Day: 08/07/2019
Ngôi nhà như resort ẩn sau bức tường kín đáo ở Tiền Giang
Sau bờ tường bê tông khiêm tốn, ngôi nhà sang trọng mở rộng ra cả 4 hướng để tận hưởng nắng gió từ thiên nhiên.
“Cảm ơn vì bạn đã nói xấu tôi”
Giám đốc của một công ty lớn nọ có thói quen viết nhật ký mỗi ngày.
Điều đặc biệt của quyển nhật ký ấy là dù ông ấy viết gì, cuối cùng đều sẽ kết thúc bằng câu “cho nên thật sự là quá tốt”. Mọi người nói rằng đây là cách ông ấy nghĩ ra để thay đổi tính cách u ám phiền muộn khi còn trẻ của mình.
Dù cho ngày hôm đó xảy ra việc khiến ông ấy buồn, đau thương, thất bại, oán hận thì ông cũng viết câu “cho nên thật sự là quá tốt”. Ông ấy đã tập thói quen luôn dùng thái độ tích cực để đối diện với mọi việc này. Sau 10 năm kiên trì, trong nhật ký của ông đã không còn những lời than oán nữa, nội dung trong nhật ký của 20 năm sau hoàn toàn chỉ có những việc tốt. Có thể nói đây là nguyên nhân cho sự thành công hiện nay của ông ấy.
Y học hiện đại cũng đã chứng minh, nếu con người ta nghĩ đến sự vui vẻ hay những việc tốt đẹp, trong não sẽ tiết ra các chất có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, nếu nghĩ đến những điều ưu tư sầu muộn, những việc không tốt thì trong não sẽ sản sinh ra những chất không tốt, dễ dẫn đến bệnh tật. Khi nói ra miệng hoặc trong lòng nghĩ những điều bực dọc, bất mãn, những lời không tốt, đố kị, oán hận… sẽ khiến tinh thần và cơ thể đều không khỏe mạnh.

Càng phải cảm ơn khi bị người khác nói xấu
Nghĩ đến những điều vui vẻ, tốt đẹp chẳng những có lợi cho sức khỏe, mà còn có thể giúp bạn hướng đến hạnh phúc. Ví dụ: cảm giác sốt cao và đau đớn khó chịu khi bị bệnh rất khiến ta ghét, nhưng nếu khi bị bệnh mà không sốt và đau thì sẽ ra sao? Bạn sẽ không chú ý đến việc mình bị bệnh nữa, vì thế nên sẽ trở nên ngày càng nặng, cuối cùng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. May là có sốt và đau, tuy không thích nhưng chúng ta mới có cơ sở để dưỡng bệnh, mới được bác sĩ chữa trị sớm để sống thọ hơn, vậy nên thật sự phải cảm ơn sốt và đau đấy chứ.
Tương tự, khi có người nói xấu mình, bạn cũng có thể giải thích là “đây là họ đang nói với mình những điều mà bản thân không chú ý đến, là một sự nhắc nhở cho mình”, sau đó dành một buổi tối để nhìn lại bản thân, nếu lời phê bình của người kia là đúng, vậy thì phải xem lại, chỉ cần có thể sửa đổi là được rồi.
Những lời nói xấu của người khác sẽ giúp bản thân trưởng thành hơn.
Nếu có thể dùng cách nghĩ “đây là đang rèn luyện mình” để suy ngẫm về những khó khăn, khổ nạn mà bản thân gặp phải, có lẽ chúng cũng sẽ trở nên dễ vượt qua hơn, có đúng không?
Việc hiểu khó khăn và thống khổ bằng suy nghĩ “cho nên càng phải biết ơn” là một trong những cách để có được cuộc sống hạnh phúc. Khi gặp phải vấn đề không vừa ý, bạn hãy thử dùng góc độ suy ngẫm “Lần này mình sẽ học được bài học gì đây?” để nhìn nhận vấn đề xem sao.
Thanh Tâm / Trithucvn
Vua Duy Tân làm về vô tuyến điện, chết trước ngày trở lại ngai vàng
Ngày 14/12/1945 đã diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa Duy Tân, De Gaulle và cựu hoàng cho rằng ông đã được chính phủ Pháp quyết định đưa trở lại ngai vàng.
