Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

HÀ NAM

Ngày 29/1, hàng chục nghìn người tham quan Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, khiến Ban quản lý quyết định không bán vé để tránh ùn tắc.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng. Hôm qua, dựa trên số vé thuyền và xe điện, Ban quản lý khu di tích Tam Chúc ước tính 60.000 người đến tham quan, chưa kể người đi bộ. Hôm nay, lượng người còn đông hơn, bãi xe rộng hàng nghìn mét vuông của nhà chùa gần kín xe của du khách.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Để di chuyển từ bãi xe vào chùa, du khách có thể đi bằng thuyền hoặc xe điện. Bến thuyền luôn đông khách chờ, giá vé 200.000 đồng một người cho hai lượt đi và về.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Du khách tranh nhau lên thuyền, trong khi theo quy định mỗi thuyền chỉ chở tối đa 60 người.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Khoảng 500 xe điện hoạt động hết công suất, nhiều người phải đu bám. Giá xe điện 90.000 đồng một người cho một vòng 12 km quanh chùa.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Do xe điện quá tải, Ban quản lý đã huy động thêm gần 100 ôtô khách từ 29 đến 45 chỗ ngồi, gần 50 thuyền lớn bé cũng luôn trong tình trạng quá tải.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Do Ban quản lý không bán vé để người dân tự do tham quan chùa nên điểm bán vé không bóng người.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Tháp Ngọc cao 15 m là một trong những điểm tham quan thường xuyên đông kín du khách.

Hàng chục nghìn người tham quan chùa Tam Chúc

Đứng trên tháp Ngọc, du khách có thế ngắm toàn cảnh quần thể chùa Tam Chúc.

Chùa Tam Chúc cổ có từ thời nhà Đinh, hiện mới được xây dựng giai đoạn một với các hạng mục cổng Tam Quan, vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và tháp Ngọc. Đây là nơi diễn ra đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc, tháng 5/2019.

Giang Huy / VNExpress

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc “7 tránh, 8 không” ai cũng có thể làm

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc "7 tránh, 8 không" ai cũng có thể làm

Danh họa Tề Bạch Thạch là danh nhân thế giới sống gần một thế kỷ nhờ những nguyên tắc chăm sóc sức khỏe vừa đơn giản vừa hữu ích, chúng ta nên tham khảo càng sớm càng tốt.

Danh nhân thế giới 94 tuổi: Vừa vẽ tranh vừa tập thể dục

Bài viết này của các chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng đăng trên trang web của Trung Tâm nghiên cứu Dưỡng sinh Trung y Bắc Kinh về bí quyết sống khỏe của danh họa nổi tiếng Tề Bạch Thạch – người được nhận xét là “vừa vẽ tôm – tôm đã bơi trong nước” để ca ngợi tài hoa vẽ tranh như thật của ông.

Tề Bạch Thạch sinh tại Tinh Đẩu, Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Tên của ông là do các thầy dạy vẽ đặt cho ông bởi ông sinh ra ở núi Bạch Thạch.

Ông xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó và bị đau ốm liên miên thời thơ ấu. Năm 9 tuổi, ông đến trường của ông ngoại dạy để học chữ nhưng sau đó 1 năm ông đã phải nghỉ vì nhà quá nghèo, không có tiền để tiếp tục chi trả các khoản ở trường.

Năm 27 tuổi, tên tuổi ông đã có tiếng tăm trong giới nghệ thuật và ông đã được suy tôn là bậc thầy về hội họa.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 1.

Đến năm 40 tuổi, ông đã dành thời gian để đi tham quan nhiều thắng cảnh ở khắp Trung Quốc. Sau năm 1917, ông định cư tại Bắc Kinh và mất năm 1957, hưởng thọ 94 tuổi.

Tài năng của danh họa Tề Bạch Thạch là kết tinh của vốn sống thực tế với bản lĩnh vượt lên khó khăn, hết mình và say mê vì nghệ thuật. Những chuyến đi xa thực tế đã cho ông một hành trang tri thức lớn lao. Đến khi tuổi cao, ông vẫn không ngừng sáng tạo và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có.

