CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (9/2)

Trung Quốc Đại lục (*)

  • [MỚI] Theo UB Y tế Nhà nước Trung Quốc, số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục cập nhật đến 6h chiều 9/2 là 37.226 ca, số ca tử vong là 812 ca.
  • Chiều 8/2, chính quyền thành phố Thượng Hải họp báo xác nhận rằng virus corona mới có thể truyền qua aerosol (khí dung: là các giọt bụi nước chứa virus được hòa tan trong không khí và trôi lơ lửng trong không khí), tức lây truyền khi người bệnh ho, hắt hơi và nói chuyện. Người ta có thể bị nhiễm bệnh nếu hít phải khí dung có chứa virus. Xem chi tiết.
  • Vận động viên thể hình Trung Quốc Qiu Jun, người từng đạt nhiều danh hiệu quán quân và được mệnh danh là “không bao giờ bị bệnh” đã qua đời ở Vũ Hán do nhiễm virus corona, theo Sina.
  • Mẹ bác sĩ Lý Văn Lượng vừa yêu cầu công an đưa ra lời giải thích vì cách họ đối xử với con trai của bà.
  • Chuyên gia y tế Trung Quốc giải thích tại sao một số người lại có các triệu chứng thời kỳ đầu nhiễm nCoV tương đối nhẹ, sau đó diễn biến thành nguy kịch. Theo đó, bệnh tình chuyển biến xấu một cách đột ngột là vì “bùng phát triệu chứng viêm” dẫn đến suy đa tạng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều người bệnh. Xem chi tiết.
  • 10 giáo sư tại Vũ Hán đã viết thư ngỏ yêu cầu quyền tự do ngôn luận sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Xem chi tiết.
  • Vũ Hán thành lập các đội kiểm tra địa phương, đến từng cộng đồng, kiểm tra từng nhà để ghi nhận những trường hợp đã nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm virus, những người có tiếp xúc với người nhiễm, hoặc những người xuất hiện triệu chứng sốt cao. Các đội kiểm tra sẽ đưa những người nhiễm hoặc nghi nhiễm vào bệnh viện hoặc khu cách ly. Ngoài ra, thành phố cũng thiết lập chốt kiểm tra trước mọi khu phố và chung cư để đo thân nhiệt cho người dân.
  • [MỚI] Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc cho biết đã đổi tên bệnh “viêm phổi Vũ Hán” thành “Bệnh viêm phổi corona chủng mới”, gọi tắt là “Viêm phổi corona mới”, tên tiếng Anh viết tắt là “NCP” (Novel Coronavirus Pneumonia).
  • [NÓNG] Chen Qiushi, 34 tuổi, một nhà báo địa phương tích cực đưa tin bằng các video thực tế về tình hình tại Vũ Hán, đã được gia đình thông báo không thể liên lạc được từ hôm 6/2. Anh Chen đã đến thăm các bệnh viện, nhà tang lễ và địa điểm cách ly tạm thời, đăng tải các video về những gì anh chứng kiến để cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực về thực tế nơi trung tâm cuộc khủng hoảng. Sau đó, người thân của anh phát hiện rằng anh đã bị cảnh sát giam giữ dưới danh nghĩa “cách ly”. Sự mất tích của Chen đã bắt đầu được chia sẻ rộng trên Weibo và khiến công chúng phẫn nộ, yêu cầu cảnh sát thả Chen. “Chúng tôi không thể chịu được nếu có một Lý Văn Lượng thứ hai,” một người dùng Weibo viết.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 

Thế giới

  • Tàu Diamond Princess: Cơ quan y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 6 ca dương tính trên tàu, nâng tổng số ca dương tính ở riêng con tàu này lên 70 và nâng tổng số ca nhiễm ở Nhật lên 96;
  • Đài Loan có thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 18;
  • Hàn Quốc có 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 27;
  • Malaysia có 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 17;
  • Văn phòng WHO tại Philippines đã lên tiếng cảnh báo rằng virus corona chủng mới có thể sống sót trong cả khí hậu nóng ẩm của các quốc gia nhiệt đới và kêu gọi công chúng không chủ quan;
  • Hiện đã có gần 350.000 chữ ký yêu cầu Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức với cáo buộc đã không đưa ra những khuyến cáo kịp thời và chính xác. Xem link cuộc vận động.
  • Singapore xác nhận 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 40 (CNA);
  • Canada: 213 công dân được sơ tán khỏi Vũ Hán đã về đến Canada (CNN);
  • WHO: đoàn chuyên gia WHO dự kiến sẽ đến Trung Quốc đầu tuần sau để điều tra về dịch viêm phổi. Hiện Mỹ vẫn chưa được Trung Quốc xúc tiến các thủ tục để tham gia (CNN);
  • Hồng Kông: tất cả những ai đến từ Đại lục đều bị cách ly 14 ngày (CNN);

Việt Nam

  • Trưa 9/2 Bộ Y tế xác nhận thêm 1 ca dương tính với nCoV ở tỉnh Vĩnh Phúc, nâng số ca nhiễm ở Vĩnh Phúc lên 9, nâng số ca nhiễm ở Việt Nam lên 14. Bệnh nhân là 1 phụ nữ bị lây nhiễm chéo nội địa, là hàng xóm của cô gái 23 tuổi, người trong đoàn công nhân từ Vũ Hán về và nhiễm nCoV.
  • Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc lập danh sách 146 người từng tiếp xúc gần với 9 bệnh nhân dương tính nCoV, cách ly giám sát chặt chẽ. Trong số những người tiếp xúc gần, hiện đã xác định 4 người nhiễm nCoV, 53 trường hợp khác đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Số còn lại đang được theo dõi, cách ly giám sát.
  • Tàu du lịch Diamond Princess chở 3.700 người, trong đó có 64 người nhiễm nCoV, từng cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và Hạ Long (Quảng Ninh). Sau khi xuất hiện thông tin khách trên tàu Diamond Princess bị nhiễm nCoV, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã đưa cán bộ, nhân viên có khả năng tiếp xúc ở cảng tàu đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, đến nay tất cả sức khỏe ổn định. Đối với 40 tàu du lịch được xác định đã tham gia đón, trả khách từ tàu Diamond Princess tham quan vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu ngành Du lịch, TP Hạ Long cho tạm dừng hoạt động, tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ; thực hiện tự cách lynhân viên, hướng dẫn viên, lái tàu.
  • TP Móng Cái (Quảng Ninh) liên tiếp bắt các vụ vận chuyển ‘chui’ khẩu trang sang Trung Quốc. Ngày 9/2, lực lượng chức năng tại TP Móng Cái đã bắt quả tang hai vụ vận chuyển trái phép khẩu trang với tổng số lượng gần 50.000 chiếc để bán sang Trung Quốc kiếm lời.
  • Bộ Tài chính công bố danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, bao gồm khẩu trang y tế, nước rửa tay khô sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế và nước sát trùng,  bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, mũ bảo hộ, giày, găng tay, khẩu trang y tế) và các vật tư y tế cần thiết khác.
  • Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố đưa tiền mới vào lưu thông, cách ly tiền cũ để đề phòng lây nhiễm virus corona.

