Thụy Sĩ yên bình trong mắt du khách Việt

Giữa mùa cao điểm du lịch tháng 7/2021, các nơi tham quan tại Thuỵ Sĩ vắng vẻ, hầu như chỉ có người dân trong nước và số ít khách châu Âu.

Giữa tháng 7/2021, anh Nguyễn Ngọc Anh (Lukas), nhiếp ảnh gia hiện sinh sống tại Paris (Pháp), đã có chuyến thăm Thụy Sĩ một tuần. Từ cuối tháng 6, quốc gia này nới lỏng hạn chế nhập cảnh cho du khách đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, từ các quốc gia trong khối Schengen.

Anh Ngọc Anh đi bằng tàu siêu tốc từ ga Gare de Lyon Paris (Pháp) tới ga Basel (Thụy Sĩ) khoảng 3 tiếng 30 phút. Sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu nội địa tới hồ Thun, làng Brienz thuộc thị trấn Interlaken và đỉnh núi Jungfrau. Trên ảnh là cảnh tàu lên núi.

Ngôi làng Blatten Bela, ở vùng núi Jungfrau lúc 8h sáng. Anh cho biết bình minh lúc 6h30 và hoàng hôn vào 21h là thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh. Tuy nhiên cáp treo lên núi thường bắt đầu lúc 7h30 và chuyến cáp cuối là 19h30, nên khiến anh gặp khó khăn khi chụp ảnh.

Một điểm đến trong hành trình của anh là làng Lauterbrunnen, nằm ở lối vào một thung lũng của vùng núi Jungfrau. Nơi đây nổi tiếng với khung cảnh thơ mộng cùng những đồng cỏ xanh, con đường uốn lượn như trải dài tới dãy Alps hùng vĩ.

Anh Ngọc Anh cho biết, nhiệt độ trong ngày khoảng 20-27 độ C. Buổi sáng ở trên núi với độ cao 2.000 m nên mặc áo khoác tránh gió, tránh lạnh. Buổi trưa và chiều thời tiết mát vẻ và nắng không quá gắt nên không gây khó chịu và mệt mỏi.

Mürren, ngôi làng nằm ở độ cao 1.650 m so với mực nước biển, nơi nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ và khung cảnh ngoạn mục của vùng Jungfrau.

Ngôi làng Iseltwald ở Interlaken từng xuất hiện trong bộ phim truyền hình ăn khách Hàn Quốc “Hạ cánh nơi anh”. Ngọc Anh cho biết sau bộ phim, anh đã tới đây vào mùa xuân năm 2020, tuy nhiên thời tiết rất lạnh. Được trở lại ngôi làng vào mùa hè, khung cảnh rất tuyệt vời. Đặc biệt vì ảnh hưởng của Covid-19 nơi đây rất vắng khách du lịch, hầu như chỉ có người dân Thụy Sĩ nên việc đi chơi, chụp ảnh, phương tiện đi lại không có cảnh chen chúc hay phải xếp hàng để chụp ảnh. Ở đây, anh cũng thăm cây cầu Sigriswil, từng xuất hiện trong bộ phim.

Đi thuyền trên hồ Brien. Anh Ngọc Anh cho biết, ở Thụy Sĩ mọi chi phí đều đắt hơn Pháp 2-3 lần. Vì vậy du khách nên mua Swisspass để được sử dụng tất cả các loại phương tiện công cộng như tàu điện trong thành phố (Tramway), tàu liên tỉnh (ICE: InterCityExpress) và tàu thủy trên hồ (Cruise on Lake). Vé mua lẻ tốn kém và tốn thời gian, gây ảnh hưởng tới lộ trình tham quan.

Thành phố Zürich vào hoàng hôn. Nơi đây hút du khách với những con đường đẹp như tranh vẽ ở trung tâm Altstadt (Phố Cổ), ở hai bên sông Limmat.

Tàu điện đi lại trong thành phố vắng người qua lại.

Lan Hương / Ảnh: Nguyễn Anh Lukas / Vietnam Epress

Sài Gòn – Kabul, bài học dị kỳ

Từ Hoa Kỳ… dị! – bài một

Dẫn Nhập: Trước khi bắt đầu bài viết cần nói rõ chi tiết, chúng tôi thuộc thành phần quân nhân nhảy dù là đơn vị có hoạt động phối hợp trực tiếp trước nhất với hệ thống cố vấn Mỹ (đến cấp đại đội) từ những năm đầu của thập niên 1960, trước khi lực lượng bộ chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, Tháng Ba 1965. Mối liên quan này càng thêm cụ thể với tư thế cá nhân là thành viên Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương, cơ quan quân sự duy nhất của QLVNCH/CPVNCH vẫn duy trì liên lạc với Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ (DAO) tại Căn cứ Phi trường Tân Sơn Nhất cho đến sáng 29 Tháng Tư 1975.

Sau thời gian đi tù cộng sản (1975-1989), chung với thành phần H.O, chúng tôi đã đến Mỹ từ đầu thập niên 1990. Những chi tiết này cần được kể ra nhằm để chứng thật, bản thân cá nhân đã có những liên quan trực tiếp, gián tiếp, xa, gần với người/việc của quân đội/chính quyền/xã hội Mỹ từ hơn nửa thế kỷ, cụ thể từ 1993, lần bắt đầu sống trên đất Mỹ với tư cách là Công Dân Mỹ Gốc Việt (1999) cho đến hôm nay – Dài hơn thời đoạn sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa (26 Tháng Mười 1955 – 30 Tháng Tư 1975) đến hơn 10 năm.

Nhưng nay, sau biến cố 15 Tháng Tám 2021 xảy ra ở Kabul, Afghanistan đành phải thú nhận một điều khó tin nhưng rất hiện thực: Vẫn không thể hiểu được (một cách chính xác) Người Thật/Việc Thật của Nước Mỹ là gì? Ngoài những “Bài Học” được kể ra sau đây. Những “Bài Học” về “Kỹ Thuật Giết Người-Giết Con Người/Giết một Dân tộc” – từ của những “Đại Sát Nhân” giấu mặt, hay ngang nhiên công khai, hiện diện suốt thế kỷ 20, và trong hiện tại, khắp cùng quả đất, giữa chúng ta. Những “Đại Sát Nhân” điển hình, cụ thể  ở Washington DC, ở Mạc Tư Khoa, ở Bắc Kinh và, tất nhiên đầy dẫy nơi Hà Nội – Bắc Việt Nam.

