Khu nghỉ dưỡng Sa Pa có hồ bơi độc đáo nhất thế giới

Nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda công bố 7 khách sạn có hồ bơi độc đáo nhất, với thiết kế hiện đại hay hài hòa với thiên nhiên.

Topas Ecolodge, Sa Pa, Lào Cai

Khu nghỉ dưỡng khai trương năm 2005, sở hữu 41 bungalow được xây dựng bằng đá granite trắng theo phong cách nhà sàn địa phương, mang đến tầm nhìn về quang cảnh ruộng bậc thang đặc trưng của vùng Tây Bắc. Khu nghỉ dưỡng là điểm đến thư giãn và chăm sóc sức khỏe toàn diện, đồng thời cũng là một trong những hình mẫu trong công tác hỗ trợ cộng đồng và phát triển du lịch bền vững, khi luôn sử dụng nhân sự đến từ địa phương và giảm thiểu chất thải nhựa dùng một lần.

Nằm cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 45 phút đi xe, hồ bơi vô cực nổi tiếng của khu nghỉ dưỡng được bao quanh bởi khung cảnh núi non trùng điệp và những căn bungalow phía xa.

Keemala Resort & Spa, Phuket, Thái Lan

Khu nghỉ dưỡng sở hữu 38 biệt thự có kiến trúc đặc biệt, tạo cảm giác như đang ở giữa “xứ sở thần tiên”, cũng không kém phần sang trọng và mộc mạc. Tại đây, du khách có 4 lựa chọn phòng nghỉ: biệt thự bằng đất sét, biệt thự bằng lều nằm sát mặt đất, biệt thự hồ bơi gỗ trên cây và biệt thự tổ chim, với mỗi căn biệt thự đều có hồ bơi mini riêng, phóng tầm nhìn ngoạn mục về làng Kamala và biển Andaman của Phuket.

Thiết kế này được lấy cảm hứng từ câu chuyện của bốn gia tộc bản địa xa xưa có sự liên kết chặt chẽ về tâm linh. Đây cũng là khu nghỉ dưỡng đạt chứng nhận SHA Plus, cho phép du khách đăng ký lưu trú theo mô hình Hộp cát Phuket.

Rosewood Hong Kong, Hong Kong

Khách sạn không chỉ sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật mà còn làm du khách mãn nhãn với trọn vẹn quang cảnh Cảng Victoria nổi tiếng bên hồ bơi vô cực dài 25 m. Khách sạn có 8 chủ đề ẩm thực bên trong khách sạn, cho phép du khách thoải mái trải nghiệm bất kỳ nền ẩm thực yêu thích nào. Ngoài ra, các nữ du khách không nên bỏ lỡ cơ hội tận hưởng quán bar XX độc quyền và sang trọng chỉ dành riêng cho phái nữ.

Nằm tại khu Tsim Sha Tsui, du khách khi lưu trú tại khách sạn có thể dễ dàng dành thời gian để khám phá những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như Đại lộ Ngôi Sao và Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong.

Marina Bay Sands, Singapore

Tại thời điểm khai trương năm 2010, đây là một trong những công trình khách sạn đắt đỏ nhất từng được xây dựng, với 3 tòa tháp cao 57 tầng đứng cạnh nhau, mang đến 2.560 phòng khách sạn và phòng suite sang trọng. Ngoài ra, khách sạn còn nổi tiếng với hồ bơi vô cực SkyPark, nằm ở tầng 57 của khách sạn và rộng đến 150 m2, tựa như chiếc du thuyền lớn lơ lửng giữa không trung.

Sau khi thoải mái thả mình bên hồ bơi của khách sạn, du khách có thể ghé thăm bảo tàng ArtScience Museum gần đó để trải nghiệm bữa tiệc ánh sáng hiện đại với nhiều chủ đề khác nhau, hoặc thoải mái mua sắm và tận hưởng cuộc sống hiện đại ngay tại trung tâm thành phố Singapore.

Grace Santorini Hotel, Santorini, Hy Lạp

Nằm bên bờ biển Aegean, khách sạn mang phong cách boutique, cho phép du khách nhìn ngắm khung cảnh caldera, những vách đá nghiêng dốc thẳng xuống biển của Santorini. Nằm trong khu vực làng Imerovigli, du khách có thể vừa thả mình ở nơi hồ bơi vô cực nổi tiếng của khách sạn, vừa nhấm nháp ly cocktail và thưởng thức các món ăn đặc sắc tại quầy bar bên hồ.

Ngoài ra, khách sạn còn tổ chức các buổi tập yoga vào lúc bình minh và hoàng hôn, hướng mặt về phía biển xanh rộng lớn, hoặc những chuyến dã ngoại thưởng thức phô mai và nền ẩm thực của Hy Lạp trên đỉnh Skaros Rock.

Four Seasons Hotel Istanbul At the Bosphorus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nằm bên eo biển Bosphorus như tranh vẽ, khách sạn mang đến lối kiến trúc như cuối thời Ottoman và các gian phòng trang nhã theo phong cách cung điện sang trọng. Du khách có thể dành thời gian trải nghiệm phòng tắm hamman truyền thống (phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc nằm dài tại hồ bơi trong nhà, dưới ánh nắng ấm áp tràn vào từ cửa sổ trần cao vút.

Ngoài ra, khách sạn cũng có hồ bơi ngoài trời và khu ẩm thực ngay bên cạnh để du khách có thể vừa đắm mình trong làn nước mát, thưởng thức những món ăn ngon lành và ngắm nhìn toàn cảnh không gian rộng lớn xung quanh.

Lefay Resort & Spa Lago Di Garda, Gargnano, Italy

Hồ bơi vô cực của khách sạn bên hồ Garda được bao quanh bởi rừng cây và hàng ô liu xanh mát. Hòa quyện với vùng nông thôn của Italy, khách sạn có 93 căn suite rộng rãi, tất cả đều hướng tầm nhìn ra hồ Garda rộng lớn.

Du khách cũng không nên bỏ lỡ cơ hội ngồi thuyền đi dọc cảng Gargnano đẹp tựa tranh vẽ, hoặc ghé thăm các khu chợ địa phương và đi bộ ở Công viên Upper Garda để khám phá thêm về cuộc sống người địa phương.

Danang FantastiCity phối hợp với VnExpress.net thực hiện khảo sát tâm lý khách du lịch đối với việc lựa chọn điểm đến Đà Nẵng sau các đợt bùng phát dịch Covid-19. Tham gia khảo sát này, độc giả sẽ giúp Đà Nẵng nắm bắt nhu cầu du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm du lịch của khách hàng trong thời gian tới. Độc giả trả lời khảo sát có cơ hội nhận được các phần quà đặc biệt.

Tham gia khảo sát tại đây

Lan Hương / Ảnh: Khu nghỉ dưỡng

8 đặc điểm thường thấy ở 1 người thông minh: Bạn có bao nhiêu?

8 đặc điểm thường thấy ở 1 người thông minh: Bạn có bao nhiêu?
NGAY TỪ NHỮNG HÀNH ĐỘNG NHỎ, BẠN ĐÃ CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC NGƯỜI ĐÓ CÓ CHỈ SỐ IQ CAO HAY KHÔNG.

1. Trí tò mò

Năm 2016, trên tạp chí Journal of Individual Differences, một nghiên cứu có tới hàng nghìn người tham gia trong 50 năm đã đưa ra kết luận người thông minh thường có tuổi thơ nhiều trải nghiệm.

Người thông minh có nhiều trải nghiệm trong tuổi thơ, bởi thế họ luôn tò mò về thế giới xung quanh. Tới khi trưởng thành, họ luôn am hiểu, tinh thông mọi thứ. Giống như Alber Einstein từng nói, “Tôi không có tài cán gì đặc biệt. Tôi chỉ tò mò một cách say mê”.

