Tội phạm băng đảng bị ‘nhồi’ chật kín nhà tù ở El Salvador

toi pham bang dang chat kin nha tu anh 1
Nhà chức trách El Salvador hôm 4/9 tiến hành kiểm tra ba nhà tù giam giữ thành viên tổ chức tội phạm MS-13 cùng 18 băng đảng tội phạm khác tại quốc gia Trung Mỹ này. Theo Reuters, các cuộc kiểm tra có liên quan tới đại dịch Covid-19. Hình ảnh từ cuộc kiểm tra cho thấy những buồng giam chật cứng các thành viên băng đảng, kết quả từ cuộc chiến chống tội phạm của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele. Ảnh: Reuters.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 2
Hình ảnh từ cuộc kiểm tra được công bố trong bối cảnh Tổng thống Bukele đứng trước cáo buộc chính phủ của ông đàm phán với băng đảng MS-13 khét tiếng, nhằm hạ thấp tỷ lệ tội phạm, qua đó giúp ông giành lợi thế chính trị trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Đổi lại, nhà chức trách sẽ giành cho thành viên của MS-13 một số đặc quyền trong nhà tù. Ảnh: AFP.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 3
Cáo buộc đàm phán với tội phạm băng đảng là vấn đề hết sức nhạy cảm tại El Salvador, nơi người dân đã trở thành nạn nhân của tra tấn và giết hại từ phía các băng đảng tội phạm trong nhiều năm qua. Nhiều quan chức của chính quyền tiền nhiệm đang bị điều tra do đàm phán với tội phạm băng đảng. Ảnh: AFP.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 4
Trước đó, tờ El Faro cho biết đã thu được một số tài liệu của chính phủ, bao gồm nhật ký và báo cáo từ các nhà tù, cho thấy quan chức chính phủ đã tổ chức đàm phán với MS-13 từ tháng 6/2019. Ảnh: AFP.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 5
Tổng chưởng lý Raul Melara cho biết sẽ mở cuộc điều tra cáo buộc chính phủ đàm phán với MS-13. “Có những chính trị gia và cựu chính trị gia đang bị truy tố vì đàm phán với tội phạm băng đảng. Gần đây tin đồn về việc tình trạng ấy một lần nữa xuất hiện, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra. Không ai có thể vi phạm hiến pháp, đàm phán với những tên khủng bố”, ông Melara nói. Ảnh: AFP.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 6
Cáo buộc nêu trên, nếu là sự thật, sẽ trở thành đòn đánh mạnh mẽ vào uy tín của ông Bukele, người xây dựng hình ảnh là tổng thống của luật pháp và trật tự với những phát ngôn và hành động cứng rắn kể từ khi nắm quyền năm 2019. Trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Bukele, tỷ lệ giết người tại El Salvador đã giảm xuống so với trước đó. Một số ý kiến nghi ngờ tỷ lệ giảm có thể đến từ thỏa thuận của chính phủ với các băng đảng tội phạm. Ảnh: Reuters.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 7
Hồi tháng 4, sau những ngày bạo lực băng đảng lan rộng với hơn 60 người bị giết, Tổng thống Bukele đã ra lệnh giam chung thành viên các băng đảng trong các buồng giam. Các nhà tù đồng thời sử dụng những tấm kim loại lớn để niêm phong các buồng giam, ngăn thành viên băng đảng giao tiếp với bên ngoài. Ảnh: Reuters.
toi pham bang dang chat kin nha tu anh 8
Năm 2012, chính quyền của Tổng thống Mauricio Funes cũng bị cáo buộc thỏa thuận với các băng đảng tội phạm. Tháng 7 vừa qua, tòa án El Salvador đã ra lệnh giam lỏng tướng về hưu David Munguia Payes, người từng giữ chức bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Funes, với cáo buộc tham gia đàm phán thỏa thuận nêu trên. Trong khi đó, ông Funes đã lưu vong tới Nicaragua và được cấp quy chế tị nạn. Ông Funes bác bỏ cáo buộc đàm phán với các băng đảng tội phạm. Ảnh: AP.
Duy Anh / Zing

‘31 tuổi, tôi chỉ còn vài tuần để sống’

Hiểu rằng bệnh ung thư của mình không còn cách điều trị, Elliot Dallen nhắn nhủ mọi người trân trọng cuộc sống khi còn có thể.

Zing lược dịch bài đăng trên Guardian về Elliot Dallen (hiện sống ở London, Anh). Chàng trai được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô vỏ thượng thận vào năm 2018. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn anh suy nghĩ tích cực.

Trong vài tháng qua, sức khỏe của tôi giảm sút trông thấy. Tôi tụt rất nhiều cân. Cơn ho kéo dài 20 phút giờ là một phần trong “thói quen” mỗi sáng. Không steroid, morphin hay đồ uống lạnh nào có thể làm dịu cổ họng của tôi.

Sau nhiều tháng bị cô lập vì dịch bệnh, chị gái đã chuyển về căn hộ chung của chúng tôi từ cuối tháng 6. Việc có người thân ở bên cạnh đã tạo nên sự khác biệt rất lớn.

Đúng lúc đó, tôi bất ngờ được thông báo mình cuối cùng cũng thích hợp để thử nghiệm loại thuốc mà bản thân đã chờ đợi hơn một năm. Các bác sĩ cũng nói rõ đây không phải “viên đạn ma thuật”, mà nếu hiệu quả, chỉ có thể kéo dài sự sống cho tôi thêm vài tháng.

Mục đích của việc điều trị là ngăn tế bào ung thư lấy đi tất cả chất dinh dưỡng và năng lượng mà cơ thể tôi cần. Thế nhưng, thể trạng của tôi không được tốt như lúc bắt đầu các phương pháp điều trị khác. Tôi khó thở, không thể tập thể dục và cứ muốn lịm đi.

