Các đô thị có quy hoạch độc đáo nhìn từ trên cao

Nếu lối quy hoạch của Barcelona (Tây Ban Nha) khiến thành phố trông như bàn cờ thì Siena (Italia) lại chinh phục du khách bởi cách bố trí các dãy nhà như tác phẩm nghệ thuật.

Barcelona (Tây Ban Nha): Nhìn từ trên cao, Barcelona trông như một bàn cờ khổng lồ, với những khối nhà tạo thành hình bát giác nằm đối xứng, chia cắt bởi con đường rợp bóng cây. Quận Eixample, nằm giữa thành phố cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 19, là khu vực đầu tiên áp dụng kiểu quy hoạch bàn cờ độc đáo này. Ảnh: Reddit.

Eixample sở hữu hơn 500 khối nhà hình bát giác, mỗi khối có không gian ở giữa là nơi sinh hoạt chung, đồng thời giúp hút ánh sáng và thông gió. Góc chéo của hình bát giác giúp các ngã tư rộng hơn, dòng phương tiện lưu thông dễ dàng trong giờ cao điểm. Ảnh: Culture Trip.

Palmanova (Italia): Pháo đài hình ngôi sao 9 cánh Palmanova là hệ thống phòng thủ phức tạp, được xây dựng năm 1593 nhằm chống lại các cuộc tấn công của người Ottoman. Nơi đây là một trong những thành phố cổ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất đất nước hình chiếc ủng. Năm 2017, công trình được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: World Urban Planning.

Bố cục đối xứng xuyên tâm của Palmanova mở rộng từ một hình lục giác ở trung tâm, các con đường thẳng xung quanh dẫn đến mỗi góc của nó. Quần thể được bao bọc bởi một vành đai kép các công trình quân sự hình ngôi sao. Ngày nay, có khoảng 5.000 người sinh sống ở đây. Ảnh: E-borghi.

Khải Hoàn Môn Arc De Triomphe (Pháp): Paris là một trong những thành phố quy hoạch độc đáo nhất thế giới. Tiêu biểu cho kiểu quy hoạch này phải kể đến Khải Hoàn Môn Arc De Triomphe. Đây không chỉ là công trình mang tính biểu tượng, hút khách ghé thăm mà còn là nơi giao nhau của 12 đại lộ. Ảnh: Pinterest.

Siena (Italia): Là thủ phủ của tỉnh cùng tên, thành phố Siena chinh phục du khách ghé thăm với hình ảnh những con hẻm đặc trưng ngoằn ngoèo, nhỏ bé mang đầy chất nghệ thuật. Siena là hiện thân của thành phố thời trung cổ, xây dựng thế kỷ 12-15. Trong suốt nhiều thế kỷ, dân cư ở đây bảo tồn diện mạo Gothic của thành phố. Ảnh: ArtTrav.

La Plata (Argentina): Thành phố La Plata, được thành lập năm 1882, sở hữu cấu trúc cơ sở hạ tầng ngăn nắp với những khoảng xanh xen kẽ. Thành phố có hình vuông với trung tâm là một công viên lớn, các đường chéo xẻ dọc từ đây. Cứ 6 khối nhà sẽ có một quảng trường hoặc một công viên nhỏ. Ảnh: Westend61.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / TỔNG HỢP

Càng già càng vui vẻ, hãy để hạnh phúc trở thành một thói quen

Con người đến cõi thế gian một lần chẳng dễ dàng gì. Trong cuộc sống có đến 8, 9 phần 10 là những chuyện chẳng thuận lòng như ý, xem nhẹ là được, buông bỏ sẽ vui. Hãy ít làm khó người khác, lại càng không nên làm khó bản thân, càng già càng phải minh bạch nhân duyên của vạn sự vạn vật, hãy giữ tâm thái “tĩnh tại”, để mỗi ngày đều là một ngày vui!

Bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” của nhiếp ảnh gia Réhahn chụp bà Bùi Thị Xong – người chèo đò ở Hội An từng được báo giới Mỹ bình chọn là bức ảnh “Bà cụ đẹp nhất thế giới”. (Bức ảnh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội)
Được ăn món mình thích là một niềm vui, phát hiện ra nếp nhăn trên khuôn mặt ít đi vài đường cũng là một niềm vui.

Đi du lịch đó đây đắm mình trong cảnh sắc bốn phương, lại càng là một niềm vui!

Hãy khiến hạnh phúc trở thành một thói quen, niềm vui sẽ thường ở bên bạn.

Mặt trời mọc ở trời Đông, lặn ở trời Tây, trăng khi tỏ khi mờ, khi tròn khi khuyết, ngắm cũng đã quen.

Xuân hạ thu đông ấm lạnh, vạn vật thế gian đổi dời, nhìn cũng đã tỏ.

Nhưng lại rất khó xem nhẹ những bi hoan ly hợp, ân oán tình thù tại nhân gian. Vui hay buồn cũng đều là một ngày 24 tiếng, hà tất phải phiền muộn để một ngày trôi qua?

Hạnh phúc là được, đâu phải để tâm tiền nhiều tiền ít. Già đi rồi, còn ai để tâm bạn là ăn mày hay phú ông.

Vui vẻ là được, đừng toan tính chức lớn, quyền nhỏ. Già đi rồi, ai quan tâm chiếc mũ quan trên đầu bạn cao mấy thước?

