4 khu nghỉ dưỡng Việt lưng tựa núi mặt hướng biển

Tại đây, du khách có thể tận hưởng làn nước mặt lạnh của biển và đi dạo giữa rừng cây xanh mát chỉ trong một ngày.

Amanoi (Ninh Thuận) là khu nghỉ dưỡng 6 sao đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng ở vườn quốc gia Núi Chúa và tầm nhìn ra vịnh Vĩnh Hy. Nơi đây có 36 biệt thự có hướng nhìn ra biển hoặc những ngọn đồi. Khu nghỉ dưỡng sở hữu biệt thự đắt nhất Việt Nam lên tới 8.000 USD/đêm, thấp nhất là từ 1.150 USD/đêm.

Lưu trú tại đây, du khách như được “ôm ấp” bởi rừng cây xanh, tiếng sóng vỗ rì rào và cả bầu không khí trong lành. Khu nghỉ dưỡng cũng mang đến những trải nghiệm như khám phá vịnh biển bằng thuyền kayak hoặc thuyền buồm catamaran, lặn ngắm san hô, khám phá văn hóa người Chăm, chinh phục đỉnh núi Chúa…

Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được xây dựng trên những ngọn đồi của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng với tầm nhìn ra toàn cảnh vùng biển xanh ngắt. Resort cũng từng được vinh danh là Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu thế giới tại giải thưởng World Travel Award 2018.

Nơi đây có bãi biển trải dài 700 m, nơi du khách có thể tận hưởng ánh nắng ấm áp, hòa mình dưới làn nước biển mát lạnh hay ngồi dưới những tán dừa, thưởng thức đồ uống. Từ đây, bạn cũng dễ dàng tới khu sinh thái thiên nhiên và thăm “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu. Ngoài ra du khách cũng có thể tới thăm chùa Linh Ứng trên bán đảo, nơi có tượng Phật Bà Quan thế âm Bồ Tát cao 67 m.

Được thiết kế bởi “phù thủy” Bill Bensley, khu nghỉ dưỡng mang vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và sang trọng, hiện đại, thể hiện qua tông màu đen và trắng. Resort trải dài qua 4 tầng lần lượt là Heaven (Thiên đường), Sky (Bầu trời), Earth (Mặt đất) and Sea (Biển cả), với hạng phòng penthouse, biệt thự, suite, giá từ 4.275 USD/đêm.

Six Senses Ninh Van Bay là khu nghỉ dưỡng ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có những biệt thự trên bãi biển, trên mặt nước và ở trên những tảng đá lớn. Tất cả những biệt thự đều có mặt hướng biển, có bể bơi riêng cùng sân vườn hoặc hiên tắm nắng. Giá phòng ở đây từ 10 triệu đồng/đêm.

Khu nghỉ dưỡng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm như leo núi, thăm vịnh Nha Phu trên thuyền gỗ, chèo kayak trên biển, câu cá, lặn biển, khám phá rừng hòn hèo ngắm voọc chà vá chân đen…

Laguna Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) là khu nghỉ dưỡng phức hợp được xây dựng ở vịnh Lăng Cô, nơi nổi tiếng với bãi biển nguyên sơ, ngọn núi hùng vĩ và cánh rừng nhiệt đới. Khu biệt thự có 32 căn hướng kênh đào và 17 biệt thự hướng biển, trên bờ biển Cảnh Dương.

Các khu biệt thự ở đây được thiết kế theo phong cách nhà truyền thống của Huế, bên trong được trang trí các tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch Champa, trống đồng Đông Sơn, nghệ thuật thư pháp, đồ gốm, tranh lụa thêu… Giá phòng nghỉ ở đây từ 8.000.000 đồng/đêm.

Khu nghỉ dưỡng cũng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm như tour thuyền thúng khám phá đầm nước của Lăng Cô và làng chài địa phương, tour vườn quốc gia Bạch Mã…

Lan Hương / Ảnh: Khu nghỉ dưỡng / VN Express

Không chỉ là “nghệ thuật băm thịt gà”!?

Năm 1940 tập phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố ra đời đã tạo ra một tiếng vang trong làng văn làng báo. Tất cả những việc được nói tới không mới, được tác giả ghi chép lại một cách, không thể nói có tính hệ thống nhưng có chủ ý đem đến cho người đọc những suy nghĩ mới về vấn đề đã cũ.