1. Bài Học Thứ Nhất

Ngày 8 Tháng Năm 1957, Tổng thống VNCH Ngô Đình Điệm chính thức thăm viếng Mỹ. Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles đón tại cầu thang máy bay với lời chúc tụng nồng nhiệt nhất đối với một nguyên thủ quốc gia, lại là một nước nhỏ xa xôi vừa mới thành hình ở Đông-Nam Châu Á, ngày 26 Tháng Mười 1955. Báo chí Mỹ hòa nhịp qua tờ The Washington Post, dành bốn trang để đăng hình và bài viết về người lãnh đạo VNCH với hàng tít lớn “Diệm-Symbol of Free New Asia/Biểu Tượng của Một Châu Á Mới”; tờ The Washington Evening Star chạy tiêu đề: “Welcome to a Champion/Hoan Hô Nhà Vô Địch” và mô tả Tổng thống Diệm như một “chiến sĩ dũng cảm và có năng lực nhất chống chủ nghĩa cộng sản”. Báo The New York Times đăng lời ca tụng: “Cuộc viếng thăm (của Tổng thống Diệm) là một bước tiến cho những nguyên lý của tự do và dân chủ ở Châu Á”. Báo The Boston Globe tán dương thêm: “Con Người Thép của Việt Nam”.

Tổng thống Dwight D Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Phi trường Quốc gia, Washington DC, ngày 8 Tháng Năm 1957 (ảnh: PhotoQuest/Getty Images)

Nhưng những lời tán dương trên báo chí, từ giới lãnh đạo Mỹ, của chính quyền Tổng thống Eisenhower (Đảng Cộng hòa) qua thập niên 1960 hoàn toàn biến mất. Thật ra chỉ ba năm kể từ 1957, bắt đầu với chính quyền của Tổng thống Dân chủ John Kennedy (1961-1963), thế hệ lãnh đạo mới của Mỹ sau lần Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, 1945, mở đầu Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Tư Bản-Cộng Sản (1960-1989). Tháng Tám 1963, Tổng thống Kennedy cử Đại sứ Henry Cabot Lodge (1902–1985; thượng nghị sĩ/Cộng hòa, tiểu bang Massachussetts) đến Sài Gòn thay thế Đại sứ Frederick Nolting, một người từ lâu yểm trợ chế độ Tổng thống Diệm.

Không chỉ thay thế ông Nolting trong nhiệm vụ hành chính-ngoại giao thông thường, Đại sứ Lodge đến Sài Gòn với một nhiệm vụ bí mật quan trọng hơn hẳn. Vừa đến Sài Gòn, ông Lodge đích thân mời David Halberstam, Malcolm Wilde Browne, Neil Sheehan – nhóm ký giả của Hãng thông tấn AP, Truyền hình CBS, báo New York Times đã có mặt từ lâu tại Sài Gòn – đến ăn cơm, tiếp xúc thân mật riêng tư để trao đổi câu chuyện, điển hình những lời “cố vấn” như sau của Sheehan về… “chế độ; khủng hoảng Phật giáo (xảy ra từ 8 Tháng Năm 1963 tại Huế); cuộc chiến…”.

Sheehan cho “ý kiến/cố vấn”: Tựu trung, chế độ Ngô Đình đã bị ghét bỏ, điên cuồng không cai trị được đất nước. (Nếu) Diệm (không có chức vụ, danh vị đi trước tộc danh) và gia đình tiếp tục cầm quyền thì cuộc chiến tất sẽ thất bại. (Nếu) chế độ họ Ngô được thay thế bởi một chế độ quân nhân thì không có gì bảo đảm các ông tướng sẽ hành xử khá hơn, nhưng hy vọng là họ sẽ có thể. Sheehan “cố vấn” tiếp: “Với họ Ngô Đình nhìn về tương lai thì chỉ có thất bại!” (Neil Sheehan, A Bright Shining Lie. New York, Random House. 1988. Page 359). (Lưu ý:  Neil Sheehan sinh 1936, khi “cố vấn” cho Đại sứ Logde quyết định vận mệnh dân tộc/chiến tranh Việt Nam thì chỉ mới 27 tuổi – chú thích của tác giả PNN).

Ngày 13 Tháng Năm 1957: Tổng thống Ngô Đình Diệm chào đám đông người dân Mỹ khi đi cùng công sứ Richard Patterson và viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wiley T. Buchanan trên đường phố Broadway, New York City (ảnh: Carl T. Gossett Jr/New York Times Co./Getty Images)

***

Không phải vô cớ và vô tình, Đại sứ Lodge chọn Sheehan, Halberstam… để mời ăn khi tới Sài Gòn mà vì danh tính, bài báo của những người này đã được William Averell Harriman (1981-1986; nhà ngoại giao được đánh giá cao/cao nhất của chính giới thuộc đảng Dân chủ) để ý đến từ khi nhân sự này giữ chức Giám đốc Đông Nam Á Sự Vụ, tiếp theo chức Phụ tá Ngoại trưởng về ngoại giao, nhường ghế giám đốc lại cho Roger Hilsman (Ibd, Pg. 359). Phải nói rõ thêm: Hệ thống nhân sự Harriman cùng Roger Hilsman từ lâu vốn mang mối thâm thù chính trị quyết liệt đối với Tổng thống Diệm khi nhà lãnh đạo VNCH cực lực phản đối Hiệp Định Trung Lập Lào 1962 do Harriman chủ trương (nhằm đạt thỏa thuận với Liên Xô để ký kết về Hiệp Ước Vũ Khí Hạt Nhân). Giới quan sát quốc tế không vô lý gọi Đường mòn HCM trên đất Lào là Harriman Freeway!

