Trải rộng trên diện tích gần 20 ha, Colorland sở hữu hằng trăm tán cây cổ thụ xanh ngắt, hồ rộng suối dài mát mẻ.
Với các phong cách kiến trúc đa dạng như phim trường, nơi đây được chọn làm bối cảnh của nhiều video ca nhạc, phim ảnh hoặc làm địa điểm chụp ảnh cưới của các cặp đôi.
Hệ thống homestay nghỉ dưỡng mang màu sắc rực rỡ, nhiều hình thức cho du khách lựa chọn như bungalow gỗ ven hồ kiểu miền sông nước Việt Nam, nhà phong cách kiến trúc miền quê châu Âu, nhà Nhật…
Nhiều du khách yêu thích yoga đến đây tận hưởng sự mát mẻ, yên tĩnh. Khu du lịch còn có các khu trò chơi hỗ trợ các đội nhóm team building như zipline (trượt dây cáp), chèo xuồng, câu cá, đua xe đạp…
Du khách có thể ăn tại nhà hàng hoặc tự nấu nướng trong khuôn viên khu du lịch.
Ẩm thực cũng là một thế mạnh của khu du lịch sinh thái gần hồ Trị An này. Cá hồ tự nhiên, tép đồng, gà ta, heo tộc, dê, rau củ… đều tươi ngon do thực phẩm được nhập mỗi ngày. Cơm niêu, cơm lam, thịt nướng là các món được khách gia đình, khách đoàn lựa chọn.
Khu du lịch chuyên về nghỉ dưỡng và dã ngoại cắm trại, phù hợp với gia đình và các công ty, đoàn thể, đội nhóm.
Nhiều người đến đây chọn hình thức ngủ lều. Nếu không có sẵn lều mang theo, khu du lịch sẽ cho khách thuê với nhiều kích cỡ.
Giá lưu trú từ 300.000 đồng đến 1,8 triệu đồng cho một căn bungalow tùy số lượng người ở. Khách thuê lều ở qua đêm và ăn cơm phần có giá 400.000 đồng/ người.
Homestay mô phỏng nhà châu Âu, thích hợp cho gia đình.
Nằm ở ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cách trung tâm TP HCM 50km, khu du lịch sinh thái này phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn, chụp hình. khu du lịch được xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng mới được thiết kế lại với phong cách trẻ trung trong khoảng 5 năm gần đây. Du khách nếu không ở lại qua đêm, có thể mua vé vào tham quan khu du lịch hoặc tham gia các trò chơi. Giá vé vào cổng 35.000 đồng một người.
Tiểu thuyết “Làm Đĩ” của Vũ Trọng Phụng kể về cuộc đời của nhân vật Huyền.
Xen giữa bốn phần nội dung chính: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc, là “Đoạn đầu” và “Đoạn cuối” để dẫn dắt vào câu chuyện chính và nêu triết lý câu chuyện.
Ở “Đoạn đầu”, hai người bạn “tôi” và “Quý” lâu ngày tái ngộ, rủ nhau đi xem “trình độ mãi dâm” đất kinh kỳ đã tới mức độ nào. Từ đó, bức tranh của hoạt động mãi dâm gần 100 năm trước được phơi bày.
Tú bà là con quan, nhà chứa là tòa nhà tây, bề ngoài tỏ ra chủ nhân ở trong là người lương thiện. Và tại đây, hai người bạn đã có cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với Huyền – bây giờ là gái làng chơi, mà trước đây vốn là “con nhà lương thiện, con một ông phán, cháu một ông đốc tờ […] Chúng tôi đã ngầm tôn Huyền là nữ lang hoàn toàn.”
Dựng lên bối cảnh là một chốn mãi dâm cao cấp để kể về sự tha hóa của con nhà danh giá thành người buôn phấn bán hương, tác giả trao cho nhân vật cơ hội được giãi bày.
Nhà văn khéo léo lồng ghép nội dung sách thành những trang viết trong ba đêm thức trắng của Huyền, tự sự về quãng đời trầm luân mà cô trải qua. Và nhân vật “tôi” gọi những trang viết đó là một “phóng sự tiểu thuyết”.
Phóng sự tiểu thuyết – Cuộc đời Huyền
Sinh ra trong một gia đình có cha làm việc cho Tây, trong thời đại Âu hóa nửa mùa cực kỳ hủ bại, từ nhỏ Huyền đã luôn bị người lớn nạt nộ khi cô bé thắc mắc về những vấn đề giới tính.
Thứ cô tiếp thu được chỉ là lời nói thô tục của kẻ ăn người ở và những bài “tự học” của đám trẻ thơ. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi khát khao ở người thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu – người anh họ xa đang trọ học tại nhà – trong cái đêm mất ngủ vì “sự thị uy của ái tình” giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách.
Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm. Lưu tự tử chết, Huyền bị ép gả cho Kim. Kim mắc bệnh giang mai do thói ăn chơi bừa bãi của giới thượng lưu, vốn nên kiêng cữ thì luôn quấy rầy vợ bằng cách nửa đời nửa đoạn. Vì tiền, Kim đem vợ ra làm mồi nhử Tân, một đại gia đào hoa, giàu có.
Từ chỗ e ngại, Huyền và Tân đã trở thành đôi “gian phu dâm phụ” lúc nào không hay. Kim lật lọng, bắt Huyền thú tội và từ đó giáng cô xuống thân phận tôi đòi. Huyền tìm đến Tân nhưng Tân phũ phàng từ chối và trơ tráo thừa nhận “lúc nào anh cũng có dăm bảy cô nhân tình”. Tân tháo hai chiếc nhẫn kim cương đưa cho Huyền để trả công. Huyền ném chiếc nhẫn vào mặt kẻ bội bạc rồi bỏ chạy.
Một thời gian sau, biết Tân – kẻ đạo đức giả đang được xã hội tung hô – đang chấm thi hoa hậu ở Sài Gòn, Huyền bỏ nhà vào tìm Tân để quyết giết chết kẻ phụ tình. Không tìm thấy, tiền cạn, bước đường cùng khiến Huyền bắt đầu cuộc đời trụy lạc.
Trang trữ tình xót xa nhân đạo của Vũ Trọng Phụng
Dư luận chung của xã hội thời đó khi thấy một người con gái làm đĩ là “Tại nó hư… nó hư thì nó thế”, nhưng Vũ Trọng Phụng hỏi lại ngay, hỏi đi rồi hỏi lại: “Thế nào là hư, tại sao mà hư? Nhưng mà vì sao nó hư?” Và gần hai trăm trang sách là để thuật lại cho đời biết, kể lại cho đời nghe những gì, những ai đã đưa Huyền một người con nhà tử tế, xinh đẹp, có học, thông minh nết na đến chỗ trụy lạc.
Bằng ngòi bút của tay phóng sự bậc nhất đầu thế kỷ 20, Vũ Trọng Phụng tả con đường làm đĩ của Huyền và khẳng định tác nhân đẩy Huyền vào con đường ấy là hai kẻ đàn ông: chồng và tình nhân – hai nhân vật tiêu biểu của cái thời kỳ mà tác giả gọi là “thế kỷ đắc thắng cho chủ nghĩa cá nhân”.
Thế nhưng nói xuôi cũng phải nói ngược, gia đình và xã hội mới là nền tảng cốt yếu đưa Huyền vào cuộc đời đen tối đó.
