Những hình ảnh quý giá về xứ Đông Dương năm 1903

Sông Sài Gòn nhộn nhịp, bờ hồ Hoàn Kiếm thanh vắng, voi diễu hành ở Phnom Penh… là những khung hình ấn tượng được ghi lại ở xứ Đông Dương cách đây gần 120 năm.

Những hình ảnh dưới đây được tô màu từ những bức ảnh đen trắng chụp trong các năm 1901 – 1903 tại nhiều địa điểm khác nhau trên thuộc địa Đông Dương của Pháp. Chúng được sử dụng để minh họa cho cuốn sách “Các thuộc địa Pháp” của tác giả Brossard, được đăng tải trên Thư viện điện tử Gallica (Gallica BNF) của  Pháp.

Kênh Bãi Sậy ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn.

Ngã ba sông Sài Gòn – kênh Bến Nghé.

Bờ biển Vũng Tàu.

Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố Hàng Nón, Hà Nội.

Phố Paul Bert (ngày nay là phố Tràng Tiền), Hà Nội.

Thị trấn Hòn Gai nằm bên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cảng Hải Phòng.

Một ngôi chùa ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Những người đàn ông hút thuốc phiện ở Hòn Gai.

Chùa Cầu ở đô thị cổ Hội An.

Ban thờ phía trong lăng Gia Long, kinh thành Huế.

Các vũ công ở Vinh.

Đàn voi diễu hành qua cầu Nagas, Phnom Penh, Campuchia.

Một ngôi chùa ở Phnom Penh.

S.T / RedVN

Chuyện về Lữ Hồng

Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…

… Cháu bị ung thư. U tụy đã di căn gan – loại ung thư dễ gây tử vong nhất trong các loại ung thư mà người ta thường mắc phải… Tiêm mooc-phin là lời khuyên duy nhất các bác sĩ dành cho mẹ cháu, khi nhận được câu hỏi rằng: Nếu cháu lên cơn đau thì phải làm sao? Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…

Lữ Hồng – nhà thơ, cô giáo trẻ ở một xã vùng sâu thuộc huyện Chư Prông, Gia Lai

Từ lá thư nửa đêm

Hồi ấy, tôi là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Cái tạp chí cấp tỉnh, nếu nói nó oai thì cũng oai, còn nếu coi nó là gì đấy thì cũng chả oan. Vấn đề là anh có muốn làm nó tới cùng không? Nó vừa là tờ tạp chí văn nghệ, tức một tờ báo ra thể tạp chí, tất nhiên rồi, nhưng nó còn phải làm thêm mấy việc nữa, ấy là phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ cho tỉnh. Thực ra đây mới là việc khó, bởi nếu anh “phát hiện, bồi dưỡng” nhầm thì rất tai hại. Sẽ đẻ ra một tác giả hoang tưởng, hoắng huýt, coi Nguyễn Du như… bạn đọc. Còn nếu bỏ sót thì cũng rất đau đớn, bởi sẽ làm thui chột một tài năng. Tất nhiên, nếu là tài năng thực sự thì không xuất hiện chỗ này sẽ xuất hiện chỗ khác. Nhưng với những tài năng le lói, thì cái sự “ban đầu” ấy hết sức quan trọng.

Thì vân vi để kể rằng, tôi hay đọc tác giả trẻ, nhất là các tác giả của tỉnh. Trong một lần lang thang trên mạng, tôi đọc một chùm thơ của một Facebooker tên Lữ Hồng. Thấy nhắc đến Gia Lai, tôi chịu khó cuộn xuống đọc hết những gì cô bé này viết. Không hay nhưng cũng… không dở. Chưa bao giờ xuất hiện trên báo mà như thế này là… được. Tôi nghĩ thế nên vào nhắn tin, cháu ơi chú là như thế như thế, chú đọc thấy mấy bài thơ của cháu, chú sẽ chọn một chùm để giới thiệu ở mục tác giả trẻ nhé. Nếu đồng ý thì trả lời chú. Hai hôm sau thì cô bé trả lời, tất nhiên là rất vui. Tôi đã làm việc chưa từng có trước đấy, chọn một chùm 4 bài để in, và tôi viết sapo ký tên mình nữa. Trước đấy, chùm 3 bài là dành cho các tác giả đã thành danh. Rồi tôi chụp ảnh bản thảo đã đầy đủ chữ ký để đưa in cho cô bé, để khẳng định rằng thơ của cô sẽ in.

