Đời sống người Việt 100 năm trước qua ảnh liệu Viện Viễn Đông Bác Cổ

Kho lưu trữ ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) có nhiều bức ảnh quý hiếm phản ánh đời sống sinh hoạt của người Việt Nam hàng trăm năm trước.

Ky uc Dong Duong anh 1
Sách Ký ức Đông Dương: Việt Nam – Campuchia – Lào giới thiệu nhiều hình ảnh quý từ kho lưu trữ ảnh liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Những hình ảnh này không chỉ phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Viện Viễn Đông Bác Cổ qua các giai đoạn lịch sử, mà còn phản ánh tự nhiên và văn hóa, con người và thiên nhiên, lễ hội và truyền thống, thực hành Phật giáo… của Đông Dương. Trong số đó, có nhiều bức ảnh quý hiếm phản ánh đời sống sinh hoạt của người Việt Nam hàng trăm năm trước. Ảnh năm vị quan trong trang phục cung đình (tháng 4/1926, khuyết danh).
Ky uc Dong Duong anh 2
Bốn kỵ binh trong quân phục tập luyện (1908, khuyết danh). Phần lớn các đơn vị quân đội thuộc địa bản xứ Bắc Bộ chỉ bao gồm bộ binh nhưng riêng binh đoàn Hà Nội có một biệt đội kỵ binh. Do thời tiết bản địa khắc nghiệt, số ngựa được gửi từ Pháp sang Việt Nam có tỷ lệ tử vong rất cao.
Ky uc Dong Duong anh 3
Hai nhạc công mù biểu diễn, các nữ cung văn ca hát, thu hút đám trẻ trên phố (khuyết niên đại, khuyết danh).
Ky uc Dong Duong anh 4
Hai cụ đồ kiêm thầy bói, người viết sớ, tham vấn về mọi việc liên quan đến thần linh và con người. Không thể thiếu sự hiện diện của họ trong các đền phủ (Hà Nội, tháng 3/1953, J. Manikus).
Ky uc Dong Duong anh 5
Người bán tranh dân gian và câu đối in sẵn (khuyết niên đại, khuyết danh). Tranh dân gian Việt Nam được làm bằng cách dùng bản gỗ khắc hình rập lên giấy dó. Phong cách tranh của phố Hàng Trống đặc trưng bằng kiểu rập độc nhất với màu đen, sau đó tranh được tô màu đỏ và đôi khi tô điểm thêm các ghi chú bằng bút lông, rất dễ nhận ra so với các thể loại tranh khác. Thời xưa, tranh dân gian được phổ biến rộng ở miền Bắc vào dịp Tết âm lịch, khai thác nhiều chủ đề đa dạng, cả tôn giáo lẫn thế tục.
Ky uc Dong Duong anh 6
Ép dầu trên đường Cái Quan (Hà Nội, tháng 12/1937, khuyết danh). Dù nhìn qua có vẻ sơ sài nhưng kiểu ép dầu bằng chêm này rất hiệu quả, từng được nhiều ngành nghề khác nhau sử dụng, trong đó có những người làm dầu trẩu, còn gọi là dầu gỗ Tàu, dùng làm sơn mài. Bã hạt được nghiền nát, rang sơ qua rồi cho vào một cái khoang nằm giữa hai vật chèn bằng gỗ. Những vật chèn này được gắn một cái vồ tạo lực mạnh và dầu chảy qua một cái khe được làm sẵn để hứng dầu.
Ky uc Dong Duong anh 7
Thợ thủ công nam, nữ đang làm mành tre (khuyết niên đại, khuyết danh). Thường được gọi chung là “khu 36 phố phường” dành cho nhiều phường hội nghề nghiệp nhưng khu phố cổ Hà Nội, nằm ở phía Bắc bờ hồ, chỉ trải dài trên diện tích không quá một trăm héc ta bao gồm các phố có tên gọi theo hoạt động nghề nghiệp ngày xưa (Hàng Dầu, Hàng Bông, Hàng Vải, Hàng Buồm, Hàng Muối, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Mành…).
Ky uc Dong Duong anh 8
Thợ thủ công, bán đồ thiếc và người bán nón (khuyết niên đại, khuyết danh).
Ky uc Dong Duong anh 9
Đàn trâu trầm mình dưới ao, bên cạnh ruộng lúa, hình ảnh bình thường nhưng thể hiện vị trí quan trọng của con trâu trong sản xuất nông nghiệp (khuyết niên đại, L. Finot).
Ky uc Dong Duong anh 10
Thầy cúng đứng sau hai người đàn ông đang ngồi gọi hồn trước cây đa ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Đồ cúng được bày trên hai chiếc bàn ở dưới gốc gây. Cây đa cổ thụ trăm tuổi hiện nay vẫn còn trước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tên cũ là bảo tàng Louis Finot (khuyết niên đại, khuyết danh).
Ky uc Dong Duong anh 11
Sách Ký ức Đông Dương: Việt Nam – Campuchia – Lào, tác giả: Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Eric Bourdonneau, Philippe Lefailler, Michel Lorillard; Nguyễn Thị Hiệp dịch tiếng Việt; David Smith dịch tiếng Anh; Olivier Tessier biên soạn; Zac Herman hiệu đính. Sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam ấn hành tháng 6/2020, sau hơn hai năm bắt tay thực hiện. Đây là ấn bản đầu tiên có 3 ngôn ngữ: Việt – Pháp – Anh.
Minh Châu & Quỳnh My / Zing

THẾ GIỚI NGẦM DƯỚI ĐÁY PARIS GẦN 200 NĂM TRƯỚC

“Bí mật thành Paris” được đông đảo bạn đọc mọi tầng lớp đón nhận khi miêu tả sống động xã hội Paris thế kỷ 19.

Tiểu thuyết Bí mật thành Paris của Eugène Sue được đăng nhiều kỳ trên báo Tranh luận từ tháng 6/1842 đến tháng 10/1843, đã đạt được thành công chưa từng có cho đến lúc bấy giờ.

Mặc dù được xuất bản trên một ấn phẩm dành riêng cho giới có thu nhập cao trong xã hội nhưng tiểu thuyết của Sue vẫn tìm được nhiều độc giả trong các tầng lớp lao động.

Sự thu hút đông đảo độc giả nhiều tầng lớp này có những nguyên nhân từ: Nội dung hiện thực gắn với sự quan sát đời sống và tiếp xúc của đại đa số người dân và nhất là họ được tiếp cận nó thường xuyên dưới dạng “tiểu thuyết nhiều kỳ” (roman-feuilleton) và nghệ thuật của tiểu thuyết.

Bức tranh bạo liệt và u tối về thành Paris

Trước khi bước vào tiểu thuyết, tác giả đã có một vài lời giới thiệu (không có trong bản dịch tiếng Việt): Về thế giới ngầm của những con người có “ngôn ngữ riêng; ngôn ngữ bí ẩn, chứa đầy những hình ảnh tai hại, những ẩn dụ rỉ máu” và thường gọi nhau bằng biệt danh lấy từ “sự tàn ác, một số lợi thế hoặc một số dị tật về thể chất” của họ, nhìn chung, đó là một bức tranh bạo liệt, u tối, tội ác.

Eugène Sue đắn đo: “Chúng tôi phân vân không biết nên dừng lại hay tiếp tục con đường mình đang đi, nếu những bức tranh như vậy được đặt ra trước mắt độc giả”.

Sau những phân vân đó, tác giả đã nói lên quan điểm “chúng tôi tin vào sức mạnh của sự tương phản” để xây dựng nhân vật. Sự tương phản chính là một phương pháp tâm đắc của chủ nghĩa lãng mạn: Sự tương phản giữa sáng và tối, thiện và ác, nhân đạo và tội ác…

Từ quan điểm nghệ thuật đó, Eugène Sue đã tái tạo nên các nhân vật, các tồn tại, trong đó có một số nhân vật có màu tối, mạnh mẽ, thậm chí có thể là thô ráp như những tương phản với một vài nhân vật chính nghĩa lương thiện khác.

