Chiến lược mua thời gian của Đức để đối phó với dịch bệnh Vũ Hán

60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona” – Ý nghĩa thật sự của phát biểu trên là gì?

Đó là phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo hôm 11-3 tại Berlin. Nhưng thật ra bà chỉ dẫn lời một chuyên gia Đức, Giáo sư Christian Drosten, phát biểu ngày 28.2.2020, lúc đó nước Đức chỉ có 68 ca nhiễm virus. Ông Drosten nói: “60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona”.

Giáo sư Christian Drosten là một nhà virus học, Viện trưởng Viện virus học Charité – Đại học y khoa Berlin. Ông là một trong những người đồng phát hiện ra virus SARS, có liên quan mật thiết đến virus corona chủng mới hiện nay. Ông Drosten cũng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, khi nói đến virus corona chủng mới.

Với phát biểu trên, Giáo sư Christian Drosten muốn nói đến khả năng “miễn dịch cộng đồng” tại nước Đức. “Miễn dịch cộng đồng” trong tiếng Đức là “Herdenimmunität” và trong tiếng Anh là “Herd Immunity”.

Theo khoa hoc, để có được “miễn dịch cộng đồng” thì trong cộng đồng cần phải có một số lượng người có khả năng kháng virus này (miễn dịch với nó).

Khi những người có khả năng kháng với bệnh này chiếm số lượng khá nhiều trong cộng đồng, thì số người này giống như những lá chắn có khả năng “cô lập” những người đang bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và “bảo vệ” số ít những người còn lại trong cộng đồng có khả năng sẽ bị nhiễm.

Với tỉ lệ nhiễm của virus corona hiện nay được ước tính khoảng 2,28 (tức là tính trung bình, một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho 2,28 người khác) thì cần khoảng 60% – 80% người trong cộng đồng có khả năng kháng virus này, hay nói cách khác là cần 60% – 80% người trong cộng đồng nhiễm virus này (vì theo nghiên cứu cho thấy người bị mắc bệnh cúm Vũ Hán sau khi khỏi bệnh sẽ miễn nhiễm với virus này).

Nói tóm lại, theo nhà virus học, Giáo sư Christian Drosten, đại dịch cúm Vũ Hán chỉ thật sự chấm dứt khi nước Đức đạt đến trạng thái “miễn dịch cộng đồng”. Chỉ có 2 cách để đạt đến trạng thái này:

1. Tiêm vaccine phòng ngừa cho người dân (nhưng hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa virus Vũ Hán).

2. Cơ thể của phần lớn người dân (60% -70% dân số) tự tạo ra kháng thể chống lại virus này sau khi họ nhiễm bệnh và khỏi bệnh.

Vấn đề con số tử vong

Theo cái nhìn của các nhà khoa học, bệnh do virus corona nguy hiểm vì tính lây lan rất nhanh và là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện chưa có vaccine chủng ngừa và cũng chưa có phát đồ điều trị, nhưng nó chỉ là một loại bệnh cúm. Chẳng hạn như cúm mùa ở Đức, đến mùa lạnh là những người có sức đề kháng kém rất dễ nhiễm virus của cúm mùa, gây viêm phổi làm nhiều người chết hàng năm.

Theo ước tính của Viện Robert Koch (một cơ quan của Nhà nước Đức về các bệnh truyền nhiễm), mỗi năm có khoảng từ 4 đến 16 triệu người Đức bị nhiễm virus cúm mùa và con số tử vong có thể lên đến hàng chục ngàn người khi bị dịch cúm nặng, thí dụ đợt dịch cúm nặng mùa Đông năm 2017-2018, ước tính đã có 25.100 người chết ở Đức.

Điều đó có nghĩa rằng, bệnh do virus corona rồi đây cũng sẽ như những bệnh cúm khác, nó sẽ là một căn bệnh quen thuộc, người ta vẫn bị nhiễm và vẫn được điều trị đến khi khỏi bệnh nhưng không vì thế mà mất đi tính nguy hiểm của nó.

Hiện nay, nếu bị nhiễm virus Vũ Hán thì chưa chắc sẽ đổ bệnh nặng, 80% tự hồi phục mà không cần điều trị gì hoặc máy móc y khoa trợ sức, chính vì thế mà nước Đức để bệnh nhân (xét nghiệm dương tính với virus) cách ly ở nhà, hằng ngày có nhân viên y tế đến nhà chăm sóc. Biện pháp này cũng làm cho bệnh viện và nhân lực không bị quá tải, dành chỗ cho những trường hợp bị bệnh nặng.

