NSƯT Chiều Xuân tái hiện hình ảnh áo dài cách đây hơn nửa thế kỷ

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, hàng trăm trào lưu thời trang có thể đến rồi đi. Song lịch sử áo dài Việt Nam sẽ không bao giờ lãng quên Trần Lệ Xuân – người phụ nữ tiên phong trong việc cách tân và tạo nên cuộc cách mạng cho áo dài truyền thống.

Giữ trọn nguồn cảm hứng ấy, tới hôm nay, chúng ta lại thêm một lần gặp gỡ tà áo trứ danh trong thần thái và khí chất của NSƯT Chiều Xuân qua BST áo dài mang tên ‘Vang bóng’ của NTK Kenny Thái.

This slideshow requires JavaScript.

Chợ phiên ngày giáp Tết

Trong tâm trí ngây thơ của con trẻ, chỉ cần nghĩ đến Tết, lòng đã thấy rộn ràng. Bước chân ra đến chợ, cái háo hức ấy lại mơn man, khiến đôi mắt trong ngần lấp lánh niềm vui.

Chợ Tết trong tôi là nỗi nhớ niềm thương với biết bao kỉ niệm êm đềm. Cứ năm ngày chợ họp một phiên, mỗi tháng đều đặn bốn, năm phiên. Chợ chỉ cách nhà một quãng ngắn, còn gần hơn đường đi tới lớp.

Bình thường, nếu phiên chợ rơi vào cuối tuần, tôi lại được theo bà ra ngắm hàng rau, hàng thịt. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ gần đến Tết, đứa nào cũng háo hức mong được bà, hay mẹ dắt ra chợ.

Qua rằm tháng chạp, khi trong nhà ngoài ngõ còn chưa chuẩn bị gì, thì Tết đã về đến chợ. Ngày bé, chợ phiên hôm rằm với tôi đã là chợ Tết. Từ sớm tinh mơ, đường đi chợ đã rộn rã tiếng nói cười, xen lẫn trong đó là tiếng lách cách của những vòng xe đạp đang quay rất mau. Dường như năm cùng tháng tận khiến người ta vội vã hơn.

Cho phien ngay giap Tet hinh anh 1 cho_que_ngay_tet.jpg
Chợ quê ngày Tết là nơi muôn hoa khoe sắc đón xuân. Ảnh: Toquoc.vn

Tối hôm trước, bà đã lẩm nhẩm xem phải mua những gì. Bao năm vẫn là từng ấy thứ quen thuộc làm nên bữa cơm tất niên ấm cúng. Nào miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô rồi hành, tỏi. Cũng không thể quên ống giang để chẻ lạt gói bánh chưng. Trong đêm khuya tịch mịch, tôi lắng nghe rồi thì thầm theo tiếng bà, đắn đo không biết ngày mai hai bà cháu có quên thứ gì không.

Ra đến chợ, bà liền tới hàng đồ khô để mua miến, măng, mộc nhĩ, cùng một ít nấm hương, những thứ ấy để được lâu, nên phải mua từ sớm. Những bó miến dong màu xám đục, óng ánh lên trong cái nắng hanh hao của tháng mười hai. Vừa nhìn thấy chúng, tôi đã thèm thuồng nghĩ đến bát miến nấu với lòng gà, đầy đủ mộc nhĩ, nấm hương, thêm vài cọng hành xanh xanh. Ôi chao, nó hài hòa, đẹp mắt, mà cũng thật ngon lành.

Mua miến xong, chắc chắn bà sẽ đi mua măng. Người bán măng là một bác tóc còn đen nhánh, trông chỉ hơn mẹ tôi vài tuổi, nhưng lưng đã hơi còng. Năm nào, đến mấy phiên chợ giáp Tết tôi mới được gặp bác. Ngày bé, tôi hỏi bà: Vì sao bác trẻ hơn bà mà lưng đã còng. Bà cười, nói bác người trên mạn ngược, gần Tết mới về đây buôn bán, vất vả nên già trước tuổi.

Cho phien ngay giap Tet hinh anh 2 la_dong.jpg
Lá dong, măng khô, miến hay bóng bì là những thứ đắt hàng ở chợ Tết. Ảnh: Nguoithanhoai.vn

Dù đã mua măng từ hôm rằm, nhưng đến hai mươi tám hay hai mươi chín Tết kiểu gì bà cũng ghé qua hàng măng của bác, xem bác bán hết hàng chưa. Nếu còn nhiều, bà lại thương, mua đỡ cho một ít. Vì ra giêng, gặp hôm nắng to, đem măng ra phơi lại, thì vẫn để dành được lâu. Lúc nào bà cũng tấm tắc khen măng của bác ngon. Mười miếng măng lưỡi lợn đều tăm tắp, ít xơ già, nấu rất dôi.

Hôm qua, lúc hai bà cháu đã buông màn, bà vẫn nhắc đi, nhắc lại chuyện phải mua hành về muối. Ngày Tết làm sao thiếu được đĩa dưa hành. Những bó hành xanh mỡ màng, phô ra phần cọng trắng ngần, óng ả được bày bán ở khắp các hàng rau. Các bà, các cô lựa hành đông vui như hội. Tôi nhanh nhảu chọn những bó có củ to, mập mạp, mang ra cho bà, chắc mẩm sẽ được khen.

Ai ngờ, nhìn đứa cháu gái hí hửng cầm bó hành xanh mượt chạy lại, bà tôi chỉ lắc đầu cười. Chọn hành để muối chua, phải chọn củ bánh tẻ, không được to quá, cũng đừng nhỏ quá, sàn sàn như nhau. Củ to thì đẹp mã, nhưng muối lâu ngấu, ra Giêng mới được ăn thì chết. Mớ hành muối dưa ngày Tết phải nguyên vẹn, không được dập nát, hay xây xát gì thì khi muối mới ngon.

Đi chợ cả buổi, thế mà bà vẫn chưa dẫn tôi vào hàng quần áo. Nhìn gương mặt phụng phịu, biếng cười của đứa cháu gái nhỏ, bà hiểu ngay. Dù là ngày thường hay khi Tết đến, mấy gian hàng bán quần áo vẫn là nơi tôi thích nhất ở chợ. Xanh xanh, đỏ đỏ, áo bông và áo len, đôi ba bộ váy sặc sỡ hay mấy cái quần mới vẫn còn nguyên nếp là, đều khiến tôi mê mẩn.

