Ngôi nhà ‘tổ ong’ tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Ngôi nhà 6 tầng bao bọc bởi những viên gạch xếp chéo khiến nhiều người tò mò khi đi ngang qua.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Ngôi nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội) nằm trên khu đất 131 m2 (diện tích xây dựng 110 m2), nằm ở ngã tư, có hướng đông và hướng bắc. Chủ nhà muốn xây dựng một công trình vừa làm văn phòng vừa để ở.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Số thành viên trong gia đình có thời điểm lên tới 8 người lớn và 6 trẻ em. Nhà cần đáp ứng đủ chức năng, đảm bảo chất lượng cuộc sống dù nằm ngay mặt đường.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

KTS Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương (H&P Architects) lựa chọn những viên gạch gốm để tạo thành mặt tiền độc đáo, góp phần đảm bảo một không gian sống thoải mái trong điều kiện nhiệt đới gió mùa. Bên trong nhà có nhiều khoảng thông tầng; bên ngoài có hai lớp bao che gồm cửa kính trải dài, lớp gạch gốm kết hợp cây xanh.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Viên gạch gốm nguyên bản là 40×40 cm, người thợ tận dụng những viên lỗi cắt thành 37,5×37,5 cm.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Nhóm thiết kế đưa ra ý tưởng “Nhà biết thở” với ý nghĩa: Công trình luôn tràn đầy sinh khí, giúp con người có thể tiếp nhận không khí trong lành.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Nhờ vậy, khói bụi bị ngăn chặn, không khí trong lành được đưa vào nhà. Kiến trúc sư cũng tính tới khoảng cách giữa các viên gạch, sử dụng lưới thép chắn các ô thủng, đảm bảo an toàn cho chủ nhà.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Lớp gạch gốm xếp chéo tạo thành bóng nắng lung linh biến đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày.

Ngôi nhà 'tổ ong' tràn ngập nắng gió ở Hà Nội

Chủ nhà trồng thêm những khoảng cây nhỏ để đem lại màu xanh cho ngôi nhà có vẻ ngoài độc đáo.

Ban Mai / Ảnh: Nguyễn Tiến Thành

Một người Trung Quốc chia sẻ về sự thành tín trong xã hội Mỹ

Sự thành tín trong xã hội Mỹ

(Hình minh họa: Qua Keywordhut.com)

Ở nước Mỹ hầu hết mọi người đều tin tưởng lẫn nhau, khiến cho sự thành tín dường như trở thành một “quy tắc ngầm” quan trọng ở đất nước này. Một người Trung Quốc chuyển đến sinh sống tại Mỹ đã chia sẻ lại ấn tượng của cô qua những câu chuyện mà cô chứng kiến.

Giáo viên xin nghỉ việc để giữ thành tín

Thời gian trước, trên tờ “New York Times” có đăng một bài báo, đưa tin: 118 em học sinh trường trung học Piper, thuộc vùng ngoại ô Kansas, Mỹ được yêu cầu hoàn thành bài tập sinh học của mình nhưng trong đó có 28 em học sinh đã sao chép bài có sẵn trên internet. Sự việc này bị cô giáo Christine Pelton phát hiện ra, cô đã phán định rằng, 28 em học sinh này “ăn cắp bản quyền” và cho điểm “0”, đồng thời 28 em này còn phải đối mặt với nguy cơ bị lưu ban. Cha mẹ của các em này sau khi biết sự việc đã vô cùng phẫn nộ và phản đối quyết định của cô Pelton. Dưới tình huống ấy, hiệu trưởng trường đã yêu cầu cô Pelton nâng điểm số của 28 em học sinh lên, nhưng cô Pelton – 27 tuổi đã cương quyết từ chối và xin nghỉ việc.

Đối mặt với áp lực của dư luận xã hội, hội đồng nhà trường đã tổ chức một cuộc họp công khai, nghe ý kiến từ nhiều nơi để đưa ra quyết định. Kết quả là tuyệt đại đa số người tham gia đã ủng hộ ý kiến của cô Pelton. Thậm chí gần một nửa số giáo viên của trường bày tỏ ý kiến rằng, nếu hiệu trưởng vì để thỏa mãn yêu cầu của những phụ huynh này mà sửa chữa thành tích thì họ cũng sẽ nghỉ việc. Họ cho rằng, giáo dục học sinh trở thành một công dân thành thật là việc quan trọng hơn rất nhiều so với việc vượt qua được môn sinh học. Cô Pelton cho biết, ngay ngày đầu tiên tiếp nhận lớp, cô đã cùng học sinh thảo luận một bản quy định trong đó có sự ký tên đồng ý của các cha mẹ. Trong bản quy định có ghi chép: “Tất cả các bài tập đều phải hoàn toàn do học sinh độc lập hoàn thành, ‘lừa gạt’ hoặc ‘lấy cắp bản quyền’ sẽ làm cho chương trình học bị thất bại.” Cuối cùng, sau khi trải qua những buổi thảo luận, tranh cãi kịch liệt, nhóm cha mẹ những học sinh “không thành thật” này đã phải nhượng bộ, đồng ý với quyết định xử phạt lưu ban.

Sau sự việc ấy, mỗi ngày cô giáo Pelton đều nhận được rất nhiều cuộc gọi ủng hộ và những lời mời tuyển dụng từ nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Thậm chí, một số công ty còn muốn có ảnh chân dung của những học sinh không thành thật này để bảo đảm rằng sẽ vĩnh viễn không tuyển dụng họ. Một người phụ nữ đã bày tỏ nỗi lo lắng của bản thân với phóng viên đài truyền hình rằng: “Tôi vô cùng lo lắng rằng, những người sinh sống ở khu vực, sau này đi ra ngoài sẽ bị gán nhãn ‘không thành thật’.” Một vị thương nhân, trong bài diễn thuyết của mình cũng nói: “Một người có thể mất đi tài phú, mất đi nghề nghiệp, mất đi cơ hội, nhưng ngàn vạn lần không thể mất đi danh dự. Một người không giữ chữ tín thì sẽ rất khó khăn để bước đi trong xã hội này.”

Có thể có người sẽ cảm thấy người Mỹ thật là “cường điệu hóa”, thật là “việc bé xé ra to”, nhưng nếu một người mất đi thành tín, người ấy sẽ biến thành một kẻ lừa gạt. Một công ty, xí nghiệp mất đi thành tín sẽ sản xuất ra những sản phẩm giả, kém chất lượng. Một xã hội mất đi thành tín, thì nơi nơi sẽ đều có tiểu nhân gian trá lừa gạt người.

