Thiên nhiên vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà

LÂM ĐỒNG – Du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, du khách được tìm hiểu các loài thằn lằn bay, rắn hổ ngựa, sẻ thông họng vàng…

Cao nguyên Langbiang (hay cao nguyên Lâm Viên), nơi có hai đỉnh cao nhất là Núi Bà 2.167 m và Bidoup 2.287 m, kết hợp thành tên của vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Vườn được thành lập năm 2004, tọa lạc tại huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, trụ sở đặt tại xã Đa Nhim, cách TP Đà Lạt khoảng 50 km theo QL 27C.

Với hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật, đây là nơi lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên hoang dã. Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, được ngắm sương sớm bao phủ hồ và rừng thông ở trung tâm Bidoup.

Khu nhà nghỉ ở trung tâm điều hành VQG Bidoup – Núi Bà nằm trong những khu rừng thông xa khu dân cư, bao gồm 60 phòng tiện nghi và thoáng mát. Với sức chứa hơn 100 người, nơi này thích hợp cho hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học và các đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhà nghỉ có kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, có các dịch vụ ăn uống, một bảo tàng thiên nhiên với hàng lưu niệm, vườn hoa. Hiện nay do Covid-19 diễn biến phức tạp nên VQG và khu nhà nghỉ tạm dừng đón khách.

Bidoup – Núi Bà nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Langbiang, với 301 loài đã được ghi nhận. Sáng sớm du khách có thể đi dạo quanh các đồi thông và ngắm nhìn các loài chim dễ gặp như bạc má bụng vàng. Chim có màu sắc đẹp, kích thước nhỏ, đầu đen, thân dưới màu vàng nhạt, lưng màu xanh rêu và xám từ cổ đến đuôi.

Trên tuyến đường QL 27C xuyên qua VQG, du khách có thể bắt gặp nhiều dòng suối chảy uốn lượn dưới rừng già bạt ngàn mây phủ. Nơi đây có các loài chim đẹp sống ở ven suối, dễ bắt gặp là đuôi đỏ đầu xám.

Chim đuôi đỏ đầu xám trống (ảnh) có bộ lông màu xanh da trời nhạt với đuôi màu hạt dẻ nổi bật, chim mái màu xanh xám nhạt với những đốm trắng, chim mái có điệu múa quạt xòe đuôi trông rất ngộ nghĩnh.

Du khách men những dòng suối trong vắt còn có thể quan sát được loài chích chòe nước trán trắng, có phần lông nổi bật với lưng đen, sọc trắng ngang cánh. Loài chim này có dáng vẻ thanh tao, khi đậu thường có động tác lắc đuôi như đang múa.

VGQ Bidoup – Núi Bà gồm nhiều kiểu rừng. Trên những vùng đồng cỏ tranh và rừng thấp, khách khám phá thiên nhiên có thể gặp nhiều loài rắn, như rắn hổ ngựa (ảnh). Đây là loài rắn không độc, nhưng tập tính hung dữ, chúng thường lồng thân lên, bành rộng cổ, há miệng và mổ cắn để đe dọa. Nếu đối thủ chùn bước, đôi khi loài rắn này còn đuổi theo cho đến khi đối thủ ra khỏi phạm vi lãnh thổ.

Anh Nguyễn Anh Thế (1984), thường gọi Andy Nguyễn, một hướng dẫn viên, đồng thời là chủ website Vietnambirds, giới thiệu tour quan sát chim và động vật hoang dã. Theo anh, du khách đi rừng Bidoup không nên cầm rắn trên tay khi chưa có kinh nghiệm.

Một trong những loài chim đặc hữu của Đà Lạt là sẻ thông họng vàng, kích thước bé xíu, lông màu vàng đen, quyến rũ, thường gặp ở khu rừng thông và trảng cỏ gần bìa rừng, phân bố ở độ cao 1.000 – 1.900 m. Anh Andy Nguyễn cho biết chúng có cái tên đặc biệt “Vietnamese Greenfinch” để miêu tả cho tính đặc trưng là loài này chỉ có thể gặp ở nước ta.

Có nhiều tuyến du lịch đi bộ ngắn qua những khu vực rừng cho khách trải nghiệm quan sát các loài bò sát, lưỡng cư, thú nhỏ, trong đó có loài thằn lằn bay Đông Dương (ảnh). Loài này có khả năng lượn trên không khí, từ cây này sang cây kia, rất chính xác và điêu luyện như bay dù lượn.

“Chúng có thể làm như vậy được là nhờ “cánh” phát triển đặc biệt từ lớp màng da gắn liền giữa hai chi trước với cơ thể. Khi các con đực tranh giành lãnh thổ, chúng có điệu múa riêng để khẳng định sức mạnh đó là làm phồng một túi da dưới cổ, túi da màu sặc sỡ này thò ra thụt vào cùng với động tác gật đầu của con thằn lằn như một tín hiệu khẳng định sức mạnh”, anh Andy Nguyễn chia sẻ.

Khách du lich quốc tế khi đến với Bidoup – Núi Bà thường thích chụp ảnh loài gà so họng hung (ảnh) và đuôi cụt đầu đỏ. Gà so họng hung sống phổ biến ở đây, thường sinh sản vào tháng 3-5 hằng năm. Chúng là loài gà so đẹp và nếu may mắn, du khách sẽ gặp một gia đình gà so kiếm ăn vào lúc sáng sớm.

Trong khi đó, loài chim đuôi cụt đầu đỏ được những người mê chụp chim gọi là “hoàng tử bóng đêm”, với một bộ cánh sặc sỡ nhưng lại sống và kiếm ăn dưới đất trong những tán rừng già dày đặc thiếu ánh sáng. Điều này khiến cho việc quan sát chim trở nên khó khăn, nhưng khi bắt gặp và chụp được ảnh chúng, bất kỳ ai cũng thấy thích thú.

Nếu du khách chọn tuyến đi bộ Giang Ly, sẽ quan sát được các loài chim quý hiếm và đặc hữu chỉ có thể gặp ở cao nguyên Langbiang như loài lách tách gáy đen. Loài này có kích thước nhỏ bé, thích líu ríu trong các bụi rậm gần mặt đất với màu sắc đặc trưng thân trên màu nâu ôliu và thân dưới màu nâu nhạt.