Đại sứ Henry Cabot Lodge Jr. trong một cuộc gặp giới chức VNCH vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tháng Bảy 1964 (ảnh: Nguyen Van Duc/Michael Ochs Archives/Getty Images)

Tóm lại “quyết định lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng hòa-Tổng thống Ngô Đình Diệm hoàn toàn (có trước/bên ngoài/rất xa) so với sự kiện tại Đài Phát thanh Huế (8 Tháng Năm 1963); Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu (11 Tháng Sáu 1963) tại Sài Gòn… Tất cả chỉ là giọt nước tràn chiếc ly (sẽ) bị đập vỡ. Tập đoàn tướng lãnh miền Nam giáng xuống chiếc búa quyết định tại Ngày 1 Tháng Mười Một 1963. Cần nói lại một lần: Tín hiệu bật đèn xanh để Đại sứ Lodge đồng thuận cho cá nhân/nhóm cá nhân tướng lãnh hạ sát Tổng thống Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu là Công Điện số 243 do Roger Hilsman soạn thảo, gởi từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Đại sứ Henry Cabot Lodge, Jr tại Sài Gòn trong ngày 24 Tháng Tám 1963.

Công điện số 243 quyết định vận mệnh người lãnh đạo miền Nam, đưa cuộc chiến vào một ngã rẽ tai họa không do tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, kể cả phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ quyết định, nhưng do Roger Hilsman đơn độc thực hiện lúc 44 tuổi (sinh 1919-2014 – chú thích của tác giả PNN). Công điện 243 tuyên cáo Hoa Thịnh Đốn không muốn để Nhu (cố vấn Nhu, bào đệ Tổng thống Diệm, chỉ có gọi tộc danh Nhu trong điện văn – PNN) ở vị thế quyền lực và ra lệnh Đại sứ Logde phải buộc Diệm (Chỉ nêu tộc danh Diệm – PNN) phải cất bỏ người em. Công điện nói rõ, nếu Diệm từ chối, người Mỹ (Là những ai? – PNN) sẽ khai triển khả năng thay thế (người) lãnh đạo ở Nam Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy cùng phu nhân gặp Bà Ngô Đình Nhu tại Belgrade, Yugoslavia nhân một sự kiện quốc tế (ảnh: Getty Images)

***

Bài học oan nghiệt đẫm máu phần đầu tại Sài Gòn trong ngày 2 Tháng Mười Một 1963 với thi hài hai anh em Tổng thống Diệm bị đâm vằm nát mặt chắc chắn vượt khỏi “dự tính/mong ước” của những đối thủ chính trị của hai ông cho dù đấy là HCM ở Hà Nội hay Trí Quang ở Sài Gòn?! Bài học cũng không đơn giản là chỉ thanh toán người lãnh đạo miền Nam để thay thế bởi một thành phần cầm quyền mới. Hoàn toàn không là như vậy. Máu đổ từ Sài Gòn tràn qua nước Mỹ, loang rộng, thấm sâu oan nghiệt hơn, khủng khiếp hơn gấp bội phần. Máu thấm tới hôm nay. Qua thế kỷ hai mươi-mốt.

Trở lại năm 1963, chỉ trong Tháng Mười Một, hai-mươi ngày sau – Tổng thống Kennedy, nhà lãnh đạo trẻ nhất (sinh 1917; nhậm chức lúc 44 tuổi – PNN), được yêu mến nhất của 35 đời tổng thống Mỹ, kể tới năm 1961, cũng đúng tại hôm nay. Vị tổng thống đã tạo nên huyền thoại lẫn thực tế về vai trò lãnh đạo của tư thế cá nhân lẫn nước Mỹ trên toàn thế giới. Tổng thống Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacky Kennedy đã là mẫu mực tượng trưng cao nhất cho nước Mỹ trước nhân loại toàn cầu ở thập niên 1960. Tổng thống Charles de Gaulle, vị anh hùng của Pháp (chỉ sau Hoàng Đế Napoléon) dẫu là người “kỵ Mỹ” cũng phải trầm trồ tán dương lần Tổng thống Kennedy đến thăm Pháp, ngày 1 Tháng Sáu 1961.

Vị Tổng thống Mỹ huyền thoại kể trên, chỉ sau 20 ngày của cái chết của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, đã bị bắn vỡ đầu tại Dallas, Texas trong ngày 22 Tháng Mười Một 1963. Tổng thống Kennedy bị sát hại “bất ngờ/nhanh chóng/vô lý” đến nỗi dư luận phản chiến, báo chí thiên tả CHƯA KỊP TẠO NÊN BẤT CỨ LÝ DO GÌ ĐỂ GIẢI THÍCH CHO VỤ MƯU SÁT! Không thể kết án là “gia đình trị” (dẫu người em, Robert Kennedy là Bộ trưởng Tư pháp; người em út Edward Kenndy là thượng nghị sĩ); hoặc “đàn áp tôn giáo” (khác) dẫu là Tổng thống Mỹ đầu tiên theo Đạo Công Giáo; và càng không thể là do “dự tính thỏa hiệp với cộng sản” qua thái độ quyết liệt trong vụ Thủ tướng Liên Xô Khruschev dự tính thiết trí hỏa tiễn tầm ngắn ở Cuba, 1962.

Vậy thì tại sao? Tại sao? Có nhiều lý do, nhiều nguồn giải thích về vụ mưu sát Tổng thống Kennedy, không thể kể ra trong bài viết ngắn này. Người viết CHỈ đúc kết LÝ DO CỐT LÕI QUA THỰC TẾ LỊCH SỬ ĐƯỢC SOI RẠNG TỪ HƠN NỬA KỶ/CÀNG ĐÚNG VỚI DIỄN TIẾN VÀ HẬU QUẢ CHIẾN TRANH VIỆT NAM, KẾT THÚC TRONG NGÀY 30 THÁNG TƯ 1975. CŨNG ĐÚNG/CÀNG ĐÚNG VỚI NƯỚC MỸ HIỆN TẠI, 2021.