Bảo Minh (t/h) / Tritucvn

CỔ TỤC BÓP VÚ TRONG MỘT SỐ LỄ HỘI XỨ KINH BẮC

Cổ tục xứ Kinh Bắc

Những tài liệu dưới đây được viết bằng chữ Hán – Nôm, là những ghi chép về dân tục của vùng Kinh Bắc, vào năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ chủ trương và các nhà nho Việt Nam tiến hành khai báo.

Tài liệu này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm biên dịch trong cuốn sách: Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, do GS Đinh Khắc Thuân chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2009.

Phần biên dịch được trích dẫn dưới đây do Nguyễn Thị Hường – Nguyễn Tô Lan dịch, Đinh Khắc Thuân hiệu đính.

Tục hát và đánh chen ở xã Nga Hoàng, huyện Võ Giàng

Tài liệu viết: Lại hỏi, xã ấy vào ngày 11 tháng 2 có lệ nhập tịch tế thần…Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì người con trai cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái, thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai điểm vào ngực người con gái.

Đêm đó thuê ca kỹ đến hát thờ thần từ 7,8 giờ tối đến 4,5 giờ sang mới thôi. Đêm ấy từ lúc ca kỹ bắt đầu đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình, vì đôi trai gái sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình.

*Điểm ngực: Bóp vú. NXD chú.

Hát thờ thần và hát nằm với nhau ở làng Diềm

Làng Diềm tức xã Viêm Xá, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng ngày xưa, tương truyền là một trong những nơi gạo cội của hát Quan họ. Tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi: Lại nói xã ấy có một đình, phụng thờ hai vị thần hoàng, thánh ông hiệu là Tam Giang Đại vương, thánh bà hiệu là Hoàng hậu. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng khai xuân…Ngày 10 tháng 8, nhập tịch mở hội tế hai vị thần.

Lại như trai gái xã ấy giao lưu với xã Hoài Bão ở huyện Tiên Du. Nam nữ làm một hội hát, xã Viêm Xá gồm 10 người con trai, 10 người con gái, xã Hoài Bão gồm 10 người con trai, 10 người con gái. Nam nữ hai xã này hợp thành một phường ca hát. Đến ngày xã Viêm Xá mở hội xuân hay ngày nhập tịch thờ hai vị thần, dân xã sai một người con trai mang trầu cau đến xã mời con trai con gái xã Hoài Bão sang xã Viêm Xá hát; nhưng con gái xã Hoài Bão không đi mà chỉ có các chàng trai đến xã Viêm Xá. Con trai xã Hoài Bão ca với các cô gái xã Viêm Xá. Nếu ngày nào theo tục lệ là ngày xã Hoài Bão thờ thần, thì xã Hoài Bão cũng sai một người con trai mang trầu cau sang mời trai gái xã Viêm Xá đến, nhưng con gái xã Viêm Xá không đi, chỉ có con trai đến xã Hoài Bão hát với các cô gái xã Hoài Bão…

Lại hỏi, xã ấy vào ngày 4 tháng giêng có tục con trai con gái đến đình thờ thần, rồi đến đêm thì cùng nhau về nhà chị cả, hát với con trai xã Hoài Bão. Đêm ấy làng này con gái có chồng và con gái chưa chồng cũng đều đến nhà chị cả. Con trai Hoài Bão với con trai xã ấy ngồi một bên… con gái ngồi một bên trong nhà chị cả. Chị cả sai người nhà làm tiệc rượu mời các chàng trai xã Hoài Bão ăn uống no say, sau đó mới hát. Trai gái hát từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng thì tắt đèn trong nhà, trai gái cùng nằm mà hát. Lúc tắt đèn, anh cả hát với chị cả, anh hai hát với chị hai …, anh bé hát với em bé, còn những người con trai thuận tình với người con gái nào thì cũng hát với cô ấy. Nếu như chàng trai con gái nào yêu nhau, giả vờ đi ra tiểu tiện ở ngoài nhà, cùng đi ra ngoài nhà mà giao phối, thường thì người trong nhà cũng không biết. Sau đó lại vào trong nhà rồi hát, hát đến 4,5 giờ sáng mới thôi. Con trai xã Viêm Xá về nhà, con trai xã Hoài Bão về xã Hoài Bão, rồi con gái xã Viêm Xá tiễn con trai xã Hoài Bão về, chị cả tiễn anh cả, chị hai tiễn anh hai, chị ba tiễn anh ba, chị tư tiễn anh tư, chị năm tiễn anh năm, em bé tiễn anh bé, mỗi người tiễn một đường, không đi chung một đường, hoặc đi cách xa đường nhau. Lúc 4,5 giờ sáng vẫn đương tối chưa sáng, trai gái tiễn nhau về cũng làm việc giao phối ở bên đường, lúc đó không ai biết. Xã này có tục ấy, nên người nào có con gái không cho đi hát đêm ấy thì bị những người cho con gái đi hát cười. Cười rằng: “Những người có con gái không cho đi hát cũng hư mất đời, lại không tuân lệ làng.”

Một số câu hát được ghi lại như sau:

Nam:

Khen cho cũng thực duyên trời

Đưa ra kết mấy những người bạn loan.

Nữ:

Giầu này xin gửi bạn loan

Công này kể núi Thái Sơn nào tày

Yêu nhau ăn miếng giầu này

Ăn giầu rồi sẽ giải bày niềm đan

Nam:

Muốn cho đôi chữ ái ân

Lòng tôi muốn kết trước sân giãi bày.

Nữ:

Muốn cho đôi chữ một dòng

Trên trời chưa định trong lòng đã vui….

Tục hát úp đèn thờ thần, điểm ngực ở Ném Thượng

Làng Ném Thượng sáng ngày Rằm tháng giêng có tục giết lợn tế thần. Tối hôm đó mời đào nương đến hát. Tài liệu trên chép:

Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần. Mọi việc xong thì người già ngồi một gian bên trong đình xem hát. 3,4 người kỳ mục ngồi ở gian giữa, trong chỗ có hương án, đánh trống xem hát. Đào nương đứng ở ngoài hương án mà ca hát. Đàn ông, đàn bà, người già trong làng đều ra đình xem và nghe hát.

Ca hát từ đó đến 8,9 giờ tối thì thắp đèn, hát đến chừng 2 giờ đêm. Một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, lấy một cái chõ úp lên trên đèn ( chú thích: Tục cổ thì tắt đèn đi, nay thì lấy chõ úp lên), trong đình, trong cung ấy tối om om. Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới nhảy xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà.

Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người không sờ ngực nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để nghe hát…

Nếu năm nào nhập tịch tế thần không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người đều không được yên…Nếu… có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy nhân dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở…,lúa má tằm tang tươi tốt.

Tục trên được ghi lại do người ghi chứng kiến tại chỗ vào đêm 15 tháng giêng năm 1920 tại đình Niệm Thượng.

