Thị trấn cổ tích nước Pháp

Với những ngôi nhà nửa gỗ nhiều màu sắc chạy dọc bờ kênh, Colmar được xem là một trong những thị trấn Trung Cổ đẹp nhất thế giới.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Ẩn mình giữa những chân đồi trồng nho của dãy núi Vosges, vùng Alsace, đông bắc nước Pháp, Colmar là một trong những thị trấn Trung Cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu.

Colmar nằm cách thành phố Strasbourg khoảng 70 km và giáp biên giới Đức. Thị trấn cũng nằm trên tuyến đường sắt chính từ Strasbourg đến  Besel, Thụy Sĩ.

Được thành lập vào năm 884 bởi hoàng đế Charles III (Charles The Fat), đế quốc Carolingian. Trong lịch sử, Colmar từng thuộc sở hữu của Thụy Điển, Đức.

Trong thế chiến thứ 2, các khu vực lân cận bị ném bom và tàn phá, tuy nhiên Colmar vẫn được giữ nguyên vẹn. Cho tới năm 1945, nơi đây mới chính thức là một phần của Pháp. Mặc dù có lịch sử nhiều biến động với chiến tranh, hỏa hoạn, các tòa nhà ở Colmar vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho tới ngày nay. Ảnh: Canadastock/Shutterstock.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Colmar đặc trưng với những ngôi nhà nửa gỗ với sắc xanh, hồng, bạc hà và vàng hoa mai. Tất cả nằm ngay ngắn trên những con đường lát đá cuội dẫn tới con kênh hiền hòa. Người dân thường giữ đường phố ngăn nắp và trang trí ngôi nhà giống như một tác phẩm nghệ thuật, với những giỏ hoa, đèn và cả chiếc xe đạp cũ. Ảnh: Mariano Luis Fraga/Shutter Stock.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Lang thang trên đường phố, nhiều du khách ngỡ như lạc bước vào những câu chuyện cổ tích thời ấu thơ. Blogger du lịch người Anh, Lucy viết “Những ngọn tháp cao có thể là nơi nàng Rapunzel buông mái tóc dài qua cửa sổ, còn các ngôi nhà nhỏ tựa như nơi ở của 7 chú lùn”. Ảnh: Daliu.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Điểm tham quan đầu tiên là Maison Adolph, kiến trúc cổ nhất trong thị trấn, được xây dựng vào khoảng năm 1350. Ngôi nhà ảnh hưởng kiến trúc Gothic, với cửa mái vòm nhọn, mang phong cách Đức. Tầng thứ 3 và tường nửa gỗ ở mái nhà được xây dựng thêm vào thế kỷ 16. Ảnh: Roman Babakin.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Ngôi nhà Pfister xây dựng vào năm 1537 và chủ nhà là thợ săn Ludwig Scherer. Nhà góc 2 tầng, phòng trưng bày gỗ, tháp pháo hình bát giác và những bức tranh tường thể hiện những hình ảnh trong Kinh Thánh. Tên Pfister được đặt theo một gia đình đã cải tạo ngôi nhà và sống ở đó từ năm 1841 đến 1892. Ảnh: Walter Weiss/Shutterstock.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

“Viên ngọc quý” của thị trấn là quận Petit Venice, được mệnh danh là Venice nhỏ của nước Pháp. Con kênh ngắn, êm đềm chảy qua khu phố. Hai bên bờ kênh trồng cây xanh và các loài hoa nhiều màu sắc. Một số tòa nhà ở đây có từ thế kỷ 14.

Ở đây có tour ngồi thuyền, ngắm cảnh trên kênh. Mỗi chuyến đi kéo dài 25 phút và người lái thuyền sẽ thuyết minh, giới thiệu về lịch sử, câu chuyện của thị trấn. Thuyền khởi hành dưới chân cầu Saint-Pierre, giá 7 EUR (185.000 đồng) một người, miễn phí cho trẻ dưới 10 tuổi. Ảnh: Canadastock/Shutterstock. 

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Thị trấn còn nhiều điểm tham quan khác như nhà thờ Thánh Matthew, nhà thờ Dominica, nhà thờ Thánh Martin với kiến trúc Gothic Trung Cổ.

Ngoài ra, khách có thể thăm bảo tàng lịch sử Unterlinden có khoảng 7.000 cổ vật, tranh ảnh về lịch sử của vùng Alsace. Ảnh: Milosk50.

