‘Rừng bê tông’ – cơn ác mộng quy hoạch đô thị mất kiểm soát

“Rừng bê tông” là hậu quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát tại nhiều thành phố lớn ở châu Á, nơi các tòa nhà cao tầng chen chúc nhau.

Những khu đô thị mới, tòa chung cư mọc lên san sát ở TP.HCM và Hà Nội đang đẩy nhiều trục đường ở hai thành phố này vào tình cảnh “tắc thở”, kéo theo nhiều lỗ hổng về cơ sở hạ tầng trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng cũ không còn đủ khả năng đáp ứng.

Hà Nội và TP.HCM có tốc độ đô thị hoá cao nhất cả nước, tuy nhiên chính sách quy hoạch của hai thành phố này vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều người dân lo ngại TP.HCM và Hà Nội sẽ trở thành những khu “rừng bê tông” như nhiều nơi trên thế giới.

Sự bùng nổ của những siêu đô thị

Thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có trong phát triển đô thị. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa của châu Á đang ở mức 50%, châu Âu là 74% và Bắc Mỹ là 82%.

Mặc dù tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn các khu vực khác nhưng châu Á lại là nơi sinh sống của 54% cư dân đô thị trên thế giới, trong khi con số này ở châu Âu và châu Phi đều là 13%.

Tốc độ tăng trưởng này đã dẫn đến sự bùng nổ của một kiểu đô thị mới – siêu đô thị. Đây là những thành phố có dân số trên 10 triệu người và là mức độ cao nhất của quá trình mở rộng đô thị.

Năm 1990, thế giới chỉ có 10 siêu đô thị được công nhận. Tuy nhiên, con số này tính đến năm 2016 là 37, trong đó có 25 siêu đô thị nằm ở châu Á.

‘Rung be tong’ - con ac mong quy hoach do thi mat kiem soat hinh anh 1
Những khu rừng bê tông đang mọc lên giữa siêu đô thị Seoul trong khi những không gian xanh ở đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Ảnh: KnowledgeHi.

Hong Kong, Singapore, Quảng Châu, Thượng Hải, Tokyo… là những siêu đô thị có nhiều thành tựu về quy hoạch trong khu vực. Tuy nhiên, sức ép về dân số cũng đẩy những siêu đô thị này vào tình cảnh quá tải cao ốc, tạo nên những khu “rừng bê tông” giữa đô thị mới.

Trong quá trình đô thị hóa, khái niệm “rừng bê tông” (concrete jungle) vốn dùng để chỉ những khu đô thị hoặc khu dân cư có những tòa nhà được xây dựng từ bê tông hoặc các vật liệu tương tự với mật độ cao. Đặc biệt, những khu vực này thường không có nhiều cây xanh, mang đến cảm giác chật chội, thiếu sức sống.

Như một phép ẩn dụ, khái niệm này gợi lên những khía cạnh tồi tệ nhất của cuộc sống đô thị hiện đại. Những cấu trúc lạnh lẽo được dựng lên bởi bê tông và sắt thép biến cả một khu cư dân thành một màu xám ngắt do thiếu ánh sáng tự nhiên, cây xanh và sự giao tiếp giữa người với người, cuộc sống của con người trở nên khắc nghiệt bởi quy hoạch thiếu thận trọng gây ra.

Đồng thời, nó cũng vẽ nên bức tranh về cơn khát nhà đất đang diễn ra ở các đô thị của các nhà đầu tư và sự lúng túng của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề về quy hoạch.

Bài học đắt giá về quy hoạch

Tuy nhiên không phải thành phố nào cũng xây dựng được cho mình những chính sách quy hoạch rõ ràng và toàn diện. Khi tăng trưởng diễn ra ở khu vực vùng ven của các đô thị, việc mở rộng cơ sở hạ tầng là điều bắt buộc và những cộng đồng lân cận cũng bị hút vào khu vực trung tâm, tạo ra một đô thị ngổn ngang, thiếu đồng bộ và kết nối.

Là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á, Jakarta – siêu đô thị 10,7 triệu dân – đang đối mặt với hàng loạt khó khăn về cơ sở hạ tầng. Thậm chí chính phủ Indonesia còn đang cân nhắc phương án di dời thủ đô đến một nơi khác.

‘Rung be tong’ - con ac mong quy hoach do thi mat kiem soat hinh anh 2
Giao thông ở Jakarta luôn ở trong tình trạng ùn tắc trong khi tỉ lệ phương tiện sở hữu cá nhân nhân ngày càng tăng cao. Ảnh: Lauren Kana Chan.

Trong 20 năm qua, cao ốc mọc lên trong thành phố, phá nát các cảnh quan thiên nhiên, trong khi đó hệ thống giao thông công cộng không được chính phủ chú trọng đầu tư. Cơ sở hạ tầng không theo kịp đà phát triển dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày một tồi tệ. Kết quả là mỗi năm, người dân ở Jakarta dành 400 giờ cho việc tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, siêu đô thị này cũng phải chịu đựng vấn nạn lụt lội diễn ra thường xuyên. Nhiều nơi ở khu vực Bắc Jakarta đang nằm thấp hơn so với mực nước biển do biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác nước ngầm, Jakarta Post đưa tin.

Theo BBC, tháng 5 năm 2018, chính quyền thành phố đã kiểm tra 80 tòa nhà trong khu vực trung tâm bao gồm các toà nhà chọc trời, trung tâm mua sắm và khách sạn lớn. Kết quả họ đã phát hiện 56 tòa nhà có hệ thống bơm nước ngầm riêng và 33 tòa nhà khai thác nước ngầm một cách bất hợp pháp.

Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nếu thành phố tiếp tục phát triển theo con đường hiện tại, đến năm 2050 khoảng 95% diện tích khu vực Bắc Jakarta sẽ bị nhấn chìm.

Câu trả lời của cơn sốt nhà đất

Câu chuyện về cơn sốt bất động sản dẫn đến những khu rừng bê tông của các đô thị châu Á có thể nhìn thấy rõ nhất qua trường hợp của Hong Kong.

Từ lâu, Hong Kong đã nổi tiếng với cảnh “chen chúc” của những tòa nhà chọc trời. Theo các chuyên gia về phát triển đô thị, sự ra đời của những tòa nhà cao hơn, mật độ dày đặc hơn là câu trả lời cho sự thiếu hụt nhà đất và bất động sản thương mại ở Hong Kong.