Cho phien ngay giap Tet hinh anh 3 tre_con_khoe_ao_moi.jpg
Đến chợ Tết, con trẻ tìm niềm vui trong tà áo mới. Ảnh: Ecopark.com.vn

Bà bảo tôi thử áo, rồi lựa xem cái nào vừa với đứa em tôi, để bà mua luôn cho nó. Mấy hôm trước con bé bị ốm, giờ vẫn còn nằm bẹp trên giường. Từ đầu tháng, nghe người lớn nhắc đến Tết, nó đã đòi đi chợ cùng bà. Ở nhà, chắc cô nàng đang ngóng hai bà cháu tôi ghê lắm. Thảo nào, thỉnh thoảng tôi với bà lại hắt hơi.

Tôi chọn cho mình một chiếc áo len hồng thắm như hoa đào, còn chiếc áo vàng rực rỡ tựa nhành mai là quà của cô em gái. Bà lấy xấp tiền lẻ ra đếm, còn thiếu mất mười nghìn mới đủ tiền mua hai cái áo. Thấy ánh mắt tha thiết, như thể đang dán chặt vào từng sợi len của tôi, cô bán hàng cười xòa, đồng ý bán rẻ cho hai bà cháu. Chẳng mấy khi ra chợ, hết nhẵn cả tiền mà bà vẫn vui đến thế.

Trên đường về, hai bà cháu ríu ran trò chuyện, xem về đến nhà, nên làm việc gì trước. Nắng cuối đông rất vàng. Gió lướt qua làm đỏ đôi má hây hây. Nắng thế này mà phơi hành thì giòn phải biết. Ý nghĩ ấy, nhen lên trong lòng một niềm vui nho nhỏ, khiến bàn chân bớt mỏi để bước thật mau.

Tuổi thơ tôi, Tết đến từ phiên chợ ngày rằm tháng chạp. Tết đủ đầy từ đôi bàn tay của bà, của mẹ. Có chăm chút và nâng niu, những ngày đầu năm mới trở nên trọn vẹn hơn. Trái tim ta thấy thật sung túc bởi bao yêu thương ngọt lành!

Zing

‘Jojo Rabbit’ – sự thơ ngây tồn tại giữa lòng Thế chiến II

Mở đầu một cách có phần chới với, bộ phim “Jojo Rabbit” dần dần dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trước khi đưa ra thông điệp phản chiến đầy tinh tế.

Thể loại: Hài, tâm lý
Đạo diễn: Taika Waititi
Diễn viên: Roman Griffin Davis, Scarlett Johansson, Taika Waititi, Sam Rockwell, Archie Yates, Rebel Wilson, Thomasin McKenzie
Zing.vn đánh giá: 8/10

‘Jojo Rabbit’ - su tho ngay ton tai giua long The chien II hinh anh 1 JOJO_DIGITAL_CAST_Dots_1334x2000_Poster_FIN.jpg
Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Taika Waititi. Phim có tên ở hạng mục Phim truyện xuất sắc của Oscar 2020.

Cuối Thế chiến II, nước Đức dần trở nên kiệt quệ vì phải căng mình trên cả hai mặt trận phía đông và phía tây. Do đó, những thành phố nhỏ của Đức tuy chưa bị bom đạn tàn phá, nhưng cũng dần cảm nhận được cái kết đang cận kề thông qua sự vắng mặt ngày một dài hơn và nhiều hơn của đàn ông Đức đang phải bán mạng nơi chiến trường theo tiếng gọi cùng mệnh lệnh của Quốc trưởng Adolf Hitler.

Cha của cậu nhóc 10 tuổi Johannes “Jojo” Betzler (Roman Griffin Davis) là một người như thế. Anh phải bỏ lại con trai và người vợ xinh đẹp Rosie Betzler (Scarlett Johansson) để chiến đấu tận Italy xa xôi mà không biết ngày nào mới quay trở lại.

Thiếu vắng hơi ấm của cả người cha đi xa lẫn người mẹ quá bận bịu vì công việc thời chiến, lại vừa mất đi người chị gái Inge vì căn bệnh cúm quái ác, Jojo chỉ còn biết tìm kiếm niềm vui với “lý tưởng” yêu thích của cậu. Đó là toàn bộ những gì dính dáng đến Đảng Quốc xã và lãnh tụ “kiêm” người bạn tưởng tượng của cậu – Adolf Hitler (Taika Waititi).

Mang mộng trở thành “người lính” ưu tú của quân đội Đức Quốc xã trong đầu, Jojo và cậu bạn ục ịch “thân thứ nhì chỉ sau Hitler” Yorki (Archie Yates) gia nhập trại hè Thiếu niên Quốc xã do viên Đại uý “độc nhãn” Klenzendorf (Sam Rockwell) chỉ huy.

Dưới sự “dìu dắt” của Klenzendorf và những huấn luyện viên mẫn cán như “chị” Rahm (Rebel Wilson), Jojo chợt nhận ra rằng mình chỉ là cậu nhóc thỏ đế, ghét bạo lực, không dám thẳng tay chém giết theo lệnh cấp trên.

Nhưng với sự động viên của người bạn tưởng tượng Adolf Hitler và “tình yêu” bất tận với Chủ nghĩa Quốc xã, Jojo “Thỏ đế” quyết tâm chứng tỏ bản thân vẫn là thỏ, nhưng là chú thỏ dũng cảm bằng việc… giật lấy trái lựu đạn huấn luyện của Đại uý Klenzendorf để nếm thử cảm giác nơi sa trường.

‘Jojo Rabbit’ - su tho ngay ton tai giua long The chien II hinh anh 2 014.jpg
Cậu bé “thỏ đế” Jojo thông thường chỉ biết tâm sự với người bạn tưởng tượng chính là Quốc trưởng Adolf Hitler.

Tiếc là anh hùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy một trái lựu đạn nổ tung ngay dưới chân Jojo và biến cậu bé thành chú thỏ thương binh khập khiễng, biến dạng mặt, phải ru rú ở nhà trong lúc chúng bạn như Yorki có cơ hội “cống hiến” cho tổ quốc.

Nhưng chính trong chuỗi ngày buồn chán ấy, Jojo mới có cơ hội phát hiện ra rằng đang trú ẩn trong căn phòng cũ của người chị đã mất Inge là cô gái người Do Thái có tên Elsa Korr (Thomasin McKenzie).

