HÀ TĨNH – Nông trại Khe Lang Green ở huyện Can Lộc được ví như một miệt vườn, du khách có thể hái hoa quả ăn tại chỗ, trải nghiệm làm nông nghiệp…
Nông trại Khe Lang Green rộng hơn 30 ha, ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc. Nơi đây được bao quanh bởi những ngọn đồi thoai thoải kề nhau, bên cạnh là hồ nước rộng lớn, không gian thoáng đãng và nên thơ.
Trại cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 30 km, di chuyển bằng ôtô hoặc xe máy mất 40 phút. Đây là nơi lý tưởng để nhiều du khách “bỏ phố lên rừng”, rời xa sự nháo nhiệt của thị thành về với vùng sơn cước hữu tình. Lối vào trại là đường bê tông rộng 4 m, dài hơn 1 km, với nhiều con dốc uốn lượn giống như những cung đường quanh rừng thông ở Đà Lạt.
Nhìn từ trên cao, nông trại như một thấm thảm xanh khổng lồ với nhiều loại cây ăn quả được trồng theo các ô hình vuông, chữ nhật, tam giác.
Ông Lê Vạn Hải (47 tuổi, chủ nông trại, góc phải) cho biết, bốn năm trước, ông mua lại đất của dân và đặt vấn đề với chính quyền làm mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Hoa quả trong trại đã cho thu hoạch, bán được nhiều lứa. Mô hình du lịch mới áp dụng, thời gian tới sẽ tính toán hướng thu phí trải nghiệm.
Nông trại trồng 1.500 gốc thanh long, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ chính, một vụ 20 tấn, cứ 55-60 ngày thì hái một lứa.
Ngoài ra tại trại còn nhiều cây ăn quả đặc trưng như bưởi da xanh, Phúc Trạch, cam giòn, cam Vinh, táo, ổi, xoài… Trên ảnh là vườn táo rộng 2 ha.
500 gốc mít Thái đang mùa cho quả. Theo ông Hải, mục tiêu đặt ra là bất kỳ quãng thời gian nào trong năm cũng có 3-4 loại trái cây vào chính vụ để du khách thưởng thức.
Du khách có thể đẩy xe đi thu hoạch quả, trải nghiệm các công việc của nông dân như: chăm sóc cây, tưới nước, dọn cỏ làm sạch khuôn viên… “Đến đây, tôi có cảm giác như đang lạc vào một khu miệt vườn miền Tây với đủ loại hoa quả khoe sắc”, Khánh Linh (ảnh, trú TP Hà Tĩnh) nói.
Theo ông Lê Vạn Hải, trại sử dụng các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật để chăm sóc cây. Do vậy quả luôn là sản phẩm sạch, du khách khi ghé thăm có thể hái quả từ trên cành xuống cắt ăn tại vườn mà không cần rửa. “Trong một buổi du khách sẽ trải nghiệm hết các khu vườn, hòa mình vào thiên nhiên đồi núi và sông suối xung quanh”, ông Hải cho hay.
Trại có hệ thống hồ nuôi cá rộng hàng nghìn m2, du khách có thể chèo thuyền đi dạo hóng mát dưới lòng hồ hoặc thả lưới bắt cá…
Nông trại nuôi lợn, gà, vịt, thả cá, trồng nhiều loại rau xanh… Sau những buổi trải nghiệm vườn đồi, ai có nhu cầu dùng bữa trưa và tối có thể liên hệ với gia chủ để thưởng thức những món ăn “cây nhà lá vườn”.
Khe Lang Green có 17 nhân công chính thức, ngoài ra còn có các lao động thời vụ, lương một người trung bình mỗi tháng 6 triệu đồng.
Khoảng năm 1950, tôi đang học lớp Đệ Ngũ tại trường trung học đệ nhất cấp Nguyễn Trãi (Hà Nội) do thấy Đào Duy Trinh, giáo sư Sử-Địa làm hiệu trưởng. Khi ấy tôi học rất nhàn, có nhiều thời gian rỗi rãi nên tôi bèn ghi tên theo học lớp Đệ Tứ của thầy Bùi Hữu Đột mở tại nhà riêng ở phố Hàng Bè. Thầy chỉ dạy các môn khoa học tự nhiên Toán Lý Hóa, lớp học chỉ có chừng 30 học sinh. Tôi nhớ thầy giảng dạy rất có phương pháp, trình bày trên bảng tóm tắt các kiến thức cơ bản của bài giảng, dùng phấn màu rất hợp lý, cứ đến cuối giờ là mọi kiến thức cần nhớ đều được ghi đầy đủ trên bảng, chỉ cần nhìn là thấy rõ.
Cùng lớp có cô Nguyễn Thị H.; vóc người nhỏ nhắn, nét mặt xinh đẹp, nhưng nếu để ý sẽ thấy trên trán cô có một vết bớt màu xanh mờ, vì thế bao giờ cô cũng để xõa tóc phía trán ấy, nhằm che vết bớt đi. Cô chăm chỉ nhưng theo bài có phần khó khăn. Thấy tôi học dễ dàng nên H. chủ động làm quen, nhằm mượn các vở ghi bài giảng cũng như vở bài tập của tôi. Lúc đó tôi sống với chị Ba ở phố Thuốc Bắc, có lần khi H. đem trả tập vở mượn của tôi, có bìa vở bị vết mỡ dính vào, lau không sạch, cô đỏ mặt xin lỗi. Thói galant con trai nổi lên, tôi vội nói không sao đâu và mời cô vào nhà chơi, song cô không dám, từ biệt ra về. Sau đó, tôi bảo nếu cô đồng ý, tôi sẽ đem vở đến tận nhà cho cô mượn, cô rất vui và mời tôi đến chơi.
Chủ Nhật sau, tôi đến nhà cô, một biệt thự cổ ở con phố mà bây giờ gọi là phố Nguyễn Du. Nhà hai tầng, có sân thượng, tầng dưới có phòng khách, phòng ăn, cô ở tầng hai, có ban công nhìn xuống con đường rợp bóng cây. Thế là tôi thường đến đó vào chiều Chủ Nhật, H. hay đem các bài chưa hiểu ra hỏi, nhờ tôi giảng lại. H cho biết, do là chị lớn, nhà đông anh chị em, nên rồi đây cô sẽ xin thi vào trường y tế, ra làm việc đỡ đần bố mẹ.
