Nhờ mái và tường đều hai lớp, ngôi nhà luôn xanh mát dù ở những vị trí hướng tây.
Ngôi nhà nằm dưới chân đồi xóm Chùa, thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Đây là nơi sinh sống hơn 40 năm của gia đình chủ nhà.
Năm 2018, họ quyết định dỡ bỏ ngôi nhà gỗ đã cũ, xây lại một ngôi nhà mới trong khi vẫn giữ nguyên khu vườn với những cây bơ, bụi tiêu và cửa hàng nhỏ bán hàng tạp hóa bên cạnh.
Vốn theo đuổi lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên cùng những thiết kế hạn chế tối đa việc sử dụng máy điều hòa – kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tuấn (công ty TNHH VINCI) đã áp dụng phong cách này cho ngôi nhà của cha mẹ mình.
Nhờ những biện pháp chống nắng nóng hướng Tây, ngôi nhà không cần lắp điều hòa, vẫn luôn mát mẻ dù ngày nắng cao điểm nhiệt độ lên tới 34 -35 độ C. Cả tháng gia đình 3 thế hệ, 7 thành viên chỉ tốn gần 300 nghìn đồng tiền điện.
Hệ lam có thể xoay ngang, xoay dọc, khi mở hết giúp người ngồi trong nhà vẫn nhìn ngắm được sân vườn và con đường phía trước nhà. Đây vừa là lớp vỏ bảo vệ trước nắng nóng phía Tây, vừa là điểm nhấn cho ngôi nhà.
Nhờ “tường hai lớp” là hệ lam gỗ và cửa kính, không gian trong nhà có thể tự điều chỉnh lượng ánh sáng và gió tiếp nhận từ bên ngoài, phù hợp với sự thay đổi của thời tiết trong ngày. Khoảng không giữa hai lớp vỏ cũng trở thành chỗ vui chơi được ưa thích của trẻ em.
Riêng khu vực tường phía Tây được làm dày hơn bình thường. Ngoài tường gạch 20 cm như các bức tường bao khác, ở đây còn được ốp đá dày thêm 10 cm, vừa làm giảm nắng nóng cho phòng ngủ bên trong, đồng thời chống nấm mốc cho mặt ngoài tường khi mùa mưa kéo dài.
Mái hiên lắp kính vươn ra ngoài 2m, chống mưa tạt đồng thời vẫn đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên vào trong nhà. Mái hiên kính, cửa kính, hệ lam… những chi tiết nhỏ đều góp phần giúp ngôi nhà sáng sủa vào ban ngày.
Ngoài lớp mái tôn giả ngói lợp bên ngoài như đa số các nhà xung quanh, phía trong ngôi nhà còn một lớp trần gỗ thông, ở giữa là khoảng đệm dành cho không khí. Đây vừa là giải pháp chống nóng, vừa giảm tiếng ồn khi mưa rơi xuống mái tôn, ở trong nhà chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi rất nhỏ.
Ngoài khu vườn lớn phía trước và phía sau nhà, ở khoảng nối giữa phòng khách và phòng ngủ, bên ngoài phòng ăn còn có một khu vườn nhỏ, đảm bảo tất cả các không gian trong nhà đều có view ra vườn.
Phòng khách và phòng ăn liên thông, tạo thành một không gian rộng rãi 45m2 đáp ứng được nhu cầu thường xuyên tổ chức đám giỗ, đám tiệc.
Chủ nhà cũng như người dân địa phương có thói quen tiếp khách thân mật ở bàn ăn. Bàn ăn cũng là nơi gắn kết gia đình trong mỗi bữa cơm chung, vì thế được đặt trang trọng giữa nhà, ở khu vực kết nối giữa hai khối nhà, với mái bằng đổ bê tông.
Với quan điểm phòng ngủ cũng là nơi thư giãn, KTS. Nguyễn Thanh Tuấn không quên thiết kế view ra sân vườn cho tất cả bốn phòng ngủ.
Với người thiết kế, đây là một xu hướng kiến trúc hài hòa với điều kiện tự nhiên, một phong cách sống tối giản cho người dân quê nhà.
Nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa của đất nước. Qua các thời kỳ, người làm nghề hun đúc và tập hợp kinh nghiệm để làm nên bí quyết gia truyền lưu lại cho các thế hệ sau. Thừa kế những tinh hoa của các thế hệ đi trước, hậu nhân sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị trân quý của nghề.
Làng Kiêu Kỵ nằm ở phía bờ Bắc sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Phía Đông giáp làng Trí Trung, phía Tây giáp làng Ngọc Động xã Đa Tốn, phía Nam giáp làng Gia Cốc, phía Bắc giáp đường 5, gần làng Dương Xá.
Xưa kia dân làng Kiêu Kỵ cũng là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng nên cuộc sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai dịch họa. Trong tiến trình lịch sử đó, dân làng Kiêu Kỵ đã xây dựng cho mình một cuộc sống ấm no và thịnh vượng nhờ các nghề thủ công, đồng thời tạo dựng được một nền văn hoá truyền thống phong phú đa dạng.
Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ. (Ảnh qua tinmoi24.com)
Nghề quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ cũng trải qua những bước thăng trầm. Đặc biệt trong thời gian chiến tranh, nghề quỳ vàng bạc không những kém phát triển mà còn có nguy cơ bị mai một đi nhiều. Phải đến sau chiến tranh, thì dân làng Kiêu Kỵ mới tiếp tục phục hồi lại nghề quỳ vàng bạc cổ truyền. Từ chỗ chỉ có chưa đầy một chục hộ làm quỳ nhỏ lẻ, đến những năm gần đây làng đã có tới trên 60 hộ làm quỳ vàng bạc. Trong đó có một số hộ đã trở lên khá giả nhờ biết phát huy nghề thủ công truyền thống của ông cha để lại.
Lịch sử nghề quỳ vàng bạc
Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở làng Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy có ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai Hải Dương, đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ. Trong một lần Nguyễn Quý Trị đi sứ bên Trung Hoa thì học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thiếp vàng các đồ thờ cúng và hoành phi, câu đối… Khi về nước, ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ.
Pho tượng ông Tổ làng nghề Kiêu Kỵ được thờ tại gian thờ Tổ trong làng. (Ảnh qua vncgarden.com)
Sau khi ông Nguyễn Quý Trị truyền nghề quỳ vàng bạc cho dân làng, ngày 17/8 âm lịch năm đó ông bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là Tổ nghề quỳ vàng bạc, và lấy ngày ông mất tích năm đó làm ngày giỗ Tổ hàng năm. Xưa kia, việc lo cúng lễ vào dịp giỗ Tổ nghề do dân của 4 chạ: chạ Đông, chạ Nam, chạ Đoài và chạ Bắc của làng cùng nhau gánh vác.
Các cụ già có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng bạc kể lại rằng đây là một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta. Kiêu Kỵ lưu truyền gìn giữ được nghề cho đến ngày nay là vì dân làng luôn giữ vững lời nguyền của Tổ sư nghề khi xưa để lại. Tại nơi cột cái của nhà Tràng của cụ Nguyễn Quý Trị có đóng một cái đinh loại răng bừa dài 15 cm với lời thề rằng: “không ai được truyền nghề này ra ngoài”. Sau này nhà Tràng trở thành nơi thờ cúng Tổ nghề.
Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ. (Ảnh qua baomoi.com)
Tương truyền rằng ông Nguyễn Quý Trị rất linh thiêng. Người dân trong làng ai muốn học làm nghề quỳ vàng thì đều phải làm lễ khấn Tổ nghề. Nếu ai không làm lễ khấn Ngài thì khi đập quỳ sẽ đập vào tay, và người ta cho rằng đấy là Ngài có ý quở trách, không cho theo nghề này nữa.
Quy trình gia công làm quỳ vàng bạc
Quy trình gia công quỳ vàng bạc phải qua 11 khâu chính và hàng chục khâu phụ:
1. Chế biến mực: Người ta đem nhựa thông nhào với mùn cưa, viên to bằng ngón chân cái. Sau đó lấy cái chảo gang treo lên cao khoảng 15 – 20 cm trong bếp lò để hứng bồ hóng, rồi lần lượt đốt các viên nhựa thông trộn mùn cưa cho khói đen bốc lên tập trung bám vào đáy chảo.
Để chế biến mực, đầu tiên, người thợ đem nhựa thông nhào với mùn cưa, rồi viên to bằng ngón chân cái. Nếu mùn cưa gỗ nhãn là tốt nhất. (Ảnh qua tinmoi24.com)
Bếp lò dùng để đốt nhựa thông được xây bằng gạch cao 1,2 – 1,4 m, rộng 1,5 – 2,2 m, để có thể treo được 4-5 cái chảo loại nhỏ có đường kính là 30 cm. Cửa lò rộng chạy dọc theo thân lò, có tấm tôn che cho kín gió khi đun, phía trên có mái che kín và xây một ống thông khói. Đốt hết 10 kg nhựa thông mới được 1 lạng bồ hóng loại một hay còn gọi là mực cái (đọng ở vùng giữa đáy chảo) và một ít bồ hóng loại hai hay còn gọi là mực con (đọng ở xung quanh đáy chảo). Bồ hóng loại một dùng làm mực lướt lá quỳ giống mới tốt, còn bồ hóng loại hai dùng để chế thành mực viết các văn bản chữ Nho và chữ Nôm cũng tốt không thua kém gì mực Tàu chính hiệu. Chính vì vậy mà có người đã lầm tưởng rằng ở làng Kiêu Kỵ xưa kia có cả nghề làm mực Tàu.
Các viên nhựa thông trộn mùn cưa đem đi đốt cho khói đen bốc lên bám vào đáy chảo. (Ảnh qua ongbachau.vn)
Sau đó lấy một bộ da trâu cho vào nồi to, đổ nước ngập da, rồi chất củi vào bếp nấu kĩ thành keo đặc quánh. Việc nấu da trâu cho đến khi thành keo phải kéo dài cả ngày đến hàng chục giờ đồng hồ mới được. Gần đây keo da trâu cô đặc sấy khô mua ở phố Thuỵ Khuê rất tiện không phải nấu như trước nữa.
