Giàn Gừa – cây cổ thụ tán rộng 3.000m2 ở Cần Thơ

Giàn Gừa là một khu di tích lịch sử nằm ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Nơi đây có một cây gừa 150 năm tuổi, phát triển rất nhiều chi, cành, đan xen với nhau tạo thành giàn lớn nên người dân trong vùng gọi là Giàn Gừa.

Cây gừa khổng lồ ở Giàn Gừa đã có từ thời khai hoang mở cõi của người dân khu vực. Các bậc cao niên khẳng định lúc họ còn nhỏ, cây đã che phủ cả một vùng rộng lớn.

Dù từng bị chiến tranh tàn phá, hiện nay cây gừa cổ thụ này vẫn có diện tích tán khoảng 3.000m², chiều cao trung bình khoảng hơn 10m.

Đây có thể là cây tự nhiên có tán rộng nhất Việt Nam hiện nay.

Tại Giàn Gừa, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, người dân địa phương đã dựng lên miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỉ, vị nữ thần được tôn kính như một ân nhân của dân làng.

Theo giai thoại xa xưa, có một gia đình họ Nguyễn đến vùng đất Nhơn Nghĩa lập nghiệp. Trong quá trình khai khẩn, không may giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật trở nên hoang tàn. Trong làng có nhiều người mắc bệnh lạ không chữa khỏi…

Có một vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc cứu độ dân làng. Ông cho biết giàn gừa này là vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỉ. Muốn an cư lạc nghiệp, người dân phải khôi phục lại giàn gừa và hằng năm làm lễ giỗ cúng Bà…

Không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, Giàn Gừa còn là một căn cứ quan trọng của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Do địa hình hiểm yếu và hẻo lánh nên trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Giàn Gừa từng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; cũng như nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, huấn luyện, tập kết và chuyển quân.

Từ năm 1961-1965, Giàn Gừa là nơi đào tạo huấn luyện đội biệt động nội thành.

Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Từ đây theo đường thủy, quân Giải phóng chuyển vũ khí đến sông Cần Thơ để tấn công vào các cơ quan đầu não của địch tại thành phố Cần Thơ.

Đầu năm 1975, Giàn Gừa là nơi tập kết của bộ đội Giải phóng trước khi tiến về giải phóng Cần Thơ vào tháng 4/1975.

Hiện tại cây gừa cổ thụ ở Giàn Gừa vẫn phát triển xanh tốt, cành lá không ngừng vươn rộng.

Dù đã 150 tuổi, cây vẫn đơm hoa kết trái xum xuê.

Với những giá trị tự nhiên cũng như lịch sử, năm 2013, cây gừa cổ thụ ở Giàn Gừa đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Sài Gòn, đóng chợ và hoảng sợ

Người Tân Định

(VNTB) – Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước…

Dịch covid-19 bắt đầu lan rộng từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương ra toàn quốc và Sài Gòn nay là điểm nóng nhất với số người bệnh cao nhất, nhiều người từng xem trận dịch này như sự đe dọa từ xa không dính gì đến họ, hoặc tin vào khả năng dập dịch nhanh chóng của nhà nước thì bây giờ thật sự hoảng sợ.

Thông tin từ Ban quản lý chợ Tân Định (Q.1, tp.HCM) cho biết chợ bắt đầu đóng cửa cách ly theo quy định trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 4-7 do có người bán hàng tại chợ dương tính với COVID-19. Chợ đầu mối Hóc Môn (tp.HCM) tiếp tục tạm dừng các hoạt động, đóng cửa thêm 11 ngày so với kế hoạch đóng cửa trước đó là từ ngày 28-6 đến 4-7.

Chợ Tân Định, quận Nhất Sài Gòn, nằm trên đường Hai bà Trưng là nơi quen thuộc với người viết bài này từ ngày biết theo mẹ đi chợ. Những hàng quán sạch sẽ trong chợ với lối đi rộng rãi dần dần biến mất, nhường vào đó là những lối chật hẹp có khi phải lách mình qua tránh đụng phải hàng hóa bạn hàng kê chật hai bên lối đi với rất nhiều thứ để bán chất đống cao, có khi phải bước qua người bán hàng nằm co ro trên sàn chợ vào buổi trưa vắng khách. Rất chật chội, bí hơi và nóng nực. Khách vào chợ sẽ cảm thấy ngột ngạt, đổ mồ hôi sau ít phút, vệ sinh nơi khu ẩm thực ăn uống trong và ngoài bìa chợ đều không bảo đảm. Tình trang của hầu hết các chợ khác cũng vậy.

Việc đóng cửa chợ cho đến ngày 18 tháng 7 ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn chủ tiểu thương trong chợ, và hoang mang cho cả vùng Tân Định, nhà chức trách đã lập danh sách hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên toàn tuyến đường Mã Lộ, đường Nguyễn Văn Nghĩa và trong nhà lồng chợ Tân Định, những người có tiếp xúc, trao đổi mua bán với chủ sạp 145 bị dương tính bệnh dịch covid-19 và thông báo về nơi cư trú để xét nghiệm y tế và gửi kết quả xét nghiệm về ban quản lý chợ.

Theo cách truy tìm đến cùng các F0, F1 của Việt Nam, ngoài bạn hàng tại chợ Tân Định, những người buôn bán tại chợ Bình Điền nơi vợ chồng chủ sạp buôn cá và dân chúng ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nơi cư trú của hai người này, cũng phải xét nghiệm. Sáng 6 tháng 7 chợ Bình Điền nợi hoạt động buôn bán của khoảng 20 ngàn tiểu thương đã bị đóng cửa, Hàng hóa trong chợ phải chuyển ra chậm nhất là 8 giờ tối. Cùng ngày chợ Nhị Thiên Đường quận 8, chợ Xã Tây quận 5 cũng bị đóng cửa.

Không chỉ chợ Tân Định, Hóc Môn, hay những chợ kể trên, chợ búa Sài Gòn gần như bị đóng cửa hầu hết. Đi từ chợ Xóm Mới, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây qua các chợ Thủ Đức, chợ Bến Thành. Chợ Dân Sinh 104 Yersin Q1, chợ Phạm Thế Hiển… đều thấy tứ bề bị căng dây, chận ngõ.

Tp. HCM thực hiện việc đóng của chợ rất nhanh nhờ ban quản lý chợ, lực lượng dân phòng, công an phường. Khi phát hiện có người trong chợ bị dương tính covid-19, lệnh khẩn cấp ban ra, lập tức các ngõ ra, vào chợ bị chặn lại, hàng rào được dựng nên, mọi người hốt hoảng nhốn nháo. Trừ những sạp cố định trong chợ không thể di chuyển, tất cả những người buôn thúng, bán mẹt, bán hàng rong trên xe trong chợ vội vàng di tản sang lề các con đường trước chợ. Họ có thể bán tại đó cho đến khi bị chủ nhà hay dân phòng, công an đuổi. Trường hợp họ chẳng may bị lây nhiễm trong chợ thì không loại trừ họ có thể lây lan qua người khác, bạn bè, người quen, gia đình, người mua hàng và ngay cả người nhà họ đậu nhờ để bán hàng, cho đến khi họ bị phát hiện âm tính covid thì đã quá trễ cho những người từng tiếp xúc. Họ không thể xét nghiệm có mắc bệnh hay không vì chi phí rất cao.

Rất nhiều người dân Tp. HCM có nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tự nguyện nhưng không biết đến đâu, chi phí bao nhiêu. Đại diện Bảo hiểm xã hội tp.HCM cho biết hiện nay BHYT chưa thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 tầm soát diện rộng ngoài cộng đồng, chỉ thanh toán cho những bệnh nhân nhập viện có chỉ định theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm COVID-19 đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR:  734.000 đồng/mẫu. Xét nghiệm test nhanh giá tối đa 238.000 đồng/mẫu. Tuy nhiên có bệnh viện lấy giá đắt hơn, như Bệnh viện Quân y 175 cho biết bệnh viện này triển khai thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu, giá test nhanh 350.000 đồng/mẫu và xét nghiệm PCR có giá 734.000 đồng/mẫu. Với giá này khó lòng cho người lao động có thể tự đi xét nghiệm

Tổng hợp tin tức trên các tờ báo chính thức tại Tp. HCM cho thấy nhiều  bệnh viện tư triển khai xét nghiệm COVID-19 (test nhanh và PCR) tự nguyện cho người dân có giá từ 2 đến 4 triệu đồng/mẫu. Bệnh viện Quân dân y miền Đông test nhanh COVID-19 theo yêu cầu với giá 238.000 đồng, không xét nghiệm PCR và ưu tiên các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ sau khi sàng lọc tại bệnh viện. Tuy nhiên, do rất nhiều người đến bệnh viện test nhanh COVID-19 nên bệnh viện đã thông báo hạn chế tiếp nhận để tránh tình trạng tập trung đông người. Không ít bệnh viện, như bệnh viện quân y 175, bắt tất cả người bệnh cũng như thân nhân đến khám và điều trị nội trú tại đây phải test nhanh để ngăn COVID-19 lây vào bệnh viện.

