Ba homestay đẹp quên lối về ở Huế

Nằm ngay trong lòng cố đô Huế, Tò Vò hostel, Lagom Home hay A-mâze House là các điểm nghỉ có vô số góc “sống ảo” hấp dẫn du khách trẻ.

Tò Vò hostel

Nằm trên đường Trần Quang Khải, Tò Vò hostel chỉ cách cầu Tràng Tiền 2 km, cách chợ Đông Ba gần 2,5 km nên rất tiện cho du khách dạo quanh những địa điểm ở trung tâm thành phố Huế. Nhà Tò Vò có phòng cho cả khách đi đôi, gia đình lẫn khách đi lẻ. Nội thất các phòng nghỉ đều mang phong cách tối giản, sử dụng màu xanh và trắng trang nhã, tạo cảm giác thoải mái cho du khách.

Ban công nhà Tò Vò là nơi các bạn có thể hóng mát, uống cà phê, tán gẫu hoặc ghi lại những bức ảnh đáng nhớ. Ngoài ban công rủ đầy tán cây cúc tần xanh mát thì phòng ăn sáng và cà phê ngay bên dưới, cổng hostel và khuôn viên sân trước nhà cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích chụp hình.

Gam màu trang trí chủ đạo của nhà Tò Vò là xanh trời và trắng mang đậm hơi thở của những ngôi nhà vùng Địa Trung Hải, kết hợp nội thất có thiết kế mộc mạc, tối giản. Ngoài những phòng giường đôi lớn, phòng 3 giường đơn giá 500.000 – 600.000 đồng/ đêm, hostel này còn có các phòng tập thể giường tầng giá từ 120.000 đồng/ đêm.

Lagom Home

Đây là ngôi nhà được bao quanh bởi rất nhiều cây xanh và nằm ngay cạnh sông Hương, trên đường Trịnh Công Sơn. Nghỉ lại homestay này du khách ngồi ngay trong phòng hoặc ra hiên nhà là sẽ ngắm được cảnh sông Hương êm đềm và thơ mộng. Là homestay nằm trong lòng Huế nên đi đâu du khách cũng chỉ mất 5 – 15 phút là tới nơi, như chợ Đông Ba, Đại Nội, cầu Trường Tiền, Quốc học Huế, nhà thờ Phủ Cam, chùa Thiên Mụ…

Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho hai người ở Lagom Home. Homestay này hiện có dịch vụ lưu trú với 2 loại phòng là phòng riêng Bèo Dạt với giường đôi cỡ lớn giá 550.000 đồng/ đêm và phòng tập thể giường tầng giá 150.000 đồng/đêm. Các bữa ăn trong ngày du khách nên đặt trước để nhân viên chuẩn bị.

Trong ngôi nhà của Lagom Home còn có phòng trà phục vụ đồ uống cho cả khách ở và khách bên ngoài và khu vực thư viện khá yên tĩnh và thoáng đãng. Homestay này không chỉ là điểm lưu trú mà còn là nơi tụ họp của những người yêu trà, thích đồ thủ công vì thường xuyên tổ chức workshop thêu tay, các phiên chợ đồ thủ công.

A-mâze House

Nằm ở đường Lê Thánh Tôn, A-mâze House cách Hồ Tịnh Tâm 600 m và Đại Nội chưa đến 1 km rất tiện cho du khách không có nhiều thời gian tham quan và chỉ di chuyển trong thành phố. Ngoài các phòng nghỉ khách có thể tận hưởng thêm không gian chung và vườn cây xanh mát, đây cũng chính là các góc ưa thích của người yêu thiên nhiên.

Khách lưu lại đây được trang bị bếp đầy đủ tiện nghi với khu vực ăn uống, tủ lạnh, ấm đun nước và bếp nấu. A-mâze House cung cấp từ phòng đôi riêng tư, phòng gác mái độc đáo cho khách đi một mình và cả phòng tập thể giường tầng. Giá mỗi đêm ở phòng đôi từ 350.000 – 500.000 đồng, phòng gác mái là 250.000 đồng/đêm và phòng tập thể là 150.000 đồng/đêm.

Mỗi góc trong ngôi nhà nghỉ này đều thu hút du khách bởi vẻ thanh bình, sự tối giản, gọn gàng và màu sắc trang nhã cũng như luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

Khánh Trần (Ảnh: Booking, Facebook)

Giải VnExpress Marathon Huế 2020 lần đầu tổ chức ở cố đô vào ngày 6/9, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như sông Hương, lăng tẩm cổ kính. Giải chạy dự kiến thu hút khoảng 5.000 vận động viên, trong đó hơn 30% là người nước ngoài. Xem thông tin chi tiết tại đây.