Người Mỹ coi trọng chữ tín bởi vì họ hiểu được rằng giữ chữ tín là nền tảng để một xã hội sống an bình, để người thủ tín có chỗ đứng trong xã hội.

Chỉ cần lời nói, không cần giấy tờ xác nhận

Tôi từng đưa cha mẹ đến tham quan một thắng cảnh ở Manhattan. Sau khi mua vé vào rồi, tôi mới chợt nghĩ ra rằng người già có thể được ưu đãi nên vội vàng quay lại hỏi nhân viên. Người bán vé là một cô gái trẻ tuổi, nghe thấy tôi hỏi, một mặt nói lời xin lỗi, một mặt lấy khoản tiền ưu đãi đưa cho tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là, cô ấy cũng không cần xem xét giấy tờ chứng nhận, thậm chí không đi nhìn xem cha mẹ tôi có đúng là đã thực sự phải người già hay chưa (người hơn 62 tuổi mới được ưu đãi giảm giá). Điều này khiến tôi thầm hiểu rằng: Đây đúng là làm theo nguyên tắc “tin người”.

Về sau, tôi lại phát hiện ra rằng, gần như ở tất cả các nơi công cộng, phàm là có ưu đãi giảm giá cho người già và trẻ nhỏ thì đều không cần xem giấy tờ chứng nhận. Họ chỉ cần lời nói là sẽ tin mà không sợ “người già nhưng nhìn rất trẻ” và “trẻ con nhưng nhìn rất cao lớn”.

Kỳ thực, khi đã tiếp xúc với nhiều trường hợp như vậy, tôi phát hiện ra rằng: Người ta đã tin mình như vậy mà mình lại đi nói dối hoặc giả mạo với người ta thì quả là chuyện đáng xấu hổ. Một lần khác tôi đưa con gái đến tham quan nhà bảo tàng. Ngay chỗ bán vé người ta ghi rằng: “Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống được miễn phí!” Con gái tôi năm nay vừa tròn 7 tuổi.  Người bán vé mỉm cười hỏi: “Con gái chị mấy tuổi?” Tôi hơi do dự một chút, nhưng vẫn trả lời thật: “Cháu 7 tuổi!” và mua một vé vào như quy định. Về sau, mỗi khi nghĩ lại phút do dự đó của mình, tôi lại cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Có một lần, tôi đi photo một quyển sách, cuốn sách dày hơn 200 trang. Nhưng khi tôi ra thanh toán tiền, người chủ cũng không kiểm tra số trang, mà tin luôn lời tôi nói với vẻ mặt không một chút hoài nghi. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng phải là dễ mắc lừa quá sao?”

Đã hẹn trước thì tuyệt đối không thất tín

Ở Mỹ, việc tuân thủ nghiêm ngặt chữ tín trong việc hẹn ngày phỏng vấn cũng khiến tôi vô cùng cảm động. Thời gian đầu khi mới chuyển đến Mỹ sinh sống, tôi thường phải đi phỏng vấn xin việc. Những buổi phỏng vấn ở đây, thông thường họ đều hẹn trước tôi khoảng một tháng và thời gian hẹn là chính xác đến số phút.

Bạn thử nghĩ xem, trong thời gian một tháng, sẽ có biết bao việc phát sinh? Theo kinh nghiệm làm báo của bản thân, tôi luôn thấy khối lượng công việc của người Tổng biên tập là rất lớn, còn phải đối mặt với rất nhiều việc không như ý, bất cứ lúc nào cũng phải đưa ra phán đoán và quyết sách để thực thi. Quả thực là, nếu so ra thì những cuộc hẹn của tôi chỉ là một việc rất thứ yếu. Tôi luôn tự hỏi: “Liệu trong một tháng có xảy ra biến cố gì để thay đổi cuộc hẹn phỏng vấn không?”

Nhưng, thực tế đã chứng minh rằng, lo lắng của tôi là dư thừa. Các cuộc phỏng vấn, một khi đã có hẹn trước thì tuyệt đối không thay đổi. Có những lần tôi lo lắng, trước buổi phỏng vấn thường gọi điện đến tòa soạn hỏi họ có thay đổi lịch gì không. Nhưng họ luôn giật mình hỏi lại: “Sao? Bạn có dự định thay đổi thời gian phỏng vấn sao?”

Ở môi trường bưu chính, đâu đâu cũng gặp “chữ tín”

Nhiều năm ở Trung Quốc, bởi vì bưu cục yêu cầu nghiêm ngặt người dân về gửi bưu phẩm, thư, nhưng dịch vụ chất lượng thấp, gửi còn bị mất, nên việc giao dịch qua con đường bưu điện của tôi ngày càng thưa thớt. Không ngờ khi đến Mỹ sinh sống, do đặc thù công việc, mỗi ngày tôi đều phải tiếp xúc với bưu chính, hầu như mỗi ngày đều nhận được bưu phẩm. Tôi nhận thấy, có rất nhiều thứ quan trọng, nhưng người Mỹ cũng chỉ dùng loại dịch vụ thư tín thông thường.

Ở Mỹ người ta vẫn dùng đủ loại phong bì to nhỏ khác nhau. Thậm chí một số người vì để gửi những thứ đồ đặc thù còn có thể tự chế ra phong bì và cũng được chấp nhận. Nếu như trong phong bì, bạn để những thứ căng phồng như cuộn phim, đĩa hát… cũng có thể gửi được.

Tất cả những giấy tờ như thẻ bảo hiểm, chi phiếu ngân hàng, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ thư viện, hóa đơn… tôi đều gửi qua đường bưu điện. Các hộp thư gia đình ở đây, thường được đặt ở ngoài cổng, hơn nữa còn không khóa. Các bưu phẩm, thư được đặt vào trong, chờ đợi người đưa thư tới lấy. Nhưng vô luận là bưu kiện quan trọng cỡ nào cũng không bị mất đi. Hồi đầu, tôi đặt cuộn phim vào trong hòm thư còn có chút lo lắng (bởi vì cuộn phim rất quan trọng, nếu mất đi thì thiệt hại là khó cứu vãn được), nhưng sau này thì rất tin tưởng và không còn chút lo lắng nào nữa. Thậm chí, trong một năm tôi gửi đi hơn 50 chi phiếu nhưng tất cả đều an toàn.

