Bảo tàng Dược cổ truyền Việt Nam có kiến trúc giống tòa nhà cổ, trưng bày khoảng 3.000 hiện vật về y học cổ truyền.
Bảo tàng nằm ở mặt tiền quốc lộ 13, đoạn qua thị xã Thuận An (Bình Dương), cách trung tâm TP HCM khoảng 15 km. Công trình có diện tích hơn 2.000 m2, xây dựng giống như một khu nhà cổ truyền thống Việt Nam.
Đây là bảo tàng tư nhân, hoạt động từ năm 2016, đang lưu giữ khoảng 3.000 cổ vật, bài thuốc, tranh ảnh, sách vở… về y học phương Đông.
Một căn phòng phục dựng lại mô hình của nhà thuốc Đông y vào khoảng thế kỷ 19. Nhà thuốc với đầy đủ bảng hiệu, nơi bốc thuốc, bàn bắt mạch, tủ ngăn kéo, các dụng cụ bào chế…
Bảo tàng gồm 14 phòng, hầu hết đều xây theo lối kiến trúc nhà cổ truyền thống với mái ngói, cột gỗ, nền lát gạch nung… Mỗi phòng trưng bày một loại hình riêng về y học phương Đông.
Ở lối vào là phòng giới thiệu về lịch sử Dược cổ truyền Việt Nam. Nơi đây trưng bày các cổ vật, sách vở, tranh… liên quan đến nghề thuốc cổ truyền qua các triều đại phong kiến.
Nhiều ấm, nồi, bình… bằng kim loại để pha chế thuốc có niên đại hàng trăm năm được trưng bày trong tủ kính.
Chiếc chày và cối đá dùng để làm thuốc có niên đại khoảng 3.000 năm, là một trong những cổ vật xưa nhất trong bảo tàng.
Chiếc thuyền tán hình rồng được dùng để bào chế thuốc Đông y có từ khoảng thế kỷ 18 – 19. Ngoài ra còn có nhiều thuyền tán với đủ loại hình thù làm bằng gỗ, đá, kim loại… được trưng bày.
Chiếc nồi sao thuốc bằng đồng loại lớn có hoa văn tinh xảo được đúc khoảng thế kỷ 19. Cạnh đó là nhiều dụng cụ bào chế thuốc truyền thống như nồi, ấm sắc, dao cầu, thuyền tán, bàn nghiền, chày cối đá… được trung bày.
Các loại sách về Đông duợc bằng nhiều ngôn ngữ được viết trong thế kỷ 20 được chủ nhân bảo tàng sưu tầm.
Một phòng khác trong bảo tàng giới thiệu về những cây thuốc của Việt Nam. Nơi đây có hàng trăm tranh ảnh với bài viết giới thiệu chi tiết về động vật, khoáng vật dùng làm thuốc.
600 bức tranh vẽ tay về các cây thuốc của Việt Nam được treo trên tường.
Cạnh đó là phòng trưng bày mô hình nhà thuốc Nam với phong cách nhà tranh mái lá đơn sơ thường thấy ở thôn quê. Nhiều loại thuốc Nam khá phổ biến như đinh lăng, hà thủ ô, trà xanh, đậu đen, tía tô… được sao khô và trưng bày trong những chiếc giỏ đan bằng tre.
Không gian bảo tàng hoài cổ với những căn nhà dựng bằng gỗ, lợp mái ngói, xung quanh là hồ nước, vườn cây… Nơi đây còn bán các loại trà thảo dược, rượu bổ, thuốc đông y.
Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần trừ chủ nhật, từ 8h30 đến 17h với giá vé 120.000 đồng cho người lớn và 60.000 đồng cho trẻ em cao dưới 1m2.
Chuyện kể rằng có 3 chú sâu cùng sống trên một cái cây. Một ngày kia người làm vườn nhìn thấy chúng và ông đã cắt những cành cây sâu bỏ xuống một cái hố.
(Ảnh: Pixabay)
Lá cây vẫn còn đủ cho chúng sống trong một thời gian nhưng chúng cần làm gì đó để ra khỏi hố nếu không muốn chết. Chú sâu khỏe nhất mới nói:
“Tôi đủ sức mạnh để có thể thoát khỏi đây. Tạm biệt hai anh!”
Nói là làm, chú sâu ngốn một lượng lớn lá cây và bắt đầu bò chậm rãi lên thành hố, hết một ngày nó lại khoét một lỗ vào thành hố và chui vào nghỉ ngơi.
Đến ngày thứ hai thì chú sâu thông minh bắt đầu thử bò lên như chú sâu kia nhưng nó thấy không ổn nên đã quay lại. Có vẻ như nó bỏ cuộc và chú sâu khỏe mạnh vẫn thường nói vọng xuống để trêu đùa hai sâu bạn. Trong khi đó, chú sâu khù khờ nhất trong nhóm chẳng biết làm gì ngoài ăn lá cây và chờ chết.