Vị danh họa gần trăm tuổi từng nói: Tôi vẽ tranh mấy chục năm rồi mà chưa thấy có gì là của mình, nên tôi quyết định “thay đổi mạnh”. Ông vẽ tranh về những con tôm đạt đến độ siêu phàm nhờ việc nuôi tôm và dành nhiều thời gian để quan sát chúng. Hay là việc ông vẽ những chú ong rất phóng khoáng, bay bổng như thật.

Ngoài vẽ, ông còn làm thơ, viết chữ, khắc dấu triện rất xuất sắc nên được mệnh danh là bậc đại danh họa “Tam biệt chi tài”.

Năm 1949, Ông được phong làm giáo sư danh dự của Học viện nghệ thuật Bắc Kinh. Năm 1955, Hội đồng hòa bình thế giới trao giải thưởng và công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Năm 1953 ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Hội họa Trung Quốc.

Sống một cuộc đời dài gần 1 thế kỷ, danh họa Tề Bạch Thạch đã để lại cho đời không chỉ là những tác phẩm, mà còn để lại một kinh nghiệm sống khỏe mạnh, quý giá.

Điều đặc biệt ở một bậc thầy nổi tiếng về hội họa Trung Quốc nổi tiếng thế giới là đã kiên trì tập thể dục trong khi vẽ tranh, vì vậy khi ông gần một trăm tuổi, ông vẫn tràn đầy năng lượng.

Sau này, khi tìm hiểu về bí quyết để sống khỏe mạnh, người ta đã sưu tầm được công thức “7 điều nên tránh và 8 điều không nên làm” của Tề Bạch Thạch. Ông đã áp dụng công thức này để sống khỏe mạnh, làm việc hiệu quả trong suốt cuộc đời mình.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 2.

7 điều răn nên tránh của danh họa Tề Bạch Thạch

1. Tránh uống rượu

Bản thân danh họa Tề Bạch Thạch từ sớm đã nhận ra rằng việc uống rượu rất có hại cho sức khỏe, cho nên trong trường hợp cần thiết, ông chỉ uống một chút rượu vang, thời gian còn lại là hầu như ông không uống rượu. Cũng có thể nói là không uống hoàn toàn.

2. Tránh ngồi không nhàn rỗi

Danh họa Tề Bạch Thạch có một quan niệm, đời người mà không học, thì cả ngày khổ nhọc cay đắng. Với ông, không có lúc nào ông để cho bản thân nhàn rỗi, thường xuyên vẽ tranh không ngừng, không để thời gian trôi đi một cách lãng phí.

Ông đã vẽ hơn 600 bức tranh chỉ trong vòng một năm trước khi qua đời.

3. Tránh hút thuốc

Ông duy trì nguyên tắc tuyệt đối không hút thuốc và không có thuốc lá ở trong nhà.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 3.

4. Tránh lười biếng, ỉ lại

Mặc dù tuổi đã rất cao rồi nhưng ông vẫn duy trì mọi hoạt động hàng ngày bình thường, không muốn nhờ người khác giúp đỡ và không muốn để bản thân lười biếng.

Khi đã cao tuổi, ông vẫn tự nấu ăn cho mình, làm các công việc lặt vặt như giặt giũ, sửa chữa quần áo, rửa bát chén, quét nhà, lau sàn…

5. Tránh vui vẻ quá khích

Trong đời người, có nhiều niềm vui và nỗi buồn, ở những mức độ khác nhau, khi vui bao nhiêu cũng đừng quá khích, khi buồn bao nhiêu cũng đừng tuyệt vọng. Đối với ông, có những bức tranh sau khi vẽ được đón nhận nồng nhiệt, thường giành được giải thưởng lớn hoặc được chọn cho các triển lãm nghệ thuật quốc tế.

Mặc dù những tác phẩm mang lại cho ông nhiều vinh quang, nhưng ông chỉ ghi nhận trong lòng và biết như vậy, bình tĩnh trong niềm vui của mình, không quá khích, không vui vẻ thái quá vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhịp tim và huyết áp.