Nguyên nhân ấy là: Trong lần gặp thượng nghị sĩ Mike Mansfield (mùa Xuân 1963) với tư cách riêng, Tổng thống Kennedy nói rõ: “Tôi chỉ có thể rút ra khỏi Việt Nam trong năm 1965 – Sau khi tôi tái đắc cử (sau bầu cử tổng thống 1964)” (Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot. Boston New York, Little Brown and Company. 1997. Page 430). Đoạn sau của trang 430 này, Tổng thống Kennedy nói rõ hơn với người bạn thân, O’ Donnell: “Vào năm 1965 (sau khi tái đắc cử/và rút quân khỏi Việt Nam – PNN), tôi sẽ trở nên là một tổng thống bị ghét bỏ nhất trong lịch sử. Tôi sẽ bị kết án khắp nơi là “thỏa hiệp với cộng sản”. Nhưng tôi bất cần (vào năm 1965/sau khi đã tái đắc cử). Phần cuối trang 430, nói rõ thêm về Tổng thống Diệm: Ngô Đình Diệm bị giết là vì ông ấy muốn thực hiện một điều gì (tương tự như cuộc rút quân dự trù 1965 của Tổng thống Kenndy) từ 1963 – Đưa Quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Vâng, chỉ là: “ĐỔ QUÂN VÀO/RÚT QUÂN RA KHỎI VIỆT NAM” chứ không có gì khác! Khác chăng là Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm muốn thực hiện từ 1963 – Khác với Tổng thống/Liên Bang Mỹ Kennedy (dự trù) thực hiện vào năm 1965, sau lần tái đắc cử, 1964.

Tóm lại, hôm nay 58 năm sau thảm kịch của năm 1963, chúng ta có thể kết luận chắc một điều: Do dự tính trước, sau cách nhau chỉ hơn một năm (1963/1965), hai vị tổng thống được đánh giá cao/cao nhất đã đồng bị thảm sát tại một thời hạn gấp rút: Chỉ trong Tháng Mười Một của năm 1963! Tại sao?

Chúng ta sẽ nói tiếp qua Bài Học Thứ Hai với một thời điểm đã gióng trước, 1965…

Phạm Nhật Nam / Saigon nhỏ

76 NĂM TRƯỚC, CỤ PHẠM QUỲNH ĐƯỢC “MỜI”…VÀ MẤT TÍCH

Vũ Thế Khôi
76 năm trước, vào 2h chiều ngày 23 – 08 – 1945, một nhóm người vũ trang đi xe o-tô ập vào ấp Hoa Đường trên bờ sông An Cựu, “mời” cụ Phạm Quỳnh đi gặp chính quyền Cách mạng Thừa Thiên-Huế. Cụ Phạm không bao giờ trở về nữa.
Một thời gian dài có những lời biện bạch rằng cụ Phạm bị một nhóm dân quân manh động sát hại. May thay, 8 năm trước đại tá TS Nguyễn Văn Khoan đã viết ra sự thật trong sách do Nxb CAND in ấn: “Báo “Quyết Thắng”, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9 – 12 – 1945 cho biết: “cả 3 tên Việt gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23 – 8 và đã bị Uỷ ban khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”.

Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu…”
Vậy tại sao Hồ Chủ tịch gọi cụ Phạm Quỳnh là “học giả” và viết thư mời ra cộng tác với Cách mạng? 

Nguyễn Cảnh Thuỵ: Lúc chuẩn bị được “mời đi”, cụ còn có vẻ phấn khởi, dặn các con lấy hết vải đỏ ra may cờ cho Việt Minh. Khi bị gọi đi, các con nhắc cụ chưa uống thuốc, cụ bảo chốc về uống. Cụ có ngờ đâu họ tóm cụ đi… thủ tiêu(!)________________

TÔI ĐI CẢI TÁNG THẦY TÔI

Phạm TuânPhạm Tôn’blog 

Lời dẫn của Phạm Tôn: Ông Phạm Tuân là con trai út trong năm con trai của Phạm Quỳnh, sinh năm 1936 tại Huế, hiện định cư tại Mỹ.

…Năm 1948, anh Bích tôi (Phạm Tuân – PT ghi chú) lúc bấy giờ làm Bí thư cho Quốc trưởng Bảo Đại đã dò hỏi được nơi Thầy tôi bị giết và chôn nhưng không thực hiện được việc tìm kiếm. Phần vì địa điểm là một nơi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở, lại là một vùng “xôi đậu” thiếu an ninh. Phần vì nghe lời khuyên can của những người am hiểu tình hình: không nên mạo hiểm, vì rất có thể đây là cái bẫy…giăng ra để bắt và tiêu diệt những người có liên hệ với các nạn nhân…Một hình thức “nhổ cỏ phải nhổ cho sạch rễ” vậy.

Mãi cho đến năm 1956…bỗng một hôm gia đình chúng tôi được thông báo chuẩn bị sẵn sàng để đi nhận lãnh hài cốt Thầy tôi! Một niềm vui mừng khôn tả, đồng thời một nỗi xúc động vô biên tràn ngập trong lòng anh chị em chúng tôi. Lập tức chúng tôi đi tìm những tin tức chính xác hơn.

Được sự giới thiệu của ông Hoàng Hùng (Bộ trưởng Bộ Kiến Thiết) (là con trai một người bạn Phạm Quỳnh, từng ở nhà Phạm Quỳnh thời còn đi học ở Hà Nội – PT ghi chú) và ông Võ Văn Hải (Văn phòng Phủ Tổng thống), chúng tôi tìm đến gặp ông Võ Như Nguyện. Được biết ông Võ Như Nguyện (nguyên Tỉnh trưởng Bình Định) cùng ông Hoàng Ngọc Trợ (Quận trưởng quận Phong Điền, Thừa Thiên) là những người được Tổng thống Ngô Đình Diệm trao cho việc tìm kiếm (hài cốt cha con Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm – PT ghi chú).

Việc tìm kiếm hài cốt không đơn giản mà là một công tác lớn lao, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện và an ninh tuyệt đối

Ngày 5 tháng 2 năm 1956 (cận Tết) tôi và chị Hảo (Phạm Thị Hảo, con gái thứ ba trong tám con gái của Phạm Quỳnh – PT ghi chú) tôi đi Huế để cùng với một phái đoàn của chính phủ tìm và nhận hài cốt các nạn nhân.