VN Express

‘Thủy tính’ của Lão Tử – triết lý cho một cuộc sống hài hòa

Nước chỉ chảy xuống chỗ thấp. Nó nhu hòa khéo léo, có thể bao dung được vạn vật. Nó mềm yếu nhưng không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.

Vào thời kì thoái trào của lễ giáo cuối thời Xuân Thu, để giữ cho tâm hồn tĩnh lặng, Lão Tử đã rời xa thế tục, gửi gắm tâm tình nơi núi non, cảm nhận cái tinh khiết và mênh mông bát ngát của thiên thiên, trải nghiệm ý nghĩa thực sự của đời người.

Dòng chảy lưu động, biến hóa không ngừng của nước đã khơi dậy cảm hứng tâm linh của nhà hiền triết, trở thành nơi để ông gửi gắm tâm tư và sự tỉnh thức của mình. Trí tuệ và tư tưởng triết học của Lão Tử có sự liên hệ rất lớn với nước trong tự nhiên, chúng ta còn có thể gọi nó là sự thức tỉnh của “thủy tính”.

Sự thức tỉnh của “thủy tính”

Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn”. Kẻ trí thông đạt đạo lý nên yêu thích cái lưu động không ngừng của nước. Người nhân nghĩa thi hành đạo lý nên yêu thích cái vững vàng bất dịch của núi. Lão Tử yêu thích nước, vì nước gần với đạo.

Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”.

Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ”. Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.

Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.

Lão Tử chủ trương: “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.Lão Tử đã đúc kết khái quát nguyên tắc xử thế của ông như sau: “Ta cầm giữ ba bảo vật; một là từ ái, hai là tiết kiệm, ba là không tranh với thiên hạ”. Theo ông, con đường đời của chúng ta gian nan gập ghềnh, thế sự khó mà dự liệu, nhưng một người chỉ cần giữ được “thủy tính” thì sẽ có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng, hiểu được cái đẹp và lạc quan trong cuộc sống.

Nước chảy chỗ thấp

Dù đã rời xa triều đình nhưng Lão Tử vẫn luôn suy tư về thế sự. Nhờ bản tính hài hòa của nước, Lão Tử đã nhìn ra được cái tai hại của chế độ chính trị hiện thời.

Bản tính của nước là tìm đến sự phẳng lặng, đây chính là lẽ trời tự nhiên. Lão Tử cho rằng lẽ trời giống như cây cung vậy, “đầu trên hướng xướng dưới, đầu dưới hướng lên trên”, tức là “chỗ bị thiếu dù chỗ khác có thừa cũng không bù lại được” mà xã hội lúc bấy rõ ràng là thiếu cân bằng.

Vì lẽ này, Lão Tử chủ trương để người làm chính trị phải dùng tâm thế rộng lượng và bao dung để thực hiện công bằng. Tuân theo tính chất của nước, đi tìm sự công bằng thì tự nhiên sẽ có được hiệu quả tốt.

Ví như sông và biển đều hình thành từ nước, thế nhưng tại sao sông lại chảy ra biển, biển đón lấy nước sông? Lão Tử cho rằng đó là bởi vì biển nằm ở phía dưới các con sông, “vì ở chỗ thấp, nên làm vua trăm thung lũng”.

Từ điều này Lão Tử cho rằng người cầm quyền muốn quy phục lòng dân, thì nhất định phải chịu hạ mình, trước mặt người dân thì lời nói phải khiêm tốn, suy nghĩ trước sau, hay còn gọi là “chịu ở nơi thấp”,“chịu lánh phía sau”, từ đó mà khiến cho “thiên hạ vui vẻ mà không phiền lòng”, tạo thành cục diện bình ổn trăm sông ra biển, vạn dân nghe theo. Lão Tử nói, “hạ mình để cho vừa lòng dân”, lý lẽ này về bản chất là giống với phong thái của ông.

Nước làm lợi cho vạn vật

Nước thúc đẩy vạn vật sinh trưởng, nhưng đối với vạn vật thì nước “sinh ra mà không sở hữu, làm mà không kể công, giúp phát triển mà không đòi làm chủ” đây mới là đức tính cao nhất. Theo cách nhìn của Lão Tử, người ở nơi cao phải trị quốc hiểu dân giống như nước làm lợi cho vạn vật vậy.