@ Tễu Blog

 

Người ăn thịt hay ăn chay sống lâu hơn và tranh luận của các nhà khoa học

Sau khi nghiên cứu trên nhiều cặp song sinh giống hệt nhau, các nhà khoa học đã ước tính gen chỉ ảnh hưởng không quá 30% thời gian sống của con người. Do đó, yếu tố lớn nhất kiểm soát tuổi thọ của một người là môi trường.

Chế độ dinh dưỡng là tiêu điểm của các cuộc tranh luận và nghiên cứu. Hạn chế hấp thụ calo để con người sống lâu hơn vẫn còn là điều bí ẩn. Cho đến nay, các nghiên cứu mới chỉ khẳng định, việc làm này có thể tăng tuổi thọ của chuột và những sinh vật nhỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả thử nghiệm trên người cũng giống với trên động vật.

Tranh luận không tới hồi kết

Bên cạnh đó, những câu hỏi đặt ra về việc con người nên ăn gì để sống lâu hơn cũng là chủ đề nóng trong giới nghiên cứu. Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia tiến hành tìm hiểu lượng thịt con người tiêu thụ mỗi ngày.

Người ăn thịt hay ăn chay sống lâu hơn và tranh luận của các nhà khoa học - Ảnh 1.

Những phân tích tổng hợp được tham khảo từ một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn ít thịt có liên quan đến khả năng sống lâu và bạn kiêng thịt càng dài thì càng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều đồng ý với nhận định này. Một số khác lại cho rằng rất ít hoặc thậm chí không có sự khác biệt nào về tuổi thọ giữa người ăn thịt và người ăn chay.

Các bằng chứng chỉ cho thấy không tiêu thụ thịt có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và thậm chí ung thư . Nhiều chuyên gia cũng khẳng định chế độ ăn thuần chay đem lại nhiều lợi ích hơn chế độ ăn chay.

Vì vậy, chúng ta liệu có thể tự tin kết luận tránh tiêu thụ thịt sẽ giúp tăng tuổi thọ của con người hay không? Câu trả lời là chưa hẳn.

Bế tắc

Theo James Brown, giảng viên cao cấp về Sinh học và Y sinh tại Trường Khoa học Đời sống và Sức khỏe trực thuộc Đại học Aston, Vương quốc Anh, điều đầu tiên chúng ta cần cân nhắc là tuổi thọ của con người hơn rất nhiều giống loài khác. Điều này vô tình cản trở và gây khó khăn cho những nghiên cứu về giới hạn sống của chúng ta. Không một nhà khoa học nào có thể chờ 90 năm để hoàn thành nghiên cứu.

Người ăn thịt hay ăn chay sống lâu hơn và tranh luận của các nhà khoa học - Ảnh 2.

Từ dữ liệu thu thập được, nhà khoa học sẽ đưa ra nhận định mối liên hệ giữa thói quen ăn thịt đối với khả năng sống thọ.

Thay vào đó, nhằm tìm hiểu về vấn đề này, họ sẽ dựa trên những hồ sơ có sẵn hoặc thuê tình nguyện viên. Nhiệm vụ của những người này là hỗ trợ thống kê, so sánh tỷ lệ tử vong và các nhóm người có nguy cơ tử vong cao. Từ dữ liệu thu thập được, nhà khoa học sẽ đưa ra nhận định mối liên hệ giữa thói quen ăn thịt đối với khả năng sống thọ .

Trên thực tế, phương pháp nghiên cứu này chứa khá nhiều lỗ hổng. Đầu tiên, không phải lúc nào ăn thịt và sống thọ cũng liên quan tới nhau. Nói cách khác, đôi khi chúng không có quan hệ nhân quả. Ăn chay và sống thọ có khả năng đi kèm với tới nhau nhưng không thể kết luận con người sống lâu chỉ bằng việc không tiêu thụ thịt. Thực hiện nhiều thói quen lành mạnh như tập thể dục, tránh hút thuốc và ít uống rượu cũng góp phần kéo dài tuổi thọ con người.

Người ăn thịt hay ăn chay sống lâu hơn và tranh luận của các nhà khoa học - Ảnh 3.

Thực hiện nhiều thói quen lành mạnh như tập thể dục, tránh hút thuốc và ít uống rượu góp phần kéo dài tuổi thọ con người.

Các nghiên cứu về dinh dưỡng thường dựa trên các số liệu thử nghiệm của tình nguyện viên để đo lường chính xác lượng thức ăn họ tiêu thụ hàng ngày. Trên thực tế, mọi người có xu hướng giảm lượng calo tiêu thụ và tăng cường quá nhiều thực phẩm lành mạnh khi được yêu cầu.

Do đó, nếu không thực sự kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống của người thử nghiệm và xem xem họ sống được bao lâu, chúng ta khó thể đặt niềm tin tuyệt đối vào những nghiên cứu như vậy.

Vậy mọi người có nên tránh tiêu thụ thịt để sống lâu và sống khỏe hay không? 

Điều quan trọng nhất có lẽ nằm ở việc kiểm soát yếu tố môi trường, bao gồm cả những gì chúng ta ăn. Từ các bằng chứng có sẵn, mọi người hoàn toàn có thể tin tránh tiêu thụ thịt sẽ giảm khả năng mắc bệnh khi về già.

Một số bằng chứng khác cũng chỉ ra, kết hợp điều này với hạn chế thực hiện thói quen kém lành mạnh sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Tapchi Hoaky.

Đồng Tâm sau tròn một tháng: Vì sao đã, đang và sẽ còn nóng?

Đồng Tâm hình ảnhOTHER
Ông Lê Đình Kình, lãnh đạo phong trào khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong vụ tập kích, bố ráp đêm 08 rạng sáng 09/01/2020

Sự kiện vụ bố ráp và tập kích do chính quyền và Công an thành phố Hà Nội của Việt Nam thực hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020 tính tới thời điểm này đã là đúng một tháng.

Sự việc đã gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi trong công luận, người dân và các giới quan sát, quan tâm đến vụ việc được cho là có tính chất bạo lực nghiêm trọng và gây ra cái chết của bốn người, trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và là cựu lãnh đạo nhiều năm trong chính hệ thống chính trị của chính quyền và đảng Cộng sản ở địa phương.

Nhân tròn một tháng của sự kiện này, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trả lời phỏng vấn qua bút đàm, mà sau đây là ý kiến riêng của người trả lời:

Nhà thơ Hoàng Hưng: Có thể nói, ở nước Việt Nam thời Cộng sản, chưa từng có vụ việc về nhân quyền, dân quyền nào có sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn, kiên trì, và đông đảo, bao gồm nhiều thành phần xã hội, như vụ cảnh sát cơ động tập kích làng Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội sáng sớm 9/1/2020.

Ngay trong đêm 9/1, tức chưa đầy một ngày sau sự biến, đã có bản Tuyên bố do một số tổ chức xã hội dân sự và cá nhân khởi xướng, cực lực phản đối việc làm phi pháp của nhà cầm quyền và nhận định về hậu quả khó lường của vụ này: “Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào!

Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là “của dân”, người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: “Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!”.

Tuyên bố này đã được trên 1.000 người trong và ngoài nước ký tên.

