Một số công trình trên mặt nước nổi tiếng thế giới

Xây dựng kỳ quan trên mặt nước là một bước đi táo bạo của con người trong việc chinh phục những điều không thể. Dưới đây là những kiệt tác sở hữu vị trí thiết kế độc đáo này.Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 2 3.jpg

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 1 1.jpg

Khách sạn Burj Al Arab (Dubai): Với 56 tầng, Burj Al Arab được biết tới là nơi nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới. Xây dựng từ năm 1994 đến 1999, công trình sở hữu độ cao 320 m tính từ mặt đất và trở thành khách sạn cao thứ 5 trên thế giới. Để có được vị trí như ngày hôm nay, một hòn đảo nhỏ nhân tạo cách đất liền 300 m với đường nối vào bờ riêng đã hình thành. Du khách sẽ di chuyển bằng trực thăng hoặc những chiếc xe Rolls-Royce sang trọng khi tới đây.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 2 3.jpg

Cầu Veluwemeer Aqueduct (Hà Lan): Thay vì nằm trên mặt nước, cây cầu được xây dựng bên dưới và trở thành một tuyệt tác độc đáo của quốc gia. Vào năm 2002, công trình chính thức hoạt động với đường thủy dài 25 m, rộng 19 m, sở hữu công suất 28.000 ô tô mỗi ngày.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 3 5.jpg

Tòa nhà Punta Della Dogana (Venice, Italy): Tòa nhà Punta Della Dogana là công trình nghệ thuật bao quanh bởi nước nổi bật nhất ở Venice. Nền móng tại đây được xây dựng bằng cách đẩy mạnh các cọc gỗ dài xuống cát dưới nước. Tòa nhà từng là trung tâm của các hoạt động hải quan trong thành phố. Bắt đầu từ năm 2009, nơi này được công bố trở thành một không gian triển lãm và còn tồn tại cho đến ngày nay.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 4 6.jpg

Cung điện Jal Mahal, Jaipur (Ấn Độ): Tọa lạc tại hồ Man Sagar ở Jaipur, cung điện Jal Mahal được sở hữu bởi các vị vua Rajput. Với diện tích 121 ha, nơi đây đã phát triển và trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách ghé thăm và chụp ảnh.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 6 8.jpg

Đảo Peberholm (Đan Mạch): Tọa lạc tại phía Nam đảo Daltholm, Peberholm là hòn đảo nhân tạo, nối liền vùng đất giữa Đan Mạch vàThụy Điển. Nơi đây sở hữu chiều dài khoảng 4 km, được xây dựng bởi tổ chức Oresundsbron. Hòn đảo không đón khách du lịch ghé thăm, chỉ có các nhà sinh vậy học mới có cơ hội tới đây để làm nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn hệ sinh thái xung quanh.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 7 9.jpg

Cung điện Deeg (Ấn Độ): Nằm giữa hồ Rup Sagar và Gopal Sagar, cung điện được xây dựng cho những người cai trị Jat. Vào năm 1772, công trình hoàn thành và thiết kế theo phong cách kiến trúc Mughal độc đáo. Nơi đây là điểm đến nhiều du khách muốn đặt chân đến khi tới Ấn Độ.

Loat cong trinh noi tieng the gioi duoc xay dung tren mat nuoc hinh anh 8 10.jpg

Sân bay Kansai (Nhật Bản): Đối mặt với tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Osaka, các kỹ sư ở Nhật Bản phải đưa ra giải pháp để khắc phục nhanh chóng. Từ năm 1987, ba ngọn núi đã được đào để lấy đất, 10.000 công nhân và hơn 80 tàu được sử dụng để xây dựng một sân bay trên hòn đảo nhân tạo. Sân bay chính thức khai trương vào năm 1994 và hoạt động liên tục cho đến ngày nay.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / WORLD ATLATS

“Bộ vó của thằng ăn cắp”

Xưa, có một người học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, người học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ là thủ phạm ăn cắp.

Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm, người học trò được thả về. Khi về làng, gặp thầy và bè bạn, người học trò tức tưởi kể lại sự việc, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.