Khướu đầu đen má xám mang tên nhà khoa học, bác sĩ Yerin (Alexandre E.J. Yersin), người đã có công khám phá ra cao nguyên Langbiang và thành lập viện Pasteur ở Việt Nam. Loài này có sắc màu sặc sỡ, đầu và cổ họng đen, cánh và lông đuôi bên ngoài màu vàng nhưng khó quan sát do chúng hay ẩn nấp trong các tán lá và bụi rậm dày ở độ cao trên 1.400 m.

Theo Andy Nguyễn, các bạn trẻ đến VQG Bidoup – Núi Bà thích trekking đường dài và cắm trại lại trong rừng để tận hưởng không khí trong lành và thử thách giới hạn cơ thể. Còn các tour sinh thái do Vietnambirds tổ chức thường dành cho khách đam mê khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Một tour ngày (không cắm trại đêm) đã gồm vé vào VQG có giá 1,2 – 2,5 triệu đồng. Tour đi bộ 2-3 km trong các tuyến đa dạng sinh học của Bidoup – Núi Bà, vừa đi vừa xem chim, tìm những chú ếch nhiều màu sắc và chụp ảnh chúng. Giá tour với hách nước ngoài lại có đặc thù riêng vì bao gồm cả dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Anh Andy Nguyễn chia sẻ do không tổ chức tour nhiều như trước, anh tìm hiểu khoa học, tham gia điều tra đa dạng sinh học cho các dự án đánh giá tác động môi trường trong nước. Anh hy vọng các bài báo du lịch sinh thái sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ thiên nhiên, không săn bắn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Huỳnh Phương /Ảnh: Andy Nguyễn / VN Express

VŨ TRỌNG PHỤNG đã từng phải ra hầu tòa như thế nào?

Ẩn sau cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng có những góc khuất bị thời gian phủ mờ. Một trong những chuyện mà hậu thế ít được biết đến là việc Vũ Trọng Phụng đã từng phải ra hầu tòa.

Vũ Trọng Phụng đã từng phải ra hầu tòa thế nào?

TẠ THU PHONG

Vũ Trọng Phụng là một cái tên đình đám trên bầu trời văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Dù chỉ “rong chơi” trên trần gian chưa đầy 30 năm, nhưng ông đã kịp để lại gia tài đồ sộ với nhưng tác phẩm kiệt xuất trên văn đàn. Tuy nhiên, ẩn sau cuộc đời ngắn ngủi của ông có những góc khuất bị thời gian phủ mờ. Một trong những chuyện mà hậu thế ít được biết đến là việc Vũ Trọng Phụng đã từng phải ra hầu tòa.

Qua những trang tư liệu xưa cũ, chúng ta cùng lật lại những lần rắc rối với pháp luật của văn sĩ được mệnh danh là “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ” này.

Ra tòa lần thứ nhất:

Vụ án văn chương “bại hoại phong hóa”

 Tờ Trung Hòa Nhật Báo số 1147 ra ngày 16-1-1932 đưa tin: sáng thứ tư ngày 13-1-1932, nhà văn Vũ Trọng Phụng và ông Nguyễn Văn Thìn – chủ tờ báo Tiếng Chuông – bị ra tòa Trừng trị với tội danh “Bại hoại phong hóa”. Theo cáo trạng của nhà cầm quyền, Vũ Trọng Phụng, kế toán của nhà in Viễn Đông (IDEO -Viễn Đông ấn quán) đã viết đoản thiên tiểu thuyết (truyện ngắn) có tên “Con hay bố” đăng từ số 1 trên tập văn Tiếng Chuông. Theo quan tòa, Vũ Trọng Phụng bị kết tội viết câu chuyện loạn luân mang tính “chửi phong hóa” (phong tục và giáo hóa – outrage aux bonnes moeurs). Còn Nguyễn Văn Thìn, quản lý tờ Tiếng Chuông thì bị kết đồng tội với văn sĩ họ Vũ. Ngoài ra ông Thìn thêm tội nữa là xuất bản báo mà không xin phép.

Khi đăng truyện ngắn “Con hay bố”, Vũ Trọng Phụng không lấy tên thật. Ông dùng bút danh Ống Ảnh như một dự cảm bất trắc có thể xảy ra. Đúng như vậy, “Con hay bố” đã kích nổ làm tung tóe quả bom dư luận thời đó. Truyện ngắn này có nội dung thế nào khiến Vũ Trọng Phụng phải ra tòa với tội danh “chửi phong hóa” ?

“Con hay bố” kể về gia đình “cụ” Toàn, biệt danh “Đèn Giời”, thủ chỉ làng Tri Xá, có ba con trai là ông Phán, ông Nghị, ông Hàn.

“Cụ” hồi hưu, vợ đã chết, không có người đấm bóp nên ba ông con bàn nhau cưới nàng hầu cho bố, nhưng toan tính sao đó nên cuối cùng theo kế ông Nghị, bề ngoài là thuê người ở mà bề trong bố vẫn có người đấm bóp. Thế là trong nhà có một cô người ở xinh xắn.

“Cụ” bắt cô này làm nàng hầu thật sự, nhưng rồi có khi nửa đêm chợt thức giấc, “cụ” lại thấy cô này đang ngủ với ai đó ở giường bên, nhìn kỹ thì ra ông Nghị. “Cụ” bỗng hiểu tại sao thằng con không cưới nàng hầu cho bố: nó thuê cô này làm con ở “để nó giở thủ đoạn… công ty với bố”!

Ba tháng sau cô này có chửa; bố con cật vấn “mày chửa với ai?”, nhưng cả “cụ”, cả ông Nghị, cả cô ta không ai có thể trả lời rõ ra được. Mấy bà con dâu can hai bố con: “Dù nó chửa với thầy hay với con thầy thì cũng là máu mủ họ Lê nhà ta…” và đưa ra giải pháp: bảo cô ta nếu bị giới chức làng xã cật vấn thì cứ khai trót ngủ với một người trên tỉnh, rồi vì chuyện đó mà cô làm xấu mặt nhà này nên bị đuổi đi, nhưng nhà này sẽ ngầm giúp cho mẹ con cô một cái vốn để được mẹ tròn con vuông. (1)

Tại phiên tòa Trừng trị, Vũ Trọng Phụng bào chữa hết sức kịch liệt. Ông cho rằng mình bị oan vì chỉ viết loại văn tả chân (một phong cách viết văn rất thịnh hành ở Pháp thời bấy giờ với các nhà văn nổi tiếng như Flaubert, Maupassant hoặc Zola). Vũ Trọng Phụng cũng cho rằng cả người viết (Vũ Trọng Phụng) và người in (Nguyễn Văn Thìn) đều đang hết sức “bênh vực cho phong hóa cả”. 