Đọc trên Facebook của cô thì biết đây là một cô giáo, ra trường đã mấy năm, dạy kèm loanh quanh trong xóm để nuôi mình, nuôi ước mơ làm cô giáo chính quy, và năm vừa rồi thi đậu công chức, được nhận về dạy một trường ở xã thuộc huyện Chư Prông, Gia Lai. Giáo viên cấp 3, thi công chức về làm giáo viên cấp 2. Nghe nói cô đậu với số điểm khá cao, vượt qua rất nhiều người để trở thành giáo viên. Cô rất mừng vì được đứng trên bục giảng, dù là phải ở xã, cuối tuần mới về nhà ở Pleiku. Cô bé có khuôn mặt rất xinh tuy có nhỏ con.

Và, sau đấy một tuần, nửa đêm, email của tôi báo có thư đến. Thư của Lữ Hồng, xin trích vài đoạn.

“Ia Pia, Chư Prông, đêm 22-4-2017

Chú kính mến,

… Cháu bị ung thư. U tụy đã di căn gan – loại ung thư dễ gây tử vong nhất trong các loại ung thư mà người ta thường mắc phải. Thấm thoát mà đã 8 năm rồi chú ạ. Hồi ấy, khi còn là một cô bé lớp 12, học trước tuổi, sau khi trải qua ca phẫu thuật sinh thiết gần như lớn nhất Khoa ngoại gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, cháu biết mình ung thư. Giai đoạn cuối. Tiêm mooc-phin là lời khuyên duy nhất các bác sĩ dành cho mẹ cháu, khi nhận được câu hỏi rằng: Nếu cháu lên cơn đau thì phải làm sao? Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…

Cháu vẫn nhớ như in lời các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế năm 2009, rằng các khối u đã “mọc rễ” trong người cháu, rằng chỉ có thể sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Đến giờ, cháu không dám chắc cháu đã chiến thắng được ung thư hay chưa? Nhưng ít nhất cháu đã không hủy hoại cuộc đời mình bằng việc nói quá nhiều về số phận. 8 năm là một quãng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cháu nỗ lực có được tấm bằng Cử nhân Sư phạm của Trường Đại học Quy Nhơn, đủ để cháu gõ đầu mấy đứa trẻ quanh xóm kiếm cơm, trong 4 năm ra trường chưa biên chế. Và giờ cháu đã đường hoàng đứng trên bục giảng với vai trò nhà giáo thực thụ. Chừng ấy năm sống chung với ung thư, cháu tin mình sống được là bởi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Dù cứ mỗi khi trong xóm có người ra đi vì ung thư là mẹ cháu lại bỏ bữa mấy ngày liền. Ông Trời lấy đi của cháu nhiều quá chú ạ, mà chỉ để lại cho cháu duy nhất nụ cười. Cháu dùng nó để chiến đấu với cuộc đời mình. Mỗi sáng khi trở dậy, việc đầu tiên cháu nghĩ là hôm nay vị thuốc nam ấy sẽ như thế nào: chan chát, bờn bợn hay nhớp nháp? Cháu tin là thuốc đã cứu mình 3 phần. Còn lại là sự lạc quan…

Cháu, Lữ Hồng”.

Lữ Hồng hôm nay

Tôi đã bàng hoàng khi đọc lá thư ấy. Và rồi tôi đã đến nhà thăm cô bé này, tên đầy đủ là Nguyễn Lữ Thu Hồng. Hết sức xinh đẹp, hết sức lạc quan, hết sức nhí nhảnh, hết sức thông minh… là những gì tôi thấy ở cô bé. Ba nguyên là thợ xây, mất sức giờ đi làm bảo vệ. Mẹ bán quà vặt trước cổng bệnh viện. Cô bé hết sức hạnh phúc khi có những đồng lương đầu tiên dù tôi nhẩm, có khi nó chỉ đủ tiền thuê trọ và đổ xăng về hàng tuần.

