Hai giếng trời và bảy bồn cây xanh giúp chủ nhân ở trong nhà vẫn có cảm giác như giữa công viên.
Ngôi nhà diện tích 4,5 x 16 m, hướng tây, nằm tại khu đô thị mới ở phía tây thành phố Hải Dương. Đây là tổ ấm của một cặp vợ chồng đều là nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi và một cậu con trai 9 tuổi.
Xây nhà vào năm 2018, họ mong muốn có một không gian sống thoải mái, tiện nghi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, và đặc biệt là họ có thể ở trong nhà liền vài ngày mà không chán.
Khi nghĩ về ý tưởng cho ngôi nhà, kiến trúc sư Lê Quang Vinh (V+Studio) tình cờ nghe được câu hát “xin được ngủ dưới vòm cây” trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn. Anh quyết định thiết kế một ngôi nhà xây lệch tầng với 7 bồn cây xanh rải rác các tầng để gia chủ có thể ở trong nhà mà vẫn được tận hưởng thiên nhiên.
Nhà nằm trong khu đô thị loại vừa, không có bảo vệ, nên gạch hoa gió được sử dụng ở mặt tiền vừa để tránh nắng Tây, vừa đảm bảo an toàn mà vẫn đem lại tính thẩm mỹ.
Phòng khách ở tầng một, đặt ngay dưới giếng trời, nhờ bồn cây xanh phía trên che bớt nắng, nên ngồi ở đây giữa trưa hè vẫn mát mẻ. Đây chính là không gian yêu thích nhất của gia đình cũng như nhóm thiết kế.
Mái giếng sử dụng kính trong giúp ánh sáng lan tỏa. Ngày nắng, nắng xuyên qua từng kẽ lá và in bóng trên tường, trên ghế… Ngày mưa, trong nhà vẫn khô ráo. Cả gia đình có thể quây quần ở đây, vừa nghe tiếng mưa rơi, vừa trò chuyện cùng nhau.
Để không lãng phí không gian nơi cầu thang và tăng tính thẩm mỹ, kệ ti vi được đặt ngay ở gầm cầu thang. Nhờ thế, diện tích bếp và chỗ để xe – hai khu vực liên thông phòng khách cũng trở nên thoáng rộng hơn.
Cuối nhà là một giếng trời nhỏ, làm nơi đối lưu không khí. Cây xanh xuất hiện ở đây vừa mang bóng mát, vừa hút mùi, giúp chủ nhà cảm thấy thoải mái dễ chịu khi nấu nướng cũng như ăn uống.
Cây xanh cạnh phòng ngủ chính ở tầng hai vừa tạo cảnh quan đẹp cho bên ngoài phòng ngủ, vừa che bóng mát tạo khoảng xanh cho phòng khách bên dưới.
Nhờ mặt tiền gạch thông gió, hai giếng trời giữa và cuối nhà, các phòng trong nhà đều nhận được ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng.
Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã ra một câu đố: “Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?”
Khi đó, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất.
Mẹ lắc đầu: “Không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ. Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con”.
Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi.
Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: “Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vì vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì”.
Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời: “Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ”.
Đến năm bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào. Tôi đạp xe thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi.
Tôi thấy bố gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi.
Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: “Con đã tìm ra câu trả lời chưa?”
Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi.
Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án: “Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là bờ vai”.
Tôi hỏi lại: “Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?”
Mẹ lắc đầu: “Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một bờ vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một bờ vai cho con có thể ngả đầu vào”.
Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là “phần ích kỷ”, mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác…
Chuyện kể về một cậu bé con một gia đình nghèo khó. Một hôm cha cậu đưa cho cậu chiếc áo cũ trong nhà rồi nói: “Con đem bán cái áo này rồi mua cho mẹ ít thuốc và chút gì đó bỏ bụng nhé”.
“Có kẻ ngốc mới mua chiếc áo này”, cậu bé trả lời. Nhưng, thấy mẹ đang nằm bệt giường mà nhà chẳng còn gì ăn, cậu bé không nói gì thêm nữa. Gặp ánh mắt khích lệ của bố, cậu quyết mang áo đi bán dù trong lòng biết chắc sẽ chẳng ai mua.