Đến nay “nghệ thuật băm thịt gà” vẫn còn tính thời sự về sự “chia chác”, nhất là ở những dự án, người ta chia nhau phần trăm hưởng lợi. Thế nên có khi việc đấu thầu chỉ là cái vỏ che mắt bề ngoài. Thời nay có hàng trăm ngàn “thằng Mới”, có thể không “điệu nghệ” trong việc “băm thịt gà” nhưng tài giỏi hơn nhiều trong việc “lách luật”…

Bìa cuốn “Việc Làng” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Nhưng chúng tôi muốn bàn sâu hơn đến cái “lịch sử” của việc “chia phần” trong tập quán!

Từ đâu dẫn đến tập quán “chia phần”, mà ngày hôm nay nhiều nơi vẫn có tục đi ăn cỗ lấy phần. Có người bảo thế là văn hóa vì biết “chia sẻ” vật chất (miếng ăn) cho người thân. Có người lại chê thế là thiếu lịch sự. Thậm chí có địa phương còn ra “văn bản” khuyến cáo không nên “lấy phần”…

Chưa bàn chuyện ấy hay dở thế nào, xin dẫn ra một câu tục ngữ: “Một miếng lộc Thánh còn hơn một gánh lộc trần”. Chữ “Thánh” ở đây nên được hiểu theo nguyên lý “tam giáo đồng nguyên”, vừa là Phật, vừa là Tiên, là Thành hoàng, là các bậc tiên tổ đã khuất. Ngày xưa có tục lên chùa cúng Phật rồi lại đem một ít đồ cúng về, gọi đấy là “lộc”. Có người không đem đồ cúng nhưng đi vãng cảnh chùa vẫn được chia “lộc”.

Có câu: “Thờ Phật được ăn oản”, lại cũng có câu “Vào chùa được ăn oản” là vậy! Đến tận hôm nay người ta vẫn có tục “hái lộc” ở chùa. Tức trước lúc giao thừa vào chùa khấn Phật rồi ra vườn chùa “hái lộc” tức bẻ ngắt những nhành, nụ cây rồi về “xông nhà” đem “lộc” bày lên bàn thờ tổ tiên…

Đã gọi là “lộc” thì không nhiều. Lễ Phật xong, (thường là) các “vãi” đếm người để “chia lộc” và để dành “lộc” cho những ai đó… Tập quán “ăn lộc”, “chia lộc” nhà chùa hắt bóng vào ngôn ngữ hiện đại kết tinh thành hai chữ “của chùa” rất đúng nghĩa cũng rất sâu cay. Để chỉ những kẻ khôn ranh thụ hưởng “miễn phí” vật chất lợi lộc công sản.

Gần gũi với tục ngữ trên là câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, cũng nói về tục “chia phần”, “ăn phần”. Cũng được gọi là “lộc” nhưng gốc gác sự việc có khác. Bắt nguồn từ văn hóa “trọng xỉ” (kính trọng người có tuổi), “trọng danh”, “trọng chữ” mà những người già cả, những bậc chức sắc, những người đỗ đạt, những thày đồ… được ngồi “chiếu trên” hưởng (chia phần) những “miếng ngon” nhất, theo tập quán. Đấy cũng là cách khuyến khích việc học, ai học giỏi đỗ đạt làm quan, thì dù ít tuổi vẫn được ngồi mâm “các cụ”.

Cũng Ngô Tất Tố trong “Lều chõng” tả rất sinh động hôm dán danh sách những người đỗ, có một thí sinh thấy tên mình sướng quá, phát cuồng nhảy cẫng lên mà hô: “Sỏ lợn về ai?”. Nghĩa là cậu ta từ nay, khi làng có “việc” sẽ được làng cho hưởng riêng (tùy nơi, tùy đỗ thứ mấy) hoặc ngồi mâm “các cụ” mà ăn “sỏ lợn”. “Sỏ lợn” này trước đó phải cúng “Thành hoàng” thành “lộc thánh” để dân làng “thụ lộc”. Nhưng “Lộc bất tận hưởng” nên ai ai cũng suy nghĩ “lấy lộc” về cho gia đình mình hưởng chung!