Trong phần đầu cuốn De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) (NXB Đại học Sư phạm phát hành tháng 4/2019, bản dịch của Lê Hồng Phấn, Hoàng Thị Hằng, Bùi Thị Hệ), tác giả Pierre Journoud đã viết về mối quan hệ giữa cựu hoàng Duy Tân, mà người Pháp gọi là hoàng thân Vĩnh San, với nhà lãnh đạo Pháp De Gaulle và kế hoạch bất thành về việc đưa cựu hoàng về cầm quyền tại Việt Nam.
Ông vua đam mê môn vô tuyến điện
Theo nghiên cứu của tác giả, trong thời gian lưu đày tại đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, cựu hoàng Duy Tân đã theo đuổi niềm đam mê với môn vô tuyến điện.
Trước mối đe dọa gia tăng từ chủ nghĩa Quốc xã từ năm 1936, cựu hoàng đã nhiều lần yêu cầu được tham gia quân đội Pháp, đồng thời khước từ một số đề nghị bí mật trốn về Việt Nam vì ông muốn trở về một cách công khai, đàng hoàng.
Nhờ sở hữu một đài thu thanh rất mạnh mà cựu hoàng Duy Tân đã nghe được lời hiệu triệu nhân dân Pháp đứng lên kháng chiến chống phát xít Đức của De Gaulle, phát trên đài phát thanh BBC của Anh ngày 18/6/1940. Ngay lập tức, cựu hoàng gia nhập một dạng kháng chiến bí mật trên đảo và việc này khiến ông bị giới cầm quyền đảo Réunion, lúc đó đang theo phái Vinchy (là tay sai của Đức), tạm giữ hành chính trong một thời gian.
Đến năm 1942, khi đảo Réunion quay sang theo De Gaulle, cựu hoàng đã tham gia công tác trên chiến hạm Léopard của lực lượng nước Pháp tự do. Một số tài liệu trước đây nói là cựu hoàng đã gia nhập quân đội từ khi đó với cấp bậc hạ sĩ, nhưng sách của Pierre Journoud cho rằng, ông chỉ làm hợp đồng với tư cách là phụ tá và sau đó được nâng lên phó, rồi trưởng trạm phụ trách vô tuyến điện.
“Mặc dù ông đã nhiều lần làm đơn xin ra trận nhưng nhà cầm quyền quân sự Pháp, từ lâu vẫn nghi kỵ ông hoàng dân tộc chủ nghĩa có quá khứ nổi loạn này, nên mãi đến tháng 1/1941 mới chấp nhận đưa ông vào quân đội Pháp với quân hàm Chuẩn úy”, sách De Gaulle và Việt Nam viết.
![]() |
Cựu hoàng Duy Tân trong quân phục quân đội Pháp. |
Pierre Journoud cho biết đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 9/1945, cựu hoàng làm tiểu đoàn trưởng trong quân đội chiếm đóng nước Đức và được thưởng Huân chương Kháng chiến. Bộ chỉ huy quân đội Pháp dự tính sau đó đưa ông về Ban tham mưu Sư đoàn 9 Bộ binh thuộc địa, lên đường sang Viễn Đông. Trước đó, ngày 16/7, ông đã đăng trên báo Combat (Chiến đấu) một chúc thư chính trị, trong đó, ông chủ trương Việt Nam phải giành độc lập.
Từ đó, tên của ông bắt đầu lan truyền trong giới cầm đầu quyền lực ở Pháp như một người thương thuyết tiềm năng của chính phủ, trong khi tại Việt Nam, một nhóm sĩ quan và người thuộc phái De Gaulle đang từng bước chuẩn bị cho sự trở lại ngai vàng của cựu hoàng có thể xảy ra.
Cái chết đột ngột của cựu hoàng
Và cuộc gặp gỡ quan trọng đã diễn ra ngày 16/12. Hoàng thân Vĩnh San, người đầu năm 1941 mới ở cấp bậc Chuẩn úy mà lúc này đã đeo lon Thiếu tá, đã được tiếp kiến De Gaulle, người mà ông thực lòng ngưỡng mộ và cựu hoàng đã bày tỏ quan điểm của mình với vị tướng này.