Phải xa bố và mất đi người chị thân yêu, nhưng tính ra Jojo vẫn còn hạnh phúc chán nếu so với Elsa – cô gái mới lớn nhưng đã mất đi tất cả người thân bởi cơn cuồng nộ của chiến dịch diệt chủng người Do Thái do chính những “thần tượng” của cậu trong Đảng Quốc xã tiến hành.

Ngay cả khi thoát được những chuyến tàu chết chóc đưa người Do Thái đến các trại tập trung và được Rosie đồng ý che chở trong căn hộ rộng lớn của nhà Betzler, Elsa vẫn phải ngày đêm sống trong nỗi lo sợ bị những gã mật vụ Gestapo như Đại uý Deertz (Stephen Merchant) phát hiện và treo cổ giữa quảng trường như vô số nạn nhân vô tội khác của chủ nghĩa Quốc xã.

Bởi thế, cuộc đời thật trớ trêu khi để Jojo phát hiện ra Elsa. Rõ ràng “lòng trung thành” với Hitler và những ngày tháng đắm mình trong luận điệu tuyên truyền bài Do Thái của Đức Quốc xã là động lực rất lớn để cậu bé khập khiễng lập tức “chỉ điểm” cô gái cho mật vụ Gestapo.

Nhưng ở thái cực ngược lại, nỗi cô đơn cùng cực của một cậu bé lớn lên giữa chiến tranh tàn khốc, cùng sự hồn nhiên và tò mò của con trẻ, đồng thời khiến Jojo nhận ra rằng chỉ có ở Elsa, cậu mới có thể tìm thấy một tình bạn, một người đồng hành hiếm hoi.

Thử thách cực lớn dành cho Taika Waititi

Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên trị phim hài người New Zealand Taika Waititi. Với công chúng quốc tế, có lẽ anh được biết tới nhiều nhất qua tác phẩm được đánh giá cao thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel là Thor: Ragnarok (2017).

Song, trước khi những hình ảnh sống động, rực rỡ và phong cách tươi vui của Thor: Ragnarok chinh phục khán giả toàn cầu, vị đạo diễn 44 tuổi có cha là người gốc thổ dân Māori thực ra đã gây dựng cho bản thân phong cách đặc trưng qua những bộ phim đầy ắp chi tiết hài hước ngây thơ con trẻ, nhưng cũng lại ẩn chứa nhiều thông điệp xã hội tế nhị, như What We Do in the Shadows (2014) hay Hunt for the Wilderpeople (2016).

Tuy nhiên, nếu so với những tác phẩm hài trước đây, chắc chắn Jojo Rabbit là thử thách lớn đối với Taika Waititi. Bởi bộ phim mới động tới đề tài rất dễ để chỉ trích, nhưng lại cực khó để khắc hoạ một cách hài hước: nạn diệt chủng người Do Thái từ góc nhìn của những người sống dưới chế độ Quốc xã.

‘Jojo Rabbit’ - su tho ngay ton tai giua long The chien II hinh anh 3 015.jpg
Lựa chọn của Taika Waititi gây nhiều tò mò khi ông khai thác chuyện diệt chủng dưới góc nhìn trẻ thơ và đầy hài hước.

Có ông ngoại là người Nga gốc Do Thái, hẳn Taika Waititi từ lâu đã muốn thực hiện một tác phẩm về nỗi đau nhức nhối suốt gần một thế kỷ qua của người Do Thái theo cái cách Steven Spielberg từng đem tới cho công chúng qua Schindler’s List (1993), hay Roman Polanski qua The Pianist (2002), cho người yêu điện ảnh.

Nhưng hiếm có đạo diễn người Do Thái nào lại chọn cách khắc hoạ bị kịch lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại một cách hài hước châm biếm, qua góc nhìn của một cậu bé sống theo “lý tưởng” phe ác, như Taika Waititi với Jojo Rabbit.

Quả thực, phần đầu của Jojo Rabbit tuy rất hài hước, nhưng vẫn tạo ra chút gợn trong lòng khán giả. Bởi người xem được chọc cười bởi những hành động, câu thoại, tình huống đầy châm biếm đến từ Jojo “Thỏ đế” và nhóm người xung quanh cậu như Hitler, như Klenzendorf, như Rahm, nhưng đồng thời phải đối mặt với vô số luận điệu, tư tưởng độc hại, đen tối của chủ nghĩa Quốc xã vốn đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người trên khắp châu Âu và ngay trong lòng nước Đức.

Sự tương phản giữa chiến tranh và con trẻ

Sự tương phản quá lớn giữa những tiếng cười của một bộ phim hài và bản chất tàn nhẫn vô nhân tính của một chế độ không ai có thể biện hộ có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy phần nào đó mất phương hướng khi theo dõi phần đầu Jojo Rabbit.

Người xem không hiểu chuyện phim sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào, hay đơn giản là họ nên dành tình cảm cho ai, bởi ngay chính cậu bé Jojo “Thỏ đế” lại chính là “cái loa” to nhất của những lập luận lố bịch đến từ chủ nghĩa Quốc xã.

Nhưng việc Taika Waititi đặt chính bản thân vào thế khó với cách lựa chọn đề tài và phần mở đầu gây chới với của Jojo Rabbit hoá ra lại là cơ hội để khán giả một lần nữa hiểu thêm về tài năng thực sự của vị đạo diễn người New Zealand.

‘Jojo Rabbit’ - su tho ngay ton tai giua long The chien II hinh anh 4 008.jpg
Bộ phim nhấn mạnh vào nét tương phản giữa sự vô nhân tính của chiến tranh và sự thơ ngây của trẻ con.

Bởi càng xem, khán giả càng nhận ra rằng Jojo Rabbit không chỉ là một tác phẩm hài thông thường, mà còn là một bộ phim được thực hiện bởi một nghệ sĩ có trái tim lớn để nói lên câu chuyện về số phận những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa sự tàn khốc của Thế chiến II.

Đây thực ra không hẳn là một đề tài mới, bởi điện ảnh thế giới từng chứng kiến rất nhiều tác phẩm xuất sắc khắc hoạ hình ảnh những đứa trẻ phải vật lộn tìm đường tồn tại giữa bom đạn cuộc chiến và sự tàn bạo của các bên tham chiến, như Idi i smotri (1985) của đạo diễn Liên Xô Elem Klimov, Au revoir les enfants (1987) của Louis Malle, Grave of Fireflies (1988) của Isao Takahata, Pan’s Labyrinth (2006) của Guillermo del Toro, hay gần đây là In This Corner of the World (2016) của Sunao Katabuchi.