Bi mat thanh Paris anh 2
Bộ sách Bí mật thành Paris mới tái bản. Ảnh: P. M.

Ông viết tiếp: “Người đọc đã được cảnh báo về chuyến du ngoạn mà chúng tôi đề nghị anh ta thực hiện giữa những người bản địa của chủng tộc vô sinh này, nơi sinh sống của các nhà tù và máu nhuộm đỏ các giàn giáo… có thể muốn đi theo chúng tôi. Chắc chắn cuộc điều tra này sẽ là mới mẻ đối với anh ta”.

Chính những nơi “bản địa của chủng tộc vô sinh này” với thứ ngôn ngữ tiếng lóng (argot) của họ đã khơi gợi sự tò mò pha lẫn sợ hãi của độc giả, dẫn dắt họ đi theo những tường thuật hấp dẫn của tác giả hết kỳ báo này sang kỳ khác.

Sự hấp dẫn đầu tiên và phù hợp với nhiều tầng lớp độc giả chính là nội dung kể về thế giới ngầm tăm tối, những hang ổ nơi tụ tập những kẻ giết người, trộm cắp, và những nạn nhân dưới đáy Paris với cuộc đời đầy đau khổ, éo le.

Rodolphe de Gerolstein, đại công tước Đức, người giả làm công nhân để hòa nhập với chức năng một nhân vật ân nhân, cứu tinh xuất hiện mang lại công bằng cho những người nghèo đức hạnh. Đó cũng là lý tưởng về công bằng xã hội của tác giả.

Ngay ở những trang đầu tiên, từ bóng tối, Rodolphe đã bước ra trong vai anh hùng cứu người đẹp: Cứu Sơn Ca (Goualeuse), một cô gái điếm trẻ khi bị tên đồ tể có tục danh Chọc Tiết (Chourineur) bắt nạt và đã đánh bại hắn. Sau khi hắn đã tâm phục khẩu phục, Rodolphe đã mời Chọc Tiết và cả Sơn Ca đi ăn tối. Mặc dù sống lăn lóc, bụi đời, nhưng Sơn Ca với phẩm cách của mình, vẫn được đám lưu manh đặt cho biệt danh đầy tôn trọng là Trinh Nữ (Fleur-de-Marie).

Các nhân vật sẽ kể lại câu chuyện cuộc đời của mình cho Rodolphe nghe. Sơn Ca, Chọc Tiết sẽ lần lượt được Rodolphe giúp đỡ và sống cuộc đời hướng thiện. Rồi chính Rodolphe đã gặp nạn… Nhiều nhân vật khác sẽ xuất hiện và được kể lại qua chính điểm nhìn của họ hoặc của người kể chuyện.

Trong suốt hơn 2.000 trang tiểu thuyết là những cuộc phiêu lưu gặp gỡ, chia ly, tù tội, giải cứu, những màn gay cấn, ngẫu nhiên nhận ra nhau mang tính kịch… giữa nhân vật trung tâm với các nhân vật khác đầy hồi hộp, hấp dẫn.

Bi mat thanh Paris anh 3
Chân dung nhà văn Eugène Sue của họa sĩ François-Gabriel Lépaulle. Nguồn ảnh: Bảo tàng Carnavalet.

Một câu chuyện đặc biệt gây nghiện

Sau khi Bí mật thành Paris được xuất bản và cho đến cuối thế kỉ 19, đã có không dưới 70 tác phẩm có nhan đề “bí mật” xuất hiện cả viết mới và in lại, chưa kể những “bí mật” đã được công bố trên báo chí và chưa được xuất bản thành tập.

Dù khi mới ra mắt bạn đọc dưới dạng “tiểu thuyết dài kỳ” (roman-feuilleton) có nhiều ý kiến trái chiều đã coi loại truyện kể đăng nhiều kỳ này là “văn học bình dân” (littérature populaire), “văn học ngoại biên” (paralittérature) hoặc Sainte-Beuve, nhà phê bình văn học tiếng tăm đương thời, gọi là “văn học công nghiệp”, ông chủ trương lĩnh vực kinh tế và nghệ thuật phải tách bạch, rõ ràng.

Gaschon de Molènes coi công việc của tiểu thuyết nhiều kỳ với công việc của dây chuyền lắp ráp của việc sản xuất văn học. Một điều rõ ràng là Bí mật thành Paris đã giúp cho doanh thu của báo tăng lên đáng kể do số lượng của độc giả.

Bi mat thanh Paris anh 4
Tranh minh họa của họa sĩ Oswaldo Tofani. Nguồn ảnh: Pinterest.

Eugène Sue đã tạo ra “một câu chuyện đặc biệt gây nghiện”, và dù bị một số người gièm pha, nó vẫn gây mê hoặc cho một số nhà phê bình, tác giả khác nổi tiếng cùng thời với Sue.

Nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình Théophile Gautier đã hóm hỉnh viết: “Bệnh nhân chờ đợi cho đến khi kết thúc Bí mật thành Paris để chết; điều kỳ diệu ‘Còn nữa’ cuối mỗi số báo đã kéo họ đi từ ngày này qua ngày khác, và thần chết hiểu rằng họ sẽ không yên lặng chừng nào họ còn chưa biết kết cục của trận sử thi kỳ quái này”.

Có thể hình dung “tiểu thuyết dài kỳ” ở thế kỷ 19 gần giống như ngày nay chúng ta theo dõi tin tức về chính trị, thời sự trong nước và trên thế giới, thiên tai, nhân tai, các tội ác, vụ án, những tai tiếng của giới giải trí… ngày này qua ngày khác trên mạng.

Nhưng ở đây ta đang nói đến nghệ thuật của Bí mật thành Paris khiến nó nổi tiếng. Trước hết cần phải đề cập đến thủ pháp trần thuật nối tiếp mang tính căng thẳng kịch phát như cảnh giải cứu, trong đó nhân vật nữ chính gặp nguy hiểm có thể chết người; cảnh đánh nhau, cãi cọ. Hoặc chiến lược lặp lại nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc thông qua các điểm nhìn phong phú từ chính các nhân vật hoặc của người kể chuyện đã tạo ra sự thu hút và liên tưởng cho độc giả.

Thi pháp của tiểu thuyết dài kỳ là phải dựa trên các thủ pháp “mồi nhử” hoặc “treo” (gián đoạn tạm thời) một tình huống hoặc một nhân vật ở tình huống gay cấn nhất để giải quyết sau.

Régis Messac gọi đó là “thẩm mỹ khác biệt” hay còn gọi là “thẩm mỹ phân kỳ”, khác với “thẩm mỹ hội tụ” theo kiểu của Edgar Poe giải quyết một lần.

Trong Bí mật thành Paris có khi sự kiện, nhân vật bị “treo” cách quãng ở các chương. Tuy nhiên, việc để sự kiện, nhân vật gián đoạn mục đích làm tăng mong muốn của người đọc muốn biết phần tiếp theo cũng ít nhiều gây ra, theo Barthe, một vài “sự miễn cưỡng” của cốt truyện do sự không đồng đều của nhịp căng thẳng.

Nhưng sự thành công ngoài mong đợi của cuốn tiểu thuyết của Sue vẫn để lại những “cơn phiền muộn thú vị” (Baroni) ở độc giả đương thời do những ngắt quãng, gián đoạn.

Bệnh nhân chờ đợi cho đến khi kết thúc Bí mật thành Paris để chết; điều kỳ diệu ‘Còn nữa’ cuối mỗi số báo đã kéo họ đi từ ngày này qua ngày khác”.

Théophile Gautier

“Cơn phiền muộn” đó sẽ thưởng công cho mong đợi của người đọc đạt đến cường độ tối đa hiệu quả thẩm mĩ sau khi kết thúc thiên truyện. Biểu đồ trồi sụt của đường cong căng thẳng cũng giúp cho người đọc tạm thời thoát khỏi câu chuyện và tiếp tục các hoạt động thường nhật của mình trước khi đọc phần tiếp theo.