Thị trấn cổ tích nước Pháp

Hoàng hôn là khi thị trấn đẹp và thanh bình nhất; tháng 4 – 10 là thời gian thích hợp để du lịch. Mùa cao điểm du lịch từ tháng 7 – 8 vì trùng với lễ hội rượu vang của Alsace.

Phương tiện phổ biến nhất để tới Colmar là tàu hỏa. Từ Paris, mỗi ngày có khoảng 30 chuyến tàu tới đây, thời gian di chuyển 3 tiếng 40 phút. Trạm khởi hành là Paris gare Lyon. Ảnh: Gaspar Janos.

Lan Hương (Theo Visit Alsace)

10 Sự thật thú vị về tính cách con người

Có bao giờ bạn ngồi lại và nhìn nhận lại cá tính của mình chưa? Bạn có thấy rằng tính cách của mình ảnh hưởng rất nhiều đến cách chúng ta thể hiện hành vi, cách chúng ta giao tiếp với người khác, ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ, chất lượng cuộc sống của mình không?

Nguồn: https://www.verywellmind.com/facts-about-personality-2795436

Tính cách làm nên con người chúng ta. Nó ảnh hưởng lên hầu hết tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, từ cách chọn lựa nghề nghiệp, cách ta tương tác với gia đinh, và những lựa chọn bạn bè hoặc người yêu. Nhưng đâu là yếu tố ảnh hưởng lên tính cách? Liệu ta có thể thay đổi tính cách, hay những đặc trưng tính cách chung sẽ luôn bất biến theo thời gian?

Tính cách là một chủ đề đầy lôi cuốn, trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu kỹ càng nhất trong tâm lý học. Chính nhờ tất cả những nghiên cứu này mà các nhà tâm lý học mới tìm ra được hàng loạt những yếu tố tác động lên tính cách cũng như cách tính cách ảnh hưởng lên hành vi.

1. Thứ tự sinh có thể ảnh hưởng lên tính cách

Bạn có lẽ đã nghe qua về quan niệm này đâu đó rồi. Những đứa con cả thường được mô tả là hơi “ra vẻ sếp” hoặc “rất có trách nhiệm”, trong khi con út đôi khi lại được cho là “bốc đồng” và “vô trách nhiệm”. Nhưng những khuôn mẫu này đúng được bao nhiêu đây?

Nhiều thập kỷ trôi qua, những cuốn sách về tâm lý học đại chúng vẫn luôn ‘lần mò’ để tìm ra ảnh hưởng của thứ tự sinh lên tính cách, nhưng chưa có bằng chứng xác đáng nào về hiện tượng này được ghi nhận mãi cho đến thời gian gần đây. Một vài nghiên cứu thực nghiệm đã phát hiện ra rằng những yếu tố như thứ tự sinh và kích thước của một gia đình có thể thực sự ảnh hưởng lên tính cách. Có nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng thứ tự sinh có thể ảnh hưởng lên quyết định chọn bạn bè và người yêu; con cả có xu hướng kết thân với những đứa trẻ khác cũng là con cả, con thứ sẽ chơi với con thứ, và con út sẽ kết bạn với những đứa khác cũng là con út.

Một nghiên cứu khác xuất bản gần đây trên Tập san PNAS cho rằng nhiều khuôn mẫu hay định kiến liên quan đến thứ tự sinh, cho rằng con cả hay ra dáng sếp hay con út thường thiếu trách nhiệm, không phải lúc nào cũng đúng.

Có một nghiên cứu thực hiện tập trung trên nhóm tham dự viên gồm hơn 5,000 người Mỹ, gần 4,500 người Anh và hơn 10,000 người Đức. Mặc dù các nhà nghiên cứu thực sự thấy rằng con cả có khuynh hướng đạt được điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh nhưng họ vẫn tiến hành tìm hiểu xem liệu thứ tự sinh thực sự có ảnh hưởng lên bản tự đánh giá trên 5 yếu tố của tính cách hay không: tính hướng ngoại, tâm lý bất ổn, tính dễ chịu, tính tận tâm và tính cởi mở. Nghiên cứu đã phát hiện rất ít bằng chứng chứng minh sự liên kết nào giữa thứ tự sinh và bản chất con người.

Mặc dù nghiên cứu này không có nghĩa rằng thứ tự sinh không có ảnh hưởng nào lên tính cách nhưng ít nhất cũng giúp ta biết được rằng chủ đề này cần được đào sâu và tìm hiểu kỹ hơn nữa.