Sau đó, với sự lộ diện ngày càng rõ những chi tiết vi phạm pháp luật trắng trợn của lực lượng tập kích, đặc biệt là việc sát hại dã man không thể biện minh Cụ Lê Đình Kình 84 tuổi, đảng viên Cộng sản lão thành chưa hề bị kỷ luật, khai trừ đảng hay khởi tố, người được đông đảo dân địa phương kính mến như một “Già Làng”, thì sự căm phẫn (dành cho nhà cầm quyền) và đau đớn (dành cho Cụ cũng như những người dân bị nạn) đã bùng lên như đám cháy rừng mà không một sự đe doạ hay bịp bợm xuyên tạc nào từ các lực lượng đàn áp và tâm lý chiến của nhà cầm quyền dập nổi!

Đại diện cho công luận là những trí thức, nhân sĩ Hà Nội (nhóm của TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình…), Sài Gòn (nhóm GS Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…), đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, mới nhất là lá thư “Tôi tố cáo” của nhà văn Nguyên Ngọc (gợi nhớ sự kiện “J’accuse” của văn hào Emile Zola hơn 100 năm trước ở Pháp), đã chính thức đòi hỏi nhà cầm quyền công khai mọi khuất tất trong vụ Đồng Tâm, làm rõ trách nhiệm, khởi tố và xét xử những người chủ trương, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp gây ra vụ tấn công và thảm sát ở làng Hoành.

Tôi đặc biệt quan tâm đến những ý kiến khách quan, công bằng của những vị lâu nay vẫn gần gụi, thiện chí với nhà cầm quyền như cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao… Tôi cũng đọc được trên FB, nhận được nhiều ý kiến qua tin nhắn hay qua điện thoại của những nhà văn, trí thức lâu nay vẫn hợp tác với nhà cầm quyền, trong vụ này cũng phẫn nộ với cách xử lý chà đạp luật pháp của họ.

Tôi tin là có sự bất đồng không nhỏ ngay trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung cuộc là thất bại thảm hại của đảng trong vụ Đồng Tâm.

‘Chưa có động thái tìm lối thoát’

Đồng Tâmhình ảnhOTHER/HOANG HUNG
Tác giả, nhà thơ Hoàng Hưng (hàng ngồi, bìa phải) và cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang (hàng ngồi, bìa trái), thăm gia đình ông Lê Đình Kình vào tháng 1/2019 (hình do tác giả cung câp)

BBC: Ông có bình luận gì về động thái từ các khối lập pháp, tư pháp và chính quyền sau gần một tháng diễn ra vụ tập kích, bố ráp?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Đến nay là một tháng sau sự cố Đồng Tâm, nhà cầm quyền chưa có một động thái gì cho thấy họ đã tìm ra lối thoát cho vụ việc chấn động lòng người này!

Cho đến nay, những phản ứng của họ đều sai lầm, chỉ làm mất thêm tính chính danh của một nhà nước đúng nghĩa.

Đầu tiên là việc thông tin nhiều lần bất nhất của công an về vụ tấn công, về cái chết của 3 sĩ quan, của Cụ Lê Đình Kình; việc này đã đi đến chỗ hoàn toàn bất lợi cho họ: từ nay về sau, công luận sẽ không tin bất cứ thông tin nào từ họ nữa!

Rồi đến việc khen thưởng hấp tấp đến vô lý của các cấp cao nhất, cũng như ngăn chặn tiền người dân phúng viếng cụ Kình để rồi lại vội vã chạy theo đối phó bằng cách bắt toàn bộ cảnh sát cơ động góp 1 ngày lương hỗ trợ cho gia đình 3 chiến sĩ bị chết, chỉ làm cho tấn bi kịch được kèm thêm những màn hài… cười ra nước mắt!

Tuy nhiên tôi vẫn mong rằng tới đây họ sẽ có thái độ cầu thị, dám nhìn vào sự thật trần trụi của vụ Đồng Tâm để có cách giải quyết ít nhiều thoả đáng, cứu gỡ phần nào bộ mặt của mình.

BBC: Mi đây đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu EU tại Hà Nội đã có tiếp xúc với phía đại diện chính quyền VN và các viên chức đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhà hoạt động ở Việt Nam để tìm hiểu, dân biểu một số quốc gia phương Tây cũng đã lên tiếng về vụ việc, ông đánh giá như thế nào về các động thái này?

Việc quan tâm của các tổ chức quốc tế đến vụ Đồng Tâm, đặc biệt là của các dân biểu các nước khối E.U sắp họp thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, và cuộc gặp của Sứ quán Hoa Kỳ với anh Trịnh Bá Phương, một “dân oan” được sự uỷ nhiệm của bà quả phụ Lê Đình Kình và các gia đình nạn nhân Đồng Tâm, cũng như những sự quan tâm tới đây của quốc tế, chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền Việt Nam không dễ gì đối phó.

Cần xử lý, giải quyết ra sao?

Đồng Tâm
hình ảnhOTHER/FB HOÀNG HƯNG
Tác giả, nhà thơ Hoàng Hưng (phải), và TS Nguyễn Quang A đứng bên con hào do binh chủng Không quân vừa mới đào để phân ranh giữa đất quốc phòng với 59ha đất Đồng Sênh của dân thôn Hoành, Đồng Tâm, tháng 4/2018, theo tác giả.

BBC: Sau tròn một tháng diễn ra sự việc, nhìn nhận lại một cách bao trùm, quan điểm của ông là thế nào và theo ông cần giải quyết, xử lý ra sao?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Vụ Đồng Tâm đã có một lịch sử kéo dài, trong cả quá trình đó nhà cầm quyền không trưng ra được bản đồ qui hoạch gốc (tương tự vụ Thủ Thiêm) để thuyết phục dân thôn Hoành cũng như công luận rằng 59ha đất đồng Sênh thuộc đất quốc phòng, đối lại với những chứng cứ có lý có tình của dân cho thấy họ mới là chủ nhân đích thực. Chính việc đó dẫn người dân đến tâm trạng uất ức, tuyệt vọng, dẫn đến tuyên bố lấy máu để giữ đất, từ đó tạo cái cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.

Trong tình thế đó, quyết định tấn công vào làng Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là vấn đề Đất đai đã tồn tại quá lâu, hậu quả là đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải đối đầu!

Nhìn một cách tích cực, tôi thật sự hy vọng vụ Đồng Tâm sẽ là giọt nước tràn ly, khiến đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải sửa luật Đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong những qui hoạch về đất đai. Cũng từ đây, ĐCSVN sẽ phải nhận ra sự thất bại của đường lối lấy bạo lực khủng bố để khống chế xã hội trong sự sợ hãi cộng với bưng bít, độc quyền thông tin để lừa dối dân theo định hướng của mình. Tôi muốn nhắc họ, không thừa: Đừng bao giờ nghĩ đến bắt chước Tàu Cộng theo con đường độc tài sắt máu. Xã hội Việt Nam, dân tộc tính Việt Nam từ ngàn xưa không dung chấp độc tài, trong thời đại ngày nay lại càng không thể! Và chế độ độc tài Tập đang đi tới đâu, đã nhìn thấy nhãn tiền!