Cậu bé đem chiếc áo đi giặt rất cẩn thận, cậu dùng bản chải để giặt áo. Vì không có bàn là để là áo, cậu để chiếc áo lên một miếng gỗ phẳng trong bóng râm phơi khô. Chiều muộn hôm đó, cậu bé đem chiếc áo đến một ga tàu đông người qua lại. May cho cậu, một người đàn ông trung niên trong lúc vội vàng ra ga đã xui xẻo vấp ngã vào vũng nước đen kịt, chiếc áo trắng mới tinh trở nên nhem nhuốc đầy bùn đất.
Người đàn ông không đủ thời gian để lục tìm áo thay trong đống hành lý đã gói ghém kỹ càng nên khi thấy cậu bé tội nghiệp đang rao bán áo thì mua luôn, thay vội cái áo đang mặc trên người. Người đàn ông nọ trả cho cậu bé 5 đô la thay vì 2 đô la như giá cậu bé bán vì biết cậu đang cần tiền mua thuốc cho mẹ. Ông ấy đem cho cậu bé chiếc áo bẩn của mình và nói cậu giặt đi, bán chắc cũng được giá cao hơn chiếc áo này.
Cậu vội vàng cầm số tiền bán được chạy một mạch ra hiệu thuốc, hiệu bánh mua về cho mẹ. Cậu cũng kể với cha chuyện hôm nay gặp với nụ cười nở trên môi. Cha cậu bảo cậu giặt chiếc áo kia đi, mai đem bán chắc được giá hơn. Nhà hiện không còn tiền, bữa nay có ăn, mai vẫn chưa biết ăn gì.
“Con có thể bán chiếc áo này với 20 đô la không? Chiếc áo này đẹp gấp vạn lần áo hôm qua thì chắc cũng được giá…”, bố nói.
“Làm sao có thể được cơ chứ? Hôm qua chỉ là may mắn thôi…”, cậu bé nghĩ thế nhưng không thốt lên thành tiếng. Cậu hiểu rằng, bữa ăn của gia đình đang trông chờ vào cái áo này.
(Ảnh minh họa/Internet)
Cuối cùng cậu bé nghĩ ra một cách, anh họ cậu là một người rất đam mê hội hoạ, đã tự học vẽ rất đẹp. Cậu nhờ anh họ vẽ cho cậu một con chim đại bàng và một chú chuột nhắt đáng yêu lên chiếc áo. Sau rồi cậu chọn một ngôi trường học, nơi có nhiều thiếu gia con nhà giàu theo học ở đó, cậu đứng ở cổng trường chào mời người mua. Vừa mới chào mời một lúc liền có một nhóm học sinh con nhà giàu lại xem. Cậu bé bảo 20 đô la, cậu thiếu gia nọ chốt mua. Thiếu gia khác bảo trả hơn 5 đô để được sở hữu. Tranh cãi một hồi, các thiếu gia quyết định là cái áo đó sẽ thuộc về ai trả được giá cao nhất. Cuối cùng, người ta mua chiếc áo đó cho cậu bé nghèo với giá 50 đô la. Đây là một số tiền khá lớn đối với gia đình cậu.
Cậu bé hứng khởi đem tiền về nhà cho cha.
Cậu bé muốn thử bán tiếp, cảm thấy mình làm được việc có ích cho gia đình. Cậu hỏi cha còn áo cũ nào nữa thì cậu mang đi bán tiếp.
Cha cậu đưa cho cậu chiếc áo cũ trong góc tủ. Lúc này, cậu bé không hề do dự như trước nữa, cậu đón nhận chiếc áo bằng cả hai tay mình, bắt đầu suy nghĩ…
Hai tuần sau, cuối cùng thì cơ hội cũng đã đến. Hôm đó, nữ diễn viên chính của bộ phim đang nổi tiếng được nhiều người mến mộ đến thăm khu phố nghèo của cậu bé, có lẽ là để quay phần tiếp theo của bộ phim. Sau khi buổi họp với ký giả kết thúc, cậu bé mạnh dạn chen lên phía trước, chạy đến bên cạnh nữ diễn viên chính, đưa chiếc áo ra rồi xin cô ký tên lên đó. Cô diễn viên ngẩn người ra một lúc nhưng rồi vẫn vui vẻ tươi cười ký lên chiếc áo, không ai có thể nỡ từ chối một cậu bé dễ thương với ánh mắt hồn nhiên trong sáng như vậy.