Và cũng không phải ai đổ bệnh nặng là chết, đối với trẻ em và thanh niên (thuộc nhóm những người trẻ tuổi có sức đề kháng mạnh) cơ hội sống rất cao, trên 99%.

80% số ca tử vong là người trên 60 tuổi và đa số là người có bệnh lý nền (bệnh khác đã có sẵn trước khi nhiễm virus). Đây là nhóm người có tuổi tác xế chiều, tàn tạ, có sức đề kháng kém; hoặc cơ thể đã bị bệnh tật làm suy yếu từ trước, kể cả không bị nhiễm virus, họ cũng không còn có thể sống lâu.

Chiến lược trì hoãn, mua thời gian

Trở lại chuyện “miễn nhiễm cộng đồng“, dân số Đức hiện nay có 83 triệu người, thì 60% – 70% dân số là 50 – 58 triệu. Với tỉ lệ tử vong chung của Covid-19 là 2-3%, thì nước Đức sẽ có hàng triệu người chết” để tạo được “miễn nhiễm cộng đồng“.

Giáo sư Christian Drosten nhấn mạnh rằng, yếu tố thời gian có vai trò rất quan trọng trong vấn đề con số tử vong. Ông nói, nếu quá trình kéo dài nhiều năm thì con số người chết vì bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc một bệnh nào khác; hoặc chết một cách tự nhiên vì già lão, sẽ làm cho con số tử vong vì nhiễm virus nhỏ đi rất nhiều, sẽ bằng con số tử vong bình thường. Nói cách khác, số lượng người tử vong vì virus sẽ được rải đều theo dòng thời gian kéo dài vài năm, thay vì để nó xảy ra chỉ trong vòng 1 năm.

Thành ra, chiến lược của Đức là dùng các biện pháp cố gắng kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh để trì hoãn, mua thời gian.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã mô tả nhiệm vụ chính yếu trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh corona là kiềm chế sự lây lan của virus. “Chúng ta phải tranh thủ thời gian“, bà nói.

Hiện tại không có thuốc chữa trị và không có vắc-xin phòng ngừa. Và theo dự báo của các chuyên gia rằng 60 – 70 phần trăm dân số Đức sẽ bị nhiễm bệnh trong thời gian dài, điều quan trọng hơn hết là trì hoãn sự lây lan càng lâu càng tốt.

Cách thức trong cuộc chiến chống virus phải được xác định là không để cho hệ thống y tế bị quá tải.

Ảnh mô tả chiến lược mua thời gian của Đức

Chiến lược của Đức là dùng các biện pháp để kìm hãm tốc độ lây lan, như thế số người mắc bệnh được rải theo dòng thời gian kéo dài vài năm để tránh đỉnh của dịch lên cao quá ngưỡng, vượt quá mức khả năng của hệ thống y tế Đức. Tức là không có thời điểm nào số người mắc bệnh vượt quá khả năng của hệ thống y tế Đức. Nhờ đó mà người bị bệnh nặng có điều kiện được chữa trị chăm sóc đầy đủ, làm cho con số tử vong sẽ giảm bớt càng ít như có thể.

Cho đến nay (ngày 14-3) Đức đã thành công trong việc giảm tối đa con số tử vong: chỉ có 8 ca tử vong trong tổng số hơn 3.000 ca nhiễm. Chính con số tử vong quá ít này đã làm cho người Ý nghi ngờ Đức giấu giếm con số thật.

Những gì chúng ta làm không phải là không quan trọng. Không phải là vô ích. Không phải là uổng công“, bà Merkel nói.

Đó là việc bảo vệ người già và những người có sẵn bệnh khác từ trước, mà sự nhiễm bệnh dịch COVID-19 của họ có thể có diễn biến nghiêm trọng hơn.

Mức độ của cuộc khủng hoảng dịch virus corona vẫn chưa thể lường trước được, bà Merkel cảnh báo. Vẫn chưa biết thật sự những gì sẽ xảy ra trong quá trình đi tới “miễn nhiễm cộng đồng“.