Minh họa: Anjali Mehta/Unsplash
Cuối năm học, tôi xin thi “nhảy” (vượt cấp) vì đỗ bằng tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp dễ dàng, tuy nhiên Luật Giáo dục cấm thi nhảy, buộc tôi phải học lại lớp Đệ Tứ một năm nữa. Tiếc công, muốn lên học các lớp Đệ Nhị cấp, tức là các lớp chuyên khoa, chỉ cón có một cách là thi vào trường Albert Sarraut. Thời ấy học sinh Việt Nam, dù có giỏi mấy thì trình độ tiếng Pháp cũng chỉ làng nhàng, không thể nghe giảng bài bằng tiếng Pháp được. Tôi bèn xin tiền gia đình theo học lớp tiếng Pháp cấp tốc ba tháng tại nhà giáo sư Lê Công Đắc.
Thầy Đắc là tác giả hai cuốn từ điển Pháp-Việt và Việt-Pháp khá nổi tiếng thời bấy giờ. Thầy hay mở lớp cấp tốc ba tháng nhằm giúp học trò sớm có trình độ tiếng Pháp đủ để xin đi làm ở các công sở của người Pháp. Lớp học của thầy thường chỉ bốn năm người, ngồi quanh cái bàn hình ô-van khá lớn, thầy dạy bằng cách vừa giảng bài, vừa chữa bài, vừa truy bài từng học trò. Thầy hỏi câu nào học trò phải trả lời nhanh, gọn, chính xác ngay, hễ trả lời sai là thầy mắng thậm tệ, có người phải phát khóc.
Trước khi ra về, thầy ra bài tập, thường là tìm cách chia mười động từ bất quy tắc, làm một bài dịch xuôi (traduction), một bài dịch ngược (thème) và viết một bài luận, dài không quá 30 dòng, hôm sau đem đến cho thầy chữa. Ngoài ra thầy còn dạy cách đọc văn Pháp. Để làm mẫu, thầy đọc cho nghe một bài viết của bà văn sĩ De Stael, bài viết có đoạn tả cảnh cưỡi ngựa, tôi nhớ thầy đọc sao mà như nghe rõ cả tiếng vó ngựa phi vậy. Ban đầu tôi theo học rất khó khăn nhưng chỉ sau ba buổi tôi đã theo kịp, đáp ứng được mọi yêu cầu của thầy. Bốn khả năng đọc, nghe, nói, viết đều thành thạo từ lớp học này, nhờ đó tôi đã thi đỗ vào trường Albert Sarraut từ năm học 1951-1952.
Minh họa: Taan Huyn/Unsplash
Trở lại với cô H. Tôi vào học Albert Sarraut rồi vẫn đến nhà thăm cô cả năm liền, tình thân càng ngày càng thắm thiết dẫn đến tình yêu. Lần đầu tiên tôi dám đến gần H., run run cầm tay cô kéo sát vào mình. Hóa ra H. cũng run không kém, tôi mạnh dạn ôm lấy cô, đặt lên môi nụ hôn đầu đời khiến cô lả người đi. Sau đó hai đứa ôm chặt lấy nhau như quên đi tất cả, không cần biết đến thời gian.
Từ hôm ấy trở đi, H. gọi tôi là anh. Rồi lần đầu tiên tôi dự phá cỗ Trung thu ở nhà H. với mẹ và các em trên sân thượng. Mẹ H. chỉ dự dăm phút ban đầu sau đó rút lui, các em H. cũng vậy, cuối cùng chỉ còn có hai đứa vừa cắn hạt dưa vừa trò chuyện. Câu chuyện không đầu không đuôi giữa hai đứa mà nếu có người thứ ba nghe thấy, chắc cảm giác vô cùng ngớ ngẩn. Lúc cao hứng chúng tôi còn cùng hát nho nhỏ “Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…”. Ngồi trên sân thượng rất lâu, đến khi nghe tiếng bà mẹ cất lên “trời đã khuya rồi”, hai đứa mới chợt tỉnh, tôi vội chào tạm biệt H. ra về.
Thời thế đổi thay, sau trận Điện Biên Phủ, phần lớn người có của ở Hà Nội đều tìm cách đi Nam. Ngày Hè năm ấy, tôi về quê một tuần, khi trở lên, đến nhà H. đã thấy cửa đóng then cài. Tôi chạy về nhà chị Ba hỏi, chị cho biết mấy hôm trước, H. đến tìm tôi và có viết mấy chữ nhờ chị chuyển cho tôi nhưng chị để ở đâu giờ không tìm ra tờ giấy ấy.
Phải chăng H. đã viết mấy chữ giải thích việc ra đi của nhà em rồi có thể cho tôi địa chỉ em ở Hải Phòng hay ở Sài Gòn – và bà chị tôi đọc được, sợ thằng em có thể vì tình mà bỏ đi theo, nên chị vứt bỏ tờ giấy rồi giả vờ không tìm thấy?
Từ đấy, chúng tôi không còn gặp lại nhau. Mối tình đầu của tôi ra đi, mãi mãi, và mãi mã
Khi Trần Dần qua đời Tháng Một1997, tôi đang ở Việt Nam và may mắn được gia đình ông cho phép bước đầu chăm sóc di cảo văn học của ông, song bài viết tiễn Trần Dần của tôi chỉ có thể đăng trên tạp chí Văn học ở California do ông Nguyễn Mộng Giác chủ biên. Mười năm sau, khi chuẩn bị thực hiện tập Trần Dần – Thơ, Nhã Nam & NXB Đà Nẵng có nhã ý mời tôi góp mặt với bài viết này. Tiếc rằng cũng không thành, mà bản thân tập thơ ấy còn suýt bị đình chỉ. Hôm nay, 23 tháng Tám 2021, là 95 năm ngày sinh tác giả ngoại hạng này của văn học Việt Nam hiện đại.