6. Tránh suy nghĩ trống rỗng, vô ích

Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều vấn đề diễn ra không ngừng, không nên suy nghĩ đến những vấn đề tiêu cực, trống rỗng, vô ích, không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Có những chuyện nhỏ không nên xé ra to.

Càng suy nghĩ lan man, chúng ta sẽ rơi vào một ký ức lộn xộn về quá khứ và không thể kiểm soát bản thân. Mất nhiều thời gian mà không mang lại kết quả tích cực.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 4.

7. Tránh đau khổ và tức giận

Cho dù phải đối diện với rất nhiều căng thẳng và bực mình trong cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà bạn đau khổ hay tức giận. Đây là thái độ tiêu cực, mang lại kết cục không như mong muốn và tốt nhất là bạn không nên có thái độ này.

Tề Bạch Thạch đã sống trong tâm trạng bình lặng, luôn giữ thái độ bình tĩnh và lạc quan với cuộc sống. Ông không vui mừng quá mức mà cũng không đau khổ khóc thương. Giữ tâm trạng ổn định là điều quan trọng mọi lúc, mọi nơi.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 5.

8 điều không nên của danh nhân thế giới Tề Bạch Thạch

Cuộc đời dài của danh họa Tề Bạch Thạch khỏe mạnh nằm ở kỷ luật trong chăm sóc sức khỏe. Với ông, cái gì cũng ở mức điều độ và cân bằng, dù có yêu thích đến đâu cũng không để bản thân phải ham mê quá.

Ông duy trì cho mình nếp sống nghiêm túc và chuẩn mực dựa vào nguyên tắc “8 không”. Cái gì quá cũng không tốt.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 6.

1. Không nên quá mê Sắc

Với nam giới, tình dục là một vấn đề thiết yếu. Nhưng tất cả nằm ở chữ điều độ, đặc biệt là khi có tuổi, dù ham muốn nhiều đến đâu cũng cần tiết chế ở mức vừa phải. Nếu ham muốn quá mức, không chỉ có thể làm cho cơ thể bị suy nhược, tăng tốc độ hao hụt về thể chất, mà còn gây ra bệnh bất ngờ.

2. Không nên ăn quá nhiều Thịt

Ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe. Nếu người cao tuổi có quá nhiều chất béo trong chế độ ăn uống, họ dễ bị tăng cholesterol máu và tăng lipid máu, không có lợi cho việc phòng ngừa và điều trị các bệnh về tim mạch và mạch máu não.

3. Không quá mê ăn thực phẩm tinh chế

Nếu người cao tuổi ăn mì gạo dạng tinh chế với số lượng nhiều trong một thời gian dài, khiến cho lượng chất xơ ăn vào sẽ giảm, điều này sẽ làm suy yếu nhu động ruột và gây táo bón cũng như nhiều vấn đề sức khỏe liên quan khác.

Danh nhân thế giới thọ 94 tuổi: Kiên trì nguyên tắc 7 tránh, 8 không ai cũng có thể làm - Ảnh 7.

4. Không quá mê ăn Mặn

Chúng ta đều biết rằng ăn nhiều muối sẽ không tốt cho sức khỏe, do đó việc kiểm soát thói quen ăn mặn cần phải được thực hiện triệt để. Đặc biệt, người già tiêu thụ quá nhiều muối, chúng có thể dễ dàng gây ra các chứng bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim và suy thận.

5. Không quá mê ăn Ngọt

Đường được cho là “khắc tinh” của sức khỏe nếu chúng ta ăn quá nhiều và thường xuyên. Không những thế, nếu người cao tuổi ăn quá nhiều đồ ngọt, nó sẽ gây ra béo phì, tiểu đường, vv, không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

6. Không quá mê ăn No

Chúng ta ăn uống chừng mực với số lượng vừa phải sẽ phù hợp hơn là ăn quá no. Nếu chế độ ăn uống của người cao tuổi luôn ở trạng thái ăn no trong một thời gian dài, không chỉ làm tăng gánh nặng tiêu hóa và hấp thu của dạ dày, mà còn gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng bệnh tim mạch và mạch máu não, nguy cơ đột tử cũng có thể xảy ra.