Công ty tuyển dụng người thành thật

Trên thực tế, hiện tượng mất trộm ở các siêu thị nước Mỹ cũng là có. Nhưng khi thảo luận vấn đề này với những người bạn Mỹ, họ đều nhún vai, nói: “Đây là không có cách nào!” Nhưng họ cũng nói: “Cái giá mà người ăn trộm phải trả là rất đắt, cho dù là ăn trộm một thứ nhỏ, một khi bị phát hiện thì sẽ bị ghi lại.”

Tôi tin lời họ nói. Trong một lần tham gia hoạt động tuyển dụng nhân tài của một công ty, tôi phát hiện, trong đó có không ít chức vụ đều có quy định: Trong vòng 15 năm gần đây không bị ghi nhận là có hành vi trộm cắp, lừa đảo và những hành vi phạm tội khác.

Bạn thử nghĩ xem, trong 15 năm, một người có tà tâm có thể thủ giữ được sao? Bởi vậy, người Mỹ đều coi việc giáo dục một đứa trẻ trở thành một người thành thật, giữ chữ tín là trách nhiệm quan trọng.

Những ví dụ tôi đã kể phía trên, không có nghĩa rằng tôi muốn nói nước Mỹ là một đất nước không biết đến “lừa gạt” và “dối trá”. Nước Mỹ cũng có những phần tử lừa đảo và phạm pháp đủ loại, nhưng nói chung, nước Mỹ là một đất nước rất coi trọng danh dự, mọi người dân lương thiện thông thường hầu hết tin tưởng lẫn nhau.

An Hòa biên dịch / Trithucvn

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn có phải là người của CIA?

Dù đã viết cuốn sách nổi tiếng và đang thực hiện phim về Phạm Xuân Ẩn song Larry Berman vẫn muốn đào sâu tìm hiểu thêm về cuộc đời huyền thoại tình báo.

Đã có nhiều cuốn sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, song X6 – Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy) của GS Larry Berman được nhiều người yêu thích.

Trong 8 năm, nhà sử học Berman đã tới Việt Nam 60 lần để thực hiện cuốn sách. Nhân dịp sách tái bản ở Việt Nam, tác giả Larry Berman có cuộc trò chuyện quanh công việc nghiên cứu về huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn.

– Gần đây bản tiếng Việt mới của cuốn “X6 – Điệp viên hoàn hảo” được phát hành. Trước đó ông có nói muốn viết lại cuốn sách từ đầu. Vậy ông dự định khi nào phiên bản tiếng Anh mới sẽ ra mắt và có gì mới so với bản cũ?

– Tôi không nghĩ đó là một phiên bản mới của bản tiếng Anh, đó chỉ là tái bản. Điểm thay đổi là sách sẽ được sửa chữa, bổ sung thêm một chương hoàn toàn mới và khá dài. Trong chương này tôi sẽ trình bày những gì tôi biết thêm về Phạm Xuân Ẩn kể từ khi sách ra đời hơn 10 năm trước, cũng như rút từ các cuộc trò chuyện với những người thích và không thích cuốn sách này.

Nha tinh bao Pham Xuan An co phai la nguoi cua CIA? hinh anh 1
GS Larry Berman (phải) trong một lần phỏng vấn huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn.

– Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông cho biết nếu có cơ hội hỏi Phạm Xuân Ẩn thêm thì ông sẽ hỏi về báo cáo liên quan đến chiến dịch Lam Sơn 719, và một số thứ về CIA. Những chi tiết này sẽ được bàn đến trong chương sách mới của ông?

– Thật ra có nhiều chi tiết tôi muốn hỏi thêm Phạm Xuân Ẩn. Đầu tiên tôi sẽ muốn hỏi ông về số lượng huân chương thực sự ông đã nhận được. Tôi đã đề cập 4 đến 5 huân chương quan trọng nhất trong sách, nhưng thật ra ông đã nhận từ 10 đến 15 huân chương. Tôi muốn biết các huân chương đó là gì, và tại sao ông ấy không cho tôi biết.

Tiếp theo, chắc chắn tôi muốn hỏi về Lam Sơn 719, và đặc biệt là về bác sĩ Tuyến. Ngay cả cho đến nay, tôi vẫn không hiểu vì sao ông ấy cứu bác sĩ Tuyến. Bởi vì ông Ẩn đã trả giá rất đắt cho việc này. Chắc hẳn họ có ân tình gì đó với nhau và bí mật này không ai có thể giãi bày được ngoài Phạm Xuân Ẩn.

Cuối cùng, tôi muốn hỏi ông nhiều hơn về công việc tư vấn tình báo mà ông làm cho chính quyền sau chiến tranh, liên quan đến Trung Quốc. Đó là một chủ đề lớn. Từ những năm 1998 hay 1999 cho đến khi mất, ông vẫn được nhờ làm công việc phân tích các tài liệu Trung Quốc mà Việt Nam nắm được.

Trong cuốn sách tôi có kể chuyện một người đưa thư đem kiện hàng đến nhà ông trong lúc chúng tôi đang ngồi với nhau. Ông nói đây là tài liệu về Trung Quốc. Rất tiếc tôi không hỏi thêm ông về chuyện này vì lúc đó đã cuối buổi phỏng vấn.

– Ông đã xác nhận CIA chưa bao giờ nghi ngờ Phạm Xuân Ẩn là điệp viên và còn định tuyển dụng ông ấy. Trong thực tế, xung quanh ông Ẩn lúc nào cũng toàn là người của CIA. Ông nghĩ có khi nào chính vì Phạm Xuân Ẩn là điệp viên CIA nên ông ấy được CIA bảo vệ?

– Đây là câu hỏi ai cũng muốn biết câu trả lời, nhưng không ai trả lời được. Tôi đã được hỏi chuyện này cả nghìn lần. Chính tôi đã hỏi ông Ẩn câu này. Ông Ẩn nói với tôi CIA cố gắng tuyển dụng ông ấy, nhưng cấp trên bảo quá nguy hiểm nên ông ấy từ chối. Có khả năng ông làm cho CIA? Cái gì cũng có thể. Nhưng tôi đã tìm hiểu về phía CIA và các cơ quan tình báo, và không ai tìm thấy bất cứ giấy tờ nào lưu trữ ở Mỹ cho biết Phạm Xuân Ẩn làm việc cho CIA. Việc này ngoài ông ấy ra thì không ai biết, bởi vì không có bằng chứng nào cả.

Nha tinh bao Pham Xuan An co phai la nguoi cua CIA? hinh anh 2
Ông Phạm Xuân Ẩn.

– Cuốn sách mới nhất viết về Phạm Xuân Ẩn của nhà báo Luke Hunt tiết lộ câu chuyện của Phạm Ngọc Đính, một phóng viên từng làm việc cho Reuters, rất thân với ông Ẩn. Ông đã đọc cuốn sách chưa và nếu có thì ông nghĩ sao về độ tin cậy của toàn bộ cuốn sách?

