Phú Mỹ- Tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang

Tọa lạc bên sông Bàu Giang với cảnh quan sơn thủy hữu tình và vị thế vô cùng đắc địa ở cửa ngõ phía nam, Khu đô thị mới Phú Mỹ trở thành tâm điểm quan tâm của cư dân và giới đầu tư bất động sản Quảng Ngãi những ngày cuối năm.

Trải rộng trên diện tích hơn 122 héc-ta được quy hoạch đồng bộ và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, Khu đô thị mới Phú Mỹ cũng đồng thời ghi điểm giới đầu tư bởi pháp lý hoàn chỉnh và uy tín từ chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) – Bộ Xây dựng.00:01:04

Khu đô thị Phú Mỹ – Video: TẤN LỰC

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 2.

Phóng tầm mắt nhìn bao quát TP Quảng Ngãi từ trên cao, Khu đô thị mới Phú Mỹ như một điểm nhấn phía Nam thành phố. Từ hướng chính diện khu đô thị, trục đường 50m chạy dọc dãy shophouse sang trọng nhắm thẳng hướng danh thắng núi Thiên Bút định hình toàn khu đô thị theo hướng Đông – Tây. Theo chủ đầu tư, trong giai đoạn 3 và giai đoạn 4, Khu đô thị mới Phú Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng về hướng Đông, điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển đô thị về phía biển của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 3.

Cũng thật thiếu sót nếu không nhắc tới dòng sông Bàu Giang như dải lụa mềm ôm trọn khu đô thị mới từ hướng Đông Nam. Nếu núi Thiên Bút là cột mốc định hướng phát triển Đông – Tây thì dòng sông Bàu Giang chính là xương sống nâng đỡ giá trị cho toàn bộ khu đô thị này. Với vị trí chiến lược của mình, sông Bàu Giang, cùng với sông Trà Khúc ở phía Bắc sẽ là hai trục quan trọng trong kế hoạch phát triển đô thị TP Quảng Ngãi. Sở hữu một cơ ngơi vững chắc trong khu đô thị mới với một dòng sông hiền hòa cùng môi trường xanh mát, gần gũi thiên nhiên đã trở thành xu hướng và là mục tiêu phấn đấu của không ít gia đình hiện đại ngày nay.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 4.

Tại khu đô thị này, không gian sống xanh, không khí trong lành và thiên nhiên gần gũi là một điểm cộng hiếm có giữa lòng thành phố. Bên kia sông Bàu Giang và khu vực xung quanh khu đô thị là khung cảnh làng mạc, ruộng đồng thơ mộng với những mái nhà ngói đỏ chen lẫn sắc xanh những hàng cau, hàng dừa. Có thể nói mảnh xanh thiên nhiên là ưu thế hiếm có giúp cư dân nơi này cân bằng áp lực cuộc sống giữa chốn phố thị phồn hoa náo nhiệt. 

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 5.

Đã có không ít cư dân lựa chọn và chuyển về xây dựng cơ ngơi an cư tại Khu đô thị mới Phú Mỹ. Những ngày này, trên khu đô thị rộng lớn không khó bắt gặp hình ảnh những người thợ xây đang hối hả dựng những ngôi nhà cao tầng tại phân khu nhà ở phân lô. Trên các trục đường, lực lượng công nhân xây dựng của chủ đầu tư cũng đang tích cực hoàn thiện các tiện ích công viên, chỉnh trang cảnh quan đô thị để chào đón cư dân mới.

Không chỉ có đất nền phân lô, khu đô thị này còn cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm như shophouse, nhà phố, biệt thự, nhà ở xã hội.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 6.
Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 7.

Góp mặt trong cuộc đua cuối năm, Chủ đầu tư đã kết hợp với đơn vị phân phối độc quyền dự án là Công ty TNHH Bất động sản Incomreal chính thức ra mắt phân khu Phú Gia Riverside. Phân khu sở hữu tầm view đắt giá, hướng nhìn chính là sông Bàu Giang. Ông Phan Ánh, giám đốc Công ty TNHH Bất động sản IncomReal , cho biết phân khu Phú Gia Riverside ra mắt lần này là một trong số ít bất động sản còn lại của dự án có view hướng ra sông Bàu Giang. Đây là một ưu thế lớn của dự án giúp cư dân sinh sống thoải mái trong không gian trong lành, đầy đủ tiện nghi. 

