Day: 30/12/2018
Thế giới năm 2018 qua những bức ảnh chụp từ trên cao
Nhiều góc nhìn về thế giới trong năm qua được tái hiện sống động qua ống kính từ trên cao của Reuters.
Dưới đây là những bức ảnh được Reuters bình chọn là độc đáo và ấn tượng nhất về thế giới trong suốt 1 năm vừa qua được phóng viên hãng này chụp lại từ khắp nơi trên thế giới.

Du khách chen chúc trên những chiếc thuyền bơm hơi tận hưởng nắng hè ở hồ Lucerne ở Sisikon, Thụy Sỹ.

Trẻ em nhập cư đi bộ xung quanh giữa căn lều trong các khu nhà tạm trú ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico ở Tornillo, Texas.

Cánh đồng hoa đầy màu sắc gần Công viên Keukenhof, Hà Lan.

Khung cảnh hoang tàn sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia tháng 9/2018.

Người đàn ông tắm cho voi trên con sông ô nhiễm Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ.

“Nghĩa địa” lưu giữ những chiếc ô tô chạy bằng diesel của Volkswagen và Audi ở sa mạc gần Victorville, California. Volkswagen đã phải chi hơn 7,4 tỷ USD mua lại khoảng 350.000 xe, hậu quả từ vụ bê bối gian lận về khả năng tiết kiệm nhiên liệu xe của hãng này.

Dòng dung nham phun chảy ở ngoại ô thị trấn Pahoa trong đợt phun trào núi lửa Kilauea vào tháng 6 ở Hawaii

Người nông dân đứng giữa một con đập cạn khô nước ở thị trấn Gunnedah, New South Wales trong đợt hạn hán trầm trọng ở Australia.

Núi xe đạp bị bỏ lại trong bãi đất hoang ở Thượng Hải, Trung Quốc sau sự thất bại của chương trình chia sẻ xe đạp ở đây.

Cháy rừng ở thị trấn Paradise, California, Mỹ nhìn từ ảnh vệ tinh của NASA.

Nhà thờ Rock Hill ở Lumberton, Bắc Carolina chìm trong nước lũ sau khi cơn bão Florence quét qua.

Dung nham thiêu rụi những ngôi nhà ở khu vực Kapoho, phía đông thị rấn Pahoa trong đợt phun trào núi lửa Kilauea ở Hawaii.

Cánh rừng bị thiêu rụi gần ngôi làng Monchique, Bồ Đào Nha.