– Tôi đã đọc cuốn sách này. Luke Hunt và tôi có trao đổi qua Facebook và email. Tôi không nghĩ cuốn sách đủ cứ liệu. Nếu anh đọc rồi, anh hẳn biết trong tất cả sách về Phạm Xuân Ẩn thì cuốn này có lẽ nhiều sai sót nhất. Cuốn sách không được viết từ công sức nghiên cứu, mà từ những gì Luke nhớ về giai đoạn đó.

– Ông có thể tiết lộ về tiến độ của bộ phim truyền hình 30 tập và ý tưởng phim điện ảnh về Phạm Xuân Ẩn mà trước đây ông đã chia sẻ?

– Bộ phim truyền hình đang bị trì hoãn nhưng sẽ được hoàn thành. Về phim điện ảnh, như anh thấy tôi đã có một số cuộc gặp gỡ để triển khai dự án này.

Chúng tôi hiện có một nhóm đang làm việc để lập kế hoạch và xác định nhà đầu tư. Phim này khá tốn kém, có thể cần hơn 15 triệu USD để làm. Dự án hiện nhận được rất nhiều quan tâm, nhưng tôi cần người đầu tư cụ thể.

Lê Việt / Zing

Nền kinh tế LGBT bùng nổ, đem về cho Trung Quốc 300 tỷ USD mỗi năm

Tại các đô thị hạng 2 như Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, cộng đồng LGBT đang phát triển dữ dội.

So với Bắc Kinh, Thành Đô như một thế giới khác, và là thiên đường cho cộng đồng LGBT khi họ có thể thoải mái, cởi mở để bộc lộ tính cách, con người thật của mình.

Vừa nhậu nhẹt, vừa kiếm ra tiền

23 giờ tại cửa trước AMO – một hộp đêm dành cho giới đồng tính nữ ở Thành Đô – 17 người phụ nữ ăn mặc dị thường cùng mái tóc cắt ngắn đang đón chào những “dân chơi” đến tiệc tùng. AMO, theo Quốc tế ngữ (Esperanto), mang nghĩa “tình yêu”.

Trong 17 người đó có Yang Yang, 25 tuổi, làm việc cho AMO đã hơn 3 năm kể từ lúc cô chuyển đến sinh sống tại thành phố Thành Đô. Trong thời gian đó, Yang đã kiếm đủ tiền để mua một căn gác xép rộng gần 60 m2.

Nen kinh te LGBT bung no, dem ve cho Trung Quoc 300 ty USD moi nam hinh anh 1
Các nhân viên trong hộp đêm AMO. Ảnh: Bloomberg. 

“Vừa vui chơi, vừa nhậu nhẹt, lại kiếm được tiền. Còn gì có thể tuyệt hơn thế nữa?”, Yang chia sẻ.

Cả nơi làm việc lẫn nơi ở của Yang đều là một phần trong nền kinh tế LGBT đang phát triển mạnh tại Trung Quốc, bao gồm: hệ sinh thái người tiêu dùng, công ty, người lao động. Tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cộng đồng LGBT tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Truyền thông nước này ước tính nền kinh tế LGBT tại đây trị giá 300 tỷ USDmỗi năm, đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau châu Âu và Mỹ. Nhiều công ty được cho là đang mong muốn, hào hứng khai thác sâu hơn vào nền kinh tế này.

“Các công ty có thể sẽ phát triển mạnh hơn nữa nếu làm quen với thị trường này nhiều hơn. Nhưng tôi hiểu sự thận trọng của họ, bởi mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong tích tắc. Và tại Trung Quốc, không có gì là chắc chắn”, Darius Longarino – nghiên cứu viên về LGBT ở Trung Quốc tại trường Luật, Đại học Yale (Mỹ) – nhận định.

Thành Đô được bao quanh bởi những ngọn núi, khiến thành phố bị cô lập trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, với đất đai màu mỡ cùng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nơi đây vẫn có thể tự cung, tự cấp.

Thành phố 16 triệu dân nổi tiếng toàn cầu về gấu trúc này đã được bầu chọn làm thủ đô của người đồng tính Trung Quốc. Cuộc bầu chọn được thực hiện thông qua Blued, một ứng dụng hẹn hò dành cho giới đồng tính.

Nen kinh te LGBT bung no, dem ve cho Trung Quoc 300 ty USD moi nam hinh anh 2
Cộng đồng LGBT đang phát triển mạnh mẽ tại Thành Đô. Ảnh: Alamy. 

Giá thuê nhà rẻ tại đây đã thu hút những người trẻ tuổi. Nhiều quán cà phê ở Thành Đô mang phong cách San Francisco và chứa đầy khách hàng thuộc thế hệ Y. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức 8%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình cả nước.

“Trước khi vào đại học, có lẽ tôi chưa gặp ai đồng tính. Nhưng ở đây, tôi có cảm giác như là nhà bởi tất cả bạn thân đều là gay hoặc lưỡng tính. Khi về quê, tôi không bao giờ nói với ai rằng mình là người lưỡng tính”, Katherine Gou – một sinh viên đến từ Quảng Châu và đang theo học tại Thành Đô – chia sẻ.

Tiếp cận khách hàng một cách tinh tế

Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ Tư vấn Sức khỏe Tongle ước tính Thành Đô có đến 140.500 người đồng tính nam. Mặc dù Trung Quốc đã hợp pháp hóa chuyện đồng tính luyến ái vào năm 1997, và xóa khái niệm này khỏi danh sách các rối loạn tâm thần vào năm 2001, nhưng cộng đồng LGBT vẫn sống với đầy sự mơ hồ.

Không có luật nào chống lại cộng đồng LGBT, nhưng cũng không có luật nào bảo vệ họ khỏi sự phân biệt, đối xử. Trung Quốc không công nhận hôn nhân đồng tính. Và trước sự căng thẳng này, các tập đoàn đã cố gắng tiếp cận thị trường LGBT theo những cách tinh tế.

Nen kinh te LGBT bung no, dem ve cho Trung Quoc 300 ty USD moi nam hinh anh 3
Tại một quán bar dành cho cộng đồng LGBT tại Thành Đô. Ảnh: Bloomberg. 

Đầu năm nay, Starbucks đã bán những chiếc cốc mang chủ đề cầu vồng (biểu tượng LGBT) và được in những dòng chữ ủng hộ LGBT như “Love is Love” – khẩu hiệu của cộng đồng này.

