Các nhà khoa học tìm ra cơ chế điều hòa huyết áp tự nhiên trong cơ thể con người

Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Các nhà nghiên cứu của Đại học Virginia đã phát hiện ra rằng có một huyết áp kế tự nhiên trong thận của con người, và lần đầu tiên tiết lộ cách nó tự động điều chỉnh việc tiết ra renin, hormone kiểm soát huyết áp.

Theo Epoch Times, ngay từ năm 1957, một số nhà khoa học đã nói về việc có một máy đo huyết áp tự nhiên trong tế bào renin của con người, nhưng các nhà khoa học không biết liệu huyết áp kế này nằm trong tế bào renin hay xung quanh chúng.

Ngày nay, hơn sáu mươi năm sau, các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia đã kết hợp nhiều phương pháp thử nghiệm mới, cuối cùng xác định được vị trí của huyết áp kế này và cách chúng hoạt động

Họ phát hiện ra rằng huyết áp kế này nằm bên trong các tế bào renin và hoạt động giống như các cảm biến cơ học. Sau khi các đồng hồ đo áp suất này cảm nhận được áp lực từ bên ngoài tế bào, chúng sẽ truyền các tín hiệu cơ học đó đến hạt nhân, giống như “ốc tai trong tai có nhiệm vụ chuyển đổi các tín hiệu rung động cơ học của sóng âm thanh thành các tín hiệu xung thần kinh mà não có thể nhận biết được”.

Các nhà nghiên cứu đã tạo áp lực lên các tế bào renin bằng các dụng cụ trong thí nghiệm và nhận thấy rằng điều này kích thích các tế bào renin tạo ra phản ứng, khiến hoạt động của Ren1 trong tế bào renin bị suy yếu.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh hoạt động của gen này trong thận trong bệnh tăng huyết áp và hạ huyết áp. Họ phát hiện ra rằng khi huyết áp kế trong tế bào renin cảm nhận được huyết áp cao, việc tiết renin bị hạn chế; khi huyết áp thấp, việc tiết renin sẽ tăng lên. Renin là một loại hormone giúp điều chỉnh huyết áp.

Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp phát triển các chương trình mới trong điều trị tăng huyết áp.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 17/5/2021 trên tạp chí Circulation Research, một công ty do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thành lập.

Theo https://www.dkn.tv

Loạt resort 5 sao ở Việt Nam của KTS ‘phù thủy’ Bill Bensley

hững resort ở Sa Pa, Đà Nẵng, Phú Quốc vừa sang trọng vừa gắn với những câu chuyện thú vị, khiến du khách muốn quay lại nhiều lần.

KTS người Mỹ, Bill Bensley, được tạp chí The Time đánh giá là ông hoàng của những khu nghỉ dưỡng quyến rũ nhất hành tinh. Kiến trúc sư này đã thiết kế trên 100 resort ở 30 nước. Riêng ở Việt Nam, ông cũng ghi dấu ấn trong một số công trình, mới đây nhất là khách sạn MGallery Hotel de la Coupole ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai). 

Mỗi công trình của Bensley đều mang một ý tưởng khác nhau. Khu nghỉ vừa khai trương thử nghiệm vào cuối năm 2018 hòa quyện giữa màu sắc, hoa văn sống động của văn hóa dân tộc vùng cao trong vẻ đẹp kiến trúc Đông Dương những năm 1920-1930. Trên hình là quầy bánh ở tầng một. Ảnh: Cherry Image.

Nhà hàng mang tên Chic lấy cảm hứng từ nền văn hóa thượng lưu, là nơi thực khách thưởng thức các món ăn trong không gian rộng mở nhưng ấm cúng. Những khung cửa sổ lớn, phần mái trong suốt với diện tích trải dài không bị chắn bởi các hàng cột đem lại một khu sinh hoạt chung thoáng đãng và ngập tràn ánh sáng.  Ảnh: Cherry Image.

Xuyên suốt các khu vực sảnh, nhà hàng, quầy bar và các phòng là hình ảnh thời trang của những năm đầu thế kỷ 20. Kiến trúc sư cũng khéo léo đưa hình ảnh những chiếc mũ của người dân tộc vào làm đèn đầu giường, treo tường… Ảnh: Cherry Image.

Khách sạn gồm 249 phòng với sáu loại khác nhau, các khu ban công ngoài trời có tầm nhìn ra quang cảnh núi non hùng vĩ và quảng trường trung tâm thị trấn. Ảnh: Cherry Image.