Bước tiếp theo người ta đem bồ hóng nhào với keo da trâu cho thật nhuyễn theo một tỉ lệ nhất định, rồi đem lọc kĩ loại bỏ cặn hay những cục vón đi. Rồi đem hỗn hợp này cho vào nồi đun sôi lăn tăn, cô đặc. Sau đó lại lấy keo mực ra cho vào cối giã thật kĩ như giã giò thành keo đen đặc quánh, thời gian giã mực kéo dài khoảng 6-7 giờ đồng hồ mới xong một cối. Sau đó đem thứ bột đen mịn này nhào với keo da trâu theo tỉ lệ nhất định thành loại chất lỏng màu đen sẫm đặc sánh; rồi lại lấy xô màn lọc kĩ một lần nữa. Đó chính là quy trình làm mực; mực này trông giống như mực Tàu dùng để lướt bôi hay phết vào giấy dó là giấy bản làm bằng cây dó làm lá giống để đánh quỳ; hoặc lướt vào lá quỳ vỡ để đánh vỡ làm quỳ ở công đoạn sau.
Bồ hóng nhào với keo da trâu cho thật nhuyễn, lọc kỹ, loại bỏ cặn và phần vón cục. (Ảnh qua tienphong.vn)
2. Pha giấy dó: Giấy bản mua về rồi đem pha thành miếng nhỏ có quy vuông là 5cm2 (xưa kia người ta pha giấy ra hình chữ nhật). Sau đó xếp thành từng xấp dày có 500 lá quỳ; mỗi xấp giấy như vậy sẽ làm thành một quỳ vàng, hay một quỳ bạc về sau. Rồi tiến hành đưa các buộc giấy đó đi ngâm nước và ép khô.
3. Đập và bóc giấy quỳ: Người ta đem các xấp giấy quỳ dấm nước, ép khô, rồi đem đi đập tất cả 5 lần và bóc 5 lần liền như sau: bóc ướt, nấm giai, thâm tím, bong chập, bóc cải và cải giấy
Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ thì phải loại bỏ những tờ giấy bị rách nát ra, nếu sơ ý quên thì lúc cho vàng bạc vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ.
Giấy bản mua về rồi đem pha thành miếng nhỏ. (Ảnh qua tinmoi24.com)
4. Lướt mực và đập giấy quỳ giống: Sau khi đập và lướt giấy bản xong thì người ta tiến hành ngay việc lướt mực vào làm giấy giống để đập quỳ. Lướt mực được làm như sau: Người thợ đem các xấp giấy đã qua 5 lần lướt nước và đập khô, rồi dùng chổi nhỏ lướt mực tàu lên hai mặt của từng tờ giấy bản đặt trên bề mặt của hòn đá hình thang nghiêng 35 độ, sau đó phơi lên lá vả để nơi thoáng cho khô. Khi giấy đã khô thì chỉ việc cầm cả chồng lá vả rũ mạnh là các tờ giấy bong ra hết. Những tờ giấy này lại được xếp vào thành từng quỳ 500 tờ, rồi lấy đai buộc chặt lại và tiến hành đập một hồi lâu. Sau đó lại dỡ ra từng lá và lại lướt mực lên, rồi phơi lên lá vả cho khô. Tiếp theo đó xếp lại thành quỳ và lấy đai cột chặt lại và đem đập một hồi lâu. Rồi lại dỡ ra đem lướt mực xong lại phơi trên lá vả cho khô như lần trước, và lại xếp vào quỳ và đập tiếp. Như vậy phải làm tất cả là 3 lần mới được giấy quỳ giống để cho miếng dòng vàng hay bạc vào đánh thành qùy ở công đoạn sau. Đây là phần việc quan trọng nhất mang tính quyết định đến chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc sau này. Công việc vừa nêu người trong nghề gọi là làm quỳ cũ.
Các công đoạn làm giấy quỳ. (Ảnh qua datvang9999.com)
5. Pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ: Giấy khấu cũng làm bằng vỏ cây dó nhưng dầy hơn giấy bản, giống như giấy xi măng. Người ta mua giấy khấu về rồi pha ra thành miếng có quy vuông là 7cm2. Đó chính là miếng giấy dùng để cho các miếng diệp vàng hay bạc vào đánh vỡ. Pha giấy xong xếp lại thành từng xấp dày từ 200 đến 300 lá vỡ, và mỗi xấp giấy này được gọi là một vỡ. Số lượng lá vỡ trong một vỡ tuỳ thuộc vào việc làm quỳ vàng, quỳ bạc cựu hay quỳ bạc tân.
6. Lướt mực và đập giấy quỳ vỡ: Sau khi pha giấy vỡ xong thì đem các lá quỳ vỡ này cho vào nồi luộc kĩ, và vớt ra cho vào bàn ép khô, rồi đập cải. Tiếp đến phải gỡ bong ra từng lá, rồi lướt mực lên các lá vỡ tương tự như lướt lá quỳ và phơi khô trên lá vả, tạo cho các lá vỡ có độ đen nhẵn bóng là được. Công đoạn này người trong nghề gọi là làm quỳ mới hay quỳ dòng.