Cuối cùng, tôi phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi rằng không còn cách điều trị nào nữa. Tôi từng nghĩ điều này sẽ khiến mình cảm thấy hoàn toàn được tự do. Nhưng tôi đã sai. Khi không còn gì để chiến đấu, đó chỉ là một câu hỏi để chờ đợi. Nó buộc tôi suy ngẫm về mọi thứ.

loi chia se cua benh nhan ung thu anh 1
Elliot Dallen được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô vỏ thượng thận vào năm 2018, ở tuổi 29.

Ba thập kỷ đầu của cuộc đời tôi trôi qua suôn sẻ. Nói đúng hơn thì mọi thứ thật tuyệt vời và hoàn hảo khi tôi có công việc, sức khỏe, bạn bè. Tôi ấp ủ nhiều dự định như học tiếng Tây Ban Nha, khám phá thêm về Trung Mỹ thông qua một số hoạt động tình nguyện.

Tôi tưởng tượng mình sẽ ổn định cuộc sống ở tuổi 30 hoặc 40 với những đứa con và khối tài sản. Trong viễn cảnh khác, tôi vẫn là người đàn ông độc thân ở tuổi 45 và lên kế hoạch đi du lịch vòng quanh Mông Cổ.

Dù thế nào đi chăng nữa, già đi cùng bạn đời và sống hết mình luôn là tham vọng của tôi.

Tiếc là tôi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng ai rồi cũng phải chết. Cuộc sống của bất kỳ ai cũng sẽ thiếu đi ít nhiều trải nghiệm bởi thế giới này quá tươi đẹp và đầy rẫy sự phiêu lưu để một người có thể chiêm ngưỡng hết.

Tôi sẽ bỏ lỡ chuyện hôn nhân, con cái và sự nghiệp đang nở rộ. Thế nhưng, tôi không đơn độc trong cuộc sống bị rút ngắn.

Khi hiểu rằng thời gian còn lại có thể chỉ là vài tuần, tôi suy nghĩ về những điều thực sự quan trọng đối với bản thân. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những gì mình đã khám phá ra.

Đầu tiên, hãy nhận ra tầm quan trọng của lòng biết ơn. Trong khoảnh khắc tồi tệ nhất – cú sốc khi được chẩn đoán ung thư, tinh thần sa sút hay sự đau đớn lúc hóa trị, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ tới mọi thứ mình đang có: một gia đình tuyệt vời, những người bạn tốt và khoảng thời gian tôi từng chia sẻ với họ. Đó là những đặc ân trong cuộc sống của tôi.

loi chia se cua benh nhan ung thu anh 2
Dallen chụp hình cùng chị gái ở Lulworth Cove, Dorset, Anh.

Thứ hai, một cuộc đời, nếu sống có ý nghĩa, không bao giờ là ngắn ngủi. Điều này có thể khác nhau đối với mỗi người.

Đó có thể là đi du lịch. Tôi may mắn khi làm được điều này và có thể khẳng định rằng thế giới là nơi chứa đầy khoảnh khắc kinh ngạc, tuyệt vời. Bởi vậy, hãy đắm mình vào đó nhiều nhất có thể.

Đó cũng có thể là sống tích cực càng nhiều càng tốt. Cơ thể của chúng ta là điều tuyệt diệu, song mọi người chỉ nhận ra điều đó khi gặp vấn đề. Thế nên, nếu nhận thấy sức khoẻ của mình bắt đầu giảm sút, hãy làm mọi thứ có thể để cải thiện. Hãy chăm sóc cơ thể vì mỗi người chỉ có một mà thôi.

Hiểu rằng cuộc sống của mình sắp khép lại cũng thay đổi quan điểm của tôi về sự già đi. Tôi từng xem việc sống lâu là một đặc ân. Không ai nên than thở về việc mình già đi một tuổi, có thêm tóc bạc hay nếp nhăn. Thay vào đó, hãy hài lòng vì bản thân đã sống đến được lúc ấy. Nếu cảm thấy mình chưa tận dụng tốt thời gian của năm ngoái, hãy cố gắng hơn sau đó.

Thứ ba, điều quan trọng là cho phép bản thân bị tổn thương và kết nối với người khác.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao khả năng và sự độc lập. Đó là hai thứ mà ung thư dần tước bỏ khỏi bạn. Đây gần như là viên thuốc rất khó nuốt đối với một người đàn ông còn trẻ như tôi. Thế nhưng, việc cho phép bản thân bị tổn thương và chấp nhận sự giúp đỡ từ người xung quanh đã mang lại cho tôi 2 năm tuyệt vời trong cuộc đời.

Nhờ đó, tôi mới cảm nhận hết rằng mình có bố mẹ, chị gái cũng như những người bạn tuyệt vời đến thế nào.

Thứ tư, hãy làm điều gì đó cho mọi người. Dịch Covid-19, phong trào Black Lives Matter và nỗ lực tuyệt vọng của nhiều người nhập cư trái phép qua eo biển Manche (thuộc Đại Tây Dương) đã khiến tôi nghĩ đến những mảnh đời không có cuộc sống, đặc quyền như tôi. Tôi luôn cố gắng nhắc nhở bản thân về điều này.

Thứ năm, hãy bảo vệ hành tinh. Điều này rất quan trọng. Tôi sẽ sớm ra đi, nhưng nhân loại vẫn sẽ đối mặt những thách thức lớn lao như giảm lượng khí thải carbon và cứu môi trường sống khỏi bị tàn phá.

Trong những năm tháng qua, tôi may mắn được thăm thú nhiều kỳ quan thiên nhiên trên thế giới và hiểu được chúng quý giá đến nhường nào. Hy vọng các thế hệ sau cũng cảm nhận được điều đó, nhưng sẽ phải hết sức nỗ lực.

