Căn hộ rộng 580 m2 nằm trên tầng 87 của một trong những tòa nhà đắt nhất khu Manhattan. Từ đây có thể ngắm toàn thành phố New York.
Căn hộ nằm trên tầng 87 của tòa nhà cao 90 tầng, có tên gọi One57, một trong số những tòa nhà chọc trời sang trọng ở khu vực Manhattan. One57 đã giữ kỷ lục về ngôi nhà đắt nhất từng được bán tại thành phố New York khi người sáng lập Dell Technologies Michael Dell mua căn penthouse 100 triệu đôla vào năm 2018. Đến tháng 1/2019, kỷ lục này mới bị phá bỏ.
Để lên căn hộ này, bạn phải đi qua một thang máy có chìa khóa riêng. Từ thang máy, bạn bước ra một hành lang với những giếng trời phía trên, trước khi bước vào căn hộ.
Sảnh vào căn hộ. Với giá bán 58,5 triệu đôla (khoảng 1.350 tỷ đồng), đây hiện là căn hộ đắt nhất và cao nhất trong tòa nhà One57 đang được rao bán, theo đại lý niêm yết Kyle Blackmon.
Khu vực sinh hoạt chung rộng lớn có cửa sổ lắp kính cường lực cao từ trần đến sàn, nằm ở phía bắc căn hộ, đối diện công viên Trung tâm (Central Park) nổi tiếng ở New York.
Căn phòng đủ rộng (có chiều dài 17 m) để chia thành nhiều khu vực tiếp khách riêng biệt.
Phòng ăn chính nằm ở góc tây bắc căn hộ, có thể phục vụ 12 người.
Hành lang dài dẫn từ phòng sinh hoạt chung đến các phòng ngủ. Đây sẽ là nơi lý tưởng để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, nếu chủ nhân là một nhà sưu tầm.
Phòng ngủ chính nằm ở góc đông nam của căn hộ.
Các cửa sổ của phòng ngủ chính cũng bằng kính, cao từ sàn đến trần. Từ phòng ngủ chính có thể dễ dàng nhìn thấy tòa nhà Empire State cao 102 tầng, một trong những biểu tượng của thành phố New York.
Từ phòng ngủ chính có thể nhìn ra cả các hướng bắc, đông, nam. Đứng bên cửa sổ phía bắc của phòng ngủ chính, bạn sẽ có cảm giác như đang lơ lửng giữa Công viên Trung tâm.
Phòng ngủ chính cũng bao gồm một khu vực thay đồ, có bề ngang rộng gần 7 m.
Phòng tắm chính ốp sàn và tường bằng đá cẩm thạch của Italy. Ở đây còn có bàn trang điểm đôi và vòi hoa sen xông hơi.
Bồn tắm được điêu khắc từ một khối đá cẩm thạch duy nhất.
Ngoài phòng ngủ chính, căn hộ còn ba phòng ngủ nữa. Cả ba đều nằm ở phía tây, có tầm nhìn hướng ra sông Hudson.
Một trong những phòng ngủ có thể biến thành phòng làm việc hoặc văn phòng tại nhà.
Khu vực bếp hiện đại với máy làm lạnh rượu vang, tủ lạnh tích hợp, tủ bếp đa chức năng.
Trong phòng bếp còn có một không gian ăn uống nhỏ, thuận tiện khi gia chủ muốn bữa ăn diễn ra nhanh chóng, như bữa sáng hay khuya.
Chính phủ Trung quốc dự tính ra mắt Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (Social Credit System – SCS) vào năm 2020. Mục tiêu là để đánh giá mức độ tin cậy của 1,3 tỷ công dân thông qua việc đo lường các hành vi trên mạng Internet của họ.
Mức độ tin cậy được thể hiện qua Điểm Công dân. Điểm số này sẽ được sử dụng để xác định mỗi công dân có đủ tư cách để thế chấp vay tiền, xin việc làm, hay có thể xin học cho con ở nơi nào – hoặc thậm chí là cơ hội để hẹn hò…
Một hệ thống hoàn hảo để hướng đến xã hội thành thật?
Ngày 14/6/2014, Quốc hội Trung Quốc công bố một tài liệu gây chú ý có tên gọi: “Phác thảo kế hoạch xây dựng Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội”. Cũng giống như các tài liệu về chính sách của Trung Quốc, nó dài dòng và sơ sài nhưng chứa đựng một ý tưởng đáng sợ: một chỉ số tín nhiệm quốc gia xếp hạng bạn thuộc loại công dân nào?
