Ngôi nhà nằm giữa mảnh đất khá chật đẹp ở thủ đô nhưng sở hữu tới 2 mảnh vườn đem lại sự thư giãn cho chủ nhà.
Relaxing Paradise (tên ngôi nhà) được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 380 m2 nằm tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Căn biệt thự được lấy cảm hứng từ nhu cầu nghỉ dưỡng sau quãng thời gian làm việc căng thẳng của gia chủ. Cảnh quan sân vườn, tiểu cảnh, hồ cá được đặc biệt chú trọng. Mảnh đất với hình dáng dài, sâu vào trong được xử lý bằng cách tạo ra 2 mảnh sân vườn, tiểu cảnh để chuyển đổi không gian gạt đi sự nhàm chán.
Ngôi nhà có mật độ xây dựng rất hợp lý nhằm tạo ra bố cục hài hoà giữa không gian trong nhà và 2 mảnh sân vườn trước – sau.
Khu vực vườn sau nhà mang đến sân chơi cho các em nhỏ trong gia đình. Mùa hè có thể sử dụng bể bơi phao giúp tối ưu hoá công năng sử dụng, lại không lãng phí như xây dựng hồ bơi.
Phong cách chủ đạo bên trong căn nhà là sự tao nhã và thư thái toát ra trong từng đường nét, các món đồ trang trí.
Nội thất bên trong được các KTS của Xcons thiết kế với gam màu sáng, sang trọng nhưng đơn giản.
Với lối kiến trúc hiện đại, căn nhà là sự kết hợp hài hoà của ánh sáng, đồ nội thất tinh tế, không quá phô trương.
Phòng ngủ của các bé được thiết kế trở thành một không gian thoải mái cho các con vừa nghỉ ngơi, vừa có thể thoả sức sáng tạo, vui chơi.
Sự tinh tế được thể hiện rõ nhất trong văn phòng làm việc của chủ nhà. Kệ sách được thiết kế dọc theo chiều dài của tường cùng hệ cửa kính giúp người trong phòng có thể nhìn ngắm khu vườn, thư giãn khi xả hơi.
Phòng ngủ lớn được bố trí sàn ghỗ hiện đại cùng thiết kế tường kính ngăn cách với phòng tắm tạo cảm giác rộng rãi, độc đáo.
Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.
Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảođược viết bởi tác giả, bác sỹ tâm lý Mộ Nhan Ca. Cuốn sách là góc nhìn khác về cuộc đời và lòng người. Bởi cuộc đời của mỗi người mỗi khác, ai ai cũng phải tự mình trải qua, tự rút ra bài học nhân sinh cho bản thân.
Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích một phần cuốn sách gửi tới độc giả.
Đừng ban phát lòng tốt một cách vô nghĩa
Tôi lại kể câu chuyện của một người bạn. Cô làm việc trong ngành chứng khoán, trông có vẻ rất dịu dàng, nhưng đằng sau nét dịu dàng lại ẩn giấu sự cứng rắn.
Chẳng hạn, theo tôi biết, trước đây khi cho em gái ở Melbourne vay tiền mua xe, trước tiên cô cũng giúp em gái lên sẵn kế hoạch hoàn trả, nói với em gái lúc nào nên đổi công việc mới, sau đó lúc nào bắt đầu để dành tiền, rồi lúc nào bắt đầu trả nợ.
Cô cho rằng như vậy vừa giúp được em gái, vừa thúc đẩy em gái trưởng thành. Ban đầu, có lẽ một vài đồng nghiệp, bạn học hoặc bạn bè thân thuộc cảm thấy con người cô quá đỗi dửng dưng và lý trí, không thoải mái cho lắm, có người thậm chí cho rằng cô cư xử có phần quá “lạnh lùng”.
Tuy nhiên, theo tôi quan sát được, cô làm vậy là rất đúng. Bao nhiêu năm qua, tuy cô cũng từ chối yêu cầu của vài người, nhưng các mối quan hệ vẫn rất tốt.
Tốt bụng nhưng cần hiểu biết và tỉnh táo. Ảnh: BBC.
Người bên cạnh cảm thấy cô là một người đáng tin cậy, bởi vậy khi thật sự gặp phải chuyện khó khăn đều muốn nhờ cô giúp đỡ.
Kết quả như thế hoàn toàn khác với gia đình mà tôi quen nói trên, luôn tốt bụng giúp người nhưng tốn sức mà không thu được kết quả tốt. Bạn có thể tốt bụng, song đừng ban phát lòng tốt một cách vô nghĩa.
