Day: 25/03/2020
Phố Hội vàng rực hoa sưa
QUẢNG NAM
Những hàng sưa trổ hoa vàng rực trên những tuyến phố tĩnh lặng hiếm thấy mang lại vẻ đẹp khác lạ cho Hội An.
Huỳnh Phương / Ảnh: Đỗ Anh Vũ
“Tôn vinh bánh mì Việt Nam”: Lần đầu tiên trong lịch sử, Google tạo Doodle bánh mì Việt Nam, vì sao?

Giao diện trang chủ Google tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, xuất hiện hình ảnh Doodle động nhằm “Tôn vinh bánh mì Việt Nam”.
Theo dữ liệu, đây là lần đầu tiên trong lịch sử “gã khổng lồ công nghệ” Google thiết kế Doodle nhằm tôn vinh bánh mì – món ăn phổ biến của người Việt Nam.
Với rất nhiều thành phần để tạo nên chiếc bánh mì kẹp – thức ăn phổ biến của người Việt Nam trong bữa sáng – Google nhận định chiếc bánh mì Việt Nam đại diện cho sự hòa quyện ẩm thực tinh tế của ẩm thực Việt trên thế giới.
Vào ngày này năm 2011 (24/3/2011), từ “Bánh mì” đã được đưa vào cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) – cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới.
Cụ thể, Oxford English Dictionary thêm từ “Banh mi” vào từ điển và giải nghĩa rằng đó là món ăn của người Việt Nam. Cuốn từ điển này giải nghĩa “Banh mi” (cụ thể là bánh mì kẹp) được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân (phong phú) gồm pate, thịt, rau củ, sốt, tương ớt…
Theo Google Doodle, một số người cho rằng, bánh mì kẹp xuất hiện rải rác lần đầu tiên ở những con phố nhỏ vào cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn, tuy nhiên, nguồn gốc của chiếc bánh mì kẹp này đến nay vẫn chưa ai rõ, chỉ biết rằng, chiếc bánh mì Việt Nam (bánh mì không) lấy cảm hứng từ loại bánh mì baguette của Pháp. Về sau, việc thêm các thành phần, gia vị khác đã tạo nên chiếc bánh mì kẹp đặc sản của người Việt Nam.
Một chiếc bánh mì kẹp có thể kích thích vị giác của thực khách bao gồm: Một chiếc bánh mì không, nóng giòn được xẻ đôi để thêm vào các thành phần như pa-tê, các loại thịt (như giò lụa, thịt nguội, thịt viên, thịt gà…), rau củ chua chua giòn giòn (như dưa chuột, củ cải ngâm, cà rốt và rau mùi) rồi thêm dòng sốt mayonnaise thơm nức hòa quyện cùng dòng tương ớt cay nhẹ… Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, khiến thực khách thưởng thức vô cùng hào hứng.
Thật tuyệt vời! Chỉ bằng cách thay thế các hương vị châu Âu bằng nguyên liệu đậm chất Việt Nam, người Việt Nam đã tạo nên một món ăn mà chỉ khi đến đây, thực khách nước ngoài mới có cơ hội thưởng thức chúng tròn vẹn nhất!
Chiếc bánh mì kẹp trên thế giới cũng được biến tấu tương tự. Ngày nay, người ta có thể tìm thấy vô số các loại bánh mì kẹp trong các quầy hàng trên đường phố, chợ và nhà hàng trên khắp thế giới, từ New York, đến Seoul…
Năm 2018, trang CNN đã ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các sandwich trên thế giới”. Ảnh: Shutterstock.