‘Rung be tong’ - con ac mong quy hoach do thi mat kiem soat hinh anh 3
Hong Kong có khoảng 1,7 triệu căn hộ bao gồm cả những khu chung cư cũ và trong các dự án xây mới. Ảnh: Michael Wolf.

Thành phố này đang không thể đáp ứng được nhu cầu nhà đất ngày càng tăng của làn sóng người nhập cư và người nước ngoài tràn vào. Đầu tư bất động sản ở Hong Kong được xem là một trong những khoản đầu tư khôn ngoan nhất vào thời điểm hiện tại khi giá bình quân ở đây đã lên đến 1,2 triệu USD cho mỗi căn hộ, trong khi con số này ở Los Angles là 679.220 USD.

Theo dữ liệu được công bố bởi chính phủ Trung Quốc, tính đến tháng 6/2018, các nhà đầu tư đã tích trữ hơn 9.000 căn hộ mới ở Hong Kong, nhiều số căn đã bị bỏ trống trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên các nhà đầu tư tính toán rằng nếu giá nhà đất tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, họ vẫn sẽ bán được nhà với giá như mới.

Để giảm thiểu tình trạng tích trữ nhà đất trong bối cảnh thành phố đang trở thành khu rừng bê tông chật cứng, chính quyền Hong Kong đã đưa ra đề xuất đánh thuế đối với những căn hộ bỏ trống này. Thông tin này đã khiến các nhà đầu tư ngay lập tức rao bán nhiều dự án đang được tích trữ.

Lựa chọn nào cho Hà Nội và TP.HCM?

Không nằm ngoài vòng xoáy này, hai thị trường bất động sản sôi động nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM cũng đang phải đối mặt với vấn đề quy hoạch bị phá vỡ, cơ sở hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển của những dự án chung cư mới.

Cụ thể, nhiều dự án chung cư được cấp phép tùy tiện, bị tăng tầng, nâng mật độ, quy hoạch ở các đô thị được điều chỉnh để tăng lợi ích tối đa cho các nhà đầu tư, đồng thời giảm tiện ích cho người dân. Tình trạng này đã kéo theo hàng loạt các vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện nước, xử lý nước thải.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, cả Hà Nội và TP.HCM đã có quy mô dân số ở mức siêu đô thị theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc đưa ra. Báo cáo của Quốc hội dẫn con số 9,6 triệu dân ở Hà Nội năm 2017 là ví dụ cho việc quy hoạch và dự báo thiếu chuẩn xác. Mức này đã vượt dân số dự báo của Hà Nội vào năm 2030. Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là gần 10,5 triệu người, gần bằng dân số dự báo đến năm 2050 và vượt quá xa so với dự kiến.

‘Rung be tong’ - con ac mong quy hoach do thi mat kiem soat hinh anh 4
TP.HCM và Hà Nội cũng đang phải “gồng mình” trước việc cấp phép xây dựng các toà nhà cao tầng một cách dồn nén. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tốc độ gia tăng dân số của TP.HCM là 200.000 người/năm, đồng nghĩa với việc cứ 5 năm, thành phố này lại có thêm 1 triệu cư dân. Với tốc độ này, chỉ trong gần 10 năm nữa, TP.HCM sẽ trở thành một trong những siêu đô thị mới của khu vực với hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), TP.HCM đứng ở vị trí thứ 3 trên tổng số 4.000 đô thị lớn ven biển trên thế giới đang bị đe dọa bởi nước biển dâng, chỉ sau Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines).

Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, khả năng TP.HCM chìm xuống dưới mực nước biển như Jakarta sẽ không còn là viễn cảnh xa vời nếu không có những giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chính quyền thành phố vẫn đang loay hoay với bài toán quy hoạch.

Hà Bùi / Zing

Chân dung nhân vật xuất hiện trên tờ 100 USD của Mỹ

Cuốn sách “Benjamin Franklin – Cuộc đời một người Mỹ” không chỉ là câu chuyện của một người Mỹ mà còn là câu chuyện về tính cách của cả một dân tộc.

Benjamin Franklin là một nhân vật kiệt xuất của nước Mỹ thế kỷ 18. Benjamin Franklin – “Người Mỹ đầu tiên”, là một trong bảy “người cha lập quốc” của nước Mỹ. Là một trong hai người chưa từng làm tổng thống Mỹ nhưng chân dung ông xuất hiện trên tờ tiền Mỹ, với mệnh giá cao nhất 100 USD.

Tuổi trẻ tài hoa

Benjamin Franklin ban đầu được gia đình giáo dục theo định hướng trở thành tăng lữ, nên đã gửi ông tới trường Latin Boston, để chuẩn bị cho việc vào học ở Harvard. Thế nhưng, sau một thời gian, dù Franklin học hành tiến tới, cha ông vẫn đột ngột thay đổi quyết định về việc gửi ông tới Harvard.

Chan dung nhan vat xuat hien tren to 100 USD cua My hinh anh 1
Bìa sách Bejamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ.

Đây là quyết định có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời Franklin. Sau khi từ bỏ câu chuyện Harvard, Benjamin ở tuổi lên 10 bắt đầu theo học việc toàn thời gian tại cửa hàng nến và xà phòng của cha, nhưng trong thâm tâm, Benjamin luôn có những khao khát mãnh liệt về việc “vượt thoát” và “ra khơi”.

Trong quãng thời gian tuổi trẻ của mình, khi đã trở nên thuần thục với ngành in ấn, Franklin bắt đầu thể hiện tài năng văn chương của mình, với những bài viết bình luận vừa sắc sảo, hài hước, vừa châm biếm, chua cay.

Trong suốt một khoảng thời gian dài, với bút danh Silence Dogood, trong vai một góa phụ, Franklin đã viết rất nhiều bài luận gây chú ý với độc giả.

Sau khi tờ báo của người anh trai Jame bị cấm, Franklin tự mình xuất bản tờ Tuần báo, nhưng khi anh trai hết thời gian cấm túc, trở lại công việc Franklin bị tước mất quyền in ấn và phát hành. Chính vì thế, ông đã nghĩ đến việc bỏ trốn.

Philadelphia chính là nơi đã chứng kiến sự va vấp, thất bại và trưởng thành đầu tiên của Franklin.

Trong cuốn sách tự truyện này, chân dung cậu thiếu niên Franklin thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giao thiệp, tài năng, đã được tác giả Walter Isaacson thể hiện tập trung, sáng tỏ, mạch lạc.