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 8.

Phú Gia Riverside lại có diện tích đa dạng, thích hợp để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng mini, cạnh bên 2 tiện ích nội khu là trường mầm non và công viên cây xanh rộng gần 1ha. Theo ông Phan Ánh, hiện tại phân khu đã được đầu tư hạ tầng, cảnh quan hoàn chỉnh, các sản phẩm đất nền đều đảm bảo về pháp lý minh bạch, có sổ từng nền và quan trọng hơn là đang có giá tốt trong thị trường bất động sản Quảng Ngãi.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 9.

Diện mạo Khu đô thị Phú Mỹ đang thay đổi từng ngày. Trong những ngày qua nơi này liên tục nhận được sự quan tâm tìm hiểu thông tin, tham quan dự án từ phía khách hàng. Theo quy hoạch, khu đô thị này sẽ có một công viên công cộng lớn rộng gần 10 hec-ta và nhiều công viên cảnh quan nhỏ nội khu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân.

Hiện tại, một số công viên nội khu đã và đang bước vào giai đoạn xây dựng hoàn thiện phục vụ những cư dân mới đến. Trong quỹ đất gần 123ha của dự án sẽ được chủ đầu tư phủ xanh lên đến 35% tổng diện tích. Nơi đây sẽ là điểm đến vui chơi, thư giãn cho gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi, hay cuối tuần với những trải nghiệm thú vị như cắm trại, nướng BBQ ngoài trời, câu cá,…

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 10.

Vị trí kết nối thuận tiện, dễ dàng đi đến những tiện ích trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại cùng lợi thế chính sách bán hàng cực kỳ hấp dẫn là sức hút của Khu đô thị mới Phú Mỹ trong mắt nhà đầu tư. Hiện tại, đơn vị phân phối Incomreal đang áp dụng nhiều phương thức thanh toán linh hoạt, kết hợp với ngân hàng hỗ trợ vay lên đến 70% tổng giá trị sản phẩm. Đây chính là cơ hội để khách hàng sở hữu được đất vàng an cư trung tâm TP Quảng Ngãi.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 11.
Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 12.

Nếu như núi Thiên Bút đã nằm trong quy hoạch công viên và quảng trường lớn nhất TP Quảng Ngãi, cùng với đó là trung tâm hội nghị, triển lãm mọc lên. Những dự tính phát triển thành phố của lãnh đạo Quảng Ngãi luôn có sự hiện diện của Thiên Bút và sông Bàu Giang cũng không nằm ngoài cuộc phát triển thành phố hiện đại dần tiến về phía biển.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 13.

Trận ngập lịch sử tại Quảng Ngãi xảy ra vào tháng 10 đã cho thấy tầm vóc quan trọng của sông Bàu Giang. Ông Nguyễn Công Hoàng, giám đốc sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết sẽ chỉnh trị sông Bàu Giang làm hướng thoát lũ chính cho phía nam TP Quảng Ngãi. Bởi dòng sông này đang gánh một nửa trọng trách thoát nước. “Việc đầu tiên là nạo vét ở hạ nguồn sông Bàu Giang, muốn lâu dài phải chỉnh trị đê kè hai bên bờ sông. Cùng với đó là lập trạm bơm cưỡng bức, bảo đảm thành phố sẽ thoát ngập”, ông Hoàng nói.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 14.

Thật ra câu chuyện định hướng cho sông Bàu Giang không phải bây giờ mà từ nhiều nhiệm kỳ trước các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã nhìn ra giá trị của dòng sông được tiền nhân đào từ nghìn năm trước. Chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ cũng nhìn ra vấn đề này, những khoảng xanh ven sông cũng được chừa ra để làm công viên. Và chỉ dự án kè dọc sông hình thành, khu đô thị Phú Mỹ sẽ có nguyên một công viên dọc sông cùng với con đường bám lấy sông Bàu Giang.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 15.

