Trên thế giới sự phát triển giữa nông thôn và thành thị vẫn còn tồn tại một khoảng cách rất lớn, cuộc sống về đêm của thành phố vẫn thường sống động và nhộn nhịp hơn, bức tranh đêm cũng càng thêm rực rỡ sắc màu.
Nếu có thể thưởng thức Trái đất từ không gian vào ban đêm, bạn sẽ thấy đại dương và đất liền rải rác với những ngôi sao nhỏ được điểm xuyết trông vô cùng huyền ảo, một vẻ đẹp của sự yên tĩnh đến bất ngờ.
Hãy cùng thưởng thức những bức ảnh ngoạn mục sau đây và bạn có thể tự hào nói rằng đây là trái đất thân yêu của chúng tôi.
Bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu. Mặc dù các nước ở Bắc Âu đều đã phát triển, nhưng do dân cư thưa thớt, ánh sáng chiếu rọi lên không được dầy đặc lắm.
So sánh với các quốc gia khắc, các nước ở Địa Trung Hải cũng rực rỡ không kém, giống như những chiếc lá lấp lánh ánh vàng.
Anh và Pháp những nước phát triển cao độ trông rất tươi sáng.
Sắc vàng óng ở miền Đông Hoa Kỳ, đặc biệt khu vực Florida với ngoại hình bắt mắt nhất.
Miền bắc Mexico với miền Tây Hoa Kỳ có thể nhìn thấy những ngọn núi gồ ghề.
Quần đảo Caribbean gần phía đông Hoa Kỳ, Cuba và nhiều nước khác.
Khu vực Great Lakes, thành phố gần đó là nơi quy tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có thể nói đây là trái tim của Hoa Kỳ, tất nhiên nơi đây cũng rất rực rỡ ánh sáng.
Trung Mỹ kết nối với Hoa Kỳ, nơi đây có kênh đào kinh tế quan trọng nhất thế giới: Kênh đào Panama.
Miền Đông của Nam Mỹ, chủ yếu là Brazil, hầu hết mọi người đều tập trung ở các thành phố.
Chile – đất nước dài và hẹp nhất thế giới, bên cạnh đó là Argentina với lượng dân cư thưa thớt.
Khu vực chiến tranh liên miên – Vịnh Ba Tư, các nước bờ biển nhiều dầu vẫn rất hưng thịnh.
Biển Đỏ và bán đảo Ả Rập, khu vực sa mạc không có người ở.
Nước Nga gần Đông Âu, các thành phố lớn của đất nước gần như tất cả tập trung ở đây.
Khu vực Caspian Sea ở Tây Á, còn có hồ lớn nhất thế giới.
Miền nam châu Phi, rất ít chỗ có ánh sáng, chủ yếu ở gần bờ biển.
Đông Phi và đảo Madagascar, do trình độ hiện đại hoá chưa đủ, vào ban đêm không có ánh sáng.
New Zealand với địa hình phong phú với dân số cả nước khoảng 4,4 triệu người.
Hòn đảo lớn thứ hai thế giới của Quốc gia Độc lập Pa-pua New Guinea và miền bắc Australia.
Nhật Bản, khu vực Kanto hầu như sáng rực.
Trong bối cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ có Bắc Triều Tiên là một ngoại lệ với bóng tối bao trùm…
Đài Loan, khu vực phía tây hầu như rất sáng.
Đây là khu vực Đông Nam Á. Hình ảnh đất nước Việt Nam thân thương, dải chữ S, ánh sáng thường rơi vào vùng đồng bằng, vùng núi quanh co yên tĩnh trầm mặc.
Chuyện tắm rửa sẽ “khai ra” không ít tật xấu của bạn.
Đối với hầu hết mọi người, sau một ngày làm việc vất vả, niềm vui lớn nhất là được về nhà, tắm rửa thoải mái, gột sạch bụi bẩn trên cơ thể và nghỉ ngơi thư giãn. Việc tắm nghe có vẻ đơn giản vậy thôi nhưng cách mà mỗi người chúng ta tắm lại không giống nhau.
Mỗi người có xu hướng bắt đầu tắm rửa với một bộ phận cơ thể nhất định. Theo một thói quen cố hữu, cơ thể chúng ta sẽ vô thức quyết định sẽ tắm như thế nào và thói quen riêng tư này tiết lộ rất nhiều về tính cách từng người.
Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào phòng tắm, bạn sẽ cọ rửa bộ phận nào trước?
1. Nếu bạn rửa mặt trước
Bạn quyết định rửa mặt trước chứng tỏ bạn sử dụng rất linh hoạt và chủ động 5 giác quan khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác và thính giác. Bạn luôn quan tâm tối đa đến gương mặt của mình bởi với bạn, việc người khác nghĩ gì về mình rất quan trọng.
Đôi khi, điều này thậm chí ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, khiến bạn trở nên mất tự tin, lo lắng thái quá và hay căng thẳng.
