Bloomberg: Chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu

Bloomberg: Chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu

Có thể, động thái tẩy chay Huawei mới đây sẽ đẩy nhanh quá trình tạo ra một “bức màn” số ngăn cách thế giới thành 2 khu vực công nghệ riêng biệt, 2 bên sẽ mang trong mình mục tiêu loại trừ lẫn nhau.

Ngày 20/5, Bloomberg đưa tin, các nhà sản xuất chip của Mỹ gồm Qualcomm, Xilinx và Broadcom thông báo với các nhân viên rằng họ sẽ không tiếp tục cung cấp linh kiện cho “gã khổng lồ” ngành viễn thông của Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới. Các công ty của Mỹ cần sự phê duyệt từ chính quyền Tổng thống Trump để tiếp tục việc hợp tác với Huawei. Bởi vậy, các nhà sản xuất chip dường như đang rất cẩn trọng về vấn đề này.

Động thái tương tự đã diễn ra trước đây, khi ZTE bị cấm mua các loại linh kiện điện tử từ Mỹ sau khi không thực hiện đúng cam kết về thoả thuận giải quyết các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt thương mại. Nhân viên của các nhà sản xuất chip được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các chuyến hàng, cho đến khi họ nhận thức rõ được những gì được phép làm và những gì bị cấm. Cuối cùng, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm (sau đó đã được dỡ bỏ) khiến công ty này cũng phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo Bloomberg, khả năng chính phủ Mỹ cắt nguồn cung cấp linh kiện cho Huawei chính là những gì ban lãnh đạo của công ty này dự đoán trong gần 1 năm. Huawei đã có ít nhất 3 tháng chuẩn bị, tích trữ nguyên vật liệu. 3 tháng không phải là khoảng thời gian dài, nhưng cũng đủ để cho thấy rằng công ty có trụ sở ở Thâm Quyến này đã nghiêm túc chấp nhận mối đe doạ này như thế nào.

Bloomberg: Chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu - Ảnh 1.

Đã có những ý kiến cho rằng, động thái mới nhất trong bối cảnh căng thẳng leo thang là một phần của chiến lược tạm thời của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và sẽ được giải quyết ở các cuộc đàm phán trong tương lai. Huawei hay là cả các nhà lãnh đạo của Trung Quốc dường như lại không có tư duy đơn giản đến mức có cùng quan điểm trên. Ngay cả những lệnh cấm vận áp dụng trong thời gian ngắn nhất cũng là minh chứng cho họ rằng Trung Quốc sẽ không còn có thể dựa dẫm vào những nhà cung cấp bên ngoài.

Giờ đây, chúng ta có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để cho ra mắt một hệ điều hành cho smartphone của riêng mình, tự thiết kế chip, phát triển công nghệ bán dẫn (bao gồm các công cụ thiết kế và thiết bị sản xuất) và thiết lập những tiêu chuẩn công nghệ của riêng họ. Có thể, chính điều này sẽ đẩy nhanh quá trình tạo ra một “bức màn” số ngăn cách thế giới thành 2 khu vực công nghệ riêng biệt, 2 bên sẽ mang trong mình mục tiêu loại trừ lẫn nhau.

Bloomberg: Chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu - Ảnh 2.

Dù dự đoán được những biến động có thể xảy đến, nhưng một hệ điều hành Android kiểu Trung Quốc – tạm gọi là Chandroid, lại không thể sánh ngang với phiên bản được Google phát triển. Các loại chip viễn thông do Trung Quốc tự sản xuất sẽ có hiệu suất kém hơn so với chip của Qualcomm và Xilinx. Dù nỗ lực tự sản xuất các linh kiện trong nước có thể đổ bể bởi các nhà sản xuất của phương Tây vẫn còn đó, nhưng thất bại không còn là một lựa chọn đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc sẽ “rót” thêm một lượng lớn tiền trợ cấp để đảm bảo ngành công nghiệp không bị tuột dốc. Tiền không thể giải quyết được mọi vấn đề. Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì kinh phí trợ cấp của nhà nước sẽ vượt qua những thách thức để đưa các nhà sản xuất linh kiện trong nước trở thành lựa chọn khả thi, nếu không thể so sánh với công nghệ của Mỹ. Dường như phía Mỹ không có sự can thiệp của chính trị trong việc tung gói trợ cấp cho các công ty trong nước ở cùng quy mô như vậy.

Ban đầu, Trung Quốc chưa cần giành phần thắng về phía mình bởi rõ ràng rằng Mỹ đang chiếm nhiều ưu thế hơn. Tuy nhiên, sự dẫn đầu trong công nghệ 5G của Huawei cho thấy rằng họ không thể trụ vững ở vị trí này mãi mãi.

Vì vậy, cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ đã bắt đầu diễn ra. Kẻ chiến thắng sẽ không phải là bên có được những chiến binh xuất sắc nhất, mà là bên có khả năng chịu đựng “nỗi đau” thua lỗ lâu hơn.

Hương Giang / Theo Trí thức trẻ/Bloomber

Tại sao giới siêu giàu xem thường chính phủ?

rich-traveler-istock_0

Nguồn: Dani Rodrik, “A Class of its Own”, Project Syndicate, 10/07/2014.

Biên dịch: Nguyễn Văn Đức | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

F.Scott Fitzgerald từng viết câu nổi tiếng: những người siêu giàu “rất khác bạn và tôi”. Sự giàu có của họ khiến họ “hoài nghi về những thứ chúng ta tin tưởng”, và khiến họ nghĩ “họ giỏi hơn chúng ta”. Nếu những lời đó đúng với ngày nay thì có thể là vì khi chúng được viết, vào năm 1926, bất bình đẳng ở Mỹ đã đạt tới mức độ tương tự như ngày nay.

Trong phần lớn giai đoạn từ đó tới nay, cụ thể là từ cuối Thế chiến II tới những năm 1980, bất bình đẳng ở các nước tiên tiến đã dịu đi. Khoảng cách giữa những người siêu giàu và phần còn lại của xã hội dường như nhỏ hơn – không chỉ về mặt thu nhập và của cải, mà còn về khía cạnh gắn bó và mục đích xã hội. Tất nhiên người giàu có nhiều tiền hơn nhưng họ dường như vẫn là một phần của cùng một xã hội như người nghèo, và họ công nhận rằng lý do địa lí và việc cùng quốc tịch khiến họ phải chia sẻ một số phận chung.