Vị thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh phạt trò mười roi. Người học trò rất ngạc nhiên nhưng không dám cãi lời thầy, líu ríu leo lên bộ ván nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.

"Bộ vó của thằng ăn cắp"
Một lớp học ngày xưa (Ảnh qua giadinh.net)

Các bạn học thấy thế, ngạc nhiên thưa: “Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?”

Vị thầy từ tốn giải thích: “Đành rằng trò ấy vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ ăn cắp? Ta phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu trò ấy không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa.”

Phật gia có câu “tướng tự tâm sinh”, có nghĩa là dáng vẻ, dung mạo bên ngoài của mình đôi khi là thể hiện của nội tâm ở bên trong. Nếu trong lòng vui vẻ, thảnh thơi thì nét mặt sẽ tươi tắn, lạc quan; nếu lo nghĩ, buồn bực thì sẽ mang gương mặt ão não, u sầu; nếu muốn bố thí, giúp đỡ người khác thì biểu lộ phong thái tự tin, độ lượng, bao dung; nếu khởi tâm tham lam, muốn trộm cắp thì cử chỉ lấm lét, dò xét, v.v…

Người học trò kia tuy không ăn cắp, nhưng lại có phong thái của kẻ ăn cắp, như vậy mới khiến người ta nghi ngờ. Vị thầy đồ chính là “phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp” nhằm uốn nắn cái tâm, chỉnh đốn tư cách, phong thái của học trò. Bởi người có học thì cần tự tin, đĩnh đạc, chính trực, không thể lấm lét, khuất tất để người khác nghi ngờ được.

Câu chuyện tương tự không chỉ tồn tại ở phương Đông.

Một lần, Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam hơn 40 tuổi đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.

Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của anh ấy.”

Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”

Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”

"Bộ vó của thằng ăn cắp"
(Ảnh qua Neatorama.com)

Kỳ thực, con người đến tuổi trung niên, thì phong thái có thể sẽ để lộ tính cách và phẩm chất của người đó. Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa, thánh thiện. Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ là hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ mọn thì phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt. Có người tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung thì người này có thể là thuần khiết thiện lương.

Ngày nay, những con người tham gia giao thông mà chúng ta gặp trên đường, có bao nhiêu người mà nhìn vào biểu cảm khuôn mặt của họ có thể khiến chúng ta cảm thấy bình an? Chúng ta tự hào với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến nhưng chú trọng đến khoa học thực tiễn và xem nhẹ việc giáo dục đạo đức và tâm linh. Một khi thước đo giá trị của xã hội nghiêng nặng về những thứ vật chất bề ngoài như kỹ thuật, công nghệ hơn là những giá trị đạo đức và nhân văn, thì đất nước sẽ phải đối diện với nhiều mối họa.

Chúng ta đang rất thiếu và cũng rất cần cái “tâm” của con người. Bài học của thầy giáo quê mùa kia, và bài học của Tổng thống Mỹ ấy, phải chăng là điều mà các nhà giáo dục hiện đại cần suy ngẫm?

Hy Vọng / Trithucvn

Chuyện tự do yêu đương trong thời nhà Trần

Nhà Trần là triều đại khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân tộc. Tự do yêu đương chỉ là một trong những biểu hiện.

Đọc lịch sử ít ai để ý vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có một “vết xấu” mà các sử gia Lê – Nguyễn chê bai. Đó là chuyện ông yêu công chúa Thiên Thành, nhưng Thiên Thành lại bị vua đem gả cho Trung Thành Vương. Trần Quốc Tuấn không chịu, “đương đêm lẻn vào tư thông với công chúa” (ĐVSKTT). Chuyện “hủ hóa” này không những không bị vua Trần Thái Tông trị tội mà còn đem Thiên Thành gả luôn cho ông. Vua Trần Thái Tông tôn trọng tự do yêu đương, nhưng Ngô Sĩ Liên cho đây là cuộc “hôn nhân bất chính”, còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì bình luận: “Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”.