Bác bỏ những lời bào chữa trên, Tòa xử phạt Vũ Trọng Phụng 50 quan tiền (tương đương 10 đồng bạc Đông Dương). Còn ông Nguyễn Văn Thìn bị phạt 50 quan tiền và 6 ngày ngồi tù. Tuy nhiên, ông Thìn đúng là gặp “họa vô đơn chí”. Khi điều tra vụ án này, Mật thám Pháp còn phát hiện ông này cũng xuất bản chui một tờ báo nữa không xin phép, tên là Tụi hề. Căn cứ Điều 2, chỉ dụ ngày 4-10-1927, ông Nguyễn Văn Thìn thêm một lần phạt nữa.

Sau khi bị kết án, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Văn Thìn đều chống án. Mấy tháng sau, ngày 23-3-1932, tòa Thượng thẩm họp do quan Morché làm Chánh án, các ông Verron, Rozé làm Tham thẩm, ông Joyeux ngồi ghế biện lý để xét lại bản án mà tòa Trừng trị đã xử trước đó. Sau khi hỏi các bị cáo, Tòa Thượng Thẩm tuyên giữ nguyên án phạt với Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Văn Thìn.

Đây chính là vụ án văn chương xôn xao một thời được dư luận rất quan tâm. Thậm chí ông G.Lebourdais – Chủ nhiệm tờ Trung Hòa Nhật Báo – với bút danh Đông Bích, đã viết bài xã luận rất dài có tựa đề “Cảm tưởng về một vụ án văn chương” đăng trên 5 số báo liên tiếp (từ số 1150 đến 1154). Dĩ nhiên là bài xã luận này phê phán kịch liệt “văn chương tả chân” của Vũ Trọng Phụng.

Mẩu tin trên Trung Hòa Nhật Báo về chuyện Vũ Trọng Phụng phải ra hầu tòa vì tác phẩm của mình cũng đưa đến khẳng định chắc chắn rằng tác phẩm đó là truyện ngắn “Con hay bố” đăng trên Tiếng Chuông chứ không phải truyện “Thủ đoạn” đăng 3 kỳ trên tờ Hà Thành Ngọ Báo như một số tư liệu lâu nay vẫn dẫn.

Cũng sau vụ án văn chương này, Vũ Trọng Phụng bị chủ Tây đuổi việc ở nhà in Viễn Đông. Trong cái rủi, có cái may. Để kiếm sống Vũ Trọng Phụng đã viết rất nhiều, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông đặc biệt nổi tiếng ở mảng phóng sự và tên tuổi ông trở nên lừng lẫy, được coi là “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ”.

Ra tòa lần thứ hai:

Cáo buộc xung quanh việc giả mạo giấy tờ để biển thủ tiền

Ở lần hầu tòa thứ hai, Vũ Trọng Phụng đối diện với cáo buộc khiến những người yêu mến ông phải sửng sốt: giả mạo giấy tờ và chiếm đoạt tiền của ông chủ.

Thông tin từ Hà Thành Ngọ Báo ngày 26-2-1933 cho hay, chủ hiệu kim hoàn Chấn Hưng ở số 86 Hàng Bạc – một hiệu kim hoàn lớn nhất Hà Thành thời bây giờ – đã ra Sở Mật Thám tố cáo Vũ Trọng Phụng biển thủ số tiền gần 600p, chính xác là 543p62 (p là ký hiệu của piaster- đơn vị tiền tệ thời bấy giờ, có thể dịch là đồng).

Nhân đây cũng nói thêm về lai lịch của chủ hiệu kim hoàn nổi tiếng này.

Chủ hiệu kim hoàn Chấn Hưng là nhà tư sản Phạm Chấn Hưng, người gốc Hưng Yên, rất thành đạt ở lĩnh vực kinh doanh vàng bạc. Hiệu kim hoàn Chấn Hưng là hiệu vàng bạc lớn nhất Hà Thành lúc đó, thậm chí nổi tiếng cả Đông Dương. Năm 1930, ông Chấn Hưng cho xuất bản tờ Nông Công Thương, lấy hiệu kim hoàn ở số 86 Hàng Bạc làm trụ sở tòa báo. Thời gian này, nhà văn Vũ Trọng Phụng về làm việc và được giao phụ trách bài vở cho tờ Nông Công Thương.

Theo ông Chấn Hưng, Vũ Trọng Phụng đã làm giả fature (biên lai) đi thu tiền rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó. Cũng theo trình báo của nhà tư sản Chấn Hưng, sau khi làm giả biên lai và thu được số tiền trên, Vũ Trọng Phụng trốn biệt không đến tòa báo làm việc nữa.

Theo điều tra của Mật thám, một số người tại hiệu kim hoàn kể rằng Vũ Trọng Phụng vào làm cho ông chủ Chấn Hưng, được ông này giao nhiệm vụ trông coi tờ Nông Công Thương kiêm luôn một số việc của hiệu kim hoàn. Dù ông Chấn Hưng không làm giấy ủy quyền cho Vũ Trọng Phụng trong việc đi thu tiền hay trả tiền công nhưng bút tích để lại cho thấy ông Chấn Hưng giao Vũ Trọng Phụng trả tiền lương cho người làm. Tuy nhiên ông Chấn Hưng phủ nhận thông tin này, khẳng định Vũ Trọng Phụng lợi dụng lòng tin của ông để chiếm đoạt tiền. Bởi vậy ông Chấn Hưng phát đơn kiện Vũ Trọng Phụng tội giả mạo và bội tín. Ngoài ra, ông Chấn Hưng còn cáo buộc Vũ Trọng Phụng chiếm đoạt cả tiền lương của hai người làm công trong tiệm kim hoàn.