Trong thế giới hiện nay, nhiều hoạt động hàng ngày của bạn được theo dõi và đánh giá liên tục: những thứ bạn mua sắm ở cửa hàng hay trên mạng; địa điểm những nơi bạn đang có mặt; ai là bạn của bạn và bạn tương tác với họ ra sao; bạn xem video hoặc chơi game bao nhiêu giờ; bạn thanh toán hóa đơn và thuế ra sao…
Thật không khó hình dung bởi hầu hết những điều này đang diễn ra nhờ các ông lớn trong lĩnh vực Internet như Google, Facebook, Instagram hay các ứng dụng giám sát sức khỏe như Fitbit. Nhưng hãy hình dung có một hệ thống nơi mà tất cả các hành vi này được đánh giá là tích cực hoặc tiêu cực và được đúc kết vào một chỉ số duy nhất, tuân theo các quy định của chính phủ. Nó chấm Điểm Công dân của bạn và cho mọi người biết bạn có “đáng tin cậy” hay không? Thêm nữa, xếp hạng của bạn sẽ được đánh giá công khai, xếp hạng và sử dụng để xác định khả năng tín nhiệm khi đi vay, khả năng làm việc, xin học cho con, hoặc thậm chí là hẹn hò…
Liệu điều này có phải là chuyện viễn tưởng? Không, nó đang được tiến hành ở Trung Quốc. Chính phủ nước này đang phát triển Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (Social Credit System – SCS) để đánh giá mức độ tin cậy của 1,3 tỷ công dân nước này.
Chính phủ Trung Quốc viện lý do rằng hệ thống là cách lý tưởng để đo lường và nâng cao sự tin tưởng trên toàn quốc và để xây dựng một nền văn hóa “thành thật”. Như tuyên truyền trong chính sách, “nó sẽ tạo ra một môi trường công luận, nơi mà việc giữ gìn lòng tin là vinh dự”. Nó sẽ tăng cường sự thành thật trong các vấn đề của chính phủ, sự thành thật trong thương mại, sự thành thật của xã hội và xây dựng sự tín nhiệm luật pháp.
Cho đến nay, người dân Trung Quốc có quyền quyết định có tự nguyện tham gia chương trình Điểm Công dân hay không. Tuy nhiên, vào năm 2020, việc tham gia sẽ là bắt buộc. Hành vi của mỗi một công dân và pháp nhân (bao gồm cả mỗi công ty và các tổ chức khác) tại Trung Quốc sẽ được đánh giá và xếp hạng, bất kể họ có thích hay không.
Mối “lương duyên” giữa chính sách và các nhà tư bản
Tất cả mọi hành vi mua sắm đều sẽ ảnh hưởng Điểm số tín nhiệm xã hội (ảnh qua followcn.com)
Trước khi triển khai chính thức vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cấp giấy phép cho 8 công ty tư nhân để xây dựng các hệ thống và thuật toán cho điểm tín nhiệm xã hội. Có thể dự đoán rằng ai trong các gã khồng lồ về dữ liệu ở Trung Quốc đang triển khai 2 trong số những dự án nổi tiếng nhất.
Thứ nhất là công ty China Rapid Finance, một đối tác của Tencent – nhà phát triển ứng dụng WeChat với hơn 850 triệu người dùng đang hoạt động.
Thứ hai là Sesame Credit, được điều hành bởi Ant Financial Services Group (AFSG), một công ty thành viên của Alibaba. AFSG hiện đang bán các sản phẩm bảo hiểm và cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngôi sao thực sự của AFSG là AliPay, hệ thống thanh toán trực tuyến mà người dùng không chỉ sử dụng để mua hàng trực tuyến mà còn thanh toán ở nhà hàng, taxi, học phí, vé xem phim và thậm chí là chuyển tiền cho nhau.
Sesame Credit cũng đã hợp tác với nền tảng tạo ra dữ liệu khác, như Didi Chuxing, công ty taxi công nghệ đã từng là đối thủ của Uber trước khi mua lại hoạt động của công ty Mỹ này tại Trung Quốc vào năm 2016 và Baihe, dịch vụ mai mối trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Không khó để thấy các kho dữ liệu khổng lồ mà Sesame Credit có thể truy cập để phân tích hành vi và đánh giá người dân Trung Quốc.
Vậy, người dân được đánh giá như thế nào?
Các cá nhân trên hệ thống Sesame Credit được đánh giá bằng điểm số dao động từ 350 đến 950. Alibaba không tiết lộ “thuật toán phức tạp” mà công ty này sử dụng để tính toán các con số nhưng họ tiết lộ 5 yếu tố được sử dụng:
Thứ nhất là lịch sử tín dụng. Ví dụ liệu công dân đó có trả tiền và hoặc hóa đơn điện thoại đúng thời hạn không? Tiếp theo là khả năng hoàn thành, được định nghĩa là “khả năng người dùng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình”. Yếu tố thứ 3 là đặc điểm cá nhân, xác minh các thông tin cá nhân như số điện thoại di động và địa chỉ. Yếu tố thứ thứ 4 là hành vi và sở thích, có nhiều điều phải bàn đến…
Dưới hệ thống này, những điều tưởng như vô hại như thói quen mua sắm trở thành thước đo của một cá nhân. Alibaba thừa nhận rằng họ đánh giá con người qua loại sản phẩm họ sử dụng. “Ví dụ: một người chơi game 10 giờ một ngày sẽ được coi là người nhàn rỗi”, theo Li Yingyun, giám đốc công nghệ của Sesame. “Ai đó thường xuyên mua tã sẽ có thể được coi là các cha mẹ, những người nhiều khả năng là có ý thức trách nhiệm sau khi cân nhắc các vấn đề.” Vì vậy, hệ thống không chỉ điều tra hành vi, nó còn hình dung về hành vi của người dùng. Nó lột tả các công dân thông qua các hành vi mua sắm và các hành vi mà chính phủ không thích.