Thế nên việc ngày xưa ăn cỗ lấy phần (thường là xôi và thịt), trong bản chất là văn hóa, là tình nghĩa nhường nhịn sẻ chia đùm bọc. Ở ngày hôm nay, món ăn phong phú, đa dạng nên nếu lấy phần cũng phải ý tứ thật…!?

Tranh vẽ minh họa cảnh rước Thành hoàng làng!

Một mặt trái của tập quán cộng đồng là chuyện “chè chén”. Người ta mong làng có “việc” từ chuyện tang ma hiểu hỉ đến chuyện “ăn khoán” (bắt vạ) để “đánh chén”. Bài ca dao này là một sự “miêu tả”: “Con cò chết rũ trên cây/ Cò con mở lịch xem ngày làm ma/ Cà cuống uống rượu la đà/ Chim ri ríu rít bò ra lấy phần/ Chào mào thì đánh trống quân/ Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao”. Hẳn là mượn chuyện chim chóc để nói chuyện người, chuyện làng xóm, xã hội.

Bài ca dao chính là một “mô hình” của tập quán tang ma ngày xưa: dù chết đã lâu (chết rũ) nhưng vẫn phải đợi ngày “đẹp” (xem ngày làm ma); phải làm cỗ mời chức sắc, chức dịch uống rượu (cà cuống uống rượu la đà); phải có “phần” dành cho hàng xóm, dù họ xuất thân hèn mọn (chim ri ríu rít bò ra lấy phần); phải có kèn trống, như ở câu tục ngữ “Sống không đèn dầu, chết không kèn trống” (chào mào thì đánh trống quân); phải rao làng đến dự đám (đi rao)…Thành ra “đám hiếu” nhiều khi trở thành “đám hội”. Lại có câu “Ma chê cưới trách”, đám ma rất dễ bị “chê”: khóc không khéo; khăn áo không đúng tang phục…Và cả vì làm cỗ không đủ, mời không khắp…nên bị chê!!!

Quay trở lại cái tập “Việc làng” của cụ Tố!

Tập phóng sự dài 17 chương phơi bày những hủ tục lạc hậu ở nông thôn Việt Nam đầu thế kỉ trở về trước. Đoạn trích “Nghệ thuật băm thịt gà” (chương IV) tả một cảnh “chia phần” ở một làng nọ. Ngô Tất Tố xứng đáng là nhà văn của thôn quê, đúng hơn, nhà văn của phong tục, tập quán: “Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa ướt cả đồ lễ!”.

Hai chữ “đồ lễ” cuối này rất quan trọng vì nó là cái “khóa mã” của tập quán tâm linh của làng. Nếu bỏ qua sẽ chỉ thấy người ta tập trung để “chia phần” và “nhận phần”. Không phải là người ta đội mưa đến ngôi nhà chật chội như vậy chỉ vì mấy “mảnh” thịt gà, mà cái chính đến để “hưởng lộc”, “thụ lộc”!

Đây là hình ảnh “mâm lộc”, tất nhiên sau khi cúng: “Một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và đặt vào chiếc phản giữa. Rồi một người khác để luôn lên đó hai chai rượu lớn. Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn đấu gạo! Còn hai chai rượu thì đầy ăm ắp, hạng chai ba phần tư lít”.

Có “nhà phân tích” thích thú với hình tượng con gà “một người ăn cố mới hết” này rồi “phê phán” nạn chè chén xôi thịt ngày xưa “ăn” cả “gà con”!? Khổ quá! Không phải thế. Đồ lễ ngày xưa phải là gà trống chưa đạp mái. Lại là giống gà “ri” thì “to” như thế là rất đúng!

Thằng Mới đúng là một nghệ sỹ khi con gà như thế mà “phải làm hai mươi ba cỗ”. Hơn nữa “có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn”.

Phải là nghệ sỹ thực thụ nó mới làm chủ được động tác để tạo ra những “sản phẩm” thật sự này: “Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may.

Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng”.