2. Khả năng thích nghi

Ở người thông minh thể hiện khá rõ khả năng thích nghi cao với những thay đổi hay trong môi trường khắc nghiệt và khả năng làm chủ vấn đề, kiểm soát tình huống. Khả năng này đòi hỏi một quá trình dài học tập, tích lũy, ghi nhớ, đối diện với những thử thách.

3. Đọc sách

Một nghiên cứu kéo dài 100 năm của Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển Trẻ em, Anh đã so sánh kỹ năng đọc và điểm kiểm tra của gần 2.000 cặp song sinh tham gia, từ đó cho thấy kết quả người có kỹ năng đọc, đọc nhiều sách sớm thường có kết quả cao khi kiểm tra IQ. Vốn sở hữu trí tò mò vô hạn nên những người thông minh sẽ tìm đến sách để giải đáp những thắc mắc của mình.

8 đặc điểm thường thấy ở 1 người thông minh: Bạn có bao nhiêu? - Ảnh 2.

4. Cởi mở

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lí học, người cởi mở thường có xu hướng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh vì họ biết nhìn nhận và xem xét các quan điểm khác biệt về thang giá trị. Họ không ngại thử thách mình với những cơ hội mới.

5. Khả năng tự chủ

Trên tạp chí Psychological Science, trong một nghiên cứu công bố năm 2009, những người tham gia sẽ nhận được 1 trong 2 loại phần thưởng sau: hoặc số tiền nhỏ ngay lập tức, hoặc khoản tiền lớn sau một ngày chờ đợi. Kết quả cho thấy những người chọn khoản tiền lớn có chỉ số IQ cao hơn. Từ đây, có thể thấy, cách tư duy của người thông minh vô cùng mạch lạc và họ tính toán, lập kế hoạch rõ ràng.

6. Hài hước

Năm 2011, nhóm chuyên gia Đại học New Mexico, Mỹ đã đưa ra kết quả của một nghiên cứu rằng người thích phim hoạt hình hài hước có kết quả kiểm tra trí thông minh cao hơn mức trung bình. Thậm chí, mức hài hước của họ được đánh giá là thâm thuý.

7. Nhạy cảm

Người thông minh được đánh giá là kiểu người nắm bắt tốt cảm xúc, làm chủ cuộc đối thoại, thậm chí thấu hiểu từng thay đổi rất nhỏ của đối phương khi trò chuyện hoặc tiếp xúc. Bởi lẽ, theo một số nhà tâm lý học, họ có khả năng nhạy cảm đến từ trí tuệ cảm xúc.

8. Suy nghĩ vượt giới hạn

Không ít người nhìn nhận ở người thông minh với sự hơi điên rồ, khác người bởi họ thường xuyên suy nghĩ vượt giới hạn. Nhưng đó cũng là cách giúp những người thông minh tìm ra cách làm mới, không theo lối mòn.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Dịch bệnh và phẩm giá con người

(Ảnh: MXH)

Nhại theo Hegel, điều gì hợp lý thì tồn tại hay cái gì tồn tại thì hợp lý. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta thấy vô số điều bất hợp lý vẫn tồn tại. Tồn tại một cách ngang nhiên và thách thức bất chấp lý trí. Và con người vẫn sống trong những mâu thuẫn, nhiều khi là tai ương ấy.

Trong năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã càn quét Sài Gòn còn hơn một nỗi thù. Chưa bao giờ số người chết lại nhiều và nhanh như thế. Cũng chưa bao giờ người Sài Gòn lại khốn khổ đến thế. Sợ hãi và tù túng ngay trong mỗi căn nhà bất kể giàu nghèo. Con người va chạm vào cái chết và bị trói buộc trong những hàng rào kẽm gai, những cánh cổng hàn kín, những khối bê tông nặng nề… Con người bị hạch hỏi giấy đi đường, bị đè xuống ngoáy mũi để tìm kiếm kẻ khủng bố vô hình.

Nhưng điều đau đớn nhất là không mấy ai nhận ra, con người bị hạ nhục.

(Ảnh: MXH)

Với những biện pháp hành chánh cấm đoán thô bạo bởi những kẻ muốn “kéo đám mây điện toán” vào Việt Nam, không biết bao nhiêu số phận đau thương đã phải hứng chịu những mất mát và sự cùng cực của cuộc sống. Từng đoàn người dắt díu nhau tháo chạy khỏi thành phố, bởi không chết vì bệnh thì cũng chết vì đói. Từng gia đình ngóng đợi cứu trợ mỗi ngày. Và không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh tìm kiếm lương thực, kể cả những người không hề thiếu tiền.

Giữa sợ hãi và cái vô lý, con người như vẫn ngoan như cừu. Và trớ trêu thay, khi được chích vaccine cũng không một ai lại không hí hửng như một ân huệ được ban, một điều mà lẽ ra phải là tất yếu.  Dường như Việt Nam luôn là một trường hợp ngoại lệ so với những chuẩn mực chung của thế giới. Sự khác biệt ấy phải gọi là gì? Tôi ngại phải nói ra những từ khó nghe. Với tư cách là một nhà văn, tôi sẽ viết gì về những ngày tháng kinh khủng như một biến cố lớn lao của lịch sử nhân loại thế này?

Quả thật, tôi thấy mình bất lực trước nỗi đau khổ và cái chết của đồng bào mình phải gánh chịu. Tôi thấy mọi thứ vô nghĩa. Nhưng dù thế nào tôi vẫn phải sống. Không trốn chạy cũng không quị lụy.  Hơn bao giờ hết, tôi vẫn là người quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống. Và lại đến lúc tôi một lần nữa nhại theo Hegel, cái gì hạnh phúc thì có ý nghĩa hay cái gì có ý nghĩa thì hạnh phúc. Ở đây, cũng một lần nữa chúng ta thấy một nghịch lý nói như kiểu người Sài Gòn là “nói vậy mà không phải vậy”.

Vâng, điều có ý nghĩa, rất nhiều khi cũng là nỗi đau khổ hay sự hy sinh, mất mát. Con người dẫu sao vẫn có thiên hướng về sự cao cả. Và giữa những bi thương, người Sài Gòn không chỉ biết lo sợ mà còn biết đùm bọc nhau. Những nhóm thiện nguyện nở rộ như sự trượng nghĩa vốn có của người Sài Gòn. Và tôi nhìn thấy ở đấy ý nghĩa của cuộc sống, sự lân tuất với tha nhân. Tất nhiên, cứu trợ nhau trong hoạn nạn chỉ là một biểu hiện đơn giản nhất của lòng lân tuất.

Tôi muốn nói đến vấn đề phẩm giá. Sự lân tuất giữa con người với nhau đầu tiên và sau cùng vẫn phải là sự tôn trọng phẩm giá con người như một cá thể tự do. Chúng ta có được sống trong phẩm giá của một con người không? Dường như Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Có thể đấy là điều tôi sẽ phải viết như cách của một nhà văn theo đuổi sự khác biệt về phẩm giá con người.

Không biết từ bao giờ, người ta đã không còn nhận ra phẩm giá của mình bị chà đạp. Và vì thế, người ta chấp nhận bị chà đạp như một điều hiển nhiên. Không thắc mắc, không phản đối. Ai sao mình vậy.  Đấy là một tâm thức khốn cùng của kẻ nô lệ.

Xưa nay, tôi vẫn nghĩ nhà văn không có trách nhiệm với ai ngoài chính mình. Sự cô độc ngạo nghễ của một con người vĩ đại là từ khước tất cả. Nhưng nếu không có tương tác thì sự sáng tạo có ý nghĩa gì? Ngay cả điều mà tôi muốn nói đến là phẩm giá, nếu không đặt trong mối tương quan xã hội thì liệu phẩm giá có cần thiết không? Và chỉ trong mối tương quan xã hội, tự do mới cần được nhìn nhận như một phẩm giá cốt lõi nhất của con người. Và cũng chưa bao giờ như lúc này, con người chẳng những mất tự do mà còn mất cả các điều kiện tối thiểu để tồn tại.