Chỉ có 5 nhóm người được xét nghiệm COVID-19 miễn phí

Theo nội dung công văn số 5028/BYT-KHTC của Bộ Y tế về việc hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả cho xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân nội trú; người bệnh ngoại trú sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú; cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh; người chăm sóc bệnh nhân được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.

Chi phí xét nghiệm COVID-19 được chi trả dựa trên 2 nguồn là quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước. Quỹ BHYT chi trả với những người có thẻ BHYT. Một giám đốc bệnh viện công ở Saigon cho biết lúc này bệnh viện cũng khá lúng túng khi có nhiều đơn vị, cá nhân muốn được làm xét nghiệm PCR để có thể di chuyển từ Tp.HCM đến vùng khác nhưng bệnh viện công chưa thực hiện được.

Facebooker Nguyễn Thị Thanh Hoa viết: Bộ rapid test nước ngoài họ bán đại trà, giá tầm 20K, để dân tự test.

Việt Nam thì không bán mà bắt dân vô cơ sở Y Tế test với mức phí 300k/ 1 lần (có chỗ cao hơn gấp đôi, gấp rưỡi).

Mà ai cũng sợ đói nên chấp nhận mất phí. Nghiệt cái là cái giấy thông hành âm tính ấy chỉ có giá trị 3 ngày – 5 ngày thôi, tùy địa phương (thực tế chỉ có giá trị ngay thời điểm xét nghiệm thôi, vì nó là virus mà!).

Nghĩa là dân nghèo cứ phải xét nghiệm liên tục nếu không muốn đứt bữa.

Nghĩa là những đồng tiền còm cõi cuối cùng của dân nghèo cứ tự động chảy vào túi của ai đó.

Lợi dụng vào sự bần cùng của dân nghèo là một sự tán tận lương tâm.

Thiếu nơi xét nghiệm, và tiền xét nghiệm quá cao, cho nên người dân không dám đi xét nghiệm khi cảm thấy chưa cần. Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người sợ hãi, chen chúc chồng lấn lên nhau để lấy đơn xét nghiệm tại các địa điểm xét nghiệm khị họ được yêu cầu là chuyện thường thấy trên báo chí. Ngày 5 tháng 7 báo Sài Gòn Giải Phóng chạy video clip cho biết tại Long An, người dân chen chúc xin làm xét nghiệm đánh nhau khiến 2 người chết. Bản tin và video này đã bị gỡ xuống,

Tình trạng dịch covid 19 lan rộng và nhanh trên địa bàn tp.HCM nói riêng và trên toàn quốc vào đợt thứ 4 này, cộng với sự luống cuống lo sợ của chính quyền làm người dân thật sự hoảng sợ. Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước như tờ New York Times đã nói cuối tháng 6 vừa qua,

Được biết Việt Nam  với khoảng 2% dân số được tiêm ngừa covid-19 là nước có tỷ lệ tiêm phòng  thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Tường Thiết: Xóm Cầu Mới, một hoài bão lớn của Nhất Linh

Cha tôi, nhà văn Nhất Linh, cho ra đời hơn mười tác phẩm. Mẹ tôi sinh đẻ hơn mười người con. Bà thường nói đùa với chúng tôi: “Cứ mỗi lần Mợ có mang thì Cậu lại thai nghén một quyển truyện”. Những đứa con của mẹ tôi khi chào đời thường song hành với một tác phẩm mới của cha tôi được xuất bản. Chẳng hạn như anh Thạch tôi sinh năm 1935 ứng với năm tác phẩm Đoạn Tuyệt ra đời. Nhưng khi cha tôi bắt đầu thai nghén và khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940, trong khi mẹ tôi cuối năm đó sinh đẻ ra tôi, thì tác phẩm này vẫn chưa chịu ra đời. Lần này khi khởi viết Xóm Cầu Mới Nhất Linh mang hoài bão quá lớn, “cái thai” quá to, nên tác phẩm không chịu xuất hiện trên đời cho mãi đến ba mươi ba năm sau. Kỳ diệu thay chính tôi lại là người “đỡ đẻ” cho tác phẩm ra đời khi tôi cho xuất bản cuốn Xóm Cầu Mới lần đầu tiên vào năm 1973.
Hoài bão của Nhất Linh khi khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940 là mong muốn thực hiện một bộ trường giang tiểu thuyết đồ sộ dài gần mười ngàn trang mà theo ông mới đủ để diễn tả cuộc đời muôn vẻ, muôn mặt. Trải dài suốt 17 năm sau đó, với cả thẩy 5 lần viết đi viết lại, ông đã khai bút viết lại lần cuối, bên dòng suối Đa Mê vào ngày 23 tháng 10 năm 1957. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Văn Kiểm, một người bạn thân của ông, hậu thế chúng ta ngày nay được nhìn ngắm bức ảnh Nhất Linh, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc võng, vầng trán cao, cặp kính gọng đen, chiếc pipe trễ trên miệng, cúi xuống viết trên một tập sách dầy, phía trên võng là cánh rừng thâm u của làng Fim Nôm, dưới chân võng là dòng suối róc rách chẩy. Bên dưới tấm ảnh đó Nhất Linh viết những hàng chữ sau: “Kỷ niệm ngày khai bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Đa Mê, ngày 23-10-57”.
Hoài bão thực hiện cuốn trường giang tiểu thuyết đó, giống như chính cuộc đời ông, bỗng dưng đứt đoạn khi ông đột ngột qua đời sáu năm sau ở tuổi 57. Cho tới khi nhắm mắt Nhất Linh hoàn toàn không hay biết Xóm Cầu Mới có mặt trên thế gian. Ông không biết là tác phẩm mang hoài bão lớn nhất của mình hiện hữu trên cõi đời. Trái lại ông ra đi trong niềm tin rằng tác phẩm của mình sẽ tan biến theo mây khói, tan biến cùng với những giấc mộng lớn không thành trong đời ông.

Tập bản thảo 4 quyển Xóm Cầu Mới”.

Tôi không biết đích xác ngày nào trong những ngày cuối cùng của đời ông Nhất Linh đến nhà in Trường Sơn số 14 đường Nguyễn An Ninh Sài Gòn mang theo tập bản thảo 4 quyển Xóm Cầu Mới của mình và gặp nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Lúc ấy ông Trương Bảo Sơn, chồng bà Vinh, đang ở trong tù Côn đảo vì dính liú vào vụ đảo chính 11-11-1960. Theo lời bà Vinh thuật lại với tôi sau khi thân phụ tôi qua đời thì Nhất Linh tìm gặp bà Vinh mục đích là để nói lời giã biệt vì sau đó mấy ngày ông phải ra tòa xử ông trong vụ án liên quan đến cuộc đảo chính ba năm trước và sau phiên toà có thể ông phải đi tù không biết ngày nào trở về (thực ra khi gặp bà Vinh Nhất Linh đã có sẵn ý định tự vẫn vào ngày 7-7-1963). Trước khi ra về Nhất Linh đưa bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới cho bà Vinh và nhờ bà Vinh đốt bản thảo này đi với lý do đây là một tác phẩm dang dở chưa hoàn tất.