2. Tính cách của bạn tồn tại khá ổn định trong suốt cuộc đời

Bạn nghĩ tính cách có thể thay đổi theo thời gian hay nó kiên định như đá trường tồn cùng thời gian? Trong các nghiên cứu dài hạn về tính cách, người ta thấy rằng một số đặc tính cốt lõi của tính cách sẽ khá ổn định theo thời gian. Ba khía cạnh thực sự có thay đổi theo thời gian là mức độ lo âu, sự thân thiện, và khao khát trải nghiệm cái mới.

Theo nhà nghiên cứu Paul T. Costa Jr., không có bằng chứng nào thể hiện rằng những đặc trưng tính cách chung của chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian.

Ông giải thích trong một bài báo trên tờ New York Times, “Cái thay đổi khi bạn lớn lên và già đi đó là những vai trò và những vấn đề gây ảnh hưởng nhiều nhất lên bạn. Mọi người có thể nghĩ rằng tính cách của họ đã thay đổi khi họ lớn lên, nhưng cái thay đổi ở đây là thói quen, thể chất và sức khỏe, trách nhiệm cùng với những hoàn cảnh mới của họ – chứ không phải là tính cách căn bản”.

3. Đặc trưng tính cách có liên đới đến một số bệnh lý nhất định

Trong quá khứ, người ta có nghi ngờ rằng có một số đặc trưng tính cách khác nhau góp phần gây nên một số bệnh lý nhất định. Ví dụ, sự hằn học và hung hăng thường có liên hệ với bệnh lý về tim. Điều khó khăn ở đây là mặc dù đã có nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa chúng nhưng lại có một số nghiên cứu khác chứng minh điều ngược lại.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật thống kê có tên phân tích tổng hợp nhằm đánh giá lại những nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa tính cách và bệnh tật. Họ đã phát hiện ra rằng thực sự có mối liên hệ giữa đặc trưng tính cách nhóm tâm lý bất ổn và 5 bệnh lý: đau đầu, hen suyễn, viêm khớp, loét tiêu hóa và bệnh tim.

Một nghiên cứu khác lại kết luận rằng tính nhút nhát có thể gây ảnh hưởng làm giảm tuổi thọ.

4. Động vật cũng có tính cách riêng

Có bao giờ bạn nghĩ rằng con thú bạn yêu thương cũng có tính cách riêng, không con nào như con nào? Các nhà nghiên cứu về động vật đã phát hiện ra các loài động vật, gần như là tất cả mọi loài (từ nhện đến chim, voi) đều có tính cách riêng, chúng có sở thích, hành vi và thói quen đi cùng chúng suốt cuộc đời.

Mặc dù quan điểm này còn vấp phải chỉ trích, nhiều người cho rằng nó thể hiện việc nhân tính hóa quá đà, hay nói cách khác là gán ghép tính cách của người vào con vật, nhưng các nhà nghiên cứu về tính cách động vật đã có thể xác định được những dạng hành vi nhất quán có thể đo lường và kiểm tra được bằng thực nghiệm.

5. Nghiên cứu gần đây thấy rằng có năm đặc trưng tính cách cốt lõi

Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã tranh luận xem là có chính xác bao nhiêu đặc trưng tính cách tồn tại. Những nhà nghiên cứu đầu tiên như Gordon Allport cho rằng có khoảng 4,000 đặc trưng tính cách riêng biệt, trong khi có người như Raymond Cattell lại đề xuất rằng chỉ có 16 mà thôi.

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu về tính cách ủng hộ học thuyết mô hình tính cách 5 yếu tố, mô tả 5 chiều hướng lớn tạo nên tính cách ở con người:

– Tính hướng ngoại.
– Sự dễ chịu.
– Sự tận tâm.
– Tâm lý bất ổn.
– Tính cởi mở.

6. Tính cách ảnh hưởng lên sở thích cá nhân

Chắc chẳng có ai bất ngờ gì với sự thật là tính cách có thể ảnh hưởng lớn lao lên những sở thích cá nhân, nhưng chắc bạn sẽ ngạc nghiên khi biết được mức độ ảnh hưởng này lớn đến mức nào. Từ cách bạn lựa chọn bạn bè đến gu của bạn trong âm nhạc, tính cách riêng biệt của bạn có thể tác động lên gần như tất cả các lựa chọn của bạn trong đời.