Và chúng ta im lặng.

Không phải sự im lặng triết học hay tâm linh. Hố thẳm hay đỉnh trời. Đó là sự im lặng của vô tri.

Từ bao giờ con người trở nên tăm tối? Hay con người vốn dĩ tăm tối?

Tôi nghĩ đến những giấc mơ con người, giấc mơ của tự do và vượt thoát. Nhưng dường như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang phản bội con người. Nó kiểm soát con người từ trong suy nghĩ đến thị hiếu biểu đạt. Nó tinh vi hơn các nhà chính trị. Nó mị dân hơn nhà cầm quyền. Nếu các nhà chính trị hay cầm quyền chỉ có thể kiểm soát hành vi cụ thể của con người, thì các big tech đã kiểm soát con người đến cả cảm xúc cá nhân.

Đến lúc này, những đối kháng giữa các thể loại ý thức hệ đã bị xóa mờ. Con người đang chứng kiến sự bắt tay giữa các thế lực cầm quyền vốn xung đột nhau, cũng như sự cấu kết giữa các big tech với các nhà cầm quyền mà chúng ta gọi một cách mỹ miều là toàn cầu hóa, không gì khác là chia chác quyền lợi của họ trên số phận từng con người bất kể đâu trên mặt đất. Thế giới chỉ còn là một công xưởng.

Cuối cùng con người đã bị nhào nặn và ngược trở lại thành công cụ phục vụ cho những tham vọng của họ.

Con người hoàn toàn mất tự do từ tư cách cá nhân đến danh xưng nhân loại. Càng ngày càng lệ thuộc vào họ.

Ở một góc độ khác, chúng ta cũng đang chứng kiến một thái độ đạo đức giả của những kẻ tự nhận đứng về phe nước mắt. Họ nhân danh sự bất công này để cổ xúy hay im lặng về một sự bất công khác, không chỉ ở xứ sở khốn khổ này mà còn ở những nơi được coi là văn minh tiến bộ. Chính điều này, nó đã làm nhiễu loạn các giá trị. Và làm cho phẩm giá con người bị bôi nhọ.

Vì thế tìm kiếm tự do thật ra chỉ là một quá trình tháo bỏ gông cùm. Một chân lý rất cũ. Nhưng xem ra đó lại là một vòng luẩn quẩn của ràng buộc và tháo bỏ. Cái mới mà chúng ta mong ước đến một lúc lại trở thành gông cùm. Dường như con người không có lối thoát.

Nhà văn – nhân chứng, nhà tiên tri hay kẻ rong chơi trên mặt đất – cũng là một nạn nhân của thời thế và thân phận con người. Tiếng kêu thét trong anh có làm anh vỡ lồng ngực hay dội vào đám đông thì cũng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ý nghĩa tồn sinh mặt đất mỉa mai, phù phiếm.

Tuy nhiên, dịch bệnh, cái chết và giam hãm có làm anh điêu đứng vì tự do và phẩm giá bị bó gối của mình? Số phận anh và nhân loại này chẳng lẽ chỉ để cho bọn kền kền kiếm chác? Anh có muốn kiếm chác tí không? Hay anh muốn làm gì khác?

Viết à? Viết cái gì? Thế nào?

Dặm trường vẫn ở trước mặt. Dẫu sao thì tôi cũng không bao giờ quên đánh thức phẩm giá của mình. Cái tự do suy nghĩ và biểu đạt, như ý nghĩa cuộc sống tôi. Và tôi muốn sống với nó một cách hạnh phúc.

Nguyễn Viện / SG Nhỏ

Tân Thủ tướng Nhật Kishida quyết chống Trung Quốc

Fumio Kishida

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga (trái) nhận lẵng hoa tặng của cựu bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida, người sắp kế vị làm tân thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP cầm quyền ngày 29 tháng Chín 2021 tại Tokyo. Ảnh Carl Court/Getty Images

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chọn ông Fumio Kishida làm nhà lãnh đạo mới, và mặc nhiên ông sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản kế vị Thủ tướng Yoshihide Suga, người mới đột ngột từ chức chỉ sau một năm. Ông Kishida được coi là nhà chính trị ôn hòa nhưng rất cứng rắn với các mưu đồ của Trung Quốc.

Trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào Thứ Tư 29 Tháng Chín giờ địa phương, ông Kishida đã vượt qua đối thủ chính là ông Taro Kono có khuynh hướng cải cách – hiện là Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản. Ông cũng đánh bại bà Sanae Takaichi, một người theo đường lối bảo thủ cứng rắn được cựu Thủ tướng Shinzo Abe hậu thuẫn và bà Seiko Noda, một nhà lập pháp trung tả có khuynh hướng cấp tiến trong các chính sách xã hội.

Ông Fumio Kishida là người như thế nào, và đường lối chính của ông ra sao? 

Ông Kishida năm nay 64 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình hoạt động chính trị ở Hiroshima. Cha và ông nội của ông là các nhà lập pháp ở hạ viện, ông có liên hệ gia đình với cựu Thủ tướng Kiichi Miyazawa, và là người đứng đầu Kochikai, một trong những phe phái lâu đời nhất của đảng LDP. Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, ông Kishida là Bộ trưởng Ngoại giao kiêm giám đốc phụ trách ủy ban hoạch định chính sách của đảng LDP.

Là con dân của thành phố Hiroshima, thành phố đầu tiên bị ném bom nguyên tử năm 1945; ông Kishida, khi còn là bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, là người đã thiết kế chuyến thăm Hiroshima năm 2016 của Tổng thống Barack Obama – Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất đã đến viếng địa chỉ thảm họa này; và sau đó là các chuyến thăm Hiroshima của Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy và Ngoại trưởng John Kerry. Những cuộc viếng thăm lịch sử này đã góp phần nâng cao nhận thức về tính chất hủy diệt của vũ khí nguyên tử, cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực

Về đường lối chính của ông Kishida, giáo sư Masato Kamikubo, khoa học chính trị tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, nhận định ông Kishida là một chính trị gia “ôn hòa và giàu kinh nghiệm. Nhưng ông không có thất bại mà cũng không có thành công lớn nào trong việc hoạch định chính sách.” Việc chọn ông Kishida làm lãnh đạo cho thấy đảng LDP chủ trương duy trì nguyên trạng đường lối của Nhật Bản thay vì chuyển sang hướng cải cách theo quan điểm của ông Kono hay bà Seiko Noda.

Về chính sách kinh tế, ông Kishida đưa ra ý tưởng thoát khỏi chủ nghĩa tân tự do – cốt lõi của hệ tư tưởng LDP từ những năm 2000 – và tập trung nhiều hơn vào việc giảm chênh lệch về thu nhập trong các thành phần dân chúng. “Khi nền kinh tế của chúng ta phát triển, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn đến bất bình đẳng và phân phối của cải ”, ông nói. Ông Kishida cho biết ông có kế hoạch hỗ trợ các gia đình tăng chi tiêu cho giáo dục và nhà ở, đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen Nhật”. 

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei đầu tháng này, ông Kishida nói: “Bất bình đẳng đã mở rộng hơn nữa vì coronavirus. Việc nâng cao thu nhập của người lao động nên được ưu tiên hàng đầu”. Nhưng Masamichi Adachi, nhà kinh tế của UBS Securities ở Tokyo nói rằng các chính sách kinh tế của Kishida nhìn chung sẽ duy trì “hiện trạng”.