Tôi cũng tin rằng: người dân Việt Nam, giống như dân thôn Hoành mà tôi đã có dịp về thăm không chỉ một lần, không có ý tưởng chống chế độ, mà chỉ đòi hỏi đảng Cộng sản (ĐCS) bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, thi hành đúng hiến pháp do chính ĐCS soạn ra. Các vị cầm quyền đừng để nỗi ám ảnh “mất chế độ” làm sa lầy tiếp vào con đường biến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành mâu thuẫn “địch-ta”, đẩy dân đến chỗ buộc phải đối đầu. Sự chia rẽ chính quyền- dân chỉ có lợi cho các nhóm đặc lợi mượn danh nghĩa chính quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn “đốt”, xa hơn là lợi cho kẻ thù của cả dân tộc. Sự chía rẽ này do chính các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền tạo ra, và thậm chí người dân có quyền có dấu hỏi về khả năng có bàn tay gài độ, phá hoại của ngoại bang thông qua những kẻ hưởng lợi từ những sai lầm đó.

Trước mắt, để giải quyết vụ Đồng Tâm một cách thiết thực, nên tập trung suy nghĩ về vụ án gần 30 bị can là người dân thôn Hoành. Theo tôi, đó sẽ là cơ hội để nhà cầm quyền sửa chữa phần nào những sai lầm quá lớn của vụ Đồng Tâm. Phải đối xử có tình người với những người bị bắt, với gia đình họ. Và thực thi một phiên toà công khai minh bạch, bảo đảm có sự phản biện độc lập của luật sư, xử đúng người đúng tội, ít ra cũng như vụ xử ông Đoàn Văn Vươn. Phía công luận, tôi hy vọng giới luật sư vào cuộc, kể cả có sự tham gia của các luật sư quốc tế, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người bị xét xử.

Đồng Tâm hình ảnhOTHER/QPVN
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình chiến sĩ hy sinh ‘vụ gây rối’ Đồng Tâm, theo kênh truyền hình quân đội Quốc phòng Việt Nam, hôm 12/01/2020

Việc khởi tố vụ án tấn công thôn Hoành và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận sẽ là điểm son cho nhà cầm quyền. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các viên chức có trách nhiệm trong vụ này, để tránh được điều tồi tệ nhất: Công luận nghi ngờ vai trò chủ đạo của chính họ trong vụ án tai tiếng chưa từng thấy sau vụ giết hại bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân của cách mạng 70 năm trước!

Họ sẽ không thoát sự phán xét của lịch sử!

Nhà thơ Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt cũng là dịch giả, nhà báo và cựu nhà giáo, ông hiện sinh sống tại Sài Gòn và là một nhà quan sát và hoạt động xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và các quyền tự do trong xã hội cũng như trong văn nghệ, báo chí, ngôn luận…

Trên đây là ý kiến dựa trên quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn. Trong vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, cho tới nay, nhà nước và chính quyền Việt Nam, ngành Công an, thông qua truyền thông, báo chí của nhà nước, chính quyền vẫn giữ quan điểm cho rằng có một nhóm chống đối chính quyền và các chính sách của đảng và nhà nước hoạt động tại Đồng Tâm.

Nhóm này, trong đó có Tổ Đồng thuận, các thành viên và người lãnh đạo là ông Lê Đình Kình, theo quan điểm của chính quyền, đã có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối người thi hành công vụ, có các hành vi kích động, sử dụng bạo lực, thậm chí nhận tiền và chịu sự chỉ đạo của một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài bị chính quyền liệt là phản động, khủng bố, để chống đối chính quyền và người thi hành công vụ.

 

Những ngày cuối đời của một thai phụ bị viêm phổi Vũ Hán

Bóng đen dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang bao trùm toàn cầu. Chỉ riêng tại Trung Quốc, bởi vì con số người tử vong thực sự vì viêm phổi Vũ Hán rốt cuộc là bao nhiêu, đến hiện nay chúng ta vẫn chưa thể biết rõ được, nhưng ít nhất, đại đa số đều giữ thái độ nghi ngờ đối với những con số được cơ quan chức năng Trung Quốc báo cáo. Tạm gác những con số lạnh lẽo kia qua một bên, chúng ta hãy xem câu chuyện của một người đã mất trong số này. Câu chuyện của cô do một người Hoa không rõ danh tính ở nước ngoài, chỉnh lý từ trang tin trực tuyến ThePaper tại Trung Quốc Đại Lục, và công bố trên WeChat “Gia viên Chicago”.

TOPSHOT - This photo taken on February 5, 2020 shows a patient (R) covered with a bed sheet at an exhibition centre converted into a hospital as it starts to accept patients displaying mild symptoms of the novel coronavirus in Wuhan in China's central Hubei province. - China scrambled to find bed space for thousands of newly infected patients on February 6, as the toll from a deadly new virus jumped again with more than 28,000 people known infected nationwide and 563 deaths. (Photo by STR / AFP) / China OUT (Photo by STR/AFP via Getty Images)

Hình ảnh chụp trong Bệnh viện container tại Vũ Hán hôm 5/2/2020 (Ảnh: Getty Images)

Chưa kịp mừng vì biết tin có thai thì đã qua đời trong 12 ngày ngắn ngủi

Cô Ông Thu Thu (Weng Qiuqiu) 32 tuổi, từ lúc phát bệnh đến lúc qua đời, chỉ trong 12 ngày ngắn ngủi, chưa kịp đợi chẩn đoán xác nhận lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán thì đã đi rồi.

Ngày 7/1, mọi thứ vẫn còn tương đối ổn. Ông Thu Thu đi chợ mua cá, thịt gà về làm một nồi lẩu, ăn cùng chồng và con gái 5 tuổi. Ăn ngon miệng nên cô đã ăn rất nhiều. Ngày hôm sau, cô có chút khó chịu, nên đã gửi tin nhắn qua WeChat cho chồng Trần Dũng nói rằng bị cảm mạo, bảo anh sau khi hết giờ làm thì mang ít thuốc cảm về cho cô, tiện thể mua thêm một hộp que thử thai. Chập tối, cô phát hiện mình thực sự có thai.

Trần Dũng rất vui mừng, đã làm đầy một bàn thức ăn ngon. Ông Thu Thu vẫn còn ăn được. Khi đó, họ đều cho rằng chỉ là cảm mạo vặt, nghỉ ngơi một chút là khỏi. Đến 3 giờ sáng ngày 10/1, tình trạng của Ông Thu Thu đột nhiên trở nên trầm trọng hơn, sốt cao hơn 38 độ.  Cô gọi Trần Dũng tỉnh dậy, cả nhà 3 người cùng đi xe đạp điện đến bệnh viện – bởi vì ở nhà không có ai trông con nhỏ, họ không yên tâm để con ở nhà một mình. Họ sống ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, cho nên đầu tiên họ đến Bệnh viện Trung tâm thành phố Hoàng Cương, nhưng bác sĩ nói cần đợi đến sáng mới có thể truyền nước, vì thế họ lại phải đội mưa đi xe trở về nhà.