Trong 10 năm trời tôi đinh ninh bà Vinh đã đốt bản thảo như lời thú nhận của chính bà nên tôi bỏ ý định đi tìm bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới để xuất bản. Tưởng cũng nên nói thêm là năm ngày trước khi chết, ngày 2 tháng 7 năm 1963, Nhất Linh đến nhà in Trường Sơn cho đánh máy tờ giấy Ủy Quyền để giao cho tôi điều khiển hai nhà xuất bản Phượng Giang và Đời Nay và quyết định xuất bản các tác phẩm của ông, trong trường hợp ông vắng mặt bất cứ vì lý do gì (Nhất Linh nhấn mạnh điểm này trong giấy Ủy Quyền). Ngay sau khi thân phụ tôi mất, chính bà Vinh là người đã giao giấy Ủy quyền cho tôi. Lúc ấy tôi hỏi bà về tập bản thảo Xóm Cầu Mới. Bà Vinh nói thân phụ tôi có trao cho bà nhưng bà đã đốt rồi theo ý muốn của ông.

Nhất Linh vẽ cây đa và cây cầu gỗ

Mười năm sau, năm 1973, một bữa bà Vinh tìm gặp tôi. Bà hốt hoảng nói với tôi là bà còn giữ chứ không đốt 4 quyển bản thảo Xóm Cầu Mới, bây giờ bà muốn giao bản thảo lại cho tôi để xuất bản thì tập bản thảo đã bị ai đánh cắp mất rồi! Chúng tôi bèn lập kế hoạch điều tra và đi tìm xem ai là người đang giữ tập bản thảo này. Tôi chở bà trên chiếc xe Lambretta của tôi đi khắp thành phố đến từng nhà của những người mà bà Vinh nghi là có thể lấy tập bản thảo. Sau cùng chúng tôi đến một căn nhà hai từng bên Gia Định, gần lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, tôi đậu xe bên kia đường và đợi bà Vinh. Khoảng 15 phút sau bà Vinh từ trong nhà đi ra tay cầm bốn quyển bản thảo Xóm Cầu Mới. Bà nói bà tìm thấy tập bản thảo này đặt trang trọng trên bàn thờ của chủ nhà, bên cạnh bức ảnh chân dung thân phụ tôi và nói người này lấy trộm bản thảo chỉ vì ông ta quá ngưỡng mộ nhà văn Nhất Linh.
Quyển bản thảo 4 tập này Nhất Linh viết lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng là tập bản thảo dầy nhất đã được Nhất Linh xem là bản thảo gốc dùng cho những lần viết lại sau này. Có tập bản thảo trong tay tôi xuất bản cuốn sách này lần đầu tiên năm 1973 ở Sài Gòn dưới tên nhà xuất bản Phượng Giang. Trong cuốn sách này tôi viết Lời Nhà Xuất Bản có đoạn như sau: “Tập bản thảo mà chúng tôi dùng để in quyển truyện này đã bị thất lạc từ mười năm nay mới được tìm thấy. Sự tình cờ là ngày tìm được bản thảo lại nhằm vào ngày giỗ thứ 10 của cố văn hào Nhất Linh – ngày 18 tháng 5 Âm lịch – nên chúng tôi quyết định chọn ngày này cho khởi công việc chép và soạn lại toàn bộ tác phẩm Xóm Cầu Mới để đem in đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương từ năm 1952”.

Trang đầu tập bản thảo

Chi tiết về câu chuyện “thất lạc” bản thảo Xóm Cầu Mới tôi giữ kín không bao giờ viết ra, chỉ trừ tâm sự với một vài người thân, trong số có nhà phê bình và nghiên cứu văn học Thụy Khuê. Năm 2006 khi tôi xuất bản tập hồi ký Nhất Linh Cha Tôi ở California, Hoa Kỳ, tôi nhờ chị Thụy Khuê viết lời Bạt cho cuốn sách. Tôi xin trích một đoạn văn của chị trong lời Bạt: “Bây giờ ngồi trước máy tính chép lại những “lời nhà xuất bản” (Phượng Giang) tôi dần dần nhớ lại những chi tiết khác, trong các câu chuyện mà anh nói với tôi đêm Giao thừa (năm Bính Tuất) và đêm trước, về việc tìm lại bản thảo (Xóm Cầu Mới), cũng gay cấn như truyện trinh thám, mà trong này anh chỉ viết gọn thất lạc từ mười năm nay mới tìm thấy. Biết mình may mắn, nhưng tôi lại tham lam, muốn có nhiều người may mắn như mình, cho nên tôi mong một ngày nào đó, anh sẽ kể lại cho độc giả, “những bí mật” về việc thất lạc ấy, tôi tin như thế, bởi nó thuộc về dĩ vãng văn chương của một văn hào.”
Vâng, thưa chị Thụy Khuê, một ngày nào đó mà chị mong muốn chính là ngày hôm nay của tôi. Chị nói đúng, câu chuyện “thất lạc” trước sau cũng cần phải được kể ra, bởi vì, như chị nói, nó thuộc dĩ vãng văn chương của một văn hào.
*
Gần ba mươi năm sau lần xuất bản đầu tiên cuốn Xóm Cầu Mới ở Việt Nam tôi quyết định tái bản cuốn sách này ở Hoa Kỳ năm 2002. Trong gần 30 năm đó đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Như chiếc cầu gẫy của Xóm Cầu Mới, số phận miền Nam sụp đổ mang theo đời “bèo giạt” của không biết bao nhiêu phận người. Bản thảo Xóm Cầu Mới cũng theo tôi trôi đi trong đời bèo giạt ấy.
Trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975 trong lúc hốt hoảng tìm đường di tản tôi có đúng 15 phút để trở về lần sau cùng căn phố lầu chợ An Đông, nơi thân phụ tôi đã sống những ngày tháng cuối cùng, tính quơ hết những gì có thể mang theo được, nhưng tôi chỉ kịp gói hai tập bản thảo Xóm Cầu Mới và Giòng Sông Thanh Thủy vào trong bao nylon đem đi. Tay ôm tập bản thảo theo đoàn người tan tác ra đi theo dòng nước sông Sài gòn, hình ảnh khúc sông ấy vào buổi sáng ngày 30 tháng Tư với cả trăm tàu bè lũ lượt rời bến trông khác nào hình ảnh “…cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc cầu gỗ. Những đời “bèo giạt” vuơng bám vào chân cầu rồi lại ra đi theo giòng nước, không biết về đâu?” (trích trong lời mở đầu Xóm Cầu Mới). Đến đảo Guam, ngồi trong lều tị nạn của trại Orote Point, tôi mở gói nylon soát lại tập bản thảo Xóm Cầu Mới và tôi gần muốn khóc vì sau gần tháng trời trên biển hơi nước mặn đã làm phai đi nhiều nét mực.

Sau gần 30 năm tôi mới có dịp nhìn lại những nét mực phai trên bản thảo ấy khi tôi ngồi trước bàn vi tính để sửa soạn đánh máy cho lần tái bản tác phẩm này vào năm 2002.
Để cho cuốn sách này được trung thực với nguyên tác, không phạm những lầm lỗi về ấn loát như trong lần xuất bản trước, tôi không tái bản bằng cách cho sao chụp từ ấn bản cũ mà là khởi công đánh máy lại từ đầu dựa hoàn toàn vào nguyên tác bản thảo.

Sơ đồ Xóm Cầu Mới

Đánh máy non sáu trăm trang với khả năng đánh “mổ cò” của tôi, việc này vừa chậm vừa tốn công. Nhưng tôi thấy việc tự tay đánh máy lấy là cần thiết, vả lại cũng vui thích nữa.
Thứ nhất là rất khó tìm được một chuyên viên đánh máy nào có thể vừa đọc vừa đoán những hàng chữ nhỏ li ti trong bản thảo mà không sai ý tác giả. Tôi nói nhiều chữ phải đoán ý vì bản thảo được viết cách đây đã trên một nửa thế kỷ, nhiều nét mực đã mờ đi theo với thời gian.