Người làm vườn thấy chú sâu đang bò trên thành hố thì cười. Ông đào cái hố khá sâu nên ông biết chắc là không chú sâu nào có thể sống mà bò lên được.
Chú sâu thông minh giành hết thời gian trong ngày để ăn lá. Nó cẩn thận đưa số lá còn lại vào một góc làm thành một chỗ cao ráo để mưa xuống không làm hư thức ăn. Chú sâu khù khờ giúp chú sâu thông minh xếp thức ăn và cũng bắt chước chú sâu thông minh ăn thật no nê dù nó không hy vọng điều gì cả.
Thời gian trôi, một ngày, hai ngày,… cho đến ngày thứ bảy. Chú sâu khỏe mạnh trở nên gầy gò và kiệt sức, nó vẫn cố gắng hết sức vì nó chỉ còn cách miệng hố một ngày bò nữa. Trong khi đó, hai chú sâu dưới hố đã hóa nhộng và hôm nay là ngày chúng ra khỏi kén.
Chú sâu khỏe mạnh bị kiệt sức và rơi xuống…
Chú bướm thông minh nói: “Thật đáng đời, hắn ta sẽ chết”. Chú bướm khù khờ nhỏ nhẹ: “Cứu cậu ta thôi”. Vậy là chú bướm khù khờ kéo chú sâu tội nghiệp bay lên khỏi miệng hố.
(Ảnh: Unsplash)
Thời gian lại trôi qua, ba chú sâu ngày nào giờ đã thành ba chàng bướm xinh đẹp dạo chơi trong khu vườn. Người làm vườn đã nhìn thấy ba chú bướm và ông vào nhà để tìm vợt. Ông nghĩ đứa cháu của ông sẽ thích món quà này.
Những chú bướm vẫn tung tăng vui đùa, không biết mối nguy hiểm đang gần kề.
“Vút!” – Chú bướm khỏe mạnh đã nhanh chóng đẩy bướm khù khờ né sang một bên, chỉ mỗi chú bướm thông minh bị dính vào lưới. “Cứu! Cứu với!”
Chú bướm khỏe mạnh cười khẩy: “Thật đáng đời, hắn ta sẽ bị nhốt”. Chú bướm khù khờ nhỏ nhẹ: “Cứu cậu ta thôi”. Vậy là chú bướm khỏe mạnh giúp chú bướm khù khờ cắn lưới của người làm vườn nhưng không được. Chú ta liền tấn công người làm vườn và làm ông đánh rơi chiếc vợt.
Chú bướm khù khờ lao xuống và cắn đứt một lỗ trên lưới. Nó nhanh chóng chui vào lưới và gọi chú bướm thông minh: “Cậu cứ ra ngoài đi. Nếu ông ấy không bắt được con bướm nào thì chúng ta không được yên đâu, cậu thì thông minh hơn tớ nên nếu bị nhốt thì phí lắm với lại cháu ông ấy sẽ buồn vì không có gì chơi.”
Chú bướm thông minh không còn đủ thông minh để nghĩ đến mối nguy hiểm xảy ra cho kẻ ở lại, nó lao ngay ra khỏi lưới và mất hút vào khoảng không. Con bướm khỏe mạnh biến mất trong bụi cây trước sự bất lực của người làm vườn. Người đàn ông thất vọng quay ra nhặt vợt bỗng mặt ông trở nên tươi hẳn lên khi thấy chú bướm nằm trong lưới.
Ông đưa con bướm vào nhà và dùng một cây ghim gút và ghim vào một bên cánh của con bướm. Ông định sẽ phơi khô và ép con bướm vào một tấm thiệp để tặng cháu gái. Vừa lúc đó thì cháu gái của ông đi chơi về.
“Lisa, ông có cái này cho cháu đây!”
Tay người làm vườn vừa nới lỏng thì chú bướm liền vỗ cánh. Nhưng vì cánh bướm bị ghim nên nó rách toạc và chú bướm rơi xuống trên bàn.
Người làm vườn quay đầu lại và tỏ ra buồn rầu. “Là lỗi của ông, con bướm này đã bị rách cánh nên không còn đẹp và cũng không con bay được nữa, nó sẽ chết một cách tội nghiệp, cháu hãy đem nó ra vườn chôn đi.”
Cô bé con cầm lấy chú bướm và đem nó ra gốc cây thì bất ngờ có hai con bướm lao xuống tấn công cô và đưa chú bướm kia đi. Chú bướm ấy không chết và ngày ngày hai người bạn của nó lại đem thức ăn về cho nó. Nó không hoạt động được, không bay đi tìm bạn được nhưng vì nó là một con bướm khù khờ nên nó chẳng bao giờ buồn rầu vì những điều đó. Cuộc sống lại trôi đi…
(Ảnh: Unsplash)
Ai là kẻ thông minh? Ai là kẻ mạnh mẽ? Ai là kẻ khờ khạo?
