Được bố trí nhiều mái gạch và cổng vòm nhỏ, ngôi nhà tạo cảm giác như chứa một con phố.
Ngôi nhà trên lô đất 9 x 11 m, nằm trên con phố lớn ở Nam Định là tổ ấm của một gia đình trẻ. Chủ nhà yêu thích văn hóa truyền thống, muốn ngôi nhà đơn giản nhưng khác biệt và tiện nghi, có nhiều chỗ cho trẻ con và một khu vườn để thiền.
Các kiến trúc sư mất bốn tháng để đưa ra thiết kế phù hợp với yêu cầu của gia chủ. Từ một “chiếc hộp” với mặt tiền đơn giản, họ “điêu khắc” vị trí cửa sổ, logia để lấy sáng cho các phòng vào nhà.
Thiết kế giúp căn nhà dù lớn hơn hẳn các công trình xung quanh nhưng vẫn hòa hợp với bối cảnh.
Bên trong “chiếc hộp” là không gian nhà ở lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống với nhiều cổng vòm và mái gạch nhỏ. Những chi tiết này tạo cảm giác như căn nhà chứa một khu phố.
Không gian đa dạng, nhiều lớp và nhiều góc nhỏ. Mỗi vị trí đứng trong nhà lại đem đến cho gia chủ những cảm xúc khác nhau.
Cầu thang được trang trí những chi tiết điêu khắc nhỏ, vừa tạo điểm nhấn tinh tế vừa gợi nhớ kiến trúc truyền thống.
Logia được tận dụng làm thành những mảnh vườn và hồ nước.
Hệ kính lớn giúp các phòng gần gũi với thiên nhiên. Để lấy thêm nắng và gió, phía sau nhà, nhóm kiến trúc sư bố trí khoảng thông tầng rộng 90 cm dài hết mảnh đất (11 m).
Tầng một dành cho tiếp khách, tầng lửng cho bếp và phòng ăn. Tầng hai của bố mẹ còn tầng ba dành cho trẻ con, được trang trí với tông màu xanh nước biển.
Phần thông tầng của tầng ba được mắc một tấm võng lớn trên mặt sàn, giúp trẻ có chỗ ngủ, học, chơi rộng rãi, thoải mái nhưng an toàn.
Tầng bốn là không gian thú vị nhất nhà với một khu vườn nhiệt đới nhỏ có mái hiên. Dưới mái hiên này là chỗ chủ nhà thưởng trà, thiền định, tiếp các vị khách đặc biệt cũng như ngắm mưa rơi.
Bài: Minh Trang / Ảnh: Triệu Chiến / Thiết kế: Landmak Architecture
Gần đây, sau bài viết “Khoe khoang kiểu Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam khác gì nhau” đăng tải trên Trí thức VN, không ít người đã bình luận và liên tưởng đến quan điểm sống, cách “khoe khoang” cũng như tiêu chí đo lường thành công của người Mỹ. Dường như nếu tại một số nước phương Đông, nhà lầu và xe hơi được coi là tiêu chí đo lường thành công, thì điều này khác biệt hoàn toàn ở Mỹ. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?
Những người Mỹ trẻ tuổi ưa thích lối sống tự do (Ảnh: pixabay)
Thứ nhất, quan điểm của những người trẻ đã trở nên thay đổi
Hiện tại, những người trẻ ở Mỹ có quan niệm khá khác biệt so với những người thế hệ trước, họ có hệ giá trị quan của mình. Những người thành công không sử dụng tài sản để mua nhà, mua xe hay tiến hành đầu tư nữa. Với họ, thành công tức là phải tự làm cho bản thân mình phong phú, đi du lịch nhiều nơi, chơi nhiều môn thể thao mạo hiểm và phải tự gây dựng sự nghiệp của mình. Hơn nữa, những người trẻ tuổi cũng không có nhu cầu muốn ổn định, họ thậm chí còn muốn có nhiều không gian sinh hoạt sao cho có thể duy trì sự độc lập về kinh tế và tự chủ trong cuộc sống.