Ð úng mười năm trước tôi được đưa đến ra mắt Trần Dần, sau khi ông đọc bản thảo một số truyện ngắn đầu tay chưa công bố của tôi. Làng văn Hà Nội khi ấy, trong đêm trước của cuộc cởi trói ngắn ngủi, có một không khí nhộn nhịp nhất định. Dân văn chạy ngược xuôi trong văn, không tất tả chạy việc khác như bây giờ. Cả người viết lẫn người đọc đều chờ một cái gì không rõ, nhưng sẽ đến, và có lẽ vì thế mà háo hức, không lãnh-đạm-biết-rồi như hiện tại.
Khi đó chưa nhà nào có điện thoại riêng, muốn trò chuyện phải tìm nhau tận mặt, rượu Tây chưa phổ biến, thức nhắm còn nghèo nàn, thuốc lá Liên Xô Ấn Ðộ đã là sang, đi xe máy là ngoại hạng, và mọi người đều viết tay trên giấy xấu… Cảnh hàn vi đó nuôi lớn một thứ chủ nghĩa lãng mạn giản dị, đầy tính lý tưởng và cũng đầy ảo tưởng mà giờ đây đã biến mất. Hà Nội khi Trần Dần qua đời khác xa mười năm trước, khi tôi hồi hộp đến gặp ông như gặp một thủ lĩnh văn chương trong bóng tối.
Không người viết nào muốn thuộc về phía tối của đời sống văn học, song khi phía được chiếu sáng quá tầm thường thì được khuất mặt có thể là một hãnh diện chính đáng. Trước khi ông tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đại náo làng văn thì Nhân văn Giai phẩm (NVGP) với mọi huyền thoại của mình đã luôn là một trong những cái chợ đuổi có sức mê hoặc lớn hơn cửa hàng văn học mậu dịch rất nhiều. Văn học của NVGP tập trung ở những tác giả và tác phẩm cụ thể của nhóm ấy thời ấy, nhưng tôi quan niệm tinh thần NVGP rộng hơn, bao trùm một số đề tài, phong cách, nguyên tắc, thái độ ứng xử nhất định, có thể tìm thấy ở những chỗ khác thời khác, ở độc giả, ở các nhà phê bình, thậm chí ở những người từng quyết liệt chống NVGP hoặc rất sợ dính vào đó.
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn luôn ký tên hàng đầu trong các bản án chống NVGP, song chính cái tinh thần NVGP trong ông được kết hợp ở thế chân kiềng với tài năng và lòng biết sợ đã tạo cho ông một đặc cách trong văn học chính thống. Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng tương tự như vậy. Song sau nhiều chục năm, số tác phẩm ra đời trong những hoàn cảnh như thế không còn đọng lại bao nhiêu. Như thể không ai chết được nhiều lần, mà trong tinh thần NVGP ấy, các chiến sĩ ưu tú nhất đã ngã xuống cho những lý tưởng khác trước khi kịp hy sinh cho nghệ thuật.
Khi tiếp xúc với thế giới của họ, tôi đã hy vọng là sẽ trèo qua nhanh cái nấc thang thứ nhất đương nhiên là rất quan trọng, vì nếu không thì chẳng đến với nhau được: đó là bi kịch mà ai cũng biết ít nhiều về NVGP. Trèo qua nhanh, vì đã bận tâm vào đó thì không thể chỉ rỏ nước mắt rửa những vết thương bên ngoài. Tôi hình dung rằng những vị tử vì đạo rất ghét kẻ nào chạy lăng xăng quanh nỗi đau của họ, ăn theo những thăng trầm của họ. Mà tôi lại chú tâm vào những bi kịch văn học hơn, cho nên nấc thang sau và sau nữa là cái đích của tôi.
V ăn học không chỉ sinh ra từ cuộc đời bên ngoài, mà còn sinh ra từ chính văn học. Khi bước vào nghề văn, tôi muốn biết cái nồi văn mà tôi đang nấu, hoặc định nấu, được kê bằng cái gì, được đun bằng cái gì. Trừ ngoại lệ lớn nhất và bền bỉ nhất là Trần Dần cùng một vài người chịu ảnh hưởng trực tiếp của ông, tôi luôn có cảm giác rằng giữa những người theo tinh thần NVGP và tôi có trò chuyện, nhưng hầu như không có một đối thoại thật sự, và những cuộc trò chuyện giữa đôi bên bao giờ cũng chỉ dừng ở một chiều sâu lịch sự, dễ chịu, không thể đi quá một chút nào, và luôn luôn quanh quẩn ở cái nấc thang thứ nhất kia.
Dường như thời gian ở chỗ họ từ lâu lắm rồi đã không nhích thêm gang tấc nào, còn tôi thì đầy sự nôn nóng của tuổi trẻ, mà lại phải rất cẩn thận để không làm tổn thương ai. Luật của chúng ta dường như là vậy. Ðày đọa, thanh trừng, xoá sổ kẻ khác thì được, nhưng làm mất lòng thì không. Tôi không thể nói thẳng với họ, rằng tôi không nhất thiết phải đọc họ chỉ để biết rằng, nhà văn cần yêu ai cứ nói là yêu, ghét ai cứ nói là ghét, điều đó tôi được học ở nhiều chỗ khác rồi, mà không phải là học qua văn chương.
Nói như thế là bạc, là phản bội, là rũ trắng mọi khổ đau đen ngòm của người khác. Nhưng có lẽ tôi đã kỳ vọng ở họ nhiều quá. Khi tuổi trẻ bị bịt đường lên phía trước thì nó ngoảnh lại phía sau mãi như vậy và thành những ông cụ bà cụ non. Tôi đã tìm một lối để thóat khỏi văn học Việt Nam đương đại. Cái văn học đó buồn tẻ, nhưng cuối cùng thì lối thóat của nó không phải là giật lùi về đỉnh cao của những năm 50. Cũng như vậy, văn học Đổi mới hiện tại chẳng còn gì đáng nói nhiều nữa, song nó không nên ngoảnh lại tiếc nuối cao trào 1988-1989.