Chuyện bắt đầu từ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, người mà giáo sư Trần Quốc Vượng bảo là đã để cho dòng họ mình “bám váy” vào triều đình, từ đó khai sinh ra nhà Trần. Bà Trần Thị Dung có nhiều mối tình lãng mạn trước khi trở thành hoàng hậu của nhà Lý và sau khi nhà Trần thay nhà Lý bà lại tái giá với thái sư Trần Thủ Độ. Hai người con gái của bà với vua Lý Huệ Tông là công chúa Chiêu Thánh (tức nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh, sau đó nhường ngôi cho Trần Cảnh, và công chúa Thuận Thiên lấy anh của Trần Cảnh là Trần Liễu. Vì lo lắng cho tương lai của triều Trần khi Chiêu Thánh chậm sinh con, Trần Thủ Độ và bà đã bàn với nhau ép Trần Liễu nhường công chúa Thuận Thiên khi ấy đã mang thai về làm vợ Trần Cảnh, rồi ép Trần Cảnh phế hoàng hậu Chiêu Thánh, đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần. Kết quả của cuộc cưỡng ép hôn nhân trái khoáy nhất trong lịch sử này là công chúa Thuận Thiên trở thành mẹ của vua Trần Thánh Tông và là bà nội của vua Trần Nhân Tông. Bà Trần Thị Dung chính là bà ngoại và bà cố ngoại của hai ông vua anh minh này. Bà không những có công khai mở triều Trần mà còn có công lớn đối với đất nước, là người trực tiếp tổ chức hậu cần cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông.

Các sử gia nho sĩ thời Lê – Nguyễn đã lên án kịch liệt “thói chung chạ” này, gọi đó là “đầu têu dâm loạn”. Chuyện Trần Thủ Độ vì quốc gia đại sự mà ép Trần Cảnh lấy chị dâu của mình ngày nay có thể còn nhiều tranh cãi, bản thân Trần Cảnh lúc ấy cũng phản đối cuộc hôn nhân trái khoáy này, nhưng việc bà Trần Thị Dung và công chúa Chiêu Thánh tái giá thì rõ ràng là thể hiện sự tôn trọng khát vọng làm vợ làm mẹ chính đáng của người phụ nữ.

Phải thừa nhận vua quan nhà Trần rất “thông thoáng” trong chuyện trai gái, điển hình là chuyện của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Trần Khánh Dư là một vị tướng quân tài giỏi, vua Trần Thánh Tông vì mến tài nên nhận làm con nuôi (Thiên tử nghĩa nam), được phong làm Nhân Huệ Vương. Công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, là con dâu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thế mà Trần Khánh Dư lại ngang nhiên “thông dâm” với công chúa Thiên Thụy. Tội lớn đó không thể tha, vua lại sợ làm phật lòng Trần Quốc Tuấn, nên “sai đánh chết” Khánh Dư, nhưng lại dặn đánh nhẹ tay không để chết, sau đó tước hết quan chức đuổi làm dân thường, về làm nghề đốt than và buôn bán ở Chí Linh. Sau này Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phục chức, ông đã lập công lớn bằng việc đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, bẻ gãy xương sống của quân xâm lược, tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Trong chuyện “thông dâm” này rõ ràng không thể là chuyện đơn phương của Trần Khánh Dư mà chắc chắn là phải có sự chủ động của công chúa, điều này cho thấy những người con gái thời Trần “thông thoáng” như thế nào trong chuyện yêu đương, chẳng khác mấy so với con gái bây giờ.

Dù “thông thoáng” trong chuyện yêu đương trai gái nhưng nhà Trần lại hết sức chú trọng bảo vệ sự bền chặt của gia đình. Bản thân các vua Trần là tấm gương về lòng hiếu thảo, về tình anh em. Không những vậy, vào tháng 5-1315, vua Trần Minh Tông ngay sau khi lên ngôi đã ban chiếu “cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau”. Lần đầu tiên trong lịch sử đã có một chiếu lệnh nhân văn như vậy. Đến thời Lê, vua Lê Thánh Tông đã kế thừa truyền thống đó và đưa vào bộ luật Hồng Đức. Tiếc rằng, truyền thống nhân văn này một thời gian dài đã bị bãi bỏ gây ra biết bao nhiêu bi kịch, điển hình là việc con tố cha vợ tố chồng thời cải cách ruộng đất, mãi cho đến năm 1999, Quốc Hội nước ta mới đưa tinh thần “người thân không tố cáo nhau không có tội” vào Bộ luật hình sự năm 2000 để kế thừa truyền thống nhân văn của tổ tiên.