Công trình đầu tiên mà Bensley thực hiện tại Việt Nam là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Đây cũng là công trình giành được rất nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực kiến trúc và du lịch trên thế giới. Năm 2018, resort ở Đà Nẵng được vinh danh ở 5 hạng mục của Giải thưởng Du lịch Thế giới, trong đó có giải Khu nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên nhất châu Á. 

Đối với Bensley, “một cái cây ngã xuống là một sự mất mát”. Ông từng chia sẻ: “Một resort hoàn hảo là khu nghỉ dưỡng tôn vinh được vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và bảo tồn được nguyên trạng cảnh quan xung quanh”. 

Trước khi thiết kế tác phẩm đầu tay ở Việt Nam, Bensley dành nhiều thời gian để tới Huế, vào Hội An để tìm hiểu thêm văn hóa, kiến trúc địa phương. Những hàng cột, mái nhà uốn cong được đưa vào các khu nhà kết hợp với cách xây dựng hiện đại. 

Nội, ngoại thất của resort mang tông đen-trắng chủ đạo, thêm các màu nổi bật như sắc vàng đem lại phong cách hiện đại, sống động cho các không gian. 

Tọa lạc trên bãi Kem ở Phú Quốc, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bathu hút đông du khách trẻ tuổi bởi phong cách thiết kế hiện đại và câu chuyện giả tưởng về Đại học Lamarck những năm đầu thế kỷ 20. Đó cũng là một phần lý do giúp cho resort được vinh danh ở hạng mục Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bậc nhất thế giới. 

Đại sảnh cao rộng được bài trí hệt một thư viện khổng lồ. Tại đây có hàng trăm hiện vật cổ được bài trí gọn gàng và đẹp mắt, đó cũng là kết quả của niềm đam mê sưu tầm của cha đẻ sáng tạo nên công trình này. 

Với 234 phòng tiện nghi, khu nghỉ dưỡng được sắp xếp và phân bố theo 18 phân khoa khác nhau từ tự nhiên, xã hội, kiến trúc, hóa học tới động vật học…  Mỗi góc trong khách sạn đều là nơi nghỉ ngơi, chụp hình lý tưởng của những người muốn trở lại thời sinh viên sôi nổi. 

An Yên

Kim tự tháp bằng kính Nomad’s Pad cho phép bạn đắm mình dưới những vì sao Grand Canyon

Nomad’s Pad, một dự án Indiegogo tài trợ, cho phép bạn cắm trại ngắm sao tại sa mạc Grand Canyon, hứa hẹn một trải nghiệm độc đáo đã sẵn sàng chào đón du khách vào mùa Thu năm 2021

Nằm ngoài vành đai phía nam của Grand Canyon, một khu đất rộng 20 mẫu Anh với 10 kim tự tháp kính được kiểm soát nhiệt độ với tầm nhìn đặc biệt ra sa mạc và bầu trời đêm. Được đặt tên là Nomad’s Pad, dự án sử dụng năng lượng mặt trời, mỗi kim tự tháp bằng kính rộng 120m2, đầy đủ tiện nghi trong một đến ba đêm cắm trại sang trọng.

Khách được thả lỏng để có tầm nhìn 360 độ thực sự không bị cản trở — tuy nhiên khi cần sự riêng tư, các bức tường kính trong suốt của cấu trúc sẽ trở nên mờ đục chỉ với một nút bấm, nhờ công nghệ kính thông minh.

Khung cảnh ngoài trời rộng rãi của một vị khách.

Được xây dựng theo nguyên tắc ngôi nhà thụ động để đạt hiệu quả tối đa, mỗi kim tự tháp sẽ được trang bị máy lạnh, giường cỡ Queen, bộ khăn trải giường sang trọng, phòng tắm riêng và vòi sen, đồ vệ sinh cá nhân thân thiện với môi trường và trà và cà phê miễn phí. 

Các tiện nghi ngoài trời cao cấp bao gồm với các tiện nghi như yoga, xe bán đồ ăn, dịch vụ cocktail và xem phim ngoài trời ngay trong khuôn viên.

Mỗi kim tự tháp đều có sân hiên riêng và bể sục.

Dự kiến mở cửa vào tháng 10.2021 của Nomad’s Pad, khách du lịch sẽ có thể đến chỉ với một đến ba giờ lái xe từ các trung tâm khu vực như Flagstaff, Phoenix và Las Vegas; Công viên Quốc gia Grand Canyon cách đó 25 phút lái xe ngắn. 

