Homestay nằm ở ‘thâm sơn cùng cốc’ Ninh Bình

Những căn bungalow được xây cạnh bên vách núi, bao quanh là cây cối xanh um thu hút du khách trong và ngoài nước.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Chezbeo Valley Bungalows toạ lạc trong làng Khả Lương, Hoa Lư, Ninh Bình, cách trung tâm Hà Nội khoảng 130 km. Để vào đến homestay, bạn sẽ băng qua những cánh đồng lúa bát ngát, nơi có nhiều nông dân đang làm việc trước khi bắt gặp ao sen rộng lớn. Ảnh: Chezbeo.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Lối vào khu nghỉ là một cây cầu dài làm bằng tre nứa. Đây cũng là vật liệu chủ yếu để xây các căn bungalow. Quản lý homestay cho biết, họ mất hơn một năm để hoàn thành các hạng mục.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Ban đầu, homestay có tổng cộng 8 phòng bungalow, trang bị đầy đủ chăn, màn, quạt, đèn… Để có thêm không gian cho khách, cuối năm 2018, chủ nhà cho dựng thêm các phòng dạng “ống cống”. Đây cũng là hình thức homestay phổ biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng cách đây vài năm.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Khu nghỉ mang lại cho khách cảm giác thư thái khi xung quanh đều là cây cối xanh mướt. Được nhiều bạn trẻ ví như “thâm sơn cùng cốc”, những căn bungalow ở đây đều được thiết kế nằm cạnh các vách đá lớn hoặc giữa ao nước nông.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Dưới những ao nước, chủ nhà trồng sen, thả vịt. Buổi sớm, thức dậy với hương sen thoang thoảng là trải nghiệm giúp bạn xua tan mệt nhọc. Ảnh: Chezbeo.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Bungalow có nhiều mức giá khác nhau, tuỳ thuộc vào loại phòng khách lựa chọn. Giá mỗi đêm lưu trú từ 150.000 đến 400.000 đồng một người.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Homestay có đầu bếp nấu ăn cho khách. Thực đơn gồm nhiều món, đa phần là món ăn nhanh. Nếu muốn thưởng thức các đặc sản như dê núi, gà… bạn phải gọi để đặt trước.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Khoảng sân chung được bố trí võng, ghế tre để khách có thể ngồi nghỉ ngơi, thư giãn hoặc đọc sách.

Homestay nằm ở 'thâm sơn cùng cốc' Ninh Bình

Không chỉ là điểm lưu trú, nơi này còn thu hút nhiều du khách có sở thích chụp ảnh. Ngoài ra, homestay nằm sát bên Hang Múa – “Vạn Lý Trường Thành” phiên bản 500 bậc nổi tiếng ở Ninh Bình. Bạn có thể dễ dàng sắp xếp lịch trình kham phá thêm Tam Cốc, Bích Động.

Di Vỹ /VNExpress

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: “Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe… đều là phù du”

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: "Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe... đều là phù du"

Friedrich Nietzsche nói rằng: những ngày tháng tốt đẹp nhất không phải là ngày hôm qua cũng không phải là ngày mai mà là ngày hôm nay. Mọi vật trên thế giới này đều có thời hạn, cuộc đời con người cũng vậy. Cho nên, đừng để những gì quý giá nhất trong cuộc đời này chìm đắm trong quá khứ, cũng đừng giữ những thứ tốt đẹp nhất cho ngày mai. Cuộc đời chúng ta giống như những nước cờ. Đã đi rồi quyết không hối hận. Duy chỉ sống ở hiện tại mới không để lại nuối tiếc.

Mỗi người trong cuộc sống này đều nhận được những kịch bản khác nhau. Có người bình thường, có người nồng nhiệt, có người khóc, có người cười. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn phải diễn xuất tốt nhất có thể cho tới khi hạ màn.

Cuộc sống này quá quý giá, đến nỗi mà sống như thế nào cũng thấy tiếc. Nếu như buộc phải đưa ra một lời khuyên để không lãng phí cuộc đời này, tôi nghĩ đó sẽ là: đừng để những gì tốt đẹp nhất đến cuối cùng.

01

Cuộc đời này chưa kết thúc

Xin kể một câu chuyện như sau:

Một cô gái thông minh lanh lợi. Thành tích học tập từ nhỏ rất xuất sắc, lại luôn không ngừng phấn đấu. Cô gái từng bước từng bước thi đỗ vào trường đại học danh giá, sau đó học lên nghiên cứu sinh và du học nước ngoài. Sau khi trở về, cô trở thành giảng viên trẻ của một trường đại học có tiếng. Đồng thời cũng bước vào cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, sinh con đẻ cái.

Tình yêu, sự nghiệp bội thu. Nhưng sau khi trở thành người chiến thắng vẻ vang, cuộc đời lại chơi ác với cô.

Cô gái trẻ 32 tuổi, bị chẩn đoán ung thu vú giai đoạn cuối. Điều tàn nhẫn hơn cả, là cô chỉ còn nửa năm để sống.

Cô gái ấy là Quyên, nữ tiến sỹ 32 tuổi mới từ nước ngoài trở về. Sau khi biết được bệnh tình, Quyên đem những cảm nhận về cuộc sống sau khi bị bệnh viết thành sách, để lại nhiều cảm xúc thăng trầm cho người đọc.

Trong giai đoạn cuối của cuộc đời, Quyên thường suy nghĩ vì sao con người lại sống?

Trong trang blog của mình, Quyên viết: “Tôi cũng đã từng liều cả mạng sống vì những việc không biết đó có phải là mục tiêu cuộc đời của mình hay không? Bởi đó là việc làm ngốc nghếch của một kẻ ngu si đần độn. Sau khi mắc bệnh tôi mới biết rằng, con người nên xây dựng niềm vui trên những mục tiêu cuộc đời lâu dài và bền vững. Đừng nên chỉ coi trọng những tiền tài danh lợi ngắn ngủi trước mắt. Bởi đó là những thứ mà chúng ta phải vất vả lắm mới có được mà lại không thể mang đi được”.