***

Về chính sách đối ngoại, Kishida sẽ tiếp tục chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Đối phó với Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính phủ của ông Kishida, người đã lên tiếng “báo động sâu sắc” trước hành vi hung hăng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

“Cộng đồng quốc tế đang thay đổi đáng kể với việc các hệ thống nhà nước độc tài giành được nhiều quyền lực hơn. Tôi có cảm giác khủng hoảng về điều này”, ông Kishida nói với báo Nikkei. Trong tình hình đó, ông cho rằng Nhật Bản phải có khả năng tấn công các căn cứ hỏa tiễn của đối phương để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào sắp xảy ra. Để bảo vệ “các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng ta sẽ làm việc với những nước có cùng hệ giá trị như Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ và Úc, để chống lại các hệ thống độc tài”, ông Kishida nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei.

Có phần giống với đường lối của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Kishida cho rằng cuộc cạnh tranh với các hệ thống độc tài không chỉ diễn ra trong lĩnh vực quân sự. An ninh kinh tế được đề cao trong chương trình nghị sự của ông. Khi Washington và Bắc Kinh cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ thì Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và Nam Hàn đang phối hợp nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng chiến lược như chất bán dẫn. Trích dẫn ý tưởng về “quy chế kinh tế”, Kishida lập luận rằng “chúng ta cần suy nghĩ về an ninh quốc gia từ nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ vũ lực.”

Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của đảng LDP, đã thể hiện rõ đường lối đó trong nhiều năm qua. Nhật là người đề xuất và đóng vai trò quan trọng trong cơ chế đối thoại an ninh Bộ Tứ (QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng là nước chủ trì Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CT-TPP) sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Giáo sư Kamikubo của Đại học Ritsumeikan cho rằng, với ông Kishida làm Thủ tướng, đường lối chính trị của Nhật dự kiến không có thay đổi đáng kể. Việc chọn ông Kishida, người bảo vệ nguyên trạng, “cho thấy LDP chưa muốn thay đổi”. Trọng tâm thực sự sẽ là cách ông ấy thành lập nội các và những người mà ông ấy bổ nhiệm, ông Kamikubo nhận định.

Hiếu Chân / Saigon Nhỏ

Elon Musk nói gì sau khi vượt Jeff Bezos thành người giàu nhất thế giới?

Elon Musk đã trả lời đề nghị bình luận của Forbes sau khi vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới.

Hôm 27/9, Elon Musk trở thành người thứ ba trên thế giới từng sở hữu khối tài sản trị giá 200 tỷ USD, theo ghi nhận của Forbes. CEO Tesla cũng vượt qua đối thủ trong lĩnh vực không gian Jeff Bezos để trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Khi Forbes đề nghị đưa ra bình luận về thành tích này, Musk đã có hành động ăn mừng chiến thắng trước nhà sáng lập Amazon.

“Tôi đang gửi một bức tượng khổng lồ có chữ số‘ 2 ’cho Jeffrey B., kèm theo một chiếc huy chương bạc”, Musk viết trong một email ngắn.

Elon Musk nói gì sau khi vượt Jeff Bezos thành người giàu nhất thế giới? - Ảnh 1.

Phản hồi của Elon Musk về đề nghị bình luận của Forbes. Ảnh: Forbes

Việc Musk chế nhạo Bezos vốn không phải chuyện hiếm gặp. Vị CEO nổi tiếng lập dị của Tesla từng lên Twitter đùa cợt Bezos là “kẻ sao chép” đến 2 lần (sử dụng biểu tượng cảm xúc mèo – cat emoji). Lần đầu tiên Musk làm điều này vào tháng 4/2019 khi Amazon công bố kế hoạch phóng vệ tinh phủ sóng internet để cạnh tranh với SpaceX. Lần thứ hai vào tháng 6/2020, khi Amazon mua lại công ty xe hơi tự lái Zoox – đối thủ cạnh tranh với Tesla.

Trong những năm gần đây, hai người đàn ông giàu nhất nhì thế giới đã tham gia vào một cuộc đua trên hai khía cạnh: giá trị tài sản ròng và tham vọng bay vào không gian.

Tháng 3/2020, giá trị tài sản ròng của Musk là 24,6 tỷ USD – thấp hơn gần 90 tỷ USD so với nhà sáng lập Amazon. Đến tháng 8 cùng năm, Bezos trở thành người đầu tiên sở hữu tài sản 200 tỷ USD khi cổ phiếu Amazon tăng vọt.

Tuy nhiên, với việc cổ phiếu hãng xe điện Tesla tăng đến 720% trong năm 2020, Musk dần rút ngắn khoảng cách tài sản với Bezos. Đến tháng 1/2021, CEO Tesla lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Vị trí quán quân trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes trong thời gian qua liên tục thay đổi với 3 cái tên Elon Musk, Jeff Bezos và Bernard Arnault. Theo thống kê Real Time của Forbes, hiện Musk vẫn dẫn đầu với 200,3 tỷ USD; tiếp theo là Jeff Bezos với 193,1 tỷ USD và Bernard Arnault với 174 tỷ USD.

Người phát ngôn của Bezos không trả lời yêu cầu bình luận của Forbes.

Cả Jeff Bezos và Elon Musk đều có tham vọng trong việc chinh phục vũ trụ. Ảnh: Medium.

Trong lĩnh vực không gian, Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000, trong khi Musk giới thiệu SpaceX vào năm 2002. Hồi tháng 7 năm nay, Bezos đã thực hiện thành công chuyến bay lên rìa vũ trụ trên tàu New Shepard của Blue Origin. Khi cuộc đua không gian nóng lên, cả 2 vị tỷ phú không ngần ngại thể hiện sự bất đồng quan điểm trên Twitter và trong các bài phát biểu.

Hồi tháng 8, công ty Blue Origin của Jeff Bezos đã đâm đơn kiện Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lên tòa án liên bang vì cơ quan này trao hợp đồng đưa người lên Mặt trăng cho SpaceX. Ngay sau vụ kiện, NASA quyết định tạm dừng hợp tác với công ty công nghệ không gian của Elon Musk.

Không dừng lại đó, cuộc chiến giữa Bezos và Musk còn bao gồm màn chạy đua xây dựng dịch vụ Internet vệ tinh trong không gian.

Hôm 25/8, công ty con của Amazon đệ trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) thư phản đối kế hoạch của SpaceX về mạng lưới các vệ tinh Internet Starlink thế hệ thứ hai và nhấn mạnh những điều chỉnh của công ty đối thủ vi phạm quy tắc của FCC. 6 ngày sau, SpaceX đưa ra phản hồi. Không chỉ công khai xem thường năng lực kỹ thuật của Amazon, SpaceX còn cáo buộc công ty này tìm cách cản trở đối thủ để bao biện cho thất bại của chính họ.

Thậm chí Elon Musk còn châm chọc tỷ phú giàu nhất thế giới rằng “Hóa ra, Bezos nghỉ hưu để bắt tay vào công việc kiện cáo toàn thời gian, chống lại SpaceX”.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh của 2 tỷ phú vẫn thể hiện sự “fair play”. Trước chuyến bay vào vũ trụ của Bezos vào tháng 7, Musk đã lên Twitter để chúc ông và phi hành đoàn Blue Origin may mắn. Hai tuần trước, Bezos cũng chúc mừng Musk và SpaceX đã phóng thành công tàu vũ trụ Inspiration4.

“Chúc mừng Elon Musk và nhóm SpaceX về vụ phóng Inspiration4 thành công, một bước nữa hướng tới tương lai mà tất cả chúng ta đều có thể tiếp cận không gian”, Bezos chia sẻ trên Twitter.

“Xin cảm ơn”, Musk đáp lại.

Theo Linh Lam / NDH

Căn nhà lấy cây xanh làm rèm

ĐÀ NẴNGBức rèm bằng cây dây leo trên tầng hai giảm ánh nắng chiếu trực tiếp vào công trình và tạo nét riêng cho công trình.

