Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Trên mảnh đất hẹp và chiều cao bị giới hạn, các kiến trúc sư đã thiết kế các phòng chức năng chạy dọc theo 3 tầng nhà.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Ngôi nhà xây trên mảnh đất hình chữ nhật có diện tích 18 m2, trong một con hẻm cụt tại TP HCM. Đây là nơi sinh sống của một gia đình trẻ gồm cặp vợ chồng và đứa con nhỏ.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Nhằm khắc phục nhược điểm diện tích hẹp và chiều cao bị giới hạn, các kiến trúc sư Phan Khắc Tùng, Huỳnh Anh Tuấn và các đồng nghiệp tại Khuôn Studio đã thiết kế một ngôi nhà ống “kiểu dọc” với các phòng chức năng bố trí dọc theo các tầng nhà.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Ba mặt xung quanh nhà bị các căn nhà khác vây kín. Để tránh cảm giác bí bách, kiến trúc sư đã quyết định làm bức tường thông gió ở mặt tiền. Bên trong những khe sáng là một hệ thống cửa kính đóng mở linh hoạt để chắn bụi.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Trần của tầng một được đẩy cao hơn so với các ngôi nhà bình thường, vừa giúp phòng khách thông thoáng hơn, vừa giúp chủ nhà có thể làm thêm một gác xép nếu sau này muốn tăng diện tích sử dụng.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Cùng ở tầng một, bếp và khu vực ăn uống kiêm tiếp khách được nâng sàn cao hơn, để phân tách với khu vực để xe vào buổi tối.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Cầu thang được đặt sát vào nhà, tận dụng không gian bên dưới làm tủ để đồ, nhà vệ sinh và phòng tắm.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Cầu thang của ngôi nhà được tối giản hóa để tiết kiệm diện tích và duy trì bầu không khí thoáng đãng. Tuy nhiên, khi con bắt đầu tập đi, lưới chắn sẽ được lắp thêm ở lan can và các khoảng không giữa các bậc cầu thang.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Tầng hai là phòng ngủ của gia đình. Để tránh nắng hướng đông cho phòng ngủ từ 9 đến 11 giờ sáng, bức tường bên ngoài phòng ngủ được làm dày hơn.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Phòng ngủ cũng như toàn bộ ngôi nhà sử dụng tông màu sáng, tạo cảm giác rộng rãi.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Trên tầng ba là một phòng ngủ nhỏ dành cho khách. Khi con lớn, đây sẽ là phòng ngủ dành cho bé.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Trong giới hạn chiều cao của ngôi nhà, để tăng thêm diện tích sử dụng nhiều hơn ba tầng, một gác xép nhỏ được đặt ở trên tầng ba, đây chính là không gian làm việc, đọc sách của chủ nhà.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Dù không gian chật hẹp, ngôi nhà vẫn có chỗ dành cho cây xanh. Ở cả phòng ngủ và gác xép đọc sách đều có những bồn cây nhỏ trang trí.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Tầng thượng được tận dụng làm một khu vườn rau nhỏ.

Loạt khe cửa mang ánh sáng vào ngôi nhà Sài Gòn 18 m2

Ngôi nhà đã được nhiều trang web về kiến trúc hàng đầu thế giới như ArchdailyDezeen giới thiệu.

Bài: Thái Bình / Ảnh: Hiroyuki Oki & Thiết Vũ

Alain Delon – tài tử nhiều tai tiếng của điện ảnh Pháp

Diễn viên 83 tuổi từng ngồi tù, vướng scandal đánh vợ con, ngoại tình, kỳ thị người đồng tính.

Tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2019, Alain Delon được trao giải thưởng “Honorary Palme d’Or” (Giải Cành Cọ Vàng Danh Dự). Theo Euro News, nhiều người cho rằng ông không xứng đáng được vinh danh vì nhiều scandal trong quá khứ. Đơn phản đối giải thưởng dành cho nam diễn viên nhận hơn 25.000 chữ ký trên Internet.

Cành Cọ Vàng Danh Dự là giải thưởng được ban tổ chức LHP khởi xướng từ 2002, tặng cho những diễn viên, đạo diễn có sự nghiệp thành công nhưng chưa từng được vinh danh ở sự kiện này. Giải từng gây tranh cãi khi vinh danh nhiều nhân vật vướng scandal như tài tử Mỹ Clint Eastwood, đạo diễn Mỹ Woody Allen hay đạo diễn huyền thoại của Pháp – Agnès Varda.

Từ lính bị trục xuất đến ngôi sao màn bạc

Tài tử Alain Delon khi còn trẻ. Ảnh: UniFrance.

Tài tử Alain Delon khi còn trẻ. Ảnh: UniFrance.

Alain Delon sinh năm 1935 tại Sceaux, một xã nhỏ bên dòng sông Seine của Pháp. Cha mẹ Alain ly dị từ năm ông bốn tuổi. Thuở nhỏ, nam diễn viên nhiều lần bị đuổi học vì nghịch ngợm. Mẹ và bố dượng thường phải tìm trường mới cho ông. Đến năm 14 tuổi, Alain quyết định bỏ học và xin làm việc tại lò mổ gia súc của cha dượng. Năm 1942, ông gia nhập hải quân và tham chiến tại khu vực Đông Dương. Vì vô kỷ luật trong quân đội, Alain bị chính phủ bỏ tù một năm và bị đuổi khỏi quân ngũ vào năm 1956.

Theo tờ Gentleman’s Gazette, nam diễn viên trở lại Pháp, mưu sinh với những công việc như bồi bàn, giao hàng. Nhờ điển trai, ông lọt vào mắt xanh của minh tinh Brigitte Auber trong một lần gặp gỡ. Brigitte rủ Alain cùng dự LHP Cannes và tại đây sự nghiệp điện ảnh của nam diễn viên bắt đầu. Qua sự giới thiệu của Brigitte, ông quen ông bầu David Selznick và trở thành diễn viên thuộc quyền quản lý của ông này. Theo yêu cầu của ông bầu, Alain đến Paris để học tiếng Anh. Ông nhận vai đầu tiên trong bộ phim Quand la femme s’en mêle (phát hành năm 1957) của đạo diễn Yves Allégret.

