Việt Nam: Loạn cào cào với ứng dụng chống COVID-19

Nếu có ai hỏi tôi rằng bây giờ ra đường, cần chuẩn bị ứng dụng nào để lưu thông thuận lợi thì thú thật, tôi cũng không rõ. Thực trạng hiện tại ở Việt Nam, có quá nhiều ứng dụng với đủ loại mô tả nào là truy vết người bệnh, khai báo y tế, mỗi địa phương, đơn vị hay ban ngành lại tự có một ứng dụng hay trang web riêng khiến cho người dân không khỏi hoang mang vì chẳng thể rõ đâu là thứ mình cần!

Có bao nhiêu ứng dụng đang được kêu gọi dùng?

Đầu tiên phải kể đến ứng dụng NCOVI ra mắt hồi Tháng Ba năm ngoái. Ban đầu, NCOVI được xác định là một ứng dụng giúp công dân có thể khai báo y tế, lịch sử di chuyển cũng như hiện trạng sức khoẻ sơ bộ. Rồi cũng trong tháng đó, Bộ Y tế lại triển khai ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) với mục đích để người nhập cảnh vào Việt Nam có thể khai báo. Đọc đến đây chắc ai cũng đều đặt ra câu hỏi rằng “Ủa, tại sao không làm thêm tính năng khai báo cho người nhập cảnh trên ứng dụng NCOVI đi?”. Chưa dừng lại ở đó, ở thời điểm triển khai, NCOVI và VHD lại sử dụng hai cơ sở dữ liệu độc lập và không hề liên thông với nhau. Phải mất đến hai tháng sau, tức Tháng Năm, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng mới thông báo rằng kho cơ sở dữ liệu của chúng giờ đã được đồng bộ.

Ảnh: báo Nhân Dân

Sau khi NCOVI và VHD ra mắt được một tháng, bắt đầu xuất hiện ứng dụng Bluezone. Ngoài việc cũng tích hợp tính năng khai báo y tế, Bluezone còn có khả năng thiết lập bản đồ lịch sử tiếp xúc bằng giao tiếp sóng Bluetooth giữa các thiết bị smartphone với nhau. Thoạt nghe thì có vẻ hiện đại và hay ho, cho tới khi hàng loạt những người có chuyên môn trong lĩnh vực bảo mật đều chỉ ra rằng ứng dụng này tồn đọng quá nhiều lỗ hổng có thể bị kẻ xấu khai thác. Chưa rõ thật sự các lỗ hổng hay quan ngại của người dùng đã được giải quyết chưa, nhưng với sự kêu gọi mạnh mẽ của các trang truyền thông trong nước cũng như sự nhiệt tình “spam tin nhắn” của Bộ TT-TT, hiện tại ứng dụng này đã có hơn 40 triệu lượt tải trên toàn quốc.

Việc ứng dụng này được tải xuống nhiều cũng dễ hiểu, vì so với cả mớ ứng dụng bây giờ, đây là ứng dụng được giới thiệu tính năng rõ ràng nhất và cũng có nhiều khác biệt nhất. Tuy nhiên, đứng sau Bluezone lại là Bkav. Và cách đây ít lâu, trong vụ tấn công vào nội bộ của Bkav, một hacker đã tuyên bố có được dữ liệu của người dùng của dự án Bluezone. Về toàn cảnh vụ việc này, mời bạn đọc ghé qua bài viết “Ứng dụng Bluezone bị hack nhưng không báo nào đăng tin!” mà Saigon Nhỏ đã đưa tin.

Cứ ngỡ mọi thứ sẽ dừng lại ở đây, nhưng rồi qua năm 2021, hàng loạt ứng dụng khác lại được “đẻ” ra với tính năng cũng không khác là mấy. Đơn cử như ứng dụng “Khai báo y tế của UBND TP.HCM” được giới thiệu hồi Tháng Sáu vừa rồi, tiếp đến là “Sổ sức khoẻ điện tử”, rồi mới đây nhất đó là “E-Vaccine” và “Di biến động dân cư”. “Di biến động dân cư” – cái tên thoạt nghe đã khó hiểu và buồn cười, nhưng buồn cười hơn nữa vì đây lại là ứng dụng do… Bộ Công an triển khai.

Ngoài những ứng dụng phổ biến kể trên, còn có thể kể đến những cái do địa phương và đơn vị khác triển khai như Smartcity, Sức khỏe Việt Nam (Viettel), nCovi (MobiFone), Antoan Covid… rồi lại những trang web như luongxanh.drvn.gov.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn,… Tất cả những ứng dụng kể trên, nói thật, nếu muốn thì chỉ cần vài “nốt nhạc” là họ đã có thể làm một hệ thống đơn giản sử dụng ngay trên chính ứng dụng Zalo mà gần như người nào cũng đang sử dụng!