Nhiều người nhìn đoạn trích theo kiểu “miếng ăn miếng nhục” rồi mỉa mai nạn chè chén ở nông thôn xưa. Đúng là có nhiều chuyện ấy thật. Qua trích đoạn này Ngô Tất Tố cũng có ý sâu cay mỉa mai cái tâm lý tiểu nông chỉ giỏi “đèm đẹp” ở những cái nhỏ, tiểu tiết, vụn vặt như thế. Cái ý phổ quát bật ra mà ông muốn nói là người tiểu nông phải vượt qua cái kiểu “nghệ sỹ” “băm thịt gà” chi li nhỏ bé như vậy để vươn tới “băm” cái lớn lao hoành tráng hơn!

Nhưng nhìn từ phía phong tục thì đấy lại là một khát vọng được no ấm, hạnh phúc. Vì hạt nhân của chuyện cầu cúng (“cầu” nghĩa là mong muốn) chính là khát vọng hạnh phúc. “Thụ lộc” từ “lễ” chính là một biểu hiện được hưởng thụ hạnh phúc (quả phúc). Thế nên “lộc” phải chính đáng (ai xứng thế nào được thế), phải đẹp và phải công bằng!

NGUYỄN THANH TÚ / vanvn.vn

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh “siêu thực”, ấn tượng đến kinh ngạc

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh "siêu thực", ấn tượng đến kinh ngạc
NHIẾP ẢNH GIA DU LỊCH HENRY DO DƯỜNG NHƯ ĐÃ BẮT GẶP MỘT “NỀN VĂN MINH NGOÀI HÀNH TINH” KHI ĐẾN THĂM THỦ ĐÔ COPENHAGEN XINH ĐẸP CỦA ĐẤT NƯỚC ĐAN MẠCH.

Ở ngoại ô Copenhagen, một khung cảnh kỳ lạ và mang phong cách riêng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ngôi làng Brondy Haveby (Brøndby Haveby) bao gồm những ngôi nhà nằm ẩn mình bên trong những tán cây xanh. Nơi đây được thiết kế xếp thành hình tròn hoàn hảo, như thể những “kiến trúc” đến từ thế giới khác đã tạo ra một không gian đầy thu hút.

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh siêu thực, ấn tượng đến kinh ngạc - Ảnh 1.

Brondby Haveby từ trên cao. Nguồn: Henry Do

Một loạt hình ảnh gần đây được chụp từ trên cao bởi nhiếp ảnh gia Hendry Do, cho thấy Brondby Haveby là địa điểm thực sự độc đáo như thế nào, với ánh sáng ấm áp của mặt trời chiếu trên cảnh quan xanh tươi tạo nên một khung cảnh đầy mê hoặc.

Copenhagen, thủ phủ của Đan Mạch, là thành phố đứng đầu danh sách điểm du lịch đáng đến nhất thế giới năm 2019 theo Lovely Planet. Du khách tới đây bị hấp dẫn bởi những công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp, độc đáo và thiên đường ít khói bụi bởi rất nhiều xe đạp lưu thông trên đường.

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh siêu thực, ấn tượng đến kinh ngạc - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh gia du lịch gốc Henry Do đã tới đây và ghé thăm bến cảng nổi tiếng để chiêm ngưỡng những ngôi nhà sơn màu rực rỡ từ thế kỷ 16. Ảnh: Henry Do.

“Tôi không có kế hoạch chụp địa điểm này chút nào, mọi việc hoàn toàn tình cờ. Tôi đang đi tham quan thủ đô với vợ và tình cờ gặp một vài công dân Đan Mạch quan tâm đến những tấm ảnh của tôi. Họ bảo tôi đến Brondby Haveby, vì nơi đó đã được xây dựng theo một cách rất lạ. Tôi đã không thất vọng! Nơi đây quả thực rất độc đáo, giống như một chiếc bánh pizza nguyên vẹn với mỗi lát là một ngôi nhà!”, Henry chia sẻ.

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh siêu thực, ấn tượng đến kinh ngạc - Ảnh 3.

Khu nhà như một chiếc bánh pizza, với mỗi ngôi nhà là một lát. Ảnh: Henry Do

The Garden City được xây dựng vào năm 1964 khi thành phố Brondby ký kết về việc tạo ra những khu để nghỉ ngơi. Theo Henry, thiết kế dựa trên cách bố trí của những ngôi làng điển hình của vùng Scandinavia có từ thế kỷ thứ 10. Kiến trúc sư cảnh quan Erik Mygind đã đưa ra ý tưởng về thiết kế hình tròn như một cách để thúc đẩy ý thức cộng đồng.

