Trái ngược với hệ lam sắt gỉ ở mặt tiền, bên trong ngôi nhà ở quận Thủ Đức vừa nhiều cây xanh vừa tràn đầy ánh sáng.
Trong một khu quy hoạch mới ở Thủ Đức, ngôi nhà rộng 61 m2 gây ấn tượng bởi mặt tiền độc đáo. Đây là tổ ấm của một chàng trai gần 30 tuổi lên Sài Gòn lập nghiệp và sống cùng bạn gái.
Trước khi xây nhà, gia chủ bày tỏ mong muốn về không gian sống ấm áp, gần gũi với thiên nhiên và đề cao yếu tố độc đáo, riêng biệt. Bên cạnh đó, anh cũng muốn tiết kiệm chi phí.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, sau ba tháng nghiên cứu, nhóm kiến trúc sư đưa ra thiết kế nhà với hệ lam sắt bên ngoài và những khoảng sân bên trong.
Hệ lam sắt bao hết mặt tiền căn nhà, được làm gỉ tự nhiên trong 10 ngày và hoàn thành sau một tháng.
Trong bối cảnh không có vỉa hè, hệ lam sắt tạo thành lớp bảo vệ thứ hai cho căn nhà, tránh nắng gắt và bụi đồng thời ngăn tầm nhìn, đảm bảo sự riêng tư. Nó cũng được bố trí các cửa mở và cửa lùa thoát hiểm.
Hệ lam sắt còn là chỗ để cây leo phát triển, hỗ trợ lọc không khí.
Bước vào trong, không gian nhà tươi sáng, đối lập với hệ lam gỉ sắt bên ngoài.
Thiết kế xuyên suốt, không vách ngăn tăng cường đối lưu không khí tự nhiên.
Những vật liệu như bê tông mài, đá mài, gỗ, thạch cao mang tông màu trung tính giúp căn nhà vừa sáng vừa rộng rãi.
Cuối nhà, các kiến trúc sư đặt một mảnh vườn, vừa để tăng diện tích mảng xanh, vừa làm thành nơi thư giãn cho gia chủ.
Khoảng thông tầng đưa ánh sáng xuống vườn và kết nối không gian.
Đặc biệt, hệ dây văng dùng làm chỗ trồng cây leo đưa thiên nhiên đến tất cả các tầng.
Ngoài mảnh vườn, kiến trúc sư tận dụng khoảng sân ban công sau hệ lam sắt để trồng cây xanh, tạo thêm điểm nhấn cho công trình.
Nội thất nhà tối giản song vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của gia chủ. Tổng thời gian hoàn thiện nhà là sáu tháng, chi phí khoảng 1,4 tỷ đồng.
Từ lâu, vẻ đẹp và danh tiếng của cô Ba, hoa hậu đầu tiên Sài Gòn được truyền tụng khắp Đông Dương. Tuy nhiên, thông tin về cuộc đời của cô vẫn còn không ít những ẩn số.
Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn Sài Gòn năm xưa đã mô tả vẻ đẹp của cô Ba như sau: “Đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì phấn son giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà dây thép (Bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông cô Ba”.
Mặc dù có khá nhiều tư liệu ghi chép của cô Ba, tuy nhiên có không ít giai thoại tam sao thất bản, chưa được đối chiếu, kiểm chứng… Điều này làm cho những thông tin về thân thế của bậc tuyệt sắc giai nhân này thêm những ẩn số.
Cô Ba đạt danh hiệu hoa hậu vào năm nào?
Hiện nay, tư liệu viết về thời gian cô Ba đạt danh hiệu hoa hậu rất khác nhau, thậm chí chênh nhau tới gần 30 năm.
Chân dung cô Ba, con thầy Thông Chánh, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Theo sách Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa của tác giả Thượng Hồng (NXB Thanh niên, năm 2006) cô Ba được phong hoa hậu vào thập niên 90 của thế kỷ 19. Cô cũng là người Việt Nam đầu tiên được bầu là hoa hậu, được chính thức ghi danh trên báo chí Pháp ngữ ở Sài Gòn lúc bấy giờ và được người Pháp ngưỡng vọng, bốc lên tận mây xanh.