Các thành viên Đội Colla Vella dels Xiquets de Valls trong cuộc thi xây tháp người tại Tarragona, vùng Catalonia thuộc Tây Ban Nha.
(Nguồn: Reuters)
Ở một mình không phải là buồn tẻ, sự cô đơn giúp bạn thăng hoa giá trị của mình
Trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều người cảm thấy sợ hãi buồn tẻ khi ở một mình. Thực ra, ở một mình cũng là một loại năng lực, cũng quan trọng giống như năng lực xã giao với mọi người vậy.
Ở một mình là một loại thái độ xử thế, là một dạng tự mình điều chỉnh thân tâm. Càng là một loại thể hiện nhân cách độc lập.
Ở một mình không phải là quái gở, không phải là cô độc, ở một mình có thể là một loại sở thích. Những lúc ở một mình, ta có thể suy nghĩ, có thể trở về bản chất chân thật nhất của mình, có thể khiến thân tâm đạt được điều tiết nên có. Ở một mình càng là một nghệ thuật sống.
Trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều người cảm thấy sợ hãi buồn tẻ khi ở một mình. Sợ một mình đi đường bị người khác trông thấy, cho rằng bản thân là không được hoan nghênh, không hòa hợp được với mọi người. Những lúc ở một mình liền cảm thấy rất là buồn tẻ, không biết phải làm gì, thậm chí cảm thấy hoang mang, luôn muốn tìm kiếm người bầu bạn.
Thực ra, ở một mình cũng là một loại năng lực, cũng quan trọng giống như năng lực xã giao với mọi người vậy. Những người thích ở một mình không có nghĩa là không hòa đồng với mọi người, chỉ là chúng ta nên biết bản thân mình muốn cái gì, biết được vì để đạt được những gì mình muốn, cần phải buông bỏ hòa đồng bề mặt kia một cách đúng lúc.
Ví như, một nhóm người đang thảo luận việc đi ca hát, liên hoan, bạn vốn không thích loại hình thức gắn kết này. Khi bị buộc phải ở trong loại hoàn cảnh như vậy, bạn luôn cảm thấy vô cùng ngột ngạt, nhưng vì để hòa đồng với mọi người, vì để mọi người không cô lập bạn, bạn không dám nói thẳng rằng mình không thích, cứ như vậy đã hao phí biết bao thời gian của mình.
Không thân với mọi người là cô độc bề mặt, còn hòa đồng bề mặt lại là nỗi cô độc trong tâm. Hòa đồng thật sự là một nhóm người chung một chí hướng cùng làm một việc, đến lúc tan cuộc vẫn là ai nấy tự đi làm việc của mình.
Đoạn thời gian khi ở một mình này thật vô cùng quan trọng, bạn có thể làm rất nhiều những việc đạt được hiệu suất cao. Ví như: Ở một mình, có thể giúp bạn thăng hoa tầng thứ nhân sinh!
1. Suy nghĩ độc lập
Những lúc rất là ồn ào, thiết nghĩ tâm của chúng ta thật không thể nào tĩnh lại được, chỉ có những lúc ở một mình mới suy nghĩ sâu sắc hơn.
Có người nói: “Ở một mình và suy nghĩ độc lập là hai mặt của cùng một thể. Người thời nay không những không có cơ hội ở một mình, không biết cách ở một mình, thậm chí dùng các loại phương pháp tránh phải ở một mình… Chính là vì ít khi ở một mình, không biết cách ở một mình, người thời nay đã mất đi cơ hội từ kinh nghiệm của bản thân đưa ra những suy nghĩ tìm tòi, đành phải không ngừng tiến nhập vào nhóm người, đi xác nhận những người khác có cùng suy nghĩ như mình hay không”.
Trong trắc nghiệm tâm lý học cũng thấy rõ như vậy, con người ta bởi “hiệu ứng Barnum” mà dễ dàng chịu ảnh hưởng của dữ liệu từ bên ngoài, từ đó xuất hiện thành kiến sai lầm trong hiểu biết cảm nhận của mình.
“Hiệu ứng Barnum” tiết lộ rằng con người có xu hướng tin vào những lời mà họ muốn tin hơn là những gì được các tiêu chí khách quan kiểm chứng. Họ sẽ tự gắn mình với những lời đánh giá đó, hành động và cư xử đúng như những gì mà họ tiếp nhận.
2. Thăng hoa bản thân
Một người vào những lúc ở một mình có thể tiến hành tự nâng cao bản thân mình qua việc đọc sách, nghe nhạc, vận động cho đến học tập khóa trình, v.v…..
3. Làm những việc khiến bản thân mình vui vẻ nhất
Những lúc ở một mình thì muốn làm gì liền làm nấy, muốn là trạng thái nào thì là trạng thái nấy, muốn đi đâu thì đi đó, muốn lúc nào bắt đầu thì bắt đầu. Không cần phải chú ý đến ánh mắt của người khác, không cần phải để tâm đến cách nghĩ của người ta, có thể có được tự do ở mức độ lớn nhất.
Vậy làm sao mới có thể có được nhiều thời gian để ở một mình hơn?
Khước từ các mối xã giao vô bổ
Chúng ta luôn nói cần phải xây dựng tốt các mối quan hệ, rằng các mối quan hệ có tác dụng rất to lớn với phát triển sự nghiệp của bản thân. Nhưng với những mối quan hệ mà bạn gắn kết không hiệu quả, mỗi ngày chỉ lãng phí thời gian của bạn mà thôi. Với những bữa liên hoan tiệc tùng, tụ tập đông người mang tính thường xuyên, thì không đi cũng được. Với những cuộc trò chuyện hoàn toàn vô bổ mỗi ngày thì không nói cũng được. Như vậy có thể có thêm lượng lớn thời gian để ở một mình.
Không bởi cô đơn mà đi gây dựng các mối quan hệ
Rất nhiều người những lúc ở một mình cảm thấy rất cô độc, không có ý nghĩa, nhạt nhẽo vô vị, không biết nên phải làm gì, liền luôn muốn đi kết giao bạn bè, đi yêu đương hẹn hò này nọ. Mối quan hệ gây dựng như vậy thật quá mang tính thực dụng, không được mấy ngày bạn cũng sẽ cảm thấy nhạt nhẽo vô vị. Đời người khi đến là một cá thể độc lập, nếu bạn quen với loại cảm giác cô độc này, khi ở một mình sẽ thấy đây mới là trạng thái bình thường.
Cố gắng tìm ra thời gian ở một mình
Có những lúc, bản thân tôi rất hòa đồng cùng mọi người, với vài người bạn cùng đi ra ngoài vui chơi, đi làm tan ca. Nhưng trong tâm có lúc có loại cảm giác lo lắng, cảm thấy bản thân đã rất lâu không dành thời gian suy nghĩ thật sâu về bản thân mình nữa. Khi đó, tôi sẽ nói với các bạn rằng hôm nay tôi muốn đi một mình. Những lúc đi đường một mình, tôi sẽ suy nghĩ về những chuyện đời và công việc, thường thường đều sẽ thu được kết quả không ngờ đến được.
Không chìm đắm trong điện thoại
Chơi điện thoại sẽ khiến cho rất nhiều những việc ngày hôm nay chúng ta muốn làm cứ kéo dài mãi, không nguyện ý buông điện thoại xuống, dường như đã bị điện thoại kiểm soát mất vậy.
Rời xa mọi người và điện thoại không phải là chuyện dễ dàng, nhưng lại là một năng lực mà chúng ta cần phải rèn luyện.
Chúc mọi người đều có thể học biết được những điều hay khi ở một mình, tận dụng thật tốt những khoảng thời gian khi ở một mình.
TapchiHoaky
5 thực phẩm “tẩy sạch” ruột, loại bỏ dầu mỡ, giải độc: Ai ăn đều ruột sẽ được vệ sinh