Một điểm chung của nhóm tác phẩm hết sức cảm động này là việc các đạo diễn thường nhấn mạnh vào nét tương phản giữa một bên là sự vô nhân tính của chiến tranh, một bên là sự ngây thơ con trẻ và tình yêu thương vô bờ bến mà các em dành cho những người xung quanh, kể cả ở bờ vực giữa sự sống và cái chết.

Jojo Rabbit cũng là một tác phẩm như thế, bởi Waititi đã đem tới cho người xem những phút giây cảm động khi được chứng kiến sự trân quý mà Jojo “Thỏ đế” dành cho cậu bạn Yorki, dành cho Elsa, và đặc biệt là tình cảm của cậu đối với người mẹ Rosie xinh đẹp.

Trong một năm có tới hai vai diễn “người mẹ” xuất sắc (cùng với vai Nicole Barber trong Marriage Story), Scarlett Johansson tuy không có quá nhiều đất diễn ở Jojo Rabbit, nhưng cô vẫn khiến khán giả chẳng thể quên được sự ăn ý giữa bản thân với bạn diễn nhí Roman Griffin Davis.

Trong một bộ phim có rất nhiều tiếng cười, rất nhiều cảnh quay ấn tượng, có lẽ đáng nhớ nhất lại là cái nhìn đầy yêu thương mà Rosie dành cho Jojo, hay cái cách cô cẩn thận buộc dây giày cho cậu nhóc hậu đậu. Một chi tiết thú vị mà hẳn nhiều khán giả cũng sẽ nhận ra là việc Taika Waititi lựa chọn Scarlett Johansson – một nữ diễn viên gốc Do Thái – để vào vai một phụ nữ Đức “thứ thiệt”, sống giữa lòng nước Đức đang ở đỉnh điểm của chủ nghĩa bài Do Thái.

Tiếng nói phản chiến tinh tế

Sau phần mở đầu với nhiều dấu hỏi, Jojo Rabbit hẳn sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy hài lòng bởi rất nhiều tiếng cười và tình cảm mà Taika Waititi đem tới cho khán giả nhờ một kịch bản nhẹ nhàng nhưng không kém phần kịch tính, và diễn xuất ăn ý của Johansson, Griffin Davis, McKenzie – cô bé thủ vai Elsa.

Nhưng phần kết bùng nổ của bộ phim sẽ còn khiến người xem không chỉ hài lòng, mà còn thấy ngạc nhiên trước cách Waititi đột ngột thay đổi nhịp độ để đem tới một góc nhìn rất khác về bóng ma chiến tranh vốn từ đầu phim mới chỉ lẩn khuất đâu đây phía sau cuộc sống tưởng chừng thanh bình hết mực của một thành phố Đức nơi hậu phương.

‘Jojo Rabbit’ - su tho ngay ton tai giua long The chien II hinh anh 5 012.jpg
Ý đồ thực sự của Taika Waititi chỉ thực sự bộc lộ hết ở khoảng 1/3 cuối phim.

Nhưng chiến tranh là thế. Sự huỷ diệt của chiến tranh ập tới vào chính những lúc không ai có thể ngờ tới để cuốn phăng đi mọi thứ, từ nhà cửa, tài sản, cho tới sinh mạng của người dân vô tội.

Để bi kịch của chiến tranh không lặp lại, chỉ có một cách duy nhất là nhân loại hãy yêu thương, trân trọng, và mở lòng cho nhau theo cái cách Jojo “Thỏ đế” đã mở lòng với mọi người xung quanh cậu, kể cả với người mà cậu được dạy là “kẻ thù” như Elsa.

Có lẽ đó là một thông điệp mà Taika Waititi muốn đem tới cho khán giả. Muốn gìn giữ cuộc sống thanh bình cho những đứa trẻ như Jojo, như Yorki, như Elsa, mỗi người cần luôn giữ trong mình chút gì đó hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ, như chính cái cách Waititi đã thực hiện Jojo Rabbit – một tác phẩm về diệt chủng, về chiến tranh, nhưng vẫn tràn đầy sự yêu thương và trí tưởng tượng của trẻ con.

Việt Phương / Zing

Đồng Tâm: “Tiếp tục bị bao vây, cô lập và lùng sục”

Ông Lê Đình Kìnhhình ảnhOTHER
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc ‘tập kích, bố ráp’ hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm

Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiếp tục đang sống trong không khí ‘căng thẳng bao trùm’, ‘hoang mang’, với việc tiếp tục diễn ra ‘bao vây, cô lập’ địa bàn này, bên cạnh các vụ ‘lùng sục’, ‘triệu tập’ người dân ‘có đe dọa’ diễn ra, một số nhà hoạt động và quan sát từ Việt Nam dẫn lời người dân nói với BBC hôm thứ Bảy.

“Chưa rõ có bắt thêm không, nhưng triệu tập và lùng sục chắc chắn là có… Có triệu tập và đe doa, người dân nói vậy,” nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói với BBC News Tiếng Việt hôm 18/01/2020.

“Tin này nhận được sáng nay, người dân không nói gì về Tết nhất cả, không khí khủng bố bao trùm, người dân bị triệu tập, đe dọa.

“An ninh bố trí khắp xã, ngồi kín các ngã tư, các quán xá, không rõ họ thuộc bộ phận nào, họ mặc thường phục.

“Người dân không dám nói công khai họ đã bị đe dọa cụ thể ra sao vì sợ bị truy ra danh tính, sợ bị lộ.

“Điện thoại và mạng internet đã được cấp lại,” nhà hoạt động này cho biết thêm.

Trước đó, hôm 17/01, từ Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động xã hội khác trong phong trào ‘dân oan và khiếu kiện đất đai’, nói với BBC:

“Công an vẫn đang truy bức rất là gắt gao, nhiều người lại bị bắt tiếp nữa, chứ không phải chỉ là giới hạn số người bắt như hôm đầu (09/01) đâu. Họ vẫn truy bức đến mức hầu như không thể liên lạc với ai ở Đồng Tâm.

“Người dân nói là cảnh sát cơ động vẫn phong tỏa các chốt ở ngoài làng và cho đi tìm, lùng sục từng nhà để tìm những người được cho là lãnh đạo người dân Đồng Tâm để bắt, chủ yếu là bắt những người trong tổ Đồng Thuận.