Một nhà báo viết trên tờ Le Cuorrier Saigonais rằng, nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới, thì chắc chắn có thứ hạng cao. Các tay phong lưu người Pháp cũng đánh hơi được điều đó, chính thức mời cô Ba ký hợp đồng để sang Pháp, giới thiệu với mọi người bên kinh đô ánh sáng, rồi sau đó sẽ tạo điều kiện cho cô Ba tham dự kỳ thi hoa hậu thế giới sắp sửa tổ chức. Nghe nói gia đình cô Ba đã không đồng ý, có lẽ vì sợ mất con vào mấy lão Tây háo sắc. Mà bản thân cô Ba cũng phản đối, bởi cô quan niệm rằng mình đi thi hoa hậu là để cho vui, để người ngoại quốc là phụ nữ Việt Nam không thua kém ai, còn chuyện thi tài với năm châu cô chưa nghĩ tới.
Một số tư liệu khác thì lại cho rằng, vào năm 1865, một cuộc thi sắc đẹp mang tên Miss Sài Gòn đã được tổ chức dành riêng cho các người đẹp Việt, có gần 100 cô gái ở Sài Gòn và các vùng phụ cận đăng ký dự thi. Cuộc thi cũng trải qua các phần thi khác nhau gần giống với các cuộc thi sắc đẹp bây giờ với kết quả người đoạt vương miện hoa hậu là cô Ba Thiệu, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký.
Sau khi cô Ba đăng quang hoa hậu, nhiều phóng viên Pháp đã đề nghị chụp ảnh áo tắm của cô đăng trên báo Pháp nhưng cô nhất định từ chối. Sau này, cô Ba đồng ý sử dụng ảnh vẽ chân dung và sau đó được in thành tem với số lượng lớn.
Cô Ba lấy chồng Việt hay chồng Tây?
Đề cập đến thân thế cô Ba trong sách Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa, tác giả Thượng Hồng cho biết cô là con thứ của một viên quan nhỏ người Việt, giúp việc cho chính quyền bảo hộ, được gọi là thầy Thông Chánh.
Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2), NXB Tổng hợp TP. HCM, năm 2018 của đồng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường cũng khẳng định điều này. Sách cho biết, hai vợ chồng thầy Thông Chánh có một người con gái sắc nước hương trời, nổi tiếng một thời, đến nỗi hãng xà bông Trương Văn Bền đã in hình cô trên hộp đựng thứ xà bông thơm hảo hạng gọi là “Xà bông cô Ba” (theo Nguyễn Đức Hiệp – tác giả sách Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người – thật ra người phụ nữ ấy chính là người vợ của Trương Văn Bền).
Một tư liệu khác cho biết, cô Ba tên thường gọi là cô Ba Thiệu, con của thầy thông Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh ở Trà Vinh. Từ nhỏ, cô Ba đã được cha cho học hành tử tế nên so với nhiều thiếu nữ cùng thời.
Tuy nhiên, chuyện cô Ba lấy chồng Việt hay Tây thì lại có những thông tin khác nhau. Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) thì cho rằng, cô Ba lấy chồng Tây làm chức quan ba khi mới 16 tuổi.
Cô Ba được in hình trên tem. Ảnh tư liệu.
Một tư liệu khác thì lại cho biết một thời gian sau khi đăng quang ngôi vị Miss Sài Gòn, cô Ba quyết định lấy chồng trong sự tiếc nuối của rất nhiều chàng trai. Thay vì lấy một ông quan tây giàu có, cô Ba lấy một người đàn ông Việt Nam bình thường và chọn cho mình một lối sống giản dị, bỏ lại đằng sau nhiều ánh hào quang.
Như vậy, ngoài thông tin chồng của cô Ba là quan Tây và một thông tin khác là người Việt Nam bình thường, thì những tư liệu trên đều không cho biết thêm bất cứ một thông tin gì về người chồng cô Ba.
Cô Ba có phải là người bắn chết tên biện lý Jabois?
Trong sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) có đề cập một tư liệu hiếm hoi mà đồng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường cho rằng nó phản ánh chính xác và chi tiết về thân thế của thầy Thông Chánh. Đó là một mẩu tin đăng trên báo của chính quyền thuộc địa ngày 15 Janvier 1894. Thế nhưng, oái oăm thay mẩu tin này lại thông báo việc xử tử thầy Thông Chánh: “Nguyễn Văn Chánh còn gọi là Nguyễn Trung Chánh bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị xử tử ngày 18.1.1894”.
