Các loài cá cảnh nước ngọt bản địa tuyệt đẹp của Việt Nam

Cá cảnh là một thú chơi thu hút hàng triệu người trên thế giới. Không phải ai cũng biết rằng rất nhiều loài cá cảnh nước ngọt được ưa chuộng toàn cầu là động vật bản địa của Việt Nam.

Cá bã trầu hay cá thanh ngọc chấm (Trichopsis vittata) dài 6-7 cm, được ghi nhận tại ở các ruộng ngập nước lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Loài cá này có màu sắc hấp dẫn, có tập tính chọi nhau (ở con đực) giống họ hàng gần cùa chúng là cá chọi.

Cá thiên đường hay cá cờ, cá săn sắt (Macropodus opercularis) dài 8-11 cm, sinh sống ở các ao hồ và ruộng lúa trên cả ba miền Việt Nam. Đây là loài cá cảnh thứ hai được nhập khẩu vào châu Âu (sau cá vàng). Chúng là món ăn tại một số địa phương của Việt Nam. Loài này cũng đánh nhau như cá chọi.

Cá bống mắt tre hay cá bống ong nghệ (Brachygobius doriae) dài 3-4 cm, được ghi nhận tại nhiều vùng nước ngọt và lợ ở miền Nam Việt Nam. Được ưa thích hì kích thước nhỏ và màu sắc độc đáo, chúng đã được khai thác trong tự nhiên để phục vụ xuất khẩu.

Cá cao xạ hay cá mang rỗ (Toxotes chatareus) dài 15-20 cm, được ghi nhận ở khu vực Cần Giờ, TP HCM. Loài cá này có tập tính săn mồi kỳ lạ, đó là dùng miệng bắn “đạn” bằng nước để làm những con côn trùng đậu trên cành cây sát mặt nước rơi xuống

Cá còm da báo hay cá thát lát Đông Dương (Chitala blanci) dài 8-12 cm, sinh sống tại lưu vực sông Mê Kông ở khu vực Nam Bộ. Loài này có ngoại hình rất dễ nhận biết, hoa văn trên cơ thể khá đa dạng.

Cá chạch sông (Mastacembelus armatus) dài 30-50 cm, sống ở các sông ngòi. Ở Việt Nam, loài cá này thường được biết đến như một loại thực phẩm bổ dưỡng chứ không phải là một loại cá cảnh. Chúng đã được khai thác để xuất khẩu.

Cá chạch lửa (Mastacembelus erythrotaenia) có thể dài tới 1,2 mét, sống ở tầng đáy trong các vùng nước ở Nam Bộ. Tương tự cá chạch sông, chạch lửa vừa là cá cảnh xuất khẩu, vừa là món nhậu.

Cá chạch rắn Culi (Pangio kuhlii) dài 7-10 cm, sống ở nền cát của các con sông chảy chậm và suối sạch ở Bình Phước, Tây Ninh. Loài cá này có màu sắc, hình dáng cơ thể và kiểu bơi uốn lượn khá giống rắn, đã được khai thác để xuất khẩu.

Cá chim dơi bạc (Monodactylus argenteus) dài 20-25 cm, được ghi nhận ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có thể sống được trong bể thủy sinh nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn.

Cá đuôi kéo hay lòng tong đuôi đen (Rasbora trilineata) dài 10-15 cm, xuất hiện tại các ao hồ, đầm lầy và sông suối ở Nam Bộ. Đây là một loài cá cảnh được xuất khấu với số lượng lớn của Việt Nam.

Cá lòng tong đuôi đỏ (Rasbora borapetensis) dài 4-5 cm, sống theo đàn trong các vùng nước của đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những loài cá cảnh xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cá hắc bạc hay cá bút chì (Crossocheilus siamensis) dài 12-16 cm, sống ở sông suối và rừng ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng được xuất khấu để làm cá cảnh thu dọn rong tảo trong các bể thủy sinh.

Cá hải long hay cá ngựa nước ngọt (Doryichthys boaja) dài 20-30 cm, sống ở các sông suối miền Nam. Từ thập niên 1990, chúng đã được khai thác ở hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai để xuất khẩu, đã nghiên cứu thành công qui trình sản xuất giống nhân tạo.

Cá heo xanh (Yasuhikotakia modesta) dài 15-18 cm, phân bố ở lưu vực sông Mekong. Chúng được khai thác với số lượng hạn chế do tập tính sống chui rúc ở đáy, khó đánh bắt.

Cá kim sơn hay cá he đỏ (Barbonymus schwanenfeldii) dài 20-35 cm, có ở lưu vực sông Mekong. Chúng được đánh bắt để làm cá cảnh cũng như thực phẩm.

Cá mút rong, cá may hay cá nô lệ (Gyrinocheilus aymonieri) dài 20-25 cm, sinh sống ở sông Mekong. Vốn được đánh bắt làm thực phẩm, chúng được thuần dưỡng làm cá cảnh từ thập niên 1960.

Cá mao ếch hay cá sư tử (Allenbatrachus grunniens) dài 15-20 cm, xuất hiện nhiều ở vùng biển Cần Giờ và hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long. Loài cá cảnh mang vẻ ngoài kỳ lạ này có thịt rất ngon.

Cá nóc da beo (Tetraodon fluviatilis) dài 12-17 cm, xuất hiện nhiều ở vùng cửa sông, rừng ngập mặn, các đầm tôm Nam Bộ. Chúng được xuất khẩu với số lượng hàng trăm nghìn con mỗi năm.

Cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) dài 5-6 cm, sống ở những thủy vực có dòng chảy ở Nam Bộ. Tương tự cá nóc biến, loài cá này mang trong mình độc tố tetrodotoxin, đã gây ra một số vụ ngộ độc cho người ăn chúng.

Cá nóc số tám (Tetraodon biocellatus) dài 5-8 cm, được ghi nhận ở sông Mekong. Trữ lượng loài cá này trước đây khá nhiều, nay đã trở nên khan hiếm do bị khai thác quá mức để xuất khẩu.

Cá neon Việt Nam hay cá kim tơ (Tanichthys micagemmae) dài 2-3 cm, được phát hiện vào năm 2001 trong một nhánh của sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị. 45.000 con được xuất khẩu lần đầu vào năm 2005, đã gây tiếng vang ở thị trường Âu – Mỹ và Nhật Bản.

Cá tỳ bà bướm đốm (Sewellia speciosa) dài 40-55 cm, sống ở các vùng đáy nước lưu vực sông Melong. Chúng được xuất khẩu từ năm 2006 và cũng gây được sự chú ý trên thị trường thế giới.

Cá tỳ bà bướm hổ (Sewellia lineolata) dài 5-8 cm, cư ngụ trên các tảng đá trong vùng nước chảy xiết của các con suối miền Trung. Chúng được tái phát hiện vào năm 1994 (từng được ghi nhận giữa thế kỷ 19 nhưng không được nhắc đến trong 150 năm sau đó), xuất khẩu từ năm 2004.

Cá thủy tinh hay cá trèn giấy (Kryptopterus bicirrhis) dài 10-15 cm, được ghi nhận ở lưu vực sông Mekong. Gây ấn tượng nhờ cơ thể trong suốt, loài cá cảnh này được khai thác khá nhiều trong tự nhiên.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

12 mẩu chuyện ngắn dạy bạn cách làm người, đi tới chân trời góc bể cũng không lo bị lợi dụng, lừa gạt

Chỉ bản thân chúng ta mới có thể quyết định chúng ta trông như thế nào. Những người khác sẽ nhìn nhận đối xử với bạn theo cách mà bạn nhìn nhận đối xử với chính mình.

(1)

Một người đi xe đạp, có ra sức đạp đến đâu thì nhiều nhất cũng chỉ đi được khoảng 10 km trong một giờ.

Người đi ô tô, chỉ cần đạp nhẹ chân ga là có thể chạy được 100 km một giờ.

Người đi máy bay, chỉ cần ngồi thưởng thức món ngon là có thể đi được 1.000 km một giờ.

Kết luận: Người thì vẫn là người đó, nỗ lực như nhau nhưng sử dụng phương tiện khác nhau sẽ dẫn tới kết quả khác nhau.

(2)

Trong bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Anh ấy lịch sự khen đối phương: “Cô thật đẹp!”

Người phụ nữ dương dương tự đắc nói: “Đáng tiếc tôi không thể khen lại anh như vậy!”

Mark Twain nhẹ nhàng đáp: “Không sao đâu, cô cũng có thể nói dối như tôi mà.”

Người phụ nữ xấu hổ cúi đầu.

Kết luận: Khi bạn ném xuống viên đá thì người vấp ngã đầu tiên sẽ luôn là bạn.

(3)

Lợn rừng và ngựa ăn cỏ cùng nhau. Lợn rừng thường ngày rất nghịch ngợm, không giẫm lên cỏ thì sẽ làm bẩn nước uống.

Ngựa rất tức giận, muốn dạy cho lợn một bài học. Ngựa đến xin chỉ dẫn từ người thợ săn. Người thợ săn nói rằng muốn anh ta giúp ngựa, ngựa phải đeo dây cương để anh ta cưỡi. Nóng lòng muốn trả thù, ngựa liền đồng ý yêu cầu của người thợ săn.

Người thợ săn cưỡi ngựa đi đánh lợn rừng, xong xuôi anh ta cưỡi ngựa về nhà cột vào máng cỏ. Ngựa đã trả thù được lợn rừng nhưng lại mất đi sự tự do ban đầu.

Kết luận: Nếu bạn không thể bao dung với người khác, bạn sẽ mang lại bất hạnh cho chính mình.

12 mẩu chuyện ngắn dạy bạn cách làm người, đi tới chân trời góc bể cũng không lo bị lợi dụng, lừa gạt - Ảnh 1.

(4)

Một gia đình có ba người con trai. Gia đình luôn ồn ào những trận cãi vã không dứt của cha mẹ. Mẹ của chúng thường xuyên bị cha đánh bầm dập.

Người con cả nghĩ: “Mẹ thật đáng thương! Sau này mình sẽ phải đối xử thật tốt với vợ”.

Người con thứ hai nghĩ: “Hôn nhân thật vô nghĩa, sau này mình sẽ không kết hôn!”.

Người con thứ ba nghĩ: “Thì ra chồng có thể đánh vợ như vậy”.

Kết luận: Ngay cả khi sống trong cùng một môi trường, cách suy nghĩ khác nhau sẽ tạo nên khác biệt rất lớn trong lối sống.

(5)

Một con chuột rơi vào chĩnh gạo, tai nạn này khiến nó vui mừng khôn xiết.

Sau khi xác nhận không có nguy hiểm, nó bắt đầu cuộc sống ăn ngủ phủ phê trong chĩnh gạo.

