Theo Skytrax 2019, Changi Singapore giữ danh hiệu sân bay tốt nhất thế giới bảy năm liên tiếp.
1. Singapore Changi
Sân bay này đã nhận được nhiều khen ngợi của hành khách vì kiến trúc đẹp, hoạt động hiệu quả, tiện nghi sang trọng, nhiều lựa chọn ăn uống và mua sắm. Bên trong sân bay còn có các dịch vụ như rạp chiếu phim, giải trí đa phương tiện, spa… Sân bay Changi xếp thứ 19 trên thế giới về độ bận rộn khi phục vụ khoảng 65,6 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: CNBC.
2. Tokyo Haneda
Haneda là một trong hai sân bay quốc tế lớn ở Tokyo (Nhật Bản), nằm cách trung tâm thành phố khoảng 24 km. Trung bình hàng năm, sân bay này đón 87,1 triệu lượt khách, 900 chuyến bay mỗi ngày nhưng các hoạt động từ tiếp đón, vệ sinh, an ninh, tổ chức bay đều nhịp nhàng và đúng giờ. Ảnh: Newsweek.
3. Seoul Incheon
Vị trí của sân bay Incheon (Hàn Quốc) giảm một hạng so với năm trước. Sân bay đi vào hoạt động năm 2001, nằm trên một hòn đảo gần thủ đô Seoul và phục vụ 68,4 triệu lượt khách mỗi năm. Hành khách ưa thích Incheon bởi có nhiều lựa chọn mua sắm, ăn uống, các buổi trình diễn văn hóa. Bên trong khuôn viên sân bay còn một bảo tàng triển lãm văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: UNStudio.
4. Doha Hamad
Hamad mở cửa vào năm 2014, là nhà của hãng hàng không Qatar Airways. Skytrax mô tả công trình này là khu phức hợp xa xỉ nhất. Sân bay có diện tích hơn 21 km2 với chi phí xây dựng 16 tỷ USD, phục vụ khoảng 34 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: USA Today.
5. Hong Kong
Nằm trên hòn đảo nhân tạo ngoài khơi Hong Kong, đây là một trong những sân bay bận rộn nhất châu Á kể từ khi mở cửa năm 1998 với khoảng 74,5 triệu lượt mỗi năm. Sân bay này là nhà của những hãng hàng không lớn như Cathay Pacific, Hong Kong Airlines. Ảnh: Arup.
6. Centrair Nagoya
Có tên đầy đủ là Chubu Centrair International Airport Nagoya, sân bay nằm trên một hòn đảo nhân tạo ngoài vịnh Ise thuộc thành phố Tokoname, tỉnh Aichi, phía nam của Nagoya, Nhật Bản. Đây cũng là cửa ngõ hàng không lớn nhất của tỉnh Aichi, phục vụ 9,8 triệu lượt khách hàng năm. Điểm nhấn của Centrair là tầng 4 với khu ban công ngoài trời – sky deck dài hơn 300 m nối ra gần đường băng để du khách có thể ngắm nhìn máy bay và tàu thuyền trên biển. Sân bay còn sở hữu một nhà tắm truyền thống của Nhật Bản để các hành khách ngâm mình thư giãn. Ảnh: Raiders.
7. Munich
Nằm ở phía đông bắc thành phố Munich, đây là một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu và thứ hai ở Đức, sau sân bay Frankfurt với lượng khách hàng năm là 46,3 triệu. Khu lướt sóng, sân trượt tuyết, vườn bia là vài điểm đến tại khu vui chơi giải trí nằm trong khuôn viên của sân bay. Dưới mái vòm lớn ở khu trung tâm, hành khách có thể lướt trên những con sóng nhân tạo trong mùa hè, uống bia vào tháng 10 và mua sắm tại các cửa hàng Giáng Sinh khi tháng 12 tới. Ảnh: Surfer Girl On The Move.
8. London Heathrow
Heathrow là sân bay bận rộn thứ bảy trên thế giới với 80,1 triệu lượt khách mỗi năm, đồng thời là sân bay lớn nhất ở London. Hiện sân bay này đang trong thời gian cải tạo, bổ sung thêm một nhà ga mới. Công trình 10 năm tuổi với tên gọi “Terminal 5” được Skytrax đánh giá là nhà ga sân bay tốt nhất thế giới. Ảnh:CAPA.
9. Tokyo Narita
Cách trung tâm thành phố Tokyo khoảng 60 km, sân bay Narita đón lượng khách trung bình hàng năm khoảng 42,6 triệu. Skytrax đánh giá cao sân bay ở các hạng mục như đội ngũ nhân viên hoạt động hiệu quả, thân thiện, cơ sở vật chất sạch sẽ và phong phú về ẩm thực. Ảnh: Wikipedia.
10. Zurich
Đây là sân bay quốc tế lớn nhất Thụy Sĩ, cách trung tâm thành phố Zurich khoảng 13 km. Sân bay có 9 lounge sang trọng, phục vụ champagne và các loại rượu, hơn 80 cửa hàng chocolate trong khu miễn thuế cùng nhiều nhà hàng, quán bar, thậm chí cả cửa hàng tạp hóa, đài quan sát ngoài trời nhìn ra đường băng… Hầu hết khách du lịch đều bình chọn đây là sân bay tốt nhất châu Âu với lượng khách hàng năm khoảng 30 triệu lượt. Ảnh: Tripsavvy.
Các nhân vật nữ của Jane Austen luôn nhận được cái kết có hậu. Họ được sống trọn đời bên người đàn ông mình yêu. Nhưng đó chính là khao khát mà sinh thời, nữ văn sĩ không có được.
Jane Austen sinh năm 1775 tại giáo xứ Steventon, thuộc hạt Hampshire, miền Nam nước Anh. Nơi đây cũng là quê hương của nhà văn hiện thực nổi tiếng thế kỉ 17 Charles Dickens.
Nữ văn sĩ là con gái thứ bảy trong một gia đình đông đúc với tám anh chị em. Cha của bà là mục sư George Austen, đồng thời ông cũng là một học giả có tiếng trong vùng.
Trước kia, dòng họ Austen vốn rất giàu có và sở hữu nhiều điền trang, nhưng đến đời ông nội của Jane Austen thì ngày một sa sút. Do cha mẹ mất sớm, thời thơ ấu, mục sư George Austen và cô em gái lớn lên trong sự chăm sóc của những người họ hàng.