Như Mark Mizruchi của Đại học Michigan chỉ ra trong cuốn sách gần đây, giới tinh hoa kinh doanh của Mỹ trong kỉ nguyên hậu Thế chiến II có “một nhận thức đạo đức về trách nhiệm công dân và theo đuổi các lợi ích cá nhân nhưng có lợi cho xã hội”. Họ cộng tác với các công đoàn và ủng hộ vai trò lớn của chính phủ trong việc điều tiết và ổn định thị trường. Họ hiểu sự cần thiết của thuế để chi trả cho các hàng hóa công quan trọng như đường cao tốc liên bang và mạng lưới an sinh cho người nghèo và người già.

Giới tinh hoa kinh doanh lúc đó cũng nhiều quyền lực chính trị không kém (ngày nay). Nhưng họ sử dụng ảnh hưởng của họ để thúc đẩy một chương trình nghị sự mà nhìn chung phù hợp với lợi ích quốc gia.

Ngược lại, giới siêu giàu ngày nay là “những ông trùm rên rỉ” theo cách ví von của James Surowiecki. Một ví dụ tiêu biểu mà Surowiecki nêu lên là Stephen Schwarzman, chủ tịch và giám đốc điều hành của một công ty cổ phần tư nhân – Tập đoàn Blackstone, người có tài sản hơn 10 tỉ đô la cho đến hiện giờ.

Schwarzman hành động như thể “ông bị ngáng đường bởi một chính phủ hay can thiệp và thích đánh thuế cùng một quần chúng đầy ghen tỵ. Ông đề nghị rằng “có thể nên tăng thuế thu nhập đối với người nghèo để họ “biết mùi”, và rằng những đề nghị bãi bỏ những kẽ hở thuế liên quan đến thu nhập của các giám đốc điều hành quỹ đầu tư – điều mà cá nhân ông hưởng lợi – cũng giống với cuộc xâm lược Ba Lan của người Đức.” Các ví dụ khác từ Surowieki còn có “nhà đầu tư mạo hiểm Tom Perkins và Kenneth Langone, hai nhà đồng sáng lập Home Depot, những người so sánh cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa dân túy vào giới giàu có giống như cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào người Do Thái.”

Surowiecki cho rằng sự thay đổi thái độ này có nhiều điểm liên quan tới toàn cầu hóa. Những tập đoàn và ngân hàng lớn của Mỹ giờ đây đi khắp thế giới một cách tự do, và không còn quá phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ. Giờ đây tình trạng của tầng lớp trung lưu Mỹ không còn quan trọng với họ nữa. Hơn nữa, Surowiecki lập luận rằng chủ nghĩa xã hội đã không còn nhiều ảnh hưởng và không cần thiết phải để tâm đến tầng lớp lao động nữa.

Tuy nhiên nếu những ông trùm kinh doanh nghĩ rằng họ không cần phải phụ thuộc vào chính phủ nước họ nữa thì họ đang nhầm to. Thực tế là sự ổn định và cởi mở của thị trường, điều tạo nên sự giàu có cho họ, chưa bao giờ phụ thuộc nhiều vào hành động của chính phủ (như bây giờ).

Trong những thời kì tương đối ổn định, vai trò của chính phủ trong việc soạn thảo và duy trì các quy định giúp thị trường vận hành có thể trở nên mờ nhạt. Dễ có cảm giác thị trường biết tự điều chỉnh, và các chính phủ là những điều phiền phức tốt nhất nên tránh.

Tuy nhiên khi những khó khăn kinh tế sắp sửa xảy ra, tất cả mọi người đều tìm kiếm chỗ ẩn núp dưới sự che chở của chính phủ nước họ. Đó là khi mà mối quan hệ ràng buộc các tập đoàn lớn với quê hương của họ được lộ ra hoàn toàn. Như cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mervyn King từng nói một cách chính xác khi đề cập đến ngành tài chính, “các ngân hàng toàn cầu sống cuộc sống toàn cầu, nhưng chết cái chết trong nước.”

Hãy xem xét cách chính phủ Mỹ vào cuộc để bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế trong thời kì khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nếu chính phủ không cứu trợ các ngân hàng lớn, tập đoàn bảo hiểm AIG, hay ngành công nghiệp ô tô, và nếu Cục Dự trự Liên bang không tạo thanh khoản cho nền kinh tế, tài sản của những người siêu giàu sẽ lãnh đòn nặng. Nhiều người lập luận rằng chính phủ nên tập trung giải cứu những chủ sở hữu nhà. Tuy nhiên thay vào đó, chính phủ quyết định hỗ trợ các ngân hàng – chính sách mà giới tinh hoa tài chính được hưởng lợi nhiều nhất.

Kể cả trong thời gian bình thường, giới siêu giàu phụ thuộc vào sự hỗ trợ và hành động của chính phủ. Chính chính phủ là người đã tài trợ các nghiên cứu cơ bản vốn tạo ra cuộc cách mạng công nghệ thông tin và các công ty (như Apple và Microsoft) mà nó đã nuôi dưỡng.

Chính chính phủ đã thông qua và thi hành các luật về bản quyền, bằng sáng chế và thương hiệu, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm mang lại cho những nhà sáng chế thành công một dòng lợi nhuận độc quyền ổn định. Chính chính phủ đã tài trợ các trường đại học đào tạo lực lượng lao động có tay nghề. Chính chính phủ đã đàm phán các hiệp định thương mại với các nước khác để đảm bảo rằng các công ty nội địa có thể thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Nếu giới siêu giàu tin rằng họ không còn là một phần của xã hội và gần như không cần đến chính phủ nữa thì đó không phải là vì niềm tin ấy phản ánh đúng thực tế khách quan. Đó là vì quan điểm phổ biến hiện hành của thời đại chúng ta miêu tả những thị trường như những thực thể tự đứng vững và vận hành bằng nhiên liệu của chính nó. Đây là niềm tin phổ biến trong tất cả các tầng lớp xã hội, tầng lớp trung lưu cũng không khác gì giới nhà giàu.

Không có lí do nào để kì vọng rằng giới siêu giàu sẽ hành động bớt ích kỉ hơn các tầng lớp khác. Tuy nhiên không phải quyền lợi ích kỷ của họ là thứ đang cản trở một xã hội bình đẳng hơn và bao dung với người nghèo hơn. Rào cản đáng kể hơn chính là việc người ta thiếu nhận thức rằng các thị trường không thể tạo ra sự thịnh vượng lâu dài – cho bất cứ ai – trừ khi chúng được nâng đỡ bởi một xã hội khỏe mạnh và sự quản trị tốt.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2014 – A Class of its Own

Chùm ảnh: Khám phá tàn tích của Văn miếu ở Huế

Khi còn nguyên vẹn, Văn miếu Huế là một quần thể kiến trúc bề thế với gần 20 công trình lớn. Đến năm 1947, khi tái chiếm Huế và đồn trú tại Văn miếu, quân đội Pháp đã tàn phá nặng nề di tích này.

Nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận xã Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Văn miếu Huế (còn gọi là Văn Thánh Huế) là di tích gắn với nền khoa cử của nhà Nguyễn, đồng thời cũng là một công trình kiến trúc đặc sắc của kinh thành Huế xưa. Ảnh: Linh Tinh Môn ở bờ sông trước Văn miếu Huế.

Theo sử sách, khi các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu đầu tiên ở Huế được lập tại làng Triều Sơn, đến năm 1770 được dời đến xã Long Hồ. Ảnh: Văn Miếu Môn, cổng chính của Văn miếu.

Đến thời vua Gia Long, Văn miếu mới được xây dựng ở vị trí hiện tại vào năm 1808, Văn miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ, tức miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử. Ảnh: Đại Thành Môn, cổng dẫn vào trung tâm Văn miếu.

Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu Huế còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết. Bên cạnh đó, nơi đây còn thờ các Tiên Hiền và Tiên Nho, những người có công trong việc phát triển đạo Nho. Ảnh: Từ Đại Thành Môn nhìn ra sông Hương.

Suốt thời Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương nên không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu. Đến thời Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, nên bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng. Ảnh: Hai dãy nhà Tây Vu, Đông Vu.

Từ năm 1831 – 1919, năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh, trên 30 tấm bia đá đã được dựng tại Văn miếu Huế, ghi họ tên, tuổi tác và quê quán của 293 vị tiến sĩ. Ảnh: Bia tiến sĩ trong Văn miếu.

Có nhiều cái tên nổi tiếng được khắc ghi ở đay, như: Phan Thanh Giản; Phan Đình Phùng; Tống Duy Tân; Nguyễn Thượng Hiền; Nguyễn Khuyến; Chu Mạnh Trinh; Ngô Đức Kế; Huỳnh Thúc Kháng; Vũ Phạm Hàm…

Văn Miếu Huế đã được tu sửa, làm mới một số đồ thờ và xây dựng thêm một số công trình phụ vào các năm 1818, 1820, 1822, 1830, 1840, 1895, 1903.

Khi còn nguyên vẹn, Văn miếu Huế là một quần thể kiến trúc bề thế với gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn Đường, Duỵ Lễ Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, la thành, bến vua ngự…

Đến năm 1947, khi tái chiếm Huế và đồn trú tại Văn miếu, quân đội Pháp đã tàn phá nặng nề di tích này.

Nhiều thập niên sau đó, Văn miếu Huế rơi vào cảnh hoang phế và đổ nát.

Ngày nay, Văn miếu Huế chỉ còn một số công trình như Linh Tinh môn, Văn Miếu môn, Đại Thành môn, Đông vu, Tây vu, hai nhà bia trước sân miếu, hệ thống bia tiến sĩ… Ảnh: Bia đá trong một nhà bia ở Văn miếu Huế.

Nhiều tòa nhà trong khuôn viên Văn miếu chỉ còn lại nền móng.

Theo KIẾN THỨC

Lối sống lạ đời, nổi loạn của nữ tác giả ‘Buồn ơi chào mi’

Đam mê viết lách như vậy, nhưng trong mắt cha mẹ, Françoise là một “đứa bé hư hỏng”. Liên tục bị đuổi học, thi trượt và thậm chí bỏ hẳn một năm trời chỉ để nghe nhạc Jazz.

Mười tám tuổi, Françoise Sagan xuất hiện trên văn đàn Pháp tựa một ngôi sao chổi – ngạo nghễ, phóng khoáng và khiến người ta ngây ngất -với tiểu thuyết ngắn đầu tay: Buồn ơi chào mi.

Lối sống lạ đời, tùy hứng nhưng chân thực

Vốn là một thiếu nữ không mặn mà với học hành, không may mắn với thi cử và cũng không được gia đình ủng hộ theo nghiệp văn chương, nhưng từ thời niên thiếu Françoise Sagan đã say mê các tác phẩm văn học lớn (của Shakespeare, Proust, Camus, Cocteau, Rimbaud, Sartre…) và sống một lối sống lạ đời, tùy hứng nhưng trên hết là chân thực.

Giữa cuộc đời và tác phẩm của Françoise Sagan có một sự ứng chiếu rõ rệt: những câu chuyện lãng mạn của giới tư sản giàu có vỡ mộng, tâm trạng chán chường và hoài nghi, lối sinh hoạt phóng túng bừa bãi, và cả cách nhìn đượm buồn, ý nhị, nên thơ pha lẫn những nét dí dỏm bất ngờ. Francoise Sagan từng nói: “Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống”.

Loi song la doi, noi loan cua nu tac gia 'Buon oi  chao mi' hinh anh 1
Nhà văn Françoise Sagan.

Đam mê viết lách như vậy, nhưng trong mắt cha mẹ, Françoise là một “đứa bé hư hỏng”. Liên tục bị đuổi học, thi trượt và thậm chí bỏ hẳn một năm trời chỉ để nghe nhạc Jazz, cho tới khi cầm được hợp đồng xuất bản sách về khoe gia đình thì câu đầu tiên mà Francois Sagan nghe được là: “Tốt hơn hết mày nên có mặt đúng giờ ăn”. Thậm chí, người cha không muốn để cái họ Quoirez xuất hiện trên bìa sách nên cô con gái phải chọn bút danh Sagan, theo tên một nhân vật của Proust.

Như vậy, có thể thấy rằng nữ nhà văn gần như khác biệt trong môi trường mà bà đã sống thời niên thiếu, cá tính mạnh mẽ, nổi loạn, bất cần và tài hoa của Sagan không gây ra một mâu thuẫn lớn lao, sâu sắc nào với gia đình nhưng hẳn đã đẩy bà vào một trạng thái ám ảnh mà sau này bà đã khoác lên cho các nhân vật: trạng thái chán chường và đơn độc.

Sự nghiệp thành công quá sớm, quá choáng váng làm Sagan chao đảo, thêm vào đó là đời sống xa hoa, vô độ, trác táng không ngừng nghỉ của bà khiến cho một bộ phận độc giả phẫn nộ. Nhưng Sagan đã và vẫn có sức sống mãnh liệt đối với giới trẻ và nhận được sự ưu ái, hâm mộ của rất nhiều tác gia lớn.