Đường ruột bẩn là nguyên nhân gây ra rất nhiều hệ lụy lớn cho sức khỏe. Thói quen ăn uống xấu và thực phẩm bẩn là yếu tố bạn nên chú ý. Đây là 5 thực phẩm quan trọng bạn nên ăn.
Trong xã hội hiện đại, khi nguồn thực phẩm đã trở nên vô cùng phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn uống của con người thì cũng là lúc hệ tiêu hóa của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự quá tải.
Nhiều người bỗng chốc có thói quen ăn nhiều và mất kiểm soát dẫn đến dư thừa dinh dưỡng, đường ruột luôn đầy ắp thức ăn. Từ việc ăn uống quá nhiều như vậy sẽ khiến thực phẩm dư thừa, độc tố trong thực phẩm cũ tích tụ ở đường ruột càng ngày càng nhiều, bao gồm một lượng dầu mỡ và chất béo từ thực phẩm.
Để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa cũng như làm sạch đường ruột, bạn cần phải chú ý ngay đến việc thay đổi chế độ ăn uống, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp làm sạch đường ruột thường xuyên.
Bài viết này sẽ tóm tắt ngắn gọn cho bạn một số giải pháp đơn giản nhất từ thực phẩm. Ăn một số món ăn có tác dụng vượt trội hơn trong việc làm sạch đường ruột, loại bỏ dầu mỡ thừa và độc tố tích tụ trong cơ thể một cách hiệu quả. Hãy sớm tham khảo để áp dụng phù hợp.
1, Khoai lang
Khoai lang rất giàu chất xơ, có thể thúc đẩy tiêu hóa và giúp nhu động của đường tiêu hóa hoạt động nhanh nhạy hơn. Đối với những người bị táo bón, cách tốt nhất để giảm nhẹ triệu chứng đại tiện khó khăn chính là khoai lang nướng. Tốt hơn là bạn nên nướng cả vỏ và ăn luôn hiệu quả sẽ cao hơn và hương vị cũng rất thơm ngon.
2, Đậu xanh
Đậu xanh có tác dụng giải nhiệt và giải độc, hút ẩm và lợi tiểu, làm dịu cơn khát. Vào mùa hè, ăn cháo đậu xanh hoặc uống nước đậu xanh, canh, súp sẽ rất tốt cho việc giải độc và tiêu sưng giảm viêm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời gian nấu đậu xanh không nên quá lâu, để tránh axit hữu cơ và vitamin trong đậu xanh bị hỏng hoặc thất thoát, vô tình làm giảm tác dụng của đậu xanh.

3, Yến mạch
Nhiều người thích dùng bột yến mạch làm bữa sáng. Thực tế, bột yến mạch có thể làm thông sạch đường ruột, thúc đẩy lượng phân di chuyển nhanh và đào thải ra ngoài, tăng lượng nước và kết hợp với chất xơ để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc.
Ngoài việc pha chế bột yến mạch với đồ uống, bạn còn có thể có thêm một lựa chọn tốt là sử dụng bột yến mạch nấu cháo, làm bánh hoặc pha chế như một thức uống.

4, Hạt ý dĩ
Hạt ý dĩ được Đông y đánh giá rất cao trong nhóm những loại hạt làm thực phẩm bởi chúng có tác dụng làm ẩm, thúc đẩy lưu thông máu và trao đổi chất trong cơ thể, đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu sưng, lợi tiểu.
Khi sử dụng hạt ý dĩ có thể thêm một chút đường cho tăng độ ngon của món ăn và tạo hương vị đậm đà, dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho vẻ đẹp làn da của bạn trở nên hoàn hảo hơn.

5, Gạo lứt
Gạo lức là loại gạo xát dối, chưa kỹ, chưa loại bỏ các lớp cám ở bên ngoài hạt gạo nên được đánh giá là món ăn chứa sự đa dạng dinh dưỡng, giàu chất xơ, có thể hấp thụ nước, hút thấm lượng dầu mỡ dư thừa trong đường tiêu hóa đồng thời tạo cảm giác no lâu hơn.
Gạo lứt rất có lợi cho việc thúc đẩy tiêu hóa, nhuận tràng, thông tiện. Nếu bạn duy trì ăn một bát cơm gạo lứt hoặc ăn cháo gạo lứt vào buổi sáng, uống sữa đậu nành gạo lứt sẽ có tác dụng giải độc rất hiệu quả.

