn về anh em ông ấy thì tôi không biết nhiều nhưng riêng ông Diệm thì ông ấy là một người yêu nước và không muốn ngoại bang chi phối mình. Ông cũng sợ nội chiến đúng như tôi sợ vậy. Tôi còn nhớ cứ vào buổi tối, ăn cơm tối xong thì ông gọi phone thẳng cho tôi mời tôi vào chơi nói chuyện, tâm sự với tôi. Tôi thấy con người ông lúc đó không phải vì chính trị hay gì khác mà lúc ấy quả thực ông ấy nói lên cái nỗi lòng của ông ấy. Tôi biết ông không phải là người sẵn sàng theo ngoại bang”.
Và về cộng đồng người Việt hải ngoại, cũng theo bài phỏng vấn, giáo sư Thúc cho rằng:
“Tôi đã biết trong nước từ xưa qua các chế độ người mình có một tầm nhìn có lẽ nó hơi hạn hẹp quá không nhìn xa xôi và rồi cũng không ý thức được như cầu của dân tộc là phải phát triển để ít nhất cũng thành một nước thực sự độc lập, giàu mạnh. Người trong nước có lẽ cũng vì hoàn cảnh lịch sử đưa đến chỗ trước hết là chiến tranh giành độc lập, sau rồi lại đến chiến tranh lôi cuốn vào cuộc chiến giữa hai khối tư bản tự do và khối cộng sản độc tài toàn trị. Bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh đó và như tôi đã nói là rốt cục người mình lại chia rẽ chống nhau với người mình. Ngoại quốc người ta dùng người mình làm lợi cho người ta trong bãi đấu thành ra tôi thấy đó là một đại họa cho dân tộc.
“Bây giờ có một số người vượt ra ngoại quốc được. Vượt ra ngoại quốc vì hoàn cảnh không thể khác phải bỏ nước ra đi. Khi người ta đã liều mạng đi trên những chiếc thuyền mong manh trên biển cả mười phần chết đến 5, 6 thế mà người ta cũng bỏ nước ra đi. Khi ra đi như thế chúng ta có một cái nhìn toàn cầu, không còn chật hẹp như trước nữa, không nghĩ tới quê hương mà chém giết nhau chỉ vì quyền lợi ngắn hạn. Bây giờ những người ở bất cứ nơi nào bên Mỹ hay Âu châu hay Á châu chăng nữa thì họ đã có một cái nhìn toàn cầu.
“Với 90 triệu người mà trong đó có biết bao nhiêu người tài năng nhưng tại làm sao mà mình cứ để cho người ta lợi dụng mình như một con cờ để cuối cùng chém giết lẫn nhau? Cái điều đó nó làm cho tôi vô cùng phẫn nộ. Đó là những gì nó ám ảnh tôi trong bốn chục năm qua”.
……..
Theo thông báo của gia đình, thánh lễ cầu nguyện cho giáo sư Vũ Quốc Thúc sẽ được cử hành ngày 25 Tháng Mười Một 2021 tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris; lễ hỏa táng được cử hành ngày 1 Tháng Mười Hai 2021.
Hôm qua, một người từ xa nhắn hỏi: “Anh nghĩ gì về một chuyện rất xưa, chuyện những quan chức ở giai đoạn hoàng hôn nhiệm kỳ?”.
Cô làm tôi nhớ lại cụm từ đã thành kinh điển, dùng lại chữ của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến khi ông phát biểu về những hành động tranh thủ của một số quan chức vơ vét quyền lợi trước khi nghỉ hưu. Ông Tiến là người đầu tiên dùng từ “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét cuối cùng” tại Quốc hội.
Trong phiên chất vấn sáng 17/11/2015 tại Quốc hội, ông cho rằng, “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét cuối cùng” biểu hiện ở nhiều góc độ: ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách vội vã, tuyển người hàng loạt; ký vội, phê duyệt vội những dự án lớn mà không thể triển khai ngay ở nhiệm kỳ này; hoặc tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công; hay phê duyệt dễ dãi các chuyến đi “nghiên cứu, học tập” ở nước ngoài bằng ngân sách, trong đó phần lớn thời gian là đi du lịch.
Hồi ấy, chúng tôi, những nhà báo làm việc tại Hà Nội, đã hớn hở túm ngay lấy cụm từ ông nói, gắn vào nhiều cái “tít” ngày hôm đó. Trong cả kỳ họp Quốc hội hàng tháng trời, với nhiều nội dung đã bị nhàm chán với công chúng, cụm từ độc đáo của đại biểu Tiến là một thành quả nho nhỏ những phóng viên theo dõi Nghị trường muốn đưa tới công chúng.