Năm 2015, sau khi Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, Alibaba, Taobao, và Blued đã tổ chức một cuộc thi để gửi 7 cặp đồng tính đến Hollywood kết hôn, nhận được hơn 400 bài dự thi. Năm nay, các thương hiệu như Bayer, Coach, Diesel, Old Navy và Shake Shack đã tài trợ cho tuần lễ ShanghaiPRIDE – sự kiện hàng năm tại Thượng Hải dành cho cộng đồng LGBT.

Tại Thành Đô, những doanh nghiệp nhỏ cũng cho ra mắt những sản phẩm phục vụ LGBT, từ vỏ di động màu cầu vồng cho đến tòa nhà chung cư mang phong cách thân thiện với người đồng tính nữ. Những thành viên cộng đồng LGBT chia sẻ rằng đôi khi họ phải che giấu xu hướng tình dục của mình trước chủ nhà. Các cửa hàng trên trang mua sắm trực tuyến Taobao cũng hoạt động mạnh tại thị trường này.

Tuy nhiên, việc kinh doanh có thành công hay không còn tùy thuộc vào sự cho phép của chính phủ. Đơn cử, trò chơi di động Gaydorado dành cho người đồng tính thu hút 20.000 người dùng mỗi ngày. Những người chơi này chi hàng triệu nhân dân tệ mỗi tháng để mua vật phẩm trong game. Nhưng, vì Gaydorado không được chính phủ cấp phép nên người chơi Trung Quốc phải “hack” mới có thể truy cập vào, tương tự họ đã làm để chơi một số game bom tấn từ phương Tây.

Phương án tiếp cận thị trường LGBT Trung Quốc là điều quan trọng nhất, đặc biệt khi chính phủ có thể phạt doanh nghiệp vì vượt qua những làn ranh luật pháp mơ hồ. Năm 2017, ứng dụng hẹn hò cho giới đồng tính nữ Rela buộc tạm ngừng hoạt động do ủng hộ một sự kiện tại Thượng Hải để nâng cao nhận thức về quyền lợi của LGBT.

Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc đôi khi cũng cởi mở về vấn đề này. Năm 2008, trong dịp Olympic Bắc Kinh, hãng thông tấn quốc gia Xinhua đã chạy quảng cáo cho hộp đêm Destination và mô tả nó như “CLB gay nóng bỏng nhất Bắc Kinh”.

“Đó như một thông điệp gửi đến phương Tây rằng cộng đồng LGBT tại Trung Quốc không thật sự sống trong một môi trường ngột ngạt”, Edmund Yang nhận xét. Ông Yang đã phát triển một quán bar thành tổ hợp 4 tầng bao gồm quán cà phê ngoài trời, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm đa văn hóa, và phòng khám với dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí.

Năm 2016, Blued ước tính có khoảng 70 triệu người Trung Quốc trong cộng đồng LGBT, nhưng hầu hết đều không sống thoải mái hay tự tin. Cũng trong năm đó, một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về xu hướng tình dục tại Trung Quốc chỉ ra chỉ 5% thành viên trong cộng đồng LGBT tại nước này công khai con người thật của mình.

Blued và tổ chức vì quyền lợi người đồng tính Danlan, đã thực hiện một cuộc khảo sát với 7.500 cá nhân trong cộng đồng LGBT Trung Quốc. Hơn ½ số người được hỏi cho biết rằng những tập đoàn có chính sách ủng hộ LGBT sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của họ. LGBT Capital đánh giá sức mua của cộng đồng LGBT tại Trung Quốc có thể lên đến 541 tỷ USD.

Nen kinh te LGBT bung no, dem ve cho Trung Quoc 300 ty USD moi nam hinh anh 4
Diễu hành ủng hộ người đồng tính ở Thượng Hải. Ảnh: Shanghai Pride. 

AMO cũng đặt cược vào nền kinh tế đang bùng nổ này. Họ đã các hộp đêm tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, đang lên kế hoạch mở thêm một chi nhánh tại Thượng Hải trong năm nay, và mở rộng ra nhiều thành phố hơn vào năm 2020.

“Khi bắt đầu kinh doanh, chúng tôi đã không mong đợi lượng khách khổng lồ dù Thành Đô được xem như quốc gia của LGBT. Tuy nhiên, nhu cầu tìm chốn thư giãn, vui chơi và đặc biệt là hẹn hò hiện rất mạnh mẽ”, quản lý AMO, Xiao Bai nhận xét.

Theo Bloomberg

Cách mạng lần thứ ba và tương lai Trung Quốc

Cách mạng thường có nghĩa là thay đổi để tiến lên. Nhưng trong lịch sử hãn hữu có trường hợp cách mạng giật lùi (regression) như cách mạng Hồi giáo cực đoan tại Iran (1978-1979) do giáo chủ Avatollah Khomeini cầm đầu. Không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử” (sau Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga).

Gần đây, “Cách mạng Lần thứ ba” tại Trung Quốc do Tập Cận Bình cầm đầu (từ 2012) đã làm ngược lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là “Dấu mình Chờ Thời” và khôi phục Sùng bái Cá nhân như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã trở thành “Hoàng đế Đỏ” quá sớm như “Cao Biền dậy non”, dẫn đến đối đầu Mỹ-Trung và chiến tranh lạnh về kinh tế.

Gần đây, chủ trương kiểm soát cực đoan đã xô đầy hàng triệu người Hong Kong xuống đường phản đối luật dẫn độ đang đe dọa quy chế tự do dân chủ của Hong Kong. Nếu nhà cầm quyền không nhân nhượng, phái diều hâu ở Mỹ sẽ có thêm lý do để chống Trung Quốc. Hong Kong Policy Act và Taiwan Act có giá trị răn đe Trung Quốc không được vi phạm cam kết. Hong Kong và Đài Loan là hai quả bom nổ chậm làm Bắc Kinh đau đầu.

Theo Minxin Pei, khi đối đầu Mỹ-Trung leo thang làm Trung Quốc khó tiếp cận nguồn vốn và công nghệ Mỹ, vai trò Hong Kong càng quan trọng hơn. Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thảm họa, “Bắc Kinh nên rút bỏ dự luật này trước khi quá muộn”. (China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019).

Trong đối đầu chiến lược Mỹ-Trung đầy biến số, tương lai Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn và công nghệ cao. Ngày 24/5/2019, chương trình SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên của dự án Starlink, nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn thế giới. Starlink có thể làm hệ thống 5G của Huawei trở nên lạc hậu.