Con người sau khi chết đi sẽ không còn phải bận tâm hay vướng víu bất cứ điều gì nữa. Có lẽ chỉ đến khi đi những bước cuối cùng mới có thể ngộ ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Giống như những gì mà Quyên nói, tiền tài danh lợi không thể mang theo được.

“Khi chạm mốc sinh tử, bạn sẽ phát hiện ra rằng, tăng ca, tạo áp lực cho bản thân, mua nhà tậu xe… tất cả đều là phù du. Nếu như có thời gian, hãy dành nó để chăm lo cho con cái, dùng tiền mua nhà tậu xe để mua cho cha mẹ một đôi giày. Đừng cố liều mạng để đánh đổi lấy một căn nhà to, một chiếc xe xịn. Chỉ cần được ở bên cạnh những người thân thương, mọi thứ đều có thể trở nên ấm áp”.

Cuốn sách khép lại với sự ra đi đột ngột của Quyên. Để lại niềm tiếc nuối của cha mẹ già, nỗi đau của người chồng và con thơ thiếu vắng bóng mẹ. “Cuộc đời này chưa kết thúc” là 6 chữ đầy tiếc nuối mà Quyên để lại.

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe... đều là phù du - Ảnh 1.

02

Đừng để những gì tốt đẹp nhất lại cuối cùng

“Hoa xinh phải bẻ liền tay, chớ để lâu ngày lại bẻ cành khô”, đó là điều mà ai cũng hiểu những lại rất ít người làm được.

Vợ của anh bạn đồng nghiệp tôi mới qua đời. Lúc thu dọn di vật, bạn tôi phát hiện trong tủ quần áo của vợ mình có một chiếc khăn lụa chưa xé mác. Bởi chiếc khăn này vừa đẹp lại vừa đắt nên vợ anh ấy không nỡ dùng, cô ấy muốn đợi khi nào có dịp gì đó đặc biệt mới mang ra quàng. Kết quả đợi mãi đến lúc vĩnh viễn ra đi cũng không có cơ hội để quàng.

Bạn tôi ngậm ngùi: Đừng bao giờ để những thứ tốt nhất đợi đến dịp đặc biệt mới dùng. Bởi mỗi ngày mà bạn sống đều là những ngày đặc biệt cả.

Giống như không nỡ quàng một chiếc khăn vậy. Con người ta thường tích cóp nguyện vọng và mong muốn của mình. Nhưng kết quả tính một đằng ra một nẻo, mọi thứ luôn trái với mong muốn của bạn.

Thời trẻ muốn đi leo núi nhưng không thành. Kết quả, về già chỉ biết nhìn núi mà thở dài.

Dạo phố trông thấy chiếc váy yêu thích nhưng lại khá đắt, tự nhủ khi nào tích đủ tiền sẽ mua. Nhưng đợi đến khi tích đủ tiền thì váy đã lỗi mốt.

Cậu con trai bé nhỏ muốn đi thả diều nhưng bạn lại không có thời gian. Đợi đến khi bạn có thời gian để đưa chúng đi, chúng chẳng còn thích chơi thả diều nữa.

Thức ăn bị quá hạn, hạnh phúc cũng bị quá hạn.

Cuộc sống giống như một giỏ hoa quả tươi ngon, bạn không nỡ ăn. Đợi đến khi chúng hỏng, bạn mới bắt đầu tiếc nuối ăn những quả hỏng nhiều trước. Ăn hết những quả hỏng nhiều những quả sau cũng bắt đầu hỏng hết.

Để những thứ tốt đẹp lại cuối cùng và kết quả nhận được đó là cả đời phải chịu những nỗi khổ mà lẽ ra bạn không phải chịu.

Hạnh phúc không những quá hạn mà còn vụt mất trong sự bận rộn.

Rất nhiều người đánh mất tâm trí trong sự bận rộn không cần thiết. Miệt mài lắm nhưng mọi thứ vẫn xôi hỏng bỏng không.

Vừa cống hiến vừa đánh mất, vội vội vàng vàng trên cả quãng đường đời dài dặc mà không thể tận hưởng cảnh đẹp bên đường.

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe... đều là phù du - Ảnh 2.

03

Đừng đánh mất những người yêu thương bạn nhất

Chỉ có những người đã từng trải qua mất mát rồi mới hiểu: vất vả trèo đèo lội suối rồi mới phát hiện ra không có ai đợi mình phía trước.

Câu nói đơn giản nhưng lại là thế giới thu nhỏ của vô số những câu chuyện buồn thê lương.

Chàng trai nghèo bỏ quê tha hương, ngày công thành danh toại mang theo sính lễ trở về mới hay tin người con gái anh yêu sớm đã là vợ người ta.

Người chồng cặm cụi bận rộn suốt ngày với công việc. Đến khi có được cả danh lẫn lợi thì gia đình tan đàn xẻ nghé, vợ ly con biệt.

Cha mẹ nghèo bỏ quê đi làm ăn xa, kiếm được tiền hân hoan trở về trong sự lạc lõng và xa lạ của con cái.

Con cái đi làm ăn xa, đến ngày có công danh sự nghiệp trở về lại bắt gặp cảnh sinh ly tử biệt.

“Con cái muốn phụng dưỡng mà cha mẹ lại không còn”, có lẽ đây là nỗi niềm tiếc nuối lớn nhất và cũng là phổ biến nhất trong cuộc sống hiện nay.

Tuần trước tôi có đọc được câu chuyện của một bà cụ vùng núi có cô con gái làm thuê trên thành phố. Mỗi năm chỉ về quê ăn tết một lần. Hết tết lại tất bật trở lại thành phố mưu sinh.