Yếu tố thứ 5 là mối quan hệ giữa các cá nhân. Việc họ chọn bạn bè trên mạng ra sao và các tương tác của họ trên mạng thế nào sẽ ảnh hưởng đến Điểm Công dân. Sesame Credit đánh giá việc lên mạng “tích cực” theo tiêu chí sau: những tin nhắn nói tốt về chính phủ hoặc tin nhắn nói tốt về nền kinh tế của đất nước sẽ khiến điểm của bạn tăng lên.
Hiện tại, Alibaba khẳng định rằng bất cứ điều gì tiêu cực được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội đều không ảnh hưởng tới điểm số (nhưng chúng ta không biết điều này có chính xác hay không bởi vì thuật toán là bí mật). Nhưng bạn sẽ thấy nó hoạt động ra sao khi hệ thống tính điểm công dân của chính phủ chính thức hoạt động vào năm 2020.
Trong 8 công ty tư nhân đang thực hiện các hệ thống thử nghiệm, vẫn chưa rõ bên nào sẽ chịu trách nhiệm triển khai hệ thống chính thức cho chính phủ, nhưng khó mà tin rằng chính phủ sẽ không muốn trích xuất dữ liệu tối đa cho hệ thống SCS của họ. Nếu điều này xảy ra và tiếp tục như một quy tắc mới với hệ thống SCS của chính phủ, nó sẽ làm cho các nền tảng công nghệ tư nhân về bản chất hoạt động như cơ quan gián điệp cho chính phủ.
Việc đăng các ý kiến chính trị bất đồng quan điểm hoặc các đường link đề cập đến sự kiện Thiên An Môn chưa bao giờ được coi là khôn ngoan ở Trung Quốc, nhưng bây giờ, nó có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc xếp hạng công dân. Nhưng đây mới thực sự là vấn đề chính: điểm số của một người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì bạn bè trên mạng của họ nói và làm, ngoài mối liên hệ cá nhân giữa 2 người.
Vậy tại sao lại có hàng triệu người tham gia chạy thử một hệ thống giám sát công khai của chính phủ như vậy? Có lẽ là những lý do không thể nói ra: những người không xung phong đăng ký sợ bị trả thù. Nhưng cũng có sự cám dỗ, dưới hình thức khen thưởng và “các đặc quyền” cho những công dân chứng tỏ rằng mình “đáng tin cậy” trên Seame Credit.
Nếu điểm số của một người đạt 600, họ có thể vay một khoản lên tới 5.000 NDT (khoảng 17 triệu VNĐ) để mua sắm trực tuyến trên trang Alibaba. Đạt được 650 điểm, họ có thể thuê một chiếc xe mà không cần tiền đặt cọc. Họ cũng có quyền đăng ký nhanh tại các khách sạn và sử dụng chế độ làm thủ tục chuyến bay VIP tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Những người hơn 666 điểm có thể nhận được khoản vay tiền mặt lên đến 50.000 nhân dân tệ (170 triệu VNĐ) từ Ant Financial Services. Nếu có trên 700 điểm, họ có thể đăng ký đi Singapore mà không cần giấy tờ hỗ trợ. Nếu điểm số là 750, họ sẽ được thực hiện thủ tục nhanh khi xin cấp thị thực vào EU.
Điểm số cao trở thành một biểu tượng cho vị thế xã hội. Ví dụ, trên mạng xã hội Weibo có gần 100.000 người đang tự hào về điểm số của họ sau khi dịch vụ ra đời được 1 tháng. Điểm số của công dân thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng hẹn hò hoặc tìm kiếm bạn đời, vì điểm số Sesame cao sẽ giúp họ có hồ sơ cá nhân trên mạng hẹn hò Baihe nổi bật hơn.
Sesame Credit cũng cung cấp các gợi ý để giúp người dùng cải thiện xếp hạng của họ, bao gồm cảnh báo khi kết bạn với những người có điểm số thấp. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng của các “chuyên gia” chia sẻ thủ thuật giành điểm hay các nhà tư vấn về chiến lược cải thiện xếp hạng, hoặc thoát khỏi danh sách đen của mạng lưới.
