Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ

Không đơn thuần là nơi ở cho gia đình, nhà còn là món quà báo hiếu con cái tặng đấng sinh thành.

Đang ở Australia, người con gái vẫn tìm đến kiến trúc sư ở Việt Nam để nhờ thiết kế, xây cho bố mẹ căn nhà mới thay cho ngôi nhà cấp 4 cũ ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Các kiến trúc sư đã xây lại hoàn toàn căn nhà trên mảnh đất hơn 320 m2 . Thiết kế mới có hai tầng, lấy màu trắng làm chủ đạo và sử dụng những đường cong để công trình thêm mềm mại.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Ngôi nhà hai tầng trên mảnh đất gần 3.000 m2 ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) do người con làm kiến trúc sư thiết kế và xây tặng cho bố mẹ.

Nhà thiết kế theo dạng chữ L, được thiết kế từ bốn hướng, có tầm nhìn bao trọn cánh đồng lúa và khu vườn. Công trình sử dụng hình khối đơn giản, bên ngoài sơn màu ghi để dù bị rêu hay dính nước cũng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Công trình ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) dành cho ba thành viên: bố hơn 90 tuổi, mẹ gần 90 tuổi và con gái hơn 60 tuổi ngồi xe lăn.

Để tiện cho sinh hoạt của gia đình, người con gái cùng kiến trúc sư thống nhất làm nhà hai tầng không cầu thang, thay vào đó là một hệ thống ram dốc từ ngoài cổng vào sàn tầng một và từ tầng một lên tới tầng hai.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Với mong muốn được sống cùng bố mẹ và con cái lớn lên bên ông bà, người con trai 8x cho xây căn nhà trên mảnh đất hơn 200 m2 ở Đà Nẵng.

Xuyên suốt toàn bộ ngôi nhà là các bộ cửa gỗ, trong đó bộ cửa ngoại thất nhìn ra khu vườn còn các cánh cửa nội thất hướng vào không gian sinh hoạt chung. Nhờ đó, các phòng đều đầy gió, nắng và kết nối với nhau.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Sau 30 năm sửa xe và làm đồng nuôi gia đình, đôi vợ chồng ở Quảng Ngãi được các con báo hiếu bằng ngôi nhà mái đỏ trên diện tích đất 80 m2.

Dù các con đã trưởng thành và đủ khả năng lo cho bố mẹ, đôi vợ chồng vẫn thích sống ở làng quê, tiếp tục những công việc trước đây nên căn nhà được bố trí chỗ sửa xe đạp ở sân trước và vườn rau trên mái.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Căn nhà 20 năm tuổi một phòng ngủ và một toilet của gia đình bốn người trên mảnh đất 4,7 x 31 m ở Tây Sơn (Bình Định) được người con trai học kiến trúc cải tạo cho bố mẹ.

Sau năm tháng thi công với tổng chi phí hơn 700 triệu đồng, ngôi nhà hai tầng mái lợp ngói hoàn thiện với ba phòng ngủ, hai toilet, một phòng khách, một bếp và một phòng thờ.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Ngôi nhà nằm gần dòng sông An Lão là món quà người con trai đang làm ăn trên thành phố tặng bố mẹ ở quê nhà Bình Định. Đây cũng là chốn sum họp của con cháu, anh em, họ hàng mỗi khi cúng giỗ, xuân về.

Để tái hiện ký ức về mảnh đất và gia đình, khi thiết kế, kiến trúc sư đã cố gắng đưa vào công trình những dấu ấn của kiến trúc và nội thất truyền thống với mái dốc, lợp ngói, cửa gỗ.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Ngôi nhà ở thị xã Hòa Thành (Tây Ninh) được một nữ nhiếp ảnh gia xây cho bố mẹ và các anh chị em. Tận dụng kích thước 7,5×30 m của khu đất, nhóm thiết kế đã tạo ra khu vườn xuyên suốt chiều dài công trình và bỏ đi lớp cửa giữa phần sân vườn với khu vực sinh hoạt để căn nhà thoáng mát và luôn mở ra không gian xanh.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Nữ gia chủ ở quận Bình Tân (TP HCM) xây nhà rộng 190 m2 cho mẹ sau 30 năm bà sống trong căn nhà cũ xuống cấp. Người mẹ đã 70 tuổi, không thể leo cầu thang nên nhóm thiết kế bố trí chỗ ngủ của bà trên sofa giường (kéo ra thành giường, đẩy vào thành sofa) ở tầng trệt, đủ thoải mái, dễ xoay sở và gọi các con khi cần.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Đôi vợ chồng trẻ có hai con nhỏ nhưng bận bịu đi làm nên thường nhờ bà nội và bà ngoại thay nhau lên thành phố trông cháu.