Nếu được năm tháng trui rèn thêm vài phần sắc sảo, bạn sẽ đối nhân xử thế thành thục hơn, sống ung dung hơn. Thấu hiểu việc đó, nên tôi mong có thật nhiều người tốt bụng biết tỉnh táo hơn về vấn đề lòng tốt.
Nếu không, khi thật sự gặp chuyện, chúng ta đành chịu ấm ức và tổn thương. Vì trên đời này có quá nhiều “lòng tốt IQ thấp” khiến tôi muốn phê bình.
Ví như “lòng tốt” thiếu thường thức – Bà cụ hàng xóm hảo tâm giới thiệu đủ “phương thuốc dân gian” chưa được nghiệm chứng cho người bệnh, người nhân từ thả con rùa cạn vào ao nước trong công viên để phóng sinh…
Ví như “lòng tốt” cưỡng ép đối phương theo kiểu ràng buộc đạo đức – Mã Vân giàu nứt đố đổ vách, thì ông ta nên quyên vài trăm triệu cho xx! Chẳng qua chỉ va quệt một tí vào chiếc xe xịn của ông ta thôi mà, ông ta lắm tiền như thế thì không nên bắt chủ xe đạp đền tiền.
Ví như “lòng tốt” không thông cảm cho bên bị hại mà chỉ thông cảm cho kẻ yếu – Bạn có một người bạn cùng phòng vốn được nuông chiều, xưa nay chưa từng làm việc nhà, vứt rác bừa bãi, bạn không nhịn được nổi cáu, liền có người khuyên bạn phải khoan dung một chút.
Ví như “tốt bụng” kiểu xuê xoa, viện cớ “chỉ muốn tốt cho bạn” – Chồng rượu chè cờ bạc, lại còn gia trưởng, một hôm anh ta “ăn phở”, vậy mà có người khuyên vợ “Tốt xấu gì cũng là vợ chồng, vẫn nên tha thứ cho anh ấy một lần”.
Tốt bụng giúp đỡ một cách vô tội vạ mà lại chuốc lấy hiệu quả ngược. Ảnh: Stylish.
Ví như “tốt bụng” giúp đỡ một cách vô tội vạ mà lại chuốc lấy hiệu quả ngược – “Thăng gạo ơn, đấu gạo thù” (Thành ngữ Trung Quốc, có nghĩa là nếu bạn dành cho người khác sự giúp đỡ rất nhỏ vào lúc nguy nan, người đó sẽ cảm kích bạn. Nhưng nếu sự giúp đỡ quá lớn, khiến người đó trở nên ỷ lại, một khi ngừng giúp đỡ, ngược lại sẽ khiến người đó oán hận.)
Nếu bạn không muốn nói thẳng ngay từ đầu, kết quả liên tục cho họ hàng vay tiền giúp họ vượt qua khó khăn, song khi đòi nợ lại bị họ thù ghét. Vân vân…
Thế nào là lòng tốt?
Tôi không thể đưa ra một định nghĩa nào cho lòng tốt, nhưng tôi muốn nói, tốt bụng hay không, bạn phải tự học cách lựa chọn, phải biết rằng:
“Chúng ta không sống để thỏa hiệp, bạn nhượng bộ càng nhiều, không gian hít thở càng hẹp; cuộc sống cũng không phải để xuê xoa, bạn càng nhún mình, hạnh phúc sẽ càng xa.
Bạn không cần đặt mình ở vị trí quá thấp. Thứ thuộc về bạn, phải tích cực giành lấy; thứ không thuộc về bạn, hãy quyết đoán từ bỏ.
Chuyện không muốn làm, không cần phải ép bản thân; chuyện đã nhịn từ lâu, không cần phải tiếp tục nhịn hết lần này đến lần khác. Đừng để người khác chà đạp giới hạn của bạn nữa.
Một mực nhường nhịn hoặc lấy lòng, đó không phải là tốt bụng mà chỉ là thái độ nhu nhược bạn không muốn thừa nhận.
Cũng chớ u mê làm những “việc thiện” mà người khác không thích, không cảm kích, bản thân bạn làm không tốt, cũng không thích làm. Chỉ có thẳng lưng lên, thế giới mới cho bạn những thứ thuộc về bạn.
Nếu cuộc sống của bạn chỉ là nhìn mặt lựa ý thiên hạ, sau đó thỏa mãn với sự tạm bợ được chăng hay chớ trước mắt.