Thứ hai là trong suốt mấy tháng cặm cụi trước bàn máy vi tính, cận kề với những trang chữ bản thảo, gõ cọc cạch từng chữ từng chữ, tôi thực sự đã sống với ông nhiều nhất kể từ ngày ông ra đi cách đây đã non bốn mươi năm. Nhìn những hàng chữ viết tay của ông, những hàng chữ gẫy vụn, nhỏ nhí, vùi dập, những ký chú bên lề riêng tây, thân mật, tôi thấy rõ là khi đọc từ bản thảo tôi gần gũi tiếp cận với tác giả nhiều hơn là đọc qua ấn phẩm. Vừa đọc vừa đánh máy vừa thưởng ngoạn tác phẩm này, khi thì tôi tách ra bình tâm đọc văn ông như một độc giả, khi thì tôi nhập vào bồi hồi nhớ tới hình dáng một người cha thân yêu và tưởng tượng ông ra sao khi ông viết tác phẩm này, ông vui ông buồn nổi trôi theo những nhân vật và tôi vui tôi buồn theo ông qua những hàng chữ.

Tôi hình dung một Nhất Linh vui. Hay ít ra cũng nhiều vui hơn buồn khi ông viết cái tác phẩm mà đã có lần ông định đặt tên là Vui Buồn này. Các nhân vật cứ đua nhau mà mỉm cười (tôi tẩn mẩn đếm được cả thẩy 306 chữ mỉm cười trong toàn tác phẩm). Và tác giả cũng mỉm cười nhiều lần không kém. Hẳn thế. Còn tôi tôi cũng mỉm cười nhiều lần khi đọc bản thảo. Tôi cười thích thú khi khám phá Nhất Linh đã không che giấu sự hài lòng của mình đối với tác phẩm này khi ông ghi bên lề trang bản thảo một câu tiếng Anh: “Sáng 23-4 đọc lại: I am satisfied with me!”.
Rồi tôi cũng mỉm cười liên tưởng tới một sự kiện trớ trêu: 52 năm trước ông ngồi viết những hàng chữ bản thảo này ở Hồng Kông (Trung Hoa). 52 năm sau tôi đọc những hàng chữ đó ở Seattle (Hoa Kỳ). Đều là hoàn cảnh lưu lạc cả. Nhưng tâm trí của cả người viết lẫn người đọc đều quy về một cái huyện nhỏ ở quê nhà nằm bên con đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Dương. Huyện Cẩm Giàng. Nơi ông đã tiểu thuyết hoá thành Xóm Cầu Mới. Nơi tôi đã sống những ngày ấu thơ.

Tháng 5 năm 2001 nhân chuyến về nước để mang di cốt song thân chúng tôi về chôn cất nơi nguyên quán ở Hội An chúng tôi có dịp đi thăm lại huyện Cẩm Giàng. Tôi có mang theo sơ đồ Xóm Cầu Mới do Nhất Linh phác họa trong bản thảo ra đối chiếu thì thấy chỉ có con đường sắt, nhà ga, một dẫy phố Phủ là giống huyện Cẩm Giàng hiện tại, phần còn lại của sơ đồ có thể là hư cấu.
Trong ký ức xa thẳm nhất của tôi về trại Cẩm Giàng có in hình ảnh cái hàng hiên rộng và dài chạy suốt chung quanh trại với rặng hoa ti-gôn rủ xuống và tiếng còi xe lửa rúc lên trong đêm khuya. Hai đoạn văn tả anh chàng Siêu thích sống ở căn nhà có hàng hiên và tiếng còi tàu ở Lăng Cụ Quận khiến tôi như sống lại những ngày rất xưa cũ.
Trang đầu tập bản thảo Xóm Cầu Mới dành cho lời đề tặng mẹ tôi: “Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này khởi đầu từ năm 1940 mới được viết tiếp theo. Hương Cảng trên Núi ngày 16 tháng 10 năm 1940. 1g 30 trưa”.

Hương Cảng nhưng tại sao lại trên Núi? Ở lưng bìa của tập bản thảo thứ ba Nhất Linh vẽ khung cảnh nơi ông viết những hàng chữ này: một túp lều trong hang đá ở trên núi mà nhà văn Nguyễn Thị Vinh đã mô tả như sau: “túp lều của chúng tôi nằm trên một trong những ngọn núi đá thấp, vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen… tiếng suối reo ào ạt suốt ngày đêm hoà với tiếng u.. u… của gió núi khi thổi qua những hốc đá đã trở thành bản nhạc núi tuyệt vời”.
Trang thứ hai của tập bản thảo phía trên là câu thơ của Huy Cận:
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng…
Phía dưới Nhất Linh kẻ một cái khung, trong khung đó ông viết:
XÓM CẦU MỚI(Bèo giạt)
“một cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tấm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc cầu gỗ. Những đời “bèo giạt” đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo giòng nước, không biết về đâu?”.
Quyển Xóm Cầu Mới chia làm hai phần. Phần thứ nhất (BÌNH THẢN), phần thứ hai (CẦU GẪY), tổng cộng 25 chương, mỗi chương có một nhan đề riêng. Chương I Một buổi sáng, chương II Nhà Bác Lê, chương III Bé và Đỗi, chuơng IV Mua rượu của ông Năm Bụng…

Ghi chú của Nhất Linh bên lề một trang bản thảo:
“Sáng 23-4 đọc lại: I am satisfied with me