Đối với người dân, phải tạo ra cái lợi nhưng không sở hữu, ủng hộ sự phát triển mà không được cố ý trở thành người làm chủ. Người dân có được lợi ích mà lại không biết đến sự tồn tại của người cho mình lợi ích đó. Ông cho rằng đây mới là cảnh giới cao nhất của người làm chính trị. Hay còn gọi là “Thái thượng, bất tri hữu chi; Kì thứ, thân chi dự chi”, người làm vua giỏi là dân không biết là có vua; thấp hơn thì dân quý dân tin.

Dùng cách công bằng ngay thẳng và thái độ khiêm nhường hòa nhã để trị quốc, hiểu dân chính là đi theo quy luật tự nhiên của nước. Lão Tử cho rằng, người cầm quyền mà tuân theo lẽ trời này, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, kiên trì giữ vững cái đẹp của những đức tính rộng lượng, bao dung, công bằng, khiêm tốn thì ắt sẽ trở thành “bách dung vương” như biển lớn đón lấy trăm sông.

Lão Tử có cách tư duy về đặc tính sâu xa của nước, phần lớn đã ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng sau này. Như “Binh pháp Tôn Tử” có chỉ ra “Binh hình tượng thủy”; Tuân Tử lại nhận định vua và dân thường là “Thuyền thủy chi dụ”, ý chỉ người dân có thể giúp vua lập nên triều chính, cũng có thể đứng lên lật đổ triều đình.

Người trước xem trọng quy luật và linh hoạt trong sự vận động của nước, người sau lại xem trọng sức mạnh không thể xem thường của nước. Cả hai nhà tư tưởng đều tìm ra được lý lẽ sâu sắc từ tính chất tự nhiên của nước, phát huy sự độc đáo đối với triết lý về tính chất của nước của Lão Tử.

Lão Tử quan sát tính tất yếu của tự nhiên bằng tâm tình bình lặng, ông tìm ra được phương thức xử thế nhẹ nhàng và không tranh giành từ tính chất của nước, biết được đạo trị quốc công bằng và khiêm nhường, phỏng đoán sự sinh trưởng của vạn vật. Lão Tử dùng nước để bồi dưỡng thêm tinh thần chân chính của con người, để nước có được hàm nghĩa văn hóa sâu sắc, đồng thời hình thành nên trí tuệ rộng lớn bao la.

Theo TTVN

Hậu cung triều Nguyễn qua hồi ức của người mang 2 dòng máu Việt – Pháp

Đó là một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.
Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX (Souvenirs des Hue) của Michel Đức Chaigneau (1803-1894), (Lê Đức Quang dịch và chú giải, Trần Đình Hằng giới thiệu, NXB Hà Nội phối hợp Thái Hà book xuất bản, 2020) là tư liệu quý ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của người mang hai dòng máu Pháp – Việt.

Cuốn hồi ức giúp đời sau hiểu hơn mối quan hệ Việt – Pháp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế, hay đời sống xã hội, từ cung đình đến làng quê, nhất là đời sống hậu cung dưới thời vua Gia Long ít được chính sử đề cập.

Hoi uc ve Kinh thanh Hue dau the ky XIX anh 1
Sách “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX”. Ảnh Thái Hà Book.
Ngoại hình, tính cách vua Gia Long
Trong cuốn hồi ức, Michel Đức Chaigneau (Đức) ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong lần theo cha vào cung bái kiến vua Gia Long và tiếp đó được vào tận nơi ở của hoàng hậu để bái kiến.

Những quan sát mô tả của tác giả trong hồi ức khi vào diện kiến vua Gia Long đã cung cấp cho người đọc ngày nay một số nét về ngoại hình, cũng như tính cách của nhà vua.

Tiếp đó là thời khắc tác giả được đưa vào diện kiến hoàng hậu cho phép người đọc phần nào sống lại không khí cung cấm bên trong Tử Cấm Thành. Đó là một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.

Theo cuốn hồi ức, cuộc diện kiến vua Gia Long và hoàng hậu diễn ra vào năm 1811, lúc đó tác giả mới 8 tuổi và Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Tống Thị) còn tại thế.

Hôm đó, khoảng 18-19h, Đức theo cha vào cung điện. Cả 2 vào đến căn phòng rộng đã thấy vua Gia Long ngự trên một sập gụ thếp vàng, có trải chiếc chiếu đẹp có viền bằng lụa vàng, với nhiều người hầu đứng phục dịch hai bên.

Vua Gia Long có vóc dáng cao hơn người thường và có vẻ thể lực cường tráng. Mái đầu bạc của ông cân đối với thân hình. Khuôn mặt đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy tấm lòng bao dung.

Vua có da sáng, mắt tinh anh, râu bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành hai núm hai bên, điểm thêm chòm râu lớn nhưng tách biệt.