Phương pháp giám sát được trò chơi hóa
Điểm số tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc (ảnh: Youtube)
Sesame Credit về cơ bản là một phiên bản trò chơi hóa khổng lồ của các phương pháp giám sát của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chế độ này ghi lưu hồ sơ đối với mỗi người, theo dõi những vi phạm về chính trị và riêng tư của mỗi cá nhân. Hệ thống giám sát sẽ theo dõi mỗi công dân suốt đời, từ trường học tới nghề nghiệp.
Người dân trước đây phải báo cáo về bạn bè, thậm chí là các thành viên trong gia đình, gây nghi ngờ và giảm niềm tin xã hội ở Trung Quốc. Điều tương tự sẽ xảy ra với các hồ sơ kỹ thuật số. Người dân sẽ có động lực để nói với bạn bè và gia đình họ, “đừng đăng bài đó, tôi không muốn làm bạn làm ảnh hưởng điểm số của bạn và tôi cũng không muốn bạn làm ảnh hưởng điểm số của tôi.”
Những người trả lời phỏng vấn của BBC năm 2015 về hệ thống Sesame Credit đều nói về ưu điểm của nó. Nhưng sau đó ai dám công khai chỉ trích hệ thống? Nếu làm vậy, điểm số của họ sẽ bị giảm ngay. Đáng kinh ngạc là, rất ít người hiểu rõ một điểm số xấu sẽ ảnh hưởng đến họ và người khác tới mức nào trong tương lai. Đáng ngại hơn cả là nhiều người không biết họ đang bị đánh giá và xếp hạng.
Còn hình phạt?
Điểm số tín nhiệm xã hội có thể làm cho một người trở thành công dân hạng 2 trong chính đất nước mình (ảnh: Shutterstock)
Hiện tại, Sesame Credit không trực tiếp phạt người vì “không đáng tin cậy” – bởi việc khen thưởng sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng Hu Tao, giám đốc của Sesame Credit, cảnh báo mọi người rằng hệ thống được thiết kế để “những người không đáng tin cậy không thể thuê xe, không thể vay tiền hoặc thậm chí không tìm được việc làm”.
Hu Tao còn tiết lộ rằng Sesame Credit đã tiếp cận Văn phòng Giáo dục của Trung Quốc, yêu cầu chia sẻ danh sách sinh viên gian lận trong các kỳ thi quốc gia, khiến cho họ phải trả giá trong tương lai.
Các hình phạt sẽ thay đổi đáng kể khi hệ thống chính phủ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Thực tế là, vào ngày 25/9/2016, Văn phòng Quốc vụ viện đã cập nhật chính sách của mình có tựa đề “Cơ chế cảnh báo và trừng phạt đối với người có độ tin cậy thấp”.
Ví dụ: những người xếp hạng thấp sẽ có tốc độ internet chậm hơn; bị hạn chế trong việc tiếp cận nhà hàng, câu lạc bộ đêm hoặc sân gôn; và quyền di chuyển ra nước ngoài một cách tự do. Công dân có điểm thấp sẽ không thể làm một số công việc nhất định như viên chức, báo chí và trong ngành pháp luật.
Điểm số sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm bảo hiểm hoặc đi vay và thậm chí cả các phúc lợi xã hội. Các công dân hạng thấp cũng sẽ bị hạn chế khi tự mình đăng ký học hoặc cho con cái học ở các trường tư thục cao cấp. Đó là thực tế công dân Trung Quốc sẽ phải đối mặt.
Những kết quả ban đầu
Hệ thống xác định mức độ tin cậy của Trung Quốc hiện tại vẫn là dịch vụ tự nguyện, nhưng nó đã có những hậu quả.
Vào tháng 2/2017, Toà án Nhân dân Tối cao của nước này tuyên bố rằng đã có 6,15 triệu công dân bị cấm tham gia các chuyến bay trong 4 năm qua vì những “hành động xấu” trên mạng xã hội. Lệnh cấm là một bước tiến tới lập danh sách đen trong Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (SCS).
Meng Xiang, người đứng đầu bộ phận hành pháp của Tòa án tối cao, nói: “Chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ… với hơn 44 cơ quan chính phủ để hạn chế những người ‘bị mất uy tín’ ở nhiều cấp độ.” Ngoài ra, có 1,65 triệu người bị liệt vào danh sách đen không thể đi tàu hỏa.
Tương lai?
Dường như chúng ta đang hướng đến một tương lai, nơi tất cả sẽ được định danh trực tuyến và bị khai thác dữ liệu? Xu hướng này chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta đang bước vào thời đại mà hành động của một cá nhân sẽ bị đánh giá theo các tiêu chuẩn mà họ không thể kiểm soát được và những phán xét không thể bị xóa bỏ.
