Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

KHÁNH HÒA

Khu nhà chính được xây trên phần cao nhất của ngọn đồi còn nhà phụ chìm bên dưới.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Công trình nằm trên đồi đá trong khu đất rộng 2 hécta, có đầm tôm phía trước và vườn cây ăn trái xung quanh phía Tây Đầm Thủy Triều, Cam Ranh gây ấn tượng bởi thiết kế đặc biệt.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Gia chủ là người thường xuyên công tác và sinh sống tại nước ngoài nên mong muốn không gian sống ấn tượng, khác biệt và giao thoa với thiên nhiên, cảnh vật xung quanh.

Để đáp ứng yêu cầu đó, các kiến trúc sư đưa ra thiết kế gồm hai khối nhà đặt lên nhau. Nhà chính được xây trên phần cao nhất của ngọn đồi. Nhà phụ nằm chìm bên dưới.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Nhà chính nằm dưới tán của một cây xoài lâu đời có tầm nhìn hướng ra dãy núi phía xa. Phía trước có bể bơi và những khoảng terrace (sân thượng) lớn.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Các cửa kính cao và rộng có tác dụng mở không gian, kết hợp với vách bê tông mỏng giúp ngôi nhà kết nối với cảnh quan xung quanh.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Nếu muốn, gia chủ cũng có thể mở bung hệ cửa kính khóa góc để toàn bộ phòng khách trở thành một mái hiên lớn.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Bên trong nhà, nội thất đơn giản, vừa đủ đáp ứng nhu cầu của gia chủ.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Ở phía Tây, tường đá dày 40 cm vừa chống nắng cho căn nhà vừa tạo thành điểm nhấn cho công trình.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Ngoài mục đích tạo nên nơi ở lý tưởng cho gia chủ, công trình còn nhằm giữ lại và phục hồi cảnh quan. Mảnh đất có vườn xoài lâu đời, hiện đứng trước nguy cơ biến mất do tác động của quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Để cải thiện tình trạng này, các kiến trúc sư đào hồ và đắp thêm đất cho đồi. Nhờ thế, nước mưa dồn về phía hồ, tích nước dành cho tưới tiêu, nuôi dưỡng vườn xoài trong các tháng khô hạn.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Bên cạnh đó, thay vì hệ thống mái xanh trên nóc như ý tưởng ban đầu, các kiến trúc sư thiết kế mái phẳng để thu nước mưa và đưa xuống bể ngầm, dùng cho sinh hoạt. Cách làm này cũng giúp giải nhiệt công trình.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Từ trên cao, mái nhà, bể bơi, các khoảng sân với tổ hợp khối chữ nhật hài hòa với các vuông tôm xung quanh đầm.

Ngôi nhà nửa nổi nửa chìm trên đồi đá

Đêm đến, công trình càng nổi bật nhờ hệ thống ánh sáng.

Bài: Minh Trang / Ảnh: Triệu Chiến

Khôn quá hóa tự giết mình

Nhiều người muốn con mình trở thành người lương thiện, sống hạnh phúc nhưng lại né tránh các vấn đề xã hội và cho rằng như thế mình là người khôn.

Dạ thưa, khôn ngoan không lại được với giời. Một cá nhân cho dù là vĩ nhân cũng sẽ phải trưởng thành trong ba môi trường với tác động hữu hình và vô hình là gia đình, nhà trường và xã hội.

Khi xã hội xấu đi thì làm gì có chuyện gia đình và nhà trường tốt lên được.

Đơn giản vì xã hội xấu đi thì con người sống trong đó dễ mất đi nhân tính. Khi đã mất đi nhân tính thì cho dù có làm mẹ, bố, làm giáo viên họ cũng không thể làm tốt. Họ cũng sẽ phải thoái hóa biến chất đi để tồn tại. Nếu họ có trí tuệ hơn bạn đương nhiên họ còn khôn hơn bạn rất nhiều. Họ sẽ làm thịt bạn và con bạn khi có dịp.

Bạn có lắm tiền, có công việc ổn định, có vị trí xã hội và bạn cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống pha chút tự hào khi so với người khác ư?