7. Không quá mê ăn món Nóng

Các bộ phận của đường tiêu hóa thường rất nhạy cảm. Nếu nhiệt độ chế độ ăn uống của người cao tuổi quá nóng, dễ làm hỏng khoang miệng, thực quản và dạ dày, đường tiêu hóa bị kích thích bởi nhiệt độ nóng trong một thời gian dài, dễ bị ung thư dạ dày, ung thư thực quản.

8. Không quá mê ăn món Lạnh

Ăn thực phẩm có nhiệt độ quá lạnh, ví dụ như những món ăn chứa đá hoặc thực phẩm bảo quản lạnh đều dễ gây co thắt các cơ quan tiêu hóa. Nếu người già ăn thực phẩm lạnh hoặc thực phẩm đông lạnh trong một thời gian dài có thể gây kích thích đường tiêu hóa, dễ dàng gây ra viêm dạ dày và đường ruột, tiêu chảy và kiết lỵ.

Theo Vân Hồng /Trí thức trẻ

TÔI ĐÃ ĐẾN ĐƯỢC NƠI ẤY… LÀNG HOÀNH

Nhà giáo Lã Minh Luận

Hôm nay, mồng 4 Tết, tức ngày 28/1/2020, tôi và một người em đã đến được nơi ấy… Cái Thôn Hoành (Đồng Tâm) nhỏ tí xíu mà có cái trụ sở Uỷ ban to đùng, khang trang giữa cái làng có những ngôi nhà rất khiêm tốn ấy… Cái nơi có cơn bão kinh hoàng vừa đi qua…

Chúng tôi không rành đường nên phải cài chỉ dẫn, khi còn cách thôn Hoành khoảng hai km, xe dừng lại hỏi đường, một người phụ nữ tỏ vẻ rất cẩn thận, chị hỏi lại chúng tôi là ai, tôi nói người dưng tìm đến thắp nén nhang cho cụ Kình thôi. Chị dặn: Vẫn còn công an chìm canh trong đấy, nếu họ có hỏi thì cứ nói người nhà của cụ… Thế rồi đến cái cổng làng… nơi ghi lại bức tranh các chiến sĩ cơ động sau khi đưa lí thuyết được học ở trường vào thực hành tại thôn Hoành… thì họ đã nằm la liệt ở đây vì quá mệt mỏi, qua một đêm chiến đấu với dân cày…

Nhà cụ Kình chỉ cách cổng làng khoảng 50m. Hai chị em tôi đưa xe đi hết dọc cái làng nhỏ xíu ấy rồi mới quay lại. Làng chìm trong yên ắng, cờ treo thấp thoáng, không nhức mắt băng zôn, khẩu hiệu như bao nơi khác. Cái cổng làng đã từng chứng kiến bao đau thương của người dân đây, nhất là rạng ngày 9/1/2020 vừa qua, nhưng nó vẫn phải mang vác một băng zôn nặng nề “Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới”… Ấy thế mà tờ báo nào nói Đồng Tâm đã vui tươi trở lại, đón Tết rộn ràng, náo nức nhỉ?

Tôi nhìn thấy một bà cụ đang lom khom nhặt nhạnh cái gì đó trước cửa nhà, tôi nhận ra đó chính là bà cụ Thành, vợ của cụ Lê Đình Kình. Tôi bước vào một mình, đập vào mắt tôi là một mái che tuềnh toàng và một bếp lửa ở giữa sân cùng mấy cái ghế nhựa lổng chổng. Bên trong, gian ngoài là ban thờ cụ Kình cũng rất xuềnh xoàng, ám khói, lỗ chỗ những vết đạn… Tôi thắp nén nhang cho cụ, nhìn tấm ảnh thờ mà lòng tôi đau thắt, mắt ứa lệ… nấc lên nghẹn ngào mà không thể nói thành lời…