Trong bảo thảo Nhất Linh không viết gì về hoài bão của mình khi sáng tác Xóm Cầu Mới. Ông chỉ bầy tỏ hoài bão đó khi ông giới thiệu tác phẩm này trong giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay số ra mắt ngày 17-6-1958:
“Xóm Cầu Mới là một bộ trường giang tiểu thuyết gồm một loạt truyện dài đặt dưới tên chung Xóm Cầu Mới. Mỗi chuyện dài lại có tên riêng. Những truyện dài có liên can hoặc gần hoặc xa đến cái Xóm Cầu Mới và các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới cư ngụ trong xóm. Tuy có cái tên chung và tuy các nhân vật có thể có mặt ở trong hết cả hay một số lớn các truyện nhưng độc gỉa có thể đọc một truyện mà không cần phải đọc truyện khác cũng không bị thắc mắc hay ngơ ngác về sự diễn tiến của truyện mình đương đọc.
Các truyện thì có truyện dầy tới nghìn trang, có truyện độ hai ba trăm trang, không nhất định. Hiện giờ mới thảo mấy cuốn sau đây: CÔ MÙI, NGƯỜI CHIẾN SĨ, NHÀ MẸ LÊ, NGƯỜI SÁT NHÂN, CẬU ẤM, ÔNG NĂM BỤNG.
Số truyện có thể còn tăng thêm nữa hoặc nhiều hoặc ít, tùy khả năng làm việc của tôi và tùy sự tìm kiếm được đề tài. Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ độ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời”.
Đấy là cao vọng của Nhất Linh khi viết cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường này. Hãy tưởng tượng bề dầy của bộ Đông Chu Liệt Quốc. Tuy bộ sách này có trên 10 quyển khá đồ sộ nhưng chưa đủ để sánh với bộ sách dài “gần vạn trang” của Nhất Linh.
Thực tế ông chưa viết được một phần mười của “gần vạn trang” như ông mong muốn. Cuốn Xóm Cầu Mới do Phượng Giang xuất bản lần đầu năm 1973 ở Việt Nam và Văn Mới tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2002 cũng chỉ dầy khoảng hơn 600 trang. Tuy đây là một truyện dài nhất trong số những truyện dài của Nhất Linh nhưng chưa đủ để có thể gọi nó là một trường thiên tiểu thuyết.
Tuy thế tôi vẫn cho rằng Xóm Cầu Mới là tác phẩm vĩ đại nhất của Nhất Linh.
Tôi cũng cho rằng – có thể tôi chủ quan – Xóm Cầu Mới là tác phẩm hay nhất của Nhất Linh, trên cả Bướm Trắng, trên cả Đôi Bạn, hai tác phẩm vẫn thường được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp trước tác của ông. Ngoài ra tôi cũng tin rằng thân phụ tôi tâm đắc nhất tác phẩm này.
Trong cuốn sách “Viết và đọc tiểu thuyết” (ấn bản Đời Nay 1961 trang 87) Nhất Linh viết: “Tuyệt đích, đối với tôi là viết giản dị mà không nhạt nhẽo, rất bình thường mà vẫn sâu sắc, giọng hơi điểm một chút khôi hài rất nhẹ, kín đáo”. Khi ông viết những hàng chữ này bầy tỏ quan niệm của ông về một cuốn sách hay tuyệt đích tôi ngợ là ông đang nghĩ tới tác phẩm mà ông đang thai nghén. Lý do: cả ba yếu tố ông nêu lên “giản dị mà không nhạt nhẽo”, “bình thường mà vẫn sâu sắc”, “điểm chút khôi hài rất nhẹ, kín đáo” đều có mặt xuyên suốt tác phẩm Xóm Cầu Mới.
Hai yếu tố đầu có mặt trong phần lớn tác phẩm của Nhất Linh nhưng chính yếu tố thư ba “điểm chút khôi hài” mới làm nên dấu ấn đặc biệt của tác phẩm Xóm Cầu Mới.
Về điểm khôi hài này, vẫn trong cuốn sách “Viết và đọc tiểu thuyết”, ngay sau khi nêu những yếu tố tạo thành một tác phẩm hay tuyệt đích Nhất Linh viết thêm: “Tôi chưa thấy một nhà văn nào gồm được cả mấy điều đó. Tolstoï đã gần tới tuyệt đích song còn thiếu chút duyên của một nụ cười quyến rũ. Phải chăng khi viết Xóm Cầu Mới với những “nụ cười quyến rũ” bàng bạc khắp tác phẩm ông muốn đạt được điều mà ông cho là thiếu xót trong các tác phẩm của Tolstoï, một văn hào mà ông vẫn xem như bậc thầy.
Mở đầu, ngay cái nhan sách Xóm Cầu Mới cũng được ông giễu cợt một cách kín đáo:“Cả xóm không có một căn nhà gạch hay nhà gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũng cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới”.
Nhất Linh khai mạc Xóm Cầu Mới bằng những nụ cuời nghịch ngợm của người dân xóm: “Vào quãng hai mươi phút sau từ nhà nọ truyền sang nhà kia những tiếng reo mừng “Nó kia rồi!” “Đó nó về đó rồi!”. Ô-tô trở về – bởi vì nếu không trở về thì chỉ còn mỗi một lối là đâm đầu xuống sông – ô-tô trở về chạy có vẻ hục hặc tức giận, nhẩy chồm chồm trên con đường gồ ghề và cố tung thật nhiều bụi vào mũi những người dân xóm như để phạt họ và sở Lục Lộ. Dân xóm người thì lật vạt áo che mặt, người thì nhắm mắt bịt mũi, ngậm miệng nín thở; nhưng khi xe đi khỏi và bụi mù đã quang, họ nhìn nhau mỉm cười, trong mắt đầy vẻ vui tinh nghịch thấy những người trên xe đã bị lừa và bị tức”.
Họ nhìn nhau mỉm cười. Họ là ai? Họ là cả dân xóm. Họ là mấy chục nhân vật chính, phụ, họ vui buồn trong đời tầm thường ở một xóm nghèo với hoàn cảnh khốn khó nhưng hình như lúc nào cũng nhiều vui hơn buồn, nhiều nụ cười hơn tiếng khóc. Các nhân vật cứ đua nhau mỉm cười. Cả tác phẩm trên 600 trang có trên 300 chữ “mỉm cười”. Riêng một chương XXII mặc dù cái nhan đề bi đát “Cho đến lúc hai tay buông xuôi”, chữ mỉm cười xuất hiện trên máy tính 14 lần; một đoạn ngắn sau đây mà có đến 3 lần chữ ấy xuất hiện: “Chàng không ngờ được lau chân Mùi lại là một cái thú rạo rực đến như thế. Mùi lau xong cho hai chân lên giường, với cái quạt phe phẩy. Một lúc sau nàng đưa mắt nhìn Siêu. Siêu cũng nhìn lại Mùi. Hai người yên lặng nhìn nhau một lúc rồi Mùi mỉm cười nhẹ một cái. Siêu cũng mỉm cười lại. Hai người đều mỉm cười vì những cái mưu mô từ nẫy đến giờ…”.
Rồi mỉm cười của nhân vật truyền tới độc giả. Người đọc truyện không chỉ ‘mỉm’ không thôi mà có thể phát ‘cười’ thành tiếng khi Nhất Linh tả những hoàn cảnh ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như đoạn tả ông giáo Đông bắt được chiếc khăn che mắt của Bé, một cô gái quê bị đau mắt, mà cứ tưởng là khăn mu-xoa của cô Mùi, con của một ông lang. Chàng đưa khăn lên mũi ngửi và lẩm bẩm: “khăn có mùi thơm là lạ, hay hay”… Chàng thấy khắp người choáng váng một cái thú say sưa… Rồi chàng lại đưa chiếc khăn lên hôn và chợt tìm ra là mùi thơm là lạ ấy giống như mùi thơm của một vị thuốc. Chàng mỉm cười (lại mỉm cười) nói một mình: “Khăn tay của con gái ông Lang có khác”.
Ở một đoạn khác cả nhân vật Siêu trong truyện lẫn độc giả ngoài truyện (chắc thế) đều mỉm cười trước cảnh bác Bút chắp tay vái vái một cái bô đựng nước tiểu: “Siêu đương ngồi thấy một người mặc áo dài vá nhiều chỗ, đầu chít khăn xếp đã rách hở cả lần giấy lót, đến gần chỗ Mùi đứng vái Mùi rồi nhìn đồ đạc cười hở cả lợi trên, miệng nói xuýt xoa như người khấn Phật: “Đồ đạc đâu mà lắm thế này. Lại có cả giường tây ghế tầu”. Rồi Siêu thấy người ấy mở nắp cái bô đi giải nhìn vào trong, đậy nắp lại, mồm lẩm bẩm: “Hẳn nồi cơm tây có khác”. Vừa nói vừa vái cái bô đi giải mấy cái làm Siêu không thể nhịn cười được”.
Nhất Linh diễn tả cái môi của bà Ký Ân, tục danh “bà chủ nhật trình”, khi bà ta nói chuyện: “Bà Ký Ân vì nặng tai nên bao giờ cũng nói to như mắng vào mặt người ta… Lúc bà ta nói thì cả mặt bà là một bức tranh hoạt động và hoạt động nhất là vành môi dưới. Trong khi vành môi trên yên tắp và ngậm chặt lấy hàm răng trên thì vành môi dưới uốn éo đủ chiều: lúc thì chìa hẳn ra phía trước, lúc lại uốn cong hẳn vào phía trong, lúc thì chếch chếch xuống mép phải để hở cả răng lợi, lúc lại chếch chếch sang bên trái, có lúc cong xuống cả hai bên mép nhưng ở giữa lại còng lên; chưa nói thì cái môi dưới đã bắt đầu động đậy và nói xong rồi thì nó cũng còn quằn quại một lúc mới yên”. Nội hình dung cái môi của bà Ký Ân khi nói cũng thấy một hình ảnh vừa sống động vừa tức cười.
Đấy, những đoạn vui vui như vậy chúng ta bắt gặp khắp tác phẩm. Đó là chưa kể những đối thoại rất nhiều trong cuốn tiểu thuyết, tuy chỉ là những lời nói chuyện rất bình thường nhưng dưới ngòi bút tài tình của tác giả chúng trở thành những mẩu đối thoại duyên dáng và lý thú khiến độc giả đọc không chán, những lời nói ấy “giản dị mà không nhạt nhẽo” như tác giả đã nêu lên như một yếu tố cần thiết cho một tác phẩm hay. Dẫn chứng thì có rất nhiều trong sách, nhưng tôi chỉ xin trích một đoạn sau đây trong Chương XXIII “Bác Hòa hàng cơm” làm thí dụ:
“Rồi nàng lại ngửa mặt nhìn Nhỡ nói:-Này.Mắt nàng mở to và Nhỡ thấy nàng không nói gì thêm nữa.Chàng hỏi:-Này… cái gì?-Lạ lắm cơ, nhưng mà thẹn lắm không nói được.Nhỡ đặt tay lên người nàng nhưng lần này cũng bị nàng bẻ tay gập lên. Nhỡ nói:-Thẹn gì, nằm với nhau như thế này còn thẹn gì.Chàng thấy Hòa nắm mạnh một cái vào người mình rồi nói:-Thế này nhé, đằng ấy phải thề làm theo thế nhé. Thề đi đã.Nhỡ mỉm cười thấy hơi là lạ:-Tôi xin thề. Nhưng thề cái gì mới được chứ!Tay Hòa đưa lên vuốt má Nhỡ:-Nào thì nói, thế này nhớ. Tôi với đằng ấy bây giờ coi như hai người bạn, ở với nhau cả đời. Nhưng không bao giờ…Nàng ngừng lại, tìm lời nói. Nhỡ hỏi:-Không bao giờ cái gì?-Thôi không cần nói, đằng ấy hiểu rồi… Thỉnh thoảng đằng ấy lại đến đây, tôi làm cơm cho mà ăn, xong rồi đến đêm lại nằm với nhau nói chuyện suông như thế này và thề không bao giờ… Đằng ấy hiểu rồi chứ?Nhỡ lại thấy người nàng đè mạnh vào người chàng. Nhỡ mỉm cười một mình, rồi nhìn Hòa gật gật.-Tôi hiểu rồi! Tôi thề không bao giờ…-Đằng ấy thề rồi cơ mà; đã thề rồi mà thề lại thì hỏng. Đằng ấy có thích thế không?-Thích hay không thích nhưng đã thề rồi cơ mà.-Thế thì được, Bây giờ tôi nói cho mà nghe.Nhỡ cảm thấy có cái gì là lạ trong người đàn bà góa này nó như kích thích chàng bằng một cái thú khác thường và mới mẻ.”
*
Trở về với tập bản thảo mất tích. Trong rất nhiều năm tôi tự hỏi nếu lời bà Vinh nói với tôi là sự thật thì tại sao cha tôi lại không tự tay đốt bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới mà phải nhờ đến bàn tay của một người khác? Tại sao người khác đó lại là nhà văn Nguyễn Thị Vinh, người mà chính ông đề nghị là thành viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn theo như lá “chúc thư văn học” Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 ông viết đúng 10 năm trước khi ông qua đời? Tại sao Nhất Linh không có can đảm hủy hoại một công trình tâm huyết của mình, nhưng ông lại có can đảm tự hủy chính thân xác ông? Phải chăng ông quý tác phẩm của ông hơn chính bản thân vì ông ý thức đời sống là hữu hạn còn tác phẩm sẽ tồn tại “vượt thời gian”? Phải chăng ông muốn để lửng số phận tác phẩm của mình trong tay người khác như ông đã để lửng cuộc đời và sự nghiệp của chính mình? Tại sao hầu như cùng một thời gian giao bản thảo cho bà Vinh nhờ đốt ông lại làm làm giấy Uỷ Quyền giao cho tôi trách nhiệm xuất bản những tác phẩm của ông?
Cố nhiên là tôi không có câu trả lời. Nhưng không hiểu sao, qua những câu tự vấn sau đây, linh tính báo cho tôi biết là Nhất Linh “cho đến lúc hai tay buông xuôi” ông đã xếp đặt mọi chuyện.
Phải chăng ông cố ý chọn bà Vinh vì bà là nhà văn, lại là người đã tận mắt chứng kiến cảnh ông ngồi viết tập bản thảo Xóm Cầu Mới này năm 1949 ở Hương Cảng nên biết trân quý nó và không nỡ đốt đi như ông yêu cầu? Phải chăng ông đã nhìn thấy khả năng văn chương của người con út nên trao cho tôi trách nhiệm xuất bản những tác phẩm của ông? Và phải chăng ông tiên đoán tôi sẽ là người xuất bản cuốn trường giang tiểu thuyết tuy dang dở nhưng mang hoài bão lớn nhất trong đời văn của mình?
Nếu đúng như vậy thì thân phụ tôi quả là LINH thiêng bậc NHẤT.
Nguyễn Tường Thiết(Viết nhân ngày giỗ Nhất Linh thứ 58, 7-7-2021)