Nhưng có thể một ngày bạn sẽ mất tất cả khi bạn hoặc thành viên gia đình bạn gặp phải tệ nạn xã hội hay thoái hóa nhân tính. Xã hội càng xấu đi, chồng, con, vợ bạn càng dễ sa ngã và biến chất.

Cho dù bạn sống trong biệt thự có rào chắn, tường cao, có bảo vệ, thì con bạn vẫn phải ăn, vẫn phải hít khí trời, vẫn phải đi ra ngoài chơi, học.

Khi ấy, bạn có thể cho người bảo vệ con bạn, lọc không khí cho con bạn thở?

Đấy là cái đích của khôn?

Ông Fukuzawa ở bên Nhật thế kỉ XIX đã nói rằng một người sinh ra chỉ nghĩ đến sinh nhai và làm lụng để nuôi gia đình thì đó là bình thường không có gì xấu hổ, nhưng vạn người, triệu người đều thế thì hỏng.

Sự việc xảy ra ở nơi khác cũng có thể xảy ra với chính gia đình mình. Nếu hiểu như thế thì không sao – bạn hãy sống với lý tưởng đáng chán, đáng khinh của bạn – nhưng đừng thờ ơ kiểu ngây thơ để rồi sau lại kêu “tại sao lại như thế?”.

Một cái ao nếu trở nên đen ngòm thì mọi thứ thả vào sẽ biến dạng hết.

Đừng nghĩ rằng ao đen thì kệ ao đen, ta sống đời của ta với cơm ăn, áo mặc, nhà ở là ổn.

Những thứ các bạn khôn đang than vãn thầm trong đầu hoặc ở bàn trà, quán nước hay trong nhà mình, chính là thành quả khôn ngoan của bao nhiêu người khôn của các thế hệ trước sau cộng lại.

Mong chờ trốn chạy ra nước ngoài hay miền đất hứa nào sống ư? Xin thưa 8 năm trải nghiệm ở Nhật và làm nghề phiên dịch đủ cho tôi thấy ngay cả có tiền cũng không có thiên đường nào dành cho người nhập cư với cái đầu khôn như trên cả. Không có thiên đường nào người ta xây sẵn rồi cho anh đến đó mà hưởng. Hơn nữa không có quá 2% dân số có khả năng tìm kiếm đất hứa.

Trong 2% đó gần như 100% không có khả năng nói tiếng nước ngoài như tiếng mẹ đẻ, xóa sạch kí ức về Việt Nam và mang theo mồ mả tổ tiên đi theo. Khi như vậy, người ta cho dù làm gì sẽ vẫn là người Việt và vẫn nghĩ về đất Việt cho dù né tránh hay trì hoãn. Có ai già, chết mà không nghĩ về quê hương và kí ức ngày xưa nhỉ?

Vậy phải làm gì, chẳng có cách nào khác là thực sự cầu thị, chân thành đối mặt với hiện thực ngày một khắc nghiệt của nơi mình sống mà cải tạo nó bằng mọi cách mình có thể để làm cho nó tốt lên để cùng nhau kiến tạo hạnh phúc.

Đơn giản thế thôi.

Nguyễn Quốc Vương / Trithucvn

Ở đời, thành công hay không chưa chắc do IQ bạn cao hay thấp, mà bạn có sở hữu 3 phẩm chất giá trị cả Elon Musk và Edison đều có hay không

Ở đời, thành công hay không chưa chắc do IQ bạn cao hay thấp, mà bạn có sở hữu 3 phẩm chất giá trị cả Elon Musk và Edison đều có hay không

Tâm lý học phát hiện ra rằng những người thành công rực rỡ đều có tư duy sẵn sàng đối mặt với thử thách và lúc nào cũng muốn mình trở nên tốt hơn qua từng ngày.