Là một người có học vấn sâu rộng nên vị mục sư rất coi trọng giá trị của tri thức. Ông luôn khuyến khích các con suy nghĩ một cách độc lập và chăm đọc sách.
Chân dung nhà văn Jane Austen.
Vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, ngay cả với những gia đình quý tộc Anh, việc học tập đối với nữ giới cốt để tìm được một tấm chồng tương xứng. Nhưng George Austen không nghĩ như vậy, với ông con gái cũng nên học hành một cách nghiêm túc để trau dồi trí tuệ.
Năm 1783, Jane và chị gái là Cassandra được gửi tới học tại Oxford. Ở đây, hai chị em bà nhanh chóng bộc lộ năng khiếu nghệ thuật.
Nếu như cô chị Cassandra yêu thích hội họa thì cô em Jane lại rất hứng thú với việc làm thơ. Lớn lên bên nhau, cùng nhau đi học xa nhà nên giữa chị em họ có một sự gắn bó đặc biệt như hình với bóng.
Sau này, Jane trở thành người mẫu trong nhiều bức chân dung của cô chị Cassandra. Tình chị em giữa họ cũng chính là nguồn cảm hứng để nhà văn viết nên tiểu thuyết Lý trí và tình cảm.
Trong bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen là Kiêu hãnh và định kiến, Lý trí và tình cảm, Emma; bà đều xây dựng hình tượng những nhân vật nữ kiên cường, có chính kiến trong tình yêu, dám đấu tranh để dành được hạnh phúc. Các tác phẩm luôn khép lại bằng cái kết tràn đầy hạnh phúc. Đám cưới như minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng.
Nhưng tiếc rằng lúc sinh thời tình yêu và hạnh phúc lứa đôi không mỉm cười với Jane Austen. Mối tình đầu và cũng là duy nhất của bà là Tom Lefroy, còn được biết đến dưới cái tên Thomas Langlois Lefroy, người mà sau này trở thành một chính trị gia nổi tiếng của Ireland. Họ gặp nhau vào năm 1895 khi Tom tới thăm vùng Steventon. Ngay từ lần gặp đầu tiên Jane đã bị lôi cuốn bởi vẻ lịch lãm của chàng luật sư trẻ tuổi.
Ấn bản mới nhất của tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến.
Nhưng Tom Lefroy tỏ ra kiêu ngạo và không để ý tới bà, nhưng cuối cùng ông cũng bị thu hút bởi sự thông minh của nữ văn sĩ. Họ yêu nhau say đắm, Tom muốn cưới Jane, nhưng bị gia đình ngăn cản quyết liệt. Cha ông muốn con trai bước chân vào chính trường. Để thành công trên con đường chông gai này, chàng luật sư trẻ tuổi cần có sự hậu thuẫn từ gia đình vợ. Một cô gái như Jane sẽ không giúp gì được cho Tom.
Họ chia tay vào đầu năm 1896, vài tháng sau Jane Austen bắt tay vào viết tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của bà là Kiêu hãnh và định kiến. Nhân vật nam chính Fitzwilliam Darcy mang dáng dấp của Tom Lefroy. Cái kết có hậu của tác phẩm có lẽ là niềm ao ước mà suốt đời Jane Austen không bao giờ chạm tới. Bà không kết hôn, sống lẻ bóng đến cuối đời.
Năm 1799, Tom Lefroy kết hôn với Mary Paul. Ông đã đặt tên cho cô con gái thứ hai của mình là Jane Lefroy. Đây có lẽ là cách mà Tom tưởng nhớ đến mối tình dang dở. Một điều trùng hợp nữa đó là Jane Lefroy cũng chưa từng kết hôn và rất thần tượng Jane Austen.
Cuộc đời đầy thăng trầm của nữ nhà văn người Anh nhiều lần được tái hiện trên màn ảnh rộng. Mối tình không trọn vẹn của bà là nguồn cảm hứng để đạo diễn Julian Jarrold làm nên bộ phim tiểu sử lãng mạn Becoming Jane. Tác phẩm điện ảnh này được dựa trên một phần cuốn tiểu sử Becoming Jane Austen của nhà nghiên cứu Jon Hunter Spence.
Hai diễn viên Anne Hathaway và James McAvoy hóa thân thành Jane Austen và Tom Lefroy trong bộ phim Becoming Jane sản xuất năm 2007.
Hình ảnh cô tiểu thư xinh đẹp, thông minh và khoáng đạt Jane Austen được nữ diễn viên Anne Hathaway thể hiện rất thành công. Nam diễn viên James McAvoy hóa thân thành chàng luật sư Tom Lefroy. Với chi phí sản xuất chỉ 16,5 triệu USD, bộ phim đã mang về doanh thu gần 40 triệu USD và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình.
Jane Austen mất năm 1817 ở Winchester vì hội chứng suy thượng thận hay còn gọi là bệnh Addison. Những năm tháng cuối đời bà luôn bị bệnh tật hành hạ, khiến nữ văn sĩ cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên buộc phải trói mình trên giường bệnh. Jane Austen ra đi trong vòng tay người chị gái Cassandra, người suốt đời sống trong cảnh đơn chiếc như em gái.
Có những bài học cuộc sống rất quan trọng nhưng cũng rất cơ bản mà nhiều người phải dành cả một đời để học.
Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng những người lớn tuổi thường biết rất nhiều không? Bởi vì họ đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống và góp nhặt được những bài học trên con đường họ đi.
Một số người nói rằng có nhiều điều bạn phải trải qua nhiều năm mới hiểu được, nhưng nếu không phải như vậy thì sao? Sẽ thế nào nếu bạn được trang bị những kiến thức đó ngay từ bây giờ?
Sau đây là những điều mà ai cũng phải dành cả một đời để học
Tốt với bản thân mình
Nhiều người cố gắng hoàn hảo, thậm chí họ còn không nhận ra điều đó. Họ đánh cược bản thân mình sau mỗi thất bại, họ luôn kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, và họ cảm thấy tội lỗi nếu như dừng lại nghỉ ngơi.