Thầy Thông Chánh giữa những tên tà mà. Ảnh tư liệu.
Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) cũng cho hay nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên như sau: Thầy Thông Chánh có một người vợ đẹp mỹ miều và cô con gái sắc nước hương trời (cô Ba). Một tên biện lý háo sắc kỳ cục tên là Jabois đã mê vợ thầy và theo đuổi không ngừng. Thầy biết việc làm bất chính này, song chẳng còn cách nào, đành phải đổi tới đổi lui chỗ làm, chỗ ở để cách ly hắn. Thế nhưng Jabois không buông tha và cũng đổi chỗ làm, chỗ ở theo, thậm chí hắn còn ve vãn cả cô Ba con thầy. Không những thế, hắn còn ỷ thế cản trở công việc xây nhà của thầy. Thầy Thông đâm đơn kiện hắn ra tòa. Hắn dùng quyền lực để khiến thầy thua kiện.
Bị o ép đủ bề, thầy Thông xin đổi về Trà Vinh, nhưng cũng chẳng bao lâu Jabois cũng đã chuyển về đây làm việc. Tức nước vỡ bờ, thầy Thông Chánh quyết định bắn chết Jabois vào đúng ngày lễ Chánh chung năm nọ (lễ Quốc khánh cộng hòa Pháp, tức 14.7).
Trước lúc tử hình thầy Thông Chánh. Ảnh tư liệu.
Thầy bị bắt ngay sau đó và bị giam ở Trà Vinh một thời gian, trước khi bị giải về Sài Gòn xét xử. Đến ngày xét xử thầy Thông, cô Ba (lúc này 16 tuổi đã có chồng) tay cầm súng sáu, đột nhập vào tòa định bắn chết tên Chánh án, nếu hắn xử ép cha mình. Tên Chánh án thấy bất an vội thét mã tà (lính đánh thuê) chặn cô lại. Vốn có chút võ nghệ nên cô đã đá lộn nhào bọn mã tà. Sau đó cô bỏ đi. Còn thầy Thông lại được áp giải về tòa Đại hình Mỹ Tho xét xử. Thầy bị kết án tử hình tại Trà Vinh.
Đề cập đến vụ án này, có một số tư liệu khác đưa ra kết cục buồn thảm với cô Ba, theo kiểu hồng nhan bạc mệnh. Có tư liệu viết, sau khi thầy Thông Chánh bị xử tử, cô Ba toan trả thù cho cha nhưng vừa đưa súng lên bắn thì bị bắt giam. Cô Ba tự tử trong tù kết thúc cuộc đời mình. Lại có tài liệu nói rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18.1.1894 tại Trà Vinh.
Tóm lại, có rất nhiều tư liệu, giai thoại khác nhau xung quanh cuộc đời cô Ba, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và thông tin về cuộc đời của cô còn những ẩn số. Dẫu vậy, người đẹp vang bóng một thời này vẫn được người đời nhắc đến là một hoa hậu bậc nhất Hòn Ngọc Viễn Đông.
Trong cuộc sống, đôi khi người ta chỉ vì chút ưu thế nhất thời mà đắc ý, cho rằng bản thân có thể chiến thắng, có thể vui cười mà dương dương tự đắc. Tuy nhiên, kết quả sau cùng thì phải đi hết con đường mới thực sự có thể chiêm nghiệm được. Và nếu như cứ ngay thẳng, lạc quan, lương thiện mà sống thì chắc chắn sẽ có được sự vui vẻ, hệt như câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất”.
Có những chuyện đến cuối con đường mới có thể biết được… (Ảnh qua pixdaus.com)
Câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất” xuất phát từ bài thơ ngụ ngôn “Hai người nông dân và đám mây” của Jean-Pierre Claris de Florian, một nhà văn, nhà soạn kịch mà còn là nhà thơ ngụ ngôn có ảnh hưởng lớn nhất sau La Fontaine. Ông từng xuất bản năm quyển Thơ ngụ ngôn vào năm 1792.
