Khám phá thế giới bí ẩn của các loài dơi muỗi

Trong họ nhà dơi, họ Dơi muỗi (Vespertilionidae) có số lượng loài lớn nhất, phân bố khắp thế giới trừ các vùng cực. Chúng có mũi phẳng và đôi mắt nhỏ đặc trưng.

Dơi gập cánh dài (Miniopterus schreibersii) dài 5-8 cm, phân bố rải rác ở Tây Nam châu Âu, bắc và Tây Phi, sang tận châu Á, trong đó có Việt Nam. Loài dơi muỗi này có các xương ngón tay dài và cánh rộng hơn các họ hàng của mình.

Dơi tai dài lông xám (Plecotus austriacus) dài 4-6 cm, sống ở Nam, Trung Âu và Bắc Phi. Loài này có đôi tai dài gần bằng cơ thể.

Dơi nâu lớn (Eptesicus fuscus) dài 10-13 cm, là một trong những loài dơi muỗi lớn nhất, phân bố từ Nam Canada đến Bắc Brazil và một số đảo Caribbean. Chúng thường được bắt gặp khi đậu ngủ trong các tòa nhà.

Dơi ngón ngắn (Nyctalus noctula) dài 6-8 cm, phân bố khắp Đông Bắc Âu và một số nơi ở châu Á. Loài dơi này bay khỏe và nhanh nhờ các đôi cánh hẹp của mình.

Dơi muỗi lông chuột (Vespertilio murinus) dài 5-7 cm, xuất hiện ở các sinh cảnh đa dạng như rừng, thảo nguyên, đồi núi và đô thị từ Đông và Trung Âu đến châu Á. Chúng có mặt bụng màu nhạt tương phản với mặt lưng tối màu.

Dơi Natterer (Myotis nattereri) dài 4-5 cm, phân bố từ Tây Bắc Phi qua châu Âu đến Tây Nam Á. Chúng bắt côn trùng bằng màng đuôi có diềm trong khi bay với tốc độ chậm.

Dơi tai lông rìa (Myotis thysanodes) dài 8-10 cm, sống ở miền Tây của Bắc Mỹ. Tên của loài này được đặt theo tua lông dọc mép của màng đuôi.

Chùm ảnh: Khám phá thế giới bí ẩn của các loài dơi muỗi

Dơi ăn thủy sinh (Myotis daubentonii) dài 4-6 cm, phân bố ở lục địa Á – Âu. Chúng dùng bàn chân khá lớn để bắt côn trùng bay lên từ mặt nước.

Dơi muỗi ba màu (Perimyotis subflavus) dài 7-9 cm, phân bố ở phía Đông của Bắc Mỹ, từ Nam Canada đến Bắc Honduras.  Loài dơi có thân nâu vàng, cánh xám, cẳng chi hung đỏ này ngủ dưới mặt đất suốt mùa đông.

Dơi muỗi nhỏ (Pipistrellus pipistrellus) dài 4-5 cm, phân bố rất rộng từ Tây Âu đến Viễn Đông và Bắc Phi. Chúng được chia thành hai phân loài dựa trên sự khác biệt của tần số sóng siêu âm mà chúng phát ra.

Dơi muỗi rừng (Pipistrellus nathusii) dài 4-6 cm, phân bố chủ yếu ở Đông và Trung Âu. Chúng có thể thực hiện các chuyến di cư đường dài với cự ly 2.000 km vào mùa xuân và mùa thu.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Nhất Linh Sống Mãi

Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, cũng là nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam.

Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ: Đó là khát vọng yêu nước, tự nguyện dấn thân làm cách mạng, chống thực dân Pháp, chống độc tài, giải phóng dân tộc, và thêm nữa, đổi mới hoàn toàn nếp sống cũ, nếp sống hủ lậu, nô lệ, của phong kiến, của thực dân.