Nhiều người nói vui rằng bây giờ còn có cơ hội mua đất ở khu đô thị với giá rẻ, vài năm nữa khi công viên Thiên Bút hoàn thành, việc chỉnh trị sông Bàu Giang triển khai thì chẳng còn cái giá rẻ để mua và cũng quá khó để tìm kiếm cho mình một vị trí an cư gần sông mà lại nằm ngay trung tâm thành phố.

Suy cho cùng, sông Bàu Giang vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng lớn của mình, nếu không muốn nói vẫn là ẩn tích dù ngày nào cũng nhìn thấy dòng nước lững lờ trôi. Và Khu đô thị Phú Mỹ vẫn là một nơi đáng sống mà càng về sau sẽ càng khó tìm kiếm được ở xứ sở này.

Phú Mỹ tuyệt tác an cư bên sông Bàu Giang - Ảnh 16.

Nội dung: TẤN LỰC – AN ZUHình ảnh: TẤN LỰCVideo: TẤN LỰCThiết kế: HẢI PHIConcept: BẢO SUZU

Vua Minh Mạng tử hình bố vợ vì tham nhũng 30.000 quan tiền

Là ông vua nghiêm khắc bậc nhất của triều Nguyễn, Minh Mạng thường trị tội rất nặng những kẻ tham nhũng, kể cả hoàng thân quốc thích.

Vua Minh Mạng tử hình bố vợ vì tham nhũng 30.000 quan tiền

Lăng Minh Mạng ở Huế.

Vua Minh Mạng (1791-1841, tên húy Nguyễn Phúc Đảm) có công xây dựng Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực. Các nước lân bang đều phải kính nể.

Để trị tội tham quan, vua từng xử tử, chặt ngón tay của những kẻ có hành vi tham nhũng. Trong số các vụ án trị quan tham của Minh Mạng, nổi tiếng nhất là vụ tử hình bố vợ nhà vua là Huỳnh Công Lý, khi ông này tham nhũng 30.000 quan tiền.

Khắc tinh của tham quan

Theo Đại Nam thực lục, tháng 5/1823, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ Nội vụ, lấy trộm hơn một lạng vàng. Việc bị phát giác, bộ Hình đưa ông Diệm ra xét xử.

Theo quy định của Luật Gia Long, tội ăn trộm ngân khố dù ít hay nhiều cũng sẽ bị chém đầu. Nhưng xét thấy Lý Hữu Diệm vốn có nhiều công trạng, Bộ Hình đã tha tội chết, chỉ bắt đi đày viễn xứ. Khi án được tâu lên, vua Minh Mạng không đồng ý với đề nghị của bộ Hình.

Tranh vẽ Hoàng đế Minh Mạng trong sách của John Crawfurd (1783 – 1868)

Nhà vua nhất quyết yêu cầu Bộ Hình đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình với chỉ dụ: “Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết, phải truyền cho viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.

Tháng 11/1831, Nguyễn Đức Tuyên, tư vụ Nội vụ phủ, ăn bớt nhựa thơm. Việc bị phát giác, vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.

Năm 1834, đến lượt tuần phủ Trịnh Đức bị thắt cổ chết vì tham ô một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối bị giặc cướp mất. Cũng trong năm này, quản mộc Hồ Văn Hạ cũng mất đầu vì tham nhũng.

Xử tử cả bố vợ

Trong số những lần trị tội tham quan, vụ án xử tử cha vợ Huỳnh Công Lý của vua Minh Mạng đã gây rúng động dư luận lúc bấy giờ và nhiều năm sau này.

Huỳnh Công Lý là một trong những võ tướng nổi tiếng thời Gia Long, có công giúp Nguyễn Ánh dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, sau được phong làm Lý Chính Hầu.