Nội dung của bài thơ “Hai người nông dân và đám mây” kể về một câu chuyện như sau: Một ngày nọ, một người nông dân tên là Guyot nhìn thấy một đám mây trên trời, ông cho rằng sắp có mưa đá sẽ làm hỏng cây trồng, khiến mùa màng thất bát, còn có thể dẫn đến nạn đói. Vì thế ông vô cùng lo lắng. Còn Luke, một người nông dân khác lại cho rằng đám mây đó là điềm lành, mưa xuống có thể tưới nước cho cây trồng bị khô héo lâu ngày, và nhờ đó mà người nông dân sẽ có mùa màng bội thu.
Hai người mỗi người một ý, không ai chịu ai cả. Cuối cùng Luke nói: “Nếu vậy thì cứ đợi xem! Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất!” Không lâu sau, một trận gió lớn thổi đến, đám mây tan đi, không có mưa đá, cũng không có mưa. Rốt cuộc thì trong số hai người cùng khăng khăng với ý kiến của mình đó, không có ai là đúng.
Hai người nông dân. (Ảnh minh họa qua Pinterest)
Sau này người ta dùng câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất” để nói về việc không nên quá đắc ý vì thành công hoặc chiếm được ưu thế nhất thời, chỉ có đi đến cuối cùng mới có thể biết được ai cười ai khóc. Nhưng lẽ đời, trời không phụ kẻ ngay thẳng thiện lương, ví như trong vở kịch “Người thương gia Venice” của đại văn hào Shakespeare chẳng hạn.
Vở kịch kể về người thương gia Antonio ở Venice. Để giúp đỡ người bạn Bassanio cưới được Portia, Antonio đã đến vay tiền ở chỗ kẻ thù của mình là người cho vay nặng lãi Sherlock. Antonio đồng ý nếu không thể trả được tiền thì sẽ cắt một miếng thịt của mình để bồi thường. Không ngờ là thuyền buôn của ông gặp nạn trên biển, vì thế ông không thể trả tiền đúng hạn và bị Sherlock đắc ý kiện lên tòa án.
Trên tòa, Sherlock từ chối hòa giải, kiên quyết cắt một miếng thịt trên người của Antonio theo đúng điều khoản trên giấy nợ. Antonio không còn cách nào khác.
Để cứu Antonio, Portia đã giả làm luật sư đến tòa án. Cô nói với Sherlock rằng trên giấy nợ chỉ nói ông ta được lấy một miếng thịt của Antonio, nhưng không hề nói rằng ông ta được lấy một giọt máu của ông này. “Nếu ông để một tín đồ Cơ đốc giáo rơi một giọt máu thì đất đai và tài sản của ông sẽ bị xung công cho chính phủ Venice theo quy định của pháp luật.”
Tất nhiên Sherlock không thể chỉ cắt thịt của Antonio mà không làm ông này chảy máu nên đành chán nản nói rằng ông ta đồng ý nhận tiền. Vào lúc mà mọi người đều vô cùng vui vẻ thì Portia lại nói: “Đừng gấp, từ từ đã! Người Do Thái này không thể nhận tiền, chỉ được cắt thịt. Thế nên, ông Sherlock, hãy chuẩn bị cắt miếng thịt đó đi. Nhưng ông phải chú ý đừng làm ông ấy chảy máu. Ông không được cắt quá 450 gam, cũng không được ít hơn; nếu như nhiều hơn hoặc ít hơn một chút thì phải phán ông tội chết theo luật Venice, toàn bộ tài sản của ông phải sung công cho Nghị viện.”
Portia còn nói: “Theo luật của Venice, bởi vì ông gài bẫy muốn mưu hại đến tính mạng của người dân, tài sản của ông đã bị sung công cho chính phủ rồi. Việc ông sống hay chết phải xem Công tước quyết định ra sao. Vì thế, hãy quỳ xuống xin ông ấy tha thứ đi.”
Ai cười ai khóc? Antonio lương thiện hay Sherlock (Ảnh qua mercedshakespearefest.org)
Sherlock rất không cam lòng, nhưng không có cách nào đành chấp nhận sự trừng phạt của Công tước: Bồi thường một nửa tài sản cho Antonio, nửa còn lại thuộc về chính phủ. Nhưng tốt cuộc thì Antonio cũng từ bỏ một nửa tài sản mà Sherlock phải trả cho ông.