“Chiến dịch bổ sung diễn ra ngay sau khi trả xác cho cụ Kình xong thì bắt đầu là họ đưa quân vào làng để bắt, mấy hôm nay họ đi truy bức, hiện tại không thể thống kê là có bao nhiêu người bị bắt, chính người dân làng ở đấy cũng không thể thống kê là những ai bị bắt.

“Một số người đã phải rời bỏ địa phương, nên họ cũng không biết có những ai đi rời khỏi địa phương, hay là có những ai đã bị bắt rồi. Tình hình hiện tại thì người dân Đồng Tâm đang rất là hoang mang.

“Thực sự là họ đang phải đối mặt với một sự đàn áp bạo lực đến từ phía nhà cầm quyền Hà Nội, cho nên sự hoang mang và sự lo lắng cao độ đang khiến cho người dân Đồng Tâm đang rất là mệt mỏi và thiếu niềm tin vào công lý…

“Công an liên tục triệu tập người dân lên đồn, người dân cho biết là công an đang sử dụng những biện pháp đó là đe dọa, và mục tiêu trong việc đe dọa đó là không được nhận tiền, rồi không được liên lạc với bên ngoài.

“Điện thoại thì bị phá sóng, những nhà có sử dụng mạng wifi sau hôm 09/01 thì vẫn có thể vào mạng được, cho đến tận bây giờ vẫn có thể vào mạng và nghe điện thoại bình thường, thế nhưng mà sự theo dõi và giám sát của an ninh, mật vụ ở mức độ rất là gắt gao…”

BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện kiểm chứng được hết các thông tin và phản ánh trên và đang tiếp tục cố gắng tìm hiểu thêm các thông tin, diễn biến có liên quan.

Mất đất sẽ vô vọng?

Đồng Tâm
hình ảnhOTHER
Cảnh sát cơ động và các lực lượng vũ trang được cho là có những thời điểm hiện diện đông đảo ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Hôm thứ Sáu, 17/01, một nhà hoạt động xã hội khác, kỹ sư Lã Việt Dũng đưa ra đánh giá với BBC về tình hình tương lai gần và tới đây với người dân Đồng Tâm và xã này:

“Thứ nhất, khi họ đàn áp như vậy, thì đất của người Đồng Tâm họ đã cưỡng chế được hết rồi.

“Và tôi cho rằng sắp tới có thể rất nhanh thôi, họ sẽ xây kín lại vùng đất đó, kể cả vùng 59 ha mà người dân Đồng Tâm đang đấu tranh để đòi.

“Thứ hai là chính quyền sẽ tiếp tục khởi tố vụ án và họ sẽ gây sức ép rất lớn đến gia đình nhà ông Lê Đình Kình, để tìm mọi cách khuất phục từ vợ cụ Kình, tới những người con, người cháu, để họ dập tắt được hoàn toàn ngọn lửa đấu tranh của Đồng Tâm…

“Về người Đồng Tâm, thực sự là sẽ rất khó nói, khi mà đã mất đất họ sẽ trở nên rất là đáng thương. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân oan thời gian gần đây.

“Khi mà họ còn có đất đai, họ còn có tài sản, thì họ còn làm ra được hoa màu, còn có thu nhập để họ tiếp tục đấu tranh.

“Còn khi mà họ đã mất tất cả rồi, thì cuộc khiếu kiện của họ sẽ gần như là vô vọng, bởi vì là họ không còn tài sản nữa, họ phải lang thang, phải trông đợi vào sự giúp đỡ của cộng đồng để họ đấu tranh.

“Và thực sự mà nói là khi đã mất đất rồi, thì khiếu kiện ở Việt Nam gần như chưa có một vụ nào thành công.

“Tôi nghĩ rằng, về mặt người Đồng Tâm, không biết rằng họ có tiếp tục cuộc đấu tranh theo kiểu gọi là pháp lý với chính quyền nữa hay không, cái đó cũng phụ thuộc vào họ thôi.”

‘Tội phạm’ hay ‘anh hùng’?

Một lễ tưởng niệm ông Lê Đình Kình ảnhOTHER
Một lễ tưởng niệm ông Lê Đình Kình tại Paris, Pháp, tháng 01/2020

Truyền thông Việt Nam các tuần đầu tiên của năm 2020 được cho là đã bị phủ bóng đen bởi tác động và hệ quả được cảm nhận trên dư luận của xã hội và cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước sau vụ bố ráp, tập kích bất ngờ trong đêm tối, rạng sáng ngày 09/1 vào xã Đồng Tâm.

Báo chí và truyền thông nhà nước dẫn các nguồn của giới chức chính quyền và Bộ Công an đưa tin cho hay một trong những người bị thiệt mạng trong vụ tập kích, ông Lê Đình Kình, cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã Đồng Tâm, đã bị ‘tiêu diệt’ trong lúc trên tay có ‘cầm lựu đạn’ và vẫn ‘nắm lựu đạn trong tay’ khi đã bị hạ sát.

Truyền thông nhà nước cũng dẫn nguồn từ Bộ Công an cho rằng những người chống đối chính quyền ở Đồng Tâm trong vụ việc đã ‘nhận tiền và chịu sự chỉ đạo’ của một số tổ chức bị nhà nước và chính quyền cáo buộc là ‘phản động, khủng bố’.

Cá nhân ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, khi thiệt mạng, với nhiều dấu vết trên cơ thể dường như gợi ý rằng ông đã bị hạ sát bằng một mức độ và lực lượng sử dụng vũ lực rất cao, được cho là người lãnh đạo nhóm ‘chống đối’ này mà nhiều người sau vụ bố ráp đã bị bắt và khởi tố bị can như những tội phạm vi phạm luật hình sự của nhà nước.

Bình luận về ông Lê Đình Kình, một số nhà hoạt động trong dịp này, sau cái chết của ông, nêu quan điểm:

“Phía nhà nước coi ông Lê Đình Kình là một tội phạm, truyền thông của nhà nước thay mặt Tòa Án kết tội ông Lê Đình Kình,” nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói với BBC từ Hà Nội.

“Tuy nhiên trong lòng nhân dân, thì người dân lại coi ông Lê Đình Kình là một tấm gương sáng.

“Ông Lê Đình Kình là một người nông dân anh hùng đã dám đứng lên để chống lại lực lượng quan chức tham nhũng.”