Các công đoạn đập quỳ diệp. (Ảnh qua tienphong.vn)
7. Cán vàng, bạc cũng phải qua các công đoạn sau:
Trước hết là pha chế vàng bạc rồi cho vào nồi (làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái) nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho chảy ra.
Rồi đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10 cm. Xưa kia người ta thường làm quỳ vàng bằng vàng nguyên chất nên phải có công thức pha chế là 1 chỉ vàng + 1/10 chỉ bạc thành vàng trên 85% để đánh quỳ mới dẻo không bị vỡ vụn. Còn bạc nguyên chất thì không cần pha chế.
Tiếp theo người ta đem thỏi vàng hay bạc để lên đe, rồi lấy búa đập cán dài ra, càng dài càng tốt. Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên trong nghề quỳ vàng bạc thì 1 chỉ vàng (hay 1 chỉ bạc) cán dài được 2 mét là vừa đẹp.
Sau đó đem cắt sợi vàng (bạc) này ra thành từng đoạn nhỏ bằng chiếc móng tay (khoảng 1cm2) và gọi đó là những miếng diệp.
8. Đánh vỡ: Người ta đem nong những miếng diệp đó vào giữa các lá vỡ, rồi buộc thành từng vỡ và xếp hết lượt vào lồng cho lên bếp lò sấy một đêm. Sau đó bít đai chặt lại, và tiến hành đập đều tay bằng búa kê lên phiến đá cho đến khi miếng diệp vàng nhỏ 1cm2 mỏng dàn kín 4 chiều cái vỡ là được. (Tức là theo quy vuông 7x7cm).
9. Cắt dòng: Sau khi đánh vỡ xong thì đem gỡ miếng diệp vàng ra và dùng kéo cắt nhỏ thành 9, hay 12 miếng đều nhau để nong vào giấy quỳ giống đã được chuẩn bị sẵn.
Mỗi quỳ vàng (bạc) có 500 lá và được bó lại thành 10 buộc hay một quỳ. (Ảnh qua ongbachau.vn)
10. Đánh quỳ: Sau khi nong các miếng dòng cắt ra từ quỳ vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ xong thì cũng phải xếp vào lồng và đặt lên bếp lò sấy nóng trong một đêm. Sau đó lấy từng quỳ ra buộc đai vào cho chặt, rồi bắt đầu đập bằng búa tay, kê quỳ lên bàn đá, và đập đều tay cho đến khi miếng quỳ mỏng dính dàn đều ra 4 cạnh lá quỳ (5x5cm) là được. Trung bình mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc cựu phải đánh liên tục trong khoảng 1 tiếng đồng hồ mới xong. (Theo cách gọi của người trong nghề là quỳ dừ – tức là lá quỳ mỏng dính dàn đều ra bốn phía không bị rách nát). Theo ước tính 1 chỉ vàng hay 1 chỉ bạc cựu có thể dát mỏng ra được rộng gần 1 mét vuông.
11. Thu thành phẩm: Để thu thành phẩm, trước tiên người ta phải tiến hành pha cắt giấy để trại quỳ bằng loại giấy bản mỏng và nhẵn cả hai mặt, theo kích thước tương ứng với giấy quỳ có quy vuông là 5x5cm. Sau đó xếp giấy và buộc thành từng bó 50 tờ một. Sau khi đánh quỳ xong, những người thợ tinh mắt khéo tay dùng chiếc bay nhỏ nhẹ nhàng gỡ các lá quỳ ra, rồi lần lượt nong vào giữa các miếng giấy bản nhỏ có quy vuông là 5cm2, cho đến khi nào hết một quỳ thì niêm phong thành từng gói.Theo nghề quy định mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc có 500 lá quỳ và được bó lại thành 10 buộc. Như vậy mỗi buộc có 50 lá quỳ. Và cứ một chỉ vàng hay bạc đánh được 22 buộc = 2,2 quỳ.
Tất cả các khâu trong quy trình làm quỳ vàng hay bạc kể trên đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt và không được phép làm lẫn lộn khâu sau lên khâu trước và không được làm tắt hay ăn bớt bỏ đi một khâu nào. Chỉ khâu nấu keo da trâu, khâu giã mực, khâu cán vàng bạc và khâu đánh quỳ là được làm ở chỗ mát thông thoáng; Còn các khâu khác đều phải làm trong nhà che kín gió. (Nếu có gió thì các lá giấy quỳ nhỏ và các lá quỳ vàng bạc mỏng dính sẽ bay lung tung không thể làm được).
Đặc biệt là khâu cuối cùng thu hồi sản phẩm người làm phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính quỳ thì sẽ không bị hao hụt nguyên liệu và sản phẩm. Theo các cụ cao niên có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng bạc thì khâu làm giấy quỳ giống và giấy vỡ là khâu quan trọng nhất có tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm.