Hạnh phúc là được, có cơm ăn, được ngủ tròn giấc, có áo mặc, có núi để trèo, có nước uống, có sách mà xem, có việc làm, có đường mà bước, có người bầu bạn là tốt nhất rồi!

Già rồi, biết đủ là vui!

Khi bạn buồn rầu, hãy mau chóng điều chỉnh lại tâm thái của mình, dẫu mỉm cười ngốc nghếch với mình cũng được. Hãy nói với mình rằng: “Mong bạn luôn hạnh phúc.”

Khi bạn thấy lòng trống rỗng, hãy mau mau nhắc nhở bản thân: “Xin hãy để vui vẻ trở thành một thói quen”.

Ăn bữa cơm ngon, uống ly rượu nồng, đều có thể bù đắp lại sự trống rỗng trong tâm khảm.

Già rồi, càng phải học cách điều chỉnh tâm thái để khiến mình luôn vui vẻ hạnh phúc.

Khi bạn âu sầu hãy thử nghĩ xem mình còn lại bao tháng ngày mà nghĩ suy, mà lo lắng. Nghĩ thấu rồi thì đừng bao giờ tức giận nữa.

Khi bạn muộn phiền, hãy nghĩ rằng cuộc đời là một phép trừ, mỗi lần hội ngộ lại bớt một lần gặp gỡ, vậy còn gì đáng âu lo?

Chớ quên ân tình của người, đừng nhớ sai sót của người. Không nghĩ chuyện thị phi, không sinh tâm oán hận.

Cuộc đời mỗi người sẽ luôn có những tri thức học không xuể, những chân lý ngộ chẳng thấu, sẽ luôn có một vài chuyện rầu lòng vô tình hay cố ý ùa vào trái tim bạn…

Tóm lại, trong giấc mộng nhân sinh, chuyện thuận lòng thì ít, chuyện chẳng như ý thì nhiều.

Cuộc sống chẳng dễ dàng gì, hãy ít làm khó người khác, lại càng không nên làm khó bản thân. Hãy để hạnh phúc trở thành một thói quen, hãy để niềm vui tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta từng giây từng phút.

Theo Sound of Hope / Thiên Cầm biên dịch /Trithuc VN

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA VUA TIỂU THUYẾT KINH DỊ PHÁP NICOLAS BEUGLET

Nicolas Beuglet – Quais du Polar

Nicolas Beuglet, từng là người dẫn chương trình và tổng biên tập kênh phát thanh truyền hình thông tin giải trí M6, bắt đầu sự nghiệp với nghề phóng viên cho tờ Figaro Étudiant và tường trình tin nhanh trên Europe 2, Sau khi chuyển sang sáng tác văn học, ông nhanh chóng trở thành nột hiện tượng văn học mới lạ ở Pháp.

Ba cuốn tiểu thuyết của ông từng đứng đầu về doanh thu, trong đó có tác phẩm mới nhất mang tựa đề Đảo Quỷ (L’ile du diable) viết về cuộc phiêu lưu của nữ thanh tra Na Uy, Sarah Geringen, hầu như chưa có thời gian để trưng bày trên quầy của những người bán sách thì nhà xuất bản XO đã tiến hành làm thủ tục tái bản. Trước đó, trên 450.000 bản in đủ kích cỡ của hai quyển tiểu thuyết trước đây của ông, Tiếng hét (Le Cri) và Âm mưu (Le Complot), đã bay vèo trong thời gian ngắn!

Có mặt tại hội chợ sách Brive để ký tên vào sách tặng độc giả hâm mộ, Nicolas Beuglet đã có cuộc trò chuyện ngắn với Le Point và tiết lộ một số tình tiết, nhân vật cùng bí quyết viết của mình. Kết thúc buổi trò chuyện, người tham gia phỏng vấn Nicolas Beuglet đã đưa ra nhận xét: “Thật tuyệt vời khi được trò chuyện với chàng trai trẻ khoảng 40 tuổi đời này, người đã không thay đổi thói quen viết truyện trên bàn ăn, sẵn sàng trả lời một vài câu hỏi mà các con gái đặt ra khi đến thăm anh. Tính của Nicolas Beuglet là vậy đó, mực thước và biết tạo ra sự hồi hộp…”.

Sau đây là cuộc trò chuyện với hiện tượng văn học mới lạ này.

* Le Point: Ông là ai?

– Nicolas Beuglet: Một, tôi là nhà văn, hai là nhà viết kịch bản, ba là nhà báo. Tôi luôn muốn kể lại những câu chuyện một cách hấp dẫn nhất. Ngay từ khi ngồi ghế học lớp 6, tôi đã thấy muốn viết một bài tập làm văn theo ý mình, và thầy cô giáo luôn khuyến khích tất cả chúng tôi viết.

* Thế là ông bắt tay vào viết ngay?

– Gần như là vậy. Tôi học ngành thương mại và sau đó chuyển sang làm báo rồi viết kịch bản chương trình phát thanh truyền hình.

* Động lực nào thôi thúc ông viết?