…Thật “nghịch đời”, lúc sinh thời, Thầy tôi và cụ Khôi vì khác chính kiến nên đã trở thành thù địch, thề “không đội trời chung”, thế mà khi thác lại nằm chung một hố.

Chúng tôi (tôi và chị Hảo) phải ở lại Huế lâu hơn dự định, vì như đã tả ở trên, địa điểm là một nơi xa xôi, khó đi lại nên chính phủ phải huy động công binh khai quang, ủi đất làm đường, bắc cầu cho xe hơi đi…trên mười lăm cây số. Ngoài ra còn phải điều động binh sĩ đến giữ an ninh quanh vùng. Nói tóm lại là cả một công trình nan giải mà chỉ có một chính quyền mới thực hiện được mà thôi…

…Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả sử như Thầy tôi không bị chôn vùi cùng huyệt với cụ Khôi và ông Huân, những người thân của Tổng thống, thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không?

Suốt ngày 8 tháng 2 năm 1956, đào xới đất, kết quả chỉ bới lên được một bộ hài cốt không phải là của một trong ba người. Mọi người đều thất vọng, lại lo rằng sau mười một năm, trải qua bao mùa lũ lụt, có thể các di hài bị nước lũ cuốn trôi đi chăng?

Đến chiều hôm sau, cận Tết, dưới trời mưa lâm râm, bỗng xuất hiện một cụ già đi ngang qua. Cụ hỏi toán dò tìm: “Đã tìm thấy các cụ chưa? Đào mương nào, mương cũ hay mương mới?”. Thì ra có hai mương…Cụ già nói tiếp: “Cách đây mười một năm tại đây tôi có đào một con mương để dẫn nước từ sông lên ruộng. Hôm sau, ra tát nước thì thấy mương bị lấp. Du kích trong làng cấm không cho tới gần. Vài năm sau, có người đến thầu mấy thửa ruộng của tôi, cũng đào mương, thì bị khuyến cáo không được đào thẳng mà phải đào chếch sang một bên”.

Thì ra đây là “mương mới”, chỗ tìm ra hài cốt độc nhất nói trên. Toán công binh tiếp tục đào sâu hơn, với chu vi rộng lớn hơn, thì quả nhiên tìm được ba bộ hài cốt ở vị thế đúng như những chi tiết thâu lượm được.

Gần đến hài cốt, để tránh đụng đến xương, đám người có phận sự ngưng sử dụng cuốc, xẻng mà chỉ dùng đũa cả khơi đất ra từng mảng. Sau cùng lộ ra rõ rệt ba bộ hài cốt nằm chồng lên nhau.

Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh, tôi nhận ra được đôi mắt kính cận…Hài cốt của cụ Khôi và ông Huân thì ngắn và nhỏ bé. Thân nhân nhà họ Ngô còn nhận ra được hai chiếc răng vàng và cái thắt lưng to bản (quân phục Nhật) của ông Huân.

Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn ba cái tĩnh, vải liệm trắng đỏ, ba chậu tráng men lớn chứa đầy cồn 90 để rửa xương.

Việc thử nghiệm, rửa hài cốt và tẩm liệm kéo dài đến khi trời tối

Tại làng Văn Xá, quan tài cụ Khôi và ông Huân được quàn dưới một lều vải lớn, có thể chứa cả trăm người, có đèn điện thắp sáng choang, vòng hoa phúng viếng bày la liệt, lính mặc lễ phục túc trực hai bên, các bộ trưởng thứ trưởng âu phục trắng cà vạt đen, các đại biểu, cán bộ đủ mọi cấp ra vào tấp nập…Tiếng cầu kinh của giáo chúng thập phương vang rền suốt đêm. Được biết, ngày hôm sau sẽ di chuyển hai quan tài về Hiền Sĩ. Tại đây, một nhà thờ lớn đã được dựng lên để cử hành tang lễ trọng thể theo nghi thức quốc táng, có đông người tham dự và sau mồng ba Tết mới đưa về Phú Cam chôn cất.

Trong khi đó, trên một ngọn đồi thấp cách đấy không xa, trong một chiếc lều nhà binh nhỏ bé, dưới ánh sáng mờ ảo của mấy ngọn nến, hai chị em tôi cùng cụ bà Ưng Trình (thông gia với gia đình chúng tôi) thay phiên thắp nhang bên linh cữu Thầy tôi.

Chúng tôi có mời một thượng toạ trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ trong làng đến làm lễ cầu siêu. Bên chính quyền cũng cử một đại diện đến phúng điếu và phân ưu. Sau đó, cắt cử hai quân nhân mặc lễ phục nghiêm chỉnh túc trực bên quan tài.

Như trên đã nói, ban tổ chức có cung cấp ba tĩnh bằng sành để đựng hài cốt…Cả ba có nắp in hình thánh giá của công giáo, nên chị tôi đã tế nhị từ chối để chỉ dùng cái tĩnh đã mua sẵn dành riêng cho đệ tử nhà Phật với chữ “Vạn” trên nắp.

Quá tủi thân trước sự khắc biệt, lòng ngậm ngùi thê thiết, chị em chúng tôi quyết định thuê đò chở quan tài Thầy tôi về Huế ngay đêm hôm ấy… Tám giờ sáng hôm sau thì đến chùa Vạn Phước. Thượng toạ trụ trì đã chờ sẵn. Sau nghi thức đơn giản, đúng chín giờ thì hạ huyệt. Một số đông bạn học cũ của các anh chị tôi tại hai trường Khải Định và Đồng Khánh đến chia buồn và tiễn đưa.

Thời gian dài kế tiếp sau đấy, người dân Sài Gòn được thấy một con đường lớn, rộng từ phi cảng Tân Sơn Nhất vào trung tâm thủ đô mang tên đại lộ Ngô Đình Khôi… Rồi đến thời Đệ nhị Cộng hoà của Tổng thống Thiệu “nghe nói” tên Thầy tôi đã được đặt cho một con đường nhỏ, gần đường Triệu Đà trong Chợ Lớn… Chị tôi và tôi lân la đi tìm, nhưng chẳng thấy tăm hơi…Tất cả chỉ là một “dự tính” mà thôi.