Vua Gia Long là người có trí tuệ và hoài bão. Ông am hiểu công việc hành chính vương triều hơn bất cứ vị thượng thư nào. Ngoài công việc trao đổi nghiêm túc, ông là người vui tính, dễ mến.

Hoi uc ve Kinh thanh Hue dau the ky XIX anh 2
Gia Tường Môn (cửa Tây Cấm Thành, đối diện Thiện Khánh Môn cung Diên Thọ. Nguồn: Đại Nội Huế.Nơi ở của hoàng hậu trong Tử cấm thành
Sau khi tiếp 2 cha con, vua Gia Long lệnh cho vị đứng đầu các thái giám đưa Đức đến bái kiến hoàng hậu. Người này trông giống phụ nữ nhưng bận đồ nam, hình thức bên ngoài xấu xí; khuôn mặt nhỏ, da bọc xương, nhiều nếp nhăn, đôi mắt trống rỗng, vô cảm; môi miệng móm mém, giọng nói the thé.

Khách được đưa qua hành lang dài không bóng người; đằng sau căn phòng rộng cắt với hành lang là phòng lớn có vẻ bí ẩn. Đức được khoảng chục quý bà ăn mặc lộng lẫy, trong đó có một người lớn tuổi nhất, gương mặt nghiêm khắc, dẫn vào phòng hoàng hậu.

Gian phòng của hoàng hậu cũng lớn như phòng trước đó, khá đẹp mắt về cả trang trí và đồ nội thất. Khắp nơi rực sáng lên sự giàu sang và ngăn nắp sạch sẽ, không khí thoảng mùi thơm pha trộn đàn hương và hoa ngâu.

Một cái sập gụ được kê cao, nơi duy nhất để ngồi của chủ nhân ở cung này. Những quý bà ngồi ở tầm thấp hơn trên những chiếc chiếu.

Hoàng hậu mặc đồ thêu lụa vàng, tựa hờ người vào cái gối vuông bọc lụa vàng, xung quanh có rất nhiều quý bà có hàm răng đen, mặc áo dài lụa đủ màu sắc. Người khăn đóng, người đầu trần, tất cả đều chân trần, với tư thế cung kính.

Hoàng hậu không còn trẻ nhưng duyên dáng, vẻ rất uy nghiêm. Vừa thấy khách bước vào, bà đã nở nụ cười độ lượng. “Đến đây con trai ông Long, ta rất hài lòng được gặp công tử”.

Đức sau đó đã chào hoàng hậu nhưng thực hiện không đúng cách, liền bị phụ nữ có gương mặt nghiêm khắc nhắc nhở. Thấy cậu bé khó nhọc trong việc quỳ xuống đứng lên 5 lần, hoàng hậu đã cho phép chào bà như một hoàng hậu Phú Lãng Sa (Pháp)…

Hoàng hậu hỏi một số câu và trước khi cho lui, bà tặng hộp quà trong đựng bộ áo lễ cho nam, quần, đai, nịt, áo khoác, khăn đóng.

Hoi uc ve Kinh thanh Hue dau the ky XIX anh 3
Trang phục hoàng hậu, thứ phi, tam phi triều Nguyễn. Ảnh: Thiên Điểu.

Nỗi niềm của vua Gia Long
Tác giả cuốn hồi ức cho biết cung cấm của vua Gia Long có hàng trăm thứ phi. Ông cũng nhận định rằng sẽ không có được sự bình yên trong điều kiện như vậy. Những hiềm khích, đố kỵ dữ dội, những tranh cãi không dứt và vua cũng không đủ sức để dẹp yên những rối ren trong nội bộ.

Trong một lần trao đổi thân tình với một vị quan người Pháp, vua Gia Long nói việc trị quốc với ông dễ hơn và ít khó nhọc hơn việc cai quản cung cấm. Ông chỉ tay về phía cung cấm và nói: “Đàng kia ta phải đối mặt với một lũ cãi cọ, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả đưa nhau đến đòi ta phân xử công minh”.

“Bệ hạ có thể giảm lo âu phiền muộn bằng cách tiết giảm số cung tần mỹ nữ”, viên quan người Pháp chia sẻ. Nhà vua liền trả lời ông không thể giảm được vì đó đều là con các quan. Nếu ông làm thế các quan sẽ rất đau lòng.

Trong số các cung tần mỹ nữ đông đúc của nhà vua có rất nhiều thiếu nữ là con quan lại. Đó là một vinh dự, đồng thời cũng là lợi lộc cho quan lại có con vào cung: Trở thành sự bảo trợ đắc lực, nhất là khi được sủng ái.

