Mùa thu ở Daisetsuzan tới từ giữa tháng 9 khi các cánh rừng và những ngọn núi dần phủ lá vàng, lá đỏ rực rỡ.
Mùa thu nước Nhật thường kéo dài và rõ nét nhất vào tháng 10 – 11, gắn liền với hình ảnh của những thảm lá vàng, đỏ. Tuy nhiên, ngay tháng 9 này du khách cũng có thể tận hưởng không khí đầu thu ở miền bắc Nhật.
Trên hình là Sounkyo – một hẻm núi nổi tiếng trong Vườn quốc gia Daisetsuzan, tỉnh Hokkaido. Do nằm ở cực bắc Nhật Bản nên vườn quốc gia này cũng chính là điểm đầu tiên đón mùa thu ở xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: fiabesco.mirina
Vườn quốc gia Daisetsuzan gồm 3 nhóm núi lửa lớn: Nhóm Daisetsuzan – núi Asahidake; nhóm núi Tokachi và nhóm Shikaribetsu – núi Ishikari.
Các nhóm núi lửa nằm trên một vùng cao nguyên rộng lớn. Ngoài ra, nơi đây cũng được biết đến với khu vực đồng cỏ, núi cao hoang sơ cùng các suối nước nóng. Ảnh: Good HokkaidoVideo Player is loading.PauseCurrent Time 0:15/Duration 1:40Loaded: 0%Progress: 0%UnmuteFullscreen Núi rừng Daisetsuzan vào những ngày đầu tháng 9/2019. Video: nippon
Cụm núi lửa Daisetsuzan là một dãy đỉnh núi cao tới 2.000 m ở trung tâm đảo Hokkaido. Từ giữa tháng 9, khung cảnh núi rừng ở Daisetsuzan bắt đầu được thay áo mới. Sắc màu đặc trưng của mùa thu bắt đầu xuất hiện ở những đỉnh núi cao nhất rồi dần dần lan dần xuống triền núi và nhuộm màu đỏ rực cả thung lũng vào tháng 10.
Nếu đã quen thuộc với việc đi bộ giữa các hàng cây hoặc ngồi dưới các tán phong để ngắm lá đỏ, thì tới hẻm núi Sounkyo du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vừa leo núi vừa ngắm mùa thu rực rỡ hai bên đường đi. Ảnh: Japan-magazine
Vì lá vàng, lá đỏ ở Daisetsuzan xuất hiện từ đầu tháng 9 nên thời điểm rực rỡ và phù hợp nhất để ngắm trọn vẻ đẹp mùa thu ở đây là nửa đầu tháng 10. Ảnh: kao838
Du khách tới vườn quốc gia lớn nhất Hokkaido này có thể tham gia nhiều hoạt động khám phá như trekking, leo núi, ngắm mùa thu bên hồ Akan, Notoro-ko hoặc ngâm mình ở suối nước nóng… Ảnh: g8787856
Ở Daisetsuzan du khách có thể chọn nhiều tuyến trekking kéo dài từ 1 ngày tới 4, 5 ngày tùy thể lực và thời gian cho phép. Một số cung đường phổ biến nhất là: cung đi từ Asahikawa tới đỉnh Asahidake, cung tham quan hồ Notoro-ko tới bán đảo Shiretoko, cung tham quan hồ Akan qua Kushiro Marsh tới suối nước nóng Tokachigawa. Ảnh: Gooday Hokkaido
Sounkyo Kurodake là tuyến cáp treo nằm xa nhất về phía bắc ở Nhật, đưa khách tham quan ngắm cảnh từ khu suối nước nóng Soikyo lên đỉnh Kuro, do công ty Rinyu Kanko quản lý. Không tốn nhiều sức như trekking nhưng du khách ngồi cáp treo cũng có thể phóng tầm mắt bao trọn phong cảnh mùa thu ngoạn mục ở Daisetsuzan. Ảnh: TripAdvisor
Phía đông nam của công viên quốc gia Daisetsuzan có hồ Shikaribetsu-ko ở độ cao khoảng 800 m, là nơi du khách có thể ngắm cảnh lá phong đỏ rực phản chiếu xuống mặt hồ vào mùa thu. Ảnh: Good Hokkaido
Không chỉ có những cánh rừng, núi cao hùng vĩ, hồ và suối nước nóng, các khu vực đồng cỏ, cây bụi ở Daisetsuzan cũng phủ sắc màu của mùa thu. Ảnh: Japan wonders
Chàng trai và cô gái đã yêu nhau 7 năm, cũng đã làm lễ đính hôn và đang chuẩn bị cho đám cưới sắp diễn ra. Tuy nhiên, 1 hôm ông bố đã gọi con gái ra và tiết lộ 1 bí mật.