Để những người bà không cảm thấy xa lạ giữa thành phố lớn, ngôi nhà 100 m2 ở huyện Nhà Bè được thiết kế với tiêu chí thông thoáng, nhiều ánh sáng và cây xanh như ở quê.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Việc cải tạo ngôi nhà 40 năm tuổi trên khu đất 100 m2 ở quận 5 do người con làm kiến trúc sư trong gia đình bảy thành viên chủ trì. Với mục tiêu tạo cảm giác thư giãn như resort nghỉ dưỡng, căn nhà được bố trí hồ nước, cây xanh và tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên. Màu đỏ ở cổng, thang và mái tạo điểm nhấn cho côg trình.

Xem thêm hình ảnh công trình ở đây.

Minh Trang / VN Express

Những “địa đạo” của đêm Sài Gòn xưa

Đêm, Sài Gòn bây giờ, với Phố đi bộ, con đường gấm hoa của hàng ngàn tuổi trẻ và, thỉnh thoảng, những sân khấu lớn được dựng giữa đất/trời, làm bệ phóng cho những tiếng hát như những phi tiễn, phóng vào vũ trụ, làm mờ cả những tinh tú sáng chói nhất: đó là sự xuất hiện và thao diễn cuồng nhiệt của những… “siêu sao” âm nhạc. Những cật lực lao tới, bất kể bến bờ nhân gian nào, của những thần tượng giới trẻ, Sài Gòn hôm nay.

Đó là chân dung khác. Trái tim khác. Phiên bản khác so với đêm. Sài Gòn. Xưa.

Tôi muốn nói, nếu đấy là quảng trường của đêm bập bùng những ngọn lửa ngồn ngộn khát khao, hối hả hơi thở của sức sống hôm nay thì, đêm, Sài-Gòn-xưa, là sự thiếp ngủ, bằn bặt chiêm bao của những tiếng vỗ một bàn tay.

Góc đêm, Sài Gòn xưa, với tôi, là những con đường vắng lặng, với những ngọn đèn đường lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm linh hồn, hay ngắm nhìn chiếc bóng chơ vơ của chính nó.

Thị dân đêm, Sài Gòn, xưa, nếu phải ra khỏi nhà trước 12 giờ khuya, sẽ nghe được tiếng giày mình bị hè phố ném trả lại, như một nhắc nhở cay nghiệt của hoang vắng.

Nhưng, sự thực không phải thế. Đời sống tinh thần Sài Gòn, xưa, với tôi là những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật, dưới tầng sâu. Những mái tóc-thề-âm-nhạc trên đôi vai sương khói của những cánh hạc vàng giữa đêm thơm hương hư ảo.

Cách khác, với tôi, đấy là những góc khuất – hay những miểng ngà, ngọc mosaic hoặc, quý kim, khi ráp lại, thành những bức tranh, tựa được hoàn tất từ cổ tích.

Ca sĩ Kiều Loan hát tại phòng trà Tự Do, năm 1967. Ảnh: TL

Những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật của đêm, Sài Gòn xưa, dường được phân bổ đều cho từng góc phố. Tùy nhu cầu tinh thần, thời đó, bạn sẽ thoải mái tìm được cho mình chỗ ngồi thích hợp ở một phòng trà ca nhạc nào đấy.

Nếu là người ái mộ tiếng hát “liêu trai” Thanh Thúy và, chuyện tình tuyệt vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thời ông mới chập chững bước vào cõi chấp chới những chùm đèn tiền trường sân khấu bất trắc thì, bạn sẽ phải lên lầu hai, phòng trà Đức Quỳnh, ở đường Cao Thắng – để nghe Thương một người do chính linh hồn của ca khúc ấy: Thanh Thúy, diễn tả.

Nếu bạn là một trong những “fan” âm thầm nhưng quyết liệt của tài-hoa-bất-hạnh Trúc Phương thì, bạn sẽ phải tìm đến phòng trà hồ tắm Cộng Hòa nghe Minh Hiếu nghẹn ngào với Tàu đêm năm cũ, hoặc, “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn” mà; dân Sài Gòn đã sớm đổi lời thành “Đường vào trường đua, có trăm lần thua, có một lần… huề”…

Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ có một chỗ ngồi kín đáo ở phòng trà Hòa Bình, khu chợ Bến Thành hoặc phòng trà Tự Do gần đấy; nếu bạn muốn nghe Băng Tâm hát Tiễn em, hoặc, Ngậm ngùi với tiếng hát Lệ Thu…

Cách gì, tôi cũng không thể quên phòng trà Khánh Ly trên đường Tự Do, những năm cuối thập niên 1960. Và cũng trên con đường này, là Đêm Màu Hồng, “địa đạo” của hợp ca Thăng Long. Cùng nhiều, nhiều nữa, những mạch ngầm văn hóa nghệ thuật khác.

“Địa đạo” mang tên Đêm Màu Hồng, từ ngày khai trương tới lúc phải đóng cửa vì giông bão thời thế, được mô tả là… “không giống ai!” Nó vốn là nơi tập trung những người bạn văn nghệ (nhiều hơn khách) của nhạc sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương).

