Những loài linh trưởng họ Người còn tồn tại đến nay

Họ Người (Hominidae) gồm những loài linh trưởng lớn nhất và đạt mức độ tiến hóa cao nhất trong thế giới động vật. Chúng có đặc điểm chung là không có đuôi, con đực to hơn con cái và bộ não khá lớn.

Đười ươi Borneo (Pongo pygmaeus) dài 0,8-1,5 mét, cư trú ở rừng mưa nguyên sinh trên đảo Borneo. Hầu như chỉ ở trên cây, loài linh trưởng họ Người này dành thời gian tìm thức ăn là các loại quả.

Đười ươi Sumatra (Pongo abelii) dài 0,8-1,8 mét, phân bố giới hạn ở các mảng rừng nhiệt đới nguyên sinh Bắc Sumatra. Chúng là loài linh trưởng sống trên cây lớn nhất thế giới.

Đười ươi Tapanuli (Pongo tapanuliensis) dài 0,8-1,4 mét, chỉ có một quần thể dưới 1.000 con sinh sống trong khu bảo tồn Cagar Alam, đảo Sumatra. Chúng được phát hiện lần đầu vào năm 1997, được xác định là một loài mới vào năm 2017.

Khỉ đột miền Tây (Gorilla gorilla) dài 1,3-1,8 mét, gồm hai phân loài sinh sống ở các khu rừng đầm lầy và rừng nhiệt đới đất thấp Tây Trung Phi. Chúng có tập tính xã hội phát triển, thường xây tổ để ngủ dưới đất, nhưng đôi khi cũng ở trên cây.

Khỉ đột miền Đông (Gorilla beringei) dài 1,5-1,8 mét, gồm hai phân loài cư trú ở rừng sương mù trên núi và rừng đất thấp phía Đông CHDC Công, Rwanda và Uganda. Đây là loài linh trưởng lớn nhất thế giới (tính theo trọng lượng trung bình). Chúng có màu lông tối hơn khỉ đột miền Tây.

Tinh tinh thông thường (Pan troglodytes) dài 69-94 cm, gồm bốn phân loài phân bố ở các sinh cảnh rừng ẩm, rừng khô và rừng xavan ở châu Phi xích đạo. Chúng sống trong nhóm có hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt, biết sử dụng công cụ đơn giản để kiếm ăn.

Tinh tinh lùn hay bonobo (Pan paniscus) dài 70-83 cm, sống trong rừng nhiệt đới ẩm ở CHDC Congo. Khác với tinh tinh thông thường, tinh tinh lùn theo chế độ mẫu hệ. Cả hai loài tinh tinh này được coi là họ hàng gần gũi nhất với con người.

Chùm ảnh: Những loài linh trưởng họ Người còn tồn tại đến nay

Người (Homo sapiens) cao 1,5 – 2,1 mét, định cư trên tất cả các sinh cảnh của thế giới, trừ Nam Cực. Loài này khác biệt với các anh em trong họ Người ở tư thế đứng thẳng, cơ thể hầu như không có lông, bộ não phát triển vượt trội.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Sự đau buồn dưới góc nhìn tâm lý học

Nỗi đau buồn (Grief) là cảm xúc đau đớn mãnh liệt xuất phát từ việc mất đi những gì là thân yêu nhất của chính mình.

Nỗi đau buồn dưới góc nhìn tâm lý

Tác giả: ThS Ngô Minh Duy.

Đau buồn là phản ứng tự nhiên và phổ biến trong cuộc sống, không ai trong chúng ta có thể tránh được điều này. Tất cả mọi người đều phải trải qua loại sang chấn tâm lý này khi mất đi những gì quan trọng đối với mình.

Nỗi đau buồn nếu không được giải quyết nó có thể là nguyên nhân dẫn đến lo âu cấp tính và trầm cảm. Diễn biến tâm lý của sự đau buồn có 5 giai đoạn: Phủ nhận => Giận dữ => Mặc cả => Trầm cảm => Chấp nhận.