Người Hàn Quốc thường thưởng thức bánh mì kẹp với bulgogi đặc trưng của họ (thịt bò nướng) và kim chi. Ở Mỹ, bánh mì sandwich có lẽ là cái tên không hề xa lạ với nhiều người.
Bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh mì kẹp khác nhau, với hình dáng, nguyên liệu kẹp khác nhau… nhưng có lẽ nhiều người phải gật gù đồng ý rằng: Vào một buổi sáng mát lành, ngồi ở góc phố và trên tay thưởng thức chiếc bánh mì Việt Nam, chờ đợi những giọt cà phê thơm nức nhỏ xuống đáy cốc, thì không còn điều gì tuyệt vời hơn để bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng và niềm hạnh phúc giản dị…
Những ngày cuối tháng 2/2020, Trí Thức Trẻ đã có bài viết rất hay về bánh mì Việt Nam với tựa đề “Ai chê bánh mì Việt Nam? Đây là câu chuyện về những chiếc bánh đã khiến cả thế giới phải trầm trồ” (tác giả J.D), trong đó có đoạn:
“Bánh mì là một dạng sandwich cân bằng giữa hương vị và kết cấu. Chiếc bánh mì nóng hổi, giòn tan đậm hương vị của thịt, kết hợp cùng vị chua chua, chan chát của dưa. Vỏ bánh – quen rồi; thịt – quá quen; rau và dưa – cũng rất quen.
Toàn những thứ quen, họ sẽ chẳng ngần ngại thử, để rồi cảm nhận thứ hương vị bùng nổ bên trong. Ai cũng thích ăn một chiếc bánh kẹp ngon. Và gần như mọi nền văn hóa đều có phiên bản bánh kẹp của riêng mình. Bánh mì Việt Nam vì thế rất dễ tiếp cận với mọi nền văn hóa, và rốt cục là trở nên nổi tiếng trên cả thế giới.”
Năm 2016, bánh mì cùng phở và bún chả đã lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh Kỷ lục Thế giới – Wordkings và Viện Top Thế giới công bố. Ảnh: Internet
Trí Thức Trẻ cho biết, với hình ảnh “Tôn vinh bánh mì Việt Nam”, Google góp phần quảng bá món ăn đặc sắc của người Việt Nam ra thế giới. Không chỉ Google, nhiều tổ chức và tờ báo nổi tiếng cũng từng tôn vinh món ăn hấp dẫn này:
– Ngày 24/3/2011, từ “Bánh mì” đã được vinh danh trong từ điển Oxford.
– Năm 2013, bánh mì Việt được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
– Đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố do tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn.
– Năm 2014, bánh mì Việt Nam tạo nên cơn sốt khi lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post.
– Năm 2016, bánh mì cùng phở và bún chả đã lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh Kỷ lục Thế giới – Wordkings và Viện Top Thế giới công bố.
– Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo trang Traveller.
– Năm 2018, trang CNN đã ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các món sandwich trên thế giới”.
Bài viết sử dụng nguồn: Google Doodle, Trí Thức Trẻ
Thông điệp sâu sắc từ đại dịch Covid-19 qua góc nhìn của tỷ phú Bill Gates: Không phải thảm họa, virus giống như một “sự sửa chữa tuyệt vời” cho thế giới