Cần biết, thời nhà Trần, nho giáo chưa thống trị xã hội, tự do cá nhân chưa bị câu thúc, những người khai sinh triều Trần lại xuất thân là những người đánh cá có cuộc sống phóng khoáng. Bản thân vua Trần Thái Tông không muốn làm vua, ông coi ngai vàng như “chiếc giày rách”, ông từng rời bỏ nó lên Yên Tử, do Trần Thủ Độ và quần thần đến cầu khẩn, lại được thiền sư Viên Chiếu khuyên “phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” (*), ông đành miễn cưỡng lên ngôi vua trở lại, nhưng ông cũng chỉ ở ngôi đến 40 tuổi thì thoái vị. Theo gương ông, các vua Trần không ai tham quyền cố vị, không ai ở ngôi quá tuổi 40, trừ trường hợp đặc biệt là Trần Nghệ Tông 49 tuổi mới làm vua nhưng chỉ ở ngôi 2 năm thì nhường lại cho con.

Và người coi ngai vàng như “chiếc giày rách” đó đã mở ra một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc với ba lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là quân Nguyên – Mông. Nhà Trần còn là triều đại khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân tộc mà tự do yêu đương chỉ là một trong những biểu hiện.

———————–

Chú thích:

(*) Dẫn từ Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, NXB tổng hợp TP.HCM, 1999.

Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI

Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ và FOIP

Chủ công chiến lược “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) là Hoa Kỳ, nhưng triển khai chiến lược hẳn nhiên cần tới Bộ tứ (Quad). Đến lượt nó, Quad lại cần sự chống lưng của các đồng minh và đối tác mới nổi. Trên tương quan ấy, một trong những ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm Đà Nẵng của mẫu hạm Theodore Roosevelt là sự hội tụ lợi ích về Biển Đông giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Image result for tàu sân bay mỹ thăm việt nam images

Truyền thông Việt Nam dường như nhận được chủ trương thống nhất là hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng từ 5 – 9/3. Cho đến hết đêm 6/3 (giờ Việt Nam), một vài trang mạng chủ chốt có đưa tin nhưng tránh bình luận. Đặc biệt chương trình Truyền hình trung ương về lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam chiều 5/3 khá sơ sài. Phía dưới chương trình có dòng chữ “Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!” nhưng khi cho con trỏ vào đấy, ta nhận được một chương trình khác (?) Điều này không hoàn toàn khó hiểu, vì chẳng ai dại gì đi “chọc tức” Trung Quốc những ngày này

Cách đây hai năm, lúc mẫu hạm USS Carl Vinson vào Đà Nẵng, thì bốn ngày sau, khi chiếc mẫu hạm ấy rời Đà Nẵng, Ngoại trưởng Vương Nghị mới tố cáo “các thế lực bên ngoài tìm cách khuấy động tình hình yên ổn của khu vực”. Ông Vương tuyên bố: “Việc phái một chiến hạm với đầy đủ vũ khí và phi cơ đến để phô trương sức mạnh đã trở thành nguyên do lớn nhất gây xáo trộn cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Còn lần này, USS Theodore Roosevelt mới vào, chưa kịp tổ chức lễ đón, thì ngay ngày đầu tiên, Giám đốc Trung tâm An ninh Hàng hải Trung Quốc – ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây Ge Junliang đã nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik: “Mỹ hy vọng Việt Nam có thể trở thành một thành phần quan trọng của chiến lược Ấn Thái Dương”. Theo trang Sputnik, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực khiến Trung Quốc lo lắng như một mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể tính đến việc đáp trả.