*Theo Health/TT
Quốc thể? Tại sao lại phải trốn chạy?
29-12-2018
Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.
QUỐC THỂ. TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.
Chưa kịp giãi bày cuộc trốn chạy về phương Đông – nơi “Đất nước mặt trời mọc”, thì bàng hoàng nghe tin cuộc trốn chạy của 152 đồng bào đến Trung Hoa Dân Quốc.
Họ trốn chạy đến đó không phải để làm bộ trưởng, cũng không phải để làm giáo sư, giám đốc. Họ trốn chạy để làm những việc cơ cực, nặng nhọc, vì một đồng lương ngược đãi, cam chịu một thân phận rẻ rúng.
Thì vẫn biết hàng ngày hàng giờ, nhiều đồng bào phải rứt ruột bỏ quê hương mà đi. Nhưng vẫn nuốt nước mắt tự an ủi vì không nghe, không thấy. Điếc mù câm – đôi khi cũng có chút hữu dụng. Nhưng phải tự điếc, tự mù, tự câm, thì đó là khổ nạn.
CỬA ẢI NHẬP CẢNH
Bước xuống phi trường Kansai, dẫu có Visa nhập cảnh, đã chụp ảnh, lăn tay, photocopy hộ chiếu, người Việt Nam vẫn phải qua một cuộc sát hạch tại trạm xuất nhập cảnh. Người có hộ chiếu nhiều lần xuất nhập cảnh, đặc biệt là Visa vào Nhật Bản và các nước Âu Mỹ, biết khá tiếng Anh thì cuộc sát hạch nhanh chóng kết thúc. Ngược lại là chuỗi dài những câu hỏi.
Ngay cả những doanh nhân, có tiền, đến để làm việc, hay tham quan, mà xuất ngoại ít, yếu tiếng Anh, đều bị phỏng vấn dài. Trước khi cho qua, cảnh sát biên phòng còn dặn dò, đừng làm điều gì để ảnh hưởng đến người Nhật viết thư mời xin Visa. Không phải họ lo cho mình. Mà họ lo cho chính đồng bào của họ. Tính cách Nhật đã tỏa sáng ngay từ biên giới nước Nhật.
Chạnh lòng, tìm hiểu nguyên nhân, thì biết rằng trước đó đã có người Việt bỏ trốn. Vừa đến “ Đất nước mặt trời mọc” mà mặt trời đã lặn trong tâm. Ngoài trời thì mới bình minh, mà trong lòng thì đã hoàng hôn.
HỌC KHÔNG XUỂ
Muốn đánh giá đời sống và nhịp sống của một nước, hãy đến ga tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm ở Tokyo có hơn 300 ga. Tàu đi đúng từng giây. Phục vụ ở ga tàu điện ngầm khá nhiều người đứng tuổi. Những dòng người hối hả xuôi ngược liên tục cho đến đêm khuya. Hàng triệu người đi lại mà nhà ga và trên tàu sạch bong. Người Nhật không để lại thứ gì nơi mình ngồi. Tất cả được gói gém trong túi nilon mang theo người khi rời khỏi chỗ. Điều mà ngay cả ở trên máy bay ở Việt Nam cũng chưa làm được.
Những tòa nhà cao tầng xây nhiều chục năm vẫn đẹp. Trong khi khu vực mới của Hà Nội ở đường Phạm Hùng không tìm thấy được một tòa nhà bắt mắt. Để thấy sự cách biệt không bắt kịp, ngoài tự sướng bằng những sáo từ.
Người Nhật không nói đến Công Nghiệp 4.0, mà đâu đâu cũng ngập tràn công nghệ. Ngay cả trên đồng ruộng vùng nông thôn bao la cũng đan chen những “cánh đồng” pin mặt trời. Sự sáng tạo có mặt khắp mọi nơi. Không phải chỉ ở trong các phòng sáng chế của các tập đoàn lớn. Không chỉ ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mà từ người làm bánh đến người trồng rau, người Nhật không ngừng sáng chế. Ở đâu, sản phẩm của người Nhật cũng không ngừng được hoàn thiện.
Là kẻ bại chiến, thế mà người Nhật đã trở thành đối thủ của bất cứ cường quốc nào. Tính kỷ luật của người Nhật cũng không kém tính nguyên tắc của người Đức. Có khác chăng là ở hình thức thể hiện.
Đến bố mẹ mà còn không trung lập được với con cái, còn cảm tình người con này, ưu tiên người con kia. Thì đối với người dưng làm sao mà trung lập như nhau? Làm sao mà chúng ta có thể không có bạn bè, người thân, đứng một mình trong một thế giới biến động không ngừng?
Người Nhật luôn tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm bạn bè, tìm kiếm đồng minh. Họ tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh ở cả nước giàu lẫn nước nghèo, ở cả nước lớn lẫn nước bé, bao gồm cả nước mạnh lẫn nước yếu. Người Nhật là bậc thầy về tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh. Vì thế mà họ đã hùng cường lại còn hùng cường hơn.
Người Nhật chu đáo với khách, nhưng càng rất chu đáo với chính người Nhật. Không ai nói ra, càng không hô khẩu hiệu, nhưng máu giống nòi mãnh liệt cuộn chảy trong máu mỗi người Nhật.
Chữ Nhật nhiều chữ giống Trung Quốc. Nhiều nơi người Nhật đề cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Có khá nhiều người Trung Quốc. Nhưng những người Trung Quốc ở Nhật đã cam chịu tính cách Nhật. Không lỗ mãng nghênh ngang, ồn ào, bẩn, trắng trợn đòi trả Nhân Dân Tệ như ở Đà Nẵng hay Nha Trang. Người Trung Quốc ở Nhật đã nhập gia tùy tục, nép mình trong khuôn mẫu của pháp luật và luân lý Nhật.