Từ Hà Nội, hôm 17/01, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự nêu quan điểm với BBC:

“Về quan điểm cá nhân của tôi, ông Lê Đình Kình có thể được coi là một anh hùng dân tộc, dĩ nhiên trong giai đoạn hiện nay, những công việc mà ông Kình đã làm để bảo vệ nhân dân, nhưng mà nó lại đối nghịch với lợi ích của nhà nước.

“Cho nên chính vì sự đối nghịch của ông Lê Đình Kình đối với quan điểm của nhà nước như vậy, nên sẽ không có một hệ thống truyền thông chính thống nào dám vinh danh hay là dám công nhận khí tiết anh hùng, cũng như là những việc làm của ông Kình.

“Tuy vậy thì hơn 90 triệu dân, thì cũng có rất nhiều người, tôi nói không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người, khi sự việc chấn động xảy ra, thì họ đã có một sự chú tâm theo dõi.

“Và họ đánh giá rất là cao việc mà ông Kình đã xả thân để vì việc chung của làng, của xóm, của thôn và cũng là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân Việt Nam nói chung.

“Sau này lịch sử sẽ soi xét lại sự việc này và tôi tin là hình ảnh của ông Lê Đình Kình sẽ là một điểm sáng chói trong việc hy sinh thân mình để bảo vệ lợi ích của người dân.”

‘Điều tra tư pháp độc lập?’

Ông Lê Đình Cônghình ảnhOTHER/VTV1
Ông Lê Đình Công, con trai của ông Lê Đình Kình, một trong hàng chục người bị bắt hôm 09/01/2020, ‘nhận tội’ trên truyền hình của nhà nước VTV

Hôm 15/01, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, nghiên cứu viên cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore), chia sẻ góc nhìn với BBC về hậu vụ việc 09/1 ở Đồng Tâm:

“Hiến pháp Việt Nam và các bộ luật nói riêng ở Việt Nam quy định rất rõ là khi xử lý các sự việc, các sự khác biệt, hoặc các tranh chấp, kể cả xung đột về lợi ích, thì nhất nhất phải đi theo nguyên tắc ôn hòa, phi bạo lực.

“Thế nhưng ngược lại, ở đâu cũng thế thôi, người ta có những nguyên tắc khác và pháp luật quy định rất rõ rằng là một khi đã xảy ra bạo lực từ một phía, thì để chống lại bạo lực ấy, một phía khác có thể sử dụng bạo lực.

“Một khi xảy ra bạo lực rồi thì sau khi chấm dứt chuyện đó, sau khi chuyện ấy đã xảy ra, đã hoàn thành, thì các cơ quan tư pháp phải tìm hiểu rõ rằng là cái đó nó có hợp pháp không?

“Và nếu mà không hợp pháp, thì nó phạm pháp ở điểm nào? Và việc điều tra như thế phải là điều tra tư pháp độc lập…

“Còn ở Việt Nam, người ta cũng mong là phải có chuyện này, người ta phải có tư pháp độc lập và nó là nhằm vào việc không phải là để bảo vệ pháp luật, mà nó nhằm vào việc tìm ra sự thật và bảo vệ công lý.

“Ở quốc tế, ở bên ngoài và ở đâu cũng thế thôi, nhìn thấy một chuyện mà xảy ra chết chóc, người ta đều rất là ngại. Ví dụ như ở một nước A, nước B, bỗng nhiên có người xả súng vào trường học, hay là xả súng vào đám đông chẳng hạn, người ta sẽ rất là ngại và người ta phải tìm hiểu đến cùng bản chất.

“Thì cùng một thái độ như thế, đối với trường hợp của vụ Đồng Tâm này, không những là người ở trong nước, mà đặc biệt là người ở trong nước, cũng như là người ở bên ngoài, người ta đều có một nguyện vọng.

“Và thực chất nguyện vọng ấy đối với người trong nước là một yêu cầu chính đáng nhất, là phải điều tra để làm rõ bản chất, sự kiện của vụ việc này, đấy là cái nguyện vọng cao nhất của người Việt Nam ở trong nước.

“Còn ở bên ngoài người ta có nguyện vọng y hệt, ở Việt Nam nguyện vọng ấy là một yêu cầu, chứ không phải là một cái gì khác cả.”

‘Cái chết rất thương tâm’

TS. Phạm Thị Loanhình ảnhOTHER
Mô hình giải quyết xung đột về đất đai hiện nay ở Việt Nam như trong vụ Đồng Tâm là ‘không ổn’, theo cựu Đại biểu Quốc hội, TS. Phạm Thị Loan

Cũng hôm 15/01, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, khóa 12, đại diện cho Hà Nội, Tiến sỹ Phạm Thị Loan bày tỏ quan điểm với BBC về vụ Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kình, bà nói:

“Đi sâu vào chi tiết thì tôi không đi vào, nhưng nếu nó ôn hòa hơn thì sẽ tốt cho cả hai bên, còn tất nhiên là người ta (người dân) bị đặt vào tình huống, có thể người ta bức bách, đường cùng, người ta phải đưa cả thân mạng để người ta đánh đổi, thì cách đấy cũng là một cách quá giới hạn.”

“Cách đấy là một cách quá giới hạn cho cả hai phía.

“Nếu mà nó ôn hòa hơn, hoặc là cách đối đáp nhẹ nhàng hơn, hoặc là cũng kiên quyết, nhưng mà phải có một cách gì đấy đỡ gây ra chuyện hai bên đối xử với nhau như vậy.

“Cái chết của ông Lê Đình Kình, theo như trên mạng xã hội đưa tin, thì rất là thương tâm, môt cụ già 84 tuổi mà rơi vào thảm cảnh như thế, thực sự tôi thấy rất là thương tâm, tôi cũng đã xem video mà người ta đưa trên mạng, tôi không thể tưởng tượng được nó lại xảy ra như vây.

“Và việc mà bây giờ hai bên nói, thì cái đó thực ra là một người dân, tôi cũng phải lắng nghe, nhưng mà tôi chưa thực sự tin bên nào cả, tôi chưa thực sự tin hoàn toàn, bởi vì những thông tin đưa ra còn rất là mập mờ.

“Còn đối với phía người dân, thì bây giờ người ta đang rơi vào một cảnh ngộ như vậy, kể cả những lời người ta thú nhận hay những lời người ta giải bày, thì cái thực sự là ở chỗ nào, cái mấu chốt, bản chất ở đâu, cái đấy còn phải có rất nhiều điểm cần phải soi sáng.