Cách mạng lần thứ ba

Theo các học giả, kể từ khi lập quốc (1949) Trung Quốc đã trải qua ba cuộc cách mạng hiện đại. Lần thứ nhất là khi Hồng quân của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông cầm đầu đã giải phóng lục địa và thống nhất Trung Quốc. Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mao đã nôn nóng phạm sai lầm nghiêm trọng về “Đại Nhảy vọt” (1958-1961) làm hơn 30 triệu người chết và “Cách Mạng Văn Hóa” (1966-1976) làm Trung Quốc suy sụp.

Lần thứ hai là khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền trong hai thập niên (1970 và 1980), đã triển khai cải cách kinh tế thị trường triệt để với khẩu hiệu thực dụng “Mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột”, nới lỏng kinh tế nhà nước và kiểm soát chính trị. Đó là thời kỳ mở cửa ngoại giao mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh (1972) để rút quân khỏi Việt Nam và chống Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Quan hệ hợp tác Mỹ-Trung đã phát triển sâu rộng trong suốt ba nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, với chủ trương can dự (constructive engagement) giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp vụ đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn (1989). Bill Clinton đã cho Trung Quốc hưởng quy chế “tối huệ quốc” và gia nhập WTO (năm 2001). Đó là những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc trỗi dậy và “cất cánh”, vượt Nhật Bản (2010), và cạnh tranh với Mỹ.    

Elizabeth Economy (CFR) đã liệt kê những biến chuyển sâu rộng mà Tập Cận Bình đã tạo ra và coi đó là “cuộc cách mạng lần thứ ba” (third revolution) hay chính xác hơn là “phản cách mạng” (counterrevolution) như Orville Schell đã điểm cuốn sách này. Economy phân tích tại sao thách thức của Trung Quốc đối với trật tự do Mỹ dẫn đầu lại nghiêm trọng như vậy, và các mâu thuẫn trong chính sách của Bắc Kinh lại đe dọa các tham vọng của Tập.

Cuối cùng, Economy đã lạnh lùng truy cứu những nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình với câu hỏi cơ bản đặt ra khi ông theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”: Một quốc gia phi dân chủ muốn lãnh đạo một trật tự thế giới dân chủ (an illiberal state seeking leadership in a liberal world order). (The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth  Economy, Oxford University Press, 2018).

Sự quyết đoán của Trung Quốc đã bùng nổ cùng với sự trỗi dậy củng cố quyền lực của Tập Cận Bình (từ 2012). Năm 2014, Tập bắt đầu kêu gọi Trung Quốc “không chỉ sẵn sàng viết lại luật chơi mà còn xây dựng sân chơi toàn cầu”. Tập không chỉ khôi phục “Sùng bái Cá nhân” như thời Mao Trạch Đông, mà còn xây dựng một hệ thống kiểm soát xã hội và cho điểm công dân (social credit system) như trong một tác phẩm của George Orwell.

Trong hệ thống đó, tin tặc được nhà nước bảo trợ và thể chế hóa để ăn cắp công nghệ của Mỹ, vi phạm bản quyền và nhân quyền. Kết cục là người Mỹ buộc phải lên tiếng chống lại (backlash). Cuốn sách của Economy phản ánh sự điều chỉnh trong tư duy chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong 50 qua, cũng như biến động trong quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung.

Theo một tài liệu nghiên cứu của nhóm đặc nhiệm gồm 15 chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, (như Elizabeth Economy, David Shambaugh, Winston Lord) do Asia Society và University of California tổ chức, Mỹ-Trung “đang đối đầu” (on a collision course) và “nguy cơ xung đột công khai” (overt conflict) lớn hơn trước. Tuy họ hoan nghênh Trump đã chống lại (pushback) Trung Quốc, nhưng bản thân sự chống lại đó không phải là một chiến lược.

Họ cho rằng Trump đã làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và khả năng xung đột với Trung Quốc bằng cách làm giảm giá trị hai lợi thế lớn nhất của Mỹ là “hệ thống đồng minh/đối tác và những cơ chế đa phương toàn cầu”. Việc Trump bỏ rơi TPP là một sai lầm tai hại. Trump làm giảm giá trị của pháp quyền và uy tín của Mỹ, làm đồng minh lo lắng và làm đối tác bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trump khen các nhà độc tài (như Tập và Putin) làm Bắc Kinh càng thêm cứng rắn, và làm khó dễ những người Trung Quốc muốn cải cách chính trị.

Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute), Tập Cận Bình ngày càng hung hăng là một phần của chiến lược nhằm “thay thế vị trí bá quyền của Mỹ”. Pillsbury đã lập luận một cách thuyết phục rằng Mỹ đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong khi giới tinh hoa tiếp tục bị phân hóa, thì Pillsbury lên án các chuyên gia Mỹ đã nhất quán coi thường giới diều hâu Trung Quốc, nay mới tỉnh ngộ nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Mỹ và trật tự thế giới dân chủ (the liberal world order). (The Hundred Year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America As the Global SuperpowerMichael Pillsbury, St Martin Press, 2015).

Cuốn sách của Economy tuy không gây tranh cãi bằng cuốn của Pillsbury, nhưng đã nêu bật được các điểm yếu và nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình, có thể làm hỏng tham vọng của ông. Economy nghi ngờ sức mạnh của Bắc Kinh đã cản trở giáo dục và Internet, nạn trộm cắp bản quyền và hệ thống bất cập đã ngăn cản sự phát triển của một môi trường hậu thuẫn cho nghiên cứu cơ bản với chất lượng cao. Theo David Shambaugh, chỉ có khoảng 2,2 triệu trong số 4 triệu sinh viên Trung Quốc du học từ 1987 đã trở về nước. Trung Quốc không thể bước lên các bậc thang giá trị gia tăng để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Tương lai Trung Quốc

Theo Ali Wynes (RAND), GNP của Trung Quốc đã tăng 9 lần trong những năm 2001-2016, (từ US$1,34 tỷ lên US$11,2 tỷ) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, và năm 2013 trở thành nước buôn bán lớn nhất. Đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế toàn cầu đã tăng bốn lần (từ 4% lên 16%). Đến năm 2016, Trung Quốc đã chiếm 34% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, 4 ngân hàng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc: (1) Industrial and Commercial Bank of China (US$4,000 tỷ), (2) China Construction Bank (US$3,400 tỷ), (3) Agriculture Bank of China (US$3,240 tỷ), (4) Bank of China (US$2,990 tỷ), trong khi JP Morgan Chase được xếp thứ 6 hoặc 7 trong danh sách các ngân hàng đứng đầu thế giới. Nhưng China Development Bank (CDB) lớn bằng tất cả các ngân hàng đó cộng lại. Người ta nói “Nếu Đảng Cộng sản là Chúa Trời (God) tại Trung Quốc, thì CDB là Nhà Tiên tri (Prophet).