Chương trình Việt Văn trung học đệ nhất cấp thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 đã có học về Nhất Linh. Tôi nhớ mãi một đoạn văn trong tác phẩm Đoạn Tuyệt, Nhất Linh tả tâm trạng cô Loan, nhân vật nữ chính trong truyện, là một cô gái tân thời, yêu Dũng, một thanh niên đi hoạt động cách mạng. Nhưng hoàn cảnh trớ trêu, Loan bị gia đình ép phải lấy Thân, một người nàng không yêu. Trong tâm trang đó, nửa muốn thoát ly ra khỏi nếp sống gia đình của xã hội cũ, nửa lo sợ không biết khi mình thoát ra khỏi chiếc lồng đó, rồi sẽ ra sao? Nhất Linh tả cảnh đó như sau:

“Loan đi rẽ lên đê Yên Phụ. Gió bãi thổi làm quần áo Loan phất phới. Tay giữ chặt lấy khăn san, nàng đi ngược lên chiều gió, hai con mắt buồn bã nhìn ra phía sông rộng.

Sau mấy rặng xoan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một đám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi mù mù lẫn trong ngàn mây xám.

Loan đưa mắt nhìn một cánh buồm in trên nền núi xanh, nghĩ đến những cuộc phiêu lưu hồ hải ở nơi nước lạ, non xa. Loan ao ước được ở một chiếc thuyền kia tháng ngày lênh đênh trên mặt nước, mặc cho nó đưa đến đâu thì đến, để xa hẳn cái xã hội khắt khe nàng đương sống.

– Trốn!

Nghĩ đến rằng ở trong cái thuyền nhỏ ấy chắc lại thấy đủ các thứ khó chịu của xã hội kia, Loan mỉm cười thất vọng. Cái thuyền ấy biết đâu lại không phải là cái nhà tù trôi nổi…

– Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống.”

Qua đoạn văn được học thuộc lòng từ hồi học trung học đệ nhất cấp, tôi bỗng thích Loan, thích Dũng và yêu mối tình đó. Loan là một cô gái tân thời, đẹp, có học, tâm hồn phóng khoáng, muốn thoát ra khỏi cái xã hội cũ với nhiều nề nếp ràng buộc. Còn Dũng, một thanh niên có tâm hồn tự do, nguyện hiến cuộc đời cho tha nhân. Mối tình ấy và hai con người ấy thật là lý tưởng. Trải qua bao nhiêu hoàn cảnh nghiệt ngã, Loan phải lấy Thân, rồi sống không hạnh phúc, rồi Thân chết, Loan bị tiếng oan là giết chồng…Sau đó Loan ra tòa, được trắng án… Nàng nghĩ ngay đến Dũng …

Tôi thích và say mê Đoạn Tuyệt nên yêu luôn tác giả. Nhất Linh thuở đó – thuở tôi còn học trung học, ông đã sáng ngời trong tâm trí tôi. Dù lúc đó, khoảng năm 1959, ông đã lên Đà Lạt, sống cùng với hoa lan, cùng suối Dame…ông đã quy ẩn, đã rút khỏi những hoạt động chính trị, rút khỏi những sóng gió của chính trường…

Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn

Năm 1933, Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Đạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng Cười”, nhưng thiếu tiền chưa ra được báo thì giấy phép quá hạn, bị rút. Trong hai năm 1930 đến 1932, ông dạy học tại trường Thăng Long, ở đó ông quen biết với Trần Khánh Giư (Khái Hưng).

Năm 1932, cùng một số người khác, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai. Ông chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích lễ giáo phong kiến, hô hào “Âu hóa” và đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhất Linh làm giám đốc kiêm quản lý tờ báo Phong Hóa. Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1932, báo Phong Hóa ra tám trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.

Tự Lực Văn Đoàn gồm có:

Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam)

Khái Hưng (Trần Khánh Giư), còn gọi là Nhị Linh

Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long)

Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân)

Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)

Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ)

Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là báo Phong Hóa.

Năm 1936 tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Đạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu. Tờ Ngày Nay, trước ra kèm với Phong Hóa, tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo. Ngày Nay cũng là tờ báo hậu thuẫn mạnh mẽ cho tân nhạc trong những năm đầu hình thành.

Nhất Linh tự huỷ mình

Thư tuyệt mênh của Nhất Linh

Trong hồi ký “Nhất Linh – cha tôi” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau:

“… Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt.

Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp ronéo để trước mặt ông.

Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ, rồi dặn người con trai Nguyễn Tường Thiết: “Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”.

Con trai nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi như là một dịp đi nghỉ mát”.

Nhất Linh đáp lại: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.

Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục.

Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép… Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc.

Di ngôn đó là:


    Bức thư tuyệt mệnh của Nhất Linh
viết ngày 7-7-1963

“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả.

Sự việc đem các đảng phái quốc gia đối lập ra xét xử là một trọng tội đối với quốc gia, chỉ đưa đất nước rơi vào tay Cộng Sản.

Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do.

Ký tên: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam,

Ngày 7 tháng 7 năm 1963.”

*

Sắp tới ngày 7.7.2021, tính ra nhà văn Nhất Linh mất đã tròn 57 năm (1963-2021).

Trong hai thập niên qua, nhà văn Phạm Phú Minh và nhật báo Người Việt đã tổ chức thành công:

– Năm 2013: Triển lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, tại Little Saigon, Nam California.

Và nhà văn Phạm Phú Minh cùng nhà xuất bản Thế Kỷ đã cho phát hành tập sách:

– Nhất Linh: Người Nghệ Sĩ – Người Chiến Sĩ.

Gồm các cây bút giá trị đóng góp bài vở như: Nguyễn Tường Bách, Võ Phiến, Trương Bảo Sơn, Anh Thơ, Tú Mỡ, Nguyễn Thị Vinh, Thụy Khuê, Đông Hồ, Linh Bảo, Trần Thanh Hiệp, Lê Đình Thông, Khoa Hữu, Bùi Bích Hà, Trần Khánh Triệu, Nguyễn Tường Thiết, Trương Kim Anh, Lưu Văn Vịnh, Phạm Phú Minh…

Như vậy đã nói lên sự trân quý của thế hệ sau với Nhất Linh đến dường nào.

Với tôi, Nhất Linh sống mãi.

Trần Yên Hòa / Học Xá

Đại nghiệp của tỷ phú Jack Ma sẽ bị thủ tiêu trong tương lai?

Jack Ma trong cuộc gặp ông Thủ tướng Phúc vào Tháng Mười Một 2017 (Ảnh: VGP)

Khôn ngoan và tham vọng, Jack Ma (Mã Vân) đã tự dựng nên một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất Trung Quốc từ con số không, tạo ra hàng tỷ Mỹ kim của cải và giới thiệu cuộc sống đổi mới kỹ thuật số cho hàng trăm triệu người Trung Quốc. Dĩ nhiên Jack Ma không phải kiểu người như Jeff Bezos, Elon Musk hay Bill Gates của Trung Quốc. Nhưng sau cú vươn vai và giàu có ấy, Jack Ma trở thành đồng nghiệp, sánh vai cùng những người đó.

Thế nhưng giờ đây, ông ta đã biến mất gần như hoàn toàn khỏi tầm nhìn của công chúng ở Trung Quốc. Thật kỳ lạ. Những gì thuộc về Jack Ma từng được báo chí nhà nước ca ngợi không ngừng, coi là động lực hữu ích để Trung Quốc bắt kịp phương Tây, nay lại được báo chí trở mặt, đúc kết lại như một mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản cầm quyền.

Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, đang viết lại các quy tắc kinh doanh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những người hiểu ông Tập đã nhận định rằng hậu quả hiện thời là do Jack Ma đã không bắt kịp với những quan điểm chính trị đang thay đổi của Bắc Kinh. Có người bình luận rằng trong ảo mộng về một thứ tự do không có thật ở đế quốc cộng sản, Jack Ma đã quên rằng ông sống dưới cái bóng của đảng Cộng sản Trung Quốc và cư xử giống một doanh nhân Mỹ.