So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, điều này có giá trị: “Chúng ta vẫn phải hành động với nhiều điều chưa biết, nhờ vậy mà tình hình đã khác“. Thủ tướng Merkel nói.

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Để tiết kiệm chi phí mà vẫn có không gian sống như ý, đôi vợ chồng Vũng Tàu chỉ xây nhà hai tầng, công năng vừa đủ.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Ngôi nhà trên mảnh đất 95 m2 trong một con hẻm ở thành phố Vũng Tàu là tổ ấm của một đôi vợ chồng trẻ.

Gia chủ muốn ngôi nhà của mình chỉn chu mà gọn gàng, tối giản và tiết kiệm chi phí nên các kiến trúc sư đưa ra thiết kế ngôi nhà hai tầng với tổng diện tích sàn là 116 m2 có công năng vừa đủ.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Trái với bề ngoài khép kín, không gian trong nhà thoáng đãng nhờ dành nhiều diện tích cho sân vườn.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Tầng trệt gồm phòng khách thông với phòng bếp – ăn cùng nhà vệ sinh chung nhỏ gọn.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Khoảng hiên lớn kết hợp cây xanh với gạch đỏ vừa tạo nên nét tự nhiên mộc mạc vừa giúp thông gió và lấy sáng.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Cầu thang bên bức tường bằng gạch đỏ dẫn lên tầng hai, nơi đặt không gian thờ cúng và hai phòng ngủ.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Hệ cửa kính ngăn cách phòng ngủ dành cho những đứa con tương lai, được mở để tạo độ thoáng.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Để tối đa hóa không gian sử dụng, phòng ngủ con có gác lửng. Khu vực bên dưới được bố trí bàn dài và tủ áo âm tường đủ cho hai bé sử dụng. Bên trên gác xép là sàn ngủ lớn. Sau này, nếu muốn riêng tư, một bé ngủ ở trên còn một bé ngủ đệm trải trên sàn gỗ ở dưới.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Cũng như các không gian khác, phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà đơn giản, ít nội thất. Phòng có khoảng cây xanh và hệ lam gỗ phía trước để tránh nắng.

Căn nhà tối giản của đôi vợ chồng ở Vũng Tàu

Sau một thời gian sống trong căn nhà, gia chủ thấy hài lòng và đúng đắn khi lựa chọn không gian sống nhỏ và vừa đủ. Chỉ phí trọn gói (bao gồm nội thất) của công trình là một tỷ đồng.

Bài: Minh Trang / Ảnh: Nguyễn Phi / Thiết kế: H2

Nhớ bà lùn hát xẩm trên tàu điện

Mỗi khi nhớ về tuổi thơ, mình lại nhớ những chuyến tầu điện leng keng, nhớ bà lùn hát xẩm trên tầu với những câu đối đáp chao chát nhưng đầy tự trọng!

Trên ti vi vừa phát chương trình hát xẩm, đề nghị tôn vinh các nghệ nhân dân gian và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tự dưng mình nhớ đến bà lùn hát xẩm trên các chuyến tầu điện ngày xưa.

Hồi ấy, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Mỗi lần đi tầu điện Hà nội – Hà đông để về quê sơ tán, mình lại được nghe bà lùn hát xẩm. Bà lùn chỉ cao chừng 80 cm, chân tay ngắn ngủn, lũn tũn. Bà thường đi hát một mình , nhưng đôi khi bà đưa theo một đứa con nhỏ cũng lùn tịt và lũn chũn như bà. Cả nhà bà sống ở bến tầu điện Bờ Hồ. Bà có khuôn mặt tròn khó đoán tuổi nhưng lúc nào cũng tươi vui, hóm hỉnh. Bà lùn hát không hay lắm nhưng mình rất khoái nghe bà nói chuyện và đối đáp với mọi người. Bà thường ngồi bệt giữa toa tầu, một tay cầm đàn nhị , một cái sênh, một cái phách, một tay cầm cái mê nón đựng tiền mọi người cho. Trước khi hát bao giờ bà cũng chắp tay, mỉm cười như những nghệ sĩ đang hát trên sân khấu:

– Nhà cháu xin được chào các ông các bà, các anh các chị , các em và các cháu. Hôm nay nhà lùn cháu xin được góp vui với các ông các bà, các anh các chị những bài hát đậm đà tình nghĩa quê hương để chuyến tầu của các ông các bà được vui vẻ. Mong rằng các ông các bà rộng lòng mở cửa ngân hàng để nhà cháu hôm nay được mở cửa công ty lương thực ạ. Nếu rộng lòng hơn chút nữa thì nhà cháu còn được đi của hàng thực phẩm và rau xanh. Cả toa tầu cười ồ vì lối nói ví von hoa mỹ của bà lùn. Sau đó bà kéo nhị rồi cất giọng khàn khàn, rè rè hát:

Anh đi anh nhớ… quê nhà
Nhớ canh rau muống… nhớ cà…à à… đầm tương….