Thứ hai, thích lối sống tự do
Người Mỹ bản thân tính cách sôi nổi, thích trải nghiệm những môi trường sống khác nhau, thay đổi công việc của người Mỹ cũng lớn, mỗi lần như vậy đều có thể chuyển cả chỗ ở. Điều này trái ngược hoàn toàn so với văn hóa “an cư lạc nghiệp” của người phương Đông.
Ngoài ra, bởi vì những nhân viên người Mỹ tính lưu động cũng lớn, do đó các công ty cũng thường khuyến khích nhân viên tìm nhà ở gần chỗ làm để tiện cho công việc. Trong nhiều trường hợp, đi thuê nhà sẽ phù hợp với sự lưu động của tính chất công việc.
Thứ ba, người Mỹ làm cho chúng ta “tròn mắt” về quan niệm nhân sinh
Nói đến nước Mỹ, rất nhiều người chưa từng đến Mỹ đều cho rằng đây là một đất nước hiện đại hóa, nhịp sống rất nhanh, khắp nơi là đô thị, quán bar nhà hàng, tụ điểm ăn chơi… cho rằng Người Mỹ ai ai cũng chỉ âm mưu tranh đấu, tình người lạnh nhạt, khái niệm về gia đình không mạnh, tình dục hết sức cởi mở, tiền là thượng đế…
Nhưng nếu đến Mỹ, bạn sẽ phát hiện ra những gì trong tưởng tượng đó lại chỉ phù hợp với tình hình của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, không hề giống như nước Mỹ vốn có.
1. Bị bệnh vẫn cố đi làm được xem là một hành vi vô trách nhiệm
Đến Mỹ, bạn sẽ phát hiện rằng, bị bệnh thì nên nghỉ ngơi, không nên cố đi làm. Khi bị bệnh mà vẫn cố đi làm thì được xem là một hành vi vô trách nhiệm đối với cả bản thân mình và người khác.
Chẳng hạn nếu bạn bị cúm, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nên ở nhà, cần phải tự cách ly bản thân trong thời gian bao lâu, bởi khi đến nơi công cộng bạn sẽ lây bệnh cho những người khác. Đây còn là một chủng đạo đức công cộng, chính là biểu hiện có trách nhiệm với xã hội.
2. Nhà lầu xe hơi không phải là thứ mà người giàu nhất định phải sở hữu
Ở Mỹ, giới trung lưu hoàn toàn có thể mua được nhà (Ảnh: Pixibay)
Ở Mỹ khi nói đến mua nhà, cơ bản là mua nhà độc lập (giống như cái gọi là “biệt thự” trong suy nghĩ của nhiều người Việt). Những người bình thường cũng có thể mua nhà loại này, chứ không phải những người giàu. Ngoài ra còn một loại nhà xây theo từng phố (chúng ta gọi là biệt thự liền kề) giá rẻ hơn và thuộc quyền sở hữu của chủ nhà. Điều này không giống với ở Trung Quốc và Việt Nam, người bình thường có để dành tiền cả đời cũng khó mua được biệt thự. Ở Trung Quốc chỉ có thể sở hữu tối đa 70 năm, còn quyền sở hữu vĩnh viễn thuộc về nhà nước, còn ở Việt Nam chỉ mua được quyền sử dụng đất.
3. Chính trị gia cũng không có gì đáng kể
Trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta, nếu được chụp ảnh riêng với chủ tịch nước, thủ tướng hay thậm chí giám đốc tỉnh, thành phố thôi cũng là một điều đáng để tự hào. Nhưng ở Mỹ thì quan chức chính phủ là do cử tri bầu cử. Bạn sẽ có nhiều cơ hội gặp họ khi họ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử. Nếu bạn muốn chụp ảnh, khẳng định là họ sẽ phải cười vui vẻ và thể hiện thái độ thân thiện nhất với bạn, sau đó còn phải cảm ơn bạn đã ủng hộ cho họ. Các nghị sĩ và quan chức sau khi được bầu chọn, bạn viết thư cho họ nhất định sẽ nhận được hồi đáp. Nếu như trong giờ làm chưa giải quyết hết công việc, họ sẽ phải ở lại muộn để trả lời từng lá thư một.