Trong những điểm cốt yếu, văn học của nhóm NVGP cùng một bản chất với văn học chính thống sau này. Có thể coi đó là sơ kỳ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn phần lớn các tác phẩm cuối những năm 80 mà trong nước tuy gọi đùa, nhưng có lý của nó, là Nhân văn II, ngoài nước gọi là văn học phản kháng, là mạt kỳ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực ra những người làm nhiệm vụ duy trì và bảo vệ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể yên tâm lâu dài: một mạt kỳ có thể kéo thêm cả thế kỷ, mà theo tôi thì văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hoặc một cái gì na ná như vậy còn có tương lai vô tận ở Việt Nam.
500 hội viên này của Hội Nhà văn Việt Nam có thể được thay bằng 500 hội viên khác, song 50 triệu người đọc thì không bãi đi để bầu mới nhanh như vậy được. Nền văn học này cũng đẻ ra một số tài năng và những tác phẩm có thể xúc động lòng người. Nhưng các tác giả và tác phẩm của nó giống nhau, hoàn toàn không có cá tính, đúng như Trần Dần đã nhận xét, năm 1955, về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, rằng thậm chí những câu hay của Tố Hữu cũng không có chữ ký riêng, có thể ký ở dưới là Nguyễn Du, Tản Ðà, hay Ca Dao đều được. Những người có tên tuổi ở thời NVGP cũng không tránh được điều đó.
Một số bài thơ của Lê Ðạt và Phùng Quán thuở ấy có thể ký lộn cho nhau, sau này thì Lê Ðạt tách hẳn ra để có một chữ ký độc đáo cho riêng mình, và lịch sử quả thật thích đùa khi ông bị Trần Mạnh Hảo, một nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa mạt kỳ phủ đầu, chính vì đoạn sau này. Bên kia Sông Ðuống của Hoàng Cầm, hay Màu tím hoa sim của Hữu Loan đi vào lòng người vì những lý do khác, chứ không phải vì đạt tới cái mà Trần Dần đòi hỏi, ngay từ thuở ấy, rằng nhà thơ trước hết phải có được cái chữ ký riêng của mình. Ông cũng chua ngay rằng đương nhiên còn phải xem kỹ cái chữ ký ấy nó như thế nào, nhưng mức tối thiểu là phải đạt được như vậy.
L ịch sử văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua cho thấy, cái tối thiểu mà Trần Dần yêu cầu ấy đã hầu như không đạt được. Cho nên phần lớn tác phẩm của ông, mỗi dòng là mỗi riêng một cõi, càng lúc càng riêng, riêng tới mức cực đoan, riêng tới mức bí hiểm phải giải mã, phải cần đến một từ điển Trần Dần, không có cách nào khác là làm phận bản thảo nằm. Ở ông là một bi kịch văn học lớn mà cái bi kịch chính trị của NVGP chỉ là một trong những bè đệm, còn ở một số người khác thì NVGP là sân khấu, thậm chí có sự trình diễn của các vai nạn nhân, văn chương chỉ đóng một vai rất phụ.
Cho nên, nói về ông bây giờ mà không qua cái nấc thang thứ nhất kia cùng là tí ti minh oan, tí ti phục hồi, tí ti thương cảm, thì khác nào nhổ sơ sơ vài ngọn cỏ cho sạch vài phân vách đá, nhưng đằng sau đó là Angkor, để dùng lại một biểu tượng mà ông ưa dùng. Bất hạnh lớn của Trần Dần là NVGP, nhưng bất hạnh còn lớn hơn của ông là ông đã quẳng gánh NVGP từ lâu lại sau lưng, còn người đời thì vẫn è lưng ra gánh mãi. Sự nghiệp của ông không chấm dứt với năm 1958, mà mở đầu từ đó, và đạt tới cao trào trong khoảng 15 năm, từ giữa những năm 70, nghĩa là liên quan không nhỏ tới việc Sài Gòn thất thủ, đến cuối những năm 80, khi ông ngã bệnh.
Bi kịch của Trần Dần là bi kịch của một nhà cách tân, có lẽ là nhà cách tân lớn nhất và sâu sắc nhất trong văn học miền Bắc Việt Nam nửa thế kỷ qua. Việc ông đi theo cuộc cách mạng của Ðảng Cộng sản cho đến NVGP là dễ hiểu, bởi đôi bên khi ấy cùng chung nhau một chữ cách: cách mạng, cách tân, cùng chung nhau một ý tưởng đổi mới. Việc diễn ra sau đó đối với ông, theo tôi, cũng là một tất yếu. Tôi không cho rằng ông bị hiểu nhầm, mà ông bị không hiểu. Không hiểu chứ không phải hiểu nhầm. Hiểu nhầm còn chữa lại được, không hiểu thì khó thay đổi hơn nhiều. Một người như thế sống ở bất kỳ đâu cũng khó. Còn ở một nơi mà tính đại chúng là tiêu chuẩn tối thượng của văn chương nghệ thuật, một nơi mà sự phục tùng tổ chức, quyền uy, thế lực là kim chỉ nam cho mọi hành vi văn chương thì một người như thế phải bị đày đọa, bị tẩy chay, hoặc nhẹ nhất là bị bỏ qua.
Trong văn học Việt Nam, tôi chưa biết một trường hợp nào mà ham muốn sáng tạo và cách tân quyết liệt như ở Trần Dần. Nghĩa là ham muốn vượt qua, hoặc ít nhất là khác đi với cái cũ, hoặc cái đã trở thành cũ, ở bên ngoài mình đã đành, lại còn liên tục tự mới với chính mình, tự vượt qua mình, mà lại làm điều ấy trong từng chi tiết, cho đến tận nét chữ chẳng hạn. Ông có bốn kiểu chữ hoàn toàn khác cách nhau: cho giai đoạn đến NVGP những năm 50 là một, rồi giai đoạn ngắn sau đó, đầu những năm 60 là hai, rồi giai đoạn đến đầu những năm 80 là ba, và từ đó đến nay tuy chung một kiểu chữ là bốn, nhưng ngay trong một kiểu này cũng có nhiều phát triển khác nhau, kèm theo một khoa chính tả khác thường và một thư pháp, hay thư họa rất đặc trưng Trần Dần. Chỉ riêng điều có thể coi là nhỏ nhặt đó trong cái khối khổng lồ là ông – để dùng lại chữ của Dương Tường – đã làm việc đọc ông rất phức tạp, mà lại càng không thể công bố nhiều tác phẩm của ông ở dạng in ấn bằng những con chữ thông thường.