“Trong nội thành Copenhagen, không gian sống của con người rất hạn chế. Vì vậy, đây là nơi hoàn hảo để tận hưởng những ngày tháng yên bình và trở về với thiên nhiên. Chủ sở hữu được phép sống ở đó trong khoảng từ tháng 4-10 để chăm sóc khu vườn của họ (không thể trồng bất cứ thứ gì trong mùa đông). Thật là cách độc đáo để khiến hành tinh tốt hơn”, Henry Do nói thêm.

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh siêu thực, ấn tượng đến kinh ngạc - Ảnh 4.

Khung cảnh Brondby tuyệt vời qua phát hiện bất ngờ của nhiếp ảnh gia. Ảnh: Henry Do

“Phản ứng với các bức ảnh thật tuyệt vời. Tôi rất may mắn, ánh sáng cũng như điều kiện hoàn hảo. Copenhagen có rất nhiều mưa, vì vậy tôi có thể chụp bức ảnh này với nhiều ánh nắng là điều không hề dễ ràng. Nhìn thấy nơi này từ góc nhìn từ trên không cũng thực sự tuyệt vời. Khi đang lái xe, Brondby trông giống như bất kỳ khu phố điển hình nào trên khắp thế giới. Chỉ khi tôi cầm máy ảnh ở trên và bay xung quanh, góc nhìn của tôi mới thay đổi”, Henry nói.

Ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ ở Đan Mạch: Cách bố trí độc đáo, tạo nên khung cảnh siêu thực, ấn tượng đến kinh ngạc - Ảnh 5.

Ngôi làng yên bình. Ảnh: Morten_krautwald_knudsen.

Bondy Haveby có 284 nhà vườn nằm trong 24 vòng tròn có diện tích giống nhau. Mỗi mảnh đất rộng khoảng 400 m2. Mỗi ngôi nhà có kích thước khác nhau, nhưng không rộng quá 50m2 với đầy đủ tiện nghi. Hàng năm, các bữa tiệc trong vườn và những sự kiện âm nhạc được tổ chức trong các dịp đặc biệt. 

Theo Lonelyplanet / Phương Thu / Theo Nhịp sống kinh tế

10 bậc thầy của giải Nobel Văn học, 26 câu danh ngôn kinh điển, mỗi câu là một triết lý sống

Vĩ nhân người Đức, Johann Wolfgang von Goethe từng nói, đem thứ tâm hồn cao quý nhất ra cho người khác xem, đó là ngành nghề đáng quý nhất, viết lách chính là ngành nghề như vậy.

Khi nói tới viết lách, nói tới văn học, có lẽ chúng ta cũng sẽ nhắc nhiều tới những giải thưởng Nobel Văn học.

Những người đoạt giải Nobel Văn học đều là những tên tuổi lớn. Họ sử dụng trí tuệ vượt trên cả thời đại của mình để thắp sáng bầu trời văn học nhân loại, đồng thời cho thấy trí tuệ và sức quyến rũ của tư tưởng nhân loại.

Bài viết ngày hôm nay muốn chia sẻ với các bạn 26 câu nói nổi tiếng của 10 bậc thầy từng đoạt giải Nobel Văn học qua các thời kì, đồng thời đưa bạn đi làm quen và cảm ngộ cuộc sống dưới những góc nhìn khác nhau.

01

Giải Nobel Văn học năm 1913: Rabindranath Tagore

1. “Sinh”, lộng lẫy như đóa hoa mùa hạ; “tử”, lặng lẽ và đẹp đẽ như chiếc lá mùa thu.

2. Thế giới hôn tôi với niềm đau, tôi đáp lại thế giới bằng những bản nhạc.

3. Chỉ trải qua sự mài dũa của địa ngục mới có thể tạo ra sức mạnh xây dựng nên thiên đường; chỉ những ngón tay từng gỉ máu mới đàn ra được thứ âm thanh đẹp đẽ nhất thế gian.