Chẳng bao lâu, chĩnh gạo đã gần chạm đáy. Nhưng cám dỗ của gạo quá lớn nên chuột vẫn quyết định ở lại trong chĩnh.

Sau khi ăn hết chĩnh gạo, chuột nhận ra rằng việc thoát ra ngoài hiện thời là bất khả. Tất thảy mọi thứ đều trở nên vô vọng và bất lực.

Kết luận: Cuộc sống của chúng ta nhìn thì có vẻ khá bằng phẳng, nhưng thực chất nó lại ẩn chứa rất nhiều mối nguy.

(6)

Ngày đầu tiên thỏ trắng đi câu cá, câu cả ngày mà không thu được gì cả. Ngày hôm sau, thỏ lại đi câu. Kết quả vẫn như cũ.

Ngày thứ ba, khi thỏ vừa đến hồ, một con cá nhảy lên kêu lớn: “Nếu bạn còn dám dùng cà rốt làm mồi, tôi sẽ giết bạn!”

Bài học: Những gì bạn cho đi là những gì bạn “muốn” cho, chứ đó không phải là thứ mà đối phương muốn nhận. Nếu cứ mãi sống trong thế giới của mình, không đặt bản thân vào góc độ của người khác, sự cống hiến của bạn dù nhiều đến đâu cũng chỉ là vô ích.

12 mẩu chuyện ngắn dạy bạn cách làm người, đi tới chân trời góc bể cũng không lo bị lợi dụng, lừa gạt - Ảnh 3.

(7)javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2010488);}else{parent.admSspPageRg.draw(2010488);}

Năm đó, khi anh đang ngồi trong quán cà phê đợi bạn, một cô gái bước đến hỏi: “Anh là người mà dì Hương giới thiệu đến xem mắt phải không ạ?”

Anh ngẩng đầu nhìn cô. Cô đúng là mẫu người mà anh thích. Anh tự hỏi tại sao mình không liều một phen nhỉ. Nghĩ vậy, anh vội vàng gật đầu: “Ừ, đúng rồi, em ngồi đi.”

Vào ngày cưới, anh thú nhận rằng lúc đó anh không phải đi xem mắt.

Người vợ cười và nói: “Em cũng vậy, chỉ là kiếm cớ nói chuyện với anh thôi.”

Bài học: Khi cơ hội đến, nhất định phải nắm bắt, không được chần chừ.

(8)

Trên một chuyến tàu cao tốc, một ông cụ vô tình làm rơi một chiếc giày mới mua. Những người xung quanh đều lấy làm tiếc cho cụ, nhưng không ngờ cụ lại lập tức ném ngay chiếc còn lại ra ngoài cửa sổ. Hành động này của cụ khiến mọi người ngạc nhiên.

Ông cụ liền giải thích: “Đôi giày này dù đắt đến đâu thì đối với tôi nó cũng không còn hữu dụng nữa. Nếu ai đó nhặt được, không chừng họ vẫn có thể đi được!”

Bài học: Nỗi đau đã định không thể hàn gắn, thà buông bỏ sớm còn hơn.

(9)

Mọi người đang công khai bình chọn hoa khôi của lớp. Có một cô gái dung mạo bình thường tên Mai phát biểu: “Nếu tôi được bình chọn, vài năm nữa các chị em ở đây có thể tự hào nói với chồng rằng: “Lúc học đại học, em còn đẹp hơn cả hoa khôi của lớp!””

Kết quả là cô ấy được toàn bộ số phiếu bình chọn.

Bài học: Để thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất thiết phải chứng minh rằng mình vượt trội hơn người khác. Hãy làm cho người khác cảm thấy bởi vì có bạn mà họ có thể trở nên tốt hơn.

(10)

Một người nghèo hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Phật, tại sao tôi lại nghèo như vậy?”

Phật đáp: “Là vì ngươi chưa học được cách cho đi.”

Người nghèo: “Tôi chẳng có gì cả thì lấy gì để cho đây?”

Đức Phật nói: “Một người cho dù không có gì, vẫn có thể cho người khác bảy thứ sau đây:

Một là nụ cười, luôn mỉm cười để giải quyết mọi việc. Hai là nói những lời khen ngợi, an ủi người khác. Ba là mở rộng trái tim đối xử hòa nhã với mọi người. Bốn là nhìn người khác bằng đôi mắt thiện lương. Năm là giúp đỡ người khác bằng hành động thực tế. Sáu là khiêm tốn nhường nhịn người khác. Bảy là có một trái tim bao dung.”

Bài học: Đừng toan tính quá nhiều, hãy học cách yêu thương và cho đi nhiều hơn. Có thể bạn sẽ gặt hái được sự giàu có và hạnh phúc không ngờ.

(11)

Một thanh niên hỏi ý kiến ​​đạo sĩ: “Sư phụ, có người gọi đệ tử là thiên tài, cũng có người gọi đệ tử là kẻ ngốc. Người thấy đệ tử thế nào?”

“Ngươi thấy chính mình như thế nào?” Đạo sĩ hỏi ngược lại, chàng thanh niên ngẩn ra.

Đạo sĩ lại nói tiếp: “Gạo vẫn là gạo đó, nhưng một cân gạo trong mắt người làm bánh thì chúng là bột mỳ, trong mắt những người buôn rượu thì nó là rượu. Còn đối với người ăn xin, thì đó lại là một bữa ăn cứu mạng.” Người thanh niên nghe xong, trở nên thông suốt.