Khi con gái được vua Minh Mạng phong làm Huệ phi, Huỳnh Công Lý càng được tin dùng. Ông được phong làm Phó tổng trấn Gia Định, quyền hành chỉ sau mỗi Tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Quyền lực là thế, lại mang danh bố vợ nhà vua, nhưng cuối cùng, người này không thoát án tử vì tội tham nhũng.

Theo Đại Nam thực lục, trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế (1816-1820), Huỳnh Công Lý được giao giữ chức Phó tổng trấn. Lợi dụng chức vụ và bề trên đi vắng, Huỳnh Công Lý thừa cơ vơ vét của cải từ nhân dân và binh lính.

Sau khi Lê Văn Duyệt quay về Gia Định, nhận được tin tố cáo Huỳnh Công Lý tham ô, ông báo về triều đình. Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam bố vợ và cử quan Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định điều tra.

Theo hồ sơ đã được trình lên vua, số tiền tham nhũng lên đến hơn 30.000 quan tiền. Biết chuyện này, vua Minh Mạng buồn rầu mà nói rằng: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực.

Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.

Khi Nguyễn Đình Thinh đang thu thập lời khai của các nhân chứng ở Gia Định, triều đình phát hiện thêm bằng chứng tham nhũng nữa tại Huế cũng liên quan Huỳnh Công Lý.

Trong thời gian làm quan ở Huế, ông đã bắt lính xây dựng nhà riêng ở bên bờ sông Hương. Khi biết tin, vua ra lệnh tịch thu nhà, bán lấy tiền giúp cho cấm binh.

Sau khi cuộc điều tra kết thúc, nắm rõ tội của Huỳnh Công Lý, sau một thời gian cân nhắc, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đòi lại số tiền đó cho dân.

Khi thành án, vua ra lệnh trao hết hồ sơ cho triều đình bàn xét. Triều đình kết luận đáng tội chết. Năm 1821, Huỳnh Công Lý bị Tổng trấn Lê Văn Duyệt xử tử tại Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho quân lính và dân chúng.

Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn, ông là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi tại Gia Định. Sau khi vua Gia Long qua đời, Minh Mạng được chọn lên kế vị vào năm 1820. Ông trị vì đất nước đến khi qua đời năm 1841.Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, Minh Mạng là ông vua hết sức cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước, là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo.Ông là vua có nhiều con nhất trong số các vị vua của chế độ phong kiến Việt Nam với 142 người, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.

Theo NGUYỄN THANH ĐIỆP / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tư duy “ếch ngồi đáy giếng” và tư tưởng “ta về ta tắm ao ta”…

Giải Nobel văn chương luôn là khát khao của không ít người cầm bút và câu hỏi bao giờ một tác giả người Việt ta có được giải thưởng danh giá này luôn là mong ước, là khát vọng của những người yêu mến văn chương nước nhà. Song, xem ra mơ ước đó còn xa vời, ít nhất là trong vòng vài chục năm tới.

Vì sao vậy? Hạn chế của các nhà văn Việt Nam là gì? Làm gì để vượt qua những rào cản đó?

Muốn trả lời câu hỏi “vì sao vậy” có lẽ nên bắt đầu từ câu hỏi “hạn chế của các nhà văn Việt nam là gì” bởi “biết mình là ai” luôn là câu hỏi không dễ.

Về hạn chế thứ nhất, xin thưa đó là tư duy “ếch ngồi đáy giếng”, tự mình ru ngủ mình mà đầu tiên, đó là ít người thông thạo ngoại ngữ. Tôi có thể khẳng định, hầu hết các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không biết (hoặc biết rất lỗ mỗ) ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, một ngôn ngữ đang có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc không biết (hoặc lỗ mỗ) ngôn ngữ này khiến các nhà văn Việt Nam như “ếch ngồi đáy giếng”, không tiếp cận được với văn học thế giới qua bản gốc. Trong khi đó, văn chương là “lập ngôn”, nhất là với thơ, một lĩnh vực mà ở đó, tài năng sử dụng ngôn từ được coi là số một.

