Cảnh sắc Quy Nhơn nhìn từ trên cao

Vẻ đẹp phố biển Quy Nhơn cùng các đầm phá, làng chài, vùng quê cuốn hút du khách qua các góc ảnh từ trên cao.

Toàn cảnh Quy Nhơn nhìn từ khu vực đầm Thị Nại. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Trình, sống và làm việc tại thành phố Quy Nhơn, thực hiện.

Những năm gần đây, Quy Nhơn nổi lên là điểm đến mới, thu hút ngày một đông du khách trong và ngoài nước. Năm 2017, tờ Guardian của Anh từng chọn Quy Nhơn vào top 10 điểm đến thích hợp để nghỉ dưỡng mùa đông. Vào tháng 6/2020, Quy Nhơn có tên trong danh sách 20 điểm du lịch bụi tốt nhất do Hostelworld xếp hạng.

Ảnh ngư dân mưu sinh rớ chồ – những chiếc rớ được cố định trên sông để đánh bắt tôm, cá tại một góc đầm Thị Nại. Đây là đầm nước mặn lớn, có diện tích hơn 5.000 ha, nằm ở phía đông nam tỉnh Bình Định, trải dài từ phía bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Quy Nhơn và thông ra biển bằng cửa Giã, tức cửa Thị Nại.

Phố biển Quy Nhơn nhìn từ khu vực núi Vũng Chua, có độ cao khoảng 600 m, với cung đường biển uốn cong tuyệt đẹp như vầng trăng khuyết (góc phải trên) trải dài 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng.

Anh Trình cho biết, người dân xứ nẫu ví von núi này như “cao nguyên giữa thành phố biển”, là nơi đẹp nhất để ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao. Nhiều du khách cũng chọn ngọn núi này để dã ngoại, ngắm bình minh hoặc hoàng hôn.

Những pha nhào lộn ấn tượng trên không của các vận động viên chơi môn flyboard trong một hoạt động biểu diễn hồi tháng 4/2019 tại Ghềnh Ráng – Tiên Sa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía đông nam. Nơi đây có các điểm du lịch nổi tiếng là Bãi Trứng, bãi tắm Tiên Sa, và khu mộ Hàn Mặc Tử.

Một đoạn cầu Thị Nại nhìn từ trên cao. Từ trung tâm thành phố đi đường Võ Nguyên Giáp là du khách đến cầu Thị Nại, cây cầu nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Cách tiện nhất để đến các điểm tham quan nổi tiếng Quy Nhơn như Eo Gió, Kỳ Co, đồi cát Phương Mai, Trung Lương là qua cây cầu này.

Bán đảo Phương Mai là nơi du khách nhìn thấy cánh đồng quạt gió với 6 trụ tua bin nằm trên diện tích 122 ha tại khu kinh tế Nhơn Hội, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Các bãi tắm ở Quy Nhơn luôn đông đúc vào mùa hè, chẳng hạn như bãi biển Trung Lương. Bãi tắm có làn nước trong xanh, thơ mộng thuộc Khu dã ngoại Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, nằm về phía đông đường ĐT 639.

Toàn cảnh bán đảo Nhơn Hải, một trong những điểm tắm biển, lặn ngắm san hô đẹp của Quy Nhơn. Xuất phát từ Quy Nhơn, qua cầu Thị Nại theo trục đường chính rồi rẽ phải (ngược hướng đi Kỳ Co – Eo Gió) men theo con đường uốn lượn quanh triền núi, hai bên bạt ngàn keo lá tràm, bạch đàn xanh ngát kéo dài ngút mắt dẫn lối về Nhơn Hải. Quãng đường kéo dài khoảng 20 km.

Những mái nhà ở làng chài Nhơn Hải. Khu vực này bắt đầu có nhiều dịch vụ cho du khách như nhà hàng, khách sạn, homestay. Du khách nước ngoài thường chọn lưu trú dài ngày ở đây để tận hưởng nắng gió vùng biển và tìm hiểu đời sống của làng chài.

Thuyền bè phục vụ du khách trên vùng biển quanh đảo Hòn Khô, Nhơn Hải. Du khách thường đi tour trong ngày, thuê canô ra đảo chỉ 10 phút với giá 300.000 đồng/ người. Ở Hòn Khô, khách có thể lặn ngắm san hô, thuê phao bơi, chơi môtô nước và ăn hải sản ngay trên bè.

Ngư dân chèo thuyền thúng đánh bắt cá trên vùng biển Nhơn Hải, bên dưới là rừng rong mơ màu vàng nâu. Đây là một loại tảo biển, mọc thành bụi lớn và có độ cao khoảng 40 – 60 cm.

Tạm rời phố biển, du khách đến Quy Nhơn còn có thể về vùng quê khám phá nhịp sống nơi đầm phá, như cảnh chăn vịt trên đầm Trà Ổ yên bình. Nơi đây còn gọi là Châu Trúc, một đầm nước lợ tự nhiên nằm ở phía đông bắc huyện Phù Mỹ.

VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 do Báo VnExpress phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức với sự đồng hành của Hưng Thịnh Land, diễn ra ngày 26/7. Giải chạy còn có sự tham gia của TH True Water (nhà tài trợ bạc), Ngân hàng Bắc Á (nhà tài trợ bạc), Sunplay (nhà tài trợ đồng), Kun (nhà tài trợ đồng hành “Kun Kids Run”), Play Nutrition, Hisamitsu, Tissot, Nike, Garmin, BKAV, Newton, Tiger Balm, Revive, Vian Travel, IRace.