Mới đây, theo thông tin của tờ Daily Star của Anh, một ông bố đã lên diễn đàn Reddit chia sẻ câu chuyện của cô con gái chuẩn bị làm đám cưới thì bất ngờ gặp một sự cố khiến cô thay đổi ý định vào phút chót, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.
Con gái chuẩn bị làm đám cưới thì quyết định hủy hôn sau khi được bố kể cho 1 bí mật
Theo đó, con gái của ông và bạn trai đã có 7 năm bên nhau, yêu thương mặn nồng, và họ quyết định đã đến lúc về chung một nhà, cùng nhau tiếp tục đi hết cuộc đời này. Họ đã làm lễ đính hôn và chỉ còn đợi đến ngày tổ chức lễ cưới chính thức nữa mà thôi.
Ông bố này cũng nhấn mạnh rằng, mình rất thích cậu con rể tương lai này, vì đó là một chàng trai “tốt bụng, khiêm tốn và luôn tôn trọng gia đình chúng tôi”.
(Ảnh minh họa)
Về phần gia đình thông gia, ông có gặp họ vài lần, ấn tượng cũng bình thường. Có vài câu nói nhận xét về con gái của họ khiến ông không được thoải mái lắm, ví dụ như “Tôi không hiểu sao con bé lại phải đi làm chứ? Chẳng phải đó là việc của đàn ông sao? Người vợ, người mẹ thì chỉ nên ở nhà chăm sóc con thôi”.
Tuy nhiên, dù sao cũng chỉ là lời nói của những người lớn tuổi của thế hệ trước, không đáng phải quá quan tâm.
Mọi công tác chuẩn bị cho đám cưới vẫn diễn ra bình thường, và có lẽ ngày trọng đại ấy sẽ đến nếu như không có một bước ngoặt xảy ra.
Một hôm, cậu con rể tương lai gọi điện cho ông, nói rằng muốn sắp xếp một cuộc gặp mặt bí mật giữa ông và bố mẹ cậu ta, nhất định không được nói cho cô gái biết.
Ông bố cảm thấy lạ, nhưng vẫn đồng ý đến buổi hẹn đó, xem họ nói gì.
Khi tới nơi, bố mẹ của chàng trai đã không ngần ngại, hỏi thẳng rằng ông đã chuẩn bị của hồi môn cho con gái mình để trở thành một người vợ ở nhà làm nội trợ hay chưa. Để cho những người chưa hiểu rõ khái niệm “của hồi môn”, ông bố cho biết, đó là một món tiền hoặc 1 tài sản nào đó mà cô dâu phải đưa cho chú rể sau hôn lễ, mục đích là để chuyển giao trách nhiệm tài chính của cô dâu sang cho gia đình nhà chú rể.
Người cha vô cùng sốc khi biết rằng hiện tại là năm 2020 rồi mà người ta vẫn còn đòi của hồi môn một cách thẳng thừng và sỗ sàng đến như thế.
Đau lòng hơn, ông biết con gái mình vẫn muốn tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình, nhưng xem ra, sau khi được gả vào một gia đình như thế này, có lẽ điều đó sẽ phải chấm dứt.
Mỗi cô con gái đều là 1 cô công chúa trong lòng các ông bố của mình, không thể tùy tiện giao cho những người không xứng đáng. (Ảnh minh họa)
Đáp lại, gia đình chàng trai nói ông hãy suy nghĩ kỹ về chuyện này, không quên dặn ông đừng nói gì cho con gái nghe.
Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, ông bố cho rằng đây là chuyện liên quan đến hạnh phúc cả đời của con gái mình, hơn nữa, cô cũng cần phải biết gia đình chồng tương lai của mình là những người như thế nào.
Nếu sau này, hôn nhân có trục trặc gì và cô gái phát hiện bố đã giấu giếm cô, có lẽ cô sẽ oán trách ông nhiều hơn.
Chính vì vậy, người bố đã kể lại mọi chuyện cho con nghe.
Quyết định của bố cô gái có đúng đắn?
“Con bé bắt đầu khóc, nó nói rằng nó không biết bạn trai mình lại là người có tư tưởng cổ hủ đến như vậy. Nó hỏi tôi giờ nên làm gì. Tôi bảo nó rằng kết hôn đâu phải là việc bị bắt ép và nếu con không muốn như vậy thì hãy hủy hôn đi.
Mọi chuyện đã xảy ra chính xác như vậy, và bây giờ, bạn trai của nó cùng bố mẹ cậu ta gọi cho tôi nói rằng tôi đã cướp mất tình yêu của cậu ta.
Chưa hết, một vài người bạn của con gái tôi nói tôi là một ông bố chẳng ra gì vì đã phá hỏng thứ lẽ ra là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng với tôi, hạnh phúc của con gái mình mới là điều quan trọng nhất”, ông bố chia sẻ.
Đa phần cư dân mạng đều cho rằng cô gái không nên buồn mà phải vui vì đã biết bộ mặt thật của người mà suýt thì cô đã lấy làm chồng. (Ảnh minh họa)
Dù nói là vậy, nhưng ông bố này cũng không tránh khỏi cảm giác có lỗi trong chuyện của con gái, liền hỏi dân mạng xem mình làm như vậy có đúng không.
Đáp lại câu hỏi của ông, đa phần các cư dân mạng đều cho rằng đó là một quyết định “đúng hơn bao giờ hết” và thật may vì cô gái đã biết điều đó trước đám cưới.
“Ông đã cứu con mình khỏi 1 cuộc sống ở chốn địa ngục. Rất tiếc khi cô ấy phải trải qua điều đó. Chắc cô ấy phải sốc lắm khi nhận ra bạn trai cũ và gia đình nhà cậu ta là những kẻ tệ hại đến thế. Hy vọng cô ấy ổn. Bảy năm đúng là 1 khoảng thời gian dài”, một người bình luận.
“Vậy nếu không có của hồi môn thì không được cưới à? Cưới xong nhất định phải từ bỏ sự nghiệp, ở nhà chăm con ư? Mà quan trọng là nhân vật chính của câu chuyện – cô dâu lại không hề được biết? Gia đình chồng tương lai có coi trọng cô ấy chút nào không?”, một cư dân mạng khác bức xúc.
Giáo sĩ Borri nhận xét người dân ở Đàng Trong luôn ăn mặc kín đáo dù thời tiết nóng bức, trong khi Samuel Baron nhận xét người Đàng Ngoài thường mặc áo dài và đi chân đất.
Hai tác giả, có mặt ở Việt Nam theo những cách khác nhau, nhưng đều gắn bó với đất nước ta trong thời gian khá lâu và ghi chép cẩn thận những điều họ chứng kiến, trở thành những tài liệu quý cho chúng ta ngày nay.
Christoforo Borri là một tu sĩ Dòng Tên người Italy, ông đã đến truyền giáo tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622. Trong khi đó, Samuel Baron sinh ở Thăng Long trong khoảng cuối những năm 1630, có cha là người Âu còn mẹ là người Việt, và trong khoảng thời gian 1670-1680, ông là một thương nhân ở Đàng Ngoài.
Sau khi trở về từ miền đất phía Nam Việt Nam, giáo sĩ Borri đã viết cuốn Ký sự xứ Đàng Trong năm 1631. Sau đó hơn 50 năm, Samuel Baron xuất bản cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài vào năm 1685 tại Ấn Độ.