Giá trị nghề còn lưu giữ
Trong những năm gần đây nghề quỳ vàng bạc truyền thống phát triển mạnh đã tạo nên ưu thế cho Kiêu Kỵ. Nhờ có nghề quỳ vàng bạc, làng đã thu hút được nhiều lao động ở mọi lứa tuổi khác nhau, tăng thêm thu nhập và cải thiện thêm đời sống của dân làng. Mặt khác nhiều người dân trong làng do biết quý trọng nghề quỳ vàng bạc của cha ông để lại nên đã cố gắng động viên con cháu học lấy nghề và kế tục lâu dài nghề quỳ vàng bạc cho muôn đời về sau. Đó là những tiền đề thuận lợi để nghề quỳ vàng bạc phát triển lâu dài.
Tượng Phật được dát quỳ và hoàn thiện. (Ảnh qua docbao.biz)
Phải thừa nhận rằng nghề quỳ vàng bạc là một nghề truyền thống độc nhất vô nhị của nước ta, với nhiều công đoạn khá phức tạp, nên một người thợ dù tài giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể làm hết các công việc được. Trên thực tế không có loại máy móc nào dù hiện đại đến đâu có thể thay thế được đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công của làng quê Kiêu Kỵ trong việc làm quỳ. Để làm ra một sản phẩm quỳ vàng hay quỳ bạc với chất lượng cao thì phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ và khép kín.
Thực tế đã cho thấy, sản phẩm quỳ vàng và quỳ bạc do dân làng Kiêu Kỵ làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân sơn thiếp vàng bạc và các nhà hoạ sĩ vẽ tranh sơn mài từ nhiều năm nay. Quỳ Kiêu Kỵ đã góp phần làm nên cái đẹp tiềm ẩn hay cái thần cho mỗi pho tượng hay cho mỗi bức tranh.
Chưa bao giờ thầy cô hoặc người lớn chịu khó giải thích một cách rõ ràng cho các em học sinh hiểu rằng thế nào là hiếu học và cũng chưa ai dám đặt câu hỏi “Nếu dân tộc Việt Nam hiếu học như thế tại sao nước Việt Nam ta mãi luôn nghèo nàn và lạc hậu?”
(Ảnh minh hoạ: shutterstock)
Khi còn đi học, chúng ta thường dạy rằng dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “hiếu học” bên cạnh hàng loạt các đức tính khác như yêu nước nồng nàn, cần cù siêng năng, yêu hòa bình… để rồi lớn lên với niềm tự hào về những đức tính được dạy học thuộc lòng đó. Nhưng điều đáng nói là chưa bao giờ thầy cô hoặc người lớn chịu khó giải thích một cách rõ ràng cho các em học sinh hiểu rằng thế nào là hiếu học và cũng chưa ai dám đặt câu hỏi “Nếu dân tộc Việt Nam hiếu học như thế tại sao nước Việt Nam ta mãi luôn nghèo nàn và lạc hậu?”
Từ trước đến nay, truyền thống hiếu học của chúng ta được xây dựng dựa trên một mô-típ khá kinh điển, những người học trò nghèo không có tiền đi học nhưng vẫn cố gắng học giỏi để đỗ trạng nguyên. Những mẩu truyện mang tính chất truyền kỳ kiểu “bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài” được kể đi kể lại qua bao nhiêu thế hệ mà không hề nhận được bất cứ một lời phản biện về sự phi lý của nó. Hoang đường không kém là chuyện học ngoại ngữ bằng cách lấy cuốn tự điển ra mỗi ngày học mười từ cứ thế mà giỏi được bao nhiêu thứ tiếng. Dù cứ nhắm mắt tin những chuyện như vậy là thật đi nữa thì chúng cũng chỉ nói lên được sự vượt khó học giỏi và năng lực phi thường của một vài cá nhân mà thôi, không thể từ đó mà suy ra rằng cả dân tộc đều hiếu học.
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi rằng tại sao một dân tộc hiếu học như Việt Nam lại không có một triết gia, một nhà tư tưởng hay một nhà khoa học nào trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm và cũng không hề có một hệ tư tưởng riêng hay một phát minh khoa học nào đáng kể cống hiến cho nhân loại? Một dân tộc hiếu học tại sao lại không có một công trình kiến trúc hay một tác phẩm văn học, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc nào mang tầm vóc thế giới? Một dân tộc hiếu học ham học sao lại có thể có những câu ca dao kiểu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”?
Một dân tộc hiếu học thì sao lại có thể đến đầu thế kỷ thứ 20 vẫn khư khư ôm giữ cái lối thi cử truyền thống quanh quẩn với Tứ Thư Ngũ Kinh mà bài xích khoa học, triết học phương Tây và kỳ thị những người Tây học trong khi Nhật Bản trước đó rất nhiều năm đã mở toang cánh cửa cho những tư tưởng tiến bộ tràn vào. Hiếu học thì sao các ông nghè ông cống ngày xưa ngoài việc nhai lại những “chi, hồ, dã, giả” trong sách Thánh Hiền để chờ ngày vác lều chõng đi thi vì ít bổng lộc và chức tước để làm rỡ ràng dòng họ và ấm thân chưa ai dám thoát ly ra bên ngoài để nhìn thế giới rộng lớn như thế nào? Ngoài việc uống rượu uống trà, ngâm vịnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, tìm câu trích chữ để bắt bẻ nhau qua từng câu đối để tự cho mình là tài giỏi thanh cao thì có mấy nhà khoa bảng khi xưa tự vấn bản thân rằng cái học của mình nó vô dụng và lạc hậu lắm rồi.