Tại Philadelphia, Franklin đã lên kế hoạch để trở thành người đáng tin với bốn quy tắc chặt chẽ: “Tôi cần phải cực kỳ căn cơ một thời gian, cho đến khi tôi trả hết nợ nần; Cố gắng nói thật trong mọi hoàn cảnh…; Để bản thân tôi chuyên tâm vào bất cứ công việc nào mà tôi dám nhận…; Tôi quyết tâm dù thế nào cũng không nói xấu ai”. Khi ấy Franklin 20 tuổi.

Ở Philadelphia, Franklin từng bước tìm kiếm cơ hội và nỗ lực hết mình, ông trở thành chủ nhà in, thành lập Hội kín, viết tiểu luận (ký tên Người bận rộn); và trở thành chủ bút của tờ Nhật báo Pennsylvania vào tháng 10/1729.

Thời gian này cũng là khoảng thời gian ông quyết định chung sống cùng Deborah Read như vợ chồng. Người phụ nữ này là người vợ cần mẫn, cả đời hài hòa, giúp đỡ Franklin rất nhiều trong sự nghiệp.

Chan dung nhan vat xuat hien tren to 100 USD cua My hinh anh 2
Chân dung Benjamin Franklin.

Đây cũng là khoảng thời gian Franklin bắt đầu phát hành Niên giám Richard nghèo khổ kết hợp hai mục tiêu của triết lý “làm giàu nhờ làm việc tốt: kiếm tiền và khuyến khích đạo đức”.

“Trong 25 năm tồn tại, nó đã trở thành kinh điển trào phúng vĩ đại đầu tiên của nước Mỹ”. Cuốn sách đã giúp mọi người hiểu thêm về Franklin, nhất là trí tuệ và những quan điểm về cuộc sống, xã hội của ông.

Trong những năm tháng sau này, khi nhà in của Franklin trở thành một “tổ hợp truyền thông tích hợp”, Franklin quyết định nghỉ hưu năm 1748, khi ấy ông 42 tuổi.

Nghỉ hưu ở tuổi 42, Franklin đã là quý ông giàu có, với lợi tức hàng năm lên đến 650 bảng. Đây là lúc ông có thể tập trung hoàn toàn vào những hoài bão chưa từng nguôi ngoai của mình như: khoa học, chính trị, ngoại giao và thuật trị quốc gia.

Một tính cách Mỹ điển hình

Trong tiểu sử về Benjamin Franklin, Isaacson liên tục khẳng định, nhấn mạnh “tính cách Mỹ” của Franklin, và việc ông là đại diện cho lợi ích của tầng lớp trung lưu mới nổi của đất nước này. Ông không chỉ đơn thuần là một người Mỹ, ông là một người Mỹ điển hình, là người cha sáng lập của tầng lớp văn minh.

Những sự kiện chi tiết, những thành tựu quan trọng Franklin đạt được sau thời gian nghỉ hưu đã được kể lại thận trọng, thấu đáo, và hấp dẫn trong cuốn tự truyện.

Về mặt khoa học, ông đã phát minh ra rất nhiều thứ hữu ích bao gồm cột thu lôi, bếp lò Franklin và ống thông tiểu.

Nghiên cứu quan trọng nhất của ông về bản chất của điện đã khiến ông được cả thế giới khen ngợi, khi Immanuel Kant gọi ông là “Prometheus mới” vì những thí nghiệm của ông với diều và sét. (Đối với tác phẩm này, ông được trao tặng Huân chương Copley uy tín của Hội Hoàng gia – người đầu tiên sống bên ngoài nước Anh được vinh danh theo cách này.)

Những đóng góp của ông cho văn hóa dân sự Mỹ bao gồm việc thành lập thư viện cho mượn đầu tiên, sở cứu hỏa đầu tiên.

Chan dung nhan vat xuat hien tren to 100 USD cua My hinh anh 3
Đồng tiền 100 USD của Mỹ in hình Franklin.

Ông cũng là một nhà ngoại giao tài năng, tạo nên một liên minh giữa Pháp và Mỹ năm 1777, hỗ trợ Hiệp ước hòa bình Anh – Mỹ năm 1783, và hỗ trợ viết Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787.

Tự truyện của ông đến nay vẫn là một văn bản kinh điển của Mỹ. Theo sự nhất trí của đông đảo những người có uy tín, ông được xem là nhà văn giỏi nhất ở Mỹ thế kỷ 18, cũng như là ông trùm truyền thông của quốc gia.

Một điểm rất thú vị trong cách viết tiểu sử Franklin của Isaacson là việc nhận thức của ông rằng danh tiếng Franklin đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Franklin đã từng bị “phỉ báng” trong giai đoạn lãng mạn và được “sư tử hóa” trong giới kinh doanh. Mỗi thời đại lại có sự đánh giá ông thêm lần nữa, nhưng trên hết, ông vẫn luôn được coi là một người Mỹ điển hình.

Giai đoạn này, không chỉ đạt được vô vàn thành tựu trên mọi lĩnh vực, ông cũng trở thành một chuyên gia “tán tỉnh”, có sức hút với rất nhiều phụ nữ trong và ngoài nước.

Một trong những mối quan hệ thân thiết nhất có thể kể đến là mối quan hệ của ông với Madame Brillon de Jouy, người phụ nữ ông gặp năm 1777. Lúc đó cô 33 tuổi, đã kết hôn với một người đàn ông thành đạt. Cô và Franklin có một mối quan hệ kéo dài trong tám năm, trong thời gian đó họ trao đổi hơn 130 bức thư, với đầy những câu chuyện thú vị.

Cuốn tiểu sử “đồ sộ” Benjamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ đã cho thấy sự công phu trong việc tìm kiếm, sắp xếp, sử dụng tư liệu của tác giả Isaacson. Ông chính là một tác giả viết tiểu sử nổi tiếng của Mỹ.

Bên cạnh tiểu sử của Benjamin Franklin, ông còn viết những cuốn sách tiểu sử nổi tiếng về Albert Einstein, Steve Jobs, Leonardo da Vinci…. Ông nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất do tờ Time bình chọn (2012); được tặng Huy chương Benjamin Franklin của Hiệp hội nghệ thuật hoàng gia (2013); Huy chương Nicholas – Chancellor của Đại học Vanderbilt (2015)…

Thủy Nguyệt / Sach1hay / Zing.

Nam sinh gốc Việt vô gia cư trúng tuyển vào ĐH Harvard: Mồ côi cha, mẹ vào tù vì cờ bạc, sống vạ vật ngoài đường

Nam sinh gốc Việt vô gia cư trúng tuyển vào ĐH Harvard: Mồ côi cha, mẹ vào tù vì cờ bạc, sống vạ vật ngoài đường

Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, cậu đã quyết định dồn hết tâm trí vào việc học để có một tương lai tốt hơn. Mỗi ngày cậu đi học bằng xe buýt và dốc sức xây dựng sự thành công của mình từng chút một.