Bước vào bên trong, là phòng ngủ của cụ bà và cụ ông. Kín mít, nhỏ hẹp, không có cửa sổ thông khí. Cụ Thành kể: “Hôm người ta xộc vào nhà, tôi ngủ bên này, ông cụ nhà tôi ngủ bên kia. Họ đứng ngoài cửa xịt hơi cay, khí ngạt gì đó. Tôi ho sặc sụa và ông cụ nhà tôi thì mệt không thở được. Tôi chạy ra lấy khăn mặt dấp nước cho ông ấy bịt mũi, bịt miệng cho dễ thở… thì họ phá được cửa, xông vào, khoá tay tôi lôi đi còn ông cụ, tôi không biết người ta đã làm gì ông ấy… Các con tụ về để bảo vệ bố nhưng khi hơi cay, khói bụi mù mịt, không thở được cũng trở nên náo loạn. Rồi tôi nghe tiếng súng đạn nổ chí chéo, đùng đoàng từ ngoài vào trong, từ trên sân thượng xuống dưới nhà. Cả nhà tôi hoảng loạn… không còn biết là cái gì xảy ra nữa… khi được họ thả về, thì thấy máu me đầy giường, đầy phòng của ông ấy (cụ Kình). Lúc chôn ông ấy xong, trở về cứ thấy buồng ngủ của ông ấy mùi thối kinh khủng… Tìm mới lôi ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu me của ông ấy… (cụ khóc)… Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất đồng Sênh dán trên tường bị xé đốt hết. Người ta bê mất cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ gốc về đất đai có từ xa xưa, cho đến đời ông Đỗ Mười kí… lấy hết rồi bác ạ! (cụ khóc…)” Tôi nói: “Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?” Cụ Thành bảo: “Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối… Ai ngờ đâu được bác ơi!” Cụ lại khóc… Tôi hỏi tiếp: “Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?” Cụ trả lời: “Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ thằng Uy, bê mất 2 cái két sắt của nhà Công và nhà Chức.”

Tôi hỏi tiếp: “Nghe người ta nói rằng hôm ấy có 20 thằng nghiện được cụ Kình nuôi trong nhà… đã chống người thi hành công vụ ghê lắm cơ mà cụ?” Cụ Thành bảo: “Làm gì có thằng nghiện nào! Nhà tôi ăn còn chả đủ, làm gì có tiền nuôi ai? Ông nhà tôi mua một xuất bánh cuốn ăn sáng còn phải xẻ, nhường cho tôi một nửa, bảo tôi ăn để còn uống thuốc… ” Cụ Thành nghẹn không nói thêm được gì.

Tôi hỏi tiếp: “Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?” Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi…! Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người cùng nói: “Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói… (mấy người quả quyết)… Tôi hỏi tiếp: “Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?” Cụ Thành và mấy người nói: “Chắc bị họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi.”

Tôi hỏi: “Thế mọi người có biết mấy anh em, chú cháu ở vị trí nào trong nhà?” Chị Hạnh, con gái lớn của cụ Kình cho biết: “Chúng tôi phận gái, đi lấy chồng ngoài, hôm ấy tôi và bà con đứng ở ngoài đường không được vào. Công an trấn giữ không cho bất cứ ai vào nhà cả, một mặt họ tấn công từ cửa trước vào nhà và một toán từ trên sân thượng xuống. Mấy anh em, chú cháu bị đánh dã man trong nhà. Cháu Uy bị bắn gãy tay; cháu Quang thoát được ra ngoài bờ ruộng thì bị mấy con chó đuổi theo cắn xé, làm gãy 2 xương sườn; Chức thì bị bắn vào đầu chả biết sống chết thế nào; còn Công khi bị tra tấn đau quá, định tưới xăng vào người để tự đốt mình chết cho khỏi bị họ hành hạ nhưng bị họ xịt hơi cay làm tê liệt luôn. Chúng ập vào đông như vậy thì ai còn có thể chạy lên được sân thượng của nhà bên để ném bom xăng. Tất cả chúng dồn vào trong nhà hết.”