Ví dụ, bạn có thể khá tự hào rằng mình đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các vấn đề trước khi chọn ủng hộ một ứng cử viên nào đó, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính cách của bạn có thể đóng một vai trò mạnh mẽ trong quan điểm và việc bầu chọn ứng viên chính trị. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto đã phát hiện ra rằng những người tự nhận mình là hơi bảo thủ sẽ sở hữu đặc trưng tính cách trật tự ngăn nắp, trong khi những người tự nhận mình là tự do phóng khoáng sẽ có lòng thấu cảm cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đặc trưng tính cách ẩn sâu này, trật tự hoặc tự do, đều có thể ảnh hưởng lớn lên những quyết định, quan điểm chính trị của mỗi người.

7. Người ta có thể bình phẩm chính xác về tính cách của bạn dựa trên hồ sơ Facebook

Khi bạn nghĩ về nhân dạng của con người trên các mạng xã hội, bạn có thể tưởng tượng rằng hầu hết mọi người đều cố thể hiện một phiên bản lý tưởng hóa từ hình ảnh thực của chính mình. Rốt cuộc thì, trong hầu như lúc nào bạn cũng đều phải lựa chọn thông tin để tiết lộ cho người khác. Bạn phải chọn tấm hình đẹp đẽ nhất của mình để đăng, bạn có thể chỉnh sửa và xem lại những bình luận trước khi nhấn gửi đăng. Thật đáng ngạc nhiên là trong một nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng hồ sơ Facebook thực sự là là một công cụ truyền tải hiệu quả tính cách thực sự của bạn.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã điều tra 236 hồ sơ trực tuyến của các sinh viên. Tham dự viên cũng điền vào một bảng hỏi được thiết kế nhằm đo lường các đặc trưng tính cách bao gồm tính hướng ngoại, tính dễ chịu, sự tận tâm, tâm lý bất ổn và sự cởi mở.

Quan sát viên sau đó sẽ đánh giá mức độ tính cách của tham dự viên dựa trên hồ sơ trực tuyến của họ, và những quan sát này sau đó sẽ được so sánh với kết quả của bảng hỏi đo lường tính cách. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quan sát viên có thể đọc được chính xác tính cách một con người dựa trên hồ sơ Facebook của họ.

Nhà tâm lý học và trưởng nhóm tác giả Sam Gosling giải thích,“Tôi nghĩ rằng việc có thể thể hiện chính xác tính cách góp phần vào sự nổi tiếng trên mạng xã hội theo 2 cách. Thứ nhất, nó cho phép người dùng cho mọi người biết họ là ai và, bằng cách đó, làm thỏa mãn nhu cầu căn bản là được mọi người biết đến. Thứ hai, việc này thể hiện rằng người dùng cảm thấy họ có thể tin tưởng vào thông tin họ lượm lặt được từ các hồ sơ trên mạng xã hội, xây dựng sự tự tin nơi họ vào hệ thống này nói chung.”

8. Có vô vàn yếu tố có thể góp phần hình thành rối loạn nhân cách

Ước tính có khoảng 10 đến 15% người trưởng thành tại Hoa Kỳ mắc triệu chứng của ít nhất một rối loạn nhân cách. Các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều yếu tố có thể góp phần khởi phát những rối loạn nhân cách khác nhau như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ranh giới.

Những yếu tố này bao gồm:

– Di truyền.
– Mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa.
– Tính nhạy cảm cao.
– Lăng mạ bằng lời nói.
– Chấn thương từ thời thơ ấu.

9. Các đặc tính vượt trội khá hiếm gặp

Nhà tâm lý học Gordon Allport đã mô tả đặc tính vượt trội là những đặc tính thống trị đời sống một người tới mức mà mọi người khi nhắc đến đặc tính này là biết và nghĩ ngay đến người sở hữu đặc tính đó. Tuy nhiên, những đặc tính này được xem là khá hiếm. Trong nhiều trường hợp, người ta trở nên quá nổi tiếng vì những đặc tính này đến mức tên riêng của họ được đồng nghĩa hóa với dạng tính cách ấy. Hay cứ nghĩ xem những thuật ngữ hay được người ta sử dụng như: gã Đông Gioăng, Chí Phèo, Bụt, Lọ Lem (ND Việt hóa để phù hợp với văn hóa Việt Nam)

Điều này khác đối với hầu hết mọi người, vì tính cách được cấu thành từ một hỗn hợp những đặc tính trung tâm và thứ cấp. Đặc tính trung tâm là những đặc tính hình thành nên nền tảng của tính cách, trong khi đó đặc tính thứ cấp là những đặc tính liên quan đến sự yêu thích, thái độ, và những hành vi đặc thù cho từng tình huống.