Theo lời dẫn của Vũ Trọng Phụng, một giáo sư trường Đại học ở Berlin, ông W.Liepman đã nói: “Khi bậc làm cha mẹ cứ mãi mãi không đủ tư cách truyền lại cho con cái phần gia tài cao thượng ấy theo một quan niệm hoàn toàn đạo đức và bằng sự thấu triệt đủ cả mọi lẽ sinh lý học, tùy theo niên hạn và trí thông minh của chúng, thì sự lầm lẫn đáng ghê tởm sẽ cứ mãi mãi làm uế tạp mất cái của báu ấy mà tạo hóa đã phú cho ta, và sẽ ngăn trở bọn hậu sinh không còn biết lần đường nào để đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ.”
“Đoạn cuối”, Huyền trao cho nhân vật “tôi” quyển vở ghi chép lại quãng đời trụy lạc của mình, hy vọng được “đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ”. Nhờ tập bút ký này, có lẽ mà cái đời bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đám đàn bà con gái khác.
Ngay từ đầu, điều thôi thúc tác giả viết “Làm Đĩ” vẫn luôn là hai tiếng trách nhiệm. Trách nhiệm lên tiếng thức tỉnh đạo đức con người về sự quan trọng của công cuộc giáo dục giới tính trước đất nước buổi giao thời và xã hội đã bắt đầu loạn dâm. Và Vũ Trọng Phụng đã thật sự thực hiện tròn trịa hai chữ trách nhiệm đó.
Giới thiệu nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo có bút danh Thiên Hư, một trong những cây bút tiêu biểu, quan trọng nhất của nền văn xuôi hiện đại, quê ở Mỹ Văn, Hưng Yên. Ông từng làm nhiều nghề kiếm sống rồi làm báo, viết văn. Tác phẩm chính: “Không một tiếng vang”; “Cạm bẫy người”; “Kỹ nghệ lấy Tây”; “Dứt tình”; “Giông tố”; “Vỡ đê”; “Làm đĩ”; “Trúng số độc đắc”;…
Một hôm, có một người thương nhân và một thợ rèn sắt tranh luận với nhau: Trí tuệ và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn?
Vị thương nhân đáp: “Nếu nghèo đói như chuột chạy ngoài đồng thì có trí tuệ để làm gì?”
Nghe vậy, người thợ rèn liền phản bác: “Nhưng tiền bạc cũng chẳng giúp được một gã ngốc!”
“Hừ, ông đừng tự mãn”, vị thương nhân khẳng định, “Tiền có thể giải thoát một người khỏi bất kì hoàn cảnh khó khăn nào.”
Người thợ rèn không đồng tình bèn nói: “Không có trí tuệ thì tiền bạc chẳng đáng một đồng, còn khi đã có trí tuệ thì dù không có tiền vẫn có thể giúp được người khác.”
“Vớ vẩn!”, vị thương nhân tức giận phản bác: “Điều này là không thể. Nếu ông chứng minh được trí tuệ của ông có ích hơn tiền của tôi, tôi sẽ đưa ông 1000 Rupi. Còn nếu tiền của tôi hữu dụng hơn trí tuệ của ông, ông phải làm thuê cho tôi. Ông dám cược với tôi không?”
“Được thôi.” Người thợ rèn đồng ý.
Ảnh minh họa.
“Vậy thì chúng ta đi tìm đức vua nhờ đức vua phân bua chuyện này, hai ta không ai được phép nuốt lời.” Vị thương nhân nói.
Rắc rối xuất hiện
Sau đó, họ gặp được nhà vua, trình bày nội dung cuộc tranh luận. Vị vua này nổi tiếng tàn bạo, một ngày không giết người là bứt rứt.
Hôm ấy, ông ta đã giết 3 người vô tội. Lúc này, khi nhìn thấy vị thương gia và người thợ rèn, nhà vua đã định bụng sai đao phủ đến chém đầu họ.
Nhưng ông ta nhớ đến lời căn dặn của cha: “Một ngày con không được giết quá 3 mạng người, nếu không sẽ không còn ai săn bắt voi giúp con, chăn đàn ngựa của con, trồng bông và gạo cho con.”
Nhà vua không dám làm trái ý nguyện của người cha bèn nghĩ ra một kế. Ông ta đưa cho vị thương gia một bức thư được viết bằng lá cọ, phía trên thêm ba vạch sơn niêm phong, nói với vị thương nhân: “Ngươi hãy cùng người thợ rèn này đem bức thư này gửi cho nhà vua của nước láng giềng. Khi trở lại, trẫm sẽ ban thưởng cho các ngươi.”
Sau khi vị thương nhân và thợ rèn chuyển bức thư cho nhà vua nước láng giềng, họ đứng chờ đợi câu trả lời của nhà vua.
Nhà vua xé lớp phong thư, mở bức thư ra rồi cao giọng đọc: “Hỡi người láng giềng hùng mạnh của trẫm, nếu ông muốn trải qua những ngày tháng bình yên thì hãy giết hai người này!”
Vị thương nhân nghe xong nội dung bức thư, sợ hãi quỳ rạp trước mặt nhà vua cầu xin: “Đức vua tha mạng, tôi sẽ giao toàn bộ của cải của mình cho ngài chỉ cần ngài tha cho tôi một con đường sống!”
Nhà vua mỉm cười nói: “Tiền bạc ta có quá đủ rồi. Người đâu, bắt nhốt hai tên này lại, một giờ sau, truyền đao phủ chém đầu hai tên ngoại quốc này cho trẫm!”
Ảnh minh họa.
Binh sĩ bao vây vị thương nhân và người thợ rèn, giám sát nhất cử nhất động của hai người họ. Vị thương nhân van xin nói: “Xin hãy thả tôi đi, tôi nhất định sẽ đền đáp các anh thật hậu hĩnh, mỗi người 1000 Rupi.”
“Nếu bọn tôi thả ông đi, nhà vua sẽ chém đầu bọn tôi. Mạng không còn, có tiền cũng chẳng mua được hạnh phúc.” – trưởng nhóm lính trả lời.
Cách ứng xử khôn ngoan của người thợ rèn
Chưa đến 1 giờ sau, đao phủ đã đến, theo sau là nhà vua và quan triều đình. Đao phủ vừa nâng đao lên, người thợ rèn đã phá lên cười.
“Người cười cái gì, kẻ mất trí kia!” Nhà vua cảm thấy rất kỳ lạ.
“Thưa ngài, để tôi nói cho ngài biết lý do tôi cười: vào 5 ngày trước, có một vị tiên tri nức tiếng xuất hiện trong cung của nhà vua chúng tôi.
Vị tiên tri này nhìn thấy chúng tôi bèn nói với nhà vua rằng: Chỉ cần người thợ rèn và vị thương gia này còn sống trên đất nước của ngài, giang sơn này của ngài sẽ phải gánh chịu tai ương khủng khiếp như dịch hạch, hạn hán, bão lũ, nạn đói.
Vì thế nhất định phải diệt trừ hai người họ, nhưng ngài phải nhớ, nếu chính tay ngài giết bọn họ, mọi tai ương sẽ đồng loạt ập tới đất nước của ngài. Vì thế, ngài phải nghĩ cách để vua nước khác giết bọn họ, đến lúc ấy mọi thảm họa sẽ đổ xuống lãnh thổ đất nước khác.”
Nhà vua nghe xong giận tím mặt, ông nghiến răng nói: “Nói vậy nghĩa là vua của các ngươi muốn hủy hoại giang sơn của trẫm! Các ngươi trở về đi, báo cho kẻ không giữ chữ tín kia rằng 3 ngày sau binh sĩ của trẫm sẽ xuất quân, giẫm nát mảnh đất của hắn, trẫm muốn bắt hắn làm tù binh, sai hắn đến canh tác ở nơi này!”