Nhà thơ Văn Công Hùng và Lữ Hồng

Bàn với một đồng nghiệp, chúng tôi hứa sẽ tiếp thêm năng lượng cho cô bé bằng chính khả năng của cô bé và của chúng tôi: In cho cô bé một tập thơ. Tôi là người trực tiếp biên tập. Một tờ báo đứng ra in.

Có mấy điều thần kỳ đã xảy ra từ khi chúng tôi và Lữ Hồng “có nhau”. Một là thơ của cô ngày càng hay. Hiện nay thơ Lữ Hồng đã có mặt ở hầu hết các tờ báo lớn của cả nước. Và thứ hai, sức khỏe của cô khá lên rõ rệt. Chính xác là năm kia, chúng tôi nghe thông tin cô bị vỡ u, nửa đêm chủ nhà trọ phải chở từ xã ra Bệnh viện 211 của Quân đoàn 3. Chúng tôi vào thăm, cô bé như một con mèo đói co quắp trên giường, mồ hôi đầm đìa trên mặt. Biết là rất đau, vì cả chục năm ung thư chưa bao giờ cô bé thể hiện sự đau yếu ra ngoài. Trước hết là để ba mẹ khỏi lo, thứ nữa là, tại sao lại phải thế khi mà ta còn chịu được, cô bé nghĩ thế, nên chỉ xuất hiện khi thật rạng rỡ. Thế mà giờ. Cô bé thều thào: Sao các chú biết, cháu có nói cho ai biết đâu.

Có mấy người bặm môi. Có ý kiến xin chuyển cô bé vào bệnh viện lớn ở TPHCM. Gặp bác sĩ điều trị, ai cũng khẳng định, không thể đi được, đi là sẽ chết dọc đường, thôi để đấy được thêm tí nào thì được. Có bác sĩ quen còn cầm phim ra giải thích: nó lung tung beng hết trong ấy rồi, lẫn lộn cái này vào cái kia, tòe loe rồi, chắc không lâu nữa đâu…

Ơ thế mà một tuần sau cô bé xuất viện. Nghỉ thêm một tuần, lại phóng xe xuống trường đi dạy. Giờ đã về một trường gần hơn. Trước cách nhà gần 50 cây số, giờ còn… gần 10 cây số, đường làng.

Cách đây mấy tháng, cô bé nhắn: “Chú ơi hôm nào chú cháu mình lại cà phê chú nhé. Chú cho phép cháu được mời ạ. Chú phải thật khỏe chú nhé”. Là cô bé biết tôi vừa ốm. Lại hôm khác, biết tôi lái xe đi xa, cô bé nhắn: “Bão quá, chú lái xe cẩn thận nhé. Sáng cháu chạy lên trường, xe cứ nghiêng nghiêng”. Cô bé đi xe máy, tôi lái ô tô mà lo ngược như thế. Và gần đây nhất, khi tôi hỏi sức khỏe thế nào, cô bé nhắn: “Cháu vừa ra viện mấy ngày, lại thêm chứng tiểu đường chú ạ. Cháu tiếp tục cố gắng ạ. Cháu tự tiêm Insulin ở nhà. Chuyện nhỏ chú ạ, cháu xác định chiến đấu lâu dài, hihi, cháu không báo ai ạ. Chú yên tâm về cháu nhé”.

Trên Facebook của mình, không ai hình dung đấy là một cô bé ung thư tụy cấp giai đoạn cuối đã… hơn 10 năm, và thêm tiểu đường phải tiêm Insulin rồi. Đầy tươi trẻ, đầy xinh đẹp, đầy nhựa sống, lúc nào cũng cười như tỏa nắng, lúc nào cũng học trò, trường lớp, lúc nào cũng phơi phới yêu đời…

Và rất nhiều thơ, các bài báo đăng ở các báo. Ngoài là niềm vui, nó cũng giúp cô bé có thêm tiền để chữa bệnh.