Ôi, thế thái nhân tình…

P.T.
__________
(Trích bài Sống lại với ký ức thuở ngày xưa, báo Ngày Nay (tiểu bang Minesota), số 385, ngày 30-6-2005 và Việt Học tạp chí phổ thông, số 2 (Nam Califonia) tháng 6-2005).

Viếng mộ Cụ Phạm Quỳnh – mùa hè 2019, nhân tròn 100 năm Nam Phong:

76 năm „Cách mạng Tháng 8“ đẻ ra nhóm cầm đầu hiện nay như thế!

Tất cả đều do Nguyễn Phú Trọng: Độc tài, kiêu ngạo CS và ngớ ngẩn đã khiến bệnh dịch đe dọa cả nước!

Giữa lúc đại dịch lại ồ ạt không lo tìm thuốc chích chống dịch, lại chỉ tụ tập đông người trong các đại hội, hội nghị Đảng, Quốc hội, Mặt trận… – Hàng triệu người phải sống đói rách – Kinh tế gẫy đổ – Các quan đỏ bất lực, chính sách bất cập -Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong tầng lớp lãnh đạo!

Tình hình đại dịch cực kì căng thẳng

Vào giữa đúng lúc chế độ toàn trị dưới quyền Nguyễn Phú Trọng đang tính hồ hởi tuyên truyền về thành quả 76 năm „Cách mạng Tháng 8“ với khẩu hiệu „Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay“ để thực hiện mục tiêu “ Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” thì toàn quốc bị đại dịch bao phủ. Thành phố HCM lớn nhất cả nước với trên chục triệu dân và trung tâm kinh tế cả nước bệnh dịch Covid-19 đang hoành hành suốt mấy tháng nay. Ngày 14.8 Phạm Minh Chính lại ban lệnh gia hạn thi hành Chỉ thị 16 giãn cách xã hội thêm nhiều tuần nữa và nghiêm cấm di tản về quê cũ, „ai ở đâu thì ở yên đó“
Nhưng Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên đã lên tiếng, „hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao nên không thể để kéo dài thêm nữa.“ Sự thực là từ sau Chỉ thị kéo dài giãn cách xã hội, nên nhân dân đã bất chấp lệnh phong tỏa, làn sóng người lao động thất nghiệp kéo gia đình cả với con thơ có tới nhiều ngàn người mỗi ngày chạy về quê. Vì ở lại thì chết đói, chết bệnh!
Hiện nay do hậu quả nạn dịch và Chỉ thị 16 nên số công nhân thất nghiệp cần được hỗ trợ trong Thành phố HCM lên tới 1,5 triệu, cộng chung với vợ con thì tổng số người cần hỗ trợ lên tới gần 5 triệu người. Vì thế để thực hiện Chỉ thị kéo dài giãn cách của Phạm Minh Chính nên chính quyền thành phố đã đưa ra yêu sách đòi „Chính phủ hỗ trợ người nghèo 28.000 tỉ ngân sách và 142.000 tấn gạo“. Trước tình hình cực kì căng thẳng, nhưng mãi ngày 16.8 Nguyễn Phú Trọng mới trực tiếp điện đàm lần đầu với Nguyễn Văn Nên và ra lệnh chỉ tay năm ngón, „Thành phố cần có thêm quyết sách và nỗ lực lớn hơn để có thể kiểm soát dịch bệnh.“
Thủ đô Hà nội, trung tâm chính trị với dân số cũng gần chục triệu người, từ mấy tuần qua cũng đang phải sống giãn cách. Mấy chục thành phố khác cũng đang phải sống trong hoàn cảnh cực kì ngăt nghèo theo Chỉ thị số 16. Trong các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp hàng triệu công nhân bị thất nghiệp, mất lương, không còn tiền trả nhà, trả tiền điện nước…, cả gia đình cùng với trẻ thơ tìm cách chạy về quê, bất kể mệnh lệnh „ai ở đâu ở yên đó“. Bị cưỡng bách áp dụng chính sách chống dịch vừa cực kì sai lầm và vô lương tâm „ba tại chỗ“ [“Làm tại chỗ. Ăn tại chỗ. Ngủ tại chỗ“]. Khiến các xí nghiệp biến thành nhà trọ, nhà bếp, ổ dịch bệnh. Vì thế sức khỏe của hàng chục triệu nhân dân đang bị đe dọa nghiêm trọng, kinh tế đang bị gẫy đổ. Cuộc sống đói nghèo lại bị bệnh dịch đe dọa của bao nhiêu triệu người, đặc biệt là tầng lớp lao động trong chế độ gọi là XHCN, „Đảng là đầy tớ“, „bảo vệ quyền lợi người lao động“! Như Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị tự đề cao.
Trong khi hàng triệu người phải sống trong cảnh đói nghèo và không có cả thuốc chích ngừa dịch thì con cháu của các quan lớn lại được chích sớm các loại thuốc hảo hạng chống dịch. Việc người trong cuộc tự khoe „Ông ngoại Pfizer“’ khiến ai còn biết tự trọng, biết liêm sỉ đều phải hổ thẹn! Đến chuyện lệnh của Thủ tướng „Ai ở đâu, phải ở đó“, nhưng nhiều quan đỏ lớn lại công khai viết văn thư yêu cầu các tỉnh và thành phố để cho mình chở con ra sân bay Nội bài để sang Mĩ du học! Lại tới chuyện „Tỉnh nghèo Nghệ An ‘xây tháp chín tầng’ trị giá 1.625 tỷ VNĐ ở Nam Đàn“. Đúng là lộ ra bộ mặt thực, cháy nhà ra mặt chuột của các đại quan đỏ „đầy tớ của dân“! Trong khi ấy Nguyễn Phú Trọng luôn luôn rao giảng đạo đức cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược: „Danh thơm còn mãi, chức tước, tiền tài chỉ là phù vân!“, „phải biết liêm sỉ, biết quí danh dự“. Nhưng chính ông suốt mười mấy năm qua vì tham quyền, chính ông đã đạp nát Điều lệ đảng, Cương lĩnh và Hiến pháp!
***