Sau khi ký xong, cậu bé hỏi: “Cháu có thể bán chiếc áo này được không ạ?”
“Đương nhiên là có thể được rồi, đây là áo của cháu, cháu có thể bán nó nếu cháu muốn, đây là quyền tự do của cháu.”
Cậu bé liền đứng trên bục hô to: “Đây là chiếc áo do chính nữ diễn viên xinh đẹp ký tên, giá nó là 200 đô la”.
Sau một lúc đấu giá, cuối cùng chiếc áo đã bán được với số tiền không tưởng, 1.200 đô la.
Về đến nhà, cha cậu bé cảm động, ôm cậu vào lòng, hôn lên trán cậu: “Con thật sự rất giỏi, con đã làm nên được điều kỳ diệu cho gia đình mình”.
Bài học:
Miễn là chúng ta động não, mọi chuyện đều có cách. “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Một chiếc áo cũ cũng có cách để làm tăng giá trị của nó, chúng ta cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có cách để làm tăng giá trị của bản thân mình.
“‘Ma đờ đê?’ Cái gì ghê vậy? Tui chưa nghe qua,” dì Chín cười hiền hòa nói. “Mình cứ ăn hiền, ở lành thì không sợ ma quỷ gì hết. Thiệt mà.”
Năm nay, dì Chín được 80 tuổi. Dì có dáng người nhỏ thó như trái chuối khô, với khuôn mặt hiền hòa như cánh đồng xanh xanh ngát màu mạ non.
Quanh năm, dì đẩy cái xe đi chợ cọt kẹt quanh khu đền Đức Thánh Trần trên phố Bolsa, bán dạo. Khi thì dì bán vài nải chuối xứ, khi thì dì có mấy trái xoài. Hôm nay dì bán mít “đặc biệt.”
Dì nói: “Mít ‘đặc biệt’ đó cậu, thơm mà còn ngọt nữa, tui không nói gian đâu.”
Dáo dác nhìn quanh, không thấy ai để ý, dì dừng chân rồi cầm miếng mít bọc ny lon lên khoe.
“’Đặc biệt’ đó. Nè, coi đi. Lẹ lẹ nha. Tui không dám đứng một chỗ lâu đâu, người ta phạt tui thì khổ lắm. Ông quản lý khu này là người rất tốt nhưng luật không cho ai được đứng một chỗ bán hàng,” dì giải thích.
Dì Chín mỏi chân vì vậy, Dì phải đẩy xe đi vòng quanh cả ngày. Dừng lại là vi phạm luật khu phố.
Dì tròn xoe mắt lắng nghe giải thích về ngày Mother’s Day theo phong tục Mỹ rồi bật cười vỡ lẽ: “Sao họ không kêu là lễ Vu Lan cho dễ hiểu. Mà Vu Lan gì sớm vậy? Tới rằm Tháng Bảy lận mà.”
Khi nghe nói Chủ Nhật, 13 Tháng Năm, là ngày mọi bà mẹ trên đất Mỹ được con cái mời đi ăn uống hoặc tặng quà một cách long trọng, dì lặng lẽ lắc đầu rồi thố lộ: “Có chuyện đó sao? Sao họ tốt với mẹ vậy? Tôi chưa kể làm gì ‘mất phước’ nhưng nào giờ tui không có phước đó.”
Dì Chín hỏi: “Ma đờ đê,’ con cái lo cho mẹ thiệt sao?” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Dì Chín có hai người con, một trai, một gái. “Thằng con trai tui đi làm tối ngày, làm gì có thì giờ mà ra quán ăn uống. Con gái tui, hồi nhỏ bị ban khỉ nên bây giờ không được ‘bình tĩnh’ như người ta. Mình lo cho nó không hết, lấy đâu mà trông nó mời mình đi ăn với mua quà. Mà tui không mong chuyện này đâu. Mẹ thì lo cho con chứ ai mà đòi hỏi con mình làm chi. Ăn uống, quà cáp tốn tiền con mình, tội nó,” dì vừa lắc đầu, vừa nói.