Khi mà thuật toán đánh giá và xếp hạng khó có thể được coi là minh bạch và chính sách xếp hạng công dân chỉ là ý muốn chủ quan của chính phủ, rất khó có thể tin tưởng rằng SCS là phương án lý tưởng để đo lường và xây dựng một văn hóa thành thật ở Trung Quốc.
Sự an toàn của con gái luôn là điều mà bố mẹ quan tâm lo lắng nhất, nhưng làm cách nào để có thể trò chuyện, dạy dỗ con thì không phải ông bố bà mẹ nào cũng biết cách làm được.
Ở Mỹ có một người bố gặp phải tình huống là cô con gái đang tuổi vị thành niên cứ mặc quần ngắn đi học, anh đã dùng một “tuyệt chiêu” rất hay để dạy dỗ, khuyên ngăn con. Cô con gái lập tức bật cười khi nhìn thấy “chiêu” này của bố, cộng đồng mạng cũng khen ngợi người bố này quả thật là rất tuyệt vời, không phải ông bố nào cũng dám làm như thế.
Theo tờ USA Today, anh Jason Hilley (39 tuổi) sống ở Florida vì lo lắng con gái Kendall 14 tuổi của mình cứ mặc quần jean “siêu ngắn” đi học, nên đột nhiên anh nảy ra ý tưởng cắt ngắn một cái quần jean của mình rồi mặc vào, để lộ hai cái đùi đầy lông cho con gái xem.
Anh Jason bảo con gái “Hãy vứt cái quần ngắn của con đi, nếu không bố sẽ mặc như thế này để đưa con đến trường đấy nhé”, anh đã dùng cách hài hước để hỏi con gái “Thế nào, quần này có ngắn không con?”
Cô bé Kendall đã rất sửng sốt khi nhìn thấy bố mặc như vậy, sau đó cô bé cười không ngừng, rồi cô bé mặc chiếc quần ngắn của mình để so với bố xem quần ai ngắn hơn. Kendall nhìn cái quần của mình rồi nói “thật ra thì cũng không ngắn lắm”, nhưng bố Jason thì mạnh mẽ đáp “bố cũng nghĩ vậy” để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Đoạn clip được mẹ của Kendall đăng tải lên Facebook hiện đã có hơn 50 triệu lượt xem, hơn 920.000 lượt chia sẻ, và hơn 100.000 lượt bình luận. Các cư dân mạng sau khi xem xong đều tỏ ra rất thích thú với cách dạy con của bố Kendall.
“Haha, đây chính là cách dạy con hay nhất”, “Sau này con gái lớn rồi, tôi cũng có thể dùng chiêu này để không phải lo lắng nữa”, “Em có một người bố rất tuyệt, bố vô cùng yêu thương em đấy”, “Thật quá thú vị”…
Không lâu trước đây tại bang Utah (Mỹ) cũng có một người bố đã mặc chiếc quần siêu ngắn mà con gái cho là “rất ngầu” nhằm điều chỉnh lại quy tắc ăn mặc của cô con gái 19 tuổi của mình. Hành động này không chỉ giúp con gái hiểu được sự phản cảm, “khó coi” khi ăn mặc không phù hợp, ông bố hết lòng yêu con gái này còn vô tình trở nên nổi tiếng trên mạng.
Ban đầu cô con gái Millie dường như không để ý đến bố mình mặc gì, nhưng khi cùng gia đình đến sân đánh golf, cô bé đã tránh rất xa bố mình, cố gắng không có sự tiếp xúc nào với bố. Khi cả gia đình đến ăn bánh ngọt tại cửa hàng Arctic Circle, Millie nhất quyết ngồi lại bên trong xe, không muốn “trải qua bất cứ sự ngượng ngùng nào nữa”.
(Ảnh: Internet)
Cuối cùng, con gái Millie cũng đã hiểu được ý tốt của bố. Sau đó, Millie chia sẻ với phóng viên của tờ ABC News rằng: “Đây là bài học quan trọng nhất mà cháu được học, cháu đã biết bố yêu cháu đến nhường nào và thật sự quan tâm đến việc ăn mặc của cháu.”
Trên thực tế, việc ăn mặc ở nơi công cộng cũng cần phải có quy tắc. Trang phục để lộ quá nhiều sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy ngượng ngùng, phản cảm, tuy nhiên có rất nhiều các thanh thiếu niên lại không nghĩ vậy. Vào năm ngoái ở Mỹ có một cô gái bị bảo vệ chặn lại và bị “mời” ra khỏi cửa hàng khi đang đi mua sắm, lý do là cô này mặc trang phục không phù hợp với quy định của trung tâm thương mại.
Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam chính là cái tên vàng trong làng “lăng xê” những món ăn được người Pháp mang vào và biến nó thành nét độc đáo không nơi nào có.