“Còn nếu cứ theo như truyền thông đưa ra mà để nói rằng hiện nay dân thú nhận như thế này, rồi tất cả đổ hết cho ông Kình thì tôi không tâm phục, khẩu phục.

“Còn những cái mà thông tin đưa ra chính thống, tôi cũng không tâm phục, khẩu phục. Đấy là ý kiến riêng của tôi như vậy.”

‘Diễn ra suốt nhiều năm’

Ông Lê Đình Kìnhhình ảnhOTHER
Ông Lê Đình Kình, cựu bí thư xã Đồng Tâm, cựu chiến binh, đảng viên đảng Cộng sản với 60 năm tuổi đảng, người thiệt mạng trong biến cố hôm 09/01/2020 ở xã này, bị nhà nước coi là đối tượng ‘chống đối chính sách của đảng và nhà nước’

Sự việc tranh chấp và khiếu kiện đất đai của người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội diễn ra trong suốt nhiều năm.

Sự việc có những diễn biến thăng trầm qua thời gian, trong đó nóng lên vào tháng Tư năm 2017, với biến cố ở Thôn Hoành khi người dân để đánh đổi lại việc ông Lê Đình Kình và một số người khác bị bắt, ông Kình cáo buộc bị ‘đánh gẫy chân’, đã bắt giữ làm con tin hàng chục cán bộ, chiến sỹ cảnh sát của chính quyền xâm nhập địa bàn.

Chính quyền sau đó có sự nhượng bộ, với cảm kết của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trước sự chứng kiến của Đại biểu Quốc hội, cũng như luật sư, hai bên trao trả nhau những người bị bắt, bị giữ.

Diễn biến ngày 09/01/2020 xảy ra đột ngột, gây tranh cãi, làm xôn xao dư luận và cho rằng đây có thể là một vụ việc sử dụng bạo lực vượt quá giới hạn từ cả hai phía.

Đồng Tâmhình ảnhOTHER/BỘ CÔNG AN WEBSITE
Một thông cáo hôm 17/01/2020 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an Việt Nam liên quan vụ Đồng Tâm

Trong khi nhà nước và chính quyền, thông qua truyền thông, báo chí chính thống, cáo buộc những người chống đối đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ, chống đói chính sách của đảng và nhà nước, nhận tiền, hỗ trợ và sự chỉ đạo của các tổ chức, cá nhân phản động, khủng bố hải ngoại, nhiều ý kiến trong công luận cho rằng cần xem xét lại cách thức hành xử của chính quyền, công an, việc ra quyết định từ phía hành pháp trong vụ này.

Trong số các ý kiến, đã có đề nghị Quốc hội Việt Nam mở điều tra độc lập, cũng như Việt Nam cần tiến hành điều tra tư pháp độc lập về vụ việc.

Trên bình diện quốc tế, dân biểu và nhiều tổ chức quốc tế, nước ngoài, kể cả phi chính phủ từ châu Âu, Úc châu và một số quốc gia phương Tây đã lên tiếng quan ngại hoặc phản đối, lên án vụ bố ráp và tấn công với hàng ngàn binh sỹ cảnh sát và các lực lượng vũ trang tham gia hôm 09/01.

Về phía chính quyền và ngành Công An, đã có các thông báo khởi tố vụ án, khởi tố bị can với những người được cho là thuộc thành phần chống chính quyền, chống đối, hàng chục người đã bị bắt, sau khi bốn người trong đó ngoài ông Lê Đình Kình, ba cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đã thiệt mạng, vụ việc đang được nhà chức trách tiếp tục ‘điều tra, xử lý nghiêm’ theo ‘pháp luật Việt Nam’, truyền thông, báo chí nhà nước cho hay.

BBC

Đồng Tâm: Thêm video ông Lê Đình Kình khi có kêu gọi tẩy chay Vietcombank

BBC
18.1.2020

Video mà BBC News Tiếng Việt mới nhận được cho thấy thi thể của ông Lê Đình Kình có nhiều thương tích giữa lúc cộng đồng mạng lại dậy sóng vụ Vietcombank phong tỏa tài khoản tiền phúng viếng ông.

Video này hiện cũng đang lan truyền trên mạng xã hội. Trong video, có thể thấy ngoài vết mổ kéo dài từ cổ xuống bụng và vết thủng ở ngực vị trí tim, trên người ông Kình còn có các vết thương và vết bầm khác.

Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, thiệt mạng trong vụ cảnh sát đưa người vào thôn Hoành, Đồng Tâm rạng sáng 9/1.

Hiện chính quyền Việt Nam chưa làm rõ ông Kình thiệt mạng tại nhà hay ở đâu, và vì sao phải mang xác ông đi, nhưng xác nhận việc trả thi thể ông cho người nhà là con gái, chị Lê Thị Nhung, tại UBND xã Đồng Tâm, chiều 10/1.

Đây là video mới nhất được cộng đồng mạng tung ra sau video đầu tiên cho thấy rõ lỗ thủng, mà một số người cho có thể là vết đạn bắn, trên ngực ông Kình, kèm vết mổ dài đã được khâu.

Theo tìm hiểu của BBC, từ khoá “Lê Đình Kình” xuất hiện cao đột biến trên GoogleTrends ở VN từ 10/1 và tiếp tục cao trong các từ khoá tìm kiếm ở nước này cho đến 18/1.

Các video mới xuất hiện hôm 18/1 này được cho là quay lại cảnh thi thể ông Kình sau khi được công an trả về gia đình sau một ngày rưỡi mang đi, kể từ vụ đụng độ chết người xảy ra rạng sáng 9/1.

Trong video, có thể thấy trên khắp cơ thể ông Lê Đình Kình đều có những vết thương tích lớn.

Những bức ảnh được công bố trên mạng xã hội: 

Hiện trường đầy máu, và các tủ, hòm bị cạy tung.
Nhiều vết đạn bắn vào cửa lớn.

Đi kèm với video là các bức ảnh được cho là chụp tại nhà ông Lê Đình Kình. Trong ảnh, tường, trần và cửa nhà đầy vết thủng lỗ chỗ. Trong một bức ảnh, có thể thấy giường, màn, chăn tung tóe. Tủ và rương gỗ cạnh giường bị mở tung. Sàn nhà loang vết máu.