Derrick Ngo, một học sinh gốc Việt hiện đang sinh sống ở Houston, bang Texas (Mỹ), đã vượt qua được hoàn cảnh vô gia cư để tốt nghiệp thủ khoa trung học và được nhận vào 4 trường Đại học danh giá của nước Mỹ, trong đó có: Đại học Harvard, Đại học Texas ở Austin, Đại học Princeton ở New Jersey, Đại học Columbia ở New York.

Nam sinh gốc Việt vô gia cư trúng tuyển vào ĐH Harvard: Mồ côi cha, mẹ vào tù vì cờ bạc, sống vạ vật ngoài đường - Ảnh 1.

Derrick Ngo, một học sinh gốc Việt vượt qua hoàn cảnh vô gia cư để được nhận vào Harvard (Ảnh: ABC13 Houston)

“Tôi nhận ra rằng nếu không biết tận dụng trường học, giáo dục và tất cả những gì mình có để học tập thì tôi sẽ mãi mãi không bao giờ thoát được hoàn cảnh hiện tại”, nam sinh gốc Việt chia sẻ với phóng viên.

Derrick Ngo đã phải trải qua một cuộc sống vất vưởng và bất hạnh từ nhỏ. Cha của Derrick qua đời khi cậu mới 2 tuổi, còn mẹ cậu thì từng vào tù vài lần vì cờ bạc. Cả nhà không có thu nhập ổn định, rất nhiều lúc còn không đủ ăn.

“Mẹ tôi mê đánh bài. Anh em tôi thường phải theo bà đến sòng bạc và ngồi đợi trong bãi đậu xe đến khi mẹ đánh bài xong mới được về”, Derrick hồi tưởng lại tuổi thơ của mình.

Trong suốt quãng thời gian đi học, Derrick đã phải chuyển trường những 12 lần. Năm 15 tuổi, Derrick ra sống một mình và được mẹ trợ cấp tiền thuê nhà. Tuy nhiên số tiền này chỉ giúp cậu trả được các chi phí cơ bản. Mọi chuyện kéo dài đến năm 17 tuổi thì Derrick buộc phải chấp nhận sống cảnh vô gia cư vì không còn đủ tiền trợ cấp.

Nam sinh gốc Việt vô gia cư trúng tuyển vào ĐH Harvard: Mồ côi cha, mẹ vào tù vì cờ bạc, sống vạ vật ngoài đường - Ảnh 2.

Năm 17 tuổi Derrick buộc phải sống cảnh vô gia cư vì không còn được nhận tiền trợ cấp

Không có sự chỉ dẫn của người lớn, phải sống vạ vật ngoài đường qua ngày nhưng Derick chưa bao giờ có ý định buông xuôi hay bỏ cuộc. Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, Derrick quyết định dồn hết tâm trí vào việc học để có một tương lai tốt hơn. Mỗi ngày Derrick đi học bằng xe buýt và dốc sức xây dựng sự thành công của mình từng chút một.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Derrick cho biết tất cả là nhờ sự kỷ luật và không bao giờ được lơ là với mục tiêu của bản thân: “Tôi nghĩ lúc nào mình cũng phải có mục tiêu. Cho dù mục tiêu này còn xa và khó khăn, nhưng rồi một ngày nào đó sẽ thành hiện thực”.

Nam sinh gốc Việt vô gia cư trúng tuyển vào ĐH Harvard: Mồ côi cha, mẹ vào tù vì cờ bạc, sống vạ vật ngoài đường - Ảnh 3.

Derrick sẽ nhập học tại Harvard vào mùa thu tới (Ảnh: Fox26)

Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc tại trường trung học mà mình theo học, Derrick đã nộp đơn vào Đại học Harvard, Đại học Texas ở Austin, Đại học Princeton ở New Jersey, Đại học Columbia ở New York và được nhận vào cả 4 trường. Trải qua sự cân nhắc kỹ càng, Derrick quyết định sẽ nhập học tại Harvard vào mùa thu tới. Hiện cậu vẫn đang phân vân giữa ngành triết học và kinh tế. Khi được hỏi về tương lai, Derrick cho biết mình chưa có kế hoạch cụ thể nào về nghề nghiệp sẽ theo đuổi, tuy nhiên chàng trai gốc Việt bày tỏ mong muốn được tạo nên những thay đổi lớn để giúp đỡ cuộc sống của những người khác.

(Nguồn: Fox26)

Ông lão rao bán mảnh đất 2 triệu USD chỉ với giá 200 USD, không hề lỗ mà còn lời to nhờ 1 đạo lý đơn giản, ai hiểu được sẽ sớm thành công

Ông lão rao bán mảnh đất 2 triệu USD chỉ với giá 200 USD, không hề lỗ mà còn lời to nhờ 1 đạo lý đơn giản, ai hiểu được sẽ sớm thành công

Cách rao bán mảnh đất khôn ngoan này đã khiến ông lão thu về khoản lợi nhuận gấp đôi chỉ nhờ thay đổi tư duy theo một khía cạnh hoàn toàn khác, đánh vào tâm lý đám đông.

1. Câu chuyện thứ nhất

Tại một vùng đất thịnh vượng nọ ở tiểu bang Hoa Kỳ, có một ông lão sở hữu mảnh đất sân golf với diện tích hơn 40 hecta (tương đương 400.000 mét vuông) nằm ở vị trí cực kỳ đắc địa, giao thông thuận lợi, cảnh quan tươi sáng, lại giữa vùng trung tâm, có đầy đủ các công trình quan trọng phục vụ nhu cầu đời sống xung quanh như siêu thị, bệnh viện, trường học… nên dân cư tập trung đông đúc. Trước khi qua đời, ông lão quyết định muốn bán mảnh đất đi, lấy tiền mặt để chia gia tài cho các con cháu của mình. Sau khi thuê chuyên gia đo đạc và đánh giá, giá trị mảnh sân golf mà ông lão sở hữu được tư vấn ước tính khoảng 2 triệu USD nếu quá trình rao bán thuận lợi.

Nghe vậy, ông lão chỉ gật đầu. Sau một đêm suy nghĩ, ông gọi cậu con trai cả đến và dặn: “Hãy đăng tin công khai lên mạng internet rằng, chúng ta sẽ bán mảnh đất sân golf đó với giá chỉ 200 USD.”