Nếu ai hỏi tôi muốn để lại điều gì, tôi sẽ nói đó là lời tâm sự để thức tỉnh bất cứ ai thực sự muốn lắng nghe. Khoảng thời gian kể từ khi được chẩn đoán mắc ung thư thực sự mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời vì căn bệnh không thể làm tôi suy yếu về mặt tinh thần.

Tôi nghĩ rằng những trải nghiệm khi được chia sẻ sẽ tốt hơn nhiều. Cuộc sống là để tận hưởng. Hãy suy nghĩ và hành động tích cực khi bạn còn có thể.

Thiên Nhi / Zing

Vì sao đại gia xăng dầu sở hữu “lâu đài” nghìn m2 ở Hải Phòng bị bắt?

Vì sao đại gia xăng dầu sở hữu “lâu đài” nghìn m2 ở Hải Phòng bị bắt?

Ông Ngô Văn Phát.

Theo Công an Hải Phòng, đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát được xác định tổ chức, cầm đầu ổ nhóm đối tượng lập nhiều công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn GTGT với số lượng lớn.

Tối 8/9, Công an TP Hải Phòng đã thông tin chính thức về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu Ngô Văn Phát.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhiều công ty đăng ký kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).

Tập trung điều tra, xác minh, Công an huyện Thủy Nguyên đã triệt phá thành công ổ nhóm đối tượng lập nhiều công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn GTGT với số lượng lớn, do: Ngô Văn Phát (sinh năm 1964, ĐKTT số 60 Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chỗ ở tại số 9 Lê Hồng Phong, quận Hải An, Hải Phòng) tổ chức, cầm đầu.

Ngày 4-7/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án về Tội mua bán bán trái phép hóa đơn theo điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 bổ sung, sửa đổi năm 2017.

Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với:

Ngô Văn Phát, sinh năm 1964, ĐKTT: số 60 Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, chỗ ở: số 9 Lê Hồng Phong, quận Hải An, Hải Phòng.

Vì sao đại gia xăng dầu sở hữu “lâu đài” nghìn m2 ở Hải Phòng bị bắt? - Ảnh 1.

Ngôi biệt thự như “lâu đài” của ông Ngô Văn Phát. Ảnh: N.D

Nguyễn Thị Loan, sinh 1989, chỗ ở: số 04-2/Venice Vinhome Imperia, Hồng Bàng, Hải Phòng

Vũ Văn Bảy, sinh năm 1950, quê quán: xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình, nơi thường trú: Tổ 4 khu 2 phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh, nghề nghiệp: Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Phát.

Trần Thị Hằng, sinh năm 1992, ĐKTT: Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình, nơi ở: Thửa 101, ngõ 829 Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.

Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1978, ĐKTT: xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi ở: Thôn 11 xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Mai Thị Nhài, sinh năm 1994, ĐKTT: xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, nơi ở: Khu 2 Thị trấn An Dương, huyện An Dương, Hải Phòng.

Lương Văn Giao, sinh năm 1991, ĐKTT: xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi ở: xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hải Phòng điều tra làm rõ và mở rộng vụ án.

Cũng trong chiều tối ngày 8/9, lực lượng cảnh sát đã khám xét nơi ở của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát tại một lâu đài hoành tráng trên đường Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng).

Ông Phát được giới làm ăn biết tới với danh nghĩa “đại gia xăng dầu” nổi tiếng ở Hải Phòng, có trong tay nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Ông là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Thương mại xăng dầu Phát – Petraco và Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành.

Ngoài ra, ông Phát còn nổi tiếng bởi sở hữu nhiều căn biệt thự hoành tráng như căn biệt thự xây cất hoa mỹ, cầu kỳ, tọa lạc trên khu đất rộng cả nghìn mét vuông nằm trên đường Lê Hồng Phong, con đường đẹp nhất nhì TP Hải Phòng.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam

Sự kiện tổng hợp tin tức về Đồng Tâm trên trang Facebook.
Chụp lại hình ảnh,Sự kiện tổng hợp tin tức về Đồng Tâm trên trang Facebook.

Vụ án Đồng Tâm được xem là một trong những sự việc đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày đầu tiên hôm 7/9. Vậy giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm?

Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 17/9.

Đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.

Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội ngày 8/9, An Nguyên (đã đổi tên) chia sẻ:

“Từ những phút đầu tiên của phiên tòa này đã định sẵn bản án. Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Nó như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm sự dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự”.

Từ Mỹ, một du học sinh Việt Nam nói: “Tôi thấy rần rần trên Facebook, trên báo về vụ Đồng Tâm nhưng tôi không theo dõi vì đây không phải mối quan tâm của tôi”.

‘Đây là phiên luận tội, không phải phiên tòa’

Là giáo viên tiếng Anh, đã từng đi du học nước ngoài và đang dạy các bạn trẻ luyện thi bằng tiếng Anh để du học, Chung Sơn (đã đổi tên) nói với BBC:

“Những kênh tôi tiếp cận thông tin là báo chí chính thống, họ cũng đưa những tin giống nhau như giật tít về việc Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được yêu cầu triệu tập chứ không đưa sâu về những vô lý ở tòa. Tôi đọc Thanh Niên, thấy quanh tòa án an ninh được siết chặt. Vì vậy, việc tiếp cận thông tin một cách độc lập chắc chắn bị hạn chế”.

“Còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh vụ việc này: các bị cáo có bị ép cung hay không và vì sao lực lượng công an lại tấn công vào Đồng Tâm vào rạng sáng như vậy. Nhưng những câu hỏi hay kiến nghị hầu như bị bác bỏ. Chứng tỏ nền tư pháp đứng hẳn về phía nhà nước, chính quyền, không có sự công bằng cho người dân. Thậm chí, người dân Đồng Tâm còn không có cơ hội đòi công bằng”.