Đi đến đâu cũng thấy phải học. Học không xuể.
TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.
Trong chiến tranh, chúng ta có dòng người trốn chạy. Hòa bình vẫn tiếp tục trốn chạy. Đến bây giờ vẫn không ngừng trốn chạy.
Trong chiến tranh, dòng người trốn chạy chủ yếu là do chính trị. Thì nay, không chỉ vì chính trị, mà còn những nguyên do khác.
Kẻ có tiền trốn chạy bằng thẻ xanh.
Kẻ ít tiền trốn chạy để bán sức lao động.
Kẻ vay tiền trốn chạy bằng mạo hiểm sinh mạng.
Kẻ trốn chạy cầu mong tình duyên.
Kẻ trốn chạy kiếp đời nô lệ tình dục.
Kẻ trốn chạy bán cả giọt máu đào nòi giống.
Kẻ trốn chạy bị cướp đi nội tạng.
Kẻ trốn chạy để tìm cơ hội hợp tác.
Kẻ trốn chạy để tìm kiếm kiến thức.
Kẻ trốn chạy vì đời sống an toàn…
Trăm đường trốn chạy.
Chung một tủi hờn.
BAO GIỜ THÌ ĐỒNG BÀO THÔI KHỎI PHẢI TRỐN CHẠY?
Khi mà xuất khẩu lao động còn là chỉ tiêu góp phần tăng GDP và ngoại tệ cho Chính phủ, thì chừng đó đồng bào còn mãi phải trốn chạy.
TRỐN CHẠY VỀ ĐÂU?
Trốn chạy về phương Tây.
Trốn chạy về phương Đông.
Nếu có thể, đã trốn chạy lên sao Kim, sao Hỏa.
QUỐC THỂ? TẠI SAO LẠI PHẢI TRỐN CHẠY?
Một Dân Tộc đã vượt qua những năm dài chiến tranh khốc liệt thì không thể không vượt qua được những khó khăn mưu sinh. Cái gốc, với nhiều người trốn chạy, là do môi trường mưu sinh chưa tốt, chưa tốt đến nỗi phải thúc ép họ đi tìm môi trường mưu sinh ở xứ người.
Từ đó để thấy được, cải thiện môi trường mưu sinh là cực kỳ quan trọng và cấp bách. Đừng tự ru ngủ bằng những bình chọn mơ hồ “thành phố đáng sống”, “đất nước đáng sống”, “con hổ”, “con rồng” – trong khi hàng ngàn đồng bào phải kéo nhau vượt biên xa xứ.
Chúng ta vui mừng vì lần đầu tiên tăng trưởng GDP vượt 7%. Chúng ta vui mừng vì GDP đạt 245 tỷ USD. Những điều đó không sai.
Nhưng một đất nước 95 triệu dân mà đạt GDP chỉ có 245 tỷ USD, trong khi Singapore chỉ có dân số 5 triệu 638 ngàn 700 người lại có GDP là 349 tỷ 659 triệu USD. Quốc thể chúng ta ở đâu?
Trong cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn đồng bào có lỗi của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không chung tay để thay đổi môi trường sống về hướng tốt hơn. Chúng ta cam chịu một môi trường sống ngày càng thêm ô nhiễm.
Môi trường mưu sinh trùm chứa nhiều bình diện của một kiếp người, không đơn thuần chỉ là miếng ăn, kiếm sống.
Nhìn đồng bào của mình bị còng tay dắc đi trong con mắt khinh rẻ của người, một nỗi xót thương quặn thắt trào dâng nghẹn họng. Cũng là cùng kiếp người, sao thân phận đồng bào mình bị đẩy trôi đến lớp đáy của xứ người? Ai đã buộc họ đến nông nỗi này?
Nhớ lại đoạn phim thời sự.Tổng thống Kennedy đã bỏ họp ra khỏi phòng khi nhìn thấy cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ông tự nói rằng, bên đó chính quyền phải làm những điều gì đó mới đẩy nhà sư đến hoàn cảnh tự thiêu như thế này.
Khi người Đông Đức vượt tường Berlin sang Tây Berlin bị phơi xác trên tường, nghĩa là có điều gì ở Đông Đức buộc họ phải mạo hiểm tính mạng sang Tây Đức.
Khi người Duy Ngô Nhĩ phải trốn sang Móng Cái để đến nước thứ ba, nghĩa là chính quyền Trung Quốc đã làm điều gì đó ở Tân Cương buộc họ phải rời bỏ quê hương.
Người có tầm nhìn là thấy nguyên nhân qua hiện tượng. Người Đài Loan và thế giới sẽ hỏi tại sao người Việt Nam phải vay mượn, bán tài sản để trốn sang Đài Loan làm những việc cặn đáy? Người đánh mất quốc thể không phải là những người bỏ trốn!
Mà chính chúng ta mới là người đánh mất quốc thể. Chính chúng ta, những kẻ có tiền, có quyền, có chữ – những kẻ uống chai rượu mười tấn thóc, đi chiếc xe trăm con trâu, lại may cho người dân chiếc áo quốc thể mạng nhện, chưa khoác đã tan biến trong gió mưa đói rét.
Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.
Không yêu tư tưởng nào cả. Không yêu chủ nghĩa nào cả. Hãy yêu lấy đồng bào của mình. Hãy yêu lấy giống nòi của mình. Chỉ khi người cầm quyền biết thở không khí của nhiều kiếp phận, không thở không khí của phòng họp nhiều ngàn tỷ, thì dòng người trốn chạy tất sẽ tự dừng, chiếc áo quốc thể tự nhiên sẽ chói sáng.
10 quốc gia tập trung nhiều người siêu giàu nhất thế giới