Một người có thể trải qua nhiều nỗi đau buồn trong cuộc sống. Sau đây là một số vấn đề/sự kiện có thể dẫn đến nỗi đau buồn:

Cái chết của người yêu
Chấm dứt một mối quan hệ quan trọng với bạn trai/bạn gái
Mất đi mối quan hệ với bố mẹ vì bố mẹ ly hôn
Mất đi một người bạn thân vì người đó chuyển nhà hay chuyển trường.
Bạn chuyển nhà, chuyển trường.
Mất việc vì tinh giảm biên chế
Mất đi vị thế đặc biệt trong gia đình vì một thành viên mới của gia đình chào đời.
Phá hoại sự thành công của người mà người đó không thích bạn và bạn cố ý chơi xấu họ.
Suy yếu về mặt cơ thể, ốm đau, bệnh tật
Mất đi một con vật cưng
Không còn khả năng để quay lại với trường học, bạn bè, gia đình chồng/vợ vì một số lý do.
Nhận thấy mình không đạt được những ước mơ trong cuộc sống.

Ngoài ra, chúng ta có thể đau buồn vì những gì chúng ta mơ ước nó diễn ra/xuất hiện thì chẳng bao giờ thấy như:

Tuổi thơ hạnh phúc
Một mái ấm gia đình bình thường như bao người khác mà bạn thấy ở người hàng xóm trên tivi hay nhân vật trong một bộ phim.
Là hội viên của một hội nào đó.
Tìm được một người để làm chỗ dựa và chăm sóc cho mình
Muốn có cha mẹ vì bạn phải mồ côi
Bạn mong muốn mình là một người xinh đẹp, mi nhon, một làn da trắng mịn màng trong khi bạn không đẹp và quá mập.
Màu tóc hay màu mắt khác với cái mình đang có (không chấp nhận bản thân)
Ông/bà nội, ngoại

Từ những đau khổ trên, sự xúc phạm của người khác và thất vọng của bản thân trong bạn sẽ hình thành một bức tường phòng vệ và các nhà trị liệu tâm lý gọi đó là PHỦ NHẬN. Sự phủ nhận của bạn thể hiện qua suy nghĩ hoặc ngôn ngữ như: “Tôi không quan tâm”, “Đó không phải là sự thật”, “Ai muốn thế nào cũng được”, “Mọi người đều làm nó”, “Nghiện ma túy không phải là vấn đề cua tôi”…

Khi chúng ta ra khỏi giai đoạn PHỦ NHẬN về sự mất mác, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn kế tiếp, đó là giai đoạn GIẬN DỮ. Những giận dữ của chúng ta có thể có lý hay vô lý và có thể chia thành nhiều mức độ khác nhau như: ghét, phẫn nộ, giận, không hài lòng, đau, khó chịu, cáu gắt. Giai đọan này có sự xuất hiện của sự khiển trách, chỉ trích bản thân nhưng biểu lộ ra bên ngoài theo kiểu “Tất cả là lỗi của người khác”.

Và khi giận dữ đã bắt đầu lắng xuống thì bạn bắt đầu giai đoạn MẶC CẢ. Chúng ta mặc cả với cuộc sống, với người khác, với Chúa và cả bản thân chúng ta theo cấu trúc “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, làm ơn đi”, “Có lẽ nếu như tôi …”. Mặc cả và cố gắng trì hoãn là biểu hiện tâm lý thường thấy của người trải qua những mất mác hay đau buồn.

Một khi, sự MẶC CẢ không còn tác dụng nữa, sự nỗ lực để né tránh sự thật không thể tiếp tục thì cảm giác tràn ngập của giai đoạn TRẦM CẢM bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn này chỉ xảy ra khi các giai đoạn trước bạn đã trải qua bao gồm cả khóc lóc và sự đau đớn mãnh liệt. Những biểu hiện thường thấy trong giai đoạn này là: không có khả năng hoạt động và làm việc nếu không có sự hỗ trợ của người khác, cảm giác bất lực, thương hại bản thân (Tại sao tôi lại như thế này?), buồn chán, mặc cảm tội lỗi, có những hành vi tự hủy bản thân (cắt tay, làm cho chảy máu…) hay nhận lấy thất bại về bản thân mình, có ý nghĩ hoặc đã có kế hoạch tự tử.