Ngoài chỉ số thông minh (IQ), sự thành công của một người còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Thực tế đã chứng minh rằng không phải người nào có IQ cao đều có cuộc sống tốt hơn người khác. Không ít người có trình độ trung bình nhưng thành tích sau đó đã vượt qua những người IQ cao là nhờ sở hữu một số phẩm chất dưới đây:

1. Nhiệt huyết

Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ, Horace Greeley từng nói rằng chỉ những người lao động có đầu óc cực kỳ cao và sự nhiệt huyết thực sự cho công việc của họ mới có thể tạo ra kết quả tốt nhất.

Trên thực tế, nhiệt huyết là một yếu tố rất cần thiết. Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng nhưng chỉ cần có đủ nhiệt huyết, hầu hết mọi khó khăn bạn gặp phải sẽ được giải quyết.

Đam mê là một trạng thái và sức mạnh có thể giúp chúng ta làm bất cứ điều gì. Nó được coi là yếu tố sống còn để thực hiện ước mơ và nguồn gốc căn bản nhất của thành công. Một người, có đủ đam mê, về gia đình, công việc và cuộc sống thì bất kể đang làm nghề gì, họ cũng sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu.

Trong quá trình phát minh ra bóng đèn, Edison đã thử hàng nghìn vật liệu khác nhau mà vẫn không tìm thấy loại phù hợp. Khi được hỏi tại sao vẫn cố chấp thử đi thử lại, ông trả lời rằng mình không coi đó là thất bại mà là một quá trình khám phá. Đối với ông, mỗi lần chưa thành công đồng nghĩa với việc tiến gần hơn một bước nữa đến kết quả mà ông mong muốn.

Ở đời, thành công hay không chưa chắc do IQ bạn cao hay thấp, mà bạn có sở hữu 3 phẩm chất giá trị cả Elon Musk và Edison đều có hay không - Ảnh 1.

2. Khả năng thích nghi với môi trường cao

Người có thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của môi trường là người mạnh mẽ nhất trong cuộc sống. Trong khi đó, người chìm đắm trong quá khứ hay không thể thích ứng với thay đổi hoặc môi trường mới sẽ bị đào thải.

Vậy nên, hãy quên đi quá khứ và tìm cách thích nghi với hiện tại cũng như môi trường mới. Đừng bao giờ bị động và chờ môi trường thích nghi với chính mình. Chúng ta đang sống trong thời đại của sự đổi mới từng ngày. Người thực sự thông minh biết cách hòa mình với môi trường và nhanh chóng tìm ra điểm mạnh của mình. Đây chính là chìa khóa thành công của họ!

3. Cải thiện bản thân mỗi ngày

Nhiều người thường lo sợ bị lạc hậu và gặp rắc rối khi bắt tay làm việc. Thực tế, đây là một rào cản đối với chính họ. Nếu họ không thể tự mình phá vỡ nó, sẽ rất khó để thành công.

Thử thách lớn nhất trong cuộc đời là thử thách bản thân. Trên thế giới này, một người chỉ trở nên nổi bật so với những người khác nếu anh ta có thể vượt qua chính mình. Miễn là bạn làm việc chăm chỉ, liên tục tốt hơn bản thân của ngày hôm qua, cuộc sống của bạn có thể tăng lên một cấp độ khác.

Tâm lý học phát hiện ra rằng những người thành công rực rỡ đều có tư duy sẵn sàng đối mặt với thử thách và lúc nào cũng muốn mình trở thành người tốt hơn qua từng ngày. Lấy tỷ phú Elon Musk làm ví dụ: Năm 1999, ông bán công ty do mình thành lập cho Compaq với giá 300 triệu USD – một con số đáng kể ở thời điểm hiện tại chứ chưa nói đến cách đây 20 năm. Thế nhưng, doanh nhân này không dừng lại ở đó mà dùng số tiền kiếm được để thành lập một nền tảng dịch vụ tài chính trực tuyến (sau này trở thành PayPal) và cuối cùng bán cho eBay với giá 1,5 tỷ USD.

Ở đời, thành công hay không chưa chắc do IQ bạn cao hay thấp, mà bạn có sở hữu 3 phẩm chất giá trị cả Elon Musk và Edison đều có hay không - Ảnh 2.

Tỷ phú công nghệ Tesla.