Khi được hỏi về nền Tư pháp Việt Nam, Chung Sơn nói rằng mọi người hay đùa ‘Công Lý’ chỉ là tên của diễn viên hài và nếu Việt Nam có nền tư pháp độc lập, công bằng thì không nhiều người phải nhảy lầu sau khi tòa tuyên án như vậy.

Anh nói: “Phiên tòa này có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng. Rõ ràng đây phiên buộc tội, đấu tố chứ không phải phiên tòa bởi chúng ta đều biết kết quả sẽ thế nào. Nếu phiên tòa diễn ra đúng tinh thần pháp luật hơn thì những bị cáo còn có thể được giảm nhẹ tội nhưng với tình hình này, người dân Đồng Tâm sẽ phải đối mặt với mức án nặng nề”.

LS Đặng Đình Mạnh ghi lại diễn biến phiên tòa về phần bị cáo Bùi Thị Nối.
Chụp lại hình ảnh,LS Đặng Đình Mạnh ghi lại diễn biến phiên tòa về phần bị cáo Bùi Thị Nối. Nhiều người nhận xét bà tiều tụy, sức khỏe yếu hơn trước đó trên tivi.

Chung Sơn giải thích lý do: “Tôi muốn có lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, để xem nhà nước có lý hay không, người dân Đồng Tâm có tội hay không. Chúng ta có thể không biết rõ chuyện gì đã xảy ra ngày 9/1, nhưng quan sát phiên tòa, chúng ta thấy được công lý không thuộc về những người dân Đồng Tâm”.

Chia sẻ với BBC từ Hà Nội, bạn trẻ An Nguyên cho biết: “Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án”.

“Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Đây như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự”, cô nhận định.

Còn người dùng Facebook Le Quang cho rằng tòa án Việt Nam có lẽ là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại cho phép chiếu một bộ phim tuyên giáo có dàn dựng ngay trong phiên tranh luận.

Anh viết: “Việc đưa ra một đoạn phim tuyên giáo (đã qua cắt dựng) có thể góp phần tạo ra thông tin ngụy biện gây tổn hại đến uy tín của tòa án, nhân chứng, nạn nhân, nghi can … hơn nữa, nó gây tổn thương đến niềm tin nơi công chúng. Đây là điều mà mọi người bình thường đều hiểu chứ không cần phải có kiến thức chuyên sâu.

Ở những xã hội chặt chẽ, người ta coi trọng tính ‘trang trọng’ và ‘phẩm giá’ của tòa, mọi tài liệu được công bố phải là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ nghiêm túc. Một đoạn phim đã qua dàn dựng được trình chiếu trước tòa có thể coi là nỗi sỉ nhục rất lớn cho bản thân chánh án lẫn cả nền tư pháp. Nó không khác gì việc chiếu phim khiêu dâm trong phòng hội nghị cả”, người dùng Le Quang nhìn nhận.

Từ Chile, nhà văn Khải Đơn chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên với ứng xử của tòa, thẩm phán và cách họ tổ chức phiên tòa. Nó giống như các vụ xử kẻ giết bố Trịnh Kim Tiến, giống phiên tòa xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Nói chung chính quyền đối xử với các nông dân ở Đồng Tâm như kẻ mà họ thường gọi là phản động, như cấm người nhà dự phiên tòa, chặn và bắt các người đưa tin độc lập”.

‘Cảm giác sợ hãi, bất lực’

Ở Việt Nam, thế hệ trẻ luôn được xem là những người làm chủ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nếu vào những hội nhóm với phần đông là các bạn trẻ trên Facebook, không ít các hội nhóm đưa ra điều kiện rằng không bàn về chính trị nếu tham gia nhóm.

Nhà văn trẻ Khải Đơn nêu quan sát: “Điều khiến tôi hài lòng là các group hoạt động lăng nhăng thường ngày đưa tin vui vẻ, nhảm nhí lại trở thành chiến trường cãi nhau vì vụ này. Các group sau dịch Covid thường có quota chạy bài theo yêu cầu của nhà nước, dĩ nhiên, đưa thông tin vụ này. Và nhờ đó, tôi thấy người trẻ có quan tâm, muốn quan tâm đúng đắn thay vì sa vào chửi bới với nick ảo”.

“Nhưng thông tin lan truyền không đủ tốt, như không đến được với khán giả mới chưa quan tâm và biết về vụ việc, mà chỉ dừng ở nhóm người đọc đã từng biết vụ việc từ lâu. Sự thuyết phục với số đông khán giả trong xã hội cũng bị ảnh hưởng vì độc giả ít hơn”, Khải Đơn nói.

Một nhóm các bạn trẻ đã thiết kế hình đại diện về sự kiện Đồng Tâm
Chụp lại hình ảnh,Một nhóm các bạn trẻ đã thiết kế hình đại diện về sự kiện phiên tòa Đồng Tâm

Về vấn đề này, Chung Sơn nói: “Ở Thái, dù nói xấu về hoàng gia là phạm pháp nhưng giới trẻ Thái Lan vẫn lập group cả hơn 1 triệu thành viên để bàn luận nghiêm túc về những vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, chỉ cần lên tiếng về chính trị có khi bị gắn mác phản động”.

Chung Sơn nói tiếp: “Cảm giác của tôi về cách hành xử của nhà nước sẽ khiến cho người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân như tôi nói chung giận dữ. Nhiều người không nói ra, nhưng trong lòng họ bất an, mất lòng tin vào xã hội này. Vì hôm nay là người dân làng Đồng Tâm, đâu ai biết được ngày mai là người dân của quận này, xã kia ở Việt Nam”.

“Nhìn vào những gì đang xảy ra, tôi cảm thấy bất lực, giận dữ vì một nhóm người dân đã bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng và cuối cùng bị ghép tội. Tôi không biết mình có thể làm gì được, càng ngày tôi cảm thấy đáng sợ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Tôi không thể nào tưởng tượng chính quyền lật lọng, tráo trở như vậy”.