Không biết ngoại ngữ, không chỉ không tiếp cận được với văn học thế giới, mở mang tầm nhìn mà còn không chuyển tải được văn chương của mình ra với bạn bè quốc tế. Không biết ngoại ngữ, sẽ tự “ru ngủ” mình như con ếch ngồi trong đáy giếng, luôn ảo tưởng về mình với khoảng trời xanh bằng bàn tay trên cao tít tắp.

Tệ hại hơn là tư tưởng che giấu sự ngu dốt bằng bài ca “ta về ta tắm ao ta” mà không biết ngoài kia có sông sâu, bể rộng, có sóng cả, gió to để rồi an ủi rằng cái “ao ta” tù túng, khê đọng đó “dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Tệ hại hơn, họ còn gieo vào đầu công chúng sự sùng bái tiếng Việt một cách thái quá qua cảm tính mà hoặc vô tình, hoặc cố tình không dựa trên những luận cứ khoa học. Yêu tiếng nước mình, dân tộc mình là rất đáng trân trọng. Song, coi ngôn ngữ của quốc gia mình, dân tộc mình là “đỉnh cao chói lọi” thì đó là sự ngộ nhận đáng thương.

Không có ngoại ngữ, các nhà văn Việt Nam không chỉ khó tiếp cận với hơi thở văn học thế giới mà còn sẽ rất hạn chế khi giao lưu với các nhà văn quốc tế. Tai hại hơn nữa nếu như đọc phải những bản dịch méo mó, vừa ngô nghê ngốc nghếch, vừa tắc trách nhan nhản trên thị trường sách hiện nay thì đó còn là bi kịch cho văn chương. Khi biết thêm một ngôn ngữ, ta có thể hiểu thêm tâm hồn một dân tộc, đồng thời có “đối tượng” để so sánh với ngôn ngữ mẹ đẻ, từ đó nói và viết sẽ chính xác hơn.

Thực tế cho thấy một số nhà văn thông thạo ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) thường hay có tác phẩm được giới thiệu ở nước ngoài mà gần đây nhất, nữ nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai là một ví dụ. Nếu không thông thạo tiếng Anh, viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, tôi đồ rằng Nguyễn Phan Quế Mai không thể có vị thế văn chương trên văn đàn quốc tế như hiện nay.

Nếu chọn một trong những thiệt thòi, mất mát lớn nhất trong cuộc đời của mình, đối với tôi, đó là không biết ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh! Tiếc rằng đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa qua đã không nhận được sự ủng hộ!

Hạn chế thứ hai, đó là thói “ăn mày dĩ vãng” một cách thái quá trong khi cái “kho tàng dĩ vãng văn chương” của ta lại vô cùng èo uột. Chúng ta luôn “tưởng tượng” rằng Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… là những thi hào nhân loại nhưng liệu thế giới có nhìn như chúng ta và họ có thực sự là những “vì sao” trên bầu trời văn chương quốc tế? Tôi đồ rằng khó bởi các vị trên là những nhà nho, sử dụng chữ Hán là chính. Dù có bao biện kiểu gì thì cũng không thể nói khác, truyện Kiều lấy từ cốt truyện của nhà văn Trung Quốc.

Tôi nhớ một nhà văn nào đó nói rằng một văn hóa dân tộc được khẳng định bởi ba yếu tố: lãnh thổ, tiếng nói và chữ viết. Trong khi chữ quốc ngữ của chúng ta mới thịnh hành từ đầu thế kỉ XX và như vậy, nếu nói văn học Việt Nam “thuần chủng” có lẽ nên tính từ đầu thế kỉ XX chăng? Có thể nói đây là thời điểm “vẻ vang” của văn chương bởi không chỉ hướng tới chân – thiện – mỹ mà văn học giai đoạn này còn làm phong phú và góp phần hoàn thiện chữ quốc ngữ.

Hạn chế thứ ba, chúng ta xuất phát từ cái “nền” thấp trong hầu hết các lĩnh vực, từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, công nghệ. Việt Nam đã có những đóng góp gì cho thế giới ở các lĩnh vực này? Từ bỏ ảo tưởng và thói kiêu ngạo đi thì thấy, những đóng góp của chúng ta vào kho tàng tri thức nhân loại là khiêm tốn, rất khiêm tốn.