Ngay cả khi đã trở thành tỷ phú, Musk vẫn ấp ủ rất nhiều tham vọng và đương đầu với thử thách mới: Năm 2002, ông thành lập công ty tên lửa vũ trụ SpaceX và 1 năm sau là công ty xe điện Tesla. Đến năm 2016, ông mở công ty công nghệ thần kinh Neuralink và năm 2017 là công ty đường hầm The Boring Company. Thời điểm hiện tại, Musk sở hữu khối tài sản trị giá 26,5 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.

Theo Gia Vũ / Trí thức trẻ

CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 31/1)

Số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục tại Trung Quốc, theo cập nhật từ số liệu mới nhất tính đến sáng 31/1. Số người nhiễm virus nCoV tại Trung Quốc đã vượt quá số  người nhiễm SARS toàn thế giới giai đoạn 2002-2003. WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trung Quốc đại lục

  • Số ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc, theo cập nhật đến 8h sáng 31/1, là 9.356 ca (SCMP), tăng 1.670 ca so với cùng thời điểm ngày trước đó;
  • Số ca tử vong ở Trung Quốc đại lục tăng lên 213 ca, tăng 43 ca so với ngày trước đó, một con số kỷ lục tính từ đầu dịch;
  • Số ca nhiễm ở riêng tỉnh Hồ Bắc đã lên tới 5.806 ca, với 32.340 trường hợp khác đang theo dõi, 804 người trong tình trạng nguy kịch, 290 người trong tình trạng nghiêm trọng;
  • Tổng số người nhiễm toàn Trung Quốc chỉ trong vòng 1 tháng đã vượt xa số người nhiễm SARS trong 9 tháng ở giai đoạn 2002 – 2003;
  • Bắc Kinh đã điều tổng cộng 7.000 nhân viên y tế tới Hồ Bắc để hỗ trợ;
  • Hai bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần tới, bổ sung thêm 2.300 giường bệnh;

Thế giới

  • WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trước sự bùng phát của dịch bệnh do virus nCoV. Tổng giám đốc WHO cho biết đây không phải là thể hiện sự không tin tưởng vào Trung Quốc, mà nhằm ngăn chặn thiệt hại trong trường hợp virus lây lan đến các nước có hệ thống y tế kém hơn. Ngoài ra, một số quan chức WHO cho biết họ phản đối bất kỳ động thái nào nhằm đóng cửa biên giới với Trung Quốc hoặc hạn chế du khách Trung Quốc (SCMP);
  • Trinidad & Tobago cho biết tất cả những người vừa đến Trung Quốc sẽ không được phép nhập cảnh vào Trinidad và Tobago trong vòng 14 ngày sau khi rời Trung Quốc (CNN);
  • Ý phát hiện 2 ca nhiễm virus nCoV đầu tiên là hai du khách người Trung Quốc. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã tuyên bố Ý dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch (CNN);
  • Mỹ: phi công của American Airlines đã gửi đơn kiện công ty vì tiếp tục phải bay đến Trung Quốc trong thời điểm dịch bùng phát, mặc dù hãng này đã dừng một số đường bay. Các phi công đề nghị dừng ngay lập tức các chuyến bay (CNN);
  • Mỹ cũng đã xác nhận về sự lây lan từ người sang người của virus nCoV, khi người bệnh thứ 6 của quốc gia này là một cư dân Chicago không đi du lịch tới Trung Quốc và là bạn đời của trường hợp đầu tiên (CNN). Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố thành lập đội đặc nhiệm chống nCoV (CNN);
  • Singapore: 3 ca mới phát hiện, nâng tổng số ca lên 13 (SCMP);
  • Pháp: 1 ca mới phát hiện, nâng tổng số ca lên 6 (France24);
  • Hồng Kông: thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 12 (CNN);
  • Đài Loan: thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 9 (CNN);
  • Hàn Quốc: 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 6 (Koreaherald);
  • Úc: 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 9 (SBS);
  • Nga đóng cửa biên giới ở vùng Viễn Đông giáp với Trung Quốc và kể từ ngày 30/1, Nga tạm ngừng cấp thị thực điện tử cho công dân Trung Quốc (CNN);
  • Thái Lan bắt giữ 2 người vì tung tin giả về virus corona (CNA);