Thế giới hiện có 149.890 người có tài sản từ 50 triệu USD trở lên..
Theo báo cáo tài sản toàn cầu Global Wealth Report do ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse công bố mới đây, thế giới hiện có 149.890 người có tài sản từ 50 triệu USD trở lên.
Sau đây là 10 quốc gia tập trung số lượng lớn nhất người siêu giàu – được Credit Suisse định nghĩa là những người sở hữu tài sản từ 50 triệu USD – theo báo cáo trên:
10. Australia

Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và có GDP bình quân đầu người xếp thứ 6 thế giới. Nước này còn là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất về chất lượng sống, tiêu chuẩn y tế và giáo dục. Với môi trường hấp dẫn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Australia có 2.910 người siêu giàu.
9. Canada

Canada là một quốc gia phát triển và yên bình, không có xung đột sắc tộc hay bất ổn chính trị. Không chỉ nằm trong top 10 nước có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, Canada còn là thành viên của nhóm G7 và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Canada có 3.010 người sở hữu từ 50 triệu USD.
8. Pháp

Mạnh về lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ, Pháp còn là một trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Di sản văn hóa to lớn của Pháp được xem là kết quả của những làn sóng di cư trong toàn bộ lịch sử nước này. Pháp hiện có 3.040 người siêu giàu.
7. Italy

Italy là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Các khu vực khác nhau của nước này có mức độ phát triển kinh tế rất khác biệt. Nếu như miền Bắc Italy có nền kinh tế phát triển mạnh dựa vào công nghiệp, thì khu vực phía Nam lại có nền kinh tế èo uột và dựa nhiều vào kinh tế ngầm, trong khi các khu vực ở miền Trung khá trì trệ.
Gần đây, Italy chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế, nhưng nước này vẫn có 3.220 người có tài sản từ 50 triệu USD.
6. Ấn Độ

Trong 2 thập kỷ qua, kinh tế của quốc gia thuộc khu vực Nam Á này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5% mỗi năm. Ngoài ra, lực lượng lao động trình độ cao và thành thạo tiếng Anh của Ấn Độ được nhiều công ty đa quốc gia săn đón. Nhờ đó, Ấn Độ trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tài sản của giới giàu nhanh nhất thế giới. Số người siêu giàu ở nước này được báo cáo của Credit Suisse xác định hiện đạt 3.400 người.
5. Nhật Bản

Nổi tiếng với mức sống cao, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – có 3.580 người siêu giàu. Với năng lực sản xuất khổng lồ, đất nước mặt trời mọc có nhiều mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng như xe hơi, hàng điện tử, sắt thép, tàu biển, hóa chất, thực phẩm…
4. Anh

Dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực của Anh, đóng góp gần 75% GDP nước này. Lĩnh vực ngân hàng phát triển cao và các quy chế giám sát tương đối tự do đã đưa Anh, đặc biệt là thủ đô London, trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Anh có 4.670 người siêu giàu.
3. Đức

Là quốc gia dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, Đức là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Không chỉ vậy, Đức còn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sở hữu một hệ thống an sinh xã hội, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường tốt nhất khu vực. Số người siêu giàu hiện sống ở Đức là 6.320 người.
2. Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng liên tục với tốc độ cao trong suốt 3 thập kỷ qua. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và có 16.510 người siêu giàu.
1. Mỹ

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là quốc gia đi đầu về nhiều chỉ số phát triển kinh tế-xã hội như tiền lương trung bình, chỉ số phát triển con người, GDP bình quân đầu người và năng suất của lĩnh vực chế biến-chế tạo. Dù chỉ chiếm 4,3% dân số toàn cầu, nước Mỹ sở hữu gần 40% tài sản toàn cầu, và có tới 70.540 người siêu giàu.
Vneconomy
Nước Mỹ thời Donald Trump: Từ “cảnh sát toàn cầu” đến “quan tòa thế giới”

Ông Trump ký đạo luật ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2019.
Với tuyên bố Washington sẽ từ bỏ vai trò “cảnh sát toàn cầu”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn biến Hoa Kỳ thành quốc gia đóng vai “quan tòa thế giới” để xây dựng trật tự thế giới mới theo các luật lệ do Mỹ định đoạt. Khi đó, Mỹ có thể khiến thế giới trở thành nơi chỉ có kẻ mạnh mới sống sót.
Ngày 26.12.2018, trong bài nói chuyện với các quân nhân Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Iraq nhân chuyến thăm bất ngờ tới quốc gia Trung Đông này, Tổng thống Mỹ Donald Trumptuyên bố: “Hoa Kỳ không thể tiếp tục đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu” (United States cannot continue to be the policeman of the world) [1].
Nhiều người khi biết được tuyên bố này của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vội mừng thầm và ca ngợi ông là “vị tổng thống Mỹ tuyệt vời nhất từ trước tới nay”. Họ mừng thầm khi nghe tuyên bố này cũng có lý bởi xưa nay nhiều nước trên thế giới đều nhìn nhận Mỹ là “sen đầm quốc tế” hoặc là “ cảnh sát toàn cầu ”. Mỹ luôn sử dụng sức mạnh quân sự vô đối để đe dọa hoặc sẵn sàng can thiệp quân sự vào bất cứ quốc gia nào không đáp ứng lợi ích mình.
Thực tế hàng loạt cuộc can thiệp quân sự của Mỹ sau Chiến Tranh Lạnh đã chứng tỏ điều đó. Thí dụ điển hình là Mỹ bất chấp luật pháp quốc tế đã phát động chiến tranh Iraq lần thứ 1 (1990-1991) và lần thứ 2 (2003), chiến tranh Kosovo (1998-1999), chiến tranh Afghanistan (từ năm 2001 tới nay chưa kết thúc), chiến tranh Libya (2011) và chiến tranh Syria…
Đó là chưa kể các tổ chức “phi chính phủ” mà Mỹ đứng đằng sau đạo diễn và chỉ đạo tiến hành loạt cuộc “cách mạng sắc màu” (cách mạng hoa hồng ở Gruzia năm 2003, cách mạng màu da cam ở Ukraine năm 2004, cách mạng màu hoa tuylip ở Kyrgistan năm 2005…) để lật đổ chính thể ở những quốc gia này và dựng lên chính quyền thân Mỹ tại đó.