Người mẹ già thương con gái làm việc vất vả, lần nào gọi điện cũng chỉ kể chuyện vui. Mấy lần ngã bệnh cũng giấu nhẹm đi không cho con gái biết. Sức khỏe ngày càng tồi tệ những vẫn cố giả vờ khỏe mạnh. Bệnh lâu ngày thành tật, trong một lần phát bệnh, người mẹ già đau khổ không ai túc trực ở bên đã ra đi trong sự cô đơn, lạc lõng. Tận mấy ngày sau hàng xóm mới phát hiện.

Cô con gái nhận được hung tin, vội vã trở về, gào khóc bên cạnh thân xác nguội lạnh của người mẹ già: “Con hối hận quá, thực sự quá hối hận. Con không nên bươn chải ở thành phố, con nên ở nhà chăm sóc mẹ”.

Lúc này, sự hối hận và nước mắt có lẽ là lời bộc bạch vô dụng nhất. Cha mẹ còn, cuộc đời còn bến đỗ, cha mẹ đi, cuộc đời coi như không có đường về.

Kể từ đó về sau, trong ngôi nhà vắng lạnh ấy không còn hình bóng mẹ già. Có phải chúng ta đều giống như người con gái trong câu chuyện, lúc nào cũng sống dựa vào chữ “ĐỢI”:

Đợi đến khi con kiếm được nhiều tiền sẽ đón cha mẹ lên thành phố sống cùng, để bố mẹ tận hưởng tuổi già…

Đợi điều kiện của mình tốt hơn, mình sẽ tỏ tình với cô ấy…

Đợi công việc trong tay kết thúc, mình sẽ cùng gia đình đi du lịch…

……

Sau này chúng ta mới phát hiện “Đợi….sẽ…” thực sự là một tương lai xa vời và vô hạn. Đợi sẽ trở thành đợi nữa và đợi mãi. Đợi đến một ngày nào đó, tôi nhất định sẽ…

Nhưng xin lỗi, bạn không bao giờ đợi đến được ngày đó.

Chúng ta luôn dành những tính khí xấu xa nhất, sự bất lực nhất cho những người quan trọng nhất của mình. Kết quả, đi mãi, đợi mãi không những không nhận được gì mà lại đánh mất cả những người yêu thương chúng ta nhất.

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe... đều là phù du - Ảnh 3.

04

Sống ở hiện tại, không phụ tuổi xuân

Xin kể câu chuyện cổ xưa:

Cậu thanh niên nọ suốt ngày chơi bời lêu lổng, chuyên trộm cắp vặt. Một hôm, cậu ta tới doanh trại trộm ngựa, không may bị bắt được. Viên tướng quân tức giận quyết định chém đầu cậu ta để làm gương cho thiên hạ. Nhưng trước khi hành quyết cho phép cậu ta được nói ra tâm nguyện cuối cùng của mình.

Cậu thanh niên trẻ nói:

– Tôi muốn nấu cho mẹ mình một bữa cơm. Từ nhỏ tới lớn tôi luôn khiến bà phải tức giận. Tôi chưa bao giờ hiếu thuận với bà cả.

– Còn gì nữa không? – Viên tướng quân hỏi.

– Tôi muốn nói lời xin lỗi với cô gái hàng xóm, tôi hứa sẽ mua quà tặng cho cô ấy, nhưng xem ra tôi không thực hiện được lời hứa đó nữa rồi. – Cậu thanh niên trẻ đáp.

– Còn gì nữa không? – Viên tướng quân lại hỏi.

Chàng trai trẻ khóc nức nở:

-Tôi còn muốn học một ngón nghề gì đó để mưu sinh, tôi sẽ không trộm cắp nữa. Nhưng giờ nói gì cũng đã muộn rồi…

Viên tướng quân nghe xong định vung kiếm chém chết cậu ta, nhưng cuối cùng lại hạ kiếm xuống và nói:

– Đường đường là đấng nam nhi, vậy mà tại sao đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mới muốn hiếu thảo với cha mẹ, mua quà tặng cho người thương, học nghề mưu sinh? Ta yêu cầu ngươi từ nay về sau ngày nào cũng phải sống như ngày cuối cùng. Như vậy mới không phụ sự tha thứ của ta dành cho ngươi.

Cậu thanh niên trẻ đột nhiên tỉnh ngộ, quyết định sẽ không bao giờ để dành những việc quan trọng tới giây phút cuối cùng mới làm. Nếu không sẽ phải hối tiếc cả đời.

Câu chuyện này nói cho chúng ta biết rằng: Hãy sống ở hiện tại, mỗi ngày đều sống như những ngày cuối cùng của cuộc đời. Như vậy mới không phụ tuổi xuân.

Tôi từng được nghe một câu hát với đại ý rằng: “Tôi từng lãng phí thời gian của mình, thậm chí liều mình đến mức coi thường cái chết. Nhưng chỉ vì yêu em, tôi mới bắt đầu khao khát được sống lâu trăm tuổi”.

Có tình yêu là có điểm yếu và bắt đầu khát khao được sống lâu trăm tuổi. Thế nhưng, con người trường thọ liệu tình yêu có tăng thêm không? Điều này chưa chắc đã có.

Vẫn luôn có rất nhiều người vừa không màng lãng phí thời gian để chia ly, lại vừa thành khẩn van xin được ở bên nhau mãi mãi.

Chỉ khi bạn coi mỗi ngày được sống đều là ngày cuối cùng của bạn trên cõi đời này, bạn mới yêu bằng cả trái tim và bằng cả sự biết ơn của mình.