Kế hoạch trả thù của Sherlock đã thất bại, đồng thời ông ta còn mất không ít tài sản. Về Antonio lương thiện, ông không chỉ không bị cắt thịt, mà chiếc tàu ông vốn nghĩ là đã mất cũng thuận lợi cập cảng.
“Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất”, bởi vì chiêm nghiệm ra, tiếng cười đắc ý hơn thua sẽ chẳng thể nào hàm chứa được sự vui vẻ chân chính.
Trong ngày 21/2, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đồng loạt cảnh báo các mức “xấu”, “rất xấu” đến mức cao nhất – “nguy hiểm”.
Bầu không khí tại Hà Nội, tháng 1/2020. (Ảnh: Luong Led/Shutterstock)
8h ngày 21/2, 7/11 điểm quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội có chỉ số AQI trên 200, cảnh báo đỏ – mức “xấu”, tương ứng với cảnh báo “mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn”.
Một số điểm có chỉ số AQI cao như điểm Minh Khai (Bắc Từ Liêm) là 272, Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) 262, Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy) 264, Phạm Văn Đồng 258.
Vào lúc 10h20, ứng dụng Air Visual (thuộc Tổ chức AirVisual, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ) ghi nhận ít nhất 12 điểm ở mức tím từ 207-255. Chất lượng không khí ở mức “rất xấu” – rất có hại cho sức khỏe của tất cả mọi người.
Đáng chú ý, có điểm chỉ số AQI vượt trên 300, ở mức “nguy hiểm” – tất cả mọi người có thể chịu tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cùng thời điểm trên, ứng dụng PAM Air (thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L) ghi nhận hầu hết các điểm quan trắc ở mức tím (30 điểm), chỉ số AQI từ 208-290.
Đặc biệt, có 4 điểm ở mức nâu – không khí ô nhiễm ở mức độ “nguy hiểm”, chỉ số AQI lên tới 341.
Đến 15h30 chiều, hệ thống quan trắc của Đại sứ quan Mỹ tại điểm Ô Chợ Dừa ghi nhận chỉ số AQI 235 – mức “rất có hại cho sức khỏe”.
Theo hệ thống này, trong vòng 48 giờ qua, chỉ số bụi mịn PM2.5 thấp nhất là 95 µg/m3, cao nhất là 252 µg/m3, cao gấp từ 3,8 đến 10 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3); gấp từ 9,5 đến 25 lần mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO (10μg/m3).
Hơn 200 năm trước, Benjamin Franklin đã viết: “Kẻ nào từ bỏ tự do để có được sự ổn định, cuối cùng đều mất đi cả tự do lẫn ổn định”. Trên nền tảng đó, một nước Mỹ trân trọng tối đa tự do và tiềm năng của mỗi cá nhân đã hình thành và nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh nhất thế giới.
Trong suốt dòng lịch sử trong thế kỷ qua, lời cảnh báo của vị cha lập quốc Hoa Kỳ đã ứng nghiệm ở khắp mọi nơi, từ Đức Quốc Xã, tới khối Liên bang Xô Viết, Đông Âu, tới Cuba, cũng như Bắc Hàn và sự sụp đổ của Venezuela mà thế giới đang chứng kiến. Tại Trung Quốc, sự đánh đổi này đã giết chết khoảng 80 triệu sinh mạng trong các cuộc vận động và cách mạng văn hóa, nhân danh “duy trì ổn định trật tự xã hội”. Để tồn tại sau giai đoạn sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc đã vứt bỏ các chính sách kìm kẹp xã hội nghẹt thở, mang lại một số tự do cho người dân. Nhưng sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, hy vọng về tự do thực sự của giới trí thức Trung Quốc bị đập nát dưới họng súng và xích xe tăng. Người Trung Quốc đã chấp nhận một khế ước xã hội bất thành văn với ĐCS, rằng họ sẽ tiếp tục sống dưới sự cai trị độc tôn, không thể bị thách thức của nó, đổi lấy sự đảm bảo cho họ an ninh về kinh tế và sự ổn định của xã hội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Shutterstock)
Trong gần 30 năm sau đó, kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 310 USD lên 16.186 USD năm 2018. Rất nhiều thành phố Trung Quốc vươn mình trở thành những trung tâm thương mại, công nghiệp hàng đầu thế giới, với các tòa nhà chọc trời và ánh đèn neon hào nhoáng đọ sức với sự xa hoa của quảng trường thời đại New York. Các doanh nghiệp phương Tây đã bẻ cong các quy tắc đạo đức, sẵn sàng từ bỏ bí mật công nghệ, tự áp đặt chính sách kiểm duyệt, thậm chí hợp tác với chính quyền Trung Quốc để được chia phần miếng bánh béo bở là thị trường 1,4 tỷ dân. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới và vết chân khách du lịch Trung Quốc cũng in dấu ở mọi ngóc ngách trên toàn cầu, kèm theo đó là rác thải, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn.