Mấy ngày sau tường trình của ông Chấn Hưng, Sở Mật thám đã bắt được Vũ Trọng Phụng. Tại Sở Mật Thám, nhà văn họ Vũ đã thừa nhận cáo buộc và khai rằng sử dụng số tiền ấy chi tiêu vào việc của tờ Nông Công Thương, ngoài ra còn cho hai người bạn khác vay. Ngày hôm sau, Vũ Trọng Phụng bị xét hỏi trên tòa Dự thẩm, sau đó được tạm tha chờ Sở Mật thám điều tra tiếp những gì mà ông Phụng đã khai tại tòa.

Đối với vụ án này còn rất nhiều câu hỏi đến nay chưa tìm được lời giải đáp. Chẳng hạn tòa xử vụ này thế nào? Số phận pháp lý của Vũ Trọng Phụng ra sao? Ngoài ra, có thông tin cũng khiến bạn đọc tò mò là danh tính của hai người bạn Vũ Trọng Phụng cho vay tiền là ai cũng chưa được rõ. Những câu hỏi bỏ ngỏ này dành cho những ai tiếp tục muốn tìm hiểu về góc khuất trong cuộc đời của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng.

Thế mới biết, đằng sau ánh hào quang của một văn sĩ nổi tiếng thì ở Vũ Trọng Phụng cũng tồn tại những tính cách rất đời thường như bao người khác.

Phần nội dung truyện tham khảo từ Báo Tiền Phong (phiên bản điện tử) ngày 5-11-2005

Theo báo Văn Nghệ

Các chuyên gia dinh dưỡng Harvard bảo vệ sức khỏe não bộ và tránh các bệnh liên quan đến trí nhớ: Tưởng ở đâu xa không ngờ “tiên dược” ở ngay trước mắt

“Học lỏm” các chuyên gia dinh dưỡng Harvard bảo vệ sức khỏe não bộ và tránh các bệnh liên quan đến trí nhớ: Tưởng ở đâu xa không ngờ “tiên dược” ở ngay trước mắt
SỨC KHỎE ĐẾN TỪ BÀN ĂN VÀ LỐI SỐNG. MUỐN KHỎE MẠNH, ĐIỀU ĐẦU TIÊN, BẠN CẦN CHÚ Ý TỚI THỰC ĐƠN CỦA CHÍNH MÌNH.

Lauren Armstrong là một chuyên gia và huấn luyện viên dinh dưỡng. Cô có kinh nghiệm làm việc tại chương trình Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC). Lauren nhận bằng cử nhân về dinh dưỡng tại Đại học Western Michigan và đã viết bài cho một số chuyên mục, bao gồm Livestrong và HealthDay.

Với tư cách là một chuyên gia dinh dưỡng, Lauren Armstrong khẳng định bộ não là chủ thể điều khiển mọi hoạt động của con người từ suy nghĩ, trí nhớ, sự tập trung… đến hơi thở và cả nhịp tim. 

Bộ não và chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng quyết định tuổi thọ của con người. Theo Viện Quốc gia về Lão hóa, đồ ăn tác động trực tiếp đến các bệnh viêm nhiễm, tình trạng stress hay oxy hóa trong cơ thể. Thậm chí, chúng có thể dẫn tớ các bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm Alzheimer và Parkinson.

Lauren đã có gặp gỡ và trao đổi với Uma Naidoo – một Tiến sĩ về dinh dưỡng và thần kinh, giảng viên tại Trường Y Harvard và là tác giả của cuốn sách “This Is Your Brain on Food”. Trong cuộc trò truyện, Tiến sĩ Naidoo đã chỉ ra 5 loại thực phẩm mà bã vẫn luôn sử dụng để bảo vệ não bộ hàng ngày:

1. SOCOLA ĐEN

Bà Naidoo cho biết: “Socola đen bổ sung nhiều chất chống oxy hóa và nuôi dưỡng các tế bào não. Đồng thời chúng chứa cả chất xơ giúp giảm tình trạng viêm nhiễm và ngăn ngừa suy giảm nhận thức”.

“Học lỏm” các chuyên gia dinh dưỡng Harvard bảo vệ sức khỏe não bộ và tránh các bệnh liên quan đến trí nhớ: Tưởng ở đâu xa không ngờ “tiên dược” ở ngay trước mắt - Ảnh 1.

Hình minh họa (Ảnh: BrainMD)

Một nghiên cứu năm 2020 đã đánh giá tầm ảnh hưởng của socola đen và socola trắng đối với trí nhớ của những người trẻ khỏe mạnh. Kết quả cho thấy những người ăn socola đen có khả năng ghi nhớ lời nói trong vòng 2 giờ tốt hơn so với nhóm ăn socola trắng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là do hàm lượng flavonoid trong socola đen cao hơn. Đây thành phần giúp “cải thiện chức năng nhận thức ở người.” Theo Tiến sĩ Naidoo, socola đen tốt phải có ít nhất từ 70% cacao.

Bà cho biết thêm hàm lượng thích hợp là khoảng 45 gram mỗi tuần.

2. QUẢ MỌNG

Tiến sĩ Naidoo cho hay: “Quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa, dinh dưỡng thực vật, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những chất dinh dưỡng này giúp duy trì trí nhớ và nuôi dưỡng các vi sinh tốt, từ đó giảm thiểu nguy cơ viêm não”.

Bà gợi ý nên chọn các loại quả mọng màu đỏ, xanh và đen. Thực phẩm giàu flavonoid có tác dụng làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Quả việt quất cũng chứa các loại flavonoid khác nhau góp phần ngăn ngừa tình trạng oxy hóa. Trái mâm xôi cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp các tế bào não trở nên khỏe mạnh hơn. 

Tiến sĩ Harvard cho biết: “Ăn các loại quả mọng có thể làm giảm các triệu chứng lo lắng, chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh, như chứng bệnh mất trí nhớ”.

“Học lỏm” các chuyên gia dinh dưỡng Harvard bảo vệ sức khỏe não bộ và tránh các bệnh liên quan đến trí nhớ: Tưởng ở đâu xa không ngờ “tiên dược” ở ngay trước mắt - Ảnh 2.

Hình minh họa (Ảnh: Foodal)javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(4132);}else{parent.admSspPageRg.draw(4132);}

 3. NGHỆ (VỚI TIÊU ĐEN)

Nghệ là một trong những thành phần chính trong bột cà ri có chứa hợp chất curcumin, đây là “chìa khóa” đằng sau công dụng thần kỳ giúp tăng cường trí não.