Nếu người xung quanh luôn phớt lờ sự tồn tại của bạn, nếu bạn chỉ được công nhận nhờ hy sinh bản thân để giúp người khác toại nguyện, thì hãy ghi nhớ một câu mà tôi muốn nói với bạn: “Bạn nên tốt bụng, nhưng cứng rắn”.
Trong những thói hư tật xấu cơ bản, là nguồn gốc cho nhiều loại tội ác phái sinh của con người, duy chỉ có tâm đố kỵ, tật đố là không mang lại cảm giác thỏa mãn, vui thú hay dễ chịu nào. Vậy nhưng biểu hiện của tâm đố kỵ lại rất phong phú trong cuộc sống, kéo chúng ta xuống vũng lầy chật hẹp và hủy hoại chúng ta một ngày nào đó.Không nhất thiết phải như Bàng Quyên, đố kỵ đến mức luôn bày mưu tính kế hại Tôn Tẫn, cuối cùng lại chính vì nhân tâm này mà lọt bẫy và chết thảm dưới hàng trăm mũi tên của quân Tôn Tẫn. Cũng không đến mức chỉ vì một quả táo mà dẫn tới cuộc chiến nổi tiếng muôn đời như cuộc chiến thành Troy. Nhưng biểu hiện của tâm đố kỵ lại tinh vi đến mức không ngờ mà chúng ta có thể giật mình khi nhận ra mình cũng có. Và sự thật là nó có thể hủy hoại chúng ta.
Đố kỵ nguy hiểm bởi nó có mặt ở mọi nơi và dưới nhiều hình thức ta không thể ngờ tới
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi hai tòa tháp đôi WTC biểu tượng thịnh vượng của New York, thành phố kiêu hãnh tự hào với giấc mơ Mỹ và tinh thần dân chủ, tự do bị sụp đổ, tôi cũng giống với khá nhiều người Việt Nam lúc đó, cảm thấy có chút đắc chí khi cuối cùng “đế quốc” cũng có ngày này. Tất nhiên vẫn đã có những cảm xúc nhân văn hơn đối với cái chết của gần 3.000 người, nhưng điều đầu tiên xuất hiện khi biết tin lại là một cảm giác phi nhân tính. Nó đã khiến tôi giật mình kinh sợ chính bản thân mình, không chỉ bởi sự thiếu hiểu biết, mà còn bởi sự nhẫn tâm đáng sợ.
Những năm sau này, trong dòng chảy cuộc sống hối hả, tôi cũng đã không ít lần thấy lại cái tâm đố kỵ đến mức vô lý ở mình. Khi cô bạn đồng nghiệp liên tiếp thăng tiến và nhận được những lời mời làm việc tốt hơn, tôi tự an ủi mình rằng chẳng qua vì cô ấy luôn tận dụng mọi cơ hội thể hiện bản thân và bon chen. Còn tôi, vốn không tranh đấu và thể hiện mình nên đương nhiên là sẽ không có nhiều cơ hội đến với mình, mặc dù lãnh đạo cũ cũng công nhận rằng tôi thông minh và có tầm nhìn hơn trong công việc.
Khi một người quen của gia đình luôn được mẹ tôi ca ngợi về sự khéo léo, đảm đang, tôi lại thể hiện cái sự ghen ghét nhỏ nhen khi bồi thêm rằng, cô ấy phải chăm sóc, chu toàn mọi việc gia đình là để giữ chân ông chồng có tính trăng hoa của mình. Chứ như tôi, vì có người chồng rất tốt và chân thành nên chả cần làm gì nhiều mà gia đình vẫn hạnh phúc. Rằng, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, lúc yêu thì phải tìm hiểu cho kỹ, phải có lý trí… Tôi như một bà cô nanh độc, để bảo vệ bản thân trước khả năng bị tổn thương khi được so sánh với người khác, đã tự mình trở nên nhỏ mọn đến như vậy.
Thậm chí khi thấy một diễn viên nổi tiếng đào hoa gặp scandal và gặp khó khăn trong sự nghiệp, tôi cũng hùa vào với dư luận phán xét rằng đó là quả báo nhãn tiền vì đời sống không đứng đắn của anh ta.
Tâm đố kỵ không chỉ biểu hiện khi chúng ta khao khát những ưu thế so với đối phương, sợ cảm giác thấp kém và thất vọng khi bị so sánh, thiếu hụt những ưu thế, mà nó còn thể hiện ở việc chúng ta xem thường những người thua kém chúng ta hoặc không được như mong đợi của chúng ta.