CHẤP NHẬN là giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ của nỗi đau buồn. Chấp nhận không có nghĩa là một giai đoạn hạnh phúc, hài lòng với vấn đề hoặc vượt qua được khó khăn hoàn toàn. Nói đúng hơn, đó là cảm xúc trống rỗng. Nỗi đau đã qua, bản thân cũng đã nỗ lực hết sức nhưng không thể thay đổi nên đành chấp nhận. Có thể, đó là trạng thái yên bình nhưng không có nghĩa là vết thương lòng đã lành và cảm giác trống rỗng hoàn toàn mất đi.

Theo Ý TƯỞNG VIỆT

Tại sao Trung Quốc tăng trưởng mạnh dù tham nhũng tràn lan?

Người ta có thể hỏi làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy, mặc dù tham nhũng tràn lan. Câu trả lời có lẽ nằm trong chế độ “cử tuyển” (“selectocracy”) của nó.

Tác giả: Yao Yang (Dương Diêu) là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế và là Hiệu trưởng Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh.

Nguồn: Yao Yang, “Graft or Growth in China?”, Project Syndicate, 04/05/2015.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp.

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ bệ được nhiều “con hổ” cấp cao trong chính phủ và được ca ngợi rộng rãi như là một thành phần chủ đạo trong các cải cách cơ cấu sâu rộng mà Trung Quốc cần thực hiện nếu nó muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên thị trường toàn diện và bền vững hơn. Nhưng lại có rất nhiều lo ngại rằng ở một đất nước nơi mà quan chức chính phủ đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc nhổ bỏ tận gốc rễ nạn tham nhũng có thể làm suy yếu sự phồn vinh.

Một số đã viện dẫn những khó khăn đáng kể gần đây của các khách sạn và nhà hàng sang trọng (mà ở Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều bởi chi tiêu chính phủ) như một bằng chứng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đang làm nản lòng các hoạt động nâng cao tăng trưởng. Nhưng sự sụt giảm này rất có thể là tạm thời, với các khách hàng mới đang nổi lên sau một thời gian điều chỉnh.

Một mối lo ngại đáng tin hơn là liệu những nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng có làm suy yếu động lực để quan chức chính phủ thúc đẩy tăng trưởng hay không. Rốt cuộc, các mức tăng trưởng cao thường chuyển thành các khoản tiền tô (rent) lớn mà có thể, thông qua các hành vi tham nhũng, được phân phối cho chính các quan chức cũng như cho bạn bè và những người họ đỡ đầu. Theo logic thì nếu loại bỏ các hành vi như vậy, các quan chức sẽ không thể thu được những phần thưởng lớn từ tăng trưởng kinh tế, và như vậy sẽ có ít động lực hơn để khuyến khích tăng trưởng.

Nhưng lập luận này không kín kẽ. Một trong các dạng tham nhũng phổ biến nhất là việc “bán” các “ghế” trong chính phủ – một hành vi ít liên quan đến tăng trưởng, nhất là khi nó được tiến hành bởi các sĩ quan cao cấp trong quân đội, chẳng hạn như các vị tướng trong Giải phóng Quân Nhân dân đã bị bắt giữ trong chiến dịch tiêu diệt nạn mua quan bán chức.

Một mối quan ngại lớn nữa là, nếu các doanh nghiệp không còn khả năng “bôi trơn bánh xe” – tức hối lộ quan chức để cho phép họ đi vòng qua các quy định tràn lan – thì thành tích kinh doanh của họ có thể bị ảnh hưởng. Và, thực tế là thậm chí sau 30 năm cải cách, kinh tế Trung Quốc vẫn còn bị trói buộc bởi các thủ tục quan liêu, điều làm hạ thấp năng suất một cách đáng kể.

Nhưng cũng có những lỗ hổng trong lập luận này. Điều quan trọng nhất là nếu sự hối lộ như vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng bất kỳ cách thức bền vững và đáng kể nào, thì nó cần phải được tiến hành bởi hàng loạt doanh nghiệp – không chỉ những doanh nghiệp giàu có nhất và có nhiều mối quan hệ nhất. Nhưng hiện tại thì không phải vậy; hầu hết các quan chức Trung Quốc bị buộc tội cho đến nay đều chỉ nhận hối lộ từ một doanh nhân đơn lẻ, qua đó cho phép doanh nghiệp của họ giành được vị trí độc quyền.