Ảnh minh họa.
Người thợ rèn và vị thương nhân hành lễ với nhà vua, vội vội vàng vàng quay về. Trên đường đi người thợ rèn nói với người thương nhân: “Giờ thì ông đã hiểu trí tuệ có tác dụng hơn tiền bạc chưa? Nếu không có tôi, giờ đầu ông cũng chẳng còn! Mau đưa tôi 1000 Rupi của ông đi!”
“Chúng ta trở về rồi nói tiếp.” Vị thương nhân đáp, “Quay về xem tình tình thế nào.” Vị thương nhân không cam lòng mất 1000 Rupi, ông quyết tâm phải hãm hại bằng được người thợ rèn.
Chưa đến mấy ngày sau, họ đã đứng trước mặt nhà vua, báo: “Vua nước láng giềng muốn tuyên chiến với ngài, ông ta nói sau 3 ngày sẽ xuất quân san phẳng vùng đất hoa màu của chúng ta.”
Nhà vua nghe vậy sợ run người bèn hỏi: “Tại sao ông ta lại giận dữ với trẫm như vậy?”
Lúc này vị thương nhân cướp lời nói: “Đều là do tên thợ rèn này hãm hại nên ông ta mới phẫn nộ với ngài.”
Rồi vị thương nhân kể lại toàn bộ sự việc với nhà vua, nhà vua nghe xong liền bật dậy khỏi ghế, ra lệnh: “Trẫm muốn chém đầu cả hai ngươi, người đâu, mau kêu đao phủ đến đây.”
Khi đao phủ đến, vị thương nhân liền van nài đao phủ : “Xin hãy tha cho tôi, tôi sẽ tặng anh một con voi và một túi tiền.”
Nhà vua nghe thấy liền quát: “Hai người các người dẫn quân địch đến tấn công lãnh địa của trẫm, trẫm không giết các ngươi không được!”
Đao phủ vừa vung đao lên, người thợ rèn liền phá lên cười, cười đến nước mắt tuôn không ngừng. Đao phủ thấy kì lạ bèn hạ đao xuống, nhìn nhà vua.
“Tên ngốc kia, ngươi cười cái gì?” Nhà vua hỏi.
“Tôi cười vì ngài sắp xử tử tôi. Nhưng ngài lại không biết, chỉ có tôi mới có thể ép quân địch thoái lui. Ngài giết tôi rồi thì chính ngài sẽ phải hứng chịu tai ương, vì thế nên tôi cười”
“Trẫm muốn xem lời ngươi nói có đúng không!” Nhà vua nói, “Ngươi nghe đây, nếu ngươi không thể khiến quân địch thối lui, trẫm sẽ ra lệnh thiêu sống nhà ngươi.”
Người thợ rèn đáp: “Ngài chỉ cần cho tôi một con ngựa, quân địch sẽ không dám tấn công vào lãnh địa của ngài nữa.”
“Cấp cho hắn một con ngựa!” Nhà vua ra lệnh.
Người thợ rèn cưỡi ngựa phi thẳng về phía quân địch. Đến ranh giới đất nước, ông thấy quân đội của địch cùng nhà vua mặt đầy phẫn nộ cưỡi ngựa đứng phía trước.
Ảnh minh họa.
Người thợ rèn liền phi ngựa đến trước mặt nhà vua, cản đường nhà vua lại rồi nói: “Ngài hãy giết chết tôi trước rồi hãy phá hủy hoa màu nước tôi. Chỉ cần tôi còn sống, binh sĩ của ngài một người cũng đừng hòng bước qua đường ranh giới này.”
Nhà vua nghĩ: Nếu mình giết hắn thì lời tiên đoán đáng sợ kia sẽ xảy ra. Dịch hạch, nạn đói, hạn hán sẽ đổ ập xuống vùng đất của mình.
“Không được giết hắn!” Nhà vua nói, “Để vua nước hắn giết hắn đi, trẫm không phải kẻ địch của ngươi!” Vì thế nhà vua lập tức hạ lệnh cho quân lính rút lui.
Người thợ rèn quay về gặp nhà vua, nói: “Tôi đã thực hiện lời hứa của mình, hiện giờ, chẳng có ai có thể uy hiếp đất nước của chúng ta nữa.”
Nhà vua vô cùng hài lòng, hạ lệnh ban thưởng 1000 Rupi cho người thợ rèn. Người thợ rèn cất tiền vào túi, quay sang nói với vị thương nhân: “Giờ thì ông hãy trả tôi số tiền ông đã thua!”
Người thương nhân lúc này không thể không bỏ ra 1000 Rupi. Người thợ rèn vác túi tiền đi, lúc tạm biệt không quên nhắc nhở người thương nhân: “Ông phải nhớ rằng tiền không giúp được kẻ ngốc, người thông minh không có tiền vẫn có thể loại bỏ được tai ương!”
Mặc dù chiếm chưa đến 10% dân số khoảng 650 triệu người của khu vực Đông Nam Á, nhiều gia tộc gốc Hoa đứng sau những công ty đang thống trị nhiều mảng của nền kinh tế quy mô 3.000 tỷ USD.
Năm 1919, Chia Ek Chor chuyển tới Bangkok và mở 1 cửa hàng nhỏ bán các loại hạt giống nhập khẩu từ quê nhà Quảng Đông (Trung Quốc). Sau 2 thế hệ, Charoen Pokphand (CP) Group hiện là tập đoàn hàng đầu Thái Lan, bán mọi thứ từ thịt gà, thịt lợn đến xe ô tô và điện thoại. Ông tổ của tập đoàn, người qua đời năm 1983, đã chuyển họ sang tiếng Thái Lan là Chearavanont. Nhưng ông vẫn luôn hướng đến quê cha đất tổ. Khi dịch sang tiếng Mandarin, những chữ cái đầu trong tên của 4 người con trai của ông – Zhengmin, Daimin, Zhongmin, Guomin – có ý nghĩa là “Trung Quốc vĩ đại, tươi đẹp”.
Mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa gia tộc Chearavanont và quê nhà Trung Quốc không chỉ là cảm xúc. 2/5 trong số 68 tỷ USD doanh thu hàng năm của CP đến từ hàng trăm chi nhánh ở Trung Quốc gồm các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, siêu thị và nhiều thứ khác. CP còn nắm 1 lượng lớn cổ phần tại ông lớn bảo hiểm Ping An của Trung Quốc. Và tập đoàn cũng là đối tác ưa thích của các nhà đầu tư Trung Quốc ở Thái Lan, trong đó có SAIC, 1 công ty ô tô phối hợp với CP sản xuất những chiếc xe ô tô thể thao và xe pickup.
Quá khứ và hiện tại của gia tộc Chearavanonts phản ánh câu chuyện của những gia tộc gốc Hoa giàu có khác đang bành trướng ở khắp Đông Nam Á. Mặc dù chiếm chưa đến 10% dân số khoảng 650 triệu người của khu vực này, họ đứng sau những công ty đang thống trị nhiều mảng của nền kinh tế quy mô 3.000 tỷ USD.
Nhiều gia tộc thịnh vượng nhờ có mối quan hệ với Trung Quốc và ngược lại. “Trung Quốc nuôi dưỡng họ và họ cũng nuôi dưỡng Trung Quốc”, George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore nhận xét.