– Khi làm việc cho đài phát thanh truyền hình, tôi gần như kiệt sức. Tôi đã ngưng làm việc trên 1 năm, không biết liệu tôi có thể quay trở lại làm việc nổi hay không. Có điều gì đó đang xảy ra trong tôi mà tôi không thể hiểu: nhiều câu hỏi kỳ lạ tấn công tôi, nỗi sợ hãi không thuộc về tôi…

* Như một Sarah trong “Đảo Quỷ”?

– Sarah, nhân vật của tôi, xuất hiện như một vị cứu tinh. Vâng, đúng vậy. Một câu nói của bác sĩ tâm thần Jung, người đã phát hiện tác động của vô thức tập thể, đã giúp tôi: “Chúng ta không được sinh ra hôm qua hay hôm nay. Tất cả chúng tôi đều có tuổi”. Tôi đã trải nghiệm một sự mặc khải và bắt đầu khám phá nó mà thật sự không biết mình đang đi đâu, một sự tìm kiếm khó khăn đã dẫn dắt tôi đến với Tiếng hét. Tôi đã có trong tay chủ đề, nhưng tôi gần như chết lịm đi vì sợ phải đối mặt với nó. Tôi mất đến 3 năm để chuẩn bị.

* Ông đang nói đến nỗi sợ gì vậy?

– Ví dụ, tôi sợ bị đẩy “ra khỏi thế giới”, sợ không còn nhận ra đồng loại nữa. Tôi đã đi qua hay bị một trạng thái xa rời hiện thực đi xuyên qua, tôi vẫn không biết nó đến từ đâu. Sau vài tháng tôi đã trở thành người sợ khoảng không. Cuối cùng, tôi đến bác sĩ tâm thần và được tư vấn phương pháp trị liệu cũng như ra toa thuốc. Trong tất cả mớ hỗn độn này, điều tích cực duy nhất tôi có thể rút ra là tất cả đều có một ý nghĩa nhất định và một ngày kia có lẽ tôi sẽ làm nên lịch sử.

* Và ông đã vượt thoát ra bằng cách nào?

– Sarah, nhân vật của tôi đến như một vị cứu tinh. Tôi đang ở trong một tình trạng mà tôi tự nhủ: “Nhưng nếu điều gì đó thật sự tồi tệ xảy ra với tôi, loại thám tử nào tôi muốn có bên cạnh tôi?” Và không biết tại sao, tôi đã nhìn thấy cô ấy: một người phụ nữ lạnh lùng nhưng với một sức mạnh vô biên, có khiếu hài hước và dè bỉu đối với chính mình. Về phần Christopher, anh này đã nổi lên như một người đàn ông thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình bằng cách nhận nuôi đứa con trai của anh mình tử vong trong một tai nạn xe hơi. Phần thứ nhất của câu chuyện được tôi viết một lèo và gởi tới biên tập viên của tôi, Bernard Fixot. Anh ấy bảo tôi nên dành thêm thời gian để trau chuốt lại nhân vật Sarah mà dường như chúng tôi chưa hiểu biết đầy đủ về cô ấy. Vậy là tôi loại bỏ phần đầu đã viết xong và tôi đã viết 50 trang về nhân vật tưởng tượng này, đang mang thai, sơn lại căn hộ của cô ấy, một người chồng không trở về. Cô hiểu rằng anh ta đã lừa dối cô và bỏ đi. Và trong số 50 trang đó, tôi chỉ giữ một dòng duy nhất: “Sarah đóng sầm cửa lại”.

* Ông có nhận định rất nhạy bén về câu kết của một chương (cliff hanger), bí quyết “cliff hanger” này nhằm làm cho độc giả háo hức muốn đọc tiếp chương tiếp theo. Kỹ thuật này được ông làm một cách tự động, có hệ thống. Phải chăng đây cũng là một ‘mẹo’ của nhà xuất bản?

– Ồ không, đó là cách làm của tôi. Hơn nữa, trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Đầu lâu thứ nhất (Premier Crâne) viết với cái tên Nicolas Sker, kỹ thuật này đã được áp dụng. Rất đơn giản vì bản thân tôi cũng là độc giả, tôi cần được giữ hơi, giữ sự háo hức, và tất cả các chương tôi viết đều như thế. Khi bắt đầu một chương, tôi biết điểm xuyết hồi hộp nào sẽ là “cliff hanger”, tức câu kết của chương đó. Người đã chỉ cho tôi biết nhiều nhất về “cliff hanger” là nhà văn Dostoievski với tác phẩm Tội ác và trừng phạt (Crime et Châtiment).

* Những câu chuyện, những cuốn tiểu thuyết nào đã khiến ông hồi hộp mà ông luôn lưu giữ trong tủ sách riêng của mình?

– Khi còn nhỏ tôi đã đọc rất nhiều và tôi đã nghĩ về câu chuyện quái dị và giàu trí tưởng tượng trong cuốn tiểu thuyết của Michael Ende: câu chuyện về một cậu bé ăn cắp một cuốn sách và thấy mình tham gia vào cuộc phiêu lưu của cuốn sách. Câu chuyện Caius của tác giả Henry Winterfeld về cuộc điều tra của cảnh sát dành cho giới trẻ ở Rome thời xa xưa. Sau đó, tôi đã phát hiện ra Tolkien, nhà văn, thi sĩ người Anh. Nhưng người đã chỉ cho tôi tường tận nhất về kỹ thuật cliff hanger là Dostoievski với tác phẩm Tội ác và trừng phạt: Dostoievski đã rất quan tâm đến kỹ thuật cliff hanger vì trước khi in ra thành sách, tiểu thuyết của ông được gởi đến báo để đăng nhiều kỳ (feuilleton).