Đó cũng là cõi riêng của tiếng hát Thái Thanh – cánh “hạc vàng” của nền tân nhạc Việt Nam, khởi tự đầu nguồn…

Ở góc Sài Gòn, xưa này, hầu như không đêm nào, vắng bóng nhà văn Mai Thảo. Đặc biệt, rất hiếm khi ông đi một mình. Nếu đêm trước tác giả Mười đêm ngà ngọc đi với Thanh Tâm Tuyền thì, đêm sau, bạn đừng ngạc nhiên, khi thấy ông đi với Thần tháp rùa Vũ Khắc Khoan hoặc; Thu vàng Cung Tiến… Cũng có khi ông đem theo nhiều hơn một người bạn! Thí dụ tiếng hát châng lâng lẫy lừng Anh Ngọc; cùng “những ngón tay bắt được của trời” mang tên Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng…

Từ “địa đạo” văn hóa nghệ thuật này, những đứa con tinh thần mới ra đời được “giới thiệu” bởi tiếng hát Thái Thanh hoặc, do chính Hoài Bắc / Phạm Đình Chương, đắp đổi phần thịt da mới cho những sáng tác cũ, của ông. Những ca khúc mà, thời gian không đủ sức gạch bỏ; phải… ngả mũ chào thua…

Nhưng dù mới hay cũ, người nghe cũng sẽ nhận ra những ca khúc ấy, đa phần, như một thứ bút ký, hoặc nhật-ký-âm-giai của họ Phạm trong đời thường. Đó là những ca khúc như “Người đi qua đời tôi / không nhớ gì sao người?” (Người đi qua đời tôi, thơ Trần Dạ Từ); “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa / cho tôi về đường cũ nên thơ / cho tôi gặp người xưa ước mơ…” (Nửa hồn thương đau, thơ Thanh Tâm Tuyền); hoặc “Hãy mang đi hồn tôi / một hồn đầy bóng tối /một hồn đầy gió nổi / một hồn đầy hương phai…” (Khi cuộc tình đã chết, thơ Du Tử Lê)…

Người nghe, cũng có thể bất ngờ chết lặng với Kỷ vật cho em (thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy), bởi tiếng hát Thái Thanh; hay Xóm đêm do chính Hoài Bắc, gần sáng, chếnh choáng với ly rượu trên tay, lừng khừng bước tới sát giới hạn sân khấu, cất tiếng, theo yêu cầu của bằng hữu: “Đường về canh thâu / Đêm khuya ngõ sâu như không màu / Qua phên vênh có bao mái đầu / hắt hiu vàng ánh điện câu…”

Những danh ca một thời của Sài Gòn, từ trái: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh. Ảnh: TL

Những góc đêm, Sài Gòn, xưa, như thế, cho tôi cảm tưởng ngay những người đang say cũng sẽ giật mình, tỉnh lại; khi những chùm dây dẫn điện của những khu bình dân, Sài Gòn, rối nùi khốn khó. Đó cũng là thời gian tác giả Xóm đêm phải về tá túc nơi căn gác ngôi nhà thân mẫu của ông ở đường Cống Quỳnh, gần Chợ Nhỏ Phạm Ngũ Lão, lúc bi kịch gia đình, thình lình chụp xuống, xô đổ mọi xây dựng những tưởng vĩnh cửu đời riêng, của con người tài năng ngoại khổ này!

Tuy nhiên, với tôi, mặt khác của “vàng vọt” nơi những ngọn đèn được câu từ nhà này, tới nhà khác, lại là ghi nhận rực rỡ nhân bản. Tinh thần chia sẻ lần đầu và duy nhất của tân nhạc Việt Nam, với những khu bình dân, xóm nghèo, của họ Phạm…

Cũng vậy, nếu bạn rời khỏi Đêm Màu Hồng vào một đêm hạ tuần, có trăng, tôi tin, tiếng hát Thái Thanh hay Hoài Bắc sẽ vẫn ở trong tâm hồn bạn những vạt trăng lãng mạn tơ nõn: “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng / có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…” (Mộng dưới hoa, Đinh Hùng / Phạm Đình Chương). Hoặc cảm thức bi lụy như những miểng chai gắn trên bờ tường ký ức đau đớn: “Ðò trăng cắm giữa sông vắng / Gió đưa câu ca về đâu / Nhìn xuống đáy nước sông sâu / Thuyền anh đã chìm đâu…” Đó là Trương Chi của Văn Cao vầng trăng của những “Đàn đêm thâu / trách ai khinh nghèo quên nhau / Đôi lứa bên giang đầu / người ra đi, với cuộc phân ly”.