Tôi hỏi tiếp: “Thế cho tới nay, gia đình đã biết tin anh Chức thế nào không?” Tất cả đều lắc đầu, trả lời “Không”. “Sức khoẻ của cụ bà và cháu bé 3 tháng tuổi giờ ra sao?” Cụ Thành nói: “Tôi cứ bị ho suốt từ hôm đó đến nay, tối đến đóng cửa đi ngủ, cái mùi thuốc súng, hơi cay, khói ám cứ gây gây kinh lắm. Còn cháu bé thì đang bị viêm phổi.” Tôi lặng đi… nghĩ “viêm phổi với một cháu bé hơn ba tháng tuổi mà không được đi viện thì vô cùng nguy hiểm”. Tôi chợt nhìn mấy chị con gái của cụ Kình, họ đang gục xuống khóc… Trời ơi! Ai cũng hiền lành, chất phác như hạt lúa củ khoai thế này mà sao miệng lưỡi người đời thêu dệt nên nhiều chuyện hoang đường, độc ác thế? Tôi chỉ biết vỗ về, động viên họ mấy câu, rút chiếc khăn đang quàng trên cổ, tôi quàng cho cụ bà và dặn: “Phải đưa cháu bé đi bệnh viện, có gì khó khăn cứ điện cho cháu, cháu sẽ giúp đỡ” rồi vội vã xin phép ra về…

Thú thật! Lúc xe chạy gần đến xã Đồng Tâm, tim tôi đã đập hồi hộp. Đến làng Hoành… tim tôi như ngưng lại… Bước vào ngôi nhà đầy “huyền thoại”, tim tôi như vỡ nát… Thời gian có rất ít bên người thân của cụ Kình nên tôi chỉ hỏi được chừng ấy câu, vừa hỏi vừa đi xem hiện trường và chụp lại những “chiến tích” mà các chiến sĩ cảnh sát cơ động của đảng để lại trong khắp căn nhà ụp thụp, nhằm giải mã cho những gì mà truyền thông của nhà nước công bố trên toàn quốc về “cuộc bố ráp, trấn áp băng nhóm tội phạm khủng bố ở Đồng Tâm của họ và cả hàng chục ngàn DLV tung tin thất thiệt, hàng triệu người nghe thông tin một chiều mà thương vay, khóc mướn, thoá mạ, chà đạp lên những người dân yếm thế, vô tội nơi đây…

Cậu em đi cùng tôi thì phải ở bên ngoài cảnh giới… Hú vía! Hai chị em cùng đi thắp nén nhang cho người quá cố oan uổng mà cũng đâu có được an tâm, người ở ngoài, người vào trong, cứ thấp tha thấp thỏm. Trên 100 km khứ hồi, về đến nhà rồi mới thấy hoàn hồn…

Hi vọng một ngày nào đó, Đồng Tâm phải được làm sáng tỏ, trả lại công bằng cho người đã nằm xuống và cả những người đang còn sống…

Tễu Blog

WHO THỪA NHẬN BÁO CÁO LÁO VỀ NGUY CƠ TOÀN CẦU CORONA

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: Reuters
Một Thế Giới
Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã đưa ra khuyến cáo cho biết nguy cơ toàn cầu từ loại vi rút viêm phổi gây chết người ở Trung Quốc là cao, thừa nhận lỗi trong các báo cáo trước đây khi nói rằng nó chỉ “vừa phải”. 
Báo cáo công bố cuối ngày 26.1 của WHO đánh giá các rủi ro từ bệnh viêm phổi do chủng vi rút thuộc họ corona mới (nCoV) là “rất cao ở Trung Quốc, cao ở khu vực và toàn cầu”. Trong một chú thích, WHO cũng cho biết các tài liệu công bố hồi tuần trước, đánh giá rủi ro toàn cầu ở mức “vừa phải” là “không chính xác”. Người phát ngôn của WHO, bà Fadela Chaib nói rằng đây là “lỗi diễn đạt từ ngữ”.