Kẻ thông minh là kẻ biết không phải lúc nào mình cũng thông minh và mạnh mẽ. Kẻ mạnh mẽ là kẻ dám chiến đấu với những sai lầm của chính bản thân mình để thay đổi. Kẻ ngu ngốc là kẻ bỏ bạn bè trong cơn hoạn nạn. Ai cũng đã từng là kẻ may mắn và cũng từng là kẻ xui xẻo.
Không có kẻ thông minh nhất, cũng không có kẻ mạnh mẽ nhất. Kẻ ngu ngốc nhất là kẻ mất đi niềm tin ở chính bản thân mình vì nghĩ rằng mình không thể trở thành một kẻ thông minh và mạnh mẽ. Kẻ may mắn nhất trong cuộc đời là kẻ được sống giữa vòng tay bè bạn.
Hạnh phúc là điều không phải ai cũng cảm nhận được.
Sau nhiều tháng tạm lắng bạo lực, vào cuối tuần qua hơn 60 tù nhân đã bị giết tại El Salvador và chính phủ nước này đã phát động cuộc trấn áp các thành viên băng đảng tham gia.
Những bức ảnh do văn phòng Tổng thống Nayib Bukele công bố cho thấy hàng trăm tù nhân chỉ mặc quần soóc và ngồi trên sàn nhà tù trong khi cảnh sát lục soát phòng giam. Một số đeo khẩu trang, nhưng hầu hết đều không có đồ bảo hộ chống Covid-19 lây lan, theo Washington Post.
Làn sóng giết chóc bắt đầu từ ngày 24/4 với 23 người chết – con số thiệt mạng nhiều nhất trong một ngày kể từ khi Tổng thống Bukele tuyên thệ nhậm chức vào tháng 6/2019. Đến hôm 25/4, thêm 13 người đã bị giết và thêm 24 người khác thiệt mạng hôm 26/4.
Giữa đại dịch, người dân Salvador bị cách ly nghiêm ngặt và tình trạng bạo lực giảm bớt. Trung bình có hai vụ giết người mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi cảnh sát tập trung vào việc kiểm soát Covid-19, tội phạm đã lợi dụng kẽ hở.
Các nhà chức trách cho biết những tù nhân là thành viên băng đảng đã ra lệnh giết người. Tổng thống Bukele ủy quyền cho cảnh sát và binh lính sử dụng biện pháp bạo lực chống lại các băng đảng nếu các băng đảng đe dọa họ hoặc người dân. Một số nhà tù đã bị phong tỏa và các thủ lĩnh băng đảng sẽ bị biệt giam.
Giám đốc nhà tù Osiris Luna Meza cho rằng các biện pháp này là cần thiết để ngăn chặn làn sóng giết người.
El Salvador hiện là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới. Tỷ lệ giết người đã tăng vọt lên 105/100.000 người trong năm 2015, theo Ngân hàng Thế giới. Con số này giảm xuống dưới 62/100.000 người vào năm 2017.
Các nhóm tội phạm như MS-13 và băng đảng 18th Street vẫn kiểm soát các vùng rộng lớn. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đã giảm, và số vụ giết người đã giảm mạnh dưới thời Tổng thống Bukele.
Jose Miguel Cruz, chuyên gia về các băng đảng El Salvador thuộc Đại học Quốc tế Florida, cho biết sự gia tăng số vụ giết người trong thời gian gần đây đã “xóa bỏ ý nghĩ rằng chính phủ có thể kiểm soát tuyệt đối tình hình tội phạm”.
“Các băng đảng không biến mất. Chúng vẫn ở đó và tiếp tục tống tiền dân chúng”, ông Cruz nói
Mối tình đẹp đẽ nhưng u buồn, nồng cháy nhưng trắc trở, đã trở thành tiếng nói say đắm của bao thế hệ độc giả trên thế giới.
Jean-Jacques Rousseau, sinh tại Geneva, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789. Ông cũng viết tiểu thuyết và đóng góp quan trọng cho trào lưu lãng mạn trong văn học.
Tiểu thuyết Julie hay nàng Heloise mới được xuất bản lần đầu tiên năm 1761, trong giai đoạn Rousseau sống ở một ngôi nhà nhỏ gần Montmorency, được gọi là Montlouis, dưới sự bảo trợ của Maréchal de Luxembourg.
Đây là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của Rousseau. Chỉ trong 12 tháng, ông đã xuất bản ba cuốn sách có giá trị, là Émile hay là về giáo dục; Khế ước xã hội và Julie hay nàng Heloise mới.