Bên cạnh nghệ thuật hấp dẫn độc giả, kỹ thuật tiếp nối của “tiểu thuyết dài kỳ” ở đây còn là vấn đề tài chính. Chính là nhờ công của Eugène Sue mà những người phụ trách về xuất bản đã nhanh chóng hiểu được lợi nhuận có thể thu được từ một ấn phẩm.

Hợp đồng do Charles Gosselin soạn thảo đã nhanh chóng được ký kết với tác giả để in trên báo Tranh luận. Bắt đầu từ tháng 6/1842 đến tháng 10/1843, trong hơn một năm đó, “sử thi” Bí mật thành Paris đã gây nên một cơn bão chấn động về tin tức thời sự, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ và mối quan hệ tam giác giữa độc giả, tác phẩm và tác giả đã được gắn kết một cách chặt chẽ, thường trực hơn.

Sau hơn một thế kỷ rưỡi ra mắt độc giả Pháp và phương Tây, giờ đây bạn đọc Việt Nam đang có trong tay ấn phẩm rất đẹp, sang trọng bằng tiếng Việt do nhóm dịch giả Nguyễn Xuân Dương, Lâm Phúc Giáp, Hoàng Tiến Hành, Lưu Đức Hiên, Cao Hữu Nhu dịch.

Bộ sách do công ty sách Phúc Minh liên kết với NXB Hội Nhà văn in công phu, đầy đủ hơn so với 2 lần in trước ở các NXB Long An và NXB Văn học vào các năm 1989 và 1999, không có tranh minh họa.

Với ấn bản mới này, không chỉ hiệu đính, bộ sách được bổ sung thêm 185 tranh minh họa khắc kẽm của họa sĩ Oswaldo Tofani, từng được sử dụng trong phiên bản Les Mystères de Paris (Bí mật thành Paris), do NXB J. Rouff xuất bản năm 1885, nhằm giúp độc giả có cái nhìn chân thực nhất về con người và xã hội Paris thế kỉ 19.

Trong lần in này, ngoài ấn bản bìa mềm, còn có thêm 500 ấn bản bìa cứng. Bản bìa cứng được in trên giấy dày BB80 chống lóa và được đóng dấu triện số từ 001-500 dành cho độc giả yêu sách. Bản bìa mềm in thành 5 tập; bản cứng thành 3 tập.

PGS.TS Đào Duy Hiệp / Sách hay / Zing

Lộ diện người tìm ra kho báu trị giá 2 triệu USD ở Mỹ

Giới đam mê khám phá ở Mỹ xôn xao hồi tháng 6 khi một người ẩn danh tìm thấy kho báu trị giá 2 triệu USD của nhà buôn đồ cổ Forrest Fenn. Ngày 7/12, người bí ẩn buộc phải lộ diện.

Theo New York Times, chủ nhân bí ẩn của kho báu trên là Jack Stuef, 32 tuổi. Anh là sinh viên y khoa đến từ bang Michigan.

Rương kho báu có giá trị khoảng 2 triệu USD, được tìm thấy tại dãy núi Rocky. Đây được xem là một trong những thử thách lớn đối với dân săn lùng báu vật trong suốt một thập kỷ.

Chính tay nhà buôn đồ cổ Forrest Fenn cất giấu kho báu này nhằm tăng độ khó cho những người đam mê khám phá trong quá trình truy tìm.

tim thay kho bau 2 trieu USD anh 1
Ông Forrest Fenn, người đã cất giấu kho báu trị giá 2 triệu USD và mở ra một cuộc truy tìm kho báu thời hiện đại. Ảnh: MWP.
Truy tìm kho báu thời hiện đại

Shiloh Forrest Old, cháu trai của ông Forrest Fenn, tiết lộ trên trang web riêng rằng Jack Stuef tìm thấy nó vào ngày 6/6. Rương báu gồm nhiều vàng cốm, đá quý và đồ vật chế tác thời tiền Colombia.

Ông Fenn qua đời vào tháng 9 năm nay ở tuổi 90. Trong cuốn hồi ký The Thrill of the Chase (tạm dịch: thú vui của việc săn đuổi) tự xuất bản năm 2010, ông tiết lộ thông tin về chiếc rương kho báu, đồng thời cung cấp các manh mối dẫn đến vị trí của nó bằng một bài thơ 24 câu khó hiểu.

tim thay kho bau 2 trieu USD anh 2
Rương chứa kho báu của ông Forrest Fenn. Ảnh: Forrest Fenn.

Cuốn sách mở màn cho một cuộc truy tìm kho báu thời hiện đại. Ít nhất hai người thiệt mạng khi cố truy tìm nó.

Năm 2017, cảnh sát bang New Mexico thậm chí phải cố thuyết phục ông Fenn dừng cuộc săn lùng. Họ cũng cảnh báo rằng mọi người đang thách thức mạng sống của mình khi tham gia vào cuộc đua này.

Xóa tan các suy đoán vô lý

Ngày 7/12, Old, cháu trai của ông Fenn, cho biết gia đình anh buộc phải công khai tên của Stuef để dừng cuộc săn lùng theo lệnh của tòa án liên bang.

Tòa án đưa ra phán quyết trên, dựa vào một trong những vụ kiện chống lại ông Fenn.

Đơn kiện được gửi đi vào hai ngày sau khi kho báu được phát hiện. Nguyên đơn tự xưng là luật sư Barbara Andersen ở Chicago. Cô nộp đơn kiện lên tòa án ở Santa Fe vào ngày 8/6 để kiện ông Fenn và người giấu tên tìm thấy kho báu.

Luật sư Andersen nói rằng cô bị hack điện thoại và mất hết các suy luận về kho báu. Cô khẳng định mình mất nhiều năm miệt mài giải mã bài thơ của ông Fenn và tìm ra vị trí sơ bộ của nơi cất giấu.

Trong đơn kiện, Andersen yêu cầu tòa án phong tỏa các vật phẩm trong chiếc rương, không cho phép bán đấu giá và phải giao lại nó cho cô.

tim thay kho bau 2 trieu USD anh 3
Ông Forrest Fenn và anh Jack Stuef (trái) – người đã tìm thấy kho báu của Fenn. Ảnh: Jack Stuef.

Cũng trong ngày 7/12, anh Stuef thừa nhận mình là tác giả của bức thư nặc danh tưởng niệm ông Fenn được đăng trên trang web Medium vào tháng 9. Trong bức thư, người viết cho biết đã tìm thấy kho báu.

Stuef chia sẻ rằng anh biết về kho báu của ông Fenn vào năm 2018 và bị ám ảnh phải tìm ra nó.

Anh Stuef viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Outside ngày 7/12 rằng: “Tôi hơi xấu hổ vì bị kho báu ám ảnh quá mức. Trước khi tìm thấy nó, tôi trông như một tên ngốc vậy. Và có lẽ, tôi không muốn thừa nhận nó đã ảnh hưởng thế nào đến bản thân tôi”.

Anh Stuef không tiết lộ vị trí chính xác nơi anh tìm thấy kho báu.

“Tôi hy vọng nơi đó sẽ luôn giữ được vẻ nguyên sơ như khi ông ấy lần đầu phát hiện ra nó. Hai người thì có thể giữ được bí mật. Hiện tại, một người đã mất”, anh viết trong bài tưởng niệm ông Fenn vào tháng 9.

Về phần cháu trai của người phát động cuộc săn lùng kho báu, ông Old “chúc mừng Jack tìm được và mang chiếc rương báu về”. “Tôi hy vọng thông báo chính thức này sẽ xóa tan các phỏng đoán vô lý, cũng như các quan điểm từ chối chấp nhận sự thật”, ông nói.

Hồng Ngọc / Zing

Vì sao hút khách “khủng” nhưng thương hiệu “bún đậu rối nước” nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền?