Bà Naidoo cho biết curcumin là một chất chống viêm mạnh. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện, nghệ có thể giúp con người giảm thiểu các triệu chứng lo lắng và suy giảm nhận thức theo tuổi tác.

Lợi ích của nghệ được tối ưu khi kết hợp với hạt tiêu đen. Tiến sĩ Naidoo cho biết bà thường bổ sung “một chút hạt tiêu đen trong nghệ, bởi piperine – hợp chất trong hạt tiêu đen – kích hoạt chất curcumin và tăng cường tác dụng của nó lên não và cơ thể”.

4. RAU CÓ MÀU XANH ĐẬM

Bà Uma giải thích: “Rau xanh là thực phẩm tốt cho não bộ vì chúng chứa folate, một loại vitamin B hỗ trợ sự phát triển thần kinh và chức năng dẫn truyền thần kinh. Thiếu folate có nguyên nhân dẫn tới triệu chứng trầm cảm hay lão hóa”.

Đối với tất cả mọi người, rau xanh là một phần dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu. Đối với những người không quen với việc ăn rau, bạn có thể chế biến theo và ăn thử theo nhiều cách để tìm ra đâu là món phù hợp với mình.

“Học lỏm” các chuyên gia dinh dưỡng Harvard bảo vệ sức khỏe não bộ và tránh các bệnh liên quan đến trí nhớ: Tưởng ở đâu xa không ngờ “tiên dược” ở ngay trước mắt - Ảnh 3.

Hình minh họa (Ảnh: Simple Green Smoothies)

5. THỰC PHẨM LÊN MEN

Lên men là quá trình cung cấp thực phẩm vào môi trường nuôi cấy vi sinh vật. Quá trình này giúp tạo ra các axit lactic, vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Tiến sĩ Naidoo cho hay: “Não bộ luôn kết nối tới các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, khi ăn thực phẩm lên men, chúng ta có thể tăng cường sức khỏe đường ruột, từ đó cải thiện chức năng nhận thức của mình”.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý rằng chỉ nên tiêu thụ thực phẩm lên men ở mức vừa đủ. Ăn quá nhiều loại thức ăn có thể khiến bạn bị đầy hơi. 

Nguồn: CNBC /Thuỳ Anh / Theo Nhịp sống kinh tế

Việt Nam chống dịch hỗn loạn: Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy!

công nhân Nike

Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất giày thể thao Nike ở Sài Gòn. Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho Nike mất đi 10 tuần sản xuất, tương đương 100 triệu đôi giày và công ty đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc (Ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket/Getty Images)

Nhiều công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới đang tìm cách di chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng vì những thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu do chính sách phong tỏa kéo dài để chống dịch của nhà cầm quyền Hà Nội.

Trong thời gian thương chiến Mỹ – Trung, các nhà sản xuất đã tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và dồn tới Việt Nam do bị thu hút bởi mức lương thấp và tiếng đồn chính phủ thân thiện với doanh nghiệp.  Tuy nhiên, các lệnh cấm nghiêm ngặt của chính phủ Hà Nội để ngăn chặn làn sóng truyền nhiễm của Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất kể từ Tháng Bảy. Cuộc “phong tỏa” kéo dài đã buộc các công ty như Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc. phải chuyển sản xuất sang các quốc gia khác và khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Việt Nam, tờ báo kinh doanh The Wall Street Journal cho biết. 

Công ty Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Việt Nam, tuần trước cho biết họ đã mất 10 tuần sản xuất ở đó vì nhà máy ngừng hoạt động. Theo BTIG Llc, một công ty môi giới của Mỹ, mất 10 tuần sản xuất có nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike không được xuất xưởng. Hiện Nike dự đoán nhu cầu các sản phẩm của Nike sẽ vượt quá nguồn cung trong tám tháng tới.

“Kinh nghiệm của chúng tôi về việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid cho thấy việc mở cửa trở lại và tăng trở lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian,” ông Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, cho biết vào tuần trước. Công ty cho biết họ đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác.

Ông Jonathan Moreno, trưởng nhóm phụ trách mảng sản xuất và dây chuyền cung ứng của AmCham, cho biết: “Mọi người đang nhận ra rằng, cho dù là Trung Quốc hay Việt Nam, bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từ quan điểm chuỗi cung ứng, bạn không nên để dễ bị tổn thương bởi một quốc gia”.

Các doanh nghiệp phương Tây vẫn đang đoán già đoán non về việc khi nào Việt Nam sẽ dỡ bỏ các quy định hạn chế sản xuất, bao gồm cả việc buộc các nhà máy phải cho công nhân của họ sống bên trong cổng để cách ly với xã hội, hoặc trong một số trường hợp, đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Trong các tuyên bố công khai, một số quan chức nói rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến Tháng Tám hoặc giữa Tháng Chín, nhưng rồi những thời hạn đó trôi qua mà không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách phong tỏa.

Chính phủ Việt Nam – năm ngoái khá yên tâm với thành công trong việc điều trị Covid-19 cho khoảng 1,500 trường hợp nhờ phong tỏa một phần xã hội – đã rất chậm trễ trong việc đặt mua vaccine, chậm hơn nhiều quốc gia khác. Gần đây Bộ Y tế Việt Nam dường như đã thừa nhận sai lầm về chính sách vaccine, đã làm chậm việc mua vaccine. Ngày nay, mới chỉ có khoảng 9% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ so với 65% người Cambodia, theo dữ liệu của Our World in Data. 

Năm nay, nhà chức trách Việt Nam, mất cảnh giác trước sự bùng phát dữ dội của các đợt dịch mới, đã quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa và ngăn chặn. Vào Tháng Sáu và Tháng Bảy, khi có thông tin rõ ràng rằng biến thể Delta của coronavirus đang lây lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi có ít hơn 1% dân chúng được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ Hà Nội đã áp đặt các hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trước, gây khó khăn hơn nhiều so với một số quốc gia có lĩnh vực sản xuất lớn khác.

Ở phía Nam của đất nước, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, các công ty muốn tiếp tục hoạt động thì phải thực hiện các quy trình phức tạp, chẳng hạn như thường xuyên xét nghiệm tìm virus trong công nhân hoặc áp dụng biện pháp “ba tại chỗ”, theo đó người lao động phải ăn, ngủ và làm việc ngay trong nhà máy. Các nhà máy sản xuất giày và may mặc lớn với hàng chục nghìn công nhân nhận thấy họ không thể thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho mọi người hoặc chu cấp cho quá nhiều người trong nhà máy hoặc trong các ký túc xá. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với số ít nhân viên.