Ban hợp ca Thăng Long. Ảnh: TL

Nếu một khuya khoắt nào, ra khỏi “địa đạo” Đêm Màu Hồng, gặp những hạt mưa không hẹn nhưng đã đợi bạn nơi hè đường từ rất sớm thì, bạn cũng đừng ngạc nhiên, khi cảm được thanh âm lóc cóc của những chuyến xe thổ mộ, Sài Gòn, ngoại ô, dằn xóc, tủi hờn vì khoảng cách địa dư trong Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương / Hoàng Anh Tuấn, như những hồi tưởng, không đoạn kết.

Tôi cũng đã từng thấy những đôi vai sát, khi chia tay Đêm Màu Hồng, không nói với nhau một lời nào. Tự thân những khung cửa khép, gió sông Sài Gòn, từ bến đò Thủ Thiêm thay bạn thì thầm về niềm tin yêu, ngày mai, bình minh. An lành thế giới…

Và, thưa bạn, đêm nay, giữa quê người, khi hợp ca Thăng Long, chỉ còn lại duy nhất Thái Thanh, “cánh hạc trong trăng” cũng đang trả lại nhân gian buồn / vui một kiếp, chuẩn bị đi xa theo Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng và, người khách thường trực, Mai Thảo cùng các bạn của ông, tôi chợt thấy, dường tất cả chúng ta, không ai thực sự bỏ đi khỏi đất nước của mình.

Mọi người vẫn ở đâu đó, trong những góc khuất, đêm. Sài Gòn. Xưa. Có thể mọi người đã chính là những đêm mưa, những vạt trăng, những miếng mosaic; những miểng thủy tinh vỡ, găm trên bờ tường đau thương, quá khứ… Thậm chí, có thể ai đó, cũng đã là những cột đèn lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm hồn mình hay, chiếc bóng của chính họ giữa Sài Gòn, một thuở, dù lâu rồi đã không còn hiện hữu!

Bởi vì, thưa bạn, tôi vẫn nghĩ: như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn, cũng không của một thời kỳ, một giai đoạn mà Sài Gòn, là ký ức tập thể. Là một phần trái tim của Tổ quốc.

DU TỬ LÊ / Người Đô Thị

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao, kỹ sư xây dựng về quê trồng thứ dưa gì thu hàng trăm triệu/năm?

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng, anh Nguyễn Văn Nam (SN 1987) ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) xin vào làm cho một công ty xây dựng với mức lương cao. Thế nhưng, một ngày đẹp trời, anh Nam quyết định bỏ phố về quê trồng dưa lưới, trồng dưa vàng công nghệ cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Chúng tôi tìm về thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, của chàng kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Nam (SN 1987) ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn

Được tận mắt chứng kiến, chúng tôi phải thán phục những gì mà anh Nam đã gây dựng, tất cả mọi công đoạn, quy trình trồng dưa lưới trong nhà mạng đều được anh điều khiển bằng điện thoại thông minh và lắp đặt hệ thống camera theo dõi khu vườn.

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao,  kỹ sư xây dựng về quê trồng dưa thu hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 1.
Mô hình trồng dưa công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Nam (xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Kỹ sư xây dựng theo nghề trồng dưa công nghệ cao

Anh Nguyễn Văn Nam (SN 1987, ở xóm 1, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn), sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, anh xin vào làm cho một công ty xây dựng. Sau hơn chục năm miệt mài phấn đấu, chăm chỉ làm việc, anh có một vị trí tốt với mức lương cao.

Thế nhưng công việc nhàn hạ, mức lương cao cũng không thể giữ anh ở lại. Đầu năm 2018, anh quyết định xin nghỉ việc để về quê lập nghiệp, thực hiện ước mơ mà mình ấp ủ bấy lâu.

“Sau khi thấy địa phương có nhiều mô hình trồng dưa công nghệ cao cho lợi nhuận cao, thấy hay quá nên mỗi lần về quê tôi đều chạy qua tham quan. Sau khi tìm hiểu, thấy thu nhập từ mô hình này rất cao, gấp mấy lần lương của kỹ sư của tôi, lại thảnh thơi không áp lực…”, anh Nam chia sẻ.

Theo anh Nam, thời gian gần đây các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng. Điều này tiếp thêm động lực thôi thúc anh Nam về quê trồng dưa…”.

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao,  kỹ sư xây dựng về quê trồng dưa thu hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 2.
Mỗi vụ dưa, chàng kĩ sư xây dựng thu về trên 10 tấn dưa các loại, thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ.

Do là một kỹ sư nên khi bắt tay vào làm nông nghiệp, anh cũng đều lên kế hoạch tỉ mỉ, như trong mấy bản vẽ thiết kế dự án mà anh hay làm. Nhìn trang trại rộng gần 5ha của anh chàng kỹ sư xây dựng mà ai cũng mê, tất cả được bố trí khoa học, gọn gàng.