Người Trung Quốc không chỉ giàu hơn, họ còn ngày càng tự tin vào địa vị quốc gia, bị ru ngủ bởi “Trung Hoa Mộng”, tầm nhìn của lãnh đạo Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ vươn lên một cách không gì ngăn được và định mệnh của nó là trở thành một quốc gia hùng mạnh và rực rỡ nhất trên trái đất. Người Trung Quốc chấp nhận sống trong một nhà tù khổng lồ và bức bối, liên tục bị theo dõi bởi hệ thống camera giám sát dày đặc (skynet), bị đánh giá hành vi và đạo đức bởi một hệ thống “xếp hạng tín nhiệm xã hội” vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân, ngày càng bị kiểm duyệt phát ngôn trên không gian mạng, bị cấm tham gia vào các diễn đàn tự do trên thế giới như Facebook, Youtube và Twitter và những người bất đồng chính kiến, những tín đồ tôn giáo luôn sống trong sự lo sợ bị chính quyền đàn áp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, phần lớn người Trung Quốc không tỏ ra phản đối sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSTQ và dường như đã chấp nhận “các bất tiện này” làm cái giá phải trả cho ổn định và thịnh vượng. Trung Quốc tự tin rằng họ đang mang lại cho thế giới một “con đường mới”, “một sự lựa chọn phát triển mới”, cạnh tranh trực tiếp với các mô hình và giá trị của Mỹ và phương Tây. Đây là một lời tuyên chiến rằng, “không cần sự tự do đầy rắc rối của phương Tây, Trung Quốc vẫn có thể giàu mạnh, thậm chí chiến thắng phương Tây”.
Trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung, nhiều người đã đánh giá rằng một lợi thế mà Bắc Kinh có trước Washington, đó là sự tập trung quyền lực. Bắc Kinh có thể vận dụng mọi nguồn lực quốc gia, dễ dàng thao túng tiền tệ để đối đầu với Mỹ mà không vấp phải bất cứ cản trở nào, còn chính quyền Trump thì bị vướng tay bởi sự ngăn cản của Quốc hội lẫn phản đối trong dân chúng. Nhưng một cỗ máy càng cồng kềnh thì càng dễ hỏng hóc, để duy trì trật tự quyền lực và dập tắt các tiếng nói phản đối, ĐCSTQ phải tạo ra một hệ thống càng ngày càng phình to. Và cỗ máy này là đến lúc gặp trục trặc.
Sự xuất hiện của dịch viêm phổi virus corona chủng mới (COVID-19) đang buộc người Trung Quốc phải đánh giá lại khế ước của họ, bởi cái giá mà họ phải trả cho việc từ bỏ tự do càng ngày càng lớn.
Khi dịch bệnh manh nha xuất hiện, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức che giấu nó. Trung Quốc chờ một tháng mới thông báo cho WHO và tới tận cuối tháng Một mới công bố cho toàn dân về dịch bệnh. Trong thời gian đó, Bắc Kinh bắt giữ những người cảnh báo sớm, ép bác sĩ, y tá ngậm miệng, giả tạo con số người bị nhiễm bệnh thấp hơn thực tế và cho đội quân “ba xu” thanh tẩy mạng xã hội, lọc bỏ mọi hình ảnh, bài viết và phát ngôn liên quan đến dịch bệnh. Nhưng dịch bệnh này lại không phải là thứ mà ĐCS có thể kiềm chế ngay. Nó xảy ra giữa ngay tại trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, tại thời điểm mà 1,4 tỷ người Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ dài nhất và quan trọng nhất năm.