Rối như tơ vò

Trong cuộc trao đổi với báo Tiền Phong, PGS. TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế đã khẳng định rằng “Thực tế càng ít ứng dụng khai báo y tế càng tốt, giúp người dân dễ nhận diện, đỡ hoang mang, và cơ quan chức năng dễ thống nhất quản lý”. Phát biểu là vậy, nhưng thực trạng thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều dự án được triển khai ra nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể đồng bộ với hệ thống dữ liệu chung, suckhoe.dancuquocgia.gov.vn là một ví dụ.

Đối với một người đã tiếp xúc với công nghệ và thông tin báo đài mỗi ngày như tôi, việc xác định sử dụng ứng dụng nào đã khó thì thử hỏi những người lớn tuổi hơn, ít cập nhật hơn, họ phải làm như thế nào?

Rối rắm là một chuyện, triển khai sử dụng thực tế lại tiếp tục nảy sinh thêm nhiều vấn đề lớn. Thay vì được sinh ra để giúp cho việc thông chốt được nhanh hơn, chúng lại làm cho những chốt kiểm soát bị ùn ứ, vô hình trung lại biến đây trở thành những tụ điểm đông người! Theo bài đăng của báo Tuổi Trẻ ngày 14 Tháng Tám, các tuyến đường như Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) hay Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đều có thể bắt gặp cảnh rất nhiều xe máy bị kẹt cứng trước chốt kiểm soát.

Người dân rối trí không biết nên khai bằng ứng dụng nào, có khi khai sai ứng dụng thì lại phải đứng khai thêm một tí thời gian. Chưa kể đến việc làm gì có ai cũng có sẵn mạng di động 3G/4G để khai báo khi di chuyển ngoài đường! Cũng theo báo Tuổi Trẻ ghi nhận, lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bằng điện thoại cá nhân cũng gặp phải nhiều vấn đề do hết pin, nắng nóng khiến camera không thể quét chính xác được ngay từ lần đầu… Nhiều người thậm chí cũng không biết phải sử dụng ứng dụng như thế nào, thành ra phải đợi người hướng dẫn từng bước, tốn thời gian.

Tốn quá nhiều nguồn lực của người dân

Bên cạnh những vấn đề về việc phải cài ứng dụng lên máy, tốn thời gian khai báo cho nhiều loại ứng dụng khác nhau và phải đứng chờ hàng dài do kẹt xe, các ứng dụng khai báo y tế và truy vết COVID-19 còn khiến người ta đặt ra câu hỏi về ngân sách đầu tư.

Để triển khai một ứng dụng và quản lý duy trì chúng không phải là dễ. Theo baochinhphu.vn, ngân sách nhà nước đã chi ra tới 21 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngân sách chi trả cho các công ty như Bkav, MobiFone, Viettel để xây dựng ứng dụng và hệ thống quản lý lại không hề thấy công bố. Ứng dụng thì cứ thi nhau được viết ra, được giới thiệu, nhưng người dân lại không thể nắm rõ được đâu là cái thực sự cần thiết và cuối cùng thì chúng tạo ra rất nhiều sự lãng phí. Chúng ta ai cũng biết, khi có một dự án nào đó, hiện tượng tiền chảy đi hướng khác là điều rất hiển nhiên, và các ứng dụng kể trên không phải là ngoại lệ.

Rõ ràng, hiệu quả thực tế đã chỉ ra là không cao, thậm chí “Di biến động dân cư” đã thất bại chỉ sau vài ngày được triển khai. Người dân không cần nhiều ứng dụng như thế, cái họ cần là một cái có thể dùng tốt, phần chi phí còn lại hãy mang đi hỗ trợ người khó khăn, đầu tư máy thở, cơ sở vật chất trong các bệnh viện.

Cần phải nhấn mạnh rằng, nếu bạn là người đã bị lây nhiễm COVID-19, gần như bạn không thể xem các ứng dụng này là thứ đáng tin cậy để nhận được sự hỗ trợ từ địa phương hay cơ quan chức năng. Đây là điều mà chính tôi đã gặp phải trong những ngày qua.

Thôi, đừng cố gắng đua theo 4.0 để làm gì, thực hiện thật tốt những thứ cơ bản từ 0.4 trước đi cái đã!

Theo Sagon nhỏ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s