Sự nghiệp điện ảnh của Alain nhanh chóng thành công dù ông không học chuyên môn diễn xuất. Năm 1959, ông đóng vai chính trong Three Murderesses. Bộ phim thành công tại các phòng vé Pháp và được trình chiếu tại Mỹ. Purple Noon (phát hành năm 1960) là tác phẩm biến Alain trở thành ngôi sao sáng trong làng điện ảnh Pháp. Nội dung phim dựa trên các cuốn tiểu thuyết tội phạm hình sự của nhà văn Mỹ Patricia Highsmith. Alain vào vai Tom Ripley – kẻ có khả năng đóng giả người khác rất đạt. Tom giết một doanh nhân giàu có và sống thay cuộc sống của người đó. Khi bị cảnh sát phát hiện, anh tự tử và để lại hết tài sản cho người tình. Tờ New York Times nhận xét vai diễn của Alain “cảm động và thể hiện được những biểu cảm mãnh liệt”.

Tài tử trên áp phích quảng cáo phim Poor Noon. Ảnh: Amazone.

Tài tử trên áp phích phim “Purple Noon”. Ảnh: Amazon.

Alain tiếp tục có nhiều vai diễn thành công. Ông làm việc với những đạo diễn hàng đầu châu Âu thời đó như Luchino Visconti, Jean-Luc Godard, Jean-Pierre Melville, Michelangelo Antonioni hay Louis Malle. Alain thường được chọn vào những vai nam trẻ, năng động, tài năng nhưng dần bị tha hóa đạo đức. Ông cũng nổi tiếng với hình ảnh người tình dịu dàng hay anh hùng lãng mạn.

Với hơn 60 năm trong ngành điện ảnh, Alain nằm trong số những tên tuổi nổi tiếng bậc nhất tại Pháp. Ông góp mặt trong gần 90 bộ phim điện ảnh, truyền hình và được nhiều tạp chí quốc tế xếp vào nhóm những nhân vật biểu tượng trong làng điện ảnh Pháp và thế giới.Các phim nổi bật của Alain gồm Rocco and His Brothers (1960), Plein Soleil (1960), L’Eclisse (1962), The Leopard (1963), Lost Command (1966)…

Tạp chí Gentleman’s Gazzette gọi Alain là “James Dean của nước Pháp”. James Dean là một huyền thoại điện ảnh của Hollywood (Mỹ). Ông từng thử sức tại kinh đô điện ảnh Hollywood nhưng không thành công. Bên cạnh việc diễn, Alain mở công ty Delbeau Productions và sản xuất một số phim cho chính mình.

Năm 2017, Alain nói với tờ AFP sẽ thực hiện thêm một vai diễn rồi giải nghệ. Tuy nhiên, bộ phim đó đến nay vẫn chưa được bấm máy. Lần đóng phim gần nhất của ông là vai khách mời trong S Novym godom, mamy (phát hành năm 2012) của đạo diễn Nga – Artyom Aksenenko.

Đời tư nhiều tai tiếng

Alain từng bị coi là “biểu tượng sex” những năm tuổi trẻ. Bên cạnh các vai diễn giàu sức hút, ông nổi tiếng là kẻ lăng nhăng của làng giải trí Pháp. Năm 1959, Alain đính ước với bạn diễn Romy Schneider. Hai người quen nhau khi cùng đóng phim Christine. Cùng thời gian đó, ông qua lại với ca sĩ người Đức Christa Päffgen và có một con riêng vào năm 1962. Khi phát hiện, Romy cố gắng hàn gắn mối quan hệ nhưng không thành. Cô hủy hôn vào năm 1963. Một năm sau, Alain kết hôn với người mẫu Nathalie Barthélemy và có một con trai cùng nhau. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 5 năm.

Alain và vợ Nathalie, khi còn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Pinterest.

Alain và vợ Nathalie khi còn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Pinterest.

Sau khi ly dị, Alain không tái hôn mà chỉ sống cùng những người tình khác. Từ năm 1968 đến 1983, ông chung sống cùng minh tinh Mireille Darc. Năm 1987, Alain bắt đầu cuộc tình với người mẫu Rosalie van Breemen và có hai con chung. Trên tạp chí Vanity Fair, Anthony – con trai của hai người – nói ông thường xuyên đánh đập vợ con. Alain cũng nói với tờ Telegraph từng tát vợ một lần.

Tài tử cũng vướng vào vụ án liên quan cái chết của vệ sĩ Stevan Markovic. Năm 1968, Steven được phát hiện qua đời tại một bãi rác ở Paris (Pháp). Anh trai của Stevan giao nộp cho cảnh sát một bức thư của người em quá cố. Trong thư, Stevan viết: “Nếu tôi chết, chắc chắn Alain Delon và đại ca của hắn – Francois Marcantoni – là thủ phạm”. Theo tờ Guardian, sự việc nổi tiếng trên các mặt báo tại Pháp với tên gọi “Markovic Affair”. Thủ tướng Pháp lúc bây giờ, ông Georges Pompidou, cũng bị cảnh sát tình nghi liên quan vụ án.

Alain cùng những người này bị nghi ngờ ở trong một đường dây chuyên tổ chức các bữa tiệc tình dục trong giới giàu có tại Pháp. Vụ án đi vào ngõ cụt khi cảnh sát không tìm được bằng chứng. Các nghi can, trong đó có Alain, đều không bị buộc tội. Thủ phạm giết Markovic hiện vẫn chưa được tìm ra. Năm 1969, Alain cũng bị tòa án Italy kết án tù bốn tháng vì tấn công một phóng viên ảnh tại nước này.

Alain Delon - tài tử nhiều tai tiếng của làng điện ảnh Pháp - 3

Alain ở tuổi 83, nhận giải Cành Cọ Vàng đầu tiên cùng con gái Anouchka (trái) hôm 19/5. Ảnh: Reuters.