Những cuốn sách của hai ông chính là nguồn sử liệu sớm nhất được dịch sang tiếng Anh, trong đó cuốn sách của giáo sĩ Borri còn được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác như tiếng Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức.
Hai cuốn sách này đã được hai nhà Việt Nam học là Olgar Dror và K. W. Taylor tập hợp để giới thiệu, chú giải và xuất bản năm 2006, với tên tiếng Anh là Views of Seventeenth-Century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin (Studies on Southeast Asia).
Cuốn sách vừa được NXB Đà Nẵng dịch và phát hành, với tựa Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài (Christoforo Borri về Đàng Trong và Samuel Baron về Đàng Ngoài), theo bản dịch của dịch giả Hoàng Tịnh Thủy.
Đây là một tài liệu quan trọng dành cho những người muốn nghiên cứu về mọi mặt của cuộc sống ở hai miền nước ta thế kỷ 17.
Tranh vẽ của người phương Tây về trang phục cư dân Đàng Trong.
Người Đàng Trong ăn mặc kín đáo
Theo ghi chép của cha Borri, thì phụ nữ xứ Đàng Trong có lối trang phục kín đáo nhất trong toàn cõi Ấn Độ (những khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ). “Ngay cả khi thời tiết nóng bức nhất thì họ vẫn không để hở khoảng da thịt nào”, ông viết.
Theo mô tả của giáo sĩ người Italy này, thì phụ nữ miền Nam Việt Nam thường mặc đến năm sáu lớp lót màu sắc khác nhau, trong đó lớp đầu tiên dài chấm đất “khiến họ di chuyển phải thật chú ý đến sự kín đáo sao cho không để lộ ra dù chỉ đầu ngón chân”. Lớp trang phục thứ hai ngắn hơn chừng nửa gang tay, lớp thứ ba ngắn hơn lớp thứ hai và cứ vậy cho đến khi người ta thấy được mọi lớp màu sắc.
Và những mô tả kể trên mới là trang phục tính từ eo trở xuống. Còn ở thân trên, phụ nữ Đàng Trong thường mặc áo chẽn kép nhiều màu, khoác ngoài là một lớp áo the mỏng nên dù che phủ hết cơ thể nhưng vẫn để lộ ra các họa tiết hoa văn rực rỡ mà nhẹ nhàng, tạo nên vẻ ngoài yêu kiều trang trọng.
“Phụ nữ Đàng Trong thường xõa tóc, nuôi tóc dài đến mức có thể chấm đất, bởi với họ tóc càng dài thì càng đẹp”, tác giả viết. “Họ đội trên đầu một chiếc nón rộng vành che kín cả khuôn mặt, khiến họ không nhìn thấy gì quá phạm vi bốn, năm bước chân. Những chiếc nón này thường được dệt bằng lụa hoặc tơ vàng tùy theo địa vị của người đội”. Khi gặp gỡ chào hỏi nhau, cư dân Đàng Trong buộc phải tháo vành mũ để nhìn rõ mặt nhau.
Trang phục của đàn ông xứ Đàng Trong gồm là một tấm vải quấn quanh thân thay cho quần chẽn, phần thân trên mặc thêm năm sáu lớp áo dài rộng, nhiều màu sắc dệt bằng lụa mịn.
Từ phần thắt lưng trở xuống, áo được xẻ thành nhiều tà để khi di chuyển, những tà áo đó hòa quyện màu sắc với nhau. “Chỉ cần một làn gió nhẹ lướt cũng đủ để chúng bay phấp phới hệt như dải đuôi rực rỡ sắc màu của những con công duyên dáng”.
Theo cha Borri, người dân Đàng Trong tính phóng khoáng, hòa nhã, lễ độ, sống dễ chịu và chan hòa tình người.
Việt Nam Thế kỷ VII là bản ghép chung hai cuốn sách của Borri và Baron, được các nhà Việt Nam học Olgar Dror và K. W. Taylor chú giải chi tiết. Ảnh: T.L.
