Vẻ đẹp xuyên không tại làng cổ Đường Lâm

HÀ NỘIĐứng tại làng cổ Đường Lâm và chụp ảnh, Trần Quốc Trung như xuyên không để trở về quá khứ.

Trần Quốc Trung, sinh năm 1982, sống tại Ba Đình, Hà Nội, gây ấn tượng trong cộng đồng yêu du lịch trên mạng xã hội với bộ ảnh làng cổ Đường Lâm. Đây là lần thứ 4 anh đến đây và quyết định lưu giữ lại kỷ niệm bằng hình ảnh. “Tôi sợ một ngày ngôi làng sẽ bị đô thị hóa, chỉ còn ký ức qua những hình ảnh”, Trung chia sẻ. Bộ ảnh được anh đặt tên là “Cổ trấn bị lãng quên”, nay đã thu về gần 8.500 lượt yêu thích và khoảng 500 bình luận.

Có nhiều lối vào làng cổ, nhưng cổng Mông Phụ vẫn mang nhiều dấu ấn nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm, cổng Mông Phụ vẫn còn rất nguyên vẹn, thấm đậm hồn quê xứ Đoài. Đứng tại khu vực này, thời gian như chậm lại, ta như đang quay trở lại quá khứ.

Nằm cách đô thị Hà Nội hiện đại khoảng 45 km, làng cổ Đường Lâm là điểm dừng chân cho du khách muốn tìm về những dấu ấn xưa cũ. Nơi đây lưu giữ tốt những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, bến nước, sân đình… Trong hàng vạn ngôi làng trên cả nước, Đường Lâm là nơi đầu tiên nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Ý tưởng của Trung được thể hiện qua bộ ảnh là sự lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm về một làng quê yên bình, cổ kính, đậm chất Bắc Bộ mà hiện tại do đô thị hóa mà rất ít nơi còn gìn giữ được. Anh đăng tải lên mạng xã hội cũng vì muốn bạn bè gần xa biết đến nơi này nhiều hơn. Về khâu chuẩn bị, Trung cho biết thời tiết là yếu tố quan trọng nhất để cho ra đời các bức ảnh đẹp và may mắn anh được thời tiết ủng hộ, không gặp khó khăn.

Kỷ niệm đáng nhớ với Trung là tìm mẫu ảnh. Anh phải nhờ người quen để liên hệ những cụ già trong làng, và phải là những cụ bà nhuộm răng để hợp cảnh làng quê. Phong tục nhuộm răng đen có từ xưa, hiện tại chỉ còn lại ở thế hệ trước. Trung phải làm việc nhanh, chính xác vì không muốn mất nhiều thời gian của các cụ tuổi tác đã cao. Anh căn những khung giờ chuẩn để có ánh sáng mặt trời đẹp nhất, chọn lọc ra những tấm hình sinh hoạt có hồn và tự nhiên nhất.

Buổi sáng, người dân chuẩn bị tương nếp. Ghé thăm một số nhà cổ tại đây, bạn có thể mua tương nếp để làm quà và nghe mô tả về quá trình làm tương nếp đúng điệu. Những chum tương được bày ngoài sân, thoảng trong không khí mùi mặn mà.

Trung chia sẻ, tương nếp là một trong những sản phẩm văn hóa ẩm thực, một đặc sản của làng cổ cần được gìn giữ. Những chum tương được bày trong sân các kiến trúc nhà cổ, làm tăng dấu ấn xuyên không.

Trong tương lai, Trung sẽ tiếp tục đem đến những hình ảnh đồng quê yên bình cổ kính, không riêng gì Đường Lâm để bạn bè gần xa biết đến sự xinh đẹp vô cùng của làng quê Việt Nam. Dù đã đến Đường Lâm 4 lần, anh luôn thôi thúc muốn được quay lại do tại đây, anh luôn bắt gặp những hình ảnh tuổi thơ ùa về. Thời điểm đẹp nhất trong năm mà Trung khuyến khích mọi người đến thăm Đường Lâm đó là vào mùa lúa chín

Trung Nghĩa / Ảnh: Trần Quốc Trung /Vietnam Express

Tính cách người miền Nam, trong mắt một người Ý

Người Đàng Trong xem hát bội qua tranh của John Barrow trong sách in tại London, Anh, năm 1806

LTS: Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người Việt Nam. Rồi vào năm 1621-1622 ông đã viết một bản tường trình rất lạc quan, rất trìu mến

Cristoforo Borri là một trong số các Giáo-sĩ Dòng Tên đến xứ Đàng-Trong trước nhứt, lúc này là thời của chúa Sãi, tức chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên, giai đoạn này các Giáo-sĩ thừa-sai được tiếp đón khá cởi mở, việc bức hại từ chánh-quyền là gần như không có.

Vị Giáo-sĩ này nhận xét về con người Đàng-Trong khi đó như sau:

Về hình dáng, ông cho rằng dân xứ này có nhiều nét giống người Trung-Quốc ở các đặc điểm: Da hơi tai tái, không trắng trẻo như xứ Đàng-Ngoài, mũi tẹt, mắt nhỏ.

Về tầm vóc chung, ông cho rằng dân xứ này thuộc dạng trung bình, nhỏ con hơn dân Nhựt-Bổn, nhưng cao lớn hơn dân Trung-Quốc, bên cạnh đó dân xứ này hoạt bát và tráng kiện hơn dân Trung-Quốc và Nhựt-Bổn. Về đầu óc ông Borri cho rằng dân Đàng-Trong hơn dân Trung-Quốc. Xét về tánh liều mạng, gan dạ, dũng cảm, ông xếp dân Nhựt-Bổn trên hết.

Sở dĩ chúng ta thấy ông so sánh dân Đàng-Trong với Nhựt và Trung-Quốc vì những nơi này ông đã đi qua, và hai nước này có tầm ảnh hưởng lớn với khu vực khi đó, bây giờ cũng vậy. Ông cũng có nhắc về Ấn-Độ và vài nước khác.

Xét về bổn chất, ông có phần dành nhiều thiện cảm cho xứ Đàng-Trong.