Chung Sơn thừa nhận: “Chúng tôi không nói với nhau, nhưng tự hiểu cần phải tự tìm đường: du học không phải chỉ để nâng cao kiến thức mà để kiếm nơi sống tốt hơn”.

Là người viết báo, nghiên cứu về chính sách, An Nguyên chia sẻ:

“Sự quan tâm của tôi không nằm ở việc đất đai thuộc về chính quyền hay người dân Đồng Tâm mà ở chỗ 4 giờ sáng ngày 9/1, đã có một cuộc tấn công của lực lượng công an vào nhà người dân. Cuộc tấn công này làm tôi cảm như mình ở một đất nước vô thiên, vô pháp. Tấn công xong thì bắt giam người, bắn chết người và bây giờ mở phiên tòa như thể tội lỗi toàn của nhân dân”.

“Ngày hôm qua sau khi quan sát phiên tòa, tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi cảm thấy giữa người với người nhưng có người lại cùng khổ như vậy. Nếu người ta nghèo, người ta còn có thể bấu víu vào lao động bản thân để thoát nghèo. Nhưng người dân Đồng Tâm, họ không biết bấu víu vào đâu vì làm gì có công bằng, công lý. 29 con người, 29 gia đình đã mất hẳn cuộc đời, tương lai chấm dứt. Bây giờ là năm 2020, ở ngay thủ đô Hà Nội của nước mình lại có những điều trớ trêu như vậy,” An Nguyên tâm sự.

Báo chí chính thống Việt Nam được cho là đưa tin thiên lệch về phiên xét xử
Chụp lại hình ảnh,Báo chí chính thống Việt Nam được cho là đưa tin thiên lệch về phiên xét xử.

An Nguyên bộc bạch thêm: “Buồn hơn nữa là không nhiều người lên tiếng. Ở Mỹ, vì một người da đen, người ta có thể biểu tình rầm rộ đòi công lý. Ở Hong Kong, nhiều người trẻ biểu tình đòi quyền tự do. Ở Việt Nam, cũng ở Hà Nội này người ta xuống đường vì cây xanh nhưng giờ là mạng sống con người thì không ai lên tiếng”.

“Tôi thấy có quá nhiều sự im lặng, từ giới hoạt động, giới tri thức, báo giới. Bản thân tôi cũng tự thấy mình hèn khi không thể làm gì khác hơn. Những người cách mình chỉ vài chục cây số, sống cùng đất nước nhưng họ đang phải chịu cảnh bất công, tàn bạo”, An Nguyên nhìn nhận.

Quan sát diễn biến câu chuyện, một bạn trẻ giấu tên từ Việt Nam chia sẻ với BBC: “Tôi thấy trong vụ việc Đồng Tâm, nỗi sợ bao trùm dư luận lớn hơn và tới một lúc nào đó người ta không nhận ra đó là nỗi sợ nữa. Cũng như tới một lúc nào đó, người ta không nghĩ rằng đồng lõa với tội ác là sai trái nữa”.

“Việc tôi phải ẩn danh khi phỏng vấn nó cho thấy thực tế rằng ở xứ sở này, người ta không dám đeo tên mình dù nói về những điều đúng đắn”, bạn nói.Bùi Thư

Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt

Đồng Tâm: Án tử hình – Luật sư và hai ông Công, Chức phản ứng gì?

Luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Ngô Anh Tuấn đi xem xét hiện trường - miệng hố ở nhà ông Lê Đình Kình - thời điểm 1 tháng sau khi diễn ra đụng độ của dân làng Hoành, Đồng Tâm, với cảnh sát rạng sáng 9/1/2020.
Chụp lại hình ảnh,Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Ngô Anh Tuấn đi xem xét hiện trường – miệng hố ở nhà ông Lê Đình Kình – 1 tháng sau khi diễn ra đụng độ của dân làng Hoành, Đồng Tâm, với cảnh sát rạng sáng 9/1/2020.

Sau khi Viện Kiểm sát (VKS) TP Hà Nội đề nghị mức án tử hình với hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức hôm 9/9, luật sư Đặng Đình Mạnh, người có mặt tại tòa, nói hồ sơ vụ án có quá nhiều thiếu sót, thì dù với bản án nhẹ nhất, chứ đừng nói tử hình, có khả năng cao là kết án oan sai.

Ông lý giải nhận định này với BBC News Tiếng Việt:

“Chưa thừa nhận vấn đề các bị cáo có tội hay không, nhưng các luật sư nhìn nhận rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều thiếu sót.”

“Chẳng hạn như vấn đề triệu tập người tham gia tố tụng. Tòa không triệu tập Công an TP Hà Nội và nhiều cá nhân, tổ chức khác. Phía cơ quan điều tra cũng không tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án.”

“Với một hồ sơ như vậy, việc kết tội bất kỳ ai trong số các bị cáo cũng có thể dẫn đến oan sai, từ không có tội trở thành có tội, hoặc từ tội nhẹ thành tội nặng.”

“Trong điều kiện đó, bất kỳ đề xuất về hình phạt nào, ở mức độ nào, với bất kỳ bị cáo nào, đặc biệt là đối với bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, thì đều là không thỏa đáng.”

“Do đó, các luật sư đã thống nhất kiến nghị tòa chuyển trả hồ sơ về cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra lại, bổ sung những thiếu sót.”

Luật sư Mạnh cũng cho hay trong sáng 9/9, VKS đã thay đổi tội danh cho rất nhiều bị cáo, chỉ giữ lại 6 người ở nhóm tội ‘giết người’ (trước đây là 25 người), còn lại đều chuyển qua tội ‘chống người thi hành công vụ’.