Jack Ma đột nhiên mất dần khỏi sân khấu thế giới cũng như tại quê nhà, sau một vài phát biểu thẳng thắn, kể từ Tháng Mười 2020. Ông ta lên tiếng chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc vì đã kìm hãm sự đổi mới tài chính. Có vẻ đó là những nhận định trở thành nguy hiểm, nhất là khi Ma đang trở thành một hình mẫu thần tượng của hàng trăm triệu người ở Trung Quốc. Tập Cận Bình đã đích thân can thiệp vài ngày sau đó để chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá hơn $34 tỷ của Ant Group, công ty công nghệ tài chính đầu não của Jack Ma. Kể từ đó, Ant Group buộc phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, khiến các nhân viên và nhà đầu tư của công ty rơi vào tình trạng lơ lửng, không biết số phận rồi sẽ ra sao.

Từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã ra tay đàn áp khu vực giới tài chính tư nhân của Trung Quốc, trong đó nổi bật là phạt tiền và tiến hành các cuộc điều tra nhằm buộc các công ty của ông Ma, cũng như các công ty cho thuê xe Didi Global Inc. và chủ sở hữu của TikTok là ByteDance Ltd., buộc các nơi này phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định lợi ích chính trị từ nhà nước ban hành. Các công ty ấy, hiện nắm giữ rất nhiều vốn và dữ liệu người dùng, đã phát triển quá mức để kiểm soát, khiến Bắc Kinh lo ngại.

Ông Jack Ma, chỉ mới 56 tuổi, đã thực hiện quá nhiều chuyến đi cá nhân gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, chỉ để chơi golf hay trò chuyện về triết học Trung Hoa. Phong thái của Jack Ma bắt đầu giống như một lãnh tụ ở tầm quốc tế khi thuê họa sĩ riêng để học vẽ sơn dầu, phong cách trừu tượng, rồi cả học hát. Điều đáng nói, trong các công việc của mình, Jack Ma cũng có những chuyến lui tới Bắc Kinh để dàn xếp nhiều thứ cao hơn chuyện kinh doanh bình thường. Các quan chức giấu tên nói cho biết Ma đã đi lạc quá xa khỏi làn đường của mình rồi. Tham vọng và bản tính thoải mái bộc lộ của ông trở thành những đặc điểm thu hút sự theo dõi mạnh mẽ của nhiều người ở Trung Quốc. Nhưng yếu tố đó, nay sẽ không còn được dung thứ trong vòng tay siết chặt của ông Tập và đảng cầm quyền.

Việc Jack Ma bị “trừng phạt” bởi đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ không còn là chuyện hình sự hay sai sót bình thường. Tờ Washington Post từng thử gửi thư đặt câu hỏi với các cơ quan chính phủ Trung Quốc liên quan việc quản lý các công ty của ông Ma, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường… nhưng không nơi nào trả lời. Văn phòng thông tin của Quốc vụ viện cũng không trả lời các câu hỏi bằng văn bản.

Những nhà bình luận thời sự nói lẽ ra, Jack Ma chỉ nên tập trung vào việc “ủng hộ Đảng thay vì chỉ tập trung vào lợi ích của riêng mình”. Một quan chức Bắc Kinh cũng xác nhận điều này. Đây thật sự là một bài học của những người làm giàu trong chế độ cộng sản: Phải luôn biết cách tạo ra một hình ảnh khiêm tốn hơn đảng cầm quyền, và phải luôn giữ một cách sống ít bị chú ý nhất. Thường thì giới tư bản đỏ vẫn hay thể hiện điều đó bằng cách luôn ra mặt hỗ trợ các doanh nghiệp chính phủ, nói như vẹt về chính trị và chia sẻ nhiều lợi nhuận hơn của công ty với các hoạt động xã hội.

Những người bênh vực Jack Ma nói rằng ông ta đang bị trừng phạt cũng vì tìm cách thúc đẩy đổi mới, tìm kiếm sự thống trị thị trường, tạo ra sản phẩm mới, vận động hành lang để nới lỏng quy định. Tuy đây là cách làm hợp lý và sự năng động đã dẫn đến sự thành công của Ant và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd nhưng, như một người quen thuộc với quan điểm của ông Tập nhận xét, cách làm như vậy không làm cho nhà lãnh đạo đầy quyền lực Tập Cận Bình “vui”; đặc biệt khi Jack Ma lại được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mời tới một bữa trưa riêng tại Toà Bạch Ốc; hay trò chuyện riêng về thương mại điện tử với Tổng thống Pháp François Hollande tại Điện Élysée ở Paris.