KHÁT VỌNG TỰ DO YÊU ĐƯƠNG
Đối với bất kỳ ai đã nghiên cứu Rousseau trong các tác phẩm về giáo dục, chính trị của ông, đều ngạc nhiên khi đọc tiểu thuyết Julie hay nàng Heloise. Một cuốn tiểu thuyết thể hiện quyết liệt nhất tinh thần say mê, tự do và khao khát yêu đương bùng cháy của Rousseau.
Trước tiên, cần phải tìm hiểu nàng Heloise mà ông nhắc đến trong tiểu thuyết này chính là một trang tuyệt sắc giai nhân thế kỷ 12. Heloise là cháu ruột của Fulbert, một giáo sĩ có chức sắc, giàu có và thế lực. Nàng được hưởng một nền giáo dục tốt từ nhỏ, và đến tuổi trưởng thành thì đã có trí tuệ hơn người.
Mối tình của Heloise và nhà triết học, nhà thần học người Pháp Peter Abélard (1079 – 21/4/1142) được xem là đẹp nhất mà cũng bi thảm nhất trong lịch sử loài người, đã gợi cảm hứng cho nhiều sáng tác văn học, âm nhạc, hội họa sau này.
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, Saint-Preux, là một thầy tu thuộc tầng lớp trung lưu đem lòng yêu Julie, học trò thượng lưu của mình. Nàng đáp lại tình yêu của anh bằng tình cảm dịu dàng, thuần khiết và ngày càng tiến đến sự si mê. Thế nhưng, sự khác biệt về tầng lớp xã hội khiến họ không thể nào đến với nhau.
Baron d’Étange, cha của Julie đã hứa hẹn cô với một người quý tộc tên là Wolmar. Là một cô con gái ngoan ngoãn, khuôn phép, Julie chôn chặt tình yêu và kết hôn với Wolmar. Trước tình yêu tuyệt vọng ấy, Saint-Preux thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới với một người bạn, nhà quý tộc người Anh, Bomston.
Julie đã thành công trong việc quên đi cảm xúc của mình với Saint-Preux và tìm thấy hạnh phúc khi làm vợ, làm mẹ. Khoảng sáu năm sau, Saint-Preux trở về từ chuyến du lịch của mình và trở lại thành gia sư cho nhà Wolmar.
Mối tình thời trẻ của Saint-Preux và Julie giờ chỉ còn là dư âm, cất nơi sâu cùng của tâm hồn. Julie đã thành công trong việc xây dựng cuộc sống của chính mình, theo khuôn mẫu quý tộc bao đời. Cho đến tận giây phút cận kề với cái chết, Julie mới thoát ra khỏi khuôn mẫu đời sống của mình và nhận ra rằng, tình yêu của nàng đối với Saint-Preux chưa bao giờ chết.
Mối tình đẹp đẽ nhưng u buồn, nồng cháy nhưng trắc trở, đã trở thành tiếng nói say đắm của bao thế hệ độc giả trên thế giới.
TÁC PHẨM MỞ ĐẦU CHO TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN MỚI
Julie hay nàng Heloise mới là cuốn sách được đọc và được ca tụng rộng rãi nhất trong sự nghiệp của Rousseau. Nó phát triển chủ nghĩa lãng mạn đã bắt đầu được thể hiện trong những tác phẩm âm nhạc trước đó của ông.
Cuốn sách đã tạo nên một dòng ảnh hưởng lớn đến thời đại lúc đó. Nó khiến những thanh niên, đặc biệt là nữ giới say đắm trong câu chuyện. Họ tin rằng tác giả đã thấu hiểu được sâu sắc nội tâm của chính mình, bởi thế, cuốn sách và tác giả của nó đều được yêu mến.
Cuốn tiểu thuyết cũng mang một phần nội tâm của tác giả, thể hiện cảm hứng say mê của ông đối với Sophie d’Houdetot, một phụ nữ quý tộc sống gần ông tại Montmorency. Chính ông đã khẳng định rằng, ông được dẫn dắt để viết cuốn sách bởi “khát vọng được yêu thương, điều mà tôi chưa bao giờ có thể thỏa mãn và bởi vậy tôi cảm thấy mình bị ngấu nghiến”.
Tình yêu của Saint-Preux bị cấm bởi luật giai cấp phản ánh kinh nghiệm của chính Rousseau. Tuy nhiên, cũng không thể nói Julie hay nàng Heloise mới là cuộc tấn công vào những quy luật đó, mà ngược lại, nó mô tả một trạng thái gần với quy luật của tự nhiên.
Các thành viên của gia đình Wolmar được miêu tả là tìm thấy hạnh phúc khi sống theo một lý tưởng quý tộc. Họ đánh giá cao cuộc sống đồng quê trong sự tận hưởng vẻ đẹp của dãy Alps và Savoyard.
Nhưng bất chấp sự tán thành về trật tự xã hội, cuốn tiểu thuyết vẫn mang tính cách mạng. Sự thể hiện cảm xúc tự do và khả năng cảm nhận tinh tế của nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của văn học.