Trong khi phương Tây thế kỷ thứ 18, các nhà tư tưởng lớn như Voltaire, Montesquieu hay John Locke đã bàn tới “tam quyền phân lập” và “khế ước xã hội”, những nhà khoa học như Faraday hay Newton đã nghiên cứu điện từ trường và lực hút trái đất thì ở Việt Nam, các nhà Nho đầu thế kỷ thứ hai mươi vẫn ôm lấy bút nghiên và đèn dầu để dạy lũ học trò “tấc đất ngọn rau ơn chúa” và “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Một dân tộc hiếu học thực sự chắc chắn sẽ không thể nào chấp nhận việc nhai lại và tôn sùng những cuốn sách được viết cách đó mấy nghìn năm mà không hề mảy may có một chút thắc mắc phản biện cũng như không quan tâm đến sự thay đổi của thế giới ở ngoài.
Cách đây hơn 100 năm, chí sĩ Phan Chu Trinh đã viết về “mười điều bi ai của dân tộc” như sau:
Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.
Đọc xong mười điều này, có ai còn dám tự hào vỗ ngực nói đây là tính cách của một dân tộc luôn tự cho mình là “hiếu học”?
Có thể cho rằng các vị khoa bảng ngày xưa ở nước ta siêng học, chăm học nhưng không thể cho rằng họ “hiếu học” vì một người hiếu học thực sự học vì niềm say mê kiến thức thực sự và sự khao khát tìm tòi cái hay cái mới chứ không phải học ngày học đêm những kiến thức cũ rich vì công danh và quyền chức. Cái học của các cụ cử ngày xưa chính là nô lệ cho sự học chứ không phải học để giải phóng bản thân. Không phải vô duyên vô cớ mà cụ Phan Chu Trinh lại đặt “khai dân trí” là một trong ba mục tiêu quan trong không kém “chấn dân khí và hậu dân sinh”. Cụ nhắn nhủ: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật quý báu xin tặng cho đồng bào là “chi bằng học”. Nếu dân tộc ta thực sự “hiếu học” và biết cách học đúng hướng, cụ Phan chắc không phải tâm tư những điều như thế này.
*
Ngày nay thì sao? Sau hơn một trăm năm vật đổi sao dời, lối thi cử khoa bảng Nho học tuy đã không còn và chữ Hán cũng đã được thay bằng chữ quốc ngữ. Các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, cử nhân, thạc sĩ lên đến con số triệu, còn tiến sĩ cũng phải mấy vạn người. Nhưng đừng tưởng như vậy thì chúng ta đã có thể gọi là có những tiến bộ vượt bậc trong giáo dục để xứng đáng với hai từ “hiếu học”. Trái lại, chúng ta vẫn chăm chỉ học với tư duy “học để làm nô lệ” chứ không phải học để làm chủ và tự hào với sự chăm học đó.
Cha mẹ không tiếc tiền của và công sức chạy trường cho con và bắt con đi học thêm từ sáng tới tối để dạt được danh hiệu học sinh giỏi nhưng hiếm có ai chịu học cùng con và dạy con học.
Chương trình giáo dục từ phổ thông tới đại học nặng về lý thuyết nhưng lạc hậu và thiếu thực tế. Học sinh được dạy theo kiểu nhồi vịt học thuộc lòng chứ không được khuyến khích tìm tòi khám phá và phản biện.
Trình độ và nhân cách giáo viên ngày càng tệ hại, hậu quả tất yếu của việc lấy điểm đầu vào quá thấp của ngành sư phạm. Chưa bao giờ tình trạng giáo viên trù dập, bạo hành và xâm phạm học sinh nhiều như hiện nay.
Học sinh sinh viên ngày nay học vì điểm chứ không học vì tri thức. Ngoài những môn học gạo để đi thi, thường thức tự nhiên, thường thức xã hội, và trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của đại đa số những người có bằng cấp gần như là một con số không to tướng.
Những người “có học” và “có bằng cấp” không hể có sự ham học và lại càng không có khả năng tự học. Tuy ngày nay tài liệu và phương tiện học tập vô cùng phong phú, đa dạng và miễn phí, việc tự học dường như là chuyện không tưởng đối với phần lớn các bạn sinh viên và học sinh.
Những người tự coi là trí thức ngoài việc học để có kiếm tiền và dùng học hàm học vị của mình để thăng tiến trong con đường danh lợi hầu như không hề có một nghiên cứu khoa học hay phát minh gì có thể ứng dụng vào đời sống.
Những người tự cho mình là trí thức không hề quan tâm đến những vấn đề chính trị-xã hội và cũng không hề có tinh thần phản biện và tiếp nhận thông tin đa chiều. Ngoài giờ làm họ về nhà xem hài nhảm hoặc ra quán lai rai nhậu nhẹt cho tới khuya. Còn lại mọi chuyện liên quan đến vận mệnh dân tộc, họ vẫn yên tâm để cho đảng và nhà nước lo.