Tên chính thức của thị trấn được gọi là Grand Canyon Junction; khu vực này cũng là nơi tọa lạc của Under Canvas ‘Grand Canyon.

Quang cảnh không gian sống bên trong kim tự tháp khi đêm xuống.

Nomad’s Pad cũng sẽ cung cấp cho khách các bữa ăn từ nông trại đến bàn ăn từ xe tải thực phẩm chứa các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương cũng như bia, rượu và cocktail thủ công. Du khách cũng có thể đặt các chuyến đi bộ đường dài, tham quan thắng cảnh bằng xe jeep, các chuyến đi chèo thuyền và tham quan bằng máy bay vành đai phía nam, trong số một loạt các hoạt động khác.

Neo Nguyen /Người đô thị

NHỮNG BÀI HỌC CỦA TOLSTOI

Mario Vargas Liosa (Tây Ban Nha)-Trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của mình, nhà văn Nga đã dạy chúng ta, cho dù cuộc sống có mọi sự khủng khiếp, con người vẫn phải luôn luôn bỏ lại phía sau mình mọi điều tồi tệ có trong bản thân.

Lần đầu tiên tôi đọc Chiến tranh và Hòa bình hơn nửa thế kỷ trước trong chuyến đi nghỉ phải trả tiền tại Perros-Gireca. Vào thời kỳ đó tôi là cộng tác viên của hãng thông tấn Franse-Press và cũng đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời mình. Lần đọc đó tôi đã tin tưởng sâu sắc rằng, ở thể loại văn học này, khác với các thể loại khác, điều tiên quyết định giá phẩm chất của tác phẩm là ở dung lượng có bao nhiêu lớp hiện thực, cũng có nghĩa là bao nhiêu kinh nghiệm sống được tác giả tích tụ, gửi gắm trong tác phẩm.

Tiểu thuyết của Tostoi tựa như hoàn toàn khẳng định ý nghĩ này của tôi. Ngay từ đầu chuyện kể, với một giọng bình thản tác giả đã miêu tả về cuộc sống của các salon quý tộc ở Saint-Peterburg, nơi khách khứa toàn trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Nga. Dần dà câu chuyện chuyển sang tất cả các tầng lớp khác của một xã hội Nga phức tạp, thể hiện cái xã hội ấy trong sự đa dạng của các giai tầng và các điển hình, từ các bá tước, các vị tướng lĩnh tới những người nông dân nông nô, kể cả những thương gia, những thiếu nữ đã có chồng, hội viên các hội tam điểm bí mật, các vị linh mục, các quân nhân, những người hoạt động nghệ thuật, những phần tử K.D và các nhà thần bí học. Người đọc có cảm tưởng trước mắt họ đang diễn ra một giai đoạn lịch sử với tất cả đại diện của các hạng, các loại người.

Tôi nhớ biết bao những cảnh trận mạc tuyệt tác miêu tả thiên tài chỉ huy của Tổng tư lệnh Cutuzov, tuy chịu thất bại nhưng dần dà đã mang lại tổn thất cho những đạo quân xâm lược của Napoleon khi vì thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, vì băng tuyết và nạn thiếu lương thực quân Nga chưa thể tiêu diệt địch thủ hoàn toàn.

Trong tôi bỗng nẩy sinh ước muốn, nếu ai đó yêu cầu tôi nói gọn chỉ trong một câu về cuốn tiểu thuyết này thì tôi sẽ nói ngay rằng đó là một bức tranh toàn cảnh vĩ đại kể chuyện nhân dân Nga đã đập tan dã tâm xâm lược của Napoleon Bonapart, “kẻ thù của loài người” để bảo vệ nền độc lập của quốc gia, của dân tộc mình. Có nghĩa, đấy là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại ngợi ca bản thân chiến cuộc, ngợi ca truyền thống, ngợi ca lòng dũng cảm tuyệt vời của nhân dân Nga.