Rồi như lạc vào một thế giới riêng biệt, dì thở khẽ, mắt dõi nhìn xa xăm rồi thao thao nói: “Thằng trai tui, đứa lớn, rất biết lo cho tui, nhưng nó bận lắm, đi làm biền biệt từ sớm tới khuya, trưa cũng không về ăn, tội lắm. Đói bụng mà nó vẫn làm việc được! Vậy mà nó không hề than thở tiếng nào.”
Rồi con gái dì thì sao?
“Con gái tui, thương lắm. ‘Nhà nước’ lo cho nó rồi, nhưng đâu có được như mình lo cho con mình. Mà nói cho ngay, bữa nào đắt hàng, tui về sớm thì mới có giờ lau mình cho nó mát mẻ. Có bữa về trễ, mệt quá mà nó ngủ rồi thì thôi,” dì nói.
Dì Chín ra bán từ 9 giờ sáng cho tới khi hết hàng. “Sáng nào tui cũng ghé quán cô Thanh Mai vái ông Địa xin cho đắt hàng rồi mới bắt đầu đẩy xe đi,” dì nói về “thủ tục” thường nhật của mình.
“Cô Thanh Mai người thiệt đẹp mà lòng cô cũng đẹp lắm. Cô cho tui phở hoặc mấy món khác hoài mà tui không dám ăn. Ăn của cô, cô lỗ vốn sao.”
Rồi dì thân mật kể: “Có bữa cô dám cho tui tiền nữa. Không mua gì của tui mà còn cho tui tiền nữa. Người đâu sao tốt dữ vậy. Tui không dám nhận, nhưng bữa nào ế quá thì tui lấy luôn. Bán nguyên ngày, rục hai cái chân mà về không có gì trong túi thì buồn lắm.”
Tiền bán được, dì làm gì?
Dì nhoẻn miệng, nở nụ cười thật tươi: “Thằng trai tui, nó không cần tiền tui. Còn con gái, nó cũng không xin gì của tui đâu. Nhưng có vài đồng trong túi thì mình mua cho nó cái bánh, cái kẹo, nó vui. Tội nó, không ‘bình tĩnh’ như người ta nên lớn rồi mà chưa có chồng. Tội ghê. Tuổi nó, tui có chồng rồi. Chồng tui cũng tốt lắm, mà trời bắt đi sớm…”
Sực nhớ câu chuyện dang dở, dì Chín quay lại: “Có dư tiền trong túi, tui vui trong bụng lắm. Tuổi tui, ít khi thấy vui như hồi trước. Có tiền, mình cho người nghèo khổ ở Việt Nam, họ có cơm ăn, mình vui. Bên đây, nhiều người đổ cơm, đổ đồ ăn đi đó cậu. Chính mắt tui thấy đó. Phí chưa? Thôi tui đi bán cậu ơi.”
Dì đội nón lá sờn rách lên rồi đẩy cái xe có hai miếng mít “đặc biệt” đi. Được vài bước, dì quay đầu lại thắc mắc: “’Ma gì đê,’ ngày gì lạ quá, con cái lo cho mẹ thiệt sao? Tui không tin đâu. Mà ra quán làm chi cho tốn kém?”
Dì thở dài sượt rồi quên mình vừa nói rồi: “Con gái tui, nó bị ban khỉ, không được ‘bình tĩnh’ như người ta, tội lắm cậu ơi. Thôi tui đi nghen, kẻo họ phạt tui.”
Dì Chín lom khom đẩy cái xe cọt kẹt bước đi. Ở tuổi 80, dì vẫn không tin được có một ngày đặc biệt, những người mẹ được con cái đối xử ân cần, chu đáo như hoàng hậu.
Không biết đến bao giờ dì mới tin có một ngày dành cho các bà mẹ?