Huỳnh Phương / Ảnh: Nguyễn Tiến Trình

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc

Con người sống ở đời, cần thứ gì đó cao hơn cơm áo gạo tiền… Đừng chỉ làm một người bình thường vô vị, hãy thêm chút đường cho cuộc sống, thứ ngọt ngào khắc sâu trong tim mới trường tồn được lâu dài.

Bức thư thứ nhất

Nghĩ thông, nhìn thông, buông bỏ

Thời gian giống như mũi tên, một khi đã bắn đi sẽ không thể rút lại, người mãi đắm chìm trong quá khứ sẽ rất dễ bị mũi tên ấy làm tổn thương.

Đời người, cứ đi cứ đi, rồi già lúc nào không hay.

Điều đáng sợ nhất đó là già rồi mà vẫn vấn vương, già rồi mà vẫn ưu phiền, già rồi mà vẫn cầm không được, buông không xong.

Những nỗi khổ, sự đau buồn mà bạn đang tự làm khó mình, đã đến lúc nghĩ thông, cứ cố chấp, người tổn thương cuối cùng vẫn chỉ là bạn.

Những chuyện quá khứ vẫn treo lơ lửng trong tim, đã đến lúc nhìn thông, không sống cho hiện tại, vậy thì mỗi một ngày trong tương lai cũng đều sẽ giống ngày hôm nay, cố chấp, bướng bỉnh, không thay đổi.

Những người không có được, những thứ tình cảm không có được, đã tới lúc buông xuôi, cái gì là của mình thì nó sớm muộn gì cũng là của mình, cái gì không phải là của mình, có cưỡng cầu cũng vô ích.

Cuộc đời còn lại, bình thản ngắm nhìn phồn hoa, thản nhiên tiếp nhận được mất.

Học cách nghĩ thông, nhìn thông và buông bỏ.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 1.

Bức thư thứ 2

Vẻ đẹp của cuộc sống, nằm ở phát hiện

Có người nói: cỏ đang kết hạt giống của nó, gió đang đung đưa chiếc lá của nó, chúng ta đứng đó, lặng yên, đẹp!

Vẻ đẹp của cuộc sống, nằm ở chỗ phát hiện.

Những nét đẹp nhỏ nhoi, những niềm vui bất ngờ và vụn vặt đâu đâu cũng có.

Chỉ là chúng ta thiếu đi một đôi mắt biết ngắm nhìn và tán thưởng chúng mà thôi.

Mỗi ngày đều bận rộn, vồn vã với guồng quay của cuộc sống, nhưng khi bạn dừng lại, dùng tâm đi ngắm nhìn những cánh hoa nở hoa tàn, những đám mây tan rồi lại tụ, đi tận thưởng ánh nắng mặt trời, hơi ẩm của ngày mưa, đi hưởng thụ hoa xuân, đêm hè, trăng thu và tuyết đông, cuộc đời của bạn sẽ giống như bước sang một trang mới.

Những hương vị bình phàm mà quý giá…

Phát hiện ra cái đẹp, tận hưởng cái đẹp, là một người dịụ dàng với cuộc sống.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 2.

Bức thư thứ 3

Kết bạn từ sự đơn thuần, tình cảm dần dần sâu đậm

Một người bạn thực sự, có thể đem lại sự cộng hưởng về tinh thần, sự đồng cảm trong tâm hồn.

Có thể cổ vũ bạn, bao dung bạn, chấp nhận bạn, ủng hộ bạn.

Người ta thường bảo, không quen quá thân thì đừng móc hết ruột gan mình ra cho người ta xem, cứ từ từ mà qua lại, bạn mới biết liệu người đó có phải người bạn thực sự hay không.

Bạn bè với nhau, có thể trêu chọc lẫn nhau, có thể không cần những lời ngon ngọt, có thể thỉnh thoảng mới liên hệ, không có cái gọi là hình thức hay giàu nghèo, khi một người gặp nạn, khi cần người khác ở bên thì đối phương tuyệt đối sẽ không vắng mặt.

Tình bạn tiến triển quá nhanh, giống như một mối nguy cơ tiềm ẩn, sự nhiệt tình và tình bạn nhất thời rất dễ bị mài mòn và nhạt phai.

Tới cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra, thứ tình cảm giả tạo sớm muộn rồi cũng sẽ mất đi, thứ tình cảm thật lòng sẽ luôn trường tồn theo thời gian.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 3.

Bức thứ thứ 4

Trân trọng duyên tình thân, vì kiếp sau chưa chắc đã gặp lại

Người thân là duyên phận chỉ có một lần.

Kiếp này được làm người nhà, bất luận yêu hay không yêu, kiếp sau chưa chắc đã được gặp lại nhau.

Trong những năm tháng có hạn của cuộc đời, hãy trân trọng gia đình.

Trong cuộc sống vội vã này, có thể khiến bạn cảm thấy ấm áp, suy cho cùng cũng chỉ là những bữa cơm quây quần, nhưng ánh mắt lo lắng, nhưng lời cằn nhằn nhưng ngập tràn sự quan tâm của gia đình.

Đời này, hãy dùng cái tâm đi yêu thương ba mẹ, yêu con cái, yêu bạn đời.