Nhưng bây giờ, đọc lại cuốn tiểu thuyết, tôi hiểu rằng quan niệm như trước kia của tôi là sai. Tuyệt nhiên tác giả của cuốn tiểu thuyết không nỗ lực trình bày chiến tranh như một sự kiện để tinh thần được tôi luyện, để phẩm giá cá nhân và niềm vinh quang của xứ sở được hình thành, Chiến tranh và Hòa bình ví như ngay việc miêu tả một trận đánh thôi, trận Napoleon giành chiến thắng ở Auxterlich, nhắm tới cái đích miêu tả đầy đủ tính chất khủng khiếp của cuộc chiến tranh đó, số lượng không đếm xuể những người bị hy sinh, tính chất phi nghĩa không thể chấp nhận được và những khổ đau mà những con người bình thường phải hứng chịu. Chính những người dân thường chiếm số đông những ai đã ngã xuống trong các trận đánh. Tác giả vạch trần sự ngu muội thú vật và đầy tội lỗi của kẻ gây ra toàn bộ những tai họa đó và chính ở phương diện này làm nổi lên lương tâm, lòng yêu nước, lòng quả cảm trận mạc và lòng quả cảm công dân.

Trong một mức độ lớn hơn, tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi kể về hòa bình, chứ không phải về chiến tranh. Tràn ngập tình yêu với lịch sử và văn hóa Nga, Tolstoi không tán tụng tiếng súng đạn và lòng căm giận của những người lính, tác giả muốn giúp người đọc khám phá ra đời sống nội tâm, những suy nghĩ, những trăn trở hoài nghi, những cuộc tìm kiếm chân lý và khát vọng tạo ra những gì cao cả, tốt đẹp. Những điều như thế được thể hiện ở chàng Pier Bezukhov đôn hậu, dịu dàng –một trong những nhân vật chính của Chiến tranh và Hòa bình. Tuy bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha cuốn Chiến tranh và Hòa bình tôi đọc bây giờ không phải là bản dịch lý tưởng, nhưng vẫn cảm nhận được thiên tài của Tolstoi ở tất cả những gì ông chạm bút tới; đặc biệt với mức độ lớn hơn là ở những gì ẩn náu phía sau những điều ông đã  nói ra. Sự im lặng của Tolstoi luôn luôn đúng chỗ, mang tính thuyết phục, đầy thông tin. Sự im lặng ấy kích thích trí tò mò của người đọc không chịu rời trang sách, sốt ruột muốn biết cuối cùng thì công tước Andrey có biểu lộ tình yêu với nàng Natasa không; liệu đám cưới của công tước Andrey Nikolai Andreevich hay cau có, có thành hay không. Trong cuốn tiểu thuyết đúng là không có một đoạn nào dường nhưng không còn điều gì chưa nói, bị gián đoạn, không mang tới cho người đọc điều thú vị và cần nói nhất, để người đọc phải tiếp tục theo dõi diễn tiến tiếp sau, làm giảm đi sự chăm chú của họ. Đương nhiên, có cảm giác không chắc lắm, trong một tác phẩm dài hơi và nhiều lớp lang đến như vậy với biết bao nhân vật chính, phụ người dẫn chuyện phải biết đan thắt một cách rất nghệ thuật đường dây tình tiết đến độ không bao giờ lơ mắt kiểm tra, tỉnh táo rải đều thời gian cho mỗi nhân vật, để không khi nào, không một ai bị bỏ quên. Tất cả các nhân vật tựa như đều được phân bổ bao nhiêu thời gian, không gian để mọi diễn tiến trôi chảy y như trong cuộc đời thực, đôi khi rất chậm rãi, đôi khi nhảy cóc bất ngờ, với những niềm vui và những nỗi buồn, những mơ ước, những niềm mê đắm và những thói đỏng đảnh, lố lăng.

Bây giờ đọc lại Chiến tranh và Hòa bình tôi nhận ra những gì mình đã không hiểu trong lần đọc đầu tiên. Hóa ra là cái thước đo tinh thần của cuốn tiểu thuyết quan trọng hơn rất nhiều những gì diễn ra tại các salon quý tộc và tại các bãi chiến trường. Triết học, tôn giáo, việc kiếm tìm một sự thật cho phép tách bạch cái ác với điều thiện và mối tác động qua lại giữa các yếu tố này là sự quan tâm chủ yếu của các nhân vật trong tác phẩm, trong số đó có cả những nhân vật tên tuổi như thống soái Cutuzov. Tuy ông đã trải cả cuộc đời trên các bãi chiến trường – gương mặt ông vẫn hằn vết sẹo của một viên đạn Thổ Nhĩ Kỳ – nhưng trước hết ông vẫn là một con người của phẩm chất tinh thần cao cả, không hề biết tới lòng hận thù. Có thể nói rằng, ông chiến đấu bởi không có lối thoát nào khác: Ai đây cần phải làm việc này thay ông. Nhưng trên đại cục, hơn tất cả, ông là một con người luôn luôn hiến dâng mình cho những hoạt động trí tuệ và tinh thần. 