Ngôi nhà ba tầng trên khu đất 300 m2 ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ là nơi ở kết hợp văn phòng làm việc, được xây dựng với tiêu chí giản lược về chi tiết, tối giản về vật liệu sử dụng, bền bỉ theo thời gian và thích ứng với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung.

Nhà có diện mạo như những khối hình học, chia làm ba khối theo chiều dài khu đất. Hệ mái mặt tiền được hạ thấp xuống để giảm cảm giác đồ sộ và kéo công trình rộng hơn theo chiều ngang.

Trên khu đất 300 m2, diện tích xây dựng chỉ 190 m2. Công trình được xây lùi vào cả bốn phía để chủ động hoàn toàn về thông gió và chiếu sáng, không phụ thuộc vào mật độ xây dựng xung quanh.

Xen giữa các khối nhà là mặt nước, cây xanh và giao thông trục đứng nhằm tạo ra các khoảng đóng, mở đón gió làm mát công trình.

Điểm nhấn đặc biệt của căn nhà là bức rèm bằng cây đậu biếc. Nó giảm ánh nắng chiếu trực tiếp vào công trình, giữ riêng tư cho người sử dụng mà vẫn đảm bảo thông gió tự nhiên.

Cũng nhờ tấm rèm cây dây leo mà mọi không gian, từ nhà vệ sinh đến phòng ngủ đều nhìn ra không gian xanh.

Trong nhà, toàn bộ tầng trệt dùng làm văn phòng còn không gian sinh hoạt gia đình đặt trên tầng hai và ba. Hai khu vực này có lối đi riêng nên không ảnh hưởng tới nhau.

Lối thiết kế mở cho phép gió và ánh sáng đi khắp nhà đồng thời khuyến khích sự giao tiếp giữa các thành viên gia đình.

Nội thất sử dụng chủ yếu vật liệu mộc mạc, bền lâu như bê tông trần, đá mài. Trên nền màu sắc trắng xám, các món đồ gỗ tự nhiên tạo thành điểm nhấn và tăng sự ấm cúng.

Toilet cũng được thiết kế đồng bộ với các không gian khác của nhà.

Sự kết hợp giữa chất liệu đơn giản, ánh sáng tự nhiên và cây xanh tạo nên những trải nghiệm thú vị cho gia chủ.

Minh Trang /Ảnh: Hoàng Lê / Thiết kế: PsA House Architecture

Vì sao bộ phim ‘Godfather’ lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?

Bốn thập niên sau ngày ra đời, “Godfather” (“Bố già”, 1974) vẫn được xem như một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại; vẫn đứng thứ hai trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất của Viện phim Mỹ; vẫn đứng thứ hai trong Top 250 phim cao điểm nhất của IDMB. Và tiếp tục được không ít đàn ông trên thế giới gọi tên, khi được hỏi về bộ phim mình yêu thích nhất.

Vì sao bộ phim ‘Godfather’ lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?

Rốt cục thì vì sao, “Godfather” lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?

Điều đầu tiên và trước hết: Thể loại! Gangster, và phim gangster, là một món đặc sản Hoa Kỳ. Phim gangster nói chung, với súng ống, máu lửa, và tình huynh đệ, luôn là một thứ adrenaline, một liều thuốc rất dễ gây nghiện đối với đàn ông. Mà Godfather thì lại là Bố già của thể loại gangster, nên chuyện đàn ông mê Godfather không có gì là khó hiểu. Mê đến như Cổ Long, viết cả một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp “Lưu tinh, hồ điệp, kiếm” – lấy nguyên mẫu nhân vật chính từ Don Corleone.

Điều thứ hai, “Godfather” là một (đúng ra là hai) câu chuyện chỉ dành riêng cho đàn ông. Câu chuyện thứ nhất là về một chàng trai, bằng trí tuệ, bằng dũng khí, bằng sự tàn nhẫn, vươn lên ngôi vị ông trùm của thế giới mafia. Cái giấc mơ vùng vẫy giang hồ ấy hẳn đã từng đeo đuổi không ít gã trai suốt một thời niên thiếu. Câu chuyện thứ hai, thật hơn, đời hơn, và gần gũi hơn, là về tình phụ tử. Về một đứa con ghé vai gánh vác cơ nghiệp cả đời của người cha khi gia đình gặp cảnh hiểm nghèo. Nhiều người đàn ông chưa chắc đã nhận ra điều đó, nhưng tự đáy lòng mình họ lại đồng cảm với nó một cách rất bản năng.

Điều thứ ba, và có lẽ cũng là cốt lõi: “Godfather” có một tuyến nhân vật nam hết sức đặc biệt, nếu không muốn nói là hùng hậu. Từng người đều là điển hình cho một mẫu đàn ông. Trong số họ, có người gần như hoàn mỹ như Michael, và có những người khiếm khuyết như Santino hoặc Johnny (Fontane), nhưng không ai có thể phủ nhận rằng họ rất rất điển hình.

Hai nhân vật chính, Vito và Michael Corleone, chia sẻ một phẩm chất chung: họ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Óc khôn ngoan, lòng quyết đoán, và sự nhẫn tâm cho họ đứng trên người khác; và khi trời sập xuống, đã có họ nghiêng vai chống đỡ. Nhưng cả hai, xét cho cùng, đều là những người hùng bất đắc dĩ. Vito, nếu không bị Don Fanucci dồn đến đường cùng, hẳn đã an phận là một anh bán rau quả. Michael, nếu không phải chứng kiến cảnh bố mình thập tử nhất sinh, hẳn sẽ không bao giờ dính dáng đến sự vụ của nhà Corleone. Chỉ khi bước vào hiểm cảnh, những tố chất siêu việt ấy mới trỗi dậy trong họ.

Nhưng giữa Vito và Michael không phải không có khác biệt. Vito là dân Ý gộc, đại diện cho truyền thống; còn Michael, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đại diện cho sự giao thoa của hai nền văn hóa. Mặc dù vậy, nhưng Michael lại thoải mái như cá gặp nước khi trở về nguồn cội. Khí chất của anh không chỉ bộc lộ khi hạ sát kẻ thù hay khi điều hành gia tộc, mà còn được thể hiện (trong những tháng ngày lưu lại đất Sicily) theo một cách khiến cánh đàn ông không khỏi thở dài ngưỡng mộ. Cái cách Michael chinh phục Apollonia và gia đình cô, nó vừa tôn nghiêm, vừa hùng hồn, vừa câm lặng. Cái cách Michael đối diện với ông bố vợ tương lai, với các bà cô bà bác bà dì lẽo đẽo theo chân đôi tình nhân trẻ, nó vừa tự tin, vừa điềm tĩnh, vừa ngạo mạn.

Người viết tin rằng, khi xem tới đoạn này, nhiều anh con giai chỉ ao ước rằng mình có một nửa cái khí phách của Michael mỗi lần ló mặt đến nhà nhạc phụ tương lai. Rõ ràng, Michael là hiện thân của sự mẫu mực trong mọi vai trò mà anh gánh vác: là người lính, anh được phong anh hùng; là đứa con, anh kế thừa xuất sắc cha mình; là người chồng, anh có sự tôn sùng tuyệt đối từ Apollonia; là ông trùm, anh được đàn em kính nể và kẻ thù sợ hãi. Chưa hết, anh (trong ngoại hình của Al Pacino) lại đẹp trai lồng lộng, và ăn mặc cũng cực kỳ khí phái nam nhi (hay tất cả đàn ông ngày đó đều ăn mặc như thế, khác hẳn phong cách metrosexual nhan nhản thời nay?) Đời một thằng đàn ông, thử hỏi còn mong gì hơn thế?