CDB đã thuê những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tham gia “Hội đồng Cố vấn Quốc tế” (International Advisory Council): Hank Greenberg (cựu chủ tịch AIG), Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng), Fred Bergsten (economist), và Frenkel (cựu thống đốc Bank of Israel). Họ đem lại uy tín cho CDB, và các thương vụ ngầm (behind closed doors).

Tạp chí Forbes (năm 2018) đã liệt kê 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới là: USA, China, Japan, Germany, và UK. Nhưng theo các nhà kinh tế, đến năm 2030 thì danh sách này sẽ bị đảo lộn theo một thứ tự khác: China, USA, India, Japan, và Indonesia. Theo tạp chíFortune (năm 2018), trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 126 công ty, Trung Quốc có 120 công ty, Nhật có 52 công ty, Ấn Độ có 7 công ty. Trong danh sách 100 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 30, Trung Quốc có 18, Nhật có 8, và Ấn Độ có 1 công ty.

Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất, gấp hai lần rưỡi Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ hai thế giới. Nếu cộng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và Hồng Kong lại, thì tổng số là US$3,600 tỷ. Ấn Độ xếp thứ 8 (năm 2018) với forex reserves là US$403,7 tỷ, trong khi của Mỹ là US$123,5 tỷ và của Anh là US$187,4 tỷ. Theo Joe Nye, Trung Quốc tuy có tiềm lực kinh tế hùng mạnh như vậy, nhưng vẫn là “người khổng lồ chân đất sét”.

Cuộc chiến thương mại đang phơi bày những tử huyệt của Trung Quốc. Nay người ta thấy rõ Huawei, niềm tự hào của Trung Quốc về công nghệ cao, cùng với ZTE, đang bị “bẻ nanh” (defanged). Có thể nói Trung Quốc đã chậm chân về công nghệ ít nhất 10 năm. Tình trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành quốc phòng, công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác.  Vấn đề của Huawei cho thấy những ảo tưởng của Trung Quốc, vì đến nay chìa khóa công nghệ cao vẫn nằm trong tay Mỹ, Đức, Nhật và Hàn Quốc. (The trade war shows China’s economic dream is dying, South China Morning Post, June 11, 2019).

Theo Asia Times (23/5/2019), 14 nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đại diện bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên Quốc Hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo quy trình, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ là người chịu trách nhiệm phải báo cáo định kỳ với Quốc Hội danh sách những tổ chức và cá nhân Trung Quốc nào sẽ bị cấm vận.

Danh sách ban đầu có thể gồm 25 công ty lớn của Trung Quốc, như CCCC Dredging Group (thuôc Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, tham gia xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông), Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), và China Mobile…

Theo TNS Rubio, Trung Quốc “là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước này từng đối mặt”, trong các lĩnh vực viễn thông, điện toán lượng tử, AI và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập dữ liệu lớn (big data). Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cứng rắn hơn, với sự đồng thuận và hợp nhất ý tưởng trong bộ máy chính sách đối ngoại, bao gồm các thành viên của 2 đảng trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence…

Nếu “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” được thông qua, Mỹ có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên quan tới “các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”. Theo Bonnie Glaser (CSIS) khoảng 73% các sự vụ chính xảy ra ở Biển Đông từ năm 2010 có liên quan tới các tàu chấp pháp của Trung Quốc…“Dự thảo này không nhằm vào những đối tượng xấu khác, mà thực sự nhằm vào Trung Quốc”. Glaser nhấn mạnh Biển Đông chưa bao giờ được chú ý đặc biệt như thế trong chính sách của chính quyền Trump…

Lầu Năm Góc vừa lập ra một cơ quan mới là “Văn phòng Phân tích Kinh tế và Thương mại” có nhiệm vụ rà soát các hợp đồng quốc phòng có liên quan đến các công ty Trung Quốc thông qua bên cung ứng thứ ba. Theo James Mulvenon (một chuyên gia về an ninh mạng) Lầu Năm Góc đã coi chất bán dẫn là “ngọn đồi” mà họ phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ. Đó là ngành công nghiệp mà Mỹ phải dẫn đầu vì mọi thứ khác đều dựa vào đó. Trong khi đó, Kiron Skinner (Bộ Ngoại giao) cho rằng xung đột giữa các nền văn minh và sắc tộc đang diễn ra, và nhấn mạnh rằng Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc như trước đây đối với Liên Xô.

Gần đây, Bộ Tư lệnh Tuần duyên Mỹ đã điều hai tàu USCGC Bertholf và USCGC Stratton tham gia các hoạt động cùng Hạm đội 7 đóng tại Okosuka, Nhật Bản, đến hoạt động ở khu vực Biển Đông với mục đích giúp các nước khu vực thực thi pháp luật, và xây dựng năng lực trong hoạt động đánh cá. Đây là một chủ trương mới nhằm đối phó với lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc, lâu nay vẫn áp đảo và bắt nạt các nước trong khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo (11/6/2019), Phó đô đốc Linda Fagan, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ cho biết họ đang theo dõi các hoạt động xâm lấn của “dân quân biển” Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến tuần tra đầu tiên của tàu Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông đã diễn ra sau 7 năm, và Fagan cho biết sự trở lại của Tuần duyên Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế cho phép các tàu được đi qua các vùng biển quốc tế. Động thái này của Tuần Duyên Mỹ mở ra triển vọng hợp tác về tuần duyên trong khu vực.

Triển vọng Việt Nam  

Theo Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), phái “thu tô” hay “trục lợi” (rent-seeking) được hiểu là một trường phái chính sách (chứ không hẳn là một phe phái chính trị), không vì lợi ích dân tộc, cũng chẳng vì lý tưởng chủ nghĩa nào, mà chỉ lợi dụng quyền lực nhà nước để “thương mại hoá” quyền lực ấy. Họ thường lập luận “giữ ổn định để phát triển” nhưng thực tế họ muốn “giữ ổn định bằng mọi giá, kể cả không phát triển”. (Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước Đại Hội 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, June 8, 2019).