Theo phân tích của The Economist dựa trên dữ liệu từ tạp chí Forbes, năm ngoái hơn 3/4 trong số 369 tỷ USD tài sản của các tỷ phú ở Đông Nam Á được kiểm soát bởi huaren – tức những người gốc Hoa đang là công dân của nước khác. Nhóm này tập trung đông nhất ở Singapore, nhưng cũng nằm rải rác trên khắp Đông Nam Á từ Indonesia, Philippines đến các nước nằm trên bán đảo Đông Dương.
Ở Malaysia, tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) “cai quản” đế chế bao trùm mọi thứ từ đường tinh luyện đến hệ thống khách sạn Shangri-La. Ở Indonesia, tập đoàn Lippo Group của gia tộc Riady hoạt động sôi nổi trong các ngành ngân hàng, bất động sản và y tế. Năm ngoái, 15 trong số 17 tỷ phú Philippines là người gốc Hoa. SM Group – điều hành bởi gia tộc Sy – cũng có những trung tâm thương mại cao cấp trên khắp Trung Quốc.
Myanmar chưa có tỷ phú USD gốc Hoa, nhưng rất nhiều doanh nhân hàng đầu là người gốc Hoa như Serge Pun (ông chủ tập đoàn bất động sản và ngân hàng Yoma) hay Aik Htun (ông chủ tập đoàn Shwe Taung chuyên về cơ sở hạ tầng và bất động sản).
Những doanh nhân này khiến Đông Nam Á vượt qua Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay. Toàn cầu hóa chậm lại và thái độ e dè trước Trung Quốc của phương Tây – do ảnh hưởng từ Covid-19 và những diễn biến ở Hồng Kông – càng tạo điều kiện cho các huaren và Trung Quốc thắt chặt mối quan hệ.
Tất nhiên điều này không hề dễ dàng. “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm khôi phục lại sự vĩ đại của Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đòi hỏi lòng trung thành nhiều hơn, trong khi quê hương thứ hai của các huaren ngày càng hoài nghi về người hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc. Để có thể cân bằng giữa hai bên, các huaren phải phát huy hết sức các kỹ năng chính trị của mình.
Mặc dù những người gốc Hoa đầu tiên đến Đông Nam Á từ thế kỷ 15, rất nhiều trong số các gia tộc huaren hàng đầu hiện nay di chuyển đến phía Nam để trốn tránh tình trạng nghèo đói và bạo lực thời kỳ đầu những năm 1900. Hầu hết đều đổi họ giống như Chia. Họ giàu lên nhờ kinh doanh, sau đó không ít trường hợp tận dụng mối quan hệ với các chính trị gia để phất lên nhanh chóng. Ví dụ, Liem Sioe Liong, ông chủ của Salim Group đặc biệt thân thiết với cựu Tổng thống Indonesia Suharto và đã có được vị trí độc quyền trong nhiều ngành.
Trên khắp Đông Nam Á, các mối liên kết như vậy đã giúp các tỷ phú xây dựng những nền móng vững chãi của những tập đoàn đa ngành trong thời kỳ kinh tế châu Á bùng nổ trong những năm 1990. Các tập đoàn này cùng tạo nên thứ được miêu tả là “mạng lưới cây tre” gồm các công ty có gốc gác Trung Quốc, gắn kết với nhau bởi “keo dính” là các giá trị Nho giáo về sự cần cù và căn cơ. Mạng lưới này thống trị nhiều ngành từ nông nghiệp đến tài chính.
Các tập đoàn do những huaren sáng lập cũng được hưởng lợi lớn từ quá trình kinh tế Trung Quốc mở cửa. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu mở cửa vào những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm tiền bạc và kinh nghiệm từ các tỷ phú huaren. Nguồn vốn từ các huaren đóng vai trò quan trọng không kém so với vốn từ phương Tây. Năm 1979, CP trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên bước vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nơi các doanh nghiệp được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của thị trường tự do. Ngoài bán đường, Kuok sớm bắt đầu mở chuỗi khách sạn Shangri-La ở Trung Quốc, cung cấp chỗ ở thoải mái và quen thuộc cho các doanh nhân. Hiện ở Trung Quốc đã có vài chục khách sạn Shangri-La.
Trong khi đó Genting Group, một tập đoàn huaren khác đến từ Malaysia, đang xây dựng khách sạn hạng sang phục vụ thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2022. Trung Quốc vẫn mua lượng lớn các mặt hàng như cao su và dầu cọ từ các tập đoàn huaren Đông Nam Á. Sinar Mas, tập đoàn của Indonesia được điều hành bởi gia tộc Widjaja, là một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo John Riady, người có ông nội là nhà sáng lập tập đoàn Lippo (có 20% doanh thu đến từ Trung Quốc), ngày nay Trung Quốc muốn vượt ra khỏi những thứ cơ bản như đã nói ở trên. Đang dẫn dắt mảng bất động sản của Lippo, Riady cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và những tập đoàn huaren đang bước sang một giai đoạn mới. Trung Quốc thèm muốn những khoản đầu tư lớn, đặc biệt là từ những công ty có công nghệ tiên tiến nhất, và các tập đoàn huaren coi mối quan hệ với Trung Quốc là 1 nguồn ý tưởng mới.
Mới đây CP đã xây dựng 1 nhà máy xử lý thịt gia cầm khổng lồ và tân tiến nhất ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi hàng triệu con gà được xử lý bằng những cánh tay robot. CP cũng đã rót khoảng 400 triệu USD vào các startup Trung Quốc trong các mảng công nghệ sinh học, dữ liệu và logistics. Còn Lippo thì mới mua cổ phần của Tencent.
Trung Quốc càng trở nên giàu có hơn, các huaren cũng tìm cách mang các khoản đầu tư của Trung Quốc về quê nhà. CP mới đạt được thỏa thuận với các ông lớn như China Mobile và Alibaba để phát triển những mảng liên quan đến công nghệ. Ant Financial của Alibaba còn phối hợp với Emtek, tập đoàn truyền thông của 1 huaren khác là Eddy Sariaatmadja, để đầu tư vào mảng thanh toán qua di động và thương mại điện tử.
Tiền Trung Quốc đang đổ vào thế hệ huaren mới. Grab và Sea Group, hai “kỳ lân” công nghệ có trụ sở ở Singapore đều được thành lập bởi những doanh nhân trẻ gốc Hoa và nhận được sự hậu thuẫn của Didi Chuxing cùng với Tencent.
Trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đang đầu tư tiền của vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Hầu hết các dự án BRI đều được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước Trung Quốc, nhưng vẫn có cơ hội dành cho các công ty nhanh nhẹn ở địa phương. Ở Indonesia, nhà Riadys đang làm việc với các đối tác Trung Quốc để phát triển dự án township trị giá 18 tỷ USD bên ngoài Jakarta. Ở Myanmar, tập đoàn Yoma đứng sau dự án xây dựng thành phố mới nằm cạnh thủ đô Yangon với sự giúp đỡ của Trung Quốc. CP sẽ sớm bắt đầu triển khai dự án đường sắt mới ở Thái Lan, hợp tác với tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc.
Những sáng kiến như vậy – và rộng hơn là những mối quan hệ thương mại với Trung Quốc – đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận trong nước và không phải tất cả đều là tích cực. Từ lâu những người gốc Hoa ở Đông Nam Á đã bị chỉ trích vì không trung thành. Năm ngoái, cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia đã triển khai chiến dịch “mua hàng của người Hồi giáo” để tẩy chay các doanh nghiệp của người gốc Hoa. Ở Indonesia, nơi virus corona khiến nền kinh tế lún sâu vào suy thoái, cộng đồng người gốc Hoa có thể dễ dàng trở thành mục tiêu chỉ trích.