Nói một cách nghiêm khắc, những sự kiện diễn ra trong Chiến tranh và Hòa bình tuy thật là khủng khiếp, tôi vẫn nghi ngờ rằng tác phẩm mang tới cho người đọc nỗi buồn, sự xa xót. Ngược lại thế, tiểu thuyết mang tới cảm nhận tuy trong cuộc đời mọi điều khủng khiếp diễn ra; vẫn nhi nhúc thói đểu giả và sự ti tiện, nhưng sự cân đong cuối cùng cũng sẽ xẩy ra và cái tốt vẫn lớn hơn cái xấu; niềm hạnh phúc và sự bình yên vẫn lớn hơn lửa cháy và lòng căm thù, tuy điều này không phải lúc nào cũng hiển hiện. Con người ta phải luôn biết gạt bó lại phía sau những gì xấu xa nhất mang trong chính mình. Có nghĩa là phải luôn luôn bằng cái khả năng không phải lúc nào cũng nhận ra, con người phải trở nên tốt đẹp hơn, loại bỏ đi những gì xấu xa từ trong bản thân mỗi người.

Rõ ràng là, chính ở phương diện này ghi nhận chiến công chủ yếu của Tolsoi, tương tự như những gì Servantes, tác giả của Don Quijote; Balzak, người viết nên Tấn trò đời; Dikens, tác giả của Oliver Twist; Victor Hugo với Những người khốn khổ; và Faulkner với câu chuyện về miền Nam nước Mỹ đã thực thi. Đọc những tác phẩm của họ, tuy chúng ta bị nhấn chìm đến tận đáy sâu tội ác của con người, nhưng trong chúng ta vẫn nẩy sinh niềm tin cho dù xẩy ra mọi biến động, cuộc sống của con người nhất định sẽ phong phú và sâu sắc hơn tất cả những gì không dễ chịu và tai ương. Nếu nhìn nhận cuộc sống trong toàn bộ chiều sâu của nó một cách bình thản và không vụ lợi, thì có thể nói rằng cuộc đời ấy đáng để chúng ta sống. Tuy nếu như chúng ta không thể sống trong thế giới có thực thì cũng trong thế giới các nhân vật của những cuốn tiểu thuyết lớn.

Tôi không thể hoàn thành bài báo này nếu không động chạm tới một câu hỏi của bạn đọc mà từ lâu rồi khiến lòng dạ tôi không được yên: Tại sao Giải thưởng Nobel văn học đầu tiên lại trao cho Sully Prudhomme mà không phải là Lev Tolstoi? Chẳng lẽ trong những năm tháng xa xưa đó chưa thấy như hiện nay: Chiến tranh và Hòa bình là một trong những báu vật phải mất vài thế kỷ mới xẩy ra trong nền văn học của hành tinh này.

