Những công trình khổng lồ gây ấn tượng thị giác

Đền con cá, tượng người nổi trên mặt hồ hay voi 3 đầu có kích thước khổng lồ và tạo hình ngoạn mục là các công trình gây ấn tượng mạnh với du khách ngay từ lần đầu nhìn thấy.

cong trinh gay an tuong manh anh 1

Tượng The Bather – Đức: Là sáng tạo của điêu khắc gia Oliver Voss, tác phẩm nghệ thuật mô phỏng hình ảnh người phụ nữ đang ngâm mình trong hồ Alster ở Hamburg. Với khối lượng 2 tấn, “Người tắm” thực chất là 3 phần của bức tượng khổng lồ cao 4 m và dài 30 m làm từ thép. Chèo thuyền ra giữa hồ để ngắm tượng “mỹ nhân tắm” là hoạt động thu hút nhiều du khách. Ảnh: Pinterest.
cong trinh gay an tuong manh anh 2
Đền Sumeru – Thái Lan: Nằm ở trung tâm làng cổ Ancient City, công trình gây ấn tượng mạnh với bất kỳ ai ghé thăm điểm du lịch này. Đền Sumeru tọa lạc giữa mặt hồ yên tĩnh và được dẫn lối bởi cây cầu uốn lượn. Khung cảnh thần bí toát lên từ hình ảnh con cá khổng lồ Anondha miệng mở và nhô lên khỏi mặt nước, canh giữ ngôi đền. Ảnh: Kankankavee.
cong trinh gay an tuong manh anh 3
Cầu Vàng – Việt Nam: Nằm ở độ cao hơn 1.400 m giữa khung ảnh mờ sương của núi Bà Nà, cây cầu Vàng được nâng đỡ bởi đôi bàn tay rêu phong khổng lồ đầy ngoạn mục. Ngay từ khi khai trương, cầu Vàng liên tục thu hút truyền thông trong nước và quốc tế, trở thành điểm check-in hàng đầu và là lý do nhiều du khách mong muốn đến thành phố biển Đà Nẵng. Ảnh: Jason Goh.
cong trinh gay an tuong manh anh 4
Tượng Atama Daibutsu – Nhật Bản: Kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando đã thiết kế pho tượng khổng lồ nằm giữa ngọn đồi hoa oải hương. Công trình nằm tại nghĩa trang Makomanai Takino ở Sapporo. Nhìn từ trên cao, du khách sẽ thấy đỉnh đầu của bức tượng nhô lên từ giếng tròn nằm giữa trung tâm gò đất xanh. Để đến chân bức tượng cao 13,5 m ở khu trung tâm này, du khách phải đi qua đường hầm dài 40 m. Ảnh: AllAbout-Japan.
cong trinh gay an tuong manh anh 5
Tượng bàn tay Support – Italy: Nghệ thuật gia Lorenzo Quinn sáng tạo đôi bàn tay khổng lồ trên con kênh ở Venice. Đôi bàn tay có tên gọi “Support” mọc lên từ dưới mặt nước trở thành một trong những điểm check-in hút khách ở thành phố kênh đào. Một số người cho rằng đôi bàn tay này rất quái dị, trong khi nhiều du khách khác khó cưỡng lại tò mò mà tìm đến chiêm ngưỡng. Ảnh: Pinterest.
cong trinh gay an tuong manh anh 6
Tượng voi 3 đầu – Thái Lan: Bức tượng voi 3 đầu khổng lồ là điểm nhấn thu hút khách đến thăm bảo tàng Erawan ở Bangkok. Bức tượng thần voi 3 đầu Airavata đặt trên đỉnh tòa nhà bảo tàng cao 29 m và dài gần 39 m. Voi trong tín ngưỡng của người Thái là thần vật được tôn vinh và kính trọng, trung tâm vũ trụ. Chính vì thế, hình tượng thần voi Airavata được đặt trên đỉnh của bảo tàng Erawan, nơi lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc của Thái Lan. Ảnh: Pinterest.