Một bà phi nào đó hạ sinh được con trai có thể củng cố vị trí của bản thân, cũng như cha mình trong cung đình… Với viễn cảnh như vậy, cùng những bổng lộc tức thời, cũng đủ thúc đẩy nhiều vị quan đưa con gái vào hầu vua.

Minh Châu / Sách hay / Zing

Nghiên cứu từ Mỹ lý giải vì sao sông Hoàng Hà là ‘nỗi thống khổ của Trung Quốc’

Nghiên cứu từ Mỹ lý giải vì sao sông Hoàng Hà là 'nỗi thống khổ của Trung Quốc'

Thác Hukou, một phần sông Hoàng Hà, Trung Quốc.

Hoàng Hà là con sông dài thứ hai Trung Quốc, “nổi tiếng” với tần suất gây lũ lụt nghiêm trọng của nó.

Lũ lụt tại Trung Quốc đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hơn 37 triệu người dân bị ảnh hưởng, ít nhất 150 người mất tích hoặc thiệt mạng. Mức độ thảm họa ở ngưỡng nghiêm trọng, với 433 con sông có mực nước vượt mức kiểm soát từ tháng 6, trong số đó có sông Hoàng Hà.

Với chiều dài 5.464 km, Hoàng Hà là con sông dài thứ hai Trung Quốc và dài thứ sáu thế giới. Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, sông Hoàng Hà đi qua 9 tỉnh và khu tự trị rồi đổ ra biển Bột Hải ở phía đông. Nó cấp nước cho hơn 60 thành phố Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.

Chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ ở tây bắc Trung Quốc, con sông có nước màu vàng đặc trưng nên được gọi là Hoàng Hà (sông vàng).

Người nguyên thủy đã sống ở lưu vực sông Hoàng Hà hơn 1,1 triệu năm trước. Do đó, con sông còn được gọi là “sông mẹ” của Trung Quốc và là cái nôi của nền văn minh nước này.

Nghiên cứu từ Mỹ lý giải vì sao sông Hoàng Hà là nỗi thống khổ của Trung Quốc - Ảnh 1.

Sông Hoàng Hà đoạn đi qua tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Đặc biệt, Hoàng Hà cũng được ví là “nỗi thống khổ của Trung Quốc” do tần suất tràn bờ gây lũ lụt nghiêm trọng của nó. Trong đó, rất nhiều trận lũ để lại hậu quả thảm khốc, khiến hàng trăm, hàng nghìn người thiệt mạng.

Từ năm 608 đến năm 1938, sông Hoàng Hà đã đổi dòng 26 lần và tràn bờ hơn 1.500 lần, theo China Highlights.

Những thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến sông Hoàng Hà là lũ lụt năm 1931, 1938 và 1943. Trận lũ năm 1931 được ghi nhận là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử thế giới, ước tính cướp đi sinh mạng của khoảng 3.7 triệu người.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã cùng nhau tìm hiểu lý do tại sao sông Hoàng Hà tràn bờ nhiều như vậy, qua đó, tìm cách cải thiện quy hoạch, xây dựng và quản lý các dự án kỹ thuật sông ở Trung Quốc và nước ngoài.

Thác Hukou, một phần sông Hoàng Hà, Trung Quốc trong mùa lũ

Nghiên cứu công bố năm 2017 do ông Hongbo Ma, thuộc khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Rice, bang Texas, Mỹ, đứng đầu. Theo đó, lớp phù sa tích tụ ở một khoảng dài trên sông Hoàng Hà chính là lý do khiến nước sông màu vàng và một phần nguyên nhân khiến nó tràn bờ thường xuyên.

Hoàng Hà vận chuyển lượng phù sa nhiều gấp 10-20 lần so với giới hạn được mô tả bởi các mô hình vật lý có sẵn, theo kết quả nghiên cứu.

Phù sa của Hoàng Hà có dạng hạt nhỏ và mịn, nhờ vậy, giúp giảm ma sát với nước, bờ sông và lòng sông. Kết quả là phù sa có thể di chuyển một quãng đường dài. Lượng phù sa lớn này khiến sông có màu vàng đặc trưng.

“Trong những con sông có lòng sông cát, nằm ở vùng đất trũng (điển hình như sông Amazon hay Mississippi), chỉ khoảng 40-60% năng lượng được sử dụng để đưa trầm tích xuống hạ lưu”, ông Jeffrey Nittrouer, nhà nghiên cứu trầm tích tại Đại học Rice, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Ở sông Hoàng Hà, hơn 95% năng lượng được dùng để vận chuyển phù sa”.