Giai đoạn đầu tiên, anh Nam tập trung phát triển vào cây dưa. Dưa được trồng theo mô hình công nghệ cao với diện tích nhà màng lên tới 4000m2. Qũy đất còn lại được anh trồng cây công trình và một số loại cây khác…

Sau nhiều tháng bắt tay vào xây dựng, đầu năm 2019, mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao của anh Nam chính thức đi vào hoạt động. Vừa trồng dưa, anh Nam không ngừng học hỏi, đi thăm quan các mô hình khác để trau dồi thêm kiến thức trồng dưa cho năng suất cao nhất.

Theo chàng kỹ sư, trồng dưa trong nhà màng giúp anh kiểm soát được thời tiết, sâu bệnh. Việc cung cấp nước tưới, chế độ dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm và chủ động cho cây dưa ra hoa, đậu quả hơn. 

Điều quan trọng nhất với mô hình trồng dưa công nghệ cao là chất lượng và năng suất vượt trội so với trồng ngoài trời…

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao,  kỹ sư xây dựng về quê trồng dưa thu hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 3.
Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm chàng kỹ sư Nguyễn Văn Nam bỏ túi trên 300 triệu đồng từ vườn dưa, chưa tính thêm các vụ hoa Tết cuối năm.

Mỗi tháng kiếm hơn 30 triệu từ vườn dưa công nghệ cao

Chia sẻ với báo điện tử DANVIET.VN, anh Nam tiết lộ, dù chỉ mới bén duyên với cây dưa được hơn 2 năm nay, nhưng cây dưa đã giúp cho gia đình anh có thu nhập ổn định, nhiều vụ liên tiếp đã thắng lớn.

Chàng kỹ sư xây dựng tiết lộ: “Từ mấy vụ dưa đầu cho đến nay tôi đều thắng lớn, sau khi trừ chi phí vụ ít cũng phải lãi trên 100 triệu, vụ nào được mùa được giá thì lãi tới gần 200 triệu đồng/4000m2. Nếu chia đều ra, bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 30 triệu đồng, cao hơn nhiều lương kỹ sư của tôi trước kia”

Anh Nam cho biết, hiện anh đang trồng 2 loại dưa chính là dưa vàng và dưa lưới, cách trồng và chăm sóc gần như nhau. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng trên 70 ngày, tùy theo từng mùa và cách chăm sóc của mỗi người.

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao,  kỹ sư xây dựng về quê trồng dưa thu hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 4.
Trong quá trình trồng, thường xuyên kiểm tra để có các biện pháp kịp thời nếu có bệnh gây hại cho cây dưa, bón phân định kì cho cây dưa theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trên diện tích 4000m2 nhà màng, mỗi vụ ạnh xuống hơn 10.000 cây dưa giống. Sau khi trồng khoảng hơn một tháng tiến hàng thụ phấn cho cây, sau đó chọn và để lại một quả đẹp nhất còn lại ngắt bỏ. Đồng thời, khi cây dưa phát triển đến 22-23 lá, bấm ngọn để cho cây tập trung nuôi quả.

“Trung bình mỗi gốc dưa cho thu khoảng 1,5kg quả, năm nay do dịch ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên giá dưa giảm nhẹ, dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg. Với hơn 10.000 gốc dưa mỗi vụ, sau khi trừ hao hụt, tôi ước tính sẽ thu về trên 10 tấn quả, thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ” – anh Nam nhẩm tính sản lượng.

Thanh Hóa: Bỏ việc lương cao,  kỹ sư xây dựng về quê trồng dưa thu hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 5.
Mỗi năm gia đình anh Nam thu về trên 30 tấn dưa, doanh thu đạt khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.

Hiện tại anh Nam đang tập trung vào làm thương hiệu dưa cho riêng mình, vì vậy đầu ra cho sản phẩm là rất ổn định. 

Dự định sắp tới, anh Nam sẽ mở rộng mô hình trồng dưa lên tới 10.000m2, để nâng sản lượng phục vụ cho nhu cầu thị trường. Đồng thời, anh áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới, tăng năng suất cây trồng cũng như chất lượng sản phẩm, để nâng giá trị sản phẩm mà mình làm ra.

Hiện mô hình trồng dưa công nghệ cao của gia đình anh Nam đang giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 5 lao động địa phương, với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng dưa công nghệ cao của anh chàng kĩ sư xây dựng đang là một trong những mô hình mang thu nhập cao tại xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Phạm Anh / Dân Việt

Ba vụ án hối lộ, tham nhũng kinh động cổ sử Việt

Dưới thời kỳ phong kiến Đại Việt, nhiều vụ án tham nhũng, nhận hối lộ của quan lại đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Ba vụ án hối lộ, tham nhũng kinh động cổ sử Việt

Trong số những vụ án liên quan hối lộ, tham nhũng thời phong kiến, Tô Hiến Thành được dâng cả mâm vàng, Đỗ Tử Bình khiến vua mất mạng vì lòng tham, 17 viên quan triều Nguyễn cùng nhận án tử.