Mario Vargas Liosa (Tây Ban Nha ) / Theo EL SPAIL, Tây Ban Nha

TÔ HOÀNG chuyển ngữ qua bản tiếng Nga

Cuộc khủng hoảng kế nhiệm sắp tới của Trung Quốc

Sau gần chín năm cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống trị hệ thống chính trị của đất nước mình. Ông kiểm soát quá trình hoạch định chính sách trong nước, quân đội và chính sách đối ngoại. Quyền lực vô song của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến ông Tập trở thành một người không thể chạm tới, như Joseph Stalin hay Mao Trạch Đông sau những cuộc thanh trừng tàn bạo từng được thực hiện trong thời kỳ Đại Khủng bố hay Cách mạng Văn hóa. Khi không có những đối thủ chính trị đáng kể, bất kỳ quyết định nghỉ hưu nào đều sẽ do ông Tập tự quyết định và theo lịch trình mà ông chọn.
Việc dỡ bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước hồi năm 2018 cho phép ông cầm quyền vô thời hạn, nếu muốn. Nếu từ bỏ các chức vụ lãnh đạo chính thức của mình, ông Tập vẫn có khả năng giữ được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ông càng nắm quyền lâu thì cơ cấu chính trị càng phù hợp với tính cách, mục tiêu, ý muốn bất chợt và mạng lưới thân hữu của ông. Đến lượt mình, càng tại vị lâu thì ông Tập càng trở nên quan trọng hơn đối với sự ổn định chính trị của Trung Quốc.
Sự tập trung quyền lực cá nhân này khiến Trung Quốc phải trả giá. Ông Tập vẫn chưa chỉ định một người kế nhiệm, gây ra sự nghi ngờ về tương lai của một hệ thống vốn ngày càng phụ thuộc vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ một số ít các quan chức cấp cao của đảng mới có một ít thông tin nào đó về kế hoạch dài hạn của ông Tập, và cho đến nay, họ vẫn im lặng về việc ông muốn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo trong bao lâu. Ông sẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, hay sẽ bám lấy quyền lực vĩnh viễn? Nếu ông đột tử khi đang cầm quyền, như điều xảy ra với Stalin năm 1953, liệu có xuất hiện sự chia rẽ trong đảng khi các phe cánh tranh giành quyền lãnh đạo hay không? Liệu những người quan sát bên ngoài có thể phát hiện ra những dấu hiệu của sự bất hòa đó hay không?
Đặt ra những câu hỏi này không phải là một sự suy đoán vu vơ. Một ngày nào đó, theo một cách nào đó, ông Tập sẽ phải rời khỏi sân khấu chính trị. Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc ông ấy sẽ rời đi khi nào và theo cách như thế nào, hoặc ai sẽ là người thay thế ông. Do đó, Trung Quốc đối mặt với khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kế vị. Trong vài năm qua, ông Tập đã né tránh các chuẩn mực mong manh của Đảng về việc chia sẻ và chuyển giao quyền lực. Khi đến thời điểm phải thay thế ông, một điều tất yếu phải xảy ra, tình trạng rối loạn ở Bắc Kinh có thể gây ra những tác động bất ổn vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc.

SỰ TRỞ LẠI CỦA MÀN KỊCH CHÍNH TRỊ

Sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, trật tự và đều đặn thường được coi là điều đương nhiên trong các nền dân chủ hiện đại, trong khi những cuộc chuyển giao quyền lực không suôn sẻ là nguồn gốc của các cuộc xung đột và bất ổn trên toàn thế giới. Ngay cả các hệ thống dân chủ với các thủ tục pháp lý mạnh mẽ và các quy ước lâu đời liên quan đến kế vị cũng không tránh khỏi tình trạng chuyển giao quyền lực bấp bênh, như chúng ta đã thấy trong nỗ lực gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thách thức việc Tổng thống Joe Biden đắc cử.
Ở nhiều quốc gia, các ràng buộc chính trị và pháp lý không đầy đủ đã tạo điều kiện cho các lãnh đạo đương nhiệm nắm giữ quyền lực, thường là vô thời hạn. Khi các quy trình pháp lý mạnh mẽ hơn, các nhà lãnh đạo có ý định bám víu quyền lực thường chặn trước hoặc thậm chí bỏ tù các đối thủ chính trị. Mặc dù một số nhà độc tài thành công trong việc chống lại các mối đe dọa đối với quyền lực của họ, nhưng những nỗ lực để cai trị suốt đời như vậy cũng có thể gây ra các cuộc khủng hoảng kế vị, hay các nỗ lực thách thức họ, hoặc thậm chí là các cuộc đảo chính.
Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Học giả Bruce Dickson đã mô tả quá trình kế vị là “màn kịch trung tâm của chính trị Trung Quốc gần như kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân được thành lập vào năm 1949”.
Trong thời Mao, các cuộc chiến giành quyền lãnh đạo diễn ra thường xuyên và khốc liệt, từ “Vụ việc Cao Cương” vào đầu những năm 1950, vốn chứng kiến việc Mao gieo rắc mâu thuẫn giữa một số người kế vị, dẫn đến cái chết của Lâm Bưu, người được Mao chọn làm người kế vị và chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 1971. Một người kế nhiệm tiềm năng khác, Lưu Thiếu Kỳ, bị Mao gạt sang một bên và bị Hồng vệ binh đánh đập trước khi chết trong cảnh bị giam cầm vào năm 1969. Cuối năm 1976, các thành viên của “Tứ nhân bang”, một nhóm các quan chức cấp cao đã tìm cách cực đoan hóa Cách mạng Văn hóa, đã bị bắt chỉ vài tháng sau khi Mao qua đời. Người được Mao chọn kế nhiệm, Hoa Quốc Phong, ủng hộ các vụ bắt giữ này nhưng lại bị Đặng Tiểu Bình, người nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 1978, gạt sang một bên vài năm sau đó. Hai nhà lãnh đạo mà Đặng Tiểu Bình đã chọn để dẫn dắt Đảng vào những năm 1980, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đều bị hạ bệ trong bối cảnh bất ổn chính trị và các cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng của giới chóp bu.
Tuy nhiên, mô hình đã thay đổi trong vài thập niên tiếp theo. Vào thời điểm ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, có vẻ như Bắc Kinh đã hình thành ổn định quy trình chuyển giao quyền lực hòa bình, bền vững, và có thể đoán trước được. Các học giả nổi tiếng về Trung Quốc đã đi xa đến mức tuyên bố rằng “bản thân quá trình kế vị đã trở thành một thể chế của Đảng”. Nhưng ông Tập đã phá bỏ những giả định đó khi giờ đây ông sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai của mình. Tại cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào mùa xuân năm 2018, ông đã thông qua một bản sửa đổi hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của mình. Cũng quan trọng không kém là việc ông chưa xác định một ứng cử viên nào có thể thay thế ông, và cả Tập lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc đều không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một sự chuyển đổi sắp xảy ra. Mặc dù một số phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát đã tuyên bố rằng ông Tập không có ý định cầm quyền suốt đời, nhưng rõ ràng đã không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về tương lai chính trị của ông.