Alain từng nhiều lần có những phát biểu gây tranh cãi trên báo chí. Năm 2013, trên sóng đài truyền hình quốc gia Pháp, diễn viên nói người đồng tính là “đi trái với tự nhiên”. Ông cho biết không phản đối hôn nhân đồng tính, nhưng không đồng tình việc những người này xin nhận con nuôi. Năm 2018, cũng trên sóng truyền hình quốc gia Pháp, Alain từng gây tranh cãi khi nói việc tát phụ nữ thể hiện đẳng cấp của một quý ông.

Theo tờ Japan Times, Alain nói cuộc đời ông gắn ba điều: “Diễn xuất, làm những điều ngu dốt và nuôi con”. Ông cho biết không quan tâm đến những chỉ trích từ công chúng về lối sống. “Tôi đã quen với những lời đó. Điều quan trọng là họ không tìm được điểm gì trong sự nghiệp diễn xuất của tôi để chê”, tài tử nói.

Đạt Phan /VNEXpress

‘Chuyện người tùy nữ’ – tận cùng bi thảm của số phận phụ nữ

Một trong những cuốn tiểu thuyết đen tối nhất là “1984” của tác giả George Orwell, xuất bản năm 1949, và “Chuyện người tùy nữ”, được xem là “1984 dưới điểm nhìn nữ giới”.

Chuyện người tùy nữ là tác phẩm nổi tiếng của Margaret Atwood, xuất bản lần đầu tiên tại Canada đã ngay lập tức tạo được tiếng vang và trở thành tác phẩm kinh điển. Năm 2019, bản sách Chuyện người tùy nữ do dịch giả An Lý chuyển ngữ tiếng Việt đã được tái bản tại Việt Nam.

'Chuyen nguoi tuy nu' - tan cung bi tham cua so phan phu nu hinh anh 1
Bản sách tiếng Việt được tái bản tháng 1/2019.

Chuyện người tùy nữ là cuốn tiểu thuyết “dystopia”, có nghĩa là thể hiện một điều đen tối không tưởng. Trong tiếng Việt thường gọi dòng tiểu thuyết này là “phản địa đàng”. Một tác phẩm phản địa đàng là một tác phẩm hư cấu tái dựng xã hội phát triển theo hướng đen tối khủng khiếp, nơi đó mọi thứ đều trở nên trần trụi, ngột ngạt. Con người sống nhưng bị tước đoạt tất thảy mọi quyền lợi sống. Một trong những cuốn tiểu thuyết đen tối nhất là 1984của tác giả George Orwell, xuất bản năm 1949, và Chuyện người tùy nữ, được xem là “1984 dưới điểm nhìn nữ giới”.

Chuyện người tùy nữ được kể bởi Offred, một hầu gái ở Cộng hòa Gilead mới. Offred là một phần của lớp phụ nữ được gọi là tùy nữ, được hình thành với mục đích duy nhất trong xã hội là thụ thai và sinh con trong các gia đình Quân Trưởng, trong khi nạn vô sinh đang hoành hành trong xã hội. Nếu không sinh được con họ sẽ trở thành phế nữ, bị gửi đến các trại tập trung, tỵ nạn, trở thành gái mại dâm, hoặc bị giết chết. Họ thường xuyên mặc trang phục màu đỏ, mũ trắng che kín mặt.

Nước Cộng hòa Gilead được thành lập sau cuộc tấn công vào chính phủ Hoa Kỳ, tổng thống bị giết chết, quốc hội bị xóa bỏ. Chính trong bóng tối này, chế độ độc tài quân sự mới bị che giấu dưới hình thức tôn giáo đã lên nắm quyền kiểm soát toàn bộ.

Dưới chính phủ mới, phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền và nghĩa vụ dân sự. Những quyền như bình đẳng, sinh sản hữu tính, và quyền con người đều thuộc về đàn ông.

'Chuyen nguoi tuy nu' - tan cung bi tham cua so phan phu nu hinh anh 2
Hình ảnh những người tùy nữ được chuyển thể trên bộ phim truyền hình Chuyện người tùy nữ của Mỹ.

Làn sóng mới của sự cuồng tín tôn giáo đã đưa những người đàn ông đến phục vụ Cộng hòa Gilead. Đàn ông được chia thành các Thiên thần, là những người bảo vệ trong xã hội.

Offred đã hồi tưởng lại cuộc sống mà cô từng sống trước khi chính quyền lật đổ. Cô nhớ đã kết hôn với một người đàn ông tên Luke. Trước Cộng hòa Gilead, Luke đã lừa dối vợ mình để ở bên Offred và họ đã có một cô con gái riêng.

Vì Cộng hòa Gilead coi tất cả các vụ ly dị là tội ác chống lại Thiên Chúa, cuộc hôn nhân của họ đã bị vô hiệu hóa. Luke bị sát hại trong rừng, con gái của họ bị bắt và Offred bị biến thành một tùy nữ để trừng phạt cho “tội ác” của cô.

Offred sống giữa những ngày tháng “vô tri” của chính phủ mới, đồng thời hồi tưởng chất chồng về quá khứ. Dưới ngòi bút sắc bén của Margaret Atwood Offred hiện lên không phải là nữ anh hùng nữ quyền, như nhiều người đọc từng nghĩ thế; cô ấy là một người phụ nữ bình thường không có sự thúc đẩy ý thức hệ. Cô ấy không muốn gì hơn là một gia đình và một công việc dễ chịu.

Đối với vấn đề đó, bản thân Chuyện người tùy nữ không phải là tuyên ngôn về nữ quyền. Điều này được thể hiện rõ trong đoạn kết mở của tiểu thuyết. Khi được giải đi bởi chiếc xe thùng đóng sầm cửa, biểu tượng cho cái chết, số phận của Offred sẽ ra sao? Rốt cuộc, số phận ấy chỉ như bị cuốn vào hố đen của vũ trụ, không một hồi đáp. Cái kết tuyệt vọng và tuyệt đẹp trong văn chương.