Đậu Homemade – chuỗi bún đậu đình đám nhất TP HCM hiện nay không chỉ là “kẻ sống sót” từ “trào lưu bún đậu” năm 2012, mà còn ngoạn mục vượt Covid và chuẩn bị mở thêm cơ sở thứ 9. Tuy nhiên đến nay, thương hiệu này vẫn nói không với các đề nghị nhận nhượng quyền.

Đậu Homemade – chuỗi bún đậu đình đám nhất TP HCM hiện nay không chỉ là “kẻ sống sót” từ “trào lưu bún đậu” năm 2012, mà còn ngoạn mục vượt Covid và chuẩn bị mở thêm cơ sở thứ 9. Tuy nhiên đến nay, thương hiệu này vẫn nói không với các đề nghị nhận nhượng quyền.

Theo chia sẻ của founder Hoàng Hương Giang, mỗi cơ sở của Đậu Homemade hiện nay đón trung bình 300-500 lượt khách mỗi ngày, với mức chi dùng mỗi người khoảng 50 – 150 nghìn đồng. Đây không phải là mức giá rẻ đối với một món ăn dân dã như bún đậu mắm tôm, nhưng thực khách của chị vẫn sẵn sàng xếp hàng dài chờ đến lượt vào ăn, ngay cả khi Đậu Homemade đã trở thành thương hiệu quen thuộc trên thị trường sau 8 năm hoạt động.

Chị Giang là một doanh nhân giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B. Ngoài Đậu Homemade, chị còn là cổ đông chuỗi nhà hàng Việt cao cấp SH Garden với những mặt bằng đắt giá ở trung tâm TP HCM; đồng thời là nhà đầu tư rót vốn vào thương hiệu nhà hàng online Flyfood (Công ty CP Thức Ăn Bay). Công ty chị cũng là đối tác nhận nhượng quyền lớn của Cộng Cà phê với 8 cửa hàng tại thành phố mang tên Bác.

Khi tìm gặp chị Giang để được lý giải về sức hút lạ của Đậu Homemade, lần đầu tôi được biết có một nơi bán bún đậu mắm tôm mà cho khách nghe nhạc “sống”, miễn phí kem tráng miệng, sẵn sạc dự phòng cho khách dùng bất cứ lúc nào… Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả. Tôi còn được nghe một câu chuyện đậm đà hơn thế. Câu chuyện về một doanh nhân có tâm, xây dựng trang trại nông sản sạch làm nguồn cung riêng cho chuỗi nhà hàng; một nghệ sĩ múa rối nước quyết gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt bằng những sân khấu miễn phí ngay tại cơ sở kinh doanh của mình.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 1.

Founder Hoàng Hương Giang của Đậu Homemade

“Đua trend là cuộc chơi cần sự kiên trì!”

Chị bắt đầu hành trình với Đậu Homemade như thế nào?

Tôi xuất thân là người Hà Nội, sau này vào TP HCM làm tiếp viên hàng không, đi bay hơn 13 năm nên sẵn đam mê với ngành dịch vụ, cộng với nỗi nhớ thương món Bắc nên đến năm 2012 đã khai trương cửa hàng Đậu Homemade đầu tiên sau nhiều năm ấp ủ. Khi đó tôi chọn khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất để “ra quân”, nơi này có rất nhiều người Bắc sinh sống.

Tuy nhiên tôi được đón rất nhiều đối tượng khách hàng, không chỉ có người Bắc mà cả người miền Nam. Những người ở khu vực xa xôi cũng tìm đến ăn. Họ sẵn sàng xếp hàng dài ở ngoài để chờ đến lượt vào. Anh chị em bạn bè, đồng nghiệp đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon nhưng cũng rất chuộng món bún đậu của tôi. Có nhiều hôm cửa hàng của tôi bị quá tải, chỉ rộng vài chục mét vuông nhưng có tới 1000 lượt khách mỗi ngày.

Từ đó, tôi nhìn ra tiềm năng rất lớn cho món đặc sản này tại đây. Ẩm thực Bắc đã được đưa vào Nam rất lâu, từ những năm 1954, 1975 theo dòng người di cư nhưng chưa có một thương hiệu quy mô nào mà chỉ phát triển theo hướng gia truyền. Do vậy, chỉ sau 3 tháng khai trương cửa hàng đầu tiên, tôi đã lên kế hoạch phát triển rộng hơn cho Đậu Homemade.

Được biết năm 2012 cũng là thời điểm trào lưu bún đậu nổi lên rầm rộ ở TP HCM. Là một trong những người dẫn đầu xu hướng khi đó, chị sử dụng lợi thế này như thế nào để cạnh tranh?

Đúng vậy, thời điểm 2012 đến 2015 có thể nói là thời gian hoàng kim của bún đậu. Rất nhiều người đầu tư mở hàng bún đậu. Nhưng quan điểm của tôi ngay từ đầu là không có sự cạnh tranh, mà chúng tôi cùng là những người tạo ra xu hướng và một sân chơi mới. Chuyện có là người dẫn đầu hay không với tôi cũng không quan trọng. Vì thị trường ẩm thực là thị trường “mãi xanh”. Chuyện mở mới hay đóng cửa sẽ diễn ra liên tục. Quan trọng hơn là khoảng thời gian thương hiệu tồn tại.

Đua trend là một cuộc chơi cần sự kiên trì. Vượt qua thử thách 3 năm đầu tiên, món ăn sẽ không còn là trend nữa mà sẽ đi vào đời sống của mọi người, coi như sống sót thoát khỏi trào lưu. Sau đó là tạo lập thói quen ăn uống, duy trì lượng khách của mình bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để một món ăn đi vào một thị trường mới thường trải qua 4 giai đoạn trong lòng khách hàng: tò mò – thẩm định – quyết định món ăn này có hợp với mình không và sau cùng là lựa chọn nhà hàng nào phù hợp với họ.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 2.

Hình ảnh khách xếp hàng đã trở nên quen thuộc tại các cơ sở của Đậu Homemade

“Phải ngồi ăn khổ sở thì sự trải nghiệm món ngon không còn nữa”

Ngay cả hiện nay, thị trường này cũng không ngừng đón nhận những thương hiệu mới, của cả những người nổi tiếng trong showbiz. Điều gì khiến nhà hàng của chị vẫn được thực khách đón nhận tới độ xếp hàng dài như vậy?

Tạo ra nét độc đáo trong ngành F&B không chỉ là mang món ăn từ vùng miền này tới vùng miền khác để kinh doanh, mà còn là phục vụ khách những món ăn quen thuộc với cách thức mới mẻ. Tôi đã làm cả 2 điều đó với Đậu Homemade.

Trước sự ra đời của Đậu, thực khách vẫn quen với việc ăn bún đậu ngồi bàn ghế thấp, phải cúi gập người, ăn ở lề đường trong thời tiết oi nóng cũng là chuyện thường, ăn xong thì nhanh chóng đứng lên cho lượt khách khác vào… Nhiều cửa hàng bún đậu cùng thời vẫn giữ lại vài điểm của cách phục vụ này như một sự đặc trưng. Nhưng tôi thì nghĩ khác, nếu phải ngồi ăn khổ sở thì sự trải nghiệm món ngon không còn nữa. Tôi mang lại phong cách phục vụ khác hẳn: dùng bàn ghế cao, không gian có máy lạnh, có ghế trẻ em, kẹo thơm miệng, khăn, đũa, mâm, bát… đều được hoàn thiện nhằm tạo cho khách hàng sự tiện lợi nhất.

Tôi cũng thiết lập không gian bếp mở với những đầu bếp chuyên nghiệp đứng chiên đậu liên tục, chuẩn bị những món ăn nóng hổi… Tôi nghĩ đây là một món ăn nhạy cảm, thực khách rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên nhờ làm như vậy, khách có thể biết những gì đang diễn ra trong bếp, cảm nhận được đồ sạch, tươi, nóng của đồ ăn.