Ông cho rằng dân xứ này lịch sự, và nhã nhặn với người châu-Âu hơn các nước Á-Đông khác mà ông từng ghé.

Dân Á-Đông khi đó nhìn người châu-Âu như những kẻ phàm phu tục tử, có phần căm ghét, gặp Tây-dương thì bỏ chạy. Dân Đàng-Trong thì khác.

Khi gặp người Tây-dương, chúng ta kéo nhau đến bắt chuyện, hỏi han họ đủ điều, mời họ ăn uống, cư xử rất văn minh, lịch thiệp. Ông và các bạn phần bất ngờ, và ông cho rằng đây là một điều kiện tốt để truyền đạo.

Chúng ta nên biết, người Nhựt họ bách hại các giáo-sĩ rất dữ dội, những nhà truyền-giáo rất e ngại khi đến nước này.

Ông nhìn nhận dân Đàng-Trong cư xử với nhau thân tình như anh em một nhà, đoàn-kết. Đến nỗi việc ai đó có thức ăn gì mà không chia xẻ cho người xung quanh mỗi người một ít thì sẽ bị mang tiếng là ti tiện(?).

Tiếp theo ông nhận xét dân ở đây bổn tánh lương thiện, tử tế với người nghèo khó, luôn sẵn sàng bố thí những gì người khác cần, tức nhiên trong khả năng họ có. Và điều đó được coi như là bổn phận.

Tàu thuyền nước khác bị đắm, trôi dạt vô Đàng-Trong, không biết ngôn ngữ xứ này, chỉ cần biết mỗi từ ” doij” ( nghĩa là đói, tôi đói), tới nhà dân bổn-địa và nói ” doij” thì dân chúng kéo tới giúp họ đồ ăn, thức uống. Ngoài ra còn hỗ trợ họ đủ thứ, Chúa sẽ ban cho họ một chiếc thuyền giúp họ hồi hương, nhưng thậm chí họ còn không muốn rời xứ này, theo như ông Borri miêu tả xứ này “không cần lao động vẫn có cái ăn”.

Thuyền-trưởng của họ phải đem hung khí ra dọa nạt họ mới chịu lên thuyền, cùng với đó là vô số gạo mà họ được dân ở đây cho.
Khi cho, bố thí thì dân Đàng-Trong phóng khoáng và nhanh chóng mở lòng ra bao nhiêu, thì họ cũng dễ đòi hỏi (xin) khi thấy cái gì đó lạ lạ.

Khi nhìn thấy mấy ông Tây đem theo những vật mà đó giờ họ chưa nhìn thấy, họ sẵn sàng nói “scin mocaij” (xin một cái), nếu mà từ chối sẽ bị coi là thiếu lịch-sự, xấu xa.

Những ông Tây có kinh nghiệm ứng xử với dân xứ này thì thường những gì quý giá, quan trọng họ sẽ giấu đi không mang ra, còn nếu mang ra thì chấp nhận sẽ cho.

Có một câu chuyện liên quan đến việc này.

Ông lái buôn người Bồ, do không được nói trước về điều này, nên đã khó chịu với tập quán khác lạ này, ổng định chơi lợi dân bổn-địa.

Ổng tới một chiếc thuyền của một ngư-phủ nghèo, chỉ vô giỏ cá lớn và nói tiếng bổn xứ: “scin mocaij”, ông ngư-phủ không nói không rằng, liền đưa hết giỏ cá cho ông lái buôn. Đến đây thì tay lái buôn vừa ngạc nhiên vừa cảm phục tánh rộng rãi của dân xứ này.

Về cách ứng xử, thứ bậc trong giao-tiếp hàng ngày, ông Borri nhận thấy sự tương đồng của dân Đàng-Trong và Trung-Quốc, kẻ dưới tôn kính người trên, bình-đẳng giữa con người với nhau, kính trọng người lớn tuổi. Và tuổi tác được coi trọng hơn cấp bậc, người trẻ kính nhường người già.

Ông có kể câu chuyện: Một lần có mấy vị quan lớn đến thăm nhóm của ông, và các vị quan có biết trong nhóm ông có một vị Linh-mục cao tuổi nhứt, nhưng không phải là Cha bề trên. Và người mà các vị quan đến chào trước tiên là vị Linh-mục cao tuổi nhứt, chớ không phải vị Cha bề trên trẻ tuổi.

Ông Borri tiếp tục khen ngợi dân Đàng-Trong ở sự hào-hiệp, quý mến người ngoại-quốc qua việc cho họ được phép sống theo luật riêng của họ và ăn bận tùy theo phong-tục, tín-ngưỡng của xứ họ, không câu nệ khó dễ.

Thậm chí dân Đàng-Trong còn khen các tập-quán, học-thuyết xa lạ của người ngoại-quốc với thái độ rất lịch sự và khâm phục những điều mới mẻ của họ. Điều này làm ông ngạc nhiên, vì nó khác hẳn với thái độ tự-phụ của người Trung-Quốc về các phong-tục và tín-ngưỡng, giáo-điều bám rễ lâu năm của họ.

Ông Borri cũng có nhắc về việc ăn bận của dân Đàng-Trong. Vật liệu để may quần áo của xứ này là lụa, đây là điều xa xỉ với nhiều nơi khác trên thế giới khi đó.

Thậm chí đến cả tiều-phu, thợ thủ-công cũng xử dụng tơ lụa tùy tiện, thoải mái, không cần phải là quý-tộc như xứ khác mới được bận tơ lụa.

Ở chương III: “Hơn một lần tôi lấy làm thích thú quan sát đàn ông và đàn bà vận chuyển những tảng đá, vôi hay các vật liệu tương tự mà chẳng mảy may giữ cho quần áo đẹp họ mang khỏi rách hoặc bẩn. Và chuyện này không có gì lạ, nếu ta biết họ trồng dâu trên những cánh đồng mênh mông như ta trồng gai dầu, tằm ăn lá dâu sẽ nhả tơ rồi đem tơ đó dệt lụa….. Lượng tơ tằm này phong phú đến nỗi không những đủ dùng cho người dân xứ Đàng-Trong mà còn cung cấp cho cả Nhật Bản và đưa sang xứ của người Ai Lao, từ nơi đó được chuyển đi Tây Tạng”.