Đừng bao giờ để những việc quan trọng đến những phút giây cuối cùng mới làm, đừng bao giờ để những người quan trọng đến những phút giây cuối cùng mới yêu thương. Hãy yêu mình, yêu người ngay từ những phút giây này.

Tâm thư trước lúc lâm chung của nữ tiến sỹ 32 tuổi: Khi chạm mốc sinh tử, tăng ca, mua nhà tậu xe... đều là phù du - Ảnh 4.

05

Tình yêu của ngày tận thế giống như mùa xuân hoa nở

Có người nó rằng: “Mỗi lần ngủ đều là một lần chết đi, khi chúng ta tỉnh dậy sẽ bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới”.

Như vậy thật tốt biết bao. Hy vọng rằng, chúng ta luôn yêu thương nhau như ngày tận thế. Không phụ lòng, không cô đơn, không chờ đợi, không do dự và cũng không lưỡng lự chần chừ…

Hy vọng rằng, mỗi ngày tỉnh lại, tia nắng mặt trời và những gì mà chúng ta thích đều vẫn tồn tại.

Hãy sống như chưa từng được sống. Trân trọng sinh mệnh, trân trọng từng phút từng giây mới là điều mà chúng ta nên làm nhất trong cuộc đời này. Chúng ta không có thuốc hối hận cho sự lãng phí tuổi xuân, tình yêu và thời gian của mình. Bởi vậy, hãy sống như những phút giây cuối cùng của cuộc đời!

Theo Ngọc Thủy

Trí thức trẻ

Đế chế Mai Hồng Quỳ ở trường ĐH Luật TPHCM

Mai Bá

Bà Mai Hồng Quỳ, cựu Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, bây giờ là Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM. Ảnh: PL/ GDVN

Trong giới luật ở Việt Nam, có lẽ rất ít người không biết bà Mai Hồng Quỳ, bởi vì bà Quỳ quá “nổi tiếng” do quá nhiều tai tiếng!

Với hai năm làm quyền hiệu trưởng (2006-2008) và hai nhiệm kỳ hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM (2008- 2018), bà Mai Hồng Quỳ đã rất thành công trong việc thiết lập một guồng máy “gia đình trị”, mà có lẽ đến con kiến cũng khó có thể chui lọt:

1. Đưa em rể làm phó hiệu trưởng Lê Trường Sơn phụ trách các mảng công tác: Đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH) khi chưa có bằng tiến sĩ; xây dựng cơ bản và mua sắm vật tư, trang thiết bị cho trường.

2. Phân công cháu của mình và cháu của chồng là Lê Thị Hoài An và Nguyễn Thị Thu Hương, thay nhau làm Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng, khi không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn kế toán.

3. Phân công em con chú ruột là Mai Quốc Thu Trang làm thủ quỹ và chỉ đạo bà Trang mở tài khoản cá nhân số:1900206231434 tại Agribank, CN Trung tâm Sài gòn (mở ngày 31/7/2013 và đóng ngày 04/4/2018 do bị lộ) để nhận tiền học lại của SV hệ VLVH.

Với hệ thống kế toán, tài chính “gia đình hoá” như vậy, thì họ bòn rút bao nhiêu tiền của trường Luật, đố ai mà biết được?

Bà Quỳ về hưu tháng 3/2018 đến nay đã 15 tháng, nhưng trường ĐH Luật TP.HCM vẫn không có Hiệu trưởng.

Phó Hiệu trưởng Trần Hoàng Hải sinh 1962, quá tuổi, không thể bổ nhiệm Hiệu trưởng, nhưng ông Hải trong ekip bà Quỳ, nên phải lách luật bằng cách phụ trách Trường để duy trì đế chế của họ.

Trong khi đó, còn nhiều PGS TS khác có đủ điều kiện cứng lại không được bổ nhiệm?

Bởi vì, những vị đủ tiêu chuẩn thì không thuộc ekip của Bà Quỳ, và họ luôn bị cái cớ “phiếu tín nhiệm” để chặn đường (người bỏ phiếu tín nhiệm đều là trưởng các đơn vị do bà Quỳ và ông Hải bổ nhiệm).

Trước đó, khi mới lên Hiệu trưởng, với bản tính chuyên quyền, bà Quỳ lập tức đàn áp những người không thuộc ekip, và hàng loạt nhà giáo giỏi, tâm huyết với trường phải ra đi vì không thuộc ekip của bà Quỳ, ông Hoàng Hải.

Như ông TS Lê Tiến Châu, bây giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q9, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, ông Bùi Quang Huy – bí thư Trung ương Đoàn và bà TS Trần Thanh Hương – luật sư của một công ty lớn…

Buồn thay, ông Trần Hoàng Hải, lại đi theo vết xe “đàn chị” Mai Hồng Quỳ, bố trí con gái mình là Trần Hoàng Tú Linh chỉ có bằng “cử nhân khoa học chính trị” dạy môn Anh văn pháp lý. Trong khi đó, giảng viên của khoa AVPL phải có bằng thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy.

Bất chấp luật pháp, ông Trần Hoàng Hải vẫn bao che vi phạm, khi ký quyết định đặc cách chuyển từ nhân viên hợp đồng lao động sang viên chức cho bà Mai Quốc Thu Trang, người trước đó 2 tháng ông Hải đã kết luận bà sử dụng tài khoản cá nhân (1900206231434) để thu rất nhiều tiền học phí học lại, thi lại từ các đơn vị liên kết đào tạo ở các địa phương và SV hệ VLVH.

Phẫn nộ trước thực trạng này, cuối tháng 3/2018, ông Lê Minh Tuấn đã tố cáo việc thu tiền học lại, thi lại của SV hệ VLVH qua tài khoản cá nhân của bà Trang (TK:1900206231434) với Đoàn Kiểm toán nhà nước. Nhưng, do thư tố cáo gửi quá trễ, không đủ thời gian kiểm tra theo kế hoạch, nên Kiểm toán đề nghị Bộ GDĐT và Trường cho điều tra xem xét, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết và công bố cho cán bộ giáo viên nhà trường.