Theo Diễn đàn Thế Kỷ.

5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam

Vì sao người miền Nam rất nhạy cảm với một số diễn ngôn và cách hành xử từ miền Bắc?

Sự khác biệt vùng miền là chuyện hết sức bình thường, ở nước nào cũng có. Nhưng để cho những sự khác biệt đó trở thành lối ứng xử kỳ thị vùng miền thì là đại họa, bởi nó là ngọn nguồn của bạo lực. Hiểu về những điều khác biệt đó để tìm ra cách ứng xử phù hợp, do vậy, trở nên đặc biệt quan trọng.
Sự khác biệt, và cả kỳ thị, mang tên Bắc Kỳ – Nam Kỳ là một câu chuyện bắt buộc phải có lời giải trong một cộng đồng dân tộc. Trong bài này, tôi xin chia sẻ một số hiểu biết rời rạc của bản thân nhằm giúp những người miền Bắc như tôi hiểu hơn về vài điều nhạy cảm về chính trị của miền Nam. Không có gì là tuyệt đối, tôi không quy chụp mọi thứ cho một vùng miền nào, nhưng có những khác biệt đáng kể mang tính phổ biến.
Tôi không có ý lên án những người miền Bắc thiếu tế nhị trong cách hành xử với người miền Nam, bởi chính tôi cũng chỉ học được những điều dưới đây khi ngấp nghé độ tuổi 30. Và tôi viết những điều này với ý thức rằng sự kỳ thị có thể đến từ cả hai phía. Không có tham vọng giải quyết hết được mọi vấn đề trong một bài viết, tôi mạn phép thảo luận chuyện này từ một góc còn ít được nói đến hiện nay.

1. Người miền Nam nhìn “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khác người miền Bắc

Người miền Bắc không có cách nào khác để nhìn nhận giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 ngoài “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. [1] Họ coi việc đất nước bị chia cắt là không thể chấp nhận, coi Mỹ và chính quyền Sài Gòn là kẻ thù, và coi người dân miền Nam là những nạn nhân cần phải được “giải phóng”.
Nhưng mọi chuyện rất khác khi nhìn từ lăng kính của người miền Nam.
Họ coi một nửa đất nước – miền Nam – là một quốc gia hoàn chỉnh có tên Việt Nam Cộng hòa (từ 1955). Góc nhìn này trùng khớp với góc nhìn của công pháp quốc tế. [2]
Họ trân trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa. Trong khi đó, lá cờ này lại bị xa lánh, kỳ thị ở miền Bắc.
Họ không sống với lý tưởng phải “giải phóng” miền Bắc. Toàn bộ giai đoạn 1954 – 1975 là cuộc đấu tranh gìn giữ miền Nam trước các cuộc “xâm lăng” và “khủng bố” của miền Bắc. Nếu nghe lại các bài nhạc vàng, ta dễ thấy họ gọi quân miền Bắc là “giặc”, “quân thù”. Rất nhiều người miền Nam đã mất mạng ngay trên đất miền Nam dưới nòng súng của miền Bắc, đặc biệt là trong trận Mậu Thân năm 1968. [3]
Họ coi chính quyền Sài Gòn là chính quyền hợp pháp của họ. Họ kính trọng Tổng thống Ngô Đình Diệm [4] của nền Đệ nhất Cộng hòa, [5] họ lập ra Hiến pháp 1967 và bầu ra chính quyền Nguyễn Văn Thiệu của nền Đệ nhị Cộng hòa. [6] Và mặc dù có rất nhiều bất đồng với các quan chức, họ không coi chính quyền đó là kẻ thù.
Họ coi Mỹ là đồng minh, là một đất nước tiến bộ. Thời Việt Nam Cộng hòa, người miền Nam coi việc đi Mỹ du học là một thành tựu lớn trong đời. Họ nhìn lính Mỹ ở miền Nam như những người bảo vệ họ trước miền Bắc, mặc dù có thể họ không hài lòng với việc có quân đội ngoại quốc trên đất Việt Nam.
Khác với niềm tin mãnh liệt của người miền Bắc thời kỳ đó, người miền Nam không có nhu cầu được giải phóng. Họ có một nền kinh tế, giáo dục, kỹ nghệ, nông nghiệp phát triển hơn hẳn miền Bắc. Và đặc biệt, họ có thứ tự do chính trị mà chính Hồ Chí Minh đã dành cả tuổi trẻ để tranh đấu nhưng lại hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc.
Ngày 30/4/1975 với phần lớn người miền Nam là ngày “mất nước” và là ngày bắt đầu một chuỗi bi kịch khổng lồ.