Nhắc câu chuyện ấy, vào những ngày này, mười người, chắc mẩm chín người rưỡi sẽ nói về cáo buộc hối lộ triệu đô trước khi nghỉ hưu của cựu Bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son liên quan tới vụ án AVG. Là một nhà báo, những việc không mấy hay ho như vậy với tôi và đồng nghiệp không phải một vài, dù nó luôn ấn tượng với công luận. Nhưng tôi thầm nhủ, liệu mình có thể nghĩ khác đi không?
Và khi mông lung ngẫm ngợi, tôi bỗng nhớ lại một cuộc nghỉ hưu cũng rất ồn ào, cũng vào tháng 9, cách nay đã hai năm. Bác sỹ Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí về nghỉ hưu trong vòng tay thân ái và nước mắt tiếc nuối của đồng nghiệp và bệnh nhân. Một ngày sau khi trở thành nhân vật chính mà có báo gọi là “buổi chia tay cảm động có một không hai trong lịch sử ngành y”, bác sĩ Trí nói: “Mình là người lao động, đúng tuổi thì nghỉ hưu”.
Câu chuyện đẹp đó, khi đặt vào bối cảnh những gì đang ồn ào về giai đoạn hoàng hôn nhiệm kỳ của một số lãnh đạo khiến người lạc quan có lẽ cũng thở dài ngao ngán. Những “đoàn tàu vét” đi trong bóng đổ của “hoàng hôn nhiệm kỳ” trở thành ám ảnh.
Không phải đợi tới khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh trong thời gian qua dân chúng mới nghe tin một bộ trưởng nhận hối lộ hơn 3 triệu USD để thúc đẩy một thương vụ “hoàn tất trong những ngày cuối của nhiệm kỳ”, một ông tương đương bộ trưởng ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn trước khi nghỉ hưu. Những hành vi lót ổ, bố trí phe cánh kế cận, chuẩn bị sẵn vị trí hội nghề nghiệp,… nằm trong hàng trăm cách để kéo dài quyền lực và quyền lợi sau khi nghỉ hưu. Chúng được gấp rút chuẩn bị khi các vị quan bước vào đoạn cuối của nhiệm kỳ.
Năm cuối ở nhiệm kỳ nào cũng vậy, mọi hoạt động kinh tế, chính trị đều có những thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi, tất nhiên không vì một vài vị trí lãnh đạo sắp nghỉ hưu. Nhưng guồng máy kinh tế, xã hội thực tế đã phải vận động theo một quy luật rất kỳ dị là xoay vần theo “tư duy nhiệm kỳ”. Ai về? Ai lên? Tân quan tân chính sách. Và một nền hành chính “đánh quả” thay vì “phục vụ” trở thành đặc trưng của bộ máy khiến niềm tin của công chúng càng chật vật.
Tôi không xác định được chính xác từ bao giờ trong xã hội Việt Nam, những công bộc biến thành phụ mẫu. Cơ chế vận hành phi quy luật kết hợp với quyền lực khiến những người trong bộ máy, ở bất cứ vị trí nào cũng có cơ hội để giành giật, đánh quả. Cả một xã hội đứt gãy về đạo đức công vụ ít nhiều đều lấy tôn chỉ “không tiền thì cạp đất mà ăn” làm thước ngắm.
“Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ… Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỷ đồng rồi”. Trớ trêu thay, đây là câu nói của vị “tương đương bộ trưởng” đề cập ở trên, vào năm 2005, khi ông còn tại vị.
Tham nhũng đã trở thành căn bệnh nan y. Điều này vốn dĩ từ người cao nhất trong bộ máy nhà nước cho tới dân thường, từ người đang cuốc nương ở một bản miền núi xa xôi đến chị bán trà đá vỉa hè Hà Nội đều biết. Nhưng khi xử lý tham nhũng, thì “vẫn là những người đã về hưu là chính” và công cụ chính để ngăn ngừa tham nhũng vẫn lại nhờ vào “sự giữ mình của mỗi cán bộ, cá nhân”. Thật là một công việc vô vàn gian khó.
Bước ra khỏi đổ nát hoang tàn của chiến tranh, bộ mặt xã hội Việt Nam hiện nay quả thực đã rất nhiều đổi khác. Đời sống vật chất đã được nâng cao, nhưng niềm tin của đại bộ phận dân chúng thì lại vợi đi quá nhiều. Góp phần không nhỏ vào công cuộc đánh cắp niềm tin đó, chắc chắn là những chuyến tàu hoàng hôn vơ vét, tranh thủ quyền lực của nhiều bậc “phụ mẫu” trước khi rời nhiệm sở.