Uyên Hoàng / Zing.

 

Siêu dự án của Elon Musk có thể khiến ngành viễn thông sụp đổ

Mục tiêu mang kết nối Internet đến khắp nơi trên thế giới của Starlink có thể đe dọa các nhà cung cấp Internet truyền thống.
Quan điểm của tác giả Derick David, viết trên Medium.

Starlink là dự án chòm sao vệ tinh do SpaceX phát triển với mục tiêu cung cấp Internet vệ tinh đến bất cứ đâu trên thế giới. Chòm sao này gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được sản xuất và phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, cung cấp kết nối Internet cho những thiết bị như smartphone, máy tính…

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh Internet là một phần quan trọng của cuộc sống, giúp chúng ta làm việc, học tập, liên lạc đến bất cứ ai. Và Starlink có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta kết nối Internet.

Nếu được đầu tư và phát triển hợp lý, đây sẽ là mối đe dọa lớn với ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu.

Du an Starlink cua SpaceX de doa nganh vien thong the gioi anh 1

Sứ mệnh của Starlink là mang kết nối Internet đến mọi nơi trên Trái Đất bằng cách phóng hàng chục nghìn vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Ảnh: Starlink.

Từ phim viễn tưởng ra đời thực

Trước hết, cần biết rằng chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp mới. Nhiều người có thể chưa nhận thức song đó là những gì đang diễn ra. Trí tuệ nhân tạo (AI), robot hay tiền mã hóa chính là ví dụ cho cuộc cách mạng ấy.

Không chỉ Starlink, Elon Musk còn sở hữu Neuralink, công ty công nghệ thần kinh và OpenAI với sứ mệnh tạo ra AI thân thiện, thông minh như con người. Rõ ràng Musk muốn thay đổi cả thế giới với những doanh nghiệp của mình.

Để Starlink bước vào không gian cần xây dựng cơ sở hạ tầng. “Xương sống” của Starlink chính là các vệ tinh – hệ thống viễn thông liên lạc không dây – cung cấp Internet băng thông rộng trực tiếp cho người dùng trên Trái Đất.

Nếu cách đây vài chục năm, điều đó chỉ có thể tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng thì bây giờ, đó là những gì Elon Musk đang thực hiện.

Một trong những cái tên được cho là đối tác của Starlink là Vislink, công ty phát triển hệ thống liên lạc video và vệ tinh có trụ sở tại Florida (Mỹ). Đó chính xác là những gì mà Starlink cần. Vài tuần trước, logo của Vislink cũng được tìm thấy trong một video trực tiếp của SpaceX.

Nhiều tin tức cũng khẳng định SpaceX đang có hoạt động thử nghiệm vệ tinh tại Florida, tiểu bang mà Vislink đặt trụ sở. Liệu đây chỉ là sự trùng hợp?

Du an Starlink cua SpaceX de doa nganh vien thong the gioi anh 2
Ảnh mô phỏng mạng lưới vệ tinh của Starlink bao phủ gần như toàn bộ Trái Đất. Ảnh: Đại học College London.

Starlink sẽ thay đổi cả thế giới như thế nào?

Tháng 11/2018, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã chấp thuận cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, song Musk hy vọng con số sẽ tăng lên 30.000 trong tương lai. Kế hoạch của Starlink đã được vạch sẵn, và chúng ta có thể đang chứng kiến cột mốc quan trọng mới của lịch sử nhân loại.

Ưu điểm của Starlink chính là khả năng cung cấp kết nối Internet đến bất cứ đâu trên thế giới. Hãy tưởng tượng đang cắm trại trong rừng, thưởng thức bữa tối với phim 4K trên Netflix không gián đoạn, hay vừa livestream vừa thả bộ trên một hòn đảo. Đó là những gì Starlink muốn đạt được.