10. Thú cưng của bạn có thể tiết lộ tính cách bạn

Bạn sẽ tự nhận mình là người “yêu mèo” hay “yêu chó”? Theo một nghiên cứu, câu trả lời của bạn cho câu hỏi này thực sự có thể tiết lộ thông tin quan trọng về tính cách bạn.

Trong một nghiên cứu trên 4,500 người, các nhà nghiên cứu đã hỏi các tham dự viên rằng liệu họ thấy bản thân mình ưa chó hơn hay mèo hơn. Những người này cũng hoàn thành một bảng khảo sát tính cách được đo lường bởi mô hình tinh cách 5 yếu tố.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tự nhận mình là người thích chó sẽ có xu hướng hướng ngoại hơn và luôn muốn làm vui lòng người khác, trong khi đó những người tự mô tả mình thích mèo có xu hướng hướng nội và hay tò mò hơn.

Theo nhà nghiên cứu Sam Gosling, một nhà tâm lý học tại Đại học Texas-Austin, thì kết quả này có thể là một gợi ý quan trọng trong lĩnh vực trị liệu bằng thú cưng. Bằng cách sàng lọc tính cách, các trị liệu viên có thể kết nối những người đang có nhu cầu với những con thú phù hợp nhất với tính cách của họ.

Theo LINDANGA.COM

Cựu binh Gạc Ma và ký ức hơn 1.000 ngày đày ải trong nhà tù Trung Quốc

Sống sót trong trận chiến lịch sử Gạc Ma – Trường Sa và trở về sau gần 4 năm bị giam tại nhà tù Trung Quốc, suốt 30 năm qua, cựu binh Lê Minh Thoa vẫn nhớ như in trận hải chiến đẫm máu năm ấy đã cướp đi mạng sống của 64 đồng đội.

Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa là 1 trong 9 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam may mắn còn sống sót trong trận chiến Gạc Ma – Trường Sa (14/3/1988). Giờ đây, anh Thoa quay về với cuộc sống đời thường, mở quán phở mang tên Gạc Ma – Trường Sa để mưu sinh cùng cha mẹ và vợ con. 

Những người lính bất tử bảo vệ đảo Gạc Ma

Ngôi nhà nhỏ ở số 5D Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nơi cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa cùng gia đình sinh sống được gia đình bài trí rất đơn giản để dành chỗ để bàn ghế bán phở. Ngôi nhà nhỏ nay là quán phở với cái tên rất đặc biệt, phở Gạc Ma – Trường Sa.
Bên trong quán phở, những bức hình lưu niệm về cột mốc chủ quyền, người lính hải quân, bằng khen… đặc biệt là tấm hình anh chụp chung cùng 8 đồng đội trở về sau trận chiến lịch sử Gạc Ma được treo ở vị trí trang trọng. Với cựu binh Lê Minh Thoa, đó không đơn giản chỉ là kỷ niệm mà còn là những ký ức vô giá, nhắc anh nhớ về những người đồng đội đã mãi mãi ra đi không trở về.

Cựu binh Lê Minh Thoa (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng 8 đồng đội
(mặc quân phục hải quân) sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc.
Lê Minh Thoa sinh ra trên vùng đất võ Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Năm 18 tuổi, anh Thoa rời quê hương, bắt đầu học sửa chữa máy móc tàu thủy, rồi được nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Ngày 11/3/1988, anh Thoa nhận lệnh tăng cường vận tải cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma – Trường Sa (Việt Nam).

Là lính hải quân, được nhận nhiệm vụ trên biển là cả một niềm tự hào, anh Thoa háo hức lên đường. Anh Thoa kể: “Tàu chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16h chiều 13/3/1988 thì thả neo cách đảo Gạc Ma chỉ chừng 500 mét. Thế nhưng vài chục phút sau, chúng tôi thấy một tàu Hải quân Trung Quốc chạy về phía đảo Gạc Ma, liên tục mở loa phóng thanh phát oang oang bằng giọng lơ lớ những câu cho rằng đảo Gạc Ma là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam phải rời đảo. Các chiến sĩ của ta đều bỏ ngoài tai những điều phi lý, tiếp tục triển khai nhiệm vụ. Đến 12h đêm, khi thủy triều xuống, chúng tôi đưa vật liệu xây dựng và lương thực lên đảo, đồng thời cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma”.