Bệnh thế, người ta sống đã khó, đã chật vật… Tôi quen mấy người bạn, đang yên đang lành, phát hiện ung thư. Chỉ sau một đêm là tóc bạc trắng, người tiều tụy. Đây vẫn dạy học, ở vùng xa, gần đây được chuyển về trường gần nhà, cách còn 7 cây số. Mà dạy giỏi, suốt ngày lo trường lớp, hở ra là viết. Một năm gần trăm bài báo, bài thơ được in trên các báo cũng là con số đáng nể.

Viết bài này vì tôi lại mới nhận tin nhắn: “Chú ơi, bao giờ chú về. Cháu đang nghỉ dạy vì dịch, muốn ngồi cà phê nghe chú nói chuyện”.

Mà tôi thì, đang ở Củ Chi.

Và vào Facebook, thấy cô bé khoe, vừa bước sang tuổi 29. Thế thì phải mừng cháu thôi, Lữ Hồng nhé, cố lên.

VĂN CÔNG HÙNG / SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

“Miễn dịch cộng đồng”: Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Anh không thành công?

"Miễn dịch cộng đồng": Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Anh không thành công?

Xử lý đồ họa: Đỗ Linh.

Nếu thành công, nước Anh sẽ thoát khỏi dịch một cách nhẹ nhàng. Nhưng nếu không thành công, cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Nước Anh đã có 4 tuần để nghiên cứu các bài học từ dịch Covid-19 ở Trung Quốc và một số nước khác, nhưng Chính phủ Anh đã lựa chọn một lối đi riêng.

Đó là “miễn dịch cộng đồng“. Nếu thành công, nước Anh sẽ ra khỏi dịch một cách nhẹ nhàng. Nhưng nếu không thành công, thì cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Sự lựa chọn của nước Anh

Cho đến sáng ngày 15/3, nước Anh có 1.372 người dương tính với corona virus, hơn 40.200 người đã được xét nghiệm, 35 người chết.

Ở một vài nơi, đã có hiện tượng người dân tích lũy giấy vệ sinh, thực phẩm, dung dịch rửa tay …

Tuy nhiên, trên đường phố, không có sự khác biệt đáng kể nào. Những khu vực trung tâm vẫn đông đúc vào ngày cuối tuần. Rất ít người đeo khẩu trang …

Một cuộc thăm dò ý kiến do tờ Observer tiến hành cách đây 2 ngày cho thấy, 44% ủng hộ cách làm của Chính phủ. 30% không ủng hộ.

Miễn dịch cộng đồng: Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Anh không thành công? - Ảnh 2.

Có vẻ như những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc, Italia, Pháp … chưa tác động nhiều vào người dân Anh.

Và những bài học từ Trung Quốc và nhiều nước khác cũng chưa được áp dụng tại Anh. Nước Anh có sự lựa chọn khác.

Trong cuộc họp báo hôm thứ năm vừa rồi, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: “Chúng tôi có những kế hoạch rất rõ ràng”. Ông muốn người dân Anh tin tưởng rằng, Chính phủ và các nhà khoa học, có khả năng kiểm soát tình hình.

Kế hoạch ứng phó của Anh gồm 4 giai đoạn: Ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu và giảm nhẹ. Hiện nay, là bắt đầu của giai đoạn 2 – Trì hoãn.

Nhà báo Devi Sridha viết: “Dường như, (kế hoạch này) chấp nhận rằng không thể ngăn chặn virus và nó có thể sẽ trở thành một loại cúm mùa hàng năm”.

Theo tính toán của những quan chức y tế Anh, “miễn dịch cộng đồng” sẽ hình thành khi khoảng 60% dân số nhiễm virus. Khi đó, cộng đồng tự hình thành kháng thể và miễn nhiễm, kể cả khi virus quay trở lại vào mùa đông năm sau.