Xuất phát từ cái “nền” như vậy, đòi hỏi đỉnh cao phải chăng là ảo tưởng? Xin thưa, những đỉnh núi cao thường xuất hiện trên nền tảng một dãy núi. Không thể có một tỉ phú Bill Gates ở Việt Nam cũng như không thể có Maradona hay Pê lê trong bóng đá và càng không thể có một Lev Tolstoy hay Gabriel Garcia Márquez trong văn chương Việt lúc này.

Nếu nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục những hạn chế, hi vọng rằng sớm nhất cũng phải vài chục năm sau thì may ra mới hi vọng.

Tư duy “ếch ngồi đáy giếng” và tư tưởng “ta về ta tắm ao ta” chính là chiếc vòng kim cô xiết lên đầu nền văn học Việt.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám / Nguồn Văn nghệ số 45/2021

Miếng thịt bò ‘dát vàng’ và chuyện ‘nồi cơm chính trị’ nước Việt

  • Võ Ngọc Ánh
  • Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ
Báo chí tiếng Anh đưa nhiều về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn ở nhà hàng đắt tiền tại London
Chụp lại hình ảnh,Báo chí tiếng Anh đưa nhiều về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn ở nhà hàng đắt tiền tại London

Vài tuần sau sự việc, vẫn không một tờ báo được phép hoạt động nào ở Việt Nam đưa tin đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ăn trong nhà hàng xa xỉ với món bít tết dát vàng ở Anh.

Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đăng về sự việc này. Còn báo chí cách mạng bịt mắt trước một sự kiện nóng hổi, đầy tính báo chí của một Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam.

Ba năm trước, chính những tờ báo nhà nước đã rất nhanh nhạy trong việc đưa tin ông Nicolas Maduro, Tổng thống của Venezuela ăn tại nhà hàng xa xỉ cũng của đầu bếp Nusret Gökçe ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này cho thấy, rõ ràng có những vùng cấm với nền báo chí cách mạng. Từ đó tôi thấy Việt Nam không có một nền báo chí đúng nghĩa.

Tôi nhớ lại câu chuyện một người anh làm báo kể. Hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, có một vụ rơi máy quân sự ở Đồng Nai. Anh lặn lội trèo rừng, vượt suối để làm tin. Nhưng ngày hôm sau tin không xuất hiện trên báo. Tòa soạn giải thích, tin về quân đội không đưa được.

Tôi nhớ đại ý lời anh nói, “tau tự thề mới mình sau vụ đó, sẽ không làm bất cứ tin gì liên quan đến quân đội và công an”.

Trở lại chuyện ăn bò dát vàng của ông Bộ trưởng Bộ Công an. Quan sát trên mạng xã hội, nói chuyện với một số người đang làm trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam về việc này. Đa số đều giả vờ như không biết, hoặc không dám nói đến một cách công khai.

Một người em làm giáo viên tại một trường trung học phổ thông, ở tỉnh Khánh Hòa nói với tôi, có lẽ đa số công chức, viên chức đều biết chuyện ăn thịt bò dát vàng nhưng không ai dám bàn luận, vì chẳng có lợi cho bản thân. Trong trường cũng đầy tai mắt. Thôi giả như chưa biết để cầu an.

Một người bạn khác cũng làm giáo viên thì chia sẻ. Bàn công khai thì không, nhưng anh em, chiến hữu với nhau thì có.

Người dân Việt Nam nhiệt tình nói về bóng đá nhưng sợ nói về chính trị?
Chụp lại hình ảnh,Người dân Việt Nam nhiệt tình nói về bóng đá nhưng sợ nói về chính trị?

Câu chuyện của tôi và bạn bè

Vài ngày sau sự việc diễn ra, tôi gởi hình ảnh đầu bếp Nusret Gökçe đút miếng thịt bò bít tết dát vàng cho Bộ trưởng Bộ Công an lên nhóm của lớp đại học cũ trên mạng xã hội Zalo mà nhiều bạn bè hiện ở VN tham gia, như một phép thử.