Hối lộ để đánh tráo ngôi vua thời Lý

Thái phó Tô Hiến Thành (1102-1179) là bậc hiền thần dưới thời vua Lý Anh Tông, văn võ song toàn, từng có công đánh dẹp Ai Lao, Chân Lạp, một số cuộc nổi loạn trong nước. Ông sớm được phong chức lớn và rất được tin dùng. Vua Lý Anh Tông khi sắp mất, đã giao thái tử Long Cán cho ông. Tô Hiến Thành được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.

Bấy giờ, Đỗ thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai lên làm vua, bèn đem một mâm vàng bạc đưa cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết chuyện, Tô Hiến Thành nói rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ, lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng”.

Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.

Âm mưu phế lập của thái hậu không thành, bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1778, khi hết quốc tang, Đỗ thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: “Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên”.

Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”.

Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục.

Vua mất mạng vì bề tôi tham nhũng

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1376, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng cầu hòa.

Nhận sính lễ cầu hòa của địch, lòng tham làm mờ mắt viên hành khiển họ Đỗ. Thay vì tâu lên vua, ông ta giấu đi, làm của riêng mình, rồi nói dối vua Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, khuyên vua nên đem quân đi đánh. Nghe lời, vua Trần Duệ Tông quyết tâm thân chinh.

Cuối năm 1376, Trần Duệ Tông dẫn 12.000 quân đánh Chiêm Thành. Đầu năm 1377, quân Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn thành không, nên tiến quân gấp.

Trúng kế địch, là người nóng nảy, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn không được. Vua thúc quân tiến nhanh vào thành, “quân lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt”.

Thấy quân Trần rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm Thành tứ phía đổ ra đánh. Quân Đại Việt không chống cự nổi, vua Trần Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, trúng tên tử trận, trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam tử trận.

Trốn thoát trở về, Đỗ Tử Bình bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt, bỏ trong xe tù, rao đi khắp phố. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người dân đua nhau chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có phần viết về Đỗ Tử Bình: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.

17 viên quan nhận án tử vì ăn của đút lót

Tháng 12/1854, thương nhân nước ngoài tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc ở Quảng Nam. Biết tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Kết quả, những tố giác là có thật.

Án được trình lên, chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.

Trong vụ án này, nhiều quan lớn bị kết tội như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc. Sau khi bị bắt giam, Đặng Kham lâm bệnh chết trong tù.

Theo các tài liệu lịch sử lưu lại, đây là vụ án xử tội nhận hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.

Theo NGUYỄN THANH ĐIỆP / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Ai đã làm mất Afghanistan?