4. Gia đình là số một: Công việc và tiền bạc đều phải nhường chỗ cho gia đình
Rất nhiều người hiện nay bị cuốn vào công việc và tiền bạc đến nỗi không có thời gian dành cho gia đình. Có những người làm việc cả ngày lẫn đêm, họ coi trọng của cải vật chất hơn bất cứ thứ gì khác, sẵn sàng bỏ bê vợ con, con ốm cũng không đưa đi bệnh viện được, đến khi cha mẹ qua đời có thể còn không kịp đến gặp mặt lần cuối cùng…
Ở Mỹ, nếu làm như vậy thì sẽ bị người khác khinh thường. Nhiều người Mỹ thường đặt ảnh chụp chung của gia đình trên bàn làm việc. Sau giờ làm và cuối tuần họ đều dành thời gian cho gia đình. Hàng năm cũng có những kỳ nghỉ mà toàn bộ thành viên gia đình tham gia cùng nhau.
Người Mỹ cho rằng gia đình là số một, ngay cả tiền bạc và công việc đều phải nhường chỗ cho gia đình (Ảnh: Pixabay)
5. “Phú” không đồng nghĩa với “quý”
Nhiều người cho rằng cuộc sống quý tộc chính là ở biệt thự, đi xe Bentley, chơi gôn, chi tiêu nhiều tiền hay đầu tư vào nhà đất… Thực tế thì đây không phải là tinh thần quý tộc. Đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Tại Mỹ, rất dễ đánh giá sai một người nếu chỉ nhìn bề ngoài. Người giàu họ không chú trọng thương hiệu, không dùng xe hơi, nhà lớn, mà chú trọng phong thái, ra đường phải chỉnh tề (rất quan trọng), làn da phải màu nâu rám (có tiền để đi tắm nắng), thể hình phải rắn chắc (có phòng tập thể dục)… Một điều quan trọng nhất chính là khoản tiền đóng góp hàng năm cho các hiệp hội từ thiện và nhà thờ. Ở những trường đào tạo quý tộc thực sự, học sinh phải ngủ ở giường cứng, ăn uống cũng đạm bạc, mỗi ngày đều phải đào tạo huấn luyện cực kỳ gian khổ, thậm chí còn khổ hơn ở những trường bình dân. Trong ý thức người Trung Quốc, phú và quý là như nhau, không có khác biệt, nhưng sự thật thì hoàn toàn khác nhau, phú là ở vật chất, còn quý là ở tinh thần.
Người Mỹ theo đuổi các giá trị tinh thần, chứ không chạy theo bạc tiền vật chất, do đó với họ thì việc mua nhà lầu xe hơi chắc chắn không phải là thước đo thành công hay giá trị của một người giàu có.
Bằng những kiến thức, lập luận sắc sảo, tác giả Diamond cho rằng súng, vi trùng và thép là ba nhân tố quan trọng giúp định hình trật tự thế giới ngày nay.
Lâu nay, khi viết về lịch sử văn minh nhân loại, các tác giả thường nhắc đến những yếu tố như chữ viết, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự thiết lập thể chế chính trị… Tuy nhiên, tác giả Jared Diamond đã giải mã lịch sử tiến hóa nhân loại qua ba nhân tố: Súng, vi trùng và thép.
Tác giả cho rằng ba yếu tố này giúp người Tây Âu chinh phục lãnh thổ và định hình trật tự thế giới ngày nay. “Súng” là các loại vũ khi vượt trội đã tạo ra những cuộc chinh phục. Tác động của vi trùng ở chỗ khả năng miễn dịch yếu với các căn bệnh đã tàn phá người dân bản địa. Còn “thép” chính là sự tinh thông kỹ thuật công nghệ đã giúp người Tây Âu viễn chinh xuyên các đại dương.
Cuốn sách Súng, vi trùng & thép cho thấy vi trùng – những sinh vật nhỏ bé – lại có tác động to lớn tới trật tự thế giới. Chúng có thể gây ra bệnh dịch và đôi khi viết lời cáo chung cho cả một bộ lạc.