Lối sống của đại đa số người Việt Nam hiện đại cũng không khác gì lối sống của người Việt thời cụ Phan là mấy: hèn nhát, lười biếng, ích kỷ, tham lam, lọc lừa, thích sĩ diện, gia trưởng, tầm nhìn hạn hẹp…
Trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, năng suất lao động và hiệu quả công việc của những “trí thức trẻ” đều yếu kém hơn rất nhiều so với các bạn trẻ cùng độ tuổi và cùng trình độ trên thế giới. Nhưng điều đáng buồn là họ không hề mảy may cảm thấy điều đó là đáng hổ thẹn. Dường như đối với họ, có cái bằng là đủ, còn chuyện cái bằng đó có ý nghĩa gì hay không không hề quan trọng.
Cách cư xử của người Việt trong đời sống hằng ngày càng lúc càng trở nên thiếu văn minh lịch sự và hung hăng dữ tợn. Họ không tiếc những lời thô tục nhất bệnh hoạn nhất để rủa xả nhau trên mạng xã hội và sẵn sàng gây án mạng chỉ vì một va chạm nhỏ ngoài đời. Học sinh không những ra tay đánh nhau tàn bạo như kẻ thù mà còn đánh luôn cả thầy cô.
Nếu người nào vẫn còn chưa thấy thực trạng giáo dục của nước nhà hiện tại đến mức báo động mà vẫn còn tin vào câu” người Việt Nam có truyền thống hiếu học” thì hãy nhìn lại sự kiện nâng điểm vào đại học kinh hoàng trong mùa thi năm ngoái ở các tỉnh phía Bắc với những màn phù phép biến điểm liệt thành điểm thủ khoa cho các thí sinh mà phần lớn đều là con ông cháu cha. Hãy tưởng tượng những kẻ không hề có chút kiến thức và nhân cách này sau này sẽ trở thành thẩm phán, chủ tịch, cán bộ cao cấp, bác sĩ, kỹ sư… và hậu quả tồi tệ mà đất nước này phải gánh chịu.
Là một dân tộc có truyền thống hiếu học, chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình xem tại sao lại tiếp tục làm ngơ trước một hành động chà đạp giáo dục như thế này? Đã đến lúc chúng ta ngưng huyễn hoặc mình và đối diện với sự thật.
Nhiều chi tiết trong tòa lâu đài của ông Tiến thể hiện sự quyền uy như trần dát vàng, phòng nghe nhạc chứa được 300 khán giả.
“Lâu đài Thành Thắng” của ông Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) – một doanh nhân ở Ninh Bình trong lĩnh vực sản xuất xi măng – được khởi công xây dựng từ năm 2016. Tòa nhà nằm trên quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, trước đây là một vùng trũng, được chủ nhân mua lại.
Công trình được lấy ý tưởng từ Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican (Italy) kết hợp với một số chi tiết thuần Việt và sở thích của gia chủ. Mái vòm với nhiều chi tiết phức tạp là điểm nhấn nổi bật khi nhìn vào ngôi nhà. Khuôn viên công trình rộng khoảng 10.000 m2 với hệ thống cổng và rào chắn kiên cố bao quanh. Mặt sàn xây dựng của tòa lâu đài chính 6 tầng này khoảng 2.000 m2.
Bao quanh gia trang là những khoảnh vườn với trên 20 cây cổ thụ như thông, lộc vừng, tùng La Hán…, mỗi cây có giá không dưới một tỷ đồng. Nhiều cây trong đó được ông Tiến đích thân đi khắp các tỉnh thành như Đắk Lắk, Kon Tum mang về.
Hệ thống cửa và một số chi tiết trong nhà như trần, cột, kèo, gian thờ… được làm hoàn toàn bằng gỗ gõ đỏ có tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Đây là loại gỗ quý hiếm, thể hiện sự quyền lực trong trang trí nội thất.
Ở trung tâm tòa nhà, các chi tiết chạm nổi trên trần đều được mạ vàng. Những bức họa về chúa và các vị thần được lồng ghép một cách khéo léo, mang tới cảm giác bình an cho gia chủ. Công trình này có nhiều phần được ốp đá Tây Ban Nha. Ở đây có một phòng nghe nhạc rộng khoảng 700 m2 với đủ bộ sân khấu, chứa được hơn 300 khán giả.
Công trình được chia thành khối. Trong đó, 2 khối gần mặt đường được dành cho con trai. Ngoài để ở, khu nhà chính còn được sử dụng làm văn phòng công ty.
Đây là một trong những nhà ở của người dân lớn nhất trong khu vực. Ban đêm, lâu đài rực sáng cả một khu vực xung quanh.
“Công trình này được xây dựng để thỏa đam mê về kiến trúc của tôi, chứ không phải phô trương gì. Đây cũng là nơi để gia đình có một cuộc sống thoải mái, luôn rộng mở tâm trí để có thể làm việc hiệu quả”, ông Tiến chia sẻ.