Người dân Kabul tìm đường ra nước ngoài khi Taliban chiếm trọn Afghanistan.
Người dân Kabul tìm đường ra nước ngoài khi Taliban chiếm trọn Afghanistan.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan vào tuần qua, ngoài sự dự trù hay tiên đoán của mọi bên, kể cả Mỹ và Taliban, nói lên điều gì?
Ba điều, và cũng là những bài học quan trọng, cho Mỹ và mọi quốc gia trên thế giới.
Một, xây dựng đất nước, đặc biệt là nhà nước, không phải là mục tiêu có thể đạt được trong một thế hệ, cho dầu được cường quốc như Mỹ huy động nguồn lực dồi dào nhất, chỉ đứng sau Thế Chiến II. Đánh để chiếm đóng, đối với Mỹ, dường như là giai đoạn dễ dàng nhất, từ Iraq đến Afghanistan. Nhưng giữ thì không hề dễ. Giữ được, và thay đổi được, văn hóa, nhất là văn hóa chính trị của một quốc gia, từ một nhà nước Hồi giáo cực đoan, sang một chính quyền dân chủ, lại là một thử thách cực lớn. Nó cần nhiều thời gian và thế hệ để xây dựng nền móng. Không có nền móng, tức văn hóa chính trị, và thiếu dân trí để làm điểm tựa, thì những hiến pháp, pháp luật hay cơ chế/cấu không thể đứng vững. 20 năm tại Afghanistan cũng không đủ.
Vì thế mà biến cố Afghanistan tuần qua sẽ thay đổi sâu sắc lên chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ trong thời gian tới. Bài học tuy cay đắng, nhưng không có bài học sâu sắc nào mà không phải trả giá quá đắt.
Hai, mọi quốc gia phải tự lực tự cường, không thể trông chờ vào Mỹ hay bất cứ thế lực nào giải quyết cho vấn đề của nước mình. Qua sự kiện này, giáo sư Peter Jennings, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Chiến Lược của Úc, biện luận vào ngày 17 tháng 8 rằng:
“Bài học quan trọng từ Afghanistan cho các đồng minh của Mỹ là tất cả chúng ta cần tăng cường khả năng quốc phòng của chính mình. Chúng ta không thể cho rằng Mỹ sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ các lợi ích chiến lược của chúng ta. Mỹ có thể đưa ra những rào cản rất cao đối với sự can dự của mình vào các vấn đề an ninh khu vực.”
Nói cách khác, tiến sĩ Jennings cho rằng muốn Mỹ can dự vào các vấn đề an ninh khu vực ngày nay thì phải có điều kiện, và rất cao.
Nhưng bài học này đâu có gì mới. Tinh thần vọng ngoại hay bài ngoại cực đoan nào thì cũng đau thương. Ngay cả Taliban, qua một vài điều từ lãnh đạo của họ trong mấy ngày qua, cũng cho thấy rằng họ đã hiểu muốn tồn tại thì họ cũng không thể bài Mỹ cực đoan như trước đây. Với tính cách cá nhân thôi, khi một người dựa vào ngoại cảnh nhiều quá, thì không thể chủ động cuộc sống của mình. Ngược lại, khi một người chưa có nội lực, nhưng khước từ mọi nguồn sống từ bên ngoài, thì làm sao có thể phát triển và tồn tại. Quốc gia nào cũng là tập hợp của hàng triệu đến hàng tỷ những cá nhân như thế thôi. Sức mạnh của một đất nước phải đến từ sự tổng hợp của toàn thể người dân trong nước đó, phải xây dựng nội lực. Còn sức mạnh bên ngoài chủ yếu là phương tiện, đòn bẫy, hỗ trợ.
Tuy nhiên, quyết định rút quân của Mỹ tại Afghanistan như trên sẽ làm cho các đồng minh của Mỹ hiện nay, và các quốc gia tại châu Á đang đối diện với một nước Trung Quốc hung hăng, sẽ lo lắng là liệu Mỹ có can thiệp khi họ bị Trung Quốc hiếp đáp hoặc xâm lược hay không. Đài Loan chắc hẳn là nước đang lo lắng nhất. Nhưng chính sách của Mỹ tại châu Á hoàn toàn khác với chính sách của Mỹ tại Trung Đông hiện nay. Ít nhất là mức độ ưu tiên, bởi Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn mối đe dọa khủng bố của Mỹ vào 20 năm trước.
Ba, trước khi đánh giá hay đổ lỗi cho ai, cũng nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề. Trong câu chuyện về Afghanistan, đổ lỗi cho Mỹ, cho Tổng thống Biden, thì dễ. Nhưng với mọi vấn đề, nếu đặt mình vào địa vị của người khác, mình sẽ giải quyết ra sao?
Bài “Tất cả chúng ta đều làm mất Afghanistan” (We All Lost Afghanistan) của P. Michael McKinley, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan từ năm 2014 đến 2016, viết trên Foreign Affairs vào ngày 16 tháng 8, là đáng tham khảo. McKinley biện luận rằng những người đang phê bình về diễn biến tại Afghanistan trong những ngày qua thì cũng từng là kiến trúc sư của các chính sách về Afghanistan trước đây.