2. Bạn rửa chân tay trước
Nếu bạn tưởng tượng ra bản thân đang rửa chân tay đầu tiên, bạn hẳn là một người khiêm tốn, dễ tĩnh và có phần xuề xòa. Nếu điều này chưa hẳn chính xác, ta vẫn còn một cách hiểu nữa. Chân và tay cũng là biểu tượng của sức mạnh và ý chí. Do đó, xả nước xuống chân tay trước tiên cho thấy, bạn không rất thẳng thắn và không ngại bày tỏ quan điểm của mình. Bạn cũng là người yêu ghét rõ ràng.
Nếu bạn cọ rửa phần nách trước, khả năng cao bạn là người khá được lòng bạn bè bởi sự uy tín và đáng tin. Nhưng trong công việc, bạn lại muốn mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, bạn sợ phải làm những công việc vất vả và nhiều áp lực.
3. Bạn bắt đầu tắm từ… vùng kín
Nếu bạn bắt đầu tắm từ vùng kín, có lẽ bạn là một người rất nhút nhát. Bạn có thể tự gọi mình là người hướng nội, tự ti hoặc ngại bày tỏ ý kiến cá nhân. Bạn chẳng mấy khi là một ngôi sao vụt sáng trong đám đông, tuy nhiên, những người thân thiết lại không ngớt lời khen ngời rằng bạn là “người chân thành, dễ mến nhất quả đất”.
Trong công việc, bạn cũng hay gặp khó khăn và dễ nản chí, bạn thường chỉ có thể vượt qua khi tìm thấy một nơi làm bạn thoải mái.
4. Bạn kì cọ phần ngực trước
Nếu bạn quyết định kì cọ phần người trước, bạn đang cực kì tự tin về bản thân cũng như cơ thể quyến rũ của mình. Bạn thực tế và rất thẳng thắn. Khác với mọi người, bạn vô cùng độc lập và quyết đoán, khó có điều gì làm ảnh hưởng được đến quyết định của bạn, ngoài chính bạn. Mọi người xung quanh thì luôn ngưỡng mộ bạn vì điều này.
5. Bạn gội đầu trước
Bạn thường có thói quen xả nước xuống tóc đầu tiên? Bạn thuộc mẫu người thông minh, thích kỷ luật và trật tự.
Bạn luôn nhìn nhận sự việc dựa trên thực tế, bảo vệ vững chắc quan điểm của mình và khá khắt khe với bản thân. Bạn cũng là người luôn đặt tri thức lên trên tiền bạc khi lựa chọn bạn bè.
6. Kì cọ vùng vai và cổ đầu tiên
Những người chăm chỉ thường có xu hướng tắm phần vai và cổ trước. Phần vai và cổ thể hiện sự trách nhiệm. Việc tắm rửa vùng này trước như việc bạn muốn rũ bỏ những gánh nặng trong cuộc sống đầu tiên.
Bạn có cái nhìn tích cực với cuộc sống. Bạn luôn tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng nỗ lực để cạnh tranh nhằm giành được phần thắng.
7. Tắm vùng lưng trước
Lưng có liên quan đến cột sống và hệ thống thần kinh trung ương, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động, tương tác của não bộ. Bộ phận này phản ánh ý thức của con người.
Nếu bạn thường bắt đầu việc tắm rửa từ lưng, bạn thuộc mẫu người khá dè dặt và luôn thận trọng trong hành động. Bạn ít khi đặt lòng tin vào người khác một cách dễ dàng. Bạn thường phải nghiên cứu kỹ một vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
Việc ở một mình không khiến bạn cảm thấy cô đơn, trái lại bạn còn cảm thấy đây chính là cơ hội để mình tận hưởng không gian riêng và thư giãn.
Câu chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi, về một người đàn ông sống chung với bốn người con trai. Dù có bốn đứa con, nhưng ông lại dành tình yêu thương nhiều nhất cho cậu con út. Bất cứ thứ gì tốt đẹp, ông để dành cho riêng mình cậu.
Tuy vậy, ông cũng yêu thương đứa con thứ ba của mình và luôn tự hào, hãnh diện kể về cậu với những người hàng xóm hay bạn bè của mình. Thế nhưng ai ai cũng có thể nhìn ra được người bố dành tình thương cho cậu con út nhiều hơn cậu con trai thứ ba, bởi đôi khi hành động thiên vị của ông cũng khiến cho người ta để ý một chút.
Còn cậu con trai thứ thì lại là người mà ông có thể tin cậy nhiều nhất. Bất cứ lúc nào gặp phải một vấn đề khó khăn trong công việc hay cuộc sống, ông đều tìm đến cậu và hỏi cậu lời khuyên, thậm chí còn chia sẻ những chuyện riêng tư của mình với cậu. Ông luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ trở lại sau mỗi lần tâm sự với cậu con trai nhì của mình.
Thế nhưng người bố lại không có chút cảm xúc, tình cảm nào dành cho cậu con cả của mình cả. Mặc dù cậu con cả luôn yêu thương, quan tâm ông một cách mãnh liệt, nhưng cảm xúc của ông dành cho cậu luôn là một con số 0 tròn trĩnh.