Tuy nhiên, thay vì giải quyết theo đúng quy định pháp luật, ông Trần Hoàng Hải lại thành lập tổ công tác nội bộ với thành phần là những người thân tín để kiểm tra, và sau đó ký Kết luận số 630/KL-ĐHL ngày 21/8/2018 đã khẳng định có số TK cá nhân của bà Trang là 1900206231431.

Và, số tài khoản này đã được bà Trang sử dụng để nhận tiền học lại, thi lại của sinh viên các Trung tâm liên kết đào tạo ở các tỉnh và Trung tâm Anh ngữ VASS.

Vậy, phải chăng bà Trang đã dùng 2 tài khoản cá nhân là 1900206231434 (ngày 31/7/2013) và tài khoản 1900206231431 để nhận tiền học phí, học lại của SV?

Một câu hỏi mà chỉ khi nào cơ quan điều tra Công an vào cuộc mới có thể trả lời được.

Cũng cần nói thêm, liên kết với trường Luật và Trung tâm Anh văn VASS là do bà Quỳ và ông Hải “móc nối”, “liên kết ma” để đào tạo tiếng Anh, cấp chứng chỉ đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra cho các nghiên cứu sinh, HV cao học và SV thuộc các chương trình đào tạo.

Nhưng khi hỏi VASS là gì, thì không cán bộ, giảng viên nào biết được VASS có mối liên hệ thế nào với nhà trường? Họ chỉ thấy VASS đặt cơ sở trong trường, sử dụng cơ sở vật chất của trường; VASS dạy và thu rất nhiều tiền từ HV và SV.

Cụ thể: Để đạt 6 tín chỉ chuẩn đầu ra tiếng Anh hệ VLVH SV phải đóng 5 triệu đồng và học chỉ có 8 tuần, mỗi tuần 3 buổi, buổi 3g trong lớp rất đông.

Còn chuẩn đầu ra tiếng Anh hệ thạc sĩ, các tỉnh đóng 10-15 triệu đồng nhưng học qua loa, thi chiếu lệ; còn SV hệ chính quy thì bị ép phải học và thi để được cấp chứng chỉ đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tại VASS.
Mặc dù SV than phiền khắp nơi (trang web của trường cũng còn lưu những tiếng kêu ai oán của sinh viên).

Trong khi đó, nếu SV có chứng chỉ tiếng Anh được cấp từ các trường đại học hay cơ sở khác mà được Bộ GDĐT công nhận thì Trường ĐH Luật TP HCM không công nhận. (Xem QĐ số 1062/QĐ-ĐHL ngày 10/5/2016, quy định “Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN phải do trường ĐH Luật TP.HCM cấp, còn giá trị áp dụng trong thời hạn 2 năm – tính đến ngày nộp chúng chỉ theo kế hoạch của trường).

Trở lại Kết luận số 630-ĐHL nêu trên, không có bất cứ thông tin gì về số tiền học phí, học lại được gửi vào và chuyển ra từ TK 1900206231434 của bà Trang; bao nhiêu đơn vị liên kết và học viên đã nộp tiền vào tài khoản này?

Bao nhiêu tiền đã rút ra, ai rút, thời gian nào rút ra? Ai đã yêu cầu các đơn vị liên kết và học viên nộp tiền vào tài khoản cá nhân này mà không nộp vào tài khoản của Trường? Đây là câu hỏi lớn cần được cơ quan có thẩm quyền trả lời.

Việc mờ ám này của “hệ thống tài chính gia đình” đã gây phẫn nộ đối với CB, GV và NV. Tại nhiều cuộc họp, mặc dù bị yêu cầu nhưng ông Hải không thèm công bố bất cứ thông tin nào về số tiền gửi vào, rút ra trong tài khoản này và ngang nhiên cho rằng, đây là “thông tin mật” không thể công bố.

Hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán, quy định về quản lý tài sản nhà nước, vì trường không được phép thu tiền học phí, học lại, học hoàn thiện… bằng tài khoản cá nhân.

Đây là hành vi phạm pháp luật hình sự, theo Điều 221 của Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại từ trên 100 triệu); điều 352 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản từ 100 triệu trở lên có thể phạt tù từ 7 năm trở lên.
Bên tố cáo còn có số liệu SV học lại, qua kiểm tra, đối chiếu các dữ liệu cho thấy số tiền chênh lệch đã lên đến 7 lần (cụ thể khai báo thu được là 2,22 tỷ nhưng theo tính toán sơ bộ thì con số này là hơn 15 tỷ, chênh lệch trên 13 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra có thể truy xuất dữ liệu của Phòng quản lý hệ VLVH, Phòng kế toán tài chính, Trung tâm công nghệ thông tin và Trung tâm khảo thí để tính toán con số chênh lệch cụ thể.

Bên cạnh đó, có những điều rất vô lý: tại sao mỗi năm Trường chỉ lập 2 phiếu thu học phí học lại, mỗi phiếu thu chung cho 400-500 học viên hệ VLVH từ hàng chục lớp khác nhau, nộp tiền thời điểm khác nhau, trong khi theo nguyên tắc thì khi học viên nộp tiền, hay một đơn vị liên kết chuyển tiền, thì Trường phải cấp 1 phiếu thu theo quy định?

Ví dụ: Phiếu thu 205 ngày 7/9/2015 cho 510 sinh viên với số tiền 424 triệu; Phiếu thu 21 ngày 14/3/2014 cho 486 sinh viên, Phiếu thu 139 ngày 23/8/2016 cho 495 sinh viên… (Trang 8 Kết luận số 1045 của Bộ GD&ĐT ngày 29/12/2917).