Nó đã trở thành tác phẩm mở đầu cho một trào lưu văn học lãng mạn mới, là nguồn cảm hứng để Johann Wolfgang von Goethe viết nên tác phẩm Nỗi đau của chàng Werther.
Được viết dưới hình thức những lá thư, thể hiện rõ tinh thần tự do, phóng khoáng của một mối tình đầy say mê nhưng trên thực tế, cuốn tiểu thuyết này cũng thể hiện tất cả những ý tưởng đặc biệt của Rousseau về các vấn đề như tôn giáo, triết học, chính trị và giáo dục. Đây là những vấn đề suốt đời Rousseau trăn trở nghiên cứu.
Các chuyên gia tin rằng đại dịch Covid-19 chỉ có thể chấm dứt nếu người dân tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, kết hợp với phát triển thành công vaccine.
Các bó RNA siêu nhỏ, bọc trong những protein có gai nhọn, bám vào tế bào cơ thể người, sử dụng chúng để tự sinh sản, lây lan từ cơ thể người này sang cơ thể người khác mà ít vấp phải can thiệp y tế. Đó là cách đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Tua nhanh tới tương lai, khi cũng virus ấy xâm nhập phổi của con người, chúng không thể bám dính vào các tế bào phổi nữa. Virus bị đánh dấu, chúng bị các kháng thể bao vây và tiêu diệt. Một số thoát trở lại ra không khí, chúng sẽ gặp lớp phòng ngự tương tự ở vật chủ tiếp theo, nếu có thể xâm nhập vào cơ thể.
Số người nhiễm bệnh giảm xuống thấp tới mức virus không còn điều kiện tự sinh sản, không còn nơi trú ẩn. Đó sẽ là khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, theo Politico.
KỊCH BẢN KẾT THÚC ĐẠI DỊCH
“Cần hai điều kiện để kiểm soát virus: các biện pháp vệ sinh và một loại vaccine. Chúng ta không thể chỉ có cái này mà không có cái kia”, Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Philadelphia, Mỹ, cho biết.
Dịch bệnh được kiểm soát khi người dân được tiêm hai liều vaccine, tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, và số ca nhiễm Covid-19 dần giảm xuống.
Khi số người phát triển hệ miễn dịch thông qua nhiễm bệnh và tiêm vaccine đủ lớn, kết hợp với các phương pháp điều trị hiệu quả, Covid-19 sẽ trở thành loại bệnh mà người dân trên thế giới thường mắc phải theo mùa.
Tương lai trên là khả thi nhất cho kịch bản khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, dựa trên ý kiến của 11 chuyên gia hàng đầu thế giới, những người nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, theo Politico.
Các chuyên gia nhất trí còn nhiều điều con người chưa biết về Covid-19 và sẽ cần thời gian dài để đại dịch qua đi.
Tới nay, chưa loại vaccine nào được chứng minh là thực sự hiệu quả trong phòng chống Covid-19. Sản xuất và phân phối vaccine cũng sẽ cần thời gian tính bằng tháng, thậm chí bằng năm. Tại Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất thế giới, các chuyên gia tin rằng vaccine chỉ có thể được tiếp cận rộng rãi vào giữa năm 2021.
“Tiêm chủng đóng vai trò to lớn trong đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng đây không phải lý do để tháo khẩu trang và thoải mái vào một quán rượu đông đúc. Dịch bệnh kết thúc là một quá trình, vaccine chỉ là một phần của quá trình ấy”, Politico cảnh báo.
DỊCH BỆNH CÓ THỂ THOÁI LUI TỪ CUỐI 2021
Dự báo của các chuyên gia có sự khác biệt, nhưng nhìn chung đều đồng ý sự lây lan của virus sẽ giảm dần và được kiểm soát vào nửa cuối năm 2021. Thế giới sẽ trở lại trạng thái trước Covid-19 trong vòng 2 năm.
“Tôi cho rằng đó là vào tháng 11/2021. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có đủ miễn dịch cộng đồng để có sự suy giảm không ngừng về tỷ lệ lây nhiễm”, Zeke Emanuel, Trưởng khoa Chính sách và Đạo đức y tế, Đại học Pennsylvania, cho biết.
Thời gian chính xác hiện chưa thể được xác định, bởi tương lai của dịch bệnh phụ thuộc nhiều biến số khó lường, như số người tiếp tục tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tốc độ xét nghiệm ca nhiễm Covid-19.
Hiệu quả của vaccine đóng vai trò lớn trong ngăn chặn dịch bệnh. Hiệu quả của vaccine cũng phụ thuộc vào số người từ chối tiêm chủng, và số người quên hoặc không sử dụng đủ hai liều vaccine.
Một câu hỏi khác còn bỏ ngỏ, theo ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Đại học Minnesota, là tình trạng miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên cũng như tiêm chủng có thể kéo dài trong bao lâu.