Một ngày nọ, người bố lâm bệnh nặng và dù đã tìm mọi cách để chữa nhưng bệnh tình của ông vẫn không hề thuyên giảm. Cho đến một hôm, ông gặp một người truyền đạo. Ông ta nhìn người bố và nói:
“Ông sắp chết rồi, chuyện này là không thể tránh khỏi. Nhưng ta cho phép ông được chọn một người con trai cùng chết với ông. “
Ngay sau đó, người bố đã gặp gỡ riêng từng người con trai để hỏi liệu ai có thể cùng đi với ông trong đoạn đường dẫn đến cái chết này đây.
“Không đời nào!”, cậu con trai út lập tức trả lời và bỏ đi ngay tức khắc khi nghe câu hỏi của bố mình.
Người bố buồn bã và tìm đến cậu con trai thứ ba để hỏi chuyện. Cậu con trai sau khi nghe hỏi thì liền trả lời: “Con cảm thấy cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp lắm. Xin lỗi vì con không thể đi với bố được, con muốn được sống tiếp.”
Buồn bã và bất lực, người bố nuôi hy vọng vào cậu con trai thứ và hỏi câu hỏi tương tự. Nhưng cũng giống hai người em vừa rồi của mình, cậu ta từ chối với lý do: “Con xin lỗi, con không thể giúp bố việc này được. Những gì con có thể làm là lo lắng hậu sự cho bố một cách tốt đẹp mà thôi”.
Lúc này, trái tim người bố tổn thương đến tận cùng. Bỗng nhiên ngay vào lúc đó có một giọng nói vang lên bên cạnh ông: “Con sẽ đi theo bố, dù là bất cứ nơi đâu”. Người bố ngước nhìn và ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu con trai cả của mình đang ở bên cạnh. Vì quá hối hận, người bố bật khóc: “Lẽ ra ta nên đối xử tốt hơn với con khi còn có thể”.
Qua câu chuyện trên, ta có thể rút ra một bài học rằng: Mỗi người chúng ta luôn có bốn người con trai trong cuộc đời này.
Người con trai út chính là cơ thể của chúng ta. Dù chúng ta có dành nhiều thời gian và nỗ lực để khiến nó trở nên tốt đẹp nhất thì đến khi chết, nó cũng sẽ rời bỏ ta mà đi.
Người con trai thứ 3 chính là tài sản của chúng ta. Khi chúng ta chết, tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của một hay nhiều người khác.
Người con trai thứ là gia đình và bạn bè của chúng ta. Dù cho họ có thân thiết với chúng ta đến mức nào đi chăng nữa thì việc cuối cùng họ có thể làm khi ta qua đời là lo lắng cho tang lễ, hậu sự của ta.
Còn người con cả chính là tâm trí của chúng ta. Đó là nơi chứa đựng toàn bộ những kỉ niệm, hồi ức, tình yêu thương mà ta sở hữu xuyên suốt cuộc đời này. Ta thường quên đi mình đang sở hữu điều quý giá như thế, và cho rằng điều đó là tất nhiên tồn tại rồi, nên ta có quyền bỏ mặc nó. Vì chúng luôn hiện hữu trong lòng ta mỗi ngày, nên ta cũng vô tình quên đi chúng cho đến mỗi khi ta mắc kẹt giữa cuộc đời này bởi những nỗi buồn, cô đơn này. Chúng ta chỉ thường nghĩ về những điều tốt đẹp mình đã làm khi cảm thấy yếu đuối và bất lực ở hiện tại.
Cuộc đời vốn là như thế, có những thứ quý giá mà ta sở hữu vô tình bị lãng quên đi. Và khi gặp khó khăn ta mới nhận ra chúng vốn luôn âm thầm tồn tại bấy lâu nay và rất đáng quý. Trong cuộc sống này, thi thoảng hãy sống chậm lại và cảm nhận mọi thứ một cách tinh tế hơn, biết đâu ta sẽ tìm thấy được nhiều điều đẹp đẽ, ý nghĩa mà ta đã vô tình quên lãng bấy lâu nay?
Trước khi đi đến thành công, trở thành người sở hữu một trong những nhãn hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng nhất thế giới, Harland Sanders, “ông tổ” của KFC đã trải qua nhiều khó khăn, thất bại.
Tuổi thơ cơ cực
Sanders sinh năm 1890 ở Henryville, bang Indiana, Mỹ. Khi ông 5 tuổi, cha ông đột ngột qua đời, mẹ ông buộc phải ra đồng làm việc kiếm tiền nuôi cả nhà. Dù còn rất nhỏ nhưng cậu bé Sanders phải học cách chăm sóc các em mình và nấu ăn. Một năm sau, Sanders đã thành thạo việc bếp núc, đặc biệt cậu có thể nấu được nhiều món đặc sản của vùng.
Năm 12 tuổi, mẹ cậu tái hôn. Người cha dượng rất nghiêm khắc và thường đánh đập Sanders khi mẹ cậu ra ngoài. Cũng bởi vậy, Sanders và một người em của mình quyết định chuyển ra ngoài, em cậu đến sống với dì ở bang Alabama, còn Sanders tự tìm cho mình công việc ở nông trại.