“Quà tặng” chết người từ động vật, bệnh của đám đông
Nhiều căn bệnh loài người lây trực tiếp từ động vật, hoặc vi trùng từ động vật vào cơ thể người và tiến hóa thêm. Những loài vật, gia súc gần gũi với con người đôi khi mang vi trùng gây chết người. Ví dụ bò chính là con vật mang tác nhân gây bệnh sởi, lao, đậu mùa; lợn và vịt mang vi trùng gây bệnh cúm; lợn và chó có vi trùng mang tác nhân gây bệnh ho gà; chim mang tác nhân gây bệnh sốt rét…
Jared Diamond viết: “Cứ xét theo chỗ chúng ta gần gụi thế nào với những loài vật chúng ta yêu thì ắt hẳn chúng ta thường xuyên bị giội bom bởi các loại vi trùng của chúng. Những kẻ xâm lược đó được sàng lọc dần qua chọn lọc tự nhiên, chỉ một số ít trong đó thành công trong việc tự biến mình thành mầm gây bệnh ở người”.
Xâm nhập cơ thể con người, vi trùng tiếp tục tiến hóa. Chúng lựa chọn những cá thể có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái của chúng phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống. Chúng đã “sáng tạo” ra nhiều cách để phát tán từ loài vật sang loài người và từ người này sang người khác.
Khi vi trùng xâm nhập vật chủ và lây lan ra những bệnh nhân khác, cơ thể người có thể sốt, tiêu chảy, đau… Con người gọi đó là “triệu chứng bệnh”, còn theo quan điểm của vi trùng thì đó là lúc chúng đang tiến hóa sao cho con người trở thành phương tiện phát tán vi trùng hiệu quả.
Một bức tranh tái hiện sự tàn phá của đại dịch.
Nguy hại của vi trùng khi gây bệnh là ở chỗ nó truyền nhiễm dưới dạng đại dịch. Đầu tiên chúng phát tán nhanh chóng hữu hiệu từ người bị nhiễm sang người khỏe mạnh xung quanh, khiến toàn bộ quần thể bị nhiễm trong thời gian ngắn. Các bệnh này đều ở dạng “bệnh cấp tính”, khiến bệnh nhân chết hoặc bình phục hoàn toàn trong thời gian ngắn.
Tác giả Diamond cho rằng để có thể tồn tại được, bệnh truyền nhiễm cấp tính cần một quần thể người đủ đông, mật độ dân cư đủ cao để ngay tại thời điểm bệnh bắt đầu suy yếu lại có một lứa bệnh nhân dễ lây mới. Do đó, các bệnh truyền nhiễm này được gọi là “bệnh của đám đông”.
Những dòng di cư, các con đường thương mại quốc tế là cơ hội tốt của vi trùng. Ví dụ con đường thương mại quốc tế thời đế quốc La Mã nối liền các quần thể cư dân châu Âu, châu Á, Bắc Phi hình thành cơ sở sản sinh khổng lồ cho các loài vi trùng. Đó là lúc bệnh đậu mùa đến La Mã, tạo nên trận dịch Antoninus giết chết hàng triệu công dân La Mã từ năm 165 đến 180.
Bệnh dịch hạch xuất hiện ở châu Âu từ những năm 542, nhưng đến khi một con đường thương mại nối châu Âu với Trung Hoa hình thành thì dịch hạch Cái chết Đen năm 1346 mới ập xuống châu Âu.
Vi trùng ảnh hưởng ra sao tới thế giới?
Jared Diamond cho rằng vi trùng gây chết người ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử nhân loại.
Bệnh truyền nhiễm lây lan, và có thể xóa sổ cả một bộ lạc. Ví dụ mùa đông năm 1902, một trận dịch kiết lị do một thủy thủ trên tàu đánh cá Active mang lại đã giết chết 51 trong tổng số 56 người Eskimo Sadlermiut – một bộ tộc người sống biệt lập trên đảo Southampton ở Canada.
Khi y học chưa phát triển, bệnh truyền nhiễm là hung thần đáng sợ của nhân loại. Trận dịch đáng sợ nhất trong lịch sử loài người là dịch cúm làm chết 21 triệu người vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cái chết Đen (dịch đậu mùa) đã giết chết một phần tư dân số châu Âu từ năm 1342 đến năm 1352, ở một số thành phố, tỷ lệ chết lên tới 70%.