Tất cả gia đình đều cực kỳ kinh ngạc. Họ không ngừng nhắc lại lời tư vấn của chuyên gia bất động sản nhưng ông vẫn nhất quyết khăng khăng, không nghe ai cả. Thông tin này cũng nhanh chóng khiến cư dân trong vùng ầm ỹ không ngừng. Họ đua nhau bàn ra tán vào và cho rằng: “Chắc ông cụ già rồi nên lẩm cẩm, thế mà con cháu vẫn còn nghe theo mới nực cười!”

Một mảnh đất trị giá cả gia tài được rao bán công khai với giá chỉ 200 USD khiến mạng Internet bùng nổ, mọi người không ngừng truyền tay nhau. Cả người ở những tiểu bang khác, những vùng miền khác trên nước Mỹ, thậm chí là nhà đầu tư ở các châu lục khác cũng biết tin rồi đua nhau tới nơi này để tranh đoạt cơ hội hiếm có.

Ông lão rao bán mảnh đất 2 triệu USD chỉ với giá 200 USD, không hề lỗ mà còn lời to nhờ 1 đạo lý đơn giản, ai hiểu được sẽ sớm thành công - Ảnh 1.

Lúc này, ông lão lại đưa ra thêm một thông báo: “Tôi sẽ bán mảnh đất này cho người nào viết một bài tiểu luận giải thích tại sao họ muốn mua và đề ra kế hoạch khai thác sân golf này xuất sắc nhất”. Bên cạnh đó, ông ta đề nghị: “Do có nhiều người quá nên chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi. Ai muốn tham gia chỉ cần nộp 200 USD. Nếu trở thành người thắng cuộc, bạn được nhận quyền sở hữu mảnh đất ngay lập tức mà không mất thêm đồng nào.”

Vừa nghe thấy mảnh đất sẽ trở thành giải thưởng của cuộc thi, lại nghĩ con số 200 USD bỏ ra quá nhỏ so với giá trị thực của nó, số người đăng ký tham gia không ngừng tăng lên. Đến cuối cùng, có tổng cộng 20.000 bài tiểu luận được gửi về cho ông lão. Lấy 200 USD nhân với 20.000 người, các con trai của ông cuối cùng đã nhận ra, họ không hề lỗ mất đồng nào từ việc bán đất mà còn kiếm lời gấp đôi so với giá trị ước tính ban đầu!

Ở rất nhiều thời điểm, chúng ta lại có thể kiếm lời dễ dàng hơn từ những điều nhỏ nhặt chứ không phải tổng thể to lớn.

2. Câu chuyện thứ hai

Ở Ấn Độ, một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng ngoại ô xa xôi thường gặp sự cố mất điện kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tình trạng này khiến các chủ cửa hàng địa phương gặp rắc rối rất lớn vì không có đủ nguồn điện dự phòng cần thiết để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Nếu tự mua và lắp đặt máy phát điện tại cửa hàng thì ngay cả chiếc rẻ nhất cũng có giá 440 USD, mức giá không hề phải chăng đối với tình hình làm ăn và thu nhập ở vùng hẻo lánh này. Chính vì vậy, mỗi khi mất điện, họ buộc phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa không buôn bán được gì và tìm mọi cách để giữ hàng hóa trong kho lạnh không bị hỏng quá nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập cá nhân nói riêng và kinh tế của cả khu vực nói chung.

Trong lúc mọi người bất lực chịu đựng, một đại lý của công ty điện máy Nhật Bản đã đưa ra giải pháp bất ngờ. Họ triệu tập 20 chủ cửa hàng trong vùng lại, đề nghị mỗi người chỉ cần chi 22 USD mỗi tháng vào một tài khoản quỹ chung. Đến khi quỹ chung có đủ 440 USD thì sẽ lấy ra để mua một máy phát điện cỡ nhỏ. Mỗi tháng sau đó, 20 chủ cửa hàng cùng nhau rút thăm để xem ai may mắn được đưa chiếc máy ấy về sử dụng. Với điều kiện tiên quyết là tất cả mọi người đều đóng quỹ đều đặn, không vì mình đã có máy sử dụng mà ngừng nộp tiền thì chỉ sau 20 tháng, cả 20 cửa hàng trong khắp vùng ngoại ô này đều đã được trang bị một máy phát điện cho riêng mình.

Ông lão rao bán mảnh đất 2 triệu USD chỉ với giá 200 USD, không hề lỗ mà còn lời to nhờ 1 đạo lý đơn giản, ai hiểu được sẽ sớm thành công - Ảnh 2.

Đề xuất này nhanh chóng được các chủ cửa hàng tán thành. Thay vì chi một lúc 440 USD, mỗi tháng họ chỉ cần trích ra một phần rất nhỏ, mà lại tránh được tình trạng mất điện, gây khó khăn trong làm ăn. Bên cạnh đó, chính công ty điện máy cũng góp phần mở rộng thị trường và gia tăng nguồn thu nhập mới với những đối tượng khách hàng vốn không đủ khả năng để mua.

Ở đây, đại lý đã rất thông minh khi chọn cách “chia nhỏ” để bán được hết hàng mà vẫn làm khách hài lòng.

Trong cuộc sống cũng vậy, khi đối mặt với một vấn đề lớn cần giải quyết, chia nhỏ mục tiêu chính là lựa chọn tốt nhất. Vị diễn giả động lực nổi tiếng người Mỹ và cũng là tác giả hơn 70 cuốn sách phát triển bản thân – Brian Tracy đã viết rằng: “Làm thế nào để ăn hết một con voi? Câu trả lời là chúng ta cần ăn từng miếng một”. Biết cách chia nhỏ, tận dụng ưu điểm riêng của từng khía cạnh để giải quyết sẽ khiến vấn đề tổng thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Dương Mộc / Theo Trí thức trẻ

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi

Không nhiều thông tin về Nhậm Chính Phi, người biến một start-up bé nhỏ, không tài sản trí tuệ thành “pháo đài” công nghệ- viễn thông hàng đầu thế giới- Huawei.

Huawei đang ở trung tâm cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó đã cho thấy mức độ quan trọng và “nguy hiểm” của Huawei, như tập đoàn này thừa nhận, “các chính trị gia ở Mỹ đang dùng sức mạnh của cả quốc gia để đánh một công ty tư nhân”.

Năm 1987, Nhậm Chính Phi ở tuổi 40, với sự hỗ trợ của 5 người bạn – mà những cái tên vẫn còn nhiều bí ẩn, thành lập một start-up nhỏ bé. Ngày nay, Huawei là một tập đoàn bán thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất, với 188.000 nhân viên tại 170 quốc gia.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 1.