Tôi nhanh chóng nhận được sự cảnh báo từ một người bạn học năm xưa giờ đang làm ở cơ quan tuyên giáo cấp huyện, không được gởi những hình ảnh như thế này lên nhóm Zalo của lớp.

Phải chăng nhóm của lớp không được nói về các vấn đề thuộc chính trị?

Hoàn toàn không phải thế. Trên group của lớp vẫn đầy rẫy những cuộc trò chuyện, hình ảnh về tham gia chống dịch ở địa phương, với cơ quan… Về hoạt động của các quan chức chính phủ, đảng, đoàn, về chức vụ trong các cơ quan, công tác cán bộ, chỉ thị, nghị quyết…

Cũng đã có những người bạn cùng lớp một thời, bị các bạn khác giáo huấn về tư tưởng từ trên nhóm Zalo của lớp.

Trước đó, khi tôi đưa đường link, hình ảnh người dân, công nhân phải lũ lượt bỏ thành phố, các khu công nghiệp để tìm đường về quê trên nhiều phương tiện nguy hiểm, kém an toàn. Nhiều người bạn cùng lớp nói, tôi ở xa lại suy diễn điều gì đó. Một người trong nhóm là hiệu phó một trường cấp hai thì cho rằng, tôi bơ thừa nên rảnh rỗi.

Các bạn cùng lớp đại học sau khi tốt nghiệp đa số làm giáo viên, quan chức chính quyền, hoặc trong các cơ quan đảng, đoàn.

Nhiều bạn trở thành người thăm dò dư luận trên mạng thuộc đảng Cộng Sản tai mắt trên nhóm Zalo của lớp chẳng có gì lạ.

Tai mắt, chỉ điểm là chuyện phổ biến trong các hội, nhóm, trên mạng xã hội, hoặc ở các diễn đàn trên internet ở Việt Nam.

Một người bạn nói với tôi. “Tôi quý bạn dám nói. Tôi thì không thể, vì còn ‘nồi cơm'”.

Trong lớp thời đại học được kết nối lại, tôi như một thành viên cá biệt. Bởi đằng sau, một số cựu sinh viên cùng thời còn có một nhóm khác để nói về tôi. Tôi biết được điều này là do một bạn trong nhóm này cho biết.

Với những suy nghĩ, cách viết không giống họ, tôi bị nhiều người cùng lớp một thời cho rằng, có thể biết nhiều thứ, nhưng lại không biết làm người.

Tôi tự hỏi, phải chăng chỉ ai biết phục tùng đảng Cộng Sản mới là biết làm người Việt Nam?

Hình minh họa

Học chính trị để sợ hãi?

Sinh viên trong các trường đại học ở Việt Nam sẽ phải học nhiều môn về chính trị trong nhãn quan của chính quyền. Số môn học này nếu dồn lại sẽ chiếm một học kỳ trong tổng số 8 hoặc 9 học kỳ đại học. Đi cùng với đó là mất thời gian, tốn tiền của.

Chẳng mấy ai sau khi học có thể hiểu đúng về quyền chính trị. Và càng không thể bàn luận, nói đến chính trị một cách công khai, đúng nghĩa. Đây là một nguy cơ, thiệt thòi với người Việt, cho quốc gia.

Chính trị ở Việt Nam chỉ là một nỗi sợ bao trùm. Nỗi sợ có mặt ở đời thực và trên không gian mạng. Hiểu về chính trị cũng có nghĩa là ngoan ngoãn, tự kiểm duyệt để làm theo ý Đảng CS, chính quyền, hoặc nhìn mặt đảng mà nói.

Nỗi sợ không phải vô căn cứ. Mới đây, công an thành phố Đà Nẵng đã triệu tập anh Bùi Tuấn Lâm theo điều 188 – tội buôn lậu sau khi anh tự quay một clip rắc hành bắt chước của đầu bếp Nusret Gökçe.