Sau cuộc hội kiến, cựu hoàng đã nói với ông Eugène Thébault, Chánh văn phòng Thống đốc đảo Réunion rằng cuối cùng chính phủ Pháp cũng quyết định đưa Duy Tân trở lại ngai vàng nước Nam và De Gaulle dự định đích thân đi cùng ông trong những ngày đầu tháng 3/1946, thời gian chuẩn bị dư luận và soạn thảo một loạt hiệp định để hai chính phủ ký kết.
Tuy nhiên ngày 26/12/1945, trên đường về đảo Réunion, chiếc phi cơ Lockheed Lodestar đã bị rơi ở M’Baiki giữa khu rừng nhiệt đới thuộc Cộng hòa Trung Phi hiện nay. Không một hành khách nào sống sót. Trong số 6 người tử nạn, có cựu hoàng Duy Tân.
“Theo một số nhân chứng ít ỏi, cái chết đột ngột của ông hoàng đã khiến cho De Gaulle thất vọng sâu sắc vì không còn người làm cha đỡ cho ‘ý đồ bí mật’ giải quyết vấn đề Đông Dương, trong bối cảnh chính trị mỗi ngày một thêm khó khăn”, sách viết.
Trong cuốn hồi ký Để phục vụ tướng De Gaulle do NXB Plon, Paris xuất bản năm 1982, tướng Boissieu đã viết: “Có phải sự mất tích đó là một trong những nguyên nhân khiến De Gaulle từ chức vào ngày 20/1/1946”.
De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) là bản rút ngắn của luận án tiến sĩ ngành Lịch sử Quan hệ Quốc tế, tập trung vào mối quan hệ giữa Pháp, Mỹ và Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, đã được tác giả Pierre Journoud bảo vệ năm 2007 tại Đại học Paris I Panthéon, Sorbonne. Công trình này đã được trao giải thưởng Jean-Baptise Duroselle – giải thưởng dành cho những luận án xuất sắc về Lịch sử Quan hệ Quốc tế.
Ông Journoud khi đó là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quân sự Pháp, đồng thời là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử châu Á hiện đại. Hiện nay, ông là giáo sư môn Lịch sử tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III.
Lê tiên Long / Sách hay / Zing
Sự nhầm tưởng về các nhà kỹ trị Trung Quốc

Bắc Kinh nổi tiếng với việc đưa các kỹ sư và nhà khoa học lên làm lãnh đạo. Nhưng điều đó không tạo ra các nhà lãnh đạo tốt hơn.
Nhiều nghị viện phương Tây có số đông thành viên là những người có bằng luật, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại thường được đào tạo làm kỹ sư và nhà khoa học, hay các ngành tương tự. Những người ủng hộ phương pháp được cho là đặc trưng này của Trung Quốc, chẳng hạn như doanh nhân Elon Musk, cho rằng nó tạo ra các nhà lãnh đạo biết áp dụng một cách tiếp cận thực dụng và thiên về kỹ thuật để giải quyết các vấn đề. Và theo lý thuyết trên, các khoa học-chính trị gia này có nhiều khả năng sẽ cai trị hiệu quả, một phần vì họ không chịu gánh nặng ý thức hệ.