Tính đến nay, virus nCoV đã lấy đi sinh mạng của hơn 2.200 người, với gần 80.000 người mắc bệnh, đại đa số ở Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện các bước đi khổng lồ như phong tỏa 60 triệu người tỉnh Hồ Bắc, trong đó có 11 triệu dân Vũ Hán là trung tâm của vùng dịch, virus corona đã lan ra mọi ngóc ngách của Trung Quốc. Không giống như việc giam cầm người Duy Ngô Nhĩ hoặc đàn áp Cơ Đốc giáo, dịch bệnh này ảnh hưởng tới mọi tầng lớn người Trung Quốc. Và họ đã chứng kiến lâu đài cát của Trung Quốc sụp đổ.
Trung Quốc được cho là công xưởng của thế giới, nhưng chật vật không sản xuất đủ lượng khẩu trang cần thiết. Ngành công nghệ sinh học của Trung Quốc tuyên bố tăng trưởng 2 con số trong vòng 2 thập kỷ qua, nhưng lại thiếu trầm trọng bộ xét nghiệm virus. Ngành y tế của chính phủ Trung Quốc đang quá tải bệnh nhân cần xét nghiệm, các bệnh viện từ chối nhận người ốm cần chữa trị và cách ly. Truyền thông xã hội tràn ngập các hình ảnh người Trung Quốc tuyệt vọng cần xin trợ giúp. Reuters mới đăng tải một câu chuyện đau lòng về một người mẹ cầu xin cảnh sát cho con gái bị bệnh máu trắng của bà đi ra khỏi thành phố để họ có thể tới một bệnh viện không quá tải ở nơi khác.
Ảo mộng của an toàn và trật tự xã hội vỡ vụn, khi chính phủ Trung Quốc chưa có cách kiểm soát virus hiệu quả, nhưng lại không chần chừ triển khai mọi biện pháp thô bạo nhất đối với thường dân nhân danh chống dịch. Báo chí phương Tây lần lượt đưa tin về các chiến dịch “gõ cửa từng nhà”, cưỡng chế quây bắt người mắc bệnh, còng tay họ tới các trung tâm cách ly khổng lồ. Trong bối cảnh thiếu bác sĩ, y tế, trang thiết bị y tế và vệ sinh tối thiểu, người ta sợ rằng họ sẽ bị để mặc cho sống chết ở các trung tâm này. Chính vì thế không ai muốn tới đây. Còn có cả các video và hình ảnh cho thấy chính quyền địa phương tới đóng đinh chặn cửa nhà dân hoặc cả một tòa nhà khi nghi ngờ người trong nhà mắc virus. Sự tàn nhẫn và thiếu lương tri trong xã hội Trung Quốc nằm ngoài sự tưởng tượng.
Trong các thành phố bị phong tỏa, cuộc sống của những người không mắc COVID-19 cũng không dễ dàng. Hàng hóa khan hiếm, giá cả cả đã leo thang chóng mặt. Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng đã ngừng hoạt động. Rất nhiều người già và người tàn tật phải tự vật lộn lo cho bản thân. Một cậu bé bại liệt 17 tuổi tại Hồ Bắc đã chết sau một tuần vì cha của cậu bị người ta cưỡng chế cách ly. Cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng đang lan ra khắp nơi. Trong giờ phút sinh tử, họ thẳng thắn đặt câu hỏi rằng Trung Quốc là cường quốc kiểu gì mà không thể chăm lo cho người dân của mình. Trong một video gần đây, một phụ nữ chẳng ngại che mặt mà chỉ trích ĐCSTQ dối trá, lừa phỉnh nhân dân. “Các người đã hứa với chúng tôi sẽ giàu mạnh vào năm 2020. Nhưng chúng tôi thì mất đi người thân, gia đình, các người thì sống trong sung sướng còn chúng tôi thì đang chết dần”.