2. Người miền Nam bị truy bức về chính trị sau năm 1975

Sau ngày mà người miền Bắc gọi là “giải phóng miền Nam”, người miền Nam bắt đầu bị truy bức về chính trị.
Những ai từng đi lính hay làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (kể cả giáo viên) đều bị đưa đi trại cải tạo. [7] Gọi là trại cải tạo (re-education camp) nhưng về bản chất không khác gì các trại tập trung (concentration camp) của phát-xít Đức ngày xưa. Có đến 21 trại cải tạo được lập ra sau chiến tranh, giam giữ khoảng 300 nghìn người, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu người khác.
Người miền Nam bị bắt vào đây mà hoàn toàn không qua bất kỳ một phiên tòa xét xử nào. [9] Họ phải lao động khổ sai. Rất nhiều người đã chết ở đây, suy kiệt sức khỏe và tinh thần ở đây. Họ bị giam giữ hàng năm, thậm chí hơn mười năm trời mà không được, hoặc rất ít khi được gặp gia đình. Những ai sống sót trở về thì gia đình hoặc là cũng đã ly tán, hoặc là khánh kiệt, bị chính quyền mới phân biệt đối xử, gặp khó dễ khi làm giấy tờ, con cái không được đi học đại học, nhìn chung đã rơi xuống đáy xã hội.
Người miền Bắc hay đùa cợt về việc “đi cải tạo”, biến nó thành một thành ngữ mà không cân nhắc kỹ đến bi kịch khủng khiếp này của hàng triệu người miền Nam. Với người miền Nam ngày nay, “đi cải tạo” vĩnh viễn là một cơn ác mộng, một nỗi đau không bao giờ dứt.

3. Người miền Nam bị bần cùng hóa sau năm 1975

Sau khi “giải phóng” xong, chính quyền mới áp đặt nền kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa lên toàn miền Nam. Ngày nay, chúng ta biết rằng đó là một thảm họa kinh tế đã dẫn toàn bộ đất nước tới khủng hoảng trầm trọng và ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào thập niên 1980. [10] Cuộc khủng hoảng đó nghiêm trọng tới nỗi Đảng Cộng sản phải thừa nhận sai lầm, từ bỏ giáo điều kinh tế Mác – Lê-nin để “đổi mới”, chuyển sang kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà ngày nay họ gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. [11]
Cái nền kinh tế thị trường ngày nay, trên thực tế, đã từng là một hiện thực ở miền Nam trước năm 1975. Chuyện mở công ty làm ăn, phát hành cổ phiếu, giao thương với nước ngoài, tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài là chuyện hết sức bình thường.
Với một nền kinh tế thị trường tự do như vậy, miền Nam đã có các đô thị thịnh vượng. Mặc dù mức sống ở nông thôn còn thấp nhưng không đến mức đói khổ như miền Bắc, và cơ hội làm giàu luôn hiện hữu, khác với miền Bắc coi làm giàu là chuyện sai trái.
Người miền Nam sau năm 1975 như bị đẩy xuống vực sâu, bởi tài sản của họ bị tịch thu, doanh nghiệp phải đóng cửa, việc làm ăn buôn bán bị cấm đoán, hàng hóa tắc nghẽn vì ngăn sông cấm chợ, đường nhựa ở đô thị bị cày lên trồng khoai, rất nhiều người bị đưa đi các vùng kinh tế mới, v.v.
Cùng với nạn truy bức chính trị thì việc bị bần cùng hóa về kinh tế như vậy càng làm dày thêm tấn bi kịch của họ.

4. Người miền Nam phải liều mạng bỏ nước ra đi

Người miền Bắc hay đùa cợt chuyện “vượt biên” nhưng không biết gì đáng kể về phong trào vượt biên ở miền Nam sau năm 1975.
Vì bị truy bức chính trị, bị bần cùng hóa về kinh tế, và bị phân biệt đối xử nặng nề, rất nhiều người miền Nam đã đi đến một quyết định táo bạo, và với họ là quyết định duy nhất hợp lý: liều mạng vượt biên đi tìm một cuộc sống mới. [12]
Ước tính có hơn một triệu người đã vượt biển bằng thuyền với hy vọng được tàu nước ngoài cứu hoặc đến được với bờ biển của các nước, vùng lãnh thổ láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong. Họ trở thành một hiện tượng lịch sử, một thảm họa nhân đạo có tên “Thuyền nhân Việt Nam” (Vietnamese Boat People). Hàng trăm ngàn người trong số họ chết trên biển. Số còn lại đạt được mục đích và sau này đi định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu. Một số ít khác đến Ấn Độ, Nhật, tùy thuộc vào việc họ được tàu nước nào cứu. Họ ngày nay trở thành phần lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Một số khác thì vượt biên đường bộ sang Campuchia rồi tới Thái Lan. Số này không nhiều bằng thuyền nhân.
Khi ra đi, họ mang tâm thế rằng nếu đi được sẽ liên lạc về gia đình, gửi tiền về nuôi gia đình, và nếu thuận lợi thì sẽ tìm cách đưa gia đình ra nước ngoài. Thực tế là sau khi đã định cư được ở các nước tự do, họ đã làm thủ tục bảo lãnh đưa gia đình sang.
“Tị nạn” là một từ hay bị mang ra để chế giễu ở miền Bắc, nhưng họ không biết rằng với hàng triệu người miền Nam, đi tị nạn từng là lối thoát duy nhất cho cuộc sống của họ.

5. Bi kịch của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận

Tất cả những bi kịch khổng lồ như vậy của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận, chứ chưa nói gì đến một lời xin lỗi từ chính quyền.
Họ không được thừa nhận là đã bị truy bức chính trị.
Họ không được thừa nhận là đã bị cướp mất kế sinh nhai.
Họ không được thừa nhận là đã bị phân biệt đối xử nặng nề.
Họ không được thừa nhận là đã bị ép vào đường cùng phải liều mạng bỏ Tổ quốc ra đi.
Không những không được thừa nhận, không được xin lỗi, năm nào người miền Nam cũng phải chịu đựng những lời ngợi ca “chiến thắng 30/4”. Nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa không có mấy ai chăm sóc, bị hoang hóa đi theo thời gian. Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa bị chính quyền bỏ mặc, phải nương tựa vào nhau và vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong khi đó, những người miền Nam xưa kia bỏ nước ra đi giờ đây đang gửi mỗi năm hàng chục tỷ đô-la tiền mặt về nước (trong tổng số kiều hối năm 2020 là 17,2 tỷ USD). [13]
Với chừng ấy vết thương mà lịch sử để lại, người miền Nam trở nên đặc biệt nhạy cảm với hàng loạt từ, ngữ, diễn ngôn chính trị cũng như cách hành xử. Người miền Bắc nên biết rằng những vết thương này chưa bao giờ được vá lại và nên chọn lấy cách ứng xử phù hợp nhất trong cả lời nói lẫn hành động.
Trịnh Hữu Long / Diễn đàn Thế Kỷ.

5 bài học địa chính trị đắt giá từ đầu thập niên 1990 đến nay

Bức tranh thế giới hiện đại đầy rẫy sự xung đột. Nền kinh tế châu Âu tiếp tục u ám, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ đình trệ, chủ nghĩa cực đoan gia tăng tại nhiều khu vực, các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đạt được quá chậm chạp so với hậu quả của nó… Thực tiễn này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách rút ra bài học để đối phó với những bất ổn đó.

Năm bài học về đối ngoại dưới đây, được rút ra dựa trên những chính sách mà các cường quốc đã triển khai, có thể giúp giải quyết những xung đột của hiện tại và tương lai.

1. Cạnh tranh giữa các cường quốc chưa chấm dứt

Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, rất nhiều người tin rằng cuộc đối đầu giữa các quyền lực chính trị kiểu cũ cũng đã đến hồi kết. Phát biểu khi chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nói rằng “kỷ nguyên mới không có chỗ cho những tính toán thuần túy về sức mạnh chính trị”, thay vào đó, thế giới hướng tới sự hợp nhất của các thị trường tự do, chia sẻ các giá trị dân chủ và Internet, con người sẽ tập trung vào việc làm giàu và sống sung túc.