Cũng giống bánh mì, cà phê thực chất có nguồn gốc từ Pháp. Thậm chí, có lẽ trước khi được người Pháp mang vào thì chúng ta còn chẳng biết nó là cái gì. Tuy nhiên, lại giống bánh mì, người Việt Nam lần nữa biến cà phê thành của riêng mình, tách khỏi cái bóng của phiên bản nước Pháp, trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất và có văn hoá cà phê đa dạng, sâu sắc và mang nhiều nét đặc trưng không lẫn vào đâu.
Hãy cùng chúng mình điểm lại một số những cột mốc trong lịch sử cà phê Việt Nam để thấy được hành trình biến thân từ của người Pháp thành “của mình” nhé!
1857 – Những cây cà phê đầu tiên được mang vào Việt Nam
Vào năm 1857, các mục sư truyền đạo Công Giáo đã mang những cây cà phê giống arabica đầu tiên vào Việt Nam. Đó chỉ là cây cà phê nhỏ xíu trong khu vườn nhỏ trước nhà thờ của những mục sư này, song chỉ mỗi nó cũng đủ làm nên một “đế chế” cà phê Việt những năm sau. Quá trình từ một cây non lên làm “đại thụ” là một quá trình dài, nhưng khi nhìn lại, chúng ta biết cây non này mang trong mình sứ mệnh lớn lao lắm đấy.
1888 – Đồn điền cà phê đầu tiên ra đời
Cây cà phê trên đồn điền Cressonnière – 1898.
Vào năm 1888, người Pháp cho xây dựng đồn điền cà phê đầu tiên ở Kẻ Sở (Hà Nam bây giờ), với giống cà phê được trồng là cà phê chè (hay còn gọi là cà phê arabica). Tuy nhiên, ngành cà phê ở thời kỳ này cũng chưa thực sự khởi sắc do tình hình đất nước lúc bấy giờ còn nhiều biến động.
1950 – Cà phê ở Sài Gòn có những biến tấu trở thành “kinh điển”
Từ những năm 1950 đến 1960, văn hoá cà phê bắt đầu phổ biến rộng khắp Sài Gòn, không chỉ tầng lớp trung lưu, thượng lưu mà cả người bình dân, người nghèo cũng có thói quen uống cà phê. Chính vì thế mà các quán nước bình dân của người Hoa liên tục mọc lên mà theo đó là sự ra đời của bạc sỉu – thức uống độc đáo và là phiên bản cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Nhiều người nhầm bạc sỉu với cà phê sữa đá, nhưng hai món thực ra lại có điểm khác nhau.
Bạc sỉu là rút gọn của “bạc tẩy sỉu phé”, nghĩa là nhiều sữa ít cà phê. Món này ra đời do ngày đó hiếm sữa tươi nên người ta dùng sữa đặc. Mà sữa đặc uống không thì gắt, nên họ nghĩ ra cách cho thêm ít cà phê. Hai tiếng bạc sỉu tuy có xuất phát từ ngôn ngữ Hoa nhưng vẫn được cả cộng đồng người Việt sử dụng cho đến tận bây giờ.
Mặt khác, món cà phê sữa đá Việt Nam cũng là một thức uống mang nét đặc trưng thời đại. Khác với cafe latte là loại cà phê với sữa bò tươi, cà phê sữa đá của Việt Nam dùng sữa đặc. Nói món này mang đặc trưng thời đại là do vào thời điểm này do tình hình đất nước chưa được ổn định nên sữa tươi khan hiếm và người ta dùng sữa đặc thay thế. Không ai ngờ sự thay thế vốn mang tính “chắp vá” này lại tạo ra một thức uống mang đặc trưng riêng. Đến hiện tại, cho dù đã dư thừa sữa tươi nhưng người Việt Nam vẫn thích uống cà phê cùng sữa đặc. Nhiều trang báo nước ngoài cũng thường gọi món này là “ca phe sua da” chứ không gọi là “milk coffee” hay “cafe latte” để phân biệt.
1975 – Hà Nội có cà phê trứng
Cà phê trứng, một trong những món nằm trong danh sách “must-try” (nhất-định-phải-thử) của bất kì du khách nào khi đặt chân đến Thủ Đô.
Không ai chắc chắn cà phê trứng được sinh ra từ bao giờ, tuy nhiên người ta biết rằng món ăn này xuất hiện vào khoảng thời gian những năm 1975. Trong năm này, văn hoá cà phê ở Việt Nam đã phát triển ở cả nước, nhiều người có thói quen uống cà phê như một phần của sinh hoạt ngày thường. Câu chuyện ra đời của cà phê trứng dường như cũng tương tự cà phê sữa: xuất hiện trong tình huống khan hiếm, vẫn do người Việt “bù qua đắp lại” mà thành. Năm 1975, kinh tế nước ta vẫn đang trong trạng thái chưa ổn định và còn gặp cấm vận về kinh tế. Vì vậy, đến cả sữa đặc cũng trở nên hiếm hơn. Vì lý do này, trứng được sử dụng để tiết kiệm lượng sữa đặc, từ đó sinh ra món cà phê trứng trứ danh độc nhất vô nhị trên thế giới.