Bài học: Chỉ bản thân chúng ta mới có thể quyết định chúng ta trông như thế nào. Những người khác sẽ nhìn nhận đối xử với bạn theo cách mà bạn nhìn nhận đối xử với chính mình.

(12)

Tôm rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy trên mình của con cua có màu đỏ rất đẹp mắt.

Cua nói với tôm rằng nó thường lên bờ phơi nắng. Mỗi khi có ánh nắng chiếu vào, thân mình nó sẽ ánh lên màu đỏ rất đẹp.

Nghe vậy, tôm rất vui mừng. Nó nhảy lên bờ học cách phơi nắng, nhưng kết quả là bị phơi nắng chết.

Bài học: Đừng bao giờ bắt chước người khác một cách mù quáng.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Thiên tình sử đẫm lệ nổi tiếng triều Trần

Đó là một mối tình đẹp và cảm động, không thể phai nhạt dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng…

Ở mục Tiết Phụ trong quyển thứ 15 của sách An Nam Chí Lược, tác giả Lê Tắc đã kể lại câu chuyện tình của Vạn Xuân Thứ Phi. Đó là một mối tình đẹp và cảm động, dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng không thể làm mối tình ấy có chút mảy may suy suyển.

Vạn Xuân Phi vốn chỉ là cách gọi của Lê Tắc, bởi tác giả không nhớ rõ tên họ của bà là gì. Vạn Xuân là tên làng nơi cha mẹ bà sinh sống, nay Vạn Xuân thuộc địa phương nào của nước ta cũng chưa thể xác định được. Hiện mới chỉ biết Vạn Xuân Phi sống vào đầu thời Trần, khoảng thời trị vì của Hoàng Đế Trần Thái Tông (1226-1258) và Hoàng Đế Trần Thánh Tông (1258-1278).

Tuy là con nhà thường dân nhưng Vạn Xuân lại rất thanh nhã, hiền thục. Vạn Xuân cùng với Nho sĩ cùng làng là Tiêu Nhã từ sớm đã là một đôi thanh mai trúc mã. Hai gia đình cũng đồng ý sau này sẽ để cho hai trẻ nên duyên. Qua những tháng ngày gần gũi bên nhau, tình yêu của Vạn Xuân và Tiêu Nhã cũng lớn dần, ngày càng keo sơn thắm thiết.

Ở đời, danh tiếng thường mang lại vẻ vang cho con người, nhưng đôi khi, nó lại là khởi đầu của mối họa. Vạn Xuân thường ngày vẫn quấn quýt bên Tiêu Nhã mà không biết rằng tiếng tăm về cốt cách và dung mạo của nàng đã truyền đến tận Hoàng Cung. Hoàng đế nhà Trần muốn kiểm chứng lời đồn, đã tìm cách gặp Vạn Xuân và sau lần gặp ấy, Hoàng đế đã dứt khoát đón Vạn Xuân về cung. Đáng thương cho Vạn Xuân và Tiêu Nhã, đôi trẻ chỉ chờ ngày kết duyên thì phút chốc đã bị chia uyên rẽ thúy. Nhưng mệnh lệnh của Hoàng đế không thể cưỡng lại, Vạn Xuân chỉ biết gạt nước mắt chấp nhận sự an bài của số phận.

Sau khi nhập cung, Vạn Xuân được phong là Thứ Phi và được Hoàng đế rất mực yêu quý. Đã 10 năm trôi qua, Vạn Xuân luôn sống trong cảnh nhung lụa và sự sủng yêu của Hoàng đế. Nhưng đó cũng là quãng thời gian mà không lúc nào Vạn Xuân không nhớ nhung đến Tiêu Nhã. Trái tim của Vạn Xuân không thể dành thêm chỗ cho ai khác. Nhưng hậu cung với bên ngoài cách trở nghìn trùng, Vạn Xuân không có cách nào gặp lại người cũ. Bởi vậy, Vạn Xuân thường mang tâm trạng u uất và thường phải xin phép Hoàng đế cho ra ngoài cung để khuây khỏa. Hoàng đế thấy Thứ Phi của mình lúc nào cũng buồn rầu, đau bệnh thì không nén được thương cảm, sau cùng đã cho phép Vạn Xuân xuất cung, về ở hẳn nơi làng quê.

Về lại quê hương, Vạn Xuân không khỏi thất vọng khi Tiêu Nhã đã không còn ở đó. Dò la khắp nơi, Vạn Xuân mới hay rằng: Tiêu Nhã đã thi cử đỗ đạt và ra làm quan, hiện đang giữ chức An Phủ Sứ Lộ Thanh Hoa. Tiêu Nhã cũng đã lập gia đình được khá lâu.

Đã biết nơi trị nhậm của Tiêu Nhã, Vạn Xuân rất muốn đi gặp người xưa nhưng e như thế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của Tiêu Nhã nên Vạn Xuân chỉ biết ngậm ngùi ở lại quê hương, với mối tình dành cho Tiêu Nhã ngày thêm sâu đậm.

Về phần Tiêu Nhã, khi Vạn Xuân nhập cung, chàng rất đỗi đau xót. Ngày tháng trôi qua, tâm tình với Vạn Xuân vẫn như ngày nào nhưng biết không thể tái hợp được nữa, Tiêu Nhã đã quyết định thành gia lập thất. Làm An Phủ Sứ Thanh Hoa được một thời gian, Tiêu Nhã xin cáo quan về quê. Việc này xảy ra không lâu sau ngày Vạn Xuân trở về.