Thật không dễ gì đợi đến trời sáng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, cả nhà 3 người chuyển qua nhiều bệnh viện lớn. Đến buổi chiều, Ông Thu Thu đã bắt đầu khó thở, không đi lại được nữa. Trần Dũng ngồi trên ghế ở bệnh viện hỏi cô: Chúng ta không đi nữa, ngồi ở đây có được không? Lúc đó, cô đã không nói được nữa, chỉ đành liên tiếp gật đầu. Trần Dũng nhìn cô, trong lòng vô cùng buồn bã.

Đến 11 giờ tối, Ông Thu Thu cuối cùng đã đến một bệnh viện cấp AAA ở Vũ Hán. Sau khi bác sĩ kiểm tra, nói rằng toàn bộ phổi của cô biến thành trắng. Trước đó họ cũng đã biết Vũ Hán xuất hiện “viêm phổi lây truyền”, nhưng nào ngờ Ông Thu Thu lại có thể mắc bệnh này.

Ông Thu Thu và Trần Dũng là người vùng khác đến sinh sống ở Hoàng Cương, hợp tác cùng người khác mở một cửa hàng, làm ăn buôn bán nhỏ, vẫn luôn trong trạng thái lỗ, hai người mỗi tháng chỉ có hơn 3.000 tệ tiền lương cơ bản (khoảng hơn 10,5 triệu đồng), còn phải bỏ ra mỗi tháng 500 tệ tiền thuê nhà, cộng thêm tiền học phí cho con học mẫu giáo, thu không đủ chi.

Ban đầu họ vốn chuẩn bị sau ngày 12/1 được nghỉ sẽ về quê ăn tết. Ai ngờ đến sáng sớm ngày 11, Ông Thu Thu phải vào phòng cấp cứu, và không lâu phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ nói bệnh tình của cô nghiêm trọng, cần dùng loại máy móc chuyên dụng, chi phí rất cao, một ngày tiêu tốn 20.000 tệ, và chỉ có chưa đến 10% hy vọng.

Trần Dũng như suy sụp. Liên tiếp mấy ngày, người đàn ông này chạy xuôi ngược trong bệnh viện, không có lúc nghỉ ngơi. Sáng ngày 12/1, anh mệt mỏi đến nỗi chịu không được, nên mới ngồi trên ghế bệnh viện ngủ hơn một tiếng đồng hồ. Trong thời gian vợ vào viện, Trần Dũng và mẹ mình trú ở một nhà trọ gần bệnh viện, để tiết kiệm tiền, ngày đầu tiên không mở điều hòa, mỗi tối phải trả 60 tệ, ngày thứ hai cảm thấy lạnh quá, nên mở điều hòa, tiền tăng lên 80 tệ một đêm.

Nhà trọ đó có rất nhiều người nhà của người bệnh đang điều trị viêm phổi Vũ Hán trong bệnh viện. Ông Thu Thu bị cách ly, Trần Dũng mỗi ngày ở bên ngoài đều nghĩ mọi cách để gom tiền, tất cả bạn bè thân thích anh đều vay tiền một lần. Anh rất lo sợ, trong lòng chỉ nghĩ không thể ngừng dùng thuốc, cần phải cứu mạng vợ mình.

Anh đã gọi vào đường dây nóng của thị trưởng, tỉnh trưởng, truyền thông, còn mượn tiền từ các quỹ cộng đồng, gom được hơn 40.000 tệ. Nhưng về cơ bản vẫn không đủ. Ông Thu Thu nằm viện 3 ngày đầu, mỗi ngày chi phí là 50.000 – 60.000 tệ, sau đó mỗi ngày là hơn 20.000 tệ. Số tiền vất vả khó nhọc gom góp được, chỉ trong nháy mắt đã không còn đồng nào.

Một phương diện khác, Trần Dũng muốn nhìn vợ, muốn nói chuyện với cô, hỏi cô có đỡ chút nào chưa, muốn ăn gì, muốn làm gì … nhưng vẫn không được gặp. Anh gọi điện thoại hỏi bác sĩ, mỗi lần đều là câu “chưa tỉnh dậy”, “còn rất nghiêm trọng”, hoặc là “nghiêm trọng hơn rồi”. Ông Thu Thu vốn đã mang thai, sức đề kháng bị giảm sút. Bác sĩ nói, toàn bộ tay của cô tím bầm, về sau chân cũng tím bầm, đã hoại tử rồi, bệnh tình xấu đi rất nhanh.

Từ khi Ông Thu Thu vào phòng chăm sóc đặc biệt, Trần Dũng không gặp được cô nữa, cho đến lúc cô biến thành một hũ tro cốt.

Trưa ngày 21/1, Trần Dũng không vay được tiền nữa, bệnh tình của Ông Thu Thu lại không có chút chuyển biến tốt nào, anh không biết làm gì hơn, sau khi thương lượng với bố vợ, anh đành phải ký vào đơn đồng ý từ bỏ điều trị. Một tiếng đồng hồ sau, Ông Thu Thu qua đời. Về sau Trần Dũng nói, khi đó trong bệnh viện có một người lớn tuổi, bệnh tình cũng nghiêm trọng giống như Ông Thu Thu, nhưng sau khi kiên trì trị liệu thì cũng dần dần có chuyển biến tốt.

Điều này khiến cho tâm tình Trần Dũng rối bời, mặc dù bố mẹ vợ không trách anh, nhưng bản thân anh lại vô cùng cắn rứt. Anh nghĩ, nếu tiếp tục điều trị, có thể vợ anh vẫn có thể cứu được, nhưng khi đó, đúng là không còn cách nào khác để có được tiền. Trong những ngày này, buổi tối, Trần Dũng nằm trên giường nhưng đều không ngủ được, trong đầu rối bời, trong lòng cảm thấy đau khổ không nói ra được. Con gái không biết đã xảy ra chuyện gì, thỉnh thoảng hỏi mẹ đi đâu rồi, anh không biết trả lời thế nào.

Một bi kịch vô cùng đau lòng

Một người phụ nữ 32 tuổi sắp làm mẹ, vốn có thể hạnh phúc đón một thiên thần bé nhỏ chào đời, một gia đình 4 người có thể sống yên ổn. Ai ngờ đột nhiên một loại virus lại tấn công đến, khiến cho cô và sinh mệnh bé nhỏ chưa chào đời phải rời đi. Thường ngày, chúng ta đều cho rằng ngày tháng đều êm ả trôi qua một cách bình thường, nhưng lại không nghĩ rằng, có lúc sóng gió đột nhiên ập đến. Trong lúc đột nhiên ập đến, chúng ta lại không chịu nổi một kích như thế này. Người phụ nữ bị bệnh tật dày vò, không kịp để lại một câu nói nào liền rời đi; người đàn ông đau đớn tuyệt vọng, một mình cắn răng gánh vác để bươn chải cuộc sống; đây đều là những điều khiến người ta tràn đầy sự sự thổn thức than thở.