Tổng công trình được gia chủ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Riêng bộ cổng có giá khoảng 40 tỷ đồng. Hàng ngày có hàng trăm người đến chụp ảnh, gia chủ phải thuê một nhóm bảo vệ 5 người túc trực từ sáng đến đêm. Hiện tại, công trình vẫn trong quá trình hoàn thiện.
Tại Nam Định cũng có một vài lâu đài đồ sộ như thế này, là tư gia của các ông chủ doanh nghiệp tàu biển lớn, như tòa lâu đài Lan Khoa Khuê ở huyện Hải Hậu, hay một lâu đài ở huyện Trực Ninh.
Bộ não lưu trữ lượng thông tin bằng dung lượng một video dài 300 năm, nam giới có thể tiết sữa, cơ bắp nâng được hàng tấn… là bí ẩn về sức mạnh con người.
Cơ thể con người là một cỗ máy tuyệt vời với nhiều bí ẩn phức tạp chưa được khám phá.
Não của bạn là một ổ đĩa flash lớn nhất thế giới
Bộ nhớ của não đủ dung lượng để lưu trữ 2,5 triệu GB thông tin, tương đương với video khoảng 300 năm. Bộ nhớ phát triển cao nhất lúc 25 tuổi và bắt đầu giảm ở tuổi 50 nếu bạn không thường xuyên rèn luyện.
Cơ thể phản ứng chậm để bảo vệ khi bạn dưới nước
Hiệu ứng này được gọi là phản xạ lặn. Khi bộ não nhận ra cơ thể đang dưới nước, ngay lập tức não làm chậm nhịp tim và chuyển hướng máu từ chân tay đến các cơ quan quan trọng để bảo tồn oxy.
Càng lặn sâu dưới nước thì nhịp tim của bạn càng chậm.
Bạn cực kỳ khỏe khi còn là một đứa trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh rất khỏe so với kích thước và trọng lượng của mình. Nếu để một em bé sơ sinh bám lên một thanh ngang, bé có thể treo ở đó trong một thời gian dài mà không cảm thấy mệt mỏi. Phản xạ nắm lòng bàn tay này được thừa hưởng từ tổ tiên của chúng ta, khi những con khỉ mới sinh phải bám lấy mẹ của chúng.
Đến 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh thường mất khả năng này.
Chiều dài tổng của tất cả mạch máu có thể bao quanh đường xích đạo 2,5 lần
Nếu nối tất cả mạch máu trong cơ thể một người trưởng thành thì tổng độ dài sẽ lên đến hơn 160.000 km. Chiều dài này đủ để bao quanh xích đạo 2,5 lần. Ngoài ra, trái tim của con người bơm trung bình 5,7 triệu lít máu trong suốt cuộc đời. Khối lượng này đủ để lấp đầy 3 bể bơi Olympic.
Nam giới có thể sản xuất sữa
Tất cả mọi người không kể giới tính đều có tuyến sữa. Nam giới có thể được kích thích để sản xuất sữa. Điều này xảy ra ở một số trường hợp mất cân bằng nội tiết do stress nặng.
Màu sắc của giấc mơ phụ thuộc vào loại tivi bạn xem
Loại tivi bạn xem khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến màu sắc của những giấc mơ hiện tại. Nghiên cứu này cho thấy phần lớn những người lớn lên với tivi đơn sắc nhìn thấy những giấc mơ màu đen và trắng. Trong khi những người được sinh ra sau khi phát minh tivi màu có những giấc mơ đầy màu sắc.
Cơ bắp được thiết kế để nâng hàng tấn
Cơ thể con người có tổng 640 cơ. Nó giúp con người đủ sức mạnh nâng đồ vật có kích thước vượt ngoài tầm kiểm soát.
Cơ thể con người có hơn 600 cơ, đủ nâng vật nặng hàng ngàn tấn. Ảnh: Bright side
Năm 1982, tại Lawrenceville, Angela Cavallo đã nâng chiếc Chevrolet Impala 1964. Chiếc xe trượt khỏi vị trí và đè vào Tony, người đang sửa xe bên dưới. Bà Cavallo nhấc chiếc xe lên đủ cao cho 2 người hàng xóm kéo Tony ra từ bên dưới xe.
Cơ thể là một máy sản xuất chất nhầy
Một cơ thể người lớn trung bình sản xuất 1,5 lít chất nhầy một ngày. Ngoài ra, cơ thể cũng sản xuất một lít nước bọt, 3 lít dịch vị dạ dày, 3,5 lít nước đường ruột và một lít dịch mật.
Chất lỏng chảy ra khỏi mũi có thể là từ não
Chất lỏng rò rỉ qua mũi có thể là chất lỏng trong não. Chất lỏng này nằm xung quanh não và được giữ trong một màng đặc biệt. Đôi khi nó có thể rò rỉ qua mũi với lượng nhỏ dưới dạng chất lỏng trong suốt.
Cơ thể là hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới
Cơ thể con người loại bỏ các tế bào chết thường xuyên. Trong khoảng vài giây, 22 triệu tế bào của bạn đã chết. Trong 30 giây sau, cơ thể sẽ sản xuất 72 triệu tế bào hồng cầu mới và sẽ loại bỏ 174 nghìn tế bào da cũ.