Khi thấy bạn đồng nghiệp mới vào làm mãi không được một cái báo cáo đơn giản, thay vì giúp họ, chúng ta lại tỏ ra mất kiên nhẫn và đay nghiến “sao có mỗi việc đơn giản thế mà không làm được”. Khi nghe những bình luận vô đạo đức từ người khác, chúng ta cảm thấy chán ghét và thành kiến với họ.
Ngày nay, khi truyền thông phát triển chóng mặt, báo chí và các kênh truyền thông thường đăng tải những tiết mục thảm họa của các cuộc thi truyền hình. Một anh chàng ẻo lả mặc váy tứ thân hát không ra hát, một cô nàng tự tin đến mức mắng cả ban giám khảo với tác phong không được bình thường cho lắm… những điều như thế là đủ mang lại tiếng cười cho người xem và những thước phim đó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người ta cười vào những người có vẻ bất ổn về tâm lý hay trong cách hành xử, thay vì thương cảm hay tôn trọng họ.
Đó thật ra chính là một mặt khác nữa của tâm đố kỵ, tật đố. Người hòa ái, luôn nhìn mọi người bằng con mắt cảm thông và bao dung thì sẽ không như vậy. Dù người khác có làm gì sai, có kém cỏi thế nào, người không so đo, đố kỵ sẽ luôn giữ tâm bất động mà dung chứa được tất cả mọi sự thiếu xót.
Trong tiếng Đức có một từ không thể dịch sang các thứ tiếng khác, đó là Schadenfreude, nghĩa là cảm giác vui sướng trước sự bất hạnh của người khác. Đây là từ ghép từ hai danh từ, Schaden là tai hại và Freude có nghĩa là vui sướng. Có thể nói người Đức là những triết gia thích quan sát cuộc sống, họ đã nhận ra trạng thái tâm lý khá phổ biến này ở con người và tạo ra riêng một từ cho nó. Bởi nó quá phổ biến, và ai trong chúng ta cũng có thể đã từng một lần trải nghiệm.
Lăng kính méo mó dẫn tới định hướng lệch lạc
Nhà văn Balzac từng nói:
Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.
Khi đố kỵ, chúng ta ngay lập tức trở thành nạn nhân của mình, chúng ta tỏ ra châm biếm, khinh miệt, vô ơn… với ảo tưởng rằng những điều đó sẽ đẩy bản thân chúng ta lên, giảm thiếu mối đe dọa tồn tại bởi ưu thế của người khác đi. Cảm xúc tiêu cực ngay lập tức ảnh hưởng đến chúng ta trước tiên chứ không phải ai khác. Chúng kìm hãm chúng ta, làm ta phân tâm và che mờ mất con đường sáng, rộng hơn để đưa chúng ta tới những tiềm năng tối đa của bản thân.
Rồi từ những cảm xúc tiêu cực, chúng thúc đẩy ta bắt đầu hành động, có thể chỉ là những lời nói cay nghiệt, nhưng nó cũng có thể khiến mọi người xa lánh, làm suy yếu các mối quan hệ, làm thân và tâm ta tổn thương dẫn tới bệnh tật, mệt mỏi. Tiêu cực hơn, nó còn có thể dẫn tới hành động hãm hại, phá hoại hoặc sự dửng dưng, lạnh lùng trước nỗi bất hạnh của người khác.
Hồi còn đi học, lớp chúng tôi là lớp chuyên văn nên chỉ có ba bạn nam, trong đó có một bạn vừa học giỏi lại tốt tính, đẹp trai, ga-lăng nên được các bạn nữ trong lớp rất quý mến và quan tâm chăm sóc. Điều này vô tình đã làm hai bạn nam còn lại cảm thấy thua kém và bị cho ra rìa. Dần dà hai bạn đó chơi thân với nhau hơn là với bạn nam kia và hay đi cùng nhau. Một lần bạn nam ga-lăng bị mấy tên côn đồ chặn đường trấn lột, hai bạn nam còn lại nhìn thấy mà không có phản ứng gì hay gọi bảo vệ tới giúp, chỉ lẳng lặng bỏ đi và sau đó cũng chẳng hỏi han gì. Tất cả là vì họ vốn đã không ưa bạn nam kia mà nguyên nhân chỉ vì bạn ấy được chúng tôi quan tâm hơn. Sự dửng dưng trước nỗi bất công của người khác cũng là một kết quả buồn và không đáng có do tâm đố kỵ dẫn lối.