Khuôn viên của Huawei, trị giá 1,5 tỷ USD. (Ảnh: The Times).

“Sự thần kỳ” này là lý do khiến Washington cho rằng lịch sử của Huawei là một sự giả tạo – rằng Huawei thực sự là một sáng tạo của chính phủ Trung Quốc và thành công của nó dựa trên mối quan hệ chặt chẽ của Nhậm Chính Phi với các đơn vị tình báo trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Ban lãnh đạo Huawei phủ nhận giả định này.

Mặc dù nguồn gốc của Huawei và sự độc lập của công ty này đang gây tranh cãi nhưng những thành tựu và tham vọng của họ thì khó ai có thể phủ nhận.

Câu chuyện nhà sáng lập “gã khổng lồ” hay “pháo đài” công nghệ

Ông Nhậm Chính Phi, trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Ông thuộc về lớp doanh nhân Trung Quốc thế hệ đầu tiên, thường được tôn vinh vì khả năng chịu đựng khó khăn.

Trong Huawei, ông Nhậm được coi là một nhà lãnh đạo tinh thần hơn là một giám đốc điều hành thực tế. Những quan điểm, phương châm, triết lý của ông thường được đăng trên website nội bộ công ty để nhân viên đọc, học và thực hành. Ông nghiêng về hình ảnh quân sự và đã ví những rắc rối của công ty với Washington là một cuộc chiến.

“Mọi người sẽ đứng lên và vỗ tay bất cứ khi nào ông ta vào phòng”, một người Anh làm việc cho công ty ở Thâm Quyến nói với điều kiện giấu tên vì đã ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin. “Họ sẽ nghe từng lời. Ông ta được mọi người tôn kính. Mặc dù không phải là một CEO tích cực. Vì là chủ tịch, các quyết định của ông luôn là quyết định cuối cùng”, người này cho biết thêm.

Ông Nhậm có khuynh hướng khắc kỷ khi đánh giá các thách thức của Huawei. “Không ai có thể trở nên dày dạn mà không có sẹo”, ông nói. Ông tự hào về việc vượt qua nghèo đói, nghịch cảnh và những gì ông nói là lợi thế không công bằng mà các công ty thuộc sở hữu của chính phủ có trên thị trường.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 2.

Ông Nhậm Chính Phi được coi là một nhà lãnh đạo tinh thần hơn là một giám đốc điều hành thực tế của Huawei. (Ảnh: The Times).

Ông Nhậm sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, một tỉnh phía Tây nghèo khó của Trung Quốc, là con lớn nhất trong gia đình bảy người con. Họ thường xuyên phải đói và lớn lên chỉ với vài bộ quần áo. Ông tốt nghiệp bằng kỹ sư dân dụng trong Cách mạng Văn hóa, khi có rất ít người có việc làm, và tự học điện tử qua sách vở.

Nhậm Chính Phi làm việc trong ngành xây dựng dân sự trước khi nhập ngũ năm 1974, gia nhập Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng Quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Nhậm Chính Phi từng đảm nhận nhiều chức vụ tại nhà máy này như kỹ sư, kỹ thuật viên, phó giám đốc, nhưng không có quân hàm bởi hệ thống quân hàm trong quân đội Trung Quốc bị xóa bỏ trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa.

Năm 1983, Trung Quốc giải thể binh chủng có hơn 300.000 lính này, Nhậm Chính Phi rời quân ngũ.

“Khi chúng tôi xuất ngũ và cố gắng tham gia vào cuộc sống dân sự, nó giống như chúng tôi bị xã hội bỏ rơi”, ông Nhậm tâm sự.

Không còn nhiều lựa chọn, ông thử sức với việc kinh doanh khi Trung Quốc đang phát triển một phòng nghiên cứu cải cách thị trường tại một thị trấn đang phát triển – Thâm Quyến.

Nỗ lực kinh doanh đầu tiên của Nhậm Chính Phi, một doanh nghiệp nhà nước nhỏ với 20 nhân viên, nhưng thất bại. Sau đó, ông đã thành công trong việc huy động vốn với 5 nhà đầu tư khác ở Thâm Quyến để ra mắt Huawei, một start-up nhỏ bắt đầu bằng việc bán thiết bị chuyển mạch điện thoại được mua từ Hong Kong.

Để gây ấn tượng với các ứng cử viên, công ty non trẻ tuyên bố sẽ chiếm hai tầng trên cùng của một tòa nhà chung cư – vị trí đắc địa trong đặc khu kinh tế lúc bấy giờ. Những người đến thăm sau hiểu ra Nhậm Chính Phi tính mái nhà là tầng thứ hai.

“Chúng tôi còn không có ý tưởng nền kinh tế thị trường là gì. Tôi thậm chí còn không biết đến siêu thị là gì”, ông Nhậm nói nói.

Cách Huawei phát triển để trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới vẫn là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt. Ông và các quan chức công ty nói rằng đó là một cú hích do lãnh đạo tốt và làm việc không mệt mỏi.

Trong khi đó, các quan chức ở Mỹ nói rằng Nhậm Chính Phi là một sĩ quan tình báo cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân và các mối quan hệ của ông đóng vai trò quan trọng trong việc Huawei được sự hỗ trợ của chính phủ, để giúp Trung Quốc vượt qua sự phụ thuộc vào thiết bị viễn thông nước ngoài. Họ bác bỏ hệ thống sở hữu cổ phiếu nhân viên của công ty, và khẳng định nó được phát triển để che giấu mối quan hệ với nhà nước.

Huawei cho biết họ hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước giống như bất kỳ công ty Trung Quốc nào khác hoặc công ty Mỹ khác sẽ nhận được Chính phủ của họ. “Không một cơ quan chính phủ Trung Quốc hoặc pháp nhân từ Trung Quốc hoặc nước ngoài nào nắm giữ cổ phần của Huawei,” Quốc Bình, một trong ba đồng chủ tịch luân phiên của công ty, nói với tờ The Times.

Cuộc sống cá nhân bí ẩn

Công ty bí mật đến nỗi trong nhiều năm không có bức ảnh nào của Nhậm Chính Phi, theo Richard McGregor, nhà phân tích tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, người đầu tiên đến thăm trung tâm R & D của Huawei 15 năm trước.