McKinley trình bày những lập luận quan trọng trong bài này một cách tóm tắt như sau. Một, cho dầu đình trễ quyết định rút quân khỏi Afghanistan một hay hai năm nữa thì ông vẫn nghĩ nó không thay đổi được gì trên mặt trận thực tiễn tại Afghanistan. Hai, Mỹ đã đánh giá quá cao về khả năng thực sự của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF), và của Taliban. Trên giấy tờ, ngay cả khi không có Mỹ yểm trợ thì ANDSF lẽ ra phải có khả năng để bảo vệ các thành phố lớn và các cơ sở quân sự quan trọng, vì Mỹ đã bỏ công huấn luyện và trang bị tất cả những gì cần thiết trong 20 năm qua cho việc này. Tổng thống Biden được giới tình báo Mỹ cho biết vào cuối tháng 3 năm nay rằng, Taliban có thể chiếm phần lớn nước này trong hai đến ba năm tới, chứ không phải trong vài tuần. Ngoài ra, phần lớn các báo cáo từ Bộ Quốc phòng đến quốc hội Mỹ mỗi 6 tháng, từ năm 2009 đến 2016, đều kết luận rằng trong tổng số 352,000 quân nhân Afghanistan thì phần lớn đã được tuyển mộ. Chỉ có báo cáo năm 2017 và 2019 thì hơi quan ngại, vì hàng chục ngàn lính ma đã không còn nằm trong danh sách quân nhân. Báo cáo năm 2020 cho biết chỉ còn 298,000 quân nhân ANDSF lãnh lương, nghĩa là vấn đề lính ma vẫn diễn ra. Ba, trong cuộc phỏng vấn cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen tuần qua, Mullen cho biết ông phản đối lại ý kiến kéo dài sự gia tăng quân đội Hoa Kỳ trong năm 2011 bởi vì “nếu chúng ta không có tiến bộ đáng kể hoặc cho thấy tiến bộ đáng kể trong suốt 18 tháng hoặc lâu hơn, thì chúng ta đã có chiến lược sai lầm và chúng ta thực sự cần phải điều chỉnh lại.” Tuy nhiên, cho đến khi quyết định rút quân thì đáng tiếc là việc hiệu chuẩn lại như vậy đã không bao giờ xảy ra. Bốn, Mckinley cũng cho biết: quân nhân Afghanistan có nhiều tháng trời không lãnh lương và không được trang bị đầy đủ để tự vệ; lãnh đạo và tướng lãnh Afghanistan đã thất bại hoàn toàn trong việc chiếm được lòng trung thành của họ cho quốc gia; các lãnh chúa Afghanistan không đóng vai trò gì đáng kể trong việc điều binh, như đã thấy trong vài tuần qua, mà lại là ổ chứa của tham nhũng. Mỹ cũng trông cậy nhiều vào Pakistan nhưng họ cũng đi nước cờ đôi: dung chứa nhóm khủng bố Al-Qaeda. Năm, những khi người Mỹ nào can thiệp vào nền chính trị của Afghanistan với mục tiêu giữ vững con đường dân chủ hóa của Afghanistan thì lại bị phản tác dụng, bị giới chính trị Afghanistan xem người đó như kẻ thù. Sáu, sự thống nhất chính trị tại Afghanistan thật là mỏng manh: căng thẳng quyền lực giữa vùng và thủ đô Kabul; giữa người Pashtuns và các sắc tộc thiểu số Tajiks, Hazaras, and Uzbeks. Các tổng thống Afghanistan từ Karzai đến Ghani giải quyết xung đột bằng một hệ thống chiến lợi phẩm hơn là thúc đẩy một tầm nhìn quốc gia chung. Khi Mỹ can thiệp để xác định, thậm chí lựa chọn, các nhà lãnh đạo trong các bộ chính phủ, họ thành công nhưng đồng thời cái giá phải trả là làm suy yếu tính độc lập và hợp pháp của chính phủ Afghanistan. Bảy, Mỹ đánh giá thấp, và hiểu lầm, khả năng của Taliban, nhất là khả năng thay đổi của họ. Theo Benjamin Jensen trên Altanlic Council thì lực lượng của Taliban gồm khoảng 80,000 quân, nhưng họ có nhiều khả năng dùng mạng xã hội hơn súng AK-47. Taliban hiểu rõ rằng cuộc hòa đàm tại Doha vào tháng 2 năm 2020 là để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong trật tự. Họ hiểu rõ và lợi dụng tình huống đó. Điều này thật giống mục tiêu của Mỹ trong Hiệp định Paris năm 1973 đối với cuộc chiến Việt Nam.
Cái giá phải trả cho cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan là quá đắt. Theo Mckiney thì 1 ngàn tỷ đô la, 2400 mạng sống, 20,000 thương tích. Nếu bỏ đi thì mất hết, như đã thấy. Nếu ở lại thì đến bao lâu, tốn kém bao nhiêu nữa, để đạt mục đích gì?
Với những gì cựu đại sứ McKinley trình bày về những diễn biến tại Afghanistan trong 20 năm qua, thì dù là Dân chủ hay Cộng hòa, Trump hay Biden, hay bất cứ ai trong vai trò lãnh đạo, thì cũng phải đi đến quyết định là phải chấm dứt vai trò của Mỹ tại Afghanistan thôi, ngay cả khi biết rằng rất có thể Taliban sẽ trở lại.
Rõ ràng Mỹ và đồng minh dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không giúp được cho chính quyền và người dân Afghanistan vững mạnh, tức Empower họ, trong 20 năm qua. Quyết định rút quân hoàn toàn, vào ngày ấn định 11 tháng 9 năm 2021 của Tổng thống Joe Biden, cũng chỉ là tiếp tục quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng cung cách rút quân này đã đưa đến hỗn loạn không ai lường được. Tuy chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm phần nào về điều này nhưng nó cũng chỉ là “nhân quả” của chính sách toàn diện về Afghanistan suốt 20 năm qua: từ “Khi đồng minh nhảy vào” năm 2001 đến “Khi đồng minh tháo chạy” năm 2021. Bốn nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, với 2442 lính Mỹ và 992 tỷ đô la, theo tờ Fortune, chưa kể bao tổn thương và tổn thất khác. Để so sánh, chiến tranh Việt Nam tốn Mỹ 851 tỷ đô la, Iraq 817 tỷ, Thế Chiến I 314 tỷ, và Thế Chiến II 5100 tỷ. Tức phí tổn cho chiến tranh và bảo vệ Afghanistan đứng nhì, chỉ sau Thế Chiến II.
Tóm lại, đổ lỗi thì thật dễ. Học được bài học từ thất bại mới là điều khó. Những người học được thì tiến mãi thôi. Đối với Mckinley, ông hy vọng người Mỹ không bị cuốn vào một cuộc tranh luận gay gắt về “Ai đã làm mất Afghanistan”, nhưng nếu làm vậy, thì hãy thừa nhận rằng đó là tất cả chúng ta.
Phạm Phú Khải / VOA