(tiếp tục cập nhật)

Chuyên gia quốc tế: Dịch bệnh và nguy cơ thể chế của Trung Quốc

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan khắp Trung Quốc và đã truyền sang hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khó khăn trong nước mà cũng chịu nhiều áp lực quốc tế vì che giấu dịch bệnh nghiêm trọng. Có bình luận rằng hậu quả của sự lây lan của dịch bệnh đi cùng biện pháp quản lý ứng phó phong tỏa nghiêm ngặt đến thô bạo là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với ĐCSTQ và lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình.

Aris Messinis/AFP/Bloomberg via Getty Images

Có quan điểm cho rằng tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng hiện nay đang thực sự là nguy cơ đối với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)

Thực trạng dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán lây lan nhanh hiện nay có nguyên nhân quan trọng do tình trạng làm việc quan liêu tắc trách của cơ quan chức năng ĐCSTQ, khiến đông đảo người dân Trung Quốc đang rất tức giận. Hôm 27/1, trong lần hiếm hoi phải trả lời truyền thông, ông Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) đã đẩy trách nhiệm lên bộ máy chính quyền trung ương với lý do “không được ủy quyền của chính quyền trung ương ”, tuyên bố đã làm dấy lên làn sóng công kích đối với bộ máy cầm quyền ĐCSTQ.

Hendrik Ankenbrand, phóng viên của tờ báo của Đức là FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung) trú ở Thượng Hải đã cho biết hiện nay ngày càng có nhiều người cáo buộc Chính phủ Trung Quốc cố tình che giấu số liệu tình hình dịch bệnh. Ví dụ, một tin đồn lan truyền vào cuối tuần qua chỉ ra một bác sĩ (giấu tên) ở Thượng Hải tiết lộ ở Thượng Hải đã có 31 người thiệt mạng vì bệnh và 107 người đã bị nhiễm bệnh.

Bài viết của Hendrik Ankenbrand cho rằng, nếu theo tuyên bố của bác sĩ này, cứ ba người nhiễm bệnh có một người thiệt mạng thì tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều mức 4% mà cơ quan chức năng Vũ Hán công bố, cho nên nhiều người Trung Quốc đặt vấn đề nghi vấn dữ liệu của cơ quan chức năng Vũ Hán công bố sai sự thật. Bài viết lập luận rằng, đối với ĐCSTQ thì dịch bệnh này đã trở thành một khủng hoảng niềm tin không thể giải quyết được.

Trong một bài viết của tác giả kỳ cựu James Griffit đăng trên CNN của Mỹ đã lên án chủ nghĩa quan liêu và thói quen che đậy sự thật đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh, tác giả chỉ ra mỗi cuộc khủng hoảng phát sinh là một bài kiểm tra khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Theo bài viết, từ quỹ đạo phát triển của dịch bệnh lần này cho thấy Trung Quốc tồn tại lỗ hổng cơ bản trong việc đối phó với những khủng hoảng như vậy, và có thể có những mối đe dọa lớn hơn trong tương lai.

Sau khi bổ nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường làm trưởng nhóm công tác chống dịch và sắp xếp ông Lý đi Vũ Hán để kiểm tra công tác chống dịch, vào ngày 28 khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng giám đốc WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) là Tedros Adhanom đã đặc biệt nhấn mạnh “Về công tác phòng chống dịch bệnh này, tôi luôn đích thân chỉ đạo, bố trí”. Ông Tập Cận Bình còn cho biết việc chống dịch bệnh phải kiên quyết thực hiện theo bố trí của trung ương”, “thống nhất về lãnh đạo, chỉ huy và hành động”.