T rần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng ông nói về sự khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị Chân Thiện Mỹ đều là khó hiểu.” Khi ông tuyên bố: “Cái đèm đẹp giết chết cái đẹp”, thì một câu sáng rõ như vậy quả là tối tăm mù mờ với những ai chưa bao giờ nghĩ ngợi về cái “đèm đẹp”. Cái xinh xinh không thể đẹp, ý này có thể của ai khác, có thể từ tư duy trong tiếng nước ngoài, song vào tay Trần Dần thì thành cách nói đặc biệt Trần Dần, nhanh, mạnh, lột trần, độc đáo, không lặp lại ai và không tự lặp, rất Việt và rất hiện đại. Ðồng nghiệp của ông yêu cách nói này thì ít, mà sợ thì nhiều. Nguyễn Khải đã tả về hai con mắt “hiếp đáp thiên hạ” của Trần Dần. Không ít người suốt đời hậm hực về một lời phê thường cộc lốc nghiệt ngã của ông. Song một nhận định phát ra từ bóng tối và cõi im lặng của Trần Dần có cái uy dũng mà người ta tuy hãi nhưng thèm. Ai chịu trận được thì mang ơn ông mãi. Tôi được ông ưu ái khi vừa mon men vào nghề, phấn khởi lắm, nhưng những lời đe của ông sau này mới thực cho tôi những bài học càng lâu càng ngấm.
Người ta coi Trần Dần là lập dị. Nhưng trong một môi trường mà chỉ riêng chiếc ba-toong của cụ Nguyễn chống trên vỉa hè Hà Nội đã được coi là biểu tượng của khác thường, thì sự lập dị của Trần Dần là vượt ra mọi cách. Chúng ta có thể tôn sùng kẻ đứng đầu một cách, nhưng kẻ vượt ra mọi cách thì không có chỗ đứng. Cho nên Trần Dần nằm. Thơ ông là thơ nằm. Mọi bản thảo của ông là bản thảo nằm. Hàng chục sổ thơ của ông là sổ nằm, ông đặt tên là sổ bụi, và khi hết sổ phải dùng đến vở tự khâu, thì đấy là vở bụi. Vả lại, khí chất của Trần Dần là cái khí chất không thuận với mọi cách, may ra ông gần hơn cả, gần chứ không thuận, với cách thi trung hữu quỷ, và tự gọi mình là một thi tặc.
Tôi chưa thấy ai trong lịch sử thi ca Việt Nam dám như vậy, đường hoàng như vậy: Thi tặc! Thơ ca của chúng ta có hay thì cốt hay-mãi-ngàn-năm theo hướng thánh thi, tiên thi, đạo thi, có đẹp thì đẹp theo cách tròn đầy nhã nhặn mà Trần Dần tuy ghi nhận nhưng không rung động. Nếu ai hoảng sợ trước cái khái niệm thi tặc ấy thì tốt nhất đừng đọc Trần Dần. Còn đã quyết định đến với ông thì xin đừng quá coi trọng những hành trang tinh thần mà mình đương nhiên khuân theo, vì Trần Dần thật lắm bất ngờ. Và nhất là, ông sẽ giới thiệu một thứ ngôn ngữ khác, một thứ tiếng Việt không chỉ cho lỗ tai mà còn cho con mắt, không trói nghĩa vào chữ, không bôi chữ vào chỗ trống của vô nghĩa.
Từ 1958 đến nay Trần Dần làm cái việc mà ông gọi là “làm Quốc ngữ”, trong bóng tối, cách bức với những phong trào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cứ thỉnh thoảng lại ồn ào dấy lên bên ngoài. Công trình Quốc ngữ của một cá nhân lẻ loi lặng lẽ như Trần Dần hoàn toàn khác. Con chữ nào qua tay ông là mang một cuộc đời mới. Những người xung quanh ông, người nào cũng xin được, có khi trộm được, ít nhất một vài con chữ từ cái lò luyện chữ của Trần Dần như vậy. Những chữ rất hiện đại và đầy truyền thống.
Cách ông đối xử với ca dao chẳng hạn là cách của một người biết yêu sao cho cả phía được yêu lẫn phía mình đều lớn bổng lên, không phải cách “yêu ai thì người đó nhỏ lại” như ông đã từng phê rất đích đáng một nhà thơ nổi tiếng. Là những chữ rất hàn lâm uyên bác mà cực nôm. Cái sướng nôm của ông, nôm hiện đại của “1 bát sẹo 1 lẹo vú 1 bú đít 1 lít nách”, lây mạnh sang những người xung quanh, thành những ca vô cùng đặc sắc, thành một thứ tiếng Việt hiện đại và đầy phiêu lưu kỳ thú. Ông thậm duy mỹ mà sâu xa và có một giác quan không thể đánh lừa cho mọi giá trị thực.
Ðiều đó kéo theo sự trân trọng và ngưỡng mộ, rất bất chấp, rất hồn nhiên của ông trước những tài năng và nhân cách thật. Ông đã nâng niu thơ Ðặng Ðình Hưng như thơ ruột, dù quan hệ đôi bên không phải lúc nào cũng êm. Ðồng thời, sự thẳng thắn đến phũ phàng của ông trước những thứ của rởm cũng không chừa bạn bè thân thích. Trước những con chữ, lòng ông khăng khăng trong sạch. Chỉ có điều, tất cả những thứ ấy đóng kín trước một số đông, một số rất đông, không phải của riêng thời NVGP, mà cả bây giờ và sẽ rất lâu sau này vẫn thế. Bây giờ, nếu một phần di cảo của ông có được đưa ra nghiên cứu và sử dụng, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay số người có thể đọc xuyên qua được những trang bản thảo ấy.