“Như vậy, mức án dành cho các bị cáo này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Tôi cho rằng những bị cáo được hưởng án treo, hoặc những người đến thời điểm xét xử cũng đã gần hết hạn tù rồi thì có lẽ sẽ không kháng cáo. Còn những người từ vài năm tù trở lên sẽ kháng cáo.”

Theo tường thuật của luật sư Mạnh, thái độ của hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức khi nghe đề nghị tử hình là ”hết sức bình thản”.

Bên cạnh đó, các luật sư tiếp tục không được gặp thân chủ trong ngày xử thứ ba.

“Trước đó khi các luật sư khiếu nại vấn đề này, tòa đã chấp thuận giải quyết. Trong buổi sáng xét xử thứ hai, các luật sư đã được gặp thân chủ. Nhưng khi vào phiên tòa, tới phần luận sư hỏi bị cáo thì có nhiều phần thông tin được hé lộ ra. Có lẽ vì vậy mà đến buổi chiều tòa thay đổi. Họ yêu cầu luật sư phải đăng ký trước mới được gặp thân chủ; và phải đứng cách xa thân chủ 2 mét. Còn đến hôm nay thì họ hoàn toàn không cho chúng tôi gặp nữa,” luật sư Mạnh nói.

Trong khi đó, theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, vì lòng tham mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Hành vi giết người của nhóm bị cáo cầm đầu là dã man, làm ảnh hưởng đến các hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây bất bình trong dư luận mà hậu quả là ba cảnh sát hi sinh.

‘Hội đồng xét xử cần cân nhắc tội danh trong vụ Đồng Tâm’

Trên Facebook cá nhân, luật sư Phùng Thanh Sơn viết:

“Thay vì chờ ban ngày, cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét nhà để phát hiện và xử lý tội mua bán, tàng trữ vũ khí (nếu đúng sự thật là các bị cáo có mua lựu đạn để đối phó). Chính quyền bố ráp nhà ông Kình lúc đêm khuya như đi đánh giặc thì không thể nào nói là đúng pháp luật được. Trong lúc đêm khuya đem lực lượng đến bao vây, dùng súng xông vào nhà dân thì dân buộc phải chống trả thôi. Do đó HĐXX cần cân nhắc chuyển tội danh từ tội giết người sang tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS).”

“Xuất phát từ việc chính quyền không giải quyết thỏa đáng và đúng luật về vấn đề đất đai. Trái lại, chính quyền làm chuyện trái luật là đem quân đi bố ráp nhà ông Kình lúc nữa khuya thì hành vi của các bị cáo có thể được xem là phạm tội trong trường hợp trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu chính quyền sử dụng quyền lực một cách hợp pháp, theo đúng trình tự thủ tục luật định thì chắc chắn những bị cáo này không phản ứng như vậy. Do đó, HĐXX cũng có thể cân nhắc chuyển sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 BLHS).”

Ngoài ra, luật sư Sơn dẫn Điều 126 BLHS, trong đó hình phạt cao nhất cho tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng là 05 năm tù. Điều 125 BLHS: hình phạt đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tối đa là 07 năm tù.

“Cách thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ tốt là xây dựng lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ chứ không phải tạo ra sự sợ hãi của dân đối với Đảng và chế độ,” ông Sơn viết.

Chưa rõ ba công an chết do nguyên nhân nào
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình
Chụp lại hình ảnh,Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, tại căn nhà của ông bà với nhiều vết đạn

Theo luật sư Mạnh nói với BBC, trong giám định pháp y có kết luận ba công an chết do ngạt khí, và trong khí quản có CO2. Cáo trạng ghi do cháy xăng.

Theo trang 14 của kết luận điều tra đề ngày 5/6/2020:

“Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ ra chậu và đổ nhiều lần xuống hố làm lửa bùng cháy lớn, vừa đổ vừa nói: “Cho chết mẹ mày đi”. Hải ngồi cạnh Chức nói: “Thơm nhở”… (Đối tượng) Doanh sau khi đẩy chậu xăng xuống hố thì chạy xuống… và nhìn thấy Chức dùng chậu đổ 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần… Khi thấy Chức đang cầm chậu nhựa đựng xăng để tiếp tục đổ xuống hố… thì 01 thành viên trong Tổ công tác… bắn 02 phát về phía Chức khiến chậu xăng bị hất tung và Chức bị thương ở đầu, lăn vào trong…”.

Nhưng các luật sư cho rằng có nhiều nguồn có thể gây nguy hiểm tính mạng cho ba công an này. Chẳng hạn việc cứu hỏa xịt hai bình C02 xuống hố nơi ba công an rơi xuống, làm giảm nguồn oxi ở dưới hố, gây tử vong, chứ không hẳn do cháy xăng.

“Do có rất nhiều điều chưa rõ ràng như vậy, lẽ ra phải tổ chức thực hiệm điều tra. Vụ án chết tới bốn người mà không thực nghiệm điều tra là hết sức vô lý,” luật sư Đặng Đình Mạnh nói.

Trong sáng 9/9, các luật sư bào chữa cũng nếu vấn đề công an đã ra quyết định tấn công vào thôn Hoành như thế nào, vì đây là việc liên quan đến nhóm tội chống người thi hành công vụ.

Công an vào thôn Hoành làm gì?

Các luật sư đặt câu hỏi cho tòa rằng các lực lượng chức năng vào thôn Hoành có để thực hiện công vụ không, công vụ đó là gì, và phải chứng minh công vụ đó một cách hơp pháp.

“Trong hồ sơ vụ án có nói rằng phía công an có một kế hoạch để đảm bảo an toàn trật tự ở công trình xây dựng khu vực sân bay Miếu Môn. Có ba người phía công an khai trong hồ sơ vụ án rằng họ thuộc ‘Tổ đánh bắt’.