Lý do chính là vì bà đã dựng lại trong tiểu thuyết của mình cái bản chất yếu đuối của một xã hội Pháp đang rệu rã, cái khao khát và ngờ vực của một giới trẻ mất phương hướng và bị kìm hãm, cái cấm kị và đè nén của một nền đạo đức giả dối, cái không khí lễ hội không biết đến ngày mai, cái thái độ vừa ích kỷ vừa đáng thương của những con người cô đơn, chán nản… bằng một ngòi bút chân thực, giản dị, tinh tế và hết sức thông minh.

Chẳng thế mà François Le Grix của nhà xuất bản Julliard, sau một đêm đọc Buồn ơi chào mi đã phải thốt lên: “Độc đáo. Hoàn toàn chân thực. Tài năng thiên bẩm. Vừa thơ mộng lại vừa đậm chất tiểu thuyết. Không có bất kỳ một lỗi nào”.

Tài năng độc đáo trong tiểu thuyết

Sau Buồn ơi chào mi vang dội rực rỡ, Françoise Sagan cho ra mắt tiểu thuyết thứ hai Một nụ cười nào đó vào năm 1956, tiếp tục khẳng định tài năng và phong cách độc nhất vô nhị.

Câu chuyện xoay quanh một cô sinh viên luật đại học Sorbonne phải lòng một người đàn ông lớn tuổi đã có vợ, oái oăm thay lại là cậu ruột của người bạn trai. Một câu chuyện giản đơn, thậm chí là tầm thường với những nỗi buồn vặt vãnh, những day dứt trẻ con, những nghi ngờ, khám phá về mặt tinh thần lẫn thể xác mà ở thời đại đó đã bị gán cho cái mác băng hoại đạo đức, khiêu dâm.

Nhưng tiểu thuyết thứ hai này cho thấy một sự ngây thơ và dễ tổn thương mà Buồn ơi chào mi không có được. Hơn nữa, Một nụ cười nào đó đằm thắm hơn, cố chấp hơn với tình yêu để rồi vỡ mộng hơn, nhưng là một vỡ mộng không tàn bạo mà dịu dàng như một bản nhạc.

Loi song la doi, noi loan cua nu tac gia 'Buon oi  chao mi' hinh anh 2
Sách Một nụ cười nào đó.

Nhân vật nam chính – một người đàn ông “mắt xám, trông mỏi mệt, gần như u buồn” – là người duy nhất làm cho cô gái hạnh phúc vì chỉ hai người họ mới giống nhau và chia sẻ cho nhau nỗi chán chường cố hữu của đời sống. Nhân vật nữ chính – trung tâm của cuộc tình tay tư – là một cô nàng vô ưu, lẳng lơ, có những lúc tự nhận bản thân vô sỉ, song từ đầu đến cuối luôn bị giày vò bởi nỗi cô đơn của một đời sống vô vị và nhàm chán.

Mối quan hệ lén lút giữa Dominique và Luc sẽ không khiến hai người phải day dứt và khổ đau như họ đã cảm thấy nếu Françoise – vợ Luc – không tỏ ra là một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng và từ ái. Françoise luôn đối xử với Dominique như một người mẹ thương con, bởi vì bà cho rằng cô sinh viên ấy cùng một bản chất với chồng bà: họ là những kẻ có đôi chút bất hạnh cần được vỗ về. Ở cuối tác phẩm, Francoise vẫn không đổi thay trong lối cư xử và trong tình cảm với tình địch dù đã biết câu chuyện dan díu, nhưng chỉ bằng một câu nói, bà đã đập tan cái cố chấp của cô gái trẻ, khiến cô không còn gì ngoài tan nát…

Lối kể chuyện của Sagan trong Một nụ cười nào đó vẫn giữ một giọng điệu dửng dưng như thể các nhân vật bị tách lìa với cảnh trí mà họ đang sống, như thể câu chuyện mà họ dự phần chỉ là vặt vãnh, thứ duy nhất họ không trốn thoát được là cô đơn và đau khổ mà họ gây ra cho chính mình hoặc cho người khác. Tuy câu chuyện giản đơn nhưng nhân vật của Sagan không đơn giản: họ có phương tiện để hạnh phúc nhưng không bao giờ họ thực sự chạm tới hạnh phúc.

Francoise Sagan qua đời năm 2004, để lại phía sau một sự nghiệp đa dạng nhưng công bằng mà nói, không thể cuốn hút bằng chính cuộc đời bà. Một cuộc đời độc đáo, trí tuệ, đam mê, vội vã và chân thực như “một khúc andante của Mozart, luôn gợi đến bình minh, cái chết, một nụ cười nào đó”.

Thanh Thư / Sach hay / Zing

Kính trọng người khác là một loại cảnh giới cao thượng

Vào một ngày mùa thu, sau khi Ajian tốt nghiệp đại học, cô nộp đơn xin việc làm quảng cáo tại nước ngoài với một công ty quốc tế.

Sau mấy lần thử thách, cô tự biết rằng mình không giỏi như những người xin việc khác và cảm thấy rất khó để xin được công việc này. Sau lần thử thách cuối cùng, cô bước ra khỏi toà nhà sang trọng của công ty đó cùng với các bạn xin việc khác và đi bộ trên một con đường nhỏ dưới ánh nắng chói chang. Các bạn xin việc khác rất vui vẻ, nhưng cô đi một mình phía sau mọi người và cảm thấy rất buồn rầu.

Đi bộ được một đoạn ngắn thì có một người ăn mày đang đi trên đường đưa tay ra xin tiền từ các bạn này.

“Cút đi. Đừng đến đây và làm quấy rầy cuộc vui này”, một số bạn bực mình nói. “Tránh xa ra, tôi không có tiền đâu”, một người gắt gỏng nói. “Dường như đây là cách dễ nhất để làm tiền!”, một ngươì khác mỉa mai. Một số người quay mặt và tránh đi chỗ khác. Với lòng thương hại, một số ném vài đồng trên đường rồi bỏ đi.

Không cần biết họ nói và làm những gì, nét mặt của người ăn xin vẫn bình lặng.

Dừng lại trước mặt người ăn mày, Ajian vui vẻ mỉm cười đưa tay vào túi xách toan lấy tiền. Nhưng cô chợt thấy mắc cỡ vì đã bỏ quên cái ví ở nhà nên không tìm ra được đồng tiền nào.

Cảm thấy có lỗi, cô nắm lấy tay người ăn mày và nói với vẻ xin lỗi: “Thưa ông, cháu xin lỗi. Cháu quên mang theo ví và không có tiền ở đây”.