Sáng sớm ngày 14/3/1988, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc của Việt Nam tung bay trên đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc tràn lên đảo, tấn công giật cờ Việt Nam. Anh em chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ cờ, bảo vệ đảo. Nhưng trong trận chiến không cân sức ấy, lính Trung Quốc quá đông, lại được trang bị hỏa lực mạnh, nên nhiều chiến sĩ đã gục ngã dưới lá cờ Tổ quốc.
.

Cựu binh Lê Minh Thoa (trái) chụp hình cùng đồng đội trong đại lễ cầu siêu, 
tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn 
và 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma – Trường Sa.
“Chỉ 15 phút, 3 tàu chiến Trung Quốc đồng loạt nã pháo sang các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 của Hải Quân Việt nam. Riêng tàu HQ 604 bị cháy ca bin ngay quả pháo đầu tiên, lập tức mất liên lạc. Trung Quốc nã pháo như mưa, chẳng mấy chốc cả 3 tàu của ta bị cháy rồi chìm. Sau khi tàu chìm, quân lính Trung Quốc không chịu buông tha, cứ phát hiện người nào của ta còn sống mà ngoi lên mặt nước thì lập tức chúng xả súng liên hồi cho đến chết”, anh Thoa đau đớn hồi tưởng. 

Hơn 1.000 ngày đày ải trong nhà tù Trung Quốc

Theo anh Thoa kể, khi đó anh bị thương ở chân, bỏng lưng nhưng may vớ được 2 quả bí để làm phao. Mỗi khi xuồng máy lính Trung Quốc đến gần, anh lại lặn sâu xuống biển nên không bị bắn. Trôi dạt tự do đến 5h chiều cùng ngày, tưởng như cái chết đã cận kề, anh Thoa bỗng thấy một tàu ở phía xa chạy tới. Nghĩ mình sẽ được cứu, nào ngờ khi tàu lại gần, nhìn thấy chữ Trung Quốc in trên mạn tàu, anh nhắm mắt lại và nghĩ đến cái chết.
.

Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa nay bán phở mưu sinh.

“Tàu Trung Quốc thả xuồng cùng 3 lính chạy đến gần chỗ tôi, ra dấu hiệu cho tôi đầu hàng. Khi thấy tôi ôm 2 quả bí, chúng nghĩ tôi ôm bom nên không dám đến gần rồi chúng bắn dọa. Tôi nghĩ đầu hàng cũng chết nên quyết không giơ tay. Sau đó, chúng dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy nằm bên cạnh mình là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu vì trúng đạn”, anh Thoa nhớ lại.

Khi bị giam giữ tại nhà tù Lôi Châu, anh Thoa cùng 8 đồng đội bị nhốt riêng biệt, mỗi tuần chỉ có 2 bữa cơm đạm bạc, còn lại toàn cháo trắng. Lính Trung Quốc bắt anh cùng đồng đội lao động rất nặng nhọc như làm đường, đổ bê tông, chẻ củi…
Đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. Cuối tháng 8/1991, anh Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước. Mãi đến khi đó, anh Thoa mới biết rằng trong trận huyết chiến đó có 64 chiến sĩ của ta đã hy sinh.
“Lúc đó, đoàn Hội Chữ thập đỏ nói với chúng tôi rằng chắc chắn giữ được mạng sống, nhưng về nước hay không thì phải tùy thuộc nhiều thứ. Mỗi người chúng tôi được phép viết vài dòng vào tờ giấy (không quá 24 chữ cái) để gửi lời đến gia đình. Tôi chỉ viết rằng, con ở đây vẫn khỏe, bố mẹ yên tâm, với mong muốn gia đình ở quê sẽ có chút tin tức về tôi”, anh Thoa nói.
Từng lập bàn thờ con…
Nhớ về những ngày tháng cũ, bà Lê Thị Mười, mẹ anh Thoa bùi ngùi: “Trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở quê nhà gia đình nghe tin tàu của con tôi đã bị Trung Quốc bắn chìm, các chiến sĩ bị chết, gia đình đau xót. Gia đình nhận giấy báo tử nên đã lập bàn thờ thằng Thoa. Thế mà gần 4 năm sau, thằng Thoa còn sống quay trở về. Đó là điều kỳ diệu lớn nhất của gia đình tôi”.