Nhưng chúng ta đều là con người bình thường, đạt được sự hoàn hảo là điều không thể. Nếu bạn tự đặt ta một tiêu chuẩn không thể chạm tới, dường như là bạn đã tự làm mình thất vọng ngay từ khi mới bắt đầu!
Đúng, cố gắng hết sức mình là tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn trốn tránh sự thật rằng mình là một con người. Bạn cần phải phá vỡ nguyên tắc đó đi và gặp một vài thất bại cũng không sao.
Hãy học cách đối xử tốt với bản thân mình, và tìm kiếm những điều tốt đẹp trong trải nghiệm. Tự xây dựng trong mình những ý tưởng tích cực, tha thứ cho những sai lầm của bản thân. Và quan trọng nhất là hãy tự yêu bản thân mình, vì bạn xứng đáng!
Đừng làm việc quá nhiều
Nhiều người dành rất nhiều thời gian để theo đuổi ước mơ và hi vọng nó sẽ thành công mỹ mãn. Bạn có thể đã đưa sự nghiệp của mình tới mức mà ở đó cả cuộc đời bạn bị lãng phí. Bởi bạn chạy theo một ước mơ chẳng biết mức độ nào là thành công.
Làm việc chăm chỉ nghĩa là bạn có lý tưởng. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đừng làm việc quá nhiều mà quên đi những thứ khác. Sự nghiệp của bạn là quan trọng, nhưng gia đình, sở thích, hay thời gian nghỉ ngơi của bạn cũng rất quan trọng.
Chẳng có một ai trên thế giới này khi đã gần kề cái chết lại ước sẽ làm thêm một vài giờ ở công sở và cố gắng làm việc nhiều hơn. Bạn sẽ muốn dành nhiều thời gian hơn cho những người mình yêu thay vì lãng phí thời gian làm thêm buổi đêm và bỏ quên bữa tối.
Thái độ là chìa khóa quan trọng của mọi thành công
Bạn nên trân trọng những gì mình có. Nhiều người mắc sai lầm khi tập trung quá nhiều vào việc họ thiếu cái gì, không có cái gì mà quên mất rằng họ có những đặc quyền gì.
Luôn có những thứ khiến bạn trân trọng! Dù là bạn đã đọc được một thứ gì đó hữu ích, hay bạn vừa thưởng thức một bữa ăn ngon miệng, hay là bất cứ một niềm vui rất nhỏ trong cuộc sống, hãy trân trọng.
Thực ra những suy nghĩ tích cực không những làm bạn vui hơn mà còn giúp bạn thành công hơn. Hãy bắt đầu tập từ những điều nhỏ nhất. Hãy kết thúc một ngày bằng việc liệt kê ra ba điều bạn trân trọng. Khi bạn biết điều đó, bạn sẽ thấy mọi thứ xung quanh mình đều tốt đẹp.
Thất bại là một bài học
Nếu bạn không mắc sai lầm bạn sẽ chẳng bao giờ lớn. Cuộc sống là khi vấp ngã, rơi xuống vực sâu, bạn vẫn tự kéo bản thân mình lên một lần nữa, dù là khó khăn, dù đó là thứ cuối cùng bạn cảm thấy muốn làm.
Mỗi sai lầm và thất bại sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Nó giúp bạn có thêm kiến thức, làm cho bạn thông minh và nhạy bén hơn, và đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc sai lầm đó một lần nữa. Về cơ bản, bạn đã đi lên một nấc thang mới trong cuộc đời, đó là một điều tốt!
Nỗi sợ thất bại sẽ ngăn cản bước đi, khiến bạn ngại mạo hiểm. Hãy trân trọng những thất bại và đếm những bài học mà bạn có được, hãy áp dụng nó vào cuộc sống.
Sau đó, tiến lên! Thất bại không làm bạn rơi xuống vực thẳm và mãi ở dưới đáy, nó dạy bạn một bài học và giúp bạn bay cao hơn.
Không có con đường đúng đến thành công và không có con đường nào rõ ràng ở hướng đó. Bạn tự đặt cược mình vào nó. Trên đường đi, bạn chắc chắn sẽ làm đảo lộn tất cả. Nhưng nếu bạn tiếp tục học tập và trưởng thành, bạn sẽ sớm tìm thấy thành công.
Lòng tốt
Lòng tốt luôn miễn phí, nhưng trên thế giới này nó chẳng bao giờ là đủ cả. Đó là lý do bạn nên dành thời gian đối xử tốt với những người xung quanh bạn, dù họ là ai đi chăng nữa. Đây là điều mà nhiều người không biết cho đến khi họ đã già – vậy thì hãy bắt đầu ngay đi!
Chủ động và đừng mong nhận lại cái gì, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Làm những việc tốt cho người khác là cách để tạo ra sự khác biệt và tạo ra những suy nghĩ tích cực. Sau tất cả, lòng tốt lại tạo ra lòng tốt.
Sống với hiện tại
Nhiều người trong chúng ta luôn mang bên mình gánh nặng cảm xúc từ quá khứ. Bạn đang tự kéo bản thân khỏi tương lai, làm mình bị ám ảnh.
Ngược lại, nhiều người lại quá lo nghĩ cho tương lai. Họ băn khoăn mình sẽ đưa ra quyết định sai lầm và rơi vào hoàn cảnh tồi tệ vì chưa tính toán kỹ lưỡng. Tâm trí của họ luôn hướng về phía trước, tập trung vào những thứ chưa biết… Và tất cả những điều đó khiến họ bỏ lỡ hiện tại.
Hãy học cách nhìn về quá khứ mà không bị nó giữ lại, nhìn về tương lai mà không mãi ngẫm nghĩ về nó. Hãy tập chú ý đến những gì đang xảy ra ở hiện tại, những con người xung quanh bạn, và nơi bạn đang sống. Lo lắng và không làm gì sẽ chẳng có lợi ích gì vì nó ngăn cản bạn sống trong hiện tại. Hãy trân trọng hiện tại, bởi nó sẽ không tồn tại lâu, cũng sẽ trở thành quá khứ rất nhanh.
Do dự lâu sẽ kéo sự nghiệp của bạn tụt lùi
Chúng ta hay nói đùa về sự do dự chần chừ, nhưng bạn có biết thói quen này sẽ dập tắt cơ hội cho tương lai? Liệu có dễ dàng để bạn do dự rồi có động lực phút cuối hoàn thành công việc? Tất nhiên là không rồi!