Về cách ăn bận của phụ-nữ xứ Đàng-Trong, ông đánh giá “chỉnh tề hơn hẳn so với phụ nữ khắp Ấn-Độ”, ngay cả trong những ngày hè nóng kinh khủng, phụ nữ xứ này vẫn kín đáo không lộ ra một chút da thịt nào.

Họ bận năm đến sáu lớp váy màu sắc khác nhau, lớp trong cùng là trịnh trọng, nặng nề nhứt và dài tới đất, che phủ cả bàn chưn. Lớp thứ hai ngắn hơn, lớp thứ ba ngắn hơn lớp thứ hai… cứ như vậy lặp lợi đến lớp thứ năm, sáu.

Phần áo thì phía trong là một tấm vải kẻ nhiều màu sắc, phía ngoài là một tấm voan mỏng, nhìn thấy được hoa văn cầu kỳ, chỉn chu.
Tóc thì họ để bình bồng trên vai, độ dài thường là chạm đất, quan-niệm khi đó tóc càng dài thì càng đẹp. Trên đầu họ đội chiếc nón rộng vành, dệt bằng lụa và chỉ vàng, tùy theo cấp bậc xã-hội. Khi chào hỏi nhau, theo phép lịch-sự, người phụ-nữ sẽ cởi nón ra.

Về các học-trò, họ ăn bận nghiêm trang hơn, không quá nhiều màu sắc bông hoa, lớp ngoài cùng là chiếc áo dài màu đen (tui không chắc là loại áo dài như chúng ta quen thấy lâu nay), cổ họ quàng một chiếc khăn, trên tay họ vắt thêm một cái khăn màu xanh, đầu đội mũ giống kiểu mũ lễ của các Giám-mục lúc bấy giờ.

Cuối cùng là cây quạt, cả nam và nữ đều có cây quạt phe phẩy trên tay, giống kiểu các phu nhơn bên Âu-châu. Dân Đàng-Trong coi đây như thứ trang sức hơn là vật dụng làm mát.

(Trích Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri, bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên & Nguyễn Nghị, biên tập từ Góc Nhìn An Nam).

Cristoforo Borri / Saigon Nhỏ

Câu chuyện về Võ Văn Ba, điệp viên hàng đầu của VNCH và CIA ở Nam Việt Nam

  • Tina Hà Giang
  • Gửi bài cho BBC từ Nam California, Hoa Kỳ
Nhân viên CIA Frank Snepp nhận huy chương của VNCH - ảnh tư liệu
Chụp lại hình ảnh,Nhân viên CIA Frank Snepp nhận huy chương của VNCH – ảnh tư liệu

Chỉ gần đây mới có tin chính thức về cái chết của Võ Văn Ba, người từng được coi là ‘điệp viên hàng đầu của CIA ở Nam VN’, khi báo chí Hà Nội gọi đây là ‘tên nội gián nguy hiểm’, bí số X92, Frank Snepp đã biết chắc về cái chết sẽ đến của điệp viên này từ ngày 17/4/1975.

“Lúc ấy tôi biết tính mệnh của Võ Văn Ba đang lâm nguy, và có đủ lý do để tin là một nhân viên CIA biết rõ về nhiệm vụ của ông đã bị phe cộng sản bắt tại Phan Rang, và ngờ rằng khi bị tra tấn, người này sẽ khiến ông bị lộ. Một trong những ác mộng kinh hoàng nhất của tôi trong những ngày cuối cuộc chiến – là người anh hùng này, người đã liều lĩnh làm mọi thứ để hỗ trợ đồng minh – và đảm bảo sự thành công của đợt không vận khẩn cấp cuối cùng đưa nhiều người Việt di tản khỏi VN – có thể đã không sống sót.

Thiếu tá Cảnh sát VNCH Phan Tấn Ngưu, trong một bài viết về Võ Văn Ba trên trang CanhsatQuocgia.org đã gọi ông là “điệp viên giỏi nhất của VNCH, và nhớ lại ông Võ Văn Ba hay nói ‘Nếu cộng sản chiếm được miền Nam, tôi sẽ tự tử!’ và đó chính là điều ông đã làm, khi bị bắt giữ chỉ vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ.”

“Giờ đây tôi nhiều lần tự trách là đã không khăng khăng bắt Võ Văn Ba phải cùng mình rời khỏi Việt Nam,” nhà phân tích chính của CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) trong cuộc chiến Việt Nam thổ lộ điều vẫn còn khiến ông bị dằn vặt.

Truyền thông Việt Nam sau 1975 nói ông “chui sâu, leo cao vào nội bộ ta” trong suốt 10 năm và “gây tổn thất đáng kể cho cách mạng” (báo Nhân Dân hồi 2015, và báo Công an Nhân dân về điệp viên X92).

Võ Văn Ba là ai? Ông đã làm gì trong cuộc chiến Việt Nam mà được mệnh danh là điệp viên hàng đầu của CIA, giỏi nhất của VNCH ở Nam Việt Nam?

Trong cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho BBC, Frank Snepp, người từng nhận lệnh của CIA đưa ông Nguyễn Văn Thiệu ra sân bay để rời VN tháng 4/1975, nói điệp viên Võ Văn Ba là một trong những lý do ông đang viết thêm một cuốn sách nữa về cuộc chiến cho đến giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí ông.

Frank Snepp: Võ Văn Ba là một người yêu nước, được CIA đặt cho biệt hiệu ‘TU Hackle’ và là điệp viên giỏi nhất của CIA hoạt động trong lòng địch.

Ông từng là một đảng viên cộng sản tận tụy vào cuối thập niên 1940, chuyên tuyển mộ thành viên trẻ tại một tỉnh phía nam Sài Gòn. Ông làm việc với Việt Minh, rồi trở thành một kẻ khủng bố, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng khủng bố không phải là cách thu phục trái tim con người. Chán ngán việc phe cộng sản dùng giết chóc và đe dọa như một chiến thuật chiêu mộ, Võ Văn Ba rời bỏ hàng ngũ.