Như vậy, trong khi nạn hối lộ ở Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho tăng trưởng ở một mức độ nào đó thì nó lại không tạo ra được loại môi trường kinh doanh cạnh tranh ủng hộ các lợi ích lâu dài. Thật vậy, thực tế là tham nhũng áp đặt một loại thuế lớn nhưng vô hình lên doanh nghiệp, đặc biệt là bằng cách khiến các quan chức không muốn loại bỏ các thủ tục quan liêu cho mọi doanh nghiệp – một hành động vốn thật sự thúc đẩy tăng trưởng.

Kết luận là rõ ràng: chi phí của tham nhũng lớn hơn nhiều so với lợi ích – và không chỉ ở Trung Quốc. Từ Thế Chiến thứ hai, nhiều nước đã cố gắng chuyển đổi tình trạng từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, nhưng chỉ có 13 nước thành công – và tất cả đều có mức tham nhũng chính thức khá thấp.

Do đó, người ta có thể hỏi làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy trong 20 năm qua, mặc dù tham nhũng tràn lan. Câu trả lời có lẽ nằm trong chế độ “cử tuyển” (“selectocracy”) của nó. Không giống như trong một nền dân chủ, nơi mà công dân bầu ra quan chức chính phủ dựa trên những chuẩn mực mà họ lựa chọn, trong chế độ “cử tuyển” của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn ra các quan chức để đề bạt dựa trên khả năng thúc đẩy các mục tiêu chính của đảng – đặc biệt là tăng trưởng.

Tất nhiên, quan hệ chính trị và lòng trung thành cũng tác động đến các quyết định đề bạt, đặc biệt ở các cấp chính quyền cao hơn. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị ở Mỹ Pierre Landry và các đồng nghiệp của ông nhận thấy, tăng trưởng kinh tế là then chốt, nhất là trong số các quan chức cấp quận và thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việc được đề bạt đem đến cho các quan chức một động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng. Hãy xem xét trường hợp của Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu bộ trưởng đường sắt, người đã thúc đẩy cơn sốt xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Mong ước của ông về thành tích chuyên môn – và nhất là ước vọng được thăng chức của ông – đã thúc đẩy ông đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Nhưng Lưu cũng dính líu vào các vụ lạm dụng quyền lực quy mô lớn– gồm có việc nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ tới lúc ông bị bắt năm 2011 – dẫn đến các tổn thất đáng kể về kinh tế cho nhà nước. Án tử hình (treo) của ông sẽ giúp ngăn chặn các quan chức khác đi theo con đường đó.

Nếu các quan chức tham nhũng có thể có những đóng góp đáng kể như vậy cho tăng trưởng thì hãy tưởng tượng xem các quan chức khác vốn tuân thủ pháp luật có thể làm được gì? Những gì họ cần là những động lực mạnh mẽ để trở nên tích cực (trong công tác). Theo nghĩa đó, chế độ “cử tuyển” của Trung Quốc vốn hứa hẹn thăng chức cho các quan chức chứng minh là mình hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng, có thể là chìa khóa để giải thích cho thành tích kinh tế ấn tượng của nước này.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Con đường 14 năm từ vị giám đốc bệnh viện 34 tuổi đến khi bị bắt tạm giam

Ông Nguyễn Minh Quân vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Khi bị bắt, bác sĩ Quân là Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Con đường 14 năm từ vị giám đốc bệnh viện 34 tuổi đến khi bị bắt tạm giam - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Minh Quân khi còn làm Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức. Ảnh: Phương Vy

Ông Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973) được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP.Thủ Đức) từ năm 2007 khi mới 34 tuổi.

Ông Quân được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc nâng tầm bệnh viện này, đưa Bệnh viện TP.Thủ Đức trở thành một “hiện tượng của ngành y tế”.AD

Nhìn thấy cảnh bệnh nhân phải chờ đợi hàng giờ để khám bệnh, chứng kiến những ca bệnh ra đi ngoài ý muốn, sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên và nhiều trăn trở, bác sĩ Nguyễn Minh Quân (lúc đó 34 tuổi) mới được điều về làm giám đốc, đã quyết định phải thay đổi cho được cách nhìn của người dân về bệnh viện.