“Chúng ta có thể có miễn dịch cộng đồng bằng lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm vaccine. Câu hỏi là trạng thái đó có thể kéo dài bao lâu. Ý tôi là, khi đã đạt đến tỷ lệ miễn dịch 75-80%, tỷ lệ này có giữ nguyên như vậy nếu chúng ta không làm gì khác?”, ông Osterholm nói.
Tại Mỹ, số ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại 19 bang. Tình trạng tương tự xảy ra tại châu Âu, với Anh và Pháp ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong 24 giờ hôm 25/9. Các chuyên gia tin rằng, nếu người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài, số ca nhiễm sẽ không tiếp tục tăng cao.
Sự gia tăng số ca nhiễm cho thấy các xã hội, đặc biệt ở Mỹ và phương Tây, sẽ không thể đạt được trạng thái “bình thường” trước khi có vaccine, đặc biệt ở những nước đã thất bại trong truy dấu các ca nhiễm.
Vì vậy, điều then chốt hiện là bảo đảm xã hội đạt được một mức độ “bình thường” nào đó, để các trường học tiếp tục mở cửa, với điều kiện “đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”, theo bà Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Y khoa Chicago.
Duy trì giãn cách xã hội có hiệu quả lớn hơn nhiều các biện pháp khác. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo việc mở cửa quá sớm nền kinh tế và sử dụng nhiễm bệnh tự nhiên để đạt miễn dịch cộng đồng, như đề xuất của cố vấn Nhà Trắng Scott Atlas, là trò chơi mạo hiểm có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu người.
SỐNG CHUNG VỚI VIRUS CORONA
Các chuyên gia có chung quan điểm phát triển thành công vaccine không phải bài toán cuối cùng đối với Covid-19. Con người sẽ phải quan sát hiệu quả của vaccine và số người có thể tiếp cận chúng.
Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine từ Viện Nhi Philadelphia, cho biết nếu vaccine đạt hiệu quả ở tỷ lệ 75%, sẽ cần 2/3 dân số được tiêm chủng để có thể ngăn chặn virus lây lan trên diện rộng. Tỷ lệ hiệu quả của vaccine càng thấp, tỷ lệ người được tiêm chủng càng phải được nâng cao.
Các chuyên gia không lạc quan tin rằng thế hệ vaccine đầu tiên có thể đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn virus lây lan. “Khả năng chúng ta tiến thẳng tới mục tiêu phát triển thành công vaccine là rất thấp”, Michael Kinch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Đại học Washington, cho biết.
Quá trình phát triển, sản xuất và phân phối vaccine gặp nhiều khó khăn hơn ở các nước đang phát triển. Liên minh các tổ chức quốc tế, trong đó có sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đặt mục tiêu mua và phân phối 2 tỷ liều vaccine tới các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh vào năm 2021.
Tuy nhiên, Oxfarm mới đây cảnh báo khoảng 61% dân số toàn cầu sẽ không thể tiếp cận vaccine ít nhất tới năm 2022. Tổ chức này cho biết các nước giàu, với 13% dân số thế giới, đã đặt hàng hơn 50% nguồn cung các loại vaccine tiềm năng đang được phát triển.
“Tôi nghĩ nhiều người có xu hướng tin rằng vaccine sẽ tự động tiêu diệt virus. Không phải như vậy”, nhà virus học Angela Rasmussen cho biết. Tới nay, chỉ hai loại virus bị xóa sổ hoàn toàn.
Nhiều người lo ngại sự bảo vệ của vaccine trước virus sẽ bị suy giảm trong một năm hoặc lâu hơn. Trường hợp điều này xảy ra, người dân sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 mỗi năm, bà Landon dự báo. Mặc dù vậy, khả năng bảo vệ của vaccine cũng có thể được cải thiện qua thời gian.
“Nhìn vào lịch sử các loại vaccine khác, chúng ta sẽ thấy một khi tìm ra loại vaccine có hiệu quả, chúng ta có thể từ từ cải tiến nó”, giáo sư Kinch nói. Chuyên gia của Đại học Washington tin rằng các loại vaccine sẽ có chất lượng tốt hơn nhiều sau từ 3-5 năm nghiên cứu.CÙNG VƯỢT QUA COVID-19
Virus corona đã cướp đi sinh mạng của một triệu người trên toàn cầu kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Virus đã được ghi nhận ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 32 triệu người lây nhiễm trên toàn cầu, theo thống kê từ các nguồn chính thức do AFP công bố ngày 27/9.
Chỉ trong vòng 9 tháng, Covid-19 đã cướp đi một triệu sinh mạng, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Trong một triệu ca tử vong, có đến 95% trường hợp xảy ra trong 6 tháng gần đây nhất.