Điều này khiến bạn mất cơ hội hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Bạn chưa thể hiện được cái tốt nhất của bản thân, bạn mới chỉ thể hiện được một phần nhỏ nhất. Và nếu bạn nghĩ rằng những gì bạn tạo ra sau khi do dự là tốt, hãy thử tưởng tượng xem bạn sẽ được gì nếu bạn dành thêm nhiều thời gian và nỗ lực!
Thời gian là tiền bạc, vì vậy mà bạn cần biết cách quản lý thời gian hiệu quả. Bạn sẽ có cảm giác rằng bạn đang kiểm soát được cuộc sống của mình. Bạn sẽ rất ngạc nhiên với những công việc mình có thể hoàn thành và cả khía cạnh chất lượng.
Tập trung vào hành trình chứ không phải điểm đến
Chúng ta vừa nhắc đến sống với hiện tại quan trọng như thế nào. Mỗi một chuyến đi thường rất hiếm khi trì trệ hay tĩnh lại. Vì vậy mà nếu bạn gặp phải khó khăn, hãy nhớ rằng cũng giống như những lần khác, đó chỉ là tạm thời thôi.
Đồng thời, hãy tận hưởng chuyến đi của bạn thay vì chỉ chú tâm đến kết quả cuối cùng hay điểm đến. Bạn không cần phải cắm cúi chạy dọc con đường, hãy dành thời gian để thưởng thức mọi thứ xung quanh, dừng lại để ngắm những đóa hoa hồng cho dù chúng có gai.
Đôi khi bạn sẽ thấy thất vọng khi nghĩ về sự vô thường của cuộc sống, nhưng nó sẽ khiến bạn trân trọng hiện tại hơn.
Hạnh phúc luôn có cái giá của nó
Nhiều người mong chờ hạnh phúc đến với họ một cách tự nhiên. Nhưng thật không may, hạnh phúc không được tạo ra như vậy. Hạnh phúc của những người xung quanh mà bạn nhìn thấy được đánh đổi bằng rất nhiều khó khăn mà chỉ họ mới biết.
Hạnh phúc, sau tất cả, là một sự lựa chọn. Bạn muốn có nó và sẵn sàng làm việc để hướng tới nó. Bạn có thể phải quên đi cái tôi của mình, phải học rất nhiều điều trên con đường bạn đi.
Cuộc sống rất phức tạp. Nó tạo ra những hàng rào và thử thách những người luôn biết cách tiến về phía trước. Nhưng khi bạn đã có trong tay những bài học quý giá mà mọi người thường phải dành cả cuộc đời để học, bạn có thể sống hạnh phúc và tránh được những sai lầm trên đường đời.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 do Forbes bình chọn, một trong những người giàu nhất Trung Quốc phải kể đến Mã Hóa Đằng của Tencent, Mã Vân (Jack Ma) của Alibaba hay Hứa Gia Ấn của tập đoàn bất động sản Evergrande. Tuy nhiên trên thực tế, ai mới là người giàu nhất Trung Quốc?
Giang Chí Thành, cháu trai của Giang Trạch Dân (Ảnh: NTDTV)
Những năm gần đây, cùng với chiến dịch chống tham nhũng và sự rò rỉ hồ sơ quan chức cao cấp của chính quyền Bắc Kinh, hàng loạt những tỷ phú ẩn mình đã bị phơi bày, đáng chú ý là nhiều người trong số đó giàu lên một cách bất chính và có liên hệ chặt chẽ với các chóp bu chính trị ở Trung Quốc. Những tiết lộ mới chỉ rõ rằng, dòng tộc con cháu của Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo 92 tuổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – mới chính là nhóm sở hữu tài phú vượt xa bất kỳ tỷ phú nào tại Trung Quốc.
Giang Chí Thành (Alvin Jiang) sinh năm 1986 và là cháu nội của Giang Trạch Dân. Cha của anh ta là Giang Miên Hằng, con trai trưởng của Giang Trạch Dân. Năm 2010, Giang Chí Thành (khi đó 24 tuổi) đã nghỉ việc ở ngân hàng Goldman Sachs sau gần một năm làm việc và thành lập một công ty cổ phần tư nhân của riêng mình có tên gọi Boyu Capital (Quỹ Tiền tệ Bác Dụ).
Năm 2014, Reuters đã công bố một báo cáo chi tiết về việc Giang Chí Thành đã sử dụng địa vị “thái tử đảng” của quan chức ĐSCTQ nhằm tích lũy tiền trong thị trường cổ phần tư nhân mới nổi lớn nhất thế giới.
Tháng 4 vừa qua, tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý đã cáo buộc gia tộc họ Giang đã tích lũy ít nhất 1.000 tỷ USD tiền biển thủ ngân quỹ Trung Quốc và Giang Chí Thành đã nỗ lực rửa một nửa số tiền đó ra nước ngoài.
Ông Quách đã đào thoát khỏi Trung Quốc đến Mỹ vào năm 2015 và hiện đang sống tại Manhattan. Tỷ phú này có nhiều mối quan hệ với quan chức ĐCSTQ đã về hưu, đặc biệt là các quan chức thuộc phe Giang Trạch Dân. Giang và đồng minh chính trị của mình đã ngồi trên đỉnh cao quyền lực chính trị Trung Quốc từ năm 1997 đến 2012, thời điểm ông Tập Cận Bình chuẩn bị lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ.
Ông Quách cũng tiết lộ, top 10 công ty hàng đầu Trung Quốc, bao gồm cả các công ty được coi là sở hữu tư nhân như Huawei, Alibaba và Tencent, thực chất đều là “các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được quân sự hóa” do gia tộc Giang Trạch Dân kiểm soát. Nhiều công ty lớn ở nước ngoài cũng một phần trong khoản đầu tư của gia tộc họ Giang.
Trước những lời khẳng định của ông Quách, người ta cũng tìm thấy khá nhiều bằng chứng gián tiếp cho thấy Giang Chí Thành đã tích lũy hàng trăm tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.
Tham nhũng truyền qua từng thế hệ
Giang Chí Thành và cha mình là Giang Miên Hằng đều là những “thái tử đảng”. Trong một xã hội mà ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ, những “thái tử đảng” này có thể dễ dàng tận dụng các mối liên hệ chính trị của gia tộc để tích lũy gia tài kếch xù.