Ngày 19.12, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria sau cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực sự khiến Hoa Kỳ chia tay với vai trò “cảnh sát toàn cầu” hay không?
Để trả lời được câu hỏi này cần xuất phát từ một định đề bất biến là dù bất cứ ai là tổng thống Hoa Kỳ thì bằng cách này hay cách khác họ đều hướng tới mục tiêu xuyên suốt là giành và giữ vai trò thống trị thế giới của Washington.
Mục tiêu này đã từng được “bộ chính trị” của phe phái ngầm – thực chất là tập đoàn tài phiệt ở Washington, đặt ra từ đầu thế kỷ 20 tới nay và cũng sẽ không thay đổi trong thế kỷ 21 nếu không có một sự biến chuyển kinh thiên động địa nào làm thay đổi định đề đó.
Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố rằng đối với ông, nước Mỹ là trên hết và ông sẽ làm cho “Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”.ald Trump cũng đã từng tuyên bố, các đời tổng thống Mỹ những năm gần đây giống như “ông vua chột một mắt thống trị xứ mù”.
Theo đó “ông vua chột” đã không nhìn thấy thế giới đã hoàn toàn đổi thay đến chóng mặt, trong đó, theo ông Donald Trump, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về kinh tế, còn Nga đã đứng đầu thế giới về quân sự, thế nhưng “những kẻ mù” là đồng minh của Mỹ vẫn tiếp tục “lợi dụng và sử dụng quân đội hùng mạnh của Mỹ để bảo vệ họ” trước những nguy cơ không có thật.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố rằng hợp tác với Nga chỉ có lợi cho Mỹ và những ai không tin điều đó chỉ là những kẻ ngốc. Ông Donald Trump cho rằng, các đời tổng thống vừa qua đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” sau khi Mỹ giành thắng lợi trong Chiến Tranh Lạnh [2].
Lúc này Mỹ phải hành động nhanh và ngay để giành lại vị thế đã mất.Nhưng giành bằng cách nào? Điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ đã “bị các nước khác lợi dụng lực lượng quân đội phi thường của Mỹ để bảo vệ họ” mà không chi trả xứng đáng chỉ là một trong những khiếm khuyết chiến lược của Hoa Kỳ cả trước và sau Chiến Tranh Lạnh.
Trên thực tế, câu chuyện còn nghiêm trọng hơn rất nhiều và mang tính thời đại vô cùng sâu sắc.
Đó là, theo ông Donald Trump, Trung Quốc đã sử dụng mô hình kinh tế thị trường do nhà nước quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lợi dụng những lỗ hổng trong mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ và Phương Tây để trục lợi.
Theo cách nói hình ảnh của các chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị thế giới, thì Trung Quốc đang đẩy Mỹ ra khỏi chính ngôi nhà mang tên “toàn cầu hóa” hoặc “Mỹ hóa toàn cầu” do Washington dựng lên sau Thế Chiến II.
Do đó, đã đến lúc Mỹ cần xây dựng một ngôi nhà khác do Washington, chứ không phải Bắc Kinh, là chủ nhân. Theo đó, thay vì hành động trong khuôn khổ các thể chế đa phương – cơ sở nền tảng của hệ thống quan hệ quốc tế sau Thế Chiến II, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển sang cơ chế hợp tác song phương với các quốc gia có chủ quyền [3].

Vào tháng 3.2018, Mỹ bắt đầu khởi động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn không chống lại chủ nghĩa toàn cầu hóa để quay về với chủ nghĩa biệt lập, mà ông đang đi theo một mô hình chủ nghĩa toàn cầu hóa khác khiến Trung Quốc không thể trục lợi. Bằng sách nào?
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau những nỗ lực bất thành của các đời tổng thống trước đây nhằm duy trì trật tự thế giới đơn cực và quá trình toàn cầu hóa theo “sự đồng thuận Washington”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới mà trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò là “ quan tòa của thế giới ” [4].
Với vị thế quan tòa ấy, Mỹ sẽ phán xét và định đoạt mọi điều ước quốc tế theo điều kiện do Washington sắp đặt và mang lại lợi ích cho Washington nhằm hướng tới mục tiêu “Make America Great Again”, trong đó những quốc gia như Nga, Trung Quốc hay Iran nếu không muốn gia nhập trật tự đó sẽ bị Mỹ loại bỏ khỏi hệ thống này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kêu gọi các quốc gia trên thế giới “hãy trở nên dũng cảm, tự chủ, thông minh để từ bỏ trật tự thế giới hình thành sau Thế Chiến II và sống theo trật tự thế giới mới” mà Mỹ đang xây dựng.
Ông Donald Trump kêu gọi các nước nên noi gương nước Anh chia tay với Liên minh châu Âu (EU) sau khi thất bại trong việc hoạch định một chiến lược hợp tác có hiệu quả với liên minh này [4].
Theo cách diễn giải của Ngoại trưởng Mike Pompeo, là quốc gia đóng vai trò “quan tòa của thế giới”, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump “sẽ từ bỏ hoặc xem xét lại mọi hiệp định và hiệp ước quốc tế đã bị lạc hậu và có hại đối với các lợi ích của Hoa Kỳ, các thỏa thuận thương mại quốc tế không đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền của Mỹ và các đồng minh” [4].
Ông Mike Pompeo nhấn mạnh:“Trong bất cứ trường hợp nào, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất nắm quyền lãnh đạo trật tự thế giới mới. Dựa trên nguyên tắc này Mỹ sẽ xây dựng quan hệ với tất cả các quốc gia khác có chủ quyền. Mỹ sẽ ủng hộ và bảo vệ bất cứ quốc gia nào gia nhập trật tự thế giới mới, công bằng, tuyệt đối minh bạch và hạnh phúc”.