Đôi khi bà hát:

Mẹ em tham giầu, khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti,
Làng trên, chợ dưới thiếu gì trai tơ
Em trót đem thân cho thằng bé nó dầy vò
Đêm đông tháng giá, nó nằm co trong lòng
Cũng mang thân là gái đã có chồng
Chín đêm trực tiết, nằm không cả mười!
Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
Em cũng liệu cho thằng trẻ ranh,
Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn.
Em buồn em lại nhấc thằng bé nó lên,
Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy tì tì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ơi , hoa nở mấy lần?

Cũng có khi hai mẹ con bà hát chầu văn. giọng con bé non nớt nhưng vảnh vót hòa với giọng rè rè, khê khê của bà nghe buồn não nuột:

Gió xanh xanh, nước xanh xanh
Sớm tình tình sớm…a… trưa tình tình trưa
Âý ai ơi tháng đợi năm chờ
Mà người ngày ấy…bây giờ là đây
Hồng hồng, tuyết tuyết…ư ư
Mới ngày nao chẳng biết cái chi chi
15 năm bỗng chốc có ra gì
Nay ngoảnh lại đã tới kỳ tơ liễu…

Và nhiều khi hai mẹ con bà đối đáp, bà hát:

– Cái gì nó bé nó cay
Cái gì nó bé nó hay cửa quyền

Con bé cất giọng lảnh lót:

– Hạt tiêu nó bé nó cay
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền

Mỗi khi hai mẹ con hát xong , mọi người ai cũng vui vẻ đặt tiền vào cái nón mê của bà. Bà lùn cúi gập người cảm ơn từng người. Ông bán vé tầu trêu bà:

– Người bằng một mẩu thế mà còn chê chồng ”bé tí tỉ tì ti..”.

Bà vênh mặt cãi:

– Nhà bác chả biết gì cả. Bé đây là bé tâm bé tính, bé suy nghĩ, bé cái tư cách làm chồng, chứ cái thằng bé 3 tuổi thật thì chim nó bằng cái quả ớt ấy ai đã cho nó lấy vợ. Tôi một mẩu thế chứ nhà bác cứ thử đụng vào tôi xem, tôi cho quả pháo đùng của bác nổ tung xác

Cả toa tầu cười như vỡ chợ. Ông bán vé tầu ngượng quá bảo:

– Úi giời, con mẹ lùn, người thì bé mà vẫn thích gié to.

Bà cười bảo ai mà chả thích to.

Có hôm tầu vắng, bà ngồi ngắm chiếc mê nón có vài đồng xu lẻ (hồi ấy vẫn tiêu tiền xu) nói : hôm nay công ty lương thực lại đóng cửa rồi. Bà lơ đãng nhìn xa xôi, ánh mắt buồn xa vắng. Mình bảo bà ngồi lên ghế, bà bảo:

– Chỗ của xẩm là phải ngồi bệt ở dưới đất. Ngồi chênh vênh trên ghế hát hò gì. Với lại tôi lùn một mẩu thế này ngồi ghế có ngày ngã bổ chửng.

Một hôm, có ông khách trông dáng rất sộp lên tầu. Khi bà cất tiếng hát, ông tỏ vẻ khó chịu rồi vứt vào mê nón của bà tờ 2 hào và bảo:

– Thôi bà đừng hát nữa, nghe sốt ruột lắm. Bà cầm tờ 2 hào đua trả lại ông và nói :

– Cảm ơn ông khách đã có lòng hào phóng, nhưng Lùn tôi phục vụ lấy tiền chứ không đi ăn xin. (tờ 2 hào lúc ấy khá nhiều so với mức mọi người thường cho bà).