Hai người Vạn Xuân và Tiêu Nhã rất mừng vui khi gặp lại nhau. Dẫu vậy, cả hai không thể vượt quá giới hạn bởi dù sao Tiêu Nhã cũng đã có gia đình.

Bẵng đi một thời gian, người vợ của Tiêu Nhã qua đời. Lo hậu sự và để tang cho phu nhân xong xuôi, Tiêu Nhã đã tìm đến và kể hết nỗi niềm thương nhớ đối với Vạn Xuân. Tiêu Nhã muốn được nối lại duyên xưa với Vạn Xuân. Vạn Xuân cũng xúc động bày tỏ tấm chân tình của mình và nghẹn ngào đón nhận lời đề nghị của Tiêu Nhã. Thế là sau hơn 10 năm xa cách, cặp đôi này lại có dịp trùng phùng bên nhau.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 năm nữa lại qua đi. Cuộc sống của Vạn Xuân vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Bỗng một hôm, Tiêu Nhã đột ngột từ trần. Vạn Xuân suy sụp hẳn, ngày đêm ôm linh cữu chồng mà khóc. Sau khi chôn cất Tiêu Nhã, Vạn Xuân càng thấy trong lòng trống trải hơn. Ngày ngày Vạn Xuân vẫn tưởng nhớ đến Tiêu Nhã với tất cả nỗi nhớ nhung sầu muộn…

Nỗi buồn tột độ kéo dài khiến cơ thể Vạn Xuân ngày càng héo hon. Ba năm sau, Vạn Xuân qua đời. Lê Tắc cho biết, trước thiên tình sử và cái chết của Vạn Xuân, “người trong nước ai cũng thương”.

Theo KIẾN THỨC

Tập Cận Bình lên ngôi cửu ngũ

Hình Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành. Hình minh họa.
Hình Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành. Hình minh họa.

Các hoàng đế Trung Hoa thường lo không biết mình sẽ được lịch sử ghi tên như thế nào. Cái tật này do ông cụ Khổng gây ra. Khổng Tử viết bộ Xuân Thu với chủ ý khen chê những vua, quan trước và trong thời ông sống. Cuốn sách sau được dùng để dạy học hơn hai ngàn năm. Mao Trạch Đông luôn luôn mang bên mình bộ “Nhị thập tứ Sử” (Sử 24 Triều đại). Ông nghĩ đã có công thống nhất Trung Quốc (như Tần Thủy Hoàng) và khai sáng một thời đại huy hoàng (như Hán Vũ Đế). Trong bài thơ mang tựa đề “Tuyết” Mao đã nhắc đến “Tần Hoàng, Hán Vũ,” nhưng chê cả hai đều “thiếu vẻ văn hoa,” ngầm nói họ còn thua mình. Giờ đến lượt Tập Cận Bình.

Trong mấy tháng vừa qua, nhật báo Nhân Dân (ở Bắc Kinh) và Tân Hoa Xã đăng rất nhiều bài ca ngợi Tập Cận Bình như một “chính khách, nhà lý luận và chiến lược gia mác xít” xứng đáng lãnh đạo Trung Quốc và thế giới! Họ đã chuẩn bị cho cuộc họp Trung Ương Đảng tuần trước, tấn phong Tập Cận Bình lên ngôi “đại đế” bằng một “nghị quyết lịch sử.”

Tập Cận Bình đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng đề nắm độc quyền cai trị trong tương lai, không giới hạn. Sau khi Tập lên ngôi năm 2012, đảng Cộng sản Trung Quốc đã sửa cương lĩnh, thay đổi hiến pháp để người cầm đầu đảng và đứng đầu cả nước có thể được tái cử không giới hạn. Donald Trump và Joe Biden đều có thể bị thất cử; Tập Cận Bình muốn được như Vladimir Putin, đã cầm quyền 21 năm mặc cho dân phản đối.

Trong 100 năm, đảng Cộng sản Trung Quốc mới hai lần biểu quyết các “nghị quyết lịch sử.” Lần đầu, năm 1945, Mao Trạch Đông nhắm lên án các lãnh tụ cộng sản trước mình đi lạc đường, tự tôn vinh rồi nắm độc quyền lãnh đạo cho đến chết. Năm 1981, Đặng Tiểu Bình dùng hai phần ba một bản “nghị quyết lịch sử” để công kích cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” của Mao. Năm 2021, Tập Cận Bình không bài xích ai mà dành phần lớn bản nghị quyết lịch sử mới để kể các thành tích của chính mình; củng cố địa vị “lãnh tụ hạch tâm” lèo lái con thuyền Trung Quốc mãi mãi.

Bản “nghị quyết lịch sử” mới được công bố ngày Thứ Hai tuần này, viết tên Mao Trạch Đông 18 lần, chứng tỏ Tập Cận Bình vẫn muốn thừa kế Mao. Tên Đặng Tiểu Bình chỉ được nhắc đến 6 lần. Bản văn đả kích những Lâm Bưu và Giang Thanh và vẫn coi Cách Mạng Văn Hóa là một “lầm lẫn lý thuyết và thực tế,” như đã Đặng kết tội Mao năm 1981. Nhưng Đặng Tiểu Bình còn chỉ trích nạn “sùng bái cá nhân” dưới triều đại Mao, thì không thấy nói. Chính Tập Cận Bình cũng đang chơi trò tự “sùng bái.”

Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào chỉ được nêu tên mỗi người một lần, nhưng bị gián tiếp chỉ trích. Hai người tiền nhiệm đã thả lỏng cho tham nhũng hoành hành; giảm bớt vòng kiềm tỏa xã hội; và không kiểm soát các tập đoàn tư bản cũng như dư luận trên mạng internet để cho chúng ngoi lên quá mạnh. Tập Cận Bình xuất hiện để cứu Đảng!

Vụ Thiên An Môn năm 1989 được nêu ra nhưng không nhắc đến cuộc tàn sát hàng ngàn công nhân và sinh viên, mà đổ tội các thế lực chống cộng ở trong và ngoài nước gây ra. Bản “nghị quyết lịch sử” so sánh thể chế chính trị độc tài và dân chủ, nhấn mạnh Trung Quốc phải “ngăn chặn những ảnh hưởng tai hại của tư tưởng chính trị Phương Tây” như phân chia ba quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp; kết luận rằng “Phương Đông đang lên, Phương Tây đang xuống!” Đó là một ý kiến được Tập Cận Bình hô hào lâu nay!

Nói Trung Cộng đang lên có đúng sự thật không?

Về ngoại giao, các nước lớn đang liên kết với nhau để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Các nước nhỏ trên thế giới, từ châu Phi đến hâu Mỹ La Tinh, bắt đầu thất vọng về các món tiền Trung Cộng cho vay, lo có ngày sẽ bị ép phá sản. Quân lực Trung Cộng lớn mạnh rất nhanh nhưng cũng chỉ xưng hùng xưng bá ở một góc của Á châu và Thái Bình Dương. Bên trong Hoa Lục, kinh tế bắt đầu giảm bớt tốc độ tăng trưởng, không phải chỉ vì bệnh dịch Covid-19 mà còn vì sức phát triển đã đụng tới giới hạn.

Khi kinh tế Trung Cộng tiến lên đến hàng lớn thứ nhì, sau kinh tế Mỹ, thì cũng xuất hiện các vấn đề mà các nước tiểu bang Tây phương đã trải qua: Phát triển chậm lại, lợi tức bình quân không tăng, những người nghèo nhất càng bị bỏ rớt lại. Kinh tế tăng trưởng gây chênh lệch giàu nghèo: Người giàu tiếp tục giàu hơn còn người nghèo cứ nghèo mãi mãi. Các nước Tây phương phát triển một nửa thế kỷ hay trăm năm mới thấy hiện tượng này. Ở Trung Quốc, chỉ mới 30 năm đã thành trầm trọng.

Năm ngoái, Trung Quốc có hơn 1,000 tỷ phú đô la, chiếm một nửa thế giới, theo Hurun Report, một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải. Ông Tập Cận Bình có thể hãnh diện đem khoe con số này. Nhưng, cùng lúc đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường công nhận có 40% dân lục địa sống mỗi tháng với số tiền tương đương $140 mỹ kim hay thấp hơn. Theo Ngân hàng Thế giới thì vào năm 2020 mỗi người dân quê Trung Quốc cần lợi tức $180 đô la mới đủ sống– 40% dân Trung Quốc tức là 560 triệu người.

Hai lớp người ở Trung Quốc, lớp trên thuộc 10% lợi tức cao nhất và lớp dưới, gồm 50% kiếm ít tiền nhất trong cả nước, vào năm 1978 họ kiếm được như nhau, mỗi lớp chiếm một phần tư lợi tức quốc gia. Sau 40 năm, Ngân hàng Thế giới, năm 2018, lớp trên (10% cao nhất) chiếm 40% lợi tức toàn dân, trong khi lớp dưới (một nửa nghèo nhất) chỉ được hưởng 15% lợi tức chung. Năm 2000, 1% những người giầu nhất Trung Quốc làm chủ 10% tài sản quốc gia, năm 2020 họ đã chiếm lãnh 30%, tăng gấp ba lần, theo Stella Yifan Xie trên báo Wall Street Journal ngày 14 tháng 11, 2021.

Yifan Xie kể chuyện một thanh niên 23 tuổi, quê ở Quế Châu, một tỉnh nghèo nhất. Cha mẹ dành dụm nuôi cho đứa con đầu tiên tốt nghiệp đại học. Bây giờ anh ở Ninh Phố, lãnh lương khoảng $1,080 đô la, nhưng không đủ tiền mua một căn hộ và cũng không biết bao giờ đủ tiền để cưới vợ. Nhiều thanh niên Trung Quốc cũng lâm tình trạng đó. Giá một căn hộ ở Bắc Kinh cao gấp 25 lần lợi bình quân tức một gia đình; ở Thượng Hải lớn gấp 20 lần. Để so sánh, ở New York, London giá chỉ cao gấp 7, 8 lần lợi tức.

Bất công xã hội biểu hiện rõ nhất trong việc giáo dục. Những gia đình giàu có thường chi tiêu một phần tư lợi tức cho con cái đi học thêm, chiếm các ghế trong đại học. Năm 1990 trong sinh viên Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) có 22% gốc từ nông thôn, đến năm 2016 tỷ số tụt xuống còn hơn 10%.