Đừng ki bo những nụ cười, những lời khen, những cái ôm hay những nụ hôn, luôn đem theo sự cảm kích mà sống với nhau, đừng để lại sự sự tiếc nuối khi nhắc tới hai chữ gia đình, có vậy mới là đáng sống.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 4.

Bức thư thứ 5

Sức khỏe là 1, tất cả những thứ khác chỉ là 0

Năm tháng dần trôi, cơ thể cũng sẽ ngày một đi xuống.

Trải qua một lần thập tử nhất sinh, lưng đau eo nhức, choáng váng tê liệt rồi thì con người ta mới ý thức được tầm quan trọng của hai chữ “sức khỏe”.

Bớt lao tâm khổ tứ lại, việc của con cái, cứ để chúng tự làm chủ.

Bớt mấy việc tay chân lại, việc nhà không phải thiếu bạn là không ra đâu với đâu.

Nhớ kĩ tầm quan trọng của hai chữ Sức Khỏe, dẫu sao thì bệnh ra đấy, người đau là mình, không ai gánh hộ mình được. Khỏe mạnh, minh mẫn tới trăm tuổi mới là điều đáng để phấn đấu cả đời.

Sức khỏe là 1, tất cả những thứ còn lại chỉ là con số 0.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 5.

Bức thư thứ 6

Thay vì tìm kiếm sự cộng hưởng giữa chốn phồn hoa huyên náo, chi bằng tìm kiếm bản ngã của mình trong cô đơn

Con người, từ đầu tới cuối đều là một mình.

Có lẽ vì sự cô đơn này mà chúng ta ưu ái hơn với sự huyên náo.

Mong đợi được người khác chú ý, mong đợi được người khác yêu, mong đợi được chơi cùng người có cùng chí hướng, mong đợi có ai đó có thể giải tỏa sự cô đơn và trống rỗng bên trong tâm hồn mình.

Nhưng, càng trải đời nhiều rồi mới phát hiện ra rằng, trên thế giới này, thực ra chẳng có ai thực sự hiểu được mình.

Hiểu, có thể gặp chứ không thể cưỡng cầu.

Thay vì tìm kiếm sự cộng hưởng giữa chốn phồn hoa huyên náo, chi bằng tìm kiếm bản ngã của mình trong cô đơn.

Ở một mình là lúc bạn nhìn rõ mình nhất.

Một mình đọc sách viết đôi dòng, một mình tưởng tượng, một mình ngắm cỏ cây hoa lá, một mình dọn dẹp nấu nướng.

Ngược lại, bạn sẽ phát hiện ra mình sống thật hơn, cảm nhận được niềm vui thực sự từ sâu bên trong.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 6.

Bức thư thứ 7

Người kỉ luật tự giác, từ nhỏ tới già đều tự do

Dù có già rồi, cũng đừng quá lười biếng.

Sống lâu rồi, bạn sẽ phát hiện ra, một người đạt được cái gọi là tự do kinh tế, tự do tâm hồn, tự do cuộc sống đều xuất phát từ việc bồi dưỡng cho mình sự kỉ luật tự giác.

Dậy sớm ngủ sớm, kiên trì vận động, chăm chút chế độ dinh dưỡng, vạch ra kế hoach cho từng việc, từng bước từng bước một đi hoàn thành những việc mà bạn muốn làm hoặc những việc cần bạn làm.

Đừng vì sự thay đổi của thế giới bên ngoài mà buông thả, cũng đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ dở giữa chừng.

Tự giác kỉ luật, vốn dĩ là một loại thái độ sống, một phương thức sống giúp chúng ta sống thông hơn, thoải mái hơn.

Viết tặng bạn 8 bức thư, hi vọng bạn sống mà không hối tiếc - Ảnh 7.

Bức thứ thứ 8

Sống cho có dư có vị mới không có lỗi với bản thân

Sống ở đời, sợ nhất là khi về già nhớ lại quá khứ lại không có một việc nào khiến mình thực sự cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn.

Dũng cảm đi làm những việc bạn muốn làm nhưng còn sợ hãi.

Khoảnh khắc bạn khắc phục khó khăn, vượt qua nỗi sợ, nó sẽ là niềm vui khó quên trong cuộc đời bạn.

Kiên trì đi làm việc mà bạn ước mơ hoàn thành, thước đo thành công trước giờ chưa bao giờ thiếu đi hai chữ “kiên trì”, bạn không thể kiên trì tới cùng, làm sao có thể biết được cầu vồng sau mưa nó lấp lánh và đẹp đẽ ra sao.

Đó, đều là một trong những “điều thú vị” của một cuộc sống rực rỡ.

Một cuộc đời vô vị, nhàm chám, không có gì để nhớ lại, vậy thì còn ý nghĩa gì?

Ôm trong mình một trái tim nhiệt huyết với cuộc sống, đi làm những điều bạn muốn, đi gặp những con người thú vị ngoài kia, có vậy mới không phụ lòng thời gian, không phụ thanh xuân.

Có người nói, con người sống ở đời, cần tới thứ gì đó cao hơn cơm áo gạo tiền.

Ngoài vòng tròn cuộc sống hiện tại thì ngoài kia vẫn còn vô số những thế giới nhỏ cần bạn đi khám phá và phát hiện.

Đừng chỉ làm một người bình thường vô vị, hãy thêm chút đường cho cuộc sống, thứ ngọt ngào khắc sâu trong tim mới trường tồn được lâu dài.