Cuối cùng là tiểu thuyết gia người Áo, Stefan Zweig. Cho dù là truyện ngắn hay tiểu sử, Stefan Zweig đều có năng khiếu dạy cho chúng tôi hàng ngàn điều, và đặc biệt là ông ấy là một cây viết truyện kinh dị xuất sắc với kỹ thuật “cliff hanger” không chê vào đâu được ở cuối mỗi chương. Lối văn tường thuật mượt mà lột tả được sự thật, hóm hỉnh và dễ gần gũi. Tác phẩm của ông luôn là tài liệu tham khảo quí báu của tôi.

* Trở lại với Sarah và cuộc phiêu của cô ấy ở “Đảo Quỷ”, câu chuyện ‘điên rồ’ này đã đến với ông như thế nào?

– Câu chuyện về Sarah đã nhập tâm tôi từ khi tôi viết cuốn Tiếng hét. Tôi phát hiện câu chuyện này, xảy ra trên một hòn đảo ở Sibérie, trong một quyển sách tìm thấy trên gác xép. Đây là một câu chuyện có thật. Tia lửa luôn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật. Ví dụ, trong cuốn Âm mưu, một cuộc điều tra về nguồn gốc của tính ghét phụ nữ (misogynie) đã thôi thúc tôi thực hiện cuộc điều tra của riêng tôi kéo dài một năm rưỡi và cuối cùng đã đưa tôi đến hợp tác với Weistein, nhà làm phim Hoa Kỳ.

* Ông thực hiện cuộc điều tra như một phóng viên?

– Tất nhiên là vậy rồi. Tùy theo những gì muốn tìm hiểu, tôi phỏng vấn các chuyên gia về di truyền học, nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu khoa học… Tôi muốn rằng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết của tôi, độc giả thật sự học được điều gì đó ngoài sự hồi hộp, phản ứng và số phận của các nhân vật.

* Ông luôn làm việc như một nhà biên kịch?

– Tôi đã viết 40 tập của một loạt “kịch bản hiện thực” với 4 nhân vật tại 2 địa điểm và kinh phí thấp. Tôi cũng đã lên kế hoạch cho một loạt phim hoạt hình và một loạt dự án khác trong 6 tập dài 52 phút.

* Ông có thể “bật mí” cho bạn đọc một trong những bí quyết của mình?

 Hãy bắt đầu bằng đoạn kết. Tôi phải yêu cái kết của câu chuyện tôi viết. Chỉ sau đó tôi mới có thể tưởng tượng ra phần con lại. Tôi không thích những quyển sách đặt ra câu hỏi lớn đầy bí ẩn và kết thúc bằng câu “câu trả lời là ở bạn”. Và một khi bệ phóng đã sẵn sàng, tôi viết một cách hăng say. Tôi sẽ không viết một câu nào cho đến khi nào trỗi dậy trong tôi sự thôi thúc không thể kềm chế phải chia sẻ nó với độc giả. Tóm lại, đó là sự đam mê viết lách và tình yêu công việc.