Tính chất vật lý của phù sa mịn không được nghiên cứu nhiều, một phần vì ít con sông nào khác trên thế giới có nhiều loại phù sa này như Hoàng Hà. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình mới về sự di chuyển của phù sa, có thể giúp ích rất nhiều cho các dự án quản lý lũ lụt.

Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng nhiều đập trên Hoàng Hà để cố giảm thiểu lũ lụt. Từ năm 2002, những con đập này đã giải phóng một lượng nước lớn mỗi năm để rửa trôi phù sa bồi lắng.

Phương pháp này có hiệu quả trong những năm đầu, ở một số vị trí mà lòng sông thấp hơn gần hai mét so với độ cao lịch sử. Nhưng theo nghiên cứu năm 2017, đập có thể không còn là cách phù hợp để quản lý sông vì chúng nhốt phần lớn trầm tích trong hồ chứa, làm giảm khả năng vận chuyển phù sa.

Wu Baosheng, thuộc khoa Kỹ thuật Thủy lực tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho biết: “Lớp trên của lòng sông hầu hết là phù sa mịn, rất phù hợp để vận chuyển”.

Nhưng trong những năm gần đây, lòng sông ngày càng xuất hiện nhiều hạt to và nặng hơn, tạo thành một lớp bảo vệ, Wu nói.

Phát hiện này bổ sung thêm vào cuộc tranh luận về hiệu quả của đập. Cuộc tranh luận nổi lên sau khi có nhiều vấn đề ở đập Tâm Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, con đập đầu tiên được xây dựng trên sông Hoàng Hà vào những năm 1960. Con đập này đã phải thiết kế lại do trầm tích tích tụ trong hồ chứa. Nhưng vấn đề tiếp diễn ngay cả sau khi đập được thiết kế lại và một số kỹ sư hàng đầu đã kêu gọi dừng hoạt động con đập.

Các nhà nghiên cứu cho biết mô hình mới sẽ làm sáng tỏ cuộc tranh luận về đập Tam Môn Hiệp.

“Tác động của việc xây dựng hoặc loại bỏ một con đập xét trên việc vận chuyển trầm tích và sự ổn định của dòng chảy có thể được đánh giá với mô hình vận chuyển trầm tích mới của chúng tôi và kiến thức trước đây về sự phân bố kích thước hạt trầm tích lòng sông”, các tác giả cho biết trong nghiên cứu.

(Tham khảo South China Morning Post, Tân Hoa Xã, China Highlights)

Trung Quốc và dải lụa ‘Con Đường’ quấn quanh Việt Nam


Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Hoàng Hoành Sơn

IMF đã cập nhật dự báo kinh tế: Mức sụt giảm GDP thực bình quân đối với các nền kinh tế phát triển là 8%, trong khi đối với các nước đang phát triển, con số này là 3%. Hồi tháng Tư, quỹ này nói nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020 và cảnh báo suy thoái sâu hơn nếu đại dịch covid-19 không biến mất trong nửa cuối năm (1). Quả thật là một bức tranh kinh tế toàn cảnh ảm đạm cho nền kinh tế thế giới.

Thế còn hiện trạng kinh tế Việt Nam (VN) giữa cơn khủng khoảng mùa đại dịch Vũ Hán ra sao? Tình hình chung là ngoài những khoản vay còn chưa trả hết, chính phủ Việt Nam vẫn đang lên kế hoạch vay thêm bảy trăm ngàn tỷ đồng trả nợ trong vòng 3 năm. Mức vay có tháng lên tới 40.000 tỷ đồng (2). Bên cạnh việc lâm vào nợ nần, CSVN Việt Nam còn phải đối phó với vô số khó khăn về mất quyền lợi hải sản, dầu khí ở Biển Đông, rơi vào bẫy nợ hoặc các công trình nước ngoài đội vốn bủa vây tứ bề. Các bẫy nợ này được kẻ cho vay nối kết với nhau cách khéo léo, tựa dải lụa mịn màng quấn quanh khiến Việt Nam không thể vùng thoát. Đó chính là “Con đường Tơ lụa”, mà bạn 16 vàng 4 tốt Trung Quốc (TQ) đã phủ lên khắp chữ S Việt Nam.

1. Con đường Tơ Lụa (BRI). Là con đẻ của dự án Vành đai Con đường, nó giúp hiện thực hóa mộng bá quyền TQ. Từ việc mở rộng giao thương, nối kết việc luân chuyển hàng hóa một cách tự do ra khắp thế giới, cho đến những âm mưu nắm các vị trí chiến lược trên thế giới. Nên TQ đã vung tiền ra để các quốc gia kém phát triển, thiếu vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng rơi vào bẫy nợ TQ đặt ra, để rồi lấy đất công, cảng biển, biển đảo ra làm vật thế chấp, gán nợ.