Bệnh truyền nhiễm cũng tác động tới những cuộc chinh phục, tranh đấu của các tộc người. Tác giả dẫn chứng qua việc người châu Âu chinh phục và làm chết hầu hết cư dân ở Tân Thế Giới: “Số người châu Mỹ bản địa chết trên giường vì các vi trùng của Âu – Á cao hơn rất nhiều so với người chết trên giường vì súng và gươm của người Âu. Các vi trùng này đã xói mòn sức kháng cự của người Anh-điêng bằng cách giết chết gần hết người Anh-điêng cùng các lãnh tụ của họ và khiến những người sống sót nhụt hết nhuệ khí”.
Sách Súng, vi trùng & thép.
Năm 1519, Hầu tước Córtes cùng 600 người Tây Ban Nha đổ bộ lên bờ biển Mexico để chinh phục đế quốc Aztec với dân số nhiều triệu người. Người Aztec đã chiến đấu ngoan cường nhưng điều khiến đội quân Tây Ban Nha chiếm ưu thế chính là bệnh đậu mùa đổ bộ sang Mexico năm 1520 cùng một nô lệ bị nhiễm bệnh. Trận dịch đã làm chết gần nửa dân số Aztec, những người sống sót thì mất hết tinh thần trước căn bệnh “bí hiểm” đã giết chết người Aztec mà không hề động đến người Tây Ban Nha.
Tương tự, năm 1531, Francisco Pizarro đổ bộ lên bờ biển Peru để chinh phục đế quốc Inca. Lúc này bệnh đậu mùa đã lan đến xứ Peru bằng đường bộ, giết chết hầu hết dân số Inca, trong đó có cả hoàng đế Huayna Capac. Chuyện này dẫn đến một cuộc chiến dành ngôi kế vị, tạo ra nội chiến. Pizarro lợi dụng tình hình để chinh phục Inca.
Góp phần hủy diệt các xã hội sống ở khu vực thung lũng sông Missisippi (Mỹ) trước đây không chỉ có các cuộc chinh phục của người châu Âu mà còn bởi các vi trùng. Năm 1540, Hernando de Soto – nhà chinh phục người châu Âu đầu tiên hành quân sang vùng đông nam Mỹ – ông đã đi qua những thành thị của người Anh-điêng bị bỏ hoang từ hai năm trước bởi dân cư đã chết sạch do bệnh dịch.
“Tầm quan trọng lịch sử của các bệnh có nguồn gốc từ loài vật còn đi xa hơn nhiều… Các vi trùng Âu – Á đóng vai trò then chốt trong việc giết chết gần hết các dân tộc bản địa ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, trong đó có dân hải đảo Thái Bình Dương, người châu Úc bản địa và các dân tộc Khoisan ở phía nam châu Phi”, tác giả Súng, vi trùng & thép viết.
Tác giả kết luận, bên cạnh ưu thế lớn về vũ khí, công nghệ và tổ chức chính trị, người châu Âu chiếm ưu thế còn bởi vi trùng. “…một nhúm di dân châu Âu ít ỏi có thể hất cẳng cư dân bản địa ở châu Mỹ và một số vùng khác trên thế giới vốn đông hơn gấp bội. Điều đó ắt đã không xảy ra nếu không có cái tặng phẩm tai hại mà châu Âu mang lại cho các châu lục khác – những giống vi trùng tiến hóa được nhờ lục địa Âu – Á”.
Súng, vi trùng và thép từng đạt các giải thưởng như: Pulizer (1997), giải Aventis của Anh cho cuốn sách khoa học phổ biến hay nhất (1998). Sách cũng được dựng thành phim tài liệu (NatGeo sản xuất năm 2005).
Đây là cuốn sách đã phát hành hàng triệu bản trên thế giới, nhận nhiều lời ngợi ca từ bạn đọc, nhà nghiên cứu, và là nguồn cảm hứng để Yuval Harari viết nên tác phẩm để đời Sapiens: Lược sử loài người.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại các quốc gia ngoài Trung Quốc Đại lục.