Margaret Atwood xây dựng Chuyện người tùy nữ, thông qua cuộc đời của Offred, để trải bày cái đen tối của đời sống, giải thiêng những điều từng được coi là đẹp đẽ trong đời sống. Khắc nghiệt, đen tối và sầu thảm của những người phụ nữ.

'Chuyen nguoi tuy nu' - tan cung bi tham cua so phan phu nu hinh anh 3
Tác giả Margaret Atwood.

Margaret Atwood đã tái dựng những hình ảnh đen tối, với những xác người bị treo lên bức tường vào mỗi sớm mai để răn đen kẻ còn sống, hay những đoạn tình dục được trình chiếu như hai công cụ va vào nhau, không xúc cảm… đều biến xã hội Cộng hòa Gilead như một trại tập trung đã từng được Đức Quốc Xã xây dựng để giết người Do Thái.

Không có chút gì tươi sáng trong tác phẩm, chỉ có những điều đau khổ, ít đau khổ, hoặc nhiều đau khổ hơn. Mỗi hình ảnh trong tiểu thuyết đều có sức ám ảnh ghê rợn đối với người đọc. Trong đó, cảnh trong buổi Cứu chuộc chính là một cảnh tuyệt cùng. Ở buổi Cứu chuộc ấy, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh trừng phạt con người, như một xác chết đang bị bầy kền kền bủa vây, rỉa rói. Cảnh tượng kinh hoàng đó, có lẽ người đọc chỉ có thể liên tưởng đến cảnh “đấu tố” vô nhân tính trong 1984.

Người đọc hôm nay có lẽ vẫn không đủ sức để chịu đựng một tác phẩm đen tối như Chuyện người tùy nữ, nhưng có lẽ khám phá cuốn tiểu thuyết cũng là điều cần thiết để nhìn thẳng vào hố đen của đời sống hiện đại, khi những vấn đề rối ren về tình dục, cưỡng đoạt liên tục xuất hiện. Chuyện người tùy nữ đã bán được hơn tám triệu bản tiếng Anh và đến nay vẫn tiếp tục tạo được làn sóng trong dư luận.

Margaret Atwood sinh năm 1939 ở Ottawa, lớn lên ở những vùng hoang dã miền Bắc Ontario, Quebec và Toronto, lấy bằng cử nhân Đại học Toronto và bằng Thạc sĩ Havard. Bà chinh phục công chúng văn học Anh ngữ trước hết bằng thơ ca, và sau này bằng những tiểu thuyết dày dặn và độc đáo. Danh mục tác phẩm của Atwood đã lên tới hơn 60 cuốn sách – tiểu thuyết, thơ, tuyển truyện ngắn, tuyển phê bình, sách văn học thiếu nhi.

Thủy Nguyệt / Sách hay / Zing.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang “vô tiền khoáng hậu”

“Cách tốt nhất để trân trọng sinh mệnh đó là đốt cháy nó một cách triệt để, không ngừng ‘vật lộn’ với những công việc mà mình thích làm. Đừng vội dưỡng sinh, bởi dưỡng sinh đồng nghĩa với việc chờ đợi cái chết”, bà Tsuneko Sasamoto nói.

“Dù bạn bao nhiêu tuổi, nếu như bạn luôn có suy nghĩ rằng: “Mình đã ở cái tuổi này…”, vậy thì cuộc đời bạn coi như hỏng bét.” – Đó là câu nói nổi tiếng của của nữ phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên tại Nhật Bản – Tsuneko Sasamoto.

Tsuneko Sasamoto sinh năm 1914, năm nay bà đã tròn 105 tuổi. Thời đó, Nhật Bản vô cùng phong kiến và lạc hậu, phụ nữ gần như chỉ là cỗ máy sinh đẻ.

Tsuneko Sasamoto với tư cách là số ít nữ phóng viên hiếm có, bà quyết định làm chút gì đó, quyết không để cuộc đời mình có chút nuối tiếc nào. Sử dụng máy ảnh để ghi chép và lưu trữ lại những việc xảy ra trước mắt là cách làm tốt nhất thời bấy giờ.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

Ở tuổi ngoài 100, bà Tsuneko Sasamoto vẫn miệt mài làm việc và học hỏi

“Những việc mà tôi muốn làm, tôi nhất định sẽ làm!”

Cuộc đời Tsuneko Sasamoto đã từng trải qua chiến tranh Thái Bình Dương, động đất Tokyo, bong bóng kinh tế… một loạt những biến cố lịch sử nhưng không thể đẩy lùi được quyết tâm tiến về phía trước của bà.

Năm 71 tuổi, bà nghĩ rằng mình không thể giống như một “bà già”, ngày ngày ngồi lì trong nhà không có việc gì làm, hoặc chỉ nằm dài phơi nắng…

Trong khi những người cùng tuổi hưởng thụ tuổi già, Tsuneko Sasamoto quyết tâm nhấc máy ảnh lên, ghi chép lại mọi khoảnh khắc mà bà muốn, dốc toàn bộ tâm sức vào công việc.

Mặc dù đã 71 tuổi và đã nằm ngoài vòng tranh chấp xã hội nhiều năm, muốn lập lại nghiệp cũ, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng những việc mà bà đã quyết định làm, bà nhất định sẽ làm.

Bà dành trọn 6 năm, tự mình đi khắp mọi ngóc ngách lớn nhỏ trên đất nước Nhật Bản, phỏng vấn vô vàn chị em phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đồng thời bà còn tổ chức triển lãm nhiếp ảnh khắp nơi trên toàn đất nước Nhật Bản mang tên “Thời kỳ chiêu hoàng của Tsuneko Sasamoto”.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh là niềm đam mê suốt cuộc đời Tsuneko Sasamoto

“Ai nói tôi già? Tôi vẫn còn trẻ chán mà!”

Sau khi kết thúc triển lãm nhiếp ảnh, Tsuneko Sasamoto không hề để mình nhàn rỗi, bà quyết tâm viết lại những gì mắt thấy tai nghe và xuất bản thành sách. Dù chỉ có vài người xem, cảm thấy hữu ích những cũng đáng để bà cảm thấy vui mừng.