S au ba mươi lăm năm, một trong hơn ba chục tác phẩm của Trần Dần mới ra mắt người đọc, tập thơ-tiểu thuyết Cổng tỉnh, và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Sự công nhận muộn mằn này dừng lại ở mức một cử chỉ thiện chí với một quá khứ oan khiên, với một nhà thơ lớn khi ấy đã gần đất xa trời. Song nó không mang lại cho Trần Dần nhiều người đọc hơn. Khi cái lưỡi của đám đông đã hoàn toàn thóai hóa thì cao lương mỹ vị bày ra cho ai? Một phần ba thế kỷ văn vần quốc doanh, văn xuôi mậu dịch trên môi và trong lòng người đọc Việt Nam đã khiến ít ai vượt qua chỉ cái tựa đề Cổng tỉnh. Tôi mở trang đầu, đọc những dòng đầu mạnh mẽ mộc mạc:
Kỷ niệm! Ðưa tôi về chốn cũ!
Ðừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Ðừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ thương…
qua những dòng bồng bột lạ lẫm:
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè…
những dòng ngọt lịm:
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn…
những dòng Trần Dần huyền thoại:
Gió thổi kèn ma mưa thui lòng ngõ hẹp
ò… ò đêm đi như một cỗ quan tài…
những dòng tha thiết:
Ở đâu? Ở đâu có ngụm đèn xanh
Rèm che nhoè cửa sổ?…
Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây
Ðừng sa sút lá
Ðể ta còn khuyên gió… gió đừng rung cây…
những dòng khinh bạc quay quắt:
Tôi ơi! Tôi ơi!… Tôi vẫn rong chơi bên mấy cột đèn mù…
Tôi càng đứng bơ vơ đầu cổng tỉnh…
Tôi không có đủ đau thương cho mãn hạn sống
Tôi không có đủ tình yêu
Yêu trái đất lục đục thế này…
rồi lại ngọt đắng:
Gió ơi đừng vội tủi
Khuya rồi! Hãy tới khóc ở hom sông…
Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa…
Chỗ nào ông cũng thổi một sự sống khác thường vào những con chữ, chỗ nào cũng dành cho ta một bất ngờ. Biết bao giờ số đông người đọc Việt Nam mới dọn lòng, dành cho tài năng gồ ghề jờ joạcx này một chỗ?
Số phận của Trần Dần là số phận hoàn toàn cô đơn và trong bóng tối theo mọi nghĩa của một người dốc hết mình vào thửa ruộng thử nghiệm của văn học, đặc biệt là của thi ca, một người – để dùng lại chữ của NVGP mà chắc sau này ông cho là mauvaisgoût lắm – moi tim moi óc làm thơ, một Tư Mã – như tên ông đặt cho mình và bạn bè – suốt nửa thế kỷ không chịu lùi một ly chữ, để làm cái việc mà ông gọi là thồ thơ tự xứ này lên. Một người đi suốt ván chiêm bao của những cái bị nợ và tự nợ, đánh suốt một ván đời với cái biết và cái chưa biết. Ông nói rằng, cái biết là nghĩa, cái chưa biết là chữ.
Làm câu châm ngôn hay như Khổng Tử là chưa phải thơ, nghịch lý như Lão Tử chưa phải thơ. Nhảy qua bóng mình mới là thơ. Mình chưa hiểu thơ vì khó mà nhảy qua bóng mình. Tôi không dám nói ông đã thành công trong bao nhiêu mùa thử nghiệm của mình. Chỉ biết rằng, những ai may mắn đến lấy một hạt giống ở ông rồi đem về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đó thì ắt là thành công, trong những trường hợp hiếm hoi như Ðặng Ðình Hưng thì là một thành công lớn. Còn nếu không cũng được một mùa, theo chữ của ông, là mùa sạch.
Trần Dần từng nói, “tôi sốt ruột đợi lớp trẻ lớn lên để chôn chúng tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến.” Nhưng trong một sổ bụi ông lại tự hỏi: lớp trẻ liệu có còn được một cơ hội mấy chục năm quốc nạn như mình không để làm cái việc ấy? Ông đã ngã bệnh nhiều năm trước khi qua đời, có lẽ cũng linh cảm nhưng không còn đủ thời gian để nhìn thấy những hình dạng mới của quốc nạn. Văn chương bây giờ có vẻ như chưa cần đày đọa đã ngắc ngoải tự hủy, chưa sinh ra đã kề huyệt. Thì chôn ai?
Tôi thuộc lớp trẻ, nợ ở ông một lòng ưu ái, mang theo lời đúc kết rất Trần Dần: nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta. Tối thiểu tôi phải có được một văn cách.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về “đam mê” tiểu tiết của tỷ phú dầu mỏ Rockerfeller là chuyện về một giọt chất lỏng trị giá hàng trăm nghìn USD.
John D. Rockefeller là người sáng lập Standard Oil năm 1870 và sau đó biến nó thành công ty lọc dầu lớn nhất thế giới. Ông nổi tiếng với danh hiệu “tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới”. Nếu tính theo tỷ giá hiện tại, doanh nhân này ước tính sở hữu khối tài sản lên tới hơn 300 tỷ USD.
Rockefeller khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đạt thành công từ khi còn rất trẻ. Năm 25 tuổi, ông kiểm soát một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. Năm 31 tuổi, ông làm chủ của đơn vị lọc dầu lớn nhất thế giới.
Ở tuổi 38, ông kiểm soát tới 90% lượng dầu tinh chế ở Mỹ. Khi nghỉ hưu ở tuổi 58, ông là người giàu nhất nước Mỹ và khi qua đời năm 97 tuổi, ông là người giàu nhất thế giới ở thời điểm đó.
Rockefeller được gọi là “thiên tài kinh doanh” vì chưa năm nào không kiếm được lợi nhuận. Thậm chí hoạt động của công ty ông điều hành còn thăng hoa trong thời kỳ suy thoái.