Người Đàng Ngoài ham học và giỏi ghi nhớ
Theo những ghi chép của thương gia Samuel Baron, vào cuối thế kỷ 17, cư dân Đàng Ngoài thường để tóc dài và xõa tóc, chỉ trừ binh lính lúc luyện tập và thợ thủ công lúc làm việc thì thường đội mũ che tóc hoặc vấn tóc thành búi.
Cả nam và nữ khi đến tuổi 16, 17 đều nhuộm răng đen và để móng tay dài, móng tay càng dài càng được cho là đẹp.
Theo Baron, người dân Đàng Ngoài thường ngày hay mặc áo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng, theo truyền thống lâu đời, thì dân thường bị cấm mang tất và giày, ngoại trừ những văn nhân và những người đỗ Tuncy (tiến sĩ).
Tác giả này đánh giá, người dân quê Đàng Ngoài có tính chất phác, đơn giản, nhưng dễ bị lừa gạt bởi thói nhẹ dạ và mê tín quá mức.
Cư dân miền Bắc cũng được nhận xét là nhanh trí và giỏi ghi nhớ. Họ có thể làm tốt mọi việc nếu như được đào tạo bài bản. Họ ham học nhưng không phải vì sở thích riêng mà bởi đó là con đường dẫn đến công thành danh toại.
“Khi đọc sách, giọng điệu của họ tựa như đang hát, ngôn ngữ của họ đầy những từ đơn âm tiết, và đôi khi một từ có thể mang đến 12, 13 nghĩa khác nhau mà chẳng có cách gì phân biệt ngoài âm điệu, chẳng hạn như đọc tròn miệng, phát âm nặng, nhấn hoặc giữ âm… Rất ít người ngoại quốc có thể học được thứ tiếng này sao cho hoàn hảo”, Baron viết.
Người Đàng Ngoài luôn mong ước có một gia đình đông con nhiều cháu nên có phong tục nhận con nuôi, cả nam lẫn nữ. Vào dịp lễ tết, con nuôi đến thăm viếng, vấn an và biếu quà cho cha mẹ, lúc nào cũng sẵn lòng thực thi chức phận làm con của mình, như biếu cha mẹ quả ngọt đầu mùa và gạo mới thu hoạch, đóng góp khi nhà có cha mẹ, anh chị em, họ hàng… gần đất xa trời.
Baron cũng tiết lộ, người nước ngoài cư trú, buôn bán ở Đàng Ngoài cũng thường sử dụng cách thức nhận con nuôi để tránh cho bản thân khỏi phải chịu những phiền hà, nhũng nhiễu từ đám quan lại xấc xược. Bản thân Baron cũng được nhận làm con nuôi của một vị vương tử của chúa Trịnh Căn.
Một buổi tọa đàm với chủ đề “Từ Tranh Luận Đồi Dinh Nghĩ Đến Tương Lai Đà Lạt”, được báo mạng Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam tổ chức hôm 12/9 trong bối cảnh có sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt giới chuyên môn hữu quan, hướng về phố núi Đà Lạt vào khi chính quyền địa phương tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc qui hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình.
Hôm 29/6, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt còn cho hay thành phố đang trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển để Đà Lạt xứng tầm một đô thị di sản về cảnh quan, kiến trúc và văn hóa.
Trước đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng loan báo đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan Đà Lạt, rằng Sở Xây Dựng Lâm Đồng, được ủy thác làm chủ đầu tư dự án, phải khẩn trương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí, lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Thế nhưng không lâu sau đó thì chính quyền địa phương lại trưng ra 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt. Điều này có nghĩa là phớt lờ đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, của các cơ quan chức năng như Bộ Xây Dựng, Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, Hội Quy Hoạch Phát Triển Đô Thị cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên, cho biết buổi tọa đàm thu hút một số đông chuyên gia gồm các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị. Những người tham gia hy vọng ý kiến của giới trí thức được lắng nghe khi đề án được thực hiện.