Nếu Vito và Michael là một cặp đôi của sự tương đồng thì Santino Corleone và Tom Hagen lại là một cặp đôi của sự đối lập – từ địa vị đến ngoại hình và tính cách. Sonny là con đẻ, Tom là con nuôi; Tom người Mỹ tóc vàng, Sonny dân Ý tóc đen; Tom là văn quan, Sonny là võ tướng; Tom lạnh lùng trầm tĩnh bao nhiêu thì Sonny máu nóng, bốc đồng bấy nhiêu. Cái tỉnh táo đầy lý trí của Tom và cái hoang dại rất bản năng của Sonny đều là hai mặt của người đàn ông, và chúng ta có thể không thấy mình rõ lắm ở con-người-siêu-nhiên Michael, nhưng sẽ thấy mình ít nhiều ở một hoặc cả hai nhân vật này.

Một nhân vật khác cũng không kém phần đặc biệt của “Godfather”, chính là Johnny Fontane. Trở lại với câu hỏi “đàn ông còn mong gì hơn thế”: có lẽ không ít người, nếu không mong được như Michael, sẽ mong được như Johnny Fontane. Johnny, mà giọng ca êm như nước và mềm như lụa khi ca bài “I have but one heart” đã thuốc chết bao trái tim thiếu nữ trong đám cưới của Connie lúc đầu phim.

Johnny, mà nguyên mẫu, theo giang hồ đồn đại, chính là Frank Sinatra lẫy lừng một thuở, thần tượng của vô vàn cô bé tuổi ô mai. “Godfather” phim không dành cho Johnny nhiều đất diễn, nhưng “Godfather” truyện lại khắc họa rất kỹ chân dung gã kép đào hoa, mà đoạn anh Johnny cua bé Sharon, dưới ngòi bút Mario Puzo và qua bản dịch Ngọc Thứ Lang, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình.

Puzo đã vẽ nên những cá tính lớn, và điều còn lại mà Coppola phải làm là chọn mặt gửi vàng cho từng vai diễn.

Cả Corleone bố và Corleone con đều đáng gọi là những con phượng giữa bầy gà, và Coppola không có giải pháp nào khác ngoài việc đi tìm chim phượng để vào vai chim phượng. Con phượng già tên là Marlon Brando, cây đại thụ, kẻ mở đường, biểu tượng về sức hút nam tính của điện ảnh. Chọn người đàn ông đàn ông nhất Hollywood vào vai Don Corleone, Coppola không sai lầm và không thể sai lầm. Cái giỏi của ông là đôi mắt xanh đã nhìn ra hình hài chú phượng non đang trổ mã trong Al Pacino (Michael chỉ là vai chính thứ hai trong bộ phim thứ ba của chàng diễn viên vô danh). Và nếu tính cả phần hai, với De Niro trong vai Vito thời trẻ, thì có thể nói Coppola đã được trời phú cho một bộ ba thần thánh để biến câu chuyện truyền kỳ của nhà Corleone thành bất tử.

Theo DEP.COM.VN

Bàn về sự tha hóa của ngôn từ

Tục ngữ Việt Nam có câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến.

Tôi xin hết lòng (truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan) kể về một người đàn bà, thức nhiều đêm ròng để trông một cô gái ốm và lúc nào cũng xoen xoét cái miệng: tôi xin hết lòng vì cô. Có gì đâu, chỉ vì bà ta quá mê bộ tóc của cô bé. Sự việc lộ ra khi, lấy cớ giúp cho cái đầu cô bé khỏi vướng víu, trong lúc trông nom cô, bà ta đã đang tay cắt trộm mái tóc ấy.
Một ý ngầm toát lên qua thiên truyện: hóa ra ở đời này chẳng có ai tốt với ai cả!
Nhưng đọc Tôi xin hết lòng, tôi muốn lưu ý một khía cạnh khác: trong trường hợp này, lời nói đã trở thành công cụ cho người ta thực hiện ý đồ xấu xa. Nó trở nên hàm hồ, tùy tiện, lăng nhăng, giả dối, một thứ sản phẩm của tình trạng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo như các cụ xưa vẫn nói.
Ý nghĩ này thường trở đi trở lại trong đầu tôi khi hàng ngày chứng kiến cảnh người ta lừa nhau ở các bến xe, bến tàu. Thử đứng ở đầu cầu Chương Dương (Hà Nội) chẳng hạn.
Những chiếc xe khách chở người từ các vùng quê về chưa kịp đỗ đã có hàng loạt xe ôm chờ sẵn. Mỗi hành khách xuống xe lập tức trở thành con mồi để đám xe ôm xô đến tỏ thiện ý muốn giúp đỡ. Lời nói bao giờ cũng ngọt xớt. Người ngoài nghe thấy mà rùng mình, sự thực là họ đang lừa người ta để bên này bùi tai thì bên kia “chém”.
Đại khái cũng giống như các chương trình khuyến mãi của một số công ty làm ăn kiểu bất chính quảng cáo trên truyền hình. Họ lấy ngay tiền của người mua hàng để làm phần thưởng. Mỡ nó rán nó. Của người phúc ta. Nói ra rả hàng ngày mà không ai thấy chướng.
Có cái ác là nhiều khi biết người ta nói dối đấy mà không sao vạch mặt ra được. Chẳng hạn nhiều khi có việc cần đến một cơ quan thì thấy đập vào mắt tấm bảng viết nguệch ngoạc “Cơ quan chúng tôi xin được phép nghỉ sáng nay để họp”. Cùng là cán bộ nhà nước cả, nên tôi cũng chẳng giận làm gì, mặc dầu biết tỏng là nhiều khi người ta chẳng họp hành gì cả, mà chỉ yết bảng thế, để kéo nhau đi chơi (mùa này là đi du xuân).
Nhưng đau là đau ở khía cạnh khác: cái sự nói dối trắng trợn. Người ta coi thường và làm hỏng hết công việc của những người đến liên hệ công tác, nhưng lại làm bộ nhũn nhặn xin phép, ra điều tôn trọng chúng tôi, sợ chúng tôi lắm, phải được phép chúng tôi thì mới đuổi chúng tôi về hôm khác đến như vậy.
Từ góc độ xã hội học, đây là một biểu hiện của sự tha hóa ngôn từ, khi con người không còn làm chủ được công cụ giao tiếp này nữa và bản thân công cụ có một sự phát triển tự thân vô tổ chức (tương tự như tình trạng tế bào ung thư).
Bắt đầu là sự phát triển vô tội vạ của số lượng. Tiếp đó là những biến dạng kỳ dị. Sự không phù hợp giữa nội dung và phương thức biểu hiện ngày càng trở thành một thiên hướng không thể cứu vãn.
Tương tự như tình trạng giao thông làm chậm tốc độ đi lại, sự hỗn loạn trong ngôn ngữ cũng ngăn trở sự tiếp xúc giữa người ta với nhau và làm giảm mức độ phát triển của xã hội – nghĩ xa một chút phải thấy như vậy. Nhưng ở đây ta hãy nói với nhau ít chuyện cụ thể.
Một lần lẩn mẩn tra từ điển tiếng Việt, tôi bắt gặp vài chục từ ghép đi liền với chữ nói, tạm ghi ra như sau: nói bóng nói gió, nói càn, nói cạnh nói khóe, nói chọc, nói chơi, nói chua, nói cứng, nói dựa, nói dóc, nói dối, nói điêu, nói gạt, nói gần nói xa, nói gở, nói hớt, nói khoác, nói lảng, nói láo, nói leo, nói lửng, nói mát, nói mép, nói móc, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói nhăng nói cuội, nói như thánh phán, nói như vẹt, nói phách, nói phét, nói quanh, nói quấy nói quá, nói ra nói vào, nói suông, nói thách, nói thánh nói tướng, nói trạng, nói trống không, nói vơ, nói vụng, nói vuốt đuôi, nói xỏ… Trong số này, trên chín chục phần trăm là những từ mô tả sự nói với nghĩa xấu.
Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến. Cảm giác xấu về lời nói đè nặng lên tâm lý con người, bởi sự làm hàng giả len vào tất cả mọi lĩnh vực và sự giả dối hứa hão thì tìm đâu cũng ra ví dụ.
Trên một tờ báo chuyên về văn hóa, một lần thấy có thư của một bạn đọc than phiền vì những sự hứa hươu hứa vượn. Một bộ phim quảng cáo là phim kinh dị “made in Vietnam” và có tới 69 bài viết trên các báo lăng xê, sẽ không bao giờ bấm máy. Một bộ phim khác được giới thiệu là có đến hai diễn viên Hàn Quốc tham gia nhưng hóa ra… treo đầu dê, bán thịt chó, bởi chẳng có công ty nào của Hàn Quốc phối hợp cả. Đại khái như vậy. Người ta cứ làm hàng giả hàng ngày. Sợ gì đâu, chưa có thứ thuế nào dành riêng cho kẻ hứa hão. Còn muốn tiếp tục gieo rắc ảo tưởng ấy ư, hãy chi đậm thêm một chút cho “những cái lưỡi”, thế là xong tuốt!
Theo VƯƠNG TRÍ NHÀN / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Những con số báo hiệu đại dịch COVID-19 sắp kết thúc