Đề nghị Công an để làm việc với Công ty PSC đang quản lý phần mềm của trường và các bộ phận chức năng của Trường (Phòng Tài chính Kế toán, Trung tâm khảo thí, Phòng quản lý hệ vừa làm vừa học) để điều tra, xác minh theo tên học viên, tên lớp, tên môn học, số tín chỉ, đơn giá, lớp tham gia học lại và bảng điểm lớp thi gửi, để phát hiện sai phạm này.

Cũng giống như bà Qùy, từ tháng 3/2018, ông Hải quyết định việc chi tiền học lại, học bổ sung hoàn thiện mà không theo quy định cụ thể nào của Trường và ông Hải tự quyết chia cho mình phần rất nhiều.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT buộc ông Trần Hoàng Hải công khai, minh bạch các khoản thu học lại theo quy định của pháp luật và làm rõ cách thu và quản lý nguồn thu học phí học lại, học bổ sung hoàn thiện và phân chia số tiền tại trường ĐH Luật TP.HCM có đúng pháp luật không?

Với những khoản nêu trên, tưởng chừng nhỏ mà không nhỏ, vì ĐH Luật TPHCM có nguồn thu rất lớn. Nguồn thu trong báo cáo hằng năm gần 500 tỷ, vậy nguồn thu thực bên ngoài báo cáo là bao nhiêu? Con số này chỉ có Mai Hồng Quỳ và Trần Hoàng Hải mới trả lời nổi!

Mai Bá Kiếm /  Tiếng dân

“Nhóm lợi ích” đang đưa đất nước đứng trước những nguy cơ khó lường

 Hậu quả “nhóm lợi ích” gây ra, không dừng lại ở những mất mát đó, mà còn đưa đất nước và chế độ đứng trước những nguy cơ và hậu quả khôn lường.

Đã có vô số bài viết, bài phát biểu đăng trên báo chí phê phán, đả phá các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là với khối doanh nghiệp tư nhân. Những rào cản đó là sự bất cập về chủ trương, chính sách; là các nạn giấy phép con; thanh tra, kiểm tra; tệ hành chính, quan liêu… của công chức, viên chức đối với doanh nghiệp.

Ngoài các rào cản trên đây còn có một rào cản rất lớn, đó là “nhóm lợi ích”. Đây là thế lực mạnh nhất, đang lũng đoạn nền kinh tế đất nước, và tất nhiên là rào cản lớn nhất trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho doanh nghiệp.

“Nhóm lợi ích” thực chất là sự cấu kết, thông đồng giữa những doanh nhân giàu có với những người có quyền lực trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để bòn rút tài sản nhà nước, của nhân dân nhằm.

Sự cấu kết này làm cho người có tiền trở thành người quyền lực chi phối và người có quyền lực sẽ trở thành người có rất nhiều tiền, không chỉ để họ trở nên giàu có mà còn có tiềm lực tham gia “thị trường” mua quan bán chức để chui sâu leo cao. Họ cùng chung mục tiêu thao túng được thật nhiều quyền lực và thật nhiều tiền.

“Nhóm lợi ích” đang đưa đất nước đứng trước những nguy cơ khó lường
Còn có một rào cản rất lớn, đó là “nhóm lợi ích”. Ảnh minh họa

Những lãnh đạo có vai trò chủ chốt nhưng tha hóa ở các cơ quan các cấp mới có vai trò chi phối để cấu kết với doanh nghiệp hình thành “nhóm lợi ích”. Từ đó đồng tiền bất minh cộng với quyền lực được sử dụng vào mục đích bất chính tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.

Hiện nay, “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, bao gồm quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng – tín dụng; quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội; quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; quản lý biên chế, nhân sự;…

Một trong những hình thức biểu hiện của “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp sân sau. Hình thức này có ở mọi cấp, mọi ngành, trên mọi lĩnh vực. Từ việc bố trí đến sắp xếp dự án đầu tư; quản lý các nguồn vốn, chương trình đầu tư xã hội; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp… Và có mặt ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Rất nhiều quan chức có doanh nghiệp sân sau và một quan chức có rất nhiều doanh nghiệp sân sau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13-14 sân sau.”

Ưu thế của doanh nghiệp sân sau khi tham gia thực hiện các dự án, do được người nắm quyền lực ưu ái nên hầu hết các dự án được chỉ định thầu, thiếu công khai minh bạch.

Theo VietNamNet, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, chỉ riêng năm 2017, cả nước có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69%.

Không công khai minh bạch trong kinh doanh của các doanh nghiệp sân sau, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến một khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước rơi vào túi cá nhân. Nếu khối tài sản này được thống kê chính xác, đầy đủ và công khai thì chắc chắn gây sốc cho hầu hết mọi người, dù có thần kinh vững đến mấy.

Năm 2018, Bộ Tài chính chỉ thanh tra 60 dự án doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với diện tích 834.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại, tất cả đều có dấu hiệu làm thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhiều lô đất được phê duyệt để xây chung cư cao cấp với mức giá chỉ 20 – 40 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi nhiều lần.

Tham nhũng thông qua doanh nghiệp sân sau không chỉ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế mà còn để lại hệ lụy tiêu cực về chính trị, xã hội. Bởi vậy, loại doanh nghiệp này không những không giúp ích cho dân cho nước, là rào cản không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn đối với sự phát triển của đất nước.

“Nhóm lợi ích” đang đưa đất nước đứng trước những nguy cơ khó lường
Một trong những hình thức biểu hiện của “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp sân sau.

Xin nêu một vài ví dụ về tình trạng doanh nghiệp sân sau thao túng đất đai trong hàng chục năm qua.