KỊCH BẢN NÀO CHO ÔNG TẬP?

Ông Tập có thể sẽ khiến người ta bất ngờ và quyết định chuyển giao quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022. Nhưng nếu không có người kế nhiệm, một người đã tạo được uy tín và được Đảng thử thách, thì kịch bản này rất khó xảy ra. Thay vào đó, một số ứng viên có thể sẽ được thăng chức thông qua việc bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất ở Trung Quốc. Những cá nhân này sau đó sẽ mất vài năm chuyển qua các chức vụ ngày càng cao hơn để có kinh nghiệm quản lý và xây dựng uy tín trong hệ thống.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Tập chỉ định một hoặc nhiều người kế nhiệm tiềm năng vào năm 2022 với mục tiêu chính thức nghỉ hưu vào Đại hội Đảng sau đó, điều đó cũng không có nghĩa là sự kiểm soát không chính thức của ông sẽ chấm dứt. Ông có thể tiếp tục nắm quyền từ hậu trường, như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã làm sau khi nhiệm kỳ lãnh đạo của họ kết thúc. Xu hướng này ở Trung Quốc phù hợp với một mô hình lịch sử nói chung từ trước đến nay: hiếm khi các hoàng đế quyền lực thoái vị, và nếu nhường ngôi họ vẫn thường giữ ảnh hưởng to lớn. Hiện tại, sự thống trị của ông Tập khiến các chính phủ nước ngoài không có cơ hội xây dựng quan hệ với những người kế vị tiềm tàng. Và nếu ông không xác định ứng viên mà ông ủng hộ vào năm 2022, sự trì hoãn có thể có nghĩa là bất kỳ ai đủ điều kiện trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc hiện vẫn giữ một chức vụ còn quá thấp để có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà quan sát bên ngoài.
Dù sự củng cố quyền kiểm soát của ông Tập là rất ấn tượng, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo uy quyền nhất cũng phải dựa vào sự ủng hộ của một liên minh các tác nhân và nhóm lợi ích. Sự ủng hộ đó là có điều kiện, và có thể bị xói mòn khi các điều kiện trong nước và quốc tế thay đổi. Không người ngoài cuộc nào biết được bản chất chính xác của cuộc thương lượng giữa ông Tập và các thành viên của giới tinh hoa chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng chắc chắn rằng, nếu xảy ra suy thoái kinh tế đáng kể, hay việc liên tục xử lý sai lầm các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, công việc cân bằng các nhóm lợi ích cạnh tranh của ông Tập sẽ trở nên thách thức hơn, và sự kiểm soát của ông trở nên khó khăn hơn. Mọi liên minh đều có điểm đứt gãy. Tất nhiên, đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo phản ứng với các nỗ lực đảo chính một cách mạnh tay như vậy; họ muốn ngăn chặn những kẻ thách thức. Như Tổng thống Gambia, Yahya Jammeh, đã cảnh báo sau một cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2014: “Kẻ nào định tấn công đất nước này, thì hãy sẵn sàng, vì các người sẽ chết”.
Việc lật đổ một nhà lãnh đạo đương nhiệm, đặc biệt là một nhà lãnh đạo có gọng kìm sắt kiểm soát một nhà nước độc đảng theo kiểu Lê-nin-nít, là một điều không dễ dàng. Bất kỳ ai nuôi tham vọng lật đổ phải đối mặt với những trở ngại khó khăn, bắt đầu với việc tập hợp sự ủng hộ từ các thành viên chủ chốt của bộ máy quân sự – an ninh mà không gây nên sự báo động đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm và bộ máy an ninh xung quanh nhà lãnh đạo đó. Với khả năng công nghệ của các lực lượng an