“Như vậy có vẻ như có chủ trương hay có văn bản nào đấy quy định họ đi vào thôn Hoành để bắt người. Nhưng khi luật sư yêu cầu công khai các văn bản đó ra thì tòa nói là không có, mà chỉ có văn bản trả lời của công an thành phố rằng hôm đó họ cho triển khai quân để đảm bảo an toàn an ninh trật tự cho xã Đông Tâm.”

“Nhưng đó là văn bản trả lời sau khi sự việc ở Đồng Tâm đã xảy ra rồi, còn văn bản quy định đêm đó họ hành quân vào thôn Hoành thì đâu? Trong hồ sơ vụ án không có. Sáng nay các luật sư đã đặt lại vấn đề và yêu cầu thu thập lại chứng cứ đó,” luật sư Mạnh nói.

Trước đó, ngay sau vụ việc chết người ở Đồng Tâm xảy ra, ngày 14/1/2020, thiếu tướng Lương Quang Tam, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam giài thích với truyền thông trong nước rằng việc “bố trí lực lượng vào thôn Hoành là để bảo vệ công trình từ xa. Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra.”

Liên quan tới cái chết của ông Lê Đình Kình, luật sư Ngô Anh Tuấn nhiều lần nêu vấn đề này, đề nghị làm rõ các tình tiết, chứng cứ liên quan, nhưng lần nào cũng bị tòa cắt ngang hoặc mời về chỗ ngồi, cho rằng vụ án này không để giải quyết về cái chết của ông Kình.

Trước đó, trong ngày xét xử thứ hai hôm 8/9, ông Lê Viết Hiểu khai rằng ông ở trong nhà ông Kình hôm 1/9/2020, chứng kiến công an đứng trước mặt ông Lê Đình Kình, ở cự ly 1 mét. Khi đó ông Kình không hề cầm quả lựu đạn nào trong tay, sau đó bị chó nghiệp vụ lôi xác ra ngoài, theo tường thuật của luật sư Ngô Anh Tuấn trên Facebook cá nhân.

Trong khi đó, kết luận điều tra của VKS nêu rằng công an bắt hai phát từ phía sau ông Lê Đình Kình, và rằng ông Kình chết khi trên tay còn giữ chặt một quả lựu đạn.

Mỹ Hằng / BBC News Tiếng Việt

Vấn nạn xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản

Ảnh minh họa. Một người bán hàng rong trên một con phố ở Hà Nội, được trang hoàng nhân ngày Lễ 75 năm Quốc khánh Việt Nam. Hình chụp ngày 1/9/2020.
Ảnh minh họa. Một người bán hàng rong trên một con phố ở Hà Nội, được trang hoàng nhân ngày Lễ 75 năm Quốc khánh Việt Nam. Hình chụp ngày 1/9/2020.

Lễ Quốc khánh 75 năm với những câu chuyện đau lòng

Một loạt những thông tin được truyền thông Nhà nước loan đi trong những ngày đầu tháng 9/2020 khiến cho người quan tâm rất đỗi bàng hoàng.

Nào là câu chuyện một bé gái 10 tuổi phải dẫn đứa em trai chạy trốn khỏi người mẹ ruột bắt con đi ăn xin ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà mẹ được phát hiện đã nhẫn tâm cho rít độc cắn chân, chích điện con mình để đạt được mục đích kiếm tiền bằng sự bất nhân mà khó ai có thể hình dung nỗi.

Nào là hình ảnh trong một video lan truyền trên mạng cho thấy một bà mẹ già 88 tuổi, sức yếu bị con gái bạo hành. Biện pháp hành hạ được ghi lại gồm cảnh đánh đập, thậm chí bắt bà mẹ phải ăn phân và người mẹ bất hạnh đã qua đời.

Thêm nữa, một vụ việc gây chấn động dư luận qua thông tin hàng trăm hũ tro cốt được phát hiện vất lẫn lộn ở phía sau chùa Kỳ Quang 2, tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, còn không ít những bản tin được báo giới trong nước đăng tải dồn dập hàng chục cán bộ, lãnh đạo bị sai phạm nghiêm trọng, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai nhưng chỉ bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo hoặc khiển trách.

Đài RFA ghi nhận, một số người dân trong nước chia sẻ rằng những câu chuyện vừa nêu không phải mới xảy ra trùng hợp trong dịp lễ Quốc khánh Việt Nam 75 năm mà dường như vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tháng kể từ khi Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo duy nhất đất nước này.

Hậu quả của lãnh đạo độc đảng

Thật sự mà nói thì Chủ nghĩa Cộng sản tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc. Nó đẩy xã hội đến những suy thoái về tư tưởng, về đạo đứ, về niềm tin của con người và nó cũng khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố. Đó là yếu tố chính của chính quyền này
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang

Ông Lê Nguyễn, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, vào ngày 8/9 nói với RFA rằng ông ghi nhận xã hội Việt Nam, tính từ thời điểm sau ngày 30/4/1975 cho đến hiện tại thì do hậu quả của nền giáo dục. Ông Lê Nguyễn trình bày quan điểm của ông:

“Đại khái xã hội bây giờ tha hóa đến mức đó thì đó là hệ quả của một nền giáo dục thiếu tính nhân bản, mà nặng phần chính trị. Do đó, dẫn đến hệ quả mà con người không còn sống với đạo đứ nhân bản giống như trước đây nữa. Cho nên, mới xảy ra những chuyện mà trước năm 1975, trong xã hội miền Nam không hề có. Chẳng hạn như hiện tượng cả ông bố và ông nội cùng hiếp dâm một đứa con, đứa cháu ruột. Những chuyện như vậy không bao giờ xảy ra trong xã hội mà tôi đã sống thời trước năm 1975.”

Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang nói với RFA rằng kể từ khi Đảng CSVN lên nắm chính quyền hồi năm 1945 và xuyên suốt 8 thập niên qua đã làm cho các giá trị của quốc gia và xã hội bị thay đổi.