Nhưng những gì xảy ra trong hai thập kỷ qua cho thấy rằng cuộc cạnh tranh này chưa bao giờ chấm dứt. Mỹ chưa bao giờ buông lơi quyền lực chính trị của mình, các Tổng thống Mỹ đã tập trung mọi nguồn lực để duy trì vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Họ hiểu rằng khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ phụ thuộc vào vị thế trên, nhất là ưu thế cường quốc duy nhất ở Tây bán cầu. Vị thế siêu cường đã giúp Washington tự do “đi dạo vòng quanh thế giới và can dự vào rất nhiều điểm nóng”, những điều không thể làm nếu Mỹ suy yếu.

Nhưng Mỹ không phải là nước duy nhất tìm kiếm thứ quyền lực chính trị này. Những chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi bàn cờ địa chính trị hình thành sau chiến tranh, thách thức thế lực của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Các cuộc xung đột quân sự (Cuộc chiến Gruzia 2008, xung đột ở Ukraina) tại khu vực quanh nước Nga và công cuộc Đông tiến của NATO đe dọa không gian sinh tồn của Moskva cũng cho thấy rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng hòa bình đúng nghĩa chưa được thực sự thiết lập ở khu vực này. Phản ứng của Nga đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraina và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây với nước này khiến người ta nhớ lại cuộc đối đầu Đông – Tây trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cũng đang xem xét lại những mối quan ngại địa chính trị truyền thống một cách nghiêm túc hơn. Do vậy, nếu ai đó nghĩ rằng cuộc cạnh tranh vị thế cường quốc là cái gì đó thuộc về quá khứ là hoàn toàn sai lầm.

2. Các vấn đề khu vực trở thành vấn đề toàn cầu

Sau hai cuộc thế chiến, những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng thế giới sẽ hòa hợp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các xã hội với những giá trị và lịch sử khác nhau sẽ hội nhập trên những nền tảng tương đồng về thể chế. Các khác biệt về chính trị sẽ được giải quyết trong khuôn khổ các thể chế quốc tế và những vấn đề chính trị lớn sẽ mang tính toàn cầu hơn (như cơ chế đầu tư và thương mại, tiêu chuẩn lao động, kiểm soát vũ khí hay quản trị kinh tế vĩ mô…). Và những vấn đề mang tính khu vực như quyền của người thiểu số, tranh chấp biên giới sẽ dần biến mất khỏi chương trình nghị sự toàn cầu.

Nhưng đáng ngạc nhiên là bản sắc và những vấn đề địa phương vẫn đang tiếp tục là những vấn đề nhức nhối trong đời sống chính trị thế giới. Khu vực Trung Đông vẫn diễn ra xung đột giữa người Israel và người Palestine. Người Catalan và người Kurd vẫn đòi ly khai… Cùng với những nỗ lực nhằm tạo ra một chính quyền tập trung tại Afghanistan và xây dựng những chính phủ hiệu quả tại Iraq, Libya là tình trạng ly khai và chia rẽ giáo phái sâu sắc. Hoạt động phản kháng lại sự can thiệp từ bên ngoài đang tạo cảm hứng cho chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia sống dậy.

Dòng chảy quốc tế của hai thập kỷ qua cho thấy rằng việc bỏ qua bản sắc địa phương, khu vực là một viễn kiến ngây thơ và nguy hiểm, và bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào không tính tới bản sắc và các điều kiện bản địa đều thất bại.

3. Sự thất bại của chính sách can dự, lật đổ

Sau khi Liên Xô sụp đổ, mục tiêu đối đầu với một nhà nước của Mỹ và phương Tây biến mất để rồi chuyển hướng sang các quốc gia khác như Iraq, Iran, Libya, Syria, Triều Tiên và Serbia. Phương Tây biến các nước này thành những mục tiêu mới cho các loại vũ khí hủy diệt của mình với cáo buộc đây là những chế độ độc tài với hồ sơ nhân quyền nghèo nàn.

Hệ quả trong hai thập kỷ qua, đã có rất nhiều quốc gia bị can thiệp và phải thay đổi chế độ, như ở Libya và Iraq, hay bị chia tách như Kosovo, Serbia, sang một thể chế không sáng sủa hơn mà trái lại đầy rẫy những bất ổn, bạo loạn, tham nhũng và chia rẽ sâu sắc hơn trong xã hội.

Việc thiết lập một chính phủ hiệu quả trong xã hội Somali, Yemen hay Afghanistan là vô cùng khó khăn. Còn khó khăn hơn khi xã hội đó bị chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo, vốn tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan nảy nở. Do vậy, bài học cho các cường quốc khi muốn can dự để thay đổi chế độ ở một quốc gia là cần cân nhắc kỹ về điều mà họ thực sự muốn làm.

4. Sai lầm của chính sách ngoại giao cường quyền

Trong hai thập kỷ, thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực, điều chỉnh những xung đột lợi ích để cùng có lợi, Mỹ có xu hướng đưa ra mệnh lệnh, đe dọa để đạt được mục tiêu. Cách tiếp cận này đã khiến Mỹ lao vào Chiến tranh Kosovo năm 1999 và đẩy Iran vào việc phát triển số lượng máy ly tâm của nước này từ con số 0 năm 2000 lên 11.000 năm 2014.

Chính sách này cũng được Mỹ và Phương Tây áp dụng để phản ứng với cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Lập trường cơ bản của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và NATO là Nga phải ngừng mọi hoạt động tại Ukraina, rút khỏi Crimea và để Kiev hội nhập với EU, NATO.

Nói cách khác, phương Tây yêu cầu Moskva từ bỏ hoàn toàn Ukraina cùng toàn bộ lợi ích của nước này tại Ukraina. Nhưng nhìn vào lịch sử Nga, sự gần gũi về mặt địa lý với Ukraina và những quan ngại an ninh dài lâu của mình, thật khó để Tổng thống Nga Putin tính toán tới các đề nghị trên. Điều này chỉ khiến Ukraina là bên phải gánh chịu tổn thất lớn nhất.

Tất nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất áp dụng chính sách ngoại giao kiểu cường quyền như vậy. Chính phủ Israel cũng tuyên bố chỉ đàm phán với Palestine nếu các cuộc hòa đàm không bao giờ đưa tới một thỏa thuận hoặc Palestine chính thức từ bỏ việc thành lập một nhà nước của mình.

Thật không may là những chính sách ngoại giao kiểu ra tối hậu thư, đe dọa và cưỡng bức như vậy ít khi mang lại thành công và sự bền vững. Bởi vì ngay cả đối thủ yếu hơn vẫn có sức mạnh riêng của mình và các cường quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được toàn bộ những gì họ muốn. Thêm nữa, khi bên yếu bị ép phải “buông súng”, họ sẽ nuôi giữ nỗi phẫn uất của mình để tìm kiếm cơ hội lật lại vấn đề khi có điều kiện. Thất bại trong đàm phán ngoại giao còn làm cho xung đột trở nên sâu sắc hơn và khó giải quyết hơn trong tương lai.

5. Cái giá của sự ngạo mạn

Người Hy Lạp cổ đại từng cảnh báo sự ngạo mạn hay tự tin thái quá của con người khi muốn thách thức với thánh thần, chỉ đem tới những cái chết ngu ngốc. Sự ngạo mạn này đang dẫn dắt Mỹ và NATO tiếp tục hành trình Đông tiến của mình mà bất chấp những hệ quả lâu dài trong tương lai.

Cũng chính sự tin tưởng tuyệt đối vào sức hút và quyền lực thuyết phục của mình mà các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng có thể thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông. Sự ngạo mạn cũng đưa Tổng thống George Bush tới Chiến tranh Iraq, khiến EU thành lập khu vực tiền tệ chung bất chấp những cảnh báo bất cập về thể chế.

Trong một thế giới mà không có một quyền lực trung tâm và các nước gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, những cường quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn để áp đặt ý chí của mình lên nước khác mà không chịu mất gì đó. Những thành công trong quá khứ không đảm bảo một tương lai bền vững, các nước đang ở thời kỳ đỉnh cao một thời có thể rơi vào những cuộc khủng hoảng không báo trước. Do vậy, các bài học lịch sử luôn dạy rằng những nhà lãnh đạo cẩn trọng luôn sẵn sàng một kế hoạch B cho tương lai của đất nước mình.

Theo DÂN TRÍ / FOREIGN POLICY