Bàn về chính trị ở Việt Nam cũng có nghĩa đang thách thức sự độc quyền lãnh đạo của đảng.

Bởi thế, quan chức cấp cao được nói về chính trị, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nhưng người dân không thể được tự do nói về cùng chủ đề.

Khi viết ra điều này, tôi nhớ đến lời nhà văn George Orwell viết trong tác phẩm trại súc vật, được xuất bản lần đầu vào năm 1945, “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn những con khác”.

Hồi năm 2008, tại Đà Nẵng, một phóng viên của báo Tiền Phong cho biết, anh không dám đọc BBC Việt ngữ, VOA Việt ngữ. Vì lo sợ đọc báo địch sẽ mất việc làm.

Chính quyền luôn tìm cách triệt tiêu sự phản biện của người dân. Những điều luật mơ hồ 109, 116, 117, 331… của Bộ luật Hình sự năm 2015 đang được áp dụng như cái rọ lơ lững treo trên đầu. Nó có thể chụp xuống bất cứ lúc nào cho bất kỳ ai dám thể hiện thái độ chính trị, hoặc có hoạt động thúc đẩy cho một xã hội dân chủ.

Chưa kể trong cơ quan luôn có phe phái canh chừng để bắt bẻ, đấu tố, hạ bệ nhau, bạn làm nhà nước mà nói về chính trị sẽ rất dễ sập bẫy chính trị của đồng nghiệp.

Quan chức và đội ngũ dư luận viên lại loan truyền những điều không đúng sự thật để làm đẹp lòng đảng, tiếp tục lừa nhau.

Trong sự kiện ăn thịt bò dát vàng của ông Tô Lâm, trên trang Facebook của một phó giám đốc sở ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, Hoàng Mạnh Thường giải thích, “Đây là bữa tối tiếp khách do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin mời người đồng cấp sau buổi hội đàm sáng nay. Và tất nhiên, với một người là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ngài Gérald không thể mời anh Lâm ngồi quán cóc vỉa hè làm cốc trà đá”

Về chuỗi sự kiện này, vị phó giám đốc cố bào chữa lại không biết rằng, ông Tô Lâm ăn ở London. Rồi từ nước từ thủ đô nước Anh, ông Tô Lâm mới sang Paris gặp bộ trưởng bộ Nội vụ của Pháp.

Vị phó giám đốc sở cũng chẳng hiểu gì về chính trị ở các nước dân chủ phương Tây. Bởi ở với nền dân chủ phương Tây, quan chức không bao giờ dám tiếp khách ở nhưng xa xỉ. Tặng, hoặc nhận những món quà có giá trị lớn phải khai báo vì dễ tự biến mình trở thành thỏi nam châm thu hút báo chí, đến mất chức.

Hồi giữa năm ngoái, ông Francois de Rygy, Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp đã phải từ chức vì tấm hình ông ăn tối với tôm hùm, uống sâm banh cùng với vợ và sử dụng nhà ở không đúng mục đích.

Hay như ông Gavin Newsom, Thống đốc ban California đi ăn sinh nhật cố vấn chính trị tại một nhà hàng, khi mà ông kêu gọi người dân ở nhà đã phải đối mặt với cuộc bầu cử bãi nhiệm.

Xét cho cùng Việt Nam sẽ tốt hơn khi người dân dám phản biện đúng nghĩa về các vấn đề xã hội, chính trị. Người dân dám thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ với quan chức.

Người Việt Nam cần được thực hành về về chính trị, dân chủ, để hiểu mà tránh việc sùng bái, phong trào dân túy, lãnh đạo mị dân trong tương lai. Điều này đang xảy ở nhiều quốc gia không còn theo chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bởi quốc gia, dân tộc là trên hết, một thể chế không thể tồn tại mãi mãi với những khẩu hiệu quang vinh, vô địch, muôn năm, sống mãi trong sự nghiệp…mà không dám nhìn một sự thật…nhỏ như miếng thịt bò.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả từ Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, từng sống, học, làm việc ở Việt Nam trong 37 năm trước khi sang Mỹ định cư.

Theo BBC