Làm việc ở nông trại giúp cậu có chỗ ngủ, đồ ăn và kiếm 15 đô/tháng. Sanders cân bằng rất tốt việc đi làm và đi học. Sáng cậu dạy sớm cho súc vật, gia cầm ăn, ban ngày đi học, tối về lại cho gà ăn và làm những việc vặt.
Đến năm 14 tuổi, vì không hứng thú học hành nên cậu bỏ việc và làm toàn thời gian ở nông trại. 16 tuổi, cậu nói dối tuổi để đủ điều kiện nhập ngũ, sau một năm, Sanders bị gửi trở về gia đình.
Công việc không ổn định và hôn nhân tan vỡ
Những năm tiếp theo, Sanders làm rất nhiều việc như lính cứu hỏa, bán bảo hiểm, công nhân đường sắt, lái phà, và cả luật sư (Sau khi bị sa thải ở công ty đường sắt, ông quyết định học lấy tấm bằng để hành nghề luật sư)…
Tuy nhiên những công việc đều không ổn định, khi làm việc ở công ty đường sắt, ông cãi nhau với một công nhân khác và bị sa thải. Tới lúc làm luật sư, ông thậm chí đánh cả khách hàng của mình trên tòa án. Ông cũng từng mở công ty sản xuất đèn acetylene cho nông dân. Nhưng sau đó, sự phát triển của đèn điện và bóng đèn khiến công việc kinh doanh của Sanders thua lỗ và phải phá sản.
Năm 1908, Sanders kết hôn với người vợ đầu tiên và có 3 người con. Vì trong một thời gian dài, ông không có công việc ổn định nên vợ ông đã ly dị sau gần 30 năm chung sống.
Tai họa một lần nữa ập đến khi con trai ông, Harland Junior, qua đời ở tuổi 20 do biến chứng sau phẫu thuật cắt amidan. Điều này đã khiến ông rơi vào tình trạng trầm cảm trong một thời gian dài.
Cuối cùng đến năm 1949, ông kết hôn với Claudia Leddington, người vợ thứ hai cùng ông chung sống đến cuối đời.
Những thành công đầu tiên
Sau đó, ông mở một cửa hàng xăng ở Kentucky. Lúc này, ông bắt đầu nấu và bán những món ăn cho hành khách ghé qua trạm xăng. Mọi người dần biết đến tài năng nấu nướng của Sanders. Vài năm sau đó, ông mở nhà hàng đầu tiên của mình.
Bữa ăn thường ở KFC (ảnh: Wikipeadia).
Đến thời điểm này, Sanders đã bắt đầu hoàn thiện công thức nấu món gà rán KFC nổi tiếng. Vào năm 1939, ông còn thành công hơn khi phát triển phương pháp rán gà bằng nồi áp suất giúp giảm dầu mỡ và bảo quản hương vị, độ ẩm và kết cấu mà vẫn tiết kiệm thời gian.
Món ăn của ông dần trở thành đặc sản của bang Kentucky. Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền ẩm thực, Thống đốc bang đã phong tặng ông tước hiệu “Kentucky Colonel” (Đại tá Kentucky).
Trong hơn một thập kỷ, nhà hàng của Sanders đã phát triển thịnh vượng – nhưng một cơn bi kịch khác lại đang chờ đợi ông.
Từ thành công lại thất bại một lần nữa!
Vào thập kỷ 50, sự thay đổi của dự án đường cao tốc liên bang khiến cho nhà hàng của Sanders trở nên cô lập, không còn nằm ở khu vực giao thông thuận tiện và đông đúc, việc kinh doanh của ông rơi vào nguy cơ phá sản.
Lúc này ông đành nhanh chóng bán đấu giá nhà hàng vào năm 1956. Không có thu nhập, ông buộc phải sống dựa vào tiền tiết kiệm, tiền bán đấu giá nhà hàng và trợ cấp xã hội 105 đô/tháng.
Sau khi đóng cửa nhà hàng, Sanders tìm ra một phương án kinh doanh khác. Ông đi dọc nước Mỹ, tới thăm các nhà hàng và bán cho họ công thức chiên gà của mình, ông thu về 4 cent/con gà. Cửa hàng nhượng quyền đầu tiên là của ông Pete Harman, một người bạn của Sanders.
Sau khi áp dụng công thức gà rán của Sanders, nhà hàng đã chứng kiến sự bùng nổ về doanh số.
Tuy nhiên hành trình tìm và liên hệ với các nhà hàng nhượng quyền không hề dễ dàng. Nếu tìm được một nhà hàng phù hợp, Sanders sẽ phải thuyết phục chủ nhà hàng cho ông nấu thử món gà cho nhân viên. Nếu được chấp thuận, ông tiếp tục đề nghị làm món gà rán cho khách hàng thử nghiệm trong vài ngày.
Để đặt nền móng cho công việc kinh doanh, ông cùng vợ đã trải qua những tháng ngày lâu dài, tốn kém và nhiều khi còn bị sỉ nhục để tìm kiếm những đối tác tiềm năng.