Tỷ phú 64 tuổi tin tưởng rằng, đại dịch Covid-19 đang diễn ra có một mục đích tâm linh sâu sắc…
Tính đến ngày 24/3, trên toàn thế giới đã có 16.495 người tử vong vì virus Covid-19 và khoảng 378.557 người nhiễm bệnh. Với nhiều người, đại dịch Covid-19 giống như một thảm họa cho toàn thế giới. Nhưng theo góc nhìn của tỷ phú Bill Gates, virus corona/Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều.
Tỷ phú đã viết một bức thư mở gửi đến toàn bộ thế giới: Virus Corona thực sự dạy chúng ta điều gì?
Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ đang xảy ra, cho dù đó chúng ta cho rằng điều đó tốt hay xấu. Khi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi cảm thấy virus Corona/Covid-19 thực sự đang tác động tới chúng ta:
1. Nó nhắc nhở rằng, tất cả chúng ta đều bình đẳng, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tình hình tài chính ra sao, hay chúng ta nổi tiếng như thế nào. Bệnh này đối xử với tất cả chúng ta giống như nhau.
Nếu bạn không tin tôi, chỉ cần hỏi Tom Hanks.
2. Nó đang nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều kết nối và mỗi người đều có thể ảnh hưởng đến mọi người khác. Nó nhắc nhở rằng, những đường biên giới mà chúng ta đặt ra hầu như chẳng có giá trị gì với loại virus đang lây lan không cần “hộ chiếu” này.
Nó đang nhắc nhở rằng, nó có thể “áp bức” chúng ta – những người dành cả cuộc đời sống trong áp lực.
3. Nó nhắc nhở rằng, sức khỏe của chúng ta quý giá đến thế nào và chúng ta sống thế nào đến nỗi bỏ bê nó bằng việc ăn thực phẩm chế biến và nước uống bị ô nhiễm đủ mọi loại hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe bản thân, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.
4. Nó nhắc nhở về sự ngắn ngủi của cuộc sống và về những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm như là việc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già hoặc bệnh tật.
Mục đích của chúng ta là không phải việc thu mua những cuộn giấy vệ sinh để tích trữ.
5. Nó nhắc nhở rằng, xã hội vật chất của chúng ta đã phát triển ra sao và khi gặp khó khăn, chúng ta nhớ rằng đó là những thứ thiết yếu và giá trị mà chúng ta cần cho cuộc sống (thực phẩm, nước, thuốc…) trái ngược với những thứ xa xỉ không cần thiết mà đôi khi chúng ta chi quá nhiều tiền để mua.
6. Nó đang nhắc nhở chúng ta, cuộc sống gia đình và tình thân quan trọng như thế nào và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta trở lại nhà để có thể xây dựng lại và củng cố gia đình của chính mình.
7. Nó nhắc nhở rằng,việc chúng ta làm không phải chỉ là nghề nghiệp, nó là những gì chúng ta tạo ra và duy trì. Công việc thực sự của chúng ta là chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau, mang lại lợi ích cho nhau.
8. Nó là nhắc nhở chúng ta kiểm soát bản ngã của mình.
Nó đang nhắc nhở rằng cho dù chúng ta nghĩ con người vĩ đại, tuyệt vời đến mức nào, thì vẫn có một loại virus có thể khiến thế giới của chúng ta “dừng lại”.
9. Nó đang nhắc nhở rằng, sức mạnh của sự tự do nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc duy chỉ cho bản thân.
Thật vậy, những khó khăn hiện tại đã làm nổi bật màu sắc thực sự của cuộc sống con người hiện nay.
10. Nó đang nhắc nhở rằng, chúng ta có thể kiên nhẫn, hoặc có thể hoảng loạn.
Chúng ta có thể bình tĩnh và hiểu rằng, tình huống bệnh dịch tương tự có thể đã xảy ra trong lịch sử và rồi chúng sẽ đi qua. Hoặc chúng ta có thể hoảng loạn và coi như đây là tận thế. Vì vậy, lựa chọn thái độ tiêu cực chỉ gây hại nhiều hơn cho bản thân bạn, chứ không có lợi.
11. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng, đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian suy ngẫm và thấu hiểu, học hỏi từ những sai lầm của mình. Hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.
12. Nó đang nhắc nhở rằng, Trái Đất này bị bệnh.
Chúng ta cần xem xét tốc độ phá rừng, cũng khẩn cấp như tốc độ các cuộn giấy vệ sinh đang biến mất khỏi giá trong siêu thị. Chúng ta ốm vì ngôi nhà Trái Đất của chúng ta bị bệnh.
13. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng, sau mỗi khó khăn, luôn có sự dễ dàng. Cuộc sống có chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời của cuộc sống. Chúng ta không cần phải hoảng sợ, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua.
14. Trong khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích ý nghĩ cho rằng nó giống như một sửa chữa tuyệt vời. Nó được gửi để nhắc nhở về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên. Và điều quan trọng hơn là liệu chúng ta có học được các bài học hay không.
Theo The Sun
10 hành động ấm lòng giúp những người bị ảnh hưởng bởi COVID 19
Trong căn hộ khóa cửa ở Madrid, Tây Ban Nha, cụ bà Charo đã nhận được món quà sinh nhật vô cùng ý nghĩa từ những người hàng xóm. Mọi người cùng nhau chuẩn bị một chiếc bánh với một cây nến bên ngoài cửa rồi gọi bà mở cửa. Khi nhìn thấy chiếc bánh, bà đã bật khóc, còn những người hàng xóm thì đồng thanh hát mừng sinh nhật.
Jennifer Le phát khẩu trang tại một nhà ga ở Singapore
Khi thấy người già phải chờ đợi hàng giờ bên ngoài các hiệu thuốc ở Singapore để mua khẩu trang, Jennifer Le và chồng Martin Lim, cùng những người tình nguyện khác đã quyết định giúp một tay. Jennifer Le đặt mua khẩu trang từ Việt Nam rồi phân phát cho mọi người ở Singapore. Cô nói trên kênh youtube Our Grandfather Story: “Tôi biết rất nhiều người chỉ quan tâm đến bản thân họ. Tất nhiên bạn phải tự chăm sóc bản thân mình trước. Sau khi bạn có đầy đủ thì mới giúp đỡ được người khác”.