Năm 2008, khi tỉnh Hà Tây chuẩn bị sáp nhập về TP. Hà Nội, chỉ trong một thời gian rất ngắn, lãnh đạo Hà Tây lúc bấy giờ đã ký cấp phép đầu tư ồ ạt hàng trăm dự án xây dựng khu đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông) và các huyện của tỉnh Hà Tây cũ tiếp giáp với Hà Nội, với giá đất rẻ mạt làm dư luận xôn xao.

Hay như các vụ mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến các đại án tham nhũng như ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang; hoặc của các ngành Công an, Quân đội, Lâm nghiệp…

Công thổ quốc gia là sở hữu toàn dân đã bị một nhóm những kẻ có quyền lực biến chất, bảo kê bằng những công văn đóng dấu “Mật”, “Tuyệt Mật” vượt qua sự nghiêm minh của pháp luật, biến thành tư hữu.

Đó là nguyên nhân vì sao hầu hết các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam trở nên giàu có nhanh chóng, rất nhiều người trở thành triệu phú USD.

Đất đai quốc gia bị các “nhóm lợi ích” thâu tóm, không chỉ gây thất thoát nguồn tài sản khổng lồ mà còn để lại những hậu quả nặng nề về chính trị, xã hội; gây bất công xã hội sâu sắc, gây bất bình trong nhân dân.

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, lĩnh vực đất đai, nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ khiếu kiện. Cụ thể năm 2011: 82%; năm 2012: 89%; năm 2013: 60,9%, năm 2016: 70%.

Còn theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, với tỷ lệ 95,26%.

Có những vụ khiếu kiện căng thẳng, kéo dài hơn 20 năm và đến nay vẫn chưa giải quyết xong như Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, Dương Nội, TP. Hà Nội.

Cũng vì doanh nghiệp sân sau, vì “nhóm lợi ích” mà không chỉ quốc gia thất thoát về tài sản, mà Đảng và Nhà nước cũng mất hàng loạt cán bộ, trong đó có rất nhiều cán bộ cấp cao, nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội rơi vào vòng lao lý hoặc bị kỷ luật như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Thành Tài nguyên Phó Chủ tịch UBND, Tất Thành Cang nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh; Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai;… Không chỉ mất tài sản, mất cán bộ, điều nguy hại hơn là niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ bị bào mòn nghiêm trọng.

Hậu quả “nhóm lợi ích” gây ra, không dừng lại ở những mất mát trên đây, mà còn đưa đất nước và chế độ đứng trước những nguy cơ và hậu quả khôn lường.

Nguy cơ và hậu quả đó được tổng kết trong bài viết đăng “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – cảnh báo nguy cơ” đăng ở tạp chí Cộng sản (tháng 6/2015): “Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, do hoạt động của “nhóm lợi ích” gây nên. Cũng có ý kiến cho rằng nước ta đã rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” rồi, đã vào sâu lắm rồi (?).

Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch, và ở họ doanh nghiệp nhà nước cũng ít hơn ta. Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước, vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng, vì vậy, đề phòng “lợi ích nhóm” ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước khác, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.

Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.

Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị sẽ thay đổi theo hướng xấu, vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Khát vọng và hy sinh xương máu của hàng triệu đảng viên và nhân dân trong giải phóng và xây dựng đất nước sẽ trở nên xa vời, bị phản bội; mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được. Vai trò của Đảng chân sẽ bị thách thức; vai trò Nhà nước sẽ bị thương mại hóa, biến chất; dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt về quyền lực và tài sản của cải; chế độ xã hội sẽ trở thành không còn dân chủ và tự do; quyền lực và vật chất sẽ chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ.

Lúc này, hơn lúc nào hết, cần nhận thức rõ nguy cơ này và có quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, không để “nhóm lợi ích” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thao túng.

Nguyễn Huy Viện / Tuần VN

Hồng Kông: 180.000 người tham gia kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn

Hôm qua (ngày 4/6), người Hoa ở khắp nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, trong đó hoạt động kỷ niệm tại Công viên Victoria là hoạt động lớn nhất. Năm nay có hơn 180.000 người tham gia thắp nến tưởng niệm, số người tăng 50% so với năm ngoái, và tiếp tục đạt con số kỷ lục.

People hold candles as they take part in a candlelight vigil at Victoria Park on June 4, 2019 in Hong Kong, China. As many as 180,000 people were expected to attend a candlelight vigil in Hong Kong on Tuesday on the 30th anniversary of the Tiananmen Square massacre. Commemorations took place in cities around the world on June 4 to remember those who died when Chinese troops cracked down on pro-democracy protesters. Thirty years ago, the People's Liberation Army opened fire and killed from hundreds to thousands of protesters in Beijing after hundreds of thousands of students and workers gathered in Tiananmen Square for weeks to call for greater political freedom. No-one knows for sure how many people were killed as China continues to censor any coverage or discussion of the event that takes place during the anniversary.  (Photo by Anthony Kwan/Getty Images)

8 giờ tối ngày 4/6 (giờ Hồng Kông), Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc đã tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ). Một tiếng trước khi buổi lễ bắt đầu, đã có rất nhiều người đến, đến 7h50 tối thì số người đã chật 6 sân bóng trong Công viên Victoria. Buổi thắp nến tưởng niệm bắt đầu được 40 phút, vẫn còn có rất nhiều người tiếp tục đến. Nhiều người không thể vào được nữa, nhưng họ vẫn kiên trì đứng bên ngoài vỉa hè để cùng thắp nến tưởng niệm. Sau khi ban tổ chức tuyên bố 6 sân bóng, bên ngoài vỉa hè, sân bóng rổ đã đông chật người, phía cảnh sát đã buộc phải dựng hàng rào thép để ngăn những người đến sau.