Khác với chuyến cập cảng Đà Nẵng lần đầu tiên của mẫu hạm Carl Vinson (ngày 5/3/2018), lần này tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cùng với tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) tháp tùng, ghé thăm Đà Nẵng có nhiều ý nghĩa thời sự nóng hổi hơn trong quan hệ song phương lẫn đa phương của Việt Nam. “Cuộc hôn nhân vì lợi” Việt – Mỹ diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đang cần Biển Đông để vừa kiềm chế Trung Quốc, vừa khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, trong khi Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Ý nghĩa song phương, đa phương cùng hội tụ trong sự giao thoa giữa những lợi ích chiến lược này. Ngoài ra, chuyến thăm của hải quân Mỹ phần nào cũng nói lên triển vọng của các mối bang giao “gắn kết” và “ thích ứng”. Quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam từ nay có thể dẫn đến các ý nghĩa và hệ quả:

Ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất, bang giao Việt – Mỹ có thể đi vào  khúc quanh mới. Nói như thế này không phải để thổi phồng, mà là để thấy rõ hơn bối cảnh của chuyến thăm giữa những biến động địa chính trị trong khu vực, trên toàn cầu và những biến động đã/đang xẩy ra trong bang giao Việt – Trung, đặc biệt là những tiến triển bất định và bất toàn về mọi mặt từ nay đến cuối năm. Quả thật, chuyến thăm của mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể mở ra một giai đoạn “đột phá”, nếu hai nước tiếp tục giữ được nhịp độ cải thiện quan hệ như hiện nay. Đặc biệt, hai bên Việt Mỹ bắt đầu coi trọng hơn những lợi ích sát sườn cũng như những ưu tiên chiến lược của nhau. Không chỉ trên ngôn ngữ ngoại giao mà quan hệ sẽ ngày càng đi vào thực chất hơn. Mỹ cần triển khai mạnh mẽ sự hiện diện trên Biển Đông thông qua các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), còn Việt Nam cần giữ cho tình hình Biển Đông đừng xấu hơn những năm qua. Mỹ có chiều hướng giảm nhẹ phê phán Việt Nam, không như tinh thần ban đầu của Tổng thống Trump, còn Việt Nam đã tích cực hơn trong quá trình làm cân bằng cán cân thương mại…

Ý nghĩa thứ hai nằm ở sự khác nhau trong chuyến thăm kỳ này của Hải quân Mỹ so với lần 2018. Lần trước, Mỹ và Bộ tứ chỉ mới ra tuyên bố về chiến lược Ấn Thái Dương (IPS), và chiến lược ấy được khai sinh tại Đà Nẵng (ngày nay được đổi tên thành FOIP). Giờ đây FOIP đã được 28 tháng tuổi, và các đối tác ASEAN đã thống nhất với nhau về nhận thức chung đối với cấu trúc liên khu vực này thông qua AOIP (Quan niệm của ASEAN về FOIP) để hình thành bộ khung về hội nhập. Lần trước, chưa có cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung (chỉ mới manh nha), chưa có tình hình hậu–Tư Chính và đặc biệt là chưa diễn ra Covid 19 ở TQ cũng như trên toàn cầu. Tất cả những nhân tố này làm cho cái vạc dầu ở khu vực đặc biệt trên Biển Đông tăng thêm độ sôi. Vừa qua, do Covid 19 nên báo chí và dư luận hơi bị lơ là về Biển Đông, trong khi tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Không rõ là chính quyền Trump đã đưa công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc về vụ Trung Quốc chiếu la-de vào máy bay của Mỹ trên vùng biển quốc tế chưa, nhưng đây là dấu hiệu nguy hiểm trong quan hệ Trung – Mỹ.

Sau một thời gian dàn xếp, chuyến thăm lần này của mẫu hạm Roosevelt đến Đà Nẵng gửi đi một thông điệp kép. Như giới nghiên cứu đã thống nhất với nhau, đối với người Mỹ, thông điệp rõ ràng là Hà Nội không chỉ coi trọng quan hệ song phương mà còn nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm trùng vào dịp đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington. Đối với Trung Quốc, sau hơn ba tháng căng thẳng trong quan hệ Trung – Việt trên khu vực Bãi Tư Chính vào mùa hè năm ngoái, Hà Nội lần này biểu thị một quyết tâm cao trong việc giữ vững lập trường về Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt yêu sách của mình một cách hung hăng, coi thường lợi ích của Việt Nam, thì Việt Nam sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn, ngay cả khi điều này phải trả giá bằng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc.