Video và các hình ảnh này xuất hiện trong bối cảnh cộng đồng mạng đang lên tiếng tẩy chay Ngân hàng Vietcombank đã ‘đóng băng tài khoản’ của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, với lý do mà Bộ Công an Việt Nam nói là ‘chuyển tiền khủng bố’.

Cộng đồng mạng đòi tẩy chay Vietcombank

Dư luận dường như còn chưa nguôi ngoai sau vụ công an đưa người vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm rạng sáng 9/1, gây ra đụng độ và làm chết 4 người, thì một làn sóng giận giữ mới lại bùng lên.

Ngay sau thông tin tài khoản tiền phúng viếng ông Kình tại Vietcombank với số tiền hơn nửa tỷ đồng, do nhiều người dân khắp cả nước gửi cho bà Nguyễn Thúy Hạnh bị phong tỏa, nhiều người cho hay trên Facebook họ đã đi rút tiền, khóa tài khoản.

Một số người đăng kèm ảnh dẫn chứng là thẻ ATM bị cắt hoặc bẻ gập.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng tuyên bố trên Facebook cá nhân rằng sẽ khởi kiện Bộ Công an về việc này. Bà cho hay đang làm việc với một số luật sư.
.

Nhiều người dùng mạng xã hội cho hay đã rút tiền, hủy tài khoản ở Vietcombank, 
đồng thời kêu gọi tảy chay ngân hàng này .
 
Cuối ngày 17/1, ngay sau khi mạng xã hội bùng lên thông tin tài khoản tiền phúng viếng cụ Kình bị phong tỏa, Bộ Công an chính thức thông báo xác nhận việc này.

Bộ Công an cho hay trong vụ án ‘Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.”

Do đó, ‘Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan”, gồm tài khoản ở VCB của bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an được báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh dẫn lời nói rằng quyết định phong tỏa tài khoản nói trên là vì có “dấu hiệu khủng bố”.

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp “rung chuyển” chính trường Nga: TT Putin đích thân giải thích, trấn an người dân

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp "rung chuyển" chính trường Nga: TT Putin đích thân giải thích, trấn an người dân

Trong buổi họp với nhóm công tác sửa đổi Hiến pháp Nga hôm 16/1 vừa qua, Tổng thống Putin đã đích thân giải thích nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về những đề xuất của mình.

Việc gia tăng quyền lực cho Quốc hội không ảnh hưởng tới nền cộng hòa Tổng thống ở Nga, và cũng không thay đổi những điều cốt lõi của Hiến pháp Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 16/1 vừa qua khẳng định trong buổi họp với nhóm công tác sửa đổi Hiến pháp Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Cụ thể, ông Putin cho biết: “Những đề xuất vừa được tôi nêu ra [trong Thông điệp Liên bang ngày 15/1] không ảnh hưởng tới nền tảng cơ bản của Hiến pháp, và ý nghĩa của việc sửa đổi này là để đảm bảo nước Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò là nhà nước pháp quyền, xã hội; nâng cao hiệu quả của các thể chế chính trị, tăng cường vai trò của xã hội dân sự, các đảng phái chính trị, và của các khu vực trong quá trình phát triển đất nước”.

Giải thích về đề xuất trao thêm quyền lực cho Quốc hội, ông Putin cho biết điều này sẽ giúp nước Nga “trở nên cởi mở hơn”, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa chính phủ và Quốc hội trong quá trình soạn thảo, ban hành và thực thi chính sách – trong khi vẫn giữ bản chất là một nước cộng hòa Tổng thống:

“Mọi người hãy tưởng tượng điều này: Thủ tướng được bổ nhiệm, và Tổng thống không có quyền bác bỏ lựa chọn [của Quốc hội]. Sau đó, Thủ tướng sẽ làm việc và gửi đề xuất trực tiếp tới Quốc hội, không phải tới Tổng thống. Quốc hội cũng sẽ thông qua các vị trí trong nội các và Tổng thống không có quyền bác bỏ quyết định ấy.

Điều này rất có ý nghĩa. Khi Quốc hội có nhiều quyền lực hơn, thì họ cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn – không chỉ đối với các Bộ trưởng và Phó Chủ tịch [nội các] do họ lựa chọn, mà còn đối với các công việc và nhiệm vụ của họ.

[…] Tôi tin rằng đa số những người có mặt ở đây và người dân Nga cũng sẽ đồng ý với điều này: nước Nga nên tiếp tục duy trì nền cộng hòa Tổng thống, và Tổng thống nên nắm giữ quyền lực quan trọng, cho phép người đó có thể cách chức những người vi phạm pháp luật, những người không trung thực trong công việc…”

Theo nhà lãnh đạo Nga, việc nước Nga chuyển hoàn toàn sang nền cộng hòa nghị viện sẽ rất phức tạp khi lãnh thổ Nga rộng lớn như vậy. “Do đó, việc kết hợp linh hoạt hai hình thức này – gia tăng quyền lực cho quốc hội và duy trì vai trò của nguyên thủ quốc gia – sẽ là lựa chọn hợp lý hơn”.

Chính trường Nga thay đổi “chóng mặt” chỉ trong vòng 2 ngàySau khi Tổng thống Putin kết thúc bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 15/1, (cựu) Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn thể nội các chính phủ Nga đã đệ đơn xin từ chức, và nhận được sự chấp thuận của Tổng thống.

Trong khi các quan chức của nội các cũ vẫn tạm thời giữ chức, thì ông Medvedev đã được Tổng thống Putin bổ nhiệm vào chức vụ mới: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Và chỉ vài giờ sau đó, ông Putin đã công bố danh tính nhân vật sẽ thay thế cho ông Medvedev: đó là ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế Liên bang Nga.

Những diễn biến sau đó cũng diễn ra nhanh chóng. Ngày 16/1, phiên bỏ phiếu phê chuẩn ứng cử viên do ông Putin đề cử đã được tổ chức tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga). Toàn bộ 383 nghị sĩ có mặt đều bỏ phiếu thuận, và nước Nga đã chính thức có Thủ tướng mới sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mishustin vào vị trí này.

Nhiều chuyên gia, đặc biệt là truyền thông phương Tây cho rằng động thái này cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho kế hoạch “nắm quyền trọn đời” sau khi rời chiếc ghế Tổng thống vào năm 2024 theo quy định của Hiến pháp Nga. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng những diễn biến ngay lúc này vẫn chưa đủ để đánh giá về kịch bản tương lai.

Theo Hồng Anh / Trí thức trẻ