Một bài phân tích của tác giả Lea Deuber công bố hôm 27/1 trên tờ Süddeutsche Zeitung của Đức cũng cho biết, trong vòng chưa đầy một tuần mà bệnh viêm phổi Vũ Hán đã làm ngưng trệ hoàn toàn một quốc gia có dân số hơn một tỷ người. Dịch bệnh lan nhanh đã rõ ràng trở thành nguy cơ thực sự mà ông Tập Cận Bình phải đối diện. Bài viết chỉ ra, sau ngày 23/1 khi thành phố lớn Vũ Hán với dân số hơn chục triệu người đã bị phong tỏa, mức độ tín nhiệm của đông đảo người dân Trung Quốc đối với bộ máy cầm quyền càng lung lay hơn bao giờ hết… Đi cùng tình hình đất nước ngày càng hỗn loạn, Chính quyền ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp đàn áp ngày càng mạnh mẽ hơn đối với giới phê bình.

Myers, Giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của New York Times và phóng viên cao cấp Bắc Kinh là Trữ Bách Lượng (Chu Bailiang) cũng đã cùng viết bài chỉ ra tình trạng tập quyền mạnh mẽ của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong bảy năm qua khi ứng phó với các nguy cơ, nhưng viêm phổi Vũ Hán hiện nay là một trong những thử nghiệm phức tạp và khó lường nhất mà ông Tập Cận Bình gặp phải.

Chia sẻ trên VOA (Tiếng nói nước Hoa Kỳ), ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) – người thúc đẩy nhóm nhân quyền Sức mạnh Công dân thì nhận định rằng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát, rất có thể sẽ trở thành sự kiện đặc biệt quan trọng đe dọa chế độ của ĐCSTQ.

Nhà bình luận luôn theo dõi về dịch bệnh là Tiêu Nhược Nguyên (Xiao Ruoyuan) cũng cảnh báo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này có thể so sánh với thảm họa Chernobyl lớn nhất trong lịch sử, nguyên nhân của thảm họa loài người này là do vấn đề thiếu thông tin để có thể ứng phó kịp thời. Ông Tiêu Nhược Nguyên cho biết, theo thông tin ông nhận được là vào ngày đầu tiên của năm nay các ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp mặt và cảm nhận tình hình dịch bệnh lần này có thể trở thành nguy cơ đối với sự tồn vong của ĐCSTQ.

Nhà bình luận chính trị Ngũ Phàm (Wu Fan) cũng cho rằng dịch bệnh có ảnh hưởng sâu rộng đến ít nhất ba bình diện, đặc biệt là biện pháp phong tỏa thành phố của ĐCSTQ sẽ không chỉ gây xáo trộn lớn trong xã hội Trung Quốc, mà còn gây xáo trộn trong ĐCSTQ.

Tờ Vision Times (Mỹ) cũng có bài “Tập Cận Bình lại đi thăm hồ Điền Trì không phải vì Bạc Hy Lai mà vì nguy cơ lớn”, theo đó cảnh báo rằng thời thế biến động với dịch bệnh lớn ập đến thường liên quan đến sự sụp đổ của một triều đại. Lần này ĐCSTQ lặp lại sai lầm từng gặp đối với SARS là che giấu dịch bệnh, nhưng bây giờ người dân đã tỉnh táo hơn, một chính quyền chỉ ưu tiên cho sự an toàn của họ thì sao có thể xem trọng an nguy của người dân? Bài viết nhận định người dân Trung Quốc và thế giới ngày càng thấy rõ hơn sự ích kỷ và lưu manh đến cực đoan của ĐCSTQ, đại dịch lần này liên quan đến vận mệnh của cả Trung Quốc và thế giới sẽ là nguy cơ sinh tồn của ĐCSTQ.

Liên quan đến nguy cơ tồn vong của ĐCSTQ này, ngay đầu tháng 12 năm ngoái trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây, nhà bình luận tình hình Trung Quốc tại Mỹ là Arthur Waldron đã chỉ ra thói quan liêu xa rời thực tế, không biết tình hình thực trạng đời sống dân tình nên nhà cầm quyền ĐCSTQ hiện nay hành động tùy tiện, hiệu quả đạt được rất hạn chế, bế tắc. Theo ông Arthur Waldron , nhà cầm quyền ĐCSTQ cũng hiểu rõ nguy cơ tồn vong của chế độ.