02

Giải Nobel Văn học năm 1915: Romain Rowland

4. Thế gian chỉ có một chủ nghĩa anh hùng, đó chính là vẫn luôn yêu đời dù đã tận mắt chứng kiến chân tướng cuộc sống.

5. Phần lớn mọi người đều đã chết ở tuổi 20-30, bởi lẽ qua độ tuổi này, họ chỉ còn là cái bóng của mình, quãng đời còn lại là quá trình mô phỏng lại chính mình, ngày này qua ngày khác, họ lặp lại những gì mình làm, những gì mình nghĩ, những gì mình yêu mình ghét một cách máy móc và giả tạo hơn.

03

Giải Nobel Văn học năm 1923: William Butler Yeats

6. Khi còn trẻ, chúng ta yêu nhau mà không biết.

7. Lòng người, chỉ có thể thắng được, chứ không thể chờ người khác ban tặng.

04

Giải Nobel Văn học năm 1925: Bernard Shaw

8. Đời người có hai bi kịch: một là tuyệt vọng, hai là quá đắc ý.

9. Muốn kết hôn hãy kết hôn, muốn độc thân hãy duy trì sự độc thân đó, dẫu sao thì sau cùng, mọi người cũng đều sẽ hối hận.

10. Một người lý trí là người thay đổi bản thân đi thích nghi với môi trường, chỉ có những người không lý trí mới muốn đi thay đổi môi trường để nó thích hợp với mình. Nhưng lịch sử lại thường được tạo nên bởi những người ở vế sau.

05

Giải Nobel Văn học năm 1949: William Cuthbert Faulkner

11. Đừng chăm chăm vào việc vượt qua đồng nghiệp hay người đi trước, hãy nỗ lực vượt qua chính mình.

12. Rất khó để hoàn hảo, vì vậy, tôi đánh giá một người dựa trên việc anh ta thất bại tuyệt vời như thế nào khi làm những điều không thể.

10 bậc thầy của giải Nobel Văn học, 26 câu danh ngôn kinh điển, mỗi câu là một triết lý sống - Ảnh 1.

Giải Nobel Văn học năm 1950: Bertrand Arthur William Russell

13. Chiến tranh không quyết định ai đúng, nó chỉ quyết định ai sống sót.

14. Ăn mày không hề đố kị với tỷ phú, nhưng anh ta nhất định sẽ đố kị với ăn mày có thu nhập cao hơn mình.

15. Vấn đề của thế giới này nằm ở chỗ người thông minh luôn rất tò mò, trong khi kẻ ngốc nghếch lại chẳng bao giờ ngờ hoặc.

07

Giải Nobel Văn học 1957: Albert Camus

16. Tất cả những hành động và tư tưởng vĩ đại, đều có một khởi đầu vô cùng nhỏ bé và tầm thường.

17. Đừng đi sau tôi, bởi lẽ tôi có thể không biết dẫn đường; đừng đi trước tôi, bởi lẽ tôi có thể không biết chạy theo; hãy đi cạnh tôi, làm một người bạn của tôi.

18. Quan trọng không phải chữa lành, mà là đem theo nỗi đau và tiếp tục sống.

08

Giải Nobel Văn học năm 1968: Kawabata Yasunari

19. Thời gian trôi theo một cách giống nhau với tất cả mọi người, nhưng mỗi người lại du hành thời gian theo một cách khác nhau.

20. Có lẽ càng là người thân thiết, càng là người yêu sâu đậm sẽ càng khó miêu tả ra hết, nhưng càng là những thứ xấu xa, lại càng dễ dàng in sâu trong tâm trí.

10 bậc thầy của giải Nobel Văn học, 26 câu danh ngôn kinh điển, mỗi câu là một triết lý sống - Ảnh 2.

09

Giải Nobel Văn học năm 1982: Gabriel José García Márquez

21. Quá khứ đều là giả, kí ức là một con đường một chiều, tất cả những ngày xuân của quá khứ đều không thể quay trở lại, ngay cả thứ tình yêu cuồng nhiệt và kiên định nhất, suy cho cùng cũng chỉ là hiện thực thoáng qua, chỉ có cô đơn là vĩnh hằng.

22. Mỗi một người đều rất cô đơn, chúng ta dùng đủ mọi cách để xua đuổi sự cô đơn, thực tế vẫn tiếp tục sự cô đơn của mình. Cô đơn là lời nguyền mà tạo hóa ban cho những kẻ sống theo “bầy đàn”, một mình là lối thoát duy nhất cho sự cô đơn.