Tạm biệt chủ nghĩa cộng sản năm 1954 vào thời điểm Hiệp định Geneva, Võ Văn Ba trở thành người đốn cây trồng rẫy, và dọn về tỉnh Tây Ninh, phía tây bắc Sài Gòn. Tây Ninh là một tỉnh quan trọng, vì đó là địa bàn hoạt động của Trung ương Cục Miền Nam, từ một hang ở Núi Bà Đen.

Khi cán bộ Bắc Việt đi qua rẫy của Võ Văn Ba ở chân đồi, ngay bên dưới căn cứ chỉ huy Trung Ương Cục để tham dự các cuộc họp, ông dần dà quen biết họ. Cảnh sát VNCH trong khu vực này, biết lý lịch của Võ Văn Ba, nhận ra ông ở một vị trí lý tưởng. Họ tìm đến ông và nói: chúng tôi muốn ông giúp chúng tôi theo dõi cộng sản, và Võ Văn Ba trở thành gián điệp nhị trùng năm 1960.

Thoạt đầu Võ Văn Ba hợp tác với cảnh sát VNCH. Ông nhanh chóng là một điệp viên hiệu quả, làm việc với cấp chỉ huy cộng sản. Võ Văn Ba đóng vai người cộng sản lầm đường muốn trở lại Đảng, và mới đầu chỉ được tiếp cận với vòng ngoài của Trung ương Cục Miền Nam, nhưng sau đó đi hẳn vào trung tâm của Cục. Nhờ vậy, ông thu thập được mọi động tĩnh từ cơ quan này, biết hết các điệp viên hai mang của họ, và những điều họ đang làm.

Năm 1965, CIA bắt đầu bắt đầu đưa Võ Văn Ba vào quỹ đạo của mình sau khi nhận thấy ông là một nguồn tin có giá trị. Ông từ đó làm việc cho cả An ninh Cảnh sát VNCH lẫn CIA.

Năm 1968, Võ Văn Ba báo trước cho cảnh sát VNCH năm ngày về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Thông tin tương tự đến được Đại sứ quán Hoa Kỳ, người Mỹ không đánh giá cao tin này lắm, nhưng cảnh sát VNCH thì có. Và đó là lý do tại sao khi lực lượng cộng sản tấn công Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968, cảnh sát VNCH đã chuẩn bị trước và có mặt để đối phó.

BBC:Ông có thể kể lại kinh nghiệm làm việc với Võ Văn Ba?

Frank Snepp: Năm 1969, tôi đến VN làm chuyên viên phân tích cho CIA. Một trong những điều đầu tiên tôi phải làm là phân tích tài liệu chúng tôi vừa tịch thu được, một tài liệu của Cộng sản quan trọng nhất mà chúng tôi từng có.

Tài liệu đó là Nghị quyết 9, phân tích của Bắc Việt về những gì xảy ra năm 1968, cũng như hoạt động quân sự sau đó. Bắc Việt nhận định rằng quá nhiều quân sĩ của họ đã tử trận, nhiều đến mức họ dự trù phải thúc thủ trong vòng hai năm. Nói cách khác, họ không thể có cuộc tấn công lớn nào nữa. Khi CIA tịch thu được toàn bộ tài liệu này, tôi được giao nhiệm vụ cùng với ba hoặc bốn đồng nghiệp, cũng thuộc CIA, phải tìm hiểu xem tài liệu có xác thực hay không.

Chúng tôi nghĩ tài liệu đó thật, nhưng không chắc 100%. Làm thế nào để xác định được là tài liệu đó có giúp chúng tôi biết ý định sự thật của phía cộng sản không rất quan trọng, vì chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, chính sách mới của Nixon về việc rút lực lượng Mỹ và đưa lực lượng Việt Nam lên tuyến đầu, chỉ mới bắt đầu. Nếu tài liệu này đúng, có nghĩa là trong thời gian hai năm, khi Cộng sản không thể hoạt động mạnh trên chiến trường, chúng tôi sẽ rảnh tay thực hiện chính sách Việt Nam hóa.

Chúng tôi gặp Võ Văn Ba và được Võ Văn Ba xác nhận đó là tài liệu đúng. Đó là một đột phá tình báo lớn. Tôi biết Võ Văn Ba trong hoàn cảnh đó. Trong vòng hai năm, tôi bắt đầu gặp trực tiếp ông ta, không phải vì tôi giỏi, không phải vì tôi nói được tiếng Việt, tôi luôn phải có thông dịch viên khi làm việc với Võ Văn Ba, nhưng vì tôi đã nắm sẵn được nhiều bí mật. Là một nhà phân tích của CIA, tôi được truy cập vào những bí mật quan trọng và bạn phải biết bí mật thì mới có thêm được bí mật. Vì vậy CIA cử tôi đến nói chuyện với nhiều nguồn tin, trong đó có Võ Văn Ba, để lấy tin và xác minh xem những gì chúng tôi nhận được có chính xác không.

Tôi bị Võ Văn Ba mê hoặc. Ông có trí nhớ phi thường, có thể xem một tài liệu và nhớ nguyên văn mọi thứ cần nhớ về tài liệu đó. Không cần phải cầm tài liệu trong tay, chỉ cần đọc nó một lần, ông sẽ có thể mang tài liệu đó đến cho chúng tôi trong đầu của ông.

CIA huấn luyện cho ông tất cả những kỹ thuật căn bản trong nghề tình báo.

Phải nói rõ là Võ Văn Ba có người phụ trách trực tiếp tức ‘handler’ là Cảnh sát Đặc biệt của VNCH. Ông cũng có một ”handler” khác là một nhân viên CIA người Mỹ ở Tây Ninh. Nhưng người Mỹ này không thể trực tiếp gặp ông, bởi nếu Cộng sản nhìn thấy ông với một người da trắng, họ sẽ nghi ngờ.