Tính đến tháng 1/2020, đã có 2.951 dự án trong khuôn khổ BRI được triển khai hoặc lập kế hoạch trên toàn cầu, với trị giá lên tới 3.870 tỷ USD (3). Trong cái bánh lớn đó VN dĩ nhiên cũng có phần, vì trong hoàn cảnh hiện tại vốn không còn mấy tổ chức quốc tế hay ngân hàng nước khác muốn cho VN vay, trong khi TQ cho VN vay rất nhiều.

Báo VNeconomy của VN đã xác nhận: Ngân hàng Đầu tư Hạn tầng Á châu (AIIB) không phải là định chế duy nhất của Trung Quốc cấp tài chính phát triển cho Việt Nam, các ngân hàng chính sách của nước này như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) cũng đã cung cấp vốn cho Việt Nam trong thời gian qua (4).

Dĩ nhiên, với nguồn vốn cho vay thoải mái đến từ TQ không giúp cho VN phát triển thêm, mà trái lại, với một bộ máy nhà nước cồng kềnh, nặng tính cơ chế và thiếu minh bạch, các tệ nạn tham nhũng xuyên suốt mọi cơ cấu của CSVN từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Chúng tựa như đại dịch lây nhiễm khắp nơi, khiến cho nguồn tiền vay mượn chỉ có tư túi mà chẳng mang lại hiệu quả nào cho nền kinh tế quốc dân.

Thời gian đáo hạn liên tục chỉ khiến con nợ VN ngày càng lún sâu vào chiếc bẫy nợ TQ đã giăng sẵn. Hệ quả là sự im lặng đáng kinh ngạc, nhưng có thể hiểu được của chính quyền CSVN, trước những động thái xâm lấn và gây hấn của TQ. Chính là VN tự nguyện để TQ quấn dải lụa Con đường quanh thân mình tựa mummy, khởi đầu cho mưu đồ “mượn đường diệt Quắc” của TQ tại VN và trên khắp thế giới.

2. Đặc khu kinh tế. VN hiện có 18 khu kinh tế, trong đó có Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong được quy hoạch cho TQ thuê, thành đặc khu kinh tế với những chính sách ưu đãi đặc biệt (5). Chưa cần nói đến vận hành của 3 đặc khu này mang lại lợi ích kinh tế nào cho VN. Nhưng trước mặt, về vị trí địa lý chiến lược của cả 3 đặc khu trên, nếu cho TQ thuê dài hạn cả trăm năm, thì chúng tựa như những con đường rộng mở, thuận tiện cho TQ đàng hoàng đi thẳng vào VN nếu có chiến sự.

Chúng còn là những điểm tiếp vận và là cầu nối thay cho đại lục ra Hoàng sa và Trường sa ở ngay trên chính đất VN. Chỉ riêng khu kinh tế Vũng Áng ngang nhiên xả thải ra biển, đã mang lại lợi ích nhóm. Còn về mặt tàn hại môi trường, giết chết nguồn cá, các rặng san hô cũng như môi trường sống bấy lâu nay của người dân, thì ai cũng thấy rõ. Bô xít Tây Nguyên là một ví dụ điển hình hàng chục năm qua cho việc ngậm miệng ăn tiền của VN, bất kể đến môi trường chịu hủy hoại nghiêm trọng.

Thái độ đàn áp người dân yêu nước chống đối về Formosa cho thấy CSVN đã quay lưng lại với vận mệnh quốc gia, bỏ qua dân tộc mà quay mặt bắt tay giúp TQ trực tiếp phá hoại môi trường sống vốn là tài sản của các thế hệ tương lai. Âm thầm thông qua luật 3 đặc khu kinh tế này trong mùa đại dịch cho thấy CSVN đã tự mình đưa cổ cho TQ quấn dải lụa chờ ngày siết lại.

3. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Chỉ vỏn vẹn có 13,1km mà tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD). Trong đó: Vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD) (6). Vay của TQ phải lấy nhà thầu của TQ cũng như tất cả mọi trang thiết bị vật tư, giám sát. Đây là hậu quả đớn đau cho 8 lần vỡ tiến độ, chưa biết bao giờ tuyến đường sắt này được vận hành.