Với hai ý nghĩa sát sườn như vừa phân tích ở trên, việc Việt Nam chấp thuận đón đội tàu Hải quân Mỹ, phát lộ ra ý nghĩa thứ ba, đó là Hà Nội đã có một động thái khá nhuẫn nhuyễn trong việc kết hợp giữa ngoại giao song phương với đa phương. Một mặt, chuyến thăm lần này đã tạo được dấu ấn nổi bật sau một phần tư thế kỷ (25 năm) trong mối quan hệ vừa duyên vừa nợ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặt khác, trên bình diện khu vực, thậm chí liên khu vực, so với các thành viên ASEAN khác, Việt Nam đã có bước đi khá ngoạn mục. Bước đi chủ động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Mỹ – ASEAN, Việt Nam – ASEAN vừa qua không phải lúc nào “cơm cũng lành canh cũng ngọt”. Philippines đang tính chuyện rút khỏi Hiệp định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ (VFA), Việt Nam và Malaysia tranh chấp nhau ở vùng chồng lấn trên Biển Đông. Rồi chuyện chỉ có 3 nước ASEAN gặp đoàn Mỹ ở Thái Lan, việc đình hoãn gặp cấp cao Mỹ – ASEAN tại Las Vegas (Trước đó, chỉ có 5 nước trong khối cam kết qua Mỹ)…

Ý nghĩa thứ tư, nếu như rồi đây Bộ Ngoại giao Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy ý tưởng xây dựng đất nước thành một cường quốc bậc trung, thì những động thái song phương và đa phương quyện trong nhau như chuyến thăm Hải quân Mỹ hiện nay sẽ mở ra viễn cảnh ngoại giao sáng sủa cho đất nước. Chữ “nếu” ở đầu mệnh đề này muốn đề cập đến tính thận trọng của dự báo lạc quan này. Bởi vì sự thành công của khung khổ quan hệ, cái pe-rơ-đam này không chỉ tuỳ thuộc vào ngoại giao, mà nó còn được quyết định bởi nhiều chiều kích khác. Trong các nhân tố ấy, tính tự cường, ý chí độc lập trong quyết sách, “độ giãn Trung” của elite lãnh đạo, tư thế “đồng dẫn dắt” các chuyển động tích cực trong khu vực (cùng trên tuyến đầu với các thành viên ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Mã Lai) có ý nghĩa quyết định. Nhất là trong tình hình khủng hoảng nội bộ ở Mã Lai, Thái Lan, Campuchia gia tăng, Việt Nam hy vọng nổi lên như một đối tác ổn định tương đối.

Và ý nghĩa thứ năm: Mỹ, Bộ tứ và ASEAN thấy rõ hơn chuyển biến bước đầu của Việt Nam trong việc đáp ứng cái đón đợi của Bộ tứ, để rồi đây, khi các điều kiện khác hội đủ, Việt Nam có cơ để trở thành một “thành viên theo sát” (shadow member) của FOIP. Vào thời điểm hiện tại, nhiều người có thể vẫn nghĩ điều này chỉ là ảo tưởng. Nhưng nếu ta nhìn lại 25 qua, thì đúng như các nhà ngoại giao Việt Mỹ từng khẳng định nhiều lần qua các hội thảo khoa học, nếu một khi cục diện địa-chiến lược đòi hỏi, không gì là không thể trong quan hệ Mỹ – Việt. Trước đây, khi chưa có khoa học vũ trụ, loài người đã từng có giấc mơ bay lên mặt trăng… Kết luận lại một câu, chuyến thăm của tàu sân bay Theodore Roosevelt có thể là quả ngọt đầu tiên trong năm nay của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng”. Một bước tiến nữa trên con đường dài lâu “nối vòng tay lớn”… Hẳn nhiên, nếu không có những vị chua và vị chát từ các sự kiện ở Việt Nam vừa qua như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm hay những vấn đề liên quan đến đám tang của Hoà thượng Thích Quảng Độ, thì quả ngọt của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng” ấy sẽ còn phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.

Đinh Hoàng Thắng / Viet-Studies 

CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (tối 6/3)

Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.