Du an Starlink cua SpaceX de doa nganh vien thong the gioi anh 3
60 vệ tinh Starlink được SpaceX phóng lên quỹ đạo hồi tháng 4 bằng tên lửa Falcon 9. Ảnh: Elon Musk/Twitter.

Những quốc gia đang phát triển với Internet không ổn định, tốc độ thấp và giá cước cao cũng hưởng lợi nhờ Starlink. Trong tương lai, các nhà cung cấp viễn thông sẽ phải dè chừng cái tên này.

Alex Knapp, nhà báo của Forbes cho rằng Starlink sẽ phải cạnh tranh với những nhà mạng truyền thống như Comcast của Mỹ. Với khu vực nông thôn hoặc các thị trường đang phát triển, một số nhà mạng truyền thống đang nỗ lực xây dựng mạng di động 5G.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang đầu tư cho hệ thống cáp quang biển để cải thiện ổn định, tốc độ Internet cho khách hàng.

Mục tiêu của Starlink là mang đến kết nối Internet đến mọi nơi với chi phí rẻ, tốc độ cao. Nếu mọi người để ý đến Starlink và hệ thống của Starlink ngày càng được cải thiện, đó sẽ là đối thủ lớn với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Bài báo đăng trên TechCrunch ngày 15/6 nói rằng Starlink hoàn toàn đủ khả năng tham gia chương trình tài trợ liên bang trị giá 16 tỷ USD nếu chứng minh ưu điểm của nó so với các nhà mạng Internet thông thường.

Không chỉ đe dọa các nhà mạng, Starlink còn có thể khiến cả ngành viễn thông sụp đổ. Có lẽ đó là điều tất yếu của sự đổi mới.

Phúc Thịnh / Zing

Bị buộc tội, bị từ chối và bị chỉ trích: Khi không còn tức giận vì những lời này, bạn đã thành công 80% trên con đường TỰ TIN vào chính mình

Bị buộc tội, bị từ chối và bị chỉ trích: Khi không còn tức giận vì những lời này, bạn đã thành công 80% trên con đường TỰ TIN vào chính mình

Tức giận là bản năng, tĩnh lặng mới là bản lĩnh. Chỉ có người đủ năng lực và đủ tự tin vào chính mình mới có thể ung dung tự tại trước những lời chỉ trích.

Người xưa có câu: “Nổi giận là bản năng, kiểm soát nóng giận là bản lĩnh”.

Khi ở vào hoàn cảnh bị buộc tội, bị từ chối và chỉ trích, thực sự con người khó tránh khỏi cảm giác vô cùng khó chịu.

Thế giới nội tâm của con người như một bánh xe không ngừng luân chuyển, và ai cũng mong tìm kiếm cho mình một chốn bình an, thanh thản, được sống trong hạnh phúc giữa sự xô bồ của cuộc đời. Nhưng khi gặp chuyện không như ý, phản ứng đầu tiên của chúng ta vẫn là bực bội, tức giận.

Cho dù, đọc nhiều sách hay rèn luyện nhiều hơn về việc kiểm soát cảm xúc đi nữa thì để đạt được đến trạng thái đại trí tuệ không giận dữ là cả một quá trình rất dài. Mà trên hành trình đó, không thể thiếu nhân tố quan trọng, chính là năng lực.

Phải có đủ năng lực để giải quyết tình hình, người ta mới có thể bình tĩnh ung dung, khống chế cơn giận dữ từ bên trong để thể hiện sự độ lượng, rộng rãi của mình, chứ không phải cảm giác uất ức nhún nhường, chịu đựng những chuyện bất công chỉ vì “dĩ hòa vi quý”. 

Giống như một người đi mua sắm, nếu có rủng rỉnh trong tay, bạn có thể từ chối những mặt hàng xa xỉ vì nhiều lý do. Nhưng nếu trong tay nghèo túng, nếu bạn từ chối không mua, người ta sẽ không tin bất cứ lý do gì ngoại trừ việc bạn nghèo, không đủ tiền mà mua mặt hàng đó.