Đầu năm 2017, ông Ma lại gặp gỡ Tổng thống Donald Trump. Khung hình trực tiếp cho thấy cả hai bước vào sảnh Trump Tower ở Manhattan, và ông Trump ca ngợi vị khách của mình là “một doanh nhân vĩ đại, vĩ đại”.

Vào sinh nhật lần thứ 18 của tập đoàn Alibaba năm đó, Jack Ma đã hóa trang thành Michael Jackson và nhảy theo bài hát “Billie Jean” trước khoảng 40,000 nhân viên, một màn trình diễn được hàng triệu người xem trên YouTube – điều làm cho các quan chức tuyên giáo của Trung Quốc phải cau mày, và có thể tự hỏi vì sao cuộc vui đó không phải là hình ảnh của Tôn Ngộ Không.

Hình ảnh của Jack Ma ở nước ngoài càng khởi sắc bao nhiêu thì cổ phiếu của ông ở quê nhà càng sụt giảm. Những thư từ gợi ý của Ma tới lãnh đạo Trung Quốc thông qua một văn phòng trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản bắt đầu không có hồi âm. Sự lạnh nhạt bắt đầu từ năm ngoái, và Ant Group, công ty công nghệ tài chính của Jack Ma bắt đầu có hồ sơ báo cáo mật trên bàn của nhiều lãnh đạo, bao gồm cả công an.

Các quan chức Trung Quốc đã báo cáo khẩn về sự cần thiết phải quản lý các rủi ro tài chính tiềm ẩn từ các hệ thống tư nhân mà Ant Group là một trong những ví dụ. Chính quyền cũng tìm cách ngăn cản các tỷ phú và những nhân vật quyền lực khác đầu tư vào Ant, thậm chí ngăn cản nguồn tiền lớn tham gia vào nỗ lực quản lý Ant Group.

Ngay cả việc Ant Group tham gia sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải với mã số 688688, một bộ số đặc biệt tốt lành trong văn hóa Trung Quốc, cũng khiến không ít người quyền lực khó chịu, bởi đó được coi là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh bao trùm của Ma.

Trước những bài phát biểu hồi Tháng Mười, nhằm vào việc chỉ trích các cơ quan quản lý, Jack Ma đã tuyên bố riêng với các nhân viên rằng ông có kế hoạch phát triển mà chẳng cần phải dựa dẫm gì vào chính quyền. Lập tức báo cáo về chuyện này đã được gửi đi nhiều nơi. Với công an và đảng Cộng sản Trung Quốc, đó chính là biểu hiện đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập đã lạnh lùng tự tay cắt bỏ các hồ sơ xin phát triển của Ant Group mà không buồn nói dông dài lý do. Chuyến đi lên đỉnh của ông Ma đã bắt đầu kết thúc.

Câu chuyện của Jack Ma rõ là một bài học – nhưng cũng là lời cảnh báo với tất cả những tay tư bản đỏ trong chế độ cộng sản: Nhà nước độc tài chỉ muốn có các nhà lãnh đạo doanh nhân tỷ phú sánh ngang với đỉnh cao của các huyền thoại công nghệ của Mỹ hay thế giới để nở mày nở mặt cho chính quyền. Nhưng cứ vươn cao quá trong đất nước, sớm muộn gì họ cũng sẽ trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo tối cao.

(Tổng hợp từ Washington Post, The Guardian)

Tuấn Khanh / Saigon nhỏ

Con đường quan lộ của một trí thức Cộng sản

Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Bí thư và Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố vì tội tham nhũng – Ảnh: VT

Đó là sự kết thúc mặc định của người trí thức dưới chế độ Cộng sản, khi chọn con đường tiến thân không phải bằng học thức, khả năng chuyên môn, mà lại muốn dấn thân trong chốn “quan trường” – nơi “gió tanh mưa máu” không ngừng.

Cuộc đời bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ y khoa Nguyễn Quang Tuấn là một chứng minh.