Hai ông Frank Snepp và Phan Tấn Ngưu tại California, Hoa Kỳ
Chụp lại hình ảnh,Hai ông Frank Snepp và Phan Tấn Ngưu tại California, Hoa Kỳ trong hình chụp gần đây

Vì vậy, để gặp ‘handler’ người Mỹ, Võ Văn Ba phải vào một bệnh viện ở Tây Ninh, trèo lên một băng ca, kéo tấm trải giường lên người, giả như người đã chết. Sau đó, các nhân viên phụ trách người Việt của ông sẽ chuyển băng ca ra ngoài, đưa lên máy bay. Máy bay sẽ đưa Võ Văn Ba vào Sài Gòn nơi ông cải trang để gặp tôi hoặc một người Mỹ khác. Ông sẽ mặc áo dài nam hay đội bộ tóc giả lớn khiến ông trông giống một phụ nữ và đeo cặp kính đen khổng lồ giống như Greta Garbo, rồi đến gặp chúng tôi tại một nơi an toàn.

BBC:Ngoài trí nhớ phi thường như ông nói, Võ Văn Ba là người như thế nào và có đặc điểm gì, thưa ông?

Frank Snepp: Võ Văn Ba có hai nhược điểm. Một là rất thích bia Budweiser. Ông được bảo là người Mỹ thả bia Budweiser dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để làm chậm tiến độ xâm nhập của Bắc Việt, vì đang di chuyển họ phải dừng lại uống bia (cười). Chẳng biết điều đó có đúng không, tôi cho rằng đó là sự thật, dù không bao giờ kiểm chứng được. Dẫu sao Võ Văn Ba rất mê Budweiser.

Nhược điểm thứ hai là rất thích thuốc Salem. Nghe nói ông Hồ Chí Minh cũng mê thuốc lá Salem, và thường bỏ thuốc Bastos hoặc thuốc lá Việt Nam trong túi áo, và mời những thứ này cho các đồng chí. Nhưng khi muốn hưởng chút lạc thú, ông sẽ lấy Salem ra hút. Vì vậy, Võ Văn Ba, người thích trò trớ trêu, luôn đòi chúng tôi cung cấp bia Budweiser và thuốc Salem trước khi trao cho chúng tôi những bí mật.

Và những bí mật ông có được thì thật tuyệt vời. Toàn những tin từ nội bộ. Ông được hàng ngũ cộng sản tín nhiệm đến nỗi được tham gia các cuộc họp bên trong Bộ chỉ huy ở Núi Bà Đen.

Võ Văn Ba ở vào vị trí lý tưởng để giúp chúng tôi, và để giúp ông đóng được vai trò một thành viên Cộng sản tốt, CIA và Cảnh sát Đặc biệt VNCH dàn dựng nhiều việc. Chúng tôi tấn công vào các trạm kiểm soát của cảnh sát VNCH, tất cả đều là giả, và sau đó loan tin là phe cộng sản đã làm điều đó, dĩ nhiên Võ Văn Ba kiếm được điểm, vì vậy, tín nhiệm của ông ngày càng tăng trong giới chỉ huy Bắc Việt. Họ cho rằng ông đã thi hành tất cả những điệp vụ kinh tởm cho họ, trong khi thực sự ông làm việc cho chúng tôi.

BBC:Những tường trình của Võ Văn Ba đã giúp công việc của ông ra sao?

Frank Snepp: Tôi dần dà ủng hộ tuyệt đối những tường trình của Võ Văn Ba. Lúc trở về trụ sở CIA ở Mỹ vào năm 1971, tôi là thành viên của một đơn vị phân tích lớn, chuyên viết bản tường trình hàng ngày (Daily Brief) cho Tổng thống. Tôi quảng bá báo cáo của Võ Văn Ba, vì là một trong số ít người trong ban phân tích của CIA đã gặp được ông, và vì tôi biết ông là vàng ròng.

Năm 1972, chúng tôi bắt đầu nhận được báo cáo lạ của Võ Văn Ba. Lạ vì nó cho thấy Cộng sản đang làm một điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ họ sẽ làm. Họ cho cán bộ biết là có thể sẽ có một hiệp định hòa bình mà không cần phải có điều kiện họ luôn coi là tiên quyết, đó là Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Tôi sửng sốt khi đọc điều đó, vì tôi biết Võ Văn Ba là người đáng tin.

Tôi viết ngay bản tường trình hàng ngày cho tổng thống nói rằng tôi nghĩ một hiệp định hòa bình đang trong quá trình được thực hiện. Lúc ấy Henry Kissinger đang bí mật đàm phán ở Paris, nhưng không nói cho ai biết mình đang làm gì. Báo cáo của Võ Văn Ba là dấu hiệu đầu tiên cho chúng tôi thấy đã có bước đột phá trong cuộc đàm phán bí mật ở Paris giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. CIA, dù ít nhất là ở cấp của tôi, không ai biết gì về điều này. Vì vậy, chúng tôi đã được điệp viên giỏi nhất của mình báo về tiến trình các cuộc đàm phán tại Paris.

Lê Đức Thọ nói chuyện với Henry Kissinger tại Paris năm 1972
Chụp lại hình ảnh,Lê Đức Thọ nói chuyện với Henry Kissinger tại Paris năm 1972

Sau đó tôi lại được cử về Sài Gòn vào mùa thu năm 1972 để thẩm vấn một tù binh Bắc Việt giỏi nhất mà chúng tôi bắt được. Vào tháng 10/1972, khi tôi đã có mặt ở Sài Gòn, chúng tôi nhận được một báo cáo hết sức sửng sốt của Võ Văn Ba. Báo cáo cho biết Kissinger đã có một thỏa thuận khủng khiếp với phe cộng sản, cho phép Bắc Việt giữ lực lượng của họ ở miền Nam.