Một số công ty đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Việt Nam. 

Ông Jeremy Hoff, Giám đốc điều hành của Hooker Furniture Corp, công ty sản xuất một phần đáng kể sản phẩm của mình tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều ra bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn quay trở lại Trung Quốc khi cần thiết”.

Ông Andrew Rees, Giám đốc điều hành của công ty giày Crocs Inc., cho biết vào giữa Tháng Chín, họ đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang các khu vực khác trên thế giới. Ông nói công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam và đang bổ sung thêm các cơ sở ở Indonesia và Ấn Độ. “Sự đa dạng hóa đang diễn ra,” ông Rees nói.

Gần đây, các ca bệnh và tử vong do Covid-19 đã bắt đầu giảm ở Việt Nam, mà chính phủ cho rằng đó là kết quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của họ. Các ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam đạt đỉnh vào khoảng đầu Tháng Chín, với khoảng 13,000 ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 9,000 ca. Tiêm phòng đang được tăng tốc. Khoảng một phần ba dân số hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhà chức trách cho biết thành phố Sài Gòn một trung tâm sản xuất, sẽ giảm bớt các hạn chế vào Thứ Sáu, ngày 1 Tháng Mười.

Nhưng các công ty và nhóm kinh doanh cảnh báo rằng ngay cả khi họ được cho phép khởi động lại hoạt động, cũng phải mất nhiều tháng mới phục hồi lại được toàn bộ hoạt động sản xuất. Rất nhiều người lao động đã trở về quê và có thể không muốn quay lại thành thị nếu họ chưa được tiêm phòng. Các công ty cho biết, các hạn chế đi lại liên tỉnh, cấm di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể tạo ra những trở ngại trầm trọng hơn nữa cho việc bổ sung lực lượng lao động.

Một số nhà phân tích kinh doanh cho biết biện pháp cứng rắn của Việt Nam trong việc đóng cửa nhà máy có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tại Indonesia, một số nhà máy xuất khẩu vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất trong đợt Covid-19 năm nay và việc ngừng hoạt động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà chức trách Trung Quốc đã ngăn chặn sự bùng phát dịch từ trong trứng nước bằng cách xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa có mục tiêu các cảng và các nhà máy cụ thể mà không cần thực hiện các đợt đóng cửa kéo dài hàng tháng tại các khu vực sản xuất giống như Việt Nam đã làm.

Những người khác vẫn lạc quan về Việt Nam. Ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị, cho biết bất chấp những khó khăn hiện tại, Việt Nam có những lợi thế dài hạn – bao gồm sự ổn định chính trị tương đối, cởi mở với đầu tư nước ngoài và có biên giới trên bộ với Trung Quốc – điều đó sẽ tiếp tục thu hút các nhà sản xuất.

Tuy nhiên việc phong tỏa kéo dài ở Việt Nam đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức về nguồn cung cấp hàng hóa ổn định ở châu Á. “Khi bạn nghĩ về nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra để thoát khỏi Trung Quốc để rồi bây giờ một trong những nơi có thể cung cấp hàng hóa cho bạn lại là Trung Quốc – tôi có nghĩa đó là điều thực sự điên rồ,” ông Roger Rawlins, Giám đốc điều hành của Designer Brands Inc., một nhà bán lẻ giày dép ở Bắc Mỹ, nói tại một hội nghị hồi đầu Tháng Chín.

Bình Phương / Saigon Nhỏ

Tất cả vì… Thủ tướng!

Trân Văn / VOA Blog

Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – vừa gửi thêm một công điện theo hình thức… hỏa tốc cho lãnh đạo các cơ quan trực thuộc chính phủ và chủ tịch các địa phương trực thuộc trung ương, hối thúc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách, trong đó có hàng không (1)

Nếu quan sát cách thức ông Phạm Minh Chính, điều hành hệ thống công quyền trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, ắt sẽ nhận ra, Thủ tướng Việt Nam không chỉ bất nhất cả về nhận thức lẫn hành xử mà còn hết sức mâu thuẫn về tính cách.

***

Có lúc, ông Chính tỏ ra hết sức quyết liệt như hồi trung tuần tháng 9 – tra hỏi lãnh đạo Kiên Giang xem họ có biết số người mới bị nhiễm COVID-19 là bao nhiêu, cụ thể ở đâu,… phê phán kịch liệt lãnh đạo một số tỉnh, thành phố… yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (2). Sự quyết liệt ấy thô bạo đến mức làm một số viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương bị tổn thương, phải buột miệng than… buồn vì bị Thủ tướng xem như… học trò, gọi lên … trả bài (3)!

Song cũng có những lúc, ông Chính… mềm mỏng đến mức bất thường! Ví dụ, ngày 8/10/2021, chính phủ đã yêu cầu các bộ hữu trách và chính quyền các địa phương phối hợp khôi phục các tuyến bay nội địa. Trong cùng ngày, Bộ GTVT đã xác lập việc mở lại 19 tuyến bay, thực hiện mỗi ngày 38 chuyến bay (4). Tuy nhiên chính quyền nhiều địa phương không thực thi! Ngày 10/10/2021, thời điểm được xác định là mốc tái khởi động hoạt động hàng không, ông Chính chỉ nhắc nhở phải… thực hiện nghiêm (1)!..

Có lúc, ông Chính tỏ ra hết sức sâu sát, chú ý đến một số tiểu tiết mà những cá nhân điều hành – quản trị vĩ mô không nhất thiết phải bận tâm. Chẳng hạn trong chuyện thị sát TP.HCM, Bình Dương, ông Chính mất rất nhiều thời gian để cùng với ai đó chờ xem bao lâu sau khi dân chúng gọi vào các đường dây nóng, đề nghị hỗ trợ y tế, cung cấp các gói an sinh, mới được chính quyền địa phương đáp ứng (5),… Hay trực tiếp gọi điện thoại cho Bí thư kiêm Chủ tịch một thị trấn, dặn dò phải tổ chức xét nghiệm hai ngày/lần (6),…

Song cũng có những lúc, dẫu tình thế như “nước sôi, lửa bỏng”, ông Chính lại… phản ứng giống như vô cảm nên việc tự điều chỉnh trong quản trị – điều hành vĩ mô vừa chậm chạp, vừa khó hiểu đến mức bất thường!