Mong bạn năm tháng còn lại, sống tự tại ung dung, sống có dư có vị, không hối tiếc, cũng không hối hận vì đã từng bỏ ra.

Theo Dân sinh.

Nghèo sở dĩ luôn hoàn nghèo, đó là bởi 6 Ƭhói quen vô cùng xấu xí

Học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có một đôi vợ chồng giáo sư, họ và một đồng nghiệp đã lập thành một nhóm, cùng nhau đi du lịch 18 quốc gia và nghiên cứu trong suốt 20 năm. Và họ phát hiện ra rằng, người nghèo sở dĩ nghèo, đó là vì sáu “thói quen xấu” sau đây.

Thói quen xấu thứ nhất: Người nghèo lãng phí hơn trong việc tiêu tiền

Nhóm nghiên cứu của MIT đã điều tra và nghiên cứu ở các nước nghèo ở Châu Phi trong nhiều năm, họ phát hiện ra rằng các nước nghèo trên thế giới đều được cung cấp các gói viện trợ và trợ cấp kinh tế khác nhau với mục đích giúp họ thoát khỏi nghèo đói càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những người nghèo, sau khi nhận được tiền cứu trợ, họ đã không tiết kiệm hoặc dùng nó để đi phát triển, mà ngay lập tức sử dụng chúng cho đủ loại tiêu dùng, họ hoàn toàn không hiểu thế nào là tiết kiệm, tiền vừa tới tay, họ ngay lập tức sẽ có một bữa tiệc lớn, và tiền cũng chẳng mấy mà hết sạch.

Thói quen xấu thứ 2: Người nghèo chi tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng so với người giàu

Người giàu tiêu tiền tất nhiên nhiều hơn người nghèo, nhưng họ chi tiêu cho tiêu dùng thực ra lại không nhiều như chúng ta vẫn hay nghĩ, phần lớn tiền họ dùng cho các hoạt động giúp gia tăng giá trị như đầu tư, kinh doanh… Trong khi rất nhiều người nghèo ở Châu Phi, sau khi có tiền, họ không đầu tư vào bản thân, cũng không tiêu cho giáo dục của con cái, mà là mua tivi hay các sản phẩm tiêu dùng khác. Khi người khảo sát hỏi vì sao không dùng tiền mở mở rộng sản xuất mà lại đi mua tivi, họ nhận được câu trả lời rằng: tivi quan trọng hơn ăn uống.

Ngoài ra, có một số tín dụng vi mô với lãi suất thấp, mục đích ban đầu là giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên, sau khi vay thành công, nhiều người nghèo đã không chọn khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất mà thay vào đó đi mua nhiều loại hàng xa xỉ, kết quả là không thể trả nợ, dẫn đến nợ nần, lãi nọ chồng lãi kia, rồi rơi vào hố đen tài chính …

Sâu sắc: nghèo sở dĩ luôn hoàn nghèo, đó là bởi 6 thói quen vô cùng xấu xí - Ảnh 1.

Thói quen xấu thứ 3: Người nghèo không tin vào giáo dục

Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts thông qua một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng giáo dục là khoản đầu tư dài hạn đáng tin cậy nhất, cứ mỗi năm đầu tư thêm vào giáo dục, mức lương trung bình sẽ tăng 8%.

Nhưng nhiều người nghèo ở các quốc gia đều không tin vào giáo dục, thay vào đó, họ ủng hộ lý thuyết “Học hành cũng vô dụng”, cho rằng người không đi học, không tiếp nhận giáo dục vẫn sẽ có thể kiếm được tiền, thậm chí còn sống sung sướng hơn người có bằng cấp cao siêu này nọ. Bất kể có bao nhiêu người thu được lợi ích lớn lao từ giáo dục, bất kể quốc gia nhờ vào giáo dục mà có sự thay đổi mạnh mẽ tới đâu, họ cũng “nhìn nhưng không thấy”. Nói trắng ra là họ không có niềm tin vào giáo dục, và đơn giản là vì đầu tư dài hạn vào giáo dục, không thể đáp ứng mong muốn ngắn hạn của những người nghèo này.

Thói quen xấu thứ 4: Người nghèo không tin vào thường thức, nhưng lại dễ dàng tin vào những điều thần bí nào đó

Nhóm nghiên cứu của MIT đã thuyết phục người nghèo tiêm vắc-xin miễn phí cho con cái họ trong thời gian họ đang tác nghiệp ở Châu Phi, nhưng họ đã bị từ chối một cách thô lỗ. Bởi lẽ người dân địa phương không tin vào những điều có căn cứ khoa học mà họ nói, họ phải đợi cho đến khi đứa trẻ bị bệnh nặng lắm rồi mới đưa trẻ đến bệnh viện. Kết quả là, hoặc là phải tiêu tốn rất nhiều tiền, hoặc là cứ đứng vậy nhìn con cái ra đi. Ngược lại, trong hầu hết mọi việc, người giàu có xu hướng tin vào khoa học và thường thái hơn.

Sâu sắc: nghèo sở dĩ luôn hoàn nghèo, đó là bởi 6 thói quen vô cùng xấu xí - Ảnh 2.