Những con số báo hiệu đại dịch COVID-19 sắp kết thúc
Mới đây, tạp chí Nature đã đưa ra 3 dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc.

Trước đó, theo thông tin từ Reuters, giải đáp về việc khi nào nhân loại có thể thoát khỏi đại dịch, ông Bancel, CEO hãng Moderna cho rằng, một năm nữa, đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất vaccine được đẩy mạnh, đáp ứng nguồn cung trên toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “This Week” của ABC ngày 26/9, CEO Pfizer Albert Bourla cũng cho rằng, trong vòng một năm, chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Đồng thời, có khả năng cao mọi người cần tiêm vaccine COVID-19 hàng năm.

Theo Gulf News, các đại dịch kinh hoàng trong quá khứ như: dịch bệnh Athens (năm 430 TCN), dịch hạch Antonine (năm 165), dịch Cyprian (năm 250), dịch hạch Justinian (năm 541), cúm Tây Ban Nha (năm 1918), cúm Nga (năm 1977), cúm lợn (năm 2009), SARS, MERS đều đã kết thúc.

Cũng tương tự như vậy, COVID-19 sẽ tới ngày kết thúc, theo các nhà nghiên cứu, đại dịch có thể chấm dứt theo nhiều cách khác nhau, và nó chấm dứt ra sao còn phụ thuộc vào định nghĩa thế nào là kết thúc. Một số chuyên gia nhận xét, khi số ca mắc hằng ngày và số ca tử vong do COVID-19 giảm thấp hơn số ca tử vong do cúm, thì có thể coi là đại dịch COVID-19 chấm dứt về mặt lý thuyết.

Theo tạp chí Nature, một loạt số liệu chỉ ra những dấu hiệu cho thấy, dịch COVID-19 sẽ sớm chấm dứt. Đó là:

Thứ nhất, trong vòng 6 tháng qua, việc sản xuất và tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã được đẩy nhanh. Trong vòng 198 ngày qua, số liều vaccine được tiêm đã tăng gấp 18 lần, từ 326 triệu liều vào ngày 11/3 lên 6,12 tỷ liều vào ngày 25/9.

Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày đã tăng hơn ba lần, từ 8,25 triệu liều/ngày vào 11/3, đã tăng thành 29,1 triệu liều/ngày vào 25/9.

Thứ ba, số người bình phục sau khi mắc COVID-19 cũng tăng hơn 3 lần, từ 66,7 triệu người lên 219 triệu người giữa hai thời điểm so sánh.

Theo số liệu thống kê của worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 232.967.514 ca. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, ngay cả những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu. Bên cạnh đó, số ca tử vong cũng có xu hướng giảm.

Hiện nay, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo, đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh. Từ tháng 3/2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332 và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir – loại thuốc đã được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.

Theo Pfizer, thử nghiệm có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành, là những người bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc được xác định mới tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viện này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir, hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.

Nhiều hãng dược khác cũng đang thử nghiệm các thuốc uống hiện có để điều trị COVID-19, song Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Hồng Nhuận / Doanh nghiệp & Tiếp thị

Evergrande: Giấc mơ ấp ủ từ thời thơ ấu biến thành cơn ác mộng nợ nần, đẩy giới tài chính vào tình thế ‘nóng như lửa đốt’

Evergrande: Giấc mơ ấp ủ từ thời thơ ấu biến thành cơn ác mộng nợ nần, đẩy giới tài chính vào tình thế 'nóng như lửa đốt'
Vào một ngày thứ Hai u ám đầu năm 2017, Hứa Gia Ấn chủ trì một cuộc họp với nhân viên ở tỉnh Quảng Châu. Tại đó, ông đặt ra một mục tiêu táo bạo cho China Evergrande – một mục tiêu sẽ đẩy nhà phát triển này trở thành trung tâm của cơn bão “xé toạc” giới tài chính vào 4 năm sau đó.

Những mục tiêu đầy tham vọng

Ngồi trên bục cao cùng các giám đốc điều hành cấp cao nhất, ông Hứa đã vạch ra kế hoạch phát triển và đa dạng hóa cho Evergrande. Ông muốn đạt mức doanh thu 1 nghìn tỷ NDT (154,8 tỷ USD) vào năm 2020, tương đương gấp gần 5 lần doanh thu năm 2016.

Bên ngoài cửa sổ của Evergrande vào một buổi sáng tháng 2, một “cơn bão” quy định đang ập đến. Các giám sát viên ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán do PBOC chỉ đạo đã giáng một đòn mạnh đối với những người mua các loại tài sản lợi suất cao nhất.

Giới chức Trung Quốc lo ngại rằng các khoản vay ngân hàng đang tăng lên quá nhanh, làm dấy lên nguy cơ tháo chạy vốn. Nguyên nhân là do các khoản vay trong nước được sử dụng để mua tài sản ở nước ngoài mà không có hiệu quả đối với nền kinh tế trong nước. Song, điều tồi tệ hơn nữa là một số công ty đã bắt đầu bán các sản phẩm quản lý tài sản cho công chúng, sử dụng hình thức này như “rương chiến” để gọi vốn cho những khoản đầu tư của họ.

Cuộc trấn áp quy định trở nên căng thẳng vào 2 tháng sau bài phát biểu của ông Hứa. Theo đó, 4 tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc dần “ngã ngựa”: Anbang Group, Dalian Wanda và HNA Group.

Evergrande: Giấc mơ thời thơ ấu của tỷ phú Hứa Gia Ấn biến thành cơn ác mộng nợ nần, đẩy giới tài chính vào tình thế nóng như lửa đốt  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Evergrande vẫn không “hề hấn”, ngoại trừ việc bị cảnh báo về thương vụ tiếp quản China Vanke thất bại của đơn vị Evergrande Life. Cho đến nay, tập đoàn này vẫn tiếp tục bán các sản phẩm quản lý tài sản sau khi tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Evergrande đặt trụ sở tại Thâm Quyến từ tháng 8/2017, được mệnh danh là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, với tổng nợ phải trả là 300 tỷ USD trong khi tài sản của công ty chỉ là 2,38 nghìn tỷ NDT. Công ty này đang khiến các ngân hàng và thị trường vốn trên toàn cầu chật vật với khoản thanh toán lãi 120 triệu USD đến hạn trong tuần này, 30% trong số đó đã bị lỡ hạn thanh toán.

Mơ ước khi còn nhỏ

Hứa Gia Ấn sinh ra tại một ngôi làng ở Gaoxin – thị trấn với chưa đến 50.000 người sinh sống ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Thời thơ ấu, ông sống cùng bà nội, sau đó theo học ngành luyện kim tại Học viện Gang thép Vũ Hán và làm việc tại một nhà máy thép ở thành phố này.