Năm 2017, sinh viên Hùng Hiên Ngang (Xiong Xuan’ang, 熊轩昂) nổi tiếng vì được số điểm cao nhất nước trong kỳ thi tuyển vào đại học. Nhưng anh bị cả chế độ chỉ trích khi thú nhận rằng số anh may mắn có bố mẹ đều là nhân viên ngoại giao khá giàu, lại được sống ở Bắc Kinh nơi có nhiều trường luyện thi tốt nhất. “Con nhà nghèo ở nhà quê hoặc ngoài Bắc Kinh không bao giờ được như vậy,” anh nói thật tình.

Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với hàng trăm triệu người Trung Hoa, nhất là những thanh niên đang sống trong một xã hội ngày càng bất công, sẽ gia tăng kiểm soát và đàn áp. Tập Cận Bình đã ra lệnh giới trẻ chỉ được vào internet một số giờ giới hạn, chỉ được chơi “trò điện tử” ba giờ một tuần. Hệ thống kiểm soát ngặt nghèo đến nỗi cả nước vừa mới xôn xao về câu chuyện “chơi game lúc 3 giờ sáng!”

Một đêm, có người tự nhận là 60 tuổi chơi một trò điện tử rất nổi tiếng và đã thắng lớn. Nhưng người này có thật là 60 tuổi không? Nếu là một thiếu niên khai tuổi giả để chơi trái lệnh Đại Lãnh Tụ thì sao? Công ty sản xuất trò chơi Tencent phải mở cuộc điều tra, dùng Trí khôn Nhân tạo, AI, để tìm “thủ phạm.” May mắn, đó là một ông 60 tuổi thật!

Câu chuyện trên cho thấy Cộng sản Trung Quốc đang kiểm soát dân chúng chi li như thế nào. Càng kiểm soát mạnh càng chứng tỏ mình đang lo sợ. Sang năm Tập Cận Bình sẽ lên “ngôi cửu ngũ” theo gót Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, và Mao Trạch Đông. Nhưng liệu 1,400 triệu dân Trung Hoa có tiếp tục cúi đầu thần phục mãi hay không?

Ngô Nhân Dụng / VOA

Mỹ – Trung tranh đấu, Biden có bỏ quên nhân quyền ở Việt Nam?

Vietnamese Political Detainees: Pham Doan Trang; Can Thi Theu and her sons Trinh Ba Phuong and Trinh Ba Tu; Dinh Thi Thu Thuy; Pham Chi Dung; Nguyen Tuong Thuy; Le Huu Minh Tuan; Tran Duc Thach
Chụp lại hình ảnh,Các tù nhân chính trị VN (từ trái qua): Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thuy Thủy, Nguyễn Tường Thụy.

Từ khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ đầu năm 2021, ông Joe Biden đã nhấn mạnh cam kết bảo vệ nhân quyền trên thế giới, tương tự như giai đoạn tranh cử khi ông đã nói sẽ “chống tham nhũng, bảo vệ trước chủ nghĩa độc đoán, và thúc đẩy nhân quyền”.

Mặt khác, để giải quyết các vấn đề chiến lược lớn hơn với Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đất nước mà Amnesty International nói “các vụ bắt giữ và truy tố tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền tăng lên đáng kể trong năm 2020”.

BBC News Tiếng Việt hỏi một số nhà hoạt động nhân quyền và nhà nghiên cứu để nghe nhận định của họ về chính sách nhân quyền của chính phủ Joe Biden với Việt Nam.

Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam lần thứ 25 vừa được tổ chức ngày 9 tháng 11 năm 2021 tại thủ đô Washington.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Dân chủ, nhân quyền và lao động Lisa Peterson và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt dẫn đầu hai đoàn đối thoại phía Hoa Kỳ và Việt Nam.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Đối thoại lần này tập trung vào thảo luận các vấn đề nhân quyền thuộc nhiều chủ đề, bao gồm tự do biểu đạt, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền lao động, pháp quyền và cải cách tư pháp, hợp tác đa phương về nhân quyền, và một số vụ việc cụ thể được quan tâm. Đối thoại cũng bàn về nhân quyền của những cá nhân với những hoàn cảnh dễ bị tổn thưởng, chẳng hạn các nhóm người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính hay giới tính không rõ ràng, và người khuyết tật.”

Hoa Kỳ nói: “Cam kết thúc đẩy tôn trọng nhân quyền của Hoa Kỳ là nền tảng của quốc gia chúng tôi và cũng là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Việc thúc đẩy và bảo vệ sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục là một ưu tiên của chính quyền Biden-Harris và trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam.”

Việt - Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trước khi dùng bữa trưa với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 07/7/2015 tại Washington

‘Không đủ’

Tuy vậy, nói với BBC News Tiếng Việt, ông Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch phụ trách châu Á, cho rằng cuộc họp như vậy là không đủ.

“Nếu chính quyền Joe Biden thực sự muốn cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, họ cần nâng tầm lên xa hơn cuộc đối thoại này.”

“Các cuộc đàm phán song phương này đã trở nên quá thuận tiện, cho phép các vấn đề về nhân quyền được hoãn lại, dành riêng trong cuộc đối thoại hàng năm thay vì được lồng ghép trong mối quan hệ song phương, và được nêu ra thường xuyên trong quan hệ hàng ngày giữa Washington và Hà Nội,” ông Phil Robertson bình luận.

Từ tổ chức nhân quyền Amnesty International, Carolyn Nash, phụ trách châu Á, bày tỏ ý kiến tương tự.

“Chính phủ Việt Nam đã liên tục đàn áp không ngừng đối với quyền tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến. Họ không khoan dung đối với bất kỳ phê bình nào đối với Nhà nước.”