Quán phở với cái tên đặc biệt phở Gạc Ma – Trường Sa để anh tưởng nhớ

đến những đồng đội đã ra đi mãi mãi không trở về.
Giờ đây, trở về cuộc sống đời thường, anh Thoa mở quán phở tại nhà để mưu sinh cùng cha mẹ và vợ con. Anh đặt tên quán phở là Gạc Ma – Trường Sa để nhớ về những người đồng đội mãi mãi không bao giờ trở về. Suốt 30 năm qua, người cựu binh ấy vẫn chưa thôi đau đáu về những tháng ngày lịch sử.
“Làm sao có thể quên được! Tôi hằng đêm vẫn mơ thấy những đồng tôi chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đảo Gạc Ma”, anh Thoa bùi ngùi.
Đặc biệt, giờ đây niềm vui của ông chủ quán phở Gạc Ma – Trường Sa là anh đã được công nhận là thương binh. “Từ năm 2013, khi trái gió trở trời vết thương cũ tái phát nên đi khám bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm ở đầu và bả vai. Có lẽ, trước đây máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này, khi làm hồ sơ giám định lúc ấy chỉ thương tật 11%, chế độ chỉ nhận 1 lần. Sau nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng và nhờ báo chí lên tiếng, tôi được giám định lại thương tật với kết quả 29%. Cuối năm 2017 khi hoàn tất hồ sơ, tôi đã được công nhận thương binh. Vậy là ước nguyện bao năm đã thành sự thật”, anh Thoa xúc động.
Doãn Công /  Dân Trí

Làm thế nào để biết bạn đã mắc Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm thông thường?

Bất kể khi nào bị ốm với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, bạn cũng nên nghỉ ngơi ở nhà.

[Infographic] Làm thế nào để biết bạn đã mắc Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm thông thường? - Ảnh 1.

Một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Việt Nam đăng trên tạp chí Epidemics cho thấy mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 320,525 đến đến 1.824.195 trường hợp mắc các triệu chứng giống cúm. Nghĩa là họ sẽ sốt, mệt mỏi và ho trong vài ngày, nhưng các triệu chứng này không đặc hiệu cho bất kỳ một căn bệnh cụ thể nào.

Mặc dù vậy, trong thời điểm đại dịch Covid -19 đang lây lan trên khắp thế giới và xuất hiện cả ở Việt Nam, những người hiện đang mắc các triệu chứng giống cúm hẳn cũng sẽ lo lắng: Liệu mình có đang nhiễm virus SARS-CoV-2 không? Hay đó chỉ là một cơn cảm cúm thông thường?

Bài viết này sẽ là một hướng dẫn tham khảo dành cho bạn.

COVID-19 có những triệu chứng gì?Những người bệnh mắc Covid-19 thường có 3 triệu chứng chính: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này khởi phát sau khoảng trung bình 5,1 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc và bị lây nhiễm bởi virus. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài hơn, có thể dao động trong khoảng 2 đến hơn 14 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy các trường hợp cá biệt có thể ủ bệnh lên tới 29 ngày, tuy nhiên, con số này rất rất ít. Tới 97,5 % bệnh nhân sẽ phát bệnh trong vòng 11,5 ngày.

Ngoài sốt, ho, khó thở là các triệu chứng thường gặp, người nhiễm Covid-19 có thể chia sẻ một số triệu chứng khác với cúm và cảm lạnh thông thường như sau:

Nếu có các triệu chứng của COVID-19, bạn nên làm gì?Nếu có các triệu chứng của Covid-19 nhưng không cảm thấy quá nặng, đừng hoảng sợ, có thể bạn chỉ bị cảm lạnh hoặc cúm thông thường mà thôi. Nếu trước đây bạn chưa từng tiếp xúc gần với một người dương tính với Covid-19, thì đó tiếp tục là một bằng chứng giúp bạn yên tâm hơn.