Nhưng những người ủng hộ cách tiếp cận được cho là kỹ trị của Trung Quốc không chỉ sai về lý lịch của giới lãnh đạo hiện tại của Bắc Kinh. Họ còn bị nhầm lẫn cơ bản về cách nền tảng đào tạo, học vấn hình thành chính sách. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã được định hình chủ yếu không phải bởi nền tảng giáo dục của họ và phần lớn là bởi nhu cầu củng cố quyền kiểm soát và giành ưu thế trong các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đúng là một thế hệ các nhà lãnh đạo có gốc kỹ sư đã từng thống trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng giờ đây họ đã nghỉ hưu, đã chết hoặc đang ngồi tù. Dàn lãnh đạo hiện nay đang đặc biệt thiếu các kỹ sư; ông Tập là thành viên duy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy người có bằng kỹ sư hoặc khoa học tự nhiên. Điều đó phù hợp với xu hướng chung: Trong số các quan chức cấp cao sinh trước năm 1948, tức nhóm chiếm đa số trong dàn lãnh đạo trước thế hệ hiện tại, có khoảng một phần ba là có bằng kỹ sư. Nhưng đối với những người sinh sau năm 1948, bao gồm cả những người được gọi là “thế hệ lãnh đạo thứ năm”, thì cứ 7 người mới có 1 người được đào tạo làm kỹ sư. Tỷ lệ này tiếp tục giảm; những người có gốc luật hoặc kinh tế đã trở nên phổ biến hơn nhiều.
Chuyên ngành học vấn ít quan trọng hơn hầu hết những gì các nhà quan sát nghĩ. Trung Quốc không giống như phương Tây, nơi có bằng giỏi về luật hoặc kinh tế thường dẫn đến một sự nghiệp thành công, qua đó mở đường cho họ bước vào chính trị, chẳng hạn như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton từng dạy luật, hoặc Thị trưởng London Sadiq Khan từng làm trong lĩnh vực nhân quyền. Đối với một số quan chức Trung Quốc, việc đi học của họ thường là vội vàng cho có, và rất hiếm khi được chuyển thành kinh nghiệm làm việc thực tế. Như giáo sư Đại học Carnegie Mellon Vivek Wadhwa và những người khác đã chứng minh, chất lượng giáo dục các ngành kỹ thuật ở Trung Quốc, đặc biệt là trước năm 2010, thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế rất nhiều. Nhiều bằng kỹ sư sẽ hầu như không đủ tiêu chuẩn để so sánh với các chứng chỉ kỹ thuật tại Hoa Kỳ.
Mặc dù ông Tập tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa năm 1979, nhưng chương trình học tập của ông chứa một lượng lớn các khóa học về chủ nghĩa Mác hơn là các khóa học về kỹ thuật, như thường thấy ở giai đoạn cuối Cách mạng Văn hóa. Và ông Tập không bao giờ làm việc như một kỹ sư. Là con trai của Tập Trọng Huân, một trong những người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, công việc đầu tiên của ông khi ra trường là làm thư ký riêng cho một quan chức chính phủ cấp cao, là bạn của cha của ông, Cảnh Biểu (Geng Biao). Giống như nhiều người được gọi là “thái tử Đảng” khác, Tập nhanh chóng được thăng tiến trên nấc thang quyền lực, và sự nghiệp của ông ta hoàn toàn nằm trong ngạch công chức.
Một quỹ đạo tương tự cũng được áp dụng với bốn thành viên khác của thường vụ Bộ Chính trị, mỗi người trong số họ đều làm công chức hoặc lãnh đạo đảng ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học ngành chính trị hoặc kinh tế. Hai trường hợp ngoại lệ là Lý Khắc Cường (Li Keqiang), một nhà kinh tế học nổi tiếng và về mặt lý thuyết là nhân vật thứ hai của Trung Quốc, và chiến lược gia về tư tưởng và giáo sư luật học Vương Hỗ Ninh (Wang Huning).
Ý tưởng cho rằng Trung Quốc được cai trị bởi một tầng lớp quan lại có học thức gợi lại thời kỳ vinh quang hồi thế kỷ 18 của Trung Quốc dưới triều nhà Thanh. Những điểm ưu việt của hệ thống thi cử, được cho là giúp đề bạt những người giỏi giang và có học, đã được ủng hộ bởi những nhân vật như Voltaire vốn đang tìm kiếm một phương thức để đánh bại xã hội của chính mình. Trong khi mô hình khoa bảng chắc chắn có giá trị của nó, phần lớn việc bổ nhiệm vào các vị trí quan lại thời đó, như các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, là kết quả của ô dù quan hệ hoặc nạn hối lộ.