Vào những năm 1980, các thái tử đảng đã tận dụng vị trí của mình để đạt được lợi ích khổng lồ. Sự giận dữ của công chúng đối với hành vi của họ đã góp phần tạo nên cuộc biểu tình của học sinh sinh viên năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, Giang Trạch Dân đã bước lên vị trí lãnh đạo ĐCSTQ, bắt đầu một thời kỳ “cai trị bằng tham nhũng”, dung túng cho các thái tử đảng lạm dụng địa vị để tham gia vào hoạt động kinh tế bất hợp pháp trên diện rộng.
Trong bầu không khí chính trị này, Giang Trạch Dân đã sử dụng quyền lực của mình để chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước có giá trị chiến lược sang cho con trai là Giang Miên Hằng. Giang Miên Hằng mua lại các công ty với giá rất rẻ hoặc trong một số trường hợp chỉ mua và để đó. Đáng chú ý nhất là Giang Miên Hằng đã giành được toàn quyền kiểm soát Công ty Đầu tư Liên minh Thượng Hải (Shanghai Alliance Investment Ltd), một nhánh vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm của Ủy ban Kinh tế Thượng Hải. Thông qua việc đầu tư vào công ty này, Giang Miên Hằng đã xây dựng một đế chế viễn thông khổng lồ và nhúng tay vào hầu hết các ngành công nghiệp độc quyền như bất động sản, tài chính hay chăm sóc sức khỏe. Có thể nói rằng, dưới sự hậu thuẫn của cha mình, Giang Miên Hằng khét tiếng là “đệ nhất tham nhũng ở Trung Quốc”.
Theo tỷ phú Quách Văn Quý, Giang Miên Hằng còn được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chế độ ĐCSTQ. Trong năm 2017 và 2018, ông Quách nói rằng Giang Miên Hằng đã tiến hành ba cuộc phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Quân đội Nam Kinh từ năm 2004 đến 2008 nhờ vào nguồn nội tạng thu hoạch được từ những người còn sống.
Nếu “nhị phú đại” dưới thời Giang Trạch Dân kiếm tiền từ chính người dân Trung Quốc thì thế hệ thứ ba là Giang Chí Thành lại nhắm mục tiêu vào các nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ.
Giang Chí Thành không nhắm vào doanh nghiệp hay người Trung Quốc, mà chọn phương thức hiệu quả và dễ che đậy hơn, chính là thao túng tài chính.
Giang Chí Thành nhận thấy có thể dễ dàng kiếm hàng trăm tỷ USD từ Hồng Kông, Mỹ hay các thị trường chứng khoán nước ngoài bằng cách sử dụng các công ty Trung Quốc cho các hoạt động tài chính. Giang Chí Thành đã lợi dụng quyền lực của ông nội để thao túng, gây áp lực lên các công ty Trung Quốc, coi đó là món mồi hấp dẫn các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài gia nhập nhóm quyền lực thân ĐCSTQ.
Giang Miên Hằng, con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, đã tận dụng thân phận “ông vua con của triều đại đỏ” để cướp từ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. (Ảnh: Học viện Khoa học Trung Quốc)
Thao túng doanh nghiệp Trung Quốc để tích lũy tài sản nước ngoài
Giang Chí Thành dường như đã có được món hời đầu tiên trong hành trình tham nhũng của mình khi mua cổ phần kiểm soát tại Sunrise Duty Free vào giữa năm 2011. Sunrise, nhà bán lẻ lữ hành chuyên kinh doanh độc quyền hàng miễn thuế – lĩnh vực cần phải có trợ cấp đặc biệt từ chính quyền Trung Quốc, được thành lập vào năm 1999 bởi Giang Thế Can (Fred Kiang) – một người Mỹ gốc Hoa có quan hệ mật thiết với gia tộc Giang Trạch Dân.
Theo Reuters, vào năm 2011, công ty Bác Dụ của Giang Chí Thành đã định giá Sunrise ở mức 200 triệu USD và chi 80 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Sunrise. Năm 2013, Bác Dụ định giá thương vụ với Sunrise trên sổ sách của mình ở mức khoảng 800 triệu USD.
Reuters cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, các giám đốc ngân hàng đã định giá Sunrise ở mức khoảng 1.6 tỷ USD (tức gấp hai lần con số 800 triệu USD) dựa trên số liệu doanh thu năm 2012 công ty này trình với nhà cầm quyền Trung Quốc mà Reuters đã xem xét lại.” Điều đó có nghĩa là bằng việc mua cổ phần của Sunrise, Bác Dụ đã kiếm được lợi nhuận ít nhất gấp 7 lần số tiền đầu tư ban đầu.
Các nhà đầu tư đều hết sức ấn tượng với thương vụ này. Việc Giang Chí Thành gần như không tốn công sức nào đã mua được Sunrise chứng minh rằng anh ta không những có thể dạo chơi trong các ngành công nghiệp độc quyền hoàn toàn mà còn biến những tài sản này thành các khoản lợi nhuận khổng lồ. Đối với các thái tử đảng, thị trường cổ phần tư nhân mờ ám đã trở thành một phân khúc đặc biệt hái ra tiền.
Năm 2013, trong bài viết “Giới quyền quý của triều đại đỏ hoành hành ở Trung tâm Hồng Kông: Vạch trần ngân quỹ siêu cấp của cháu nội Giang Trạch Dân”, Next Media (Hồng Kông) đã phác thảo con đường thống trị lĩnh vực tài chính Hồng Kông của các thái tử đảng. Các thái tử đảng này ban đầu làm việc tại các ngân hàng đầu tư quốc tế rồi tìm kiếm các công ty cổ phần ở Hồng Kông, lôi kéo những cá nhân giàu có từ trong và ngoài Trung Quốc, sau đó chuyển sang tiếp quản các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Các ngân hàng đầu tư nơi thái tử đảng làm việc hoặc các công ty cổ phần mà họ tìm thấy dễ dàng thao túng hàng trăm tỷ USD để thu về lợi nhuận khổng lồ.