Bên cạnh đó là nhiều dịch vụ khác để tăng giá trị khách hàng như lấy kem ốc quế miễn phí, hỗ trợ khách sạc điện thoại… Cuối tuần có những cơ sở chúng tôi tổ chức nặn tò he, chú hề làm bong bóng, nhạc acoustic hoà tấu và đặc biệt là sân khấu múa rối nước. Nói chung khác xa với những gì mọi người thường tưởng tượng về món ăn bún đậu . Không chỉ trong phân khúc bún đậu mà nhiều loại hình nhà hàng Việt khác cũng không hoàn thiện dịch vụ theo hướng này.

Đến với Đậu Homemade, họ nhận lại được nhiều giá trị hơn là một suất bún. Tôi không sang hoá món ăn, không thay đổi bản chất mà chỉ tiện lợi hoá nó cũng như thay đổi suy nghĩ của mọi người. Bún đậu không chỉ là món lề đường mà còn là món đặc sản địa phương rất ngon. Còn gì tuyệt hơn việc được thưởng thức món khoái khẩu trong một không gian tiện nghi?

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 3.

Làm thế nào để chị nhân rộng sự thành công này trên toàn hệ thống?

Tôi đã rất thành công với cơ sở đầu tiên, nhưng để mở đến cửa hàng thứ 2 tôi mất tới 3 năm. Tôi dùng 3 năm này để hoàn thiện mọi thứ; đánh giá thị trường và đối tượng khách, tìm hiểu xem khách đến nhiều từ những quận nào, vì sao khách thích món ăn này, vị mắm tôm thế nào là phù hợp với khách miền Nam mà không đánh mất đặc trưng của miền Bắc… Sau khi tìm được một tập câu trả lời hoàn hảo cho hàng trăm câu hỏi như vậy, tôi mới bắt tay vào mở cửa hàng thứ hai. Và sau đó cũng áp dụng cách này với những cơ sở khác.

Cách làm của Đậu là “think local”, có thể coi mỗi quận là một thị trường nội địa. Khu vực nào tập trung nhiều bạn trẻ, tôi set up nhiều bàn 2 người, không gian sáng với thiết kế trẻ trung hơn, có chương trình nhạc hoà tấu vào cuối tuần. Nơi nào tập trung nhiều hộ gia đình, thường quây quần đi ăn thì tôi thiết kế không gian quán rộng rãi hơn, có khoảng sân và đồ chơi dành cho trẻ em. Trước khi mở cửa hàng mới, tôi đều nghiên cứu kỹ càng như vậy, chậm và có chút bảo thủ nhưng tỉ lệ thành công cao hơn.

Bên cạnh đó, cứ sau 5 năm phải tiến hành đổi mới thương hiệu một lần, tăng sức cạnh tranh với rất nhiều đối thủ mới xuất hiện trên thị trường.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 4.

“Không thể nhượng quyền hàng loạt rồi ‘sống chết mặc bay’!”

Mô hình kinh doanh của chị dường như đã đi vào ổn định, sắp mở cơ sở thứ 9 và cơ sở nào cũng làm ăn khá tốt. Tại sao chị vẫn không nhượng quyền thương hiệu để mở rộng quy mô như cách nhiều người vẫn làm hiện nay?

Để một mô hình kinh doanh phát triển nhanh thì có nhiều cách, trong đó có 2 cách phổ biến nhất là nhượng quyền và nhận vốn đầu tư từ bên ngoài. Nhưng cả 2 cách này Đậu đều không chọn dù mỗi năm nhận rất nhiều lời đề nghị từ nhiều đối tác ở các tỉnh thành khác. Tôi muốn nội lực của mình phải thực sự tốt đã. Tôi muốn hỏi ngược lại bạn rằng, tại sao cứ phải nhượng quyền và nhận đầu tư để phát triển mà không tự làm?

Khi nhận đầu tư là xác định tham gia cuộc chơi lớn, có cả thay đổi và cả đánh đổi. Còn câu chuyện nhượng quyền tôi đã hiểu quá rõ vì đã có kinh nghiệm với Cộng Cà phê. Để trở thành đối tác của Cộng, chúng tôi đã trải qua một quá trình xét chọn rất kỹ càng về cả chuyên môn lẫn tinh thần hợp tác dài lâu.

Ngành đồ ăn khác với đồ uống, còn khó hơn nhiều! Với mảng đồ uống, thương hiệu có thể dễ dàng cung cấp nguyên liệu từ nơi khác tới, đào tạo công thức và sử dụng các công cụ kiểm soát để theo dõi. Nhưng khi nhượng quyền đồ ăn thì phải sử dụng tới 70% nguyên liệu và nhân sự của địa phương đó. Nếu không khéo quản lý, độ lệch sẽ rất lớn. Tôi sẽ chỉ triển khai nhượng quyền khi đảm bảo những chuyện này không xảy ra. Một khi rời khỏi thành phố này, cửa hàng nhượng quyền cũng phải giống cửa hàng gốc ở mức “một chín một mười”.

Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng nhượng quyền, điều đầu tiên phải nghĩ đến là sự thành công của người nhận, của người đầu tư. Tôi muốn đảm bảo thị trường của người đó tiềm năng, đảm bảo người đó sẽ dành thời gian cho cửa hàng và đôi bên có chung tiếng nói trong việc đồng hành và phát triển… Chứ không phải bán lấy tiền cho xong như nhiều thương hiệu hiện nay đang làm, chóng nở tối tàn, nhượng quyền hàng loạt rồi “sống chết mặc bay”.

Nhân đây tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bạn muốn nhận nhượng quyền thương hiệu của tôi rằng, mọi thứ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tôi sẽ triển khai khi thấy thời điểm chín muồi và đủ duyên.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 5.

Trang trại rau sạch của Đậu Homemade

Chính vì sự cầu toàn này mà chị quyết định tự phát triển trang trại riêng? Trang trại của chị quy mô ra sao?

Có thể nói là như vậy. Đây là một bước ngoặt đối với tôi. Năm 2018, khi cảm thấy đã đủ tiềm lực, tôi đầu tư một khu đất rộng 5ha tại Lâm Đồng, ký hợp đồng với công ty Hachi chuyên về nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau ăn lá và rau gia vị bằng phương pháp thuỷ canh, khí canh.

Tôi muốn món ăn phải thật tròn vị, nhất là khi mang món ăn ở địa phương này tới địa phương khác, phải giữ được trọn vẹn bản sắc. Bún đậu là món ăn đơn giản nhưng điểm tinh tế nằm ở những chi tiết nhỏ như rau gia vị gồm tía tô, kinh giới, dưa chuột,… Tôi đã lấy giống cây ở ngoài Bắc, khí hậu tại Lâm Đồng cũng khá tương đồng nên sẽ cho ra những nông sản với đầy đủ mùi vị riêng cua Bắc Bộ mà không đâu có được. Món đậu tại Đậu Homemade cũng được làm theo công thức riêng của người Bắc.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 6.

Trang trại rau sạch của Đậu Homemade

“‘Phốt’ trong ngành dịch vụ chủ yếu là do thái độ!”

Với những đặc thù về dịch vụ như vậy, hẳn chị phải vất vả trong quá trình tuyển và đào tạo nhân sự?

Tôi định hướng doanh nghiệp của mình phát triển theo hướng “tự lực cánh sinh” nên sẽ phải tự làm tất cả mọi thứ. Trong đó việc đầu tiên và quan trọng nhất là phát triển con người. Nếu mình là một thương hiệu ngoại nhập, có sẵn tiếng tăm thì không khó để thu hút nhân sự giỏi về làm. Nhưng với một thương hiệu nhỏ mới thành lập như cách đây 8 năm thì tôi chỉ có sự chân thành và những mối quan hệ cá nhân.

Tôi có lợi thế 13 năm làm tiếp viên hàng không, đến giờ trong đội ngũ quản trị của tôi cũng có 3, 4 người là dân dịch vụ hàng không kỳ cựu. Chúng tôi tự xây dựng những chương trình đào tạo ngắn gọn, đơn giản, đi vào lòng người để hưỡng dẫn cho các bạn, không cần theo chuẩn 5 sao nhưng phải theo đúng tiêu chuẩn của thương hiệu về thái độ và kỹ năng.