Việc những người bên ngoài cứ khăng khăng coi nền kỹ trị dựa trên năng lực và phi chính trị trong giới lãnh đạo Trung Quốc, dựa trên các bằng cấp họ có từ mấy thập niên trước, tiết lộ về những tưởng tượng của phương Tây về Trung Quốc nhiều hơn là về chính nền chính trị ở Bắc Kinh. Trên thực tế, cuộc đấu tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản rất khốc liệt và dữ dội, như số vụ tự tử và các bản án chung thân được tuyên trong cuộc thanh trừng của Tập cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan của các nhân vật như nhà lãnh đạo ngã ngựa Bạc Hi Lai (Bo Xilai) đã cho thấy. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ mà người ngoài có thể nhìn thấy: Chỉ cần mở cửa sổ ra thêm chút nữa thôi máu cũng đã chảy tràn ra.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn làm mọi thứ có thể để thúc đẩy bộ mặt chế độ nhân tài. Trên giấy tờ, họ vẫn là một nhóm có trình độ học vấn cao: Tập có bằng tiến sĩ luật từ Đại học Thanh Hoa năm 2002, trong khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), kiến trúc sư của chương trình trại cải tạo Tân Cương, nhận bằng tiến sĩ quản lý từ Đại học Công nghệ Vũ Hán năm 2004. Nhưng bằng cấp cao lại ít gây ấn tượng trong thực tế. Ngoài Lý và Vương, các nhà lãnh đạo hàng đầu đều chủ yếu có được bằng cấp thông qua các khóa học tại chức vì các quan chức đều làm việc toàn thời gian, gần như không thể đủ thời gian để học hành đàng hoàng, điều đặt ra câu hỏi là ai đã thực sự giúp họ làm công việc học hành.
Trong những trường hợp hiếm hoi khi các phóng viên có thể tận mắt được đọc luận văn của các nhà lãnh đạo, họ đã phát hiện tình trạng đạo văn tràn lan. Trong một số trường hợp, việc viết các luận văn này đã được gửi gắm cho các sinh viên tại các trường đại học hàng đầu Bắc Kinh với một khoản phí. Có vẻ kỳ lạ là những bằng cấp này là “giả” chứ không phải được trao dưới dạng bằng danh dự, nhưng có một động lực ý thức hệ đằng sau sự giả vờ tin rằng các lãnh đạo Trung Quốc là các học giả đàng hoàng. Quan niệm cho rằng khoa học có vai trò quan trọng có sức nặng đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc, một phần nhờ vào niềm tin của những nhà canh tân đầu thế kỷ 20 cho rằng khoa học là lối thoát cho sự lạc hậu của đất nước. Trở nên khoa học (kexue) trong những năm 1920 chính là trở nên hiện đại, tiên tiến và chính xác.
Địa vị của khoa học (tự nhiên) ngày càng được nâng cao với việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa cộng sản khoa học – niềm tin rằng chủ nghĩa Mác là một môn học chính xác và khách quan như toán học – là một trong những nền tảng của hệ tư tưởng đảng.
Mặc dù thế hệ lãnh đạo trước Tập có kinh nghiệm kỹ thuật thực tế hơn nhiều và thường làm các công việc trong vai trò kỹ sư trước khi trở thành quan chức, nhưng những bằng cấp đó không đảm bảo một sự lãnh đạo liêm chính, kỹ trị như người phương Tây vẫn nghĩ. Chu Vĩnh Khang, một trong những nạn nhân cao cấp nhất trong cuộc thanh trừng của Tập, không chỉ làm việc như một nhà địa chất mà vẫn giữ một chân trong lĩnh vực này trong suốt thời gian ông làm quan chức, vẫn lãnh đạo các đoàn nghiên cứu thực địa vào cuối những năm 1990. Nhưng thay vì là một nhà kỹ trị trung lập, ông lại là một trong những nhà lãnh đạo tư tưởng quyết liệt nhất những năm 2000 và đầu những năm 2010, thắt chặt sự kiểm soát xã hội thông qua vai trò như là một ông trùm an ninh nội địa, đồng thời sử dụng quyền lực để tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ và vài chục tình nhân.