Trong “Bảy mối tội đầu” theo quan niệm của Ki-tô giáo, tương đương với tên bảy ác quỷ địa ngục, đố kỵ là Leviathan, tương ứng với từ envy (gốc latinh là invidia) trong tiếng Anh. Từ này có nghĩa là mất thị giác, nó gợi lên hình ảnh con người khi tật đố là đã tự mình che mờ mắt mình, nhìn mọi thứ sau lăng kính méo mó để rồi đâm quàng, đạp bậy trong vô minh. Như có một nhà báo phương tây đã ví von khi ta đố kỵ, ta như thuyền trưởng của một con tàu không định vị bằng la bàn hay những vì sao mà bằng chiếc kính viễn vọng bị méo mó. Con tàu rẽ ngang rẽ dọc để rồi đâm vào rạn san hô hay cơn bão lớn. Bằng cách kìm chế năng lực của chúng ta, sự đố kỵ làm ta ngày càng lấn sâu vào nó và luẩn quẩn không lối thoát.
Nguồn gốc của sự đố kỵ và cách làm chủ nó
Từ những năm 1950, nhà tâm lý học Leon Festinger đã xây dựng nên thuyết so sánh xã hội, theo đó, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân thông qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác phạm sai lầm. Khi nhìn lên chúng ta thấy áp lực và mệt mỏi bởi những chuẩn mực cao hơn của người khác. Nhưng khi nhìn xuống thấy người khác không bằng mình thì chúng ta như được an ủi và thấy cuộc đời mình cũng không đến nỗi. Và cảm giác đó giống như giây phút đê mê của thuốc phiện, nó khiến ta nghiện và tìm cách thỏa mãn bằng việc tìm lỗi của người khác. Richard Smith, tác giả cuốn “Niềm vui từ nỗi đau” dùng thuật ngữ chuyên môn là “so sánh xuống” để giải thích cho hiện tượng tâm lý này và theo tác giả, nó đem lại một niềm vui khoái trá.
Tâm đố kỵ cũng là sản phẩm của những người tự ti vì sự kém ưu thế của họ. Nhà văn Pháp François de la Rochefoucauld đã từng viết:
Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác.
Thậm chí trần trụi hơn, sự đố kỵ được miêu tả bằng một câu nói được cho là của nhà văn Somerset Maugham rằng:
Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.
Thường thì cảm xúc hả hê một cách độc địa được ngụy biện bởi việc ủng hộ lẽ phải và công lý. Nhưng trên thực tế, nó không liên quan gì hết. Hãy hình dung bố hay mẹ của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể vẫn đủ lý trí để thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.
Thời đại ngày nay, người ta tôn thờ sự bình đẳng, những học thuyết đầy sơ hở và sai lầm như lý thuyết cào bằng, thuyết tiến hóa thúc đẩy sự tranh đấu, khiến con người cảm thấy không có lý gì mình lại phải thua thiệt hơn người khác. Cùng với sự bùng nổ về truyền thông, người ta lại càng có cơ hội để so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Bên cạnh đó, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng đề cao đạo đức dần bị quên lãng và lệch lạc, như loại bỏ đi một lực lượng đối kháng có thể làm dịu bớt ngọn lửa đố kỵ của con người.
Thay vì tin rằng cái gì là của mình thì sẽ là của mình, những gì không là của mình thì có cố gắng cũng không có được, người ta lại tin rằng mình có thể có được mọi thứ của người khác nữa. Người xưa tin vào số phận, vào nghiệp đức, nên ai có ưu thế hơn người khác là vì kiếp trước họ đã ăn ở tốt. “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lí vô thì mạc cường cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Người ta từ đó sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ghen ghét mà khuyên răn nhau làm việc tốt để được phúc báo.
Các tín ngưỡng cổ xưa đều hướng con người ta đến cái Thiện, mà một biểu hiện của Thiện chính là biết đặt mình vào vị trí người khác, nghĩ cho người khác. Thế nên, trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy đã viết:
Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.
Người chỉ quan tâm đến thành quả của người khác thường sẽ bỏ qua câu chuyện đằng sau những thành tựu đó. Người đố kỵ với người khác không phát huy được điểm mạnh của mình mà chỉ sa lầy vào việc thỏa mãn trước điểm yếu của người khác. Họ cũng không học hỏi được gì từ sự thành công của người khác mà chỉ có mang lại sự trì trệ và thất vọng trong tâm. Nếu dành cả đời để đố kỵ, chúng ta sẽ không có thời gian và cơ hội nhận ra tiềm năng của mình, hoàn thiện bản thân một cách từ tốn, chắc chắn.