Bà thường chỉ đi đến chỗ tránh tầu ở Cầu Mới (Thanh Xuân bây giờ) rồi quay ra. Nhiều hôm mình cũng đi tầu vào Cầu mới rồi lại quay ra Bờ hồ chỉ để nghe bà hát và nhớ ca từ.

Sau này, cứ mỗi khi lên tầu mà không thấy bà lùn là mình lại nhớ và cảm thấy chuyến tầu ấy thật buồn tẻ!

Mỗi khi nhớ về tuổi thơ, mình lại nhớ những chuyến tầu điện leng keng, nhớ bà lùn hát xẩm trên tầu với những câu đối đáp chao chát nhưng đầy tự trọng!

Theo NGUYỄN TUYẾT HẠNH / HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM

Vì sao các đại dịch lại thường bắt nguồn từ động vật?

Con người luôn luôn có nguy cơ mắc bệnh từ động vật, bởi vì hầu hết các động vật đều mang một loạt mầm bệnh trong cơ thể. Sự sống sót tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới.

Vì sao con người dễ nhiễm bệnh từ động vật?Thế giới đang vật lộn với chủng virus corona mới, được cho là xuất phát từ động vật hoang dã. Vừa qua cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào nhiều gia đình, nhà hàng và khu chợ trên toàn quốc, bắt giữ gần 700 người vì vi phạm lệnh cấm bắt, bán hoặc tiêu thụ động vật hoang dã.

Cuộc đàn áp đã thu giữ gần 40.000 động vật bao gồm sóc, chồn, lợn rừng. Điều này cho thấy thói quen ăn động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận động vật cho y học của người Trung Quốc không thể biến mất trong một đêm, dù dịch bệnh do virus corona vẫn bùng phát nghiêm trọng.

Trong khi hệ thống miễn dịch của vật chủ mới cố gắng tiêu diệt mầm bệnh thì mầm bệnh cũng sẽ “tìm cách” tiến hóa để tồn tại bằng cách sang một loài mới. Có nghĩa là cả mầm bệnh và vật chủ giống như bị nhốt trong một trò chơi tiến hóa vĩnh cửu là cố gắng tìm ra những cách mới để tiêu diệt lẫn nhau.

Trong khi đó, sự phát triển kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu đang loại bỏ và làm thay đổi môi trường sống của động vật, thay đổi cách chúng sống, nơi chúng sống và loài nào ăn loài nào.

Cách sống của con người cũng đã thay đổi, với 55% dân số toàn cầu hiện đang sống ở các thành phố, con số này 50 năm trước là 35%. Những thành phố lớn hơn này cung cấp những ngôi nhà mới cho động vật hoang dã: chuột, gấu trúc, sóc, cáo, chim, chó rừng, khỉ…

Chúng có thể sống trong không gian xanh như công viên, vườn nhà và để lại những chất thải ở khắp nơi, khiến cho không gian đô thị xuất hiện thêm rất nhiều bệnh mới.

Sự biến đổi của môi trường, khí hậu hiện nay đang đẩy nhanh quá trình này. Nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh mới trở nên nhanh và ở quy mô rộng hơn.

Dịch virus corona hiện nay có tốc độ lan nhanh chóng mặt cũng vì những nguyên nhân này. Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ sau khi Trung Quốc báo cáo về trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, đến nay đã có hàng chục nghìn ca nhiễm trên toàn cầu, và hơn 2.000 người trong số đó đã tử vong. Con số lây nhiễm dự kiến sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.

Những ai có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao nhất?

Đó là nhóm đối tượng sống ở thành phố nhưng làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc động vật, do có nhiều cơ hội tiếp xúc nguồn và người mang mầm bệnh.

Nhóm đối tượng này cũng có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn do dinh dưỡng kém, thường xuyên tiếp xúc với không khí chất lượng thấp hoặc điều kiện không vệ sinh. Và nếu bị nhiễm bệnh, họ thường ít chú ý và không đủ điều kiện đến cơ sở y tế.

Dịch bệnh mới lây lan nhanh chóng ở các thành phố lớn vì dân cư đông đúc; hàng nghìn người có thể hít thở cùng bầu không khí và chạm vào cùng một bề mặt.

Một trong các nguyên nhân đáng chú ý khác là trong một số nền văn hóa, người dân sử dụng động vật hoang dã để làm thức ăn, khiến virus gây bệnh dễ lây truyền từ động vật sang người. Trong 50 năm qua, một loạt các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng từ động vật sang người.

Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn; đại dịch cúm gia cầm 2004-2007 xuất phát từ chim; dịch cúm lợn năm 2009 là do loài lợn. Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất phát từ loài dơi, thông qua trung gian là cầy hương; trong khi đó loài dơi cũng gây ra đại dịch Ebola.

Con người luôn nhiễm bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết bệnh truyền nhiễm mới đến từ động vật hoang dã. Nhưng điều đáng nói là sự thay đổi của môi trường đang đẩy nhanh tiến trình này, yếu tố cuộc sống thành phố và nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng càng khiến những căn bệnh này xuất hiện và lây lan nhanh hơn.

Con người phải chấp nhận sự xuất hiện của đại dịch là một phần của tương lai

Các chuyên gia nhận định rằng, con người phải chấp nhận sự xuất hiện của dịch bệnh như là một phần của tương lai của chúng ta. Việc “chủ động thừa nhận” đặt chúng ta vào thế mạnh hơn để chống lại các đại dịch mới.

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỉ người và giết chết 50 – 100 triệu người trên toàn thế giới. Sau đó, các tiến bộ khoa học và sự rót vốn đầu tư cho nghiên cứu y tế toàn cầu đã giúp loài người ít nhiều có thể đương đầu với những căn bệnh như thế trong tương lai.

Cách phòng chống bệnh lây từ động vật sang người

Ăn thức ăn đã nấu chín: Nên thực hiện ăn chín uống sôi, tránh ăn uống các loại thực phẩm tái sống, nhất là các món ăn làm từ thịt sống như gỏi, tiết canh… để phòng tránh vi khuẩn, vi-rút lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang cơ thể người.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật khi giết mổ: Khi giết mổ động vật, tránh tiếp xúc trực tiếp với cơ thể động vật mà nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như gang tay, khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm trực tiếp mầm bệnh sang con người. Đồng thời nên vệ sinh sạch sẽ thịt động vật sau khi giết mổ, tránh để lây nhiễm các loại chất cặn bã, dư thừa trong quá trình giết mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào thịt thành phẩm.

Tuyệt đối không ăn thịt động vật đã chết trước khi giết mổ: Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng thịt động vật ngay cả khi chúng đã chết. Đây là nguyên nhân khiến các loại vi khuẩn, vi-rút và mầm bệnh gây hại cho động vật lây nhiễm sang con người và gây nên dịch bệnh.

Tránh sử dụng thịt động vật không rõ nguồn gốc: Các loại động vật hoang dã được săn bắt làm thực phẩm và được coi là đặc sản nhưng lại ẩn chứa mối nguy hại khi tiềm ẩn nhiều loại vi-rút và mầm gây bệnh đáng sợ cho con người mà không hề được phát hiện hay kiểm tra. Thực tế đã cho thấy, những đại dịch gần đây đều có nguồn gốc từ các loại thịt động vật hoang dã.

Nuôi cách ly các loại gia súc gia cầm: Nước ta có thói quen chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm gần khu dân cư hoặc trong khuôn viên gia đình. Đây là mối nguy hiểm rất lớn khi các loại động vật này mắc bệnh và có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp sang người một cách nhanh và dễ dàng. Để phòng tránh dịch bệnh và giữ vệ sinh, bạn nên chăn nuôi các loại gia súc gia cầm cách ly xa khu vực dân cư.

Rửa tay và vệ sinh cá nhân trước khi ăn: Rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ăn luôn được các bác sĩ khuyến cáo nên làm để phòng tránh các loại dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vệ sinh trước khi ăn còn giúp ngăn ngừa các loại vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn có hại trước khi lây nhiễm trực tiếp vào thức ăn.

Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch rõ ràng: Một trong những biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là việc lựa chọn thực phẩm. Bạn nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình và tránh mua phải thực phẩm có nguồn gốc nhiễm bệnh.

Vệ sinh xung quanh môi trường sống: Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống giúp tiêu diệt các loài vật trung gia truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, bọ… đồng thời giúp môi trường sống thêm sạch sẽ, thông thoáng, tránh các loại vi khuẩn và mầm bệnh trong không khí.