Bên cạnh đó, các tỷ phú huaren còn phải cư xử khéo léo để không khiến Bắc Kinh mếch lòng. Năm ngoái First Pacific, công ty tài chính có một phần thuộc sở hữu của Salim Group, đã có bài học xương máu khi Albert Del Rosario, cựu quan chức ngoại giao Phillipines, bay tới Hồng Kông tham dự cuộc họp cổ đông. Vì là người phê phán hệ thống chính trị của Trung Quốc, Del Rosario bị từ chối nhập cảnh và ông đã ngay lập tức rời khỏi hội đồng quản trị.
Một số nghĩ rằng mối kết nối với Trung Quốc giúp cho cuộc sống dễ thở hơn. “Tất nhiên điều đó hữu ích. Các tập đoàn gốc Hoa đã được hưởng lợi lớn từ đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc”, Yeo – người đang làm việc cho Kerry Logistics (thuộc đế chế của tỷ phú Quách Hạc Niên) nói.
Tuy nhiên cũng không ít người bác bỏ việc gốc gác Trung Quốc tạo ra lợi thế kinh doanh. “Gốc gác Trung Quốc” hiếm khi là lý do chính để 1 công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội kiếm tiền ở Trung Quốc, Marleen Dieleman, học giả chuyên nghiên cứu về công ty gia đình tại ĐH quốc gia Singapore nói.
Trên thực tế, hầu hết các huaren là những người theo chủ nghĩa thực dụng. Họ coi lịch sử gia tộc là thứ hữu ích nhưng không phải là điều quyết định. Nhiều người cho rằng tập đoàn của họ hội nhập với kinh tế toàn cầu chứ không phải riêng Trung Quốc.
CP hiện sử dụng tổng cộng 325.000 lao động tại 21 quốc gia, và tập đoàn không còn tuyển dụng người chủ yếu từ Chinatown như trước mà là từ các trường đại học danh giá ở Mỹ và Trung Quốc. Suphachai cũng hào hứng kể về những mối quan hệ với các đối tác trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Anh. Và CP cũng đang mở rộng hoạt động ở ngay tại Thái Lan. Hồi tháng 3, CP mua đứt các siêu thị của Tesco ở Thái Lan và Malaysia với giá 10,6 tỷ USD.
Trong khi đó ngài Riady cho rằng ngày nay Lippo giống với các tập đoàn đa quốc gia như Ford hay Goldman Sachs – những ông lớn nước ngoài phát triển tốt tại thị trường Trung Quốc dù không có bất cứ mối quan hệ nào về văn hóa.
Điều quan trọng hơn là nhiều tập đoàn đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo. Những người trẻ tuổi hầu hết đi du học Mỹ và nói thứ tiếng Mandarin chắp vá có lẽ sẽ khó thích nghi với gốc gác hơn. Dẫu vậy, chắc chắn họ vẫn thừa hưởng những mối quan hệ, sự nhạy bén và cả sự thận trọng của gia đình. Giống như nhà sáng lập đã qua đời năm 2012 của Salim Group từng nói “cây to thì thường hút gió lớn”, trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á ngày càng tăng lên như hiện nay, sự thận trọng không bao giờ thừa.
Tôi chọn lối “tản mạn” luận bàn về cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà là để cho phép mình được tự do nghĩ đâu nói đấy không cần phải có tính hệ thống mạch lạc khoa học. Khi mới lướt qua cái bìa sách, do không được thông tin gì trước, tôi cứ tưởng đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống đời thường đầy xáo trộn của các gia đình người Việt Nam trong thời hiện đại, như khá nhiều tác phẩm hiện nay mà chúng ta thường thấy trưng bày trong các hiệu sách hoặc được quảng cáo trên mạng Internet. Nhưng khi lật vào trong, đọc bài “Những nếp nhà những phận người” của Đại tá-Nhà văn Thái Kế Toại, viết như thay cho lời tựa sách, mới biết đây là một sách viết riêng về cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) vốn có tiếng là kinh thiên động địa và độc ác đã diễn ra ở miền Bắc Việt Nam khởi đầu lai rai từ 1946 và đạt đến cao điểm trong những năm 1954-1956.
Đây là một trong những đề tài lịch sử tôi đã chú ý từ lâu. Sau cuộc triển lãm về CCRĐ do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 9.2014, chỉ mở cửa được 4 ngày rồi ngưng (thay vì kéo dài cả tháng như dự kiến) có lẽ vì lý do tế nhị sợ “hiệu ứng ngược”, tôi được đọc mà cảm thấy tay chân rụng rời hàng loạt bài kể chuyện CCRĐ 70 năm về trước của một số người vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân, trong số này có vài người là nhà văn, nhà báo được nhiều người biết. Nếu tập hợp các bài viết lại, chúng sẽ trở thành một bản cáo trạng đồng thời cũng là tài liệu lịch sử sống động để các lớp hậu bối Việt Nam tham khảo viết lại một giai đoạn lịch sử đặc thù đầy đau thương của dân tộc.
Nay cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà vừa do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành cũng là một tập hợp các bài viết phi hư cấu/ kể chuyện thật tương tự như trên, gồm tất cả 19 bài, nhưng do tác giả bỏ rất nhiều công phu đi hỏi chuyện các chứng nhân trong 19 gia đình vốn là nạn nhân của CCRĐ để ghi lại một cách sinh động những thực tế bi thảm đã diễn ra mà các đương sự khi nhớ kể lại vẫn còn rùng rợn. Được biết Phan Thúy Hà tuổi còn tương đối trẻ, từng là biên tập viên lâu năm của Nhà xuất bản Phụ Nữ, đột ngột xin nghỉ việc ở nhà chăm con và viết văn, viết báo; trước đó đã cho ra được vài tác phẩm viết về chiến tranh và thân phận người lính gây chú ý người đọc, như Đừng kể tên tôi, Qua khỏi dốc là nhà, Tôi là con gái của cha tôi…
Tiểu thuyết, bút ký, hồi ký viết về CCRĐ thì đã khá nhiều, nhưng mỗi tác giả chỉ hé ra được một vài khía cạnh. Do bức xúc trong lòng không thể nhịn được, dưới chế độ kiểm duyệt gắt gao của ngành văn hóa và tuyên huấn, một số tác giả đã cố gắng phản ảnh “nhích lên từ từ” được bao nhiêu hay bấy nhiêu cuộc CCRĐ trong chừng mực có thể lọt được kiểm duyệt, tiêu biểu như Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, cùng với khoảng trên chục tác phẩm khác. Nên có thể nói, với mức độ cao bóc trần sự thật của nó, Gia đình của Phan Thúy Hà tuy chỉ là cuốn sách nhỏ nhưng có thể coi là công trình “tập đại thành” đầu tiên về CCRĐ đáng được những người quan tâm tìm đọc.
Trước hết, phải hoan nghênh NXB Phụ Nữ Việt Nam và những nhân vật phụ nữ phụ trách công việc tại đây. Cùng với tác giả nữ Phan Thúy Hà, giám đốc và biên tập viên NXB đã can đảm làm được một việc đầy ý nghĩa mang lại lợi ích chung, thể hiện lương tâm và trách nhiệm rất cao của người làm xuất bản trong điều kiện trên đe dưới búa bị ràng buộc đủ thứ. Tôi cho rằng khi quyết định cho ra cuốn Gia đình, họ đã nêu được tấm gương tốt cho những NXB khác, mà phần lớn cũng do phụ nữ làm giám đốc (như tại TP. HCM có các NXB: Tổng Hợp, Văn Hóa Văn Nghệ, Trẻ). Tôi cũng tin rằng, ở không ít cán bộ phụ trách các ngành văn hóa, tuyên huấn, trong âm thầm, họ vẫn luôn ủng hộ công lý và lẽ phải, nên những công trình lương tâm của Phan Thúy Hà gần đây mới có cơ hội xuất hiện được, và vì thế chúng ta vẫn còn hi vọng rất nhiều vào sự thay đổi tư duy tốt đẹp của Ban Tuyên giáo trung ương.