“Thật sự mà nói thì Chủ nghĩa Cộng sản tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc. Nó đẩy xã hội đến những suy thoái về tư tưởng, về đạo đứ, về niềm tin của con người và nó cũng khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố. Đó là yếu tố chính của chính quyền này.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên tuyên bố ra khỏi Đảng vào ngày kỷ niệm thành lập Đảng năm 2016, tiếp lời giáo sư Mạc Văn Trang:

“Chúng tôi thấy rằng Đảng CSVN làm cách mạng từ năm 1945, gây ra chiến tranh và tuyên truyền những chuyện dối trá. Ví dụ như Cuộc Cách mạng tháng 8, thì Việt Minh-Cộng sản nói rằng đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập về chính quyền nhân dân thì tất cả các điều ấy đều dối trá cả. Tại vì, họ không đánh Pháp, họ không đuổi Nhật, họ cũng không giành độc lập mà nếu như giành chính quyền thì chỉ có cướp chính quyền về tay Đảng, chứ cũng không phải vì nhân dân.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống dẫn chứng rằng những đảng viên Đảng CSVN trong bộ máy chính quyền lãnh đạo đất nước là một “giai cấp mới”, lợi dụng vào chính sách đất đai toàn dân để hưởng quyền lợi và trở nên giàu có cùng với quyền lực trên cơ sở phá hoại đất nước, bốc lột và áp bức nhân dân. Thành phần thứ hai mà giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên là các nhà “tư bản đỏ” do liên kết với chính quyền, tạo ra những nhóm lợi ích để thâu tóm tất cả những đặc quyền, đặc lợi mà gây ra những hậu quả khôn lường cho đất nước và xã hội Việt Nam. Điển hình rõ ràng nhất là phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm, mà giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định đó là những nạn nhân của chế độ do Đảng CSVN “cầm quyền”.

Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020.

Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020. Courtesy: nhandan.com.vn

“Những người hoạt động về dân chủ cho rằng tòa án giẫm đạp lên nền công lý và pháp luật, sỉ nhục những con người lương thiện. Đặc biệt, những nhà phản biện và các nhà hoạt động dân chủ rất chống đối phiên tòa này.”

Thành tựu ra sao và tương lai thế nào?

Việt Nam từ ngày 30/4/1975 và sau hơn 4 thập niên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thế giới công nhận có nền kinh tế phát triển vượt bậc và ổn định qua các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vượt ngưỡng trong hai năm liền 7% (2018) và 7,2% (2019). Chỉ số lạm phát ở mức 2,76%; xuất siêu đạt 9 tỷ đô la Mỹ (USD); lượng kiều hối chảy vào Việt Nam lên đến gần 17 tỷ USD trong năm 2019, được xếp là năm thứ 3 liên tiếp thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì sự phát triển của Việt Nam được được đặt trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới để nhìn nhận một cách chính xác rằng sự tiến bộ đó ngang tầm hay bị tụt hậu.

Trong khi đó, cũng không ý ít kiến cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển chỉ nhờ vào vay nợ của nước ngoài và khai thác tài nguyên. Và một nghịch lý được đưa ra rằng song song với những thành tựu về phát triển kinh tế thì các giá trị về đạo đức, văn hóa…ngày càng xuống cấp.

Anh Nguyễn Tiến Trung, một thanh niên hoạt động dân chủ và là một cựu tù nhân lương tâm, vào tối ngày 8/9 khẳng khái nói với RFA rằng Đảng CSVN không có cạnh tranh, không có tòa án độc lập thì đương nhiên các quan chức càng ngày càng sa đọa, hủ hóa và hủ bại và tất yếu dẫn đến hệ lụy xã hội ngày càng suy thoái.

Nói thẳng rằng nếu tiếp tục theo kiểu thống trị của Đảng CSVN hiện nay thì xã hội Việt Nam ngày càng lụn bại. Tương lai của dân tộc và đất nước này u ám lắm và càng u ám thêm nữa là Đảng CSVN vẫn nương cậy vào Đảng Cộng sản Trung Quốc
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

“Như mọi người cũng biết là một đảng toàn trị thì bao giờ họ cũng tìm cách là bao giờ cũng giữ cho dân trí thấp thì họ mới có thể cai trị dân được. Cho nên nền giáo dục của chế độ độc đảng toàn trị thì người ta tìm cách cho ngu dân. Quan điểm của Trung từ trước đến nay là chắc chắn một chế độ độc Đảng toàn trị như hiện nay thì tình hình xã hội càng lúc càng tệ.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh rằng mục đích của Đảng CSVN “không phải lo quản trị xã hội và mang lại hạnh phúc cho người dân mà chỉ tập trung vào quyền lợi của chính họ”.

Một điều rất quan trọng mà những người quan tâm đến đất nước Việt Nam đều nhìn thấy, đó là sự gắn kết giữa Đảng CSVN với Đảng Cộng sản trung Quốc.

“Nếu như xem rằng đuổi được thực dân Pháp là ‘đuổi hổ cửa trước’ thì Cộng sản Việt Nam ‘rước sói cửa sau’. ‘Sói’ này là Chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt là Cộng sản Trung Quốc mà họ rước về không những để phá hoại, họ còn rước về Đảng Cộng sản Trung Qốc về để thờ tự.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống còn đưa ra kết luận về viễn cảnh của Việt Nam, trong trường hợp Đảng CSVN vẫn tiếp tục điều hành đất nước như 75 năm qua:

“Nói thẳng rằng nếu tiếp tục theo kiểu thống trị của Đảng CSVN hiện nay thì xã hội Việt Nam ngày càng lụn bại. Tương lai của dân tộc và đất nước này u ám lắm và càng u ám thêm nữa là Đảng CSVN vẫn nương cậy vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

RFA