Ví dụ, từ 30/9/2021 – một ngày trước thời điểm TP.HCM nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại – di dân tạm trú ở TP.HCM và nhiều địa phương thuộc miền Nam lũ lượt di tản khỏi các đô thị, trung tâm công nghiệp, thảm cảnh trở thành thảm nạn làm quốc gia rúng động nhưng phải mất tới hai ngày, ông Chính mới lập lờ giữa… yêu cầu tiếp tục vận động người dân ở lại… với… tổ chức đón, đưa, bảo đảm đi lại thuận lợi, an toàn giao thông, tránh gây bức xúc cho người dân nếu họ thực sự mong muốn về quê (7).

Mất thêm năm ngày nữa khi nhân tâm chao đảo vì thông tin, hình ảnh nạn dân, kể cả người già, trẻ sơ sinh ,… dãi nắng, dầm mưa, ăn bờ, ngủ bụi, kể cả thương tích, tử nạn vì phải tự vận động trên đường thiên lý đến kiệt sức, hôm 7/10/2021 – qua một công điện khác – ông Chính mới thừa nhận, rời bỏ các đô thị, trung tâm công công nghiệp sau một thời gian dài bị giam lỏng trong nơi tạm trú là… nhu cầu chính đáng và chính quyền các địa phương phải… phối hợp đưa, đón nhanh, nhịp nhàng hơn (8)!

Vì sao một cá nhân từng xuất hiện trước công chúng như một nhân vật… luôn biết quan sát, lắng nghe, sát sao đến từng chi tiết nhỏ nhất, rảo bước thị sát khắp nơi, bất kể giờ giấc, bất kể… áo đẫm mồ hôi (9) hồi hạ tuần tháng 8, đến thượng tuần tháng 10 lại… đột nhiên trở thành không nghe, không thấy, không biết, cả nghĩ lẫn hành động đều rất chậm đối với thảm nạn kéo dài hàng chục ngày, liên quan đến hàng trăm ngàn đồng bào đã “thất cơ, lỡ vận”, còn phải tiếp tục đối diện với đủ loại khổ nạn trên đường di tản?

Xét cho đến cùng, những biểu hiện tưởng như đối chọi nhau về bản chất dường như vẫn có một điểm tương đồng: Đó là bất kể thế nào ông Chính cũng vẫn muốn tạo dựng hình ảnh tốt về Thủ tướng, nâng cao uy tín và vị thế chính trị của ông.

Áo đẫm mồ hôi không hề mâu thuẫn với việc chậm chỉ đạo chính quyền các địa phương phải hỗ trợ nạn dân về quê. Sở dĩ nhân vật… luôn biết quan sát, lắng nghe, sát sao đến từng chi tiết nhỏ nhất để thảm nạn kéo dài khiến cả quốc gia rúng động, mới nhìn nhận đó là… nhu cầu chính đáng, vì vài giờ trước khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại, ông đã trót… chỉ đạo: Phải tiếp tục kiểm soát người ra – vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (10).

Nếu không có chỉ đạo này sẽ không có chuyện nhiều địa phương lập chốt, chặn nạn dân về quê, phạt họ, nhiều nạn dân phải lạy lực lượng vũ trang. Không có chỉ đạo này thì các chỉ đạo sau đó vào những ngày 2/10/2021 và 7/10/2021 không khó hiểu: Yêu cầu chính quyền các địa phương phải vừa… tuyên truyền, vận động người dân ở lại, vừa… tổ chức đón, đưa, bảo đảm đi lại thuận lợi, an toàn giao thông, tránh gây bức xúc cho người dân nếu họ thực sự mong muốn về quê.

Sự chậm trễ trong chỉ đạo hỗ trợ nạn dân của ông Chính rõ ràng đã phủ nhận nỗ lực ca ngợi ông… luôn biết quan sát, lắng nghe, sát sao đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những mâu thuẫn trong chỉ đạo hỗ trợ nạn dân chứng minh, sự chậm trễ ấy không phải do vô cảm. Dường như đó là một nỗ lực khác để bảo vệ… hình ảnh, uy tín của Thủ tướng. Ông Chính đã chọn… chậm mà… chắc để bảo vệ vị thế chính trị của mình nhưng không đơn thuần do mắc kẹt bởi chỉ đạo… phải tiếp tục kiểm soát người ra – vào!

Ít nhất các công điện hỏa tốc mà nội dung mâu thuẫn với chính nó hoặc mâu thuẫn với nhau phô bày một điểm chung: Sự lo ngại về việc sẽ có thêm nhiều ổ dịch mà chính phủ không có khả năng xử lý và không muốn nhận trách nhiệm! Phương châm… chậm mà… chắc giống như biện pháp nhằm… mua thời gian, chờ xem hậu quả thế nào. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn, chính quyền các địa phương sẽ phải thay chính phủ gánh trách nhiệm trước… nhân dân vì đã nhận nạn dân hoặc để nạn dân băng qua địa phận của mình!

Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, đã hơn một lần ông Chính ấn trách nhiệm của Thủ tướng lên vai chính quyền các địa phương. Trước hậu quả nhãn tiền do các biện pháp chống dịch cực đoạn, nhân vật từng thúc ép… “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, buộc… “mỗi cơ quan, đơn vị địa phương phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ” (11), đột nhiên đổi giọng, chỉ trích thuộc cấp: Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp (12)…

Phải chăng cách ứng xử kiểu như vậy đã tạo ra những… bài học kinh nghiệm nên chính quyền các địa phương, hoặc thản nhiên ngăn chặn di dân, hoặc bất động không làm gì cả? Thủ tướng… khôn ngoan như thế thì có bao nhiêu viên chức thèm… dại… vì dân?

***

Dường như trong quản trị – điều hành Việt Nam ở đợt dịch thứ tư này, Unus pro omnibus, omnes pro uno – một thành ngữ Latin, được Thụy Sĩ chọn như tiêu chí hành động không chính thức cho cả quốc gia, từ lâu đã trở thành quen thuộc với cả thiên hạ (One for all, all for one), lẫn Việt Nam (một người vì tất cả, tất cả vì một người) – chỉ đúng vế sau: Tất cả vì… Thủ tướng! Nếu chọn cách nghĩ khác sẽ rất khó, thậm chí không thể giải thích tại sao trong quản trị – điều hành ông Chính lại bất nhất, thường xuyên mâu thuẫn như vậy!