Rất nhiều người khuyên Tsuneko Sasamoto, tuổi cao không nên dày vò bản thân nữa mà hãy chú ý nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Nhưng bà bật cười rồi nói: “Ai bảo tôi già? Tôi vẫn còn trẻ chán mà”.

Bà luôn tràn đầy tính hiếu kỳ đối với thế giới. Trong cuốn sách “Cô gái tràn đầy tính hiếu kỳ, năm nay 97 tuổi” bà viết: “Nói hoa mỹ thì là tính hiếu kỳ, nhưng thực ra chỉ là dù con tim sợ hãi những đôi chân vẫn muốn bước đi, dù không thích nhưng vẫn muốn xem. Thế giới tổng quan muôn hình vạn trạng, dù có thể khiến những người không biết gì biết thêm một chút thôi, tôi cũng muốn nỗ lực hết sức mình để lưu lại dấu tích”.

Hơn nữa, Tsuneko Sasamoto không bao giờ công khai tuổi thật của mình trước ống kính, bởi bà không muốn được quan tâm, chú ý quá nhiều.

Mãi tới năm 96 tuổi, lần đầu tiên khi bà quyết định công khai tuổi thật của mình, đã khiến cả hội trường ngỡ ngàng, bởi mọi người đều nghĩ rằng bà mới chỉ hơn 70 tuổi. Không ngờ, tuổi bà đã gần 100.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 3.

Tsuneko Sasamoto thời trẻ

Lối sống phù hợp với bản thân mới là tốt nhất

Khi được hỏi về bí quyết khỏe mạnh và trường thọ là gì? Tsuneko Sasamoto đã trả lời:

“Ăn đúng và đủ 3 bữa. Trước kia bác sỹ từng nói, tuổi già nên ăn nhiều rau và đậu. Nhưng tôi lại làm ngược lại. Từ lúc trẻ tới bây giờ tôi luôn thích ăn thịt, hơn nữa tôi không ăn món chính và đồ ngọt, tôi chỉ uống rượu vang đỏ”.

Thực ra, không có cái gọi là bí quyết trường thọ thực sự. Chỉ có những thứ thích hợp với bản thân mới là tốt nhất.

Không chỉ vậy, lối sống của Tsuneko Sasamoto còn kỷ luật tới mức khiến người khác phải nể phục:

Ngày nào bà cũng kiên trì thức dậy lúc 6 giờ sáng và đi ngủ vào lúc 11 giờ tối. Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên bà làm đó là mở ti vi phát hội thoại tiếng Anh để nghe và học theo. Vừa xem ti vi vừa tập Yoga.

Sau khi ăn sáng, bà sẽ bắt đầu đọc sách khoảng 2-3 tiếng. Dù là báo chí, tạp chí, tập san, hay sách vở, đọc sách luôn là nội dung công việc không thể thiếu trong ngày của bà.

4 năm qua, bà tự học tiếng Anh bằng tất cả tâm sức của mình. Nghị lực và độ khó của công việc này, dù là người trẻ cũng tuyệt đối không phải là việc đơn giản. Vậy mà một người trăm tuổi như bà vẫn kiên trì nó mỗi ngày.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 4.

Quan trọng hơn cả sự vinh dự và vẻ vang đó là ý nghĩa thực sự phía sau đó

Năm 100 tuổi, bà nhận được giải thưởng “trang phục đẹp nhất”, là người đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản đoạt giải ở độ tuổi này. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là tất cả trang phục quần áo trong cuộc sống đời thường của Tsuneko Sasamoto đều không phải hàng hiệu. Mà là những trang phục bình dân được bà tự tay chỉnh sửa thủ công sau khi mua về.

Bà nói: “Có những người tự cho rằng mình rất sang trọng, tiết kiệm tiền mua đồ ăn ngon để mua quần áo hàng hiệu đắt tiền, nhưng thực chất lại rất tầm thường”.

Chỉ khi chiến thắng được tham vọng về vật chất, biết mình thực sự muốn gì thì bạn mới không bị đồng tiền chi phối và không sống thành hình tượng mà ngay bản thân mình cũng thấy ghét.

Năm 102 tuổi, Tsuneko Sasamoto giành được giải thưởng cao nhất trong làng nhiếp ảnh thế giới “Giải thưởng thành tựu nhiếp ảnh trọn đời”. Khiến cả thế giới kinh ngạc, nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng với công sức và tâm huyết mà bà bỏ ra.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 5.

Phụ nữ dù bao nhiêu tuổi cũng đều cần đến tình yêu

Chồng bà đã mất nhiều năm, nhưng bà vẫn luôn sống một mình.

Nếu nói không cô đơn kỳ thực rất giả dối. Rất nhiều người khuyên bà đi bước nữa. Nhưng bà không muốn tùy tiện kiếm lấy một người, sống tạm nốt phần đời còn lại.

Mãi cho tới khi bà sang Pháp làm việc, bà gặp một nhà điêu khắc tên là Charles. Hai người tuy gặp nhau muộn nhưng vẫn trở thành những người bạn tri kỷ thường xuyên liên lạc với nhau.

Thế nhưng, do tuổi tác và khoảng cách địa lý, nên cả hai không tiến thêm bước nữa. 10 năm sau, trong dịp giáng sinh 96 tuổi, bà quyết tâm bày tỏ tình cảm với Charles.

Tsuneko Sasamoto gửi cho Charles một tấm thiệp chúc mừng, bên trong chỉ vẻn vẹn có 3 chữ “I LOVE YOU”. Nhưng đợi mãi không có hồi âm.

Bà cho rằng mình đã bị từ chối, đau lòng mất một thời gian. Nhưng sau đó bà mới hay tin thì ra tạo hóa trớ trêu, Charles đã qua đời trước dịp lễ giáng sinh do đau tim đột ngột.