Ông tiết lộ có chuyên gia cấp cao của ĐCSTQ quan hệ thân thiết với Tập Cận Bình đã thẳng thắn cho ông biết: “Arthur Waldron, chúng tôi đã đi đến đường cùng, mọi người hiểu rõ chế độ đã đi đến hồi kết, chúng tôi đã đi vào ngõ cụt. Chúng tôi không biết bước tiếp theo phải đi như thế nào, bởi vì nơi đây mìn gài khắp mọi nơi, bước sai một bước là có thể thịt nát xương tan.”

Tuyết Mai

Vũ Hán đang bị virus corona bóp nghẹt là trái tim của Trung Quốc?

Vũ Hán là thành phố lịch sử nghìn năm của Trung Quốc, nằm ở trung tâm của quốc gia đông dân nhất thế giới. Vũ Hán đang nổi lên là trung tâm lịch sử, kinh tế, công nghiệp hàng đầu Trung Quốc, nằm trong nhóm 10 thành phố giàu có nhất cả nước.

TOPSHOT - An aerial view shows residential and commercial buildings of Wuhan in China's central Hubei province on January 27, 2020, amid a deadly virus outbreak which began in the city. - China on January 27 extended its biggest national holiday to buy time in the fight against a viral epidemic and neighbouring Mongolia closed its border, after the death toll spiked to 81 despite unprecedented quarantine measures. (Photo by Hector RETAMAL / AFP) (Photo by HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Chưa phải là đại đô thị nổi tiếng như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhưng Vũ Hán thực sự là đô thị đông đúc có kết nối với mọi nơi trên toàn Trung Quốc và toàn cầu.

Trước khi nổi lên là tâm dịch virus corona, Vũ Hán đang mang trong mình diện mạo của một khu đô thị hiện đại, kết nối giao thương của Trung Quốc với toàn thế giới. Dưới đây là những đặc điểm nổi bật của thành phố Vũ Hán:

TOP 10 thành phố GDP cao nhất Trung Quốc

Với dân số khoảng 11 triệu người, Vũ Hán ngày nay được biết đến là trung tâm kinh tế và tài chính của khu vực miền trung của Trung Quốc.

Vũ Hán được giới chức Trung Quốc định hình vào danh sách “các thành phố cấp một mới”, sau bốn đại đô thị truyền thống là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Từ lâu Vũ Hán đã là thành phố công nghiệp và sản xuất và những năm gần đây đô thị này đang tìm cách làm mới mình để thu hút các công ty công nghệ cao. Foxconn – đối tác sản xuất chính của Apple đã đặt nhà máy tại Vũ Hán.

Chính quyền thành phố Vũ Hán cho biết khoảng gần 300 công ty hàng đầu thế giới đã đầu tư vào thành phố miền trung Trung Quốc này, trong đó có Walmart và các nhà sản xuất ôtô như Honda, Nissan và PSA Citroen-Peugeot.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vũ Hán năm 2018 là 1,48 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 288 tỷ USD), nằm trong top 10 thành phố có GDP lớn nhất Trung Quốc. GDP của thành phố Vũ Hán tương đương với GDP của cả nước Việt Nam.

Trung tâm giao thông chính yếu

Vũ Hán nằm trong vị trí chiến lược, thực sự là trái tim của Trung Quốc xét về yếu tố địa lý. Nằm trong ngã ba sông Trường Giang và sông Hàn, biến Vũ Hán trở thành nút giao thông quan trọng kết nối với phần còn lại của toàn Trung Quốc thông qua các tuyến đường sắt và đường cao tốc. Với vai trò này, Vũ Hán còn được ví là “Chicago của Trung Quốc”.

Chẳng hạn, với sự nổi lên của đường sắt cao tốc (HSR) tại Trung Quốc trong thập kỷ qua, Vũ Hán ngày nay là giao điểm quan trọng của hai tuyến HSR chính: tuyến bắc-nam Vũ Hán – Quảng Châu và tuyến đông-tây Thượng Hải – Vũ Hán – Thành Đô.