Liệu thế giới có tìm ra giải pháp ngăn chặn đại dịch trước khi hàng triệu sinh mạng tiếp theo bị cướp đi? Chưa ai có thể trả lời được câu hỏi trên. Thế nhưng, một triệu sinh mạng kia đã để lại nhiều bài học đáng giá cho những người ở lại.
SỰ CHÊNH LỆCH TRONG TỶ LỆ TỬ VONG GIỮA CÁC QUỐC GIA
Hơn 200.000 người trong số những bệnh nhân xấu số là người Mỹ. Quốc gia này chỉ sở hữu 4% dân số thế giới nhưng lại chiếm đến hơn 20% số ca tử vong do Covid-19.
Bốn nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico chiếm đến hơn nửa số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. 480.000 trường hợp tử vong còn lại phân bố trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 là: tuổi tác, tình trạng sức khỏe nền, sự quá tải của hệ thống y tế và số ca lây nhiễm.
Xét yếu tố tuổi tác, những bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thực hiện so sánh nguy cơ tử vong ở các độ tuổi khác nhau. Kết quả cho thấy so với nhóm tuổi 18-29, trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi có nguy cơ tử vong thấp hơn 9 lần, trong khi người từ 85 tuổi trở lên có nguy cơ cao gấp 630 lần.
Xét yếu tố sức khỏe nền, CDC cho biết bất kể tuổi tác, bệnh nhân có các bệnh nền nhất định cũng chịu nguy cơ tử vong cao hơn, ví dụ như ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh tim. Những người từng ghép tạng cũng dễ bị tổn thương hơn vì họ có hệ miễn dịch suy yếu.
Xét yếu tố hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, số bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng tăng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe không còn đủ khả năng đáp ứng. Nhiều bệnh nhân không nhận được sự chăm chóc cần thiết để có thể vượt qua bệnh tật.
Xét yếu tố số ca lây nhiễm, hiển nhiên, số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng kéo theo số ca tử vong tăng.
Kết quả của cuộc chiến với Covid-19 ở mỗi quốc gia phụ thuộc phần lớn vào cách họ kiểm soát bốn yếu tố này.
Theo Straits Times, các nước thành công trong việc kiểm soát số ca lây nhiễm, đồng thời có tỷ lệ tử vong thấp, bao gồm:
• New Zealand: 25 trường hợp tử vong trong số 1.827 ca nhiễm, trên dân số 5 triệu người.
• Việt Nam: 35 trường hợp tử vong trong số 1.069 ca nhiễm, trên dân số 97,5 triệu người.
• Thái Lan: 59 trường hợp tử vong trong tổng số 3.516 ca nhiễm, trên dân số 70 triệu người.
Các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải tại một vài thời điểm, ghi nhận số ca tử vong cao hơn, chẳng hạn một số quốc gia châu Âu như:
• Anh: 41.902 trường hợp tử vong trong số 416.363 ca nhiễm, trên dân số 68 triệu người.
• Italy: 35.781 trường hợp tử vong trong số 304.323 ca nhiễm, trên dân số 60 triệu người.
• Pháp: 31.511 ca tử vong trong tổng số 497.237 ca nhiễm, trên dân số 65 triệu người.
Tháng 4/2020, các quốc gia này đã có nhiều báo cáo về việc không có đủ cơ sở vật chất phục vụ bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân có tiên lượng xấu không được tiếp nhận dịch vụ chăm sóc chuyên sâu cần thiết. Các chuyên gia sức khỏe bị vắt kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao một số nước rất thành công trong việc đối phó với dịch bệnh, còn một số khác thì không?
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành của chương trình Health Emergencies của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đưa ra nhiều bình luận trong hội thảo trực tuyến về Covid-19 của NUS Medicine vào ngày 10/9.
Ông cho rằng sự chênh lệch về hiệu suất đối phó dịch bệnh của các quốc gia khác nhau xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị, thiếu kinh nghiệm và mức độ gắn kết xã hội.
SỰ THIẾU CHUẨN BỊ
Tiến sĩ Ryan, một trong những chuyên gia hàng đầu, có gần 25 năm kinh nghiệm trong việc xử lý sớm các nguy cơ sức khỏe toàn cầu, nhận định rằng các quốc gia vẫn chưa đầu tư nghiêm túc vào việc kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ khi dịch bệnh mới xuất hiện.
Điều đó không có nghĩa là họ không đầu tư vào hệ thống y tế. Tuy nhiên, trọng điểm đầu tư lại là cơ sở hạ tầng cơ bản như bệnh viện, giường bệnh, phòng thí nghiệm. Ông nhận xét đây là “một sự chuẩn bị rất máy móc”, mà quên mất điều quan trọng hơn là việc thu thập dữ liệu và các chính sách y tế. Điều này đã dẫn đến số ca nhiễm tăng vọt và bệnh viện bị quá tải ở nhiều nước châu Âu.