Đào Duy Hòa (Theo Le Point) / VanngheVN

Bảo vật để lại

Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:
Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.
Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh.Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.
Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.
Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng.
Đôi mắt từ tuổi thơ ngây cho đến lúc trưởng thành lúc nào cũng cười với bà, làm sao bà không tiếc. Người ta nói với bà là đôi mắt cũng đã được xếp đặt để mang đi, trong một sớm mai, có một người con của ai đó sẽ được hưởng đôi mắt của con bà. Không, bà không muốn, bà nhất định không muốn cho đôi mắt đó.
Nhưng chao ôi! Dù không cho đi bà cũng làm sao mà giữ lại. Đôi mắt đó sẽ thành tro ngay lập tức nếu bà hỏa thiêu thân xác con, hay đôi mắt đó sẽ mục nát trong lòng đất nếu bà chôn con xuống đất. Hình như có một vòng tay của ai đó đang ôm đầu bà vào lòng vỗ về: “Đôi mắt biết cười của con sẽ lại tiếp tục cười trên một khuôn mặt khác.Cho đi, cho đi mẹ ơi!”
Mai đây, trong những ngày tháng còn lại của đời người có khi nào bà mẹ này bâng khuâng tự hỏi: “Tim, phổi của con tôi, đôi mắt của con tôi hiện đang ở trong thân thể ai, hiện đang ở đâu trên mặt đất này?” Rồi bà ngơ ngác đi tìm, đi nhìn vào từng lồng ngực, từng cặp mắt của mỗi người trên quãng đường bà qua.
Mùa thu với lá phong đỏ, với sóc nâu, với hạt bồ đào, với cá Hồi đang từ biển tìm về dòng suối cũ để sinh nở, sinh xong cá mẹ sẽ lìa đời. Giữa sự hồi sinh và hy vọng có người kể tôi nghe một câu chuyện khác về cái chết, về tình mẫu tử, về sự trao tặng nội tạng.
Người con trai 19 tuổi, trong một phút bất mãn với cuộc đời, anh tự hủy mạng sống mình. Sau cái chết đó anh cũng để lại nội tạng của mình cho những người không may mắn. Người mẹ chỉ giữ được hũ tro của phần thân thể con còn lại. Biết con khi còn sống ôm mộng được du lịch vòng quanh thế giới. Ba năm sau cái chết đau thương đó, người mẹ đã tìm cách liên lạc được với những người trên mạng xã hội nhờ họ mang tro của anh đi rải bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi có một người bằng lòng, bà lấy một phần tro, cho vào một cái túi nhỏ, kèm theo một lá thư và bức ảnh của anh gửi tới họ. Thân xác tro bụi của anh đã được mang rải vào lãnh thổ của 100 quốc gia trên thế giới. (*)
Người mẹ đó tin rằng, làm như thế, anh sẽ được di du lịch khắp thế giới như khi còn sống anh từng mong ước.
Nghĩ xa thêm một chút thì chắc bà sẽ thấy: Thân thể của anh phải chăng chỉ là một cái hộp vô tri, dùng để cất giữ những nội tạng của anh mà thôi. Những nội tạng này đã hiến dâng cho người khác, đang mang sự sống mới đến cho người khác, mới là những bảo vật quý giá nhất. Những người được nhận các bảo vật này, họ chắc không bao giờ quên người đã hiến tặng.
Mùa xuân vào tuần lễ có rất nhiều hoa đào nở hai bên đường, có áo len mỏng đi trong gió, có những buổi sáng lất phất mưa xuân tạt ở hiên nhà, tạt cả vào những ly cà phê còn bốc khói, có những buổi chiều mưa rắc nhẹ trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động của cha mẹ sẵn sàng cho đi nội tạng của đứa con bất hạnh còn rất bé của mình cho đứa bé khác. Có khác chi mẹ nói: “Chia cho em đi con, món đồ chơi này con không còn chơi nữa, chia cho bạn đi con.”
Phải là người có trái tim bao dung nhân hậu lắm, thương yêu con người như con mình, mới làm được những việc cao cả đó.
Rồi cả bốn mùa tôi được nghe những câu chuyện người này được lắp bàn tay, người kia được thay bàn chân. Giống như những phép lạ trong truyện cổ tích, có bà tiên cầm chiếc gậy thần, quơ lên một cái, cho người sắp chết được sống, người tàn tật trở thành bình thường.
Thế rồi, xuân tàn, hạ qua, thu chết, đông ngưng, nhưng dòng đời vẫn chảy, sinh tử vẫn nối tiếp theo nhau. Tôi lại được nghe, một nhân viên làm việc trong cơ quan phụ trách phân phối nội tạng đã nói với đôi mắt rớm lệ:
“Cái xác người nằm đó, hiến tặng nội tạng của họ cho những người đang cần. Cho dù khi sống họ có làm điều gì nhầm lẫn tới đâu, tôi cũng chắc Thượng Đế sẽ tha thứ hết cho họ.”
Thượng Đế tha hết những lỗi lầm thế gian của người hiến tặng nội tạng và những người nhận tặng vật mang mãi cái ơn trong lòng họ đi suốt đời người.
Có bao giờ người ta nghĩ tới, ở mỗi nghĩa trang, nên dựng một tấm bia ghi ơn cho những người hiến dâng nội tạng. Vì chắc chắn trong bất cứ nghĩa trang nào cũng có những cái hộp thân thể đã chôn xuống đất, nhưng những bảo vật trong đó đã để lại dương trần cho người khác thừa hưởng, một người họ chưa gặp bao giờ.
Trần Mộng Tú(*) Nguồn trên mạng

Hai cội nguồn của chế độ toàn trị Trung Quốc: Cơ hội nào cho dân chủ?

Chế độ « cộng sản » Trung Quốc đang ngày càng trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với nhiều xã hội. Từ dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, dự án « Con đường tơ lụa mới », đến bành trướng quân sự trên biển… Nhưng với nhiều chuyên gia, đe dọa lớn nhất đến từ chế độ toàn trị Trung Quốc. Theo quan điểm này, chế độ toàn trị Trung Quốc là gốc rễ của vô số các hiểm họa đe dọa phần còn lại của thế giới, và đối với chính xã hội Trung Quốc.

Nhận diện cho đúng chế độ toàn trị hiện nay tại Trung Quốc là cơ sở cho phép các nền dân chủ có được đối sách đúng. Tuy nhiên, nhận diện đúng không phải là điều dễ. Do tính chất khép kín của chế độ này, do những đặc thù của nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Khó nhận diện cũng có phần do thế đối đầu Mỹ – Trung hiện nay có xu hướng thổi bùng lên những mâu thuẫn mang tính quốc gia, vô hình chung đẩy lùi vấn đề mô hình xã hội – toàn trị, dân chủ hay độc tài – vào tuyến hai. Vấn đề chế độ chính trị có xu hướng được đơn giản hóa, để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trước mắt. Chỉ trích của nhiều chính trị gia các nước dân chủ tập trung vào tính chất « cộng sản » của chế độ chính trị hiện hành, mà coi nhẹ những gốc rễ của chế độ toàn trị trong chính truyền thống Trung Hoa nghìn năm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia về Trung Quốc, về chính trị quốc tế, vẫn tiếp tục có các nghiên cứu. Học giả Mỹ Francis Fukuyama tháng 5/2020 vừa qua công bố bài phân tích : « What Kind of Regime Does China Have? » – tạm dịch : «Trung Quốc có chế độ kiểu gì? » (1), tìm cách giải mã các cội nguồn của chế độ toàn trị Trung Quốc, một số đặc điểm căn bản của mô hình chính trị Trung Quốc thời cộng sản, từ thời Mao, Đặng… cho đến Tập Cận Bình (2). Tác giả cũng đề xuất một triển vọng được coi là khả thi hơn cả cho sự trỗi dậy của dân chủ tại Trung Quốc. Sau đây, RFI tiếng Việt xin giới thiệu một số nét chính của bài phân tích.