Cảng hàng không Quốc tế Thiên Hà Vũ Hán đón hơn 20 triệu lượt khách vào năm 2016. Cảng hàng không này có các chuyến bay thẳng tới London, Paris, Dubai và nhiều thành phố lớn khác trên toàn thế giới.

Điểm đến du lịch hấp dẫn

Vũ Hán được ví là một trong “4 lò lửa” của Trung Quốc, có nhiệt độ vào mùa hè lên tới hơn 40 độ C. Nằm bên dòng sông Trường Giang, nên độ ẩm của thành phố Vũ Hán trong thời gian từ tháng 6 tới tháng 8 hàng năm là rất cao, được coi là thời điểm nóng ẩm nhất trong năm.

Khách du lịch thường tới Vũ Hán vào mùa xuân và mùa thu, thăm quan các thắng cảnh nổi tiếng như Lầu Hoàng Hạc, một di tích lịch sử là cảm hứng cho nhà thơ Thôi Hiệu thời Đường viết lên áng thơ kiệt tác “Hoàng Hạc Lâu” – một trong 300 bài thơ Đường nổi tiếng.

Vũ Hán cũng có Đền Quy Nguyên 350 tuổi, xây dựng vào thời nhà Thanh, được cho là thờ Thần Tài. Thành phố này cũng là nơi đặt Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc – một trong những bảo tàng công cộng đẹp nhất Trung Quốc.

Ẩm thực đường phố

Với khí hậu khắc nghiệt, Vũ Hán nổi tiếng với nhiều món ăn cay như shaokao, thịt xiên nướng, cổ vịt cay hay mì cay trộn v.v… Thành phố này cũng được biết đến với những con phố ẩm thực ngoài trời, với các quầy hàng bán nhiều loại hải sản, thịt nấu chín và các món ăn đường phố khác, được phục vụ cùng với bia Trung Quốc dễ uống.

Người dân Vũ Hán đặc biệt thích ăn thịt và có nhiều khu chợ bán nhiều động vật và hải sản tươi sống như cá sấu, nhím và hươu. Một trong những chợ bán động vật như vậy – chợ Hoa Nam, đang được cho là nơi khởi phát virus corona mới.

Trung tâm giáo dục hàng đầu

Một điểm ít người biết, Vũ Hán là đô thị giáo dục lớn nhất thế giới với 53 trường đại học, trong đó riêng Đại học Vũ Hán đã có 60.000 sinh viên theo học.

Đầu mỗi kỳ học vào tháng Hai và tháng Chín, hàng trăm nghìn sinh viên di chuyển về Vũ Hán khiến giao thông tại các khu vực quanh các trường học tăng lên 15%.

Trường Đại học Vũ Hán cũng là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch. Tọa lạc trên ngọn đồi Luojia đẹp như tranh vẽ, từ vị trí này có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh Hồ Đông của thành phố Vũ Hán. Nhiều du khách cũng đổ về khuôn viên Đại học Vũ Hán trong tháng Ba và tháng Tư hàng năm để ngắm hoa Anh Đào.

Di tích lịch sử quan trọng

Những người yêu mến lịch sử Trung Quốc quan tâm đến Vũ Hán vì nơi đây đóng vai trò quan trọng xuyên suốt các triều đại Trung Quốc hàng nghìn năm. Tại Vũ Hán có những di chỉ về thời đại Đồ Đồng, văn minh Erligang tồn tại vào khoảng giữa 1510 trước Công nguyên đến 1460 trước Công nguyên. Một phần của Vũ Hán ngày nay là một cảng quan trọng trong triều nhà Hán. Đến thời nhà Thanh, Vũ Hán trở thành một trong 4 đô thị buôn bán hàng đầu Trung Quốc.

Vũ Hán cũng là nơi bắt đầu cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911, khai sinh nước Trung Hoa Dân Quốc. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Vũ Xương dẫn tới sự sụp đổ của triều nhà Thanh, kết thúc thời kỳ quân chủ hàng nghìn năm tại Trung Quốc.

Xuân Thành (T/h)