“Không sao, cô à, tôi xin biết ơn suốt đời. Những gì cô cho tôi còn quý hơn tiền bạc. Cô là người đầu tiên tôn trọng tôi”. Ngay lúc này, người ăn mày ứa nước mắt.

Một tuần sau, cô nhận được thư báo tuyển dụng từ công ty lớn đó. Đó là một công việc mà cô hằng mơ ước.

Nhân có giờ họp riêng, cô bèn hỏi người phỏng vấn rằng tại sao cô được chọn trong khi cô không phải là người giỏi nhất trong số những người xin việc. Người phỏng vấn trả lời: “Cô là người tốt nhất cho công việc quảng cáo. Cô có thể là người không giỏi về những công việc khác, nhưng điều quan trọng nhất cho việc làm này là sự kính trọng người khác. Cô biết kính trọng người khác, không cần biết là địa vị của họ thấp kém đến đâu, và cô vẫn xem họ bình đẳng với cô. Kính trọng người khác trong tim mình còn hơn là đức độ”.

Thật ra, cảnh người ăn mày trên con đường nhỏ là được dàn dựng bởi công ty này.

Theo Pure Insight /Thanh Tâm

20/05/1506: Christopher Columbus qua đời

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1506, nhà thám hiểm vĩ đại người Ý Christopher Columbus qua đời tại Valladolid, Tây Ban Nha. Columbus là người châu Âu đầu tiên khám phá châu Mỹ kể từ khi người Viking thiết lập các thuộc địa ở Greenland và Newfoundland vào thế kỷ thứ 10. Ông đã khám phá vùng West Indies, Nam Mỹ và Trung Mỹ, nhưng qua đời trong cảm giác thất vọng vì cảm thấy bị đối xử bất công bởi người bảo trợ của mình, Vua Ferdinand của Tây Ban Nha.

Columbus sinh ra ở Genoa, Ý, vào năm 1451. Người ta biết rất ít về cuộc sống thuở thiếu thời của ông, nhưng ông đã làm thủy thủ và sau đó là một thương nhân thuyền buồm. Ông trở nên bị ám ảnh về khả năng mở ra một tuyến đường biển phía tây đến Cathay (Trung Quốc), Ấn Độ, và các đảo vàng và gia vị huyền thoại của châu Á.

Vào thời điểm đó, người châu Âu không biết bất kỳ tuyến đường biển trực tiếp nào đến Nam Á, và tuyến đường qua Ai Cập và Biển Đỏ đã bị Đế chế Ottoman đóng cửa đối với người châu Âu, cũng như các tuyến đường bộ. Trái với niềm tin phổ biến, những người Châu Âu có học thức vào thời của Columbus đã tin rằng trái đất tròn, như lập luận mà St. Isidore đưa ra vào thế kỷ thứ bảy. Tuy nhiên, Columbus, và hầu hết những người khác, đã đánh giá thấp kích thước của trái đất, và họ tính toán rằng Đông Á phải nằm đâu đó gần vị trí của Bắc Mỹ trên địa cầu (họ vẫn chưa biết về sự tồn tại của Thái Bình Dương ).

Với suy nghĩ chỉ có Đại Tây Dương nằm giữa châu Âu và sự giàu có ở Đông Ấn, Columbus đã đến gặp vua John II của Bồ Đào Nha và cố gắng thuyết phục ông hỗ trợ “Kế hoạch mở đường đến vùng Ấn Độ” (Enterprise of the Indies), tên mà ông gọi kế hoạch của mình. Ông bị từ chối và đã đến Tây Ban Nha, nơi Vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella cũng từ chối ông ít nhất hai lần. Tuy nhiên, sau cuộc chinh phục của Tây Ban Nha đối với vương quốc Granada của người Moorish vào tháng 01 năm 1492, các vương triều Tây Ban Nha, ngập tràn tinh thần chiến thắng, đã đồng ý bảo trợ cho chuyến đi của ông.

Vào ngày 03 tháng 08 năm 1492, Columbus khởi hành từ Palos, Tây Ban Nha, với ba tàu nhỏ, Santa María, Pinta và Niña. Vào ngày 12 tháng 10, đoàn thám hiểm đã nhìn thấy đất liền, có lẽ là đảo Watling ở Bahamas, và đã lên bờ cùng ngày đó, tuyên bố nó thuộc về Tây Ban Nha. Cuối tháng đó, Columbus nhìn thấy Cuba, nơi mà ông nghĩ là lục địa Trung Quốc, và vào tháng 12 đoàn thám hiểm đã đổ bộ lên Hispaniola, nơi mà Columbus nghĩ có thể là Nhật Bản. Ông đã thiết lập một thuộc địa nhỏ ở đó với 39 thủy thủ của mình. Nhà thám hiểm trở về Tây Ban Nha với vàng, gia vị, và những người “Ấn Độ” bị bắt vào tháng 03 năm 1493, và đã được đón chào với nghi thức cao nhất của triều đình Tây Ban Nha. Ông được trao danh hiệu “đô đốc của đại dương”, và một chuyến thám hiểm thứ hai được nhanh chóng tổ chức.

Được trang bị một hạm đội lớn gồm 17 tàu với 1.500 người định cư trên tàu, Columbus rời  Cádiz vào tháng 09 năm 1493 trong chuyến hải hành thứ hai của mình đến Tân Thế giới. Đoàn thám hiểm cập bến tại quần đảo Lesser Antilles vào tháng 11. Quay trở lại Hispaniola, ông phát hiện những thủy thủ ông để lại ở đó đã bị giết bởi người bản địa, và ông đã thành lập một thuộc địa thứ hai. Tiếp tục giương buồm, ông khám phá Puerto Rico, Jamaica và nhiều hòn đảo nhỏ hơn ở Caribbe. Columbus trở về Tây Ban Nha vào tháng 06 năm 1496 và được chào đón ít nồng nhiệt hơn, vì kết quả thu được từ chuyến đi thứ hai ít hơn chi phí của nó.

Isabella và Ferdinand, vẫn thèm khát sự giàu có ở phương Đông, đồng ý với một chuyến đi thứ ba nhỏ hơn và yêu cầu Columbus tìm một eo biển đến Ấn Độ. Vào tháng 05 năm 1498, Columbus rời Tây Ban Nha với sáu chiếc thuyền, trong đó ba thuyền chở đầy những người định cư và ba thuyền chở đồ tiếp tế cho thuộc địa tại Hispaniola. Lần này, ông đã cập bến tại Trinidad. Ông vào vịnh Paria ở Venezuela và cắm cờ Tây Ban Nha ở Nam Mỹ vào ngày 01 tháng 08 năm 1498. Ông khám phá sông Orinoco của Venezuela và, với kích thước của nó, sớm nhận ra mình đã tình cờ gặp phải một lục địa khác. Columbus, một người mộ đạo sâu sắc, quyết định sau khi suy nghĩ cẩn thận rằng Venezuela là khu vực bên ngoài của Vườn Địa đàng.