Vị tỷ phú từng tiết lộ một trong những bí kíp thành công của ông là “Hãy trở thành ‘bạo chúa’ của chính mình”. Ông nói: “Tôi thà là bạo chúa của chính mình còn hơn là để kẻ khác điều khiển”.
Phẩm chất nổi bật nhất của ông là sự tự chủ đến đáng kinh ngạc. Ông không ngừng rèn luyện ý chí, rèn luyện bản thân để làm chủ được cảm xúc và mong muốn trong cuộc sống. Ông đặt ra nhiều mục tiêu lớn rồi “tấn công” chúng bằng tinh thần làm việc hết mình.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ của chính mình, trước hết, bạn phải học cách làm chủ bản thân. Một tác giả từng viết sách về Rockefeller cho biết: “Ông ấy dường như được định sẵn để thành công ngay từ những thói quen hàng ngày và sự khôn ngoan có sẵn. Rockefeller thừa nhận mình có niềm đam mê với tiểu tiết”.
Về ngoại hình, ông luôn ăn mặc chỉnh tề, luôn cạo râu gọn gàng và đi giày được đánh sáng bóng. Khi tham gia các cuộc hẹn, ông chưa bao giờ đến muộn bởi ông tin rằng “không ai có quyền chiếm dụng thời gian của người khác một cách không cần thiết”. Trong làm ăn, ông luôn trả nợ cũng như hoàn thành hợp đồng đúng hạn.
Khi viết giấy tờ quan trọng, ông thường viết tới 5-6 bản nháp, trau chuốt diễn đạt, soát lỗi chính tả rồi mới đưa cho thư ký. Là chủ tịch của Standard Oil, ông luôn nắm bắt được mọi con số vì chúng cho phép ông theo dõi một cách khách quan tình hình hoạt động và biết khi nào dữ liệu không khớp với những gì cấp dưới báo cáo. Mọi chi phí của công ty đều được tính chi tiết đến vài chữ số thập phân. Châm ngôn mà Rockefeller tin vào là “Những gì có thể đo lường được thì sẽ quản lý được”.
Tuy nhiên, câu chuyện nổi tiếng nhất về sự chú ý đến tiểu tiết của Rockerfeller là chuyện về một giọt chất lỏng trị giá hàng trăm nghìn USD.
Vào đầu những năm 1870, trong một lần đi tham quan một nhà máy đóng lon dầu hỏa 5 gallon để xuất khẩu ở New York, Rockefeller nhìn thấy một chiếc máy đang hàn nắp vào thân lon dầu.
Ông hỏi người vận hành máy: “Bạn sử dụng bao nhiêu giọt chất hàn để hàn hoàn chỉnh một chiếc lon?”.
Người này đáp: “40 giọt, thưa ngài”.
Rockefeller hỏi tiếp: “Vậy bạn đã bao giờ thử dùng 38 giọt chưa?”.
“Thưa ngài chưa”.
“Bạn có phiền không nếu thử hàn một số lon bằng 38 giọt và cho tôi biết kết quả?”.
Sau đó, khi sử dụng 38 giọt chất hàn, họ phát hiện một số lon bị rò rỉ nhưng với 39 giọt, mọi thứ đều ổn. Cuối cùng, 39 giọt chất hàn đã trở thành tiêu chuẩn mới cho tất cả các nhà máy lọc dầu của Standard Oil.
Khi Rockerfeller tiết lộ kết quả, tất cả đều vô cùng bất ngờ: Chỉ 1 giọt “ăn bớt” trị giá vài xu đó đã giúp Standard Oil tiết kiệm 2.500 USD trong năm đầu tiên. Hoạt động xuất khẩu dầu của công ty tiếp tục tăng gấp đôi và thậm chí là gấp 4 lần, dẫn đến việc số tiền tiết kiệm được từ tiêu chuẩn 39 giọt chất hàn đã tăng lên đến hàng trăm nghìn USD.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng ngay cả 1 xu tiết kiệm được cũng sẽ được nhân lên hàng nghìn lần đối với hoạt động kinh doanh khổng lồ của tập đoàn.
Ngoài chú ý đến tiểu tiết, Rockerfeller còn là một tỷ phú siêu tiết kiệm dù thừa khả năng để sống cuộc đời vương giả. Ông mặc quần áo đến khi rách mới thôi, đi tàu đi làm mỗi ngày, thậm chí giữ lại giấy gói và dây buộc của các gói hàng nhận được qua đường bưu điện.
Vợ chồng Rockefeller có 5 người con và họ trả công cho các con để làm việc nhà. Ví dụ, 10 xu cho việc gọt bút chì, 2 xu cho việc đập ruồi muỗi hay 15 xu/giờ cho việc chẻ củi.
Tuy sống tằn tiện nhưng Rockerfeller nổi tiếng là một nhà từ thiện hào phóng. Các khoản tài trợ của ông chủ yếu dành cho nhà thờ, khoa học, y tế và giáo dục.
Trong số các câu hỏi hàng đầu trên Google về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan có câu hỏi “Taliban là ai”, “luật Sharia là gì” và “vì sao Mỹ rút quân khỏi Afghanistan”.
Kể từ khi Taliban bất ngờ tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8, nhiều người đã đi tìm lời giải thích cho những thay đổi nhanh chóng và tình hình phức tạp tại quốc gia Nam Á này trên công cụ tìm kiếm Google.
Lượt tìm kiếm câu hỏi “ai lãnh đạo Taliban” đã tăng 3.500% so với 12 tháng trước, theo dữ liệu về Xu hướng Google (Google Trends).
Để hiểu rõ hơn về tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở Afghanistan, dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến nhất về tình hình ở quốc gia này.
Taliban là ai?
Taliban là phong trào chính trị tôn giáo Hồi giáo và lực lượng nổi dậy có vũ trang ở Afghanistan. Điều này có nghĩa là họ thúc đẩy các ý thức hệ của mình bằng các giải pháp quân sự.
Nhiều nước, nhiều tổ chức, trong đó có Liên Hợp Quốc, coi là một nhóm khủng bố.