Bất chấp cuộc chiến của Huawei với chính phủ Mỹ, Nhậm Chính Phi nói rằng ông là một người hâm mộ cuồng nhiệt nước Mỹ từ khi còn trẻ. Ông nói thêm rằng ông đã học được rất nhiều bằng cách quan sát công việc của quân đội Mỹ trong 20 hoặc 30 năm qua.

Xét đến tầm quan trọng của Nhậm Chính Phi với Huawei, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc sống cá nhân lạ thường của ông – được giữ kín từ lâu – cũng trở thành một chủ đề được quan tâm sâu sắc.

Người vợ đầu tiên của Nhậm Chính Phi là Mạnh Quân, con gái của Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, họ có một con gái, chính là bà Mạnh Vãn Châu và con trai Nhậm Bình. Truyền thông phương Tây hàm ý rằng mối liên hệ này đã giúp Nhậm Chính Phi ra mắt Huawei. Tuy nhiên công ty nói rằng cuộc hôn nhân không có liên quan đến sự hình thành của Huawei và họ đã ly dị trước khi ông ta thành lập công ty.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 3.

Mạnh Vãn Châu, con gái Nhậm Chính Phi, Giám đốc tài chính của Huawei

Sau khi thành lập Huawei, Nhậm kết hôn với Diêu Lăng, họ có một cô con gái, Annabel Diêu, một sinh viên khoa học máy tính Harvard và nữ diễn viên ba lê.

Còn hiện tại, theo một bài báo trên Paris Match, ông Nhậm đang sống cùng người vợ thứ 3 cựu trợ lý tên Su Wei cùng con trong “cung điện” tại Thâm Quyến.

Những người quan sát Nhậm Chính Phi tại nơi làm việc mô tả ông là một người đàn ông cô độc, chỉ tập trung vào công ty và bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi thường trực rằng ngày nào đó ông có thể mất nó. Khi được hỏi liệu ông có thấy sự tương đồng giữa sự nghiệp của mình và của Andy Grove, người đồng sáng lập huyền thoại của Intel, Nhậm Chính Phi trả lời rằng ông cũng là một người “rối loạn nhân cách” (paranoiac).

Ông thừa nhận nỗi ám ảnh về công việc đã phải đánh đổi mối quan hệ với những đứa con. Ông nói mối quan hệ của ông với Mạnh Vãn Châu trong suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của cô không quá sâu sắc, và ông cũng không thân với hai người con khác của mình.

Dù vậy điều đó không làm cho ông ít tự hào về họ. Nhậm Chính Phi khoe rằng con gái của ông Mạnh Vãn Châu là người tham việc, cô đã làm việc cho đến hai ngày trước ngày sinh và trở lại làm việc hai tuần sau khi sinh, theo Shanghai Observer.

Kế hoạch người kế nhiệm

Năm 2010, ông nói với một nhà báo Trung Quốc rằng ông sẽ không chọn con trai của mình là Mạnh Bình làm người kế nhiệm chức vụ CEO vì con ông không phù hợp với vai trò này. Trong một lá thư gửi nhân viên vào năm 2013, Nhậm Chính Phi cho biết cả con trai và con gái của ông đều không có tư cách, tham vọng, tầm nhìn hay sự nhạy bén để điều hành công ty và họ sẽ không chạy đua để kế nhiệm ông, Reuters đưa tin.

Nhậm Chính Phi, người có quyền phủ quyết tại Huawei, nói với The Times rằng công ty cuối cùng sẽ được bàn giao cho một hội đồng quản trị khi ông nghỉ hưu.

“Quyền phủ quyết sẽ được thực hiện chung bởi một nhóm ưu tú gồm 7 thành viên được bầu. Có thể không ai trong số họ là thành viên gia đình tôi” – ông nói.

Nhậm Chính Phi cho biết ông không vội từ bỏ quyền phủ quyết của mình – với những điều không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu và những cơn gió như Brexit như hiện nay.

5 nhà đầu tư bí ẩn

Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về Huawei, một phần vì sự bí mật kể từ khi thành lập vào năm 1987, và một phần vì những hạn chế trước đó đối với việc bán sản phẩm ở xứ cờ hoa.

Cuộc gặp gỡ với tạp chí The Times mới đây là một phần của chiến dịch truyền thông rộng lớn hơn nhằm nhân tính hóa Huawei và làm sáng tỏ hơn những nghi ngờ về nguồn gốc và quyền sở hữu hiện tại của công ty.

Một phóng viên của The Times được nhìn thấy quyển sổ đăng ký in 10 tập chứa gần 100.000 tên, số nhận dạng, bộ phận làm việc và tổng số cổ phần sở hữu của các nhân viên. Đây là bằng chứng, Huawei nói, rằng nhân viên của họ, chứ không phải nhà nước, là những cổ đông- chủ sở hữu của công ty.

Huawei cũng tiết lộ với The Times tên và nghề nghiệp của 5 nhà đầu tư đã giúp Nhậm Chính Phi tăng vốn khởi nghiệp 5.000 USD vào năm 1987. Mỗi nhà đầu tư góp số tiền bằng nhau với tư cách cá nhân và rút tiền từ năm 1991 đến 2000.

Nếu họ giữ cổ phần của mình, mỗi người sẽ tự hào có cổ phần tương đương với Nhậm Chính Phi, người sở hữu 1,14% cổ phần của công ty với giá 1,17 USD mỗi cổ phần, tương đương lượng cổ phần trị giá hơn 220 triệu USD, công ty cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực minh bạch hơn, phần lớn lịch sử của công ty vẫn còn mơ hồ và độ tin cậy của nó đã gây tranh cãi, bao gồm cả những cáo buộc liên quan đến gián điệp công nghiệp.

Bởi, điều quan trọng, The Times không thể tìm thấy bất kỳ ai trong số 5 nhà đầu tư ban đầu mà Huawei nêu tên. Họ bao gồm Mai Trung Hưng (Mei Zhongxing), quản lý tại Công ty Điện tử Thâm Quyến Tam Giang; Trương Hướng Dương (Zhang Xiangyang), thành viên của Cục Quy hoạch Phát triển Thâm Quyến; Ngô Huy Khánh (Wu Huiqing), một kế toán tại Công ty hóa dầu Thâm Quyến; Thần Đinh (Shen Dingzing), một quản lý tại Công ty Sản xuất Thiết bị Truyền thông Chu Hải; và Trần Kim Dương (Chen Jinyang), một người quản lý trong bộ phận thương mại của Công ty Dịch vụ Du lịch Trung Quốc tại Thâm Quyến.