Trở về Hispaniola, ông nhận thấy tình trạng trên đảo đã xấu đi dưới sự cai trị của các anh em ông, Diego và Bartholomew. Những nỗ lực khôi phục trật tự của Columbus đã được coi là tàn bạo, và sự cai trị của ông khiến những người định cư và những người đứng đầu bộ tộc Taino bản địa phẫn nộ. Năm 1500, tổng chưởng lý Tây Ban Nha Francisco de Bobadilla đã đến Hispaniola theo chỉ thị của Isabella và Ferdinand để điều tra các khiếu nại, và Columbus và các anh em của ông đã bị bắt và đưa về Tây Ban Nha.

Ông ngay lập tức được thả ra khi về tới Tây Ban Nha, đồng thời Ferdinand và Isabella đồng ý tài trợ cho chuyến đi thứ tư, trong đó ông sẽ phải tìm kiếm thiên đường trần gian và các vương quốc vàng được nói là nằm gần đó. Ông cũng tiếp tục tìm kiếm một con đường đến Ấn Độ. Vào tháng 05 năm 1502, Columbus rời Cádiz trong chuyến hành trình thứ tư và cuối cùng của mình đến Tân Thế giới. Sau khi tới Hispaniola, trái với mong muốn của những người bảo trợ của mình, ông thăm dò bờ biển Trung Mỹ để tìm kiếm một eo biển và vàng. Cố gắng quay trở lại Hispaniola, những con tàu của ông, vốn trong tình trạng tồi tệ, đã phải kéo lên bờ ở Jamaica. Columbus và các thủy thủy của ông bị bỏ lại trên đảo hoang, nhưng hai trong số các thuyền trưởng của ông thành công trong việc chèo thuyền 450 dặm đến Hispaniola. Columbus sống bơ vơ tại Jamaica trong suốt một năm trước khi một con tàu cứu hộ đến.

Vào tháng 11 năm 1504, Columbus quay trở về Tây Ban Nha. Nữ hoàng Isabella, người bảo trợ chính của ông, qua đời chưa đầy ba tuần sau đó. Mặc dù Columbus có thu nhập đáng kể từ lượng vàng Hispaniola trong những năm cuối đời, ông đã liên tục cố gắng (nhưng không thành công) để được gặp mặt vua Ferdinand, người mà ông cảm thấy còn nợ ông sự đền bù nhiều hơn nữa. Columbus qua đời tại Valladolid vào ngày 20 tháng 05 năm 1506 mà không nhận ra sự vĩ đại trong thành tựu của mình: Ông đã khám phá ra Tân Thế giới cho châu Âu, và sự giàu có ở đó trong thế kỷ tiếp theo sẽ giúp Tây Ban Nha trở thành quốc gia giàu có và quyền lực nhất trên trái đất.

Nghiên cứu Quốc tế

Suy nghĩ lại về tương lai Trung Quốc

Nguồn: Stephen S. Roach, “Rethinking the Next China”, Project Syndicate, 25/05/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Thư | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong 7 năm qua, tôi đã dạy một khóa được nhiều người theo học ở Yale có tên là “Tương lai Trung Quốc”. Ngay từ ban đầu, tôi tập trung vào những mệnh lệnh chuyển đổi trong nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc, cụ thể là tiến trình chuyển đổi từ mô hình nhà sản xuất thành công lâu nay sang mô hình ngày càng được thúc đẩy bởi tiêu dùng của hộ gia đình. Tôi dành nhiều sự lưu tâm cho những rủi ro và cơ hội của sự tái cân bằng này cũng như những hệ quả liên quan đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc và nền kinh tế thế giới nói chung.

Trong khi nhiều “viên gạch” chủ chốt của tiến trình chuyển đổi của Trung Quốc đã được đặt vào đúng vị trí, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bực của ngành dịch vụ và tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, thì rõ ràng đang xảy ra một chiều hướng chuyển đổi vừa mới mẻ vừa quan trọng khác: Trung Quốc đang chuyển đổi từ một kẻ tìm cách thích nghi với tiến trình toàn cầu hóa thành kẻ lèo lái tiến trình đó. Trên thực tế, Trung Quốc của tương lai đang đặt cược nhiều hơn vào mối liên kết của mình với một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, và theo đó tạo ra một loạt những rủi ro và cơ hội mới.

Rõ ràng là có điều gì đó không ổn đã xuất hiện trong những năm qua. Chiến lược chuyển đổi này phản ánh rất nhiều dấu ấn lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, cụ thể là sự chú trọng của ông vào “Giấc mơ Trung Hoa”. Ban đầu, giấc mơ này là một thứ gì đó như một khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc, được định hình như một tiến trình phục hưng giúp Trung Quốc giành lại vị trí nổi trội trên thế giới trong quá khứ, tương ứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nước này.

Nhưng hiện nay Giấc mơ Trung Hoa đang được định hình thành một kế hoạch hành động cụ thể, tập trung vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” (OBOR). Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng liên khu vực đầy tham vọng này là một sự kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế với khuếch trương quyền lực địa chiến lược, được hỗ trợ bởi những thiết chế tài chính mới do Trung Quốc dẫn dắt: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (thuộc BRICS), và Quỹ Con đường Tơ lụa.

Đối với những ai đang nghiên cứu sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, thì tiến trình này khó có thể được xem là một diễn tiến tầm thường. Dù tiến trình chuyển đổi vẫn đang diễn ra, tôi xin mạn phép nhấn mạnh ba hàm ý có thể có.

Đầu tiên, Trung Quốc không thật sự thay đổi 180 độ. Là một nhà kinh tế học, tôi có xu hướng đặc biệt chú trọng vào các mô hình kinh tế và giả thuyết liên quan rằng các nhà lập chính sách có thể nhảy từ mô hình này sang mô hình khác. Tuy thế, nó không rõ ràng như vậy – đối với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.

Bất chấp những mục tiêu thực tiễn, giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng khó thực hiện hơn suy nghĩ ban đầu. Tỷ lệ tiêu dùng trong GDP chỉ tăng 2,5% từ năm 2010 – quá ít so với mức tăng thu nhập cá nhân mà người ta mong đợi sẽ đến từ mức tăng 7,5% trong tỉ trọng ngành dịch vụ và mức tăng 7,3% tỉ trọng dân số đô thị có thu nhập cao trong cùng thời kỳ.