Tiến sĩ Ryan cho rằng: “Sự thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu phần lớn đến từ sự thất bại trong khâu chuẩn bị, chứ không phải do chúng ta chưa cố gắng hết sức”.
KINH NGHIỆM ĐỐI PHÓ DỊCH BỆNH
Chỉ những quốc gia từng trải qua tình trạng khẩn cấp về y tế mới có kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh cấp tính nguy hiểm. Ví dụ năm 2003, dịch Sars đã cướp đi sinh mạng của 33 người trong số 238 ca nhiễm tại Singapore. Nó đồng thời khiến Tan Tock Seng – một trong những bệnh viện lớn nhất ở nước này phải đóng cửa.
Những quốc gia có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng thu thập, phân tích và đưa ra quyết sách dựa trên dữ liệu.
Tiến sĩ Ryan cho rằng: “Các quốc gia châu Á có ý thức cảnh giác cao hơn nhiều đối với loại virus này”.
Đầu tháng 1, khi thế giới vừa mới biết tin về khả năng xuất hiện một loại virus mới, số lượng câu hỏi mà ông Ryan nhận được từ các nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều không đếm xuể. Họ lo ngại về ảnh hưởng của virus mới ngày từ giai đoạn sớm của đại dịch.
Đơn cử, Singapore đã thành lập lực lượng đặc nhiệm trước cả khi có bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 tại nước này. Trong khi đó, nhiều nước khác tỏ ra khá chủ quan, khiến họ bị bất ngờ khi virus tấn công, tiến sĩ Ryan nhận xét.
SỰ GẮN KẾT XÃ HỘI
Tiến sĩ Ryan cho biết ông nhận thấy rằng các quốc gia phản ứng tốt hơn với dịch bệnh cũng đồng thời có ý thức cộng đồng đoàn kết hơn.
Khi đại dịch diễn ra, mọi người sẽ cảm thấy lo lắng. Họ trông chờ vào phản ứng của các cấp lãnh đạo. Các biện pháp phòng tránh mà chính phủ ban hành lúc đó mới trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc cho mọi người. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, công tác duy trì sự an toàn của cộng đồng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những cá nhân cho rằng quyền tự do của họ đang bị xâm phạm.
Tiến sĩ Ryan nhận định rằng tại các quốc gia có tính gắn kết xã hội cao hơn, người dân tỏ ra tích cực hơn trong việc tiếp nhận thông tin và chủ động hơn trong việc đối phó dịch bệnh. Ngược lại, ở các quốc gia tôn sùng tự do cá nhân, người dân thậm chí không nghĩ việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại là trách nhiệm của họ.
“Người ta sẽ chỉ quan tâm rằng dịch bệnh ảnh hưởng đến bản thân họ ra sao, nguy cơ họ bị nhiễm bệnh có cao không, vaccine có tác dụng không, họ có thể di chuyển, có thể du lịch được không. Thế nhưng, chẳng ai nghĩ đến việc thói quen du lịch của họ có thể phát tán virus giữa các quốc gia như thế nào, việc họ tập trung đông người khiến dịch bệnh lan truyền trong cộng đồng ra sao, hay việc bản thân họ sử dụng vaccine sẽ đóng vai trò gì trong việc xây dựng hệ miễn dịch xã hội”.
“Bởi vậy, một cộng đồng gắn kết hơn cũng sẽ cảnh giác hơn với các nguy cơ dịch bệnh. Họ sẽ nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa”.
Tiến sĩ Ryan bổ sung rằng việc thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và giữ gìn vệ sinh cá nhân là hết sức cần thiết trong việc ngăn chặn tốc độ lây lan của virus. Mà điều đó chỉ có thể thành công khi cộng đồng có ý thức và hoàn toàn tự nguyện tuân thủ.
ẢNH HƯỞNG TỪ CHÍNH SÁCH
Tại Mỹ và Brazil – hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 – sức khỏe của nền kinh tế dường như được đặt lên trên sức khỏe cộng đồng.
Nhằm phục vụ cho chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan y tế và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Ông thậm chí còn gạt bỏ các báo cáo từ CDC – một trong những cơ quan y tế quan trọng nhất trên thế giới.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thay thế bộ trưởng Y tế bằng một nhân sự mới ủng hộ việc mở cửa lại nền kinh tế.
Giáo sư Teo Yik Ying, trưởng khoa Y tế Cộng đồng của trường NUS Saw Swee Hock, cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách lên tình hình dịch bệnh hiện tại Mỹ và Brazil.
“Khi các nhà lãnh đạo chọn cách phớt lờ sự thật và tính khoa học của Covid-19, đây là lúc họ có thể đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến sự lây lan mạnh hơn của đại dịch”, ông nói.
Trong khi vẫn chưa có loại vaccine nào được chính thức đưa vào sử dụng, việc tuân thủ các biện pháp đối phó dịch bệnh sẽ là yếu tố quyết định làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19.