Nhưng cuối cùng nỗ lực của họ được đền đáp xứng đáng. Công chúng ngày càng yêu thích món gà rán của Sanders và tìm đến ông đăng ký nhượng quyền. Tới năm 1964, ông đã nhượng quyền cho 600 nhà hàng sử dụng công thức của mình mặc dù thời điểm đó, ông chưa có một nhà hàng KFC chính thức.
Sanders đang ký tên, năm 1972 (ảnh : Wikipedia).
Những năm tháng cuối đời
Ở tuổi 74, ông sở hữu một công ty với 17 nhân viên, văn phòng và thu nhập tương đối lớn. Sau đó, một luật sư ở Kentucky, anh John Y. Brown và triệu phú Jack Massey đã thuyết phục Sanders bán lại công ty cho họ. Ban đầu ông lưỡng lự nhưng cuối cùng đồng ý với mức giá 2 triệu đô. Họ lập nên lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation (KFC Corp) và mời Sanders làm đại sứ thương hiệu.
Thời gian sau đó, Sanders trải qua nhiều mâu thuẫn với những người quản lý KFC khi họ bắt đầu thay đổi phương hướng kinh doanh bằng cách chuyển trụ sở đến bang Tennessee và yêu cầu phí chuyển nhượng cho toàn bộ nhà hàng thay vì cách làm của Sander là thu phí trên mỗi sản phẩm bán được. Ông và KFC từng kiện nhau qua lại tuy như vậy ông vẫn làm việc cho công ty này suốt cả cuộc đời còn lại.
Ông tiếp tục đi lưu diễn khắp đất nước để quảng bá cho gà rán KFC với hình ảnh mang tính biểu tượng: Một ông già tóc bạc trắng, mặc bộ quần áo trắng và nụ cười hiền hậu. Những năm cuối đời, ông tìm đến tôn giáo, ông đã quyên góp phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, như Cứu thế quân.
16/12/1980, ông qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi 90.
Ngày nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất với với tổng cộng hơn 23.000 nhà hàng tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triết lý của Harland Sanders về sự chăm chỉ và hoàn hảo trong phục vụ khách hàng luôn là một phần quan trọng trong truyền thống của KFC.
Quyển sách nổi tiếng “Rác học – mối tình bẩn thỉu của chúng ta với rác” của Edward Humes đã đưa ra kết luận vô cùng xác đáng: Rác không chỉ là thứ chúng ta thải ra, nó còn thể hiện chúng ta là ai, và xã hội đang hướng tới đích nào.
Lần đầu tiên tôi thấy chiếc túi nylon là năm 1992, khi đang học cấp hai. Bạn cùng lớp “thó” cho tôi một chiếc trong đống hàng mẹ cô bán ở chợ. Trước đó, tôi chỉ biết túi cói, làn nhựa mẹ dùng đi chợ. Được sờ chiếc túi màu trắng đục, vừa mịn vừa mát, tôi xuýt xoa “sao nó nhẹ thế, đẹp thế”. Những năm tháng ấy, túi nilon được người ta gìn giữ cẩn thận, có nhà còn giặt, phơi, dùng đi dùng lại.
Hồi đó, rác của các gia đình chỉ là tí vỏ, cuống rau củ, lá khô gom lại sau khi bọn trẻ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ quét sân mỗi chiều. Chẳng ai nhớ nó tiêu hủy từ lúc nào, sau khi đã vun ở góc vườn.
Hơn hai mươi năm đã qua, tôi không còn sống ở Việt Nam, nhưng hầu như năm nào cũng về để thấy sự thay đổi chóng mặt của quê nhà. Ô tô xịn xếp hàng quanh những tòa nhà sang chảnh. Vậy mà tôi lại “khổ tâm” bởi đường phố xấu xí đi nhiều vì rác. Túi nylon xâm chiếm mọi gia đình. Chúng được dùng một lần rồi vứt. Chúng bay như bươm bướm, đủ màu sắc, phấp phới từ cửa nhà tới đầu ngõ, hè phố, cổng trường, công viên, bãi biển. Túi nylon không chỉ làm hạ giá hình ảnh Việt Nam mà còn là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm môi trường trên toàn cầu.
Tuy bọc rác to, nhỏ nằm chềnh ềnh khắp nơi song tôi thấy thương hơn là trách những công nhân vệ sinh môi trường, có thể họ cũng đã làm hết sức. Chị công nhân hàng ngày dọn rác cho khu nhà bố mẹ tôi luôn phải đẩy một chiếc xe chở rác rỉ sắt, cũ kĩ, vô cùng nặng, ngất ngưởng các túi rác to nhỏ chực ập xuống đầu. Mỗi lần đến chân dốc, chị dừng lại thở hổn hển, rồi nhìn quanh xem có ai có thể trợ lực đẩy xe lên đỉnh dốc để ra điểm tập kết rác. Một lần tôi đã quyết định dừng lại, giày cao gót, váy hoa đẩy xe cùng chị. Mặc hai người phụ nữ nhắm mắt nhắm mũi đẩy, xe rác ngúng nguẩy mãi mới chịu nhích lên.