Thói quen xấu thứ 5: Người nghèo sĩ diện hơn người giàu

Sĩ diện chỉ là hư vinh, so với tiền, so với sự an toàn của bản thân, người giàu trước giờ không quá đặt nặng vấn đề sĩ diện, bạn đá người ta hai phát, bạn mắng người ta vài câu, người ta tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ liều mạng lại với bạn, bởi lẽ bạn đánh họ, họ tuy nguy hiểm, nhưng nếu họ đánh lại bạn, nhỡ bạn muốn kiện lại họ thì sao, kiểu tranh cãi đến cùng vì sĩ diện này, người giàu cho rằng càng tránh được thì càng tốt. Ngược lại, rất nhiều người vừa nghèo vừa nóng tính, càng nghèo, lòng tự trọng càng cao, càng không muốn người khác nói mình nghèo, dù chỉ là một cái liếc nhìn khinh thường, họ cũng có thể vì vậy mà xung đột với bạn, hoàn toàn không thèm suy nghĩ xem vì chút sĩ diện ấy mà phải mất bao nhiêu tiền và thời gian.

Thói quen xấu thứ 6: Người nghèo thiếu sự nhẫn nại, có thói quen tiêu tiền để giải tỏa áp lực và lo lắng trong lòng

Áp lực cuộc sống với người nghèo là rất lớn, vì muốn giải tỏa áp lực, họ có xu hướng tiêu tiền, chẳng hạn như tự thưởng cho mình một bữa ăn sang chảnh hay mua những món đồ hàng hiệu đắt tiền. Vỗn dĩ không có bao nhiêu tiền, nhưng lại thích dùng số tiền có hạn ấy đi tiêu vào những thứ không cần thiết, kết quả, càng không có tâm tư kiếm tiền, cũng chẳng kiếm thêm được bao nhiêu, không kiếm được thì lại càng áp lực, lại lo lắng, lại tiêu tiền để giải tỏa… cứ như vậy rơi vào vòng luẩn quẩn không thể tự thoát ra.

Thiên Vy

Theo Báo Dân Sinh

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi

Minh họa hệ thống thủy điện – cầu ngang qua các eo biển nhằm kết nối châu Âu – châu Phi.

Trong lúc châu Âu lâm vào cơn khủng hoảng sau Thế chiến thứ nhất, kiến trúc sư người Đức Herman Sörgel đã đề xuất xây dựng một hệ thống đập thủy điện nhằm hạ thấp mực nước biển Địa Trung Hải để sáp nhập châu Âu với châu Phi tạo thành một siêu lục địa mới có tên Atlanropa.

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi - Ảnh 1.

Hệ thống đập thủy điện nhằm hạ thấp mực nước Địa Trung Hải và sáp nhập châu Âu với châu Phi. Ảnh: Wikimedia Commons

Thập niên 1920 đã sản sinh ra những sáng tạo tuyệt vời như thuốc penicillin và đèn giao thông, nhưng đây cũng là lúc xuất hiện một số dự án kỹ thuật tham vọng đáng lo ngại. Lớn nhất và kỳ lạ nhất là Atlantropa – kế hoạch xây dựng một hệ thống đập thủy điện ngang qua eo biển Gibraltar, sản xuất đủ điện để cung cấp năng lượng cho một nửa châu Âu và rút cạn Địa Trung Hải để mở đường cho con người định cư tại một siêu lục địa Âu – Phi mới.

Mặc dù nghe có vẻ như một câu chuyện khoa học viễn tưởng kỳ quái, kế hoạch này đã thực sự tồn tại. Thậm chí một số chính phủ còn nghiêm túc xem xét nó cho đến tận những năm 1950.

Sau Thế chiến thứ nhất, các nhà khoa học, triết gia và kỹ sư tin rằng có thể giải quyết những gì họ cho là căn bệnh nan y với xã hội châu Âu bằng những đại dự án. Trong số họ có kỹ sư người Đức Herman Sörgel.

Vào năm 1927, ở tuổi 42, Sörgel đã lần đầu tiên xây dựng kế hoạch thành lập siêu lục địa Atlantropa, mà ban đầu ông gọi là Panropa. Được truyền cảm hứng từ những dự án cơ khí khổng lồ như kênh đào Suez, Sörgel thậm chí còn đặt ra tham vọng cao hơn.

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi - Ảnh 2.

Tác giả của dự án Atlantropa, Herman Sörgel (1885-1952). Ảnh: Bảo tàng quốc gia Đức

Kế hoạch của Sörgel cho Atlantropa là xây dựng một hệ thống những con đập ngang qua eo biển Gibraltar, rút nước ở Địa Trung Hải. Những đập thủy điện cũng được xây dựng qua eo biển Sicily, nối Italy với Tunisia, trong khi những con đập khác bắc qua eo Dardanelles ở Thổ Nhĩ Kỳ, nối Hy Lạp với châu Á.

Tất cả những con đập này sẽ tạo nên một loạt cây cầu nối châu Âu và châu Phi thành một mạng lưới đường bộ và đường sắt khổng lồ, “kết dính” hai lục địa với nhau.

Với trên 660.000km2 đất mới được khai hoang và những con đập tạo ra đủ năng lượng cho trên 250 triệu người mỗi ngày, châu Âu sẽ bước vào mọt kỷ nguyên vàng, với nguồn điện dồi dào, không gian rộng rãi và nguồn cung cấp thực phẩm vô tận từ vùng đất nông nghiệp mới. Trong tầm nhìn của Sörgel, siêu lục địa mới là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu khác.