Trước thành công của người khác, chúng ta cũng phải tu dưỡng bản thân. Đầu tiên là từ thái độ nhìn nhận, thành tâm chúc phúc và cảm nhận được hạnh phúc của họ, điều đó chỉ mang lại cảm giác tích cực cho chúng ta mà thôi. Sau đó là đánh giá một cách toàn cảnh thành công của họ mà không để cảm xúc ghen tị che mắt, lúc đó chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi. Đối với những thất bại của người khác cũng vậy, chúng tà hoàn toàn có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân với sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Khi chúng ta không thể xót thương cho người khác dù là kẻ thù thì chúng ta đang mất đi nhân tính. Chúng ta sẽ mất niềm tin vào người khác bởi chính chúng ta cũng không thể bao dung. Khi đã mất niềm tin, nó lại là một vòng luẩn quẩn để tâm tật đố lộng hành và ăn mòn nhiệt huyết cũng như trí tuệ của chúng ta.
Phần lớn số tiền quảng cáo Facebook kiếm được không đến từ các công ty như Unilever hay Coca Cola.
Facebook đang ngày càng bị nhiều thương hiệu lớn tuyên bố dừng quảng cáo để phản đối chính sách kiểm soát nội dung gét bỏ, thù địch của mạng xã hội này. Riêng trong ngày thứ 2 đã có thêm Adidas, HP và Ford tham gia vào danh sách dài gồm cả Unilever, The North Face, Coca Cola, Honda… Đến nay đã có tổng cộng hơn 100 thương hiệu tham gia vào chiến dịch “tẩy chay” Facebook.
Sự việc kể trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ phiếu Facebook, buộc lãnh đạo mạng xã hội này phải đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết phần nào vấn đề. Tuy nhiên, dường như động thái kể trên của các doanh nghiệp lớn là chưa đủ để có thể gây ảnh hưởng cho mảng kinh doanh quảng cáo đúc ra tiền của Facebook.
Năm ngoái, Facebook thu về 69,7 tỷ USD từ quảng cáo, chiếm 98% tổng doanh thu. Phần lớn số tiền này không đến từ các công ty như Unilever hay Coca Cola, mà là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dựa vào Facebook để thu hút khách hàng và gây dựng thương hiệu.
Đầu năm nay, Facebook cho biết họ có 8 triệu khách hàng quảng cáo. Theo hãng nghiên cứu Pathmatics, top 100 chi mạnh tay nhất chỉ đóng góp 4,2 tỷ USD năm ngoái, chiếm 6% doanh thu Facebook. Lần cuối cùng Facebook công khai số liệu này là tháng 4/2019, COO Sheryl Sandberg khi đó cho biết top 100 công ty đóng góp “chưa đầy 20%” tổng doanh thu quảng cáo.
“Facebook có lượng đối tác quảng cáo khổng lồ. Mạng xã hội này chắc chắn phụ thuộc vào rất nhiều công ty nhỏ”, Nicole Perrin – nhà phân tích tại eMarketer nhận xét.
Kể cả khi Facebook phải đối mặt với làn sóng tẩy chay quảng cáo lớn nhất lịch sử, số lượng khách hàng khổng lồ trên nền tảng này có thể giúp họ tránh thiệt hại tài chính lớn. Bên cạnh đó, câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu các thương hiệu có thể rời bỏ nền tảng quảng cáo này hay không.
Facebook đã đổ rất nhiều tiền cho trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo. Sự đột phá lớn nhất của họ không phải là kết nối bạn bè và gia đình, mà là định vị nền tảng này là công cụ thiết yếu cho các doanh nghiệp trong việc kết nối với người tiêu dùng chỉ bằng một cú click. Họ có thể đưa ra nhiều lựa chọn quảng cáo cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Doanh thu quảng cáo của Facebook cũng tăng dần theo lượng người dùng. Năm 2009, họ thu về 761 triệu USD, theo eMarketer. Khi đó, Facebook có 350 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.
Hiện tại, con số này là 2,6 tỷ người, chưa kể 1 tỷ người dùng trên Instagram – nền tảng họ đã mua năm 2012. Nền tảng quảng cáo của Facebook cho phép các doanh nghiệp chọn lọc được đối tượng họ muốn hướng tới theo độ tuổi, giới tính, địa điểm và các đặc tính khác, đồng thời theo dõi hiệu quả của quảng cáo theo thời gian thực.