Ở thế kỉ 21, khi ta đang hào hứng nói về kinh tế số, kinh tế “chia sẻ” thì “cơ giới hóa” vẫn ngoài tầm với của ngành công nghiệp rác. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đã ngạc nhiên vì thành phố sao bẩn quá.
Bên cạnh lý do lạm dụng túi nylon, việc chưa phân loại rác từ nguồn là vấn đề lớn của Việt Nam. Rác thải hữu cơ nhà bếp bị tống chung cùng chai lọ, giấy báo, hộp nhựa, rác thải y tế, hóa chất… Rất nhiều nước từ vài chục năm nay đã có thói quen phân loại rác thải từ nguồn cùng quy trình xử lý rác hiệu quả, an toàn. Pháp, nơi tôi sống, tiền phí vệ sinh môi trường nằm trong thuế mà chúng tôi đóng cho thành phố. Nhà tôi, 75 m2, 3 người, mức phí tính ra tiền Việt khoảng 300 ngàn đồng/tháng. Khoản phí này được xác định trên diện tích nhà, số người ở và khả năng xử lí rác của thành phố. Ngược lại, tòa thị chính thành phố cấp cho mỗi ngôi nhà hay mỗi khu tập thể hai thùng rác. Thùng màu xanh cho rác thải không tái chế, thùng màu vàng cho rác thải tái chế. Ở một số thành phố, hàng tháng dân có thể đến tòa thị chính để nhận túi rác, gồm túi rác sinh hoạt và túi rác tái chế.
Riêng chai lọ, nơi thì tòa thị chính tặng dân thêm một thùng màu trắng, nơi thì mỗi khu nhà trang bị một thùng kín đáo và xinh xắn để tập kết chai lọ chung. Cứ đến ngày quy định trong tuần, các hộ dân chúng tôi để thùng rác ra trước cổng nhà. Công nhân vệ sinh chạy xe qua thu gom. Nhà nào không tôn trọng quy định về phân loại rác, để rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền rất nặng. Vì thế, người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về rác. Trẻ từ rất nhỏ đã được giáo dục việc phân loại rác và bảo vệ môi trường.
Cho dù tôi thấy việc xử lí rác đã tốt, nhưng nhiều chính quyền thành phố vẫn muốn làm tốt hơn. Vì thế, có nơi, tòa thị chính còn tặng gà con cho người dân để khuyến khích họ nuôi gà tại nhà bằng vỏ rau củ. Việc này giúp hạn chế số rác thải.
Vì rất ý thức phân loại rác từ nguồn nên ở Pháp không có cảnh túi rác nằm vất vưởng chờ đợi làm mất mĩ quan thành phố, mất vệ sinh, đồng thời rất thuận tiện cho việc tái chế rác, tiết kiệm được nhiều tiền ngân sách.
Tôi được biết nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài đã được nhập vào Việt Nam để xử lí rác nhưng không thành công, lý do chính bởi rác đã không được phân loại từ nguồn. Việc phân loại này, nếu có, chỉ dừng lại ở “nghiệp vụ” của những người làm nghề đồng nát, bới rác tự phát. Chính vì thế, mới có các làng đồng nát, làng phế liệu gây nhiều hệ lụy xã hội. Do không có quản lí khoa học, hợp lí từ giai đoạn thu gom, phân loại đến giai đoạn xử lý rác nên thành phố của chúng ta vẫn bẩn, kinh phí xử lý rác vẫn bị lãng phí. Các đô thị mất điểm, quốc gia cũng mất điểm theo.
Một đợt nghỉ lễ nữa lại tới. Sau đợt nghỉ này, không có gì ngạc nhiên nếu khắp các điểm du lịch – nơi đáng ra phải là đẹp nhất quốc gia – chúng ta nhìn thấy rác và buộc phải nói về rác. Sẽ rất dễ dàng nếu quy kết cho một thứ “ý thức của người dân” nào đó, mà bỏ qua thực tế là, ý thức vô trách nhiệm với rác đã được hình thành nhiều năm qua bởi chính quyền cũng chẳng có cơ chế khuyến khích hiệu quả nào. Không ai nghĩ đến việc “tặng gà, dọn rác”. Khi thùng rác luôn khó tìm, và luôn chỉ có một cái thùng để bỏ tất cả mọi thứ, rất khó để trách người dân “không có ý thức”.
Quyển sách nổi tiếng “Rác học – mối tình bẩn thỉu của chúng ta với rác” của Edward Humes đã đưa ra kết luận vô cùng xác đáng: Rác không chỉ là thứ chúng ta thải ra, nó còn thể hiện chúng ta là ai, và xã hội đang hướng tới đích nào.
Đại dịch corona đã làm thay đổi thế giới, và cả mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với bài phát biểu tại Davos năm 2017 khi lên tiếng bảo vệ thương mại tự do và hành động chung về biến đổi khí hậu, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Điều này chứng minh cho nỗ lực đầy tham vọng của ông Tập trong việc định vị Trung Quốc là trung tâm tiếp theo của thế giới, nhưng dường như đó cũng là một tín hiệu khôn ngoan cho thấy Bắc Kinh đang tuân thủ trật tự dựa theo luật lệ quốc tế.