2014 – Quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới
Thật khó tin khi mà vào năm 1990, Việt Nam chỉ mới sản xuất được khoảng 0,1% lượng cà phê trên thế giới để rồi hơn 20 năm sau, nó đã trở thành một trong những cái tên “khổng lồ” trong ngành xuất khẩu cà phê. Cụ thể, trang BBC đã có bình luận như sau: “Khi nói về cà phê bạn thường nghĩ về Brazil, Colombia hoặc có thể là Ethiopia. Tuy nhiên nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới là Việt Nam. Làm thế nào mà thị phần của đất nước này tăng vọt từ 0,1% lên 20% chỉ sau 30 năm?”
Năm 2016 – Top 10 những món cà phê tuyệt vời nhất thế giới
Vào năm 2016, trang truyền thông Traveller của Úc chuyên về chủ đề du lịch đã chọn ra 10 món cà phê tuyệt vời nhất trên thế giới. Không chỉ lọt top, cà phê sữa đá Việt Nam còn vươn lên hạng 2, đứng sau “ông hoàng” Espresso của nước Ý. Trang này tả cà phê Việt Nam là “có cách pha chế không giống bất cứ nơi nào trên thế giới”. Có thể nói, cà phê Việt Nam, cùng với phở, với bánh mì, đã trở thành một trong số những biểu tượng ẩm thực không thể chối bỏ của Việt Nam.
Cà phê sữa đá đứng thứ 2 trong top 10 những món cà phê ngon nhất thế giới do trang Traveller bình chọn, chỉ sau Espresso của Ý.
Nổi tiếng với biệt danh đại gia điếu cày và các dự án nhà giá rẻ ở Hà Nội, ông Lê Thanh Thản cũng là chủ của chuỗi khách sạn Mường Thanh trải dài cả nước.
Không phải là đại gia trên sàn chứng khoán, nhưng vị doanh nhân gắn liền hình ảnh với chiếc điếu cày và xe Rolls Royce lại sở hữu hàng loạt bất động sản giá trị, trải dài khắp cả nước. Các dự án mà ông Thản đang nắm giữ có thể chia thành 3 nhóm: Khách sạn, chung cư và khu vui chơi giải trí.
Chuỗi khách sạn Mường Thanh lớn nhất Đông Dương
Sự nghiệp của ông Thản thành công từ Mường Thanh, và đây cũng là khối tài sản “đong đếm” dễ dàng nhất của đại gia bất động sản này. Năm 1993, ông xây khách sạn Mường Thanh đầu tiên ở Điện Biên, sau đó xây tại Linh Đàm, Hà Nội. Đến nay, chuỗi khách sạn này đã có 60 đơn vị thành viên, phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chia làm 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.
Ở một số địa phương, Mường Thanh sở hữu nhiều khách sạn khác nhau, như Nghệ An (11 cái), Nha Trang (4 cái), Hà Nội (3 cái), Quảng Ninh (3 cái), Nha Trang (3 cái)…, trải đều các phân khúc từ 3 đến 5 sao. Khách sạn nước ngoài đầu tiên được xây ở Vientiane, Lào vào năm 2016. Tổng số phòng của thương hiệu Mường Thanh hiện đạt 11.000 phòng.
Năm 2017, chuỗi khách sạn này đạt danh hiệu “chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Dương”.
Cổ phần tại nhóm khách sạn Phương Đông
Trong báo cáo của Công ty du lịch dầu khí Phương Đông (PDC), gia đình “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản đã nắm giữ tổng cộng hơn 7 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,71% tổng số cổ phần của công ty. Các giao dịch này được thực hiện vào năm 2015, khi Tập đoàn Đại Dương bán lại cổ phần của PDC.
Với giá cổ phiếu cập nhật đến ngày 10/7/2019, số cổ phiếu của ông chủ Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên có giá trị gần 38 tỷ đồng. Công ty du lịch dầu khí Phương Đông hiện là chủ sở hữu chuỗi khách sạn Phương Đông.
Ông trùm nhà giá rẻ
Nếu Mường Thanh mang lại danh tiếng cho ông Lê Thanh Thản thì chung cư giá rẻ đưa tên tuổi ông gắn liền với danh xưng đại gia. Là công ty đầu tiên xây dựng mô hình chung cư giá rẻ, Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên nắm trong tay hàng chục nghìn căn hộ tại các dự án HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La…
Khi mở bán Đại Thanh vào năm 2012, ông Thản đã gây sốc cho thị trường khi tung mức giá chỉ 10 triệu đồng/m2. Sau đó, doanh nghiệp này triển khai một loạt dự án khác với mức giá gốc chỉ trên dưới 15 triệu đồng và được gắn với “thương hiệu” nhà giá rẻ. Song trên thực tế, để mua một căn hộ, khách hàng thường phải chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi m2, tùy từng căn.