***Chế độ toàn trị là gì ? 

Thuật ngữ « toàn trị » do hai nhà chính trị học Mỹ, Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski, chế tác ra vào những năm 1950, để chỉ các xã hội theo « mô hình Liên Xô » và « phát xít ». Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski phân biệt các chế độ « toàn trị » với các chế độ gọi là « độc đoán ». « Toàn trị » là các chế độ do một đảng duy nhất lãnh đạo, với một ý thức hệ bao trùm, sử dụng quyền lực công an trị để buộc mọi người dân trong xã hội phải trung thành tuyệt đối với ý thức hệ chính thống, với việc « kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh riêng tư nhất của các thành viên trong xã hội ». Các chế độ này hy vọng « cắt đứt toàn bộ các liên hệ xã hội trước đó, để buộc tất cả mọi người phụ thuộc trực tiếp vào chính quyền ». Đảng thực thi vai trò « tẩy não » dân chúng một cách triệt để, « đến mức họ không còn nhận ra những xiềng xích cột họ vào Đảng ». Một hình tượng tiêu biểu cho thành công của chế độ toàn trị Xô Viết là nhân vật người thiếu niên Pavel Morozov, được lãnh tụ Staline nhiệt liệt biểu dương, do đã có công tố cáo cha mẹ mình với công an mật.

Đâu là các cội rễ của chế độ toàn trị tại Trung Quốc hiện nay ? 

Học giả Mỹ Francis Fukuyama nhấn mạnh : xã hội Trung Quốc là « một trong những xã hội có lịch sử liên tục dài nhất thế giới, và có rất nhiều sự tiếp nối xuyên qua các triều đại, cho đến chế độ hiện nay ». Trung Quốc là « nền văn minh đầu tiên trên thế giới tạo lập ra một bộ máy Nhà nước mang tính hiện đại », tức một bộ máy Nhà nước được coi như vận hành độc lập với các quan hệ cá nhân, dù là với hoàng đế, với gia tộc hoàng đế hay với các thân hữu của hoàng đế. Một bộ máy Nhà nước vận hành theo các quy tắc riêng, tập quyền cao độ. Bộ máy này ra đời vào dưới triều đại nhà Tần, triều đại đầu tiên thống nhất các vương quốc tại khu vực trung tâm lãnh thổ Trung Quốc hiện nay (vào năm 221, trước Công nguyên). Thời Tần Thủy Hoàng chỉ tồn tại chưa đầy 20 năm, nhưng để lại các hệ quả vô cùng lớn trong xã hội Trung Hoa suốt hơn 2.000 năm sau. Triều đại nhà Hán, kéo dài hơn 4 thế kỷ sau đó, đã kế thừa phương thức tổ chức Nhà nước tập quyền của Tần Thủy Hoàng, và bổ sung vào đó vai trò hàng đầu của Khổng giáo, của tầng lớp quan lại theo Nho giáo, được phó thác sứ mạng lãnh đạo một trong các đế chế lớn nhất thế giới thời đó. Một đặc điểm tiêu biểu khác của chế độ chính trị thời Tần, rồi đến thời Hán, là : trong các đế chế hùng mạnh này tại Trung Hoa chưa bao giờ có các định chế chính trị mang tính đối trọng, như Nhà nước pháp quyền, hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ (democratic accountability), mà chủ yếu dựa vào tầng lớp lãnh đạo điều hành đất nước, thông qua con đường « giáo dục ».

Bộ máy Nhà nước tập quyền và không có đối trọng, do một tầng lớp quan lại được tuyển chọn thông qua học vấn vận hành, đó là các đặc điểm tiêu biểu của nền chính trị Trung Hoa suốt 2.000 năm. Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực là thách thức mà chính quyền Trung Hoa liên tục gặp phải. Hoàng đế phải sử dụng tầng lớp quan lại để điều hành bộ máy Nhà nước, nhưng ai kiểm soát bộ máy này, khi bộ máy bị hư hỏng? Tầng lớp hoạn quan đã được sử dụng làm nhiệm vụ này. Đến đời nhà Minh, lại phải lập ra cả một bộ phận riêng để kiểm soát các hoạn quan, do sự lộng hành của nhóm này. Vấn đề tương tự cũng đặt ra hiện nay, khi đảng Cộng Sản kiểm soát chính quyền, Ban Tổ Chức của Đảng kiểm soát Đảng. Và dưới thời Tập Cận Bình, đến lượt Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương được giao nhiệm vụ kiểm soát Ban Tổ Chức…

Tuy nhiên, nếu như có những điểm kế tục giữa phương thức cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay với các triều đại trước đây, thì cần phải nhấn mạnh là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kế tục truyền thống toàn trị thời Liên Xô của Staline, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử Trung Hoa trước đó. Phương thức toàn trị Xô Viết, với hệ thống tuyên huấn, dân vận, trại cải tạo, trại tập trung, mạng lưới những tay chân của chế độ có mặt khắp nơi theo dõi dân chúng…, rút cục đã phá sản. Tuy nhiên, « tham vọng toàn trị không chết, tham vọng kiểm soát hoàn toàn người dân, từ tinh thần đến thể xác, đã được truyền từ đảng Cộng Sản Liên Xô sang đảng Cộng Sản Trung Quốc ».