Hạn chế đến nơi có ổ dịch bệnh: Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, các loại gia súc gia cầm còn sống và nhất là đến các nơi có ổ dịch bệnh để phòng tránh dịch bệnh lây lan trực tiếp. Nếu bắt buộc phải đi đến những nơi phát hiện có ổ dịch, bạn nên đeo khẩu trang y tế, rửa tay và vệ sinh cá nhân bằng nước sát khuẩn.

Vệ sinh cá nhân và tiêm phòng dịch: Nên thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng các loại nước sát khuẩn khi có dịch bệnh bùng phát và tiêm phòng dịch để phòng tránh các loại dịch bệnh.

Tiêm phòng cho gia súc gia cầm: Để hạn chế dịch bệnh lây nhiễm từ gia súc gia cầm, bạn nên tiêm phòng cho gia súc gia cầm để phòng tránh dịch bệnh khoảng 3 tháng trước khi giết mổ.

Theo MOITRUONG.COM.VN / BBC

Trung Quốc ngầm dọa nhấn chìm Mỹ trong biển virus corona

Khi số lượng các ca nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đang giảm dần trong khi virus hoành hành bên ngoài Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tăng cường đe dọa chống lại phương Tây, đặc biệt là một cảnh báo mang đầy thù hằn về việc kiểm soát nguồn cung các loại thuốc cực kỳ quan trọng đối với người Mỹ trong dịch bệnh.

trump - xi
(Ảnh qua: Kyodonews)

Trong một bài viết của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Bắc Kinh khoe khoang chiến tích xử lý dịch bệnh viêm phổi COVID-19, vốn gây ra bởi một chủng virus corona mới bắt nguồn từ một thành phố của Trung Quốc và đang nhanh chóng lây lan toàn thế giới, khiến hơn 5.000 người thiệt mạng và hơn trăm nghìn người nhiễm bệnh. Bài viết cũng ngầm ý cảnh báo rằng Trung Quốc có thể áp dụng hạn chế xuất khẩu các loại thuốc quan trọng để Mỹ ngập chìm trong “biển virus corona”.

Lời đe dọa khó chịu được đưa ra trong khi WHO chính thức coi viêm phổi Vũ Hán là một đại dịch toàn cầu, hậu quả của nó đối với phương Tây có thể trở nên vô cùng đáng sợ nếu Trung Quốc thực sự kiềm tỏa việc xuất khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc. Gần đây, Cơ quan Lương thực và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) đã tuyên bố lần đầu tiên về việc thiếu thuốc do virus corona. Mặc dù FDA không tiết lộ loại thuốc nào bị thiếu, cơ quan này có nói rằng họ không thể tiếp cận tới đủ nguyên liệu thô do chúng được sản xuất ở Trung Quốc.

Điều này không khiến Thượng nghị sĩ Marco Rubio ngạc nhiên. Trên kênh Fox News, ông cảnh báo rằng Mỹ ‘đang phụ thuộc một cách nguy hiểm’ vào Trung Quốc trong việc sản xuất các hàng hóa quan trọng, trong đó có những công nghệ cần thiết để chống lại COVID-19.

Mặc dù Mỹ là lãnh đạo toàn cầu trong ngành nghiên cứu, phần lớn việc sản xuất các loại thuốc quan trọng đã được chuyển dịch ra nước ngoài. Nhà máy sản xuất một thành phần quan trọng trong penicillin cuối cùng của Mỹ đã đóng cửa năm 2004. Kể từ đó, các hãng dược phẩm của Trung Quốc đã tiến vào và chiếm lĩnh thị trường sản xuất, cung cấp từ 80 đến 90% kháng sinh cho Mỹ, 70% Paracetamol và khoảng 40% Heparin, theo Yangzhong Huang, nhà nghiên cứu lâu năm về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế.

Nếu Trung Quốc hiện thực hóa lời đe dọa là phong tỏa xuất khẩu thuốc cho Mỹ, Thượng nghị sĩ Rubio tin rằng hậu quả sẽ vô cùng trầm trọng.

Và trong khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn ứng phó với virus và bảo vệ người dân của mình, Trung Quốc đang tự đóng vai trò một “anh hùng bảo vệ thế giới” đến mức đòi hỏi Mỹ và thế giới phải cảm ơn họ.