Việc lựa chọn và “bị ép” lựa chọn là hai hành động hoàn toàn khác nhau về bản chất, và cảm giác mà nó đem lại cho chủ thế hành động cũng vô cùng khác biệt.

Vậy, làm thế nào để có đủ năng lực bỏ qua những lời chỉ trích, buộc tội mà không tức giận, cũng không thấy uất ức?

Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức được rằng, tại sao bản thân lại tức giận khi bị người khác buộc tội, từ chối hoặc chỉ trích?

Một chuyên gia tư vấn tâm lý từng viết rằng, nguyên nhân sinh ra sự phẫn nộ có thể tổng kết bằng hai điều: công nhận từ trong tiềm thức và tự công kích bản thân.

Ví dụ như, nếu ai đó nói bạn xấu, bạn tức giận, điều đó có nghĩa là bạn cũng nghĩ như vậy. Nếu không, bạn sẽ chỉ mỉm cười.

Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái tức giận nếu vô thức đồng ý với những lời buộc tội của người khác. Hành vi này thường đến từ trong tiềm thức mà bản thân chúng ta không nhận ra.

Lại ví dụ như, nếu có người nói: “30 tuổi rồi mà vẫn chưa kết hôn thì đúng là có vấn đề.”

Nếu bạn tức giận sau khi nghe câu này, điều đó chứng tỏ bạn cũng nghĩ rằng, chưa kết hôn khi ở độ tuổi 30 là điều không hay và có suy nghĩ tự trách mình vì điều đó. Nếu bạn yêu tự do và tận hưởng tình trạng độc thân của mình thực sự, bạn sẽ không phản ứng gay gắt với những nhận xét như vậy.

Có thể thấy rằng, bạn tự công kích chính mình trước khi bạn bị người khác công kích. Chính những tâm lý xuất hiện trong tiềm thức này khiến cảm giác phẫn nộ sinh ra.

Cho nên, nếu muốn rèn luyện sự bình tĩnh thong dong, chúng ta trước hết phải thay đổi hệ thống đánh giá riêng của mình. Bạn có quan điểm thế này về tôi, nhưng tôi có quan điểm khác về mình. Bạn thấy tôi xấu, tôi thấy mình đẹp; bạn thấy tôi béo, nhưng tôi thấy bản thân đủ hấp dẫn; bạn cho rằng tôi ích kỷ, tôi nghĩ mình đủ rộng lượng để bỏ qua. Khi có thể tách biệt rõ ràng “quan điểm của người khác” với “quan điểm của chính mình”, sự tức giận, phẫn nộ hay khó chịu sẽ biến mất.

Lúc này, tâm trí nội tại con người chúng ta đã trở nên kiên định và chắc chắn, sẽ không vì một câu nói bên ngoài mà lay động, bất an. Cho nên, chúng ta có đủ năng lực để bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, từ chối hay buộc tội mà luôn tự tin về chính mình.

Những kẻ thường xuyên chỉ trích người khác luôn tồn tại cảm giác tự ti trong lòng. Họ chỉ có thể thu hoạch được một chút tự tin đáng thương thông qua việc dẫm đạp, tìm cách kéo những người xung quanh xuống. Chính vì bất mãn với bản thân, họ đặc biệt thích chỉ trích thế giới bên ngoài.

Ví dụ như, một người không có tiền của trong tay nhìn thấy kẻ khác tiêu xài xa xỉ sẽ cảm thấy khó chịu, chỉ trích người kia “khoe của”, “hoang phí”, “không biết giá trị đồng tiền”… Họ khẩu thị tâm phi mà bình luận một câu “Có tí tiền thôi mà, đặc biệt gì hơn ai cơ chứ?”, lấy đó làm điều tự an ủi mình.