Charles không kịp đọc tấm thiệp chúc mừng của Tsuneko Sasamoto, điều này trở thành nỗi đau vĩnh viễn trong lòng bà.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 6.

“Nếu như tôi không chịu thua sẽ không ai có thể khiến tôi gục ngã”

Họa vô đơn chí, Tsuneko Sasamoto vừa bước qua sinh nhật tuổi 97 thì bị ngã gãy xương tại nhà. Bà hôn mê bất tỉnh mà không có ai phát hiện ra.

22 giờ đồng hồ sau đó, hàng xóm mới phát hiện báo cảnh sát, khó khăn lắm mới cứu được bà. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bà bị gãy đùi và cổ tay trái, bà không thể tự mình đi lại bình thường được nữa.

Điều này thực sự là sự đả kích rất lớn đối với bà, nhưng bà không hề bỏ cuộc “Tôi vẫn còn muốn làm rất nhiều việc”. Thế nên, hàng ngày bà đều rất tích cực điều trị và tập luyện phục hồi.

Điều này khiến tất cả mọi người trong bệnh viện đều hết sức kinh ngạc. Bởi lần đầu tiên họ thấy một người 97 tuổi mà vẫn chăm chỉ tích cực điều trị và tập luyện. Hơn nữa, trong quá trình điều trị phục hồi sức khỏe, bà vẫn duy trì thói quen chải chuốt và trang điểm mỗi ngày, quyết không để mình trở nên tàn tạ. Dù khoác trên mình bộ quần áo bệnh nhân, nhưng bà vẫn chau chuốt tỉ mỉ, thậm chí còn sơn cả móng tay.

Sau khi trải qua biến cố tình yêu và sức khỏe, Tsuneko Sasamoto càng thấm thía hơn: “Nếu như bạn thực sự muốn làm gì đó, đừng bao giờ dằn vặt hoặc đợi chờ một cách vô nghĩa. Thay vào đó hãy sống ở hiện tại, hạ quyết tâm và lập tức hành động”.

Giống như những gì mà bà đã viết trong cuốn sách của mình: “Cách tốt nhất để trân trọng sinh mệnh đó là đốt cháy nó một cách triệt để, không ngừng ‘vật lộn’ với những công việc mà mình thích làm. Đừng vội dưỡng sinh, bởi dưỡng sinh đồng nghĩa với việc chờ đợi cái chết”.

Cuộc đời ngắn ngủi, do vậy đừng tự tạo thêm tiếc nuối cho chính mình. Sau biến cố gãy xương, vốn kiên quyết không sống trong viện dưỡng lão, nay Tsuneko Sasamoto quyết định nghe theo lời khuyên của bác sỹ ở lại viện dưỡng lão.

Thế nhưng căn phòng nhỏ của bà hoàn toàn khác biệt với những căn phòng của người khác. Trên tường treo một bức tranh sơn dầu hoa hướng dương do bà tự vẽ. Trong tủ bày biện rượu vang đỏ và ly uống. Trên bàn làm việc có bút và những cuốn sách mà bà yêu thích nhất. Tủ quần áo được treo móc gọn gàng với đầy đủ các loại trang phục và mũ.

Ai nói già rồi không cần phải lịch sự, trang trọng? Ai nói già rồi không thể sống một cách tinh tế? Tsuneko Sasamoto tự nói với mình rằng: “Sống ngày nào là phải tinh tế ngày ấy, sống tốt mỗi ngày”.

Có bao nhiêu người trong cuộc đời này có thể làm được điều đó?

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 7.

Hãy cười thật nhiều, mọi thứ sẽ không có gì đáng ngại cả

Trong các cuốn sách của Tsuneko Sasamoto thường rất ít nhắc đến những câu chuyện đau khổ hoặc tháng ngày gian lao. Bởi bà không muốn mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho người khác. Thay vào đó là tràn đầy hy vọng và năng lượng tích cực:

“Hãy luôn mỉm cười, dù buồn cũng phải mỉm cười. Bởi dù là vận may hay con người đều thích quần tụ ở những nơi thoải mái, sáng sủa và tràn ngập tiếng cười”.

Có những người mới 18 tuổi đầu đã chết yểu. Nhưng có những người trên trăm tuổi vẫn tràn trề sức sống. Tsuneko Sasamoto là một trong những người như vậy.

Nụ cười không bao giờ biết lừa gạt người khác. Tsuneko Sasamoto luôn luôn tươi cười và rạng ngời như vậy, làm sao có thể “già đi” được.

“Tôi luôn có những người muốn gặp, những nơi muốn đi và những việc muốn làm! Không còn tâm sức để nghĩ đến cái chết! Muốn làm gì hãy làm đó, chỉ cần tính hiếu kỳ còn tồn tại thì luôn có những sự bắt đầu mới”.

Đến nay, Tsuneko Sasamoto đã 105 tuổi, xác thịt tuy đã hao mòn nhưng linh hồn của bà vẫn luôn tỏa sáng. Sẽ có một ngày, bà phải nói lời từ biệt với thế giới này, nhưng lúc đó bà đã thực sự được viên mãn trong lòng.

Theo đuổi chính mình, tao nhã một đời, hình tượng sống của Tsuneko Sasamoto thật đáng ngưỡng mộ. Hy vọng tất cả chúng ta đều có thể như vậy!

Cuộc đời ngắn ngủi, mỗi người lại chỉ sống một lần, hãy sống sao để cuộc đời ấy khép lại bằng một dấu tròn viên mãn.

Theo Ngọc Thùy / Trí thức tre

Mỹ sắp có luật chế tài hoạt động bất hợp pháp của TQ trên Biển Đông

Các Thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm thứ Năm (23/5) đã tái giới thiệu ra Thượng viện dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia vào cái mà phía Mỹ gọi là các hoạt động “bất hợp pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) đưa tin.

US Senator Marco Rubio at Capitol Hill on July 20, 2017 in Washington, DC.  (Photo by Tasos Katopodis/Getty Images for Kelly Craft)

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio là 1 trong 13 Thượng nghị sĩ đồng bảo trợ cho dự luật trừng phạt Trung Quốc tại Biển Đông.