“Hồ sơ vi phạm như vậy cần có tác động để chính phủ Biden nói chuyện với Việt Nam trong tương lai, vượt ra khỏi khuôn khổ đối thoại nhân quyền,” Carolyn Nash nói.

Việt Nam đã nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khoảng 10 năm qua.

Người đi xem bóng đá ở Hà Nội
Chụp lại hình ảnh,Người đi xem bóng đá ở Hà Nội
ĐỐI TÁC LỚN

Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013, và 25 năm quan hệ ngoại giao được kỷ niệm vào năm 2020.

Thương mại song phương đã tăng trưởng từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020.

Hoa Kỳ có nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý dioxin, nâng cao chất lượng hệ thống y tế và giáo dục của Việt Nam.

Từ tháng 5 năm 2016, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải – bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa và quỹ Hỗ trợ tài chính Quân sự Đối ngoại.

Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á ở Council on Foreign Relations (CFR), Washington, DC, nói với BBC News Tiếng Việt rằng tầm nhìn chiến lược đang là ưu tiên hàng đầu.

“Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ, ở một mức độ nào đó, sẽ tập trung vào nhân quyền, nhưng tôi không nghĩ đó sẽ là ưu tiên trong quan hệ với Việt Nam, bởi vì các khía cạnh chiến lược của mối quan hệ Việt – Mỹ ở thời điểm này vượt trội hơn hầu hết các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề nhân quyền.”

Phil Robertson, từ Human Rights Watch, cũng cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung có tác động tới cách Hoa Kỳ và Việt Nam giao thiệp.

“Khi quan hệ kiểu chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi, Việt Nam đang chơi một trò chơi khôn ngoan bằng cách thu hút tăng cường đảm bảo an ninh từ Mỹ, đồng thời gạt bỏ những chỉ trích của chính phủ Mỹ về nhân quyền.”

“Hoa Kỳ cần khẩn trương hành động để đảo ngược xu hướng này, và cần nói rằng nên có những cải thiện nghiêm túc đối với nhân quyền, dân chủ và quản trị tốt ngay từ bây giờ để giúp cho cả nhà nước Việt Nam và người dân Việt Nam,” ông Phil Robertson cho biết quan điểm.

Hình chụp ở Hà Nội ngày 20/10/2021
Chụp lại hình ảnh,Hình chụp ở Hà Nội ngày 20/10/2021
TƯƠNG LAI?

Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2020, do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng Ba 2021, nói Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền”.

Báo cáo này nói những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm “việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet…”

Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó nói: “Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

“Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.”

Mặt khác, một tài liệu đăng trên trang Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội nói: “Một ưu tiên của Hoa Kỳ là giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành một xã hội dân chủ được cai trị tốt hơn với nền kinh tế dựa trên thị trường. Các chương trình trợ giúp của Mỹ sẽ tăng cường tính pháp trị, tư pháp độc lập và thúc đẩy cho xã hội dân sự trở nên sống động hơn.”

Văn bản này nói: “Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho ngành y tế Việt Nam để có thể ngăn ngừa, chăm sóc và điều trị các bệnh HIV/AIDS, cúm gia cầm và đại dịch cúm. Hoa Kỳ sẽ giúp cải thiện các dịch vụ xã hội cho đối tượng dân số dễ bị tổn thương và phát triển giáo dục đại học. Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh hợp tác song phương trong việc khắc phục hậu quả dioxin, giải quyết những khó khăn về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác. Cuối cùng, các chương trình hỗ trợ sẽ tăng cường hợp tác quân sự, an ninh biên giới, hợp tác chống khủng bố và xóa bỏ vật liệu nổ còn sót lại của chiến tranh, chống ma túy và nạn buôn người.”

Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter, từ Elliott School of International Affairs, Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng nhân quyền vẫn là quan tâm của chính phủ Joe Biden.

“Ông Biden và đảng Dân chủ của ông rất quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, ông Biden cũng muốn mối quan hệ với Việt Nam tiến xa hơn vì họ có nhiều điểm chung. Vấn đề nhân quyền là quan trọng đối với chính quyền hiện nay nhưng nó không phải là trở ngại lớn để tăng cường quan hệ với Việt Nam.”

Trong sự nghiệp làm cho chính phủ Hoa Kỳ (1968-2001), ông Sutter từng là giám đốc phân ban Trung Quốc tại Phòng Tình báo và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo ông Robert Sutter, nhìn chung, Hoa Kỳ sẽ vẫn cố gắng thúc đẩy các giá trị mà nước này được cho là đại diện.

“Xu hướng ngả về các chính phủ độc đoán trên thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, là mối quan tâm của đảng Dân chủ. Chính quyền Biden muốn chống lại xu hướng đó. Họ không muốn lật đổ các chính phủ đó nhưng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các giá trị dân chủ và quản trị tốt hơn.”

Từ tổ chức nhân quyền Amnesty International, Carolyn Nash bày tỏ quan điểm: “Chính phủ lạm dụng công nghệ giám sát, phá bỏ các phương tiện truyền thông độc lập, nhắm vào các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền – đây là những vũ khí quen thuộc của các chính phủ đàn áp trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ không lên tiếng mạnh mẽ và nhất quán về những vụ này ở Việt Nam, thì làm sao chính quyền Biden có thể được coi trọng khi chỉ trích những hành vi tương tự ở Trung Quốc?”

Theo BBC