Ngay cả đối với những thành viên thật thà hơn trong ban lãnh đạo Trung Quốc, một nền tảng kỹ thuật cũng không nhất thiết phải đi kèm sự thực dụng. Như các nhà xã hội học Diego Gambetta và Steffen Hertog đã lập luận trong nghiên cứu của họ về lý lịch của những kẻ đánh bom tự sát, các kỹ sư lớn lên với một ý thức hệ mạnh mẽ, cho dù đó là chủ nghĩa Hồi giáo hay chủ nghĩa cộng sản, có thể nằm trong số những nhà tư tưởng cứng nhắc nhất. Nền tảng kỹ thuật là “hấp dẫn hơn đối với các cá nhân tìm kiếm sự khẳng định kiến thức và các câu trả lời rõ ràng, khác với các ngành khoa học theo hướng mở hơn”, Gambetta và Hertog viết. Và nền tảng đào tạo đó dường như khuyến khích ý tưởng về một “hộp công cụ” có thể áp dụng cho bất kỳ vấn đề nào, chẳng hạn như việc áp dụng các ý tưởng Mác xít vào xã hội, tạo ra sự tàn bạo cứng nhắc thời kỳ Mao-ít, và nghiền nát những người bất đồng chính kiến dưới thời của Tập những năm 2010.
Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng tin tưởng vào khả năng ứng dụng rộng rãi của kỹ thuật; các dự án xây đập và đường sắt khổng lồ của Bắc Kinh minh chứng cho điều này theo nghĩa đen. Nhưng giới lãnh đạo cũng là những “kỹ sư xã hội”, kết hợp sự sợ hãi với tuyên truyền nhằm thắt chặt kiểm soát xã hội.
Di sản thực sự của sự sùng bái khoa học của Trung Quốc chính là Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall), một dự án kỹ thuật khổng lồ nhằm ngăn chặn truy cập internet tự do và được thiết kế để siết chặt kiểm soát xã hội và chính trị đối với công chúng. Nếu Tập là một kỹ sư, ông ta chính là dạng kỹ sư mà Joseph Stalin từng khuyên các nhà thơ nên làm: “kỹ sư tâm hồn”.
James Palmer là biên tập viên cao cấp của tạp chí Foreign Policy.
Nguồn: James Palmer, “China’s Overrated Technocrats”, Foreign Policy, 04/07/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên /Nghiên cứu Quốc tế
Amazon bước sang tuổi 25 và đây là những bài học đáng giá nhất từ gã khổng lồ thương mại điện tử

Tuần này, Amazon bước sang tuổi 25. Trong một phần tư thế kỷ tồn tại của mình, công ty này đã tạo ra khoảng một nghìn tỷ USD giá trị cổ đông.
Amazon hiện thống trị thương mại điện tử, có cơ sở hạ tầng điện toán đám mây lớn nhất và dẫn đầu thị trường trợ lý gia đình với công nghệ Alexa. Ngoài ra, họ còn có một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến bắt đầu phát triển nhanh chóng và đang trở thành một thế lực ở Hollywood nhờ bộ phận phát video trực tuyến của mình. Năm ngoái, tổng doanh thu của Amazon đã tăng 31%, lên 232,9 tỷ USD.
Trong một báo cáo vào hôm thứ Sáu vừa qua, chuyên gia phân tích Tom Forte của D.A. Davidson, cho rằng Amazon đã phát triển được một số chiến lược để người khác học hỏi và thậm chí là sao chép.
Dưới đây là những điều ông chỉ ra, cùng với một số ví dụ cụ thể.
Tập trung vào khách hàng, chứ không phải vào đối thủ cạnh tranh: CEO Jeff Bezos đã bị ám ảnh về khách hàng kể từ khi bắt đầu công ty vào năm 1994 với vai trò là một người bán sách trực tuyến. Theo Forte, đó là chất lượng lâu dài quan trọng nhất của Amazon – tập trung vào khách hàng, chứ không phải vào sự cạnh tranh.
Một ví dụ gần đây là việc kinh doanh nhãn hàng riêng của Amazon, trong đó họ hiểu khách hàng muốn gì nhất và cố gắng cung cấp nó ở mức giá thấp nhất bằng cách tạo phiên bản thương hiệu của riêng họ.