Với cách tiếp cận này, hiện nay, không ưu tiên xét nghiệm diện rộng và truy xuất các tiếp xúc với nguồn lây; Những người có triệu chứng nhẹ không cần xét nghiệm mà chỉ tự cách ly tại nhà; Không cần cách ly hay đóng cửa trường học; không cấm các sự kiện thể thao hay các sự kiện tập trung đông người… Ngành y tế tập trung bảo vệ những người dễ tổn thương, bao gồm người già và những người có bệnh lý nền. Biện pháp mới nhất là cách ly những người từ 70 tuổi trở lên.

Nếu nước Anh không thành công…

Chỉ sau cuộc họp báo của Thủ tướng Anh vài giờ, các giải đấu bóng đá nhà nghề của Anh và Scotland ra thông báo dừng thi đấu, ngay cả khi chưa có lệnh của Chính phủ.

Cùng với sự tăng nhanh của những ca dương tính và số người chết, những phản ứng từ phía các nhà khoa học cũng nhiều hơn.

Băn khoăn của nhiều chuyên gia là, hiểu biết về Covid-19 còn quá ít. Người ta sợ rằng, Covid-19 không giống như cúm mùa và chưa biết hệ miễn dịch của con người sẽ phản ứng như thế nào.

Tỷ lệ tử vong của cúm mùa là 0,1%. Còn Covid-19, có tới 5 – 10% những ca dương tính cần được điều trị y tế tích cực. Tỷ lệ tử vong có thể từ 0,6% hoặc cao hơn, như trường hợp của Italia.

Theo GS William Hanage – một chuyên gia dịch tễ, với một số lượng lớn dân chúng nhiễm bệnh, con số tử vong là rất lớn. Tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao khi hệ thống y tế bị quá tải.

Hơn nữa, gần như là không thể tách biệt 80% số người nhiễm virus nhưng mạnh khỏe khỏi 20% số người nhiễm virus nhưng thể trạng yếu. Và khi không tiến hành xét nghiệm, thì không thể biết được chính xác ai đang mang virus và liệu người đó có bị nhiễm trở lại hay không.

Miễn dịch cộng đồng: Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Anh không thành công? - Ảnh 4.

Và vì không có xét nghiệm, khuyến cáo của cơ quan y tế Anh về việc tự cách ly tại nhà khi ai đó xuất hiện những biểu hiện cúm trở nên sơ hở: Virus có thể phát tán trước khi xuất hiện những triệu chứng.

Cho đến lúc này, trường học ở Anh vẫn mở cửa, dựa trên lập luận, trẻ em ít bị ốm. Nhưng ít bị ốm, không có nghĩa là không bị nhiễm virus và không lây virus cho người khác.

Richard Horton, Tổng biên tập Tạp chí Lancet – Một tạp chí y học hàng đầu ở Anh Quốc, nói “Chính phủ đang chơi trò roulette với dân chúng”. Trong trò roulette, người ta chỉ để 1 viên đạn trong ổ quay của khẩu súng ngắn, xoay ngẫu nhiên rồi gí vào đầu và bóp cò.

Theo một văn bản, được cho là thông tin dành cho hệ thống chăm sóc y tế công cộng của Anh, mới được tờ The Guardian tiết lộ, dịch Covid-19 có thể kéo dài trong 12 tháng nữa; 80% dân số Anh có thể nhiễm virus và 7,9 triệu người sẽ phải nhập viện.

Chưa rõ việc dự kiến thời gian dịch bệnh kéo dài 12 tháng nữa có phải là hệ quả của cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng” hay không ? Đây sẽ là sức ép quá lớn đối với hệ thống y tế.

Nếu các nước khác đã dập xong dịch mà nước Anh vẫn còn dịch, có nguy cơ nước Anh sẽ phải cắt đứt giao tiếp với bên ngoài.

Nhà báo Devi Sridhar viết “nếu không thành công, thì cái giá phải trả là rất nhiều thời gian bị lãng phí, sự quá tải của hệ thống y tế và nhiều cái chết không đáng có”.

Nhà báo Trần Uy (Từ Manchester)