Mao Trạch Đông đã tái tạo mô hình toàn trị Liên Xô bằng các phương tiện tương tự, với đỉnh điểm là cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tuy nhiên, nỗ lực này rốt cục đã thất bại, buộc giới tinh hoa trong Đảng, chuyển hướng sang con đường hiện đại hoá theo kiểu tư bản. Theo Francis Fukuyama, lãnh đạo kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu giải thể Nhà nước toàn trị, để thay bằng « Nhà nước độc tài ».

Chế độ chính trị Trung Quốc dưới các thời Mao, Đặng và Tập Cận Bình có những gì giống, gì khác? 

Theo Francis Fukuyama, giai đoạn 1978 đến 2012, tức là từ khi Đặng Tiểu Bình khởi động « hiện đại hoá », cho đến khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, là một giai đoạn mà người dân Trung Quốc được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân, kinh doanh, đi lại tự do, bày tỏ quan điểm tự do… khác hẳn trước. Đảng giảm nhẹ sự can thiệp vào kinh tế và bộ máy Nhà nước… Nhiệm kỳ lãnh đạo cao cấp được giới hạn. Với việc Tập Cận Bình lên cầm quyền, bộ máy chính trị Trung Quốc có xu thế làm sống lại mô hình toàn trị thời Mao. Chủ nghĩa Mác-Lê theo tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào Hiến Pháp, được giảng dạy trong trường học. Bộ máy công an có thêm nhiều quyền lực chưa từng có. Đảng xâm nhập trở lại mọi mặt của đời sống. Nhiều bài hát của Hồng vệ binh thời Cách Mạng Văn Hoá được phổ biến trở lại. Đàn áp ở quy mô lớn, với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại cải tạo….

Tuy nhiên, Francis Fukuyama cũng nhấn mạnh là, cho dù tham vọng kiểm soát trở lại theo kiểu toàn trị, « tư tưởng Tập Cận Bình » cũng chỉ là một bản sao mờ nhạt của tư tưởng Mao, với cuốn Sách Đỏ nổi tiếng. Tập Cận Bình đã không đủ sức đưa ra một ý thức hệ mang tính nhất quán như Mao, đủ sức dấy lên niềm tin cuồng tín của hàng triệu người Trung Quốc. Nhưng ngược lại, chính quyền Tập Cận Bình lại có được các phương tiện công nghệ tinh vi, hùng hậu của kỷ nguyên công nghệ số, cho phép dễ dàng kiểm soát dân chúng, khác hẳn thời Mao hay Staline.  Cũng khác với thời Mao, chủ yếu dựa vào đàn áp, đe dọa, giờ đây chính quyền thời Tập dựa nhiều hơn vào việc chiêu dụ được một tầng lớp trung lưu, dễ bảo nhờ các món lợi vật chất…

So sánh để nhìn ra các điểm giống giữa Mao, Đặng và Tập, học giả Mỹ Francis Fukuyama vừa lưu ý đến tính nối tiếp của nhiều truyền thống toàn trị trong xã hội Trung Hoa với chế độ toàn trị cộng sản hiện nay, nhưng cũng vừa nhấn mạnh đến tính mâu thuẫn giữa các truyền thống Trung Hoa. Chế độ cai trị tàn bạo thời Tần, đặt cơ sở cho các chế độ toàn trị sau này, chỉ tồn tại được ít năm. Các triều đại Trung Hoa sau này trị nước một cách tinh vi hơn.

Francis Fukuyama chia ra hai mạch cai trị trong truyền thống Trung Quốc, gọi là « toàn trị » và « độc đoán » (như định nghĩa của Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski). Về toàn trị, Mao Trạch Đông và Tần Thủy Hoàng là trên cùng một mạch. Về chế độ « độc đoán », theo tác giả, chính quyền Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân gần với các triều đại Trung Quốc sau này hơn nhiều. Nhìn chung, theo Francis Fukuyama, di sản Mác-Lê thời Xô Viết (theo kiểu Staline), được đảng Cộng Sản Trung Quốc vận dụng, nằm trong thế xung đột sâu sắc với nhiều truyền thống bắt rễ tại Trung Quốc, trong đó có Khổng giáo, vốn nhấn mạnh nhiều đến các quan hệ con người.

Phải chăng nền chính trị do đảng Cộng Sản lãnh đạo tại Trung Quốc tất yếu sẽ dẫn đến một chế độ mà mọi quyền lực thâu tóm trong tay một lãnh đạo duy nhất, như Tập Cận Bình? 