Đọc qua tiểu sử ông Tuấn, ai cũng phải ông nhận ông là người có tài, giỏi chuyên môn. Ông sinh năm 1967, ở Thanh Oai (Hà Nội), hiện cư trú tại Khu đô thị Mandarin Garden, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 1994, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch. Năm 1996, ông Tuấn đi tu nghiệp chương trình hai năm tại Đại học Toulouse, Pháp về ngành Tim mạch can thiệp. Năm 1997, ông tốt nghiệp Trường Đại học Toulouse loại xuất sắc và nhận được lời mời ở lại làm việc nhưng ông đã quyết định quay về Việt Nam.

Năm 2005, ông Nguyễn Quang Tuấn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2009, ông được phong hàm Phó giáo sư. Năm 2010, nhóm của Nguyễn Quang Tuấn và tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng được trao giải nhất Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực y tế cho đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”.

Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Năm 2018, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận đạt chuẩn Chức danh Giáo sư ngành Y năm 2017. Sau đó hai năm, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Ông từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng; Nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016; Thầy thuốc ưu tú năm 2017; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019.

Sự nghiệp của ông Tuấn lên “như diều gặp gió,” và nhiều người cho rằng không phải ai giỏi về chuyên môn cũng thành công như ông. Lý do rất đơn giản, vì ông Tuấn biết… “chải chuốt bộ lông” của mình.

Có người nói sở dĩ ông Tuấn không ở lại Pháp và chấp nhận quay về Việt Nam vì “gốc” của ông là bộ đội, ông đã là đảng viên đảng Cộng sản, nên muốn về để “cống hiến cho đảng”.

Chẳng biết lý tưởng của ông Tuấn thế nào, nhưng quả thật, ông đã dùng thẻ đảng viên đảng Cộng sản làm “bàn đạp” đi lên.

Không chỉ ông Tuấn bị bắt, nguyên Phó giám đốc và nhiều cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội cũng bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến đấu thầu mua sắm vật tư y tế – Ảnh: suckhoe24h

Năm 2013, ông Tuấn là Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Tim Hà Nội kiêm luôn chức giám đốc bệnh viện. Từ 2015 đến 2016, ông Tuấn tiếp tục giữ chức bí thư Bệnh viện Tim, đồng thời thêm chức Quận ủy viên quận Hoàn Kiếm, để mở rộng đường vào Quốc Hội sau này. Quả thật, năm 2016 đến 2020, ông Tuấn đường đường là đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Năm 2020, ông Tuấn được thuyên chuyển về Bệnh viện Bạch Mai làm giám đốc, đương nhiên chức Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Bạch Mai phải để cho ông nắm giữ luôn. Sức mạnh của tấm thẻ đảng nằm ở chỗ đó.

Nhưng rất tiếc cho ông Tuấn là sức mạnh đó đến đấy thì hết hiệu nghiệm. Ông Tuấn cùng nhiều cán bộ ở Bệnh viên Tim Hà Nội, và một số đơn vị khác vừa bị khởi tố để điều tra vụ “thổi giá” thiết bị y tế giá trị lên đến hơn 40 tỷ đồng (hơn $1,758,000) trong thời gian ông là “trùm” ở bệnh viện Tim Hà Nội.

Có người thắc mắc, ông Tuấn giữ nhiều chức vụ to, bổng lộc không ít, sao lại tham nhũng như thế để phải vào tù mất hết tương lai? Sao lại tham tiền như thế, mà không nghĩ đến hậu quả?

Xin thưa ngay rằng ông Tuấn “leo” được lên đó chắc cũng phải tốn kém không ít. Vì cho dù ông ấy có giỏi đến đâu chăng nữa, có là đảng viên gương mẫu đến cỡ nào, thì vẫn phải “chung chi” cho Bộ, cho ban ngành dọc ngang, mới được ngồi vào chiếc ghế đó.