Ngày hôm nay, bầu không khí ấm áp trong căn phòng tại Davos đã biến mất.
Đại dịch corona đã làm thay đổi thế giới, và cả mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Từ chuyện các nước đồng lòng phản ứng mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc áp dụng Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi ở Hồng Kông cho đến Five Eyes, một liên minh về công nghệ gián điệp giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.
Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ mở một con đường nhập cư cho cư dân Hồng Kông với quyền có hộ chiếu ở nước ngoài của Anh, có hiệu lực với khoảng 3 triệu người Hồng Kông.
Úc đã gia hạn thị thực cho người Hồng Kông ở nước này, đồng thời mở đường cho quyền công dân, trong khi Canada đang tìm cách để “thúc đẩy” cư dân Hồng Kông di cư khỏi thành phố. Úc đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, cũng như Canada, trong khi Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét các hiệp ước của họ.
Người đứng đầu bộ ngoại giao của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cũng cảnh báo hôm thứ Hai rằng mặc dù chưa có điều gì cụ thể được quyết định song các quốc gia trên đang họp bàn và tập hợp ý kiến. Điều này đã khiến các quan chức ở Bắc Kinh khó chịu và cam kết sẽ có những biện pháp đáp trả. Họ đã cảnh báo các sinh viên Trung Quốc không được đi du lịch Úc vì các cuộc tấn công phân biệt đối xử với người châu Á, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với Anh “hãy rút lui” và “nhìn nhận thực tế rằng Hồng Kông đã quay trở lại Trung Quốc”
Tất nhiên, các nước đồng minh rất có thể đã thảo luận về các chiến lược của Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng hành động phối hợp một cách công khai như vậy là rất hiếm hoi.
Đầu tháng này, một liên minh mới của các nhà lập pháp đã được thành lập từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu, được gọi là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này tổ chức các hoạt động liên quan đến Trung Quốc để các thành viên của mình lan truyền tại chính đất nước họ. Các thành viên của Liên minh bao gồm các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cũng như các nhà lập pháp từ Anh, Úc, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc và Uganda và một số các quốc gia khác.
Vào hôm thứ ba, Vương quốc Anh đã cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng 5G của quốc gia này. Mỹ, Úc và Nhật Bản đã ngăn cấm một cách hiệu quả hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng không dây tốc độ cao của họ, lo ngại rằng việc cho phép công ty này vào lưới của họ có thể khiến chính phủ Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Các quyết định này có thể không nhất thiết phải đưa ra cùng một lúc, nhưng các quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ các quyết định của nhau và thậm chí “bắt chước” nhau trong một số trường hợp.
Huawei đã nỗ lực hết sức để chứng minh rằng mình không phải là một “cánh tay” của chính phủ Trung Quốc, và tuyên bố họ sẽ không bao giờ giao dữ liệu cá nhân cho chính quyền Trung Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng Huawei có thể bị bắt buộc về mặt pháp lý trong một số trường hợp nhất định.
Ấn Độ cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh khi gần đây đất nước này đã cấm nền tảng video truyền thông xã hội TikTok và hàng chục ứng dụng thuộc sở hữu khác của Trung Quốc, mặc dù quyết định này được xem như một hành động trả đũa sau các cuộc đụng độ chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại một biên giới hồi tháng trước. Mỹ đang cân nhắc lệnh cấm TikTok vì lý do an ninh.
Trung Quốc và trật tự thế giới
Sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc đã trao cho Bắc Kinh vai trò lãnh đạo trong một số tổ chức nền móng trong trật tự thế giới hiện nay. Sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của đất nước gắn bó chặt chẽ với toàn cầu hóa, do đó, việc tiếp cận Tổ chức Thương mại Thế giới và tham gia G20 là thiết yếu đối với Bắc Kinh. Việc ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng thêm vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định này.
Nhưng một số quyết định quan trọng năm nay đã cho thấy những hạn chế trong cam kết của Trung Quốc đối với các chuẩn mực toàn cầu. Bắc Kinh đã đưa ra các chính sách đối ngoại quyết đoán hơn bao giờ hết trong những tháng gần đây, khi thế giới vẫn tập trung kiểm soát đại dịch.
Cuộc đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại dãy Hy Mã Lạp Sơn là 1 ví dụ. Các tàu hải quân Trung Quốc cũng đã gây chiến với các tàu từ các quốc gia châu Á khác ở vùng biển phía nam và phía đông, trong khi cáo buộc các cuộc tấn công mạng do Bắc Kinh hậu thuẫn vào Mỹ và Úc càng làm xấu đi quan hệ giữa các bên. Bắc Kinh, như thường lệ, phủ nhận việc nhà nước đứng sau các cuộc tấn công mạng như vậy.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đến nỗi bất cứ khi nào những lời chỉ trích hướng vào nước này, gần như nó sẽ luôn luôn đi đôi với lời thừa nhận tầm quan trọng của Trung Quốc.