Theo Francis Fukuyama, thì việc Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc, với xu thế ngả sang toàn trị « không phải là điều không thể tránh khỏi ». Vào thời điểm Tập Cận Bình chưa trở thành lãnh đạo, trong giới tinh hoa Trung Quốc đã có nhiều người hy vọng là chế độ  Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập sẽ vừa chống được nạn tham nhũng, vừa xác lập các cơ sở cho một xã hội Trung Quốc tự do hơn, trước khi họ hiểu ra.

Dù sao, chế độ Tập Cận Bình chưa phải đã áp đặt được lý tưởng toàn trị lên toàn bộ xã hội. Xã hội Trung Quốc hiện nay khác xa Bắc Triều Tiên. Lịch sử Trung Quốc cho thấy hai nỗ lực xây dựng xã hội toàn trị một cách tàn bạo dưới thời Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông không kéo dài. Việc dân chúng tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng hiện nay xuất phát từ « tự nguyện » do lợi ích được thỏa mãn, hơn là « do bị đe dọa ». Khả năng các công nghệ số kiểm soát dân chúng đến đâu cũng còn là vấn đề để ngỏ. « Tư tưởng Tập Cận Bình » hay « chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa » cũng không hấp dẫn đến mức có nhiều người sẵn sàng chết cho lý tưởng, như thời Mao.

Trung Quốc có cơ hội dân chủ hoá hay không? Nếu có, con đường nào khả thi hơn cả? 

Theo Francis Fukuyama, trước hết các nền dân chủ phương Tây phải nhận thức được là tại Trung Quốc, « có một chế độ toàn trị mới đang hình thành », giống như Liên Xô giữa thế kỷ XX, chứ không phải là « một chế độ tư bản theo phong cách độc đoán », như giai đoạn trước đó. Bởi tại Trung Quốc hiện nay, Nhà nước gần kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, kể cả với các doanh nghiệp được gọi là « tư nhân », như Tencent hay Alibaba. Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ và các nền dân chủ tự do cần phải dần dần rút các cơ sở kinh tế khỏi Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 cho thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào Trung Quốc.

Riêng đối với Trung Quốc, trong tình hình hiện nay, khi bộ máy đàn áp của chế độ hiện hành là rất lớn, « rất ít có khả năng thay đổi sẽ diễn ra từ bên dưới, với một phong trào quần chúng rộng khắp ». Nếu như xảy ra, thay đổi chỉ có thể đến từ « bộ phận thượng tầng của ban lãnh đạo Đảng ». Cụ thể là những người bị ảnh hưởng do việc Tập lên nắm quyền. Cả một hệ thống vận hành từ hơn 30 năm, bị Tập Cận Bình thay thế, để về phần mình, trở thành lãnh đạo trọn đời.

Chế độ đa đảng, theo Francisco Fukuyama, sẽ không đến sớm với Trung Quốc, như tại Hàn Quốc và Đài Loan trong những 1980, « con đường thay đổi tối ưu tại Trung Quốc hiện nay là thông qua hệ thống pháp lý, giống như nhiều nước châu Âu trong thế kỷ XIX và XX ». Chuyển từ một Nhà nước pháp trị (rule by law) sang Nhà nước pháp quyền (rule of law), một Nhà nước chịu sự kiểm soát của luật pháp. Cần thiết lập các quy định rõ ràng áp dụng cho người dân thường, cho đến các quan chức cấp thấp hơn, rồi với cả chính bản thân Đảng. Việc thực thi quyền lực cần phải được khống chế, kiểm soát thực sự về mặt Hiến Pháp. Tư pháp phải có quyền tự trị rộng rãi. Người dân phải được có thêm quyền tự do, ít nhất là cũng giống như so với thời trước Tập Cận Bình.

Về phía Hoa Kỳ, học giả Francisco Fukuyama lưu ý là, cần nhớ rằng đối thủ của Mỹ hiện nay không phải là Trung Quốc, mà là đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trên đường toàn trị hóa, hoàn toàn khác so với giai đoạn trước năm 2012. Và trước khi toan tính giúp Trung Quốc thay đổi, người Mỹ phải thay đổi chính nước Mỹ để xác lập trở lại vị trí của Hoa Kỳ, như « ngọn hải đăng của các giá trị dân chủ, tự do ».

Ghi chú 

1 – Bài « What Kind of Regime Does China Have? » đăng tải trên tạp chí The American Interest, 18/05/2020.

2 – Trái ngược với quan điểm của Francis Fukuyama về chế độ toàn trị Trung Quốc, về sự đối lập giữa « giai đoạn Đặng Tiểu Bình » (từ 1978 đến 2012) với « giai đoạn Tập Cận Bình », nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế thời kỳ Đặng Tiểu Bình, trong quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc tương tự với giai đoạn Kinh tế Mới, mà Lênin chủ trương, để tranh thủ kinh tế tư bản, và đây chỉ là một sự nhân nhượng mang tính sách lược, trước khi chế độ cộng sản chuyển sang giai đoạn toàn trị hoàn toàn. Trong tác phẩm mới đây, « Rouge vif » (2019), một chuyên gia về Trung Quốc người Pháp, Alice Ekman, đã chỉ ra « những ảo tưởng về một quá trình dân chủ hoá, nhờ tự do hoá kinh tế », theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình.

Nguồn: RFI