Công khai minh bạch và tăng cường các điều luật nhằm kiểm soát quyền lực; mở rộng hơn nữa sự tham gia của các phương pháp giám sát độc lập không phải là đề xuất mới nhưng cần thiết, thay vì chúng ta tiếp tục trông đợi vào “nhận thức và tự nhận thức” của mỗi cá nhân.
Dường như đất nước lại sắp bước vào một buổi chiều như thế của nhiệm kỳ. Chỉ khi mà mọi quy trình được công khai minh bạch thực sự dưới sự giám sát của công chúng thì chúng ta mới có nền hành chính phục vụ chứ không phải một nền hành chính quan liêu, ai nấy nhăm nhe vơ vét cho những chuyến tàu chiều.
Thế giới sẽ quay trở lại hình ảnh của châu Âu vào thế kỷ 19 khi giới thượng lưu không làm gì cả, chỉ biết hưởng lợi tức trên điền trang như trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển và giới lao động bình dân luôn sống trong chật vật nghèo khó?
Nếu trong giới kinh tế học mà cũng có ngôi sao như trong giới điện ảnh, ca hát thì Thomas Piketty ắt sẽ là ngôi sao mới nổi, được đón chào chẳng kém diễn viên Brad Pitt. Cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh của ông, “Capital in the Twenty-First Century – Tư bản trong thế kỷ 21” vào trung tuần tháng 4/2014 lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng cuốn sách của Piketty sẽ “thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và cách chúng ta nghiên cứu kinh tế học”.
Chủ đề cuốn sách đang gây xôn xao dư luận này là bất bình đẳng trong thu nhập, một chủ đề quen thuộc, từng được đề cập trong hàng ngàn cuốn sách hay hàng ngàn bài viết trước đây. Thế nhưng vì sao sách của Thomas Piketty lại trở thành hiện tượng?
Trước tiên phải nói ngay sự bất bình đẳng trong thu nhập mà tác giả đề cập chủ yếu không xoay quanh chuyện lương các CEO cao gấp mấy trăm lần lương công nhân (có nhưng không phải là điểm chính). Sự bất bình đẳng này thể hiện giữa hai xu hướng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động, thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Lương của Bill Gates nay có thể không là bao nhiêu cả khi không còn làm cho Microsoft nhưng so với một năm trước đó, tài sản của ông năm 2014 đã tăng thêm 9 tỉ USD, lên 76 tỉ USD. Mức tăng ấy đến từ lợi tức tư bản mà dân gian chúng ta thường nói “tiền đẻ ra tiền”. Tốc độ tăng này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP của nước Mỹ – điều đó có nghĩa, dù không muốn nhưng Bill Gates sẽ tiếp tục ngày càng giàu, trong khi đại đa số dân Mỹ thấy thu nhập hầu như không tăng. Vì vậy khoảng cách giàu nghèo giữa Bill Gates và những người có thu nhập từ tư bản như ông và những người làm công ăn lương sẽ ngày càng giãn ra, giãn dần ra đến một tỷ lệ không tưởng nổi.
Đó chính là lập luận chính của cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21”. Tư bản, theo định nghĩa của Piketty gồm tất cả những tài sản mà người ta có thể sở hữu và mua bán trên thị trường, như bất động sản, vốn trong doanh nghiệp, máy móc, nhà xưởng, kể cả tài sản sở hữu trí tuệ. Tư bản tạo ra thu nhập và theo Piketty, hiện nay ở các nước phát triển, thu nhập từ tư bản vào khoảng 4-5%/năm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của các nước này chỉ vào khoảng 1-2%/năm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hai tốc độ chênh lệch nhau này cứ thế tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21 này? Chắc chắn sẽ đến lúc những người nắm tư bản trong tay sẽ chiếm gần hết thu nhập của một nước trong khi những người còn lại, tức chỉ biết dùng sức lao động để tạo ra thu nhập, sẽ phải chia miếng bánh ngày càng nhỏ đi. Cuối cùng thế giới sẽ quay trở lại hình ảnh của châu Âu vào thế kỷ 19 khi giới thượng lưu không làm gì cả, chỉ biết hưởng lợi tức trên điền trang như trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển và giới lao động bình dân luôn sống trong chật vật nghèo khó.