Sự cách biệt lớn trên thực tế này phản ánh một mạng lưới an sinh xã hội đầy những lỗ hổng vốn tiếp tục khuyến khích người dân tiết kiệm nhằm phòng ngừa rủi ro. Điều này đang ngăn cản tăng trưởng tiêu dùng theo ý muốn của nước này. Dù vẫn thực hiện cam kết đô thị hóa và phát triển các ngành dịch vụ, nhưng Trung Quốc đã chọn dựa vào một nguồn tăng trưởng mới ở bên ngoài nhằm bù đắp cho mức cầu thấp ở trong nước.

Thứ hai, lần vươn ra toàn cầu này mang nhiều dáng dấp của mô hình nhà sản xuất cũ. Nó cho phép đưa năng lực sản xuất dư thừa trong nước đang tăng lên một cách đáng lo ngại sang đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của dự án OBOR. Và nó dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) để thúc đẩy đầu tư, qua đó ngăn chặn những cải tổ vốn cần thiết bao lâu nay trong lãnh vực công nghiệp khổng lồ này của Trung Quốc.

Mặt bất lợi của sự ủng hộ mới xuất hiện gần đây dành cho mô hình nhà sản xuất là nó làm giảm ưu tiên dành cho mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Trong báo cáo công tác thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường – một dạng tuyên bố chính thức về chính sách kinh tế – sự nhấn mạnh vào chuyển đổi cơ cấu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đã giảm rõ rệt trong hai năm qua (chỉ xếp thứ 3 trong cả hai năm 2016 và 2017, trong khi các sáng kiến bên cung được ưu tiên cao hơn).

Thứ ba, cách tiếp cận toàn cầu của Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi trong nền quản trị của nước này. Sự củng cố quyền lực trong nước của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là một phần của câu chuyện. Sự dịch chuyển quyền ra quyết định kinh tế từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Quốc Vụ Viện sang các tiểu nhóm lãnh đạo trực thuộc Đảng là đặc biệt quan trọng, tương tự như chiến dịch chống tham nhũng, tăng cường kiểm duyệt Internet, và các quy định mới đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Trớ trêu là quá trình tập trung quyền lực này quá rõ ràng. Sau tất cả, thì Tập Cận Bình đã sớm đưa ra lời hứa về việc phá bỏ những khối quyền lực thâm căn cố đế, và các cải cách đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm 2013 đã nhấn mạnh việc khuyến khích nhiều hơn vai trò quyết định của thị trường.

Nhưng lần vươn ra toàn cầu mới của Trung Quốc có một sự phi lý còn lớn hơn. Nó đi ngược lại phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy chống toàn cầu hóa đang nổi dậy ở nhiều nước phát triển. Là một nền kinh tế tập trung vào ngành sản xuất, Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ tiến trình toàn cầu hóa, cả về tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và giảm nghèo đói nhờ số lượng người lao động dư thừa tìm được việc làm. Hướng tiếp cận đó hiện nay đã bị đình trệ bởi những mất cân bằng trong nước của Trung Quốc, sự suy giảm thương mại toàn cầu sau khủng hoảng 2008, và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ chống lại Trung Quốc. Và kết quả là các nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm tận dụng hơn nữa quá trình toàn cầu hóa đã đã vấp phải những thách thức trầm trọng từ chính mình.

Một Trung Quốc toàn cầu hóa hơn cũng đem lại những hệ quả quan trọng cho chính sách đối ngoại của nước này. Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đặc biệt nổi bật, nhưng những “dấu chân”của Trung Quốc ở châu Phi và Mỹ Latinh cũng thu hút sự chú ý sát sao hơn. Có lẽ chiến lược mới này làm nổi lên vấn đề lớn nhất trong tất cả: Liệu Trung Quốc có lấp đầy khoảng trống bá quyền được tạo ra bởi cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” theo khuynh hướng biệt lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không?

Tóm lại, tương lai của Trung Quốc đang được định hình sẽ hướng ra bên ngoài nhiều hơn, sẽ quyết đoán hơn và tập trung quyền lực nhiều hơn so với những gì tôi hình dung khi bắt đầu dạy khóa học “Tương lai Trung Quốc” vào năm 2010. Đồng thời Trung Quốc không còn giữ nhiều cam kết đối với việc thực hiện các chương trình cải cách dựa trên thị trường với những điểm nổi bật như tăng tiêu dùng cá nhân và tái cấu trúc các doanh nghiệp quốc doanh. Khó mà biết được liệu điều này có làm thay đổi đích đến cuối cùng của quá trình tái cân bằng của Trung Quốc hay không. Tôi hy vọng là không. Nhưng chính vì lẽ đó, nó khiến việc dạy một khóa học ứng dụng trở nên thú vị hơn, khi mà trọng tâm của khóa học là một mục tiêu không ngừng thay đổi.

Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.

Nghiên cứu Quốc Tế

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào?

Vườn trồng nho ở Australia. Ảnh: NYT

Tổng thống Trump hiện đang căng sức để thiết lập 1 liên minh toàn cầu chống Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại nhưng điều này là rất khó khăn

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Hiện nay, tại những vườn nho ở thung lũng phía đông nam và tây nam – nơi từng sản xuất rất nhiều loại rượu vang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng – người dân Australia đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm với giá thành rẻ hơn để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Kể từ năm 2008, xuất khẩu rượu vang Australia sang Mỹ đã giảm 37% và xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 959%.

Theo The New York Times (Mỹ-NYT), ngoài Australia thì các đồng minh truyền thống của Mỹ trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho một thế giới mà Mỹ không còn là trung tâm kinh tế, bởi bất chấp mọi phiền toái khi làm ăn với Trung Quốc nhưng logic địa lý kinh tế quan trọng hơn các đồng minh truyền thống.

Mâu thuẫn này thể hiện rõ ở nhiều quốc gia có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Mỹ, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, có thể chưa có nước nào cảm nhận rõ sự tác động hơn Australia. Australia từ lâu được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nhưng hiện nay họ bị kéo theo hướng ngược lại bởi thị trường Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.

Australia đã sản xuất nhiều loại rượu vang giá rẻ nhằm phù hợp với thị trường Trung Quốc. Ảnh: NYT

Trong cuộc bầu cử dự kiến ​​vào ngày 18/5, hai chính đảng lớn đã kêu gọi một chính sách đối ngoại cân bằng để bảo vệ liên minh an ninh quốc gia lâu dài giữa Australia và Mỹ, đồng thời tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo của hai đảng này không kêu gọi phản đối Trung Quốc mạnh mẽ như Tổng thống Donald Trump và cũng không sử dụng thuế quan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Tuy nhiên, các liên kết văn hóa giữa Australia và Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Quân đội hai nước – đã sát cánh chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và gần đây đã gửi quân tới Afghanistan, Iraq. Cơ quan tình báo hai nước vẫn chia sẻ một số thông tin tối mật.