Tuy nhiên, bởi bản thân bạn không khỏe, bạn vẫn nên tự cách ly ở nhà. Ngay cả các bệnh đường hô hấp thông thường như cúm cũng có thể lây cho người khác và khiến họ bị ốm. Tùy theo sức đề kháng và tình trạng sức khỏe của người nhiễm, ngay cả cúm thường cũng nguy hiểm đối với những người già và người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư…

Giáo sư Preeti Malani, Trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Đại học Michigan cho biết: “Mặc dù hiện nay trọng tâm phòng dịch đang được đặt vào Covid-19, tuy nhiên, một sự thật là cả bệnh cúm mùa cũng đang lưu hành”.

Vì vậy, bất kể khi nào bạn bị ốm với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, bạn cũng nên nghỉ ngơi ở nhà. Nhìn chung, các bệnh gây ra bởi virus đường hô hấp rất dễ lây lan. Bạn nên che miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng bệnh cho cả bản thân và những người xung quanh.

Stanley Perlman, giáo sư khoa Vi sinh và Miễn dịch học Nhi khoa tại Đại học Iowa cho biết: “Điều này đặc biệt đúng nếu trong cộng đồng của bạn đã có người nhiễm bệnh [Covid-19], sẽ là một lựa chọn khôn ngoan khi bạn không đi tới những nơi công cộng”.

Giả sử bạn là một người trẻ tuổi, khỏe mạnh và không mắc bệnh nền, các triệu chứng của Covid-19 có thể khá nhẹ và giống với cảm, cúm thông thường. Mặc dù cơ thể bạn có thể chiến đấu với căn bệnh này dễ dàng, nhưng nếu chủ quan và đi ra ngoài, bạn sẽ trở thành một nguồn lây nhiễm tiềm năng cho xã hội.

Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco cho biết, “nếu bạn đang sụt sịt mà bắt buộc phải ra ngoài, khuyến nghị của CDC là hãy đeo khẩu trang để tránh truyền bệnh cho người khác“.

Mặc dù khẩu trang không được khuyến khích sử dụng ở người khỏe mạnh, tuy nhiên, những người đang bị bệnh hoặc có triệu chứng bệnh bắt buộc phải đeo chúng để phòng ngừa cho người khác.

Nếu có triệu chứng của Covid-19, bạn nên đeo khẩu trang y tế dùng một lần thay vì khẩu trang vải. Đồng thời, bản thân bạn vẫn phải rửa tay thường xuyên để tránh làm lây lan mầm bệnh lên các bề mặt ở nhà và cả nơi công cộng (trong trường hợp vẫn bắt buộc phải ra ngoài).

Lý tưởng nhất, bạn nên tự cách ly bản thân tại nhà, tự chăm sóc để hạn chế lây lan căn bệnh của mình cho người khác, bất kể nó là cúm thường hay Covid-19.

Khi nào bạn cần xét nghiệm và chăm sóc y tế?Ngoài các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19, bạn bắt buộc phải tìm sự trợ giúp y tế một khi cảm thấy khó thở nặng hoặc đau ngực. Bạn cũng sẽ cần đi khám nếu thấy triệu chứng ho nặng hơn. Chắc chắn, ngay cả khi bạn không nhiễm Covid-19 đi chăng nữa, ho nặng vẫn là một biểu hiện cho thấy bạn cần đi viện.

Hiện tại, xét nghiệm là phương pháp duy nhất giúp bạn biết chính xác mình có đang nhiễm Covid-9 hay không. Các triệu chứng lâm sàng là chưa đủ để kết luận về tình trạng bệnh của bạn.

Nếu bạn đã đi du lịch đến một quốc gia có nguy cơ cao trong vài tuần qua, hoặc đã tiếp xúc gần gũi với ai đó được xác nhận dương tính với Covid-19, bạn nên gọi đường dân nóng, khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm phù hợp.

Trong khoảng thời gian chờ được cách ly và xét nghiệm tại cơ sở y tế, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khác trong gia đình. Lý tưởng nhất, bạn nên có phòng riêng với phòng vệ sinh riêng.

Bạn không nên tự mình đi đến một bệnh viện hoặc phòng khám mà không báo trước đặc điểm dịch tễ của bạn.

Vì nếu làm điều đó, bạn có nguy cơ lây nhiễm cho tất cả những y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tiếp xúc với bạn mà không được chuẩn bị trước. Bạn cũng có thể phơi nhiễm mầm bệnh cho những người ngồi ở phòng chờ với mình, trong số đó có thể có những đối tượng rất dễ tổn thương và mắc bệnh nặng sau khi nhiễm Covid-19.