Đối với Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người đầu tiên lên tiếng từ khi đề án qui hoạch Đà Lạt manh nha hồi 2014, buổi tọa đàm một lần nữa khơi lại giá trị và lịch sử của một thành phố từng được mệnh danh là Thủ Đô Đông Dương ngày trước:
“Ở đây tất cả những người góp ý cho Đà Lạt đều rất yêu Đà Lạt. Đà Lạt có lịch sử phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ là khu nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương, nhưng dần một số lượng khá lớn người Việt đến định cư. Đến năm 1943 Đà Lạt đã hình thành ra khu di sản Phố Pháp dọc theo hai bên đường Trần Phú ( tức đường Yersin cũ), và khu di sản Phố Việt nối liền khu Hòa Bình với Ấp Ánh Sáng”
“Năm 1943 thì kiến trúc sư người Pháp là Jacques Lavisquet đã rất quan tâm đến việc chỉnh trang 2 khu vực trung tâm này. Lúc đó họ đã thấy rõ 2 bản sắc riêng của Đà Lạt là di sản Phố Pháp và di sản Phố Việt mà trung tâm của nó là khu Hòa Bình”
Hình minh hoạ. Người K’ho ở Đà Lạt hôm 7/9/2009 Reuters
Năm 2014, sự kiện quan quan trọng mang tính pháp lý khi một kiến trúc sư người Pháp tên Thierry Huau hợp tác với Viện Qui Hoạch Miền Nam để làm qui hoạch điều chỉnh Đà Lạt:
“Tôi cũng được mời vào nhóm cố vấn dự án này và lúc đó tôi đã nhấn mạnh rằng phát triển ở mật độ cao sẽ phá hỏng cảnh quan Đà Lạt. Ông kiến trúc sư người Pháp này cũng rất đồng ý và trong qui hoạch trình thủ tướng phê duyệt cũng đã nói rõ rằng phát triển đô thị Đà Lạt hàm ý là phải bảo tồn chứ không thể xóa bỏ được. Ông kiến trúc sư đó là người Pháp thì ông nhấn mạnh đến cái trục di sản kiến trúc Pháp, và lúc đó tôi có nhắc là bên cạnh di sản Phố Pháp còn có di sản Phố Việt. Ông ta cũng đồng ý và đưa nó vào gọi là khu đô thị trung tâm lịch sử”.
“Vấn đề là sau khi qui hoạch Đà Lạt được Thủ tướng phê duyệt rồi, khi làm qui hoạch chi tiết cho khu Hòa Bình thì đầu tư có những đề xuất tôi nghĩ rằng chính quyền đĩa phương chưa thấy được nguy cơ của kế hoạch này. Họ thấy dự án của nhà đầu tư hấp dẫn, tức là xây những khách sạn cao tầng cho dù có xâm hại di sản đi nữa thì họ vẫn nghĩ đây là cơ hội để Đà Lạy phát triển mới”.
“Đáng tiếc chính quyền địa phương chưa được tư vấn đúng thì chúng tôi buộc phải lên tiếng ở tầm quốc gia để các nhà chuyên môn và các cơ quan ban ngành góp ý điều chỉnh lại phương án qui hoạch khu Hòa Bình. Cao tầng hóa nhiều quá, bê tông hóa nhiều quá sẽ làm mất cái giá trị về khí hậu và cảnh quan của Đà Lạt. Điều này tôi tin chắc là họ phải lắng nghe”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững, khẳng định vấn đề Đà Lạt không thuộc thành phố nữa mà đây là một đô thị di sản đặc biệt của Việt Nam. Đà Lạt sinh ra vào thời điểm bắt đầu phát triển các đô thị hiện đại trên thế giới, nó không chỉ khoác lên dấu ấn di sản mà còn mang tầm vóc quốc tế.
Đối với Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, quá trình qui hoạch để một thành phố trở thành một đô thị di sản luôn là sự xung đột, giằng co giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông thì cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh Trưởng đang được trưng bày để lấy ý kiến, đều không ổn. Qui hoạch chi tiết Khu Trung Tâm Hòa Bình, ông phân tích tiếp, vốn dĩ đã là một sai lầm về mặt bảo tồn và phát triển:
“Khu trung tâm Hòa Bình có một số công trình mang dấu ấn quan trọng. Tóm lại là có đồi Dinh, có khu Hòa Bình, có chợ mới Đà Lạt, có quảng trường, có những khu nhà phố bao quanh chợ và bao quanh khu vực lân cận dọc theo đường 3/2, đường Phan Bội Châu, Minh Mạng vân vân…”.