Bên ngoài Trung Quốc, khách du lịch và các nhà đầu tư Trung Quốc đột nhiên cảm thấy họ chẳng còn được chào mời nữa. Trung Quốc chưa từng bị thế giới cô lập như hiện tại kể từ thế kỷ 18, khi nó tự tách mình khỏi thế giới. Sau đó, người Trung Quốc biết thêm được rằng tất cả bi kịch của họ đã có thể tránh được nếu chính phủ Trung Quốc lắng nghe cảnh báo sớm của các bác sĩ như Lý Văn Lượng, hoặc ít nhất để cho các chuyên gia này có quyền tự cất tiếng nói để cảnh báo nhân dân. Thay vào đó, vì “duy trì trật tự xã hội”, hay nói thẳng ra là trật tự để ĐCS đảm bảo quyền lãnh đạo không thể lay chuyển, các bác sĩ như Lý Văn Lượng đã bị phạt vì “phát tán tin đồn thất thiệt”, những người khác cũng bị ép phải ngậm miệng hoặc vào tù. Trong thời gian này, Trung Quốc khăng khăng rằng chưa có chuyên gia y tế nào bị nhiễm virus và chưa có bằng chứng cho thấy virus này truyền từ người sang người.
Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán, trong thời gian điều trị bệnh.
Bác sĩ Lượng đã chết, chỉ sau khi anh loan báo cho các bạn học của mình hơn một tháng chính vì virus corona. Cái chết của anh đã khiến người Trung Quốc giải phóng hàng chục năm bức bối và phẫn nộ đối với chính quyền. Trước đại dịch, họ chán nản với những phát ngôn lừa dối, che đậy và yếu kém của cỗ máy khổng lồ, cồng kềnh, không biết làm gì hơn ngoài trừng phạt những người không đồng ý với chính quyền. ĐCSTQ hiện ra với một bộ mặt trần trụi của một kẻ muốn duy trì trật tự và quyền lực bằng mọi giá, thậm chí đánh đổi cả mạng sống của họ.
Một sự thức tỉnh quốc gia đã bắt đầu. Trên những diễn đàn ẩn danh, người Trung Quốc đã dám đặt những câu hỏi về tính chính đáng của ĐCSTQ, điều gì khiến ĐCS được phép nắm quyền lãnh đạo? “Lịch sử nào, nhân dân nào” đã lựa chọn và cho phép ĐCSTQ lên vị trí độc tôn? Tại sao mỗi lời ĐCS nói, mọi chính sách của ĐCS đều là chân lý, là không thể bị lên án hoặc chỉ trích? Trong sự tuyệt vọng của dịch bệnh, ngày càng nhiều người Trung Quốc dám đăng các video lên mạng, vượt qua được tường lửa và kiểm duyệt, để nói lên sự thật.
Số lượng các bài viết mô tả thực trạng của Trung Quốc, những khổ đau, dằn vặt và tuyệt vọng của người dân trong dịch bệnh tăng lên đến mức chưa từng có. Hashtag #chúng tôi muốn tự do ngôn luận# xuất hiện nhan nhản trên Weibo, mạng xã hội nổi tiếng nhất Trung Quốc, mặc dù chỉ “sống” được 5 giờ sau khi bị cỗ máy kiểm duyệt càn quét. Ngày càng nhiều học giả, trí thức Trung Quốc đứng đầu làn sóng đòi quyền tự do ngôn luận, họ dùng chức danh thật, tên thật. Dường như lần đầu tiên trong cuộc đời, những người Trung Quốc này không còn sợ kiểm duyệt, dám nói lên rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về tư duy thâm căn cố đế đặt ổn định lên trên tất cả, bởi nó đang làm tổn thương tất cả chúng ta”. Bình luận này cho thấy khế ước xã hội mà ĐCSTQ dùng bạo lực, súng ống, tiền bạc và công nghệ để dựng lên và duy trì đang lay chuyển.
Sự bùng phát của COVID-19 không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nó chỉ là biến số của một hệ quả tất yếu phải xảy ra khi một xã hội chấp nhận đánh đổi tự do của mỗi cá nhân trong đó để lấy mộng ảo của an toàn, ổn định và thịnh vượng.
Chính phủ Trung Quốc tất nhiên đã vận dụng mọi khả năng để kiềm chế sự phẫn nộ của người dân. Chúng ta không thể biết được cơn thịnh nộ này có dẫn đến bất kỳ sự thay đổi lớn lao nào ở Trung Quốc hay không. Nhưng những gì đang xảy ra ít nhất đã cho người Trung Quốc, và mọi người dân trên thế giới một lần nữa chứng kiến chân lý rằng, khi bạn từ bỏ tự do để có được an toàn, bạn sẽ đánh mất cả tự do lẫn an toàn.