Thực hiện phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn – tiện lợi cho người bệnh là trên hết”, bác sĩ Quân chủ động đề nghị UBND quận Thủ Đức giao thêm diện tích đất kế bên để mở rộng bệnh viện. 

Tiếp đó, ông thành lập các khoa phòng, tuyển nhiều bác sĩ về công tác tại bệnh viện với điểm then chốt trong công tác chăm sóc bệnh nhân là cải cách hành chính, dù lúc đó, không có nguồn ngân sách để áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ở tất cả khâu khám, chữa bệnh của bệnh viện đã giảm được khá nhiều thời gian chờ đợi của người bệnh. 

Vào năm 2008, Bệnh viện Quận Thủ Đức là một trong số bệnh viện đầu tiên thí điểm thực hiện “Bệnh án điện tử”, cùng với mở thêm nhiều bàn khám, tăng cường nhân sự cho khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ trả kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng với quy định thời gian trả kết quả rõ ràng, trang bị thêm nhiều máy móc, trang thiết bị có công suất cao…

Năm 2009, Bệnh viện Quận Thủ Đức được nâng cấp thành bệnh viện hạng 2 với 23 chuyên khoa, triển khai hàng loạt kỹ thuật mới. Năm 2015, bệnh viện trở thành bệnh viện tuyến quận huyện duy nhất được xếp loại bệnh viện hạng 1, được Sở Y tế TP.HCM xếp vào nhóm 10 bệnh viện (cả công lẫn tư) dẫn đầu về chất lượng điều trị, là bệnh viện tuyến quận mổ tim hở đầu tiên trong cả nước.

Sau 8 năm chấn chỉnh, từ một bệnh viện cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị y tế lạc hậu, Bệnh viện Quận Thủ Đức đã trở thành bệnh viện tuyến quận huyện thuộc loại tốt nhất nước.

Trong số những kỹ thuật cao mà ông Nguyễn Minh Quân triển khai tại Bệnh viện Quận Thủ Đức là kỹ thuật thông tim và phương pháp nút hóa chất động mạch, trị ung thư gan gây được tiếng vang mạnh mẽ trong giới chuyên môn.

Con đường 14 năm từ vị giám đốc bệnh viện 34 tuổi đến khi bị bắt tạm giam - Ảnh 3.
Bệnh viện Thủ Đức. Ảnh: Phương Vy

Năm 2019, Bệnh viện TP.Thủ Đức TP.HCM tiếp tục trở thành bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến” (hỗ trợ của cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên với cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới).

Ngoài nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến”, Bệnh viện TP.Thủ Đức còn được Bộ Y tế cho phép thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung – Tây Nguyên.

Bệnh viện Quận Thủ Đức cũng tiên phong đưa kỹ thuật cao đến gần người dân bằng sáng kiến đặt phòng khám tại trạm y tế, nơi đông dân cư, trong đó có máy chạy thận nhân tạo. Hàng ngày, bệnh viện cử bác sĩ đến 12 trạm y tế của 12 phường thuộc quận Thủ Đức để khám những bệnh thông thường và phát thuốc. 

 Các mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại các trạm y tế phường đã thu hút lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho Bệnh viện Quận Thủ Đức và hệ thống khám, chữa bệnh nói chung.

Con đường 14 năm từ vị giám đốc bệnh viện 34 tuổi đến khi bị bắt tạm giam - Ảnh 4.
Các bác sĩ giám sát bệnh nhân qua hệ thống camera tại Bệnh viện TP.Thủ Đức trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: BV TP.Thủ Đức

Ngày 7/11, ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, hồi giữa tháng 10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, Công ty Nguyễn Tâm và các đơn vị liên quan.

Kết quả điều tra vụ án xác định, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Theo Dân Việt

Trung Quốc xây đường sắt cao tốc nội địa với tốc độ gây choáng: “Mặt tối” của tham vọng?