“Rất nhiều thành phố Châu Âu người ta cấm xây những công trình hiện đại cao tầng trong khu di sản. Châu Âu người ta bảo vệ lợi ích cho người dân Trong đề xuất của nhà đầu tư thì họ đặc biệt quan tâm đến đồi Dinh, là di dời dinh tỉnh trưởng để lấy chỗ xây một khách sạn cao 10 tầng bọc kính chung quanh. Họ chặt hết những cây cổ thụ trên đồi để làm chuyện này. Đây là điều có thể nói là xâm hại di sản rất nặng bởi vì dinh tỉnh trưởng là một công trình di sản quan trọng của khu Hòa Bình”.
Đề xuất thứ hai, phá bỏ rạp Hòa Bình để xây dựng một công trình hiện đại mới, và đề xuất thứ ba, xây nhà cao tầng trên con đường từ hồ Xuân Hương chạy vào chợ, cũng là một vi phạm cảnh quang vì nó sẽ che khuất tầm nhìn từ trung tâm Hòa Bình ra hồ. Kế hoạch làm một bãi xe ngầm lớn dưới quảng trường trước chợ Đà Lạt cũng là một sai lầm. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
“Bãi xe này là vấn đề phát triển không bền vững, đường xá Đà Lạt rất nhỏ, khi khuyến khích xe cá nhân chạy vào thì sẽ tăng kẹt xe. Coi như nó chỉ phục vụ cho những người sử dụng khách sạn nhưng thiệt hại sẽ là người dân của Đà Lạt”.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư trong buổi tọa đàm, xây dựng khu nhà 10 tầng, xây thêm cao ốc mới có nghĩa là bê tông hóa Đà Lạt, là phá hỏng hoàn toàn cảnh quan khu Hòa Bình vốn là di sản Phố Việt lâu nay. Lại nữa, tâm lý người đến Đà Lạt là tìm về thiên nhiên, núi rừng, hoa cỏ chứ không cần tìm những tòa cao tầng giống như nơi họ đang sống.
Đây cũng là suy nghĩ của kiến trúc sư ngành qui hoạch cảnh quan Hoàng Tuấn Long, theo dõi rất kỹ buổi tọa đàm “ Từ Đồi Dinh Nghĩ Về Tương Lai Đà Lạt”:
“Đà Lạt đã bị bê tông hóa, cộng với việc bê tông hóa khu Hòa Bình, không có lý do gì mà một thành phố thiên nhiên về rừng về núi nhưng mảng xanh không còn nhiều nữa. Nên bảo tồn nó, trồng thêm cây, qui hoạch tập trung vào cảnh quan hơn là xây dựng các công trình lớn”
“Lấy ví dụ như công viên Central Park ở New York. Giữa một thành phố rất nhiều tòa công trình lớn thì New York vẫn giữ được một công viên trung tâm kỳ lớn, cực kỳ đẹp và cực kỳ sinh thái cho người dân được hưởng không gian sạch sẽ và thoáng mát. Đà Lat cũng nên tạo ra những Central Park nhỏ chỉ thuần là mảng xanh thôi, và cải tạo cảnh quan cho thật là đẹp”.
Thay vì cứ cố quy hoạch khu Hòa Bình, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long góp ý tiếp, hãy bảo tồn, tôn tạo những gì Đà Lạt đã có, hãy mạnh dạn từ bỏ đề án bê tông hóa, dành lại những mảng xanh đang bị mất dần, trả lại cảnh quan xinh tươi cho Đà Lạt vốn đã là một di sản của đất nước.
Từ năm 2013 UBND tỉnh Lâm Đồng, từng phối hợp cùng Đại Học Quốc Gia TPHCM, tổ chức một hội thảo khoa học về Đà Lạt.