Chúng ta không dám nói cảm kích như chính mình chịu ơn, nhưng thực sự trong tâm có sự ưu sầu. Cũng không kìm được suy nghĩ: Nếu chính bản thân gặp phải thảm họa này, liệu có chống đỡ được không? Chống đỡ thế nào? Nhưng cũng chỉ dám nghĩ đoạn đầu. Bởi vì về sau, nghĩ thế nào, đều là đau khổ, đều là khó khăn. Muôn nghìn lời cũng biến thành một tiếng bi than. Chỉ mong mỗi mắt xích của xã hội này, điều tiếp thu bài học một cách sâu sắc, không để cho bi kịch này tái diễn.

Trách nhiệm của ai

Ngày 29/1, Tổ Giám sát Trung ương đến thành phố Hoàng Cương kiểm tra, chính là thành phố mà Ông Thu Thu sinh sống trước khi cô qua đời. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Hoàng Cương Đường Chí Hồng thì hỏi gì cũng không biết.

Ngày hôm sau, ông Chủ nhiệm “hỏi gì cũng không biết này” bị bãi miễn chức vụ. Ngoài ra, còn có hơn 20 cán bộ bị truy hỏi trách nhiệm vì bất lực trong phòng chống và kiểm soát dịch. Tuy nhiên, cư dân mạng cho biết, những người bị truy trách nhiệm chẳng qua chỉ là những quan chức nhỏ “hạng tôm tép” mà thôi, kẻ thực sự phải truy trách nhiệm chính là những kẻ ngồi chễm chệ trên cao.

Cuối bài viết này, tác giả viết: Dịch bệnh tại Vũ Hán, mặc dù xuất hiện rất nhiều anh hùng, họ đều rất đáng được khen tụng. Nhưng chúng ta cũng cần biết một cách tỉnh táo rằng, thảm họa này, nói cho cùng là một bi kịch, là nhân họa. Chúng ta dù thế nào, cũng không thể hát nó (thảm họa) thành một bài hát ca ngợi.

Bao nhiêu sinh mạng bất hạnh đã chết, bao nhiêu gia đình bi thương tuyệt vọng, đều là bài học đẫm máu. Chúng đều bày ở đó một cách chân thực và tàn khốc, để nhắc nhở chúng ta: Cần phải suy nghĩ lại! Cần phải suy nghĩ lại! Dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi. Còn việc chúng ta suy nghĩ lại, có lẽ mới chỉ vừa bắt đầu.

Huệ Anh / TrithucVn

Bác sĩ Vũ Hán ốm nặng vì nhiễm virus corona sắp ra viện, nêu điều quan trọng nhất để chiến thắng bệnh tật

Bác sĩ Vũ Hán ốm nặng vì nhiễm virus corona sắp ra viện, nêu điều quan trọng nhất để chiến thắng bệnh tật

Bác sĩ Dư Xương Bình làm việc ở tuyến đầu trong công cuộc chống dịch virus corona ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, và chính ông cũng bị lây nhiễm.

Bác sĩ Dư Xương Bình là nhân vật nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng Trung Quốc trong những ngày gần đây khi ông ghi lại một clip chia sẻ cảm nhận và trải nghiệm của bản thân khi là một bệnh nhân lây nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCov) và có các triệu chứng nặng. Thông điệp của vị bác sĩ được cho là đã khích lệ tinh thần của rất nhiều người.

Xuất hiện trong phóng sự của đài CCTV (Trung Quốc), bác sĩ Dư cho biết ông dự kiến sẽ được xuất viện trong 7-10 ngày.

“Tôi bị ốm vào ngày 14/1, sốt 38.5 độ C. Tất cả đều bình thường, không sổ mũi hay ho…”, vị bác sĩ chia sẻ.

“Khi ấy tôi đã gọi điện cho đồng nghiệp để chụp CT, kết quả là phổi có vấn đề. Tôi không bị khó thở, không tức ngực, chỉ bị sốt. Ngày thứ hai và ngày thứ ba cũng bình thường”.

Tuy nhiên, do làm việc tại tuyến đầu và tiếp xúc với lượng lớn bệnh nhân hô hấp mỗi ngày, Dư Xương Bình đã bị mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Bệnh tình của ông diễn biến nghiêm trọng từ ngày thứ 5, và trở thành triệu chứng nặng khiến ông “khó hô hấp, phải thở máy, mỗi ngày lại nặng hơn”.

Từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 15 sau khi phát bệnh là thời gian được bác sĩ Dư mô tả là khó chịu đựng nhất. Trong vai trò bác sĩ chuyên nghiệp, ông phán đoán bản thân gặp nguy hiểm về tính mạng, nhưng tin rằng khả năng sống vẫn cao hơn.

“Tôi ăn được ngủ được, hạ sốt là có thể ăn. Khi hô hấp khó khăn không ăn được thì tôi ăn từ từ. Tôi cần phải có sức đề kháng, có tinh thần. Ăn được thì sẽ sống được,” Dư Xương Bình kể.

Clip của bác sĩ họ Dư được chia sẻ nhanh chóng tại Trung Quốc, giúp người dân trở nên lạc quan hơn trước dịch bệnh. Theo ông, đại bộ phận bệnh nhân nhiễm virus corona là những người có triệu chứng nhẹ, và cần chú trọng, ngăn ngừa bệnh tật, nhưng không cần sợ hãi.

“Bệnh tật đến thì đã có đội ngũ y tế chúng tôi xông lên phía trước. Không có gì đáng sợ hết, mọi chuyện sẽ tốt lên,” bác sĩ Dư nói.

Bác sĩ Vũ Hán ốm nặng vì nhiễm virus corona sắp ra viện, nêu điều quan trọng nhất để chiến thắng bệnh tật - Ảnh 1.

Bác sĩ Dư Xương Bình trong clip chia sẻ cảm nhận và quá trình đấu tranh với dịch bệnh do virus corona gây ra

Trong quá trình hơn 20 ngày đấu tranh với bệnh viêm phổi do virus corona “bác sĩ-bệnh nhân” đúc kết, “Về nguyên tắc thì hiện nay virus này chưa có thuốc để chữa trị. Thân thể tốt, tinh thần tốt, ăn tốt ngủ tốt mới chính là cách điều trị tốt nhất.”

Bác sĩ Trần Quốc Trung, người điều trị chính và cũng là bạn tốt của Dư Xương Bình, nhấn mạnh tinh thần lạc quan là nhân tố quan trọng giúp bệnh tình của ông Từ chuyển biến theo hướng tốt.

“Cách thức tiêu diệt virus suy cho cùng là thông qua khả năng miễn dịch, sức đề kháng của con người. Chỉ cần bạn duy trì tâm thế tốt, điều trị đúng triệu chứng, không cần can thiệp mạnh mẽ quá,” ông Trần nói với CCTV.

“Nhiều bệnh nhân nhẹ được chúng tôi quan sát sơ bộ, ước tính khoảng 2-3 tuần là có thể chuyển biến tốt. Nhóm trung niên cho dù nhiễm virus cũng không được hoảng sợ, cần phải giữ sự lạc quan”.