Taliban từng cai trị Afghanistan giai đoạn năm 1996-2001, bắt đầu từ sau khi lực lượng này lần đầu tiên chiếm được thủ đô Kabul trong giai đoạn Nội chiến Afghanistan.
Trong thời gian này, Taliban từng thảm sát nhiều dân thường Afghanistan, cản trở Liên Hợp Quốc viện trợ lương thực cho người dân Afghanistan.
Ai lãnh đạo Taliban?
Có 2 nhân vật được xem là lãnh đạo của Taliban. Người thứ nhất là Hibatullah Akhundzada, lãnh đạo tối cao của Taliban.
Tuy nhiên, Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và hiện là lãnh đạo chính trị, đang được xem là lãnh đạo thực tế hơn so với Akhundzada.
Thực tế, việc ông Akhundzada gần như không xuất hiện trước công chúng khiến nhiều người từng đồn đoán ông này có thể đã chết. Tuy nhiên, Taliban bác bỏ điều này.
Trong khi đó, ông Baradar được cho là có thể trở thành Tổng thống trong chính phủ tương lai. Ông Baradar ngày 21/8 đã tới thủ đô Kabul để đàm phán thành lập chính phủ mới.
Những người Afghanistan tị nạn sẽ đi đâu?
Năm 2020, gần 1,5 triệu người tị nạn từ Afghanistan sống ở nước láng giềng Pakistan, khoảng 780.000 người tìm nơi lánh nạn ở Iran. Chỉ khoảng 9.000 người được ghi nhận hiện đang sống ở Anh và khoảng 2.000 người ở Mỹ.
Những con số này được cho là sẽ có sự thay đổi. Hiện châu Âu đã dừng việc trục xuất người tị nạn và Mỹ đang mở rộng hỗ trợ đối với những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ ở nước này.
Chính phủ Australia cũng nhấn mạnh sẽ cung cấp thị thực cho 3.000 người Afghanistan chạy khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Anh dự kiến tiếp nhận khoảng 5.000 người trong 5 năm.
Tuy nhiên, phần lớn những người mất nhà ở ở Afghanistan sẽ vẫn ở lại nước này.
Ông Steve Valdez-Symonds thuộc Tổ chức Ân xá ở Anh nói với Insider rằng những người rời khỏi đất nước có thể được an toàn nhất, nhưng mối lo ngại nằm ở những người không thể rời khỏi Afghanistan.
Quyền của phụ nữ ở Afghanistan hiện nay bị đe dọa thế nào?
Kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001, phụ nữ Afghanistan được phép đi làm, đi học, lái xe, được tới các nơi công cộng mà không cần người giám hộ là nam giới đi cùng.
Dù Taliban tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì quyền của phụ nữ và cho phép họ được làm việc và học tập, nhưng có nhiều hoài nghi về cam kết của này.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói rằng bà “không tin” Taliban sẽ giữ lời hứa này.
Nhiều phụ nữ Afghanistan đã bày tỏ lo ngại Taliban sẽ không bảo vệ quyền phụ nữ. Nữ phi công đầu tiên của Không quân Afghanistan nói với Fox News rằng Taliban sẽ “tàm tổn thương phụ nữ nhiều nhất”.
Shafeek Seddiq, một luật sư chống khủng bố và tham nhũng (người Afghanistan hiện sống ở nước ngoài) cho biết, Taliban có lý do để nói rằng họ đã có cách tiếp cận khác biệt so với trước đây.
“Taliban hiểu rằng họ cần sự ủng hộ của quốc tế để điều hành đất nước và chính phủ. Họ cần sự ủng hộ của hàng trăm nghìn binh sỹ, quân đội trong các chiến dịch, họ cần sự ủng hộ để thu thuế và có nguồn thu. Họ đã học được bài học này từ lần cai trị trước. Khi đó họ không nhận được sự ủng hộ và đã sụp đổ. Giờ đây họ phải nói những điều khác biệt. Nhưng ngay cả những người có quan điểm khác biệt trong số họ sẽ vẫn là những người cực đoan”, ông Seddiq nói.
Luật Sharia ở Afghanistan là gì?
Sharia là luật Hồi giáo, là bộ quy tắc một phần dựa trên Kinh Quran.
Sharia dịch từ tiếng Arab là “con đường dẫn tới nguồn nước”. Sharia bao gồm các chỉ dẫn về mọi khía cạnh của đời sống Hồi giáo.
Cũng như nhiều văn bản tôn giáo, có sự diễn giải khác nhau về luật Sharia, trong đó một số nhóm có quan điểm tự do về ý nghĩa của Sharia .
Taliban đã áp dụng cách diễn giải hà khắc và cực đoan. Dưới thời cai trị của lực lượng này trước đây, phụ nữ không được ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng.
Afghanistan có vũ khí hạt nhân không?
Lượng tìm kiếm câu hỏi này tăng 2.800% so với 1 năm trước đây.
Câu trả lời ngắn gọn là không. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có vũ khí hạt nhân ở Afghanistan.
Trước khi Taliban tiếp quản Kabul, Afghanistan đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Vì sao Mỹ rút khỏi Afghanistan?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 1/5/2021, theo thỏa thuận giữa chính quyền tiền nhiệm Donald Trump với Taliban hồi tháng 2/2020.
Tổng thống Biden tuyên bố việc rút quân khỏi Afghanistan là vì mục đích chấm dứt “cuộc chiến dài nhất của Mỹ” ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ngày 6/8/2021, Taliban đã chiếm được tỉnh đầu tiên của Afghanistan và chiếm được thủ đô Kabul chỉ 9 ngày sau đó.
Điều này đi ngược lại với thỏa thuận đã ký với Mỹ trong đó Taliban sẽ duy trì hòa bình, bất chấp những tuyên bố gần đây của nhóm này rằng họ sẽ thành lập một “chính phủ Hồi giáo” ở Afghanistan sau khi Mỹ rời đi và sẽ “tiếp tục cuộc chiến để đạt được mục tiêu” của Taliban.
Việc rút quân khỏi Afghanistan khiến Mỹ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ cả trong và ngoài nước./.