Khi nhận ra sự tồn tại của loại tâm lý này, chúng ta có thể thấy rằng, những kẻ miệng nói một đằng nhưng lòng nghĩ một nẻo, ngoài mặt chỉ trích nhưng trong tâm lại hâm mộ thực chất cũng vô cùng đáng thương. Khi họ công kích tôi, đồng thời, họ cũng đang công kích chính mình.

Như vậy, chúng ta còn cần tức giận nữa hay sao?

Giống như câu chuyện về cách đức Phật đối xử với kẻ thiếu tôn trọng mình:

Một người đàn ông cắt ngang bài giảng của đức Phật bằng một tràng thóa mạ.

Ngài bèn chờ cho anh ta dứt lời mới hỏi, “Nếu ai đó tặng người khác một món quà nhưng người đó từ chối thì món quà sẽ thuộc về ai?”

“Tất nhiên là thuộc về người đem tặng”, người đàn ông đó đáp.

“Vậy thì,” đức Phật nói, “Ta từ chối không nhận những lời phỉ báng của ngươi và yêu cầu ngươi giữ nó lại cho mình”.

Đem một nắm muối bỏ vào cốc nước, cốc nước trở nên mặn chát. Đem một nắm muối bỏ vào hồ nước, hồ nước vẫn ngọt lành. Lòng người cũng vậy, càng nông cạn càng dễ biến chất, càng sâu sắc càng khó lung lay.

Ý nghĩa của đời người không ngoài việc tu tâm dưỡng tính, để mở lòng ra bao la như biển hồ, trước những nắm muối thị phi của cuộc đời vẫn thản nhiên không xao động.

Sau cùng, một người có cảm xúc ổn định thì vẻ mặt thường sẽ ôn hòa khiến người khác dễ chịu, giống như được một cơn gió mát thổi qua, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Trái lại, một người động một chút là nổi giận thì ai gặp cũng không ưa nổi, trốn tránh. 

Phương Thúy / Theo Trí thức trẻ

 

Mark Zuckerberg – Gã độc tài cai trị ‘quốc gia’ lớn nhất thế giới Facebook

Mark Zuckerberg - Gã độc tài cai trị 'quốc gia' lớn nhất thế giới Facebook

Cai trị quốc gia với 2,6 tỷ người dùng, Mark Zuckerberg tự thiết lập nên luật mà anh ta muốn, buộc mọi người phải tuân theo.

Cuối tuần vừa qua, làn sóng tẩy chay Facebook lan rộng gây xôn xao cộng đồng mạng. Cụ thể, hàng trăm nhãn hàng trên thế giới gồm cả những tên tuổi lớn như Unilever, Starbucks, Coca Cola, Pepsi đồng loạt tuyên bố sẽ ngưng mọi quảng cáo trên mạng xã hội này, ít nhất trong 30 ngày, nhiều hơn thì cho tới hết năm nay.

Làn sóng kêu gọi tẩy chay Facebook được rấy lên bởi Liên đoàn Chống phỉ báng của Mỹ, là lời đáp trả việc xử lý không phù hợp của Facebook với một số bài viết gây xôn xao dư luận của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề về thông tin sai lệch trên nền tảng trong vài tuần gần đây do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc và phản đối hành vi lạm quyền của cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Những điều này đã phơi bày lỗ hổng trong cách kiểm duyệt nội dung của Facebook.

Mark Zuckerberg - Gã độc tài cai trị quốc gia lớn nhất thế giới Facebook - Ảnh 1.

Ngay khi sự việc xảy ra, cổ phiếu của Facebook đã rơi tự do, thổi bay 56 tỷ USD vốn hóa thị trường sau một đêm. Về phần mình, CEO Mark Zuckerberg đã nỗ lực giải quyết những lo ngại quảng cáo trong phiên hỏi đáp trực tuyến với nhân viên vào ngày thứ 6. Anh đã tuyên bố hàng loạt các thay đổi nhỏ đối với hoạt động quảng cáo của công ty và chính sách nội dung. Mark thậm chí còn khẳng định: “Không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với các chính trị gia trong bất kỳ chính sách nào mà tôi vừa công bố ngày hôm nay”. Tuy nhiên những nỗ lực này dường như là chưa đủ.