Theo Hải Võ / Trí thức trẻ

CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (8/2)

** Số xác hỏa táng hàng ngày tại nhà tang lễ Hồ Bắc tăng gần 5 lần
** Bệnh viện container Vũ Hán: 1000 người dùng chung nhà vệ sinh không người quét dọn
**Virus corona tấn công Bắc Kinh, thế hệ đỏ thứ hai được ưu tiên dùng thuốc đặc trị
**Mỹ sẵn sàng chi 100 triệu USD giúp TQ và các nước khác đối phó virus corona.
** Nhật Bản viện trợ Việt Nam 14 triệu Yên phòng dịch nCoV.
** Theo các nhà nghiên cứu Đức, virus corona chủng mới có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng hàng ngày với nhiệt độ phòng trong vòng 9 ngày và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này.

Chuyên gia: Dịch bệnh viêm phổi chưa chắc sẽ được kiểm soát vào mùa hè

Dịch viêm phổi Vũ Hán (hay còn gọi là viêm phổi virus corona chủng mới) vẫn liên tục lan mạnh. Ông Lương Trác Vĩ, một thành viên của Đoàn chuyên gia cố vấn phòng ngừa dịch của chính phủ Hồng Kông, kiêm Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng virus corona chủng mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng rõ ràng đã có thể truyền nhiễm, khiến việc phòng dịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dịch bệnh chưa hẳn đã có thể kiểm soát vào mùa hè.

Ông còn hình dung biện pháp ngừa dịch hiện nay là “câu giờ” tìm phương pháp trị liệu, dù cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin cũng phải mất 6 đến 9 tháng.

Lương Trác Vĩ, Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng virus corona mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay trong thời kỳ ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng rõ ràng đã có thể truyền nhiễm, khiến việc phòng dịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dịch bệnh chưa hẳn đã có thể kiểm soát vào mùa hè. (Ảnh: Vision Times)

Thời báo Tự do (Liberty Times) tại Đài Loan tổng hợp thông tin cho biết, dịch SARS năm 2003 (Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính nặng) khiến người nghe mặt phải biến sắc. Nhưng ngày nay tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát toàn diện còn lan nhanh và mạnh hơn cả dịch SARS.

Vào ngày 7/2, ông Lương Trác Vĩ, Viện trưởng Học viện Y – Đại học Hồng Kông, kiêm Giám đốc điều hành và là người sáng lập Trung tâm hợp tác của WHO về dịch tễ và kiểm soát dịch tễ bệnh truyền nhiễm, khi tham gia chương trình của Đài phát thanh thương mại Hồng Kông, đã giải thích rằng, virus corona mới “xảo quyệt hơn rất nhiều” so với SARS. Ngay khi có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí người không có triệu chứng bệnh cũng đã có thể lây nhiễm cho người khác, “rất có thể vào thời kỳ ủ bệnh, thậm chí những triệu chứng dường như rất nhẹ, cũng khiến số lượng virus lây lan khá nhiều”.

Virus SARS thông thường từ 7-10 ngày mới bắt đầu nâng cao tỷ lệ lây lan. Nhưng ông Lương Trác Vĩ chỉ ra rằng tốc độ lây lan của bệnh viêm phổi Vũ Hán lại nhanh hơn: “Tuyệt đối không phải là 7 ngày. Một số người đang nghiên cứu thậm chí hoàn toàn không có triệu chứng của bệnh, thì ‘bệnh nhân tàng hình’ này cũng đang lây truyền virus.” Điều này càng tăng thêm khó khăn cho việc cá nhân và xã hội áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Ông còn hình dung rằng những biện pháp ngừa dịch hiện nay chỉ là đang “câu giờ” để giới y học tìm được phương pháp trị liệu mới. Hiện giờ có nhà máy dược phẩm của Mỹ đang tiến hành thử nghiệm tại Vũ Hán. Nhưng dẫu đợi được đến khi vắc-xin ra đời, cũng cần 6-9 tháng.

Đối với làn sóng dịch viêm phổi Vũ Hán, Keiji Fukuda, một thành viên khác trong Đoàn chuyên gia, cố vấn ngừa dịch của chính phủ Hồng Kông, kiêm Viện trưởng, Giáo sư lâm sàng Học viện Y tế Công cộng – Đại học Hồng Kông, khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông Hồng Kông đã chia sẻ, ông tin rằng dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, chưa hẳn đã có thể kiểm soát được trong mùa hè năm nay. Ông Lương Trác Vĩ cũng tán đồng với quan điểm này. Ông nói, không có số liệu khoa học chứng minh rằng dịch viêm phổi Vũ Hán có thể được kìm hãm trong môi trường ẩm thấp hoặc nhiệt độ cao. Ví như tại Singapore và Thái Lan, hai nước có thời tiết rất nóng, vẫn sẽ xuất hiện trường hợp lây lan tại khu vực này. Do vậy chỉ dựa vào sách lược phòng dịch nhờ thời tiết, chỉ là “xem trời bốc quẻ”, vừa không khoa học, vừa không thực tế.

Số người lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Hồng Kông đã tăng lên 25 trường hợp, trong đó bao gồm nhiều ca lây nhiễm tại địa phương. Ông Lương Trác Vĩ chỉ ra rằng, Hồng Kông đã xuất hiện việc bùng phát dịch bệnh trong khu dân cư “là một thực tế chắc chắn, không cần sự kháng cự đặc biệt nào, đều phải tiếp nhận”. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc dịch bệnh sẽ tiếp tục hoặc lan rộng. Nhiệm vụ cấp bách hiện giờ của Hồng Kông là lập tức cách ly, kiểm dịch tất cả những chuỗi truyền nhiễm và những người có thể bị lây nhiễm. Về số người truyền nhiễm liệu tăng cao lên tới cấp mấy, ông Lương vẫn chưa trả lời một cách trực diện, nhưng lại chỉ ra rằng số người lây nhiễm trong các khu vực khác tại các thành phố bên ngoài Vũ Hán đã lên tới 3 con số, “hy vọng Hồng Kông của chúng ta thực sự có thể trụ vững được trước quan ải này.”

Từ sáng ngày 8/2, tất cả người nhập cảnh vào Hồng Kông từ Đại Lục phải được cưỡng chế cách ly 14 ngày. Nhưng ông Lương Trác Vĩ cho biết, phải loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong các trường hợp đầu vào, cần thực thi bế quan toàn diện. “Tất cả các cửa khẩu đều phải đóng cửa toàn diện. Hơn nữa đối tượng bị phong tỏa là tất cả những địa phương đã xuất hiện chuỗi truyền nhiễm, không chỉ là Vũ Hán hoặc tỉnh Hồ Bắc. Phải giảm hoàn toàn nguy cơ này xuống con số 0, chỉ còn cách này.” Còn về biện pháp cách ly người bệnh, thì lựa chọn hàng đầu là thiết lập trại cách ly, trưng dụng khách sạn cũng không phải là nơi cách ly lý tưởng. Bởi vì khách sạn thường sử dụng hệ thống máy lạnh tổng, cửa sổ cũng không thể mở.

Minh Tú / Trithucvn