Tại đây xin mở một dấu ngoặc: theo sự hiểu biết của tôi, bằng trực giác và kinh nghiệm, phụ nữ Việt Nam thường gan dạ dám nghĩ dám đấu tranh cho công lý hơn cánh đàn ông. Tôi biết truyền thống này còn do đọc được lời nhận xét rất vui sau đây của một ông Tây, Léopold Pallu, viên sĩ quan theo đoàn quân viễn chinh Pháp vào đánh chiếm xứ An Nam năm 1861: “Người đàn bà An Nam được tự do hơn bất cứ một nơi nào ở Á châu. Người ta kể rằng ảnh hưởng của họ rất lớn ở thôn quê làng mạc. Nếu có một người nông dân nào bị tù tội phi lý, vợ hắn bế con trên tay tìm đến cổng quan mà kêu oan: không ai có thể cản nổi bà này” (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, bản Việt dịch của Hoang Phong, NXB Phương Đông, tr. 200). Trong công cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội chống lại mọi hình thức độc tài trong tương lai, người phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng.
Trở lại cuốn sách của Phan Thúy Hà, tôi đã đọc mà mấy lần chảy nước mắt, nhiều lần đặt sách xuống trầm ngâm nghĩ ngợi. Cho một người bạn vong niên 86 tuổi vốn là cán bộ cách mạng lão thành mượn đọc, ngay buổi chiều hôm đó ông anh này gọi lại: “Đọc qua vài câu chuyện, tôi không thể tưởng tượng trong cõi nhân gian này lại có xảy ra những chuyện động trời đến như thế…”. Tôi bảo anh cứ đọc tiếp đi thì sẽ rõ, thấm sâu thêm vấn đề.
Tại đây tôi không muốn lặp lại những gì mà người khác đã viết nhiều rồi về CCRĐ, như việc con tố cha, vợ tố chồng, hệ thống gia đình bị phá nát đẩy con người vào thảm cảnh, “tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây” … Tôi chỉ muốn nói trước hết rằng cái địa ngục trần gian thì trên đời đâu đâu cũng có thể có, như khi người ta phải sống trong tình trạng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh ác liệt, hoặc bị chủ nghĩa phát xít đày đọa. Ở đây, trong điều kiện hòa bình lập lại (sau năm 1954), cái địa ngục trần gian đó lại do một tổ chức chính trị cầm quyền nhân danh giải phóng con người làm nên!
Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, dân số miền Bắc VN chỉ khoảng 16 triệu người, với 90% là nông dân nghèo, có thể một phần do chế độ thực dân phong kiến gây ra, nhưng sự phân hóa giàu nghèo thành phú nông-bần nông ngoài lý do chế độ chính trị thối nát bất công, còn tùy thuộc vào tố chất khác nhau của từng cá thể con người: nhiều trường hợp trí thông minh và ý chí giữa mỗi người không giống nhau; có người siêng ăn nhác làm ham mê cờ bạc rượu chè, hoặc do xui xẻo bệnh hoạn, trở thành bần nông; có người trái lại suốt ngày làm lụng vất vả chăm lo cải thiện đời sống gia đình trở thành phú nông hoặc địa chủ. Ngoài ra còn có vấn đề số phận mà tạo hóa ban ra cho mỗi con người nữa (Cây khô tưới nước cũng khô/ Người nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo…). Giả định cứ để tự nhiên không can thiệp, người nghèo không ruộng đất làm tá điền vẫn có thể sống được, thậm chí chỉ đi mót lúa hoặc đi ăn xin thì tình trạng cũng không đến nỗi tan tác như khi thực thi CCRĐ theo cách cướp của người giàu chu cấp cho người nghèo mà kết quả tất yếu là gây nên lòng thù hận, “oan oan tương báo”, muốn tiêu trừ đấu tranh giai cấp mà đấu tranh giai cấp lại càng tăng thêm theo hướng ác hóa. Nếu so sánh với chính sách người cày có ruộng của Việt Nam Công Hòa (VNCH) thực thi vào những năm 70 của thế kỷ trước sẽ thấy khác nhau một trời một vực: chủ đất bị truất hữu rất vui mừng vì được đền bù thỏa đáng, thậm chí họ còn phải chạy vạy lo lót cho các nhân viên sở điền địa để sớm được truất hữu, vì đây là hình thức nhà nước mua lại đất dư thừa của người giàu để chia lại cho người nghèo thiếu đất. Sự so sánh này có chỗ khập khiễng, vì VNCH có chỗ dựa ngoại viện, nhưng cũng cho thấy sự khác nhau rõ rệt giữa cách làm thất nhân tâm với cách làm đắc nhân tâm. Giờ lịch sử đã qua rồi, thử giả định miền Bắc sau 1954 thay vì cầu ngoại viện vũ khí để đánh giặc “giải phóng” miền Nam, các nhà lãnh đạo chỉ chuyên cầu ngoại viện kinh tế để kiến thiết xứ sở, thì tình hình có lẽ đã hoàn toàn đổi khác? Tất nhiên, do ý đồ chính trị của họ, hai nước đồng minh Liên Xô và Trung Quốc không muốn viện trợ nhiều về kinh tế mà chỉ đồng ý tập trung viện trợ quân sự để gây ra cuộc chiến tranh tương tàn nồi da xáo thịt giữa hai miền Nam Bắc.
Lại nữa, các nhà lãnh đạo chủ trương CCRĐ cũng không thấu hiểu tâm lý, nhân tình, phong tục tập quán của người dân Việt với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của nó. Để cho bần cố nông đấu tố phú nông-địa chủ thì tất yếu phải có sự oan sai cho người bị đấu tố vì lòng ganh tị của kẻ nghèo mà dốt nát được trao cho quyền lực và vũ khí trong tay. Họ dạy cán bộ phải sâu sát quần chúng nhưng lại không hiểu tí gì về truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của người dân Việt và giá trị gia đình như là nền tảng của sự thịnh trị quốc gia. Từ trung nông đến địa chủ, thay vì được coi là thành phần tinh hoa của nông thôn thì bị coi là đối tượng kẻ thù cần phải tiêu diệt. Rồi còn có bệnh thành tích cố hữu nữa nên bắt buộc phải có làm sai trong việc quy thành phần cho đạt được chỉ tiêu trên giao (với trên 5,68% là địa chủ, theo ý của các đoàn cố vấn Trung Quốc). Có một nhà trí thức du học ở Pháp về tham gia cách mạng được bố trí vào đội cải cách xuống xã để “bắt rễ” (tìm được cố nông), “xâu chuỗi” (từ một cố nông tìm thêm ra những cố nông khác), kể lại rằng ông truy tìm mãi không ra địa chủ đích thực đủ tiêu chuẩn, chỉ có một ông nông dân đúng là trung nông cấp trên thôi, nhưng anh đội trưởng nói rằng nếu chúng ta không tìm ra một địa chủ thì anh ta bị kỷ luật nên yêu cầu phải nâng tay này lên địa chủ thì mới cứu được anh ta và cả đội khỏi mang tiếng (xem Lê Tâm, Tưởng rằng đã quên, NXB Hội Nhà Văn, 2017, tr. 292).