Tuyến đường sắt trên cao này tựa như là một phép thử của TQ dành cho VN khi cần. Chả thế mà khi cần nắn gân VN ở biển Đông hay thúc giục mau hoàn thành luật đặc khu, nhà thầu TQ không ngần ngại đòi VN trả thêm 50 triệu đô để bàn giao Cát Linh Hà Đông, rồi sau đó lại bỏ qua cách khó hiểu. Báo Tuoitre.vn, ngày 16.06.2020, viết: thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông không nhắc đến đề nghị thanh toán 50 triệu USD vì đã có sự “hiểu nhau”!

4. Lệnh cấm đánh bắt cá, cấm khai thác dầu trên Biển Đông. Ngày 1.5.2020. Tân Hoa xã đã đưa tin về luật cấm đánh bắt cá từ 1.5 đến 16.8 do chính quyền TQ đưa ra. Và nối bước chân muốn ra đi của ExxonMobile, mới đây Repsol đã nhượng lại cổ phần ba lô dầu khí vốn không hoạt động được trong những năm qua cho Petro Viet Nam do sức ép từ TQ. Như vậy, hai nguồn lợi tự nhiên của VN đã chẳng còn mang lại chút lợi nhuận nào cho VN, mà trái lại khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại khi đầu tư vào các mỏ dầu khí tại VN.

TQ đã đơn phương áp đặt luật lệ, buộc VN vào một thế ngặt nghèo khi nguồn hải sản từ biển Đông của VN nay không còn do VN làm chủ. Các mỏ Cá Voi Xanh và Cá Rồng Đỏ đến nay phải ngưng khai thác, Repsol buộc phải bán đi cổ phần của mình. Cách VN phản ứng yếu ớt ngày càng củng cố thêm cho luật cấm đánh bắt hay khai thác dầu khí mà TQ đưa ra. VN cũng lưỡng lự không dám kiện TQ ra tòa án trọng tài quốc tế cũng xác minh thêm cho sự lệ thuộc về nguồn vốn vay và các dự án TQ đang thực hiện tại VN.

5. Nguồn nước (MeKong). Đại hạn và ngập mặn miền Tây Việt Nam. Với hơn 60 triệu người sống dọc và dựa vào sông MeKong, những vựa lúa và khai thác thủy sản cũng như các nguồn lợi khác từ dòng sông này. Hiển nhiên, TQ đã vận dụng tối đa nguồn lợi từ nước để buộc Cam Bốt, Thailand và Việt Nam cam chịu những gì họ đề xuất, vốn không mấy ích lợi cho các nước hạ nguồn. Cứ thử tính những thiệt hại trước mắt về khô hạn và ngập mặn cũng đủ thấy được con “bài tẩy” TQ đang nắm.

Đó là chưa kể đến những đập thủy điện, mà nguy cơ xả lũ không báo trước của chúng cũng sẽ gây ra biết bao thảm họa dân sinh ở Trung và Hạ nguồn MeKong. Đây có thể nói là một cuộc chiến mà nước được đem ra như là thứ để áp lực, để buộc đối thủ phải ngậm miệng im tiếng. Hậu quả là người dân lãnh đủ bởi nguồn nước bị mất đi khiến nguồn lúa và thủy hải sản cũng bị mất theo.

Nói tắt một lời là VN tựa như xác ướp Ai Cập, cả thân thể bị quấn lụa bó như đòn chả không thể cục cựa. VN đã mất tất cả, từ lòng dân, lợi ích kinh tế và các chiến lược phòng thủ xa gần. Khi anh đã mời con hổ vào trong nhà, thì chỉ còn ngồi chờ nó xâu xé, cắn giết chứ không còn khả năng chống cự. Ai trong chúng ta dám hiểu đường lối của CSVN theo kiểu: leo lên lưng hổ để đặt mình tìm sống trong cái chết?

Dự mưu xâu xa và thâm độc của TQ xuyên suốt những năm tháng qua giờ càng lộ rõ sau mùa đại dịch Vũ Hán. Từ mặt trận Biển Đông với một số nước Đông Nam Á, cho đến eo biển Đài Loan, Senkaku của Nhật, đụng độ biên giới tại Doklam giữa Ấn – Trung, chiến dịch ngoại giao khẩu trang, ngoại giao chiến lang, hù dọa Úc châu, luật an ninh Hồng Kông, giam lỏng và diệt chủng tộc người Duy Ngô Nhĩ, thương chiến Mỹ Trung. TQ đang đẩy mạnh các mặt trận chống chọi cả thế giới, bất kể Mỹ, Anh hay Châu Âu, đang khi VN chơi vơi không biết về đâu trên bàn cờ thế cuộc.

VOA