Năm 1987, một chính sách mới được ban hành, Thâm Quyến đã bán quyền sử dụng đất cho nhà nước, tạo tiền lệ cho việc đất của địa phương được sử dụng làm nhà ở tư nhân. 1 năm sau, Trung Quốc ban hành luật để chính thức khẳng định khái niệm nhà ở thuộc sở hữu tư nhân.

Tìm thấy điểm hấp dẫn ở những cải cách mới, ông Hứa bỏ việc ở nhà máy thép vào năm 1992 và đến miền nam Trung Quốc. Ban đầu, ông làm việc trong lĩnh vực giao dịch. Tại đây, ông đã tận dụng được nhiều cơ hội từ làn sóng thương mại đang phát triển của Trung Quốc với thế giới và làn sóng khởi nghiệp đang đi lên. 4 năm sau, ông thành lập Evergrande ở Quảng Châu và bắt đầu xây dựng các căn hộ cao tầng và bán cho người mua ở một thị trường bất động sản nhà ở mới có “tuổi đời” 10 năm.

Evergrande: Giấc mơ thời thơ ấu của tỷ phú Hứa Gia Ấn biến thành cơn ác mộng nợ nần, đẩy giới tài chính vào tình thế nóng như lửa đốt  - Ảnh 2.

Ông chủ Evergrande và họ hàng tại quê nhà.

Cuối năm những 1990, trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, ngành bất động sản nước này vốn được thống trị bởi những nhà phát triển lớn, thuộc sở hữu nhà nước. Các căn hộ đều có diện tích lớn và giá vượt khả năng chi trả của rất nhiều người, trừ những người giàu có nhất.

Trong khi đó, những dự án của ông Hứa tập trung vào xây dựng những căn hộ có giá phải chăng cho thị trường đại chúng. Mục tiêu này bị ảnh hưởng bởi ký ức của ông khi còn là một đứa trẻ sống ở làng quê, mơ về cuộc sống chốn thành thị. Để thực hiện, ông đã đi vay để xây dựng với chi phí thấp, bán nhà trước khi hoàn thiện và tận dụng doanh thu cao để thu hút vốn từ nhà đầu tư.

Gan Li – giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam, cho biết: “Các nhà phát triển như Evergrande đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ kế hoạch bán nhà trước khi hoàn thiện và đòn bẩy cao trong những ngày đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Điều chính phủ cần không phải là các công ty hay tỷ phú có đòn bẩy tài chính cao, mà hướng lĩnh vực này theo con đường tăng trưởng hợp lý.”

Chiến lược của ông Hứa vẫn phát huy hiệu quả. 12 năm sau khi thành lập, Evergrande chính thức niêm yết tại Hong Kong với định giá 6,5 tỷ HKD. Khi tròn 21 năm hoạt động vào năm 2017, tập đoàn này chính thức trở thành nhà phát triển bất động sản lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, vượt qua đối thủ lâu năm là Vanke. Ông Hứa cũng trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong bảng xếp hạng của Forbes vào năm 2017, với tài sản ước tính khoảng 42,2 tỷ USD.

Cùng với đó, Evergrande đã bành trướng ra nhiều lĩnh vực khác. Công ty này đã mua một đội bóng vào năm 2020, chi tiêu mạnh tay để ký hợp đồng với các cầu thủ quốc tế. Guangzhou Evergrande FC – câu lạc bộ bóng đá giàu nhất Trung Quốc, đã nhận cúp vô địch trong 7 giải đấu liên tiếp của Chinese Super League.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng lấn sân sang mảng xe điện. Hồi tháng 1, China Evergrande New Energy Vehicle Group đã huy động được 3,35 tỷ USD. 7 tháng sau, 75 tỷ USD vốn hóa đã bị “xoá sạch” và đơn vị này vẫn chưa sản xuất được một chiếc ô tô nào.

Evergrande sẽ bị chia tách?

Bất động sản là một trong những ngành được giám sát chặt chẽ nhất tại Trung Quốc, phần lớn được các cơ quan quản lý từ NHTW đến các nhà hoạch định chính sách theo dõi sát sao do lo ngại về tác động với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng. Cứ sau vài năm, giới chức Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và quy tắc hành chính để ngăn chặt dấu hiệu của bong bóng bất động sản và tình trạng đầu cơ.

Gần đây nhất, giới chức nước này đã đặt ra kế hoạch “Ba Lằn ranh đỏ”, giới hạn các khoản vay của các nhà phát triển bất động sản cho đến năm 2023. Do đó, theo Warut Promboon – CEO của Bondcritic, việc này buộc Evergrande phải tăng vốn và tiền mặt thông qua việc hạ giá nhà.

Song, đây không phải yếu tố đầu tiên gây rủi ro cho thanh khoản của Evergrande. Khi giá nhà sụt giảm ở khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc vào năm 2015, tập đoàn này đã nhận khoản cứu trợ 100 tỷ NDT từ Ngân hàng Trung Quốc (BOC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (CABC).

Tháng 6, các ngân hàng Trung Quốc được yêu cầu phải kiểm tra bảng cân đối kế toán xem liệu họ có tiếp xúc với Evergrande hay không sau khi công ty này vỡ nợ đối với các hối phiếu thương mại. Ngày 1/7, ông Hứa xuất hiện với tư cách khách mời tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Song, Zhou Chuanyi – nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics, nhận định tình hình hiện tại khác xa so với hồi tháng 6.

Evergrande: Giấc mơ thời thơ ấu của tỷ phú Hứa Gia Ấn biến thành cơn ác mộng nợ nần, đẩy giới tài chính vào tình thế nóng như lửa đốt  - Ảnh 3.

Joseph Lau Luen-hung – ông trùm địa ốc Hong Kong, đối tác lâu năm của Hứa Gia Ấn.

Mỗi lần ông Hứa bán tài sản, thì “ông trùm” Hong Kong Joseph Lau Luen-hung – nhà sáng lập Tập đoàn China Estates Holdings, sẽ là người mua. Tuy nhiên, sự thay đổi đã xảy ra vào cuối tháng 7 khi Evergrande thông báo không trả cổ tức, cổ phiếu và trái phiếu cũng lao dốc. China Estates – một trong những đối tác lâu năm của ông Hứa kể từ năm 2009, đã bán 108,9 triệu cổ phiếu Evergrande từ ngày 30/8 đến 21/9 dù lỗ 1,38 tỷ HKD.

Chưa dừng ở đó, hàng loạt nhà đầu tư hôm 11/9 đã kéo đến trụ sở Thâm Quyến để yêu cầu Evergrande hoàn trả tiền cho các sản phẩm quản lý tài sản mà họ đã mua.

Những khoản nợ chồng chất đang khiến Evergrande bị so sánh với “bộ tứ” vỡ nợ của Trung Quốc là Anbang, CEFC, HNA và Wanda. Họ đều phải thu hẹp quy mô sau khi nợ nần chồng chất. Tuần trước, HNA đã bị chia tách thành 4 công ty riêng biệt sau khi phá sản.

Cũng như HNA, việc tái cơ cấu dưới sự giám sát của nhà nước là điều có thể xảy ra với Evergrande, khi họ chật vật để 15,7 tỷ USD trái phiếu nước ngoài và 56 tỷ NDT trái phiếu trong nước không vỡ nợ.

Một số chuyên gia đã nhận định Evergrande sẽ là “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không để một doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn sụp đổ. Nhiều nhà đầu tư các ngân hàng quốc tế tin rằng Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra kế hoạch hoặc thực hiện bước đi để giảm thiểu tác động.

Tham khảo SCM / Vu Lam / Doanh nghiêp & Tiếp thị