Trên mạng xã hội hiện không ít chuyện các nhà hàng bị bóc “phốt” vì chất lượng món ăn hoặc dịch vụ. Ở Đậu, chị đối phó với những vấn đề này như thế nào?

Tôi sử dụng tới 70% thời lượng đào tạo để tập trung vào thái độ và cách giải quyết vấn đề. Theo tôi, mấu chốt của mọi “phốt” xảy ra trong ngành dịch vụ đến từ thái độ chứ không phải từ kỹ năng. Tôi luôn nhắc nhân viên của mình rằng, không sợ mắc lỗi, chỉ sợ không có cơ hội để xin lỗi.

Khi xảy ra sự cố tại nhà hàng, bạn chỉ có 3 – 5 phút để giải quyết vấn đề trước khi cơn tức giận của khách bốc lên, quản lý hoặc trưởng ca phải “bay” tới ngay. Với các dịch vụ online, con số này là 15 phút và phải túc trực liên tục để kịp thời phản hồi ngay khi khách gọi. Dù chỉ là thiếu một hộp mắm, khách ở xa đến thế nào cũng phải tức tốc đặt xe để ship bù cho khách. Nếu vấn đề không được giải quyết sau 15 phút, không ai còn cảm xúc gì để ăn đồ của bạn nữa.

Với những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bạn chỉ có một tiếng “vàng”, bằng mọi cách phải liên hệ với khách, thăm hỏi, quan tâm…; tìm hiểu đúng sai để sau, đặt thiện chí giải quyết lên hàng đầu. Tốc độ giải quyết cũng rất quan trọng, cho nên tôi gần như cắt hết những quy trình “lằng nhằng” như chat qua chat lại, gửi thông tin, xin ý kiến hay báo cáo qua nhiều bộ phận. Tôi trao quyền giải quyết cho các bạn quản lý để đạt tốc độ xử lý nhanh nhất có thể. Đặc biệt là phải chân thành, cầu thị, nếu không thì chẳng nghĩa lý gì.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 7.

Một góc sân khấu thuỷ đình của Đậu Homemade

Lấy bún đậu “nuôi” múa rối nước

Tôi thấy tại Đậu Homemade chị có set up những sân khấu múa rối nước, từ đâu chị có ý tưởng này?

Đây là câu chuyện dài, khởi nguồn từ tuổi thơ của tôi khi sống ở khu phố cổ Hà Nội cùng gia đình. Mỗi ngày tôi đều đi học về qua Nhà hát múa rối Thăng Long và thấy rất nhiều xe ô tô chở người nước ngoài vào xem. Ấy vậy mà không bao giờ thấy các gia đình và trẻ con Việt vào xem cả. Tôi đã nghĩ đây là những buổi diễn dành riêng cho “Tây”. Sau này khi biết đó là sân khấu múa rối nước, một loại hình nghệ thuật truyền thống rất hay của Việt Nam, tôi đã rất trăn trở. Tôi sợ rằng một ngày nào đó sẽ phải nhờ người nước ngoài giải thích cho thế hệ sau của chúng ta về nghệ thuật dân gian của chính chúng ta. Tôi tự hỏi, tại sao người Việt có thể bỏ ra vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu cho một đêm nhạc mà ngại ngần vài chục nghìn đi xem môn nghệ thuật dân tộc đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia?

Bên cạnh đó, bố tôi cũng là một nhà nghiên cứu về văn hoá dân gian nên tôi hiểu được rằng, muốn bảo tồn và duy trì các bộ môn nghệ thuật truyền thống, chúng ta phải dùng hình thức xã hội hoá. Nhà nước dù rất quan tâm nhưng ngân sách công có hạn. Tôi biết hiện nay, nhiều nhà hát múa rối đang phải tồn tại chỉ bằng nguồn thu từ khách du lịch.

Giữ mãi trăn trở này cho đến khi trở thành một doanh nhân với những thành công nhất định, tôi quyết định đưa sân khấu múa rối nước vào trong nhà hàng của mình lần đầu vào năm 2015. Khách hàng của tôi toàn là các bạn trẻ, gia đình người Việt. Khi họ đến ăn và được xem múa rối miễn phí, họ sẽ biết nước ta có một môn nghệ thuật tuyệt vời như vậy.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 8.

Chị Giang tự mình biểu diễn múa rối nước phục vụ khách hàng.

Chị tìm đâu nghệ nhân múa rối nước ở giữa Sài Gòn này?

Tự tôi đã theo học thầy Phan Thanh Liêm – truyền nhân của dòng họ Phan ở Nam Định, 7 đời biểu diễn múa rối nước. Họ không có tiền lệ truyền nghề cho người ngoài nhưng bằng sự chân thành của mình, tôi đã thuyết phục được. Thầy Liêm còn đích thân vào Nam giúp tôi set up sân khấu thuỷ đình.

Sau đó các bạn nhân viên của Đậu cũng được đào tạo trở thành người biểu diễn múa rối nước. Giờ đây chúng tôi đã có một đội riêng, còn đến các trường học, bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội… để biểu diễn giao lưu. Đây chính là cách xã hội hoá mà tôi đã nói.

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 9.

Có thể nói đây là một hình thức marketing của Đậu?

Có khi ngược lại mới đúng. Tôi đang dùng các nguồn lực của mình để nuôi việc biểu diễn múa rối nước. Ít người biết tôi là hội viên của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới được phê duyệt.

Hiện chúng tôi vẫn duy trì hoạt động biểu diễn giao lưu miễn phí. Có những trường mầm non gửi e-mail cho tôi để hỏi: Các cháu không ăn được bún đậu nhưng muốn xem múa rối nước thì phải làm thế nào? Tôi không ngần ngại mời cô giáo và các cháu đến xem, khoá lại một tầng lầu, cho nhân viên nghỉ việc để biểu diễn phục vụ. Đó là cách bao lâu nay tôi vẫn làm. Chừng nào hệ thống còn tốt, tôi còn duy trì biểu diễn múa rối và sẵn sàng mang sân khấu này đi bất cứ đâu có thể. Chỉ cần mỗi lúc nhìn ra sau tấm rèm, tôi thấy đông khách Việt Nam hơn là vui rồi!

Vì sao hút khách khủng nhưng thương hiệu bún đậu rối nước nổi tiếng Sài Thành không nhượng quyền? - Ảnh 10.

Sân khấu múa rối nước của Đậu Homemade được nhiều người yêu mến.

Một khi đã kinh doanh, sứ mệnh lớn nhất là lo đủ việc cho nhân viên

Được biết chị sắp mở thêm hai cửa hàng mới, mùa Covid của chị có vẻ như không “đen tối” như nhiều người kinh doanh F&B khác?

Thiệt hại kinh khủng là khác. Tôi nghĩ đây là tình trạng chung của mọi người thôi, trừ một vài ngành đặc thù như thiết bị y tế, chăm sóc sức khoẻ… Trong ngành của tôi, đặc biệt là với những người kinh doanh chuỗi, câu hỏi thường trực chúng tôi nhận được trong suốt thời gian qua là: Phải đóng mấy cửa hàng? Lỗ bao nhiêu vậy?… Tôi chỉ trả lời ngắn gọn: Người của tôi còn nguyên.

Như đã chia sẻ với bạn, tôi tự xây dựng đội ngũ của mình, tạo niềm tin và sự gắn kết trong suốt 8 năm từ khi chỉ là một hàng bún đậu nhỏ ở khu sân bay cho tới ngày được như hôm nay. Đó là cả một quá trình khó khăn, do vậy khi gặp “bão”, tôi chỉ lo giữ người – tài sản quý nhất, thành tựu lớn nhất đối với tôi kể từ khi mới kinh doanh tới giờ. Tôi tâm niệm “còn người còn của”, đóng cửa hàng này còn có thể mở cửa hàng khác nhưng người tâm phúc thì không dễ gì có được.

Chị có lời khuyên nào với các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B không?