Nhưng về kinh tế, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh Australia hiện coi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là những đối tác quan trọng ngang ngửa nhau.

“Lợi ích của chúng tôi không hoàn toàn giống như Mỹ”, cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông hiện cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty kinh doanh ở cả hai nước.

“Điều này không có nghĩa là chúng tôi không thể có mối quan hệ thân thiết và hữu nghị với Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giống Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Ảnh hưởng tới quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ

Australia về cơ bản là một quốc gia có quy mô kinh tế tầm trung đang tìm một chỗ đứng trong nền kinh tế thế giới và muốn duy trì mối quan hệ tốt với cả hai siêu cường. Họ coi Mỹ là đồng minh trong các vấn đề an ninh quốc gia nhưng cũng hiểu rằng nền kinh tế hiện tại và tương lai của họ lại kết nối với Trung Quốc. Từ năm 2015, đã có một thỏa thuận thương mại giữa Australia và Trung Quốc.

NYT cho rằng, dân số khổng lồ và tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều quốc gia vào quỹ đạo kinh tế của nước này. Nhưng sự hấp dẫn mạnh mẽ này cũng phản ánh bước đi gần đây của Mỹ – những bước đi làm suy yếu thể chế hệ thống kinh tế mà chính người Mỹ xây dựng và lãnh đạo trên toàn cầu.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.

Những thỏa thuận song phương tạo điều kiện cho kinh tế Australia và Trung Quốc xích lại gần nhau. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia

Ví dụ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế các sản phẩm thép và nhôm của các đồng minh thân thiết vì lý do an ninh quốc gia, Washington đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhằm mục đích thành lập một nhóm thương mại có thể chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc v.v…

Trong khi đó, chính phủ Australia hiện tại, đứng đầu là Thủ tướng Scott Morrison, luôn tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Australia đã thông qua một đạo luật nhằm giảm bớt ảnh hưởng nước ngoài về chính trị và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh mạng.

“Chắc chắn, trong tương lai, chúng ta sẽ ở một vị trí cạnh tranh chiến lược cao hơn trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Morrison nói trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng vào cuối năm ngoái.

NYT cho biết, các nhà lãnh đạo của đảng Lao động Australia không hoàn toàn thân thiện với chính quyền Tổng thống Trump. Mục tiêu tranh cử của họ là giành lại quyền lực kể từ năm 2013, họ ủng hộ quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng dường như họ cũng không muốn bị kéo quá gần với Trung Quốc hoặc Mỹ.

Các chính đảng của Australia hiện nay đều đánh giá cao mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

“Sự im lặng về vấn đề này trong chiến dịch vận động tranh cử khiến người ta cảm thấy ghê sợ”, Richard McGregor, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Lowy ở Sydney, nói, “Cả hai đảng đều biết rằng những gì họ tuyên bố khi tranh cử có thể khiến họ gặp khó khăn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.”

Nguyên nhân xuất phát từ cấu trúc kinh tế của Australia. Mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế nhất của Australia bao gồm quặng sắt, than và khí tự nhiên. Đây là nguyên liệu góp phần tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm qua. Nhưng các ngành công nghiệp tài nguyên thiên nhiên này chỉ là một phần của nền kinh tế Australia.

Các trường đại học Australia có khoảng 165.000 sinh viên Trung Quốc. Họ là nguồn thu nhập quan trọng của trường này.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã làm cho thị trường bất động sản Australia bùng nổ, ít nhất là cho đến gần đây. Nhưng khi chính phủ Trung Quốc thực thi các biện pháp nghiên ngặt nhằm hạn chế nguồn tiên chuyển ra nước ngoài, động thái này đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến ngành bất động sản Australia lao đao.

Ngành công nghiệp rượu vang của Australia trước đây hầu như hoàn toàn hướng đến thị trường nội địa và sau đó mở rộng xuất khẩu sang Anh và sau đó sang Mỹ. Nhưng trong 10 năm qua, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Australia.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Thuế quan song phương đã giảm sau hiệp định thương mại được hai nước ký kết năm 2015. Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo tiếp thị quy mô lớn đảm bảo rằng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ủng hộ các thương hiệu Australia.

Ông Tony Battaglene, người đứng đầu hiệp hội rượu vang Australia, cho biết: “Chúng tôi không muốn bất kỳ bên nào nghĩ rằng chúng tôi là đối thủ của họ, bởi vì điều này liên quan đến nền tảng chính trị nhất định và chúng tôi không muốn bị cuốn vào vòng xoáy đó”.

Năm 1994, bà Catherine Cervasio thành lập công ty Aromababy tại Melbourne để sản xuất các sản phẩm chăm sóc da hữu cơ. Bà bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Hồng Kông và Singapore, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục từ năm 2008. Thị trường này hiện đóng góp khoảng một nửa doanh thu của công ty.

Mặc dù công ty chưa xuất khẩu sang Mỹ nhưng bà Savasio hy vọng sẽ phát triển kinh doanh tại Mỹ trong tương lai. “Mỹ có vị trí địa lý xa hơn,” bà nói đã đến thăm Trung Quốc bảy lần vào năm ngoái và bắt đầu học tiếng Trung.

Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào những năm 1980, sự tích hợp giữa dân số và địa lý đã thu hút sự chú ý của Australia.

Hai cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm qua khiến Australia nhận ra tình thế cấp bách để duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường.

“Cộng đồng doanh nghiệp Úc hoặc chính phủ Úc không nhất thiết phải thiết lập liên minh một cách cứng nhắc với Trung Quốc hay Hoa Kỳ”, Adrian Perkins, đối tác của văn phòng luật sư King & Wood Mallesons nói. Công ty này là kết quả của sự hợp nhất giữa một công ty luật Trung Quốc và một công ty luật Úc. “Điều hợp lý là giữ tất cả các lựa chọn. Chúng tôi sẽ không phải lựa chọn đóng cửa”.

NYT cho biết, đối với nền kinh tế và địa chính trị Úc, cách tiếp cận hợp lý có nghĩa là mối quan hệ đặc biệt mà Australia và Mỹ đã có sẽ không còn quá đặc biệt.

theo Trí Thức Tre