Tuy nhiên, các dự án nhà giá rẻ cũng gắn liền với tai tiếng của đại gia điếu cày khi liên tục bị tố cáo bởi vi phạm các tiêu chuẩn về mật độc xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, an toàn phòng cháy chữa cháy và tranh chấp với cư dân. Liên tục trong các năm từ 2013 – 2015, nhiều sự cố về cháy nổ đã xảy ra tại các chung cư của ông Thản, và doanh nghiệp xây dựng cũng đã phải nộp phạt, sửa chữa nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Các dịch vụ giáo dục, sức khỏe và vui chơi giải trí
Ngoài khách sạn và chung cư, ông Lê Thanh Thản còn làm chủ nhiều công ty với ngành kinh doanh trải dài từ nông sản, vật liệu, du lịch, giáo dục và vui chơi giải trí. Các công ty này phần lớn thực hiện các dự án đi theo chuỗi chung cư, khách sạn của ông Thản ở Hà Nội, Nghệ An.
Những thương hiệu như Mường Thanh Safari Diễn Lâm (Vườn thú lớn nhất miền Bắc), VRC (Trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (Trung tâm Finess & Yoga 5 sao), DreamKid (Khu vui chơi học tập dành cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (Chuỗi cửa hàng Lưu niệm cao cấp)… đều nằm trong tầm kiểm soát của gia đình họ Lê.
Gần nhất, công ty của ông chủ Mường Thanh mở cửa công viên nước lớn nhất Hà Nội, khu đất A2,2, khu A khu đô thị Thanh Hà, phía Tây Nam ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi khai trương, công viên này đã phải tạm đóng cửa sau tai nạn đuối nước thương tâm của một cháu bé. Hiện công viên đã mở cửa trở lại.
Chân dung đại gia điếu cày vừa bị khởi tố Lê Thanh Thản
Ông Lê Thanh Thản
Theo thông tin từ tờ Tuổi trẻ, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản – ông trùm nhà giá rẻ vừa bị Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng. Quyết định khởi tố bị can ông Lê Thanh Thản chuyển Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn từ ngày 5/7. Sau khi xem xét, ngày 8/7, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phê chuẩn các quyết định này.
Tuy nhiên, ông Thản cho biết, ông vẫn đang ở Phú Quốc. Ông Thản nói chưa nhận được quyết định khởi tố.
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 ở Diễn Châu, Nghệ An – là một trong những ông trùm nhà giá rẻ ở Việt Nam.
Những năm 90, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên. Đây cũng là thời điểm ông cho xây dựng khách sạn đầu tiên ở Lai Châu.
Năm 1993, ông xây dựng khách sạn Điện Biên Phủ tại Điện Biên. Năm 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị ông Thản nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Trên mảnh đất mới, ông Thản đã xây dựng khách sạn Mường Thanh 4 sao đầu tiên. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự ra đời của thương hiệu Mường Thanh.
Năm 2000, ông xuống Hà Nội làm ăn, khởi đầu bằng việc mua một mảnh đất nhỏ trong khu đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đây, hàng loạt các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội của ông Thản đã ra đời và được bán nhanh chóng mặt. Trong số đó phải kể đến các sự án như VP5 Linh Đàm, khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, khu đô thị Xa La…
Dù là một đại gia giàu có khét tiếng nhưng ông Thản có vẻ ngoài khá chất phá, đạm bạc. Ông không quần áo hiệu, chân luôn xỏ dép xăng-đan, có kiểu cười xuề xòa.
Vị đại gia này thích hút thuốc lào vặt, trên mỗi chiếc xe của ông đều có điếu cày bên trong, chính vì thế mà mọi người đặt cho ông cái tên “Đại gia hút điếu cày đi Rolls-Royce”.
Ông Thản từng chia sẻ: “Nhiều người gọi tôi là ‘Đại gia điếu cà'” vì tôi hút thuốc lào và thương xuyên mang theo bên mình chiếc điếu cày. Tôi vốn là một người sinh ra lớn lên ở vùng quê nông thôn đi lập nghiệp nên đó là điều bình thường.
Người ta gọi tôi là “đại gia điều cày” thì cứ để biệt danh đó gắn theo tôi đi, vì mỗi người đều có một sở thích riêng, hút thuốc cũng có hại cho sức khỏe, nhưng với nhiều người nó là tinh thần, một thứ gia vị để cuộc sống không bị tẻ nhạt”.
Vị đại gia này cũng khoái ăn cá trích, đậu phụ chấm mắm tôm. Đồ đạc trong phòng làm việc của ông Thản cũng khá giản dị, một bộ ấm chén, một bình chè tươi, cánh cửa lúc nào cũng rộng mở và khách là bất cứ ai đến sàn, không cần hẹn trước.