Thời kỳ đó, vẫn quay cuồng với nỗi kinh hoàng của Thế chiến I, châu Âu vật lộn để tìm ra hy vọng cho tương lai. Mặc dù “lục địa già” đã phải chịu tổn thất lớn về sinh mạng trong chiến tranh và đại dịch cúm năm 1918, dân số vẫn tăng từ 488 triệu lên 534 triệu người trong giai đoạn 1920-1930.

Cùng lúc đó, nền chính trị châu Âu đã đạt đến điểm căng thẳng nhất trong nhiều thế kỷ. Các quốc gia như Ba Lan và Nam Tư đã giành được độc lập sau nhiều thập kỷ bị các đế quốc cai trị. Vì thế cư dân của các đế chế cũ lo sợ không còn chỗ cho họ cả về vị trí vật lý, xã hội hay văn hóa. Trong bối cảnh đó, khái niệm về “Lebensraum”, hay “không gian sống”, đã thu hút sự chú ý trong nền chính trị Đức. “Lebensraum” đặt ra niềm tin rằng điều quan trọng nhất để tồn tại và phát triển đối với một xã hội [phân biệt chủng tộc] là lãnh thổ để cung cấp không gian cho các thành viên. Vì thế cam kết của Atlantropa có vẻ giống như “viên đạn bạc”, sẽ giải quyết được những vấn đề của “lục địa già” chật chội.

Điều kỳ lạ nhất về kế hoạch của Herman Sörgel là sẽ hút cạn Địa Trung Hải, nhưng thực tế là ý tưởng đó đã được xem xét nghiêm túc. Ông Sörgel đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Lowering the Mediterranean, Irrigating the Sahara: The Panropa Project in 1929” (tạm dịch, Rút nước Địa Trung Hải, tưới tiêu cho Sahara: Dự án Panropa vào năm 1929). Cuốn sách lập tức khiến dư luận khắp châu Âu và Bắc Mỹ xôn xao.

Thời kỳ thập niên 1930, các dự án kỹ thuật khổng lồ đã phát triển mạnh mẽ, như ngăn lũ ở Thung lũng Tennessee, xây dựng đập Hoover hay đào kênh Baltic-Bạch Hải ở Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Atlantropa có vẻ hợp lý và thú vị.

Kế hoạch táo bạo của Sörgel thậm chí đã truyền cảm hứng cho một cuốn tiểu thuyết có tên là “Panropa” vào năm 1930. Trong đó một nhà khoa học siêu anh hùng người Đức tên là Tiến sĩ Maurus có kế hoạch rút nước khỏi Địa Trung Hải, mang đến sự thịnh vượng tuyệt vời bất chấp âm mưu phá hoại của những nhân vật phản diện người châu Á và Mỹ.

Sörgel còn thành lập cả Viện Atlantropa, với thành viên là những người ủng hộ tài chính, các kiến trúc sư, kỹ sư. Trong nhiều năm kế hoạch được hưởng ứng công khai trên các báo và tạp chí. Những câu chuyện về Atlantropa thường có hình minh họa màu sắc sinh động, do chính vợ Sörgel, một nhà môi giới nghệ thuật thành công, tài trợ tiền.

Mặc dù giấc mơ của Sörgel đã gây chấn động người châu Âu về một xã hội không tưởng vinh quang, nhưng Atlantropa cũng đi kèm một mặt tối hiếm khi được thảo luận trong cuộc đời Sörgel.

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi - Ảnh 3.

Tuy có tầm nhìn xa, Herman Sörgel lại giữ một quan điểm bảo thủ đáng sợ về quốc tịch và chủng tộc. Không giống như những người cùng thời Đức Quốc xã, ông tin rằng mối đe dọa chính đối với Đức không nằm ở người Do Thái, mà là ở châu Á.

Trong suy nghĩ của ông ta, thế giới nên được phân chia thành ba khối: châu Mỹ, châu Á và Atlantropa. Tại Atlantropa, người châu Âu da trắng sẽ trở thành chủng tộc thống trị, sử dụng người châu Phi da đen làm nguồn lao động và được tách biệt nghiêm ngặt.

Khi những con đập và cây cầu trong dự án của ông được xây dựng, toàn bộ các khu vực và nền văn hóa vốn bám rễ vào biển trong nhiều thế kỷ sẽ đột ngột bị chặn lại. Ngoài ra, việc chuyển hướng dòng chảy còn đồng nghĩa người dân ở các khu vực khác sẽ mất nhà cửa.

Một phần trong đề xuất của Sörgel liên quan đến việc chặn sông Congo ở Trung Phi, mà không xem xét tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân sống ở nơi đây. Thay vào đó, nước sẽ được chuyển hướng đến Sahara, tạo thành những hồ nước ngọt rộng lớn và biến sa mạc thiêu đốt thành đất nông nghiệp.

Sörgel đã đưa ý tưởng của mình cho Đức quốc xã, tin rằng họ sẽ ủng hộ ông. Nhưng ngay cả với những gì bạo lực mà ông ta dự định mang đến cho các dân tộc châu Phi, kế hoạch của Sörgel vẫn còn là “hòa bình” so với những gì Đức quốc xã đã nghĩ đến. ngoài ra, nỗ lực của Sörgel hướng sự chú ý tới châu Phi đã không phù hợp với mục tiêu khi đó của Hitler là nghiền nát Liên Xô.