23. Sinh mệnh trước giờ chưa từng tách rời khỏi sự cô đơn. Bất kể chúng ta khi ra đời, trưởng thành, yêu thương, thành công hay thất bại, sau cùng, cô đơn vẫn luôn tồn tại trong một góc của cuộc sống như một cái bóng.

10

Giải Nobel Văn học 2012: Mạc Ngôn

24. Trên thế gian này, thứ đại kị nhất chính là thập toàn thập mỹ, bạn xem trăng trên trời, tròn rồi lại khuyết, quả trên cây, chín rồi sẽ rụng. Phàm là chuyện gì cũng hãy giữ lại một chút “thiêu thiếu”, có vậy mới cân bằng.

25. Thứ người khác nhìn thấy là giày, thứ ta cảm nhận được là bàn chân. Đừng vì ham muốn sự sang trọng của đôi giày mà làm tổn thương bàn chân của mình.

26. Thế sự giống như sách vậy, lật từng trang từng trang một. Con người phải nhìn về phía trước, bớt lật quá khứ lại.

Tặng bạn một câu cuối cùng, đọc văn học cổ điển và các tác phẩm của bậc thầy quan trọng hơn việc đọc nhiều sách, bởi lẽ chúng đã được kiểm chứng nhiều lần bởi vô số độc giả.

Theo Alexx / Doanh nghiệp và tiếp thij

Những cột mốc lịch sử của Afghanistan thế kỷ 20

Đó là lịch sử buồn của một đất nước phải chịu quá nhiều đau thương, đói nghèo và chiến tranh – những cuộc chiến tranh chống lại các thế lực nước ngoài, xen lẫn với nội chiến nồi da nấu thịt nhằm tranh giành quyền lực.

Nhìn lại những cột mốc lịch sử của Afghanistan thế kỷ 20

1919: Tiểu vương Amanullah lãnh đạo Afghanistan đấu tranh giành độc lập từ thực dân Anh. Hiệp ước Rawalpindi đã mang lại cho Afghanistan quyền tự quyết toàn diện trong quan hệ ngoại giao.

1926: Amanullah xưng vương, nỗ lực tiến hành những cuộc cải cách xã hội nhằm hạn chế quyền lực của giới giáo sĩ và mở rộng quyền tự do cho phụ nữ. Ông bị phe đối lập bảo thủ chống đối kịch liệt.

1929: Tình hình bất ổn buộc Amanullah phải chạy ra nước ngoài. Một chỉ huy của phe chống đối, Bacha-i Saqao, giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Vài tháng sau, một người anh em họ của Amanullah là Muhammad Nadir Khan đánh bại Bacha-i Saqao và trở thành vua Nadir Shah, tiếp tục tiến hành cải cách nhưng thận trọng hơn.

1933: Nadir Shah bị ám sát. Thái tử Muhammad Zahir Shah lên nối ngôi. Afghanistan giữ thái độ trung lập trong Thế chiến II, gia nhập LHQ năm 1946, theo chế độ quân chủ suốt 40 năm, từ 1933 đến 1973.

1973: Một nhóm sĩ quan do tướng Mohammad Daud, em họ vua Zahir Shah, cầm đầu, lật đổ ngôi vua (tháng 7). Mohammad Daud tuyên bố thiết lập nền cộng hòa, trong đó ông vừa làm tổng thống vừa làm thủ tướng. Các đảng cánh tả ngày càng xa lánh và đi đến chống lại ông.

1978: Tướng Daud bị sát hại trong một cuộc đảo chính do Đảng Dân chủ Nhân dân của Noor Mohammed Taraki tiến hành. Taraki tiến hành cải cách đất nước theo hướng Marxist và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô. Nhưng hai phe Khalq và Parcham trong đảng này lại bất hòa. Hầu hết lãnh đạo của phái Parcham bị thanh trừng hoặc phải lưu vong. Cùng lúc đó, lãnh tụ các cộng đồng thiểu số và Hồi giáo bảo thủ phản đối cải cách xã hội bắt đầu khởi nghĩa vũ trang ở nông thôn.