Tại sao một người từng dùng hệ thống truyền thông quốc gia để chứng tỏ cả ý thức trách nhiệm lẫn sự quyết liệt đối với các viên chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang… yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, lại không tỏ ra cứng rắn khi chính quyền một số địa phương chần chờ, thậm chí công khai cưỡng lại ý định tái khôi phục hoạt động hàng không của chính phủ với lý do dịch bệnh có thể tái bùng phát hoặc lan rộng? Công điện hỏa tốc mới nhất liên quan đến vấn đề này chỉ nhắc nhở… phải thực hiện nghiêm! Tại sao Thủ tướng có thể quan tâm đến chuyện một thị trấn thực hiện phong tỏa thế nào, xét nghiệm ra sao, lại thản nhiên để chính quyền các địa phương trên toàn quốc tùy nghi hành động trong ngăn ngừa dịch bệnh dù thực tế cho thấy mỗi nơi một kiểu không chỉ nguy hại cho cả dân sinh lẫn kinh tế mà còn xâm hại nhân quyền, vi phạm luật pháp?

SỰ KIÊU NGẠO  CỦA NGƯỜI THỤY ĐIỂN TRONG ĐẠI DỊCH LÀ ĐIỀU TỐT CHO CẢ THẾ GIỚI.

Báo SVENSKA DAGBLADET – THỤY ĐIỂN)

Trong thời kỳ đại dịch, tiếng tăm của Thụy Điển đã lớn lên đáng kể. Bây giờ đất nước này là một kẻ nổi loạn thế giới. Nước nhỏ, nhưng đủ kiêu ngạo để từ chối các khuyến nghị kiểm dịch toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao Anders Tegnell lại nhận được sự ủng hộ của công chúng ngay cả khi số ca nhiễm tăng vọt? Tại sao hầu hết người Thụy Điển vẫn chọn không đeo khẩu trang, bất chấp tất cả những kiến thức thu được? Làm thế nào mà đất nước siêu tuân thủ này lại đột ngột chuyển từ “tử tế” sang “cứng đầu”?

Tôi yêu người vợ Thụy Điển của tôi đồng thời tôi cũng yêu đất nước của cô ấy. Nhưng đã 20 năm rồi tôi vẫn chưa thể giải thích được những câu đố về tâm hồn của người Thụy Điển. Người dân ngoan ngoãn đến mức họ chờ đèn giao thông bật xanh cho phép qua đường, ngay cả lúc hai giờ sáng, khi không có ai trên đường cả. Một dân tộc cố chấp đến mức những người này đã bỏ phiếu chống lại đồng euro, mặc dù tất cả các đảng phái chính trị và công đoàn đều khuyến nghị đồng ý. Người dân rất ngoan ngoãn nên những người lao động cho đến tận bây giờ đều tránh đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Người dân nổi loạn đến mức thủ tướng của họ dù lên tiếng kêu gọi công dân từ chối mua sắm trước Giáng sinh, để chính ông ta đã vi phạm các hướng dẫn chính thức.

Thật khó mà khẳng định rằng người Thụy Điển phản đối việc cách ly vì niềm tin sâu sắc về tầm quan trọng của tự do cá nhân. Bất chấp mọi thứ Thụy Điển vẫn là một xứ sở mà như xưa nay người dân không tin có thể yên ổn mua rượu và khiêu vũ tự phát tại các quán bar sau tám giờ tối ngày thứ Sáu. Cũng khó khẳng định rằng Thụy Điển bác bỏ ý tưởng về việc cấp hộ chiếu vắc-xin do lo ngại về quyền riêng tư, vì mức lương của mỗi người dân được công bố trên mạng còn các tờ báo công khai in danh sách những cư dân giàu nhất của cộng đồng.

Vậy bạn giải thích những hiện tượng vừa nêu trên như thế nào đây? Ý nghĩ của tôi thiên về thứ ngoại lệ của Thụy Điển. Đó không phải là tính kiêu ngạo, mà là niềm tự tin mang tính trí tuệ. Tegnell từ chối kiểm dịch vì không có bằng chứng khoa học cho thấy việc ấy sẽ hiệu quả mà đó chỉ là những gì nằm trên bề mặt. Người Thụy Điển đã chứng minh rằng sự ngoan cố lâu đời của họ chỉ tiếp tục tập trung vào những điều đã được khoa học chứng minh (và vào chiến lược đại dịch ban đầu của họ), trong khi tất cả các quốc gia khác hoàn toàn hành động ngược lại. Đối với những người hoài nghi về kiểm dịch – không chỉ ở Anh mà trên toàn thế giới, Tegnell là người anh hùng của sự hợp lý trong một thế giới điên rồ khác.

Thụy Điển không thể gọi chiến lược của mình chống lại đại dịch là thành công, bởi quá nhiều người đã chết. Nhưng phản ứng công khai của xứ sở này là điều mà cả thế giới nên suy nghĩ. Thụy Điển đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid nhưng chịu thiệt hại kinh tế tối thiểu ở châu Âu. Tình hình này ít ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này hơn nhiều so với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh (chỉ lấy một ví dụ: số ca chẩn đoán ung thư vú ở Vương quốc Anh bị cách ly giảm thấp hơn ba lần so với Thụy Điển). Ở Thụy Điển, cho tận đến hôm nay hầu hết trẻ em không bao giờ bị nghỉ học một ngày nào.

Vương quốc Anh hiện đã thông báo rằng sẽ không còn cách ly nữa. Từ những cuộc trò chuyện của chính tôi với các quan chức chính phủ, tôi biết rằng quyết định này là do ảnh hưởng của Thụy Điển. Nếu kiểm dịch là một thử nghiệm toàn cầu, thì Thụy Điển đóng vai trò là nhóm kiểm soát và mang lại cho chúng tôi một số trải nghiệm cả tốt lẫn xấu. Thứ ngoại lệ của Thụy Điển đã mang đến cho thế giới những kiến thức vô cùng quý giá.

TÔ HOÀNG  / ( chuyển ngữ từ báo Nga “Inosmi.Ru” ) / lethieunhon.vn