Trước đây tôi cứ tưởng chỉ có địa chủ miền Nam dễ có điều kiện hơn để sống tốt với tá điền, nhưng đọc Gia đình của Phan Thúy Hà, mới thấy nhiều phú nông-địa chủ miền Bắc thời trước cũng tốt như thế. Phần lớn họ đều do thông minh, lao động cật lực, biết dè sẻn và biết tổ chức công việc làm ăn mà trở nên khá giả với một vài mẫu ruộng vườn; vợ con đôi khi còn phải chạy vạy buôn bán vất vả để kiếm thêm, bổ sung cho nguồn thu nhập nông nghiệp. Khi họ khá lên rồi thì tự nhiên cũng có lòng từ thiện (phú quý sinh lễ nghĩa), như một nhân chứng kể chuyện về o Liên của mình là con gái nhà địa chủ: “Những người cấy ruộng rẽ nhà tôi đến ngày gặt mong được o Liên coi. Chị coi dễ dãi. Lúc phân chia lúa chị không xét nét, luôn dành phần lợi về cho người cấy ruộng” (Gia đình, tr. 156). Chỗ khác, một nhân chứng khác kể: “Ông nội mất vào mùa thu năm 1944. Cha tôi duy trì, phát huy những việc làm phúc đức của ông. Năm đói bốn lăm gia đình tôi nuôi cả làng… Không chỉ cưu mang dân trong làng, cha tôi còn cứu cả một toán cướp…” (Gia đình, tr. 186). Cho nên, dù có quy đúng thành phần địa chủ trong CCRĐ đi nữa (không có oan sai), cũng cần phải tìm ra một đường lối xử sự khác hẳn, nhân văn hơn, không thể để vì muốn cứu đói cho người này mà làm cho người khác phải vong gia thất thổ, trong khi tất cả mọi người đều là con dân cùng sống chung trong cộng đồng dân tộc, dưới lũy tre làng.
Còn bần nông thì sao? Không phải ai cũng xấu ác, như có người dượng nghèo nói với cháu: “O dượng nghèo nhất làng, cháu nhìn thì biết, nhưng dượng không thèm tơ hào quả thực. Gọi đến lấy quả thực dượng còn chửi, nhà tau không có mả ăn cướp” (tr. 230). Cán bộ đội CCRĐ cũng vậy, không ít người có lương tâm trong sáng: “Chú Bành đi làm cán bộ cải cách ở Thái Bình. Chú không chịu ký vào một án tử hình. Chú nói, thằng đó 21 tuổi, không có tội gì, chỉ vì bố mẹ nó giàu mà tử hình. Chú không ký, bị thải hồi khỏi đội cải cách” (tr. 235-236).
Một số địa chủ bị đấu tố nhưng việc qua rồi thì cũng rất khoan dung với những kẻ chơi xấu mình: “Bị giam một thời gian ông Đức được thả về. Người làng lại chào cụ như trước. Ông cho qua hết, trong lòng không giận ai. Đi lại trong làng gặp những người trước đó dựng chuyện chửi bới ông, ông cười, coi như không có chuyện gì xảy ra” (tr. 165)…
Vậy sự tha hóa cùng cực, con người đối xử tàn ác với nhau trong môi trường làng xã nông thôn miền Bắc Việt Nam là tại đâu, do ai, chúng ta đã có thể phần nào thấy rõ. Nhìn chung, theo tôi, cách làm CCRĐ của ban lãnh đạo chính trị miền Bắc thời 1954 là bất cận nhân tình, mà nói như học giả- nhà văn Lâm Ngữ Đường (1895-1976) thì cái gì bất cận nhân tình cũng đều xấu cả, “một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng”. Chủ nghĩa xã hội, nếu đúng là chủ nghĩa xã hội đích thực với tất cả tính nhân văn nhân đạo của nó, không phải chỉ biết lo giải quyết về cái đói cái no, mà còn phải quan tâm sâu sắc đến vấn đề quan hệ con người.
Giờ mới thấy lời nhận xét của ông cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại đã thoái vị sau Cách mạng tháng Tám) đối với nhóm lãnh đạo chính trị thời đó là chính xác, khi ông viết: “Các người cầm đầu chính phủ này chẳng phải là nhân vật chính trị…, họ cũng chẳng biết làm cách nào để đặt một kế hoạch cho tương lai đất nước… Than ôi, ở vùng thôn dã, đây quả là một cuộc cách mạng đổ máu và tàn bạo, một sự nhiễu loạn, rối bời” (Con rồng An Nam, Nguyễn Phước tộc xuất bản, 1990, tr. 201). “Các đồng nghiệp của tôi bây giờ, lại chỉ là những nhà lý thuyết suông. Họ ngây thơ đối với tâm lý con người, đến độ không tưởng” (tr. 209).
Nhưng CCRĐ xong rồi thì người nghèo vẫn không hết nghèo. Sau khi CCRĐ đã bộc lộ hư hỏng thảm hại thì có việc tổ chức “sửa sai”, “xin lỗi” (năm 1956) nhưng một khi mọi sự đã tan nát với bao người chết oan chết thảm con cháu ly tán khắp nơi và bao nhiêu hồn ma phiêu dạt vất vưởng khắp đó đây thì có sửa cũng không vãn hồi gì được, nên có lẽ chỉ là một cách cứu chữa tạm bợ nhằm làm giảm áp lực không còn chịu nổi từ cơn thịnh nộ và oán than của phía quần chúng. Trong “sửa sai”, vài cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật, đương nhiên như vậy rồi, nhưng cũng chỉ dưới hình thức chuyển họ qua vị trí công tác khác để rồi sau đó, với tư tưởng cũ kỹ lạc hậu và cực đoan, họ vẫn còn y nguyên tiếp tục phá hại nhân dân dưới những hình thức khác. Lý luận kiểm tra thực tiễn, nếu thực tiễn sai chứng tỏ lý luận cũng sai, trong trường hợp thực thi cuộc CCRĐ.
Sau CCRĐ, trong giai đoạn 1955-1975, nông dân miền Bắc bị đưa vào hợp tác xã hàng loạt, bắt chước một số nước XHCN anh em, nhất là Trung Quốc, nói là trên cơ sở tự nguyện tự giác nhưng thực tế o ép bằng mọi cách, ai không vào thì bị quy chụp cho là có kẻ địch xen vào phá hoại. Lề lối làm ăn tập thể này làm nảy sinh bao nhiêu thứ quái trạng, như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, vun quén cá nhân, tệ nạn ăn cắp của công, lối sống hai mặt, sự tập trung quyền lợi cho các nhóm quản lý đặc quyền, “một người làm việc bằng hai/ để cho chủ nhiệm sắm đài sắm xe”…, tiếp tục đẩy nhân dân miền Bắc vào cảnh khốn cùng; phụ nữ phải gánh phân tưới ruộng rẫy không có được cái quần xilip để mặc, không đủ giấy vệ sinh để dùng, mà toàn dân còn phải cung ứng lúa gạo, nhân lực vật lực hi sinh xương máu hàng triệu người cho chiến trường để “giải phóng” miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ hơn mười ngày nay!
Tới đây có lẽ ta cần phải suy nghĩ lại khái niệm chính xác thế nào là yêu nước, vì mọi cuộc tuyên truyền phát động phong trào trong dân thời đó đều dựa trên sự kích động tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Thiết nghĩ, dù muốn định nghĩa thế nào thì yêu nước trước hết phải thương dân, mà thương dân thì trước hết phải bảo vệ sự an toàn tính mạng của dân và tìm mọi cách để nâng cao đời sống cho họ, để ai ai cũng được no đủ, cũng được học hành… Để cho nhân dân phải chịu cảnh đời rách rưới khốn khổ như thời CCRĐ và hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc mà không biết xót thương, không biết hổ thẹn, thì không thể gọi yêu nước thương dân chân chính được.