Trước đó, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người hiện ở Trung Quốc để thảo luận về các hành động tiếp theo nhằm ngăn chặn vi rút, ngày 23.1 đã nêu quan điểm với báo giới tại Geneva rằng dịch viêm phổi là vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc nhưng vẫn “chưa trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”.

Việc tuyên bố một dịch bệnh nào đó là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế” của WHO chỉ được sử dụng cho các dịch bệnh nghiêm trọng đòi hỏi nhiều biện pháp xử lý phối hợp quốc tế giữa các quốc gia.

Những trường hợp mắc bệnh viêm phổi do chủng vi rút thuộc họ corona mới trên toàn thế giới tính đến ngày 27.1 – Ảnh: AFP

Tính tới thời điểm này, dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút mới thuộc họ corona (nCoV) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã khiến 82 người chết và 2.901 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu. Ngoài Trung Quốc đại lục, Macao, Hồng Kông, dịch đã lây lan sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

Các triệu chứng bệnh gồm sốt, khó thở và ho. Hiện chưa có vắc xin cho loại vi rút có thể lây lan từ người sang người này. Giới chức y tế lo ngại tốc độ lây lan có thể gia tăng khi hàng trăm triệu người Trung Quốc đang di chuyển trong và ngoài nước nhân dịp nghỉ Tết Nguyên đán, kéo dài từ ngày 24 đến 30.1.

Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Các biện pháp soi sàng lọc đã được áp dụng tại những cửa khẩu biên giới như sân bay ở nhiều nước để phát hiện những người có biểu hiện nhiễm vi rút.

Trang Nhung (theo Straits Times)

Xác định các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ lây nhiễm cao virus corona

Xác định các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ lây nhiễm cao virus corona

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm virus corona tại Bangkok, Thái Lan, ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Southampton, Vương quốc Anh, ngày 28/1 đã công bố danh sách những quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như những thành phố trên thế giới có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV)

Dựa trên số lượng du khách Trung Quốc được dự báo đến các quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao nhất lần lượt là Thái Lan ở vị trí số 1, Nhật Bản ở vị trí thứ hai 2 và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí số 3. Mỹ ở vị trí thứ 6, Australia thứ 10, Anh ở vị trí 17 và Ấn Độ ở vị trí 23 về nguy cơ lây nhiễm.

Cũng theo báo cáo trên, thủ đô Bangkok của Thái Lan hiện xếp vị trí đầu tiên trong danh sách 30 thành phố lớn trên thế giới có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona mới. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong xếp thứ 2, ngay sau đó là thành phố Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc). Thành phố Sydney (Australia) xếp vị trí thứ 12, New York (Mỹ) ở vị trí thứ 16 và London (Anh) ở vị trí thứ 19 trong danh sách này.

Trong phạm vi Trung Quốc Đại lục, các nhà nghiên cứu xác định các thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Trùng Khánh, cùng với các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Tứ Xuyên và Hà Nam là những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu địa chỉ IP và điện thoại di động ẩn danh – dữ liệu giúp xác định các thiết bị – cùng với dữ liệu du lịch hàng không quốc tế để xác định mô hình di chuyển điển hình của người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo Giáo sư Andrew Tatem thuộc Đại học Southampton, điều quan trọng là hiểu được sự di chuyển của cư dân để đánh giá loại virus mới này có thể lây lan như thế nào tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Bằng cách lập bản đồ các xu hướng này và xác định các khu vực có nguy cơ cao, nhóm nghiên cứu có thể giúp thông báo các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng như sàng lọc và sẵn sàng chuẩn bị về y tế.

Nhà khoa học Shengjie Lai cũng thuộc Đại học Southampton cho biết các nhà nghiên cứu đang theo dõi chặt chẽ dịch bệnh để đưa ra phân tích cập nhật hơn về nguy cơ lây lan.

Theo Minh Luyến – Nguyễn Hằng / Báo Tin Tức