Trung Quốc vì chống lại dịch viêm phổi corona đã trải qua hy sinh to lớn, chúng ta nên thản nhiên khí khái mà tuyên bố rằng: ‘Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi, thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn’.” bài báo viết.

Ông Rubio cho rằng toàn bộ người Mỹ nên cảm thấy quan ngại vì bình luận của Bắc Kinh và Trung Quốc hoàn toàn hiểu rõ ràng, trong giai đoạn khủng hoảng như thế này “khi họ có thể đe dọa cắt bỏ nguồn cung ứng thuốc cho chúng ta, họ có thể tạo ra những vấn đề trong lòng nước Mỹ mà khiến cho chúng ta khó mà có thể công khai đối đầu với họ”.

“Đó là một quân bài gây áp lực cực lớn”, ông Rubio nói.

Trước đó, Trung Quốc từ lâu đã tiến hành một chiến dịch truyền thông tự quảng bá thành tích ngăn dịch của lãnh đạo Tập Cận Bình, đồng thời cố gắng đổ vấy Mỹ là thủ phạm “tạo ra virus corona và đem nó đến Vũ Hán”.

Trung Quốc mới đây cho xuất bản một cuốn sách có tựa: “Chiến trường chống dịch: Trung Quốc chiến đấu chống COVID-19 năm 2020”, tập hợp báo cáo của Bắc Kinh về công lao của ông Tập Cận Bình và tầm quan trọng của sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong việc chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Bắc Kinh thậm chí còn cho dịch sách ra tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Ả Rập.

Hôm thứ Năm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên Twitter, mạng xã hội bị cấm bởi chính Trung Quốc, nghi ngờ rằng quân đội Mỹ đã đem virus tới Vũ Hán:

Mỹ có bệnh nhân số 0 từ khi nào? Bao nhiêu người đã bị lây nhiễm? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai số liệu của các vị! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích!”.

Vài ngày trước đó, Lin Songtian, đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi nói đầy ngụ ý rằng: “Mặc dù dịch bệnh nổ ra đầu tiên ở Trung Quốc, nó không nhất thiết nghĩa là virus này có nguồn gốc Trung Quốc chứ đừng nói được tạo ra ở Trung Quốc”.

Quan chức Trung Quốc cũng cực ghét việc chính quyền Trump hoặc một số hãng truyền thông Mỹ đôi khi sử dụng cụm từ “virus corona Vũ Hán”, chỉ trích rằng tên gọi này mang hiềm khích bất công với Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2019, khi các ca COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, rất nhiều hãng thông tấn thế giới đã bắt đầu dùng tên gọi “virus Vũ Hán”. Nhưng tháng trước, WHO đã đặt tên chính thức cho dịch bệnh là COVID-19 cùng tên của virus là Sars-CoV-2 nhằm tránh việc liên hệ dịch bệnh với một địa khu hay dân tộc cụ thể nào.

Nhưng việc đổi tên không khiến một số người thay đổi, chẳng hạn Ngoại trưởng Mike Pompeo, người bỏ qua các cảnh báo trước của Bắc Kinh và cố ý gọi virus là “Vũ Hán virus” sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án làm vậy là “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Thượng nghị sĩ Rubio cho rằng ĐCSTQ đang chỉ ngón tay vào Mỹ để khơi dậy tinh thần dân tộc nhằm giải tỏa sự bực tức của người dân với chính họ ở trong nước.

Cổng trực tuyến Xilu.com của Quân đội Trung Quốc gần đây đăng một bài viết cáo buộc vô căn cứ rằng virus là một vũ khí sinh học được Mỹ sản xuất nhằm tấn công Trung Quốc”, ông Rubio nói, theo Fox News.

Hôm 13/3, chính quyền Mỹ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tới Bộ Ngoại giao Mỹ để phản đối bình luận của người phát ngôn BNG Bắc Kinh ám chỉ quân đội Mỹ đã đưa virus corona vào Vũ Hán.

Trung Quốc đang cố tình đánh lạc hướng những chỉ trích của dư luận về trách nhiệm của mình khi gây ra đại dịch toàn cầu và còn che giấu với thế giới”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

“Việc phát tán thuyết âm mưu là nguy hiểm và nực cười. Chúng tôi muốn cảnh báo chính phủ Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động này, vì lợi ích của người dân Trung Quốc cũng như thế giới,” người này nói thêm.

Trọng Đức / Trithucvn