1979: Tranh giành quyền lực giữa hai chính trị gia cánh tả Hafizullah Amin và Nur Mohammed Taraki ở Kabul. Tháng 9, Taraki bị giết, Amin chiến thắng, nắm quyền lãnh đạo. Nhưng những cuộc nổi dậy ở nông thôn vẫn tiếp tục và quân đội Afghanistan có nguy cơ thất bại. Tháng 12, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan để lật đổ chính quyền của Amin, sau đó xử tử ông ta.

1980: Babrak Karmal, lãnh đạo phái Parcham trong Đảng Dân chủ Nhân dân, trở thành lãnh tụ Afghanistan, thiết lập một chính quyền được quân đội Liên Xô hậu thuẫn (trước đó, Karmal cũng là người đã đề nghị Liên Xô đưa quân vào Afghanistan giúp ổn định tình hình). Phong trào chống chế độ ngày càng dâng lên. Nhiều nhóm mujahideen (chiến binh Hồi giáo) khác nhau cùng hoạt động chống lại quân đội Xô Viết, được Mỹ, Pakistan, Trung Quốc, Iran và Ả Rập Saudi viện trợ cả về tài chính lẫn quân sự. Khởi đầu chỉ với một ít vũ khí hiện đại, đến lúc đó, mujahideen đã trở thành con át chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Mỹ cung cấp cho họ rất nhiều vũ khí hiện đại, tinh nhuệ.

1985: Các phái mujahideen họp ở Pakistan, bàn thảo việc hình thành liên minh chống Liên Xô. Có đến một nửa dân số Afghanistan chạy ra nước ngoài để tránh chiến tranh, phần lớn sang sang Iran và Pakistan. Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố sẽ rút quân khỏi Afghanistan.

1986: Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa Stinger cho các mujahideen. Babrak Karmal từ chức. Lên thay ông là Mohammad Najibullah. Chính quyền của Najibullah vẫn tiếp tục được Liên Xô hậu thuẫn.

1988: Tháng 4, Afghanistan, Liên Xô, Mỹ và Pakistan ký hiệp định hòa bình, cam kết chấm dứt viện trợ cho các bên tham chiến và Liên Xô rút quân.

1989: Người lính Liên Xô cuối cùng rời Afghanistan. Nội chiến vẫn tiếp tục. Các phái mujahideen tìm cách lật đổ Najibullah.

1991: Mỹ và Liên Xô đồng ý chấm dứt viện trợ quân sự cho cả hai bên.

1992: Mujahideen chiếm được thủ đô Kabul. Chính quyền Najibullah sụp đổ. Sau đó, các phe phái chiến thắng lập tức quay súng đánh nhau để tranh giành quyền lực.

1993: Các bên tham chiến đồng ý thành lập một chính phủ do Burhanuddin Rabbni, người thiểu số Tajikistan, làm tổng thống.

1994: Chiến sự vẫn tiếp tục. Phái Taliban, bao gồm các sinh viên Hồi giáo mà chủ yếu là dân Pashtun, càng ngày càng mạnh hơn.

1996: Taliban chiếm Kabul. Tổng thống Rabbani chạy trốn, gia nhập Liên minh Phương Bắc chống Taliban.

1997: Taliban được Pakistan và Ả Rập Saudi công nhận làm chính phủ hợp lệ của Afghanistan. Các nước khác thì vẫn coi Rabbani là tổng thống.

1998: Động đất làm hàng nghìn người chết. Ngày 7/8, đại sứ Mỹ ở Tanzania và Kenya bị đánh bom, kẻ bị tình nghi là Osama bin Laden. Ngày 20/8, Mỹ bắn tên lửa vào những nơi họ cho là căn cứ của trùm khủng bố Osama bin Laden.

1999: LHQ thiết lập lệnh cấm bay và cấm vận tài chính để buộc Afghanistan phải giao nộp bin Laden.

2001: Tháng 3, Taliban dùng thuốc nổ phá hai pho tượng Phật cổ ở Afghanistan. Tháng 5: Bắt người không theo đạo Hồi phải đeo phù hiệu nhận dạng. Phụ nữ Hindu cũng phải đeo mạng như mọi phụ nữ Afghanistan Hồi giáo khác. Tháng 9: Ahmad Shah Masood, lãnh đạo lực lượng chống Taliban, Liên minh phương Bắc, bị ám sát.

Theo VNEXPRESS