Chẳng hạn, Bác Dụ đã huy động nguồn vốn đầu tiên tiên trị giá 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư cao cấp như Lý Gia Thành, nhân vật giàu nhất châu Á. Ngày nay, Bác Dụ là một trong những công ty có vốn tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, quản lý gần 10 tỷ USD trong quỹ đô la Mỹ của Trung Quốc.
Giang Chí Thành cũng hợp tác với CITIC Capital, một công ty do các thái tử đảng kiểm soát, có chức năng chính là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Qua CITIC Capital, Giang Chí Thành đã mua số cổ phần trị giá 390 triệu đô Hồng Kông (khoảng 49 triệu USD) tại China Cinda Asset Management, một công ty quản lý tài sản và mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của Giang có thể lại là Alibaba, chiến lợi phẩm tài chính lớn nhất của Trung Quốc.
Mục tiêu tham nhũng của Giang Chí Thành: Alibaba tiền đồ vô hạn
Vào thời điểm Bác Dụ thành lập, Alibaba đã là công ty thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, và Alipay là nền tảng thanh toán trực tuyến và di động của bên thứ ba hàng đầu Trung Quốc.
Nhưng cũng kể từ đó, Alibaba đã trải qua một số biến động bất thường. Tháng 5/2011, Tập đoàn Alibaba đã chuyển nhượng Alipay cho Alibaba Chiết Giang (Zhejiang Alibaba), một công ty do Jack Ma và người đồng sáng lập Simon Xie cùng chung cổ phần kiểm soát, trong khi không được sự đồng ý của các cổ đông kiểm soát tại Alibaba, bao gồm cả Yahoo.
Trước động thái gây tranh cãi này, Alibaba tuyên bố công khai rằng điều đó nhằm tuân thủ các chính sách của ĐCSTQ và tránh kiểm soát của các thỏa thuận tài trợ nước ngoài để có được giấy phép cho phần mềm thanh toán bên thứ ba. Tuy nhiên, truyền thông Đại Lục lại bác bỏ tuyên bố này, nói rằng các chính sách của chính phủ Trung Quốc không quá cụ thể và Alibaba Chiết Giang không thể chứng minh được mình không chịu nhiều ảnh hưởng của các thỏa thuận nước ngoài. Quan trọng hơn, một nửa trong số 27 công ty tài trợ đã được trao chứng nhận liên quan đến các quỹ nước ngoài và không công ty nào trong số đó bị bác bỏ vì dính líu đến các thỏa thuận nước ngoài.
Việc nhượng lại Alipay đã phá hủy các khoản lợi nhuận hợp pháp của các cổ đông tại Alibaba và sự thật đằng sau động thái này đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, theo truyền thông nước ngoài, nguyên nhân gốc rễ của động thái chuyển nhượng là do động cơ của Giang Chí Thành. Giang Chí Thành muốn tiếp quản Alipay sau khi nó được tách khỏi Alibaba.
Năm 2014, Alibaba Chiết Giang đổi tên thành Ant Financial. Trước năm 2018, Ant Financial đã trở thành “con kỳ lân” lớn nhất thế giới với giá trị 160 tỷ USD. Thuật ngữ “con kỳ lân” chỉ một công ty công nghệ sáng tạo chưa niêm yết hoạt động chưa đến một thập kỷ nhưng lại được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Đã có rất nhiều tin đồn về mối tương tác giữa Bác Dụ và Alibaba. Hồi tháng 9/2012, Bác Dụ cùng với CITIC và CBD Capital đã giúp Alibaba mua lại tất cả cổ phần mà Yahoo nắm giữ.
Tháng 9/2014, Tập đoàn Alibaba đã ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York với IPO kỷ lục 25 tỷ USD, trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới. Có vẻ như cột mốc này đã biến Jack Ma trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Trước đó, năm 2012, Bác Dụ đã đầu tư 400 triệu USD vào Alibaba. Sau khi Alibaba niêm yết, Bác Dụ đã kiếm về hơn 2 tỷ USD chỉ trong hai năm. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong tổng lợi nhuận mà Giang Chí Thành có được từ Alibaba. Tận dụng thân phận cháu nội của Giang Trạch Dân, Giang Chí Thành còn chiếm đoạt tiền lãi từ quyền chọn mua cổ phiếu ngầm từ Alibaba để tạo ra khối lợi nhuận khổng lồ cho mình.
Cái nhìn về khối tài sản “quỷ dị” của Giang Chí Thành
Sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán lần đầu tiên (Post-IPO), tuyên bố của Alibaba cho thấy vào năm 2014, Alibaba nắm giữ 14,6% cổ phần của công ty (trong đó Jack Ma nắm giữ 7,8%), SoftBank nắm giữ 32,4% và Yahoo nắm giữ 16,3%. Điều đáng nói là tuyên bố này không đề cập ai là bên sở hữu 1/3 cổ phần còn lại của Alibaba. Nếu kết hợp dữ liệu tài chính của Alibaba lại với nhau, người ta sẽ thấy được khối tài sản trong bóng tối của Giang Chí Thành.
Theo Mẫu 20-F mà Alibaba đệ trình lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ năm 2018, Alibaba có 2.592.184.258 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành kể từ ngày 18/7. Trong đó, có khoảng 1,67 triệu cổ phiếu (tức 64,4% trên tổng số) do 128 cổ đông danh nghĩa có địa chỉ đăng ký tại Mỹ nắm giữ, bao gồm các nhà môi giới và các chủ ngân hàng thay mặt khách hàng của họ nắm giữ cổ phần. Trong báo cáo thường niên của mình, Alibaba chỉ xem xét lại một phần trong cơ cấu sở hữu của công ty, bao gồm ban quản trị và những người sở hữu quyền thừa hưởng nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên.
Tuy nhiên, theo phân tích của Yahoo! Finance về báo cáo quý 13-F của Alibaba, dữ liệu cho thấy tính đến ngày 31/12/2017, có tới 1.926 công ty Mỹ nắm giữ 1,05 tỷ cổ phiếu, tức 40,54% cổ phiếu đang lưu hành của Alibaba. Điều này có nghĩa là mặc dù số lượng cổ đông đăng ký tại Mỹ đã giảm 15 lần nhưng cổ phiếu của họ đã tăng từ 2/5 lên hơn 3/5 của tổng số.