Giám đốc FBI Christopher Wray, người đổ lỗi cho Trung Quốc trong các cuộc tấn công mạng gần đây, cho biết nước này là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin và sở hữu trí tuệ và sức sống kinh tế của Mỹ.”
Nhưng đồng thời, ông cũng đã làm rõ quan hệ với Trung Quốc là vô cùng quan trọng.
“Đối mặt với mối đe dọa này một cách hiệu quả không đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng giao thương với người Trung Quốc, không đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng tiếp đón du khách Trung Quốc, và cũng không đồng nghĩa rằng chúng ta từ chối chào đón sinh viên Trung Quốc. Mà điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc vi phạm luật hình sự và các quy tắc quốc tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ không dung thứ cho họ”, ông cho biết.
Úc thay đổi lập trường đối với Trung Quốc
Đó là một sự cân bằng mà thế giới vẫn đang cố gắng tuân theo. Trung Quốc rất hòa nhập trong nền kinh tế toàn cầu, họ có ưu thế đáng ghen tị trong các tranh chấp, cho dù đó là về thương mại hay ý thức hệ. Điều này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết tại thời điểm này. Đại dịch corona nhấn mạnh rằng thế giới phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trên mọi phương diện, từ những chiếc xe chúng ta lái, viên thuốc chúng ta uống và cả những chiếc điện thoại chúng ta sử dụng hàng ngày. Nó cũng dẫn đến sự phụ thuộc của từng quốc gia vào Trung Quốc trong việc tiêu thụ hàng xuất khẩu. Sự gián đoạn đã buộc nhiều quốc gia phải xem xét việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.
Úc là một tấm gương cho vấn đề này.Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Trong năm 2018-19, thương mại hai chiều Úc – Trung trị giá 235 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần so với Nhật Bản, đối tác lớn thứ hai của Úc. Trung Quốc đã chi 153,2 tỷ USD để mua hàng hóa xuất khẩu của Úc, chiếm tỷ lệ khoảng 32,5%. Nhưng Úc dẫn đầu các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona, Bắc Kinh đã áp một mức thuế lên đến 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ quốc gia này.
Điều này vô cùng tồi tệ đối với Úc: Trung Quốc thường nhập khẩu khoảng nửa số lúa mạch của Úc. Bắc Kinh cũng đã áp dụng thuế quan đối với mặt hàng thịt bò Úc, và đại sứ của Trung Quốc tại Úc, ông Cheng Jingye, đề nghị người dân Trung Quốc nên tẩy chay rượu vang, du lịch và các trường đại học Úc, trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Australian Financial Review.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Úc Scott Morrison về việc thăm dò về nguồn gốc của virus là một chương trình lãnh đạo hiếm hoi về các vấn đề toàn cầu từ đất nước ông. Điều này cũng đáng ngạc nhiên, bởi vì sự gần gũi về địa lý giữa Úc với Trung Quốc khiến cho mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự là rất thực tế. Và chính ông Morrison gần đây đã tuyên bố phải tăng chi tiêu quốc phòng.
“Chúng tôi muốn một Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, có chủ quyền, không bị ép buộc và bá quyền. Chúng tôi muốn một khu vực mà tất cả các nước, cả lớn và nhỏ, có thể tự do gắn kết với nhau và được hướng dẫn bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này đã công khai và minh bạch trong việc đối phó với sự bùng phát đại dịch.
Không phải tất cả các quốc gia đều có những hành động quyết liệt như Úc. EU có thể đang phối hợp trả lời Luật An ninh Quốc gia, song hành động của họ thì tương đối chậm chạp.
Đối với Trung Quốc, bà Angela Merkel dường như không thể tìm được từ ngữ đúng – bà đã từng được một số lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi vì cách tiếp cận thực tế với đất nước này và khuyến khích mối quan hệ thương mại đang phát triển. Nhưng chính bà cũng đã nhận những chỉ trích ở Đức vì quá mềm mỏng đối với Trung Quốc và quá gần gũi với Bắc Kinh.
Trong khi ủng hộ cam kết của EU về phản ứng thống nhất vào đầu tuần, bà cũng nói rằng “không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc”, Reuters đưa tin.
Tình thế khó xử của bà là điều dễ hiểu. Gạt các lập trường về thương mại sang một bên, còn có những lập luận mạnh mẽ khác chống lại việc cô lập Trung Quốc. Thế giới cần sự hợp tác của Trung Quốc về môi trường – bởi đây là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới, và họ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu. Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi về nguồn gốc của virus corona , câu trả lời mà các chuyên gia y tế cho rằng có thể giúp ngăn chặn đại dịch khác.
Và nếu Trung Quốc phát triển vắc-xin corona đầu tiên, phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ muốn tiếp cận với nó.
Gạt Trung Quốc sang một bên đơn giản không phải là một lựa chọn thực tế. Nhưng phần lớn thế giới, bằng cách đứng cùng nhau, đang cho thấy họ quyết tâm định hình lại quan hệ với Bắc Kinh.