Lập luận này đi ngược lại những gì kinh tế học lâu nay thường giả định, rằng kinh tế thị trường sẽ làm cho bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng nhỏ lại nhưng Piketty thuyết phục được nhiều người nhờ khối lượng dữ liệu khổng lồ trải dài suốt mấy trăm năm mà ông từng thu thập, phân tích để viết cuốn sách. Ví dụ ông cho rằng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, sự bất bình đẳng không rõ nét lắm là bởi tư bản hay sản nghiệp của nhiều người đã bị hủy diệt qua hai cuộc đại thế chiến, qua những cơn khủng hoảng và chỉ mới tích lũy lên lại mức xưa vào nửa cuối thế kỷ 20.
Điều gây ấn tượng trong lập luận của tác giả là: nền kinh tế càng rơi vào trì trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm thì sự bất bình đẳng trong thu nhập càng cao (vì chênh lệch giữa thu nhập từ tư bản và thu nhập từ lao động càng cách biệt).
Thomas Piketty sinh năm 1971, sinh trưởng ở Pháp. Năm 22 tuổi ông đã lấy xong bằng tiến sĩ kinh tế và được ba trường danh tiếng của Mỹ gồm MIT, Harvard và Đại học Chicago mời sang dạy. Ông chọn MIT nhưng chỉ dạy ở đây hai năm rồi quay về Pháp và bỏ hết thời gian để nghiên cứu dữ liệu liên quan đến bất bình đẳng trong thu nhập của hàng chục nước trên thế giới.
Đương nhiên khi vẽ nên bức tranh của kinh tế thế giới đang đi vào chỗ bế tắc như thế, tác giả đưa ra những đề nghị táo bạo: đánh thuế lên tư bản để giảm bất bình đẳng. Đây là điểm yếu của cuốn sách vì đa phần đều cho là tác giả “ngây thơ về chính trị” – không ai dại gì đánh thuế lên tư bản vì nó sẽ chạy sang nước khác; một sắc thuế toàn cầu lại càng bất khả thi hơn.
Hiện nay đa phần lời bình khi điểm cuốn này là sự khen ngợi. Tuy nhiên, phải nói ngay cuốn sách được viết theo dạng nhắm đến độc giả không chuyên về kinh tế nên khá dài dòng, lặp đi lặp lại một cách không cần thiết. Bức tranh toàn cảnh mà tác giả đưa ra trải dài qua nhiều thế kỷ, qua nhiều nước nên giúp độc giả có được cái nhìn rất toàn diện, tỉnh táo, không bị tác động bởi các yếu tố chính trị, chiến tranh hay xung đột “nóng lạnh”.
Nhưng cũng chính vì phải phân tích những chuỗi dữ liệu lớn như thế nên sách đôi lúc mang tính kỹ thuật, khá khô khan. Tác giả đã cố gắng cân bằng trở lại bằng cách dùng các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen, Balzac hay Henry James làm dữ liệu sống để minh họa cho số liệu thời đó.
Điều chắc chắn là cuốn sách của Thomas Piketty sẽ còn được bàn tán nhiều; các nhà làm chính sách ắt sẽ đọc kỹ và rất có thể những phân tích trong cuốn sách sẽ tác động đến một số chính sách trong tương lai. Biết đâu một số nước phương Tây sẽ nới lỏng thêm chuyện nhập cư vì Piketty cho rằng gia tăng dân số cũng là một trong những phương cách giảm bất bình đẳng trong thu nhập.
Trong cuốn Tư bản trong thế kỷ 21, Thomas Piketty đưa ra hai “quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản”. Thứ nhất, ở các nước phát triển tổng giá trị tư bản của nền kinh tế so với tổng thu nhập quốc dân hàng năm thường ở mức 5-6 lần. Ví dụ ở các nước như Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, thu nhập quốc dân đầu người chừng 30.000-35.000 euro/năm, còn tổng sản nghiệp đầu người (tức tư bản) chừng 150.000-200.000 euro.Từ đó, Piketty đưa ra quy luật đầu tiên, nếu tổng tư bản bằng sáu năm tổng thu nhập quốc dân và nếu tỷ lệ thu nhập từ tư bản là 5% thì phần chia cho tư bản từ thu nhập quốc dân là 30%.Quy luật thứ hai, chỉ đúng trong dài hạn, cho rằng tỷ lệ tiết kiệm càng cao và tốc độ tăng trưởng càng thấp thì tỷ lệ tư bản trên thu nhập quốc dân càng cao. Nói cách khác giả thử một nước tiết kiệm 8% thu nhập và GDP hàng năm tăng 2% thì về lâu về dài nước này sẽ tích lũy một khoản tư bản bằng bốn năm tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Nhưng nếu GDP chỉ tăng 1%/năm thì sau một thời gian, tỷ lệ tư bản trên thu nhập quốc dân này sẽ là 8 lần chứ không còn là 4 lần nữa.