Bản báo cáo của Võ Văn Ba không chỉ đến Tòa Đại sứ, mà còn đến tay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khiến ông Thiệu vào tháng 10/1972 phản ứng mãnh liệt, hỏi chuyện gì đang xảy ra, Kissinger đang làm gì? Ông Thiệu nhất quyết phản đối, nói sẽ không chấp nhận thỏa thuận mà Kissinger đang đàm phán dù đó là thỏa thuận gì, vì ông không được tham dự vào việc thương lượng. Khi ông Thiệu nhất quyết phản đối thì đến phiên Bắc Việt hỏi chuyện gì đang xảy ra, người Mỹ chắc đang lừa chúng ta.

Khi thấy thỏa thuận có nguy cơ bị hỏng, vì Võ Văn Ba đã cho chúng tôi biết sự thật, Nixon quyết định dội bom Bắc Việt để chứng minh với ông Thiệu rằng Mỹ vẫn đứng về phía ông, và cũng để làm cho Bắc Việt phải tiếp tục thương lượng, và họ đã trở lại đàm phán.

Võ Văn Ba đã cung cấp cho tổng thống VNCH thông tin đầu tiên về những gì Kissinger đang làm, và quan trọng nhất là quyết định cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam của Kissinger.

BBC: Ông có tiếp xúc với Võ Văn Ba thường xuyên không?

Frank Snepp: Trong thời kỳ ngừng bắn 1973 đến 1975, tôi thỉnh thoảng gặp ông để biết những kế hoạch mới nhất của cộng sản. Tôi cũng được trao một trọng trách mới, là giúp quản lý một đặc vụ mà chúng tôi đang có ở Hà Nội. Phải nói rõ rằng người phụ trách Võ Văn Ba là một nhân viên CIA khác rất giỏi, nhưng tôi được cử đến gặp ông định kỳ để kiểm chứng những phát hiện của ông với nguồn trực tiếp của chúng tôi ở Hà Nội. Tôi không giỏi gì, nhưng chỉ vì tình cờ mà tôi được liên lạc trực tiếp với điệp viên giỏi nhất của CIA và có dịp kiểm chứng những tin những điệp viên gửi về.

Khi Nixon từ chức, Võ Văn Ba cho chúng tôi những dấu chỉ đầu tiên về những gì Cộng sản sẽ làm vào cuối năm 1974. Ông nói Bắc Việt sẽ thử nghiệm để xem khả năng phòng thủ của VNCH lúc ấy yếu đến độ nào.

Ngày 8/4/1975, Võ Văn Ba cho chúng tôi báo cáo đầu tiên về những gì phe cộng sản sẽ làm để dứt điểm cuộc chiến. Tôi không được tin này trực tiếp, mà nhận qua người ‘handler” của ông. Tôi gửi ngay yêu cầu cho Võ Văn Ba thông qua người Mỹ này để hỏi thêm.

Sài Gòn hai hình ảnh năm 1975 và 2020
Chụp lại hình ảnh,Sài Gòn hai hình ảnh năm 1975 và 2020

Sau đó, ngày 17/4, tôi trực tiếp gặp Võ Văn Ba và nhận được toàn bộ kế hoạch kết thúc chiến tranh của Cộng sản: Sẽ không có thỏa thuận nào, ông Thiệu từ chức hay không không thành vấn đề, cũng không thành vấn đề nếu chúng tôi muốn thành lập một chính phủ liên hiệp, Cộng sản nhất quyết tiến chiếm Sài Gòn kịp sinh nhật Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5, và sẽ tấn công trước ngày 1/5, đúng y như những gì đã xảy ra.

Tin đó khiến các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ đã bị sốc mà phải tức thời lập chương trình cho những chuyến trực thăng khẩn cấp đưa người di tản. Vì vậy, với những ai đã được đưa ra khỏi Việt Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Võ Văn Ba là người đã cứu họ…

Trong phần hai của cuộc phỏng vấn, ông Frank Snepp, năm nay 78 tuổi, so sánh hai điệp viên Võ Văn Ba và Phạm Xuân Ẩn. Cuộc nói chuyện do Tina HàGiang thực hiện cùng cameraman Dân Huỳnh tại Nam California, Hoa Kỳ cuối tháng 10/2021.

Khi người có tiền Trung Quốc tiếp tục “chết” dưới tay Tập Cận Bình

Minh họa: Unsplash

Sau khi tấn công vào các trùm công nghệ và những gương mặt đình đám trong thế giới giải trí, Trung Quốc tiếp tục “xử” những người ảnh hưởng và kiếm bộn tiền từ internet, trong chiến dịch gọi là “mục tiêu Thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình mà bề ngoài của nó “nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng”. Chiến dịch của Tập đã gây nhốn nháo khắp Trung Quốc.

Một loạt những người khổng lồ công nghệ vốn đầy quyền lực đã hối hả đưa ra các cam kết từ thiện. Bây giờ đến lượt “các em” “YouTuber”, lâu nay kiếm được rất nhiều từ internet, cũng nhanh chóng thể hiện sự ngoan ngoãn tuân theo ý chỉ của Tập. Cơ quan thuế ở Chiết Giang, một tỉnh ven biển giàu có, một trung tâm thương mại điện tử rất hưng thịnh, cho biết hôm Thứ Hai (22 Tháng Mười Một) rằng họ vừa phạt trốn thuế đối với hai người có ảnh hưởng lớn trên internet: Tuyết Lê (Cherie XueLi) và Lâm San San (Lin Shanshan). Hai “ngôi sao internet” này – với 15 triệu và 9.5 triệu người theo dõi trên nền tảng Weibo – đã trở nên nổi tiếng và giàu có “một cách không bình thường” – theo ngôn ngữ báo chí địa phương.

“Nữ hoàng livestream” Tuyết Lê (Cherie XueLi) (ảnh: VCG/Getty Images)

Tờ Quartz ngày 22 Tháng Mười Một cho biết, Tuyết Lê cô nương phải trả gần 66 triệu nhân dân tệ ($10 triệu) tiền thuế và tiền phạt quá hạn, trong khi Lâm San San tiểu thơ nợ gần 28 triệu nhân dân tệ ($4.3 triệu). Nhà chức trách cho biết, hai gương mặt này đã thành lập nhiều công ty từ năm 2019 đến năm 2020 và “làm ăn bịp bợm” khi tìm cách chuyển thu nhập cá nhân thành thu nhập của các tổ chức trá hình nhằm trốn thuế. Ngay lập tức, hai cô nương xinh đẹp phải lên Weibo xin lỗi rối rít và nói rằng họ không hiểu biết đầy đủ về các quy tắc tài chính và thuế chứ chẳng gian trá lưu manh gì. Họ cũng hứa sẽ trả lại tiền thuế và tiền phạt một cách kịp thời và tạm ngừng phát livestream.