Trung Quốc Đại lục (*)
Trung Quốc đã quyết định lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 3 nhằm đối phó virus corona, động thái chưa từng có tiền lệ trong 25 năm. “Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 13 sẽ được hoãn lại một cách thích hợp. Thời gian cụ thể của cuộc họp sẽ được quyết định thêm bởi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”, CCTV đưa tin.
Bốn tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây và Quý Châu hôm 24/2 đã hạ thấp các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch COVID-19. Trước đó, tỉnh Cam Túc đã hạ thấp mức ứng phó khẩn cấp hôm 21/2, sau đó đến Liêu Ninh hôm 22/2.
Những tin đã đưa sáng 24/2:
UB Y tế Nhà nước Trung Quốc công bố số ca nhiễm là 77.345, tăng 409 ca so với hôm qua. Số ca tử vong là 2.592, tăng 150 ca so với hôm qua.
Ông Tập Cận Bình thừa nhận dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất” trong lịch sử Trung Quốc kể từ khi thành lập năm 1949 và thừa nhận cuộc khủng hoảng này là “một bài kiểm tra lớn” với đất nước. Ông Tập nói rằng Trung Quốc cần phải “rút kinh nghiệm từ những thiếu sót rõ ràng đã được phơi bày” trong cách ứng phó với dịch. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng dịch bệnh “chắc chắn sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, xã hội”, nhưng nhấn mạnh các tác động này là “ngắn hạn” và có thể kiểm soát.
Người đứng đầu ủy ban chính trị và pháp luật của ĐCSTQ cho biết hệ thống nhà tù nước này cần “rút ra bài học” sau khi hơn 500 tù nhân nhiễm virus corona.
Thêm một bác sĩ tại Vũ Hán vừa qua đời sau khi nhiễm virus corona tên là Xia Sisi, 29 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Vũ Hán Xiehe Jiangbei. Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc hôm 14/2 cho biết đã có tổng cộng 3.019 nhân viên y tế nước này mắc bệnh. Tới nay, ít nhất 16 người đã tử vong. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp có thể không được ghi nhận.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”
Gặp mặt giữa lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tại Bắc Kinh (Nguồn: internet).
Ngày 28/1, ngồi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hết lời khen ngợi cách ứng phó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng virus corona.
“Chúng tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc phản ứng với đợt bùng phát dịch bệnh này, đặc biệt là cam kết từ giới lãnh đạo cấp cao, họ đã thể hiện sự minh bạch,” ông Tedros nói.
Đó là sự kiện diễn ra vào cuối tháng 1, ông Tập đã phải ra mặt sau khi các quan chức địa phương thất bại trong việc khống chế dịch bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc.
Trung Quốc đã hành động nhanh chóng sau khi ông Tập can thiệp, phong tỏa nhiều thành phố lớn và rót nhiều nguồn lực vào việc chống virus, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng một cách hà khắc.
Khi hai người gặp nhau ở thủ đô Trung Quốc, các ca bệnh tiếp tục tăng mạnh. Sự việc các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán tìm cách che giấu thông tin và hạ thấp tầm quan trọng của virus cũng được tiết lộ cho dư luận.
Ngày hôm sau, WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng toàn cầu, và một lần nữa ông Tedros lại ca ngợi cách ứng phó của Bắc Kinh.
Lời khen của WHO về phản ứng của Trung Quốc đã dẫn đến các chỉ trích về mối quan hệ giữa hai thực thể này. Hoạt động của WHO vốn dựa trên nguồn đóng góp và sự hợp tác với các thành viên, đã dành cho các quốc gia thành viên giàu có như Trung Quốc những “ưu tiên” đáng kể. Một trong những ví dụ khá rõ ràng về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO là việc nước này đã thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan gia nhập WHO, điều có thể mang đến những hậu quả thực tiễn đối với người dân Đài Loan nếu virus lan rộng ở hòn đảo này.
Lập trường của WHO đối với Trung Quốc đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu WHO, tổ chức được thành lập 72 năm về trước, có sự độc lập thích đáng để có thể làm tốt chức trách của họ hay không. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không trả lời những câu hỏi về quan hệ của Bắc Kinh với WHO.