“Rõ ràng Facebook và CEO của họ Mark Zuckerberg không phải đơn thuần sơ suất mà thực tế là tự mãn với những bài đăng thông tin sai lệch”, Derrick Johnson – Chủ tịch, CEO một công ty ở Mỹ nhận định.

Gã độc tài ở quốc gia Facebook

Sự việc lần này xảy ra khiến nhiều người nhớ lại việc Mark Zuckerberg từng bị so sánh là kẻ độc tài cai trị “quốc gia” lớn nhất thế giới Facebook.

Đây là nhận định của Peter Sunde đồng sáng lập website chia sẻ dữ liệu The Pirate Bay. Người này cho rằng Facebook đang tập trung mọi quyền lực của cộng đồng mạng.

Phát biểu trong bài phỏng vấn tại The Next Web năm 2016 ở Amsterdam, Peter Sunde nói rằng hiện tại đang không hề tồn tại thứ gọi là “dân chủ trực tuyến”.

“Mọi người trong ngành công nghiệp công nghệ có rất nhiều trách nhiệm nhưng họ không bao giờ thực sự thảo luận về những vấn đề này…. Facebook là quốc gia lớn nhất thế giới và chúng ta đang có một nhà lãnh đạo độc tài là Mark Zuckerberg. Tôi không bầu cử cho anh ta. Anh ta tự đặt ra những luật lệ cho quốc gia Facebook của mình”, Sunde nói.

“Và thực ra thì bạn không thể thoát ra khỏi Facebook. Tôi không dùng Facebook nhưng thực sự là ở đó có những điều mà thế giới thực không hề có. Bạn sẽ chẳng thể nhận những lời mời, không được cập nhập về tình hình của bạn bè, mọi người sẽ ngừng nói chuyện với bạn bởi bạn không tham gia Facebook”.

Tình trong quý đầu tiên của năm 2020, Facebook có 2,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng – là mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Nắm trong tay lợi thế “đáng sợ”

Để minh họa cho quan điểm của mình, Sunde trích dẫn ví dụ về việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị nghe lén trong cuộc họp với chính Zuckerberg tại Liên Hợp Quốc. Nếu các chính trị gia tỏ ra cứng rắn hơn và thực sự tin rằng họ có thể thay đổi Facebook nhưng mạng xã hội này từ chối những quy định quốc gia, liệu họ sẽ bị đóng cửa? Sunde cho rằng chúng ta đã kiểm duyệt nhiều thứ, tại sao lại không làm vậy với Facebook?

Mark Zuckerberg - Gã độc tài cai trị quốc gia lớn nhất thế giới Facebook - Ảnh 2.

Với 2,6 tỷ người dùng, Facebook đang nắm trong tay một lợi thế “đáng sợ”. Họ thường xuyên bị chỉ trích về cách sử dụng dữ liệu người dùng, can thiệp vào chính trị, các vấn đề xã hội, và không ngăn chặn được nạn tin giả tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Facebook vẫn phát triển ổn định, số người dùng tiếp tục tăng.

Người dùng Facebook hiện tại chấp nhận mất đi quyền riêng tư để kết nối với những người quen biết, theo dõi những thông tin họ thích và không rời mắt khỏi điện thoại. Xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại tương đối đơn giản. Tuy nhiên, từ chối thứ thế giới mà chúng ta đã quen thuộc, do Mark Zuckerberg tạo ra thì khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi ở đó còn tràn ngập thông tin, cơ hội làm việc và những công cụ giao tiếp hơn cả thế giới thực chúng ta đang sống.

Theo Vân Đàm / Trí thức trẻ