Phần lớn trong số 2.000 cổ đông đăng ký tại Mỹ đã bán hoặc chuyển nhượng cổ phần Alibaba của họ cho 128 cổ đông còn lại, điều này hoàn toàn trùng khớp với dòng cổ phiếu lớn của Alibaba tràn vào Mỹ. Một kế toán người Mỹ có biệt danh Deep Throat đưa ra giả thuyết đây có thể là kết quả của việc chế độ ĐCSTQ thao túng số lượng lớn công ty offshore (công ty đăng ký thành lập và được bảo hộ bởi một địa chỉ ngoài biên giới quốc gia mà nó hoạt động, cũng không có hoạt động kinh doanh trực tiếp mà chủ yếu lưu trữ tài sản, cùng một chiến lược mà ĐCSTQ đã sử dụng để thao túng đồng nhân dân tệ.)
Sự thay đổi mạnh mẽ trong việc kết hợp quyền sở hữu của Alibaba có thể có liên quan đến chiến dịch điều tra toàn cầu về trốn thuế bắt đầu vào năm 2018. Vào tháng 11/2017, 13,4 triệu tài liệu đã bị rò rỉ từ một công ty tài chính offshore lớn, vụ rò rỉ này được gọi là Hồ sơ Paradise. Cũng như Hồ sơ Panama năm 2016, Hồ sơ Paradise phanh phui số lượng lớn chính trị gia, người nổi tiếng và các doanh nghiệp quốc tế đã trốn thuế bằng cách đăng ký các công ty offshore tại các thiên đường thuế. Hồ sơ Paradise cũng tiết lộ nhiều chủ sở hữu khối tài sản ẩn danh cho đến nay, bao gồm cả tài sản của các quan chức Trung Quốc và con cái của họ.
Hồ sơ Paradise đã khiến Mỹ và EU phải đương đầu với các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman và Bermuda. Tháng 12/2017, EU đã ban hành danh sách đầu tiên về các thiên đường thuế. Một năm sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã có thông báo ủng hộ đấu tranh chống trốn thuế trên quy mô lớn nhất, trong đó bao gồm các tội danh lừa gạt Mỹ bằng các chiêu trò cản trở hoạt động của Sở Thuế vụ Nội địa trong công tác thực thi Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA).
Dưới áp lực của Mỹ và EU, các thiên đường thuế như Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman và Luxembourg đã triển khai hệ thống Tiêu chuẩn Báo cáo chung (CRS) để trao đổi thông tin tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực chống trốn thuế.
Điều này đã buộc những người trốn thuế và các nhà đầu tư ẩn danh phải chuyển các khoản đầu tư của họ trở lại Mỹ để che giấu hợp pháp danh tính thực sự của mình. Và trong đó có các cổ đông ẩn danh của Alibaba. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cổ đông có đăng ký tại Mỹ của Alibaba đại diện cho khách hàng đã giảm 93% trong khi 20% cổ phiếu đang lưu hành (khoảng 620 triệu cổ phiếu) đã chảy lại về Mỹ.
New York Times trong một bài viết vào tháng 7/2014 có tiêu đề “IPO của Alibaba có thể là vận đỏ cho các doanh nhân ‘hồng nhị đại’”. Theo bài viết, một phần cổ phần của Bác Dụ tại Alibaba được nắm giữ thông qua Athena China Limited, một công ty được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Bài viết sau đó nói rằng “Athena được kiểm soát bởi một thực thể offshore khác – Prosperous Wintersweet BVI mà thực thể này sau đó thuộc sở hữu của Boyu Capital Fund I đăng ký tại Quần đảo Cayman.”
Cơ cấu quyền sở hữu phức tạp của Bác Dụ dường như được thiết kế để che đậy danh tính của Giang Chí Thành với tư cách là một cổ đông của Alibaba. Điều nay cho thấy hoàn toàn có cơ sở để phỏng đoán 20% cổ phần của Alibaba “chảy lại” về Mỹ hồi năm 2018 có khả năng là từ các công ty offshore do Giang kiểm soát. Alibaba đã từng trị giá hơn 500 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao, còn hiện tại trị giá của tập đoàn này là 450 tỷ USD. Dựa vào con số 20% chỉ riêng từ Alibaba, Giang Chí Thành có thể đã thu được và che giấu khối tài sản hơn 100 tỷ USD.
Không chỉ Alibaba, còn có Ant Financial – công ty sở hữu Alipay – chuẩn bị niêm yết và có giá trị hiện tại là 160 tỷ USD. Truyền thông nước ngoài nhận định, Alipay đang nằm trong túi của Giang Chí Thành. Và theo tuyên bố của tỷ phú Quách Văn Quý, Giang Chí Thành cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát tại Huawei, Tencent và nhiều doanh nghiệp lớn khác của Trung Quốc.
Ông Quách còn nói, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng Thượng Hải, Tập đoàn Công nghiệp Thượng Hải và công ty holding JiuShi Thượng Hải, Giang Chí Thành bán đất của Trung Quốc với giá rẻ cho nhóm các doanh nghiệp ở nước ngoài để thu về lợi nhuận.
Chỉ riêng chuyện Giang Chí Thành sử dụng Alibaba để hút tài sản từ thị trường vốn của Mỹ, đủ để thấy khẳng định của ông Quách Văn Quý về tài sản của gia tộc Giang Trạch Dân là sự thật.
Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trung Quốc đã sẵn sàng chuẩn bị để chiến thắng mọi kiểu chiến tranh thương mại mà Donald Trump có thể tung ra với một số kế sách đơn giản gói gọn dưới tiêu đề: Chủ nghĩa tư bản chuyên quyền (Autocratic Capitalism).
Sau khi thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày thứ Hai, Trump tuyên bố rằng ông ta sẽ áp 10% thuế lên các mặt hàng xuất khẩu giá trị 200 tỷ đô của Trung Quốc tới Mỹ – một nửa số lượng dự tính trước đây, nhưng được thiết kế để thuyết phục Bắc Kinh hướng tới đàm phán song phương. Như một cách khuyến khích thêm để Trung Quốc đến bàn đàm phán, Trump công bố rằng mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm, sau đợt mua sắm Giáng sinh của Mỹ.
Nhưng, chủ nghĩa chuyên quyền mà Trung Quốc đã hoàn toàn thuần thục sẽ gây khó khăn cho Trump trong việc cố gắng tạo ra bất kỳ tổn thất kinh tế nào cho Trung Quốc mà có thể mang lại chiến thắng cho Nhà Trắng.