“Tôi biết WHO vấp phải nhiều áp lực khi chúng tôi đánh giá cao điều Trung Quốc đang làm, nhưng chúng tôi không sợ nói ra sự thật cho dù có nhiều áp lực,” Tổng Giám đốc WHO nói. “Chúng tôi không nhân nhượng vô nguyên tắc bất cứ ai. Đó là sự thật.”
Ông Tedros nói thêm rằng những ghi nhận của WHO đều “đạt chuẩn” và ông kêu gọi thế giới hãy công nhận những gì Trung Quốc đang làm, “hãy giúp đỡ họ và thể hiện tình đoàn kết.”
Trộn lẫn y tế và chính trị
WHO được thành lập năm 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc với vai trò hợp tác các chính sách y tế quốc tế, đặc biệt về dịch bệnh lây lan. Kể từ đó, tổ chức này đã đạt được khá nhiều thành tích, trong số bao gồm việc xóa bỏ bệnh đậu mùa và giảm 99% bệnh bại liệt, cũng như hoạt động chống lại các bệnh mãn tính và thói quen hút thuốc.
Nhưng trong lịch sử 7 thập kỷ của mình, WHO hiếm khi không vướng khủng hoảng. Những chỉ trích với WHO bao gồm tình trạng quan liêu quá mức, cấu trúc hoạt động kỳ quặc, quá lệ thuộc vào một số ít những nhà quyên góp lớn, và thường bị ảnh hưởng bởi chính trị. Được bầu vào năm 2017, chính trị gia người Ethiopia Tedros đã trở thành Tổng Giám đốc WHO với những hứa hẹn cải cách trên diện rộng.
Ông Tedros là người châu Phi đầu tiên nắm vị trí này sau khi WHO gặp khủng hoảng trong đại dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2013 – 2016. WHO đã mất 5 tháng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) đối với Ebola, một sự chậm trễ “rõ ràng đã khiến sự bùng phát dịch bệnh ở quy mô chưa từng thấy,” theo một đánh giá về học thuật.
Sự thất bại được đổ lỗi một phần cho bộ máy quan liêu nặng nề và phức tạp của WHO vốn được cấu thành từ sáu văn phòng khu vực và được quản lý một cách lơi lỏng bởi tổng hành dinh ở Geneva. Ngoài ra, WHO còn bị chỉ trích vì các nhóm giám sát vốn phải làm việc căng thẳng quá mức nhưng lại thiếu kinh phí, cùng các áp lực chính trị từ các chính phủ Tây Phi khi họ sợ một tuyên bố về PHEIC sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế.
Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn của WHO nói rằng “Từ những bài học ở Tây Phi, WHO đã thiết lập “Chương trình y tế khẩn cấp” mới với sự thay đổi sâu sắc, bổ sung năng lực hoạt động cho các vai trò mang tính kỹ thuật và quy chuẩn truyền thống của WHO.”
“Chương trình được thiết kế để khả năng dự báo tình huống khẩn cấp của WHO được mau chóng hơn,” người phát ngôn nói. “Nó khiến cho mọi công việc của WHO trong tất cả các tình huống khẩn cấp có cùng một cấu trúc chung từ trụ sở chính cho tới tất cả các chi nhánh khu vực nhằm tối ưu hoá việc phối hợp, hoạt động và thông tin.”
Ebola đã làm “nổi bật” một số vấn đề của WHO mà các chuyên gia đã cảnh báo hàng năm trời. Trong báo cáo năm 2014, ông Charles Cliff – nguyên chuyên viên tư vấn của WHO – đã viết rằng phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”
“WHO là cơ quan làm về cả kỹ thuật và hoạch định chính sách,” ông Cliff viết. “Sự can thiệp quá mức của các lý do chính trị trong công việc mang tính kỹ thuật của họ có thể huỷ hoại quyền lực và uy tín của họ.”
WHO thường đưa ra nhận định dựa vào các số liệu được các nước thành viên cung cấp, sàng lọc nó một chút qua một số tổ chức trong khu vực. Với một chính phủ thường xuyên vướng phải các cáo buộc về thiếu minh bạch như Trung Quốc, điều đó có thể là một vấn đề.