Khi đó Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Phó chủ tịch Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, đã có bài tham luận “ Đà Lạt-thành phố trong rừng-rừng trong thành phố: Mô Hình Phát Triển Đô Thị Hiện Đại Bản Sắc”.với cảnh báo trong phần kết luận:
“Rồi cũng chính sự phát triển đã nhanh chóng phủ lên bức tranh thiên nhiên hào phóng và quý giá đó một màu trắng đục của ngập tràn những mái “nhà kính công nghệ ni-lông”. Cuộc mưu sinh chính đáng của người dân, một sản phẩm chủ lực cần phát triển của Đà Lạt bị đặt trước một lợi ích lớn hơn nữa: bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch bền vững cho Đà Lạt. Đây là vấn đề lớn và khó. Khó không có nghĩa là không có câu trả lời”.
Theo tin mới nhất từ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chính quyền Đà Lạt vừa thể hiện tinh thần cầu thị bằng cách nhờ Hội Qui Hoạch Phát Triển Đô Thị giúp tổ chức một cuộc Hội Thảo Quốc Tế Chuyên Gia để lắng nghe ý kiến về việc điều chỉnh qui hoạch khu Hòa Bình, từ đó sẽ có quyết định tương ứng với kết luận mà Hội Thảo Quốc Tế này đưa ra.
“Chúng ta phải truy cứu trách nhiệm của quốc gia đã làm dịch bệnh lan ra khắp thế giới”, Tổng thống Trump nói, gọi dịch Covid-19 là “kẻ thù vô hình” và “virus Trung Quốc”.
Tổng thống Trump sau đó tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm 28% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu thu sẵn phát trên màn hình tại phiên họp toàn thể lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – được tổ chức trực tuyến – ở New York ngày 22/9. Ảnh: Reuters.
Sau nội dung chỉ trích Trung Quốc, Tổng thống Trump liệt kê danh sách những điều mà ông coi là thành tựu sau 4 năm nắm quyền.
“Tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết”, Tổng thống Trump nói.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Liên Hợp Quốc năm nay đề nghị lãnh đạo các quốc gia thành viên gửi bài phát biểu dưới hình thức video thu sẵn và phát tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.
Thời lượng video được khuyến nghị là 15 phút. Bài phát biểu của Tổng thống Trump chỉ kéo dài khoảng 7 phút. Trong khi đó, Tổng thống PhápEmmanuel Macron đã gửi tới Liên Hợp Quốc một bài phát biểu dài 40 phút. Theo Guardian, bài phát biểu của đa phần lãnh đạo các nước kéo dài khoảng 15 phút.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ bày tỏ không ít quan điểm khác biệt trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP, Getty Images.
Nhiều tháng nay, chính quyền Trump đã chỉ trích kịch liệt Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ sai lầm trong chống dịch Covid-19, can thiệp bầu cử, do thám hay đánh cắp tài sản trí tuệ ở Mỹ, cho đến yêu sách phi lý ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu sau Tổng thống Trump tại phiên họp.
Trước khi giới thiệu bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, đại diện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc phản đối việc nước này bị đổ lỗi vì đại dịch Covid-19, theo Guardian.
“Trung Quốc kiên quyết bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ”, đại diện Trung Quốc tuyên bố ngày 22/9.
Trong bài phát biểu thu trước phát tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng không có lý do gì để các quốc gia chống lại toàn cầu hóa.
Hình ảnh từ đoạn video bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Ông Tập khẳng định không quốc gia nào được phép hành xử theo cách “bá chủ, bắt nạt, hay ông chủ của thế giới”.
“Thế giới sẽ không bao giờ quay lại với chủ nghĩa biệt lập và không ai có thể cắt đứt mối quan hệ giữa các quốc gia”, ông Tập nói.
Thông điệp được ông Tập đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump rút lui khỏi các cam kết đa phương để theo đuổi chính sách biệt lập hơn.
Ông Tập cũng kêu gọi tiến hành “một cuộc cách mạng xanh”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết mong muốn giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2060.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng công bố khoản hỗ trợ 50 triệu USD cho quỹ đối phó với đại dịch Covid-19 của Liên Hợp Quốc, cùng khoản viện trợ 50 triệu USD cho Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).