Sörgel đã công khai ý tưởng của mình tại Hội chợ Thế giới New York năm 1930, nhưng khi không có sự hỗ trợ chính thức nào, ông ta không thể thực hiện điều gì với kế hoạch của mình.

Kế hoạch táo bạo rút cạn Địa Trung Hải, sáp nhập châu Âu – châu Phi - Ảnh 4.

Ý tưởng về đập Gibraltar nối giữa Tây Ban Nha và Maroc. Ảnh: Wikimedia Commons

Sau khi khói lửa của Thế chiến II đã lắng xuống, Sörgel lại nhen nhóm hy vọng về kế hoạch của mình, ông nhanh chóng bắt tay vào thúc đẩy các ý tưởng về siêu lục địa Âu – Phi một lần nữa.

Atlantropa thu hút sự quan tâm từ nhiều chính trị gia và nhà công nghiệp, nhưng ngay cả khi Đức Quốc xã đã sụp đổ, Sörgel vẫn không rút lại các yếu tố phân biệt chủng tộc trong tầm nhìn của mình. Và trên hết, thế giới đang chuyển động theo hướng thiết thực hơn. Cộng đồng Thép và Than châu Âu của Jean Monnet đã ra đời trong thời kỳ này, và sau đó trở thành tiền thân của Liên minh châu Âu ngày nay.

Hơn nữa, các lò phản ứng điện hạt nhân đã báo hiệu dấu chấm hết cho ý tưởng về Atlantropa. Cuối cùng châu Âu đã có thể tiếp cận với nguồn năng lượng dồi dào hơn và thực tế hơn nhiều so với hệ thống đập thủy điện mà Sörgel đề ra. Khi thủy điện bị bỏ lại sau lưng, giấc mơ không tưởng của Sörgel không bao giờ được xem xét nữa.

Tới cuối đời, Sörgel viết thêm 4 cuốn sách, đăng hàng ngàn bài báo và thực hiện vô số bài thuyết trình về giấc mơ của mình, nhưng ý tưởng Atlantropa về cơ bản đã chết theo ông. Đêm 4/12/1952, Sörgel đạp xe tới trường Đại học Munich để giảng dạy thì bị xe ô tô đâm chết. Tới năm 1960, Viện Atlantropa do ông thành lập vĩnh viễn đóng cửa.

Thu Hằng / Báo Tin Tức

Bầu cử Mỹ: Vì sao thành phần bảo thủ ủng hộ Tổng thống Trump?

Donald Trump

Theo kết quả do hãng Gallup khảo sát được công bố vào tháng 8/2018, có tới 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.

Bài viết trước “Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?” đã giải thích hiện tượng nói trên.

Đồng tiền còn có hai mặt, nói chi một xã hội tự do và đa nguyên nhất thế giới như nước Mỹ, hôm nay xin tiếp tục giải thích về thành phần bảo thủ tại Mỹ.

Giá trị Mỹ bị đảo ngược…

Vào những năm cuối thập niên 1950, nhà xã hội học Michael E. Harrington, người khai sinh tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ, nhận xét có hai nước Mỹ, một của người giàu và một của người nghèo.

Quyền lực kinh tế và chính trị đều nằm trong tay người giàu, vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.

Muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó ngay trên đất Mỹ.

Tư tưởng nói trên ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy (1961-63), một kế hoạch chống lại nghèo đói và bất công đã ra đời, và đã được Tổng thống Lyndon Johnson (1963-69) tiếp tục thực hiện.

Supporters hold up signs during a campaign rally for President Donald Trump at the BOK Center, June 20, 2020 in Tulsa, Oklahoma
Nhiều người ủng hộ ông Trump không đeo khẩu trang tại cuộc vận động tranh cử

Bảo thủ là thế nào?

Nước Mỹ theo thể chế Cộng Hòa, công dân Mỹ phải trung thành với Hiến Pháp, nhưng mỗi người hiểu Hiến pháp mỗi khác.

Tối Cao Pháp Viện là cơ quan có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.

Tối Cao Pháp Viện gồm chín thẩm phán do Tổng Thống bổ nhiệm trọn đời và Thượng viện phê chuẩn chấp nhận.

Các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ giải thích Hiến pháp và các đạo luật theo nghĩa gốc ban đầu tạo ra chính nó.

Còn các thẩm phán theo khuynh hướng cấp tiến giải thích ý nghĩa của Hiến pháp theo hoàn cảnh, theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ xung quanh việc ban hành đạo luật.

Tối cao Pháp viện có khi do phía cấp tiến nắm giữ và có lúc do phía bảo thủ quyết định.

Supporters of US President Donald Trump queue to attend a rally in Tulsa, Oklahoma (20 June 2020)
Người ủng hộ Tổng thống Trump xếp hàng tham dự một cuộc vận động ở Tulsa, Oklahoma (20/6/2020)

Quyền phá thai

Án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai là án lệ gây tranh cãi và chia rẽ trong suốt 40 năm qua.

Án lệ được thành phần cấp tiến nhiệt tình ủng hộ vì nó đáp ứng quyền riêng tư và nữ quyền, nhưng đã phạm vào niềm tin và tín ngưỡng của thành phần bảo thủ.

Án lệ được Tối cao Pháp viện phán quyết ngày 22/1/1973, theo Tu Chính án số 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai và quyền này được quy định trong suốt thời gian người phụ nữ mang thai.