Mỹ cũng đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JPCOA) và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga.
Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết định thể hiện vai trò của nước Mỹ là “quan tòa của thế giới”. Đó là:
1. Đưa Mỹ rút khỏi Ủy ban khoa học và giáo dục của LHQ (UNESCO) với lý do mối quan ngại ngày càng tăng của Washington đối với UNESCO và do sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này.
2. Tuyên bố sẵn sàng trừng phạt những quốc gia bỏ phiếu chống lại các nghị quyết do Mỹ đề xuất hoặc bảo trợ tại LHQ. Thậm chí, Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi LHQ.
3. Cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nếu định chế này không đối xử với Mỹ tốt hơn.
4. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi nếu tiếp tục đi theo hiệp định này Mỹ sẽ bị thâm hụt cán cân thương mại “kinh niên” với các nước thành viên. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, ông không chấp nhận bất cứ hiệp định thương mại nào khiến Mỹ thâm hụt cán cân thương mại.
5. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bởi hiệp định này cản trở Mỹ trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
6. Đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran bởi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Teheran đang lợi dụng thỏa thuận này để phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa Israel là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông. Ngoài ra, Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran còn mang lại nhiều lợi ích cho các đối tác cạnh tranh với Mỹ là Nga, Trung Quốc và EU.
7. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga về tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bởi theo Washington, hiệp ước này cản trở Mỹ phát triển và triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Châu Âu khi thực hiện chiến lược tấn công phủ đầu vào các căn cứ tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.
8. Áp đặt mọi biện pháp cấm vận cần thiết nhằm ngăn chặn dòng khí đốt của Nga tới Châu Âu, buộc các nước trên châu lục này phải mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ.
9. Đưa quân Mỹ rút khỏi Syria và Afghanistan. Trong bài phát biểu khi tới thăm Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quân đội nước này đang có mặt ở những quốc gia mà “hầu hết người Mỹ không biết tên”.
Theo ông, đây là “điều nực cười” và khẳng định những nước mà Mỹ hiện diện quân sự ở đó “phải xì tiền ra” để trả phí dịch vụ an ninh cho Washington. Theo đánh giá của các chuyên gia, Mỹ đã tung hàng nghìn tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Tổng thống Donald Trump cho rằng sau 14 năm quân Mỹ ở Afghanistan đã không giải quyết quyết được vấn đề mà chỉ tạo thêm vấn đề. Do đó, ông quyết định đàm phán với Taliban, thay vì tiêu diệt Taliban.
10. Bỏ phiếu chống Hiệp ước di cư toàn cầu đã được Đại hội đồng LHQ thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 19.12.2018 với lý do hiệp ước này sẽ tạo ra làn sóng di cư ồ ạt tới Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đang ra sức ngăn chặn.
11. Sắp tới, có thể Mỹ sẽ từ bỏ Công ước Montreux, mở đường cho tàu sân bay của Mỹ hiện diện ở Biển Đen trong cuộc cạnh tranh toàn diện với Nga.
Với những quyết định trên đây và có thể có nhiều quyết định nữa trong thời gian tới, ông Donald Trump đang đưa Mỹ từ vị thế “cảnh sát toàn cầu” sang vị thế “quan tòa thế giới”.
Bình luận về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm xây dựng trật tự thế giới mới theo sự sắp đặt của Washington, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố rằng chính sách này đang đưa thế giới tới kỷ nguyên của “luật rừng” mà ở đó chỉ có kẻ mạnh sẽ sống sốt. Nếu Mỹ thấy chấp nhận một trật tự thế giới như vậy, thì nhiều nước khác sẽ không thấy như thế” [4].
Tài liệu tham khảo
[1] Trump defends Syria policy during surprise visit with US troops in Iraq. http://georgia.nris.com/news/Trump-defends-Syria-policy-during-surprise-visit-with-US-troops-in-Iraq-77379
[2] Соединённые Штаты не хотят воевать в угоду банковским монополиям (Тьерри Мейсан). http://rodon.org/polit-181226104236
[3] Пересмотрим итоги Второй мировой»: США заявили о новом мировом порядке. http://maxpark.com/community/13/content/6574708
[4] Новый миропорядок: США хотят возглавить мир на своих условиях. http://maxpark.com/community/13/content/6575759
theo VietTimes