Đây là một cuộc cách mạng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ không có ngân sách lớn để quảng cáo trên TV. Nó cũng đưa Facebook lên vị trí độc quyền quảng cáo số cùng đối thủ Google. Hai công ty này hiện hút về hơn nửa doanh thu quảng cáo trực tuyến và gần 30% tổng chi cho quảng cáo trên truyền thông tại Mỹ.
Dù vậy, mối quan hệ giữa Facebook và đối tác vài năm gần đây khá căng thẳng. Một trong những cuộc tranh cãi lớn nhất là năm 2016, khi Facebook thừa nhận tính toán nhầm một vài chỉ số quảng cáo, như số lượt xem video hay lượt tiếp cận trang. Một giám đốc quảng cáo khi đó cho biết trên CNN: “Mọi người tin Facebook vì họ là bên duy nhất nắm toàn bộ dữ liệu”.
Năm 2018, Facebook bị chỉ trích vì cách quản lý thông tin riêng tư sau scandal Cambride Analytica. Gần đây nhất là tháng 1, khi một số doanh nghiệp lớn kêu gọi Facebook và các hãng công nghệ làm nhiều hơn nữa để ngăn quảng cáo của họ xuất hiện cạnh nội dung xấu.
Tuy vậy, việc lên tiếng chỉ trích dễ hơn nhiều so với rời bỏ nền tảng này hoàn toàn. Các thương hiệu lớn có ngân sách khổng lồ có thể cân nhắc lựa chọn nền tảng quảng cáo khác, như Google, Amazon hay thậm chí TikTok, Snapchat. Tuy nhiên, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ với ngân sách hạn chế thì rất khó.
“Tôi cho rằng khả năng các công ty nhỏ tham gia tẩy chay là không thể, vì họ là những người phụ thuộc nhất vào Facebook để tiếp cận được khách hàng”, Perrin nói.
Kể cả các thương hiệu đã tẩy chay cũng có thể không rời bỏ nền tảng này lâu. Rất nhiều công ty cho biết chỉ dừng quảng cáo trong tháng 7, đúng theo lời kêu gọi của các nhà tổ chức. Bên cạnh đó, không phải toàn bộ dừng quảng cáo trên cả hai nền tảng Facebook và Instagram. Phần lớn có tài khoản với hàng triệu người theo dõi và có thể tiếp tục chia sẻ các bài viết thông thường. Một số công ty còn nói việc tẩy chay của họ chỉ áp dụng tại Mỹ.
Cuối cùng, nhiều công ty có thể buộc phải giảm quảng cáo vì đại dịch. “Bạn nên nhớ rằng việc này diễn ra giữa mùa dịch. Các công ty phải giảm quảng cáo trên mọi kênh, kể cả Facebook. Rất khó tách rời tác động của chiến dịch tẩy chay với đại dịch”, Perrin nói.
Theo chuyên gia, Trung Quốc nắm giữ lợi thế về thị trường và mặc cả với thế giới nếu muốn bán được hàng.
Trong lần trả lời một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới hôm 22/6/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết kinh tế Mỹ gắn chặt với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ.
“Chúng ta phải nghĩ về việc này theo hướng là các thách thức với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đang gắn bó sâu sắc với kinh tế Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
Chia sẻ với sự thừa nhận cay đắng này của Ngoại trưởng Mỹ, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là một thực trạng rất phức tạp vì nó bị chi phối bởi các quy luật kinh tế, nhất là các lợi ích và chuyển biến về hệ tư tưởng trong đó. Hệ tư tưởng quan hệ đến chuyện chiếm lĩnh các đỉnh cao của sự chỉ huy, hay chiếm lĩnh các lợi thế về mặt chính trị để chi phối thế giới.
PGS.TS Lê Cao Đoàn nhắc lại cuốn sách “Death by China” (tạm dịch là: Chết dưới tay Trung Quốc) của GS kinh tế học Peter Navarro – nay là cố vấn kinh tế Nhà Trắng, trong đó ông Navarro cảnh báo rằng thế giới đã sang một trang mới, ở đó có những nhân vật kinh tế và xã hội mang tính chất khác trước rất nhiều, đem lại một trật tự mới.