Học sinh ở Columbus làm thiệp chúc những người bị cách ly sớm khỏe lại
Home & School ở Columbus, Nebraska, đã làm những tấm thiệp chúc người bị cách ly sớm khỏe trở lại. Giáo viên của họ, Charlotte Beran nhận nhiệm vụ gửi những tấm thiệp đó đến Trung tâm Y tế Đại học Nebraska để phân phát cho những người bị cách ly. Bệnh viện đã đăng bức ảnh chụp những tấm thiệp lên Facebook và bày tỏ sự biết ơn của bệnh nhân tới các em học sinh: “Đây là điểm sáng trong ngày của tôi. Các em thật đáng yêu và chân thành”.

Người chồng tổ chức kỷ niệm 67 năm ngày cưới bên ngoài viện dưỡng lão của vợ

Ông Bob Shellard (90 tuổi) không thể đến thăm bà Nancy (88 tuổi) tại viện dưỡng lão ở Stafford Springs, Connecticut, do đại dịch Covid 19. Thay vào đó, ông đã đứng bên ngoài viện dưỡng lão cùng tấm thiệp tự làm, thật nhiều bóng bay và đọc rành mạch: “Anh đã yêu em 67 năm và sẽ tiếp tục yêu. Chúc mừng ngày kỉ niệm của chúng ta”.
Đại diện từ Chabad của Westchester (New York) giúp các gia đình bị cách ly kỷ niệm ngày lễ Purim của người Do Thái

Cư dân của New Rochelle, Gary Berger nói rằng Chabad của Westchester đã đến hơn 100 ngôi nhà để đọc megillah. Đây là cuốn sách tiếng Do Thái mà người Do Thái phải tập trung nghe và hô đồng thanh trong lễ Purim. Vì các hộ gia đình đang được kiểm dịch, đại diện của Chabad đọc megillah bên ngoài hiên nhà và sân sau.
Một giáo sĩ Do Thái và giáo đường Do Thái giao bánh pizza cho các gia đình bị cách ly ở khu vực Bronx

Rabbi Dan Margulies và các đồng tu từ The Riverdale Minyan ở khu vực Bronx đã giao pizza cho các gia đình bị cách ly vào ngày 10 tháng 3. Margulies thậm chí còn hóa trang thành người tuyết Olaf trong bộ phim “Frozen” để lan truyền niềm vui.
Ban tổ chức đại hội thể thao chuyển đồ ăn cho bệnh nhân

Đại hội thể thao Arnold năm 2020 tại Columbus, Ohio, là một trong nhiều sự kiện bị hủy bỏ sau khi dịch corona bùng phát. Thực phẩm cho 200.000 người tham dự được chuẩn bị xong xuôi nên ban tổ chức quyết định chuyển thức ăn đến các nạn nhân ở Nashville, Tennessee.
Giáo viên nghĩ cách để học sinh chăm rửa tay hơn

Missouri đã báo cáo trường hợp đầu tiên về coronavirus vào ngày 7 tháng 3. Vậy nên cô giáo lớp ba Shauna Woods muốn nghĩ ra cách gì đó khuyến khích học sinh rửa tay thường xuyên hơn. Một buổi sáng thứ hai, cô nhận ra bộ tem đóng dấu của mình có thể giúp ích cho việc phòng chống đại dịch. Cô bảo học sinh rửa tay sạch sẽ rồi đóng lên tay các em dấu “Mrs. Woods” (Cô Woods). Các em được giao nhiệm vụ là phải chăm chỉ rửa tay. Đến cuối ngày ai rửa sạch được vết đóng dấu sẽ nhận được một món quà nhỏ.
Tiệc trưởng thành bị hủy bỏ, cô gái quyết định chuyển thức ăn tới những người bị cách ly

Sau khi học viên SAR (một trường tư thục của người Do Thái ở khu vực Bronx, New York) có ca dương tính với virus corona, nhà trường đã đóng cửa vào ngày 3 tháng 3, đồng thời đưa tất cả học sinh và nhân viên đi kiểm dịch. Một trong những học sinh bị cách ly là Jordana Shmidman. Cô bé dự định sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Bat mitzvah nhưng phải hủy bỏ. Vì thức ăn cho sự kiện đã được chuẩn bị nên Shmidman không muốn mọi thứ bị lãng phí. Mọi người đã hướng dẫn các nhà cung cấp thực phẩm chia đồ ăn vào các hộp riêng lẻ. Sau đó các phụ huynh đóng vai trò như nhân viên tình nguyện sẽ giúp giao hàng đến các khu vực cách ly ở New York. Bằng cách đó, những người bị cách ly với thế giới vẫn có thể thưởng thức bữa ăn Purim ngon lành.
Thuyền trưởng của tàu du lịch Diamond Princess là người cuối cùng rời tàu

Chuyến tàu định mệnh với hơn 700 người nhiễm virus corona nhưng thuyền trưởng lại không hề nao núng. Các hành khách kể lại rằng đại úy Gennaro Arma đã làm hết sức để giữ tinh thần mọi người được thoải mái: “Đại úy Arma rất can đảm, đầy sự cảm thông và cư xử rất lạc quan trong một tình huống chưa từng xảy ra. Trong toàn bộ hành trình, anh ấy tìm mọi cách mang ánh sáng đến cho chúng tôi. Anh luôn cố gắng trấn an chúng tôi hết mức có thể”. Sau hai tuần cập cảng tại cảng Yokohama, Nhật Bản, anh đã đợi tất cả hành khách an toàn rời tàu rồi mới xuống cuối cùng.
Minh Minh / Trithucvn