Lặp đi lặp lại: Amazon coi trọng việc lặp đi lặp lại, “thực hiện các tinh chỉnh liên tục để cải thiện những nỗ lực của mình”.
Ví dụ: Trình đọc sách điện tử Kindle đã tiếp tục phát triển để theo kịp các máy tính bảng thông thường và Echo đã thay đổi từ chỗ chỉ là trợ lý giọng nói cơ bản sang một nền tảng để các nhà phát triển cung cấp mọi hình thức trợ giúp cho khách hàng.
Tạo ra một bánh đà: Tập trung vào việc có giá thấp nhất, bộ tuyển chọn lớn nhất, giao hàng nhanh nhất, và khách hàng sẽ tiếp tục quay lại. Lượng khách hàng này thu hút các nhà cung cấp và những đối tác khác, làm tăng sự cạnh tranh trong các lĩnh vực này, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn, v.v.
Một ví dụ gần đây của việc này là khi Amazon tung ra dịch vụ giao hàng trong một ngày cho khách hàng Prime của mình. Mặc dù điều này làm tăng chi phí của Amazon trong ngắn hạn, nhưng một cuộc khảo sát gần đây của RBC cho thấy khách hàng chi tiêu nhiều hơn và trung thành hơn khi nhận được lợi ích này.
Chấp nhận thay đổi: Đây là giá trị cốt lõi từ Zappos, công ty bán giày trực tuyến mà Amazon mua lại năm 2009.
Ví dụ: Amazon Web Services (AWS) đã chứng tỏ họ rất giỏi trong việc cung cấp phần mềm mà các nhà phát triển yêu cầu khi công nghệ thay đổi và công ty này đã thực hiện các vụ thôn tính quan trọng trong thị trường nhà thông minh – như nhà sản xuất chuông cửa thông minh Ring – khi hành vi của người tiêu dùng phát triển.
Mất tiền như là một chiến lược: Forte gọi đó là LmaS và nói rằng Amazon đã thực hiện nó một cách hoàn hảo. Nhà đầu tư đã trợ cấp cho công ty này trong hai thập kỷ, cho phép nó tồn tại với mức lợi nhuận biên thấp nhất trong khi họ tiếp tục đầu tư vào việc làm cho chuyện mua sắm trở nên đơn giản hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và phát triển các doanh nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Nhờ AWS và hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình, Amazon cuối cùng cũng cho thấy thu nhập thực sự, nhưng lợi nhuận biên vẫn ít hơn rất nhiều so với các đại gia công nghệ khác như Alphabet, Facebook, Apple và Microsoft.
Trong báo cáo của mình, Forte nhấn mạnh đến hai lĩnh vực quan trọng mà Amazon đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, đó là điện thoại thông minh và thương mại điện tử ở Trung Quốc. Theo ông, điều thứ hai là thất bại lớn nhất của Amazon, và họ phải tiếp tục “tìm ra một chiến lược thành công ở Trung Quốc cho dù có thất bại bao nhiêu lần đi nữa”.
Ông cũng nhìn thấy bốn rủi ro đáng kể đối với Amazon trong 25 năm tới, bao gồm cả việc tìm ra ai sẽ kế nhiệm Bezos, “nhà sáng lập và CEO mà cả thế hệ mới sản sinh ra được một người”, cũng như xử lý sự can thiệp từ các nhà quản lý và nhà lập pháp. Trước đây, Forte đã nhấn mạnh những vấn đề đó trong một báo cáo hồi tháng Năm.
Ít nhất là trong tương lai gần, Forte kỳ vọng rằng Amazon sẽ vượt qua được những thách thức đó. Mục tiêu giá của ông dành cho Amazon là 2.550 USD, ngụ ý rằng cổ phiếu này sẽ tăng 31% so với hiện tại và vốn hóa thị trường của công ty này sẽ đạt 1,26 nghìn tỷ USD. Chỉ có hai trong số 40 nhà phân tích có mục tiêu giá được theo dõi bởi Factset có dự đoán cao hơn và mục tiêu giá trung bình là 2.249,73 USD.