ninh của Đảng mà ông Tập kiểm soát, một nỗ lực như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị phát hiện và khả năng những người đồng chủ mưu sẽ thay đổi ý định và đào tẩu. Đúng là ông Tập có một loạt kẻ thù trong đảng. Nhưng cũng đúng khi nói rằng những rào cản đối với việc lập mưu chống lại ông gần như là không thể vượt qua. Nếu không có một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, khả năng các đối thủ của ông Tập tiến hành một cuộc đảo chính là cực kỳ nhỏ.
Nhưng một cái chết đột ngột hoặc mất khả năng làm việc sẽ khiến sự lãnh đạo của ông Tập bị rút ngắn, bất kể ông định chấm dứt nó vào thời điểm nào. Ông Tập hiện đã 68 tuổi, có tiền sử hút thuốc, bị thừa cân, làm công việc căng thẳng, và theo truyền thông nhà nước, thì “tìm niềm vui trong việc làm việc hăng say”. Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Tập đang gặp tình trạng sức khỏe kém, ông không phải là người bất tử. Và giờ đây, khi ông đã phá bỏ các chuẩn tắc kế vị của Trung Quốc, sự vắng mặt của ông sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, và có thể kích hoạt các cuộc đấu đá nội bộ ở các cấp cao nhất của Đảng. Các thành viên trong liên minh của ông Tập có thể chia thành các nhóm đối lập, mỗi nhóm ủng hộ một người kế nhiệm của riêng mình. Những người đã bị trừng phạt hoặc bị gạt ra bên lề dưới thời ông Tập có thể cố gắng tận dụng cơ hội hiếm có để giành lại quyền lực. Ngay cả khi ông Tập không chết nhưng mất khả năng làm việc do đột quỵ, đau tim, hoặc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, Trung Quốc cũng sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng về chính trị. Những người ủng hộ chế độ, cũng như những người thách thức, sẽ buộc phải tranh giành để thành lập các liên minh mới, nhằm chuẩn bị cho cả tình huống ông Tập phục hồi hoặc không thể vượt qua, dẫn tới những hậu quả khó lường đối với chính sách đối nội và đối ngoại.
Tất nhiên, cũng có thể xảy ra những kịch bản khác. Đó là ông Tập có thể chọn nghỉ hưu vào năm 2035, thời điểm nằm giữa dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng trong năm nay và dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Nhưng bất kể việc ông Tập rời nhiệm sở bằng cách nào hoặc khi nào, việc thiếu một kế hoạch rõ ràng đặt ra những câu hỏi khó tránh khỏi, về khả năng chuyển giao quyền lực của đảng theo một cách thức hòa bình và có thể đoán trước được.
Trong những thập niên sau khi Mao qua đời vào năm 1976, hệ thống chính trị của đất nước dường như dần ổn định, mặc dù đôi khi có bất ổn ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, ngày nay, tương lai chính trị của Trung Quốc đang bị bao bọc bởi sự bất định. Vấn đề kế vị không phải là loại vấn đề mà các quan chức Trung Quốc thảo luận công khai, nhưng họ cũng không thể phớt lờ nó được. Đó là một vấn đề mà sớm muộn cũng cần phải có giải pháp.
J.B. – R.M.G.Bản gốc : “China’s Looming Succession Crisis”, Foreign Affairs, 20/07/2021.
—–
Jude Blanchette là chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là tác giả cuốn sách China’s New Red Guards: The Return of Radicalism and the Rebirth of Mao Zedong.
Richard McGregor là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy và là tác giả của cuốn Xi Jinping: The Backlash.
Nguồn: nghiencuuquocte.org