Trước đây, Trung Quốc chỉ mạnh vì dân số đông và đã từng làm điên đảo thế giới vì dân số đó, họ cũng “chết” bởi sự đông dân đó. Thế nhưng, khi sự chuyển dịch kinh tế thay đổi thì dân số đông, từ chỗ là một vấn nạn của Trung Quốc, trở thành một lợi thế rất lớn. Dân số vừa là nguồn lực vừa là những miệng ăn, miệng ăn tạo ra cầu.
“Muốn phát triển kinh tế, không chỉ phải sản xuất được hàng mà quan trọng hơn phải bán được hàng. Thị trường Trung Quốc đem lại một sức tiêu dùng cực lớn và các nước công nghiệp khát khao thị trường đó, càng là nước phát triển thì càng cần thị trường.
Lúc này, Trung Quốc nắm giữ lợi thế đó, nắm được cái “thóp” của thế giới, họ mặc cả với thế giới và đưa ra luật lệ của riêng mình, buộc thế giới phải theo nếu muốn bán được hàng. Cho nên, Navarro cho rằng chết dưới tay Trung Quốc là vì thế”, PGS.TS Lê Cao Đoàn giải thích.
Một điểm khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là Trung Quốc là nước lớn, đông dân, nếu chi thu nhập cho từng người thì rất nhỏ nhưng khi tập trung lại thì đó là nguồn thu nhập rất lớn. Nếu Mỹ là một nước dân chủ, trong nền cộng hòa của quốc gia này tổng thống có quyền hạn nào đó, đồng thời phải đương đầu với nhiều vấn đề thì Trung Quốc là nhà nước tập quyền, có thể ví như một con sói rất mạnh của thế giới vì có sức mạnh tập trung, điều đã được thể hiện ở Liên Xô thời kỳ phát triển.
“Trong khi châu Âu đối mặt với tình trạng Brexit và mô hình của châu Âu không còn là mô hình mơ ước nữa thì Trung Quốc với sự tập trung lớn, dự trữ ngoại hối khổng lồ có thể lũng đoạn cả thế giới. Chết dưới tay Trung Quốc chính là vì thế”, ông Đoàn chỉ rõ.
Từ đây, vị chuyên gia nhắc lại chuyện nhiều quan điểm chê cười ông Donald Trump khi ông tuyên bố sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bởi họ tin rằng nước Mỹ đã vĩ đại sẵn rồi. Nhưng ông Trump là một nhà kinh doanh và thấy cái gì có lợi thì làm, điều ông thiếu là sự tinh quái, khôn khéo trong chính trị. Thực tế là nước Mỹ đã mất vị trí vĩ đại rồi và Trung Quốc góp tay phá vỡ sự vĩ đại ấy của nước Mỹ. Ông Trump nhận ra điều ấy và muốn làm cho nước Mỹ trở nên mạnh mẽ, sắp xếp lại thế giới theo trật tự mà ở đó sự phát triển có thể thực hiện được.
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, hiện nay thế giới không thể phát triển được vì không có một thể chế chung. Từ năm 1944, thế giới bắt đầu hình thành các định chế của toàn cầu, đó là Liên hợp quốc, là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…. Không ít quan điểm đánh giá rằng, có thời kỳ những định chế này vận hành khá tốt và có thể điều hành được thế giới, nhưng bây giờ chúng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Thể chế phải tiến bộ nhưng song hành với đó phải có chế tài đảm bảo các quốc gia thành viên phải tuân thủ, Trung Quốc chính là quốc gia không tuân thủ quy định khi hung hăng ở Biển Đông và nhiều nơi khác mà không chịu chế tài xử lý nào.
“Kinh tế có một nguyên tắc: càng mở rộng các hoạt động ra bao nhiêu thì càng có cơ hội cho sự phát triển. Thế nhưng, mạng dịch vụ toàn cầu hiện nay bị thao túng bởi Trung Quốc và nhiều ý kiến nhìn nhận sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)… là cái bẫy của Trung Quốc và nhiều nước đã bị sập bẫy.
Cho nên, vì sao ông Trump đòi rút Mỹ ra khỏi WTO? Có thể lý giải một phần nguyên nhân là do ông Trump cho rằng các định chế của thế giới đã bị Trung Quốc lũng đoạn, trục lợi và làm giàu cho chính họ.
Bài toán kinh tế-xã hội của thế giới hiện nay khó có thể giải được khi có “biến số” Trung Quốc ở trong đó. Trung Quốc có một thị trường và có một nguồn lực rất lớn, nhưng thị trường và nguồn lực ấy chính là một cái bẫy mà nó đang thao túng thế giới”, vị chuyên gia nhận xét.