Sau buổi lễ tưởng niệm, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc dự tính năm nay số người tham dự khoảng hơn 180.000 người, nhiều hơn con số 115.000 người hồi năm ngoái, số người tham dự cũng đạt mức kỷ lục trong các năm. Còn theo phía cảnh sát cho biết, thống kê năm nay có khoảng 37.000 người tham dự, gấp hai lần năm ngoái (khoảng 17.000 người).

Buổi lễ thắp nến tưởng niệm năm nay được tiến hành theo thông lệ hàng năm, có các tiết mục như dâng hoa, mặc niệm, đọc điếu văn, châm đuốc, đọc tuyên ngôn đại hội tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ, tất cả cùng hát bài hát dân chủ, phát các đoạn video ghi hình lời phát biểu của thành viên “Các bà mẹ Thiên An Môn”.

Ngoài khẩu hiệu “Bình phản Lục Tứ” (Sửa lại oan sai) buổi lễ năm nay còn hô khẩu hiệu “phản đối dẫn độ tới Trung Quốc, rút lại luật xấu” để phản đối chính phủ Hồng Kông hiệu đính “Luật đào phạm”.

Tại buổi lễ, bà Lý Lan Cúc – người từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào Lục Tứ năm 1989 đã lên sân khấu phát biểu, bà chia sẻ về tình huống xảy ra vào năm 1989 tại Thiên An Môn. Trong buổi tối xảy ra thảm sát, Lý Lan Cúc từng nghe thấy từ xa tiếng súng nổ, tận mắt chứng kiến đạn báo hiệu và chiếc áo đầy máu của người bạn quét qua trong đêm u ám, cuối cùng, bà đã cùng các sinh viên Hồng Kông khác lên xe cứu hộ rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn.

Ca sĩ Hoàng Diệu Minh lên sân khấu hát ca khúc mới để tưởng niệm sự kiện này. Hoàng Diệu Minh cũng từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào sinh viên. Ông cho biết, 30 năm qua ông đều đứng dưới sân khấu, hôm nay ông lên sân khấu là bởi vì “Một nước hai chế độ” tại Hồng Kông đã bắt đầu dần “biến mất”, hy vọng mọi người tập hợp tại đây cùng nhau ngăn chặn “cự thú” (thú khổng lồ) thảm sát người dân năm xưa sẽ không tiếp tục tùy tiện tiêu diệt thế hệ tiếp theo của Hồng Kông. Ông cũng kêu gọi người dân Hồng Kông vào ngày 9/6 tới, hãy xuống đường phản đối luật dẫn đào đào phạm tới Trung Quốc.

Nhà báo Trình Tường lên sân khấu phát biểu, chỉ thẳng chính phủ Bắc Kinh đã nói dối 30 năm qua, che giấu chân tướng thảm sát Lục Tứ, khiến cho rất nhiều người Hồng Kông cho rằng năm đó họ không hề giết người. Do đó, ông cho rằng, cần thiết phải xuất bản cuốn “Tôi là phóng viên – Dấu vết ngày 4/6” (/ I am a Journalist, My June 4 Story) do 60 phóng viên trong sự kiện Lục Tứ cùng viết, để tiết lộ sự thật về cuộc thảm sát này.

Ông Châu Diệu Minh (Chu Yiu-ming ), người bị kết án trong phòng trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” hồi năm 2014 cũng lên sân khấu phát biểu. Ông nói, bản thân mình chưa bao giờ quên tiếng súng và xe tăng trong đêm xảy ra thảm sát Lục Tứ đó. Ông còn cho biết, đến nay chỉ cần vẫn còn người bất đồng chính kiến bị bỏ tù, thì Hồng Kông sẽ không có tự do thực sự, ông kêu gọi mọi người cần có lòng tin, dùng tình yêu, lương thiện và công bằng chính nghĩa để đối kháng lại chính quyền bất nghĩa.

Buổi lễ còn phát video lời phát biểu của bà Trương Tiên Linh – thành viên của “Các bà mẹ Thiên An Môn”. Đến nay bà vẫn nhớ như in về cuộc thảm sát đẫm máu và tàn ác của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như việc sinh viên, người dân Bắc Kinh coi thường cái chết để ngăn cản quân đội cách đây 30 năm. Bà cho biết, “Mặc dù trong nhóm Những bà mẹ Thiên An Môn có 56 người đã qua đời, nhưng những người chúng tôi còn sống, vẫn sẽ trước sau như một, gánh vác trách nhiệm từ những người đã khuất, dù đường còn bao nhiêu gập ghềnh, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình!”

Theo BBC và truyền thông tại Hồng Kông đưa tin, buổi lễ tưởng niệm tối ngày 4/6 còn có các nhân sĩ ở các nơi trên thế giới tới tham dự, trong đó có nhiều vị đến từ Trung Quốc Đại lục. Những vị nhân sĩ đến từ Đại lục cho biết, thông qua các kênh thông tin bên ngoài, họ đã hiểu được sự tồn tại của Lục Tứ, cảm ơn Hồng Kông tổ chức kỷ niệm Lục Tứ. Còn có du khách Đại lục dùng tên thật trả lời phỏng vấn, biểu thị không sợ hãi chính quyền Trung Quốc trả thù sau cuộc phỏng vấn, đồng thời cũng mong muốn năm nào cũng được tới tham dự lễ tưởng niệm.

Sau khi kết thúc buổi lễ tưởng niệm, Chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc Hà Tuấn Nhân (Albert Ho) cho biết, 180.000 người tới tham dự đã phản ánh người Hồng Kông “dùng ký ức chiến thắng sự lãng quên, lấy dũng khí để khắc chế sự sợ hãi”. Ông còn cho biết, số người tham gia năm nay cao kỷ lục có lẽ liên quan đến luật dẫn độ tội phạm đến Trung Quốc, tuy nhiên người tham gia buổi lễ chủ yếu vẫn lấy việc tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ là chính.

Huệ Anh / trithucvn