Dự luật trừng phạt Trung Quốc có tên chính thức là “Đạo luật Chế tài Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu tài sản tài chính đặt tại Mỹ và thu hồi hoặc từ chối cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia vào “các hoạt động hoặc chính sách đe dọa tới hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định” của các khu vực trên Biển Đông đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và một số thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Trao đổi với tờ Hoa Nam Buổi Sáng, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin dẫn dắt giới thiệu dự luật, cho biết: “Dự luật lưỡng đảng này sẽ gia tăng các nỗ lực của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong việc đối phó với hành vi quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh tại lãnh thổ tranh chấp mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở Biển Đông.”

“Luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực này tự do và cởi mở cho tất cả các nước, và buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc bắt nạt và cưỡng bức các quốc gia khác trong khu vực,” ông Rubio nói thêm.

Dự luật sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải cung cấp cho Quốc hội một bản báo cáo 6 tháng/lần, xác định bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào đã tham gia vào việc xây dựng hoặc phát triển các dự án tại các khu vực trên Biển Đông. Các hoạt động bị nhắm mục tiêu chế tài bao gồm cải tạo đất, xây dựng đảo, xây dựng ngọn hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Những cá nhân, tổ chức đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định” của các khu vực trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản và Hàn Quốc quản lý cũng sẽ bị chế tài tương tự, dự luật nêu rõ.

Dự luật trừng phạt Trung Quốc nêu trên đã từng được giới thiệu vào năm 2017, nhưng khi đó Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện đã không thể thống nhất đưa dự luật ra bàn thảo tại toàn Thượng viện. Để được thông qua, dự luật phải qua được cửa Thượng viện, Hạ viện và chuyển tới Tổng thống ký thành luật.

Những người ủng hộ dự luật này đang hy vọng lần giới thiệu năm nay sẽ có kết quả khác 2 năm trước. Tân Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện James Risch – người thay cựu chủ tịch Bob Corker từ tháng Một, là người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách và thực hành của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Rubio hôm thứ Tư (22/5) nói rằng: “Với sự quan tâm của chủ tịch Risch về các vấn đề Trung Quốc, chúng tôi rất lạc quan.” Vị phát ngôn viên này nói thêm rằng không có gì khác biệt về mặt câu từ trong phiên bản dự luật 2019 so với phiên bản 2017.

Dự luật lần này cũng khả quan hơn khi được giới thiệu trong bối cảnh lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng, bao gồm cả những người chỉ trích ông Trump gay gắt nhất. Chẳng hạn, Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer mới đây cũng đã lên tiếng hoan nghênh ông Trump đang tiến hành một cuộc chiến thương mại tốn kém với Bắc Kinh, bao gồm cả việc leo thang về thuế quan.

Dự luật năm nay cũng có tới 13 Thượng nghị sĩ của cả Dân chủ và Cộng hòa đồng bảo trợ, tăng đáng kể so với chỉ có 2 nghị sĩ bảo trợ phiên bản dự luật năm 2017.

Dự luật này cũng được giới thiệu trong thời điểm chính quyền Trump đang gia tăng các hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự tại Biển Đông.

Hôm Chủ Nhật (19/5), Hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục đi vào khu vực 12 hải lý gần Bãi cạn Scarborough, thuộc Quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Đây là hoạt động tự do hàng hải lần thứ hai trong vòng một tháng của Hải quân Mỹ trong vùng biển chiến lược này.

Đầu tháng này, Mỹ cũng đã tiến hành diễn tập hải quân cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines. Đây là một màn thị uy sức mạnh chung của Mỹ và đồng minh mà các chuyên gia quốc tế cho rằng đó là hoạt động “bất thường”.

Trước sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Mỹ tại Biển Đông, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Washington làm mất ổn định khu vực. Chế độ Bắc Kinh nói rằng các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và gây tổn hại tới hòa bình, an ninh và trật tự tốt trong các vùng biển liên quan.”

Như Ngọc / Trithucvn

Nước Mỹ cần một Tổng thống như Donald Trump để đối đầu với Trung Quốc?

Nước Mỹ cần một Tổng thống như Donald Trump để đối đầu với Trung Quốc?

Quan điểm của ông Trump cho rằng Mỹ cần phải tái cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp là hoàn toàn chính xác.

Bài viết thể hiện quan điểm của Thomas L. Friedman, cây bút kỳ cựu chuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế của tờ New York Times.

“Quả bóng văng” Donald Trump

Bạn của tôi, một doanh nhân Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc, mới đây đã đưa ra một lời nhận xét: Donald Trump không hoàn toàn phù hợp với vị trí Tổng thống của nước Mỹ, nhưng chắc chắn ông ấy chính là vị Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc xứng đáng phải chịu đựng.

Quan điểm của ông Trump cho rằng Mỹ cần phải tái cân bằng lại mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trở nên quá lớn để thỏa hiệp là hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần 1 “quả bóng văng” như Tổng thống Trump để thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khi chúng ta đã có điều đó, cả hai nước cần phải nhận thức được thời điểm này có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, quan hệ Mỹ – Trung có được bước ngoặt sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc và đó cũng là thời điểm định hình mối quan hệ thương mại giữa hai nước dù vẫn còn hạn chế. Sau đó sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 góp phần giúp nước này trở thành cường quốc về thương mại, dưới những luật lệ dành rất nhiều ưu ái cho Trung Quốc bởi nước này vẫn được coi là 1 quốc gia đang phát triển.

Ở thời điểm hiện tại, những cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra sẽ một lần nữa định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế đang cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt trận trong bối cảnh các thị trường đang gắn bó với nhau quá chặt chẽ. Bởi vậy, đây không phải là những tranh cãi thương mại đơn thuần. Đây là 1 cuộc xung đột lớn.