Trung Quốc xây đường sắt cao tốc nội địa với tốc độ gây choáng: "Mặt tối" của tham vọng?
Trung Quốc đã xây dựng gần 38.000km đường sắt cao tốc trong vòng 15 năm qua.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã chỉ ra “mặt tối” của hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc, và điều này có liên quan đến sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Sự chênh lệch

Nghiên cứu nói trên được công bố trên tạp chí Geographical Research của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết trung bình mỗi ga đường sắt cao tốc ở miền Tây Trung Quốc tương ứng với mức giảm 1,5% trong cường độ hoạt động của kinh tế địa phương.

“Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên đường sắt cao tốc. Nhiều thành phố hy vọng việc xây dựng đường sắt sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giữa các thành phố có nhiều điểm khác biệt”, Giáo sư Niu Fangqu và các đồng nghiệp từ Viện nghiên cứu Khoa học Địa lý và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.

 Theo đó, việc tìm hiểu sâu về tác động của đường sắt cao tốc được các nhà nghiên cứu đánh giá là rất quan trọng đối với việc điều phối phát triển kinh tế khu vực.

Các nhà nghiên cứu đã dựa trên tính toán về sự thay đổi của ánh sáng vào ban đêm, phân tích dữ liệu vệ tinh của 527 vị trí nhà ga ở 180 thành phố kể từ năm 2004, khi dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc bắt đầu.

Họ phát hiện ra rằng ở khu vực miền Đông Trung Quốc, một ga đường sắt cao tốc đã thúc đẩy nền kinh tế gần 9% trong phạm vi 4 km (2,5 dặm). Ở miền Trung Trung Quốc, mức tăng là 3,6% và ở phía đông bắc là 4,4%.

Ông Niu cho biết việc đánh giá tác động của đường sắt cao tốc không dễ vì còn nhiều yếu tố khác cần xét đến, nhưng ánh sáng vào ban đêm cho phép các nhà nghiên cứu tham khảo để cải thiện độ chính xác của các mô hình kinh tế.

Trung Quốc đã xây dựng gần 38.000km đường sắt cao tốc trong vòng 15 năm qua, với các đoàn tàu cao tốc có thể di chuyển ở tốc độ lên tới 350km/h.

Các giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc bắt đầu từ khu vực phía Đông của Trung Quốc, nơi có nền kinh tế phát triển hơn và mật độ dân số cao.

Các thành phố cũng có sự cạnh tranh gay gắt về vị trí các ga tàu trong mạng lưới với niềm tin rằng điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Trung Quốc xây đường sắt cao tốc nội địa với tốc độ gây choáng: Mặt tối của tham vọng? - Ảnh 1.

Ảnh: Tân Hoa Xã

“Mặt tối”

Trong những năm gần đây, hệ thống đường sắt cao tốc tại Trung Quốc đã mở rộng đến những nơi có mật độ dân số thấp hơn, và theo kế hoạch của chính phủ trung ương, dự kiến đến năm 2035, tổng chiều dài của hệ thống đường sắt cao tốc sẽ tăng gần gấp đôi lên 70.000 km.

Thế nhưng một vấn đề được đưa ra tranh luận sôi nổi trong những năm Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc là liệu các khu vực kém phát triển có cần đến nó hay không, theo SCMP.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kinh tế Công nghiệp Trung Quốc hồi tháng 9 cho thấy việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc đã đẩy nhanh hiện tượng “chảy máu chất xám” từ các khu vực phía Tây sang phía Đông.

Ví dụ, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế ở các thành phố phía Tây có xu hướng giảm đáng kể sau khi một tuyến đường sắt cao tốc được xây dựng trong khu vực.

Trong khi đó, trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, kết luận rằng một tuyến đường sắt cao tốc vừa được khai trương ở thành phố này vào năm ngoái sẽ không có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế địa phương, và lĩnh vực công nghiệp có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do làn sóng di dân lớn hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu khác cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mới có thể kích thích nhu cầu mua bán bất động sản, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào miền Trung và miền Tây Trung Quốc, hoặc giúp chính quyền địa phương thu được nhiều khoản thuế hơn./.

Theo Hồng Anh / Doanh nghiệp & Tiếp thị