Không bạn ạ! Tôi rất sợ đưa ra lời khuyên vì luôn nghĩ mình chưa đủ giỏi, chưa đủ tầm. Suy nghĩ của tôi về kinh doanh cũng rất đơn giản và thực tế, sứ mệnh lớn nhất với tôi là phải lo đủ việc cho nhân viên và làm thế nào để có khách. Không có gì phức tạp hay đao to búa lớn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Diệu Anh / Shoha

Lá phiếu cử tri đoàn


Tại một phòng bỏ phiếu tại Windham, New Hampshire, 3 tháng 11.
Tại một phòng bỏ phiếu tại Windham, New Hampshire, 3 tháng 11.


Rất hiếm hoi mà một cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa có kết quả sau đôi ngày bầu cử. Trong khi số phiếu phổ thông cho thấy cựu Phó Tổng Thống Joe Biden vượt đương kiêm tổng thống Donald Trump hơn 3.5 triệu phiếu, cả thế giới vẫn chưa biết chắc ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm đến. Điều này liên quan đến thể thức cử tri đoàn mà nhân dịp này chúng ta có thể điểm lại đôi nét tại sao nó ra đời và tại sao nước Mỹ vẫn còn sử dụng cho đến nay.
Mỗi mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, người ta lại nhắc về thể thức bầu cử cử tri đoàn chỉ có mỗi Hoa Kỳ áp dụng, thay cho phổ thông đầu phiếu được áp dụng trên thế giới. Đã có năm lần trong lịch sử, dù ứng viên thắng phiếu phổ thông, tức có tổng số phiếu bầu cao hơn nhưng đã thất cử vì thua phiếu cử tri đoàn. Chính vì vậy vẫn luôn có cuộc tranh luận cho đến nay là, liệu thể thức hơn 200 tuổi này đã lạc hậu và cần thay đổi hay sẽ vẫn là thể thức bầu cử lâu dài của Hoa Kỳ?

Cử tri đoàn là thể thức chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ do hiến pháp Hoa Kỳ quy định. Số lượng cử tri đại biểu hay còn gọi là “đại cử tri” trong cử tri đoàn sẽ tương ứng cùng con số 435 dân biểu Hạ Viện và 100 Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ, cộng thêm ba đại cử tri của đặc khu Washington DC, tổng cộng là 538 người. Ứng viên nào nhận được quá bán tổng số cử tri đoàn, tức 270 phiếu sẽ thắng cử chức vụ tổng thống.

Khi cử tri đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng thống, họ thực sự đang bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri cam kết sẽ thay mặt cử tri để bỏ lá phiếu của họ cho các ứng viên có đa số phiếu bầu trong tiểu bang mình, mà hầu hết các bang đều theo công thức “được ăn cả, ngã về không”, tức thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang nào sẽ nhận hết các lá phiếu cử tri đoàn tại tiểu bang đó.
Quay lại cùng lịch sử, trong số rất nhiều vấn đề hóc búa được những nhà lập quốc tham dự Công ước Hiến pháp tại Philadelphia vào năm 1787 (Constitutional Convention) tranh luận là cách bầu chọn tổng thống. Cho đến bấy giờ thì chưa có quốc gia nào có thể thức bầu chọn tổng thống, cũng như là quốc gia non trẻ vừa thoát khỏi ách thuộc địa của Anh đi theo thể chế cộng hòa nên các nhà lập quốc phải bàn thảo, tìm ra phương cách áp dụng cho riêng mình. Các nhà lập quốc đã tranh luận trong nhiều tháng trời, với một số lập luận rằng Quốc Hội nên là cơ quan bầu chọn tổng thống và những người khác kiên quyết đòi một cuộc bầu cử đầu phiếu phổ thông dân chủ.

Giải pháp Quốc Hội bầu chọn tổng thống bị cho rằng sẽ tạo ra sự thông đồng, cấu kết giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp, đưa ra các tệ nạn chính trị và tham nhũng mà không kiểm soát nhau theo thể chế tam quyền phân lập. Còn theo thể thức phổ thông đầu phiếu thì lúc bấy giờ người dân ở rải rác, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh không có phương tiện để biết đến các ứng viên tổng thống, hoặc sự lo ngại có thế lực khống chế người dân bỏ phiếu cho kẻ độc tài hay một ứng viên mang chủ nghĩa dân túy có khả năng quyến dụ người dân nhưng thực chất là kẻ nguy hiểm cho quốc gia. Kết quả và thỏa thuận cuối cùng sau các tranh luận là thể thức “Cử Tri Đoàn” ra đời và được sử dụng cho đến nay.

Cử tri đoàn là thế nào?

Trong số các cuộc tranh luận kéo dài đó, đã có một thỏa hiệp dựa trên ý tưởng của giải pháp “trung gian” qua việc bầu cử trung gian. Những đại biểu trung gian sẽ không được chọn bởi Quốc Hội hoặc do người dân bầu chọn mà do mỗi bang sẽ chỉ định những “đại cử tri” độc lập, những người sẽ thực sự cân nhắc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ tổng thống. Điều cần lưu ý ở đây là vào thời điểm này, chưa có đảng phái chính trị nên lá phiếu đầy thận trọng của các đại cử tri này rất độc lập và chính trực, không bỏ theo lịnh của tiểu bang hay mang tính đảng phái.

Tổng thống George Washington là tổng thống duy nhất đã từng được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại cử tri để trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng kể từ sau cuộc bầu cử này, các tiểu bang thay đổi luật lệ cũng như sự ra đời của các đảng phái chính trị, với đảng Dân Chủ ra đời năm 1828 và đảng Cộng Hòa ra đời năm 1854, bỏ phiếu theo cử tri đoàn đã bắt đầu có những thay đổi về số đại cử tri tri mỗi tiểu bang, cách chọn đại biểu, đại diện theo phiếu phổ thông… nhưng nói chung vẫn giữ theo thể thức như ban đầu.

Các tiểu bang đã có danh sách các đại cử tri của tiểu bang mình để bỏ lá phiếu thông thường vào trung tuần tháng 12 theo sau cuộc bầu cử, năm nay sẽ là ngày 14 tháng 12. Mỗi tiểu bang sẽ có cách chọn đại cử tri khác nhau nhưng thông thường là các tiểu bang sẽ đề cử các đại cử tri, là những người tích cực hoạt động đảng phái chính trị được đảng mình đề cử hay tự ra ứng cử và được bầu chọn tại đại hội đảng cấp tiểu bang.

Những người ủng hộ thể thức này cho rằng nó là yếu tố căn bản của chủ nghĩa liên bang, cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang và tạo sự ổn định chính trị. Những người chỉ trích thì cho rằng xã hội và hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã khác xa hơn 200 năm trước, nó thiếu dân chủ và không thể hiện ý nguyện toàn dân. Với một phân bổ địa chính trị rõ ràng giữa các tiểu bang như hiện nay, rốt lại thể thức bầu cử này đã làm cho các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ còn phụ thuộc vào kết quả từ một số tiểu bang dao động, cũng như sự chọn lựa toàn dân cũng không là kết quả cuối cùng như mọi người đang thấy hiện nay.

Tuy nhiên việc thay đổi thể thức này xem ra khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Các đảng phái chính trị không muốn thay đổi vì một khi chuyển sang phổ thông đầu phiếu thì nó sẽ có lợi cho đảng nào được đông đảo người dân ủng hộ và đảng đó sẽ có nhiều cơ hội thắng cử liên tục trong các cuộc bầu cử. Việc cần hai phần ba dân biểu Quốc Hội chuẩn thuận và ba phần tư tiểu bang đồng ý đã giúp cho đảng bất lợi duy trì được thể thức này. Nên dù nhìn nhận thế nào thì thể thức cử tri đoàn này sẽ còn duy trì rất lâu trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Đinh Yên Thảo / VOA

Tại sao Tổng thống Mỹ Trump lại xứng đáng tái đắc cử?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Reuters)

Gần đây Vision Times cho đăng một bài viết trong đó đề cập tới những điều thú vị trong tính cách, quan niệm và sự độc đáo trong cách điều hành đất nước của Tổng thống Trump. Bài viết cũng chỉ ra sự phi lý của truyền thông thiên tả khi tìm mọi cách để lật đổ vị tổng thống không nhận lương và muốn bảo vệ đạo đức truyền thống.