Khi bước vào thời kỳ “đổi mới” (từ cuối 1986), lúc đầu có hai trường phái chính sách chủ yếu là “bảo thủ” và “đổi mới”, nhưng sau đó đã xuất hiện trường phái thứ ba là phái “thu tô/trục lợi”, được hiểu là “các tổ hợp chính trị-thương mại” (hay các nhóm lợi ích thân hữu) đã thao túng nền kinh tế Việt Nam trong suốt giai đoạn quá độ (chuyển đổi). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu “nhà nước thu tô” đẻ ra tình trạng “không chịu phát triển” như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét. Tinh thần “chấn hưng” của người Việt chưa bao giờ vượt qua được cửa ải “giữ ổn định”, làm “nhà nước thu tô” mạnh hơn hẳn “nhà nước kiến tạo”.

Đó là bức tranh đối nội, còn về đối ngoại, Vuving cho rằng quan hệ Việt-Mỹ ngày càng “nồng ấm hơn”, trong khi quan hệ Việt-Trung “có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong”. Tuy thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison) được nhiều người đề cập, nhưng ít có khả năng (unlikely) xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Yếu tố Nga” tuy có thể giúp Việt Nam phần nào để chống lại sức ép từ Trung Quốc nhưng không nhiều, và khả năng Nga chống lưng cho Việt Nam “khá mong manh”. Để chống lại sức ép Trung Quốc, Việt Nam phải tăng cường quan hệ với một loạt cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước khác như Anh, Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như các nước láng giềng có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sinh tồn của khu vực như Lào và Campuchia, cũng như ASEAN…

Xu thế chung của Việt Nam hiện nay là dịch chuyển “gần Mỹ hơn và xa Trung Quốc hơn”, nhưng với tốc độ nhỏ giọt để “không gây ra chấn động”. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam vẫn “không muốn quá gần Mỹ hoặc quá xa Trung Quốc”. Nhưng gần đây, lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn (trước đây thường lo ngại về Mỹ nhiều hơn). Xu thế xích lại gần Mỹ “nay nhỉnh hơn” so với xu thế thích gần Trung Quốc.

Các yếu tố truyền thống như ý thức hệ và sự níu kéo của Trung Quốc, vốn nuôi dưỡng tham nhũng và cản trở đổi mới, nay sẽ bớt tác dụng hơn. Điều đó khiến người Việt lạc quan hơn về triển vọng cất cánh của Việt Nam trong tương lai. Về lâu dài, xu hướng ‘thoát Trung” (dịch chuyển khỏi quỹ đạo Trung Quốc) sẽ làm giảm môi trường nuôi dưỡng các phái “thu tô/trục lợi”.  Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam là gì thì chưa rõ. Bản thân chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Trung Quốc vẫn còn đang hình thành.

Nói cách khác, sau 2 năm rưỡi cầm quyền, chính quyền Trump vẫn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về chiến lược. Trong khi ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh “hiện thực, kiềm chế,  và tôn trọng” (realism, restraint, and respect), John Bolton (cố vấn ANQG) vẫn muốn “thay đổi chế độ” (như Maduro ở Venezuela, Assad ở Syria và Khomeni ở Iran). Tuy trước mắt Trump có thể vận dụng sự lộn xộn đó làm thiên hạ khó lường, nhưng về lâu dài đó không phải là chiến lược. Điều duy nhất Trump có thể vận dụng để chống Trung Quốc là “đồng thuận lưỡng đảng”. (American Foreign Policy Adrift”, Foreign AffairsJune 5, 2019).

Muốn kiến tạo, Việt Nam phải chuyển sang tâm thế bứt phá để bung ra. Chỉ khi nào chuyển từ vai trò nhà nước quản lý sang nhà nước giải phóng sức sáng tạo của xã hội thì Việt Nam mới có thể cất cánh được. Người Việt phải nuôi dưỡng bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn, đặc biệt là thách thức trong cuộc chạy đua công nghệ lần thứ 4 và trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì “thách thức tuy lớn nhưng cơ hội không nhỏ”. Nếu không bồi dưỡng bản lĩnh để chơi những cuộc chơi mới, thì Việt Nam không bao giờ cất cánh được.

Hiện nay, sức ép đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước đến chủ yếu từ hai nguồn. Thứ nhất, sự yếu kém về quản trị, là hang ổ của nạn tham nhũng đã lộ diện ngày càng nhiều, khiến TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng, vốn ủng hộ mạnh mẽ kinh tế nhà nước, nay cũng phải đặt lại vấn đề kinh tế tư nhân tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thứ hai, cả 2 hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) tuy không có Mỹ tham gia, nhưng đã thay đổi phần nào luật chơi và sân chơi, khiến các doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm thêm khá nhiều quyền ưu đãi.

Theo Vuving, vai trò các nhóm vận động cho xã hội dân sự và dân chủ ở Việt Nam trong bối cảnh chính trị nội bộ trước mắt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tương tác giữa họ với chính quyền và người dân trong nước, “chứ không phải vào chiến lược của Mỹ”. Tuy nhiên, về lâu dài nếu Việt Nam dịch xa quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ phải xích lại gần hơn các nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để tạo đối trọng. Các nước này có xã hội dân sự phát triển mạnh, nên bản thân Việt Nam với xu hướng hội nhập, sẽ phải coi trọng hơn vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Lời cuối

Người ta nói Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng nay tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác đến cạn kiệt, và bị lấn chiếm và ngăn cấm bởi người hàng xóm mạnh hơn và tham lam đang muốn kiểm soát Biển Đông. Chỉ có cái mỏ người là vô tận và tự tái sinh, nếu biết nâng cao dân trí và thay đổi thể chế để giải phóng năng lực sáng tạo. Israel là một bài học về “quốc gia khởi nghiệp” và Hong Kong là một bài học về dân trí cao, tuy có 7 triệu dân nhưng là một mỏ vàng.  Việt Nam có 97 triệu dân (2019) là một cái mỏ vàng tiềm ẩn khổng lồ, nhưng đáng tiếc vì đất nước vẫn nghèo nàn, tụt hậu và năng suất lao động thấp nhất khu vực.

Tài liệu tham khảo  

  1. The Hundred Year Marathon:China’s Secret Strategy to Replace America As the Global SuperpowerMichael Pillsbury, St Martin Press, 2015
  2. The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018
  3. American Foreign Policy Adrift”,Foreign AffairsJune 5, 2019.
  4. The trade war shows China’s economic dream is dying. Beijing now has a choice: open up or stagnate,Graeme Maxton, SCMP, June 11, 2019
  5. China Is Courting Disaster in Hong Kong,Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019
  6. Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước ĐH 13,Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, (phỏng vấn Alexander Vuving), June 8, 2019.

NQD. 20/6/2019

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-6-19