Huawei cho biết họ cũng không thể kết nối The Times với 5 nhà đầu tư, giải thích rằng một số người đã từ bỏ cổ phần của họ một cách hung hăng, yêu cầu tòa án phải hòa giải.

Tham vọng khẳng định mình

Ông Tập Cận Bình, hồi tháng 5 năm ngoái, từng nói rằng, Trung Quốc cần phải vượt qua sự xấu hổ của mình để học hỏi từ phương Tây và học được những cải tiến thông qua việc đổi mới sản xuất. Trung Quốc đã nhiều lần bị các quốc gia dân số mỏng, tài sản và tài nguyên ít hơn qua mặt mà một trong những nguyên nhân sâu xa là sự tụt hậu về công nghệ.

Ước muốn tự chủ và vượt qua phần còn lại của thế giới công nghiệp hóa đã thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường vào năm 2013 của Chủ tịch Tập Cận Bình với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại hơn 150 quốc gia. Và hai năm sau, “Made in China 2025”, một kế hoạch đầy tham vọng ra đời nhằm nâng cấp sản xuất, tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghệ sinh học.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 4.

Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Ảnh: EPA).

Huawei không giấu giếm tham vọng của mình. Một tòa nhà dành riêng cho du khách nước ngoài giải trí với hai phòng lớn. Người ta có thể liên tưởng đến Cung điện Versailles, và đằng sau nó có một bản sao của một làng nông nghiệp truyền thống của Trung Quốc, với những cánh đồng bậc thang.

Khuôn viên mới trị giá 1,5 tỷ USD của Huawei được khai trương gần đây, giống như một công viên Disney ở Đông Quan, phía bắc Thâm Quyến, bao gồm 12 thị trấn châu Âu được lấy cảm hứng từ lâu đài Heidelberg ở Đức và các tòa nhà lợp ngói đỏ ở Verona, Ý. Khuôn viên rộng 2.200 mẫu được kết nối bằng một xe điện màu đỏ được nhân bản từ Thụy Sĩ và tất cả các xe ô tô của nhân viên đều được đỗ trong các gara dưới mặt đất.

Huawei đi đầu trong việc phát triển thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây – 5G, với lời hứa về bước nhảy vọt lượng tử trong kết nối. Huawei đang duy trì và mở rộng vị trí dẫn đầu trong khi cũng tiến lên trên các mặt trận khác, có thể là nơi đầu tiên sản xuất các hệ thống quân sự nhạy cảm thế hệ mới, lưới điện thông minh, phương tiện vận tải tự hành và các sản phẩm, quy trình quan trọng khác.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 5.

Doanh thu qua các năm của Huawei (biểu đồ phía trên) và thị phần các nhà sản xuất chip viễn thông toàn cầu

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong 10 năm qua nhằm hạn chế Huawei, doanh thu hàng năm của hãng đã tăng gần 20% trong năm 2018 lên 105 tỷ USD. Ông chủ Huawei dự đoán doanh số có thể tăng gấp 3 trong 5 năm tới nếu Huawei vượt qua sự can thiệp của Mỹ. Vài năm sau đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc – do Huawei và các công ty công nghệ khác dẫn đầu – có khả năng vượt qua Mỹ.

Một tư bản khốc liệt, nhân viên như lính đánh thuê

Các cuộc phỏng vấn với nhân viên hiện tại và người từng làm việc cho Huawei vẽ ra một bức tranh về một công ty tư bản khốc liệt không muốn liên quan đến chính phủ.

Một nhân viên làm việc tại công ty trụ sở chính ở Thâm Quyến cho biết Huawei giống như một đứa trẻ được nhận nuôi, vượt trội so với những đứa trẻ sinh ra yếu đuối như những công ty nhà nước. Những người khác cho biết Huawei đã từ chối yêu cầu từ nhà nước để nhận các dự án ở nước ngoài.

Tiền là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nhân viên. Một số nhân viên đã sửng sốt với tiền thưởng cao gây sốc khi hoàn thành các dự án.

Một người Thái Lan làm việc cho Huawei tại Bangkok từ năm 2015 đến 2017 cho biết, tiền thưởng thường vượt quá mức lương cơ bản hàng năm.

Một cựu nhân viên khác, đến từ châu Âu làm việc tại trụ sở Thâm Quyến trong một năm, cho biết mức lương cao và tiền thưởng bất ngờ là điều thường thấy ở Huawei. Ông đã so sánh việc thuê người nước ngoài làm việc tại Huawei với lính đánh thuê.

“Chúng tôi chỉ ở đó vì có tiền”, ông này nói.

Nhân viên đáp ứng mục tiêu hiệu suất được tùy chọn mua cổ phiếu công ty. Một cựu công nhân từng làm việc ở Ai Cập cho biết người mua phải ký miễn trừ thừa nhận rằng giá trị cổ phiếu của họ có thể tăng và giảm.

Tuy nhiên, mỗi năm, mọi người đều kiếm được tiền, Joseph Tian, ​​một nhân viên công nghệ thông tin tại Huawei trong 10 năm, đã rời đi vào năm 2017 nói.

Một quan chức của công ty cho biết cổ phiếu Huawei chưa bao giờ giảm.

Mức lương cao là cần thiết để lý giải cho một môi trường làm việc áp lực, trong đó 1 nhân viên đôi khi phải làm công việc của đôi ba người.

Nhân viên ở Thâm Quyến cho biết các nhân viên Trung Quốc được xếp hạng A, B, C hoặc D trong các đánh giá hiệu suất thường xuyên. Những người đạt điểm A nhận được tiền thưởng gấp đôi so với nhân viên B. Ít nhất 10% nhân viên phải có được hạng C, cô nói, điều đó có nghĩa là mọi người đều cố gắng hơn để đạt điểm cao hơn.

Không ai trong số các nhân viên nói rằng họ biết về các trường hợp gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ – mặc dù nhân viên Thái Lan ở Bangkok cho biết các kỹ sư có thể dễ dàng truy cập máy chủ của khách hàng, nghe lén điện thoại và theo dõi truy cập internet nếu họ muốn. Giao thức của công ty cho phép bất cứ ai làm điều đó mà không bị trừng phạt, ông nói.

Nhưng ở Trung Quốc, cơ quan nhà nước có thể thay thế các quy tắc của công ty.

Nhà nước muốn sử dụng Huawei, và họ có thể sử dụng nó nếu muốn, một nhân viên ở Thâm Quyến nói.

Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi - Ảnh 6.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Ảnh: Getty Images)

(Lược dịch từ LATimes, qz.com)s)

Theo Anh Phương / VTCnew