Từ Tháng Tám, Trung Quốc bắt đầu đánh rất mạnh vào giới nhà giàu. Bắc Kinh có kế hoạch áp dụng thí điểm thuế tài sản và cam kết điều chỉnh tình trạng “thu nhập quá mức” thông qua các thay đổi đối với thuế thu nhập cá nhân. Tháng Chín, Cơ quan thuế quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh giám sát chặt chẽ hơn những người nổi tiếng và những đối tượng có sức ảnh hưởng mạnh trong thế giới trực tuyến. Tháng trước, một cục thuế ở thành phố Trịnh Châu cho biết họ đã thu hồi khoản tiền thuế chậm nộp – khoảng $6.3 triệu – từ một người có ảnh hưởng (không nêu rõ là ai).

Lâm San San (Lin Shanshan) – weibo

Ngay cả trước khi tung ra lá bài “thịnh vượng chung”, giới hữu trách Trung Quốc đã ngắm và siết cò vào những “mục tiêu thí điểm”. Một trong những nhân vật như vậy là  Phạm Băng Băng, một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc. Một cách hoàn toàn bất ngờ và bất thường, Phạm minh tinh đột nhiên biến mất khỏi công chúng trong ba tháng sau khi một người dẫn chương trình truyền hình cáo buộc cô trốn thuế. Cuối cùng, Phạm cô nương tái xuất hiện, gửi lời xin lỗi đến đất nước và Đảng Cộng sản, cùng một hóa đơn trị giá khoảng $130 triệu để trả lại tiền thuế và tiền phạt.

Báo chí và dư luận Trung Quốc nói chung hưởng ứng nhiệt liệt chiến dịch của Tập. “Thịnh vượng chung, quả đấm sắt của chủ nghĩa xã hội, là điều sớm muộn phải xảy ra chứ không thể thiếu vắng” – một người viết trên Weibo. Nhiều người dùng internet sửng sốt khi biết những người có ảnh hưởng có thể kiếm được những khoản tiền khổng lồ mà chẳng tốn giọt mồ hôi nước mắt nào. Người dân hết hồn khi nghe nói đến tiền thuế và tiền phạt lên tới hàng chục triệu nhân dân tệ, ở một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ mới vượt ngưỡng $10,000.

Tuy nhiên, phải nói Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo lưu manh một cách… “xuất sắc”. Bằng chiêu “thịnh vượng chung”, Tập vuốt ve được dư luận, về một tương lai đất nước mà mọi người bình đẳng, không có kẻ quá giàu và người quá khổ. Tuy nhiên, Tập lờ tịt việc đảng và người của đảng ăn trên ngồi trốc và sống phú quí xa hoa như thế nào; con cái và gia đình đảng viên cao cấp sống như ông hoàng bà chúa như thế nào. Tập chỉ đánh bọn “tư bản” chứ chẳng dại gì đánh vào bọn “tư bản đỏ”. Chúng là xương sống bảo vệ chế độ và tất nhiên bảo vệ vững chắc chiếc ghế hoàng đế của Tập.

Mỹ Anh / Saigon nhỏ

Delta có phải là ‘siêu biến thể’ cuối cùng của COVID-19 không?

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên cách đây một năm tại Ấn Độ hiện đang thống trị toàn cầu. Các nhà khoa học lo ngại rằng sau Delta, sẽ có một siêu biến chủng mới áp đảo nó.

Hàng tuần, một nhóm các nhà dịch tễ học ở phía đông bắc Mỹ sẽ tham gia một cuộc họp qua Zoom để thảo luận về những manh mối liên quan đến các biến chủng COVID-19 mới được ghi nhận trên khắp thế giới. Ông William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết: “Nhiệm vụ này giống như việc dự báo thời tiết. Trước đây, chúng tôi đã từng thảo luận về biến chủng Gamma, Alpha, nhưng bây giờ chỉ toàn là Delta”.

Kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã thống trị toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta hiện chiếm 99,5% tổng số trình tự gien của bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới.

Trong khi các chủng mới vẫn liên tục xuất hiện, như AY.4.2 (Delta Plus), nhưng nó vẫn chỉ được xem là một chủng phụ của Delta. Các nhà khoa học ước tính AY.4.2 có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%, gần giống với biến thể Delta, ngoại trừ đột biến nhỏ kỳ lạ.

Nhưng lý do ông Hanage và đồng nghiệp vẫn sàng lọc dữ liệu và thảo luận trực tuyến mỗi tuần là để dự đoán kịch bản có thể xảy ra tiếp theo: Delta có thực sự là siêu biến thể cuối cùng của COVID-19 hay còn có biến chủng khác đáng lo ngại hơn sẽ xuất hiện trong tương lai? Đó là một câu hỏi mà không ai có thể trả lời một cách chắc chắn.

Giả thuyết thứ nhất được đưa ra là sau bước nhảy vọt ban đầu trong trình tự di truyền, khi hàng loạt biến chủng xuất hiện – đầu tiên là Alpha, sau đó là Delta – SARS-CoV-2 có thể sẽ đột biến từ từ và ổn định. Cuối cùng, nó sẽ vượt mặt khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện tại, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm. Các nhà khoa học nói rằng dự đoán của họ chỉ là suy đoán, nhưng một số người lại cho rằng đây là giả thuyết có khả năng xảy ra nhất.

Ông Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL, cho biết: “Phương thức biến đổi của virus được gọi là ‘trôi’ kháng nguyên, xảy ra khi virus dần tiến hóa để né hệ thống miễn dịch. Đối với bệnh cúm và các loại virus Corona khác, phải mất 10 năm để virus biến đổi và khiến các kháng thể trong máu không nhận ra được chúng”.