Để cuộc chiến này kết thúc tốt đẹp, ông Trump sẽ phải ngừng việc châm chọc Trung Quốc theo cách khá trẻ con trên Twitter, lặng lẽ thúc ép các bên để tạo ra thỏa thuận tái cân bằng tốt nhất trong khả năng của chúng ta (rõ ràng là không thể sửa chữa tất cả mọi thứ cùng một lúc) và tiến lên phía trước mà không lâm vào 1 cuộc chiến thuế quan dai dẳng.

Về phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông ấy cũng nên nhận ra rằng Trung Quốc không thể tiếp tục hưởng thụ những đặc quyền về thương mại giống như những gì họ đã được hưởng trong suốt 40 năm qua. Vì thế Trung Quốc nên dẹp bỏ quan điểm mang đậm chủ nghĩa dân tộc “không ai có thể sai bảo Trung Quốc phải làm gì” mà thay vào đó nên tìm kiếm 1 thỏa thuận tốt nhất để cả 2 bên cùng có lợi. Bởi vì Bắc Kinh khó có thể chống đỡ việc các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung đồng loạt chuyển nhà máy sang nước khác.

Mỹ – Trung nay đã khác xưa

Suốt từ những năm 1970 đến nay, quan hệ thương mại Mỹ – Trung khá nhất quán: chúng ta mua đồ chơi, áo phông, giày tennis, máy móc và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, ngược lại họ mua đậu tương, thịt bò và máy bay Boeing của chúng ta.

Và khi cán cân thương mại bị lệch về một phía – vì Trung Quốc không chỉ lớn mạnh bằng cách làm việc chăm chỉ, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào con người mà còn bằng cách ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ, bằng cách trợ cấp cho các công ty của họ hay duy trì mức thuế cao, phớt lờ các quy định của WTO và cả ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, Bắc Kinh lại xoa dịu chúng ta bằng cách mua thêm máy bay Boeing, thịt bò và đậu tương.

Trung Quốc luôn nói rằng họ vẫn là “một nước đang phát triển nghèo khó” cần được bảo vệ lâu hơn nhưng thực tế là họ đã trở thành nước sản xuất hàng đầu thế giới. Chính Mỹ cũng đã tạo điều kiện cho sự trối dậy của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường tiếp theo. Hai nước đã cùng chung tay khiến toàn cầu hóa lan rộng và giúp thế giới thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên đã xuất hiện một vài thay đổi mà chúng quá lớn để bỏ qua. Đầu tiên, Trung Quốc thông báo kế hoạch “Made in China 2025”, hậu thuẫn cho một số công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước để họ có thể vươn lên dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, nguyên vật liệu mới, công nghệ nhận diện khuôn mặt, robotic, xe điện, xe tự hành, công nghệ 5G và các con chip tiên tiến.

Đó là 1 bước tiến tự nhiên khi Trung Quốc muốn nhảy vọt từ 1 quốc gia thu nhập trung bình và giảm phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Nhưng điều này lại dẫn đến việc đối đầu trực diện với các công ty tốt nhất của Mỹ.

Kết quả là, chính sách trợ cấp, chủ nghĩa bảo hộ, các hành vi gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trở thành một mối đe dọa lớn. Tổng thống Trump đã đúng khi cho rằng Trung Quốc không thể tiếp tục làm như vậy.

Tuy nhiên, ông ấy đã sai khi cho rằng thương mại cũng giống như chiến tranh. Chiến tranh thì chỉ có bên thắng bên thua, trong khi trong quan hệ thương mại hoàn toàn có thể làm cho cả 2 bên cũng chiến thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu và Tencent cùng Google, Amazon, Facebook và Visa có thể chiến thắng cùng lúc, và thực tế là điều đó đang diễn ra.

Dẫu vậy, phần thắng có thể bị bóp méo nếu như có sự gian lận. Nếu thương mại chỉ xoay quanh đồ chơi và tấm pin năng lượng mặt trời thì câu chuyện đơn giản, nhưng chuyện sẽ phức tạp hơn khi nhìn vào công nghệ 5G và máy bay chiến đấu F-35.

Chúng ta đang sống trong thế giới “lưỡng dụng”, mà trong thế giới ấy giống như John Arquilla (một trong những chiến lược gia hàng đầu tại trường Hải quân Hoa Kỳ) đã nói: “mọi thứ trao cho chúng ta sức mạnh và thịnh vượng đều có thể đem lại nguy hiểm”. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các thiết bị 5G của Huawei. Chúng có thể truyền dữ liệu siêu nhanh nhưng cũng có thể trở thành 1 nền tảng phục vụ hoàn hảo cho công tác tình báo. Bên cạnh đó Huawei cũng là ví dụ hoàn hảo cho 1 doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp Mỹ khi họ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ Trung Quốc.

Xưa kia, khi thương mại giữa hai nước chỉ xoay quanh giày tennis, tấm pin năng lượng mặt trời cùng đậu tương và máy bay Boeing, gian lận thương mại không đáng chú ý. Thế nhưng khi Huawei cạnh tranh với AT&T và Verizon về công nghệ 5G trong khi 5G sẽ trở thành xương sống mới của mọi lĩnh vực, từ thương mại điện tử, viễn thông đến y tế, giáo dục, vận tải thì câu chuyện đã khác. Niềm tin và sự minh bạch có ý nghĩa quan trọng. Trong khi đó, niềm tin mà hai nước trao cho nhau đang bị suy giảm.

James McGregor, một trong những cố vấn dạn dày kinh nghiệm nhất cho các doanh nghiệp Mỹ về thị trường Trung Quốc, từng nhận xét dường như thay vì “cải cách và mở cửa”, Trung Quốc lại đang “cải cách và đóng cửa”.

Những vấn đề tồn đọng này đang trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán thương mại. Chỉ khi Mỹ hoặc Trung Quốc tìm ra được cách củng cố lại niềm tin giữa hai nước, tiến trình toàn cầu hóa mới có thể tiếp tục. Còn trong trường hợp ngược lại, cả hai nước và cả thế giới sẽ nghèo đi vì toàn cầu hóa rạn vỡ.

THu Hương / Theo Trí thức trẻ/New York Times