Nhưng Tối cao Pháp viện đồng thời lại cho phép các tiểu bang ấn định khi nào bào thai có khả năng tồn tại độc lập, vì thế ở một số tiểu bang bảo thủ quyền phá thai gần như không được thi hành.

Quan điểm bảo thủ…

Những người có tín ngưỡng tin rằng bào thai là nguồn sống được Thượng đế ban cho con người và đất nước Hoa Kỳ, nên không ai được quyền tước đi mạng sống của người khác.

Những người bảo thủ còn tin rằng việc phá thai, sẽ dẫn đến việc xa rời đức tin tôn giáo, phá bỏ truyền thống gia đình và xã hội.

Trong khi những người cấp tiến tin vào kế hoạch hóa gia đình, thì người bảo thủ lập luận việc phá thai khiến nước Mỹ bị lão hóa phải nhận thêm di dân, càng đông di dân càng hủy hoại giá trị truyền thống của người Mỹ.

Vào năm 1995, bà Norma McCorvey người tạo ra án lệ Roe v. Wade trở thành một tín hữu Tin Lành, bà nhìn nhận khi còn trẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến án lệnh này.

Bà McCorvey rất hối hận nên đã trở thành một nhà hoạt động chống phá thai, bà đã từng điều trần trước Quốc Hội chống lại việc phá thai.

Phán quyết đổi chiều…

Vào đầu tháng 6/2019, Tối cao Pháp viện Mỹ bất ngờ ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.

Quyết định này được xem là bước đầu công nhận bào thai không phải là chất thải y tế, mà là con người khi mất phải được đối xử trang nghiêm.

Khi đã xem bào thai là con người, bước kế tiếp là bào thai có quyền được sống được hưởng mọi thứ quyền mà công dân Hoa Kỳ được hưởng.

Nhưng các thẩm phán Tối cao Pháp viện cẩn thận đưa ra một phán quyết khác là trong một số trường hợp phụ nữ ở tiểu bang Indiana tiếp tục có quyền phá thai.

Người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump

Tổng thống Trump chống lại việc phá thai, nhưng lại đồng ý trong trường hợp người phụ nữ bị hãm hiếp, hay loạn luân, hay để bảo vệ cuộc sống của người mẹ, người phụ nữ có quyền phá thai.

Mặc dù, quan điểm này không được giới chống phá thai đồng ý, nhưng họ đều biết chính nhờ ông Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán bảo thủ nên mới có được kết quả nói trên.

Ngay sau đó đã có tới mười tiểu bang ban hành các quy định phá thai và cấm phá thai nhằm thách thức Tối cao Pháp viện phải xét lại quyền phá thai.

Con số phá thai đã giảm rất nhiều, nhiều phòng khám phá thai đã phải đóng cửa, tiểu bang Missouri không có phòng khám phá thai nào…

Theo khảo sát được Democracy Institute/Sunday Express công bố ngày 14/7/2020, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.

Đặc biệt, 90% người theo Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) bày tỏ ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden.

56% người theo Tin Lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden.

Còn người theo Công giáo Rome 52% ủng hộ ông Trump, 44% ủng hộ ông Biden.

Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).

Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản …

Ngày 9/7/2020, ông Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân Chủ, tại Dunmore, tiểu bang Pennsylvania đã công khai kế hoạch tranh cử Tổng thống trong đó có việc “chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông” (era of shareholder capitalism).

Ông cho biết sẽ thay thế bằng một hệ thống quản trị xí nghiệp dựa trên quyền lực của các nghiệp đoàn lao động và dựa trên các cộng đồng người da đen, da màu và người Mỹ bản địa.

Ông định mức lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ và dự định tăng thuế thu nhập công ty từ mức thuế 21% hiện nay lên 28% trở lại mức thuế thời Tổng thống Obama.

Close aides of the president considered resigning in disgust or frustration, Mr Bolton alleges

Việc Tổng thống Trump vào năm 2017 giảm thuế công ty xuống còn 21%, đã vực dậy nền kinh tế Mỹ, giảm thất nghiệp đến mức thấp nhất trong vòng mấy chục năm, nhất là giảm thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc da đen.

Những chính sách của ông Biden tương tự với ý tưởng của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người cực tả, có lập trường đối nghịch với thành phần bảo thủ kinh tế những người tin vào kinh tế tự do, chính phủ không can thiệp vào hoạt động xí nghiệp, giảm thiểu thuế công ty.

Bảo thủ chống chủ nghĩa xã hội

Hai thí dụ trong bài nói lên sự khác biệt về xã hội và kinh tế giữa thành phần bảo thủ và thành phần cấp tiến theo xã hội chủ nghĩa tại Mỹ.

Ngay từ thời Tổng thống John Kennedy (1961-63), những cuộc tranh cử Tổng thống và tranh cử giữa kỳ tại Mỹ, đều là những cuộc giao đấu chính trị giữa hai khuynh hướng bảo thủ và xã hội chủ nghĩa.

Những đề tài chính trị khác, như bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, bảo vệ môi trường, toàn cầu hóa, thương mãi Mỹ-Trung, mở cửa phục hồi kinh tế sau đại dịch…sẽ là những đề tài tranh cãi giữa các ứng cử viên trong cuộc tranh cử 2020 sắp tới.

Cuối cùng khối cử tri trung dung, thầm lặng quan sát, cân nhắc và quyết định kết quả cuộc bầu cử.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia.

Nguyễn Quang Duy /  BBC