Tôi lấy làm lạ là BS Hồ Văn Châm, với tư cách tổng trưởng Bộ Dân vận Chiêu hồi thời chính quyền Sài Gòn, khi viết tựa cho quyển Đường đi không đến của nhà văn Xuân Vũ (tác giả xuất bản, 1973), ông không có một câu nào chỉ trích cộng sản miền Bắc, mà chỉ ôn tồn khuyên: “Yêu nước thì phải thương dân, trước hết phải lo cho dân có cơm áo… Yêu nước lại càng không phải là cưỡng bức nhân dân thắt lưng buộc bụng, nhịn đói chịu khát để tập trung tài nguyên nhân lực vào việc dùng vũ lực mưu toan áp đặt một nền nếp suy tư và những phương thức hành động đã được khuôn đúc mà dân chúng không mong muốn. Các nhà cầm quyền miền Bắc nên ra khỏi tháp ngà để ngẫm nghĩ về điều đó” (tr. III-IV).
Không ít người cho rằng, chuyện cũ xin cho qua, chỉ nên hướng về tương lai thôi. Loại ý kiến này theo tôi có phần đúng nhưng cũng có phần chưa ổn. Vấn đề cốt lõi ở đây là thái độ ứng xử đối với quá khứ. Nghiên cứu-phân tích quá khứ bằng một thái độ khoan dung khách quan, chứ không phải để mặc cảm và thù hận, từ đó có thể có được những suy nghiệm đúng đắn nhằm hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, kiên quyết đoạn tuyệt với những việc làm kiểu cũ đã từng gây nên những kỷ niệm đau buồn cho đất nước. Cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà nhắc lại quá khứ đau thương của thời kỳ CCRĐ vì thế là cần thiết và có giá trị đóng góp tích cực.
Theo một quy luật phổ biến áp dụng được chung cho cả giới tự nhiên và hoạt động xã hội, tất cả những gì biến đổi đều không hoàn toàn bị mất đi mà chuyển hóa và tồn tại dưới những dạng thức/ hình thái khác, có thể kéo dài khá dai dẳng. Hiểu theo nghĩa này thì hầu như tất cả những gì tệ hại trong thời kỳ CCRĐ, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế quốc doanh bao cấp,… đều vẫn thấp thoáng tồn tại mãi cho tới ngày hôm nay, với một độ nhạt hơn, như chủ nghĩa lý lịch phân biệt thành phần, tư tưởng ăn bám nhà nước, tệ nạn ăn cắp của công, nếp sống giả dối hai mặt, thói đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, tập quán hô khẩu hiệu, bệnh thành tích…, tất cả đều đang là những nhân tố tiêu cực cản ngại con đường đi lên của đất nước. Cần phải đoạn tuyệt với tất cả những thứ di sản tệ hại này của quá khứ bằng cách thay đổi thể chế kinh tế-chính trị một cách căn bản theo hướng dân chủ hóa, tự do hóa mọi mặt đời sống xã hội, đặt dưới sự điều tiết vĩ mô của một nhà nước lành mạnh chỉ huy theo pháp luật.
Chúng ta biết rằng đồng bào Việt Nam ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc khởi đầu đều thật thà chất phác khả ái như nhau. Sự thay đổi tính cách ở một miền nào đó theo hướng xấu đi đều phần lớn do thể chế kinh tế-chính trị nhào nặn nên, đặc biệt ở miền Bắc qua các giai đoạn CCRĐ, hợp tác hóa nông nghiệp, quốc doanh hóa công thương nghiệp, với nền kinh tế chỉ huy phủ nhận thị trường đi kèm với chế độ quan liêu bao cấp cung ứng vật phẩm bằng tem phiếu. Sự tha hóa về đạo đức nếu có ở một bộ phận dân tộc căn bản là do chế độ chính trị kiểu cũ gây nên, mà người dân chỉ là nạn nhân chẳng tội tình gì, vì thế giả định mai kia mốt nọ nếu có xảy ra những thay đổi lớn về chính trị, mà nhà cầm quyền hiện nay đang có vẻ rất sợ (họ đã viết thẳng ra trong các bản nghị quyết để cảnh giác đề phòng), dẫn theo sự sút giảm tất yếu quyền lợi của một số nhóm lợi ích nào đó, thì trong ý thức đồng cảm cùng là nạn nhân của một thể chế kinh tế-chính trị lạc hậu như trên mô tả, chúng ta tin rằng, nhân dân hai miền Nam Bắc vẫn sẽ thương yêu đùm bọc đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại một đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày mai, trên cơ sở diệt bỏ mọi thứ tị hiềm, nghi kỵ, và nhất định không quay trở lại làm những điều sát phạt như trong thời kỳ CCRĐ.
Chúng ta cũng không được quên rằng, những tàn tích của quá khứ vẫn còn tồn tại đến nay trong một số điều khoản ghi trong Hiến pháp 2013, mà Điều 51 “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, Điều 53 “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” là dã man nhất, dễ bị lợi dụng nhất, trở thành căn cứ pháp lý để các nhóm lợi ích trục lợi tham nhũng, khai thác giá trị thặng dư từ đất, gây nên tình trạng động loạn bất mãn trong dân trong suốt mấy chục năm nay.
Cuộc CCRĐ lần thứ hai, nếu có thể gọi như vậy, thiết yếu phải là sự từ bỏ cái nguyên tắc sở hữu toàn dân này một cách triệt để hơn. Bối cảnh lịch sử xã hội hiện nay đã đổi khác. Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất canh tác của nông dân đang được thu hẹp, vấn đề sở hữu ruộng đất ở các vùng nông thôn như hiện nay là tương đối ổn, nhưng phải mở rộng hơn nữa quyền tự do sử dụng đất cho người dân, để họ được hoàn toàn chi phối trên mảnh đất sở hữu của mình, thay vì cứ quy định bắt buộc đây là đất ở, kia là đất ruộng, đất vườn, đất đào ao nuôi cá …, đồng thời giảm tối đa các thủ tục rườm rà về xây dựng, chuyển nhượng, chỉ tạo điều kiện cho các cán bộ ngành quản lý nhà đất lợi dụng tham nhũng, làm khó dân. Ở tại các khu đô thị, vấn đề quyền sở hữu nhà đất cũng cần được giải quyết thông suốt tương tự như thế, bằng cách bãi bỏ thủ tục “chuyển quyền sử dụng”, với điều kiện người sử dụng nhà đất phải tuyệt đối tuân theo quy hoạch chung của cả khu đô thị thuộc thành phố, tỉnh, quận huyện. Trước mắt, phải tức khắc triệt bỏ toàn bộ các khu “quy hoạch treo” trên cả nước; nơi nào nhà nước có khả năng ngân sách cần triển khai các công trình xây dựng vì lợi ích công cộng thì phải bồi thường thích đáng cho người dân theo đúng hoặc gần với giá trị thị trường.
Từ tập hồi ký nhiều tác giả do Phan Thúy Hà chấp bút, tôi đã bình luận phăng ra dài dòng đủ thứ vấn đề, như vậy có đi quá xa không, có gì quá lố phạm phải sai lầm không, rất mong được các vị thức giả vui lòng chỉ giáo.