WHO và vấn đề Đài Loan
Trong vấn đề Đài Loan, thế lực chính trị của Bắc Kinh tại WHO nổi rõ nhất.
Trong một bài nói năm ngoái trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc gặp thường niên của WHO ở Geneva, ông Luke Browne, Bộ trưởng y tế St.Vincent vùng Caribe, đã yêu cầu đưa Đài Loan trở thành một thành viên của WHO.
“Không có nguyên tắc cơ bản nào giải thích được vì sao Đài Loan không được ở đây… lý do duy nhất hiện giờ họ không có mặt ở đây vì Bắc Kinh không ưa thích chính phủ Đài Loan hiện tại,” ông Brown nói.
Mặc cho cho bài phát biểu của ông Brown cùng sự can thiệp của nhiều quốc gia thành viên, vấn đề Đài Loan nhanh chóng bị xoá khỏi chương trình nghị sự. Sự việc lặp lại như vậy hàng năm kể từ 2016.
Bắc Kinh đã liên tục tìm cách ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập nhiều tổ chức quốc tế, trừ phi họ làm theo cái gọi là phương thức phù hợp với nguyên tắc “một Trung Quốc”, như gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” trong đại hội Olympic.
Việc Bắc Kinh loại trừ Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế thường không gây ra sự phân rẽ toàn toàn cầu. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực đòi hỏi tất cả các chính phủ phải được kết nối và truy cập thông tin một cách bình đẳng.
“Loại trừ Đài Loan ra khỏi WHO khiến người dân ở đó dễ bị thương tổn trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh,” bà Natasha Kassam, một chuyên gia về Trung Quốc, Đài Loan và ngoại giao tại Đại học Lowy, Úc, nói. “Nhà chức trách Đài Loan đã lên tiếng về việc không thể tiếp cận với số liệu và sự hỗ trợ của WHO.”
Khi các ca nhiễm virus corona được báo cáo ở Đài Loan, WHO thậm chí đã không thể quyết định ngay cả tên gọi của hòn đảo. Khi trả lời các phóng viên vào tháng trước, người phát ngôn WHO đã sử dụng cấu trúc “Trung Quốc, Đài Loan,” trong khi đó tại một báo cáo ngày 4/2 thì WHO lại gọi là “Đài Loan, Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo cáo này có số ca nhiễm bệnh sai lệch bởi nó dựa vào số liệu của Bắc Kinh chứ không phải của Đài Loan. Về sau, các báo cáo của WHO lại gọi Đài Loan là “Đài Bắc và các vùng phụ cận” trong một danh sách các thành phố bị ảnh hưởng tại Trung Quốc.
Khi phát biểu tại WHA năm ngoái, ông Browne đã tiên đoán kiểu nói mập mờ này, nhận định “Tất cả chúng ta biết rằng Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát và không có quyền với Đài Loan, nên không thể được chấp nhận là đại diện của họ ở đây.”
“Nếu ông Tedros muốn WHO được thông tin về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và muốn còn được tham gia vào việc xử lý dịch bệnh tại đây, ông không thể phản đối chính phủ Trung Quốc cho dù rõ ràng là nước này thiếu minh bạch,” ông Kai Kupferschmidt viết trong tạp chí Khoa học.
Khi Bắc Kinh còn có thế lực tại LHQ, Đài Loan có thể sẽ không bao giờ giành được một ghế ở WHO. WHO không thể đảo ngược vấn đề nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh cho dù nhiều nước khác lên tiếng ủng hộ vấn đề này. Trung Quốc có nhiều quyền lực ngoại giao đến mức có thể tuỳ ý sử dụng để “khống chế” WHO.
Và đây là vấn đề cơ bản với WHO khi tổ chức này không thể đối xử với các quốc gia thành viên một cách công bằng vì họ không công bằng. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh và các đóng góp tư nhân như Quỹ Gates là những nơi đóng góp lớn nhất cho WHO, thì WHO lại ca ngợi “sự đóng góp ngày càng lớn” của Trung Quốc trong các sáng kiến y tế toàn cầu, trong khi nước này chưa bao giờ là một người góp nhiều quỹ.