Có một số yếu tố chủ chốt trong kế hoạch này chưa hoặc không nhận được nhiều chú ý từ Washington, nhưng những yếu tố này có thể sẽ khiến Washington bất ngờ. Một yếu tố đó xảy đến với tôi khi tôi đang xem xét một số vật dụng cho phòng bếp. “Tôi nghĩ mình nên mua cái bếp Haier trước khi thuế quan dành cho Trung Quốc có hiệu lực,” tôi bày tỏ với nhân viên bán thiết bị cho chúng tôi. Không, không sao đâu, anh ta cười. Haier đã cam đoan với chúng tôi rằng họ sẽ không tăng giá.
Có thể là nhân viên cửa hàng đơn thuần lặp lại lời an ủi từ công ty của anh ta khi được hỏi về giá. Nhưng vào ngày tiếp theo, bạn thời đại học của tôi, David Bostwick, một nhà đầu tư mạo hiểm từ Silicon Valley và là CFO của Crystal Solar, nhận định đây là một phương pháp mà Trung Quốc sử dụng để bóp nghẹt thị trường tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ. Trung Quốc giảm giá bán nhằm bóp chết ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ. “Tất cả những gì Trung Quốc cần làm là giảm 20% giá bán của họ mà vẫn có thể tiếp tục bán sản phẩm tới thị trường Mỹ mà không hề có gián đoạn,” Bostwick nhận định.
Một số thay đổi này có thể làm cho các công ty của Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn và, về lâu dài, có sức cạnh tranh cao hơn. Trong khi đó, những công ty có biên lợi nhuận thấp khiến họ không thể hoặc không sẵn sàng giảm 10% giá bán buôn sẽ tìm được những lựa chọn khác, khá sáng tạo, ở trong nước cũng như nước ngoài. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã quyết tâm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và kế hoạch này vẫn đang hiệu quả. Tỉ trọng của xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc năm nào cũng giảm trong thập niên vừa qua, ngoại trừ năm 2009 trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Toàn bộ ngành xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 18,5% GDP trong năm 2017, giảm từ mức 35% hồi năm 2007. Đồng thời, xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái.
Đương nhiên, những doanh nghiệp nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng dưới thời Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng có thể được sử dụng để chống lại hàng rào thuế quan của Trump, với việc Bắc Kinh có thể điều chỉnh mức lợi nhuận theo mong muốn, bảo đảm việc làm cho số lượng lao động lớn, trong khi có thể đồng thời phá giá đồng nhân dân tệ 10%. Cùng với ảnh hưởng của đồng đô la tăng giá so với đồng nhân dân tệ, những yếu tố này sẽ vô hiệu hóa đa số các ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan của Trump.
Thêm nữa, rất nhiều công ty tư nhân Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc Mỹ cố gắng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách gia tăng marketing và bán hàng tại Đông Nam Á – nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và được OECD dự báo có “nhu cầu nội địa vững vàng” trong những năm tới – và xa hơn là châu Phi, nơi Trung Quốc đã rất năng động, cũng như Mỹ Latinh.
Một số công ty Trung Quốc còn có thể chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ví dụ, Haier đã có sẵn hoạt động sản xuất ở 5 tiểu bang của Mỹ từ khi thu mua mảng kinh doanh thiết bị của General Electric. Haier cũng sở hữu các nhà máy sản xuất từ Mexico tới New Zealand bằng cách mua lại Fisher & Paykel, một công ty cũng có cơ sở sản xuất tại Mexico, Italy và Thái Lan. Hơn nữa, như Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã chỉ ra cho tôi trong một buổi phỏng vấn vào thứ Sáu, “Mexico đã [từng] là một địa điểm có chi phí sản xuất cao hơn. Nhưng hiện tại chi phí lao động của Trung Quốc còn đắt đỏ hơn của Mexico, nên những điều này sẽ có thể bắt đầu thay đổi.”
Có một số phương pháp khác có thể giúp các công ty Trung Quốc và nền kinh tế chung của đất nước này tránh được ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ trên mọi cấp độ. Rất nhiều công ty không sẵn lòng cắt giảm chi phí hay dịch chuyển hệ thống sản xuất “sẽ có thể đi tới Bắc Kinh và [nói với chính phủ] giảm giá đồng nhân dân tệ để bù đắp,” Freeman nói. “Điều này sẽ tất nhiên gây ra những vấn đề khổng lồ [trong nước Mỹ] về chính sách, nước vốn đã nhạy cảm trước tình trạng định giá thấp của đồng nhân dân tệ.” Nhưng tại thời điểm này, trong một cuộc chiến thương mại toàn diện, Bắc Kinh sẽ quan tâm tới sự nhạy cảm của nước Mỹ tới mức nào?
Lợi ích cuối cùng, vẫn chưa được Mỹ dự kiến trước, có thể là việc đây là một cuộc đấu kéo dài. “Những hàng rào thuế quan này sẽ giúp cho các công ty và nền kinh tế Trung Quốc hợp lý hóa, trở nên có sức cạnh tranh và lợi nhuận hơn,” Siva Yam, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Trung tại Chicago, cho biết. Nói một cách ngắn gọn, đây có thể là một triển vọng hai bên cùng thua đối với Nhà Trắng.
Một chút đau đớn sẽ được cảm nhận trong quá trình này. Nhưng nhiều người trong nhóm lãnh đạo Trung Quốc, vốn suy đoán rằng Trump sẽ thất cử năm 2020, hoặc đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, tính toán rằng họ sẽ đối phó được cho đến khi chính quyền tiếp theo gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, để cho mọi thứ trở lại một thị trường tự do và bình thường. Tất nhiên, ông Tập không cần phải thắng cuộc bầu cử nào. Ông ta làm Chủ tịch nước trong cả phần đời còn lại, hoàn toàn kiểm soát hệ thống Tư bản Chuyên quyền của ông ta.
David A. Andel, phóng viên thường trú tại nước ngoài của New York Times và CBS News, là học giả khách mời tại Trung tâm An ninh Quốc gia tại Trường luật của Đại học Fordham và là tác giả của cuốn “A Shattered Peace: Versailles 1919 and the Price We Pay Today.”