Một kịch bản khác được đưa ra là sự xuất hiện bất ngờ của một chủng hoàn toàn mới, với khả năng lây lan, độc lực và đặc tính né miễn dịch được xem có thể “thay đổi cuộc chơi”. Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, gọi những chủng này là “siêu biến thể” và nói rằng ông chắc chắn 80% rằng một chủng khác sẽ xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là khi nào nó sẽ xuất hiện.

“Biến thể Delta đang thống trị toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Chủng Delta Plus mới tương đối phức tạp so với loại mà tôi đang nói tới. Dù nó có hai đột biến từ chủng Delta, nhưng tôi không nghĩ chúng đáng lo ngại và nó đã không phát triển mạnh ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi kịch bản rằng sẽ có một biến thể nghiêm trọng khác trong 2 năm tới và nó sẽ cạnh tranh với Delta và có thể vượt xa Delta”, ông Gupta dự đoán.

Siêu biến thể mới xuất hiện theo cách nào?

Delta có phải là ‘siêu biến thể’ cuối cùng của COVID-19 không? - Ảnh 1.

Trong nửa cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của một hiện tượng đáng lo ngại, được gọi là tái tổ hợp virus. Trong đó, các phiên bản khác nhau của SARS-CoV-2 trao đổi các đột biến và kết hợp để tạo thành một chủng hoàn toàn mới.

Rất may, ông Gupta nói rằng sự tái tổ hợp này dường như không xảy ra thường xuyên, nhưng nó vẫn là một nguồn sản sinh ra một siêu biến thể mới. Đặc biệt, khi một số khu vực trên thế giới vẫn có tỷ lệ lớn dân số chưa được tiêm chủng và các chủng virus có thể vẫn đang lưu hành tự do.

“Hiện tại, Delta đang là chủng virus thống trị và kịch bản này trở nên ít có khả năng xảy ra hơn. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên thế giới, chúng ta chưa phân tích đủ dữ liệu và không biết điều gì đang xảy ra. Vì vậy, đây vẫn được xem là một khả năng”, ông Gupta nói.

Kịch bản thứ 2 được đưa ra là virus SARS-CoV-2 có thể phát sinh một chuỗi các đột biến nghiêm trọng, dẫn tới một phiên bản Delta nguy hiểm hơn hoặc một phiên bản khác.

Gideon Schreiber, giáo sư khoa học phân tử tại Viện khoa học Weizmann, Israel nhận định: “Virus có tiềm năng lớn biến đổi trong tương lai. Nhiều đột biến phức tạp hơn có thể xuất hiện, với những đột biến đồng thời ở nhiều vị trí. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề hơn”.

Ông Gupta cho rằng một vấn đề nghiêm trọng hơn có khả năng dẫn đến một siêu biến thể, là tỷ lệ lây nhiễm cao liên tục ở các các quốc gia như Anh. Ông nói: “Càng có nhiều ca nhiễm mỗi ngày, thì càng có nhiều khả năng xuất hiện một bệnh nhân X, người nhiễm mầm bệnh và tế bào T của họ không đủ mạnh để chống lại virus ”.

Đầu năm nay, ông Gupta đã xuất bản một nghiên cứu cho thấy quá trình này có thể xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh nặng đã được sử dụng huyết tương chứa kháng thể diệt virus. Do hệ thống miễn dịch của họ vẫn không thể loại bỏ virus hoàn toàn, virus đã học cách đột biến dựa trên các kháng thể đó. Các nhà khoa học suy đoán rằng việc sử dụng rộng rãi huyết tương chứa kháng thể để điều trị trong thời kỳ đầu của đại dịch là nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể.

“Chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng rất nhiều huyết tương đã được sử dụng và nó có khả năng là một trong những động lực cho các biến thể. Nó đã được sử dụng rất rộng rãi ở Brazil, Ấn Độ, Anh và Mỹ, tất cả đều đã phát triển các bộ biến thể của riêng chúng”, ông nói.

Cuộc chạy đua giữa vaccine và các biến thể

Delta có phải là ‘siêu biến thể’ cuối cùng của COVID-19 không? - Ảnh 2.

Vaccine phòng COVID-19 được điều chế với mục đích đón đầu sự tiến hóa của virus. Do đó, sẽ rất khó năng xảy ra các đợt bùng dịch, và nếu xảy ra, quy mô của nó có thể sẽ không nghiêm trọng như trong 2 năm qua.

Ngoài ra, giới khoa học bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 thế hệ thứ 2. Nhà phát triển vaccine Novavax đang hy vọng vaccine của họ sẽ nhận được sự chấp thuận của cơ quan y tế trong vài tháng tới, trong khi nhiều loại vaccine khác dự kiến sẽ được tung ra thị trường từ nay đến năm 2023.

Theo Karin Jooss – Phó chủ tịch điều hành Công ty dược phẩm Gritstone Mỹ, công ty có vaccine COVID-19 thế hệ thứ 2 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I – cho biết các công ty đang giải trình tự gien của tất cả các chủng SARS-CoV-2 hiện có nhằm tạo ra kháng thể trung hòa có thể phản ứng với các biến chủng tốt hơn. Song các nhà dịch tễ học không mong đợi bất kỳ siêu biển thể mới nào xuất hiện có thể vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine.

Họ cũng tin rằng con người không thể chỉ dựa vào một mình vaccine để vượt qua đại dịch. Ông Gupta cho rằng chúng ta vẫn nên áp dụng một số biện pháp hạn chế để virus không lây lan mạnh hơn và giảm cơ hội làm virus tiếp tục đột biến.

“Hiện tại, số ca mắc rất cao nên việc ngăn ngừa các ca lây nhiễm mới sẽ tốt hơn nhiều. Nói cách khác, chúng ta không nên tập trung ở những nơi đông người, trong các tòa nhà mà không đeo khẩu trang”, ông Gupta nhấn mạnh.

Hải Vân / Báo Tin Tức