Trước khi rời vị trí Giám đốc Bệnh viện Tim, ông Nguyễn Quang Tuấn từng ký phê duyệt nhiều gói thầu mua sắm vật tư y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng – Ảnh: suckhoe24h

Đã chi bộn tiền, thì phải tìm cách thu vào gỡ vốn, rồi kiếm thêm tiền lời, chứ ngồi đó làm “quan thanh liêm” sao được?

Mà ở vị trí như ông Tuấn, làm sao thành “quan thanh liêm” khi mà cả hệ thống tham nhũng, ông Tuấn muốn đứng ngoài cũng không được. Thế thì tay ông Tuấn “nhúng chàm” là điều đương nhiên.

Từ trước tới nay, chưa có một người trí thức nào không phải đảng viên cao cấp, mà lại được giao trọng trách lớn nhờ khả năng và trí tuệ cả. Tất cả vị trí đó đều phải mua bằng tiền, nhưng nếu không phải là đảng viên, thậm chí còn không mua được, dù có tiền.

Điều đó lý giải những tay tham nhũng đều là đảng viên đảng Cộng sản, vì đó là “đặc quyền” của họ.

Tại sao ông Tuấn lại bị “đồng chí” của ông “đánh tơi tả”? Câu trả lời cũng đơn giản, khi nhìn lại những cái chết bí ẩn của các cán bộ lãnh đạo đảng cao cấp mới đây như Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hay cái chết của cựu Bí thư thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Đảng viên cấp bậc cỡ ông Tuấn thì không cần phải chết khi đứng sai phe. Vào tù và im miệng thì sẽ sống sót.

Có lẽ khi ngồi sau những song sắt nhà tù, ông Tuấn sẽ có dịp chiêm nghiệm con đường mình đã chọn. Tôi nghĩ, điều đáng tiếc cho ông Tuấn không phải là lúc ông từ chối lời mời ở lại Pháp làm việc, mà là sự chọn con đường trở về dấn thân bằng tấm thẻ đảng ma quái

Đinh Ngọc / Saigon nhỏ

Nóng: Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty Facebook thành Meta

Nóng: Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty Facebook thành Meta
Công ty của Mark Zuckerberg sẽ không đổi tên thành Horizon như tin đồn, mà là một cái tên hoàn toàn mới.

Mới đây, CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã thông báo tại sự kiện Connect của công ty về cái tên mới của nền tảng truyền thông xã hội đình đám. Theo đó, tên mới của công ty Facebook sẽ là Meta, Zuckerberg nói: “Chúng tôi xây dựng một công ty công nghệ với mục đích kết nối lẫn nhau. Cùng nhau, cuối cùng chúng ta có thể đặt mọi người vào trung tâm của công nghệ. Và cùng nhau, chúng ta có thể mở ra một nền kinh tế sáng tạo lớn hơn rất nhiều.”

 Nóng: Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty Facebook thành Meta  - Ảnh 1.

“Để phản ánh phản ánh đúng giá trị và những gì chúng tôi mong muốn xây dựng” Mark nói thêm.

 Nóng: Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty Facebook thành Meta  - Ảnh 2.

Tên công ty Facebook đã được đổi thành Meta

Ngoài ra, Mark Zuckerberg cũng cho biết cái tên Facebook không bao hàm đầy đủ những thứ mà công ty đang làm. Anh đã tuyên bố rằng: “Lúc này, thương hiệu của chúng tôi vốn chỉ gắn với 1 sản phẩm. Nhưng qua thời gian, chúng tôi muốn được xem là một công ty metaverse.

 Nóng: Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty Facebook thành Meta  - Ảnh 3.

Tài khoản Twitter của Facebook hiện đã được đổi sang Logo cùng lời giới thiệu mới

Việc đổi thương hiệu lần này là một phần trong nỗ lực của công ty nhằm chuyển hướng khỏi việc được biết đến như một công ty truyền thông xã hội, và tập trung vào kế hoạch xây dựng “metaverse”.

Như vậy, công ty Facebook sẽ có tên mới là Meta, hiện chưa rõ ứng dụng Facebook có bị đổi tên hay không. Tuy nhiên, nhiều khả năng là các nền tảng con sẽ không bị thay đổi.

THeo Hanhj Koy / Trithuctre