Nguyên nhân: Lãnh đạo thờ ơ, cẩu thả đến mức vô trách nhiệm; các quan bất lực vô lương tâm; chính sách bất cập

Bệnh dịch là lãnh vực y tế chứ không phải là ý thức hệ chính trị. Muốn chống hiệu quả phải biết sử dụng kịp thời các phương pháp y khoa, các cơ sở y tế bệnh viện, bác sĩ, y tá có khả năng và có lương tâm nghề nghiệp. Không thể dùng các khẩu hiệu chính trị suông, các biện pháp và mệnh lệnh hành chánh. Vì Virus không biết sợ ai, chỉ có con người sợ Virus, nên phải biết lo đề phòng và chữa trị hợp lí, kịp thời. Nếu không thì cả nước chìm trong đại dịch, xưa cũng như thế, nay cũng vậy. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay tình trạng lây nhiễm lan rộng, bộc phá còn khủng khiếp và nhanh chóng không thể lường trước được.
Trong các xã hội dân chủ tiến bộ, có chính quyền biết ý thức trách nhiệm và được người dân tín nhiệm đều tập trung vào một số trọng tâm trong việc chống dịch hiện nay: 1. Tích cực mua và tiêm thuốc ngừa dịch. 2. Nâng cấp hệ thống y tế. 3. Tránh các cuộc tụ tập đông người.
Nhưng tại VN suốt từ đầu 2020, trong khi trương khẩu hiệu „vừa diệt dịch vừa xây dựng kinh tế!“ Nhưng trong thực tế, những người cầm đầu từ gần một năm qua đã hoàn toàn lơ là không thực hiên các biện pháp cơ bản trong chống dịch, như tìm mua các loại thuốc chống dịch hữu hiệu và cho chích nhanh cho đại chúng, như nhiều nước đã thực hiện. Trái lại để thực hiện bệnh tham quyền, muốn chiếm ghế Tổng bí thư (TBT) lần thứ ba, nên Nguyễn Phú Trọng lại ra lệnh bắt toàn Đảng và Nhà nước lao đầu tập trung vào những hoạt động chính trị, tuyên truyền cho ĐH 13 từ cuối 2020 với các đại hội đảng bộ ở các địa phương và trung ương, tập trung cả hàng triệu người bất kể tới tình trạng lây lan nạn dịch!
Tiếp đó khi biến chủng Delta đang hoành hành, Nguyễn Phú Trọng lại nhất quyết phải tiến hành bầu chính phủ mới giao thời (4.21) chỉ trong vài tháng trước khi có QH mới, chỉ cốt để hợp pháp hóa các nhân sự từ Chủ tịch Quốc hội (QH), Thủ tướng, Chủ tịch nước, nội các…Thế rồi Nguyễn Phú Trọng lại tụ họp nhân dân toàn quốc bầu QH Khóa 15 (5.2021), họp Hội nghị trung ương 3 và họp QH mới để hợp pháp hóa chính phủ mới một lần nữa vào tháng 7 vừa qua.
Trong mùa đại dịch thì tất cả các cuộc hội họp tập trung đông hàng nghìn, hàng vạn người như thế có khác nào thả cửa cho vi khuẩn Codvid-19 tự do lây lan, hoành hành trên toàn quốc, nhất là ở các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp, những nơi hàng triệu công nhân sống chật chội, đói rách, thiếu vệ sinh! Như tình hình thê thảm hiện nay đã chứng minh! Các hoạt động này của Nguyễn Phú Trọng đã gián tiếp tiếp tay cho bệnh dịch lây lan nhanh như hiện nay. Điều này chứng tỏ Nguyễn Phú Trọng vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết, hoặc chỉ thích kiêu ngạo CS !
Dịch Covid-19 lây lan toàn thế giới gần hai năm. Trong chế độ toàn trị dưới quyền của Nguyễn Phú Trọng, một thời gian đầu bệnh dịch không lây lan nhanh ở VN. Nên đã dễ dẫn tới lạc quan tếu, thói kiêu ngạo CS đã khiến những người cầm đầu CS, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã tưởng rằng có thể ngăn bệnh bằng ra lệnh với những mệnh lệnh hành chánh. Lạc quan tếu đưa ra chính sách song kiếm toàn bích vừa diệt dịch vừa phát triển kinh tế. Nhưng trong thực tế lại hoàn toàn lơ là tới các biện pháp cơ bản trong chống dịch. Ít nhất so với nhiều nước, VN đã chậm gần một năm trong việc tìm mua thuốc trích và trích ngừa. Đối với bệnh dịch như Covid-19, chậm chích ngừa có thể coi như tự sát!
Trong tư cách người đứng đầu chế độ, đúng ra nếu sáng suốt, biết ý thức và có lương tâm thì Nguyễn Phú Trọng phải đặt mục tiêu ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, tức là đúng ra phải nghiêm cấm các cuộc tụ tập hay họp hành đông người. Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn không thấy như vậy. Trái lại, ông lại còn bênh vực và ca tụng các quyết định của mình là đúng. Thật vậy, cả tới khi bệnh dịch bùng nổ tới cao điểm như hiện nay, nhưng ông Trọng vẫn còn lấp liếm. Tại cuộc họp đầu tiên của chính phủ Phạm Minh Chính ngày 11.8 Nguyễn Phú Trọng lại hồ hởi liệt kê hàng loạt các hội nghị, đại hội… đông người giữa lúc đại dịch bùng nổ là cần thiết và hợp lí:
„Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đối phó với dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã tiến hành rất thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021); tiếp theo đó là 3 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (tháng 5/2021); tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV (tháng 7/2021) để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đại hội XIII và các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng. Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương theo đúng tiến độ, kịp thời, với sự đồng thuận, nhất trí cao, dư luận quốc tế rất quan tâm. Chính phủ họp hôm nay cũng chỉ sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV có mấy ngày. Tôi được biết, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị để sẽ họp Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Hội nghị này của Chính phủ. Rõ ràng, đây là sự phối hợp rất cần thiết, rất nhịp nhàng, bài bản, và thực tế cho thấy đây là cách làm hợp lý, cho kết quả tốt đẹp.“Ông Trọng biết rõ đại dịch đang bùng nổ, nhưng vẫn cho tổ chức các cuộc họp đông người và nay vẫn ngông cuồng coi đó là đúng! Kiêu ngạo CS đến mức độ mù quáng như thế thì chỉ có chết dân và hại nước!