Dưới đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả phần chuyển ngữ nội dung chính của bài viết.

Tất cả chúng ta đều biết Tổng thống (TT) Trump là một doanh nhân. Trước khi bước vào Tòa Bạch Ốc, ông chưa bao giờ là một chính trị gia, ông cũng không hiểu được quy tắc của những chính khách, chính trị gia kia là gì.

Trong 40 năm trở lại đây, tôi đã từng nghe được nhiều lời nói, lời hứa của những vị tổng thống, trừ tổng thống Reagan ra, tôi thấy rằng các tổng thống đều giống nhau ở lối nói vòng vo, nghe qua thì rất hay nhưng đối với tôi những lời nói của họ thật vô nghĩa. Nhưng TT Trump không giống như vậy, nếu ông nhìn thấy những điều bất bình sai trái sẽ nói ngay, không kiêng nể điều gì.

Các tổng thống đều biết rằng, truyền thông, báo chí là những con dao có thể đâm sau lưng mình. Vì vậy, suốt 80 năm qua, từ khi kết thúc thế chiến thứ hai, tổng thống nào cũng thể hiện sự ưu ái đối với truyền thông, cưng chiều lực lượng này hết mức vì sợ rằng bị nói xấu.

Nhưng mọi suy nghĩ trước đây của tôi đã thay đổi, vì tôi đã gặp được TT Trump. Đối với các kênh truyền thông, ông không hề nịnh nọt mà lại trực tiếp vạch trần những việc làm sai trái của họ. Chính vì vậy các tờ báo, kênh truyền thông cánh tả đã tẩy chay TT Trump. Họ còn đưa những tin vu khống nói TT Trump là một kẻ thù hận, phân biệt chủng tộc, phản nhân loại và kẻ hủy diệt thế giới một cách điên cuồng.

Chúng ta hãy cùng bình tĩnh suy nghĩ xem, ông Tổng thống này rốt cuộc là như thế nào?
TT Trump có phân biệt chủng tộc không? Ông từng nói rằng “Người da đen có tỷ lệ tội phạm cao nhất”. Truyền thông thiên tả đã “chộp” lấy câu nói này của ông để chỉ trích và gán ghép ông là phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, họ chỉ cho công chúng xem một nửa sự thật, câu nói ngay phía sau của Tổng thống Trump: “Chúng tôi muốn giúp đỡ giáo dục cộng đồng người da đen” đã bị cắt đi. Trong ba năm qua, TT Trump đã ký nhiều đạo luật để hỗ trợ cho các trường đại học và cao đẳng dành cho người da đen. Đây đều là sự thật mà các bạn có thể kiểm tra trên Google.

Truyền thông thiên tả cũng từng tích cực loan đi phát biểu của Tổng thống Trump rằng “Baltimore là thành phố bẩn nhất và hôi hám nhất ở Mỹ, toàn người da đen nhập cư trái phép, nó còn không bằng một quốc gia thế giới thứ ba”. Nhưng câu thứ hai trong phát biểu này của ông thì họ không đưa: “Chính phủ liên bang đã cung cấp hơn một tỷ đôla để cải thiện tình hình mỗi năm, nhưng kết quả là bị những thống đốc và thị trưởng tham ô này biển thủ, những quan chức này là những kẻ vô liêm sỉ nhất”.

Trên thực tế, tỷ lệ người da đen có việc làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của TT Trump là cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khi TT Trump nói “những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Nam Mỹ là khủng khiếp nhất, là mối đe dọa đối lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ”. Sau phát biểu này chắc hẳn lại là những bài báo đưa tin rằng ông Trump phân biệt đối xử, kỳ thị người Tây Ban Nha. Chúng ta đều biết rằng, nhiều người nhập cư bất hợp pháp tới từ những nhóm tội phạm và không quốc gia nào chào đón họ cả. Tổng thống Trump không hề phân biệt chủng tộc, tỷ lệ việc làm cho người gốc Tây Ban Nha trong ba năm đầu trong nhiệm kỳ của ông Trump cũng là cao nhất trong lịch sử.

TT Trump nói rằng “sinh viên Trung Quốc du học nước ngoài là gián điệp”. Phát biểu này lại không được truyền thông thiên tả đưa tin nhiều. Nhiều Hoa Kiều tỏ ra không vui với phát biểu này của ông Trump, nhưng sự thật là, rất nhiều sinh viên Trung Quốc đã bị bắt tại Mỹ khi đang làm gián điệp, đây là một thực tế.

Sau khi Tổng thống Trump đắc cử vào năm 2016, người ta đều lo sợ với cá tính mạnh mẽ, ông sẽ “điên cuồng” lao vào cuộc chiến chống lại Iran, Israel, Triều Tiên và tổ chức khủng bố ISIS. Truyền thông thiên tả đều cảnh báo người dân Mỹ về chiến tranh thế giới thứ ba mà người kích hoạt chính là Donald Trump. Nhưng thực tế sau nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump cho thấy ông là tổng thống hòa bình nhất, nước Mỹ đã tránh được tối đa thiệt hại sinh mạng và tiền của vào những cuộc chiến kéo dài bất tận. Chúng ta cùng xem những con số thống kê dưới đây để thấy rõ hơn điều này:

  • Tổng thống Bush: 5.000 lính Mỹ ở Trung Đông thiệt mạng.
  • Tổng thống Obama: 2.500 lính Mỹ ở Trung Đông thiệt mạng.
  • Tính đến nay, dưới thời Tổng thống Trump, chỉ có 63 lính Mỹ hi sinh khi làm nhiệm vụ ở Trung Đông.
  • Trong vòng chưa đầy ba năm Tổng thống Trump đã xóa sổ nhóm khủng bố khét tiếng ISIS được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời gian 8 năm Obama ở Nhà Trắng.
  • Vào đầu năm nay, một chiếc máy bay không người lái đã tiêu diệt được Qasem Soleimani, nhân vật có quyền lực thứ hai trong chính quyền Iran. Còn đối với Triều Tiên, kể từ 2017 quốc gia này đã không còn thực hiện các vụ thử vũ khí hạng nặng.

Chúng ta đều biết TT Trump là một doanh nhân và một tỷ phú, trong lòng ông ấy coi Hoa Kỳ như một công ty. Việc cư xử với người dân Mỹ cũng tương tự như cư xử với nhân viên ở công ty, nhân viên cần được đối xử tốt và có mức thu nhập cao. Các phòng ban của công ty không kiếm được tiền mà chỉ thua lỗ thì phải bị cắt tiền thưởng, nếu không công ty sớm muộn cũng thua lỗ và đóng cửa. Công ty kiếm ra tiền, và nhân viên của họ có công việc tốt. Đây là cách điều hành đất nước của Tổng thống Trump, người dân có công ăn việc làm và kiếm tiền nuôi gia đình, kinh tế tự nhiên tốt thì xã hội mới lành mạnh.

Câu hỏi mà chúng ta đặt là gì? chúng ta hãy cùng suy nghĩ, Vị tỷ phú này đang làm gì vậy? Không nhận lương, nếu gia đình ông thủ lợi nhờ việc ông làm Tổng thống thì truyền thông thiên tả đã không bỏ qua, nhưng cho tới nay không có bất kỳ thông tin nào liên quan. Thực tế đã cho thấy Tổng thống Trump không phải người thù hận, phân biệt chủng tộc, điên cuồng chiến tranh. Vậy hỏi tại sao các kênh truyền thông cánh tả lại luôn bôi nhọ ông? Mục đích của họ là gì? Phải chăng có những thế lực nào đó đang đứng sau thao túng?

Lục Du / ĐKN