Hiện nay tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa các cơ quan Đảng và Chính phủ, các chính quyền địa phương, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong việc chống dịch, hay những lời hứa cuội của những người đừng đầu chính phủ, các bộ…diễn ra hàng ngày. Không chỉ nhiều chuyên viên và nhân sĩ viết trên các báo điện tử của XHDS mà cả nhiều báo lề đảng cũng tường thuật, phê bình tình trạng chống đối lẫn nhau và các chính sách rất vô trách nhiệm này. Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã lú lẫn hoặc cố tình lờ đi. Vì cũng tại Hội nghị trên Nguyễn Phú Trọng lại khạc ra, bịa đặt ra những điều hoàn toàn không có:
„Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng”, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” và “dọc ngang thông suốt”!
Giữa lúc mỗi ngày có tới 300-400 người bị chết vì Covid-19 do không được chăm sóc tốt và thiếu thốn phương tiện, Nguyễn Xuân Phúc lại đạo đức giả „ Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất“. Còn Phạm Minh Chính cũng hô hoán „Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19.”
Những người cầm đầu không chỉ vô lương tâm mà còn thiếu khả năng nhận thức. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 4.7.21 với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Nam bàn về các biện pháp ngăn dịch đang bung ra, Phạm Minh Chính đã mở miệng tuyên bố và cả lời khuyên cực kì lạ lùng:
„Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.“ Và „Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu phát biểu, thảo luận trên tinh thần 5 thật (nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật)“
Trình độ nhận thức sai lầm, nói năng loạng choạng như thế mà lại đứng đầu Chính phủ và lại chỉ huy chống dịch. Hậu quả tai hại ra sao cho dân có thể thấy trước! Việc này còn phản ảnh khả năng chọn người ở cấp lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng càng bất cập như thế nào. Đúng là cha nào con nấy, trái táo rơi không xa gốc táo.
***
Gần hai năm qua cả thế giới đã rơi vào đại dịch Covid-19, trong đó có VN. Nhưng hiện nay nhiều nước dân chủ tiến bộ có chính quyền biết ý thức trách nhiệm cao nên đã tập trung mua Vaccin chích ngừa đại trà cho đại đa số nhân dân. Nhưng hiện nay vào giữa tháng 8.2021 VN là một trong vài nước đi chậm nhất trong việc chích ngừa chống dịch. Vì thế cả nước đang rơi vào đại dịch, mỗi ngày có tới 300-400 người chết, hàng triệu người trong các thành phố và các khu công nghiệp phải sống đói nghèo và bị bệnh dịch, cả nền kinh tế đang trên đả đổ gẫy!
Nguyên nhân chính của tình hình bi đát cho nhân dân và đất nước hiện nay là vì Nguyễn Phú Trọng suốt hai năm qua -bằng mọi giá và thủ đoạn tồi tệ nhất- chỉ tập trung vào việc, làm thế nào để chiếm ghế TBT lần thứ ba trong Đại hội 13 và sau đó làm mọi cách để hợp thức hóa việc cầm quyền bất chính của mình và vây cánh!
Nhưng những việc làm từ gần hai năm qua của Nguyễn Phú Trọng đưa nhân dân rơi vào đại dịch, kinh tế sụp đổ đã chứng minh rất rõ ràng, chính ông Trọng đã dẫm nát lên chiêu bài “Thực hiện khát vọng của thời đại” của ĐH 13. Như chính ông đã dẫm nát Điều lệ đảng để giành ghế TBT lần thứ ba! Cho nên muốn nhận xét chính xác một nhân vật nào hay một chế độ thì không thể căn cứ trên những lời nói hay các khẩu hiệu suông của họ, mà phải so sánh trên hành động và kết quả họ đã đem lại.
Tình hình chống dịch Codid-19 gần hai năm qua, những người cầm đầu chế độ, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã tỏ thái độ từ lạc quan tếu tới coi thường vô trách nhiệm. Nay tình hình ngày càng nguy cập, họ đang hoảng hốt, cẩu thả, chống đối lẫn nhau, trống đánh suôi kèn thổi ngược! Những kết quả này chứng minh rất rõ khả năng quản trị đất nước rất tồi tệ, thái độ vô trách nhiệm trước sinh mạng của bao nhiêu triệu nhân dân và sự sa dọa đạo đức cùng cực của những người cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng!Chế độ độc tài toàn trị và các ý thức hệ sai lầm đẻ ra những thủ lãnh độc tài, chỉ lo củng cố quyền lực cá nhân, bất kể tới sinh mạng của nhân dân và tương lai đất nước. Cách mạng Tháng đã tròn 76 năm, nhân dân và đất nước đã bao nhiêu lần bị lừa dối và bị lũng đoạn của một đảng độc tài, cai trị theo một ý thức hệ cực kì sai lầm. Hiện nay bệnh dịch Covid-19 đang đe dọa sinh mạng nhân dân và kinh tế sụp đổ. Đây là hậu quả trực tiếp từ thái độ lơ là, kiêu ngạo Cộng sản của những người có trách nhiệm lớn nhất trong chế độ toàn trị, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Nhưng những phần tử bất tài và vô đạo đức vẫn đè đầu nhân dân, bóp cổ, bịt miệng và đàn áp những người dân chủ. Đây mới chính là nguy cơ và hiểm họa trước mắt cũng như lâu dài cho dân tộc chúng ta!

Âu Dương Thệ /Diễn đàn thế kỷ